Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

20210905. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG COVID-19 (8)

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

HÀNG THIẾT YẾU: MỖI THỜI MỖI KHÁC

PHAN NHẬT/ TBKTSG 4-9-2021

(KTSG) – Do dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, TP.HCM đã kéo dài thời gian giãn cách kèm với không ít khu vực “vùng đỏ” bị phong tỏa đã khá lâu. Những tưởng, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, những tranh cãi về xác định hàng hóa thiết yếu đã phải dừng lại để có thể thực thi các phương án chống dịch một cách hiệu quả hơn.

Nhưng ngược lại, những cản trở đối với quá trình lưu thông hàng hóa vẫn tiếp diễn mà một trong những lý do vẫn là: thiếu yếu hay không thiết yếu.

Nhu cầu của con người cũng quyết định đến cách ứng xử với hàng hóa.

Phẫu thuật bằng… dao gọt trái cây

Khoảng mười lăm năm trước, bộ phim truyền hình Chuyện tình ở Harvard của Hàn Quốc thu hút tôi vì thông tin về pháp luật Mỹ được phản ánh trong phim. Trong bài giảng về pháp luật Mỹ sau này, tôi vẫn thường minh họa bằng những tình tiết sống động trong phim.

Một trong những tình huống tiêu biểu của bộ phim là quyết định phẫu thuật “dã chiến” của cô sinh viên y khoa. Bối cảnh chính là không gian của căng tin trường và một thanh niên đang ăn thì khó thở và hôn mê. Với tình trạng hiện thời, nạn nhân có thể sẽ ngưng thở trong khoảng mười phút nữa, trước khi chiếc xe cấp cứu nhanh nhất có thể đến.

Với kiến thức tích lũy được, cô sinh viên y khoa quyết định… phẫu thuật để thổi dưỡng khí trực tiếp vào khí quản trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Dụng cụ phẫu thuật phù hợp xung quanh là một con dao gọt trái cây, chai rượu để sát trùng và chiếc ống hút.

Nạn nhân sau đó được chuyển đến bệnh viện và được cứu sống nhưng kèm theo một số di chứng. Nếu có thể được cấp dưỡng khí sớm hơn, nạn nhân có thể đứng dậy được.

Những tranh cãi và kiện tụng bắt đầu, đặc biệt là Trường Y Harvard phải tổ chức xem xét kỷ luật cô sinh viên và cả giáo sư của cô ta. Kết quả, cô đã không đón nhận bất kỳ một án phạt nào khi một quy tắc án lệ về lựa chọn giải pháp cứu người trong tình thế cấp bách được nêu ra. Đặc biệt, ý kiến phản biện các cáo buộc lập luận rằng một người có thể bị ghép vào tội không cứu người khác khi nhận thức được mối nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân và bản thân hoàn toàn có thể cứu giúp.

Sử dụng tùy thuộc hoàn cảnh

Ít ra, câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu rằng, mục đích sử dụng và giá trị của một món đồ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Thường ngày, nó có thể là vật dụng thông thường nhưng đôi khi nó trở nên hữu ích và là thứ không thể thiếu. Thậm chí, nếu không có nó quá trình và nỗ lực giành lấy sự sống cho một con người cũng khó và thậm chí là không đạt được.

Có thể trở lại với câu chuyện về chiếc khẩu trang y tế. Không phủ nhận rằng đây là vật dụng hữu ích để bảo vệ sức khỏe. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang không lạ gì với người dân Việt Nam. Khẩu trang được bán khắp phố và mọi người thường xuyên dùng khẩu trang để… chống bụi. Nhưng lúc bấy giờ, sẽ rất khiên cưỡng để khẳng định khẩu trang là vật dụng bắt buộc phải có mỗi khi ra đường.

Trái lại, khi dịch Covid-19 bắt đầu từ năm ngoái, vai trò của chiếc khẩu trang đã khác, và trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Những cuộc săn lùng và hậu quả là sự khan hiếm nguồn cung trong những ngày đầu đại dịch có thể nói lên điều đó.

Theo lý thuyết, để đánh giá một loại hàng hóa, người ta dựa vào đặc tính và mục đích sử dụng của sản phẩm đó. Khác với đặc tính, mục đích sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu và ý muốn chủ quan của con người. Mà nhu cầu và ý muốn đó có thể thay đổi theo thời gian và tùy hoàn cảnh. Vì vậy, việc xác định mục đích sử dụng của hàng hóa không đơn thuần là mục đích được định sẵn ban đầu và dựa vào tình huống mà vốn dĩ vì nó người ta làm ra sản phẩm.

Lương thực, thực phẩm: Đa dạng hay đồng nhất?

Không thể bàn cãi, lương thực, thực phẩm là hàng thiếu yếu. Nhưng tùy vào mức độ cấp thiết của mỗi hoàn cảnh mà tính thiết yếu của mỗi loại lương thực, thực phẩm được phản ánh rõ nét đến mức nào. Lẽ thường, cơm gạo là thứ tối quan trọng. Nhưng cơm độn khoai, cơm độn bo bo thậm chí chỉ có khoai, sắn, hay bo bo đã từng cứu đói không ít người.

Nhu cầu của con người cũng quyết định đến cách ứng xử với hàng hóa. Với người này, cơm gạo đã là đủ, nhưng với người khác thì cần phải có cá, thịt. Nhưng cũng có người tạm thời chỉ cần thứ giản đơn hơn: mì gói hay lương khô… Chính sự đa dạng nhu cầu đó quyết định đến sự khác biệt về nhu cầu hàng thiết yếu. Sự khác biệt từ đó dẫn đến tranh cãi.

Thời dịch dã không phải là thời… chưa có dịch. Cho nên, khác với thời chưa có dịch, xã hội phải chấp nhận những giới hạn để vượt qua đại dịch, giành lại các cơ hội mà ở đó mọi nhu cầu cá nhân có thể được thỏa mãn. Trước khi điều đó quay trở lại, thay vì duy trì đáp ứng nhu cầu đa dạng ở cấp độ cá nhân, giải pháp hợp lý hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết ở mức để mỗi người có thể sống được và vượt qua đại dịch.

Những yêu cầu của cá nhân tạm thời không được xem là thiết yếu có thể được gác lại. Nhưng chắc chắn, những điều kiện cụ thể trong mỗi hoàn cảnh riêng biệt, đặc thù cần phải được chú ý đến.

Gạo, mì… và gì nữa?

Thực tế, sự phân tầng xã hội một phần được biểu hiện qua sự khác biệt về hoàn cảnh và điều kiện sống. Tiêu chí về nhu cầu “tối thiểu” như gạo, mắm… và thậm chí là số lượng bao nhiêu được vận dụng nhưng những dự liệu về tình huống đặc biệt cũng cần phải được lưu tâm.

Lệnh phong tỏa, giãn cách nếu chỉ có vài ngày, một tuần hay thậm chí một, hai tuần thì mọi người có thể chịu đựng được. Nhưng nếu yêu cầu chống dịch cần phải kéo dài việc hạn chế đi lại, tiếp cận với lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu thì giải pháp trường hơi cần phải được tính toán.

Bài viết mượn hình ảnh “nhai sống” mì gói để giả định cho những tình huống ngặt nghèo mà người dân không có dụng cụ để nấu nướng. Chuyện gì xảy ra nếu bình gas cửa bếp đã hết mà mọi phương cách để được tiếp nhiên liệu không thể thực hiện. Việc trang bị bếp điện có thể cũng gặp trục trặc, vì nhiều lý do, mà một trong số đó có thể là… bếp không phải là hàng thiết yếu. Cần phải hiểu rằng, lương thực, thực phẩm không tự nuôi sống một người. Nó chỉ thực sự hữu ích khi được dung nạp vào cơ thể, và được hấp thụ.

Một liên hệ khác là điện thoại thông minh, là máy tính… Một phần may mắn trong giai đoạn hiện tại là đại dịch bùng phát khi loài người đã tiếp cận gần với công nghệ số, Internet và nhiều thiết bị thông minh khác. Rõ ràng, nếu nền tảng giao dịch trực tuyến này bị ách tắc thì tình hình sẽ còn khốn đốn hơn nhiều.

Điển hình là bối cảnh đặc thù của TPHCM. Có thể thấy, gần như tất cả mọi giải pháp hiện nay đều dính tới công nghệ, ít nhất là thiết bị di dộng có kết nối Internet. Gọi cấp cứu, liên hệ xin hỗ trợ, hướng dẫn y tế cho bệnh nhân cách ly tại nhà và thậm chí là tiến hành khai báo y tế… đều phải dùng đến thiết bị này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu điện thoại không được xem là hàng hóa thiết yếu. Như đã nói, trong điều kiện bình thường, không sử dụng điện thoại (thông minh) không khiến con người ta phải… chết. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thiếu nó con người có thể đối diện với một tình thế nguy kịch không có lối ra.

Rồi như chúng ta đã thấy, khi các thông báo khai giảng và dạy – học trực tuyến được đưa ra thì mối lo lắng lớn nhất là… máy tính. Nếu không xem việc mở lớp là nhu cầu bức thiết thì kế hoạch học tập có thể dừng. Nhưng một khi đã quyết định triển khai (đương nhiên bằng quyết định mang tính quyền lực nhà nước) thì cần phải hiểu rằng phụ huynh và học sinh nhất thiết phải có hàng “thiết yếu” để đáp ứng. File sách giáo khoa có thể được chuyền cho nhau thay vì phải cố gắng mua bộ sách in. Nhưng chính vì nó là file sách nên máy tính, điện thoại lại càng phải có.

Nếu vì giãn cách, và vì cho rằng, đó không phải là hàng thiết yếu và không được lưu thông và phân phối thì phụ huynh, học sinh bằng cách nào để có? Cho nên, thiết yếu hay không thiết yếu – hãy nhìn vào đúng hoàn cảnh để có thể có câu trả lời xác đáng.

'PHÁO ĐÀI' HAY 'LÔ CỐT' LÀ CÁI GIỐNG GÌ ?

MAI BÁ KIẾM/ TD 4-9-2021

VTV1 tường thuật chuyến “vi hành” của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến phường Thanh Xuân Trung đã phê phán chủ tịch phường này không nắm vấn đề cơ bản trong phòng chống dịch và còn cho biết phương châm chống dịch là “mỗi xã, phường, thị trấn là MỘT LÔ CỐT”.

VTV1 cho biết “câu trả lời đó khiến thủ tướng và lãnh đạo Hà Nội vô cùng bất ngờ”! VTV1 hàm ý chủ tịch phường không thuộc “Lời vàng ngọc” của Thủ tướng: “Phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là MỘT PHÁO ĐÀI vì đó là nơi gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất”.

Tôi nói thật, nếu thủ tướng hỏi thêm nhiều chủ tịch phường khác chắn chắn họ sẽ nói phương châm “mỗi xã phường là Một Chiến Hào, Một Địa Đạo, Một Hầm Chữ A…

Vì vô số lãnh đạo phường dốt tiếng Việt, mà chỉ đạo của Trung ương lại dùng những từ “hình tượng hóa” và “quân sự hóa” như “Pháo Đài”, “Tuyến Đầu”, “Sở chỉ huy tiền phương”. Mà khái niệm pháo đài (đó là nơi gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất) rất sai. Trong khi nghĩa đen của pháo đài là “một bệ cao đặt súng lớn”, rồi chủ tịch phường nhớ lộn “phương châm” là “lô cốt” thì có gì sai?

Chủ tịch phường làm sao thông minh bằng biên tâp viên VTV mà thuộc lòng khái niệm của thủ tướng?

Chỉ thị 16 chỉ cho phép người dân ra đường để mua “hàng thiết yếu”. Nhưng Thọ – phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, nói bánh mì không phải là lương thực, không phải hàng thiết yếu! Sở Công thương Khánh Hòa ra văn bản liệt kê hàng thiết yếu, trong đó có “sản phẩm làm từ bột, tinh bột” mà không ghi rõ “bánh mì, bánh ít, xôi, bánh bèo, bột lọc… là sản phẩm làm từ bột, tinh bột” thì Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa nói tất cả loại bánh trên không thiết yếu là đúng văn bản!

Trình độ tiếng Việt của cán bộ như vậy mà lãnh đạo trung ương cứ khoái ví von bằng những từ hình tượng hóa, chiến tranh hóa! Virus nó bay trong không khí, mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo: “Nơi chưa phát sinh thêm ca nhiễm mới phải rà soát từng khâu, từng mắt xích trong hệ thống phòng, chống dịch, bịt chặt từng kẽ hở không cho COVID-19 xuyên qua”, thì chủ tịch phường không lẽ lấy cái quần ra bịt?

Còn, Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo “Không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được, nhưng cũng không thể nới giãn cách xã hội khi chúng ta chưa đủ điều kiện”, thì Tề Thiên Đại Thánh cũng không thực hiện nổi chỉ đạo này chứ đừng nói chủ tịch phường!

Mai Bá Kiếm

KHÔNG HIỂU...

CHU MỘNG LONG/ TD 3-9-2021

Tư lệnh mặt trận giáo dục phát động: Mỗi trường học là một pháo đài, mỗi thầy, mỗi trò đều là chiến sỹ trên mặt trận chống dịch. Rồi phát động phong trào thi đua chống dịch. Không chừng nay mai khắp các trường học giăng thêm khẩu hiệu: “Thi đua chống dịch là yêu nước!”

Thời chiến, Cụ Hồ phát động: “Văn học nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy!”. Nay Tư lệnh giáo dục phát động như vậy là đúng văn mẫu, có sáng tạo theo chủ đề, chủ điểm chống dịch. Quá tốt. Sĩ khí đang hăng, quân thanh càng mạnh. Đường ra trận mùa này đẹp lắm…

Nhiệt liệt hưởng ứng lời phát động của Tư lệnh. Hứa với Tư lệnh, Chu Mộng Long mà phát hiện được quân ôn dịch đâu là bắn sạch đó, không bỏ sót tên nào để lập thành tích. Có ngàn tên bắn ngàn tên, có triệu tên bắn triệu tên, hoặc bắt sống cả đám dâng hết lên cho Tư lệnh!

Nhưng chiến sỹ Chu Mộng Long thú thực không hiểu. Cả ngày ngơ ngác như bò đội nón. Tự thú nhận là tiến sỹ bò.

Thưa đồng chí Tư lệnh, tinh thần chống dịch đối với trường học và với giáo viên thì đã xác định ngay từ đầu, “chống dịch như chống giặc”. Đã thực hiện 5K, 5T nghiêm túc. Các hoạt động học tập, thi cử đang rút lui hết vào pháo đài online: họp online, dạy online, học online, thi online… Suốt cả kỳ hè, cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, mỗi người đều trấn thủ trước lô cốt màn hình tại gia.

Có nghĩa là, theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, mỗi nhà đã là một pháo đài và tất cả đang trấn thủ, trừ những kẻ thiếu ý thức.

Nay Tư lệnh chỉ đạo, rằng “mỗi trường học là một pháo đài”, có nghĩa là không trấn thủ tại nhà nữa mà cả thầy lẫn trò phải tập trung đến trường để trấn thủ, bảo vệ nhà trường, không để nhà trường rơi vào tay dịch? Vậy nếu nhỡ dịch chui thủng vào phòng tuyến trường học diệt gọn cả thầy lẫn trò trong cái pháo đài ấy thì ai chịu trách nhiệm?

Mà quân ôn dịch thì cứ chỗ nào đông người là có nó, nó cứ từ trong đánh ra chứ có phải từ ngoài đánh vào đâu mà trấn thủ?

Khi ấy, hàng triệu giáo viên và học sinh thà chết đến người cuối cùng trong pháo đài chứ quyết không thoát ra ngoài hay đầu hàng dịch à? Có cần phải thi đua chết như vậy không?

Nếu buộc phải thực hiện mệnh lệnh như vậy, xin Tư lệnh tặng cho mỗi chiến sỹ một cái hũ trước để yên tâm chống dịch trong cực lạc.

Thật lòng thấy hoang mang quá! Mong đồng chí Tư lệnh mặt trận giải thích rõ…

Chu Mộng Long

ĐỪNG NGẠO NGHỄ NỮA VỚI SÀI GÒN 

TÂM CHÁNH/ TD 3-9-2021

Đã lỡ ngạo nghễ chống dịch rồi thì đừng ngạo nghễ cho phép chung sống với dịch. Sài Gòn không thể nín thở chờ sai đâu sửa đó. Hồi phục lại cuộc sống của Sài Gòn cũng cấp bách và cần kịp thời như can thiệp thở với bệnh nhân suy hô hấp vậy.

Một kế hoạch hành động khả thi để hồi phục nhịp thở Sài Gòn chính là phải làm sao để các tầng lớp dân cư biết mình phải làm sao cho đúng, và nếu gặp khó khăn thì nhờ trợ giúp như thế nào. Kế hoạch ấy phải có lộ trình và phương pháp đo lường rõ ràng, dễ dàng kiểm soát được.

Lúc này không còn là lúc săn lùng, bóc tách mà phải thiết lập cơ chế để người dân dù ở trình độ nào cũng dễ dàng phát hiện mình có nguy cơ nhiễm bệnh và lây nhiễm, để nhanh chóng hợp tác với cơ sở y tế địa phương, bất kể công hay tư.

Cần tạo ra một môi trường ân cần, được hướng dẫn cặn kẽ để người dân vì bất kì lí do gì còn e ngại trở nên chủ động và kịp thời thông tin khi nghi mình nhiễm bệnh, có bệnh. Cần tổ chức lối sống tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, bảo vệ đối tác của mình bằng cách hiểu thấu đáo, thực hành nghiêm túc các biện pháp hạn chế lây nhiễm như tuân thủ các khuyến cáo về gián cách: đeo khẩu trang phù hợp, hạn chế tiếp xúc gần, giữ phép vệ sinh trước, trong và sau khi giao tiếp.

Song song đó cần hoàn tất kế hoạch chích ngừa mũi 1 và 2 cho cư dân. Tổ chức các điểm chích ngừa tại các điểm kiểm soát ở cửa ngõ ra vào TP, ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị và trung tâm thương mại để sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách vãng lai đến giao dịch ở SG. Đặc biệt, cần chú ý tổ chức phân luồng, quản lí an toàn phòng dịch khi tiếp nhận lượng lao động nhập cư quay trở lại phục vụ đời sống Sài Gòn.

Cần có kế hoạch tổ chức các dịch vụ xã hội theo phương thức thị trường hay thiện nguyện nhằm chăm sóc và bảo vệ các cư dân thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc đối tượng yếm thế, nhất là người neo đơn cao tuổi, tàn tật, có bệnh nền.

Cần thay đổi cách tiếp cận mục an sinh từ cứu đói sang trợ giúp và hợp tác xã hội chăm sóc cụ thể cho các lớp cư dân yếm thế, nâng chuẩn thích ứng với điều kiện sống bảo đảm được yêu cầu giãn cách an toàn trong đời sống đô thị. Có điều kiện và cách thức mở lại thích hợp các khu nhà trọ. Cần soát xét và có kế hoạch hỗ trợ các chủ nhà trọ nâng cao điều kiện đáp ứng chỗ trọ đáp ứng được các điều kiện phòng dịch.

Cần rà soát lại mức độ thích ứng của hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở cơ sở, củng cố khả năng đáp ứng của hệ thống này cả về điều kiện nhân lục và trang bị với dịch bệnh và tai biến đô thị. Thúc đẩy các chương trình hợp tác công tư, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện chăm lo cho mục tiêu y tế này ở các dịa bàn dân cư.

Cần xúc tiến các kế hoạch và hoàn tất việc chuẩn bị ở cấp phường xã, quận huyện đến trước 15.9.2021 để sau thời điểm này khôi phục lại việc đi lại, các hoạt động thương mại ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống các cửa hàng, cơ xưởng.

Chỉ mở cửa lại trường học khi đã có các biện pháp bảo đảm phòng dịch của gia đình, các tụ điểm công cộng như chợ, shop, siêu thị, trung tâm mua sắm, rèn luyện thể dục, thể thao. Mục tiêu này không thể nhanh hơn trước Tháng 10.2021.

BƯỚC NGOẶT TRONG TƯ DUY CHỐNG DỊCH

TƯ GIANG/ TVN 1-9-2021

Chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố, Thủ tướng có một chỉ đạo mang tính bước ngoặt.

Thích nghi với dịch bệnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại cuộc họp ngày 29/8: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.

Quan điểm này được đưa ra sau khi Thủ tướng phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế… và đặc biệt là sau chuyến đi thực tế với rất nhiều kinh nghiệm phong phú ở các tỉnh phía Nam trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo.

Bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19
Thủ tướng thị sát, kiểm tra việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân tại chợ đầu mối Đông Phú, phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nhật Bắc

Cá nhân tôi rất tán thành với quan điểm này. Virus Sars-Cov-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được trong khi người tiêm đủ vắc xin vẫn nhiễm và lây truyền virus. Cách tiếp cận của chúng ta vẫn phải theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ. Chúng ta sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa hệ thống bệnh viện quá tải thì sẽ tiến hành phong tỏa.

Còn nhớ, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị thay đổi tư duy, cách thức chống dịch khi Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp gần đây. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) bổ sung thêm, ngành thuỷ sản đã xác định sẽ phải “sống chung” với đại dịch lâu dài do nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà kinh tế học đã nhận định nhân loại sẽ phải “sống chung với đại dịch”.

Những đánh giá đó của các hiệp hội không mới vì thế giới đã phải điều chỉnh, thích nghi với chủng Delta có hệ số lây nhiễm quá cao, làm thay đổi mọi kinh nghiệm chống dịch trong quá khứ. Theo WHO, 142 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta. Chỉ trong 6 tháng, thế giới đã có thêm 100 triệu ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt 200 triệu ca vào đầu tháng 8.

Úc, quốc gia có cách phòng chống dịch khá tương đồng như Việt Nam - truy vết, phong tỏa chặt - nay đã có cách nhìn khác. Thủ tướng Scott Morrison, dù bảo vệ chiến lược phong tỏa cho đến khi đạt 70% dân số tiêm ngừa đầy đủ, cho rằng cần chuyển trọng tâm từ số ca bệnh sang tỉ lệ nhập viện. Ông thừa nhận khó đạt mục tiêu ‘Zero-Covid’. Nhận thức của ông có được sau khi Úc liên tiếp thực hiện phong tỏa khi có vài ca mắc mới, nhưng cứ dỡ phong tỏa lại có các ca mắc mới xuất hiện. 

Đảm bảo luồng xanh

Tư duy, quan điểm mới, như Thủ tướng nói, đó là rất quan trọng trong các bước chống dịch và phát triển kinh tế tới đây. Phong tỏa dài giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh hệ thống y tế quá tải, nhưng ở góc độ khác, làm kiệt quệ sinh kế, làm đứt gãy chuỗi sãn xuất và lưu thông.

Đáng lo lắng hơn, không ít địa phương đã thực hiện các biện pháp rất cực đoan, be bờ, đắp đập, rào làng, rào tỉnh, rào quốc lộ... về thực chất là làm cho hàng hóa dồn ứ ngoài cảng, trong kho, rau quả rục chín trên đồng, gà lợn không có thức ăn, và người cũng thiếu ăn vì sản xuất và lưu thông tê liệt.

Chẳng hạn, Cần Thơ ra quy định, toàn bộ xe vào TP phải giao cho đội lái xe trong nội đô lái vào nhưng đội lái xe không đủ lực lượng, không đủ năng lực để làm, gây ách tắc với hàng đoàn xe nối dài tại cửa ngõ.

Tình huống đó làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phái gắt lên khi đối thoại với lãnh đạo Cần Thơ: “Các anh gây bức xúc khi hàng hóa cả khu vực miền Tây không đi qua các anh được; hàng chất lên, chất xuống, chờ đợi cả 10 tiếng đồng hồ, tốn bao nhiêu chi phí cho doanh nghiệp".

“Tôi ước gì cái cầu Cần Thơ được ở tỉnh khác, đừng nằm ở TP Cần Thơ. Cầu trọng điểm nằm ở địa phương các anh mà các anh làm khó người ta thì ai mà ưa Cần Thơ cho được. Tôi là dân ĐBSCL mà tôi cũng ghét Cần Thơ đó”, ông nói. 

Trước thực tế các địa phương cát cứ, gây ách tắc lưu thông, Thủ tướng đã phải ban hành văn bản yêu cầu, các địa phương bãi bỏ ngay những quy định cản trở lưu thông hàng hóa và dứt khoát không ban hành giấy phép con, nếu có thì Bộ Giao thông Vận tải phải phê bình, chấn chỉnh, báo cáo Thủ tướng nếu Bộ không xử lý được.

Bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19
Ảnh: Thanh Tùng

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Tất cả đường là luồng xanh, mọi hàng hóa đều thiết yếu”.

Chúng ta chống dịch để cứu sinh mạng là điều rất quan trọng nhưng cứu sinh kế của nhân dân, sản xuất và lưu thông của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Nhận thức đó phải được thống nhất mới tránh được những đổ vỡ không đáng có và có chiến lược hiệu quả trong cuộc chiến trường kỳ chống virus.

Vẫn biết nếu dịch bùng như TP.HCM và các tỉnh phía Nam, phải phong toả rất chặt thì hệ luỵ vô cùng lớn, sụp đổ cả y tế lẫn kinh tế và sinh kế. Nhưng từ kinh nghiệm ở đó đã rút ra nhiều bài học tốt như mở lại chợ, cho shipper công nghệ hoạt động, không rào quốc lộ để đảm bảo lưu thông...

Cá nhân hóa chống dịch

Từ quan điểm của Thủ tướng “xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tôi cho rằng phải cá nhân hóa việc phòng và chống dịch bệnh. Mỗi người dân, từng công dân phải được xác định là “một chiến sỹ” chống dịch, bên cạnh “các pháo đài” khác để đi tiếp chặng đường phía trước còn rất dài và đầy rủi ro. 

Mỗi một người dân phải nâng cao ý thức và kỹ năng phòng dịch thì mới bảo vệ được mình và người thân cũng như hệ thống y tế. Bộ Y tế, Chính phủ đã phổ biến các quy tắc, kinh nghiệm để cho người bệnh điều trị tại nhà.

Chủ trương cho F0 tự cách ly ở nhà cần được triển khai một cách nghiêm túc ở một số tỉnh sắp quá tải, dù đó là tình huống xấu. Không đưa ra các kịch bản xấu nhất và làm quen với nó, làm sao đối phó được với tình huống xấu hơn trong một tương lai vẫn toàn Covid-19?

Nhìn sang Israel, nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới mà vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca dương tính mỗi ngày, họ đã chấp nhận sống chung với virus. Thủ tướng Naftali Bennett  cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng lockdown nữa, coi lockdown là biện pháp cuối cùng, chỉ dùng khi nào không còn cách nào khác. “Người dân Israel hiện nay không thể để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ con cháu phải trả”, ông nói.

Tôi nghĩ, đó là niềm hy vọng, là ánh sáng cuối đường hầm cho tất cả.

Tư Giang

TIÊM VẮC XIN COVID-19: NHANH LÊN, VỘI LÊN CHỨ !

TƯ GIANG/ TVN 31-8-2021

Một nữ doanh nhân ở tâm dịch TP.HCM, nổi tiếng cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, thừa nhận hối tiếc về việc từng tẩy chay vắc xin.

Nữ doanh nhân này từng có nhiều tút chống lại tiêm chủng, chống lại vắc xin, và tất nhiên, các tút đó ảnh hưởng đến không ít người. Nhưng quan điểm đó đã thay đổi đột ngột sau khi chị cho biết bị mắc virus Sars-Cov-2 và trải qua 2 đêm “đối diện với tử thần”. 

Chị viết, đối diện với cái chết trở về nên chị rất thèm sống, và nhận ra rằng, chị sẽ thay đổi vì Covid-19. 

Sau khi được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, và thoát chết trở về, chị viết: “Tôi xin lỗi và xin phép không tham gia vào các cuộc tranh luận về vắc xin vì cảm thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp. Vả lại, thoát chết là may mắn nhất của cuộc đời này rồi… Và một lần nữa khẳng định rằng, tôi đã bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi đầu mình rồi”.

Tiêm vắc xin: Nhanh lên chứ, vội lên với chứ

Câu chuyện này, dù liên quan đến cá nhân, nhưng đáng được kể ra trong bối cảnh tiêm chủng ở TP.HCM đang chậm lại đáng kể với chỉ hơn 62.000 mũi ngày 27/8, 52.000 mũi ngày 26/8, 58.000 mũi ngày 25/8, 38.000 mũi ngày 24/8, 5.000 mũi  ngày 23/8, theo Bảng tin Covid-19 tại TP. Như vậy, số liều vắc xin tiêm trong liên tục các ngày gần đây thấp hơn hẳn so với ngày kỷ lục gần 300 ngàn mũi trước đó.

Tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả

Theo các dữ liệu đã công khai, TP HCM đang có hơn 4 triệu liều Sinopharm, trong đó hơn 3 triệu liều đã có sẵn trong kho và 1 triệu liều cuối cùng về ngày 27/8; số liều Sinopharm đã tiêm đến hết 26/8 là gần 1 triệu liều. Ngoài ra vẫn còn một số không nhiều các vắc xin khác.

Cần tăng tốc tối đa tiêm 1,5 triệu liều Sinopharm tiếp theo, đạt tổng cộng 2,5 triệu người tiêm Sinopharm (2,5 triệu liều Sinopharm còn lại để dành tiêm liều 2 cho 2,5 triệu người này), đồng thời tiêm hết vắc xin các loại khác mà TP.HCM đang có. Không cần để dành tiêm liều 2 vì TP sẽ còn nhận được các vắc xin này.

Mục đích là trước ngày 15/9 tối đa người dân sống ở TP.HCM bao gồm thường trú, tạm trú và cư trú ngoài đăng ký, được tiêm tối thiểu 1 liều vắc xin. Thay vì mục tiêu 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm tối thiểu 1 liều, nên hướng tới mục tiêu trước mắt tất cả mọi người dân trên 18 tuổi sống ở TP.HCM được tiêm tối thiểu 1 liều.

Mục đích chính của tiêm vắc xin không phải để chống bị nhiễm mà là chống bị tử vong khi nhiễm, ai cũng cần được tiêm. Mở tối đa các kênh tiêm vắc xin, kể các việc để người dân, doanh nghiệp đăng ký tiêm rồi đến điểm tiêm lựa chọn; mở một số điểm tiêm ở mỗi phường, quận để người dân đến tiêm mà không cần đăng ký trước; tăng cường tiêm vắc xin lưu động…

Lãnh đạo TP nên trao đổi thẳng thắn trên báo chí và mạng xã hội về việc xấp xỉ 1 triệu người dân ở TP.HCM đã tiêm vắc xin Sinopharm, đến nay chưa xảy ra bất kỳ sự cố sức khỏe nào sau tiêm. Việc này cần để củng cố niềm tin cho người dân về vắc xin Sinopharm và thông tin này hoàn toàn đúng sự thật.

Tiêm vắc xin: Nhanh lên chứ, vội lên với chứ

Mấy ngày gần đây, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đến với người dân vùng dịch kiểm tra từ việc tiêm chủng, cái ăn, đến chỉ đạo điều hành chống dịch trong chiếc áo tối màu đẫm mồ hôi cho thấy quyết tâm nỗ lực của Thủ tướng, của Chính phủ trong việc chống dịch lớn đến thế nào.

"Đã hy sinh thời gian dài để chống dịch mà không quyết tâm, dịch kéo dài còn khổ nữa", Thủ tướng nói. Cho rằng cả chính quyền và người dân đều không dài sức để "giãn cách tăng cường mãi", ông khẳng định chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. “Chiến thắng dịch bệnh hay không do dân quyết định nên dân phải tham gia. Người dân là trung tâm, là chủ thể”.

Trong triển khai chiến lược tiêm vắc xin, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả. "Tiêm vắc xin không nhanh thì chuyển sang tỉnh khác vì nhiều tỉnh cũng đang cần. Các tỉnh cũng có đề nghị rồi", Thủ tướng nói.

Vắc xin vẫn đang rất thiếu, nhiều tỉnh đang khát vắc xin, mà trường hợp Hải Phòng làm công văn mượn TP.HCM 500.000 liều vắc xin là một ví dụ.

Bác sỹ Nguyễn Phạm từ Paris nói trong một cuộc hội thảo gần đây: Dù Sinopharm có hiệu quả không cao như loại khác nhưng tiêm còn hơn không tiêm nhiều lần để cứu được nhiều người hơn. Theo ông, nếu không tiêm, số người đông máu, gặp phản ứng phụ khi nhiễm Sars- Cov-2 dẫn đến tử vong còn nhiều hơn rất nhiều lần những trường hợp cá biệt khi gặp phản ứng phụ khi tiêm.

TP.HCM đã phong tỏa gần 3 tháng. Nếu không đẩy nhanh tốc độ tiêm, làm sao cứu được những người dễ tổn thương có bệnh nền, làm sao cứu được hệ thống y tế đang quá tải, làm sao mở lại những khu phong tỏa, và làm sao mở cửa lại nền kinh tế?

Từ nay đến 15/9 thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn đủ dài để phủ tiêm vắc xin cho rất nhiều người. Chị doanh nhân đã lên tiếng hối tiếc về việc tẩy chay vắc xin. Hi vọng đó là một thông điệp tốt cho tất cả.

Tư Giang


GÓP Ý VỚI PHƯƠNG ÁN CỦA CÔNG AN TP HCM

LÊ TỰ DO/ BVN 4-9-2021

VNTB – Góp ý với phương án của công an TP.HCM

(VNTB) – Người mưu sinh hè phố sẽ lận lưng thêm tờ giấy phép đi đường của công an cấp?

Mặc cho bao khó khăn hiện hữu, mặc cho bao lời ca thán, cuối cùng thì TP.HCM cũng tiến đến những ngày gần kết thúc của chuỗi siết chặt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Mong chờ, hy vọng rằng, 7-9-2021 này, thành phố sẽ bước đầu mở dần dần, dù không phải quá nhiều hay toàn bộ, nhưng ít nhất cũng không quá siết trong việc đi lại.

Tại cuộc họp báo chiều 3-9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban, ngành, quận, huyện và yêu cầu lập danh sách các đối tượng được phép lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ cơ sở dữ liệu này, công an sẽ kiểm soát người đi đường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị đầu mối, người dân thuộc diện được phép ra đường cung cấp danh sách để công an kiểm soát chặt chẽ. Người ra đường cũng phải đăng ký và đối chiếu giữa lượng người ra đường với F0 quản lý trong cộng đồng xem có mối liên hệ nào không.

“Điều này sẽ tránh được trường hợp người được ra đường nhưng lại đang là F0”, thượng tá Hà cho biết.

Thoạt nghe, điều mà thượng tá Hà nói là không sai. Tuy nhiên, nếu vì kiểm soát F0 thì đây là một phương pháp, có thể nói là chưa hiệu quả.

Tuy không cầm trong tay số liệu thống kê chính thức, nhưng báo chí cũng đưa tin: “Cùng với 900 tỷ đồng được phê duyệt trước đó, khoản bổ sung lần này dự kiến sẽ có thêm hơn 1 triệu hộ gia đình khó khăn và khoảng 670.000 lao động tự do tại TP.HCM sẽ được nhận gói hỗ trợ”.

Hay như theo trang web của Bộ Công Thương: “UBND TP.HCM đã phê duyệt gói hỗ trợ đợt hai, nhằm hỗ trợ cho 3 đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn, với kinh phí hơn 900 tỷ đồng”.

Đây là những chính sách rất nhân văn và thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố với dân nghèo. Tuy có thể không cầm được trong tay số liệu thống kê chính thức người nghèo ở TP.HCM là bao nhiêu nhưng thiết nghĩ, để có con số 900 tỷ; 2.577 tỷ đồng hay 1 triệu hộ khó khăn và 670.000 lao động tự do tại TP.HCM, chính quyền thành phố cũng đã tính toán kỹ để cân đối ngân sách, giúp đỡ người nghèo.

Kèm theo đó là thực trạng thực tế trên nhiều con đường trong thành phố, có thể nói, số lượng người nghèo, khó khăn, nhất là ảnh hưởng do dịch Covid-19, do nhiều đợt giãn cách, là một con số không nhỏ.

Như vậy, với phương án của công an TP.HCM đưa ra, người nghèo, lao động bình dân hoặc lao động không biết chữ, làm sao họ có thể được cấp giấy đi đường hay có mã Code để đi đường? Họ cũng là người dân thành phố, họ cũng có đóng góp cho thành phố. Không thể bỏ quên họ được, nhất là thời gian qua, họ đã cùng với chính quyền thành phố “gồng mình” chống dịch.

Ngày 25-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay Thành phố đã có 93.289 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện; Thành phố đã tiêm tổng số 5.501.732 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân, trong đó có 5.291.196 mũi 1, đạt tỷ lệ 78,9% người dân trên 18 tuổi và 210.536 mũi 2, đạt 3,1% người dân trên 18 tuổi. Và thành phố cũng đã lập ra lộ trình chích ngừa trong thời gian tới sẽ như thế nào.

Có thể nói, với tốc độ chích ngừa nhanh chóng của thành phố, kèm theo đó là sự tuyên truyền khi chích vaccine Vero Cell rằng chích vaccine sẽ hạn chế được nguy cơ tử vong nếu nhiễm bệnh, kèm theo đó là truyền thông đưa tin, đã chích ngừa cho người vô gia cư, vậy thì có nên chăng, dù tờ giấy chứng nhận đã tiêm ngừa Covid-19 để thay thế cho tờ giấy đường hay mã Code đi đường?

Nếu áp dụng như vậy, thiết nghĩ, người nghèo, lao động bình dân sẽ vẫn có thể đi làm, chính quyền thành phố cũng sẽ tiết kiệm được một khoản gọi là hỗ trợ người dân ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Và hơn hết, sẽ là sống chung lâu dài với dịch như ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nếu muốn kiểm soát chặt chẽ F0, thay vì tập trung ở các chốt, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, vì sao, không cử một hoặc hai người trực tiếp quản lý những khu vực đang có F0 điều trị tại nhà?

Kiểm soát quá chặt người đi đường, sẽ là một phương án đầy tính phi nhân đạo đối với người nghèo khó, lao động bình dân…

L.T.D.

VNTB gửi BVN

NÊN CÓ CUỘC HỌP CẤP CAO HƠN HÀ NỘI ĐỂ QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG ÁN 

CHO HÀ NỘI

HUY ĐỨC/ TD 4-9-2021


Ảnh chụp màn hình báo của Bỉ

Tờ Metrotime của Bỉ giật tít, “Hà Nội Biến Thành Nhà Tù”. Và, bằng cách đối phó với Covid như thế này, hôm qua, Nikkei Asia xếp Việt Nam đứng thứ 121/121 về khả năng chống dịch. Năm 2020, chúng ta đã dùng những “tập đoàn quân tinh nhuệ” nhất để tấn công “mấy trăm du kích quân F0” và rất sớm khải hoàn rồi trong một thời gian khá dài, tự rung đùi tán thưởng.

Và khi, Covid-19 thực sự đe dọa, nguồn lực trong dân đã bị cạn kiệt sau mấy lần bị cách li với các phương kế mưu sinh; nguồn lực quốc gia cũng đã huy động tối đa; đặc biệt, đội ngũ y tế đang hằng ngày bị vắt cạn từng sinh lực.

Có những y bác sĩ, đã ba tháng nay chưa được về nhà.

Nếu tới ngày 21-9-2021, Hà Nội vẫn cứ mỗi ngày có 5 – 7 chục F0 như hiện này, Thành phố định sẽ “nhốt dân” thêm bao lâu.

Cách chống dịch có vẻ đang như trong một gia đình đông con, có bố ốm, người con giàu có và quyền lực giành quyền đưa bố vào bệnh viện sang nhất, yêu cầu bác sĩ kê tất cả những loại thuốc đắt tiền nhất. Mục tiêu sâu xa không phải là để cứu bố mà là để khi bố chết, anh ta có thể tuyên bố với anh em, tôi đã không tiếc gì để cứu bố.

Chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần quyền lực. Chống dịch là để giảm thiểu nhất mối đe dọa của dịch tới tính mạng con người chứ không phải để tạo thêm những sang chấn lên sức khỏe tâm thần của con người. Chống dịch là để một quốc gia, một thành phố và người dân trong đó vẫn vận hành với độ an toàn cao nhất chứ không phải đạt độ an toàn chính trị nhất cho người đưa ra quyết định.

Trong số những người nhiễm virus, thường có khoảng 80% là nhẹ và trung bình, 20% nặng và nguy kịch. Tử vong thường xảy ra ở những người chuyển nặng này mà không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 77% bệnh tử vong ờ Sài Gòn trong tháng qua chủ yếu xảy ra ờ “tầng 2”: nơi không có đủ thuốc men và trang thiết bị (máy thở oxy dòng cao, oxy từ bồn), khi cần chuyển viện thì tháp trên lại quá tải, bệnh nhân chết trên xe cấp cứu…

Hà Nội vẫn còn thời gian để học những bài học từ Sài Gòn. Thay vì sợ hãi “bung, toang” như Sài Gòn rồi siết chặt mà phải chuẩn bị tình huống khi dịch lây lan như Sài Gòn vẫn không bị rơi vào bị động.

Càng không muốn tình huống xấu nhất xảy ra càng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nên tập trung vaccine tiêm cho nhóm nguy cơ cao (trên 55 tuổi và có bệnh nền); nên tập trung vaccine cho nhóm lao động mà khi dịch lan rộng người dân vẫn cần như shippers, nhân viên bán hàng… Sự có mặt của lực lượng vũ trang trong vùng dịch cũng làm được nhiều việc rất ý nghĩa. Nhưng, lực lượng vũ trang cũng là con người, cũng có nguy cơ trở thành F0 lại không chuyên nghiệp khi mua bán và giao hàng như đội quân bán hàng, shippers chuyên nghiệp.


Ảnh chụp màn hình báo Nikkei

Thay vì cấm nhà thuốc bán về đêm như Sài Gòn, Hà Nội nên làm ngược lại, trong một khu phố phải đảm bảo có nhà thuốc bán về đêm. Người dân vẫn mắc các bệnh thường xuyên và trong trường hợp khi có F0 tự điều trị tại nhà vẫn có thể kịp thời mua thuốc.

Nên có các kịch bản để khi mỗi ngày có hàng ngàn ca thì đối phó thế nào. Bộ y tế nên đánh giá mô hình tháp điều trị 5 tầng hoặc 3 tầng tách biệt từng khu như ở Sài Gòn. Nên đầu tư thêm cho “tầng 2” hoặc chuyển thành bệnh viện đa tầng ở tất cả các cơ sở điều trị. Tránh tình trạng bệnh nhân khi trở nặng “chuyển tầng” không kịp, dẫn đến tử vong nhiều như vừa qua.

Thay vì cấm, mọi vận hành của xã hội phải luôn tuân thủ nguyên tắc 5 K. Từ các hành động chống dịch cho đến các hoạt động của người dân để sống và kiếm sống đều phải 5 K cả.

Chủ tịch Nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp mà đã trao quyền quá nhiều cho lực lượng chống dịch (cả lực lượng dân phòng) như trong tình trạng khẩn cấp. Địa phương nào muốn ngăn sông thì ngăn sông. Địa phương nào cấm chợ thì cấm chợ. Sự lạm quyền đã dẫn đến những quyết định ngu ngốc như khóa cổng nhà dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hay hủy hoại tài sản công dân, dứt khoát phải đưa một F 1 đi cách li tập trung trong khi điều kiện cách li tại nhà của họ tốt hơn như ở Diễn Châu, Nghệ An.

Cấp lãnh đạo cao hơn Hà Nội cần có một cuộc họp để quyết định biện pháp chống dịch cho Hà Nội. Phải đảm bảo quyền lực của quốc gia vẫn là thống nhất. Nhà nước pháp quyền vẫn đang tồn tại, Hiến pháp và pháp luật vẫn đang hiệu lực.

Đừng để thế giới nhìn Thủ đô của một quốc gia đang phát triển như một căn cứ du kích. Đừng để người dân chưa kịp nhiễm virus đã hết kế sinh nhai. Đừng để dân chúng phải chịu những sang chấn tâm lý chỉ vì chính quyền đã sử dụng quyền lực nhiều hơn cần thiết.

TẠI SAO SÀI GÒN ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 4-9-2021

Mấy bạn tôi ở Hà Nội gọi điện thăm hỏi và cứ lo lắng cho Sài Gòn. Rồi lại bảo tôi giải đáp cho những thắc mắc băn khoăn. Đại thể có mấy vấn đề.

1. Dân Sài Gòn có vẻ kém kỷ luật, tập trung đông, làm bùng phát mạnh covid -19?

2. Sao tỉ lệ tử vong vì covid -19 ở Sài Gòn cao vậy?

3. Phong trào làm từ thiện ở Sài Gòn rầm rộ quá, nhưng có thực chất không?

4. Bây giờ chống covid ở Sài Gòn liệu có hy vọng cải thiện gì chưa?

***

Tôi không có đủ dữ kiện để trả lời một cách khoa học, đầy đủ những câu hỏi trên. Chỉ xin viết vắn tắt, mong được các bạn chỉ dẫn, bổ sung thêm.

1. Nói rằng người dân Sài Gòn thiếu kỷ luật làm bùng phát dịch là không đúng.

Sài Gòn là đầu mối giao lưu lớn nhất cả nước, người tứ xứ qua lại tiếp xúc trong một thành phố hơn 10 triệu dân với mật độ dân cư dày đặc, khi đã có F0 trong cộng đồng thì khó kiểm soát lắm.

Sài Gòn có hàng triệu người dân lao động kiếm sống bằng thu nhập hàng ngày và hàng triệu người dân ngoại tỉnh ở Sài Gòn đang mất việc, không có thu nhập trong mấy tháng. Như vậy cuộc sống căng lắm.

Nên khi chính quyền tuyên bố thực hiện giãn cách nghiêm theo CT16 từ ngày 1/8 đến 15/8 thì dân ngoại tỉnh hoảng loạn chạy thục mạng về quê; Rồi chính quyền lại tuyên bố sẽ giãn cách triệt để từ 15/8. Thế là lại bùng phát đợt di tản thứ hai, nhưng lần này dân bị bắt quay trở lại hết; Rồi có lệnh từ 23/8 ai ở đâu ở yên đó, có lực lượng bộ đội đi chợ giùm, cung cấp nhu yếu phẩm đến 100% hộ gia đình. Dân không tin, ùa ra các siêu thị chen nhau vét hàng.

Hiện tượng hàng triệu người dân ngoại tỉnh vào Sài Gòn kiếm sống, rồi khi dịch bùng phát thì hoảng hốt ù té chạy lũ lượt về quê, có lẽ hiếm thấy trong chống dịch covid-19 diễn ra trên thế giới.

Rồi những chỗ tập trung đông người để xét nghiệm, để tiêm chủng, để khai báo giấy tờ…
Tất cả những hiện tượng đó đều góp phần gây nên bùng phát F0.

Sài Gòn có nhiều xóm “ổ chuột”, những con hẻm, những khu nhà trọ rất đông đúc, đó là môi trường dễ lây truyền virus.

Tất cả những hiện tượng nói trên đều tác động mạnh đến tâm lý xã hội và ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, chứ không nên quy về ý thức kỷ luật của người dân.

2. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Nếu tính trên tổng số ca điều trị tại bệnh viện là 158.262 thì tỷ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000 F0 đang điều trị tại nhà thì tỉ lệ này trong khoảng 4,2%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tùy giai đoạn, có nơi tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 2,1- 4,4%. Vì vậy, tỉ lệ tử vong của TP.HCM đang ở mức cao” (1)

(Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam có 12.446 ca tử vong vì covid-19, trong đó TP HCM hơn 10.000 ca – chưa tìm ra con số chính xác!).

Bác sĩ Phúc Minh cho rằng bệnh nhân F0 từ nhà có dấu hiệu nặng mới chuyển đến “tầng” 1, rồi từ đó thấy nặng lại chuyển qua “tầng” 2, 3. Quá trình chuyển chậm khiến nhiều F0 chết… (2)

Còn bác sĩ Quan Thế Dân cho biết cụ thể: …BN F0 lúc mới chuyển đến chỉ thở oxy gọng kính 5 lít/phút, rồi sau mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxy 15 lít/ph, vẫn không đỡ, SpO2 thấp dưới 90, phải chuyển sang thở oxy dòng cao 60 lít/phút, oxy phun phè phè, vẫn không đỡ. Đành chuyển sang vũ khí cuối cùng đặt ống nội khí quản và thở máy… (3)

Có lẽ thời gian đầu thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ, thiếu máy thở, thiếu oxy, quy trình lộn xộn nên tỉ lệ tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn cao?

3. Như ở câu 1 đã nói, Sài Gòn có hàng triệu người quen “làm dừa đủ xài”, tay nghỉ làm là “hàm nghỉ nhai”! Vậy mà nghỉ làm mấy tháng liền. Trong chiến tranh cũng chưa bao giờ phải mất thu nhập mấy tháng như thế! UBND thành phố báo cáo có hơn 4 triệu người cần cứu trợ.

Trước tình trạng như vậy mà cứu trợ của nhà nước thì chậm chạp, nhất là qua khai báo từ Tổ dân phố lên Phường, Quận… Rồi xét phân loại các “đối tượng”, đâu có đều khắp và kịp thời đến mọi người nghèo. Mà cứu trợ 1-2 đợt đâu có đủ sống cho cả gia đình trong mấy tháng?

Do vậy nếu không có dân cứu giúp nhau thì không hiểu sẽ ra sao. Một giáo sư nghiên cứu về văn hóa, nói Sài Gòn có hơn 60% doanh nhân làm từ thiện. Những bữa ăn không đồng, những túi hàng không đồng, những món tiền góp trực tiếp vào những địa chỉ từ thiện hay đưa ngay và luôn đến tay người khốn khó nhiều lắm, không ai biết hết được. Đặc biệt những tình nguyện viên là những Phật tử, những tu sĩ, những nam nữ thanh niên “không có của xin góp công”, họ xin được Giấy đem đồ cứu trợ đến các ngõ ngách, vào tận chỗ bệnh nhân nặng. Đó là chưa kể những nhóm thiện nguyện “Mai táng không đồng”, “ATM OXY”, số Phone gọi cấp cứu, gọi bác sĩ miễn phí… (4).

Trong đợt cứu trợ này tôi chưa thấy ai bị dư luận phê phán lợi dụng cứu trợ.

4. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 31/8, Thành phố có hơn 59.000 ca F0 được cách ly tại nhà, là những người không có bệnh nền và không thuộc nhóm nguy cơ. Tỷ lệ chuyển tuyến của các F0 cách ly tại nhà từ 0,4 đến 0,5%.

Hiện Thành phố đang có 312 Trạm y tế phường, xã và 414 Trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 cách ly tại nhà. Ngành y tế cũng đã cấp 64.000 túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà.
Để kéo giảm số ca tử vong, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang nâng cao năng lực điều trị cho “tầng” 2 và 3, đồng thời vẫn đang mở thêm các trung tâm hồi sức tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, có thể trong tuần tới, số ca tử vong mới có hy vọng cải thiện và giảm. (1)

Thưa các bạn, mất mát của Sài Gòn là nỗi đau chung của đất nước, của mỗi người Việt Nam. Bây giờ chưa phải lúc truy xét xem lỗi từ đâu, tại ai. Cấp thiết lúc này là giảm tử vong tới mức cao nhất và cứu đói – mà cứu đói nhanh, tốt nhất là phát tiền cho người nghèo. Rồi từng bước khôi phục lại cuộc sống bình thường. Những việc đó phải là nhà nước, chính quyền mới giải quyết được một cách căn cơ.

_____

*Chúc thích:

1. https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-so-ca-f0-tu-vong-co-hy-vong-giam-trong-tuan-toi-20210831191407221.htm

2. https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127

3. https://www.facebook.com/macvietha

4. https://vietluan.com.au/53038/nguoi-sai-gon-lam-thien-nguyen

LIỆU PHÁP TÂM THẦN ?
 
MAI BÁ KIẾM/ TD 4-9-2021

“VACCINE TINH THẦN”:

Ngày 1/8/2021, tôi chích mũi 1 Moderna ở Bệnh viện Đa khoa Q7. Theo lý thuyết, 28 ngày sau chích mũi 2, nhưng hôm nay là 34 ngày, định hát bài “Sao chưa thấy mũi hai?” thì tờ Tin Tức đăng bài: TP.HCM sắp có “Vaccine tinh thần”. Tôi mừng như vớ được phao khi đang ngụp lặn giữa biển Coronavirus.

Đọc kỹ thấy, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết, chương trình được khởi động từ ngày 5/9/2021, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch.

Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.

“Vaccine tinh thần” rất hay và rất giống 3 nội dung của “Chương trình cai nghiện ma túy” và “Chữa bệnh cho gái mại dâm”. Theo nội dung thứ ba “Hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19”, thì các F0 khỏi bệnh cũng được hòa nhập cộng đồng bình đẳng như người nghiện và gái mại dâm được chữa trị xong!

BÀI CA CHỐNG DỊCH:

Trong một diễn tiến khác, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã “ngửa bài” với công luận: Có 9 tỉnh chưa hề chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc: Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

Riêng 2 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chưa rút kinh phí Nhà nước để chi hỗ trợ “gói 68”, trong khi có 12,5 triệu lao động ảnh hưởng: ngưng việc, giảm việc, giảm giờ làm, mất thu nhập… Hơn 16.000 công nhân cách ly tập trung, hàng triệu người mất việc, nghỉ việc…

Trước tình hình túng quẫn đó, Liên đoàn Lao động VN đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-TLĐ về tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19. Thêm một “liệu pháp tinh thần”, người lao động không được hỗ trợ “gói 68” thì cứ “tám” và ca các bài chống dịch lên dây cót tinh thần.

Nhằm “võ trang tinh thần” cho Liên đoàn Lao động VN báo Nhân Dân đăng bài: “Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch” dẫn lời của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!

“MÌ NGÓNG, CHÁO NGÓ”

Đáng tiếc cho đến nay, sau 3 tháng phong tỏa, Bộ Công thương không thể khôi phục chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm! Dân không được đi chợ, mà bộ đội và tổ trưởng, khu phố trưởng chạy mua dùm cũng không xuể, thế mà Bộ Công thương không phát động phong trào “toàn dân ăn mì ngóng, cháo ngó” như “món ăn tinh thần”, kêu gọi các xưởng gỗ làm thành các con cá rô chiên, phát cho xóm phòng trọ chan nước tương ăn gọi là “cơm có cá”.

Hỵ vọng các cuộc vận động “lấy âm nhạc làm vũ khí”, tiêm “vaccine tinh thần”, “cơm có cá gỗ” sẽ đẩy lùi nhanh dịch bệnh. Cám ơn các ban ngành đoàn thể đã chỉ cho tôi cách vái tứ phương, cách lạy tám hướng!

Mai Bá Kiếm

CẦM LÒNG KHÔNG ĐÀNH

TẠ DUY ANH/ TD 5-9-2021

Tôi rất dè dặt khi nói về công việc ngăn dịch covid Tầu đang diễn ra. Bởi nó khó, không chỉ với riêng Việt Nam. Nhưng cầm lòng mãi không được, xin nêu một vài nguyên nhân, theo quan điểm của tôi, dẫn tới tình trạng có thể gọi thẳng ra là “hỗn loạn” trong điều hành chống dịch hiện nay.

Rõ ràng chính quyền bị áp lực khá lớn và không thể hiểu nổi, về thành tích chính trị trong việc ngăn chặn dịch covid Tầu. Chúng ta để tâm lo lắng quá nhiều vào việc giữ vị trí “ngôi đầu” trong bảng xếp hạng của thế giới. Điều đó đã khiến hàng loạt biện pháp đưa ra mang tính chính trị nhiều hơn là khoa học. Tôi không muốn nhắc lại những phát ngôn đầy tính tuyên truyền của hàng loạt quan chức cho đến tận mới đây. Nhưng nếu người phát ngôn, đôi khi chỉ là do lạc quan tếu, thì bộ máy chính quyền các cấp, bộ máy tuyên truyền lại căn cứ vào đó để định hướng dư luận. Thế là nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, dễ dàng bị quy chụp là phá hoại, là thế lực nọ thế lực kia, làm nản chí không biết bao nhiêu người tâm huyết.

Kinh nghiệm ngăn dịch “quý báu” của ba đợt trước, vẫn còn tác dụng với lần dịch này (chẳng hạn công thức 5K), nhưng vì áp dụng máy móc, bảo thủ, tự phụ… nên vô tình góp phần tạo ra sự phá sản. Khi đợt dịch thứ tư vừa bùng phát, một tờ báo lớn đặt tôi viết bài ngắn, nêu quan điểm về cách chống dịch, tôi đã thẳng thừng đề xuất phải nhanh chóng phủ vaccine, sống chung với covid, bởi vaccine chính là cách tạo ra lá “khiên” bảo vệ với mỗi cá nhân. Rằng cách chống của chúng ta là cách chạy trốn covid, co cụm mong tạo ra tấm “khiên” che chắn cho cả cộng đồng.

Cách đó mang tính thủ công, chỉ phù hợp với chủng covid lây lan chậm, sẽ vô tác dụng với chủng Delta, nghe nói có khả năng lây qua không khí (trong bài tôi dùng từ “bay được”). Chỉ vì trong bài có câu: “Nếu cứ tiếp tục chạy trốn, nếu cứ tiếp tục cưỡng bức quy luật, chờ vào vận may, cuối cùng chúng ta sẽ bị nó dồn vào chân tường.” mà bản báo đành “xin lỗi” không đăng. Đơn giản vì người phát ngôn Bộ ngoại giao vừa “cãi” một tờ báo Mỹ, khi tờ bào này có ý nói rằng ba đợt dịch trước Việt Nam gặp may! Trời ạ, gặp may thì đã sao! Nếu nhờ gặp may mà hơn chục ngàn người không mất mạng, thì hôm nay chúng ta vẫn cứ “nhất’ chứ sao!

Từ chỗ tự tin một cách thái quá, giờ thì chính quyền không thực sự tin vào bất cứ biện pháp nào mà mình đưa ra. Thế nên mới có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đơn giản vì không ai dám quyết đoán theo hướng nào. Cán bộ, kể cả người có quyền lực rất lớn, nhưng danh nghĩa vẫn là lãnh đạo địa phương, đều có tâm lý chờ chỉ thị từ trung ương, hơn là chủ động chiến đấu với dịch. Chuyện này có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng cán bộ (Đa số được chọn theo tiêu chí vâng phục, ngoan ngoãn nghe cấp trên, miệng thường xuyên hô trung thành… Đến khi phải đưa ra ý kiến độc lập thì tắc tị) Nhưng nguyên nhân trực tiếp là khi mọi thứ đều có thể sai, thì chả ai dại gì ngửa mặt hứng lấy!

Giãn cách tiếp, tốt thôi, nhưng quý vị đã lường tới kịch bản là sau 15 ngày nữa, thậm chí sau 30 ngày nữa, người nhiễm vẫn không giảm? Việc kiểm soát sự di chuyển của dân cư bằng “giấy đi đường” đang gây bế tắc nghiêm trọng, nhưng không có ai chịu lắng nghe phản hồi từ cuộc sống thực tế, từ các chuyên gia.

Lúc này, tôi muốn thủ tướng đưa ra quyết định, mạnh mẽ và dứt khoát. Ví dụ tập trung vacxin cho Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố lớn, không bàn nhiều. Ví dụ giản lược tối đa yêu cầu về thủ tục khi người dân đi tiêm vaccine để tăng tốc tiến độ tiêm. Nhiều bạn bè tôi ở Hoa Kỳ và châu Âu khá ngạc nhiên về việc người tiêm ở Việt Nam phải đo huyết áp rất nhiêu khê, trong khi chỉ cần để họ tự khai và cam đoan là đủ. Khi vaccine về nhiều, lúc đó hãy triển khai tiêm các tỉnh.

Chính quyền rất khắc nghiệt với những lời nói thẳng, những ý kiến khác mình, nhưng lại nhu nhược với các hành vi vô trách nhiệm của đám cán bộ, hay hành động phá đám của những kẻ coi luật như giấy lộn. Thủ tướng cần có quyền cách chức tại chỗ bất kể cán bộ nào vi phạm kỉ luật trong thời gian chống dịch. Những kẻ hành hung bác sỹ, công an, nhân viên bảo vệ như vừa xảy ra hàng loạt vụ, cần phải bị nghiêm trị thích đáng. Lão thành cách mạng, quan chức, con ông cả bà lớn, đều phải bị xử lý cho trắng mắt ra. Chả ai phản đối quý vị. Chả ai bảo làm thế là quý vị coi thường nhân quyền.

Tạ Duy Anh

THỦ TƯỚNG BAN HÀNH VĂN BẢN CHỐNG COVID CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT !

TRẦN ĐÌNH TRIỂN/ TD 4-9-2021

Phòng chống dịch Covid, không chỉ nhiệm vụ của mỗi quốc gia, mà là trách nhiệm của toàn thế giới để bảo vệ loài người. Trước tình hình cấp thiết có tính thời đại đó, đòi hỏi nhà nước phải xác định tình trạng khẩn cấp, có những giải pháp đúng và phù hợp phòng chống Covid đạt hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, hai năm qua nhìn lại, chúng ta có vô vàn khiếm khuyết; Covid đã gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân, mất mát về sinh mạng và đau thương xảy ra nhiều. Tính chất là vậy, quan trọng là vậy,… nhưng tôi không hiểu sao, các văn bản ban hành của Thủ tướng lại có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Xin nêu cụ thể như sau:

MỘT LÀ: Chưa có Lệnh của Chủ tịch nước Công bố tình trạng khẩn cấp.

Đã xác định “chống dịch như chống giặc” thì mọi giải pháp tiến hành phải đặt trong tình trạng khẩn cấp. Nội dung này thuộc thẩm quyền công bố của Chủ tịch nước, được quy định tại khoản 5-Điều 88- Hiến pháp năm 2013 như sau:

“…; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”.

Có Lệnh của Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp, thì lúc đó các biện pháp ưu tiên hoặc hạn chế mới triển khai như: chi tiêu ngân sách (Luật Ngân sách nhà nước), huy động lực lượng (Luật Quốc phòng và Luật Công an nhân dân,…), hạn chế một số quyền công dân (Hiến pháp và Bộ Luật dân sự,…), điều kiện khám chữa bệnh (Luật khám bệnh, chữa bệnh),vv…được thực thi mới đúng Hiến pháp và pháp luật.

HAI LÀ: Ban hành văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Từ khi Covid xâm nhập vào nước ta cho đến nay; văn bản cao nhất để chỉ đạo tổ chức thực hiện là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành 3 Chỉ thị (số 15, 16 và 19), trên cơ sở đó một số ban ngành và UBND các địa phương ra các văn bản tổ chức thực hiện.

Chỉ thị của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó được quy định tại Điều 4-Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

“Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3.[2] Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8.[3] Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a.[4] Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Đồng thời, cũng được thể hiện không quán triệt đúng Chương II “Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ” được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

BA LÀ: Do sơ suất hay coi thường pháp luật?

Hiến pháp năm 2013 đã quy định:

“Điều 8

1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”

Trong bối cảnh như vậy, để thảo và trình Chủ tịch nước ký Lệnh Công bố tình trạng khẩn cấp phòng chống Covid (chỉ một trang giấy) thì một giờ đồng hồ là xong. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao cho bộ phận giúp việc dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, tổ chức họp Chính phủ gấp, thông qua Nghị quyết và ký ban hành ( nhanh thì 2 ngày, lâu thì 5 ngày là xong). Nếu làm được như vậy, vừa đúng pháp luật, vận hành trôi chảy, phân công phân nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của công dân;…thì hậu quả không xảy ra như hiện nay.

Tôi định góp ý khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 15. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng tình hình khẩn cấp quá, cần có chỉ đạo cấp bách; nhưng từ đó đến nay vẫn tiếp tục điều hành bằng Chỉ thị. Qua đó cũng chứng minh nhân dân ta thật tuyệt vời; đại đa số tuân thủ những yêu cầu đặt ra để phòng chống dịch, mặc dù những quy định đó chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật để buộc mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành./.

Trần Đình Triển

SÀI GÒN TỪ 'ĐỎ' TỚI 'XANH'

ĐỖ HÙNG/ 5-9-2021

Quận 7 nhà mình là quận đầu tiên ở Sài Gòn, theo tuyên bố của chính quyền, kiểm soát được dịch và sắp tới có lẽ sẽ hạ xuống 15+ chứ không 16+ nữa.

Nói nôm na thì là quận xanh. Mình ở hẻm xanh trong một quận màu xanh.

Nghe đầy tươi xanh phải không?

Kỳ thực, mình thấy khái niệm “xanh”, “đỏ” ở đây phản ánh sự dịch chuyển về nhận thức và thái độ – ở cả chính quyền lẫn người dân – nhiều hơn là phản ánh số ca nhiễm.

Như hẻm của mình, khi chính quyền ban bố lệnh cấm túc hồi đầu tháng 7, một không khí căng thẳng bao trùm. Đầu hẻm một chốt gác, vào bên trong, mỗi khu nhà trọ có ca nhiễm lại thêm một cái chốt nữa.

Đã nhiều ngày trôi qua, mình vẫn không quên được vẻ mặt nghiêm trọng của cậu dân phòng hôm đó: “Trong này có ‘ép không’ anh ơi, bữa giờ nó đạp xe long nhong ở đây nè. Giờ cả hẻm phong tỏa cứng rồi!”

Sau đó là những tháng ngày nín thở, giữa lúc thành phố chìm trong khủng hoảng – thiếu giường bệnh, thiếu ôxi, thiếu đói và nỗi lo bị “dính” cứ lơ lửng trên đầu tất cả mọi người.

Thế rồi một tháng trôi qua, hẻm mình từ vùng đỏ chuyển thẳng lên vùng xanh. Chốt gác của công an được thay thế bằng chốt gác tự quản của tổ dân phố. Sinh khí bắt đầu trở lại. Rồi thêm một tháng nữa được sống trong vùng xanh.

Nhưng vùng xanh có nghĩa là gì?

Ở Sài Gòn, vùng xanh không hề mang nghĩa là vùng không có ca nhiễm. Ở hẻm mình, số ca nhiễm hiện nay không khác mấy hồi còn vùng đỏ. Hôm kia xe vẫn vào, chở đi một người vừa qua đời.

Nhưng thay vì giăng dây, rào chắn và cắt cử người canh phòng như vài tháng trước, giờ đây chính quyền chỉ dán một tờ giấy be bé nơi cánh cửa, chữ vàng nền đỏ: Nhà có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Bạn phải thật để ý mới thấy.

Những vẻ mặt nghiêm trọng hồi đầu cũng dần giãn ra. Sống chung với vi rút hiểu đơn giản có lẽ là điềm tĩnh hơn, không quay cuồng hăng máu “chống dịch như chống giặc” hay nín thở cảnh giác “hãy coi mỗi người đối diện là một ép tiềm năng”.

Sau chừng hai tháng đau thương và với việc vắc xin phủ sóng khá rộng, người Sài Gòn dần dịch chuyển, từ trạng thái chỉ một F0 thôi cũng hung hăng truy vết, quyết liệt phong tỏa, đến bây giờ, có dăm ba F0 vẫn là vùng xanh tươi phơi phới.

Những ngày gần đây, mình đã đi qua nhiều vùng xanh như thế, từ Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận 11, quận 3, quận 4, Phú Nhuận, thấy vẫn còn căng.

Bên trong nhiều con hẻm “xanh” vẫn có rất nhiều ca bệnh chưa tiếp cận được y tế đúng nghĩa, lúc gặp vấn đề không biết hỏi ai, hỏi tổ dân phố thì không hồi đáp.

Mình nói ca bệnh tức là những người phát triệu chứng rõ rệt, ít nhất cũng sốt, đau nhức, ho và phải dùng thuốc. Những người dương tính nhưng chưa có triệu chứng hoặc có sơ sơ thì mình không gọi là bệnh nhân.

Ở quận 8, mình ‘phôn’ cho một cô gái trẻ. “Anh ơi, anh chờ em xíu, để em nhờ cô tổ trưởng ra lấy vì em là F0,” cô bé nói, rụt rè và khẽ ho. Vài phút sau, cô gọi lại: “Anh ơi, cô tổ trưởng không ra lấy, bây giờ làm sao ta!” Mình bảo em cứ ở yên đấy, rồi mình tới xin anh bộ đội chốt hẻm, không nghĩ là có thể vào được, nhưng anh bộ đội nghe mình nói “ôxi” thì liền cho vào mà không hỏi thêm gì cả.

Trong con hẻm sâu chừng 300 mét, cô gái trẻ hé cửa. Mình hỏi em nhận được gói thuốc của chính quyền chưa, cô bảo dạ chưa, mà trong nhà này xét nghiệm chưa hết anh ạ, chỉ mới có mình em.

Lúc trở ra, mình tranh thủ kiếm số điện thoại của phường, y tế phường và quận nhắn vào Zalo: “Em gọi số này, không được thì gọi số này, nói người ta đưa thuốc tới. Bảo họ anh Đam, anh Mãi chỉ đạo thuốc là phải phát tới F0 chứ không phải để ở phường.” (Mình nhớ có ông to nào nói câu đó, không chắc có phải anh Đam, anh Mãi không!?)

Trên bến Phú Định, quận 8, mình nói chuyện với một cô gái có em là bà bầu sắp sinh bị dương tính. Cô đang tìm cách đưa em vào bệnh viện mà không biết có thông chốt được không. Mình bảo bà bầu thì cứ ào mà đi, không ai chặn đâu.

Qua tính năng Zalo Connect, mình nhắn tin cho người dương tính cần giúp đỡ trong hẻm mình, thấy họ cũng chưa được hỗ trợ y tế.

Một cô gái trẻ nhắn: “Không thấy phường cho thuốc hay gọi gì cả, bây giờ người ta đang cho công an đi bắt F0 đi cách ly.” Mình nói không phải đâu, có bệnh mới đi chữa chứ, còn dương tính mà còn khỏe thì làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, ăn uống nhiều vào. Rồi mình nhắn lại cái câu y chang với cô bên quận 8, đưa thêm anh Minh Chính vào để tăng độ ép phê, chỉ thay số điện thoại liên lạc.

Sài Gòn vẫn căng. Số người bệnh tự xoay xở còn nhiều. Số người đói ăn còn nhiều hơn nữa. Nhưng về mặt tinh thần, mình thấy Sài Gòn tháng này đã đỡ hơn một hai tháng trước.

Đỗ Hùng

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM MUỐN THẮNG ĐÂU CẦN ĐÁNH, CHỈ CẦN THẮNG BẰNG MỒM !

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 4-9-2021

Đã gần hai tháng qua, Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước, với 10 triệu dân bị phong tỏa vì dịch Covid.

Số người chết hàng ngày cứ chất chồng. Việt Nam đã có hơn 12.000 người chết vì virus. Việt Nam đạt một kỷ lục đáng buồn là tỷ lệ người chết trên số người bị nhiễm virus cao hàng đầu thế giới, hơn 2%.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay chưa thấy lối thoát, với những quyết định trái ngược nhau liên tục. Sau khi cho bộ đội phụ trách đi chợ cho người dân bị phong tỏa được vài ngày, thì hủy việc đó, mà cho phép những người giao hàng bằng xe gắn máy (shipper) hoạt động trở lại.

Trước đây đài truyền hình quốc gia tuyên bố, kẻ nào nói phải sống chung với dịch là bọn xuyên tạc, nay đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, phải sống chung với dịch, mà các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước cứ luôn mồm chống dịch như chống giặc, nay lại muốn sống chung với dịch tức là sống chung với giặc, tức là đầu hàng giặc chăng?

Không! Đảng Cộng sản Việt Nam đâu có bao giờ chịu thua. Trong lịch sử do họ biên soạn, không thấy họ ghi là họ thua một trận đánh nào cả.

Khi những chính sách của họ sau năm 1975 gây ra những thảm họa kinh tế mà 11 năm sau họ đành phải vứt bỏ và tuân theo nền kinh tế thị trường, họ cũng chưa bao giờ công nhận rằng họ đã thất bại.

Sau khi thành Hồ bị phong tỏa một thời gian, lo ngại việc thiếu thốn và căng thẳng có thể gây náo loạn, Đảng bèn tung quân đội vào thành phố.

Nếu việc đưa quân đội vào giữ trật tự trong bất cứ một cuộc khủng hoảng thiên tai dịch bệnh nào, là một chuyện hết sức bình thường đối với bất cứ quốc gia nào, thì câu nói của vị bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang mới là lạ.

Ông Giang nói: Nếu không thắng thì không về!

Thưa ông Giang, thế nào là thắng? Phải chăng ý ông bảo rằng, thắng có nghĩa là không còn người nhiễm virus nữa ở thành Hồ?

Giả sử thành Hồ không đủ vaccine chích ngừa cho toàn dân (là điều hoàn toàn có thể xảy ra), dịch bệnh lây ra cho tất cả 10 triệu người dân. Căn cứ theo tỷ lệ chết trên số người nhiễm bệnh hiện nay thì sẽ có 200 ngàn người chết vì dịch, nhưng dịch chấm dứt ở thành phố này vì những người còn lại sau khi bị nhiễm virus đều có kháng thể. Như vậy có xem là thắng hay không?

Xin hỏi ông Giang và các lãnh đạo Đảng CSVN khác là, có quốc gia nào đã thắng dịch Covid chưa?

Năm 2020, với sự điều hành bất tài của Donald Trump, nước Mỹ bị bùng phát dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát. Tháng 4/2021, với tinh thần dân túy vô trách nhiệm, thủ tướng Ấn Độ Modi đã làm cho hàng ngàn người Ấn bị chết không kịp thiêu. Báo chí Mỹ và Ấn Độ đều nói rằng, quốc gia họ đã thất bại. Các quốc gia châu Âu vào năm 2020 cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy.

Nay các quốc gia đó đã giảm bớt sự truyền nhiễm với sự trợ giúp của vaccine, nhưng sự thất bại của họ vẫn là thất bại.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không bao giờ chịu thất bại, vẫn quyết “không thắng không về”, vẫn “thần tốc”, vẫn “quyết thắng”…

Việt Nam đã có hơn 1 năm rảnh rang vì chặn được dịch trong giai đoạn mới bùng phát vào năm 2020. Việt Nam có khoảng thời gian quý như vàng đó để chuẩn bị. Việt Nam có dân số trẻ, ít người già, Việt Nam có số đông dân chúng có thói quen tuân theo mệnh lệnh của chính quyền.

Tất cả những thuận lợi đó đều đã không làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam tránh được hình ảnh tang tóc của thành phố Sài Gòn trong những ngày này.

Thế mà họ vẫn nói là họ thắng!

Chẳng ai tranh giành cái chiến thắng này của họ cả. Họ cứ thắng, trong khi dân Sài Gòn vẫn tiếp tục chết hơn 300 người mỗi ngày!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét