Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

20210921. HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG NHIỆM KỲ MỚI

 ĐIỂM BÁO MẠNG

RA MẮT HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG NHIỆM KỲ MỚI
TTXVN / VGP 13-9-2021

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 26-QĐ/TW về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XII Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự Lễ ra mắt.Ngày 12/9, Lễ ra mắt Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026 và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng.

Ngày 6/8/2021 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 26-QĐ/TW về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thương yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và yêu cầu cụ thể mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là: "Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”.Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp trí tuệ và tâm huyết của các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021; thân tình gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.


Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất Hội đồng lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận nền tảng, cốt lõi trong đường lối chiến lược của Đảng, sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những vấn đề quan trọng và mới được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan nghiên cứu, tập hợp đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học và giới lý luận cả nước, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm, những đặc trưng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy vai trò là đầu mối quy tụ, phối hợp của các cơ quan, đội ngũ nghiên cứu lý luận cả nước, tăng cường kết nối với các cơ quan Trung ương và địa phương, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt và triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 (Chương trình KX.04/21-25); thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch để kịp thời tư vấn, tham mưu, phục vụ công tác hoạch định chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lý luận chính trị, duy trì và không ngừng củng cố mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và một số đảng chính trị trên thế giới.


Phát biểu tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện thật tốt những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, chuyên đề nghiên cứu về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo đó, để hoàn thành trọng trách được giao, dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Hội đồng và dự thảo Quy chế làm việc, các Kế hoạch công tác toàn khóa của các tiểu ban Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được cụ thể hóa, hoàn thiện trên tinh thần bám sát quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 17/ 4/ 2021 và phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng.Phát biểu tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện thật tốt những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, chuyên đề nghiên cứu về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại Kỳ họp thứ nhất, các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong toàn khóa, đặc biệt là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình KX.04/21-25, tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị một bước cho quá trình bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội./.

TTXVN
TỪ HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TƯ 'THÀNH LẬP MỚI', NGHĨ TỚI 
CÁC BAN CỦA ĐCS

NGUYỄN KHẮC MAI/ BBC 14-9-2021


Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng. Ảnh TTXVN


Đọc báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin về Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản tuần này, nếu ai chưa theo dõi kỹ, hoặc đọc không hết câu chữ, có thể 'giật mình' với kiểu người ta đưa tin như thế này: "Thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026".

Hội đồng này thành lập đã lâu tới nay đã đến mấy chục năm rồi, theo quyết định số 06-QĐ/TW, ngày 30-10-1996 của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Nay có nơi đưa tin mà bảo ra quyết định thành lập 'mới' thì không đúng.

Riêng về mặt chữ nghĩa như thế đã thấy không chính xác rồi. Phải nói rõ là Quyết định bổ nhiệm thành viên mới của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng này thì mới chuẩn hơn.

Thành ra, tôi tức cười khi đọc quyết định thành lập hội đồng này, cũng là chuyện chữ nghĩa ở nước ta bây giờ tùy tiện, dân giã lắm, kể cả chữ nghĩa ở trong luật.

Tôi nhớ, hồi mới thành lập hội đồng này, một anh bạn có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sỹ có tiếng tăm được cử làm ủy viên hội đồng đã nói rất hài hước rằng "đó là hội đồng lú lẫn Trung ương", thế và mấy chục năm nay, chúng tôi vẫn gọi tên cái hội đồng ấy như vậy.

Trò chuyện với những ủy viên hội đồng, chúng tôi bảo họ như thế, họ cũng cười trừ, vui vẻ chấp nhận.

Lại nhớ, hồi nhỏ tôi từng học bài ngụ ngôn về Hội Đồng chuột, các thành viên chuột họp hội đồng để đối phó với anh mèo, ai nấy đều tán thành giải pháp "đeo chuông cổ mèo."

Nhưng khi bàn xem ai là người đứng ra thi hành việc 'lớn' đó thì mọi người đều tìm cách lảng tránh. Về sau mấy chữ 'hội đồng chuột', và 'treo chuông cổ mèo' trở nên thành ngữ để chỉ những việc tào lao vô tích sự, vô bổ…

Hội đồng Lý luận Trung ương do Bộ chính trị thành lập, trong khuôn khổ thiết chế chính trị xã hội của Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo.

Theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng này đánh giá, thì nó rất có ích, hiệu quả. Đương nhiên là ông phải nói vậy. Mình thành lập nó ra mà lại nói nó chẳng có tích sự gì thì nghe sao cho đặng, thành ra nó là cách nói phải đạo mà thôi.

Bây giờ nghĩ lại nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, tôi gọi là anh Hiến, thế mà sâu sắc khi anh đã cho ra đời thuật ngữ "phải đạo", mà đến nay nó đang trở thành nội hàm của triết lý của tư duy, mà thế giới đang sử dụng, nhất là ở Việt Nam.

MÔ HÌNH CÒN HỢP LÝ KHÔNG?

Theo tôi, về mặt mô hình cũng như vai trò, chức năng của Hội đồng, đây là một giải pháp cho thấy sự quẩn trí, lúng túng, chồng chéo và hình thức.

Thực vậy, trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều ban chuyên môn theo đánh giá của tôi là rất kém về năng lực nghiên cứu, kể cả Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nữa, họ không đủ sức đáp ứng những vấn đề lý luận cho Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương…, vậy nên từ 1996 đến giờ, vẫn cứ phải bày thêm một mâm cỗ mới sau bốn - năm năm một lần.

Cách đây một thời gian, tôi từng được chính Hội đồng Lý luận này mời tham gia một hội thảo với chủ đề "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng."

Khi đó, tôi đã phát biểu rằng Ban Tuyên giáo, đáng ra là nơi khơi nguồn cho sáng tạo lý luận, lại là nơi duy trì sự trì trệ, kìm hãm sáng tạo. Ban Dân vận là nơi tôi từng làm việc nhiều năm, đúng ra là phải đỡ đầu cho sự ra đời và phát triển của xã hội dân sự, thì đây là nơi tránh né, không dám nghĩ, không dám nói về lĩnh vực quan trọng cơ bản của cái gọi là dân vận, mà nói theo giọng nói Nam Bộ ở Việt Nam thì chỉ là làm "dân dận".

Còn Ban Tổ chức Trung ương theo tôi phải là nơi mở đường cho nhân tài nảy nở thì ở đó chỉ tạo ra cơ hội và cơ chế để mà người ta "làm quan phát tài " từ khắp Trung ương đến các địa phương, kể cả xuống tới tận... phường xã.

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ anh Trần Đình Hoan, một Phó Tiến sỹ ngành Toán từng làm Trưởng ban Tổ chức TW Đảng, khi đó anh mới về hưu và có mặt trong hội thảo, đã chắp hai tay trước ngực và vỗ nhè nhẹ tỏ ý tán thưởng ý kiến của tôi.

Nhưng từ đó họ cạch và không mời tôi tham dự gì nữa. Tôi nghĩ là họ có làm việc, nhưng theo lối như là một cỗ máy có tiêu hao nhiên liệu và năng lượng mà lại không có công suất, hiệu năng, hiệu quả, trong khi sản phẩm họ đẻ ra để chất đầy tủ kính và đút đầy các ngăn kéo!

Tình hình cũng không khác mấy với một số cơ quan tổ chức nghiên cứu mà dân hay gọi đùa là 'ngâm cứu' ở Việt Nam hôm nay.

Tôi nghĩ thật đáng buồn và đáng xấu hổ! Người ta cũng vung tay quá trán, ném tiền qua cửa sổ hàng trăm tỷ mỗi khóa là ít. Hãy thử nghĩ xem, những đồng tiền đó đều là tiền từ công quỹ, là tiền mồ hôi, nước mắt của người dân, doanh nghiệp đóng góp cả đấy!

NGHỊCH LÝ VÀ CƠ HỘI CHO ĐỔI MỚI TẤT CẢ ?

Giá như ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ giao lại cái Hội đồng Lý luận Trung ương này cho dân, tôi nghĩ người dân, nếu vẫn còn sử dụng hội đồng này, sẽ chọn ra được những trí thức thứ thiệt ở cả trong đảng lẫn ngoài đảng Cộng sản để giải đáp cho dân những vấn đề thiết cốt nhất, để tìm lại cái"Nguyên Khí của quốc gia" mà đảng Cộng sản bao lâu nay đã làm cho mai một đi.

Tôi nghĩ, họ sợ và kỳ thị những Think tank thứ thiệt và thay vào đó là những Hội đồng, ban ngành kia, mà lúc nào cũng nói là của dân, do dân, vì dân, nhưng thực ra là của đảng, do đảng, vì đảng, thành ra danh bất chính nên ngôn không thuận.

Vừa rồi, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được giao nhiệm vụ tới phát biểu chỉ đạo trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới 2021-2026.

Những điều ông Thưởng thay mặt lãnh đạo đảng truyền đạt là những gì, chúng ta thử xem? Nào là "Phải có tầm nhìn chiến lược, phải khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm, năng lực tổng kết thực tiễn…"

Tôi cho rằng 50 người ngồi vào đấy là đã được chọn lựa kỹ càng, đã đeo sẵn cho họ mỗi người một cái 'ốp'như cái ốp mà người ta vẫn dùng để che mắt ngựa, nếu không thì họ cũng tự sắm để đeo, hoặc có một cái vòng kim cô vô hình nào đấy ở trên đầu hội đồng.

Vì thế tôi hoài nghi về cái tầm nhìn chiến lược cũng như năng lực khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm mà ông Tổng Bí thư đặt ra cho có chuyện với cái hội đồng này, và không tài nào có thể sáng suốt khi vẫn còn giữ nguyên thể chế, chế độ này, vẫn đề cao một thứ chủ nghĩa đã lỗi thời này.

Tôi nghĩ, nếu thật sự vì dân vì nước kể cả vì đảng nữa, thì hãy đem những ngân sách chắt lọc từ đòng góp của dân ấy mà thuê những trí thức, những nhân lực của xã hội dân sự có chất lượng để người ta làm nghiên cứu, tư vấn, tham vấn chiến lược, chính sách, làm nghiên cứu đúng mô hình và tiêu chuẩn think tank quốc tế cho.

Nhưng nhân đây tôi cũng nhớ lại chuyện Giáo sư Hoàng Tụy, và nhóm trí thức, phản biện độc lập, đã cùng Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A tự bỏ tiền túi ra làm việc mà sau vẫn phải 'tự giải tán'.

Thành thử sự mâu thuẫn ở đây là quốc doanh (đảng lãnh đạo, nhà nước cấp tiền) thì làm không tốt, mà dân sự (độc lập, tự chi phí) thì lại không cho, như thế càng luẩn quẩn, mong sao khai thông bế tắc.

Nhưng nếu cứ để như thế, chẳng thay đổi gì, như hàng chục năm vẫn các mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Dân Vận, Mặt Trận Tổ Quốc, Ban Tuyên giáo v.v..., thì chả nhẽ cái nước Việt Nam hình chữ S này nó sẽ cứ mãi mãi như thế?

Nếu không làm khác, đổi mới, cải tổ đi, thì liệu đất nước Việt Nam này bao giờ mới có điều mà người xưa nói 'Nhật tân, nhật, nhật tân hựu nhật tân', tức là ngày mới, ngày ngày mới lại mới nữa, hay là vẫn cứ là "gặp thời thế thế thời phải thế", hay mỗi ngày vẫn cũ và lại cũ như xưa?

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN.

TRONG MƠ, TÔI ĐÃ GẶP ANH

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 19-9-2021


TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị ngày 15/9/2021. Nguồn: Ban Nội Chính

Đó là anh Nguyễn Phú Trọng. Trong những bài viết trước đây tôi gọi GS Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN (TBT) là ông, nhưng hôm nay tôi gọi là anh theo đề nghị của GS khi tiếp chuyện trong mơ.

Chiều ngày 15 tháng 9, tôi ngồi xem VTV1, thấy TBT phát biểu tại Hội nghị Nội chính. Vừa nghe vừa xem, nhưng xem là chính. Xem phong cách và thần sắc của TBT, xem thái độ và sắc mặt của những người trong hội trường, nghe âm sắc giọng nói của TBT. Xem và nghe như vậy để cảm nhận những điều không có trong nội dung bài phát biểu.

Tôi không chú ý nhiều đến nội dung vì đoán là trên 95% những điều TBT nói thì mọi người và tôi đã biết. Đúng là tôi đã biết, vì rằng TBT chủ yếu nhìn vào giấy được ai đó viết sẵn và đọc những câu về nguyên lý chung chung đã trở nên cũ rích, nhàm chán. Xem những người trong hội trường, thấy rằng, chẳng có ai chăm chú nghe TBT, họ ngồi đó, im lặng với bộ mặt vô cảm. Còn nếu muốn quan tâm đến điểm nào đặc biệt của nội dung thì tôi sẽ tìm đọc trên mạng.

Hôm sau tôi nhận được điện thoại của người bạn nói về bài phát biểu và đặt ra vài câu hỏi. Tôi đã tìm đọc bài đó đã được đăng toàn văn. Và rồi gần như cả buổi chiều tôi cứ nghĩ loanh quanh về các câu hỏi của bạn. Buổi tối, chỉ ngồi lướt web một lúc rồi đi ngủ sớm. Và nhanh chóng ngủ say. Bỗng có người đến mời tôi đi tiếp chuyện TBT. Đến nơi thấy TBT đã đợi sẵn ở cửa, chỉ vào tôi mà nói rằng: Xin chào, đây có đúng là giáo sư Nguyễn Đình Cống, người đã vài lần viết bài góp ý cho tôi và gần đây viết bài khá dài, phản biện bài báo của tôi về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội?

Tôi chắp tay trước ngực, nhìn vào mắt TBT và nói: Thưa ông, tôi đúng là người ông đang nói tới. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với ông, không biết ông có sẵn lòng nghe không ạ. Tôi có thể nói chỉ một câu trong vòng nửa phút đến nhiều vấn đề lớn, trong thời gian vài chục giờ. Xin ông nêu vấn đề, đặt câu hỏi và hạn chế thời gian để tôi được trình bày.

Ông Trọng: Hai chúng ta đều là giáo sư, tuy địa vị có khác nhau nhưng học hàm, học vị ngang nhau và tuổi tác chênh nhau chút ít, cũng đều đã quá “thất thập cổ lai hy”. Tôi đề nghị gọi nhau bằng anh và xưng tôi cho thân mật, gọi là ông nghe khách sáo thế nào ấy. Gọi nhau bằng đồng chí e không hợp.

Tôi: Vâng, gọi anh và xưng tôi cũng được. Bài của anh về xây dựng chủ nghĩa xã hội dài trên tám ngàn chữ, còn bài phản biện của tôi trên mười hai ngàn. Người ta đọc bài của anh thì càng đọc càng chán, còn bài của tôi thì càng đọc càng gây kích thích. Với những người xu nịnh anh thì hết sức tức tối, mặc dầu phải ngấm ngầm công nhận tôi viết đúng. Với những người có lương tri, trọng lẽ phải thì càng đọc càng thích thú, vì tôi viết ra đúng những điều họ muốn nghe. Nhưng trước hết xin cho biết, anh cho gọi tôi đến đây là để trao đổi về bài phản biện hay còn có vấn đề gì nữa không?

Anh Trọng: Tôi cho mời anh đến chứ không gọi. Bài phản biện của anh có bảy mục. Sáu mục đầu có gây cho tôi một vài cảm giác khó chịu, nhưng để bàn sau. Mục bảy anh viết riêng về cá nhân tôi. Viết khá hay, tạo cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi nhớ có ai đó nói câu của Quản Trọng, rằng sinh ra ta là cha mẹ ta, nhưng hiểu ta có lẽ chỉ Bão Thúc Nha. Tôi cứ băn khoăn, phải chăng hiểu tôi chỉ có giáo sư Nguyễn Đình Cống. Nhưng tạm gác lại bài phản biện, có dịp sẽ trở lại sau. Tôi muốn hỏi xem, anh có theo dõi bài tôi vừa phát biểu ở hội nghị về nội chính hôm 15 tháng 9 không, nếu anh có nghe thì xin cho vài nhận xét.

Tôi: Viết về anh là dựa vào một vài biểu hiện của anh, kết hợp sự cảm nhận của tôi. Tôi không dám nhận là đã hiểu anh, một con người tuy kiến thức không cao nhưng thâm thúy, có nhiều mưu lược. Về bài phát biểu của anh tại hội nghị nội chính vừa qua, tôi có nghe trên VTV1, hôm sau được người bạn hỏi về Bao Công nên tôi đã tìm bài đăng trên mạng và xem kỹ.

Chắc rằng đã có một số người ca ngợi bài phát biểu của anh và còn nhiều người tiếp tục ca ngợi, như thế đã đủ lắm rồi, có lẽ anh không cần thêm lời tâng bốc nào nữa. Riêng tôi không thể nào khen ngợi bài phát biểu đó. Nếu anh muốn nghe những lời góp ý chân thành, có tính phản biện thì để tôi trình bày, còn không thì tôi xin từ chối trả lời.

Anh Trọng: Tôi biết giáo sư Cống từng viết sách “Học làm phản biện”. Vậy xin anh cứ nói đúng những nhận xét, những phản biện của anh. Kể từ khi tôi làm bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và Tổng bí thư đảng cho đến bây giờ, trên hai chục năm, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi mới được nghe lời phản biện trực tiếp. Trong các cuộc họp, cũng như trong đời sống hàng ngày, tôi chưa được nghe một lời phản biện nào cả.

Tôi: Thế thì trước hết tôi đề nghị anh có hình phạt thích đáng đối với cô/cậu thư ký nào đã soạn cho anh bài phát biểu gồm 8932 chữ đó.

Anh Trọng: Sao thế? Bài quá dài à?

Tôi: Đúng là quá dài nhưng không phải nó có gần chín ngàn chữ mà ở chỗ nó rỗng tuếch, không có thông tin gì mới, đáng quan tâm. Với bài trên mười vạn chữ mà đầy ắp thông tin mới lạ, người ta rất thích nghe thì vẫn là ngắn, còn một bài chỉ vài trăm chữ mà không có thông tin mới thì vẫn quá dài. Rất nhiều điều trong bài phát biểu của anh được ghép vào loại kiến thức phổ thông mà những người ngồi trong hội trường để nghe anh đều đã nắm vững từ trước. Viết cho anh một bài như thế, thư ký đã làm cho anh bị mất uy tín rất lớn trước con mắt của những người có hiểu biết và trung thực.

Anh tưởng những lời rao giảng “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ, còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”…; không có cái kiểu “nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” v.v… là lời dạy bảo chí tình à. Nếu chúng ta ai cũng biết thì cần nói ra làm gì.

Xin hỏi, câu sau nhằm mục đích gì: “Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính”. Phải chăng định giảng dạy cho nhiều người điều mà người ta đã thừa biết?

Rồi năm việc mà cơ quan nội chính đã làm được, những hạn chế và khuyết điểm mắc phải, năm bài học kinh nghiệm, bảy vấn đề cần lưu ý, đều là những việc mà nhiều người gần như không lạ lùng gì. Rồi rất nhiều khẩu hiệu nghe rất kêu, đặc biệt có những lúc anh ngừng nhìn vào giấy để đọc và ngẩng mặt lên, nhấn mạnh vào một vài từ đặc biệt. Thực ra năm việc, bảy vấn đề cũng cần nói, nếu không, biết nói về chuyện gì. Nhưng phải chọn lựa rất kỹ để nói thật súc tích. Với nội dung bài mà anh đã phát biểu, nếu là tôi, tôi sẽ vứt đi khoảng ba phần tư những thứ rơm rác trong đó.

Tôi nhận xét, bài phát biểu của anh, khi tách riêng từng câu ngắn thì câu nào cũng đúng, cũng hay, nhưng không mới. Khi ghép các câu thành đoạn thì thấy rõ sự chắp vá và toàn bài là một đống ngôn từ sáo rỗng.

Nhưng nếu tôi ở cương vị anh, tôi sẽ không phát biểu những nội dung như thế mà sẽ trình bày một vài vấn đề thực tế gay cấn, gây nên bất đồng trong dư luận xã hội, ví dụ vụ án xã Đồng Tâm, vụ oan sai của Hồ Duy Hải, các vụ của bí thư và chủ tịch Hà Nội v.v… Hãy lựa chọn những thông tin mà người ta cần nghe chứ không phải nhắc lại những thông tin người ta đã biết. Anh hãy giao cho thư ký chuẩn bị một bài phát biểu theo phong cách “Lã Thị Xuân Thu”, nghĩa là rất súc tích, không thể thêm hoặc bớt chữ nào. Giao nhiệm vụ như thế xem họ có làm được không.

Xin hỏi, anh có hiểu điều sau đây không, rằng cậy vào quyền thế của mình để buộc người khác nghe những lời mà họ đã biết rõ là phạm vào một trong hai tội. Một là quá kém trí tuệ để không nhận ra rằng người ta đã biết, bắt người ta nghe làm cho họ vừa mất thời gian vừa phải chấp nhận một trạng thái tâm lý khó chịu. Hai là coi thường người nghe khi cho rằng họ không biết những điều tầm thường anh định giảng cho họ như thầy giáo dạy học trò, như cha mẹ dạy con trẻ.

Tôi theo dõi người trong hội trường và thấy toàn bộ ngồi im, ra dáng chăm chú nhưng không phải để lắng nghe mà đang lơ đãng hoặc đăm chiêu nghĩ chuyện riêng. Chắc có một số người rủa thầm “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Bạn tôi hỏi, liệu tôi có đoán ra tại sao trong bài phát biểu lại nhắc đến Bao Công, một nhân vật của Tàu mà phần lớn được hư cấu, tại sao không nêu ra được nhân vật có thực của Viêt Nam?

Tôi đọc kỹ bài phát biểu và tìm ra câu đó: “Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo… thực sự công tâm, khách quan phụng công thủ pháp, chí công vô tư; phải là những ‘bao công’ trong thời đại mới”.

Tôi trả lời anh bạn là “Tử phi ngư”, có ý là chúng ta không phải TBT nên không thể biết được tại sao như thế, chúng ta chỉ có thể đoán… mò. Phải chăng suốt ngày nghĩ đến “Bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” mà bị ám ảnh?

Anh Trọng ạ! Anh đã vui lòng nghe tôi phản biện thì nên bố trí vài buổi, tôi sẽ nói đến những bất đồng giữa anh và một số trí thức như tôi mà bị anh cho là “tự chuyển hóa”, là thuộc “thế lực thù địch”. Hơn hai chục năm anh đã tự lập ra những bức tường vô hình ngăn cản với xã hội sống động. Những người thân cận đã tìm cách để anh chỉ nghe được những điều muốn nghe, thấy được những điều muốn thấy. Những thứ đó có trong thực tế, nhưng chỉ mới là một phần của sự thật, phần làm cho anh cảm thấy tự hào.

Chắc anh chưa biết chuyện ông Trường Chinh đã ngộ ra chân lý như thế nào sau khi nghe một thư ký đã liều mình nói cho biết phần tiếp theo của sự thật, phần thực chất đã bị các cấp dưới và tuyên huấn ra sức che giấu. Đó mới là khởi đầu của đổi mới ở Đại hội VI.

Anh tự hào về các đức tính tốt như tự tin, kiên trì. Nhưng khi quá tự tin vào ảo tưởng, quá kiên trì đường lối sai (mà tự mình không biết) thì vô cùng tai hại. Sống làm người vô minh, chết làm ma u tối. Mà sự vô minh, u tối ấy không chỉ làm hại riêng anh, nó làm hại cả dân tộc.

Anh Trọng ạ! Anh có hay xem lại hình ảnh anh trên diễn đàn hay không? Anh rất bằng lòng hay thấy ngượng khi phần lớn thời gian nhìn vào giấy và đọc với một giọng thiếu sức sống, tuy rằng thỉnh thoảng anh có ngước mặt lên nhấn nhá vào vài chữ mà anh tâm đắc. Liệu anh có biết mức độ lối cuốn, hấp dẫn của một bài diễn thuyết thì gần 70% thuộc về phong cách trình bày, chỉ khoảng 30% thuộc nội dung. Mà cả nội dung và cách trình bày của anh đều quá kém.

Hay anh nghĩ rằng anh không cần diễn thuyết, anh huấn thị, mà sức nặng của huấn thị không nằm ở nội dung và cách diễn đạt, nó nằm ở chức vụ, vị trí người ra huấn thị. Nếu nghĩ thế thì cũng bị nhầm vì với người huấn thị thì uy tín có giá trị hơn chức vụ.

Anh Trọng ạ! Nếu anh tự tin rằng Trời phú cho anh tài năng nghĩ gì cũng hay, nói gì cũng đúng, thì công khai điều đó cho toàn dân biết để khỏi phải có những lời phản biện. Còn nếu anh cho rằng mình cũng là người, tuy có giỏi giang phần nào nhưng còn biết bao người tài giỏi hơn, thì tại sao anh không chịu nghe lời phản biện của những người bất đồng quan điểm mà chỉ chăm chăm nghe những lời khen ngợi, tâng bốc.

***

Tôi đang hăng hái, tưởng đã gặp dịp thổ lộ tâm can, nhưng nhìn lại không thấy TBT đâu cả. Một phút im lặng đến rợn người. Rồi một tiếng sét nổ vang kèm tia chớp ngoằn ngoèo đưa tôi về thực tại. Tự dưng tôi nhớ lại bài “Mơ ngủ” (hoặc Ngủ trưa) trong tập thơ Nhật ký trong tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét