Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

20210919. NGÂN QUỸ CHÍNH PHỦ CẠN KIỆT ?

  ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ TÀI CHÍNH NÓI GÌ VỀ THÔNG TIN 'NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG GẦN NHƯ KHÔNG CÒN ĐỒNG NÀO'

BÍCH DIỆP/ DT 17-9-2021
Dân trí

 

Bộ Tài chính đã lên tiếng "nói lại cho rõ" thông tin cho rằng ngân sách khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ còn chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoản đang trình dự toán.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: VGP).

Ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo Bộ Tài chính, về nội dung này có nhiều thông tin báo chí nêu: Ngân sách rất khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình UBTVQH điều chỉnh dự toán thì mới chi được.

Được biết, thông tin báo chí dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi báo cáo với UBTVQH.

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi của Bộ Tài chính được phát hành ngay chiều nay (17/9), cơ quan này cho rằng thông tin trên làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách Nhà nước.

Nói lại một lần nữa cho rõ, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/9 với nội dung bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH là hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện tại, đề xuất này đã được trình lên UBTVQH và có thể trong tuần tới sẽ được xem xét thông qua. Trong thời gian chờ phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết thì các địa phương và các đơn vị vẫn sử dụng nguồn tài chính đã chi từ trước để cân đối.

Về tình hình cán cân ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh vĩ mô bất lợi song thu ngân sách vẫn ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch thu cả năm nay, và tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 820.000 tỷ đồng (tăng 12% so cùng kỳ).

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đánh giá kết quả thu ngân sách trên là tích cực nhờ nguồn thu tăng đột biến tại các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô.

Tại phiên họp hôm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính chung các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng. Ông chia sẻ, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp cũng đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.

"Vào lúc khó khăn này, đây chính là 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' để hỗ trợ doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói. Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, NHNN đã đề nghị không triển khai. NHNN cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Được biết, sau khi xem xét, thảo luận, UBTVQH đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10.

Bích Diệp

HIỂU SAO CHO ĐÚNG THÔNG TIN 'NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG GẦN NHƯ KHÔNG CÒN ĐỒNG NÀO'

LƯƠNG BẰNG/ VNN 17-9-2021

Ngân sách dự phòng Trung ương đã chi hết, trong khi nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn.

Thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 16/9, đáp lại những ý kiến về việc bổ sung thêm các gói, chương trình hỗ trợ DN, báo chí trích lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn. Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.

Chiều 17/9, Bộ Tài chính phát đi thông tin làm rõ lại phát biểu này.

Thông tin 'Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào': Hiểu sao cho đúng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH, hiện nay Ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ) đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn. Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ điều chỉnh vào Dự phòng Ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, một thông tin khác được đưa ra cũng khiến nhiều người băn khoăn. Đó là trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, DN đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.


Con số “thu thuế hiện giảm gần 50%” khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi lẽ, báo cáo mới nhất cho thấy thu ngân sách vẫn tăng khá cao trong 8 tháng đầu năm. Như vậy, phải hiểu con số Bộ trưởng Tài chính nêu ra như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán).

Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020.

Về thu từ xuất nhập khẩu 8 tháng, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/8/2021 đạt 256.920 tỷ đồng, tăng tới 29,35% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này có nghĩa, cả thu nội địa và thu từ xuất nhập khẩu đều có mức tăng khá cao. Đó là chưa kể hàng chục nghìn tỷ được gia hạn thuế, tiền thuế đất chưa nộp.


Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách tháng 8 đã cho thấy tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách.

Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Tài chính diễn ra vào  ngày 7/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phần nào làm rõ hơn về con số Bộ trưởng Tài chính đưa ra, rằng thu thuế giảm gần 50%.

Nếu tính theo khu vực kinh tế, số thu tháng 8 từ 3 khu vực kinh tế chỉ đạt 24.700 tỷ đồng, bằng 43% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm. Trong đó, thu từ khu vực DN Nhà nước; DN có vốn đầu tư nước ngoài và  khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt lần lượt là 60%; 41%; 35,7%. Tỷ lệ này cũng cho thấy khu vực ngoài quốc doanh đang bị tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid.

Theo Tổng cục Thuế, riêng đối với 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tỷ trọng chiếm gần 70% tổng thu ngân sách (trừ dầu) thực hiện 7 tháng, số thu chiếm 66,1% tổng thu ngân sách nhưng thực hiện tháng 8 chỉ chiếm 55,6% giảm trên 10% so với thực hiện 7 tháng.

Đây là những con số khiến ngành Tài chính âu lo vì số thu thuế tháng 8 giảm mạnh so với các tháng trước.

Thông tin 'Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào': Hiểu sao cho đúng
Thu ngân sách chịu tác động từ dịch Covid-19, nhất là từ tháng 8. Biểu đồ: Lương Bằng

Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần từ tháng 4 đến nay. Tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng; tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).

Điều này báo hiệu những tháng cuối năm, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động nhiều, thì thu ngân sách có khả năng bị ảnh hưởng mạnh.

Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu, qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả, kiến nghị với UBND các tỉnh.

Còn tình hình đến nay, ngân sách vẫn đang tăng thu, không giảm. Thậm chí, do tiến độ chi ngân sách thấp hơn tiến độ thu ngân sách (chi đầu tư công giải ngân chậm), nên về tổng thể cân đối ngân sách 8 tháng vẫn đang "bội thu", tức thu nhiều hơn chi. Đáng chú ý, cân đối ngân sách trung ương có bội chi (chi nhiều hơn thu), còn ngân sách địa phương có thặng dư lớn.

Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách tháng 8 giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính như: thuế GTGT chỉ đạt 57% số thu bình quân 7 tháng đầu năm; thuế TTĐB chỉ đạt 59,5%; thuế TNCN chỉ đạt 60%; thuế BVMT chỉ đạt 3.800 tỷ, bằng 72% số thu bình quân 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng 8 chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức bình quân 7 tháng đầu năm đến trên 2.300 tỷ đồng. 

Lương Bằng

NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG RẤT KHÓ KHĂN, CHỜ TIẾT KIỆM CHI 14.600 TỈ

BẢO NGỌC/ TT 17-9-2021

TTO - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách rất khó khăn. Khoản tiết kiệm chi khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho điều chuyển sang để chi.

Ngân sách trung ương rất khó khăn, chờ tiết kiệm chi 14.600 tỉ - Ảnh 1.

Nhiều hộ kinh doanh tại TP.HCM vẫn đóng cửa do COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong cuộc họp Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16-9, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hỗ trợ DN, người dân khó khăn do dịch COVID-19 trước ngày 1-10.

Ngân sách rất khó khăn

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay ngân sách rất khó khăn.

Theo ông Phớc, hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.

Trình bày nội dung dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nội dung nghị quyết tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm thuế nhập khẩu với nhiều nhóm mặt hàng; giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thêm 4 nhóm chính sách hỗ trợ DN, người dân. Đó là giảm 30% số thuế TNDN năm 2021, miễn thuế quý 3 và 4-2021 đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Dự kiến sẽ có khoảng 1,4 triệu hộ, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, giảm 30% thuế GTGT cho các DN, tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12-2021, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán. Miễn tiền phạt chậm nộp thuế, phí; Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức bị lỗ năm 2020.

Hỗ trợ DN không có doanh thu, thua lỗ

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ giảm thuế TNDN. Đồng thời cần rà soát, loại trừ lĩnh vực có tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng nên có chính sách hỗ trợ thêm cho các DN không có thu nhập chịu thuế, chính họ mới là người khó khăn nhất. Với DN không có lãi, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, lưu ý: ban soạn thảo cần làm rõ chính sách hỗ trợ thuế GTGT, đây là thuế gián thu. Nhưng nền kinh tế của chúng ta hiện chưa sử dụng nhiều hóa đơn, rất nhiều mặt hàng hộ kinh doanh không sử dụng hóa đơn. Chính sách hỗ trợ này khó đến tay người tiêu dùng.

Hỗ trợ lãi suất, giảm 1% cần 30.000 tỉ

"Lợi nhuận của khối ngân hàng hiện rất cao, tổ chức tín dụng lãi tăng nhưng các DN lại rất khó khăn, vậy việc giảm lãi suất ngân hàng có khó khăn hay không?" - ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng nên có gói hỗ trợ lãi suất, bởi nếu ngân sách bỏ ra 2.400 tỉ đồng hỗ trợ DN ở mức lãi suất 4% thì có thể huy động tới 60.000 tỉ đồng vào nền kinh tế.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải rằng quy mô tín dụng hiện nay rất lớn. Nếu chỉ hỗ trợ lãi suất cho khu vực DN chịu ảnh hưởng bởi dịch thì quy mô dư nợ khoảng 4 triệu tỉ đồng, còn khu vực DN ảnh hưởng đến mức khó khăn khoảng 3 triệu tỉ đồng. Nếu hỗ trợ khoảng 1% thì khoản hỗ trợ tương đương 30.000 tỉ đồng.

Nhu cầu hiện nay của nền kinh tế rất lớn, nguồn lực có hạn nên chọn đối tượng cần để hỗ trợ, chẳng hạn như hỗ trợ sản xuất lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn. Hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch ở phía Nam, đặc biệt tại Bình Dương và Đồng Nai, nhưng không còn ngân sách hỗ trợ. 

Giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.

Không để yếu kém cản trở thực thi chính sách hỗ trợ

Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nói tới vấn đề bóc tách đối tượng cần hỗ trợ, bổ sung thêm gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ DN không có doanh thu, thua lỗ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc hỗ trợ dựa trên chi phí thay vì dựa trên số thuế phải nộp. Trước hết là hỗ trợ chi phí lao động, hỗ trợ chi phí đầu vào.

"Nhà nước không mất đồng xu nào cả, chẳng qua là dồn thuế vào kỳ sau khi kinh tế phục hồi lên thì thu. Đây là sự san sẻ" - ông Vương Đình Huệ khẳng định. Chính sách này không chỉ nghiên cứu đề xuất cho năm 2021 mà còn cho cả 2022 nữa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát xem chính sách tín dụng, lãi suất hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong diện ưu tiên. Ví dụ hàng không, nhiều hãng hàng không chưa nhận được hỗ trợ. Cần xem lại chính sách hỗ trợ có chọn lọc, có mục tiêu, tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực.

Về việc bóc tách đối tượng hỗ trợ, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng cục Thuế có dữ liệu từng ngày, từng giờ mà nói không tách bóc được thì không biết có đúng không? Nếu hỗ trợ tất cả thì có những vùng, ngành không bị ảnh hưởng do COVID-19.

Chẳng hạn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế doanh thu hay kinh doanh trực tuyến cũng không ảnh hưởng vì COVID-19.

Theo ông, với nguồn lực có hạn, nếu hỗ trợ không thể dàn đều. Ví dụ hộ kinh doanh TP.HCM từ đầu năm đến nay chịu trận hết, Hà Nội cơ bản cũng vậy, nhưng một số tỉnh khác lại không bị ảnh hưởng. Cần bóc tách đối tượng hỗ trợ, để có thể hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn.


NGÂN SÁCH HAY NGÂN SÁCH DỰ PHÒNG 'GẦN NHƯ KHÔNG CÒN ĐỒNG NÀO' ?

TRÂN VĂN/ TD 17-9-2021



Nhiều người bàng hoàng khi nghe ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào!

Song song với thông tin động trời ấy, trong cuộc họp giữa chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16 tháng 9, ông Phớc nói thêm rằng: Chính phủ không còn tiền hỗ trợ cho hàng chục ngàn quân nhân, công an đang tham gia chống dịch ở Bình Dương, Đồng Nai và giờ chỉ trông vào khoản dư ra từ… tiết kiệm chi, khoảng 14.620 tỉ (1)!..

Độc giả của một số cơ quan truyền thông chính thức đã bày tỏ nhiều nhận xét khác nhau trên diễn đàn của các cơ quan truyền thông này về những thông tin đề cập. Không ai giấu được sự lo âu. Một số độc giả của tờ Tuổi Trẻ như Hoi – bình thế này: Cứ chống COVID-19 như hiện nay – phong tỏa, test nhanh toàn thành phố thì ngân sách lớn cỡ nào cũng không chịu nổi. Vấn đề bây giờ là hạn chế phong tỏa để cho các doanh nghiệp sản xuất có nguồn thu, đừng làm xét nghiệm tràn lan, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Có như vậy ngân sách mới kham nổi!… Hoặc như Ngoc – so sánh thế này: Nhà mình cũng vậy, gần như không còn đồng nào. Sau 30/9, nếu tiếp tục giãn cách là đói thật sự

Còn trên mạng xã hội, song song với việc bày tỏ những nhận xét cá nhân, nhiều người chia sẻ nhận định của bà Vũ Kim Hạnh – Rất nguy: Ngân sách cạn kiệt

Mới một tháng rưỡi trước, ngày 30/7/2021, báo chí đăng: “Ngân sách nhà nước bội thu gần 62 nghìn tỷ đồng sau 7 tháng”.

Còn sau đây là thông tin mới: “Sáng hôm nay, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào”. Đây là thông tin chính thống, chứ không phải do đồn thổi. Tài chính doanh nghiệp, cơ quan của của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, và cả trên tờ Thời báo Tài chính, cơ quan của Bộ Tài chính.

Và trước đó chỉ một ngày, trên mạng xã hội có bài toán về câu chuyện có thể có liên quan nhân quả như sau:

Xài sang hơn cả Mỹ để bắt F0

Hà Nội vừa thông báo đến 14/9 đã phát hiện được 19 ca F0 từ cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc từ 3.128.380 mẫu, trong số này có: 2.311.514 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 816.866 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Thử tính chi phí hoạt động công khai này bằng bài toán học sinh cấp 1:

Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000đ/mẫu, xét nghiệm 634.000/mẫu gộp, tạm tính mẫu gộp là 10).

2.311.514 x 100.000 = 231.154.400.000 đ

2.311.514 x 634.000/10= 146.549.987.600 đ

Chi phí Test nhanh (238.000 đ/mẫu): 816.866 x 238.000 = 194.414.108.000 đ (Đơn giá lấy theo qui định của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021). Tổng chi phí cả hai phương pháp: 572.115.495.000đ (năm trăm bảy mươi hai tỷ, một trăm mười lăm triệu, bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

Kết quả: Phát hiện được 19 F0.

Vậy chi phí để phát hiện 1 F0 là: 572.115.495.000 đ/19ca = 30.111.341.874 đ/ca tức là: Cuộc “xét nghiệm thần tốc” ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để Hà Nội bắt 1 F0 là 30,13 tỉ đồng.

Chưa tính chi phí các nguồn lực khác của cả xã hội phuc vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức “thần tốc” có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội trong thời gian này.

Cách đây ba hôm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn quốc tế, ông có nói: Trong việc kiểm toán hoạt động của nhà nước, nay cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc “huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19”, và cụ thể ông đề cập: “Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

PS: Chúng ta không ai chống xét nghiệm. Nhưng không có nước nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc có hạ tầng dữ liệu và mục đích khác, dám “chơi sang” một cách bất chấp như thế này (không cần tính toán chọn mẫu để tiết kiệm và có hiệu quả thật). Và đây là một cuộc xét nghiệm ở một địa phương thôi. Trên cả nước, đã có bao nhiêu cuộc xét nghiệm “hào phóng” và bất chấp.

***

Ngày 13/9/2021, được chính phủ hỗ trợ, hệ thống truyền thông chính thức, đồng loạt phát hình, tường thuật rộng rãi về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này.

Sau khi Thủ tướng biểu hiện ông rất… sốt ruột, rất… quyết liệt, không chỉ báo giới mà ngay cả mạng xã hội cũng chỉ trích kịch liệt… sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương, đặc biệt là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Kiên Giang, ngày 16/9/2021 – lúc cảnh báo Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào đã được phát – chính quyền tỉnh Kiên Giang cho biết, sẽ chi 128 tỉ để xét nghiệm diện rộng (3)!

Ông Tầm Dương viết thế này sau sự kiện đó: Hôm trước Thủ tướng họp trực tuyến nói với Bí thư Kiên Giang rằng, không biết thì nói không biết, hôm nay tỉnh ấy vâng lệnh, biết rõ nên nói sẽ chi 128 tỷ VND để test đại trà. Sau Sài Gòn, Hà Nội lại tới Kiên Giang, cả nước hơn 60 tỉnh thành, test đại trà thì số mục khả quan nghe qua là biết.

Có người thật thà hỏi kit (bộ xét nghiệm) ở đâu mà lắm thế nhỉ? Đáp – Mớ kit VN đang sở hữu thuộc dòng kit Thạch Sanh, xài bao nhiêu cũng không hết. Mai kia có kỷ niệm gì đó, đại hội gì đó, là ví dụ thế, nhân dân cả nước hân hoan phấn khởi chào đón lại test suốt một lượt. Test xong ai âm tính ra đường cho đông vui, ai dương tính ở nhà vẫn phất cờ căng biểu ngữ hô khẩu hiệu, há chẳng ầm ĩ ru?

Có người lo xa nói: Ngoáy nhiều như thế lỡ dân Việt toang mũi thì sao? Đáp – Tìm được cái may trong cái rủi mới là bậc đại trí. Về khoản chống dịch yên dân thì VN hơi kém nhưng bù lại về khoản thẩm mỹ vá mũi thì VN sẽ thu thập được nhiều kinh nghiệm, lo gì không sánh vai được với liệt quốc Á, Âu?

Có người cầu toàn hỏi: Thế sẽ tuyên truyền thế nào, cổ động thế nào? Đáp – Tuyên truyền thì nội dung là Ngoáy mũi Toàn dân. Trước đó thêm các danh từ như Phong trào, Ngày hội, Tuần lễ, Chiến dịch nữa, cái gì chẳng được. Cổ động ngoài việc nêu ra mục đích xác định còn phải mang tính chất cụ thể và thái độ khẳng định, sẽ căng một biểu ngữ ở tất cả các Trạm Ngoáy mũi Quốc gia trên toàn quốc, trên ghi rõ như sau:

Đây là nơi ngoáy mũi tầm soát người nhiễm COVID, nhiễm ít ngoáy ít, nhiễm nhiều ngoáy nhiều, không nhiễm cũng ngoáy.

***

Chỉ đạo: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là… Thủ tướng. Chỉ đạo biến mỗi phường xã thành một… pháo đài cũng là… Thủ tướng. Xét nghiệm thần tốc trên diện rộng là yêu cầu từ… Thủ tướng. Nếu Thủ tướng không lôi Kiên Giang ra nẹt để biểu diễn rất… sốt ruột, rất… quyết liệt, có lẽ Kiên Giang không chi 128 tỉ chỉ để xét nghiệm. Nếu hệ thống truyền thông chính thức không loan báo, giữa đêm, Thủ tướng vẫn gọi điện thoại cật vấn Bí thư thị trấn, Chủ tịch huyện ở An Giang, có lẽ chính quyền tỉnh này không hối hả thúc giục các cơ quan hành chính dưới quyền của mình… kiên quyết thực hiện giới nghiêm ở khu vực bị phong tỏa

Vậy mà chẳng hiểu sao ngay sau đó, Thủ tướng lại chỉ trích phong tỏa: Có một khu phố thôi, phong tỏa luôn cả xã, cả phường. Có một xã thôi, phong tỏa luôn cả huyện. Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp. Cứ phong tỏa 14 ngày xong thấy có F0 lang thang trong cộng đồng lại phong tỏa rồi lại tiếp tục phong tỏa… Tôi mới hỏi tiếp tục phong tỏa đến bao giờ?… Tôi mới nói anh em bây giờ phải làm lại. Nói phải rất rõ. Làm sao nói phải thật là giản dị. Khoa học ở chỗ giản dị, làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá (5)

Dứt khoát Thủ tướng vẫn vô sự sau khi chỉ đạo xuôi rồi phê phán ngược. Xuôi rồi ngược, ngược rồi lại xuôi, không chỉ khiến hậu quả của đại dịch thêm tồi tệ. Sự rối rắm, bất cập trong quản trị, điều hành đã trình diện thêm một hậu quả nữa vừa được chính phủ xác nhận: Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào!

Dẫu có thế nào thì Thủ tướng vẫn thế, vẫn là một… ngôi sao sáng, vẫn đang… truyền dẫn phong cách làm việc mới (6)!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/ngan-sach-trung-uong-rat-kho-khan-cho-tiet-kiem-chi-14-600-ti-20210916220949865.htm

(2) https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10159974232286122

(3) https://www.facebook.com/profile.php?id=100036818401918

(4) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm

(5) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE

(6) https://cand.com.vn/thoi-su/truyen-dan-phong-cach-lam-viec-moi-tu-nguoi-dung-dau-chinh-phu-i628153/

Blog VOA

RẤT NGUY: NGÂN SÁCH CẠN KIỆT !

VŨ KIM HẠNH/ TD 17-9-2021


Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Thời sự Đà Nẵng

Mới một tháng rưỡi trước, ngày 30/7/2021, báo chí đăng: “Ngân sách nhà nước bội thu gần 62 nghìn tỷ đồng sau 7 tháng”.

Còn sau đây là thông tin mới: “Sáng hôm nay, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào”. Đây là thông tin chính thống, chứ không phải do đồn thổi. Tài chính doanh nghiệp, cơ quan của của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, và cả trên tờ Thời báo Tài chính, cơ quan của Bộ Tài chính.

Và trước đó chỉ một ngày, trên mạng xã hội có bài toán về câu chuyện có thể có liên quan nhân quả như sau:

XÀI SANG HƠN CẢ MỸ ĐỂ BẮT F0

Hà Nội vừa thông báo đến 14/9 đã phát hiện được 19 ca F0 từ cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc từ 3.128.380 mẫu, trong số này có: 2.311.514 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 816.866 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Thử tính chi phí hoạt động công khai này bằng bài toán học sinh cấp 1:

Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000đ/mẫu, xét nghiệm 634.000/mẫu gộp, tạm tính mẫu gộp là 10).

2.311.514 * 100.000 = 231.154.400.000đ

2.311.514*634.000/10= 146.549.987.600đ

Chi phí Test nhanh (238.000đ/mẫu): 816.866 * 238.000 = 194.414.108.000đ (Đơn giá lấy theo qui định của Bộ Y tế tại CV số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021). Tổng chi phí cả 2 phương pháp: 572.115.495.000đ (Năm trăm bảy mươi hai tỷ, một trăm mười lăm triệu, bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

Kết quả: Phát hiện được 19 F0.

Vậy chi phí để phát hiện 1 F0 là: 572.115.495.000đ/19ca = 30.111.341.874đ/ca tức là: Cuộc “thần tốc xét nghiệm” ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để HN bắt 1 F0 là 30,13 tỉ VND.

Chưa tính chi phí các nguồn lực khác của cả xã hội phuc vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức “thần tốc” có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội trong thời gian này.

Cách đây ba hôm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn quốc tế, ông có nói: Trong việc kiểm toán hoạt động của nhà nước, nay cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc “huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19”, và cụ thể ông đề cập: “Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

PS: Chúng ta không ai chống xét nghiệm. Nhưng không có nước nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc có hạ tầng dữ liệu và mục đích khác, dám “chơi sang” một cách bất chấp như thế này (không cần tính toán chọn mẫu để tiết kiệm và có hiệu quả thật). Và đây là một cuộc xét nghiệm ở một địa phương thôi. Trên cả nước, đã có bao nhiêu cuộc xét nghiệm “hào phóng” và bất chấp.

Vũ Kim Hạnh

NGÂN SÁCH CẠN TIỀN, 'BÓP' Ở ĐÂU RA ?

MẠNH QUÂN/ TD 17-9-2021

Theo như một số báo tường thuật một phiên họp hôm qua ở Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, hay còn gọi là Bộ Ngân khố, Hồ Đức Phớc than vãn là ngân sách nhà nước đang hết sạch cả tiền.

Ô, đây là vấn đề cực lớn nhé. Mọi việc lớn nhỏ của quốc gia đều trông vào tiền mà bảo hết xèng thì chết tôi rồi.

Ông nói cụ thể là đang rất khó khăn, nguồn thu giảm 50%, nên khó có kinh phí thực hiện các gói hỗ trợ cho Doanh nghiệp, người dân tiếp theo.

Sau những tuyên bố gói nọ gói kia tổng cộng hàng trăm ngàn, hàng trăm ngàn tỷ năm ngoái thì năm nay, chỉ còn nhõn gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, mà cũng rất ì ạch, là đã thấy ngân khố đuối lắm rồi. Không biết nếu như tình hình dịch không giảm mà còn căng hơn nữa thì làm thế nào?

Nhưng có vẻ như, đến lúc bế tắc, khó khăn các bộ não của Bộ Ngân khố có vẻ chưa vắt hết để truy các nguồn thu.

Theo tôi còn rất nhiều nguồn tăng thu mà Bộ Tài chính và các Bộ khác có thể xúm vào giúp để có nguồn tăng cường chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó như sau:

– Quyết liệt truy, soát ngay các khoản của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên vừa rồi đã vận động từ thiện. Cho dù nhiều người vừa rồi đang viết tút, viết báo có vẻ tấn công bà Nguyễn Phương Hằng nhưng theo tôi, chắc chắn ở đây là có chuyện lớn và Nguyễn Phương Hằng thực sự có công trong việc phát hiện ra, làm minh bạch hóa việc thu, chi tiền từ thiện của người dân, thậm chí đáng được khen thưởng nếu cơ quan chức năng kiểm tra và chứng minh Nguyễn Phương Hằng tố cáo đúng.

Một loạt nghệ sĩ, ca sĩ đã huy động số tiền rất lớn, cộng lại hàng trăm tỷ đồng mà không chịu công khai sao kê rõ ràng là có sự không minh bạch và có dấu hiệu tư lợi, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền từ thiện của người dân. Cần phải xem xét, thậm chí khởi tố một số nghệ sĩ nếu có dấu hiệu chiếm đoạt, tư lợi dù nghệ sĩ đó nổi tiếng đến đâu. Ở nước ngoài, ta thấy Ronaldo hay Messi, khi có dấu hiệu ko kê khai đầy đủ thu nhập, Tòa nó gọi ra ngay và sẵn sàng cho án phạt tù, sau phải nộp vội.

– Truy hết các quỹ tài chính, hiện có những quỹ có quy mô hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tổng cộng cũng hàng trăm ngàn tỷ đồng. Một số quỹ vừa rồi đã phải đưa vào sử dụng như Quỹ hỗ trợ thất nghiệp (quá đúng), rồi vô vàn các quỹ ở các ngành, các cấp. Xem tiền phí công đoàn 2% của DN nộp vào Tổng liên đoàn Lao động còn bao nhiêu, chắc không dưới vài chục ngàn tỷ đồng, thì cái tiền đó đem ra mà hỗ trợ DN, người lao động đi chứ còn gì nữa?

– Quyết liệt đấu thầu, đấu giá nhất là đấu giá đất. Mấy năm qua, thu ngân sách tăng cũng chủ yếu từ cái này, toàn tăng gấp mấy lần so với chỉ định thầu thông thường. Thế thì cứ áp 100% phải đấu giá đi thôi.

– Đẩy mạnh bán, khoán, cho thuê DNNN. Chúng ta thấy như Sabeco bán cho ông chủ Thái một phát được 5 tỷ USD, cũng có sao đâu, ngân sách thu được hơn 100 ngàn tỷ đồng, bia Sài Gòn ta vẫn uống, ngân sách vẫn cứ thu… tự nhiên có mớ tiền. Giờ bán thêm nhiều ông nữa; Bia Hà Nội, Các nhà máy thuốc lá của Vinataba, các nhà máy điện… Vào tay tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài thì cơ bản các nhà máy đó vẫn ở VN, vẫn công nhân VN làm, thuế vẫn đóng đủ… Bán một mớ đó cũng có vài trăm ngàn tỷ đồng nữa.

Ngoài ra là tăng thu từ các nguồn mới, cho mở rộng chơi casino…, tạo điều kiện cho DN đi lại dễ dàng hơn, khôi phục sớm các hoạt động Sản xuất kinh doanh, nhất là ở các vùng xanh… cũng giúp ngân sách nhà nước đỡ bi đát.

Phải tay tôi, có thêm 500 ngàn tỷ hay một triệu tỷ đồng bổ sung cho ngân sách, chẳng có gì là không làm được cả.

Mạnh Quân

LAN MAN LẮM CHUYỆN

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 17-9-2021

Phần 1

Hôm 16.9 nghe Bộ trưởng tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu mà hết hồn: “Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào”.

Câu này ông Phớc nói trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp. Hiểu nôm na theo kiểu dân gian là sạch túi rồi. Theo ông thì lý do hết tiền là vì nguồn thu thuế đã giảm 50% do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm chống dịch. Ngân sách quốc gia bình thường phần lớn do nguồn thuế của thành phố HCM và một số tỉnh phía Nam đóng góp, giờ đang gặp đại dịch nên thất thu.

Lâu nay theo mấy báo cáo với con số tăng trưởng không ngờ ta lại nghèo đến thế. Chỉ một tai nạn là hết sạch vốn liếng. Đã nghèo lại chơi hoang, tui nói tiêu hoang chứ không phải chơi sang như người ta thường bảo. Tiêu hoang ở chỗ bỏ ra hàng ngàn tỷ để liên tục xét nghiệm. Đã đành có dịch thì phải xét nghiệm, nhưng chẳng có ai lùng bắt con F0 mà tốn kém như ở ta. Có người nằm nhà vì giãn cách, rảnh quá mới ngồi làm một bài tính đơn giản về chiến dịch thần tốc xét nghiệm để tìm con virus ở Hà Nội vừa qua và kết quả là bóc tách được 19 F0 nhưng tốn mất 572 tỷ, đó là bỏ mất mấy con số lẻ đằng sau rồi đó nghe. Chơi kiểu đó thì nhẵn túi thì đúng quá rồi. Không biết rồi số tiền đó lọt vào đâu nhỉ. Thì cũng phải có chỗ để nó vào chứ, không lẽ từng đó tiền biến mất tiêu vào không khí?

Vào cuối tháng 7, tui còn nhớ đọc báo thấy tin ngân sách nhà nước bội thu 62.000 tỷ đồng chỉ trong bảy tháng đầu năm. Thế mà vèo một cái chỉ trong vòng một tháng chẳng còn đồng nào. Đúng là tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Giờ ngân sách nhà nước cũng y chang như túi tiền của nhà dân. Cả hai đều trống rỗng. Hèn chi thành phố muối mặt ngửa tay kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ cho người nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn do đại dịch mà Bộ Tài chính không gật đầu.

Ừ cũng đúng thôi, hết tiền rồi làm sao mà đồng ý. Chỉ mở kho gạo gởi cho một nửa theo yêu cầu. Mệt dữ à nhe. Một nước mà ngân sách trung ương sạch trơn như thế thì đáng lo quá. Mà dịch bệnh còn lung tung ra đấy, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, hàng hoá ứ đọng, không tiền đóng thuế, làm cách nào để phục hồi kinh tế đây. Căng quá. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Bây giờ dân nghèo rách như thế này, ngân sách sạch bách thế này thì mong chi nữa.

Kiểu này thành phố đang dự định thực hiện gói hỗ trợ đợt ba cho dân nghèo. Không biết có làm được như tính toán không? Có lẽ tiền để dành của thành phố ngó bộ cũng đang cạn rồi. Còn giãn cách, phong toả thì càng bí lối. Càng nghĩ càng lo.

Nhưng rồi ngay sau đó, Bộ Tài chính lại xin nói lại cho rõ kẻo dân hiểu lầm. “Theo Bộ Tài chính, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16-9 bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH, hiện nay Ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỉ đồng) đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỉ điều chỉnh vào Dự phòng Ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 78.600 tỉ đồng. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm ước đạt hơn 1.004 nghìn tỉ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán.”

Thế thì tin ai, tin phát biểu của Bộ trưởng hay tin lời giải thích của Bộ? Xứ này đụng chuyện gì cũng có hai tin ngược nhau, rối não thật!

Lại thêm, sáng nay, trong buổi làm việc trực tuyến giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với UBND các quận 8, Gò vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn. Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trên thực tế khi lập danh sách người để được nhận hỗ trợ đã có trường hợp lập khống danh sách người nhận, ký tên khống, nhận trùng, nhận 2-3 lần vượt quá quy định… Và cũng do vậy nên cũng theo Đại tá Quang, từ ngày 17.8 đến 15.9, ở thành phố đã có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, đứng đầu là quận Bình Tân, kế đến là quận 8, huyện Hóc Môn.

Thiết nghĩ, khi phát hiện ra những tiêu cực trong việc hỗ trợ dân nghèo, chính quyền nên có biện pháp xử lý ngay. Nghe nói thành phố đã vừa thành lập đoàn kiểm tra, mong có biện pháp mạnh tay với những thành phần này. Không gì khốn nạn, đốn mạt và mất hết tính người khi ăn chận của người nghèo, những người đang lầm than, nạn nhân của cơn đại dịch.

Hôm qua thống kê người nhiễm dịch và con số tử vong ở thành phố vẫn chưa được như mong đợi. Chuyện giảm giãn cách cũng như mở cửa ngó bộ cũng còn lâu. Nhìn con số tử vong đã hơn 12.000 người của thành phố, đôi khi tự hỏi sao chết nhiều thế? Và chắc chắn con số sẽ không đúng như con số thống kê báo cáo. Tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy rằng khi bị nhiễm dịch, dù nặng hay nhẹ nếu được chăm sóc tận tình, kỹ lưỡng, theo dõi để cấp cứu kịp thời thì cũng sẽ thoát được cái chết. Ta thấy trên thế giới từ khi có dịch, rất nhiều lãnh đạo các nước bị nhiễm dịch nhưng hầu như tất cả đều qua khỏi. Chẳng có cha nào lâm vào thế hiểm nguy, chỉ đôi tuần là tỉnh bơ đi làm việc. Điều đó cho thấy rằng nếu được chăm sóc kỹ lưỡng thì con virus này cũng khó mà giết người.

Thủ tướng Anh Boris Johnson là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới thông báo nhiễm dịch hôm 27.3.2020. Sau đó ngày 2.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dính. Tiếp đến là Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil. Vào đầu đại dịch, Thân vương Albert II của Monaco và Thái tử Anh Charles nằm trong số các thành viên hoàng gia dính bệnh.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng nhiễm. Cũng cùng khoảng thời gian ông Mikhail Mishustin mắc bệnh, Thủ tướng Nuno Gomes Nabiam của quốc gia Guinea-Bissau ở Tây Phi dương tính cùng với 3 thành viên trong nội các của ông.

Nhiều nhân vật cấp cao khác tại các nước đã mắc virus Vũ Hán gồm: Tổng thống Honduras, Tổng thống Guatemala, Thủ tướng Armenia, Bộ trưởng Nội vụ Philippines, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Bộ trưởng Y tế Ghana, Phó tổng thống Nam Sudan, Phó thủ tướng Tây Ban Nha, Bộ trưởng Nội vụ Úc, Phó tổng thống Iran, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan…

Tại Mỹ, hai thượng nghị sĩ và hơn chục thành viên Quốc hội đã dính bệnh. Tháng trước, thống đốc bang Missouri Mike Parson cũng dương tính. Tất cả những người trong danh sách trên đều khỏi bệnh trong thời gian ngắn. Chỉ có cựu ứng viên tổng thống Mỹ Herman Cain qua đời vì dịch bệnh này hồi tháng 7. Hiện nay cũng có tin Tổng thống Nga Putin cũng đang nhiễm bệnh, nhưng chắc rồi cũng qua mau thôi. Người ta bảo virus lây lan như cháy rừng ở Điện Kremlin: TT Putin tiết lộ hàng chục người thân cận nhiễm bệnh.

Điều này cho thấy nếu được chăm sóc kỹ thì chẳng làm sao cả. Hay là các ông này có thuốc gì đó đặc biệt để hoá giải con virus này? Cũng nghe ông Putin đã chích vaccine Spounik V rồi đấy.

Cũng như vừa rồi thấy tin ông Tập đi dự khai mạc gì đấy, cả đám đông chẳng thấy ai đeo khẩu trang. Có thể virus sợ lãnh đạo chăng? Hay là chúng nó có thuốc giải rồi cũng nên.

Lan man chuyện lung tung cho qua ngày. Rảnh quá mà, he he…

Đỗ Duy Ngọc

Phần 2

Tối hôm qua đang chuẩn bị đi ngủ thì có điện thoại của một ông bạn ở bên Tây gọi về. Sau khi thăm hỏi đúng lệ thường, anh quay qua nói về vụ ông Thủ tướng quay mấy ông lãnh đạo ở Tiền Giang và Kiên Giang mà anh vừa xem được. Anh hỏi tui có phải ông Thủ tướng chơi khăm mấy ông cán bộ ở miền Tây không?

E hèm! Chuyện cũ rồi mà còn quan tâm chi nữa cha nội. Nhưng mà tui cũng nêu quan điểm riêng của tui trong chuyện này. Đây có lẽ là lần đầu tiên, chuyện như thế này được công khai trên báo, trên đài cho công chúng xem. Từ khi có Đảng đến nay mới có chuyện đem cái chuyện không hay chút nào của tổ chức ta bày ra cho toàn dân hiểu.

Cũng như chuyện mấy ông lãnh đạo Sài Gòn livestream đối thoại, trả lời thắc mắc của dân vậy. Chuyện của Sài Gòn thì đúng là những ông cán bộ lãnh đạo mới nhậm chức có bản lãnh đấy. Trả lời không có dàn cảnh, sắp xếp, không chọn câu hỏi trước chứng tỏ các ông ấy phải có tự tin, nắm được tình hình, sâu sát với thực tế mới dám ngồi trực diện như thế. Buồn thay, hai ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang và Bí thư Kiên Giang lại thiếu những khả năng đấy.

Ông Chính hỏi Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh là: “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”? Ông Vĩnh lại trả lời: “Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”. He…he Thủ tướng hỏi chuyện triển khai trạm y tế lưu động, anh Vĩnh Chủ tịch lại trả lời điều trị F0 tại nhà. Chắc ông Thủ tướng bực lắm mới bảo rằng: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau”.

Đến ông Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, khi ông Chính hỏi về con số nhiễm dịch ở Kiên Giang, Bí thư bí, lục tìm trong đống giấy tờ tìm câu trả lời mà không thấy, có một người nhắc tuồng phía đằng sau khiến Thủ tướng đành nói thẳng: “Ông nào cứ nói ở trong phòng ra. Ông nào nắm được thì ra nói đi. Việc gì cứ phải nhắc”. Kkk quê thiệt chớ! Phen này các bố này chắc cũng teo bu gi lắm đấy. Sau đó, các anh ấy lên báo phân bua là có ghi các biện pháp, chiến lược bằng văn bản đầy đủ đấy chứ, nhưng Thủ tướng hỏi chi tiết con số thì đúng là khó nhớ thiệt.

Cái này cũng xin nói thật lòng, Thủ tướng bất chợt hỏi thêm nhiều người lãnh đạo các tỉnh thành khác nữa, tui tin cũng sẽ giống như học trò không thuộc bài như hai người này thôi. Qua đó mới thấy khả năng và tầm của một số không nhỏ lãnh đạo địa phương của xứ ta có vấn đề. Làm người lãnh đạo cao nhất trong việc phòng chống dịch, tình hình dịch đang căng thẳng, bản đồ tình hình dịch màu đỏ như máu thế mà chẳng nắm được gì, hỏi thì cứ loay hoay, ấp úng thì làm sao mà điều hành, làm sao mà chỉ đạo, làm sao mà tìm biện pháp để đối phó với dịch? Và từ đó, ta phải xem lại cách đề bạt và tổ chức cán bộ của ta.

Trong biến cố mới lộ tài năng hay hạn chế của mỗi người. Tình hình của mỗi địa phương mỗi khác cho nên mới cần có cái đầu để suy nghĩ, có khả năng để tư duy đưa ra những biện pháp cụ thể và hiệu quả. Chỉ ngồi đấy họp nhiều rồi đưa ra nghị quyết với hô hào thì hỏng. Khả năng của người lãnh đạo là trong khó khăn phải tìm ra cách để ló cái khôn chứ cái khó bó cái khôn để thành kẻ bất tài, người dở. Những mô hình xé rào của Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin hay ông Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái ở thành phố đã cho thấy những lãnh đạo không ngồi chờ chỉ thị, biết nghĩ phương cách để làm việc, có trách nhiệm với dân và có cái đầu tư duy một chút là giải quyết được bao nhiêu chuyện.

Chuyện tổ chức và đề bạt, xử lý cán bộ của chế độ ta hiện nay còn nhiều bất cập khiến người có tài, có tâm khó được sử dụng. Lại thêm khi vi phạm lỗi lầm muốn kỷ luật, thôi việc hay chuyển nhiệm sở cũng phải qua biết bao thủ tục nhiêu khê. Nhớ ngày trước, chuyện lột lon, bãi chức nhiều khi chỉ trong tích tắc. Ông nào ký bổ nhiệm thì ông ấy có quyền ký giấy về vườn cán bộ của mình rời ghế trong một nốt nhạc. Quân đội cũng thế, lột lon ngay. Tui còn nhớ là một ông hiệu trưởng bị sếp của mình khi đi thanh tra đã ký ngay giấy bãi chức và Hiệu phó tạm thời lên thay làm quyền Hiệu trưởng chẳng qua họp hành gì ráo trọi. Cứ làm không được việc thì về vườn đuổi gà cho vợ.

Thế thôi, không on đơ gì cả. Ngồi mãi ghế đó chỉ làm khổ và tốn tiền thuế của dân. Ngay trong thời phong kiến cũng thế thôi. Giờ muốn cho anh nào rớt chức thì phải họp chi bộ, gởi lên trên, trên xét rồi gởi lên trên nữa, mất một thời gian khá dài rồi mới quyết định. Suốt thời gian dài như thế, kẻ có tội có dư thời gian để chạy chọt, để tẩu tán bằng chứng, tẩu tán tài sản, sắp xếp quyền lợi cho phe nhóm, đàn em và có khi ký thêm nhiều giấy bổ nhiệm cho mấy thằng đệ lên ghế hay quyết định mấy dự án kiếm tiền bỏ túi trước khi về vườn. Mà thôi, chuyện thường ngày ở huyện thế rồi, tám chơi cho vui vậy thôi chứ dễ gì thay đổi, dân có bầu lãnh đạo đâu mà đòi có quyền chi.

Hôm nay báo có đăng một tin khiến nhiều người lo lắng và lãnh đạo thành phố cũng nên suy nghĩ. Đó là thông báo của thượng tá Lê Mạnh Hà – phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM – cho biết theo kết quả thống kê của Công an TP đến ngày 16-9, thông qua ứng dụng VN-EID đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, các trạm kiểm soát dịch trên đường.

Sau khi phát hiện cảnh báo, Công an TP đã xác minh và phát hiện 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại 102 trường hợp là F0.

Trong 102 trường hợp F0 (26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà) có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, lực lượng chức năng đã thu hồi 10 giấy và thông báo hủy giấy đối với 40 trường hợp.

Còn lại các trường hợp khác không thuộc diện được cấp giấy đi đường là những người đang đi cách ly, người đi tiêm ngừa, người đi khám bệnh về nhà… (Báo Tuổi trẻ online ngày 18.9.2021).

Kiểu F0 chạy lềnh khênh ra đường thế kia thì cách ly với giãn cách chẳng có tác dụng gì rồi. Thế thì làm ơn gỡ dây giăng, tháo dây kẽm, đập lô cốt lâu nay chặn khắp đường phố, ngõ xóm cho thông thoáng, cho không gian bớt căng thẳng, cho người dân khi cần có chỗ mà chạy. Bởi chúng có tác dụng gì nữa đâu, để mãi nhìn thấy ghê, nhìn dễ lên tăng xông bỏ mẹ. Còn chốt chặn, còn rào chắn là còn lắm kẻ lộng quyền, còn khó khăn trong chuyện lưu thông hàng hoá, một trong những nguyên nhân giá cả tăng cao chóng mặt.

Dân Sài Gòn khoái ăn bánh mì với cơm tấm. Đó là điểm đặc biệt của người dân thành phố này. Mấy hôm nay nhà nước cho phép bán online nhưng rồi dù lắm kẻ thèm nhưng chẳng dám mua ăn vì choáng với giá quá. Hơn nữa, bánh mì ngon là phải bánh dòn, có thể không còn nóng chứ bèo nhèo như vừa nhúng nước, ăn dai nhách thì còn gì là ngon. Pa tê, jambon, thịt nguội có ngon mấy mà bánh không còn ngon nữa thì cũng chẳng muốn ăn. Bánh mì đem về nhà mà phải đút vô lò nướng lại thì hỏng mất tiêu rồi. Chưa kể ruột bánh nhão nhẹt vì thấm sauce.

Dĩa cơm tấm cũng thế, miếng sườn cũng phải nóng, còn thơm mùi thịt nướng vừa rời giàn than thì mới ngon, về đến nhà lạnh tanh, hạt cơm nguội ngắt, còn ngon chi? Bát phở, tô mì, dĩa bánh cuốn cũng thế thôi, nguội là dở rồi. Thôi thì đành nhịn tiếp, chờ mở cửa rộng ra rồi ăn cho nó đúng vị, đúng kiểu.

Vậy mà mấy ông nhà báo Doanh nghiệp và Tiếp thị chạy tít: Người Sài Gòn “rần rần” đặt đồ ăn online: Quán xá chuẩn bị hàng trăm đơn, shipper hoạt động hết công suất mới kịp giao cho khách”. He…he ở đâu ra mấy cha nội, cứ tưởng thiệt không à! Chỉ có thấy ở tiệm Như Lan người ta chen nhau mua bánh Trung thu thì có thật. Mà tui không hiểu sao lại phải chen lấn nhau, đợi cả hai tiếng đồng hồ để mua được mấy cái bánh vậy nhỉ? Con virus biến chủng Delta này chỉ cần lướt qua là dính thế mà chỉ vì mấy cái bánh mà xem thường sinh mạng quá! Nhiều lúc muốn hiểu mà nghĩ không ra.

Một tin nữa trên báo Thanh niên cũng làm cho người đọc nổi giận, đó là tin: “Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân”. Nội dung bài báo viết rằng người dân ở P.2, Q.8 phản ánh về việc chi tiền hỗ trợ của phường này quá bất cập, đáng ngờ, khiến họ đi tới đi lui và về tay không. Thậm chí, có trường hợp đã qua đời do nhiễm dịch nhưng vẫn cùng nhiều người trong gia đình có tên trong danh sách nhận tiền, nhưng chính quyền địa phương chỉ giải quyết cho 1 trường hợp. Có người ghi thông tin, đăng ký với tổ trưởng tổ dân phố để nhận tiền trợ cấp.

Đến nay đã thấy chi tiền hỗ trợ đợt 2 xong, vẫn chưa nhận được thông báo có được xét duyệt hay không. Qua xác minh người này được xét duyệt nhận tiền trong đợt 2 này, nhưng lại không được lãnh. Không những thế, tên của người đấy có tới 2 lần được ghi trong danh sách nhận tiền với tổng số tiền 3 triệu đồng. Đây là điểm bất thường khiến ai cũng khó hiểu. Có người khi ký nhận tiền thì phát hiện có tên giống hệt mình trong danh sách được duyệt nhận tiền. Nhìn qua mục số điện thoại, chính là số điện thoại của người thân nhưng đã có người ký lãnh mất tiêu rồi. Ở mục địa chỉ cũng có số nhà trùng nhau, chỉ khác tên đường. Nhận thấy có bất thường, hỏi cán bộ phường thì vị cán bộ này nhanh tay gạch tên trường hợp đáng ngờ này mà không giải thích lý do tại sao.

Câu hỏi đặt ra là số tiền nhập nhèm đó đi đâu? Ai lãnh? Có người hỏi các trường hợp được xét duyệt, nhưng không được nhận thì số tiền này có bị thất thoát? Ông Tăng Xuân Phong, Chủ tịch UBND P.2, Q.8 cho hay số tiền này sẽ được chính quyền địa phương nộp lại cho ngân sách nhà nước. Ô hô! Tiền đã vào tay quan mà nói sẽ nộp lại, nghe như chuyện hài.

Nó sẽ vào túi ai đó chứ làm gì có chuyện quay trở về ngân sách nhà nước. Được vậy thì đất nước này đâu đến nỗi thiếu tiền trong ngân sách như ông Bộ trưởng Phớc mới tuyên bố hôm qua. Mà đó chỉ mới là một phường đấy nhé. Thành phố này còn biết bao nhiêu là phường, cũng có rất nhiều phường làm rất tốt nhưng cũng không thiếu nơi ăn chận chẳng khác gì phường 2, Quận 8. Bởi vậy cho nên từ ngày 17.8 đến 15.9, ở thành phố đã có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, theo báo cáo của Công an thành phố.

Đúng là cái gì cũng ăn được. Miếng cơm của người nghèo mà cũng tìm cách ăn chặn, cướp trên tay dân cùng tận đói nghèo thì chẳng còn chi để nói. Chuyện chưa biết rồi sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng là đâu đó vẫn có những cán bộ táng tận lương tâm, ăn tạp, chẳng còn chi chút đạo đức làm người.

Lan man lắm chuyện hôm nay tạm ngừng ở đây, nói riết chẳng thấy chi vui. Hi vọng mốt mai có nhiều chuyện vui lại tám tiếp.

Đỗ Duy Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét