Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

20210928. VACCINE TRUNG QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG

CUỘC XÂM CHIẾM THỊ TRƯỜNG THẦN TỐC ĐẦY NGHI NGỜ CỦA VACCINE TRUNG QUỐC
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 21-9-2021

Không thể tin được, vừa được phê duyệt thần tốc hôm 10/9/2021, thì bây giờ còn thần tốc hơn, Bộ Y tế đã phệ duyệt nhập 30 triệu liều vaccine Hayat – Vax (https://dantri.com.vn/.../30-trieu-lieu-vac-xin-covid-19...).
Trong lúc cả nước thiếu vaccine, đây phải là tin vui, nhưng thật không vui chút nào. Có mấy câu hỏi sau đây, không tài nào trả lời được.
1. Hayat-Vax là vaccine không có trong danh mục của WHO. Đã có 6 loại vaccine trong danh mục của WHO được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Hayat-Vax không trải qua kiểm nghiệm lâm sàng ở Việt Nam.
Vậy dựa trên số liệu nào, cơ sở nào, nhu cầu nào để Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam?

Không có mô tả ảnh.

2. Theo cổng thông tin của Bộ Y tế thì:
“Vaccine là Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries), Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất” https://covid19.gov.vn/viet-nam-phe-duyet-vaccine-hayat...).
Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi khoác áo Hayat-Vax thì đã biến thành một vaccine khác.
Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là 1 thì tại sao phải mang 2 tên? Nếu lấy được dữ liệu của vaccine này để duyệt cho vaccine kia thì sao Hayat – Vax chưa có trong danh sách của WHO?
3. Trong lúc cả thế giới khan hiếm vaccine phòng chống Covid, Chính phủ đi xin khắp nơi, có nước chỉ được 100 000 liều, có nước được 300 000 liều.
Vậy mà trong chốc lát có ngay 30 000 000 liều vaccine Hayat – Vax về Việt Nam. Như vậy Hayat – Vax có chất lượng như thế nào mà dư thừa nhiều thế?
4. Sao không thúc đẩy nhập nhanh 31 triệu liều Pfizer? Có phải đây là cách để giúp cho vaccine Trung Quốc thần tốc chiếm thị trường Việt Nam?
5. Cuộc xâm chiếm thần tốc thị trường Việt Nam của vaccine Trung Quốc khoác áo Hayat – Vax có ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt Nanocovax và Covivax? Nghiêm túc vô tư với nội thì hoan nghênh, nhưng dễ dãi với ngoại thì phải tránh.
Có sức ép nào chăng? Đơn thuần chỉ là lợi ích? Để cản đường vaccine nội?...

Những hoài nghi thật không dễ trả lời.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

VACCINE TẦU VÀ TRƯỜNG HỢP CAMBODIA

NGUYỄN TUẤN/ BVN 25-9-2021

Một số người ủng hộ việc mua vaccine Vero Cell cho rằng Cambodia đã kiểm soát dịch thành công nhờ vaccine Tàu. Nhưng nếu xem xét dữ liệu kỹ thì không phải vậy.

Tính đến nay, Việt Nam đã có hay sắp có 141 triệu liều vaccine, và được phân bố như sau:

• Pfizer: 50 triệu

• AstraZeneca: 30 triệu

• Abdata: 10 triệu

• Các vaccine khác: 50 triệu

Với quyết định mới nhứt mua 20 triệu liều Vero Cell [1], thì Việt Nam sẽ có 161 triệu liều. Vẫn chưa đủ cho 96 triệu dân, nhưng với nhiều nguồn khác thì hy vọng sẽ đủ.

Quyết định mua Vero Cell của Việt Nam lại làm dấy lên một làn sóng tranh cãi về hiệu quả. Người ủng hộ thì hay lấy trường hợp nước láng giềng Cambodia ra làm ví dụ về sự thành công của vaccine Tàu. Họ cho rằng nhờ vaccine Tàu mà Cambodia đã kiểm soát được dịch rất tốt. Chúng ta thử xem qua nhận định này có cơ sở không.

1. Trường hợp Cambodia

Cambodia bắt đầu tiêm chủng vaccine Tàu từ tháng 3/2021. Tính đến đầu tháng 9, khoảng 70% dân số Cambodia (tổng dân số là 16 triệu) đã được tiêm 1 liều, 55% được tiêm 2 liều. Thủ đô Nam Vang được xem là nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhứt thế giới. Có thể nói rằng Cambodia đã phần nào đạt được miễn dịch cộng đồng.

Kết quả ra sao?

Tính đến nay, Cambodia đã ghi nhận 196.619 ca nhiễm, và trong số này có 2.176 người tử vong, tức tỷ lệ 2.04%. Tỷ lệ này y chang với tỷ lệ các nước trên thế giới gộp lại, tức 2,05%.

Nhưng để đánh giá hiệu lực của vaccine trong cộng đồng, chúng ta nên xem con số tử vong (chớ không phải số ca nhiễm). Từ tháng 7, Cambodia cũng như Việt Nam trải qua một trận dịch mới, và họ ghi nhận khoảng 20-25 ca tử vong mỗi ngày (trung bình). Bắt đầu từ tháng 8, số ca tử vong có xu hướng giảm xuống chừng 15-17 ca mỗi ngày, nhưng vì con số còn thấp nên khó nói xu hướng này sẽ còn tiếp tục hay chỉ là dao động ngẫu nhiên.

Những con số trên có thể cho phép chúng ta nói rằng vaccine Tàu đã có hiệu lực giúp Cambodia thoát dịch? Dĩ nhiên là không, vì số ca nhiễm vẫn xảy ra và thậm chí có xu hướng tăng trong tháng qua. Hơn thế nữa, số ca tử vong vẫn xảy ra ngay cả sau khi cả dân số gần đạt miễn dịch cộng đồng. Thật ra, tình hình nếu phân tích kỹ hơn thì không tốt cho Cambodia chút nào:

• Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, Cambodia có tỷ lệ tử vong là 1,48% (748 ca);

• Từ đầu tháng 7 đến nay (24/9), tỷ lệ tử vong tăng lên 2,53% (1392 ca).

Nếu vaccine Tàu có hiệu lực giảm tử vong thì chúng ta kỳ vọng số ca và tỷ lệ tử vong sẽ giảm trong đợt bùng phát từ tháng 7. Nhưng trong thực tế thì cả 2 chỉ số này đều tăng. Tôi nghĩ chỉ số này cho thấy vaccine Tàu không có hiệu lực như nhiều người nghĩ hay tưởng.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Daily New Deaths in Cambodia Daily Deaths Deaths per Day Data as of 0:00 GMT+8 50 eat 40 Sra 30 20 Novel Jove 10 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2020 2021 2021 2021 2021 2021 2021 03, 2021 2021 2021 15, 14, 11, 09, 06, 04, 01, 29, 16, 13, 13, 10, 08, 31, Jul31,2021 28, Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Aug Sep 26, Oct Nov 21, Dec Jan Feb Mar Apr May Jun 05, Jul03, Aug'

Số ca tử vong ở Cambodia trong 6 tháng qua. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, Cambodia có tỷ lệ tử vong là 1,48% (748 ca); từ đầu tháng 7 đến nay (24/9), tỷ lệ tử vong tăng lên 2,53% (1392 ca).

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Giá mỗi liều (USD) 19-36 36 [3] 29.75 Vaccine Sinopharm Sinovac Pfizer Moderna AstraZeneca J&J Novavax Sputnik 19.50 25-37 2.15 5.25 10 16 (ở Mĩ) 10'

Một số bạn cho rằng các nước như nghèo như Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, v.v. lệ thuộc vào vaccine Tàu là do vaccine phương Tây đắt quá. Nhưng điều này có lẽ không đúng [2].

2. Miễn trừ trách nhiệm

Một trong những điều người ta quan tâm là nếu người được tiêm vaccine và bị biến chứng nghiêm trọng thì ai sẽ bồi thường cho họ. Trước đây thì các công ty thuốc phải bồi thường, nhưng trong tình hình hiện nay thì ... rất khác.

Nhưng thật ra, các hãng sản xuất khác cũng vậy. Từ năm ngoái, một số nước (như Mỹ, Canada, Úc) đã ban hành các đạo luật miễn trừ trách nhiệm cho Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là 'nạn nhân' không thể kiện các nhà sản xuất vaccine.

Vậy ai trả?

Trả lời là chánh phủ phải dành ra một ngân sách để trả cho những trường hợp này.

Do đó, không ngạc nhiên khi điều khoản trong hợp đồng mua vaccine Vero Cell của Việt Nam có câu: 'miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine, hoặc việc sử dụng vaccine'.

Nói cách khác, người Việt tiêm vaccine Vero Cell và bị biến chứng sẽ không thể kiện Sinopharm. Nhưng ai sẽ đứng ra bồi thường họ thì không rõ, vì chánh phủ chưa thấy nói đến một ngân quỹ cho vấn đề này.

3. Sử dụng vaccine Tàu như thế nào?

Tôi nghĩ công bằng mà nói vaccine Sinopharm cũng có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm và điều này thì đã được báo cáo trên JAMA. Nhưng nó có hiệu lực giảm nguy cơ tử vong hay không thì còn phải chờ nghiên cứu mới biết. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế ở những nước dùng nhiều vaccine của Tàu đáng để chúng ta phải suy nghĩ một cách tiếp cận. Trước đây, tôi đưa ra 4 điểm như sau:

Thứ nhứt, chỉ tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac 1 liều như là bổ trợ cho các vaccine khác như AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là đối với những người chưa tiêm vaccine, họ có thể dùng 1 liều Vero Cell, nhưng sau đó là 1 liều của một trong ba vaccine phương Tây. Cách làm này bảo đảm nếu Vero Cell không có hiệu quả thì vẫn có được sự bảo vệ của các vaccine đã ‘chứng minh’ là có hiệu quả.

Thứ hai, không dùng vaccine Tàu cho những người có nguy cơ cao. Bởi vì các thử nghiệm lâm sàng là trên người khoẻ mạnh, như nhân viên y tế, nên dữ liệu khoa học về hiệu quả của hai vaccine này ở những người có bệnh nền vẫn còn rất thiếu. Ngay cả vaccine CoronaVac, hiệu quả ở người trên 60 tuổi chỉ 51%, tức rất thấp. Do đó, tôi nghĩ không nên dùng vaccine này cho những người có nguy cơ cao.

Thứ ba, tạm thời chưa công nhận những ai đã tiêm vaccine Tàu là đã được tiêm chủng. Trong thực tế, Âu châu và vài nơi không công nhận những người đã tiêm vaccine Tàu là có ‘giấy thông hành miễn dịch’, và họ không được vào Âu châu trong tương lai. Việt Nam cũng nên có một chánh sách như thế để bảo đảm cộng đồng về lâu dài.

Thứ tư, yêu cầu Sinopharm cung cấp thêm dữ liệu khoa học về hiệu quả và an toàn vaccine. Tôi nghĩ Nhà nước phải có trách nhiệm với dân khi triển khai một loại vaccine mà có nhiều yếu tố khoa học bất định. Nhà nước phải nói cho người dân biết sự thật về hiệu quả và an toàn của vaccine Tàu.

Tóm lại, vaccine Sinopharm như chúng ta biết qua thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả chừng 70%, nhưng hiệu lực trong cộng đồng ở những nước dùng vaccine Tàu thì vẫn là một câu hỏi lớn. Tình hình ở Cambodia, nơi cũng dùng rất nhiều vaccine Tàu, thì tỷ lệ tử vong có vẻ tăng trong 2 tháng qua, chớ không giảm. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam nên dùng vaccine Vero Cell như là bổ trợ, chớ không xem đó là can thiệp chánh.

______

[1] https://tuoitre.vn/chinh-phu-phe-duyet-mua-20-trieu-lieu-vac-xin-vero-cell-cua-sinopharm-trung-quoc-20210922192228461.htm

[2] https://www.biospace.com/article/comparing-covid-19-vaccines-pfizer-biontech-moderna-astrazeneca-oxford-j-and-j-russia-s-sputnik-v

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

NGOẠI GIAO VACCINE VÀ CHÍNH SÁCH BIỂN ĐÔNG

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 25-9-2021

Cả Mỹ, Anh, Nhật, Nga và TQ đều là những cường quốc sớm kiểm soát được dịch Covid. Hiện tại các nước này không còn bị quá tải y tế và chỉ còn các đợt bùng phát ở mức vừa và nhẹ. Chủ yếu là do khả năng miễn dịch cộng đồng đến từ việc tiêm vaccine đại trà.

Đối với Việt Nam, dường như Mỹ và Nhật đã nhanh chân hơn 2 đối tác truyền thống là TQ và Nga, để gây ảnh hưởng. Đặc biệt là Nhật, tuy không phải là nước tự sáng chế vaccine nhưng Nhật đã nhanh chóng viện trợ vaccine Astra Zenecca cho Việt Nam. Đến nay Nhật đã viện trợ cỡ ba triệu liều Astra Zenecca cho Việt Nam trực tiếp, không qua Covax.

Mỹ cũng nhanh chân viện trợ cho Việt Nam khoảng 6 triệu liều vaccine, thông qua cơ chế Covax. Cho tới nay Mỹ là nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam và có thể nói họ là ân nhân của người Việt cùng với Nhật do thời điểm hai nước này cung cấp vaccine đúng là lúc Covid bùng phát ở Việt Nam. Lượng người chết vì Covid ở Sài Gòn vừa qua chủ yếu là do chưa kịp tiêm vaccine và hiện tại số ca chết giảm rất nhiều cũng chủ yếu vì lượng vaccine đã kịp tiêm chứ không vì lý do giãn cách.

Tuy là nước chế tạo ra vaccine rất phổ biến ở các nước nghèo là Astra Zenecca, do dễ bảo quản với nhiệt độ của tủ lạnh thường, khác với vaccine Mỹ phải bảo quản với độ lạnh âm mới được lâu, nhưng Anh lại không phải là nhà tài trợ vaccine Astra Zenecca cho Việt Nam mà lại là Nhật. Điều đó cho thấy tầm nhìn ngoại giao của Nhật và Mỹ cũng như sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với chính sách ngoại giao của Mỹ và Nhật đối với Việt Nam. Hai nước này đều quan tâm nhiều đến tự do hàng hải ở biển Đông, trong đó với Nhật thì chuyện này là sự ảnh hưởng sống còn.

Nhật xưa nay vẫn có chính sách ngoại giao mềm dẻo với Việt Nam để duy trì Việt Nam trong vòng tay bất chấp sự khác biệt về mặt thể chế. Mỹ thì ngoại giao cứng rắn hơn với Việt Nam do sự khác biệt thể chế và quá khứ chiến tranh. Vì thế, việc Nhật và Mỹ sốt sắng với Việt Nam trong việc cung cấp vaccine không thuần tuý là vấn đề nhân đạo mà chính là muốn gây ảnh hưởng.

Trong khi đó, TQ đã chậm chân hơn Mỹ và Nhật rất nhiều trong việc gây ảnh hưởng vaccin tới Việt Nam. TQ chỉ thực sự giật mình khi phó TT Mỹ Harris tới công du ĐNA và tới Việt Nam. Chính vì thế, đại sứ TQ tại Việt Nam mới có một cuộc họp khẩn với Thủ tướng Việt Nam ngay trước thềm chuyến viếng thăm. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ đối với Việt Nam.

Bà Harris thăm Việt Nam với món quà là một triệu liều vaccine chuyển ngay sau 24h, nâng số lượng vaccine tặng Việt Nam lên 6,2 triệu. Điều này càng khiến cho TQ giật mình với chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ. Nên ngay sau đó bộ trưởng ngoại giao TQ Vương Nghị đã sang Việt Nam và hứa tặng thêm 3 triệu liều Vero Cell trong năm nay, nâng tổng số vaccine viện trợ cho Việt Nam lên tới 5,7 triệu liều, vẫn kém Mỹ và vẫn phải chờ tới cuối năm.

Có thể thấy, vaccine TQ sang Việt Nam khá nhỏ giọt. Việt Nam mới chỉ tiêm ồ ạt Vero Cell sau khi đã qua đỉnh dịch ở HCM và là đợt tiêm vét trong khoảng một tuần trước thời hạn 15/9 ở HN. Tức là cho tới nay, vai trò của vaccine TQ ở Việt Nam là rất thấp, thua xa vai trò của Nhật và Mỹ. Như vậy, trước mắt là TQ đang thua 1-0 và có thể thấy ngoại giao vaccine đang gắn chặt với ngoại giao biển Đông.

Sự khác biệt rất lớn nữa giữa chính sách ngoại giao vaccine của Nhật và Mỹ so với TQ đó là Mỹ và Nhật không kèm yêu cầu cho Việt Nam là phải tiêm cho người Mỹ và người Nhật ở Việt Nam. Trong khi đó, TQ lại có yêu cầu ngay từ đợt viện trợ đầu tiên 500 ngàn liều là phải ưu tiên tiêm cho người TQ, người làm việc với TQ và dân biên giới với TQ. Ban đầu, chúng ta tưởng chính sách này là do Việt Nam nghĩ ra, có một số KOLs còn ca ngợi sự khôn khéo từ chối sử dụng vaccine TQ của Việt Nam. Nhưng họ đã nhầm!

Ngược lại, chính sách của Mỹ là không được ưu tiên người Mỹ tại Việt Nam được tiêm vaccine trước. Họ không muốn người Mỹ ở Việt Nam trở thành nhóm ưu tiên và buộc người Mỹ cũng phải tuân thủ chính sách sở tại cho dù Mỹ tài trợ vaccine nhiều nhất cho Việt Nam. Bạn mình là Việt kiều Mỹ ở Sài Gòn và phải tiêm Astra Zenecca ở phường cũng khá muộn (chưa tiêm mũi 2)! Điều đó cho thấy tính nhân văn và công bằng trong chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ và Nhật, hoàn toàn khác với TQ, khiến chúng ta phải nể trọng họ hơn.

Trong khi đó, nước Nga, đối tác chiến lược truyền thống lâu đời của Việt Nam thì mới viện trợ 1.000 (một ngàn) liều Sputnik V cho Việt Nam, dù Nga là nước công bố vaccine Sputnik V đầu tiên trên thế giới và gần đây Nga hứa sẽ cung cấp thêm 20 triệu liều cho tới cuối năm. Không rõ khái niệm hỗ trợ này là viện trợ hay là mua, dự là mua! Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhà máy sản xuất Sputnik V tại Việt Nam vừa công bố sản xuất thành công lô đầu tiên vào hôm qua và chờ phía Nga kiểm định chất lượng để tung ra thị trường. Tất nhiên, muốn dùng vaccine thì phải trả tiền. Điều này cho thấy Nga không có mặn mà gì với Việt Nam và chúng ta cũng thấy rằng Nga chẳng quan tâm đáng kể tới biển Đông như 3 nước nói trên.

Ngoài các nước nói trên thì một số nước thuộc EU và Úc cũng viện trợ vaccine cho Việt Nam. Nhưng mình đánh giá là chủ yếu mang tính nhân đạo chứ không phải vì muốn gây ảnh hưởng. Đức là nước viện trợ nhiều nhất trong nhóm kể trên với khoảng 2,5 triệu liều Astra Zenecca, nhưng hình như chưa về tới Việt Nam?

Về việc Việt Nam mua vaccine từ Mỹ và TQ. Mình cho là không phải hoàn toàn do việc “lại quả” khiến Việt Nam phải mua hàng Tàu mà cũng là chính sách đu dây quen thuộc của Việt Nam. Vì Việt Nam ký hợp đồng với Pfizer mua 30 triệu liều thì cũng phải mua 20 triệu liều từ Sinopharm, để tránh bị đàn anh coi là tham vàng bỏ ngãi! Nếu không khéo là anh em môi răng lẫn lộn ngay vì song song với chiến dịch ngoại giao vaccine thì TQ cũng tập trận ngoài biển Đông.

Ngoài các nguồn vacine từ các cường quốc. Việt Nam còn dựa vào người anh em siêu thuỷ chung là Cuba. Trên lý thuyết là Cuba sẽ viện trợ cho Việt Nam 150 ngàn liều Abdala và VN ký hợp đồng mua 10 triệu liều khác. Nhưng Việt Nam lại cũng đem gạo tặng bạn. Chưa rõ giá tiền chỗ quà tặng đó nhưng tạm coi số vaccine này là mua bán! Hơn nữa vaccine Abdala còn chưa được WHO chấp thuận và Việt Nam mới chỉ phê duyệt khẩn cấp nhưng hãng CIGB không phải bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng; việc tranh chấp hợp đồng (nếu có) được thực hiện theo luật pháp Cuba; y chang như Việt Nam ký hợp đồng với Sinopharm! Anh em tin nhau là chính!

Như vậy, từ việc viện trợ vaccine của các cường quốc, chúng ta có thể suy ra được tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt mỗi nước cũng như tâm địa của mỗi “người anh em”. Nói gì nói, Mỹ và Nhật vẫn ra dáng đàn anh và cư xử văn minh hơn TQ.

Dương Quốc Chính

TỪ VACCINE ĐẾN NHÀ THẦU VÀ THƯƠNG LÁI TRUNG QUỐC

TRẦN ĐÔNG A/ TD 25-9-2021


Một nhân viên y tế cầm lọ vaccine Vero Cell của Trung Quốc. Hình minh họa. Nguồn: AFP

Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi “khoác áo” Hayat – Vax thì đã biến thành một vắc xin khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải nấp dưới hai tên? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì tại sao Hayat – Vax chưa có tên trong danh sách của WHO?

Một tin gây sốc mới, đó là Chính phủ Việt Nam lại vừa ban hành nghị quyết về mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc). Tin này phát đi sau khi có tin về việc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ 8 triệu liều Vero Cell, vắc xin do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ, cho các tỉnh thành. VnExpress cũng đăng tải một loại thông tin y hệt: “Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vắc xin Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội nhận nhiều nhất.”

Đang và sẽ sử dụng gần 30 triệu liều vắc xin Trung Quốc trong các điều kiện: Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin. Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết.

Thần tốc phê duyệt vắc xin Trung Quốc

Tất cả những điều kiện ngặt nghèo nói trên thật ra là luật bất thành văn trong mua bán vắc xin, nhưng khi bị ép mua về như thế thì nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế phải có trách nhiệm với người dân của mình chứ! Mọi người chắc hẳn còn nhớ, khi TP.HCM được tặng 5 triệu liều vắc xin Sinopharm, lãnh đạo TP.HCM đã tuyên bố công khai, minh bạch: Tiêm hay không tiêm là việc của dân, không ép, không nói dối dân. Nhưng rồi một số vị lãnh đạo khác từ Hà Nội lại nêu khẩu hiệu: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm kịp thời”. Đấy là một tuyên bố khá ẩu và thiếu chuyên nghiệp!

Trong khi đó thì TS. Nguyễn Ngọc Chu, một nhà bình luận thời sự sắc sảo của truyền thông “lề trái” lại đánh giá, hợp đồng nói trên là một cuộc xâm chiếm thị trường thần tốc đầy nghi ngờ của vắc xin Trung Quốc. Theo TS. Nguyễn Ngọc Chu, không thể tin được, vừa được phê duyệt thần tốc hôm 10/9/2021, thì bây giờ còn thần tốc hơn, Bộ Y tế đã phê duyệt nhập 30 triệu liều vắc xin Hayat – Vax.

Trong lúc cả nước thiếu vắc xin, đáng ra đây phải là tin vui, nhưng thật không vui chút nào. Có mấy câu hỏi sau đây, không tài nào trả lời được. Hayat – Vax là vaccine không có trong danh mục của WHO. Đã có 6 loại vác xin trong danh mục của WHO được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Hayat – Vax không trải qua kiểm nghiệm lâm sàng ở Việt Nam. Vậy dựa trên số liệu nào, cơ sở nào, nhu cầu nào để Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam?

Theo cổng thông tin của Bộ Y tế thì, “Vắc xin là Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries), Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất”. Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi khoác áo Hayat – Vax thì đã biến thành một vaccine khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải mang hai tên? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì sao Hayat – Vax chưa có trong danh sách của WHO?

Trong lúc cả thế giới khan hiếm vắc xin phòng chống Covid, Chính phủ đi xin khắp nơi, có nước chỉ được 100 000 liều, có nước được 300 000 liều. Vậy mà trong chốc lát có ngay 30 000 000 liều vắc xin Hayat – Vax về Việt Nam. Như vậy Hayat – Vax có chất lượng như thế nào mà dư thừa nhiều thế? Sao không thúc đẩy nhập nhanh 31 triệu liều Pfizer? Có phải đây là cách để giúp cho vắc xin Trung Quốc thần tốc chiếm thị trường Việt Nam? Cuộc xâm chiếm thần tốc thị trường Việt Nam của vắc xin Trung Quốc khoác áo Hayat – Vax có ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt Nanocovax và Covivax?

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới phản ánh hiệu quả tiêm vắc xin của Trung Quốc rất thấp so với các loại vắc xin khác. Ngay cả tờ Wasington Post mới đây cũng có bài viết “Chủng Delta hoành hành, Đông Nam Á chuyển không dùng vắc xin của Trung Quốc?”, phân tích xu thế quay lưng với vắc xin Trung Quốc ở khu vực. Một số quốc gia châu Á từng đưa vắc xin Trung Quốc thành mũi nhọn quan trọng trong các chương trình tiêm chủng, nay đã thông báo lại rằng họ sẽ sử dụng các loại vắc xin khác. Xem vậy để thấy hành công của vắc xin Trung Quốc đang lụi tàn ở châu Á? Những thông tin này đang làm dân tình hoang mang nhưng không thấy những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế phản bác.

Bỏ thầu rẻ nhưng chi phí tăng vọt

Nhà thầu nào cũng muốn đạt tiến độ thi công tốt để nhận tiền cho nhanh và đạt chất lượng để lấy tiếng mà dự thầu những dự án khác. Thế mà nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu với âm mưu gây chậm tiến độ và chi phí phát sinh, đến khi làm việc còn gây ra bao nhiêu sự cố đáng ngờ, không đáng có đối với nhà thầu quốc tế. Chi phí dự án tăng vọt, là những thiệt hại kinh tế thấy rõ. Thiệt hại gián tiếp nặng nề không kém do chậm nhiều năm. Mỗi ngày chậm trễ là thêm thiệt hại cho đất nước Việt Nam do các lợi ích chưa thành hiện thực, tính ra thành tiền không phải nhỏ.

Trong khi ở đất nước họ, nhiều công trình hoành tráng và khó khăn gấp nhiều lần được hoàn tất trong thời gian ngắn với chất lượng khá. Đằng này, với bao điều kiện thuận lợi, chỉ cần triển khai đầy đủ thiết bị và nhân lực phù hợp thì dự án sẽ rất suôn sẻ, như các nhà thầu quốc tịch khác từng chứng minh. Phải chăng họ sẵn lòng chịu thiệt hại cho riêng họ? Nhưng đâu có phải vậy! Họ gây khó khăn, đội giá lên nhiều lần, cốt làm hại cho ta.

Tương tự, khi đọc tin về các thương lái Trung Quốc “thu mua” móng chân trâu bò, đỉa, lá điều khô, lá sắn, lá khoai lang, ốc bươu vàng, mèo, rễ tiêu, cây huyết đằng, đậu bắp xanh, lá ớt v.v… Hầu hết những thứ này đều được thương lái Trung Quốc thu mua từng đợt và làm giá đợt sau cao hơn đợt trước, có khi gấp đôi gấp ba, để kích thích lòng tham của những người nông dân Việt Nam nghèo khổ và kém hiểu.

Hoặc là ồ ạt thu mua khoai lang, chuối, chè cổ thụ, lúa đang trổ bông… rồi ngưng hẳn khiến cho nông dân ồ ạt gia tăng sản lượng rồi khốn đốn vì lượng hàng ế ẩm. Rồi việc thu mua những thứ quái đản như đĩa, cây dó liệt, cá lìm kìm biển, bọ 3 sọc, giun đất… Mỗi một đợt thu mua khiến cho người Việt bỏ công ăn việc làm, tìm mọi cách chặt cây hàng loạt, tìm bắt con này, con kia đến mức tận diệt, đồng thời gây hậu quả tàn phá hệ sinh thái mà dân không biết và chính quyền địa phương không hay. Nhưng có một điểm không thấy truyền thông trong nước nêu thật rõ ra: cá nhân thương lái chân chính không làm các chiêu trò ác độc đó. Không ai bỏ ra khối tiền đặt cọc lớn và thu mua với giá khủng rồi giữa chừng lặn mất tăm mà không thu hồi vốn.

Theo TS. Tô Văn Trường, cũng không loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc bỏ tiền đền bù thiệt hại cho các nhà thầu của họ để các nhà thầu này yên tâm thực hiện những mưu mô xảo quyệt gây thiệt hại cho sự phát triển của Việt Nam. Từ vài chục năm trước, nếu ai có dịp đi thăm quan vùng biên giới, được chứng kiến cùng một loại hàng hoá của Trung Quốc mà bán ở Lạng Sơn chỉ rẻ bằng 2/3 giá bán ở Bằng Tường, ai cũng bảo chắc chắn có sự trợ giá của Bắc Kinh để phá nền kinh tế Việt Nam. Và đến thời điểm này, chỉ có biên giới phía Bắc mới bắt được các vụ buôn bán tiền Việt Nam giả mà thôi.

Blog VOA

TẶNG VACCINE NGĂN DỊCH COVID-19, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG Ở VÙNG DỊCH BÙNG PHÁT ĐANG CẦN VACCINE

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 27-9-2021

Chiều ngày 30.12.2019 bác sĩ Lý Văn Lượng làm việc ở bệnh viện đa khoa thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cảnh báo về loại virus SARS giết người hàng loạt lại được phát hiện ở những người bệnh đang được bác sĩ Lượng điều trị. Ngay trong đêm, bác sĩ Lượng bị sở Y tế triệu tập và công an lập tức vào cuộc buộc bác sĩ Lượng kí giấy khẳng định không hề có virus SARS. Ngày 30.12.2019 là ngày 5 tháng chạp năm Kỉ Hợi, trước tết Canh Tý chỉ 25 ngày.

Tết Canh Tý đầu năm 2020, như có tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, dòng người Hoa sống ở nước Mỹ cuồn cuộn về cố hương ăn tết đông tới hơn bốn trăm ngàn người. Đang sinh sống, làm việc, học hành ở Mỹ nên chỉ về hít thở không khí tết quê hương, hết tết lại hối hả theo những chuyến bay vượt Thái Bình Dương trở lại Mỹ. Hơn bốn trăm ngàn người Hoa lại toả về nơi sinh sống, làm việc, học hành khắp nước Mỹ.

Sau tết Canh Tý, khắp nước Mỹ bùng phát dịch covid–19 và cả năm 2020 nước Mỹ khốn đốn vì chủng coronavirus xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nửa triệu dân Mỹ chết dịch. Covid–19 không những đánh vào nền kinh tế Mỹ mà còn khoét sâu thêm những bất ổn của nước Mỹ, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, làm bộc lộ những khiếm khuyết nguy hiểm của nền dân chủ Mỹ và xã hội Mỹ.

Nước Mỹ giầu mạnh, dịch bùng phát sớm ngay sau tết Canh Tý. Còn Việt Nam, nền kinh tế còn đang chập chững, run rẩy, yếu ớt, không cần vội. Covid–19 chờ đến ngày lễ tưng bừng mừng đất nước 46 năm thống nhất. Năm nào lễ hội đất nước thống nhất cũng diễn ra tưng bừng, rầm rộ, đông vui nhất ở Sài Gòn. Các cơ quan, đơn vị hân hoan tổ chức họp mặt. Thành phố rực rỡ cờ hoa. Rộn ràng những sân khấu ca nhạc. Tấp nập những điểm vui chơi. Người người như lớp sóng trên đường phố, trong nhà hàng, siêu thị.

Trên thế giới Covid–19 tinh quái biết chọn nước Mỹ hoành hành, giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế đứng đầu thế giới, thì ở Việt Nam Covid–19 ranh ma chọn ngay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi thu hút những nhà đầu tư FDI hùng mạnh nhất thế giới, nơi tập trung những khu công nghiệp nhiều nhất, dày đặc nhất, vùng kinh tế năng động, phát triển mạnh nhất, tạo ra nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

Dịch bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 5/2021. Mỹ và Nhật lập tức hiểu được nỗi đe doạ của Covid–19 với nền kinh tế non yếu Việt Nam, đồng cảm với số phận chênh vênh của người dân Việt Nam trong chiếc áo an sinh xã hội quá mỏng manh và rách tả tơi. Đầu tháng 6/2021, Mỹ và Nhật sốt sắng và dồn dập gửi tặng Việt Nam hết triệu liều vaccine Moderna này, đến triệu liều vaccine Pfizer khác, chỉ với mục đích dập dịch cứu người dân Việt Nam và cứu nền kinh tế Việt Nam.

Là nước láng giềng “Bốn Tốt”, có tình hữu nghị “Mười Sáu Chữ Vàng”, “Có chung tương lai, cùng nhau phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa” (Lời Vương Nghị, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc véo von ở Hà Nội ngày 11.9.2021), nhưng Trung Quốc chỉ lạnh lùng và lặng lẽ theo dõi diễn biến dịch Covid–19 hoành hành ở Việt Nam.

Thấy Nhật, Mỹ và châu Âu tới tấp gửi vaccine cho Việt Nam, ngày 20.6.2021 Trung Quốc cũng phải lên tiếng giúp Việt Nam nửa triệu liều vaccine Sinopharm nhưng vaccine đó chỉ để chích cho người Trung Quốc đang có mặt ở Việt Nam và chích cho người dân Việt Nam ở các tỉnh biên giới Việt-Trung!

Có phải chính quyền ông Tập Cận Bình lo cho người dân Việt Nam ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh không nhiễm Covid–19 để không lây nhễm cho người dân Trung Quốc ở Vân Nam, Quảng Tây giáp ranh Việt Nam?

Thưa không. Các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, mật độ dân cư thưa thớt, con người sống giữa thiên nhiên trong lành, đến nay cả tỉnh Cao Bằng không có người dân nào bị nhiễm Covid–19. Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh số người nhiễm Cvid-19 ít nhất trong các tỉnh, mỗi tỉnh chỉ dưới trăm người và đều nhanh chóng khỏi bệnh.

Tập Cận Bình đòi hỏi nửa triệu liều vaccine Sinopharm vì tình thế họ phải giúp Việt Nam chỉ được sử dụng ở biên giới phía Bắc cách xa tâm dịch hơn ngàn cây số. Để số vaccine đó không thể tham gia vào việc dập dịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam! Để Covid–19 cứ tàn phá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi, càng lâu càng tốt!

Chỉ một chi tiết nhỏ đó cũng đọc được lòng dạ Tập Cận Bình đối với hoạn nạn của Việt Nam trong dịch bệnh Covid–19 hiện nay.

ĐÓNG-MỞ ĐÁ NHAU, NGOÁY MŨI- VẮC- XIN TÀU NHẤT QUÁN!

GIÓ BẤC/ BVN 23-9-2021

Cuộc chiến tổng lực huy động quân đội chính quy, công an, cảnh sát, dân phòng, vũ khí hiện đại xe tăng thiết giáp, rào sắt kẽm gai, xây dựng pháo đài, lô cốt, khắp thành thị nông thôn đã thành công rực rỡ đưa người dân đến cùng cực đói nghèo và tột đỉnh hoang mang. Đáng khích lệ hơn là trên 80.000 doanh nghiệp trong nước rời bỏ thị trường, các hiệp hội doanh nghiệp nội kêu than, hiệp hội doanh nghiệp ngoại ra tối hậu thư sẽ rời đi nước khác, ngân sách quốc gia trống rỗng. Lãnh đạo chuyển giọng lĩnh xướng “sống chung với dịch”, dàn đồng ca tuyên giáo hòa theo mở cửa bình thường mới. Kiên Giang mới đỏ quạch hóa xanh rờn. Hà Nội đang rối bời giấy đi đường cũ mới bỗng dưng năm cửa ô mở toang, đường phố bừng lên trẩy hội Trung thu chừng như sắp đến ngày toàn thắng.

Thấy vậy mà không phải vậy, trong tư duy vĩ đại của lãnh đạo anh minh, giấc mơ tan bóng giặc F0 vẫn còn đó, và thể chế tiên tiến của hệ thống chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc đang vận hành theo thời đại cơm chấm cơm quốc sách, tỉnh sách, huyện sách về đóng - mở đang đá nhau côm cốp giữa nơi này nơi khác, ngành này với ngành khác. E rằng điệp khúc nay mở mai đóng, những công văn khẩn thực hiện lúc 0 giờ sẽ còn tái diễn dài dài. Chuyện vui là tất cả sai lầm đều do lỗi thằng cấp dưới.

Hình minh hoạ: người dân đứng sau rào chắn chống dịch ở một ngõ tại Hà Nội hôm 30/8/2021. AFP

Th tướng “sng chung” và Trưởng Ban “pháo đài”

Sau nửa tháng mướt mồ hôi xây dựng pháo đài chống dịch, trực tiếp làm việc với hơn 9.000 phường xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay đổi tuyên ngôn. Ngày 02-09, Thủ tướng tự diễn biến 'Không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn' (1).

Nghe Thủ tướng nói, dân tình phát ham, tưởng rằng được tháo cũi sổ lồng, nam đi hớt tóc để phân biệt giới tính, nữ đi chợ để chứng tỏ ngoài mì gói còn có thứ khác gọi là thức ăn. Nhưng chiều 5/9, tại Trụ sở Chính phủ, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận huyện; 9.043 xã, phường cả nước trong cả nước, đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, nêu những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định chủ trương lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch; việc tăng cường đưa dịch vụ y tế về cơ sở để phục vụ người dân ngay tại cơ sở là hoàn toàn đúng đắn (2).

Ấy là do các địa phương yêu cầu tiếp tục phong tỏa nên ông Chính -Trưởng Ban buộc lòng chấp thuận chứ ông nào muốn cách ly, phong tỏa làm gì! Chỉ có điều tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang lỏng tay không đếm đầu, không nhốt kỹ F0 đã bị mắng té tát trước bàn dân cả nước được báo đài, dư luận viên mạng xã hội rầm rộ tung hê như tế sống.

Chỉ vài ngày sau đó, cũng làm việc trực tuyến, lần này chỉ phát TV mà không đăng báo, Thủ tướng Chính lại thương dân mắng nhẹ chính quyền cấp dưới : “Có một ca F0 anh em phong tỏa cả khu phố. Một khu phố bị thì anh em phong tỏa cả huyện. Phong tỏa rồi làm gì thì không biết, không mục tiêu, lộ trình, không biện pháp, thấy có ca F0 ngoài cộng đồng lại phong tỏa...".

Có lẽ cấp dưới hiểu ý và tin cậy ông Chính - Trưởng ban hơn, nên nhiều nơi nâng cấp chiến lũy kẽm gai lên trường thành với tôn thiết, rào sắt hàn bịt kín đầu làng cửa hẻm. Xe tang, xe cấp cứu, xe vận chuyển ô-xy đều vô phương vận chuyển.

Ấy là do anh em cấp dưới.

Thành H: Cách ly F0 là do cp dưới hiu lm!

Logic lỗi do cấp dưới trong chống dịch cũng xảy ra ở TP.HCM qua chuyện bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng đưa vào các khu cách ly tập trung hay bệnh viện dã chiến.

Phương pháp chống dịch này đã và đang được thực hiện trong cả nước đồng hành với pháo đài chiến lũy để tìm diệt F0. Với lượng người nhiễm quá đông, nên các nơi này đã trở thành “lò ấp COVID”, người nhiễm nhẹ vào lò nhiễm nặng, người nhiễm không có triệu chứng sẽ có triệu chứng, và khi trở nặng sẽ chuyển sang từ trần.

Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, mãi đến khi tất cả đều quá tải TP mới xin trên cho thí điểm cho F1 và rồi F0 được cách ly tại nhà. Nhờ đó lượng tử vong của TP đã giảm dần. Thế nhưng vì lý do nào đó có thể do muốn chuyển hóa nhanh các màu xanh, đỏ của địa bàn, tình trạng đưa F0 đi cách ly tập trung vẫn còn.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đây là do cấp dưới hiểu nhầm, Sở Y tế đã ghi nhận tình trạng này và đã chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện thời gian qua (3).

Nhưng dư luận và giới chuyên gia không chấp nhận cách cấp dưới hiểu lầm này vì song song với việc đưa cách ly là TP vẫn tiếp tục xét nghiệm truy tìm COVID đại trà.

Ngày 17-9, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP, giới chuyên gia đã đồng loạt kiến nghị dừng ngay việc làm này vì rất tốn kém và không hiệu quả. Chỉ cần tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như: người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi… Gần năm tháng qua, TP.HCM đã sử dụng hơn 9,6 triệu kit test xét nghiệm kháng nguyên nhanh (4).

Thế nhưng sau hội nghị này, lãnh đạo TP lại đề xuất T.Ư phân bổ thêm 10 triệu bộ kit test (5).

Việc test đại trà vừa không hiệu quả, tốn kém và có nhiều nguy cơ lây nhiễm, gây tổn thương cho người bị test đang là nỗi ám ảnh của người dân cả nước. Có thể nói không ngoa rằng, sau thời gian dài chịu đựng người dân không sợ COVID bằng sợ ngoáy mũi, cách ly. Ông Nguyễn Văn Nên ít nhất hai lần được các chuyên gia góp ý trong hai cuộc gặp vào tháng 7 và tháng này. Có lẽ ông không bảo thủ, không muốn khoét mũi dân nhưng vẫn phải làm vì sức ép nào đó từ trên. (6)

Quc l m đóng tùy theo tng tnh!

Câu chuyện bất nhất quản lý đi lại trên quốc lộ từ hơn năm tháng qua vẫn tiếp tục kéo dài. Ngày xưa người ta “vượt biên” ra nước ngoài tìm tự do phải chịu khổ bắt bớ giam cầm cũng đáng. Ngày nay những người lao động nghèo bị thất nghiệp do dịch bệnh tự lực tìm đường về quê cũng trăm ngàn nỗi khổ. Không tính đến những trường hợp đi trái phép, không có giấy tờ, ngay trường hợp có đủ giấy tờ nhưng nơi này cho nơi khác cấm mới là đỉnh cao trí tuệ của chính quyền nhân dân.

Một nhóm ngư dân quê ở Kiên Giang và An Giang đánh cá thuê bị mất việc mua xe đạp đi từ Nam Định về quê. Qua mỗi tỉnh họ phải bỏ tiền xét nghiệm COVID, làm giấy thông hành đi tiếp. Ngày 20-9 họ đến chốt kiểm soát dịch Cái Chanh, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), tất cả đã gần như kiệt sức, tiền trong người cũng sắp cạn. Sau khi cho ăn uống, chốt kiểm dịch đã quyên góp tiền trong đơn vị và các nhà hảo tâm  được một số tiền, thuê xe cho 12 người tiếp tục hành trình. Đến chốt kiểm dịch của tỉnh Bình Dương thì bị yêu cầu quay lại, dù cả nhóm đã cam kết chỉ đi qua, không dừng đỗ. Cả nhóm phải quay trở lại Đắk Nông (7).

Tương tư như vậy nhưng ở chiều ngược lại, 15 người lao động từ Trà Vinh và hơn 10 người khác từ các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long (quê ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Thanh Hóa…) bị chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh Long An chặn lại trên Quốc lộ 1 không cho qua nên phải ở tại Tân Hiệp Tiền Giang, sống vật vựa bên mái hiên một cửa hàng xe máy.

Họ có giấy test nhanh COVID-19 âm tính còn trong thời hạn 72 giờ (khi đến chốt Long An); giấy đi đường do bà Cao Thị Hồng Gấm, Phó chủ tịch UBND TX. Duyên Hải, ký ngày 17.9 về việc “cho phép công nhân có nhu cầu cần thiết di chuyển khỏi địa phương”, kèm theo công văn thông báo 3064/UBND-BC của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc “ủy nhiệm, xem xét quyết định cho phép công dân di chuyển khỏi địa phương” ký ngày 9/9.

Các giấy tờ trên và được các chốt kiểm soát dịch tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… chấp nhận cho qua. Nhưng đến chốt của tỉnh Long An thì bị chặn lại. Lực lượng trực chốt cửa ngõ tỉnh Long An lý giải rằng TP. Tân An đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên không thể cho họ qua địa bàn (8).

Gt lúa, đánh cá cũng b giãn cách!

Dù Thủ Tướng đã thức thời, tuyên bố sống chung với dịch nhưng cứ do lỗi của địa phương nên cửa các pháo đài vẫn đóng dù là biển, là đồng nơi không thể phát sinh dịch bệnh.

Một chuyện trời ơi đất hỡi nằm ngoài y văn thế giới mà các chuyên gia dịch tể cũng phải chào thua đó là các “pháo đài” chống dịch được xây trên biển hay trên đồng lúa vốn là môi trường thông thoáng đầy nắng gió không có chỗ cho COVID nương thân.

Ấy vậy mà sau nhiều tháng bị giãn cách không cho ra biển, mới đây, Bà Rịa - Vũng Tàu hé mở cho ngư dân đi đánh cá theo yêu cầu các chủ thuyền nan, thúng máy phải ký cam kết 50% số lượng thuyền đánh bắt theo ngày chẵn và 50% còn lại đánh bắt theo ngày lẻ. Ngư dân sẽ ra biển và trở về trong ngày (9).

Không phải kẻ xấu xuyên tạc mà chính thanh kiếm, lá chắn của Đảng, báo CATPHCM phải lên tiếng với bài viết “Đồng bằng sông Cửu Long: Cứu lúa…”.

Bài báo viết rằng “các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản trong tình trạng ùn ứ chờ thương lái. Đặc biệt, lúa hè thu đến kỳ thu hoạch ngã rạp ngoài đồng, trong khi nông dân đang mong các cơ quan chức năng cứu lúa…”. Vựa lúa Việt Nam gồm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang có hàng triệu tấn lúa đến kỳ thu hoạch nhưng công suất máy suốt tại địa phương chỉ đáp ứng 50 đến 60% sản lượng, do giãn cách nên không thể thuê máy và nhân công từ nơi khác đến. Nguồn máy và nhân công tại chỗ cũng phải xét nghiệm COVID mới được ra đồng nên chi phí tăng cao.

Cách doanh nghiệp thu mua không thể hoạt động nên dù thu hoạch xong vẫn bị khê đọng không phơi sấy, chế biến kịp thời sẽ bị hao hụt đến 30% sản lượng (10).

Thật tình là không có cách nào làm dân nghèo nhanh và triệt để hơn cách làm này.

Ch mua vc-xin Tàu!

Thủ Tướng từng tuyên bố chống dịch không sợ tốn tiền. Thật vậy, Chính phủ vung tiền không thương tiếc mua kit test ngoáy mũi đại trà. Không tiếc tiền không vận đưa quân đội từ Bắc vào Nam. Tiền quỹ vắc-xin dư thừa gửi tiết kiệm. Ấy vậy nhưng với phương tiện, vũ khí khả dĩ duy nhất là vắc-xin thì Chính phủ chưa tiêu tốn mấy tiền.

Con số 150 triệu liều vắc-xin của Anh và Mỹ mà Bộ Y tế công bố đặt mua từ đầu năm đến nay vẫn chưa hề về bến. Những Pfizer, Moderna, AstraZeneca hầu hết đều là của tặng cho.

Vắc-xin thực mua chỉ là vắc-xin Tàu. Sau năm triệu liều của Vạn Thịnh Phát, mới đây chính phủ đã ưu ái ra nghị quyết mua 20 triệu liều vắc-xin Tàu (11).

Khẩu hiệu “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin sớm nhất” nghe chừng bất nhẫn trước bài học thực tế của lân bang từ Campuchia, Indonesia đã tiêm vắc-xin Tàu hơn 50% dân số mà dịch vẫn bùng. Mỹ, EU đã hoài nghi, không thừa nhận vắc-xin Tàu vì thiếu dữ liệu khoa học nhưng ngay các nước nhược tiểu quanh ta cũng chia tay với nó vì thực tế vô hiệu hoặc hiệu quả kém. Sao lại buộc con cháu Bác Hồ phải xài vắc-xin Tàu?

Sau ngoáy mũi, cách ly, vắc-xin Tàu là nỗi ám ảnh thứ ba lớn hơn COVID của người dân Việt. Sợi dây thòng lọng thẻ xanh của thời mở cửa buộc người ta phải chấp nhận chết vì vắc-xin còn hơn chết đói.

Những quyết sách mở đóng chập chờn, đánh xuôi thổi ngược trong chống dịch COVID lần này là thực tế chứng minh rõ nhất mục tiêu vì dân, phục vụ nhân dân cũng như năng lực điều hành quản lý của nhà nước và thể chế chính trị cầm quyền.

_______________

Tham kho

1- https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khong-the-su-dung-bien-phap-cach-ly-phong-toa-mai-duoc-post1372148.tpo

2- thang-dich-benh-la-chien-thang-cua-nhan-dan-663314/

3- https://plo.vn/suc-khoe/lanh-dao-so-y-te-tphcm-gom-f0-di-cach-ly-tap-tru...

4- https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-dung-xet-nghiem-dien-rong-vi-ton-ke...

5- https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-de-xuat-phan-bo-them-10-trieu-bo-kit-...

6- https://thanhnien.vn/thoi-su/long-an-lai-chan-ql1-khien-hang-chuc-cong-d...

7- https://tuoitre.vn/12-ngu-dan-dap-xe-hon-1-000km-tu-nam-dinh-ve-kien-gia...

8- https://tuoitre.vn/12-ngu-dan-dap-xe-hon-1-000km-tu-nam-dinh-ve-kien-giang-bi-ket-o-dak-nong-20210921105657307.htm

9- https://nongnghiep.vn/chinh-quyen-ly-giai-viec-cap-the-cho-ngu-dan-danh-...

10- https://congan.com.vn/thi-truong/cuu-lua_119454.html

11- https://www.vietnamplus.vn/nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-viec-mua-10-trieu...

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

G.B.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét