Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

20210908. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (9)

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

BA LAN THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP TRONG CHỐNG DỊCH COVID-19 

VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM

MẠC VĂN TRANG/ TD 7-9-2021

1. BA LAN

Ba Lan đã trải qua những đợt dịch covid – 19 nặng, có ngày lên tới 30.000 ca nhiễm dương tính và khoảng 1.000 người chết vì Covid-19. Ba Lan đã trải qua 3 lần phong tỏa: đợt đầu tiên kéo dài 4 tuần, từ ngày 23/3/2020 đến 20/4/2020 trên phạm vi toàn quốc; đợt thứ hai kéo dài 13 tuần, từ ngày 23/10/2020 đến 17/1/2021 trên toàn quốc; và đợt thứ ba kéo dài 6 tuần, từ ngày 17/3/2021 đến 28/4/2021, tại 11 tỉnh có dịch nặng nhất. Nhưng Ba Lan đã khống chế virus thành công và giữ vững được nền kinh tế nhờ những biện pháp chống dịch đáng để các quốc gia khác xem xét, học tập.

Chính phủ chả biết lên tivi kêu gọi “Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép”, nên dân chả biết “mục tiêu kép” là cái gì! Nhưng Chính phủ đã làm thành công. Theo bài viết của FBker Phan Châu Thành (1) có thể khái quát lại một số điểm sau:

1.1. Duy trì đời sống, an sinh xã hội không gây đảo lộn lớn

– Nó không coi trọng việc “ai ở đâu ở yên đấy” mà coi trọng việc KHÔNG TỤ TẬP QUÁ 10 người. Đóng cửa các trường học, các tụ điểm ăn chơi, sinh hoạt đông người…

– Không đóng cửa các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, cửa hàng bán đồ vệ sinh gia đình, hiệu sách… Các cửa hàng đó chỉ phải hạn chế nhận khách, chỉ được 1 khách trên mỗi 15m2 ở cửa hàng trong cùng 1 lúc.

– Tổ chức mở cửa các siêu thị, thậm chí từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau, để giảm tải lượng người đến mua 1 lúc. Các quán ăn vẫn được phép bán mang về, để đảm bảo không thiếu thực phẩm cũng như vật dụng thiết yếu. Các chuỗi cung ứng, vận tải hoạt động bình thường, các tài xế chỉ được yêu cầu là không ra khỏi cabin xe khi đi từ vùng này sang vùng khác.

– Hạn chế sử dụng tiền mặt tối đa, trả bằng thẻ gần hoặc qua mạng, phát triển tối đa việc đặt/giao hàng qua mạng, thanh toán bằng trả tiền trước, để người giao hàng không tiếp xúc với người mua hàng.

– Mọi người vẫn được phép đến công viên, vào rừng, ra cánh đồng… tập thể dục, với điều kiện phải giữ khoảng cách 2m nếu không ở cùng nhà và đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở ngoài.

– Các phương tiện công cộng vẫn hoạt động, nhưng chỉ chở 25% số hành khách có thể.

– Tổ chức mọi thứ khác đều online, bắt đầu từ bộ máy chính phủ, quyết định hành chính, lập ra hệ thống Obywatel, trong đó thậm chí cấp căn cước công dân cũng online.

– Trợ cấp thất nghiệp, bảo trợ xã hội hoạt động tối đa, những người vô gia cư được gom lại, chăm sóc nơi ăn, chốn ở, y tế và tiêm chủng cẩn thận.

– Việc xin trợ cấp của chính phủ cũng online: mọi người lập 1 tài khoản nhà bank (online, nếu ai chưa có), đệ đơn xin thông qua nhà bank (online), họ xét duyệt (online), đủ điều kiện chuyển thẳng luôn vào tài khoản (online nốt). Không ai phải đi đâu, không ai phát, không cần hỏi han gì, cứ nhìn vào tình trạng online mà theo dõi.

1.2. Chiến lược chữa trị covid-19 và tiêm vaccine hợp lý

– Giáo dục ý thức (thực hiện 5K) mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện truyền thông, thậm chí ở cả nhà thờ, thánh đường: toàn dân tập thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vào mọi nơi, mọi nhà đều phải xịt kháng khuẩn vào tay, không bắt tay, ôm hôn nhau như trước, mà phải giữ khoảng cách 2m ngay cả khi nói chuyện với nhau.

– Người dân được hướng dẫn tự phát hiện bệnh, thấy có triệu chứng thì đến cơ sở Y tế khai báo và xét nghiệm. Nếu “nặng” phải nhập viện; nếu dương tính với covid-19 nhưng phần lớn “nhẹ” thì được phát dụng cụ, thuốc và hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Hằng ngày báo cáo với Trung tâm Y tế qua online. Nếu có dấu hiệu chuyển nặng thì nhập bệnh viện điều trị. Cách ly điều trị tại nhà, sau 15 ngày thấy ổn thì đến Trung tâm Y tế xét nghiệm lại, nếu âm tính, sẽ được cấp Giấy chứng nhận; Giấy này còn giá trị hơn Giấy đã tiêm 2 mũi vaccine.

– Mở rộng việc mua vaccine và tiêm chủng trên diện rộng, đặc biệt ở các thành phố, nhà máy, nơi tập trung đông người, tổ chức tiêm chủng lưu động đến từng nhà máy, công ty có trên 500 nhân viên và người nhà.

– Tất cả những việc xét nghiệm, tiêm chủng của người dân đều được đăng ký online hoặc qua tổng đài điện thoại của Trung tâm Y tế, được hẹn giờ chính xác để hạn chế tập trung đông người, hay di chuyển quá xa.

Hiện nay (21/8/2021) 1 ngày Ba Lan có khoảng 100 người nhiễm mới, 99,6% họ là những người chưa tiêm, hầu như không còn người chết hàng ngày, đã tiêm đủ 2 liều cho gần 19 triệu người / 34 triệu người có thể tiêm (trừ trẻ em dưới 12 tuổi) và đang tiến hành vận động để tiêm nốt cho những người còn lại.

1.3. Duy trì hoạt động kinh tế

– Nhà nước trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp, với điều kiện cấm không được sa thải hay hạ lương nhân viên xuống dưới mức quy định. Nếu làm điều đó, sẽ bị thu hồi lại trợ cấp. Nhờ vậy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì hoạt động với mức độ hợp lý.

Ảnh chụp màn hình báo Công Luận

– Tổ chức lại phương thức làm việc của nhà máy, siêu thị… thường là nguyên tắc chia ra các toán, hoặc là 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ, hoặc các ca cách nhau ít nhất 1h, để các toán không có cơ hội tiếp xúc được trực tiếp với nhau, 1h đó để dọn dẹp vệ sinh, khử trùng. Nếu có ai đó bị nhiễm trong 1 nhóm, thì chỉ 1 nhóm bị cách ly, những nhóm khác vẫn làm việc bình thường.

– Các vị trí làm việc trong nhà máy, công sở được kê lại, để đảm bảo cách nhau 2m, hoặc đặt các tấm nhựa trong suốt, ngăn cách việc bắn nước bọt ở khắp nơi.

Trong suốt thời gian dịch bệnh, chính phủ Ba Lan KHÔNG KÊU GỌI bất cứ một cuộc quyên góp nào, và các tổ chức xã hội dân sự cũng KHÔNG CẦN tổ chức bất kỳ một cuộc trợ giúp thực phẩm nào cho dân, mà chỉ tập trung vào giúp nhu yếu phẩm cho các y bác sỹ và hệ thống y tế.

Nhờ chiến lược “Mục tiêu kép” hợp lý nên, nền kinh tế của Ba Lan trong quý II 2020 chỉ giảm 8% so với 13,9% trung bình toàn EU và tình trạng thất nghiệp chỉ 2,7% – lúc lên cao nhất khoảng 7,5% nhưng vẫn kiểm soát được.

Toàn bộ tình trạng phong toả gây thiệt hại khoảng 277 tỷ zł (71 tỷ usd ) cho kinh tế Ba Lan. Tính ra phải sau 1,5 năm mới phục hồi được.

Đó là cách Ba Lan đã thực hiện “Mục tiêu kép” thành công, do họ cân bằng giữa chống dịch, cuộc sống xã hội và duy trì hoạt động kinh tế, hoàn toàn không cần dây thép gai, hàn cửa, chốt chặn.

2. LIÊN HỆ ĐẾN VIỆT NAM

Giai đoạn 2020 Việt Nam đã phòng chống covid-19 rất tốt, nên có phần chủ quan, tự mãn. “Mục tiêu kép” luôn được tuyên truyền để các cấp và toàn dân quán triệt.

Nhưng từ tháng 5/2021, khi dịch bùng phát ở TP.HCM, Bình Dương… thì chiến lược phòng chống covid -19 của Việt Nam bị động, rất lúng túng:

2.1. Giãn cách xã hội và an sinh xã hội đều bất cập

– Giãn cách kiểu “ngăn sông cấm chợ”, giãn cách “cứng” gây đảo lộn đời sống xã hội, căng thẳng tâm lý người dân…

– An sinh xã hội quá kém, TP.HCM mấy triệu người mất việc, mất thu nhập không được nhà nước hỗ trợ kịp thời, nếu không có dân cứu nhau thì sẽ ra sao?

– Không biết thất nghiệp bao nhiêu %, các doanh nghiệp và người lao động được nhà nước hỗ trợ thực tế ra sao?

Những người lao động tự do, dân nghèo mất nguồn thu nhập được hỗ trợ cụ thể thế nào?

(Dân mình, nhiều người không có tài khoản ngân hàng, nên cứu trợ thường trực tiếp ở tổ dân phố, trưởng thôn, rồi thay tiền bằng hiện vật… rất khó xác định mức hỗ trợ).

2.2. Chiến lược chữa trị covid-19 và tiêm vaccine

– Không có chuẩn bị trước nên khi dịch bùng phát thì bị động, rất lúng túng, nhất là tại TP.HCM, Bình Dương. Lúc đầu bắt tất cả F0, F1 tập trung vào trại đông hàng nghìn người, hỗn độn rồi vỡ trận, lây lan F0 ra cộng đồng. Thiếu giường bệnh, nhân lực y tế, thiết bị, quy trình quản lý, chữa trị… gây hoang mang cho dân chúng, tử vong cao. Qua hơn 3 tháng khủng hoảng mới dần vào ổn định.

– Chiến lược vaccine quá chậm trễ, tổ chức tiêm chích, có nơi chưa hợp lý…

2.3. Về sản xuất kinh doanh

– Thấy Việt Nam nói những khu kinh tế lớn vẫn hoạt động tốt, xuất khẩu duy trì, GDP vẫn tăng trưởng cao 5-6%, thu ngân sách giảm sút không đáng kể.

– Nhưng báo chí cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay 85.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; Cần Thơ cho biết 95% doanh nghiệp đóng cửa. Không biết những doanh nghiệp này và những người lao động mất việc được hỗ trợ ra sao?

– TP.HCM hàng ngàn doanh nghiệp kêu cứu, gửi Thư kiến nghị lên Chính phủ (xem chú thích 3).

– Bên khu chung cư nhà tôi ở (Nhà Bè) có một công trường xây dựng nhà ở đã triển khai chừng 6 tháng, có hàng 100 công nhân làm việc rất tấp nập. Nhưng hơn 3 tháng nay hoàn toàn hoang vắng (hình 4).


Ảnh 4. Nguồn: trên mạng

Hàng 100 công nhân này đã bỏ chạy về quê, không biết bao giờ mới khôi phục lại hoạt động. Tôi nghĩ, trong thời gian giãn cách, công trường này hoàn toàn có thể chia ca kíp công nhân làm việc ngoài trời, giữ khoảng cách… không cần phải giải tán hết như vậy. Đây là một ví dụ không thực hiện được “mục tiêu kép”!

3. THAY LỜI KẾT

So sánh Ba Lan – Việt Nam là rất khập khiễng, nên chỉ gợi ý vài điều để tham khảo. Ba Lan đã thoát khỏi chế độ XHCN bao cấp, toàn trị từ 1990 và là nước công nghiệp trung bình của Châu Âu; GDP 2021 ước tính: 642 tỷ USD (hạng 22 thế giới), thu nhập bình quân đầu người 16.930 USD (hạng 44 thế giới). Tuy nhiên người dân ý thức về quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và trách nhiệm xã hội khá cao; đặc biệt an sinh xã hội rất tốt, giáo dục, y tế miễn phí…

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan được đối xử tử tế, trong phòng chống covid-19, mọi việc như người Ba Lan.

Giờ đây đời sống xã hội Ba Lan đã diễn ra gần như bình thường, sống chung với Covid -19 biến thể. Quan trọng nhất là Chính phủ có chiến lược thực hiện “mục tiêu kép” hợp lý và người dân là chủ thể có ý thức cao trong phòng chống covid-19.

_____

Tham khảo:

1. FBker Phan Châu Thành https://www.facebook.com/chau.t.phan

2. https://vneconomy.vn/kinh-nghiem-cua-ba-lan-nuoc-chong-covid-hieu-qua-hang-dau-o-chau-au.htm

3. https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-vua-va-nho-tp-hcm-keu-goi-5-000-chu-ky-vao-don-cau-cuu-chinh-phu.htm

DƯỢC SĨ PHẠM DUY NHƯ NÊU 3 CHỐT CHẶN QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ PHÒNG CHỐNG COVID-19

HOÀI THƯƠNG / VNF/ BVN 7-9-2021

(VNF) - Trong bức thư gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, dược sĩ Nguyễn Duy Như, TGĐ Công ty dược Tuệ Linh đã nêu ra những biện pháp mà theo ông là sẽ giúp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. VietnamFinance xin đăng lại nội dung bức thư đã và đang gây xôn xao cộng đồng mạng cả tuần nay để bạn đọc tham khảo.

Đặc tính cơ bản của virus SARS-CoV-2

SARS-CoV-2 là một loại virus cúm nên có đặc tính chỉ tấn công tế bào hệ hô hấp và điểm khởi phát đầu tiên luôn ở trên bề mặt niêm mạc khu vực khoang mũi, họng. Do đó chỉ cần tập trung bảo vệ thật tốt vùng mũi họng và coi đây là yếu tố then chốt chống dịch.

Virus không lây qua da hay hệ tiêu hoá, do vậy không cần phải mặc đồ bảo hộ toàn thân vốn gây mất sức rất nhiều cho các bác sỹ.

Virus chỉ nguy hiểm đến tính mạng khi nó tấn công xuống phổi. Do vậy, cần triệt để khống chế virus ngay từ lúc chúng bám được vào niêm mạc mũi họng, không để chúng tấn công phổi.

Virus SARS-CoV-2 có lớp vỏ ngoài là một màng phospholipid kép hình cầu và các mảnh protein đính trên đó. Lớp vỏ hình cầu này giúp virus ổn định hơn, tồn tại lâu hơn nhưng cũng là điểm yếu chí mạng của chúng. Do cấu tạo từ lipid kép nên các chất tẩy rửa (xà phòng, các chất diện hoạt), nước muối sinh lý, hay các loại tinh dầu có thể dễ dàng làm biến dạng vỏ này, từ đó làm giảm hoặc làm mất hoạt lực của virus với tế bào vật chủ.

Các chốt chặn có thể ngăn virus gây hại cho cơ thể

Thứ nhất, không để lây nhiễm.

Xây dựng chốt chặn đầu tiên (tạm gọi là hàng rào chống xâm nhập) để ngăn ngừa virus bám dính vào nơi gây bệnh là niêm mạc khoang mũi họng. Tốt nhất để làm việc này là đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách và hạn chế tụ tập đông người. Hiện nay biến thể Delta đã có kích thước to hơn hẳn các biến thể trước, điều đó giúp virus ổn định hơn, tồn tại trong khí lâu hơn. Chuyện thực hiện giãn cách xã hội để hết F0 trong cộng đồng là việc khó.

Thứ hai, khi đã lây nhiễm, không để Covid – 19 tấn công đến phổi.

Dược sĩ Nguyễn Duy Như, Tổng Giám đốc công ty Tuệ Linh

Khi virus đã bám được vào niêm mạc mũi họng thì cần có chốt chặn thứ 2 được thiết lập ngay tại đây nhằm làm giảm hoặc mất hoạt lực của virus ngay khi chúng vừa bám vào niêm mạc.

Tại thời điểm mới lây nhiễm, lượng virus thường ở mức thấp. Sẽ thật sai lầm nếu chúng ta “mặc kệ” virus phát triển trong giai đoạn này. Thường xuyên thụt rửa khoang mũi và súc họng thật kỹ nhiều lần bằng nước muối ấm (nồng độ 0,9% đến 1%) có thể giảm đáng kể số lượng hạt virus vừa được sinh ra tại đây.

Ngoài ra xông hơi với tinh dầu sả chanh, húng chanh, quế hay hương nhu…cũng có thể làm giảm tải lượng virus, nhất là vùng niêm mạc sâu bên trong, niêm mạc phế quản và phổi, nơi mà nước muối không tiếp cận được.

Về mặt khoa học đã chứng minh, tinh dầu kết hợp với hơi nước nóng có thể vô hiệu hóa virus nhờ tác dụng làm biến dạng lớp vỏ ngoài phospholipid kép. Thực tế biện pháp này đã được áp dụng từ ngàn đời nay trong văn hoá của người Việt.

Theo kinh nghiệm dân gian của ông cha, khi bị cảm cúm (cảm lạnh), xông lá (sả chanh, hương nhu, tía tô…) là một bài thuốc cổ truyền giúp chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Sau khi xông, người bệnh sẽ thấy thông thoáng đường thở và nhanh khỏi bệnh.

Biến thể Delta gây tử vong nhanh vì nồng độ virus tại mũi họng tăng rất cao trong thời gian ngắn, do vậy chốt chặn thứ 2 này tối quan trọng để giảm nguy cơ tử vong và phải được thực hiện quyết liệt.

Thứ ba, khi SARS-CoV-2 đã tấn công phổi thì cần hạn chế thấp nhất tử vong.

Khi virus đã xâm nhập sâu vào cơ thể thì hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ virus trong máu. Có thể coi hệ miễn dịch là chốt chặn cuối cùng của cơ thể chống lại virus. Do vậy tiêm vaccine là giải pháp tối quan trọng để trấn áp dịch bệnh và hạn chế nguy cơ tử vong.

Cần ưu tiên nguồn lực để chuẩn bị tốt thiết bị cứu chữa bệnh nhân nặng như máy thở, nguồn oxy, tăng cường bổ sung các đơn nguyên ICU, bổ sung thiết bị can thiệp ECMO…để làm giảm nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, cần coi trọng miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Có thể nhận thấy cùng tiếp xúc nguồn bệnh nhưng người dương tính người không. Đó là do miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Do vậy cần để người dân tập thể dục ngoài trời không nên cấm. Việc giãn cách cực đoan và cấm tập thể dục ngoài trời làm giảm nền tảng sức khoẻ cả thể chất đến tinh thần của người dân.

Qua phân tích trên có thể thấy chốt chặn đầu tiên là phòng dịch thụ động, giống như việc dựng hàng rào rồi núp sau hàng rào đó và cầu mong “kẻ địch không trèo qua”. Chốt chặn thứ hai là chủ động tấn công “địch” ngay khi “địch vừa đặt chân lên đất mình, đang hạ trại và chưa ổn định đội ngũ”. Chốt chặn thứ 3 là lớp phòng thủ sau cùng, nằm sâu trong nội địa, chiến đấu chống lại kẻ địch khi địch đã tiến sâu và tràn ngập lãnh thổ.

Chốt chặn thứ 2 quan trọng nhất, nó rẻ nhất và dễ thực hiện nhất. Điều này đặc biệt quan trọng vì chốt này nếu làm tốt sẽ chặn được các loại virus biến thể, điều mà cả thế giới đang lo lắng và theo dõi, rất có thể sẽ có biến thể kháng lại vaccine hiện tại.

Chiến lược chống dịch trong tình hình hiện nay   

Chúng ta cần sớm nhận định rằng virus SARS-CoV-2 không thể bị biến mất và khó có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng từ việc tiêm vaccine.

Do vậy, thay vì đuổi theo chúng thông qua việc truy vết bằng xét nghiệm diện rộng rồi cách ly, giãn cách, chúng ta chống dịch theo hướng chấp nhận sống chung với SASR-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa và mục tiêu duy nhất là giảm số người tử vong do bệnh này.

Như vậy cần cá nhân hóa việc chống dịch, mỗi người dân là một “chiến sĩ chống dịch”. Nhà nước chỉ làm tốt khâu cung cấp vaccine cho toàn dân, tuyền truyền trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh đúng đắn và tổ chức thật tốt khâu điều trị bệnh nhân nặng để giảm tỷ lệ tử vong.

Để hạn chế lây nhiễm cộng đồng, chỉ cần thực hiện tốt việc đeo khẩu trang thường xuyên và không tụ tập đông người. Không cần giãn cách xã hội, không cách ly tập trung và không phun khử khuẩn môi trường. Công tác truyền thông cần nhấn mạnh việc vệ sinh mũi họng mỗi ngày bởi virus chỉ gây bệnh khi nó bám được vào niêm mạc mũi họng.

Để giảm số ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong, cần tiêm vaccine để tạo miễn dịch. Trong thời gian chờ tiêm đủ vaccine thì cần hướng dẫn người dân rửa mũi họng thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý (0,9%) hoặc ưu trương nhẹ (1%). Mỗi tuần xông hơi ít nhất một lần với Sả chanh tươi kết hợp lá Hương nhu, lá Bưởi (nếu có điều kiện nên mua tinh dầu Sả chanh, Quế, Tràm nguyên chất sẽ tốt và tiện lợi hơn).

Ngoài ra cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều thực phẩm tạo năng lượng và có tính ôn ấm cơ thể (Bò, Dê, Gà, Trứng, Cá…) kết hợp các gia vị cay nóng như Hành, Gừng, Tiêu, Tỏi, Tía tô, Quế, Hồi. Hạn chế ăn thực phẩm có tính hàn như Vịt, Ngan, Ốc, Ếch... Thường xuyên tập thể dục, tập thở sâu nhiều lần trong ngày.

Như vậy thông điệp chống dịch mới phải là đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là nơi công cộng, nơi đông người; rửa mũi, súc họng thường xuyên mỗi ngày; không tụ tập đông người; tập thể dục thường xuyên. Đối với việc điều trị các ca F0 với triệu chứng nhẹ sẽ áp dụng thêm các phương pháp cổ truyền như tập thở sâu qua toạ thiền; xông hơi tinh dầu...

Dược sĩ Nguyễn Duy Như là Tổng Giám đốc công ty dược Tuệ Linh. Công ty dược Tuệ Linh được thành lập năm 2004 và phát triển theo con đường của Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng cho nền y học với khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân” nổi tiếng. Tuệ Linh được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa.

H.T.

Nguồn: vietnamfinance.vn

SUY ĐOÁN SỐ CA NHIỄM Ở TPHCM QUA TỶ LỆ TỬ VONG

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 7-9-2021


Sáng nay tôi lại bận tâm với câu hỏi: có bao nhiêu người ở TPHCM bị nhiễm nCov? Tôi nghĩ câu hỏi này có thể trả lời qua con số tử vong quan sát được. Kết quả tính toán đơn giản cho thấy con số ca nhiễm có thể dao động từ 1.7 triệu đến 5.2 triệu người.

Chúng ta bắt đầu từ con số tử vong. Tính đến ngày hôm qua, TPHCM ghi nhận 251,934 ca dương tính hoặc nhiễm, và trong số này có 10452 ca tử vong [1]. Gọi D là số ca tử vong và n là số ca dương tính, chúng ta có thể tính tỉ lệ tử vong đơn giản gọi là CFR (case fatality ratio):

CFR = D / n = 10452 / 251934 = 3.56%

Tỉ lệ CFR = 3.56% đó dĩ nhiên là cao hơn thực tế rất nhiều.

Lí do là số ca dương tính ( n ) mà nhà chức trách ghi nhận được chỉ phản ảnh bề nổi của số ca bị nhiễm trong cộng đồng, bởi vì còn nhiều người không có triệu chứng hay không đi xét nghiệm.

Câu hỏi mà chúng ta muốn có câu trả lời là: "trong số những người bị nhiễm trong cộng đồng, có bao nhiêu người chết?" Để trả lời, chúng ta phải tính tỉ lệ tử vong gọi là IFR (infection fatality rate). Tỉ lệ IFR được tính bằng cách lấy số ca tử vong chia cho số ca nhiễm trong cộng đồng (N):

IFR = D / N

Nhưng vấn đề là hiện nay chưa ai biết N (số người bị nhiễm trong cộng đồng) là bao nhiêu. N lúc nào cũng cao hơn n. Do đó, IFR lúc nào cũng thấp hơn CFR.

Để biết N, người ta phải làm nghiên cứu loại 'seroprevalence', tức xét nghiệm kháng thể IgG. Xét nghiệm IgG trên nhiều ngàn người trong cộng đồng cung cấp cho chúng ta một 'bức tranh' thật hơn về qui mô bị nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ở nước ngoài (chủ yếu là các nước Âu Mĩ) đã có khá nhiều nghiên cứu về seroprevalence, và tôi nghĩ có thể sử dụng số liệu của họ để ước tính qui mô nhiễm trong cộng đồng ở TPHCM. Theo một phân tích tổng hợp trên 500 nghiên cứu do Ioannidis thực hiện, kết quả cho thấy IFR trung bình là 0.26%, nhưng bách phân vị 25-75 dao động từ 0.20% đến 0.60% [2]. Tỉ lệ IFR này tương đối gần với tỉ lệ trung bình 0.36% ở Đức [3].

Chúng ta tạm dùng con số của Ioannidis làm điểm tham khảo cho ước tính N cho TPHCM. Với 10452 ca tử vong, chúng ta có thể ước tính rằng TPHCM có chừng 4,020,000 người bị nhiễm (tức chiếm gần 45% dân số ~9 triệu). Tuy nhiên, con số nhiễm thật có thể dao động trong khoảng 1.7 triệu đến 5.2 triệu người [4]. Ước tính này chỉ hợp lí nếu IFR là dưới 1%.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

____

[1] https://ncov.moh.gov.vn/en/web/guest/trang-chu

[2] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33716331

[3] https://doi.org/10.1038/s41467-020-19509-y

[4] Thật ra, nếu làm có bài bản thì cần phải có dữ liệu về số ca tử vong theo từng độ tuổi. Tôi có thể nghĩ đến một mô hình Bayes với giả định về phân bố của số ca tử vong, số ca nhiễm, số người được xét nghiệm, và số ca dương tính. Với những số liệu thực tế và dùng phân bố Binomial, có thể dễ dàng ước tính số ca nhiễm thật trong cộng đồng.

NHÀ NƯỚC CHỐNG RA ĐƯỜNG: LÀM THẾ NÀO ?

NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 7-9-2021

Muốn không có lũ thì phải làm sao để nước không hợp lại thành những dòng lớn ngay từ đầu nguồn.

Để người ra đường tạo thành những dòng lớn chen chúc, rồi bị chặn ùn lại kiểm tra giấy tờ thì khác nào tạo điều kiện cho Covid-19 lây lan.

Để không có những dòng lớn người chen chúc đi ngoài đường trong thời kỳ giãn cách, thì phải ngăn người ra đường ngay từ “đầu nguồn”.

Chính sách lớn của công an Việt Nam bây giờ là: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, và xã bám cơ sở” rất thích hợp cho việc ngăn chặn những dòng lớn người trên đường ngay từ “đầu nguồn”.

Dịch bệnh là một vấn đề đề an ninh phi truyền thống và ta đã xác định chống dịch như chống giặc, cho nên Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thể lựa theo chính sách đó và xác định đó để đề ra chủ trương mỗi xã, phường là một “lô cốt”, à quên “pháo đài” phòng chống dịch bệnh.

Vậy xã, phường không phải là nơi làm thủ tục cấp giấy đi đường mà phải là nơi kiểm tra, ngăn chặn ngay từ đầu nguồn để không cho tạo thành dòng lũ người lớn trên đường.

Chặn người ra đường không cần thiết với những giấy phép bất chính hoặc giấy phép không cần thiết phải được tiến hành ngay từ những nơi cấp giấy phép và đặt yêu cầu ra đường cho người dân- đó là những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nên nhớ hệ thống chính trị của ta đã “len lỏi” vào từng ngõ ngách. Vậy tại sao không phát huy cả hệ thống chính trị trong trường hợp này? Trước hết là phải tuyên bố kỷ luật bất kỳ đảng viên nào cấp phép hay đặt ra yêu cầu không cần thiết để người dân phải ra đường.

Vai trò của mặt trận tổ quốc, công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội luật gia, liên đoàn luật sư… chưa thấy được phát huy vào câu chuyện này rõ nét. Vậy cái gọi là “sức mạnh của hệ thống chính trị” của ta để đâu hay nó chỉ có tác dụng chống cái gọi là “các thế lực thù địch, phản động”?

Ta luân chuyển cán bộ về địa phương để người cán bộ được luân chuyển gần dân hơn, hiểu dân hơn và biết sử dụng hệ thống chính trị vào mục đích quản trị quốc gia, chứ không phải luân chuyển để sau đó lên chức to hơn và tạo điều kiện cho họ làm quen, mở rộng quan hệ và “thu hoạch”?

Muốn cho dòng lũ không mạnh thì phải thoát nước nhanh. Kiểm tra giấy tờ bằng tay giữa dòng lũ người thì làm sao mà thoát nhanh? Cái gọi là “hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư” để đâu rồi? Cái thành thạo trong việc chia các luồng giao thông để đâu? Kinh nghiệm chống dịch của thế giới và các tỉnh, thành trong nước có tác dụng gì không?

Nhẽ ra “lãnh đạo thủ đô”, à quên lãnh đạo Hà Nội không thể bỏ qua những thứ tối thiểu đó để suy xét. Cứ sáng ban hành cái gọi là “công văn” hay “công điện” này, rồi tối lại sửa ngay chúng để có cái mới khác như kẻ đẽo cày giữa đường thì đúng là không ai chịu nổi.

Trên đây là vài suy nghĩ của tôi, không phải là một đảng viên, cũng không phải là người có chuyên môn chống dịch và càng không phải là công dân ưu tú mà chỉ là một tay có rất nhiều khuyến điểm, nhưng muốn mọi người thảo luận đưa ra các sáng kiến giúp cho lãnh đạo “thủ đô”, à quên lãnh đạo Hà Nội.

Xin cảm ơn!

Ngô Huy Cương

NGU ƠI, ĐẾN BAO GIỜ ?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 7-9-2021

Tôi biết chống dịch rất khó, cả bộ máy phải nỗ lực rất nhiều, chính vì vậy mà tôi tự bảo mình không nên viết nhiều trong những ngày này nhưng những hình ảnh này khiến tôi phải viết.

Chống kiểu gì cũng được nhưng nguyên tắc là không được làm dân khổ thêm, không làm gì để tụ tập đông người khiến vi-rút có điều kiện lây nhiễm.

Việc xin giấy xét nghiệm, việc chờ xét nghiệm, việc kiểm tra giấy đi đường, lên phường xin giấy đi đường, rồi tập trung để xét nghiệm… tất cả đều tạo điều kiện cho vi-rút lây nhiễm.

Các vị lãnh đạo của TP Hà Nội đang cuống và xử lý vấn đề rất… (thôi, dùng từ nhẹ một chút” là không sáng suốt.

Muốn dân không ra đường nên đòi hỏi giấy đi đường nhưng để có giấy đi đường thì dân phải ra đường đi xin giấy.

Rồi cả một biển người lần từng mét để trình với cảnh sát giao thông.

Xin lỗi, đây là một cách xử lý …u, vô cùng …u, hết sức …u. (thôi, chẳng lịch sự nhã nhặn làm gì nữa, đây là vấn đề mạng người).

Thực tế là ai cũng sợ chết! Người dân chỉ ra đường khi bắt buộc. Ra đường để kiếm miếng ăn cho con. Chưa chết vì covid nhưng chết đói thì sao? Cái nào cấp thiết hơn?

Chúng ta sẽ phải sống chung với con vi-rút này lâu dài. Hãy dành nguồn lực để làm truyền thông cho thật tốt để người dân hiểu sự nguy hiểm của con vi-rút chứ không phải đưa ra những quy định trời ơi đất hỡi, …u, đúng hơn là đại …u như vậy.

Hơn nữa, hãy hành xử tôn trọng người dân. Kiểm tra giấy đi đường là mặc nhiên coi mỗi người dân là một tội phạm tiềm ẩn, phải giấu diếm, phải tạo cơ để được ra đường. Hãy nhớ cho. Đang mùa dịch, nếu không cần thiết thì không ai ..u gì mà ra đường.

Và cũng đừng đưa ra cái quy định xét nghiệm toàn bộ người dân, mấy ngày một lần như thế. Làm thế cũng khiến vi-rút lây lan nhanh hơn và hệ thống y tế đã quá tải, lại thêm mệt mỏi hơn.

Người dân biết lo cho mình, thấy có triệu chứng tức khắc sẽ đi khám. Đừng có chống dịch bằng ý chí, bằng quyết tâm hừng hực nhưng thiếu não, hãy tìm những cái đầu biết tư duy, bàn bạc với nhau cho kĩ trước khi đưa ra những quy định ngớ ngẩn.

Sự ngớ ngẩn của một vài cá nhân bình thường chỉ khiến một vài người bị tổn thất. Lãnh đạo mà ngớ ngẩn thì mạng sống của nhiều người dân sẽ bị đe doạ.

Tôi góp ý nghe chối tai nhưng là sự chân thành, sự lo lắng thật. Đừng làm cái trò rẻ tiền, trẻ con và độc đoán là bắt FB giảm tương tác của tôi như lần trước với bài về lãnh đạo TP.HCM.


CẦN TIÊM SỚM VẮC XIN COVID-19 CHO ÔNG BÀ, BỐ MẸ CHÚNG TA

TƯ GIANG/ TVN 6-9-2021

Nhiều bạn bè ở Hà Nội hỏi tôi làm sao để thu xếp tiêm vắc xin Covid-19 cho ông bà, bố mẹ được trong khi bản thân họ đã tiêm.

Tôi làm sao biết câu trả lời vì bản thân cũng đang chờ đến lượt tiêm cho những người thân lớn tuổi của mình sau khi đăng ký qua phường nhiều tháng trước.

Từ trường hợp Hà Nội

Phải nói, tiêm chủng đang là nhu cầu của hầu như tất cả, song vấn đề là Hà Nội đang thiếu vắc xin. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã tiêm được 2,18 triệu liều, trong đó hơn 200.000 người được tiêm 2 mũi. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến Trung ương tại Thủ đô đã tiêm cho khoảng hơn 700.000 người (hơn 100.000 người mũi  2). Tổng cộng, xấp xỉ 2,7 triệu người đã được tiêm, đạt 32,7% dân số.

Đó không phải là một tỷ lệ ấn tượng cho Thủ đô, nơi các ca lây nhiễm vẫn tăng hàng ngày trong cộng đồng. 

Cần tiêm sớm vắc xin cho ông bà, bố mẹ chúng ta
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân trước khi tiêm vắc xin tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Hà Nội đến nay chưa công bố tỷ lệ tiêm cho các lứa tuổi, nhưng có một thông tin đáng mừng: Thủ đô đã chỉ đạo chỉ dùng 80.730 liều vắc xin của Pfizer để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng và các đối tượng theo thứ tự: người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai trên 13 tuần. 

Ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, bệnh nền

Ngày 26/2, Chính phủ ban hành nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó điều 2 bao gồm ưu tiên tiêm cho người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

Đến ngày 8/7, Bộ Y tế ban hành quyết định 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó có 16 nhóm đối tượng ưu tiên, bao gồm cả người già và  người có bệnh nền.

Luận điểm này được các tác giả Hoàng Xuân Trung, Nguyễn Ngọc Anh, Đào Nguyên Thắng đồng tình trong một nghiên cứu đăng trên tờ Tia Sáng.

Ba học giả này cho rằng, chiến lược tiêm chủng như thời gian qua là không tối ưu cho mục tiêu “giảm ca tăng nặng và tử vong”. Việc tiêm dàn trải mà không tập trung vào nhóm có nguy cơ tử vong và nhóm tăng nặng nhất sẽ tiếp tục khiến ngành y tế quá tải, và việc kéo dài giãn cách xã hội sẽ không giúp chúng ta phục hồi được nền kinh tế. 

Phân tích tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm Covid theo độ tuổi (74.652 ca) của nhóm chuyên gia 5F cho thấy nhóm người từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong với nhóm trẻ tuổi là thấp hơn rất nhiều. Điều này lý giải một phần vì sao tỷ lệ tử vong ở TP.HCM cao hơn Bình Dương rất nhiều (3,9% so với 0,74%).

Trong khi TP.HCM có cơ cấu dân cư đa dạng, người cao tuổi ở chung với người trẻ nhiều, thì các ca nhiễm của Bình Dương chủ yếu tập trung ở 4 huyện sản xuất công nghiệp, gồm Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An, Thuận An và người mắc chủ yếu là công nhân, trẻ tuổi. Theo Cổng thông tin điện tử Bình Dương, số ca nhiễm mới của 4 huyện này chiếm đến hơn 95% tổng số ca nhiễm mới, ngày 30/8.

Nhóm tác giả này cho rằng, với nguồn cung vắc xin còn hạn chế như hiện nay, để sớm mở cửa nền kinh tế, giảm thiểu tác động của Covid đến nền kinh tế, giảm thiểu số ca tử vong, giảm số ca nhập viện và giảm gánh nặng cho y tế, việc cần làm ngay chính là thay đổi chiến lược tiêm.

Thay vì đặt mục tiêu tiêm phủ cho 50% dân số đến hết 2021, chúng ta cần đặt mục tiêu tiêm phủ cho 100% người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Nếu còn vắc xin, tiếp tục phủ xuống độ tuổi 50-64, đồng thời tiêm cho các nhóm lao động thiết yếu như các shipper, lái xe chuyên chở hàng hóa, những người là đầu mối trong chuỗi cung ứng. 

Kịch bản 1: Tiêm cho 25 triệu người tính từ người cao tuổi nhất trở xuống, khi đó ta sẽ tiêm đủ cho gần hết người từ 50 tuổi trở lên. 

Kịch bản 2: Tiêm cho 25 triệu người rải đều từ người 18 đến 74 tuổi, tiêm theo trọng số các nhóm tuổi, nhóm nào đông hơn sẽ được tiêm nhiều hơn.  

Theo kịch bản thứ nhất, tổng số người chết vì Covid là 6.252 người. Nếu theo kịch bản thứ hai thì tổng số người chết lên đến 25.093 người, gấp 4 lần so với kịch bản thứ nhất. 

Khi làm theo kịch bản thứ hai, chúng ta có thể cứu được người trẻ khỏi tử vong nhưng thực chất số lượng người trẻ cần cứu rất ít do tỷ lệ tử vong của nhóm người trẻ đã rất thấp kể cả khi không được tiêm.

Cần tiêm sớm vắc xin cho ông bà, bố mẹ chúng ta
Nhân viên y tế đến tận nhà tư vấn và đo huyết áp, nồng độ oxy trong máu trước khi tiêm vắc xin cho người dân trên 65 tuổi ở TP.HCM

Kịch bản tiêm cho người cao tuổi trước sẽ cứu được số lượng lớn sinh mạng và giảm áp lực cho ngành y tế hơn, giúp ngành y tế bình tĩnh thu dung và điều trị bệnh nhân, thì có thể tỉ lệ tử vong sẽ không tới 3,5% như hiện nay (tỉ lệ tử vong ở mức chung của thế giới là 2%), hoặc lạc quan hơn là như trước đợt dịch thứ tư, chúng ta giữ được tỉ lệ tử vong thấp, thường chỉ ở dưới 1%.

Đó là những phân tích khoa học rất đáng tham khảo.

Kinh nghiệm quốc tế

Nước Đức bắt đầu tiêm vắc xin từ cuối năm 2020, Chính phủ ban hành danh mục đối tượng được ưu tiên, chia thành 3 nhóm: Ưu tiên cao nhất; Ưu tiên cao; Được ưu tiên.

Trong đó, nhóm 1 gồm: (1) Người trên 80 tuổi; (2) Nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại nhà dưỡng lão hay người thường xuyên chăm sóc người cao tuổi hoặc bị bệnh về thần kinh;

(3) Đội ngũ nhân viên y tế chịu rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao, đặc biệt những người làm việc tại khu điều trị tích cực, hồi sức hay sơ cứu; (4) Đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân có khả năng tử vong vì Covid-19.

Theo thứ tự ưu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, 66 tuổi, xếp vào nhóm thứ 3, và phải đợi tới tháng 4 mới đến lượt tiêm. Không những thế, bà còn là người nêu gương để tạo niềm tin cho cộng đồng, khi mà đầu năm nay, vắc xin AstraZeneca (AZ) gây nhiều quan ngại về gây biến chứng đông máu sau tiêm, EU đình chỉ sử dụng trong một thời gian.

Sau đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) quyết định rằng AZ vẫn tiếp tục được sử dụng vì lợi ích của nó lớn hơn nhiều so với tác dụng phụ. Nước Đức quyết định chỉ tiêm AZ cho những người trên 60. Bà Merkel chọn AZ để tiêm dù lúc đó đa phần vắc xin tại nước này là BioNTech-Pfizer. Thông điệp bà muốn gửi tới người dân là tính an toàn của vắc xin.

Tại Mỹ, đầu tháng 12/2020, Ủy ban Cố vấn thực hành tiêm chủng (ACIP) thông báo ưu tiên những lô vắc xin đầu tiên cho nhân viên y tế và người già tại viện dưỡng lão. Nhà lập pháp của Liên đoàn Lao động California, Mitch Steiger, đã nói: "Chúng ta cần lưu ý đến vấn đề công bằng, bệnh lý nền, cân nhắc giữa nguy cơ tử vong và sống sót".

Còn bang Florida thì ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi và những người mắc bệnh nặng, sau khi hoàn thành tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già tại viện dưỡng lão. Bang Idaho dành những liều vắc xin đầu tiên cho nhân viên y tế, người già và nhân viên viện dưỡng lão, cảnh sát, lính cứu hỏa...

Việt Nam đang ở trong tình thế lưỡng nan - nền kinh tế không chịu đựng nổi giãn cách quá lâu, nhưng nếu mở cửa thì nền y tế cũng không chịu đựng được số ca nhiễm tăng quá cao. Nếu y tế sụp đổ cũng sẽ dẫn tới sụp đổ kinh tế.

Chúng ta đều biết, với biến chủng Delta, chiến lược kiểm soát Covid-19 đưa số ca mắc về 0 là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi số ca nhiễm đã lên gần nửa triệu người. Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vắc xin, vì vậy cần tính toán chiến lược tiêm sao cho vừa giảm tối đa số ca tăng nặng và tử vong, vừa nới lỏng giãn cách sớm nhất có thể với một lượng vắc xin khan hiếm. 

Nhanh chóng dồn nguồn vắc xin ít ỏi để tiêm cho toàn bộ người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vắc xin có thời gian giữa 2 mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch. Làm như vậy sẽ giảm tử vong và áp lực lên hệ thống y tế. Phong tỏa mà không phủ vắc xin cho nhóm người cao tuổi thì sẽ phí thời gian, phí công, phí mất sự hy sinh về kinh tế. 

Tư Giang

HÀ NỘI CẦN TRÁNH TƯ DUY 'SAY RƯỢU' TRONG ĐIỀU HÀNH !

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 8-9-2021


Trước hết, xin được hoan nghênh chỉ đạo mới của Bí thư Thành Ủy Hà Nội về việc cấp và kiểm tra giấy đi đường, cùng với kế hoạch “xét nghiệm” toàn thành phố.

Những đi đạo mới này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tại của Hà Nội và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân.

Và có cảm giác rằng: Lần đầu tiên thấy lãnh đạo Hà Nội lắng nghe dư luận, nghe tiếng kêu của dân và có sự điều chỉnh thích hợp.

Tuy nhiên, phải nghiêm túc mà nhìn nhận rằng: Việc điều hành chống dịch của HN – đặc biệt là vai trò của Chủ tịch là “có vấn đề”.

Những quyết định về cấp giấy đi đường, những sự thay đổi đến chóng mặt về các loại thủ tục, đối tượng cấp giấy… không chỉ làm khổ các cơ quan chức năng mà còn khổ dân, và thực sự là không mang lại hiệu quả gì to lớn.

Không biết lãnh đạo Hà Nội có chứng kiến cảnh trong mấy ngày qua, công an các phường, quận, Thành phố phải làm việc 24/24h để cấp giấy đi đường theo mẫu mới hay không? Và không biết có ai dám phản ánh một sự thật là: Cấp giấy thì còn dễ, nhưng kiểm tra giấy thế nào để tránh ùn tắc thì lại quá nan giải?

Những sự thay đổi như “lật bàn tay” của chính quyền HN, có cảm tưởng như đang bị điều hành bởi một người… say rượu. Rất tùy hứng! Lúc thế này, lúc thế khác, khiến không ai biết đâu mà chuẩn bị, và cũng không có thời gian để chuẩn bị. Và Thủ tướng cũng đã phê bình Hà Nội rồi.

Đây là việc rất cần lãnh đạo Hà Nội rút kinh nghiệm – Đặc biệt là các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo.

Hy vọng thời gian tới, HN sẽ chấm dứt được kiểu điều hành và ra những chỉ thị theo kiểu “giật đùng đùng” như vừa rồi.

***

Ann Đỗ: Vụ giấy đi đường là cái thòng lọng được nới lỏng hay là phát súng đầu tiên thử lửa

Nếu HN cố tình cách ly, test đại trà, tiêm vaccine đông người thì số ca nhiễm sẽ bùng nổ (cỡ SG hay không thì không rõ) và người già, bệnh nền sẽ chết đông. Vì đợt rồi thay vì nhìn bài học SG ưu tiên người già, bệnh nền, thì không, HN chỉ tiêm cho người lao động của các tập đoàn kinh tế (có tiền), người già mới chỉ được tiêm tuần này.

Chính sách của TP.HCM ban đầu cũng không khác mấy. Nhóm người già, bệnh nền chỉ được tiêm vaccine vào đợt thứ 5 sau khi số ca chết quá nhiều.

Trong khi các chính phủ nước ngoài lại ưu tiên chích người già trước, nhân viên chăm sóc sức khỏe cho người già, những người tuyến đầu, y bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân nền. Tại sao HN bây giờ mới bắt đầu chiến dịch mà không trước hay cùng nhịp SG?

Một chi tiết đáng chú ý là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu người đang phụ trách Bệnh viện dã chiến ở Bình Dương cho biết ông được HN cử làm giám đốc Bệnh viện dã chiến ở Hoàng Mai, HN vừa mới khai trương cách đây vài ngày. Bệnh viện này quy mô 500 giường, được các nhà tài trợ là các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Hà Nội có dễ làm như ở SG không? Chắc chắn không dễ. Vụ giấy đi đường là cái thòng lọng được nới lỏng hay là phát súng đầu tiên thử lửa… wait and see!

Nguyễn Như Phong

XÉT NGHIỆM TOÀN HÀ NỘI LÀ LÃNG PHÍ

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 7-9-2021

1. Cần tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội

Qua các biện pháp chống dịch của Hà Nội (HN), dường như lãnh đạo HN tiếp thu các ý kiến đóng góp từ xã hội chưa kịp thời, và chưa rút ra bài học từ thực tiễn của TP.HCM. Về tiếp thu ý kiến phản biện xã hội, thực tế cho thấy lãnh đạo TP.HCM có cầu thị.

2. Cách thức kiểm soát lạc hậu

Cách thức phong toả của HN không ứng dụng công nghệ tương thích, lấy lực lượng công an và dân phòng làm bộ máy thực thi thủ công chủ lực.

Không ai có thể hình dung HN lại kiểm soát dịch bằng giấy đi đường lạc hậu, phiền phức, lãng phí, không hiệu quả, tăng khả năng lây nhiễm đến như vậy. Việc cấp giấy đi đường của HN kém hẳn Đà Nẵng. Làm sao có thể đuổi kịp Singapore và Paris? Không thể không thay đổi.

3. Vắng bóng chuyên môn

Các quyết định chống dịch của HN tự nó phản ánh, rằng chúng được chi phối bởi những người trong lĩnh vực quản lý hành chính, công an, và chính trị – mà không phải tuân theo ý kiến của một hội đồng chuyên môn y học độc lập.

4. Xét nghiệm toàn thành phố là lãng phí và vô vọng

Đến 06/9/2021 tổng thể Hà Nội đã có 4 119 ca nhiễm. Tuần đầu tháng 9/2021 cho thấy mỗi ngày HN có trong khoảng từ 42-58 ca nhiễm. Đã là tháng thứ 20 của đại dịch Covid-19 chứ không phải thời kỳ đầu. Đòi loại trừ F0 hoàn toàn ra khỏi xã hội là mục tiêu vô vọng. Chấp nhận Covid-19 như các loại cúm khác.

Chỉ xét nghiệm khoanh vùng chọn lọc. Xét nghiệm toàn thành phố là vô cùng lãng phí mà không thể tìm được hết các F0. Xét nghiệm cho 5 triệu người đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ lên đến cả 1.000 tỷ đồng. Nếu tính chỉ xét nghiệm cho 3 triệu người cũng cần kinh phí đến 600 tỷ đồng. Xét nghiệm toàn thành phố, trong hoàn cảnh HN hiện nay, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người chưa lây nhiễm.

5. Ủng hộ tiêm vaccine toàn thành phố

Quyết định này của HN cần được thực thi triệt để. Càng sớm càng tốt.

6. Không phải có người làm được thì mọi người khác làm được

Cách thức phong toả, cấp giấy đi đường, xét nghiệm toàn thành phố – bề ngoài giống như cách làm của Trung Quốc. Nhưng lại thua Trung Quốc về công nghệ, phương tiện, nhân lực và mức độ thực thi. Nên kết quả sẽ không giống Trung Quốc.

Xin lưu ý rằng, chính quyền Trung Cộng hội tụ nhiều tham số mâu thuẫn: hành thì cực đoan, quyết liệt, triệt để, tàn nhẫn, ngang ngược; trí thì mưu thâm, kế hiểm, chước lạ; lực thì giàu có, tràn ngập; phương tiện thì hiện đại, đông đảo… không thể dễ dàng theo được.

7. Sai thì sửa

Không ai tránh được sai sót. Nhưng người quân tử khác với kẻ tiểu nhân ở cách chấp nhận sai sót. Người quân tử thì công khai thẳng thắn, và biết ơn. Kẻ tiểu nhân thì chối bỏ, chống chế và nuôi thù hận. Đó là nói về tư cách cá nhân.

Còn trong tư cách lãnh đạo một tập thể, thì chấp nhận sai sót và sửa sai là điều bắt buộc mà không phụ thuộc vào ý thích cá nhân, vì nó liên quan đến vận mệnh nhiều người. Trong lĩnh vực quản trị, dù ở mức độ thấp cao nào, từ công ty cho đến tập đoàn, từ phường xã cho đến quốc gia, không phải quân tử hay không quân tử, mà là lãnh đạo hay rời ghế lãnh đạo.

Nguyễn Ngọc Chu

XÉT NGHIỆM TOÀN DÂN ? CHẤT LƯỢNG NÃO CÓ THẬT TỆ 

THẾ KHÔNG?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 7-9-2021

Khi các vị lãnh đạo Hà Nội quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm toàn dân, không biết các vị đã bàn bạc, đã tham vấn ý kiến của các nhà khoa học chưa?

Tôi phản đối quyết định này bởi mấy lẽ:

1. Xét nghiệm chỉ là một việc thụ động để khoanh vùng con vi-rút, một việc làm có vẻ có tính quyết tâm cao độ nhưng rất dở hơi. Một người có kết quả âm tính thì các vị sẽ cho phép người ấy được đi tung tăng khắp nơi chăng? Chắc chắn là không. Bởi hôm nay âm tính nhưng ngày mai có thể dương tính, bởi sáng xét nghiệm, chiều lây nhiễm hay đã nhiễm từ hôm trước nhưng kết quả vẫn cho âm tính bởi tải lượng vi-rút chưa lớn.

Vậy để đảm bảo an toàn thì có lẽ nên xét nghiệm ngày 3 buổi, sáng trưa chiều tối chăng?
Người dân có triệu chứng là họ lo muốn chết rồi, họ sẽ tự động đi khám. Không phải “lo bò trắng răng” như vậy.

2. Ai đó đã tính số tiền để xét nghiệm cho toàn dân thủ đô có thể mua được 6 triệu liều vắc-xin. Vậy sao không vận dụng toàn bộ nguồn lực mà tiền vắc-xin cho dân HN càng nhanh càng tốt, thừa tiền thì để dùng cho các tỉnh khác, đặc biệt cho TP.HCM là nơi đang cần nhất? Đất nước nghèo, người dân đang đói kém, sao có thể lãng phí trong lúc này?

3. Khi toàn dân xếp hàng để xét nghiệm, sẽ tạo ra một gánh nặng công việc cho lực lượng y tế vốn đang quá tải. Chẳng phải đã có nhiều cán bộ y tế đã bỏ việc bởi quá mệt mỏi rồi sao? Chưa kể tăng nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người. Tôi tự hỏi quyết định này là do chất lượng não bộ có vấn đề hay thành phố đang có nhu cầu tiêu thụ bộ kit xét nghiệm?

Các vị ở Bộ Y Tế đang yêu cầu xử phạt cán bộ y tế bỏ việc với lý do “đạo đức nghề nghiệp”. Xin thưa, cán bộ y tế không phải là lực lượng trong quân đội mà có thể xử phạt khi bỏ việc. Đấy là nghề nghiệp, họ làm ăn lương và họ phải lo cho gia đình của họ trước. Tôi thấy việc xử phạt họ là vô lý.

Tôi thấy việc cần thiết hơn là xử phạt những người đưa ra những quy định làm lãng phí ngân sách, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ảnh hưởng tới tính mạng của người dân.

Đoàn Bảo Châu

RÀO CHẮN , GIẤY ĐI ĐƯỜNG VÀ NHÂN PHẨM

HUY ĐỨC/ TD 7-9-2021

Khi hai hộ trong một chung cư ở Long Biên có người dương tính với Covid, Ban quản lý (BQL) “cắt” thang máy lên hai tầng, cử người “phục vụ hậu cần” cho hai hộ có F0 và hàng xóm của họ tới tận cửa. Thông tin được cập nhật. Hàng trăm hộ ở các tầng khác vẫn có thể xuống sảnh lấy đồ mà shippers mang tới, ai đi làm vẫn đi làm, ai đi chợ vẫn đi chợ… Khi về nhà thì được khuyến cáo luôn ở trong nhà, không ra hành lang, không xuống sảnh ngồi chơi hoặc… “tám”.

Trong suốt hơn 3 tuần đó, những người trong tòa nhà ít có cảm giác đang sống trong vùng dịch, mặc dù, từ trong cầu thang cho tới hành lang, ai cũng vô cùng cẩn trọng. CDC tổ chức test cho khoảng 400 người, may mắn đều âm tính. Nay thì những cư dân mắc Covid đã được về nhà.

Thường, những nỗ lực hữu hiệu nhất lại không ồn ào và ít tốn kém nhất.

Trong khi, một ngõ ở quận Đống Đa, bị phường rào chắn gần như suốt tháng 8 mà người dân không rõ lý do [Về sau mới nghe là có hai dân phòng và một cán bộ CA ở đây là F0]. Có những “mẹ bỉm sữa” ở trong đó không thể mua bỉm cho con; có hai bệnh nhân ung thư không thể đi tái khám, lấy thuốc định kỳ; nhiều người có hẹn tiêm vaccine mà không được ra khỏi ngõ…

Hơn một nghìn hộ ở thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, Thanh Trì bị nhốt trong nhà hơn 40 ngày và nhiều tuần qua không được nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài. Sau 10 ngày đầu, khi gần như không còn phát hiện F0, huyện cử CA xuống, lắp camera khắp làng, “Rồi đi tuần ác liệt khắp các ngõ xóm. Ra ngoài đường là phạt ngay 2 triệu…”. Ở làng có một cụ bà 90 tuổi chết là có liên quan tới Covid… Nhưng cũng ở làng, anh Nguyễn Huy Dũng, 40 tuổi, chỉ bị viêm dạ dày cấp, gia đình không thể tự ý vượt chốt đưa đi viện, phải chịu chết tức tưởi tại nhà.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn với cả những mối đe dọa thường nhật chứ không chỉ có Covid.

Nhiều người dân mời tôi tham gia nhóm chat qua Messenger hoặc Zalo của cư dân trong các vùng bị phong tỏa. Nghe, mới thấy chính sách nhốt dân thất bại trên nhiều phương diện. Dân, thay vì sợ hãi Covid, nhiều người trở nên trầm uất vì không chỉ bị giam hãm mà còn vì không nhìn thấy lối ra. Một người than vãn, “Có những cậu dân phòng, CSKV trẻ măng, bình thường hiền lành, nay cứ như hung thần.”

Quyền lực không chỉ làm tha hóa rất nhanh những người có nó, thứ “quyền rơm” trao cho nhiều người không có trong biên chế của bộ máy công quyền này còn gây chấn thương tinh thần cho người dân rất lâu và rất sâu.

Những người sáng tạo ra tờ giấy đi đường gắn “code QR” có khi chỉ muốn sốt sắng thấy thành quả của mình được đưa ra áp dụng (tôi không suy đoán các động cơ khác) nhưng đối với dân chúng đấy là một sự khủng bố.

Một doanh nhân trẻ, trí thức, bức xúc, “Bắt dân chúng phải xin giấy đi đường là vi hiến, bất hợp pháp, sao các anh cứ chỉ bàn về sự phức tạp để xin nó thôi”. Tôi cho rằng, trong giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trong hàng ngũ cao cấp, số người nhận ra tờ giấy đi đường là “vi hiền, bất hợp pháp” chiếm rất ít. Ngay cả số quan chức hình dung được chuyện dân chúng bị tra tấn khi phải xin xỏ, khi bị chặn đường xét hỏi là không nhiều.

Thời bao cấp, những thủ tục bất chấp quyền tự do đi lại này của người dân đã tạo ra một tầng lớp trương tuần. Và thời nay, cũng xảy ra nhiều chuyện. Một bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất đang đặc trách chống Covid bị xúc phạm ở một bốt gác; Một phụ nữ F1 ở Diễn Châu bị một nhóm người phá cửa căn biệt thự mới xây để bắt đi cách li; Một làng, hàng trăm nhà dân bị khóa cổng; Một thanh niên 23 tuổi gọi điện thoại cho bạn gái không được, nóng lòng chạy qua, bị phạt 2,8 triệu đồng…

Chế độ “trương tuần trị” đang được khôi phục, nó không chỉ gây phiên hà cho người dân, nó xúc phạm nhân phẩm của nhân dân.

Xét về mặt khoa học, ý tưởng cấp giấy đi đường thật là nguy hiểm, nó có thể tạo thêm những làn sóng lây nhiễm mới. Xét về mặt thời điểm, đây không hề là lúc Hà Nội cần siết chặt hơn.

Trong tuần cuối tháng 5-2021, thời điểm báo động đỏ, Sài Gòn phát hiện 177 ca lây nhiễm cộng đồng. Tối 29-5, phát hiện thêm 36 ca. Nhìn về con số thì có vẻ như Hà Nội đang giống Sài Gòn hồi tháng 5. Trên thực tế, lúc ấy Sài Gòn đã có nhiều ổ dịch đang chực chờ bục ra. Và quan trọng hơn, tới đầu tháng 6, Sài Gòn mới tiêm vaccine mũi một cho hơn 300 nghìn người, chủ yếu là cán bộ. Hà Nội hiện có gần 5 triệu người trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine, và như Thành phố tuyên bố, 15-9 này, tiêm 100% cho người trên 18 tuổi.

Trong tuần qua, Hà Nội đã đưa được số F0 từ 77 ca, hôm 31-8, xuống còn 42 ca, hôm 6-9. Điều quan trọng hơn, người Hà Nội đã “thấy quan tài” từ Sài Gòn không phải hàng trăm mà là hàng chục nghìn, phòng chống Covid giờ đây là tự thân, là ý thức, là của dân chứ không chỉ nhà nước nữa.

Lẽ ra đây là thời điểm tốt nhất để Hà Nội nới lỏng giãn cách. Không phải vì nguy cơ đã được kiểm soát mà tình hình thực tế và những nỗ lực vaccine cho phép Hà Nội chuyển hướng chiến lược. Thành tích tạo miễn dịch cộng đồng vừa đạt được có thể giúp Hà Nội, ngay cả khi dịch lây lan hơn, vẫn có thể giữ được mức tối thiểu số ca tử vong.

Một số quan chức nghĩ, phải đưa ra những thủ tục gây khó để người dân ngại ra đường. Không chỉ tiêu tốn ngân sách, tiền bạc và sức lực của dân, tư duy như thế là sai lầm và thiển cận.

Nhà nước không thể nghĩ thay, làm thay phần việc của dân. Chống dịch không thể bằng sự sợ hãi. Chỉ khi dân chúng nhận thức, phòng dịch chính là vì tính mạng của mình, của gia đình mình và cộng đồng thì mới thành công chứ không phải đe dọa hay làm khó họ.

Những người phải xin giấy thông hành đều là những người đang phải bất chấp nguy hiểm, ra đường để duy trì mạch sống cho thành phố. Cái tờ giấy thông hành mỏng tang đó không chỉ là một thủ tục hành chánh, nó là một “thây ma” đã được chính chế độ này “mai táng”. “Khai quật” nó lúc này không chỉ phủ nhận những thành tựu không nhiều của gần 30 năm xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn đánh vào cả dạ dày và nhân phẩm của người dân thành phố.

Huy Đức

NÊN CHĂNG THAY ĐỔI TƯ DUY CHỐNG DỊCH ?

LÊ PHÚ KHẢI / BVN 8-9-2021

(Tặng Trần Bang)

Khi nghe những khẩu hiệu như: “chống dịch như chống giặc”, “mỗi khu phố là một pháo đài…”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”… tôi đã thấy lo, vì, chúng ta đã lấy tư duy thời đánh giặc xâm lược làm tư duy chống dịch. Cảm hứng của tư duy chiến tranh, đánh giặc… là căm thù, càng giết được nhiều giặc càng tốt. Vì thế, quốc ca của chúng ta ban đầu có câu: “thề phanh thây uống máu quân thù” (sau có sửa đoạn này). Bài quốc ca của Pháp La Marseillaire cũng có câu: Hãy để máu quân thù tưới đẫm luống cày của chúng ta! Con covid không phải là địch, cứu chữa bệnh nhân Covid phải là tư duy trị bệnh cứu người, yêu thương người bệnh, thầy thuốc phải như mẹ hiền! Vẻ mặt hung dữ của các vị dân phòng mà tôi quan sát được tại các chốt gác ở Sài Gòn, Cần Thơ… là tư duy đánh giặc, là tư duy của chuyên chính vô sản, đánh kẻ thù. Người bị F0, F1 có thể là bệnh nhân, phải thiết lập một nền chuyên chính lương tâm với bệnh nhân, với đồng bào của mình. Phải thay đổi tư duy chống dịch thì mới thắng được dịch.

Cũng may, các vị lãnh đạo cao của chính quyền như Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã kịp có những uyển chuyển về tư duy chống dịch trong những phát biểu gần đây. Tôi thấy rất mừng. Nhưng vô cùng sửng sốt khi thấy ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lại mới ra lệnh giãn cách một cách cứng rắn nhất để chống dịch Covid cho dân thủ đô. Vì thế, một tờ báo ở Bỉ (nước Bỉ dùng tiếng Pháp) đã rút cái tít lớn như sau: Hanoi transformée en prison à ciel ouvert pour lutter contre le coronavirus! (Tạm dịch: Hà Nội đã biến thành một nhà tù lộ thiên để chống coronavirus!). Bài báo này ăn khách đến mức nhiều tờ báo ở Châu Âu đã đăng lại nó. Ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chẳng học gì được từ những kinh nghiệm của TP.HCM nên đã làm trò cười cho cả Châu Âu, cả thế giới!

Dịch giã rồi sẽ qua đi. Nhưng chúng ta sẽ phải rút ra những bài học sâu sắc sau đại dịch này. Chẳng hạn, trong tình hình nguy cấp, nếu Hiến pháp của ta không có những tu chính án về tình hình khẩn cấp của đất nước thì Quốc hội phải họp để ra những luật khẩn cấp trong một thời gian ngắn để dễ dàng cho ngành hành pháp ra những chỉ thị không vi hiến.

Để kết thúc bài này, tôi xin chép lại hai câu thơ rất hay mà ít người biết của thi sĩ Xuân Diệu:

Phải can đảm mới bền gan yếu đuối

Phải khôn ngoan mới đủ trí dại khờ!...

Vì thế, trong vụ án Đồng Nọc Nạn ở Nam bộ năm 1928, một luật sư người Pháp đã khuyên Chính phủ Pháp nên vứt bỏ nền chuyên chế bằng sức mạnh của khẩu súng, thay bằng nền chuyên chế của trái tim (dictature du cœur) thì mới mong cai trị được lâu dài ở xứ Việt Nam.

Cần Thơ, 7.9.2021

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

ĐÔI LỜI VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN TUẤN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 8-9-2021

Trong những ngày vừa qua tôi đã đọc nhiều bài của ông Tuấn có nội dung khoa học và thực tiễn đáng quan tâm về chống đại dịch covid. Tôi kính phục tinh thần và kiến thức của ông. Nhưng bài “Suy đoán số ca nhiễm ở TP HCM qua tỷ lệ tử vong” của ông đăng trên Boxitvn.online ngày 7 tháng 9 làm tôi hơi nghi ngờ về cách ông dùng số liệu để tính toán.

Ông nêu ra chỉ số đã tính được của TP HCM là CRF = D/n = 3,56% (D - số người chết, n - số ca dương tính). Ông nhận xét 3,56 % là quá cao (vì đã bỏ sót nhiều người trong số các ca dương tính).

Ông đề nghị dùng chỉ số IFR = D/N, với N là số ca nhiễm trong cộng đồng. Ở VN và hình như các nước có điều kiện y tế tương tự chưa có số IRF này nên ông Tuấn ‘tạm dùng’ số liệu của các nước Âu Mỹ với giá trị trung bình là IFR = 0,26%. Dùng số liệu đó ông suy đoán ra được con số ca lây nhiễm của TP HCM là trên 4 triệu người (dao động trong khoảng 1,7 đến 5,2 triệu với IRF dưới 1%).

Tôi cho rằng ông Tuấn đã dùng đúng phương pháp nhưng dùng sai số liệu để tính toán. Khi ta chưa có số liệu thì có thể dùng tạm số liệu của người khác ở nơi khác với một ràng buộc là điều kiện hai nơi đó phải gần giống nhau. Điều kiện y tế và đặc biệt điều kiện xã hội trong chống dịch của Âu Mỹ Và TP HCM khác nhau quá xa. Hình như tại Âu Mỹ người nào bị chết là vì không thể nào cứu chữa được. Còn ở TP HCM có nhiều người bị chết oan do nhiều nguyên nhân (mà ở Âu Mỹ không có) như là bị cách ly tập trung mà không được chăm sóc cần thiết, bình thường có thể qua khỏi, nhưng vì điều kiện vật chất quá kém, tinh thần bệnh nhân suy sụp nên nhiều người bị chết oan.

Đưa ra CRF = D/n = 3,56%, một con số quá cao, ông cho rằng tại vì đã dùng số n bé hơn con số của thực tế. Tôi xin bổ sung còn tại vì con số D của TP HCM quá lớn vì trong đó ngoài số người bị chết do sức đề kháng quá yếu thì còn nhiều người bị chết oan vì những nguyên nhân khác.

Tôi đề nghị chính quyền và ngành y tế quan tâm, phân tích kỹ các trường hợp chết oan, tìm mọi cách hạn chế. Đó là một trong những cách hữu hiệu giảm số ca tử vong.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét