Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

20210925. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (11)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁCH CHỐNG DỊCH PHONG TỎA HẸP, KIỂM SOÁT NHANH, 
VẬN HÀNH CƠ ĐỘNG Ở HÀ NỘI
HƯƠNG QUỲNH/ VNN 22-9-2021

Để đối phó với dịch Covid-19, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Những ngày tháng 7/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch, Hà Nội chính thức quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Các biện pháp chống dịch được TP đưa ra và thực hiện xuyên suốt qua 4 đợt giãn cách như đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ siêu thị, chợ, cơ sở khám chữa bệnh...; tạm dừng vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy…

Các biện pháp phòng, chống dịch của Hà Nội cũng được thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly/khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực.

Còn nhớ, vào tối 4/2, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 là bệnh nhân 1956 (trú tại P2104B chung cư Sky City 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Sau khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng lập tức phong tỏa tạm thời chung cư này.

Cách chống dịch phong tỏa hẹp, kiểm soát nhanh, vận hành cơ động ở Hà Nội
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Phạm Hải

Các nhân viên y tế đã gấp rút thông báo những người làm việc tại tòa nhà này và những người ra vào tòa nhà phải khai báo y tế. Riêng người dân sinh sống trong chung cư này được yêu cầu khai báo y tế và ở yên trong nhà. 

Ngay trong đêm 4/2, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả cư dân tòa B chung cư 88 Láng Hạ với 934 người.

Việc lấy mẫu và xét nghiệm được lãnh đạo TP yêu cầu phải theo công thức "4 - 6", tức sau khi phát hiện F0 thì tổ chức lấy mẫu trong 4 giờ chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, trả kết quả trong vòng 6 giờ.

Với việc xét nghiệm thần tốc và làm xuyên đêm, chiều 5/2 đã có kết quả xét nghiệm lần 1 với 934 trường hợp âm tính. Dựa trên kết quả này, UBND quận Đống Đa đã dỡ bỏ phong tỏa phía ngoài chung cư 88 Láng Hạ, chỉ thực hiện cách ly y tế tại tầng 10, tầng 21 của chung cư này trong vòng 14 ngày.

Cách làm trên đã góp phần giải tỏa áp lực cho 934 người trong khu nhà chỉ trong vòng 24-32 giờ sau, chỉ giới hạn về cách ly với những người ở tầng 10 và tầng 21 của chung cư. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quyết định phong tỏa cần xác định ở phạm vi hẹp nhất, nhỏ nhất. Đây là phương châm chống dịch tối ưu cả về khía cạnh phân bổ nhân lực lẫn điều kiện chăm lo đời sống cho người dân. 

Một dẫn chứng khác, cuối tháng 7, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận những ca bệnh Covid-19 mới phát sinh. Trước tình hình này, quận cho tạm thời cách ly y tế một phần phường Chương Dương từ ngày 31/7 đến 14/8 để điều tra truy vết xác định các trường hợp liên quan, tức thực hiện cách ly 14 ngày. 

Việc cách ly có mục tiêu 14 ngày với giới hạn chỉ áp dụng với một phần của phường Chương Dương đã giúp chính quyền quận Hoàn Kiếm dễ huy động nguồn lực về cung ứng thực phẩm cũng như nhân lực y tế xét nghiệm thần tốc ngay trong đêm. 

Do quy định cách ly y tế, các gia đình không được phép ra ngoài, nên UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp lương thực thực phẩm lớn với hàng hóa dồi dào, phong phú đưa đến từng gia đình mà không gặp bất cứ trở ngại nào trong khâu tổ chức chăm lo đời sống.

Cách chống dịch phong tỏa hẹp, kiểm soát nhanh, vận hành cơ động ở Hà Nội
Xe điện vận chuyển hàng hóa được quận Hoàn Kiếm chi viện tại phường Chương Dương. Ảnh: Đoàn Bổng

Ngoài ra, với phạm vi phong tỏa chỉ ở mức một phần phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm còn tổ chức Tổ cung ứng với 80 thành viên đã được tiêm vắc xin sẵn sàng hỗ trợ tới từng nhà, mua giúp các mặt hàng thiết yếu khác khi người dân có nhu cầu. 

Theo đánh giá, với cách chống dịch đưa về quy mô nhỏ, phong tỏa theo từng lớp để sớm thu hẹp khu vực cách ly, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đang triển khai phương châm phong tỏa, cách ly có mục tiêu, có thời hạn sớm này để dập dịch ở những vùng đỏ. 

Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, song vẫn linh hoạt trong cách triển khai của Hà Nội đã đưa số ca mắc trong 4 đợt giãn cách giảm mạnh (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày, đợt 4: 31,3 ca/ngày).

Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, tính đến 14h ngày 21/9 còn 43 điểm phong tỏa với khoảng 21.900 người. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh - vàng, giảm vùng đỏ - cam so với thời điểm ngày 6/9.

Thần tốc với 2 chiến dịch: Tiêm chủng và xét nghiệm

Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại Covid-19. 

Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 6/9. 

Đến ngày 15/9 TP phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác; xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Cách chống dịch phong tỏa hẹp, kiểm soát nhanh, vận hành cơ động ở Hà Nội
Người dân Hà Nội đi tiêm vắc xin. Ảnh: Phạm Hải

Triển khai nhiệm vụ này, lực lượng y tế của TP đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vắc xin cho người dân.

Vấn đề xét nghiệm để tầm soát, phát hiện sớm F0, kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là biện pháp cần thiết. Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Kết quả tiêm chủng, đến hết ngày 18/9, TP đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1: 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, Bệnh viện Trung ương tiêm 725.566 mũi), đạt 94,2% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số (trừ những người chống chỉ định). Số mũi 2 đã tiêm là 786.095, đạt 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8-15/9, toàn TP đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch. Qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính. Từ ngày 16-19/9, TP đã lấy 90.977 mẫu thường quy, đã phát hiện 47 dương tính, còn lại âm tính…

Trong hai chiến dịch lớn của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4.000 nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

Xét về khía cạnh quy mô vùng rộng lớn với nhiều tỉnh thành, khi có sự chi viện về lực lượng từ nhiều tỉnh hỗ trợ một địa phương như nhiều tỉnh, thành đã hỗ trợ Hà Nội, những vướng mắc về năng lực của mỗi nơi đã được giải quyết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi nhiều tỉnh chưa có dịch tập trung lực lượng hỗ trợ cho một địa phương dập dịch, các kế hoạch kiểm soát dịch sẽ được triển khai nhanh chóng, việc chuyển màu vùng đỏ cũng sẽ sớm hơn, vùng xanh sớm hình thành trở lại.

Về công tác điều trị, thu dung, ngành y tế tiếp tục thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng; đồng thời chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng đủ hệ thống oxy tại các bệnh viện và sẵn sàng các cơ sở cách ly…

Có thể nói, với quy mô dịch như hiện nay, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã chuẩn bị phương án chống dịch mang tính chủ động, đi trước. Thực tế, dù số ca bệnh, diễn biến dịch ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã được kiểm soát, vốn vẫn là vùng xanh, nhưng 100% các quận, huyện Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án cho các trạm y tế lưu động trên địa bàn. Trong đó chuẩn bị về địa điểm tại các trường học, nhà văn hóa, một số nơi huy động các phòng khám tư nhân vào cuộc; đối với nhân lực huy động nguồn lực từ cán bộ Trung tâm Y tế, cán bộ y tế học đường và cán bộ y tế tư nhân... 

Đối với một số quận, huyện, thị xã có nhiều ca bệnh phải thực hiện khoanh vùng đã tổ chức triển khai như trạm y tế tại phường Văn Chương, quận Đống Đa; 3 trạm y tế lưu động tại quận Thanh Xuân... khi thực hiện các trạm y tế này đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân từ sớm như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị cấp thuốc cho người mắc các bệnh mãn tính.

Bình thường mới theo phương châm: Nhỏ-Nhanh-Cơ động

Qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đánh giá cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 22 quyết định từ 6h ngày 21/9, cho phép thực hiện và điều chỉnh một số hoạt động như mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày…

Cách chống dịch phong tỏa hẹp, kiểm soát nhanh, vận hành cơ động ở Hà Nội
Đường Trường Chinh ngày đầu áp dụng Chỉ thị 15. Ảnh: Phạm Hải

Dù đạt được một số thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, tuy nhiên, chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô không được chủ quan, Hà Nội chưa thể an toàn khi cả nước chưa an toàn với đại dịch Covid-19. 


Tuy nhiên, từ thực tế chống dịch, cách làm của một số phường, quận, phương châm chống dịch phong tỏa và giãn cách xã hội theo nguyên tắc phạm vi nhỏ - hẹp nhất, xét nghiệm và trả kết quả nhanh nhất, cách ly có mục tiêu 14 ngày và cơ động trong xử lý các tình huống ngay ở phạm vi và lực lượng tuyến xã phường, cần được bổ sung trong kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19, thống nhất thực hiện toàn thành phố.

Về những biện pháp thời gian tới để Hà Nội không phải quay lại giãn cách xã hội như Chỉ thị 16, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh việc Hà Nội cần tiếp tục giám sát, phát hiện những đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ để nếu có có ca bệnh thì phát hiện được ngay bằng cách sớm nhất, truy vết, phong tỏa ổ dịch nhằm dập tắt kịp thời. 

Dịch còn phức tạp trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương,.. vì vậy Hà Nội vẫn phải kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch về. Ngoài ra, xây dựng cuộc sống an toàn.

“Bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, bình thường mới vẫn phải có những phương án, hoạt động nào được mở, những hoạt động nào có nguy cơ thì tiếp tục phải cấm”, ông Phu nói.

Ông cũng lưu ý làm sao để vẫn phải kiểm soát được dịch bệnh khi nới lỏng mà không gây cấm đoán và làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giao dịch.

Người dân tiếp tục thực hiện tốt 5K, có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi ngờ thì phải báo cáo cơ quan y tế và xét nghiệm ngay, nếu không thực hiện dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào, lúc đó lại phải giãn cách lại từ đầu.

Khi có ca bệnh cần thần tốc điều tra truy vết, không để lây lan rộng; xét nghiệm đối tượng vùng nguy cơ cao; phong tỏa phải theo đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, phong toả hẹp, chặt, không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân, đặc biệt đảm bảo tiêm vắc xin sớm đạt miễn dịch cộng đồng…

Các tỉnh thành cùng phong tỏa hẹp, chống dịch sẽ ít tốn kém

Theo các chuyên gia, việc phong tỏa theo nguyên tắc phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...) có thể một số tỉnh, thành cũng đã áp dụng, nhưng đây là vấn đề cần thống nhất thành phương châm chống dịch, thực hiện đồng bộ ở nhiều tỉnh, thành. 

Thứ nhất, khi thực hiện phong hỏa hay giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ, hẹp nhất, chi phí về nguồn lực tài chính và nhân lực sẽ ít tốn kém. Đồng thời, khi phong tỏa ở quy mô nhỏ, có thể cho phép triển khai nhanh các biện pháp kiểm soát dịch, dập dịch.

Thứ hai, khi phong tỏa ở phạm vi nhỏ hẹp có mục tiêu, có thể triển khai giãn cách nhanh trong 14 ngày để kiểm soát dịch, nhanh cả trong thực hiện xét nghiệm, đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng. 

Thứ ba, trong quá trình thực hiện phong tỏa, giãn cách phạm vi hẹp ở quy mô thôn ấp, xã phường, có thể đảm bảo sự cơ động trong huy động, tổ chức lực lượng y tế cộng đồng cấp xã, chăm lo kịp thời tới cấp thôn, hộ gia đình.

Sự cơ động ở cấp, xã phường còn cho phép trong một đơn vị hành chính, vùng xanh có thể hỗ trợ nhanh cho vùng đỏ.

Theo một số chuyên gia, với phương châm rõ như nêu trên, khi thực hiện thống nhất ở các tỉnh, thành sẽ giảm bớt những vấn đề phát sinh trong phong tỏa, giãn cách nếu áp dụng ở phạm vi rộng. Tương tự, việc truy vết, xét nghiệm, trả kết quả cũng được giải quyết trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, phương châm chống dịch phong tỏa, giãn cách ở phạm vi hẹp nhất, truy vết và xét nghiệm nhanh, gọn được xem là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành. Phương châm này cũng giúp cho các địa phương dễ dàng huy động lực lượng tại chỗ, dập dịch nhanh và gỡ phong tỏa sớm.



Hương Quỳnh

Ý CHÍNH PHỦ VÀ LÒNG DÂN VỀ MUA VÀ TIÊM VERO CELL ?

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 22-9-2021

1. CHỢT NHỚ VỀ CHUYỆN SÓI GỬI CHÂN

Ngay từ đầu Chính phủ Việt Nam (VN) hoàn toàn không ngỏ ý mua Vero Cell Trung Quốc (TQ). Tưởng chỉ có 500 000 liều Vero Cell TQ về vào 20/6/2021 để tiêm cho người TQ làm việc tại VN, người VN có nhu cầu sang TQ, cư dân biên giới hay đi lại với TQ. Đó là lý do để TQ tặng, và cũng là lý do để VN nhận vaccine TQ. Tưởng đó là “kênh duy nhất” mà Vero Cell vào VN. Tưởng thế thế là chấm dứt duyên nợ với Vero Cell. Nhưng thật không ngờ. Vero Cell tràn vào VN không chỉ bằng cách “sói gửi chân”.

“Kênh thứ 2” là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) bỗng dưng tài trợ cho TP.HCM 5 triệu liều vaccine chống Covid, không phải của AstraZeneca, Pfizer, hay Moderna mà là của Vero Cell của Trung Quốc.

Cũng tưởng “kênh VTP” chấm dứt ở 5 triệu liều. Nhưng không, VTP lại tiếp tục tặng 8 triệu liều Vero Cell cho toàn quốc. Không chỉ TP.HCM với vùng lân cận và các tỉnh biên giới, mà toàn quốc đều bao phủ Vero Cell. Hãy xem số liệu phân bố Vero Cell đợt mới nhất:

“Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định về việc phân bổ 8 triệu liều vaccine COVID-19 Vero Cell. Đây là số vaccine Vero Cell do Công ty Cổ phần bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Hà Nội được phân bổ 1.359.000 liều; Bắc Giang 200.000 liều; Bắc Ninh 400.000 liều; Lạng Sơn 500.000 liều; Vĩnh Phúc 100.000 liều; Yên Bái 500.000 liều; Hải Phòng 500.000 liều; Nam Định 200.000 liều; Hải Dương 94.400 liều; Hưng Yên: 147.200 liều; Quảng Ninh 700.800 liều; Thanh Hóa 200.000 liều; Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định đều được 200.000 liều. Khánh Hòa 300.000 liều.

Tại các tỉnh phía Nam, TP.HCM nhận thêm 500.000 liều; Bà Rịa Vũng Tàu 100.000 liều; Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp đều được 200.000 liều; Tiền Giang 96.200 liều; Kiên Giang 300.000 liều. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được phân bổ 200.000 liều (https://laodong.vn/.../phan-bo-8-trieu-lieu-vaccine-vero...).

“Kênh thứ 3” là đại sứ Hùng Ba. Trước khi phi cơ của bà Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh, đã gặp TT Phạm Minh Chính với “món quà” 2 triệu liều Vero Cell (24/8/2021).

Rất mạnh là “kênh thứ 4”. Đó là chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị ngày 09-12/9/2021 với quà tặng 3 triệu liều Vero Cell.

“Kênh thứ 5” là Bộ Quốc phòng TQ. Bộ Quốc phòng TQ đã tặng Bộ Quốc phòng VN 200 000 liều Vero Cell (17/8/2021).

“Kênh thứ 6” là khu tự trị Quảng Tây TQ tặng VN 800 000 liều Vero Cell.

Qua các tỉnh, các bộ, các tổ chức đoàn thể - Vero Cell có thể sẽ tràn vào VN với rất nhiều kênh nữa. Cho đến hiện tại đã có khoảng 20 triệu liều Vero Cell nhập vào VN.

2. VU HỒI TỪ TRUNG ĐÔNG

Nhưng điều đáng nói là chiếc “vòi” vu hồi tít từ tận Trung Đông.

Ông Vương Nghị sang thăm VN (09-12/9/2021) không chỉ với quà tặng 3 triệu liều Vero Cell. Ngày 10/9/2021 Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp Hayat – Vax. Ngày 16/9/2021 Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu 30 triệu liều Hayat – Vax là Vero Cell đóng gói ở UAE.

Ô Mã Nhi đánh vu hồi từ biển Thuận Hoá còn thua xa Vero Cell bắc “vòi” vu hồi từ tít tận Trung Đông.

3. CHOÁNG VÁNG

Ngày 22/9/2021 truyền thông đưa tin Chính phủ VN mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell - mặc dù ngay từ đầu dịch suốt cho đến tháng 8/2021 hoàn toàn không đề cập đến mua vaccine của TQ. Từ không muốn cho đến tự nguyện quả là một biên giới mong manh. Choáng váng khi đọc điều kiện của hợp đồng:

“Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản hợp đồng; chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh phán quyết; ngôn ngữ trọng tài là tiếng Trung Quốc” (https://vnexpress.net/viet-nam-se-mua-20-trieu-lieu...).

Những ai đã từng ký hợp đồng thương mại quốc tế rồi thì sẽ hiểu rất rõ vị thế của các bên tham gia ký hợp đồng. Các điều khoản:

“Việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh phán quyết; ngôn ngữ trọng tài là tiếng Trung Quốc” gợi nhớ đến tình thế “… vô điều kiện”.

Có thể là hình ảnh về văn bảnCó thể là hình ảnh về văn bản

4. THỊ PHẦN THỐNG TRỊ

Từ chỗ chỉ có 500 000 liều vào 20/6/2021, đến ngày 20/9/2021 đã có khoảng 20 triệu liều Vero Cell trên tổng số 45 triệu liều vaccine của tất cả các hãng. Vero Cell hiện có thị phần 44,4% – lớn hơn bất cứ loại vaccine nào, dù đó là AstraZeneca hay Pfizer.

Với 20 triệu liều Vero Cell vừa chấp nhận mua, cùng với 30 triệu liều Hayat-Vax được phép nhập khẩu hôm 16/9/2021, dự báo sẽ có 70 triệu liều vaccine TQ tại Việt Nam trong tháng 10-11/2021. Vero Cell chẳng những vẫn là hãng chiếm thị phần vaccine lớn nhất ở mà còn có thể, nếu về ồ ạt trong tháng 10/2021 – bằng tất cả các vaccine khác cộng lại vào thời điểm đó.

5. AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Cách mà VN xin và mua vaccine trong thời gian vừa qua có điều gì đó gợi nhớ đến tỉnh thế hoảng loạn, gợi nhớ đến hoàn cảnh của người đuối nước, gặp gì cũng bíu nắm.

- Xin vaccine từ nước bé đến nước lớn.

- Ký hợp đồng mua vaccine Vero Cell với các điều khoản vô cùng yếu thế.

- Mất tiền mua, nhưng không mua được loại tốt.

Cũng là phải trả tiền, nếu biết mua vaccine sớm hơn như các nước? Tự nhiên lại nhớ đến chợ chiều.

6. CÓ PHẢI “ VACCINE TỐT NHẤT LÀ VACCINE ĐƯỢC TIÊM SỚM NHẤT”?

Cho đến bây giờ châu Âu vẫn không chấp nhận Vero Cell của TQ cho dù Vero Cell đã được WHO chấp nhận. Hãy tự lý giải tại sao?

Theo một nghiên cứu gần đây (https://covidreference.com/epidemiology_vn) thì tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên tại nhà từ 11-19%, tại nơi làm việc 43,5 %, trên tàu du lịch dài ngày Diamond Princess 79%; trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt 12,5% (trong số đó khoảng 60% người nhiễm vẫn không có triệu chứng), trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp 59% (28% người nhiễm có triệu chứng, 72% nhiễm không có triệu chứng”.

Từ các con số trên, có thể đưa ra một ước lượng thô sau đây:

- Tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên 50% (cứ 2 người thì có 1 người bị nhiễm).

- Tỷ lệ người lây nhiễm không có triệu chứng 50%.

- Tỷ lệ người lây nhiễm có triệu chứng tự khỏi 20%.

Gọi X là tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên, Y là tỷ lệ lây nhiễm không có triệu chứng, Z là tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng tự khỏi. Công thức tính tỷ lệ người không cần dùng vaccine sẽ là:

(1-X) + XY + X(1-Y)Z

Áp dụng cho ước lượng nêu trên, số người không cần tiêm vaccine sẽ là:

(1-0,5) + 0,5.0,5 + 0,5.0,5.0,2 = 0,8 = 80%

Như vậy có khoảng 80% người dân không cần đến vaccine. Một ước lượng an toàn hơn, chỉ lấy những người không bị lây nhiễm, và những người bị lây nhiễm nhưng hoàn toàn không có triệu chứng, thì tỷ lệ người không cần vaccine sẽ là:

(1-0,5) + 0,5.0,5 = 0.7 = 75%

Điều này có nghĩa là 75% dân số không cần đến vaccine. Có thể thay đổi giá trị XYZ nhưng tỷ lệ người không cần vaccine là một tỷ lệ đa số.

Nó giải thích tại sao tỷ phú Bill Gate từ chối tiêm vaccine ngừa Covid cho con.

Nó cũng giải thích tại sao tiêm vaccine ngừa Covid -19 là tự nguyện chứ không phải là bắt buộc.

Tóm lại, với những người khoẻ mạnh, cơ thể có khả năng tự phòng chống Covid -19 (như trên dự báo là 75%) thì không cần đến vaccine. Đối với những người này vaccine được tiêm sớm nhất dù là loại tốt đều là có hại. Đây là phản chứng cho nhận định “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Như vậy, đối với một nhóm người trong số những người khả năng tự chống Covid-19 yếu (khoảng 25%) - thì có thể xẩy ra trường hợp “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Nhưng với những người còn lại thì “vaccine tốt nhất không phải là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Xin nhắc lại, cả hai nhận định trên giải thích vì sao tiêm vaccine là tự nguyện mà không phải bắt buộc, vì sao có người từ chối tiêm vaccine, vì sao lựa chọn loại vaccine nào là quyền cá nhân mà không ai áp đặt được.

7. BÀI HỌC LỊCH SỬ

Chuyện tặng quà gợi nhớ đến tích Việt Vương Câu Tiễn dâng thóc tốt cho Phù Sai nước Ngô. Phù Sai thấy hạt thóc to nên cho dân lấy làm giống. Nhưng đến mùa gieo thóc giống không lên mạ, vì thóc đã bị Câu Tiễn cho luộc trước khi dâng lên Phù Sai. Nước Ngô mất mùa lớn.

Hậu quả về sau gợi nhớ đến vụ Tổng thống Kadyrov nước Cộng hoà Chechnya bị bom nổ tung trên khán đài sân vận động Dynamo tại thủ đô Grozny ngày 09/5/2004 đang trong lúc mít-tinh. Quả bom đã được chôn trong cột bê tông nhiều tháng trước đó khi sửa chữa sân vận động.

Nói đến thuốc men, hoá chất, phóng xạ lại nghĩ đến Litvienko và Navalny bị đầu độc.

Tiêm vaccine là đưa chất độc vào người với nguy cơ gây ra bệnh tật cả hàng chục năm về sau. Vì thế nên thử nghiệm lâm sàng của vaccine phải được kiểm nghiệm cẩn thận trong nhiều năm.

8. Ý CHÍNH PHỦ VÀ LÒNG DÂN

Chính phủ quyết định mua 20 triệu liều Vero Cell. Đã xuất tiền mua thì phải tiêu thụ hết. 20 triệu liều được tặng đang được tiêu thụ, thì 20 triệu liều mua tất sẽ phải được tiêu thụ. Có cách để tiêu thụ hết.

Quan điểm sẽ khác nhau. Nhưng có cách giản đơn để biết ý Chính phủ và lòng dân về 40 triệu liều Vero Cell.

Tiền Chính phủ xuất ra mua 20 triệu liều Vero Cell cũng là tiền của dân. Vậy thì hãy thử trả lời các câu hỏi sau đây để biết ý Chính phủ và lòng dân:

– Có tìm được 10 triệu người Việt Nam (trong số 70 triệu người từ 18 tuổi trở lên) đồng ý bỏ tiền túi ra lựa chọn mua Vero Cell trong 4 loại có thể mua Pfizer, Moderna, Astrazeneca, Vero Cell?

– Có tìm được 20 triệu người Việt Nam (28,57% trong số 70 triệu người từ 18 tuổi trở lên) tự nguyện lựa chọn Vero Cell trong số 4 loại Pfizer, Moderna, Astrazeneca, Vero Cell để tiêm?

Lấy đầu ra mà đánh cuộc, câu trả lời cho cả 2 câu hỏi là KHÔNG.

Có nhiều thước đo để đo năng lực của một chính phủ. Cách mua vaccine ngừa Covid -19 cũng là một thước đo năng lực chính phủ.

Cứ nghĩ đến 20 triệu người VN chiếm 28,57% trong số 70 triệu người từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm Vero Cell mà day dứt không ngủ.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

CHỐNG DỊCH VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN THẤT BẠI

ĐỖ NGÀ/ TD 22-9-2021

Tính đến ngày 20/9 thì tỷ lệ chích ngừa trung bình cả thế giới là 44%, trong đó có 32% dân số được chích ngừa 2 mũi. Trong khu vực Đông Nam Á, trừ Myanmar bị thế giới cô lập ra, thì tất cả đều có tỷ lệ chích ngừa cao hơn Việt Nam. Nước trong khu vực có tỷ lệ chính ngừa đứng ngay phía trên Việt Nam là Indonesia cũng chích được 29% hơn Việt Nam 1%, tuy nhiên số người chích được 2 mũi của họ lại bỏ rất xa Việt Nam, tỷ lệ là 16,36% trong khi đó Việt Nam chỉ có 6,64%.

Ngược trở về thời điểm ngày 8/8, tỷ lệ người chích 2 mũi trong khu vực mức trung bình thế giới là: Việt Nam 1%, Thái Lan 6,4%, Indonesia là 8,6%, thế giới là 12,5%. Đến ngày 18/9 thì tỷ lệ người chích 2 mũi trong khu vực là: Việt Nam là 6,6%, Indonesia là 16,2, Thái Lan 20,9%, Thế giới là 31,6. Như vậy là sau 41 ngày Thái Lan tăng 14,5%, Indonesia tăng 7,6%, thế giới tăng 19,1%. Còn Việt Nam chỉ tăng thêm 5,6%. Vấn đề tiêm vaccine, Việt Nam không những xuất phát muộn nhất mà còn có tốc độ cũng chậm nhất.

Nguyên nhân nào dẫn đề tốc độ tiêm 2 mũi vaccine cho dân quá chậm như vậy? Có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là thiếu vaccine, thứ nhì là thiếu nhân lực, thứ ba là bộ máy nhà nước làm việc tắc trách. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chính quyền CS Việt Nam để xảy ra cả 3 nguyên nhân trên, như thế thì tốc độ tiêm chủng không chậm hơn người ta mới lạ.

Cho tới nay vaccine mà Việt Nam đem chích cho dân chủ yếu là loại vaccine đi xin chứ lượng mua không được bao nhiêu. Mà đi xin thì làm sao chủ động được nguồn vaccine mà không thiếu? ĐCS có đến 20 tháng chuẩn bị mà họ chuẩn bị nguồn vaccine như thế. Tuy nhiên trong 20 tháng ấy, họ lo tuyên truyền ca tụng thành tích chống dịch thay vì nhìn nhận đúng bản chất và chuẩn bị vaccine một cách nghiêm túc.

Chính quyết định xét nghiệm đại trà một cách vô ích đã làm cho nhân lực ngành y vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn. Ngày 21/9, UBND Thành Phố Thủ Đức có ra công văn khẩn số 403/VP yêu cần dừng chích ngừa để ưu tiên nhân lực cho công việc xét nghiệm đại trà, thật không thể hiểu nổi. Tại sao không dùng nhân lực để tiêm chủng mà dùng nhân lực vào công việc vô ích như vậy?

Ngày 14/9, Sở Y tế Tỉnh Bình Dương có ra công văn số 221/SYT-NVY cho biết vaccine Moderna mà Bộ Y tế phân bổ về cho tỉnh đợt 11 và đợt 14 đã hết hạn từ ngày 5/9. Trong khi đó dân thiếu vaccine nhưng ngành y tế đã lãng phí vaccine như thế, đấy không phải tắc trách là gì?

Tốc độ chích ngừa đủ 2 mũi cho người dân rất quan trọng. Đất nước đang cần người trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội cần giảm thiểu ca tử vong, người dân cần có kháng thể bảo vệ sinh mạng, học sinh cần đến trường, các chuỗi cung ứng bị đứt rất cần nhanh chóng được nối lại, doanh nghiệp đang ngáp cần được cứu, các doanh nghiệp FDI cần phải đi vào hoạt động vv… tất cả đều đang chờ vaccine được chích đầy đủ nhất và kịp lúc nhất. Ấy vậy mà chính quyền này lại làm đủ thứ chuyện ngu ngốc dẫn tới tốc độ tiêm vaccine cực chậm.

Làm chính sách là phải thực hiện đủ quá trình: thứ nhất ra chính sách; thứ nhì triển khai chính sách; thứ ba giám sát và tiếp nhận phản hồi; thứ tư là hiệu chỉnh chính sách sau khi nhận phản hồi xấu; và cuối cùng là kết quả. Việc làm chính sách của ĐCS Việt Nam rất vô trách nhiệm, họ ra chính sách rồi để nó tự chạy mà không cần tiếp nhận phản hồi để hiệu chỉnh nó kịp thời. Kết quả là, dù cho chính sách ấy có được đề ra đúng hướng thì khi áp dụng nó cũng chệch hướng và cuối cùng là thất bại.


SÀI GÒN, HÀ NỘI: CÁI GÌ NẮM, CÁI GÌ BUÔNG ?

HUY ĐỨC/ TD 22-9-2021


Hình ảnh “đêm Trung Thu” ở Hà Nội cho thấy ý thức của dân chúng cũng rất là vấn đề. Tuy nhiên, điều này không chỉ lỗi ở dân chúng mà còn vì thông điệp mà Chính quyền cả Hà Nội và Sài Gòn gửi đi mấy tháng qua đã làm cho cách hiểu của người dân trở nên méo mó.

Nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vì với họ, ngồi nhà mấy tuần qua, chủ yếu vì bị cấm, vì phố phường bị rào chắn chứ không phải vì ý thức phòng chống dịch.

Thay vì lô cốt hóa phố phường, rào đường, lập chốt, khóa cổng… Chính quyền đưa ra các khuyến vào và biển báo để người dân biết: Bạn sắp đi tới vùng dịch: Rẽ phải (trái) là vùng dịch… Thì, rất ít ai liều lĩnh.

Nhiều người dân Hà Nội “đọc” hành động bỏ chốt, gỡ rào… mấy hôm vừa qua là “hết dịch” thay vì hiểu chính quyền đã rút lại những biện pháp không cần thiết.

Sài Gòn có khác hơn, phần lớn những người dân ngồi nhà từ tháng 5 là vì họ ý thức được mối đe dọa của Covid chứ không phải hoàn toàn vì Chính quyền rào đường lập chốt. Trong khi, việc rào đường lập chốt, lại chỉ ngăn chặn những người cần phải ra đường. Thậm chí, ra đường để đi viện, mua thuốc chữa bệnh cũng không được vì thiếu giấy tờ và chốt chặn.

Quận 7 được nói là chống dịch khá thành công. Việc mở cho dân ra khỏi nhà là đúng. Tuy nhiên, “mở” bằng cách cấp phiếu tập thể dục thì thật là máy móc. Điều Chính quyền cần đảm bảo là ra đường cũng phải “giãn cách” chứ không phải là phân phối tiêu chuẩn ra đường. Vì thế, trên các vỉa hè, hành lang, lối đi trong công viên… chỉ cần cho giăng dây để đảm bảo người đi bộ phải đi một chiều. Thỉnh thoảng tung ra một vài cảnh sát tuần tra, phát hiện ai đứng gần nhau dưới 3 mét (trừ người đang sinh sống cùng nhà) thì phạt nặng.

Ở nhiều quốc gia khác, như Pháp hay Singapore… trong thời gian lockdown, chính quyền vẫn khuyến khích dân chúng ra ngoài chạy bộ hay thể dục (miễn là tuân thủ 5k). Tụm nhau trong nhà, trong hẻm kín thì nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn lấy xe hơi, một mình chạy một vòng xả xì trét rồi về lại nơi xuất phát.

CDC Mỹ vừa cho biết, đại dịch đã làm 42% người Mỹ tăng trọng 15 pounds và đối diện với nỗi lo béo phì – căn bệnh làm chết một năm khoảng 300 nghìn người Mỹ. Chúng ta, chắc ít ai, kể cả Chính quyền và Bộ Y tế, quan tâm đến các thứ bệnh như thế, nói chi đến những hội chứng tâm thần do stress bởi ngồi nhà đếm kiến tháng này qua tháng khác.

Huy Đức

LẠI TÔ MÀU RỒI ĐỔI MÀU: CHUYỆN VÔ NGHĨA SAO CỨ LÀM?

VŨ KIM HẠNH/ TD 22-9-2021

Trong 10 điểm mà 14 Hiệp hội kiến nghị với Thủ tướng về chính sách phòng chống dịch, có điều 3, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo “Xem xét sửa đổi quyết định 2686/QĐ-BCĐQG” có nội dung là “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”.

ĐỀ NGHỊ CỦA 14 HIỆP HỘI ĐÃ ĐĂNG BÁO

Kiến nghị này trình bày là do quyết định trên có nhiều điểm thiếu khoa học, có thể dẫn đến xác định sai mức độ nguy cơ, từ đó dẫn đến việc áp dụng chiến lược kiểm soát dịch bị dàn trải, tăng cao mà thiếu hiệu quả do không có trọng điểm, đồng thời ảnh hưởng lớn đến kinh tế khi kéo dài.

1- Về khoa học, mức độ nguy cơ của khu vực lớn thường là trung bình mức độ nguy cơ của các khu vực nhỏ (tức là bằng hoặc thấp hơn mức độ nguy cơ cao nhất của các khu vực thành phần). Khu vực thành phần chỉ có nguy cơ cao thì khu vực lớn tối đa cũng chỉ có nguy cơ cao. Xếp nguy cơ cao hơn cho khu vực lớn nếu để ngắn hạn với mục tiêu “Zero covid” thì có thể được, nhưng nếu để lâu dài là không phù hợp.

2- Không có cơ sở khoa học để đưa ra con số 30% số khu vực thành phần nằm rải rác hoặc 50% số khu vực thành phần trở lên có nguy cơ cao thì cả khu vực lớn cũng có nguy cơ cao, mà phải xét theo vị trí địa lý và tình hình cụ thể của các khu vực còn lại. Nếu các khu vực còn lại có vị trí địa lý tách biệt, hoặc chỉ giao lưu hạn chế với vùng có nguy cơ cao do đặc điểm lịch sử/văn hóa nên rất ít dịch bệnh thì không có lý do gì để xếp cả vùng vào nguy cơ cao hết cả.

HÀ NỘI ĐÃ THÔI PHÂN VÙNG THEO MÀU

Hà Nội tuy “không vội được đâu”, nhưng mới đây, tại chỉ thị số 22 mới ký ngày 20/9, đã khẳng định nguyên tắc đầu tiên là “Không áp dụng quy định phân vùng nữa”. Không chơi tô màu nữa, hết còn ý nghĩa rồi khi vắc-xin đã phủ phần lớn dân số và đang tiếp tục phủ nhanh. Phải chia lại theo nơi cư ngụ của người dân chỉ theo tiêu chí: đã tiêm và chưa tiêm, mũi 1 và mũi 2. Dĩ nhiên là phải triệt để với 5K.

Nhưng quên mấy cái màu tào lao đi. Nếu làm điều đúng đắn này thì Sài Gòn hôm nay chỉ còn lại 2 màu: Một vùng xanh đậm chừng gần 30% diện tích và một mãng toàn bộ gần đầy 100% là mãng cũng xanh chứ, mà xanh đều, xanh vừa. Ai đó hỏi, số nhiễm SG hôm nay tăng cao đất, thì sao, điều đó chẳng liên quan gì tới màu với sắc nữa vì con virus đã thâm nhập rất sâu trong cộng đồng, ôi trời, câu này ai cũng nghe hát mãi đến nhàm, mà sao với nhiều người nó cứ mới mẻ xa lạ và khó chấp nhận đến thế?

Thế nên sáng nay Bộ Y lại công bố bảng tô màu mới. Tôi đọc lại bảng dân số từng quận huyện, từng phướng, bám vào bản đồ phân vùng theo Bô Y Tế của HCDC và thấy hoa cả mắt và muốn… điên luôn vì màu được tô nó không theo một logic nào cả, từ sơ đẳng cho tới cao siêu.

Tôi cũng đã dự mấy cuộc họp phân tích khách quan về cách phân vùng này, mà tôi vẫn không hiểu cái cách hiểu của người phân vùng

THỬ NGHE Ý KIẾN NGƯỜI DÂN…

Có lẽ ông Thứ trưởng phụ trách việc tô màu này nên đọc mấy chục ý kiến của người dân ngay dưới tin của báo Tuổi Trẻ hôm nay, những phản hồi chân thực và nóng sốt nhất. Họ cũng hiểu biết thân phận của họ và của cái thành phố này lắm chứ không phải họ thờ ơ đâu. Xin chép thẳng về đây vài ý kiến giùm các vị.

“Nhìn bảng xếp hạng các quận không thể hiểu nổi Bộ Y tế áp dụng tiêu chí nào để đưa ra kết luận như thế” .

“Delta lây nhiễm cực nhanh, chỉ 2-3 h là bắt đầu có triệu chứng hay cũng không có triệu chứng. Với thời gian lây nhiễm nhanh như vậy thì việc chia vùng không có ý nghĩa gì về mặt dịch tễ”.

“Khu nhà mình ở phường Tân Thới Nhất, Q.12, đất đai rộng rãi nhiều khu dân cư nhà phố tách biệt, ít ca nhiễm và không sát nhau như trung tâm”.

“Vaccine là mấu chốt vấn đề. Nếu phủ vaccine đủ chuẩn miễn dịch cộng đồng thì bỏ khái niệm màu sắc của các vùng. Tui nghĩ, bây giờ cứ test thì cứ ra F0, không bao giờ dừng”…

Cho nên, tuy bản đồ sặc sỡ mà chẳng thấy ai ưng cái bụng hết, cũng chẳng có ai vui cả vì nó có thể quyết định cho họ sống hay chết, mà sao khó hiểu vậy? Họ chỉ muốn biết vì sao các ông không thay cái kiểu đánh giá quá lợi hại, không tháo cái “vòng kim cô” trên đầu TP.HCM, cho người dân lương thiện và… ham sống được trả tự do, được đi làm đi học, được sinh sống bình thường không?

Vũ Kim Hạnh

ĐẲNG CẤP VÀ NĂNG LỰC QUẢN TRỊ QUỐC GIA ĐÂU PHẢI QUA MỘT ĐÊM MÀ CÓ ĐƯỢC

NGUYÊN TỐNG/ TD 17-9-2021

Cá nhân mình rất sợ khi nghe những quyết định vào phút chót, khi phải đối mặt với cửa tử và trong tình thế bắt buộc thế này. Mừng thì ít mà lo thì nhiều. “Không thể không mở cửa” rõ ràng là bị động chứ không phải là chủ động mở. Nghe như kiểu bất lực, buông xuôi hay là “thả nổi” khi không kiểm soát được nữa vậy. Không khéo lại rơi vào thái cực khác, dẫn đến dịch còn toang mạnh hơn mà kinh tế vẫn sập theo kiểu đổ ụp chứ không từ từ như bây giờ nữa!

Bởi nếu nó là một quyết định sáng suốt và có cơ sở, có tính toán khoa học thì nó đã phải diễn ra từ 2-3 tháng trước và phải được chuẩn bị một cách bài bản và kỹ lưỡng cho “kịch bản” mở cửa này. Chứ mình có cảm giác là phong toả mãi mà không “chiến thắng” được thì buộc phải mở cửa ra kẻo chết đói, khỏi sập nền kinh tế thôi. Cũng gần như đánh mãi không thắng thì quay ra “sống chung” thôi chứ cũng chưa định hình được sẽ chung sống thế nào. Mọi việc vẫn lùng nhùng như cũ. Mở ra có chết dịch tiếp hay không, chết bao nhiêu nữa để đổi lấy kinh tế thì có lẽ chưa tính được?! Giả sử mở ra mà bung toang mạnh hơn, chết nhiều không kịp hoả táng nữa thì lại đóng lại hay sao? Hay chết kệ chết, cứ tiến lên?

Mà đâu phải là cứ mở cửa ra cho dân buôn bán làm ăn là không chết đói, là vực dậy được kinh tế đâu? Đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện bắt buộc phải có, nhưng chưa đủ để cứu đói, cứu kinh tế. Còn nhiều bài toán khác cần giải đồng thời, cần hành động đồng bộ thì mới cứu được, mới khắc phục được cái hậu quả đóng cửa mấy tháng qua.

Ví dụ, đã có ai thống kê và tính toán xem bao nhiêu hộ dân đã trả lại mặt bằng hoặc bị thu mặt bằng kinh doanh chưa? Hộ dân đó sẽ làm gì khi cửa hàng đã bị thu mặt bằng lại do mấy tháng không trả tiền thuê, nhân công thì phiêu bạt về quê? Tiền hàng bị đổ bỏ dẫn đến nợ đầm đìa mấy tháng rồi, cần bao nhiêu vốn hỗ trợ để khởi nghiệp lại? Các doanh nghiệp vừa vừa thì đứt gãy chuỗi cung ứng, mất đơn hàng rồi, giờ mở ra làm gì? Có ai hỗ trợ họ xúc tiến đầu vào đầu ra không? Chính sách hỗ trợ thuế má ra sao? Rất nhiều câu hỏi đặt ra những chưa thấy ai giải nó cả. Cứ mở ra rồi tính tiếp?

Và nếu cứ xử lý theo kiểu chay theo tình huống như vậy thì điều quan trọng nhất là niềm tin của doanh nghiệp lớn, DN nước ngoài vào chính quyền có còn không? Khi mà họ chứng kiến năng lực quản trị quốc gia, quản trị khủng hoảng của chính quyền suốt nửa năm qua, rồi đến quyết định này nữa? Liệu họ còn dám đầu tư sản xuất tiếp hay không khi chưa thấy một kịch bản rõ ràng mà chỉ là giải pháp tình thế, tuyên bố một cách vội vàng và miễn cưỡng? Và kinh nhất là nó hoàn toàn có thể thay đổi 180 độ vào ngày mai, vào tuần sau? Làm gì có câu chuyện cổ tích là chính quyền chỉ sau 1 đêm ngủ dậy lại từ cô bé Lọ lem biến thành một Công chúa sáng láng được?

Đẳng cấp và năng lực quản trị quốc gia đâu phải qua một đêm mà có được?

Nguyên Tống

ĐẠI DỊCH VÀ NHỮNG CHỦ TRƯƠNG MỜI GỌI CHI DỤNG CÔNG QUỸ

TRÂN VĂN/ TD 20-9-2021

Tin Cà Mau – địa phương chỉ có 283 ca nhiễm COVID 19 – quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm trên toàn tỉnh (dân số khoảng 1,5 triệu người) làm nhiều người thêm sốt ruột, đặc biệt là sau khi ông Hồ Đức Phớc (Bộ trưởng Tài chính) báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng công quỹ khiếm hụt.

Không chỉ người dùng mạng xã hội mà báo chí cũng đã bắt đầu lên tiếng phân tích về sự phí phạm tiền bạc khi thực hiện chỉ đạo… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng do ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt Nam) khởi xướng: Trong chín ngày (từ 8/9/2021 đến 16/9/2021), Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 4.120.000 người cả bằng test nhanh (1.920.000 người), lẫn RT-PCR (2.960.000 người). Kết quả, chỉ có 21 trong số hơn 4,1 triệu người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với COVID-19 là… hơn 20 tỉ đồng (1).

Chưa rõ đến bao giờ khuyến cáo của các chuyên gia y tế, dịch tễ về… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng mới được lắng nghe và thực thi cho dù trên thực tế, có nơi như Tiền Giang, chỉ cần điều chỉnh quy mô, cách thức triển khai xét nghiệm để điều chỉnh kế hoạch ngăn ngừa đại dịch đã giúp tiết kiệm được 100 tỉ đồng.

***

Khi hiệu quả không cao, chi phí lại quá lớn, theo lẽ tự nhiên, công chúng buộc phải thắc mắc tại sao… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng vẫn là… kim chỉ nam cho… công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19? Những ai, nơi nào được hưởng lợi nhờ… đại dịch để tiếp tục đu bám, duy trì… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng?

Chẳng riêng công chúng. Đầu tuần trước, trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận để định hướng cho hoạt động kiểm toán của năm tới, ông Vương Đình Huệ (Chủ tịch Quốc hội) yêu cầu phải lưu tâm tới… việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19.

Song song với kiểm tra thực hiện các gói hỗ trợ dân chúng và doanh giới có hợp lý và đúng mục đích hay không, ông Huệ nhắc kiểm toán phải chú ý cả tổ chức xét nghiệm (mẫu đơn – test nhanh, mẫu gộp – RT PCR) và chi phí, vì chi phí cho mẫu gộp hơn chi phí cho vaccine rất nhiều (2).

Người ta chưa hiểu tại sao đến giờ này, bất kể các cảnh báo, các khuyến cáo của chuyên gia, Thủ tướng Việt Nam vẫn rất mặn mà với… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. Thậm chí ông Chính còn có một số động tác giống như thúc ép chính quyền các địa phương phải triển khai… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng!

Ba ngày sau khi bị Thủ tướng dùng đài truyền hình quốc gia bày ra cho toàn đảng, toàn dân thấy tập thể lãnh đạo Kiên Giang yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (3) thế nào, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Kiên Giang đã quyết định chi 158 tỉ để tiến hành… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng (4).

Chưa đầy một ngày sau khi mắng mỏ các viên chức hữu trách ở Kiên Giang (13/9/2021), rạng sáng 14 tháng 9, Thủ tướng Việt Nam trực tiếp gọi điện thoại cho Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn Long Bình và Chủ tịch huyện An Phú ở An Giang để cật vấn và để nhắc nhở ba việc phải làm, trong đó có phải tổ chức xét nghiệm hai ngày/ lần (5).

Sáng 15 tháng 9, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Y tế phải gửi công điện nhắc các tỉnh, thành đang thực hiện phong tỏa phải thực hiện năm yêu cầu mà 3/5 liên quan đến… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. Quyết định tổ chức xét nghiệm trong toàn tỉnh dù chỉ có 283 ca nhiễm của Cà Mau được công bố sau chỉ đạo này.

***

Vào lúc này, chưa rõ Việt Nam đã chi bao nhiêu ngàn tỉ cho… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. Chẳng cần là chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ, thường dân cũng có thể thấy hiệu quả của… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng ra sao đối với ngăn ngừa đại dịch, giúp kinh tế – xã hội hồi phục.

Tuy chưa rõ Việt Nam đã chi bao nhiêu ngàn tỉ cho xét nghiệm thần tốc trên diện rộng nhưng có thể thấy, Thủ tướng Việt Nam si mê… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng đến mức dù không có chuyên môn về y tế, không có kinh nghiệm về dịch tễ nhưng ông ta dứt khoát không thèm nghe chuyên gia trong những lĩnh vực này can gián!

Trước đây, chính phủ của ông thủ tướng cũng đã từng cho phun khử khuẩn. Giống như… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, chính phủ đã chi hàng ngàn tỉ cho… phun khử khuẩn, bất kể cảnh báo, khuyến cáo.

Chỉ đến khi quân đội đã hoàn tất thêm một đợt phun khử khuẩn, tiêu độc trên toàn bộ TP.HCM vào hạ tuần tháng 7 vừa qua (6), Bộ Y tế mới thỏ thẻ, chẳng riêng Tổ chức Y tế Thế giới mà các cơ quan phòng chống dịch bệnh của thiên hạ đều cho rằng, không nên phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời vì kém hiệu quả, nguy hại cả cho người phun, khu vực được phun lẫn khu vực xung quanh, lãng phí hóa chất phòng chống dịch và có thể gây hại môi trường (7).

Nhiều người dùng mạng xã hội đã cũng như đang truyền cho nhau xem đoạn hội thoại khái quát thực trạng… si mê mới. Si mê… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng như thế này:

– Sao đè tụi tui ra ngoáy mũi hoài vậy?
– Để tìm dương tính!
– Cả xóm âm tính, vùng xanh lâu rồi còn tìm chi nữa?
– Phải tìm cho ra dương tính!
– Lần này vẫn âm tính thì còn ngoáy nữa không?
– Còn! Phải ngoáy cho lòi dương tính ra chớ!
– Nếu lòi ra dương tính rồi còn ngoáy nữa không?
– Sao không? Phải ngoáy coi lúc nào thì âm tính trở lại!
– Lúc đó mới ngưng ngoáy hả?
– Dễ gì! Vẫn phải ngoáy đều!
– Sao vậy?
– Phải ngoáy lại cho đến khi lòi ra dương tính!
– Trời!..
– Trất đất gì. Đưa mũi đây (8)!

***

Về bản chất, chính phủ chỉ là một tập thể được ủy nhiệm để quản trị, điều hành quốc gia. Công sản, công quỹ là tài sản của một dân tộc, không phải của chính phủ nên việc sử dụng phải được tập thể dân cử (Quốc hội) xem xét kỹ lưỡng, phê duyệt, giám sát cẩn thận nhưng vì Việt Nam có đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối thành ra… không phải như vậy!

Không phải như vậy cho nên Thủ tướng, rộng hơn là chính phủ có quyền… si mê… gì đó bất kể hậu quả ra sao, tốn kém thế nào. Thậm chí trong giai đoạn nghiệt ngã như đại dịch, dẫu thảm họa có thể tạo ra biển nước mắt nhưng vẫn là cơ hội chi dụng thoải mái cho những… si mê mới. Vì sao lại thế? Ngay vào lúc này chưa thể xác định đó là do… quá tự tin vì công quỹ không phải của mình, chi dụng thế nào cũng không cần lo về trách nhiệm hay… còn những nguyên nhân khác!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/nen-xet-nghiem-covid-19-theo-thuc-te-tung-vung-tung-dia-phuong-thay-vi-dong-loat-20210918195526986.htm

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-de-nghi-kiem-toan-viec-su-dung-ngan-sach-phong-chong-dich-covid-19-1449516.html

(3) https://vtv.vn/chinh-tri/thu-tuong-yeu-cau-tinh-kien-giang-va-tien-giang-chan-chinh-cong-tac-phong-chong-dich-2021091311580397.htm

(4) https://vnexpress.net/kien-giang-chi-128-ty-dong-xet-nghiem-dien-rong-4357331.html

(5) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm

(6) https://cand.com.vn/y-te/Quan-doi-trien-khai-khu-khuan-tieu-doc-toan-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-i621319/

(7) https://laodong.vn/y-te/khong-phun-khu-khuan-ngoai-troi-vao-nguoi-trong-bat-cu-tinh-huong-nao-937364.ldo

(8) https://www.facebook.com/bdtvn2019/posts/6130721743667668

Blog VOA

KINH TẾ, DÂN SINH CÓ TỒI TỆ THẾ NÀO THÌ CŨNG ... HUỀ

TRÂN VĂN/ TD 23-9-2021

Dân chúng đã kiệt sức, doanh nhân cũng kiệt quệ. Theo Tổng cục Thống kê của Việt Nam, từ đầu năm nay đến hết tháng 7, có khoảng 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (1). Một tháng sau (tháng 8/2021), con số vừa kể tăng thêm 5.800, thành 85.500 doanh nghiệp (2). Đến cuối tháng này, số liệu về các doanh nghiệp đã chết hoặc đang hấp hối trong tháng 9/2021 chắc chắn sẽ tệ hơn!

Không chỉ dân chúng, doanh giới Việt Nam mà các hiệp hội doanh nhân ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – AmCham, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam – KoCham) cũng đã hết kiên nhẫn nên vừa mới đồng loạt tiếng, hối thúc chính phủ Việt Nam phải sớm có lộ trình rõ ràng trong việc phòng ngừa COVID-19 và khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ (3).

Trong thư ngỏ gửi chính phủ Việt Nam, đại diện các hiệp hội doanh nhân ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam phải hành động ngay lập tức để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như trên toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình khôi phục kinh tếÍt nhất đã có 20% thành viên của những hiệp hội này chuyển một số hoạt động sang một quốc gia khác. Khi đã có thay đổi về nơi đặt hàng hay phương thức sản xuất thì sẽ rất khó để quay lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác. Theo họ, Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng...

Song song với những con số, những cảnh báo ấy là cơ hội việc làm, khả năng giữ cho sinh hoạt xã hội ổn định, bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của dân sinh càng lúc càng nhỏ. Không chỉ tương lai kinh tế quốc gia, tương lai của từng cá nhân, gia đình cũng hết sức ảm đạm!

***

Cho đến giờ – khi đợt dịch thứ tư đã sắp tròn năm tháng – chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể công bố một kế hoạch rõ ràng đối với phòng ngừa COVID-19 và khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ. Chỉ có những tuyên bố hết sức chung chung và dường như vừa không biết làm gì, vừa không muốn phải chịu trách nhiệm, nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương để mặc cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương muốn làm gì thì làm.

Trong khi Hà Nội nới lỏng phong tỏa, tạo ra một biển người vào đêm Trung Thu (4) thì TP.HCM vẫn còn như bãi chiến trường, đi lại vẫn bị hạn chế, hàng rào vẫn còn nhan nhản khắp nơi, hàng hóa vừa thiếu, vừa mắc, giá cao hơn mức bình thường từ 30% đến 50%… Thậm chí Quân khu 9 vừa gửi 1.000 binh sĩ của nhiều đơn vị đến TP.HCM để hỗ trợ TP.HCM chống dịch (5).

***

Giờ thì ai cũng thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tầm nhìn hạn hẹp như thế nào khi huênh hoang về… thành tích chống dịch khiến cả thế giới thán phục trong lúc đồng loại ở nhiều xứ khác đang vất vả chống đỡ thảm nạn. Cuối cùng, nhiều triệu người Việt đã phải trả giá đắt cho hành vi phớt lờ vaccine, trước sau vẫn chỉ khăng khăng “truy vết, cách ly, cô lập” cực đoan theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, biến mỗi phường, xã thành một… pháo đài!

Suốt năm tháng vừa qua, trong các tuyên bố, diễn văn liên quan đến dịch bệnh, bất kể hậu quả hết sức tồi tệ, đặc biệt là với kinh tế, dân sinh, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương vẫn khăng khăng khẳng định, các chủ trương liên quan đến phòng chống dịch là… đúng. Tác hại như đã thấy và đang còn kéo dài chỉ vì thuộc cấp hiểu sai, làm sai, đặc biệt là vì dân chúng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng chống nghiêm túc (5).

Trên đã thế thì dưới dứt khoát cũng phải như thế. Thành ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thực tế chứng minh, nếu đừng săn lùng, thực hiện cưỡng bức cách ly tại các trại tập trung như… chủ trương ban đầu của chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng thì hậu quả đợt dịch thứ tư ở TP.HCM không thảm khốc như vậy và do không thể phủ nhận, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – vừa mới khẳng định: Việc gom F0 (người nhiễm COVID-19) vào khu cách ly tập trung chỉ là do… các địa bàn đã hiểu nhầm (6)!

***

Khi nhận ra vaccine là phương thức duy nhất giúp ngăn ngừa COVID-19, thiết lập tình trạng bình thường mới, khôi phục kinh tế và sự ổn định của dân sinh thì đã trễ, ngoài chuyện cuống cuồng đi xin và vận động khắp nơi từ gần đến xa để xin trợ giúp, thôi… ngạo nghễ, chuyển sang… đánh giá cao từ lớn đến nhỏ nếu họ cho vaccine, nhượng lại với giá… gốc hay chịu bán vaccine.

Lúc này, thời điểm mà hồi phục kinh tế, dân sinh là chuyện sống còn đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, những viên chức hữu trách thản nhiên biến xứ sở của mình thành nơi thử nghiệm lâm sàng đủ loại vaccine, biến đồng bào mình thành chuột bạch để một số tập đoàn dược phẩm của Nga, của Cuba,… vừa bán hàng, vừa có cơ hội tích lũy thêm dữ liệu cho những Sputnik V (7), Abdala (8)… có thể được WHO chấp nhận như một loại vaccine có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp để ngừa COVID-19!

Những tập đoàn dược phẩm đó đã được chính phủ Việt Nam miễn trừ trách nhiệm nếu có tai biến, di họa lâu dài cho người tiếp nhận. Trách nhiệm giờ thuộc về… dân chúng Việt Nam. Nếu có tai biến, có di họa thì…ráng chịu, phải coi như… huề. Trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ nhận trách nhiệm, nay làm sao có thể khác… thế! Rộng hơn, kinh tế, dân sinh cũng thế, kiệt sức, kiệt quệ, “quốc phá, gia vong” đều do… hoàn cảnh khách quan… đặc biệt!

Chú thích

(1) https://vtv.vn/kinh-te/gan-80000-doanh-nghiep-dong-cua-20210729150219312.htm

(2) https://vtv.vn/kinh-te/gan-80000-doanh-nghiep-dong-cua-20210729150219312.htm

(3) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-dong-kien-nghi-cham-mo-cua-co-hoi-dau-tu-se-khong-quay-tro-lai-vn-20210919142904349.htm

(4) https://nld.com.vn/thoi-su/bien-nguoi-di-choi-trung-thu-o-ha-noi-nguoi-dan-qua-chu-quan-vo-trach-nhiem-20210922074813477.htm

(5) https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hop-truc-tuyen-toan-quoc-ve-phong-chong-dich-covid-19/496593.html

(6) https://plo.vn/suc-khoe/lanh-dao-so-y-te-tphcm-gom-f0-di-cach-ly-tap-trung-do-hieu-nham-1016847.html

(7) http://baochinhphu.vn/Ung-ho-Quy-vaccine-phong-chong-COVID19/Thu-tuong-giao-Bo-Y-te-ho-tro-doanh-nghiep-mua-vaccine-Sputnik-V/441685.vgp

(8) https://tienphong.vn/viet-nam-mua-10-trieu-lieu-vac-xin-ngua-covid-19-cua-cuba-post1377969.tpo

Blog VOA

DOANH NGHIỆP CÓ NGHĨA VỤ CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI 

CHÍNH PHỦ KHÔNG ?

TRẦN DUY CANH/ TD 23-9-2021

1. Câu trả lời đáng tiếc là không. Nghĩa vụ cao nhất và quan trọng nhất của họ là đóng thuế để nuôi chính quyền và dùng thuế cho các chi tiêu của chính quyền. Mục đích cao nhất của họ là tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận càng nhiều thì thuế càng lắm, từ thuế XNK, VAT, thu nhập DN…. Chi tiêu của Chính phủ phụ thuộc vào thuế hoàn toàn.

Vậy nên, trách nhiệm của Chính phủ là tạo ra 1 môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, công bằng, dễ đoán (predictable)… Đó chính là hệ thống pháp luật cởi mở, khuyến khích hoạt động làm ăn, đầu tư. Đặc biệt là việc áp dụng pháp luật trên thực tế một cách công bằng và đúng đắn. Doanh nhân trong và ngoài nước thấy kiếm được lợi nhuận sẽ bỏ tiền ra đầu tư, CP thì thu được thuế. Hai bên cùng có lợi.

2. Khi có sự cố hay khủng hoảng xảy ra, Chính phủ phải áp dụng các giải pháp thông minh, có kế hoạch, có phương hướng để bảo vệ cái môi trường đầu tư mà mình đã thiết lập ở trên. Chi phí cho việc xử lý khủng hoảng như Covid-19 hiện nay là tiền thuế do DN đóng.

3. Nếu CP làm không tốt cái (1) và (2) ở trên, thì DN, nhất là Doanh Nghiệp nước ngoài sẽ bỏ đi, họ đến nơi kiếm được lợi nhuận nhiều hơn để đầu tư. Những gì họ làm là đóng thuế, đóng thuế và đóng thuế. Trách nhiệm XH của DN cũng chỉ nhằm mục đích kiếm tiền nhiều hơn nữa. Các DN trong nước chả biết đi đâu cả nên cúi đầu chịu trận. Các kiến nghị của các DN hay Hiệp hội doanh nghiệp VN do đó thường ít ý nghĩa đối với Chính quyền. Nó không như các Hiệp hội nước ngoài.

Thế nên, xin đừng nói họ khi hưởng lợi thì không kêu gì, nay gặp khó khăn thì chia sẻ…. Mấy đứa trẻ trâu hay nói, ngu thì chết chứ bệnh tật gì cũng có lý của nó.

4. Trung Quốc rất chú ý đến xây dựng môi trường đầu tư của họ. Họ chăm chút cho hình ảnh của mình đến nỗi cái Báo cáo Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới họ cũng can thiệp vào ở phần nói về TQ. Báo cáo này trong những năm qua mình cũng viết về phần pháp luật của Việt nam đấy nhé, khoe nhẹ tý.

Thế nên, đừng mất bình tĩnh la mắng họ. Doanh nghiệp Việt Nam thì cúi đầu chịu đựng được chứ FDI hắn quẹt khu (ẻ mô), đi ngay đấy. Họ cần cả cái thái độ ứng xử vì nó quan trọng không kém gì chính sách và pháp luật, Chính phủ ạ.

Clip toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị do VUSTA tổ chức:

https://youtu.be/-5LxdAMdxoE

Trần Duy Canh

DOANH NGHIỆP FDI KIẾN NGHỊ TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI HÀNG HÓA

NHÂN TÂM /KTSG 24-9-2021

(KTSG Online) – Tại phiên họp chiều 24-9 của hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom do thành phố Đà Nẵng tổ chức, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đã có những kiến nghị được cho là “đi thẳng vào vấn đề” mà họ đang gặp phải trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng, chia sẻ trong thời gian qua công ty gặp rất nhiều khó khăn trong phân phối hàng hóa đến khách hàng vì thành phố áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài là cơ hội để Đà Nẵng lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc, khiến doanh nghiệp an tâm hơn để đầu tư và làm ăn lâu dài. Ảnh: Báo chí Đà Nẵng

Hơn nữa, theo ông Phúc, do bia không được xem là mặt hàng thiết yếu nên công ty càng khó khăn trong việc kinh doanh và phân phối. “Vì vậy, tôi đề nghị Đà Nẵng cho phép lưu thông hàng hóa, không phân biệt đối xử với bia, để tạo thuận tiện cho chúng tôi phân phối sản phẩm đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa… phục vụ người tiêu dùng trong bối cảnh các nhà hàng chưa thể phục vụ tại chỗ trở lại”, ông Phúc nói.

Bên cạnh vấn đề này, ông cũng thay mặt công ty đề xuất thành phố xem xét lại việc kéo dài yêu cầu “3 tại chỗ” áp dụng tại các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Mô hình này, theo ông Phúc, sẽ không bền vững trong thời gian tới vì sẽ ảnh hưởng đến thể chất, chất lượng làm việc và tinh thần của nhân viên, chưa kể chi phí kinh doanh tăng cao.

Cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ cho công ty được phép cử người đến công ty thực hiện dịch vụ với điều kiện đảm bảo an toàn; không tăng thuế, không mở rộng đối tượng nộp thuế để doanh nghiệp quay trở lại phục vụ cho nền kinh tế; có những chính sách cụ thể, dễ dự đoán trong phòng chống dịch… là những kiến nghị khác từ đại diện của Công ty Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng.

Theo đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, không nhất thiết phải “đóng băng” di chuyển giữa các địa phương như hiện nay. Thay vào đó, các địa phương phối hợp cảnh báo vùng nguy cơ. “Thành phố có những chính sách khắt khe hơn so với Hà Nội và TPHCM khiến nhiều doanh nghiệp cảm giác không thoải mái, và rõ ràng điều này không có lợi cho thu hút và hoạt động FDI”, vị đại diện này nhận xét.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng mong thành phố sớm cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại 100% càng sớm càng tốt vì doanh nghiệp đang gặp khá nhiều khó khăn, mất khách hàng và chưa biết phục hồi lại được hay không. “Thành phố cũng nên tính lại phương án phòng chống dịch trong tương lai. Nếu có ca lây nhiễm trong công ty mà phải dừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp”, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nói và đề nghị nên hủy bỏ giấy đi đường mà thay vào đó là giấy tiêm chủng hoặc tương đương. Ông giải thích một công ty quy mô lớn mất rất nhiều thời gian để làm giấy đi đường.

Trong khi đó, cũng như các doanh nghiệp khác, đại diện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cũng muốn thành phố hỗ trợ tiêm vaccine sớm cho tất cả người lao động và cung cấp thông tin, rõ ràng minh bạch về lộ trình mở cửa để thông tin chính xác đến nhân viên và đối tác.

Tại sự kiện, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thừa nhận các biện pháp khống chế dịch bệnh nghiêm ngặt vừa qua đã tác động tiêu cực đến một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.

“Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã cố gắng triển khai các giải pháp tốt nhất trong khả năng cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh. Mặc dù vậy, nhiều biện pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp, khiến lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở”, ông nói và chia sẻ thành phố xác định nhiệm vụ trước mắt của chính quyền là phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp FDI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét