Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

20210902. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG COVID-19 (7)

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

SỐNG CHUNG VỚI VIRUS, KHÔNG PHẢI VỚI DỊCH

NGUYỄN TUẤN/ BVN 31-8-2021

Cuối cùng thì những gì tôi phát biểu trước đây (số ca dương tính là vô nghĩa và sống chung với virus) thì nay cũng đang dần dần thành sự thật. Hôm nay đọc tin thấy ông thủ tướng nói rằng “Xác định sống chung lâu dài với dịch” [1]. Những người chỉ trích tôi giờ có dám chỉ trích ông thủ tướng?

Có thể là hình ảnh về văn bản

1. Tại sao sống chung với con virus?

Con virus này là một trong những con thuộc 'gia đình' corona mà chúng ta đã sống chung rất lâu. Chúng ta cũng đã sống chung với HIV và hàng chục con khác trong thời gian gần đây. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ sống chung với những con khác trong tương lai. Không có cách gì tiêu diệt chúng, vì sức mạnh của tiến hoá virus làm cho tất cả các can thiệp đều vô hiệu hoá trong việc tiêu diệt chúng. Do đó, chúng ta phải sống chung với con virus này.

Nên nhớ rằng chúng ta chỉ sống chung với con virus thôi; không thể sống chung với dịch về lâu dài. Tôi nghĩ ông thủ tướng chưa phân biệt được hai khái niệm này (sống chung với virus và sống chung với dịch) nên 'slip of the tongue' thôi.

Trong thực tế thì nhiều quốc gia đã chuẩn bị sống chung với con virus. Những nước bên Âu châu hay gần Việt Nam như Singapore đã chuẩn bị cho viễn ảnh đó từ hơn 2 tháng qua. Ngay cả ở Úc này (số ca nhiễm khá thấp), các nhà chức trách thoạt đầu hùng hổ đòi giảm số ca xuống ZERO, nhưng qua biết bao lần phong toả, nay cũng bắt đầu chấp nhận sống chung với con virus.

Ông thủ tướng và vài thủ hiến Úc bắt đầu nói như thế. Thủ tướng Morrison nói rất có lý: "Mục tiêu của chúng ta là sống chung với con virus, chớ không phải sống trong nỗi sợ hãi con virus” ("That is our goal - to live with this virus, not to live in fear of it").

2. Tại sao đếm số ca không có ý nghĩa?

Khi đã chấp nhận sống chung với con virus thì chúng ta cũng phải chuẩn bị cách đối phó về lâu dài. Bởi vì sự hiện diện của con virus sẽ trở thành endemic (tức mọi lúc, mọi nơi) nên việc đếm số ca dương tính hay số ca nhiễm mỗi ngày không còn ý nghĩa nữa. Vả lại, số ca dương tính tuỳ thuộc vào số ca chúng ta xét nghiệm. Xét nghiệm càng nhiều sẽ có ra nhiều ca dương tính – quy luật chung là vậy.

Chúng ta đâu có đếm số ca cúm mùa (cũng do con coronavirus), và trong tương lai gần tôi nghĩ cũng không nên mất công đếm số ca dương tính nữa. Chúng ta biết rằng con số đó không phản ảnh số ca covid trong cộng đồng.

Thật ra, đó cũng là cái ý về số ca cũng đã được một quan chức TP.HCM nói rồi. Vào đầu tháng 8, ông Phan Văn Mãi nói rằng "đếm ca COVID-19 không còn ý nghĩa lớn" vì mục tiêu là hạn chế số ca tử vong liên quan đến covid [2].

Trước đó tôi cũng nói 2 cái ý đó. Tôi nói rằng đếm số ca dương tính chẳng có ý nghĩa gì cả, và nên bắt đầu ngưng đếm số ca để tập trung vào trọng tâm là giảm số ca nhập viện và số ca tử vong. Những người trước đó và sau này cũng nói như tôi [3, 4] bởi vì con số ca dương tính không có ý nghĩa nếu chúng ta không biết cơ chế sản xuất ra nó (tức là xét nghiệm).

Tôi cũng nói rằng con virus sẽ chẳng đi đâu cả. Nó sẽ càng ngày càng biến hoá và không có một vaccine nào hay thuốc nào có thể tiêu diệt nó. Thật ra, theo quy luật tiến hoá, càng tấn công nó thì nó càng biến hoá và độc hại hơn. Do đó, chỉ còn cách sống chung với nó, chớ không có cách nào khác. Tôi có trả lời phỏng vấn trên VNexpress International (bản tiếng Anh) mà trong đó có 2 quan điểm khác nhau [5].

Lúc tôi nêu những ý kiến đó thì có người phản bác rất hung hăng và rất kém chuyên nghiệp. Nhưng tôi không ngạc nhiên và cũng chẳng chấp vì tánh khí của mấy người tre trẻ nghĩ rằng họ biết chân lý. Nhưng bây giờ chính ông thủ tướng và ông chủ tịch TP.HCM thừa nhận quan điểm tôi nói thì không biết mấy người hung dữ kia có phản bác?

Nên nhớ câu của Richard Feynman:

“Những gì bạn biết chỉ nằm trong cái vòng tròn. Khi kiến thức của bạn tăng lên, cái vòng tròn cũng giãn ra. Nhưng bạn vẫn không biết cái ngoài vòng tròn đó”.

_____

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

NÊN THOÁT PHONG TỎA  NHƯ THẾ NÀO ?

NGUYỄN TUẤN/ BVN 1-9-2021

Ông Nguyễn Văn Nên nói “TP.HCM không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi” [1], và tôi đồng ý. Nếu dựa vào các 'outcome' như số ca nhiễm và số ca tử vong, thì chánh sách phong toả thành phố HCM đã không đem lại hiệu quả. Tôi đề nghị lộ trình 4 bước thoát phong toả dưới đây.

1. Mục tiêu của phong toả

Mục tiêu của phong toả là ngăn ngừa không để lây nhiễm trong cộng đồng. Nhìn bề ngoài thì rất ư là logic. Khi phong toả, người dân sẽ không đi ra ngoài, sẽ không tương tác với nhau, và vì thế người bị nhiễm sẽ không lây lan cho người khác. Như vậy, phong toả có thể giảm lây lan, và giảm số ca cần nhập viện, và qua đó giảm số ca tử vong. Nhìn như thế chúng ta thấy phong toả quả thật là biện pháp hợp lý.

Nhưng những gì xảy ra trong thực tế không giống như lý thuyết. Chúng ta thử xem qua con số ca nhiễm (tôi thu thập từ HCDC), và thể hiện qua biểu đồ cho dễ nhìn:

20/6/2021 137

25/6/2021 165

1/7/2021 464

5/7/2021 641

10/7/2021 1320

15/7/2021 2691

20/7/2021 3322

25/7/2021 4555

30/7/2021 4282

5/8/2021 3886

10/8/2021 3956

15/8/2021 4516

20/8/2021 3375

25/8/2021 5294

30/8/2021 5889

Số ca nhiễm / dương tính ở TP.HCM mỗi ngày. Màu đỏ là trước phong toả và màu xanh là sau khi phong toả. Số liệu lấy từ HCDC.vn

TP.HCM bắt đầu phong toả (đầu tháng 7) khi số ca mỗi ngày tăng từ 137 đến gần 464 ca. Sau khi phong toả, như chúng ta thấy, số ca tiếp tục tăng. Không chỉ tăng mà còn tăng rất nhanh. Xu hướng này rất đúng với quy luật của bệnh truyền nhiễm.

Chúng ta không biết số ca nhập viện và tử vong là bao nhiêu, nhưng có thể đoán rằng xu hướng chung là gia tăng. Thật ra, tỷ lệ tử vong (nếu chỉ tính đơn giản trên số ca nhiễm hay dương tính: 8869 / 215.821) thì đã lên đến con số 4,1%, có lẽ cao nhứt trong vùng Đông Nam Á. Thái Lan ghi nhận 1,19 triệu ca nhiễm, nhưng số ca tử vong chỉ 11.399 (hay dưới 1%).

Những con số trên cho thấy khá rõ ràng rằng phong toả không làm giảm số ca nhiễm và số ca tử vong. Cố nhiên, có nhiều lý do tại sao tình hình như như thế. Một trong những lý do là dịch đã bắt đầu 'bén rễ' từ tháng 5/2021, và những con số vào tháng 6 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thành ra, khi phong toả bắt đầu áp dụng thì dịch đã lan quá rộng.

2. Tác hại của phong toả

Nhưng phong toả đã gây ra nhiều tác hại. Dù truyền thông Nhà nước không phản ảnh, nhưng 'truyền thông lề dân' trên các mạng xã hội cho thấy tình trạng đói khát ở người dân, nhứt là người nghèo và lao động. Phải nói là 'đói', và họ đi lang thang trên đường xá. Những 'sáng kiến' dùng lính đi chợ đều thất bại (và thất bại thấy trước). Người ta chết tại nhà do các bệnh khác vì không được nhập viện chữa trị. Điều trớ trêu là phong tỏa gây thiệt hại lớn hơn và nhiều hơn cho người nghèo, nhóm người mà chánh sách phong toả muốn giúp!

Thiệt hại kinh tế cũng khá nặng nề. Một bản tin có lẽ ít người biết đến: trong 7 tháng đầu năm 2021 có 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam [2]. Chỉ riêng TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm đã có 24.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Ngoài những nguyên nhân kinh doanh, chắc chắn một phần là do tình trạng phong toả kéo dài làm cho họ không thể hoạt động, không có tiền trả lương công nhân viên, và duy trì kinh doanh. Có thể xem con số đó là một tín hiệu về tác động của phong toả kéo dài.

Do đó, không ngạc nhiên khi đã có nghiên cứu phân tích cho thấy phong toả không đem lại lợi ích về việc giảm số ca nhiễm. Các tác giả kết luận rằng nếu phong toả có giảm số ca nhiễm thì các biện pháp khác ít khắt khe vẫn có thể có hiệu quả y như phong toả [3].

3. Vậy cái gì có thể thay thế phong toả?

Chúng ta cần nhận ra vài sự thật (ít ra là đã có dữ liệu khoa học yểm trợ) và nhận thức như sau:

(a) Chúng ta sẽ phải sống chung với con virus này vĩnh viễn vì chúng ta không có cách nào xoá bỏ nó;

(b) Mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời. Chỉ tạm thời thôi, bởi vì khi biến thể Delta xuất hiện thì rất cả trở nên vô nghĩa;

(c) Có hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng: tiêm vaccine và tự nhiên (sau khi bị nhiễm và bình phục sẽ có kháng thể);

(d) Đa số các ca nhiễm sẽ tự bình phục mà không cần đến đặc trị;

(e) Nhưng một số nhỏ ca nhiễm cần phải nhập viện và khi nhập viện họ có nguy cơ tử vong cao.

Do đó, một chiến lược thay thế phong toả phải xem xét 5 yếu tố trên. Chúng ta thử bàn qua những điểm chánh:

Miễn dịch cộng đồng

Không ai biết rõ số ca nhiễm ngoài cộng đồng là bao nhiêu, nhưng dựa vào con số kết quả xét nghiệm, tôi nghĩ có thể ước tính rằng khoảng 5% người bị nhiễm. Và, theo thời gian, con số này có thể tăng lên 30% trong một tháng. Đó là miễn dịch tự nhiên.

Bên cạnh đó, số người được tiêm vaccine cũng đóng góp vào tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Hiện nay (30/8) thì đã có 81% đã được tiêm vaccine; trong số này 97% những người trên 65 tuổi và có bệnh nền đã được tiêm vaccine [4]. Những con số này cho thấy đã đến lúc lên kế hoạch ra khỏi tình trạng phong toả. Ở tiểu bang NSW (Úc) tỷ lệ tiêm vaccine liều 1 đã đạt chừng 70% và chánh phủ đang bàn cách thoát phong toả.

Số ca nhập viện và nguy cơ tử vong cao

Chúng ta không biết rõ trong số những ca nhiễm, có bao nhiêu phần trăm phải nhập viện, nhưng số liệu từ nước ngoài cho thấy con số này là khoảng 20%.

Tuy nhiên, sau khi đã có 80% dân số được tiêm vaccine thì cho dù bị nhiễm nhiều, tỷ lệ nhập viện sẽ thấp hơn nhiều so với con số 20%.

Hiện nay, đã có thuốc có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong (Như Dexa, Remdesivir). Do đó, ngay cả số ca nhập viện cao thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm nhiều so với trước đây. Giảm bao nhiêu thì tôi không biết vì không có dữ liệu ban đầu để ước tính.

4. Lộ trình ngưng phong toả

Ai cũng biết rằng phong toả là biện pháp sau cùng trong các biện pháp y tế trong đại dịch. Thế nhưng lần đại dịch này, đa số các quốc gia đều sử dụng đến biện pháp này. Nếu so sánh tỷ lệ tử vong ở các nước phong toả với nước không phong toả (như Thuỵ Điển) thì không khác bao nhiêu. Như trình bày trên, phong toả chưa đem lại hiệu quả cho TP.HCM.

Có vài người cho rằng nhờ phong toả mà có ít người chết và ít ca nhiễm. Nhưng cách nói này giả định rằng nếu không phong toả thì số ca tử vong và ca nhiễm đã tăng. Chẳng có chứng cớ nào để nói như vậy.

Với những lý giải trên, tôi nghĩ TP.HCM nên bắt đầu ngưng phong toả. Tôi nghĩ đến những bước sau đây (cần bàn thêm):

• Bước đầu, các công sở và hãng xưởng nên mở cửa hoạt động lại. Những người đi làm nếu chưa tiêm vaccine thì có thể cần làm xét nghiệm nhanh. Cho phép những người đã tiêm vaccine đi chợ trong vòng (ví dụ như) 5 km. Hạn chế sự đi lại ở người cao tuổi (trên 65) và có bệnh nền.

• Bước 2, mở cửa các khu vực công cộng (như quán ăn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nội địa, v.v.) Nên ưu tiên cho những người đã tiêm chủng vaccine. Không hạn chế đi lại.

• Bước 3, cho phép du lịch đến một số quốc gia và nhận du khách từ các quốc gia đã được tiêm chủng. Bình thường hoá các hoạt động khác. Không hạn chế đi lại ở người cao tuổi (trên 65) và có bệnh nền.

• Bước 4, xem covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác. Không lockdown, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách.

Phác hoạ một lộ trình thoát phong toả.

Các nước Âu châu và Mỹ với tỉ lệ tiêm vaccine khá đã gỡ bỏ phong toả dù số ca vẫn cao, nhưng hoạt động gần bình thường. Ở Úc cũng đang chuẩn bị thoát phong toả, nhưng Úc là nước hơi quái dị, vì các bang có quyền riêng của họ, nên khó xem là mô hình lý tưởng.

Với số liệu tốt, việc mô phỏng tình huống thoát phong toả theo lộ trình này, kể cả nhu cầu bệnh viện, là không khó. Vấn đề là phải có dữ liệu về nguy cơ nhập viện, tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và ICU.

Do đó, tôi đồng ý với ông Nên là phải ngưng phong toả. Dĩ nhiên không phải ngưng ngay, mà phải có lộ trình như đề cập trên.

Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/.../nen-thoat-phong-toa-nhu...

____

[1] https://plo.vn/.../bi-thu-nguyen-van-nen-tphcm-khong-the...

[2] https://www.rfa.org/.../many-businesses-withdraw-from-the...

[3] https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/eci.13484

[4] https://plo.vn/.../nhung-vien-dan-bac-de-tphcm-hoi-suc...

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

QUÂN ĐỘI 'LO TỪ A ĐẾN Z' VÀ NHỮNG KỸ THUẬT TUYÊN TRUYỀN 

KINH ĐIỂN

VÕ VĂN QUẢN/ LK/ TD 31-8-2021


Lực lượng quân đội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát lương thực tận tay người dân. Ảnh: Báo Lao Động

Tìm hiểu cách chính quyền thao túng để người dân phải ủng hộ một chính sách sai lầm.

Báo chí, mạng xã hội và người dân đã có một tuần lễ “lên bờ xuống ruộng” với chính sách đi chợ giùm cùng sự tham gia của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Vài ngày trước khi thực hiện chính sách, bộ máy tuyên truyền chính thống lẫn các họa sĩ, người dùng mạng xã hội tự nguyện trở thành một phần của các chiến dịch truyền thông hừng hực ý chí và niềm tin rằng bộ đội sẽ trao thực phẩm tận nhà dân. [1] Những ai nhận định chính sách nói trên là sai lầm đều dễ dàng bị chụp cho chiếc mũ phản động.

Nhưng cho đến nay, chỉ sau một tuần thi hành trên thực tiễn, kết quả đã lộ ra rõ hơn bao giờ hết, ngay trên hệ thống báo chí chính thống.

Lực lượng quân đội hầu như không giảm bớt gánh nặng nào cho hệ thống vận hành tại địa phương. Quá trình đi chợ giúp dẫn đến quá nhiều ùn ứ, nhiều hộ dân không thể tiếp cận hàng hóa, thực phẩm đúng và đủ theo nhu cầu. [2] [3] Trên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ rằng không thể mua lẫn nhận được hỗ trợ nhu yếu phẩm cơ bản.

Những lời hay ý đẹp cũng đã khen, những hình ảnh, tranh cổ động cũng đã đăng, nhưng hiệu quả và khả năng giảm tải áp lực cho hệ thống địa phương thì gần như bằng không. Làn sóng ủng hộ chính sách này có tất cả dấu hiệu của một sản phẩm tuyên truyền chính trị kinh điển.


Quân đội đi phát lương thực đến nhà dân. Ảnh: Báo Lao Động

Thế nào là tuyên truyền chính trị (propaganda)?

Ta có thể tổng hợp các điểm chung nhất từ những định nghĩa phổ biến và có thẩm quyền về tuyên truyền chính trị.

Kết hợp các khái niệm của Harold D. Lasswell, [4] một giáo sư hàng đầu về lý thuyết chính trị và truyền thông của Hoa Kỳ, đưa ra vào năm 1927, của Viện Phân tích Tuyên truyền Chính trị tại Mỹ (Institute for Propaganda Analysis) đưa ra vào năm 1937, [5] và của nhóm nghiên cứu Benkler Yochai trong quyển “Network Propaganda: Manipulation, Disinformation, and Radicalization in American Politics” (Oxford University Press) vừa xuất bản gần đây, [6] ta có thể định nghĩa tuyên truyền chính trị dựa trên ba thành tố:

Một, nó là hành vi có chủ đích.

Hai, nó chủ yếu dựa vào các biện pháp thao túng (có thể là thao túng thông tin, thao túng tâm lý đám đông, thao túng tình cảm, v.v.).

Và ba, nó phục vụ các mục tiêu chính trị riêng với mục tiêu gây ảnh hưởng và quản lý hành vi đám đông rất cụ thể.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phần định nghĩa, ai cũng có thể cáo buộc bất kỳ thông điệp nào đó là tuyên truyền.

Để nhận biết sự tồn tại của tuyên truyền chính trị, người ta thường nhìn vào các công cụ hay kỹ thuật được áp dụng.

Nhận diện tuyên truyền chính trị

Một trong những nghiên cứu lâu đời và có tầm ảnh hưởng nhất liên quan đến các vấn đề tuyên truyền chính trị là “How to Detect Propaganda” của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (American Association of University Professors), xuất bản vào năm 1938. [7] Qua nghiên cứu, các tác giả liệt kê bảy công cụ thường được sử dụng phổ biến.


Bảy công cụ tuyên truyền chính trị. Nguồn: How to detect propaganda. Việt hóa: Luật Khoa

Trong chiến dịch tuyên truyền về chính sách đưa quân đội can thiệp chuỗi cung ứng hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một số công cụ/ kỹ thuật đã được áp dụng.

Đầu tiên là kỹ thuật gây áp lực số đông (bandwagon device).

Đúng như tên gọi, kỹ thuật số đông là biện pháp tuyên truyền tạo đà ép buộc (hoặc gây ảnh hưởng) khiến đối tượng khán giả của người tuyên truyền có cảm giác họ phải tuân thủ, phải làm theo, phải là một phần của làn sóng chung, một làn sóng thống nhất.

“Ai cũng làm theo cả!” là tôn chỉ của kỹ thuật này.

Trong suốt một tuần qua, từ thời điểm công bố chính sách vào ngày 20/8/2021, mạng xã hội của Việt Nam ngập tràn các tranh vẽ cổ động, ảnh chế, ảnh cảm tình nói về tính đúng đắn, sự hy sinh, sự gần gũi giữa quân – dân trong đại dịch.


Tranh vẽ chị em mặc sẵn váy cưới chờ chú bộ đội đến trao lương thực tại nhà. Nguồn: Sài Gòn Của Tôi/ Báo Tuổi Trẻ

Các ảnh chế nói về việc “chị em sẵn sàng xiêm y lấy chồng quân nhân”, “các anh tập luyện bắn súng trên thao trường nhưng giờ công việc của các anh là chốt đơn”, “bộ đội tháo vát, mạnh mẽ chớp mắt đã khuân vác xong hàng”, v.v. nằm chung trong làn sóng văn hóa ủng hộ tuyệt đối sự can thiệp của quân đội vào hệ thống cung ứng hàng hóa của thành phố.

Trong làn sóng này, không có câu hỏi nào được đặt ra về hiệu quả thật sự của việc vài ngàn quân nhân thay thế cho hàng chục ngàn người vận chuyển với hệ thống thông tin hạ tầng có sẵn, và giá trị thặng dư mà chính sách này thật sự bổ sung cho quá trình chống dịch.

Công cụ thứ hai được áp dụng là kỹ thuật nhân chứng (testimonial device).

Đây là một động tác tuyên truyền không dựa trên nguồn thông tin đầy đủ, xác đáng hay khoa học. Thay vào đó, chúng sử dụng thông tin, lời chứng thực của một vài cá nhân, trong một vài hoàn cảnh cụ thể để khẳng định hiệu quả hay sự tốt đẹp của chính sách.

Nó được sử dụng phổ biến trên các trang mạng “chống phản động” do chính quyền kiểm soát.


Ảnh chụp màn hình Facebook

Xem xét ví dụ từ bài viết của một tài khoản mạng xã hội có tên “Lính trẻ miền Đông”, dẫn lời của một “Việt kiều Đức” có tên Karel Phùng. Nhân vật này bày tỏ sự thán phục và cảm động trước các “anh chị em, các cháu bộ đội phục vụ bà con Việt Nam mình tận răng”. Anh khẳng định ai dám than vãn, chê trách thì “cho nó đi công viên vĩnh hằng mà ở”. Không chỉ vậy, anh này còn bồi thêm về cuộc sống khổ sở và khó khăn ra sao ở Đức trong thời kỳ dịch bệnh, với những từ ngữ và lập luận khá mù mờ như dân và cảnh sát Đức “đập nhau tơi tả” và dân “thua như được lập trình sẵn”.

Với câu chuyện này, “nhân chứng” một mặt khẳng định hiệu quả “tận răng” của chính sách để bộ đội thay thế hệ thống vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác thêm vào viễn cảnh nếu không có chính sách đúng đắn của đảng, người dân sẽ phải khổ sở và thua thiệt ra sao như những người đang sống tại Đức.

Đó không chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Có hàng trăm bài viết tương tự trên mạng xã hội Việt Nam. Sự tồn tại của chúng là dấu hiệu cho một công cụ khác được sử dụng: kỹ thuật tẩy sàn (card stacking device).

Tên gọi của kỹ thuật tẩy sàn hay chơi tất tay đến từ cách chia bài gian lận (card stacking), trong đó quân bài tốt luôn được dành cho phe mình. Bằng cách đó, phe tuyên truyền luôn nhấn mạnh quá mức hay hoàn toàn lơ đi một chủ đề nào đó. Họ dùng mọi phương tiện để thao túng, lừa dối và kiểm soát thông tin, khiến cho đường lối được tuyên truyền trở thành con đường đúng duy nhất, không có lựa chọn khả dĩ nào khác.

Những người áp dụng kỹ thuật này thực hiện các hành vi ngụy tạo người làm chứng, tạo thông tin giả, nhấn mạnh các vấn đề không liên quan và tung hỏa mù để lảng tránh câu hỏi thật sự: để quân đội thay thế shipper thương mại có giải quyết được vấn đề gì hay không?

Cuối cùng và không thể thiếu trong hầu hết các chiến dịch tuyên truyền của các đảng cộng sản trong lịch sử thế giới là kỹ thuật bọc đường (glittering generalities device).

Trong kỹ thuật này, người tuyên truyền sử dụng các mỹ từ đầy đức hạnh để nói về chính sách, các lựa chọn chính trị hay thông điệp của mình, nhưng ít khi dành thời gian để lý giải vì sao, bằng cách nào và như thế nào chính sách của họ có thể đạt được những đức hạnh đó.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này với diễn ngôn “người dân thành phố được lo từ A đến Z” trong một bài báo trên tờ Thanh Niên. [8] Nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng.


Bộ đội dầm mưa trao thực phẩm đến người dân. Ảnh: Báo Dân Trí

Các mỹ từ, hoa ngữ đầy đức hạnh về chính sách can thiệp của quân đội xuất hiện trong các bài báo như “Bộ đội dầm mưa mang thực phẩm đến từng nhà, trao tận tay người dân TP.HCM”, rồi là “TP.HCM phòng chống Covid-19: Bộ đội giao đồ ăn tận nhà, người dân chúc các anh mạnh khỏe” đều thể hiện một tinh thần hy sinh cho dân, phản ánh tình quân – dân cá nước. [9] [10]

Trên mạng xã hội, người ta còn chia sẻ nhiều bài thơ dạy bảo người dân không được than thở, không được trách móc, không được… đói, khi các anh bộ đội đang “gồng mình” chống dịch.

Trong khi đó, những câu hỏi rất cơ bản về mặt quản lý như hộ nào được giao, bao nhiêu phần trăm hộ đã được giao, tỉ lệ đặt hàng và giao hàng thành công ra sao, v.v. đều bị né tránh.

***

Chưa đến một tuần sau khi thực hiện chính sách, nhiều tờ báo buộc phải đổi giọng ghi nhận sự lộn xộn và dồn ứ của quá trình đặt và giao hàng do quân đội “tiếp quản”. [11]

Việc đưa quân đội vào thay thế chuỗi cung ứng có sẵn của thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là một chính sách sai lầm. Nó không giải quyết vấn đề thực chất nào, nhưng lại được tô vẽ bằng một chiến dịch tuyên truyền hoành tráng.

Giống như các chiến dịch tuyên truyền chính trị khác của những thể chế độc tài, dư luận trong trường hợp này bị thao túng, sự thật bị gạt qua một bên, và người dân luôn là đối tượng chịu mọi hậu quả.

Luật Khoa

*Chú thích:

1. VnExpress. (2021, August 23). Bộ đội trao thực phẩm tận nhà dân. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bo-doi-trao-thuc-pham-tan-nha-dan-4345030.html

2. VnExpress. (2021b, August 27). Đơn hàng “đi chợ hộ” quá tải. vnexpress.net. https://vnexpress.net/don-hang-di-cho-ho-qua-tai-4347128.html

3.  Minh T. T. H. (2021, August 27). Người dân TP.HCM được đi chợ hộ: “Nhận 1/3 số hàng đăng ký là mừng.” ZingNews.vn. https://zingnews.vn/nguoi-dan-tphcm-duoc-di-cho-ho-nhan-13-so-hang-dang-ky-la-mung-post1255536.html

4. Lasswell, H. D. (1927). The Theory of Political Propaganda. American Political Science Review21(3), 627–631. https://www.jstor.org/stable/1945515

5. The fine art of propaganda; a study of Father Coughlin’s speeches, (Book, 1939) [WorldCat.org]. (1939). WorldCat. https://www.worldcat.org/title/fine-art-of-propaganda-a-study-of-father-coughlins-speeches/oclc/424106

6. Benkler, Y. (2021). Network Propaganda. Oxford Scholarship Online. https://oxford.universitypressscholarship.com/view/10.1093/oso/9780190923624.001.0001/oso-9780190923624

7. How to Detect Propaganda. (1938). <i>Bulletin of the American Association of University Professors (1915-1955),</i> <i>24</i>(1), 49-55. Retrieved August 31, 2021, from http://www.jstor.org/stable/40219502

8. Thanh Niên. (2021). Người dân TP.HCM được ‘đi chợ hộ’ 1 lần/tuần: Hỗ trợ từ A đến Z. https://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-dan-tphcm-duoc-di-cho-ho-1-lantuan-ho-tro-tu-a-den-z-1434550.html

9. Tú A. (2021, August 26). Bộ đội dầm mưa mang thực phẩm đến từng nhà, trao tận tay người dân TPHCM. Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn. https://laodong.vn/photo/bo-doi-dam-mua-mang-thuc-pham-den-tung-nha-trao-tan-tay-nguoi-dan-tphcm-946497.ldo

10. Thanh Niên. (2021). TP.HCM phòng chống Covid-19: Bộ đội giao đồ ăn tận nhà, người dân chúc các anh mạnh khỏe. https://thanhnien.vn/doi-song/tphcm-phong-chong-covid-19-bo-doi-giao-do-an-tan-nha-nguoi-dan-chuc-cac-anh-manh-khoe-1439875.html

11. Trần D. (2021, August 27). Đơn hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. https://thesaigontimes.vn/don-hang-di-cho-ho-dang-don-u-o-cac-sieu-thi

BỘ ĐỘI VÀ DÂN QUÂN QUA MỘT THỬ NGHIỆM

MẠC VĂN TRANG/ TD 31/8/2021

Không biết ai là tác giả đích thực của quyết định: “Bộ đội đi chợ hộ dân” trong thời gian giãn cách “tuyệt đối” tại thành phố Hồ Chí Minh?

Có nhiều người đã lên tiếng, đó là một sai lầm, làm khổ lính, khổ dân, gây ra lắm chuyện bi hài… TP.HCM có đến gần 3 triệu hộ dân, hàng ngày có chừng 30 ngàn shippers chuyển giao hàng, thì bao nhiêu bộ đội làm thay cho xuể? 30 ngàn shippers mất việc, đói ăn, thành phố lại nuôi bao nhiêu quân đội? Chưa kể bộ đội lớ ngớ biết đâu mà đi chợ!

Nhưng ở góc độ tâm lý xã hội thì đây là một thử nghiệm thú vị, cho dù kết quả thử nghiệm đã chứng minh giả thuyết là SAI. Các nhà nghiên cứu Tâm lý học, Xã hội học, Khoa học quản trị… nên thu thập đủ luận cứ, luận chứng và luận giải một cách khách quan thì cái SAI cũng có giá trị khoa học, làm bài học sinh động, hữu ích để giảng dạy trong đào tạo cán bộ các cấp.

Trong bài viết này tôi chỉ nêu lên mấy nhận xét về tình cảm QUÂN – DÂN quan sát thấy trong mấy ngày qua.

1. Dân thương các “chú” bộ đội lắm

Ngay từ đầu, vợ chồng tôi đã khẳng định, chủ trương lấy bộ đội đi mua hàng giúp dân là không thể thực hiện được. Nhưng thấy tôi chụp hình mấy chú bộ đội đi chợ, định viết bài thì bà xã tôi năn nỉ: Anh đừng viết gì về bộ đội, đừng có chê trách bộ đội nhé, thương các cháu lắm. Tội nghiệp quá… Vậy là tôi chỉ viết mấy câu bông đùa, các chú đi chợ, nhớ học mấy tiếng Nam bộ nhé.

Tình cảm của người dân với bộ đội rất đặc biệt: Nhìn thấy bộ đội trên đường phố, dù đeo súng, đeo băng đỏ, kiểm tra giấy tờ… nhưng dân không ác cảm, không sợ hãi, vẫn mến thương; thấy bộ đội vất vả, lớ ngớ lại càng thương.

Một cô gái trên lầu nhìn thấy hai anh bộ đội đẩy xe hàng trên đường, đã vui vẻ gọi: Các anh ơi, giữ sức khoẻ nhé. I love you! Hai anh bộ đội vẫy tay đáp lại. Clip đó đã được hàng ngàn người like với những bình luận đầy thương mến.

Tôi thấy khi bộ đội yêu cầu người đang đi xe máy dừng lại xuất trình giấy tờ, người dân chấp hành với thái độ vui vẻ; nhiều người còn dừng lại trò chuyện lâu lâu với bộ đội, khác hẳn thái độ đối với công an hay dân phòng ta thường thấy.

Nhiều Fbker đã tò mò quan sát, chụp hình bộ đội trên phố, đăng lên FB với những lời bình luận vui vẻ, đầy tình thương mến.

Có nhiều người lên án ai đó đã nhờ bộ đội đi chợ giùm rồi “bom” hàng không lấy, nói là chỉ thử tí thôi. Tôi chắc là một cô bạn trẻ nào đó tinh nghịch trêu đùa anh bộ đội đáng yêu tí thôi, chứ không có ác ý. Nhưng lẽ ra, có trêu thì cô cũng phải nhận món hàng đó mới phải.

Nhìn chung không thấy những phản ứng tiêu cực từ người dân đối với bộ đội khi quân đội bất ngờ kéo vào khắp thành phố, thực sự như là thiết quân luật.

2. Bộ đội “ngoan hiền” với Dân

Nhiều hình ảnh đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội: Bộ đội vận chuyển hàng hóa vào thành phố; bộ đội chở hàng đến các điểm ở quận, phường; bộ đội mang túi hàng đến trao cho dân; bộ đội đi chợ loay hoay chọn hàng, cắm cúi tính tiền, lóng ngóng gói hàng, xếp hàng vào túi; bộ đội ngơ ngác loanh quanh tìm nhà trong hẻm… Những hình ảnh đó không gây phản cảm, mà chỉ thấy những chú bộ đội áo đẫm mồ hôi, ngoan, hiền, đáng yêu.

Nhiều chuyện khá bi hài: Một anh bộ đội đi trao gói quà cho dân thì có Tổ trưởng dân phố, công an phường, đại diện thanh niên, phụ nữ dẫn đi và có mấy phóng viên chạy theo quay phim, chụp hình; mấy anh bộ đội đi chợ mua hàng thì có mấy “thanh niên tình nguyện” chở các anh bộ đội cùng với hàng đến nhà dân để anh trao hàng… Nhìn những cảnh “bi hài” đó, dân chỉ chê trách chính quyền, chứ thấy bộ đội thật tận tình với dân.

Đặc biệt, trong clip dân ở Bà Điểm Hóc Môn kéo ra đường đến gặp chính quyền đòi tiền trợ cấp mà Chính phủ đã hứa, xem ra rất căng. Nếu công an, dân phòng ra đàn áp, bắt bớ, chắc sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa… Nhưng mấy chú bộ đội đã ồn tồn giải thích: Bà con nên cử mấy đại diện lên gặp chính quyền thôi, dân nên về nhà, ai ở đâu, ở yên đó… Dân đã dịu bớt cơn nóng giận. Vui nhất là một cậu bé trong đoàn biểu tình chạy đến gần chú bộ đội, rồi hai chú cháu cứ ngắm nhìn nhau thật dễ thương.

3. Tôi mong rằng anh em Bộ đội luôn ghi nhớ những điều trong bài hát truyền thống, đã thấm máu xương của bao lớp đồng đội: “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh, anh em ơi vì Nhân dân quên mình… Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần. Thề vì dân suốt đời, thề chiến đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh”…

Bộ đội như thế sẽ luôn được dân hết lòng yêu thương che chở. Bộ đội như thế sẽ không bao giờ cầm súng bắn vào Nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ mệnh lệnh từ kẻ nào.

COVID: 'MÔ HÌNH' QUÂN ĐỘI ĐI CHỢ CHO DÂN Ở SÀI GÒN THẤT BẠI

TRỌNG THÀNH/ BVN 31-8-2021

Tại tâm dịch Covid ở TP.HCM – thủ phủ kinh tế của Việt Nam, một diễn biến gây nhiều chú ý hôm qua, 28/08/2021. Sở Công Thương thành phố yêu cầu cho 25.000 shipper trở lại vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Chủ trương bộ đội "đi chợ" cho dân Sài Gòn trong thời gian siết chặt phong tỏa thất bại, sau vài ngày đầu thực hiện. Trong ảnh, cảnh bộ đội trao thực phẩm cho dân, TP Hồ Chí Minh, ngày 24/08/2021. REUTERS - STRINGER

Theo nhiều nhà quan sát, việc chính quyền đưa ra đề xuất nói trên cho thấy chính quyền đã thừa nhận chính sách đưa quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho toàn bộ dân cư thành phố, cùng với chính quyền cơ sở, là một thất bại.

Ngay từ khi chính quyền ấn định kế hoạch bộ đội cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày đầu đợt siết chặt phong tỏa 23/08, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về thất bại được báo trước.

Từ Sài Gòn, giáo sư Hoàng Dũng nhận định với RFI Tiếng Việt về vấn đề này:

«Từ sự kiện này, có hai cách đánh giá khác nhau. Một cách nhìn có vẻ tươi sáng, là khen ông Nhà nước uyển chuyển, biết sửa lại các quyết định của mình sao cho phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy điều mà Nhà nước không thấy. Đó là những người ở vị trí quyết định đã vội vàng đưa ra những chủ trương mà ngay từ đầu đã thấy sai lầm. Cụ thể là cấm hoàn toàn shipper trong một số quận. Còn một số quận còn lại vẫn cho hoạt động, nhưng trong phạm vi của một quận thôi. Việc giải quyết hàng hóa cho hơn 10 triệu dân, họ trông cậy hoàn toàn vào bộ đội. Khi Sở Công Thương đề nghị cho 25.000 shipper hoạt động trở lại, điều đó có nghĩa là công khai thừa nhận mô hình cung cấp thực phẩm trước đây là hoàn toàn thất bại. Thất bại có thể biết trước được. Với một thành phố hơn 10 triệu dân, để đưa được đồ ăn thức uống đến cho dân, thì phải một lực lượng ước chừng 50 ngàn người. Không thể điều 50 ngàn lính làm việc đó được. Số lượng đó là quá lớn. Riêng việc đó đã đủ thất bại! … Còn về việc di chuyển, các shipper khi cần ngay lập tức có thể tới ngay, còn với những người không chuyên nghiệp, đó là chuyện không dễ. Thêm một điểm khác, là shipper họ thường quen với hàng hóa…».

– Ông nhìn nhận ra sao về việc các hoạt động của thị trường, của xã hội dân sự gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch? 

GS Hoàng Dũng: «Có thể nói các tổ chức dân sự đi làm từ thiện này kia, ở Việt Nam có những khó khăn đặc biệt, mà nhiều xã hội khác không có. Đằng sau sự khó khăn đó, chính là sự sợ hãi của Nhà nước, sự ngờ vực của Nhà nước đối với các tổ chức như vậy. Người ta sợ các tổ chức mà Nhà nước không nắm được. Nhìn chung trong xã hội toàn trị, lo lắng đó là rất dễ hiểu, rất đúng quy luật điều hành của một xã hội toàn trị. Nhưng đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay, nó bộc lộ hết tất cả những điểm mà trước đây người ta đã thấy, nhưng bây giờ thấy sâu sắc hơn. Đó là xã hội dân sự là yếu tố cấu thành của xã hội hiện đại, không thể nào gạt bỏ ra được bằng mệnh lệnh hành chính. Cấm cản nó, gạt bỏ nó, xã hội sẽ chịu hậu quả. Cuối cùng, Nhà nước phải gánh hậu quả đó. Người dân phải gánh đã đành, nhưng Nhà nước cũng phải gánh.

Trước khi phong tỏa theo Chỉ thị 16, các tổ chức từ thiện trợ giúp thực phẩm cho người nghèo vẫn hoạt động được. Người ta nấu cơm, có nơi ngày nấu đến 2.000 phần cơm. Có lực lượng đem đến cho người dân bị đói. Nhưng sau đó, có lệnh là mỗi nơi chỉ được 2 người tham gia phục vụ. Như vậy trên thực tế là cấm họ. Vì chỉ 2 người làm thì làm sao tổ chức nấu ăn được nữa? Tôi thấy những đoạn video cho thấy người đói – tại những chỗ tặng cơm đó bị buộc phải đóng cửa – phải quỳ xuống đưa tay vào nhận một phần cơm. Vì sao? Vì cũng phải nhận giấu diếm, vì sợ Nhà nước biết. Đến bây giờ, tình hình có thay đổi rồi, tức là bắt đầu mở rộng, cho phép rồi.

Tất cả những điều đó cho thấy sự lúng túng, hoàn toàn không có chủ trương ngay từ đầu, với ảo tưởng là một mình Nhà nước có thể giải quyết tất cả.

Thực tế là khi người dân đóng thuế, thì chính quyền phải trên cơ sở đó lo cho dân. Còn đối với người dân, Nhà nước cần phải để cho họ giúp nhau, đừng cấm cản họ. Trong khi đó, Nhà nước thoạt tiên cấm, nhưng cấm không được, sau đó phải mở, mở he hé. Hiện nay, 25.000 shipper được hoạt động, nhưng lại với điều kiện phải xét nghiệm hàng ngày, mỗi lần xét nghiệm tốn hơn 200 ngàn. Họ phải bỏ tiền túi ra? Hoặc nơi thuê họ phải bỏ tiền ra để shipper được xét nghiệm? Cuối cùng thì giá cả hàng hóa tăng lên (do có thêm chi phí xét nghiệm), người dùng phải chịu. Mà điều này phi khoa học, vì chính Nhà nước đã nói rằng mỗi lần xét nghiệm có hiệu lực trong ba ngày. Vậy tại sao hàng ngày phải xét nghiệm?

Cho nên việc 25.000 shipper được hoạt động trở lại là một bước tiến, nhưng đồng thời đầu này mở, đầu kia có hơi thắt lại chút. Nếu có một chứng cứ khoa học buộc phải xét nghiệm là một chuyện, nhưng đây không phải là như vậy. Tóm lại, đó là do họ sợ hãi những lực lượng không phải là Nhà nước.

Thực tiễn đã bắt phải thay đổi. Không thì phải trả giá bằng người chết, bằng oán thán. Người dân đói thì họ nổi loạn. Tất cả những cái đó đẩy anh vào thế không chấp nhận không được. Có điều là khi anh đã không có cái nhìn nhận đúng đắn, anh đưa ra những sai lầm, rồi sau đó lại sửa chữa, thì phải trả giá. Mà trả giá, thực ra là người dân trả giá. Còn Nhà nước chỉ trả giá bằng cái uy tín bị sứt mẻ.

Thành ra là, nếu đi tìm cái may mắn trong tai họa, thì trận dịch này đã bộc lộ tất cả những khuyết điểm của cách quản lý xã hội từ trước đến nay».

Bộ trưởng Y tế: Số tử vong Sài Gòn giảm dần

Trong hai ngày 28 và 29/08, Bộ Y tế ghi nhận 344 ca tử vong trên toàn quốc; số người chết cao nhất là tại TP. Hồ Chí Minh (256), tiếp theo là tỉnh Bình Dương (31). Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm nay, bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP. HCM trong những ngày gần đây có xu hướng giảm, so với đỉnh điểm vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021.

Hà Nội: Xét nghiệm 200 nghìn ca để chọn phương án phong tỏa

Chính quyền Hà Nội hôm qua, 28/08, thông báo sẽ xét nghiệm đợt cao điểm từ 27/08 đến 04/09, với tổng số 200 nghìn mẫu, và dựa trên kết quả này thành phố sẽ lựa chọn 1 trong 2 kịch bản sau ngày 06/09: phong toả các quận nguy cơ cao hoặc phong tỏa toàn thành phố, giống như Sài Gòn đang làm, với đợt siết chặt phong tỏa từ ngày 23/08.

T.T.

Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20210829-mo-hinh-quan-doi-di-cho-cho-dan-sai-gon-that-bại

3 TẠI CHỖ CHỈ LÀ PHƯƠNG ÁN CẦM CỰ

PHẠM SƠN/The Leader 31-8-2021

TheLEADER  Kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời. Chuỗi cung ứng đứng trước bờ vực đứt gãy nếu không có giải pháp khẩn cấp phục hồi sản xuất.


Thủy sản đứng trước nguy cơ hiện hữu về đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh: TT.

Thực hiện chỉ thị 16 tại các tỉnh thành phía Nam khiến hoạt động lưu thông hàng hóa, thu hoạch, mua bán con giống trong ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, 3 địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng tôm, doanh nghiệp chế biến tôm cho biết phải giảm công suất chế biến tới 60 - 70%.

Các doanh nghiệp sản xuất cá tra cũng rơi vào khó khăn khi 50% doanh nghiệp tại các địa phương trọng điểm phải đóng cửa. Cá tra nuôi vượt kích thước do các nhà máy giảm công suất, thời gian nuôi kéo dài khiến hàng chục tấn cá chết mỗi ngày. Công suất toàn ngành cá tra chỉ đạt khoảng 10 – 20%.

Phân “vùng xanh, vùng đỏ” khiến các nhà máy chế biến rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Một số nhà máy áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn hàng cho đối tác, tuy nhiên không thể duy trì bởi chi phí phát sinh quá lớn, với các khoản chi như tiền thuê khách sạn, ký túc xá, tiền ăn, chi phí y tế…

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, qua khảo sát, 100% doanh nghiệp tham gia nhận định phương án “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời, giúp doanh nghiệp cầm cự trước mắt chứ không thể duy trì lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động phải chuyển hàng dự trữ ra để trả dần đơn cho khách, tuy nhiên cho đến nay hầu hết đều đã cạn kiệt nên đều phải ngừng hoạt động hoàn toàn. 

Không chỉ khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà doanh nghiệp thủy sản ở nhiều tỉnh thành ven biển khác như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang cũng phải hạn chế tối đa công suất, chỉ hoạt động cầm chừng. 50% nhà máy chế biến thủy sản miền Đông TP.HCM phải đóng cửa.

VASEP cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của công nhân, người lao động trong ngành thủy sản còn rất thấp, chỉ 40 – 50% lao động toàn ngành được tiêm mũi 1, dù đã có nhiều kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin từ hiệp hội cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xuất khẩu thủy sản đạt được đà tăng trưởng tương đối ấn tượng từ đầu năm cho đến khoảng giữa tháng 7, sau đó bị trùng lại do tác động của Covid-19, cộng với việc cước phí vận tải biển tăng cao. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 41% so với nửa cuối tháng 7.

Nhiều đối tác nhập khẩu đang đòi hủy hợp đồng, tìm khách hàng thay thế vì doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng tiến độ giao hàng. Ngành thủy sản đứng trước nguy cơ rõ ràng về việc đánh mất thị trường vốn đã mất nhiều công sức, nỗ lực để tiếp cận và xâm nhập.

VASEP cảnh báo, nếu không thể khôi phục sản xuất và tháng 9, chuỗi sản xuất rất có thể sẽ đứt gãy và có rất ít cơ hội phục hồi. Nguy cơ không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp, sinh kế của người nông dân cũng như lao động trong ngành.

Từ đó, VASEP kiến nghị Chính phủ nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không thể muộn hơn 15/9.

Mới đây, VASEP cùng 13 hiệp hội ngành hàng khác đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Các giải pháp được đề xuất bao gồm hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” và doanh nghiệp ngừng sản xuất; miễn đóng phí công đoàn từ tháng 8 đến tháng 12; tạm dừng thu phí công đoàn đến hết tháng 6/2022; cho phép sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư để trang trải một số chi phí cho doanh nghiệp.

GIÃN CÁCH CÁ NHÂN HAY GIÃN CÁCH  XÃ HỘI

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 1-9-2021

Hồi Ấn Độ “toang”, anh em bò đỏ, báo chí cách mạng đăng tin hỉ hả. Đấy, dân chủ đấy, dân thì ngu và bẩn lại lạc hậu nên mới toang, chết nhiều thế. Việt Nam đúng là sướng, có Chính phủ chống dịch giỏi. Thế rồi Ấn Độ xong sớm nghỉ sớm.

Vấn đề của Ấn Độ chủ yếu do dân họ quá đông lại có tập quán thiêu xác bằng củi lộ thiên hoặc thuỷ táng, báo chí thì tự do nữa, nên sự tang thương bị đẩy lên gấp bội phần. Chứ thực ra tỷ lệ chết vẫn không phải quá cao, chẳng qua chết lộ liễu mà thôi. Cộng thêm dân đông nên tổng số ca sẽ rất khủng khiếp.

Còn Việt Nam thì sao? Tính riêng đợt dịch thứ 4 này, TP.HCM có tỷ lệ tử vong hàng đầu thế giới: 4,2%. Nếu chỉ tính trên số ca nhập viện thì 5,8%, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới từ 2,1-4,4%. Mà theo mình biết thì Tây cũng không thống kê được hết ca nhiễm mà chủ yếu cũng dựa trên số ca nhập viện hoặc có khai báo y tế. Số ca tự chữa ở nhà cao hơn Việt Nam nhiều. Như vậy là cười người hôm trước hôm sau người cười.

Vừa rồi HCM xét nghiệm diện rộng rất nhiều. Có lãnh đạo chống dịch bảo là ra nhiều ca dương tính là tốt! Đúng là tốt thật. Vì ra nhiều ca dương thì sẽ làm pha loãng tỷ lệ chết đi, cho nó giảm xuống! Bây giờ có lẽ được chấp nhận dương tính là quá dễ, không bị o bế số lượng như trước nữa. Xin lưu ý là con số ca chết ở nhà cũng rất đông, thậm chí chưa kịp test PCR để khẳng định, nên tỷ lệ tử vong thực tế có thể cao hơn con số bên trên nhiều. Chẳng qua Việt Nam giao cho quân đội quản lý việc hoả thiêu và giữ tro, nên việc chết chóc nó không lộ như Ấn Độ ngoài mấy clip hay ảnh quay trộm ở chỗ hoả thiêu hay container chứa xác.

Sau hiện tượng lạ với anh em quản lý là gần như giới nghiêm mà số ca dương và số ca chết vẫn tăng (hôm qua tăng 90 số với hôm kia) nên status trước mình dự báo là sau 15/9 mới có thể qua đỉnh dịch có vẻ không sai. Mấy hôm rồi cũng rò rỉ một số clip người dân ùa ra đường như chưa từng giãn cách để đi “hỏi tội” cán bộ vì dân đói không được trao thực phẩm. Công an, bộ đội thấy cảnh đó cũng chẳng dám cản, chắc vì thấy dân làm đúng?

Điều đó cho thấy rằng, người dân đã quá căng thẳng với việc giãn cách nghiêm ngặt, đặc biệt là dân nghèo không có tích luỹ. Vì thế việc hạn chế giãn cách, ít nhất là giãn cách ôn hoà hơn phải được nhanh chóng triển khai. Đừng đùa với cái bụng đói của giai cấp công nông. Cách Mạng tháng 8 là tấm gương mà đảng ta nghiên cứu kỹ nhất trong đó nguyên nhân từ bụng đói là một nguyên nhân chính chứ phải dân theo đảng làm cách mạng đâu (vì đa số có biết CS là gì đâu).

Hiện tại, thủ tướng, với vai trò trưởng ban chỉ đạo chống dịch, đã thay đổi tư duy chống dịch. Muộn còn hơn không. Trước mắt, Chính phủ cần nhanh chóng có kế hoạch hành động cụ thể xem sống chung với dịch nghĩa là sao, hay vẫn lẽo đẽo chạy theo phản động?

Sắp tới, giải pháp chống dịch nên phải dựa vào ý thức cá nhân và gia đình, là hạt nhân xã hội. Những ai có điều kiện sống chậm và ủng hộ giãn cách cực đoan có thể làm việc online thì cứ tiếp tục tự cách ly xã hội thêm vài tháng nữa cũng được, những ai buộc phải ra đường thì cần được Chính phủ khuyến cáo để phải chấp nhận rủi ro và phải tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Ai chủ quan, không tuân thủ thì phải trả giá bằng sức khoẻ và tính mạng của mình và thân nhân, không thể đổ lỗi cho Chính phủ nữa. Cũng giống như chúng ta sống chung với AIDS, lậu, sùi mào gà bằng cách đeo BCS thôi. Không có Chính phủ nào cấm người lạ ch!ch nhau để tránh AIDS được. Dự là trong giai đoạn sống chung với dịch sắp tới, anh em chịch dạo sẽ cưỡi ngựa thay cho cách truyền thống và tốt nhất là vẫn duy trì khẩu trang khi hành sự.

Bản thân mình có thể tuân thủ việc giới nghiêm, vì công việc ít ảnh hưởng. Nhưng không vì thế mà mình ủng hộ giãn cách cực đoan. Tại sao người nông dân Ba Vì hay miền Tây lại phải chịu giãn cách nghiêm ngặt như ở các trung tâm đô thị?

Mình ủng hộ giãn cách khi chưa có miễn dịch cộng đồng, nhưng giãn cách nên chỉ là 5K chứ không phải nhốt người dân ở nhà rồi thả bộ đội ra đường canh gác. Thay vì cách ly toàn xã hội thì Chính phủ nên khuyến cáo các gia đình tự cách ly nhóm yếu thế là người già, bệnh nền và béo phì. Điều này cũng giống ví dụ về vườn thú của mình hôm trước. Thay vì cách ly toàn xã hội để bảo vệ nhóm yếu thế thì hãy cách ly nhóm yếu thế để bảo vệ toàn xã hội.

Dương Quốc Chính 

BÀN VỀ KHẨU HIỆU 'CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC'

NTB/ 2-9-2021

1. Vài ý chung: Ngày nay chúng ta không lạ gì với khẩu hiệu. Dù to lớn thiêng liêng như trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc hay việc nhỏ như một phong trào, yêu cầu giao tiếp nơi công cộng, mua bán... ta dễ dàng bắt gặp khẩu hiệu. Đó là những câu ngắn gọn, mang tính định hướng, động viên, khích lệ hay đơn giản  chỉ là nhắc nhở cộng đồng cho một mục tiêu nào đó. Khẩu hiệu được nói bởi nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng, khẩu hiệu cũng được viết trên các pa nô, áp phích. Tác giả của khẩu hiệu càng có uy tín, càng nổi tiếng thì tác dụng của khẩu hiệu càng lớn. Tuy nhiên khẩu hiệu dù ai là tác giả cũng phải bảo đảm tính khoa học và logic. Bài này tập trung nêu lên những bất cập của khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc' 

2. Tính logic: Tính logic tạm hiểu là sự dùng từ hợp lý, không để đối tượng tiếp nhận hiểu hoặc suy diễn sai lệch. Trong khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc', 'như' là một từ khóa quan trọng xét về logic. Trong tiếng Việt  'như' là loại động từ chỉ ra liên hệ cùng bản chất của hai hiện tượng, sự vật có hình thức khác nhau. Vậy chống dịch và chống giặc có cùng bản chất ? Giả thử có giặc tới xâm lược, ta có thể vận dụng bài học chống dịch để nêu khẩu hiệu 'chống giặc như chống dịch' được không ? Câu hỏi sau phụ thuộc trả lời câu hỏi trước như sau:

3. Phân biệt bản chất chống dịch và chống giặc: Chống dịch và chống giặc đều là cuộc chiến.  Để phân biệt bản chất cuộc chiến có thể nêu 4 tiêu chí chính: đối tượng chiến đấu, mục tiêu chiến đấu, lực lượng chiến đấu, phương tiện chiến đấu, chiến lược chiến thuật.

- Đối tượng chiến đấu: Chống giặc đối tượng chiến đấu là kẻ xâm lược tổ quốc bằng vũ lực . Đó là những con người cụ thể, tương đối dễ phát hiện. Chống dịch đối tượng chiến đấu là những con virus vô cùng nhỏ bé, hầu như vô hình, xâm nhập, lan nhiễm trong cộng đồng khó kiểm soát, biến thể ngày càng nguy hiểm...

-Mục tiêu chiến đấu: Chống giặc có mục tiêu chiến đấu là bảo vệ lãnh thổ, quyền độc lập, quyền tự do của tổ quốc. Chống dịch có mục tiêu chiến đấu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân (phạm vi hẹp hơn mục tiêu chống giặc đồng thời phải chấp nhận hy sinh một số mục tiêu khác như phát triển kinh tế, tự do đi lại...)

-Lực lượng chiến đấu: Chống giặc có lực lượng chiến đấu tùy theo quy mô nhưng lực lượng chiến đấu mặc định chủ yếu là lực lượng võ trang (quân đội, dân quân, công an). Chống dịch có lực lượng chiến đấu chủ yếu là bác sĩ, nhân viên y tế (những người có chuyên môn về phòng chống dịch)-Tùy theo tình hình dịch bệnh lực lượng tham gia chống dịch có thể có quân đội, công an, tổ chức dân sự ... với những  nhiệm vụ phù hợp. 

-Phương tiện chiến đấu: Chống giặc có phương tiện chiến đấu là vũ khí và phương tiện dùng cho vận chuyển, thông tin, cứu thương... Chống dịch có phương tiện chiến đấu là dụng cụ y tế, thuốc (quan trọng nhất là vaccine), bệnh viện chuyên chống dịch, bệnh viện tạm thời dùng cách ly...Chống dịch có thể lợi dụng một số phương tiện quân y nếu có thể.

-Chiến thuật, chiến lược: Chiến thuật, chiến lược được hiểu là phương thức, kế hoạch ngắn hạn (chiến thuật), dài hạn (chiến lược) để giành chiến thắng. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước thế kỷ trước từng có những chiến thuật mang các tên: '3 mũi giáp công', 'đấu tranh vũ trang kết hợp tuyên truyền vận động', 'lấy nông thôn bao vây thành thị'...Trong cuộc chiến chống dịch đặc biệt là dịch Covid-19,  có thể coi '5k' là giải pháp chiến thuật, còn tiêm vaccine để  miễn dịch cộng đồng là giải pháp chiến lược. Như vậy xét theo tiêu chí chiến thuật, chiến lược chống giặc và chống dịch không có điểm chung. Tư duy về thời gian của chiến thuật, chiến lược theo các chuyên gia: không có thời điểm dừng, nghĩa là phải thích nghi với sự tồn tại lâu dài của virus Corona.

4.Kết luận:  Từ những điều trình bày trên, xin đề xuất:

- Không dùng  khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc'. Có thể thay bằng khẩu hiệu: 'Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine hướng tới miễn dịch công đồng sớm nhất' 

- Vì mục tiêu chống dịch là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nên phải giải quyết các trở ngại nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm, cứu trợ cộng đồng vùng dịch. 

- Sử dụng hợp lý có hiệu quả các lực lượng tham gia chống dịch (không dùng quân đội để đi chợ hộ, thay sifpers; phát huy vai trò các tổ chức dân sự, các nhà từ thiện)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét