Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

20210926. RA ĐỜI LIÊN MINH ANH-MỸ-ÚC: AUKUS

ĐIỂM BÁO MẠNG

NGUYÊN NHÂN VÀ BỐI CẢNH HÌNH THÀNH AUKUS

PHẠM PHÚ KHẢI /VOA/ BVN 22-9-2021


Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc - Anh - Mỹ, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc - Anh - Mỹ, gồm Thủ tướng Scott Morrison và Boris Johnson, và Tổng thống Joseph Biden, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Một ngày trước đó, thứ Tư 15 tháng 9, Morrison đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng với một số thành viên nội các của mình, và bốn nhân vật hàng đầu phe đối lập cũng được mời. Có lẽ Morrison muốn bảo đảm rằng phía cầm quyền hay đối lập đều hỗ trợ quyết định này, và dù ai lên nắm quyền sau này cũng có đầy đủ thông tin từ quyết định hệ trọng này. Vì gần như toàn nước Úc đang bị phong tỏa, những thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã được chính quyền tiểu bang cấp giấy thông hành đặc biệt để có thể bay đến thủ đô Canberra tham dự. Tình trạng khẩn cấp như thế này không phải là điều xảy ra thường xuyên.

Rõ ràng quyết định hợp tác chung với Mỹ và Anh để xây tàu ngầm sử dụng nhiên liệu hạt nhân là một quyết định vô cùng quan trọng và sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nó sẽ thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng Úc, không chỉ với Trung Quốc mà còn trong vùng và quốc tế. Với quyết định này, Úc chỉ còn con đường tiến, không phải lùi, trong việc đối đầu với Trung Quốc. Trong ba nước, Úc nằm ở trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần Trung Quốc hơn Anh và Mỹ. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc trong nhiều thập niên qua là rất lớn, nhất là về mặt kinh tế. Vì thế, quan hệ giữa hai nước kể từ 16 tháng 9 sẽ đi qua một bước ngoặt lớn mới. Như Thủ tướng Morrison xác định, Úc đang bước vào một thời kỳ mới, mà tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tất cả tương lai của Úc.

Tuy nhiên, những gì chính quyền Morrison hay giới truyền thông cho biết và đưa tin trong những ngày qua, vẫn chưa trả lời thỏa đáng vì sao quyết định xây tàu ngầm dùng hạt nhân cũng như quan hệ đối tác AUKUS được hình thành một cách khẩn cấp, và được công bố đột ngột như thế?

Thái độ của lãnh đạo Bắc Kinh

Chính trị, hay mọi điều khác, đều có nguyên lý nhân (và) quả. Sự kiện 16 tháng 9 chỉ là hệ quả của chuỗi sự kiện kéo dài bao năm qua.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua, phần lớn do các hoạt động âm thầm nhằm gây can thiệp và tạo ảnh hưởng tại Úc. Giáo sư Clive Hamilton đã vạch rõ các hoạt động này trong hai tác phẩm của ông, và giới tình báo Úc và truyền thông chính ngạch cũng nắm rõ, từ những năm 2014 trở đi, mà đã được đề cập trong các bài trước. Nó gia tăng đáng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, và ngày càng thâu tóm quyền lực một cách vô hạn định.

Nhưng quan hệ trở nên không thể cứu vãn hay đối thoại được, đặc biệt từ năm 2020, khi Úc đã thông qua nhiều đạo luật khác nhau để ngăn chặn hành động của nước ngoài, đặc biệt từ Bắc Kinh.

Để trả đũa, Trung Quốc đã cấm nhập cảng hàng Úc trị giá 20 tỷ đô la năm 2020. Tệ hơn, đưa danh sách với 14 yêu cầu trịch thượng muốn Úc phải nghe theo. Nó thể hiện chủ trương lấn áp chủ quyền của Úc. Thái độ của Trung Quốc cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp kinh tế/thương mại, hay ngoại giao, để buộc Úc, phải nhượng bộ.

Nhưng đây không chỉ là xu hướng riêng đối với Úc. Bởi vì chủ trương của Bắc Kinh, phần lớn vẫn mang nặng ý thức hệ cộng sản Stalin và Mao, nên họ muốn kiểm soát mọi hoạt động người dân. Bắc Kinh cũng chủ trương kiểm soát tối đa những gì nước ngoài có thể ảnh hưởng lên tư duy của người dân mình, gần như tuyệt đối và toàn diện.

Bởi thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh quyết định thà mất hàng ngàn tỷ đô la giá trị các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc, như Ant thuộc công ty mẹ Alibaba, hay WeChat thuộc Tencent, còn hơn là các công ty này không tuân theo, hay phục vụ, mục tiêu chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sự tấn công của Tập Cận Bình vào [các loại công ty này], và sẵn sàng đánh đổi công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, với trị giá bốn ngàn tỷ đô la, cho thấy sứ mệnh chính trị của Bắc Kinh là bất khả tương nhượng.

Rừng thì chỉ có thể có một chúa tể, là Tập Cận Bình mà thôi. Jack Ma hay bất cứ tỷ phú hàng đầu nào của Trung Quốc không chấp nhận trò chơi của Tập Cận Bình thì trước sau gì cũng bị hậu quả nghiêm trọng. Nhắm đến các công ty hùng mạnh nhất và ảnh hưởng hàng đầu, để rung cây nhát khỉ, cũng là để khuyến cáo các công ty và doanh nhân khác phải tuân thủ. Để đỡ công sức Bắc Kinh phải giải quyết từng vụ, và về sau. Tạo lo âu và sợ hãi, là chiêu bài muôn thưở của các chế đế Trung Quốc mà Mao Trạch Đông học thuộc lòng, và Tập Cận Bình là học trò ngoan. Nói tóm lại, chủ trương của Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh là để củng cố khả năng kiểm soát toàn diện và tuyệt đối xã hội, và mọi thành phần, để thâu tóm quyền lực trong tay, cho giấc mộng lớn hơn. Giáo sư chuyên về Trung Quốc Anne-Marie Brady từ New Zealand biện luận rằng “Ông Tập đang điều hành Trung Quốc trong tư thế khủng hoảng, nhấn mạnh mối đe dọa từ bên ngoài, giống như Mao đã làm. Nó quen thuộc một cách nhàm chán.”

Nhưng tại sao Tập Cận Bình, và Bắc Kinh, chủ trương phải thâu tóm quyền lực một cách hà khắc như thế? Để làm gì?

Chắc chắn xã hội dân sự, và các xu hướng dân chủ tại Trung Quốc không phải là mối đe dọa đến sự cầm quyền của Tập Cận Bình hay chế độ. Họ bị tấn công, bị đàn áp thô bạo, nên giờ quá yếu, và quá rời rạc, để có thể tạo ảnh hưởng nào lên xã hội hay chính trị hiện nay.

Gần 10 năm qua, từ khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực trong tay, chủ trương đó ngày càng gia tăng, không hề gia giảm. Tập muốn gì?

Về mặt vĩ mô, mặc dầu Tập Cận Bình có thể không, hay chưa, có tham vọng xuất cảng ý thức hệ chính trị của mình, hay muốn thách thức các nền dân chủ trên bình diện toàn cầu, ít nhất là hiện nay, Bắc Kinh vẫn cho mô hình chính trị và kinh tế của mình là ưu thế. Chính họ còn đưa ra quan niệm riêng về nhân quyền và muốn được chấp nhận rộng rãi, để biện minh cho các hành động đàn áp thô bạo của họ tại lục địa, Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông v.v... Giấc mộng của Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh là muốn có một chỗ đứng nhất định trên thế giới, nếu không hơn thì cũng không thua Mỹ, trong hai ba thập niên tới. Bởi vì hiện nay những gì Trung Quốc muốn làm, vẫn chưa làm được. Họ vẫn chưa tự tung tự tác được, vì còn chưa đủ mạnh về nhiều mặt. Trung Quốc muốn, đến một lúc nào đó, những giới hạn này không còn nữa. Cho nên ĐCSTQ muốn đề cao và xuất khẩu chủ nghĩa cường quyền. Khi nó lan rộng, ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng. Khi kinh tế và quân sự qua mặt Hoa Kỳ, không còn ai có thể ngăn cản, cưỡng chế họ được. Trong bài “Cách Trung Quốc xuất khẩu chủ nghĩa cường quyền” (How China Exports Authoritarianism), Charles Edel và David Shullman giải thích trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 16 tháng 9 năm 2021, rằng:

“Mục tiêu của ĐCSTQ không phải là truyền bá chủ nghĩa Mác hoặc phá hoại các nền dân chủ riêng lẻ mà là để đạt được ưu thế về chính trị và kinh tế, và những nỗ lực của nó để đạt được hiệu quả đó — truyền bá chủ nghĩa, mở rộng hoạt động thông tin, củng cố ảnh hưởng kinh tế và can thiệp vào các hệ thống chính trị nước ngoài — đang làm mất đi các thiết chế và chuẩn mực dân chủ trong và giữa các quốc gia.”

Cho nên muốn đối phó với thách thức ý thức hệ này từ Trung Quốc, Edel và Shullman biện luận rằng chúng ta cần phải hiểu rõ Trung Quốc muốn đạt gì qua việc xuất cảng mô hình chính trị như thế và bằng cách nào hành động của họ làm yếu đi các nền dân chủ toàn cầu. Chỉ qua đó thì chúng ta mới có thể thiết kế chính sách hiệu quả để phục hồi nền dân chủ trong và ngoài nước, đồng thời chọn lọc cách chống lại chủ trương quảng bá cách quản trị độc tài của Bắc Kinh.

Vài suy nghĩ cuối

Trở lại hiệp ước AUKUS, tại sao có một quyết định khẩn cấp và bí mật đến như thế? Nếu đồng ý xây dựng tàu ngầm dùng nguyên liệu hạt nhân, thì mất 12 đến 18 tháng tới chỉ để hợp tác với nhau hầu lên kế hoạch và thiết kế. Ngoài ra, dự án này cũng có thể tốn thêm 18 năm để có được tàu ngầm đầu tiên, và có thể 30 năm để có được tám chiếc. Vậy thì tại sao có vẻ như khẩn cấp đến độ như chiến tranh sắp xảy ra tới nơi, để rồi làm cho quan hệ ngoại giao với Pháp bị sứt mẻ như vậy?

Có lẽ cần đi ngược dòng thời gian một chút để nhìn lại vấn đề cho rõ hơn. Trong 18 tháng qua, sự tiến hành xây tàu ngầm với Naval Group của Pháp gặp nhiều trở ngại, nên bị đình trệ. Đã có thảo luận và dự định cho “Kế hoạch B” nếu “Kế hoạch A” không thành. Tháng 6 năm 2021, Thư Ký của Bộ Quốc phòng Greg Moriarty đã bị Thượng viện chất vấn để giải thích tiến triển của dự án. Ông cho biết có nhiều thử thách trong 12 đến 15 tháng qua. Vì lý do đó, Thủ tướng Morrison cũng bày tỏ quan ngại với Tổng tống Pháp vào tháng 6 tại Paris. Cho nên đi tìm một giải pháp cho “Kế hoạch B” là điều cấp bách. Khi đã có giải pháp rồi, tức đã được Mỹ và Anh đồng ý chuyển nhượng công nghệ xây dựng tàu ngầm dùng nguyên liệu hạt nhân, thì việc còn lại của Úc là quản lý việc hủy bỏ hợp đồng với công ty Naval Group của Pháp một cách ổn thỏa nhất, theo tiến trình hợp đồng và ngoại giao sẵn có. Được biết cách đây hai tuần, dự án với Naval Group của Pháp vẫn được xem là tiếp tục. Nếu Mỹ và Anh chỉ mới chấp thuận xây tàu ngầm cho Úc thôi, trong vòng hai tuần qua, thì cũng không có lý do gì để vấn đề có vẻ khẩn cấp như sống còn. Hiểu rằng, nó cũng mất thêm 12 đến 18 tháng tới để cả ba bên ngồi xuống hoạch định chi tiết kế hoạch xây dựng.

Cung cách giải quyết sự việc có vẻ cấp bách đã xảy ra như trên không lý giải được những thắc mắc đã nêu. Ngoại trừ với hai lý do. Một, thông tin tình báo mới nhất về phía Trung Quốc cho biết Úc Anh và Mỹ cần hành động cấp bách, không thể chờ đợi nữa. Thông tin đó là gì, thì nó là bí mật quốc gia, có lẽ vài chục năm sau mới rõ. Hai, ngay cả như thế, Úc Anh và Mỹ không cần phải hành động như chiến tranh sắp tới nơi. Trừ khi cả ba nước có ý định rõ ràng, nhân cơ hội này, muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc và các nước khác rằng, thế liên minh đã hình thành và cuộc chạy đua đã bắt đầu. Cuộc vận động ngoại giao ngầm đằng sau, từ Covid-19, đến kinh tế, quân sự, hay các vấn đề an ninh khác, trong vùng và quốc tế, trở nên cấp bách hơn.

Dường như tất cả đều nằm trong chiến lược sắp xếp của AUKUS!

Hiệp ước AUKUS rất quan trọng đối với Úc, vì, ngoài các nguyên do nói trên, còn vài điều mang tính văn hóa và lịch sử. Một, tư tưởng và ý thức hệ chính trị của cả ba rất giống nhau. Hai, khi còn là cường quốc, Anh đã từng là nước bảo hộ cho Úc, cho đến khi Mỹ thay thế vai trò này, và giờ đây Anh sẵn sàng trở lại để cả hai nước đều chính thức đứng đàng sau Úc để cùng bảo đảm an ninh của quốc gia này. Ba, cả ba đều nhìn nhận không ai ngoài Trung Quốc là mối đe dọa an ninh không chỉ cho Úc hay vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn trên bình diện toàn cầu. Sự hợp tác giữa ba nước về tàu ngầm, hay chuyển nhượng công nghệ cao cấp khác, và nhiều mặt an ninh, sẽ thay đổi cuộc chạy đua vũ trang, và thế cờ vây Trung Quốc, trong hai ba thập niên tới. Thế liên minh AUKUS này mang nhiều ý nghĩa hơn là xây tàu ngầm hạt nhân.

Được biết Trung Quốc hiện đang nỗ lực xây dựng thế liên minh mới với ba nước khác, để hình thành Bộ Tứ/QUAD, gồm Trung Quốc, Iran, Nga và Pakistan, để đối đầu với Bộ Tứ của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn. Nhưng làm đồng minh của Trung Quốc có dễ không? Ai hiểu lịch sử của Trung Quốc xưa nay cũng như nhìn cách điều hành quốc gia và điều khiển ngoại giao từ Tập Cận Bình, thì cũng đã biết được câu trả lời.

Với đặc tính đó, Trung Quốc dù hùng mạnh đến mấy, vẫn mãi mãi không có bao nhiêu đồng minh, và vẫn rất cô đơn. Mỹ, cũng không phải hoàn toàn tốt lành, vẫn có thể bỏ rơi đồng minh như Miền Nam Việt Nam hay Afghanistan. Nhưng chính sách ngoại giao của mọi quốc gia đều chủ yếu dựa trên quyền lợi và quyền lực. Tuy nhiên trong trận thế này, đối đầu với một mối đe dọa to lớn và mưu mô trí trá như Bắc Kinh hiện nay, là chiến lược mà các nền dân chủ phải tiến hành để bảo vệ chính mình. Bởi rằng liên minh với những đồng minh khả tín và có cùng văn hóa chính trị là một ưu thế cấp số nhân so với đối thủ. Cùng nhau, sức mạnh của QUAD, G7, AUKUS, thế cờ vây này sẽ áp đảo đối với Trung Quốc, Iran, Pakistan và Nga. Nghiên cứu chỉ số quyền lực từ Lowy Institute cho thấy rõ bức tranh này. Nếu Tập Cận Bình đi bất cứ nước cờ sai nào trong thời gian tới, nhất là vấn đề Đài Loan và vùng nóng Biển Đông, thì hoặc chiến tranh là điều khó tránh khỏi, hoặc Tập sẽ bị thay thế khi thành phần lãnh đạo Bắc Kinh muốn Trung Quốc tránh rơi vào vực thẳm.

P.P.K.

Nguồn: voatiengviet.com

AUKUS: CƠN ÁC MỘNG CỦA BẮC KINH VỀ MỘT NATO CHÂU Á ĐANG THÀNH HIỆN THỰC ?

TRỌNG NGHĨA/ RFI/BVN  22-9-2021

Dư luận Pháp đến nay chủ yếu tập trung vào việc Paris mất đi một hợp đồng đóng tàu ngầm kếch xù cho Úc mà hầu như không chú ý đến liên minh chiến lược Anh-Mỹ-Úc vừa được chính thức khai sinh ngày 15/09/2021. Đối với giới chuyên gia địa lý chính trị, việc liên minh AUKUS được hình thành là một ác mộng đối với Trung Quốc, vì đây có thể là tiền thân của một “NATO châu Á” mà Bắc Kinh đang lo sợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến từ Nhà Trắng (Washington-Hoa Kỳ) với thủ tướng Úc Scott Morrison (t) và thủ tướng Anh Boris Johnson (p), nhân buổi công bố việc thành lập liên minh AUKUS ngày 15/09/2021. AP - Andrew Harnik

AUKUS là một liên minh quân sự bao gồm ba đồng minh truyền thống: Úc, Anh và Hoa Kỳ, mà tên gọi lấy từ các chữ cái đầu tiên trong tên gọi bằng tiếng Anh của ba quốc gia liên quan, xếp theo thứ tự alphabet (AUstralia - UK United Kingdom - US United States).

Trung Quốc: Đối tượng trong tầm nhắm của AUKUS

Thông cáo chung về việc thành lập liên minh khẳng định mục tiêu của khối này là “củng cố và hỗ trợ” lợi ích của ba thành viên trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, thông qua việc “tăng cường chia sẻ thông tin và công nghệ” và “hội nhập sâu hơn các lãnh vực khoa học, công nghiệp và chuỗi cung ứng”.

Sáng kiến đầu tiên được công bố của liên minh AUKUS chính là việc Mỹ và Anh sẽ “hỗ trợ” Úc để có được tàu ngầm hạt nhân trong vòng 18 tháng tới đây, sử dụng năng lực công nghiệp Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Tuy nhiên, liên minh AUKUS không đơn thuần là quân sự, mà còn bao gồm các lĩnh vực khác nhau chủ yếu liên quan đến kỹ thuật số như mạng tin học, trí tuệ nhân tạo và thậm chí cả tin học lượng tử.

Đối với giới quan sát, dù không được nêu đích danh, nhưng Trung Quốc chính là đối tượng mà liên minh AUKUS nhắm tới. Cả ba thành viên liên minh đều đã từng cho thấy quyết tâm ngăn chặn đà bành trướng Bắc Kinh.

Mỹ: Nền tảng của liên minh

Theo ghi nhận của báo Pháp Les Echos ngày 18/09, Hoa Kỳ, nền tảng của liên minh AUKUS đã cho thấy rõ quyết tâm đối đầu với Trung Quốc, và liên minh mới hình thành này nằm trong chiến lược đa phương, liên minh với các đối tác truyền thống trong một mặt trận thống nhất, trái hẳn với cách làm đơn phương thời Donald Trump.

Úc: Thành viên nhiệt tình nhất

Úc được cho là nước hăng hái nhất trong liên minh, vào lúc quan hệ Canberra - Bắc Kinh ngày càng căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là kể từ khi họ tung ra sáng kiến “Con Đường Tơ Lụa Mới” vào năm 2013.

Les Echos nhắc lại rằng năm 2015, Canberra đã nhượng lại cảng Darwin ở miền Bắc Úc cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng chiến lược này nằm trên lộ trình của Con Đường Tơ Lụa Mới và tiếp giáp với một căn cứ Mỹ.

Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, gần đây cho biết sẵn sàng chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin, và việc xây dựng một cảng thứ hai, cho Hải quân Úc và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ hoạt động, đang được tiến hành.

Liên minh AUKUS do đó cũng nằm trong chiến lược chống Trung Quốc của Úc. Vào tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố ngân sách 270 tỷ đô la trong vòng 10 năm để cải thiện quân đội Úc, trong đó có việc mở rộng khả năng tấn công của Hải Quân.

Anh: Phát huy chiến lược Global Britain

Luân Đôn rất muốn lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu. Về mặt lịch sử, Anh rất gần với Mỹ và Úc, và liên minh AUKUS là một cách để Boris Johnson tái khẳng định chiến lược “Nước Anh Toàn Cầu - Global Britain” của ông, dựa trên việc tăng cường hiện diện ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.

Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, hiệp ước giữa Mỹ, Anh và Úc là một sự kiện địa chính trị rất quan trọng, cụ thể hóa quyết tâm của chính quyền Biden đối phó với Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, cơn ác mộng về sự hình thành một liên minh theo kiểu NATO ở châu Á nhằm bao vây Trung Quốc có thể là đã bắt đầu trở thành hiện thực.

Trả lời phỏng vấn của báo Les Echos, ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS, cho rằng AUKUS cụ thể hóa sự chuyển hướng chiến lược của Washington qua vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khiến Bắc Kinh thêm lo ngại trước nguy cơ bị bao vây.

Công nghệ tàu ngầm hạt nhân: Úc trước, các nước khác sau?

Theo chuyên gia Bondaz, quyết định của Washington chuyển giao công nghệ động cơ tàu ngầm hạt nhân cho Úc rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên sau 70 năm mà Mỹ làm điều này. Trường hợp Úc có thể làm tiền lệ cho Nhật Bản, Hàn Quốc và trong tương lai xa hơn là Indonesia hoặc Việt Nam.

Chính quyền Trung Quốc, theo ông Bondaz, chắc chắn là đang hết sức lo lắng trước nguy cơ bị Mỹ bao vây về mặt chiến lược. Trái với Washington, vốn có rất nhiều đồng minh, Bắc Kinh hầu như bị cô lập về mặt quân sự. Trung Quốc không có đồng minh quân sự nào, ngoại trừ Bắc Triều Tiên. Nga và Pakistan hiện chỉ là đối tác chứ không hoàn toàn là đồng minh.

AUKUS rồi QUAD, rồi Five Eyes...

Đối với chuyên gia Bondaz, điều mà Bắc Kinh lo ngại hơn cả là về lâu về dài, một NATO châu Á sẽ hình thành. Với AUKUS, Washington đã thành công trong việc gắn kết hai đồng minh Anh và Úc.

Sắp tới đây, Hoa Kỳ sẽ cố gắng thể chế hóa quan hệ đối tác quốc phòng của họ, bằng cách thúc đẩy việc chính thức hóa nhóm QUAD, tức là Bộ Tứ, bao gồm 4 nước Mỹ, Úc Nhật và Ấn nhân hội nghị thượng đỉnh tại Washington.

Mỹ cũng đang cố gắng mở rộng liên minh tình báo Ngũ Nhãn Five Eyes (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, New Zealand, và Úc), để kết nạp thêm hai đối tác châu Á của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mối lo ngại của Trung Quốc trước khả năng hình thành một “NATO Châu Á” lại càng gia tăng trong bối cảnh khối NATO đang tăng cường quan hệ với 4 đối tác chính thức trong vùng châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, để bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

T.N.

Nguồn: RFI


GIẢI MÃ ĐƠN XIN GIA NHẬP CPTTP CỦA TRUNG QUỐC

Katsuji Nakazawa / BVN 24-9-2021

Analysis: China’s TPP bid follows carefully scripted 300-day plan”, Nikkei Asia, 23/09/2021.

Biên dịch: Trần Hùng


Vào tuần trước, việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, trước đây gọi là TPP, đã khiến nhiều người bất ngờ, và được coi là một động thái đột ngột của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng các tài liệu xin gia nhập đã được đệ trình dựa trên một kế hoạch được lên kịch bản cẩn thận bắt đầu từ hơn 300 ngày trước.

Dù một số người đã gạt bỏ khả năng Trung Quốc được gia nhập sớm do có nhiều rào cản mà Bắc Kinh sẽ phải vượt qua để đáp ứng các tiêu chí của TPP, nhưng nếu Trung Quốc được tham gia, họ sẽ làm thay đổi động lực của hiệp định thương mại này.

Đối với Nhật Bản, quốc gia đã bước lên giữ vai trò dẫn dắt 11 thành viên còn lại sau khi Mỹ rút khỏi TPP dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, lợi ích của Nhật có thể nhanh chóng bị tước đoạt nếu nước này không nắm bắt được chính xác các động thái chiến lược của Trung Quốc và đi trước một bước.

Đầu tháng 11 năm ngoái, kế hoạch xin gia nhập TPP vào mùa thu năm nay đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra, theo một nguồn đáng tin cậy hiểu biết về các chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.

Nguồn tin lưu ý rằng, vào thời điểm đó, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ của Joe Biden đã trở nên chắc chắn, và các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã kết thúc. Không giống như TPP, Trung Quốc là thành viên nòng cốt của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Điểm mấu chốt của kế hoạch 300 ngày là đăng ký trở thành thành viên TPP trước khi Hoa Kỳ, dưới thời Biden, có thể cân nhắc quay lại. Điều đó có thể xảy ra vào năm 2022, một khi đại dịch coronavirus lắng dịu, theo tính toán của Bắc Kinh.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2020, ông Tập đã tuyên bố trong một bài phát biểu trước cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), rằng Trung Quốc “sẽ xem xét một cách thuận lợi” việc tham gia CPTPP.

Điều đó đã khởi động cho kế hoạch xin gia nhập, việc cuối cùng đã diễn ra vào thứ Năm tuần trước, 300 ngày sau bài phát biểu ngày 20 tháng 11 của ông Tập.

Kế hoạch cũng có một động cơ khác. Trung Quốc muốn gây áp lực với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đảng Dân Tiến. Chính phủ do đảng này dẫn dắt đã thể hiện mong muốn tham gia TPP.

Và hôm thứ Tư, như thể để bám đuổi động thái của Trung Quốc, Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Đài Loan đưa tin rằng Đài Bắc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Thông báo của ông Tập không hề đột ngột. Ông chỉ đạo các chính sách kinh tế đối ngoại cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường, người giám sát sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán RCEP.

Sáu tháng trước tuyên bố của ông Tập, vào tháng 5 năm 2020, ông Lý nói trong cuộc họp báo thường niên cuối kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, rằng Trung Quốc “có thái độ tích cực và cởi mở” đối với việc tham gia CPTPP.

Những người đóng vai trò quan trọng trong vai trò cầu nối giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một người thân tín của ông Tập, và Du Kiến Hoa (Yu Jianhua), một thứ trưởng thương mại đồng thời là nhà đàm phán thương mại quốc tế của Trung Quốc.

Một trung tâm chỉ huy được thiết lập trong Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, và các cuộc họp được tổ chức bất cứ khi nào cần đưa ra các quyết định quan trọng. Dựa trên kế hoạch 300 ngày này, mục tiêu đầu tiên cần tiếp cận chính là New Zealand.

New Zealand là một trong bốn thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, tiền thân của TPP, cùng với Brunei, Chile và Singapore. Nước này tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong CPTPP, và hiện là nước lưu chiểu hiệp định, bên gác cổng đối với những nước muốn xin gia nhập.

Đơn đăng ký của Trung Quốc không được nộp cho nước chủ tịch CPTPP năm nay là Nhật Bản, mà cho New Zealand.

Hồi tháng Giêng, hai tháng sau khi ông Tập tuyên bố ý định gia nhập, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nâng cấp hiệp định thương mại tự do song phương với New Zealand, một hiệp định được coi là có lợi cho New Zealand hơn là cho Trung Quốc.

Cách đối xử thân thiện của Trung Quốc với New Zealand trái ngược với quan hệ của Trung Quốc với Australia, vốn đang tiếp tục xấu đi.

Trung Quốc cũng đã liên hệ với Singapore, một thành viên sáng lập TPP khác, trong quá trình vận động vào phút chót, trước khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Trung Quốc để mắt đến vị trí chủ tịch hiệp định của Singapore vào năm 2022.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đến thăm Singapore vào giữa tháng 9. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Vương Nghị đã giành được sự trấn an của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, rằng nước này hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.

Malaysia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á sẽ không phản đối việc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán như vậy.

Trung Quốc cũng tin rằng ngay cả Nhật Bản cuối cùng cũng sẽ không thể phản đối việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập của Trung Quốc.

CPTPP luôn là một con đường dẫn đến ảnh hưởng khu vực lớn hơn của Bắc Kinh. Sự hỗn loạn của Afghanistan chính là yếu tố quyết định cuối cùng thúc đẩy Trung Quốc nộp đơn đăng ký.

Bắc Kinh nhận thấy rằng chính quyền Biden sẽ bị phân tâm bởi vấn đề Afghanistan và Trung Đông trong tương lai gần, và sẽ không thể có kế hoạch quay lại TPP sớm.

Dựa trên phân tích đó, lãnh đạo Trung Quốc đã có động thái đầu tiên trước thềm hội nghị cấp cao APEC năm nay, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11, theo đúng lịch trình đã được định sẵn từ năm ngoái.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính quyền ông Tập có sẵn sàng bắt tay vào cải cách toàn diện trong nước để vượt qua những rào cản cao của TPP hay không. Một chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về sự nghiêm túc của Trung Quốc.

“Mọi người đang hiểu sai điều này”, chuyên gia cho biết. “Với tình hình chính trị hiện tại ở Trung Quốc, chính quyền ông Tập không có ý định tham gia TPP ngay lập tức. Họ cũng không sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán mang tính chất quyết định”.

“Việc tham gia đàm phán chỉ cần sự ủng hộ nhất trí của các thành viên TPP. Ngay cả khi các cuộc đàm phán được tiến hành, Trung Quốc sẽ trì hoãn việc giải quyết các vấn đề cụ thể”, vị chuyên gia nói thêm.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đi ngược lại mong đợi của các quốc gia thành viên TPP. Sáp nhập các công ty lớn của nhà nước là một ví dụ.

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng các khoản tiền phạt chống độc quyền đối với các công ty tư nhân lớn, hoặc buộc họ phải chia nhỏ, nước này đã không giải quyết vấn đề trợ cấp dành cho các công ty nhà nước.

Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12 năm 2001. Các cuộc đàm phán gia nhập WTO của nước này bắt đầu vào những năm 1990. Đó là những cuộc đàm phán quan trọng, nơi Trung Quốc đánh cược số phận của mình, trong khi họ tiến hành các cải cách trong nước, đặc biệt là đối với các công ty nhà nước.

Đơn xin gia nhập TPP lần này của Trung Quốc không cho thấy họ có một quyết tâm mạnh mẽ tương tự như vậy.

Trung Quốc không ủng hộ việc cho phép lưu chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới, một yêu cầu của TPP. Trên thực tế, Bắc Kinh đang đi theo hướng ngược lại, và vào ngày 1 tháng 9 đã bắt đầu thực thi một luật về bảo mật dữ liệu.

Các lực lượng cánh tả ở Trung Quốc là một nhóm có ảnh hưởng, ủng hộ việc ông Tập đi theo hướng đó, đồng thời kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn.

Họ đã liên tục phản đối việc gia nhập TPP, cho rằng các quy định của TPP, như hạn chế trợ cấp cho các công ty nhà nước, sẽ dẫn đến vi phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Với tình hình chính trị hiện tại của Trung Quốc, việc nước này tuyên bố xin gia nhập CPTPP là điều hơi mâu thuẫn.

Trong khi đó, một nguồn tin khác chỉ ra rằng việc Trung Quốc đăng ký trở thành thành viên CPTPP là nhằm gửi đi một thông điệp ở cả trong và ngoài nước, rằng nước này sẽ vẫn là “một nền kinh tế thị trường.”

Nguồn tin mô tả việc Trung Quốc đăng ký trở thành thành viên CPTPP là một động thái phòng thủ, được thực hiện với nhận thức sâu sắc rằng, nước này đang bị quan sát chặt chẽ hơn vì xu hướng thúc đẩy chủ nghĩa xã hội gần đây.

Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được bầu lại tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng vào mùa thu năm 2022.

Ông Tập đang cố gắng duy trì vị trí lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2022 cũng như những năm sau đó. Với việc để mắt đến ngay cả đại hội đảng năm 2027, Tập có thể thấy khả năng sử dụng đơn xin gia nhập TPP của Trung Quốc, cũng như các cuộc đàm phán quy chế thành viên trong tương lai, làm đòn bẩy cho các cải cách trong nước.

Chiến lược TPP của Trung Quốc, vốn có nhiều khía cạnh khác nhau, không nên bị đánh giá thấp. Một thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ nhậm chức, kế nhiệm Yoshihide Suga, người đã tuyên bố ý định từ chức, sau cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào cuối tháng này.

Bất cứ ai đảm nhận chức vụ đứng đầu chính phủ Nhật Bản sẽ ngay lập tức đối mặt áp lực phải đưa ra quyết định về cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận chính trị và kinh tế.

K.N.

Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Quốc tế

QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM TRƯỚC VIỆC TRUNG QUỐC ĐỆ ĐƠN XIN 

GIA NHẬP CPTPP

CHÂU NHƯ QUỲNH/ DT 23-9-2021

Dân trí

 Các nền kinh tế muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cần đáp ứng các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm về việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Hiệp định CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do mở với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

"Việc Hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế" - bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng cho hay, theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định này.

Liên quan tới việc Australia, Anh và Mỹ thiết lập Quan hệ Đối tác An ninh tăng cường ba bên (AUKUS), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ quan điểm.

"Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này" - bà Hằng cho biết.

Liên quan đến việc Đài Loan - Trung Quốc cũng xin gia nhập CPTPP, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mở và Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác về các quy định tham gia hiệp định này.

Ngày 16/9, Trung Quốc thông báo đã chính thức đệ đơn gia nhập CPTPP. Với quyết định này, Trung Quốc là nước thứ hai đệ đơn gia nhập hiệp định có 11 thành viên. Đầu năm nay, Anh cũng đã đệ đơn gia nhập và được chấp thuận bắt đầu quá trình đàm phán.

Tại cuộc họp báo ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: "Trung Quốc ủng hộ tự do hóa thương mại và tham gia vào hợp tác, hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập một lần nữa cho thấy quyết tâm mở cửa và thúc đẩy hợp tác khu vực".

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 23/9, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam khi tổ chức Freedom House ngày 21/9 tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng internet, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.

"Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm" - bà Hằng nhấn mạnh quan điểm.

Châu Như Quỳnh

VIỆT NAM CẦN VƯƠN LÊN THỰC HIỆN VAI TRÒ PHẢI CÓ Ở ĐÔNG NAM Á TRONG TÌNH HÌNH MỚI

NGUYỄN TRUNG/ viet-studies 24-9-2021

I

1.   Ngày 16-09-2021 tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Anh Boris Johnson và thủ tướng Úc Scott Morrison cùng một lúc công bố việc thành lập liên minh AUKUS (bao gồm Úc, Anh và Mỹ). Ngay lập tức báo chí thế giới nhận định một dạng NATO tay ba của khu vực Indo-Pacific đã chính thức ra đời.

2.  Chỉ vài giờ sau đó cùng ngày 16-09-2021, Liên Hiệp Châu Âu công bố chiến lược của mình về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định sự có mặt của mình đối với khu vực này và ý chí thúc đẩy các mối quan hệ với các nước trong vùng, bao gồm cả Đài Loan.

3.   Cùng ngày 16-09-2021 (chênh nhau múi giờ khoảng 10 tiếng) Trung Quốc chính thức đệ đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), muốn lấp chỗ trống Mỹ thời Trump bỏ lại, để ăn miếng giả miếng Mỹ ngay tức khắc trong vấn đề AUKUS. Báo Nhật Nikkei Asia 18-09-2021 nhận định đây là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc nhằm chia rẽ Nhật-Mỹ, tìm cách thao túng CPTPP, và quyết tranh giành khốc liệt với Mỹ trong toàn bộ khu vực Indo-Pacific[1].

4.     Ngày 17-09-2021, ngay lập tức Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO - do Trung-Nga dẫn đầu) họp tại Tajikistan chấp thuận Iran trở thành thành viên chính thức; ý đồ hình thành phe trục TQ-Nga-Iran nhằm đối đầu với Mỹ và phương Tây qua việc kết nạp Iran tiến thêm một bước quan trọng.

 

Bốn sự kiện quan trọng nêu trên diễn ra dồn dập trong vòng 48 tiếng đồng hồ - cụ thể là trong vòng ngày 16 và ngày 17 tháng 9 2021 – xác lập thực tế: Trận địa trung tâm của tranh chấp toàn cầu giữa các thế lực lớn trên thế giới đã chuyển hẳn về khu vực Indo-Pacific, trận đia Trung Đông chỉ còn vai trò thứ yếu. 

Hiện tượng AUKUS và những phản ứng dây chuyền cho thấy sự vận động của những mối quan hệ tranh chấp toàn cầu ở thế kỷ XXI (i) đầy kịch tính, (ii) đột phá theo kiểu bùng nổ, và (iii) với vận tốc có thể nói là gần như cái chớp mắt  mà nhân loại chưa từng được chứng kiến trong lịch sử cận đại (tính từ thế kỷ XIX) của địa chính trị - địa kinh tế thế giới. Nếu muốn, gọi đấy là sự vận động của tranh chấp địa chính tri – địa kinh tế ở quy mô toàn cầu thời cách mạng công nghiệp 4.0. có lẽ không phải là quá lời! 

Bốn sự kiện nêu trên tạo ra bước ngoặt của lịch sử quan hệ quốc tế đương đại, đặt ra cho mọi quốc gia liên quan – trong đó có nước ta với tính cách là quốc gia giữ vị trí địa đầu của khu vực Đông Nam Á – đòi hỏi sống còn: Phải xác định rõ chỗ đứng của mình trong bàn cờ mới này của thế giới, và phải xốc lại chính mình để sống kịp và để giành lấy vị thế mới phải có – sống hay là chết! 

Để dễ nhớ, tôi đặt tên cho kết cục những diễn biến quan hệ quốc tế đang bàn ở đây là bước ngoặt AUKUS.

II

            Bước ngoặt AUKUS tích hợp những sự kiện gây ra cho mọi người cảm giác như đang được xem các thế lực lớn đánh bài với nhau. Khi Mỹ ngả con bài AUKUS, thì các tay chơi khác lập tức ngả các con bài của mình – cứ như là có sẵn trong túi áo rút ra vậy!

 

            Sự thật không hoàn toàn như thế. Tất cả đều là những con bài được tính toán đến giờ phút cuối cùng khi chúng được quật xuống bàn!

 

Con bài của mỗi tay chơi là sự tính toán trăm bề và sự vật lộn liên tục nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ trước đó, không một lúc nào chợp mắt, cho đến khi những con bài được thi nhau quật liên tiếp xuống bàn, cứ như là ai cũng sợ mình bị cướp mất cơ hội, hoặc bị lâm vào cảnh trâu chậm uống nước đục!

 

Là người Việt, tôi thực sự vô cùng hổ thẹn thú nhận: Các tay chơi này không một giây phút nào ngủ như nước mình… Và sự thật là có một vài phương diện quan trọng, thậm chí cực kỳ quan trọng, nước mình đã và đang ngủ cả một giai đoạn phát triển!!! (Quan sát cái thế giới đang sôi sục như vậy, không dưới một lần tôi thốt lên trong lòng: …Trời ơi đất nước tôi!..) 

Để tiết kiệm thời giờ, tôi cố sưu tầm một số tài liệu tham khảo đính kèm bài viết này, nói lên quá trình các sự vận động trong quan hệ quốc tế và những nguyên nhân dẫn đến bước ngoặt AUKUS, mong bạn đọc tự tìm hiểu.

Dưới đây tôi xin cố nêu lên một số điểm theo tôi đáng quan tâm nhất. 

Sự suy yếu của Mỹ và phương Tây cũng như những thất bại và sai lầm của họ từ nhiều thập kỷ nay (bắt đầu từ thời Clinton, 1993-2001) trong việc kéo Trung Quốc cùng đi với cả thế giới đã khiến cho Trung Quốc, với tính cách là đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng, tại Đại hội 18 của ĐCSTQ (2012) cho rẳng thời cơ ngàn năm có một đã đến với Trung Quốc. Ngay lập tức lãnh đạo Trung Quốc quyết định: Giành lấy vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ để bá chủ thiên hạ, hoàn thành mục tiêu này vào lúc CHNDTH 100 tuổi (2049). Mục tiêu trước mắt là hoàn tất việc độc chiếm và quân sự hoá Biển Đông, sáp nhập Đài Loan, khuất phục Việt Nam để nắm toàn bộ ASEAN, đẩy lùi / xoá bỏ ảnh hưởng Mỹ ở Đông Nam Á; đồng thời tận dụng lợi thế áp đảo tại chỗ ở đây và cùng với chiến lược vành đai – con đường ra sức thâu tóm thế giới, tạo thế tiếp tục đẩy lui Mỹ ở mọi nơi khác trên toàn cầu. Từ Đại hội 19 của ĐCSTQ (2017), việc thực hiện những mục tiêu chiến lược này được tăng tốc chưa từng có – quyết liệt nhất là trên mặt trận Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh tiến công chính trị dưới mọi hình thức, tuyên bố với cả thế giới mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc là điều mà các nước trên thế giới ngày nay nên có để thay thế thể chế dân chủ đã lỗi thời, ủng hộ hoặc cứu vớt các chế độ độc tài, xuất khẩu mô hình thể chế toàn trị... Ngay trong nội bộ quốc gia, ĐCSTQ nhấn mạnh phải đẩy mạnh đấu tranh chống lại những giá trị phổ quát của nhân loại để trung thành với CNXH đặc sắc Trung Quốc, phải khuếch trương và xuất khẩu mô hình phát triển của Trung Quốc ra thế giới (thực chất đấy là mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc thời đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng). Khi đại dịch covid 19 xảy ra, nhiều nước – trước hết là Mỹ - lao đao, Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao vaccine và ngoại giao chiến lang, vừa thao túng vừa uy hiếp các nước, đồng thời lấp liếm vấn đề virus Vũ Hán. Tận dụng việc Mỹ rút quân rất vụng về ra khỏi Afghanistan, ngày 28-07-2021 Vương Nghị tiếp đại diện Taliban tại Thiên Tân, mở ra việc Trung Quốc hoàn toàn lấp chỗ trống của Mỹ ở Afghanistan. Sự kiện ngưu tầm ngưu mã tầm mã này gây ra nhiều lo ngại cho cả thế giới. Ngay sau đó chủ tịch Uỷ ban Châu Âu von der Leyen đã phải lên tiếng cảnh báo: EU đang phải đối mặt với những nguy cơ khủng bố mới từ Trung Á… Ngày 15-09-2021 – nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi đi thăm VN về,  bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tuyên bố Nhật đã vạch ra làn ranh đỏ bảo vệ bằng mọi giá hải phận Nhật ở biển Hoa Đông tính từ đảo Senkaku trở lên, và tuyên bố Nhật có lợi ích gìn giữ hoà bình thông thương hàng hải quốc tế liên quan đến Đài Loan… (8 tháng đầu năm 2021 tầu chiến Trung Quốc đã có tới gần một nghìn lượt tầu xâm phạm hải phận Nhật ở Hoa Đông, riêng trong tháng 8-2021 là 88 lần!). Có thể đoán chắc khi tuyên bố như vậy, Nobuo Kishi có lẽ không thể biết chỉ vài chục giờ sau đó (tính theo múi giờ là khoảng 30 giờ) AUKUS được khai sinh! (Bởi vì Pháp có nhiều liên can quan trọng đến chủ đề AUKUS mà còn bị cho ra rìa và bị bất ngờ!). Vậy là tham gia vào cái thế giới quyết liệt này chẳng có ai ngủ cả!

Có thể nói toàn bộ những bước đi nói trên cho thấy phía Trung Quốc đã vung tay quá trán và ngày càng nguy hiểm. Trong khi đó EU nói chung, các thành viên quan trọng như Đức và Pháp nói riêng, cứ chung chiêng giữa  dòng mãi trong đối kháng mất còn Mỹ - Trung. Trong thực tiễn của đời sống kinh tế không hiếm những hiện tượng các tập đoàn kinh tế của Đức và Pháp bắt cá hai tay giữa đối kháng Mỹ-Trung[2]. Dễ hiểu, vì sao tuyên bố của thượng định G7 tại Cornwall (Anh, 12-06-2021) và thượng đỉnh NATO ở Bruxells (14-06-2021) phần nói về Trung Quốc quá mờ nhạt… 

Riêng về Úc, cần nhấn mạnh áp lực của Trung Quốc đối với Úc đã lên tới đỉnh điểm: Quan hệ Trung Quốc-Úc 20 năm thì 10 năm cuối cùng là sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc vào nội trị Úc, sự lũng đoạn kinh tế Úc quá mức có thể chịu đựng, cảng Darwin cho Trung Quốc thuê đang dần dần trở thành căn cứ hải quân của Trung Quốc tại đây uy hiếp trực tiếp ngay nước Úc... Trong khi đó hợp đồng Úc mua tầu ngầm Pháp 60 tỷ Euro chủ yếu chỉ là một hợp đồng mua vũ khí và không góp phần được bao nhiêu vào bảo vệ an ninh của Úc, chưa nói đến công nghệ chạy điện diesel không thể đáp ứng yêu cầu quốc phòng của Úc trong tình hình mới. Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rõ: Sự lựa chọn AUKUS của Úc là toàn diện, lâu dài và quyết định, Úc phải đặt lợi ích quốc gia của mình là trên hết! Do đó việc Úc loại Pháp là có thể hiểu được, Pháp giận dữ thế nào cũng đành lòng. Sự sàng lọc của cuộc sống thế giới hôm nay thật vô cùng phũ phàng – dù ở đây là đế chế Pháp gạo cội, dù Pháp là đồng minh không thể thiếu của Mỹ ở châu Âu… 

Anh có động cơ chính trị lập ra AUKUS có lẽ không kém phần quyết liệt so với Úc và Mỹ. Việc Anh gần như bằng mọi giá phải tiến hành Brexit là do sự năng động của Anh không thể chịu đựng nổi cái trì trệ lùng nhùng của tập thể EU. Do đó AUKUS là một liên minh mới lý tưởng đối với Anh trong cái thế giới không một ai có thể đơn thương độc mã này. Hơn nữa trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới đã chuyển hẳn sang khu vực Indo-Pacific, rất đáng là đất mới để Anh thông qua liên minh AUKUS dụng võ nuôi những ước vọng toàn cầu của mình. 

Đương nhiên AUKUS không thể tránh được những trở ngại và thách thức rất nhiều chiều từ nhiều quốc gia khác nhau, như bất kể liên minh mới nào ra đời cũng phải đối mặt. Song cuộc sống và thời gian sẽ dần dần “giàn xếp” tất cả theo xu thế vận động của lịch sử: Thuận theo thì cùng phát triển, hoặc không thuận theo thì bị loại bỏ không thương tiếc.

 

Cần đặc biệt lưu ý là sự xuất hiện của AUKUS sẽ mở đầu một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt chưa từng có, và hiện tượng này cần được xem là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân chính là ngân sách quốc phòng hàng thập kỷ nay của Trung Quốc tăng 2 con số, đưa Trung Quốc gần như từ số không (với nghĩa không đáng lưu ý) trong hải quân, hiện nay trở thành quốc gia có lượng tầu chiến đông nhất thế giới (vượt Mỹ), có 3 hàng không mẫu hạm và khoảng 1 tá tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; Trung Quốc đồng thời là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Vì vậy AUKUS là cần thiết: Lấy độc trị độc! AUKUS sẽ có tác động đẩy nhanh việc hình thành QUAD, kích hoạt mạnh mẽ nhóm “Five eyes”, và khiến những quốc gia trên Biển Đông đang bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp sẽ can đảm hơn – tất cả đang tạo nên một triển vọng: Nếu Trung Quốc gieo gió, sẽ phải gặt bão!

Rất đau lòng, nhưng có một sự thật khủng khiếp của thực tiễn vượt lên mọi đạo và lý: Chiến tranh thế giới III cho đến nay sở dĩ chưa nổ ra, có phần nào là do sự răn đe của 2 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào lúc chiến tranh thế giới II chỉ còn vài ngày là kết thúc. Hôm nay cần phải nhìn nhận thực tiễn khủng khiếp này với tầt cả khía cạnh nguy hiểm của nó trong tình hình Biển Đông. Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân đối kháng chiến lược đang biến Biển Đông thành cái vạc lửa chiến tranh chờ sẵn, hay là đang tạo ra ở đây vùng ươm ngọn nấm hạt nhân! Hơn nữa, nếu một khi các đối thủ rơi vào trường hợp phải xử lý nhau bằng chiến tranh, họ thường trước hết bằng mọi cách đưa chiến tranh vào đất nước bên thứ ba, hoặc tiến hành các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, hoặc kiếm các con dê tế thần để đổi chác với nhau… Và những kịch bản này thường dễ xảy ra nhất, và thường là lối thoát khả dĩ nhất giữa họ với nhau, trước khi họ phải tính đến xử lý nhau bằng chiến tranh lớn… Xin đừng lúc nào quên: Gần hết nửa sau thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân đã từng nếm đủ loại các bài học cay đắng này! Không có một sự van xin nào, không có một cái mũ ni che tai nào có thể giúp nước ta qua khỏi sự mua bán, đổi chác, hoặc thoát được những thủ đoạn bẩn thỉu khác thế thân nước ta cho những mưu ác của họ!

Cục diện quốc tế và khu vực rất quyết liệt hôm nay như nêu trên chỉ dành cho nước ta sự lựa chọn duy nhất như nước ta đã từng phải lựa chọn qua 4 cuộc kháng chiến cứu nước trong gần hết nửa sau thế kỷ XX: Nước ta phải bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình tự đứng lên quyết định vận mệnh của nước mình! Nghĩa là không muốn làm đe, thì phải đứng lên làm búa: Đừng cam chịu thân phận làm quân cờ hay con mồi cho thiên hạ nữa! Phải quyết đứng lên tự mình làm bằng được vai trò đối tác chiến lược mà hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á này và Biển Đông hiện nay không thể thiếu!

III

            Thế nhưng vấn đề “đối tác chiến lược” của nước ta hiện nay như thế nào?

Cho đến nay Việt Nam có 3 đối tác chiến lược và toàn diện là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, có 12 đối tác chiến lược là 5 nước ASEAN, và 7 nước khác là Nhật, Pháp, Anh, Ý, Tây-ban-nha, Hàn Quốc và Úc. Mỹ cho đến nay mới  chỉ được nhận là đối tác quan trọng hàng đầu; trong chuyến thăm của phó tổng thống Kamala Harris (08-2021) phía Mỹ đề nghị ta nâng lên thành đối tác chiến lược nhưng chưa thành, vì phía ta ngại Trung Quốc[3].

            Thoạt nhìn, có thể nói danh sách các đối tác nói trên cho thấy Việt Nam có vị thế rất đẹp, không dễ gì nước nào cũng có được. Song rất tiếc có nhiều trường hợp hữu danh vô thực – không phải vì nước ta nghèo hay thiếu tiềm lực, mà trước hết vì phía ta chưa xây dựng được cho mình đường lối đối ngoại phát huy được vị thế này của quốc gia, không có một nền nội trị vững mạnh làm nền tảng, cách làm còn cũ kỹ, không ít trường hợp còn nặng về ngoại giao đi xin! Thiếu sót lớn nhất là ta đi xin các nước  bạn chấp nhận với ta mối quan hệ đối tác chiến lược của nhau, nhưng tự chính mình phía ta lại chỉ làm được những việc của đối tác bình thường  hoặc dưới bình thường trong thực tế, còn tầm quan trọng chiến lược chỉ có ý nghĩa ở cửa miệng – nghĩa là chỉ để tâng bốc hay nói ngoại giao với nhau.

            Tồn tại lớn nhất mang tính sống còn đối với an ninh và phát triển của đất nước ta chưa khắc phục được là: Cho đến nay nước ta vẫn chưa xây dựng thành công mối quan hệ đối tác chiến lược với đúng nghĩa với 2 đối tác quan trọng nhất và không thể thiếu đối với ta (và cũng là quan trọng nhất đối với thế giới) là Trung Quốc và Mỹ. Mà nguyên nhân chủ yếu và trước hết của tồn tại này là chính bản thân nước ta không / chưa có phẩm chất và bản lĩnh là đối tác chiến lược! Xin tập trung trí tuệ và nghị lực cả nước bàn giải quyết tồn tại gốc này – nếu làm được, những mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác cũng sẽ xuôn xẻ.

            Trước hết về mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện giữa ta và Trung Quốc:

            Thực chất đây là mối quan hệ giữa một bên Trung Quốc là nước bá quyền, và một bên Việt Nam là nước đối tượng để khuất phục cho thực hiện mục tiêu bá chủ toàn cầu của Trung Quốc như đã điểm trong phần II bên trên. Mối quan hệ này mấy chục năm nay đã biến nước ta thành kẻ lệ thuộc chiến lược và toàn diện vào Trung Quốc, đất nước ta phải chịu sống nhiều bề cay đắng, lãnh thổ và biển đảo của nước ta bị xâm phạm, con đường phát triển của nước ta bị kìm hãm. Xin miễn cho tôi phải đi vào chi tiết, vì cả nước ta ai là người không biết thảm trạng vô cùng đau lòng của mối quan hệ song phương Việt - Trung này?![4] Tình hình cực chẳng đã, đến mức trong thư của tôi ngày 28-10-2010 gửi Uỷ viên BCT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trước khi ông được bầu là Tổng bí thư ĐCSVN khoá XI, tôi đã phải lưu ý ông và toàn thể Bộ Chính trị đương chức là trên thực tế VN đã trở thành một chư hầu kiểu mới của TQ. Trong thư này tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Chính trị phải đảm nhiệm vai trò một Trần Thủ Độ tập thể cứu đất nước ra khỏi thảm trạng này! Đấy không phải là thư duy nhất, và tôi không nhớ hết đã viết bao nhiêu thư như vậy cho BCT về những vấn đề khác nhau trong mối quan hệ Việt – Trung. Tại đây xin chốt lại một điều: Trong nhiệm vụ xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước bạn bè trên thế giới, việc đầu tiên VN phải làm bây giờ là phải xây dựng lại cho chính mình có phẩm cách và bản lĩnh là một đối tác chiến lược, trên cơ sở này thoát khỏi thân phận là kẻ lệ thuộc chiến lược và toàn diện vào Trung Quốc, xác lập lại quan hệ hai nước đúng với tinh thần là đối tác chiến lược và toàn diện của nhau! Làm được việc này, sẽ mở đường cho thực hiện mọi việc khác.

            Để bàn tiếp, tôi xin phép nói mộc mạc đôi điều theo hiểu biết của mình về hiện trạng mối quan hệ tay ba Mỹ - Việt Nam – Trung Quốc: Đấy là một anh chàng Việt Nam  có hai tay và một chân đã đặt lên phía Trung Quốc – vì theo ngôn ngữ chính thức đây là đối tác chiến lược và toàn diện, còn lại một chân được đặt lên phía Mỹ - vì theo ngôn ngữ chính thức đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu!.. Bây giờ muốn cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác chiến lược của ta thì sẽ chia đều cho mỗi bên một tay và một chân hay sao? Chia đều cái ta có cho mỗi bên như thế, nhưng bản thân ta ở giữa hiện nay vẫn giữ mình nguyên vẹn là một miếng da lừa cho 2 bên Mỹ và Trung thi nhau giằng xé, liệu có ích gì, hay chỉ tổ gây thêm hại?! Vì thế tôi kiến nghị không chia đều chân tay cho bên nào cả, mà trước hết phải vứt bỏ thân phận miếng da lừa lệ thuộc, để đứng thẳng lên làm người có phẩm chất và bản lĩnh tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình.

            Đặt vấn đề  như vậy có nghĩa trước tiên cả nước và mỗi người sẽ phải tự thay đổi quyết liệt chính bản thân mình trở thành người có phẩm chất và bản lĩnh tự quyết định lấy vận mệnh của đất nước mình. Đấy là một sự thay đổi đến mức lột xác, gian khó đến tận cùng, có thể tìm thấy ví dụ trong tự nhiên như một con sâu phải trải qua quá trình biến thành nhộng để cuối cùng lột xác thành con bướm, nghĩa là từ miếng da lừa với thân phận lệ thuộc mấy chục năm nay, bây giờ lột xác để trở thành con người với đúng nghĩa, để đi vào một thế giới hoàn toàn mới – cụ thể ở đây là cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS. Tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước để xây dựng nên một dân tộc Việt Nam trưởng thành – như tôi đã chính thức đề nghị nhiều lần với lãnh đạo ĐCSVN qua các kỳ ĐH Đảng khác nhau – chính là con đường lột xác nước ta phải đi! Có một dân tộc Việt Nam trưởng thành, đất nước sẽ có tất cả. Không làm được như vậy, nước ta sẽ chỉ là thân phận con sâu cho người ta xéo chết, hoặc là con mồi cho đủ loại chim muông cóc nhái… Trong những kiến nghị gửi đến các ĐH Đảng gần đây, tôi đã trình bầy suy nghĩ của mình về nội dung, bước đi và phương thức tiến hành cuộc cải cách chính trị đổi đời này, ĐCSVN đang có trong tay những điều kiện lý tưởng để tiến hành cuộc cải cách vỹ đại này mà cả nước đòi hỏi – chỉ còn thiếu ý chí thực hiện.., xin được miễn nhắc lại tại đây.

            Nhìn vào những thách thức nước ta hôm nay phải đối mặt trong cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS, tôi liên hệ đến nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thời trứng nước. Những khó khăn thách thức hôm nay thấm gì! Hồi ấy còn chưa có phe XHCN, CHNDTH còn chưa ra đời, thực dân Pháp và Tầu Tưởng Giới Thạch tìm mọi cách nuốt chửng VNDCCH trứng nước và bơ vơ một mình nhưng không làm nổi. VNDCCH chẳng những trơ trơ đứng vững mà còn tiến hành kháng chiến chống pháp thành công… Các thế hệ lãnh đạo gần đây của ĐCSVN hình như quên hoặc hầu như không biết đến giai đoạn cách mạng hào hùng này và những bài học quý giá hôm nay vẫn còn nguyên giá trị… Và có lẽ vì vậy, hôm nay họ càng không thể hiểu những giá trị nền tảng của vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ - thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp 1946 – đã dựng lên ý chí quyết chiến và quyết thắng, đã giải phóng trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc để giành thắng lợi vẻ vang cho kháng chiến. Những giá trị nền tảng này của vấn đề dân tộc và dân chủ chính là cái gốc, là cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái dỹ bất biến ứng vạn biến đã đoàn kết và dẫn dắt nhân dân ta trên suốt chặng đường giành lại độc lập thống nhất cho đất nước hôm nay.

            Vấn đề Trung Quốc của thế giới hôm nay là: Trung Quốc + virus corona + Taliban. Trong cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS Trung Quốc  quyết giương cao ngọn cờ CNXH đặc sắc Trung Quốc để bình thiên hạ, thách thức cả nhân loại tiến bộ phải đối mặt.

VN không có yêu cầu bình thiên hạ. Song bối cảnh của địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu cũng như của khu vực trong thế giới sau bước ngoặt AUKUS cho dù cục diện thế giới sắp tới sẽ xoay vần như thế nào hay tiến triển theo hướng nào, thực tế khách quan của đối kháng Mỹ - Trung đòi hỏi nước ta phải tự mình phải vươn lên vứt bỏ thân phận miếng da lừa lệ thuộc đeo bám đất nước mấy chục năm nay rồi, để tự quyết định lấy vận mệnh của chính mìnhđể có phẩm cách và bản lĩnh xây dựng thành công mối quan hệ đối tác chiến lược với đúng nghĩa với cả Trung Quốc và Mỹ. Có một con đường như thế, nước ta phải lựa chọn như thế, và nếu ta là chính ta sẽ hoàn toàn có thể chọn được! Đấy là con đường duy nhất để Việt Nam bảo vệ thành công an ninh và phát triển của quốc gia mình, đồng thời cho phép Việt Namthực hiện nghĩa vụ không thể thoái thác của mình là quốc gia ở vị trí địa đầu đối với hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á. 

Vì những lẽ nêu trên, ĐCSVN nắm trong tay mọi quyền lực của đất nước nên có trách nhiệm ràng buộc phải đứng lên thay đổi chính mình trước để trở thành đảng của dân tộc và của dân chủ, phải dựa hẳn vào nhân dân để thay đổi bằng được chính mình, để có phẩm chất và khả năng phát huy những giá trị nền tảng của v/đ dân tộc và v/đ dân chủ, quyết tâm phát huy sức mạnh của một dân tộc trưởng thành, giành về cho nước ta vị thế là đối tác chiến lược phải có trong thế giới hôm nay. Sức mạnh của những giá trị nền tảng trong vấn đề dân tộc và dân chủ của một dân tộc trưởng thành sẽ là yếu tố bất biến để nhân dân ta dấn thân giành thắng lợi cho Tổ quốc trong mọi tình huống./.

 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 23-09-2021

 

Vĩ Thanh (24-9-2021)

Tôi bắt đầu viết bài này dạng đêm 21-09 (sau khi mất ba hay bốn ngày chỉ để xoá đi xoá lại 2 hay 3 tiêu đề khác nhau tôi muốn lựa chọn), song bài chủ yếu được viết xong trong ngày 22-09-2021, cứ như là một ai đó cầm tay tôi gõ xuống bàn phím vậy, kể cả ý tứ và bố cục của bài! Thật ra là ý tứ của bài đã được nung nấu trong mạch suy nghĩ chung của tôi từ lâu, song AUKUS đã giúp tôi lựa chọn được tiêu đề cho bài  mà tôi chấp thuận được. Và đúng là một cú hích, tôi ngồi vào bàn phím gõ một mạch, không chần chừ được nữa. Sáng nay, 24-09-2021, sau khi đọc xong một lần nữa bài mà anh để chậm lại một ngày này, một bạn cùng nghề ngoại giao nhưng ít tuổi hơn tôi một con giáp - vốn là đại sứ ở một nước Tây Âu, vì phải giãn cách do covid 19 nên đành nói chuyện với tôi qua mobile chung quanh chuyện AUKUS hơn một giờ đồng hồ, câu chuyên đụng tới quyền lực mềm của TQ và bản lĩnh của Việt Nam. Tôi phải nói thực với bạn mình: Chúng ta hiểu bao nhiêu về 2 chủ đề này cũng không đủ đâu, tốt nhất là chúng ta phải mở lòng  để cuộc sống dạy chúng ta tiếp, dạy liên tục, và  không ngừng, miễn là chúng ta đừng lúc nào quên học. Bạn tôi  đòi dẫn chứng, tôi kể ra 2 sự việc với điều kiện bạn phải đem ra so đo chuyện kể với tầm suy nghĩ trong thâm tâm của mình. 

 

Chuyện thứ nhất:  Quyền lực mềm - Mục tiêu biện minh cho biện pháp – thời Xuân Thu chiến Quốc: Chuyện kể rằng: Kinh Kha (người nước Vệ) được thái tử Đan (nước Yên) trọng dụng, giao cho nhiệm vụ ám sát Tần Thuỷ Hoàng (xem sử ký của Tư Mã Thiên). Trước khi lên đường hành sự, Kinh Kha được thái tử Đan mở đại tiệc trọng đãi. Trong buổi tiệc có một mỹ nữ hát và múa làm Kinh Kha ngây ngất, nhất là hai bàn tay múa rất đẹp của nàng… Kinh Kha không nén được cảm xúc, buột miệng khen với tất cả tâm can mình… Trước khi đặt chân vào đất của Tần Thuỷ Hoàng, người tiễn Kinh Kha trao một gói được  gọi là lưu niệm quý, do chính thái tử Đan đích thân đề tặng. Kinh Kha mở ra… và đấy là đôi bàn tay của mỹ nữ…  … … Lúc hành sự dù bị bại lộ, nhưng Kinh Kha vẫn tìm mọi cách thực hiện đến cùng nhiệm vụ được giao của mình, cho đến lúc bị quân nhà Tần phanh thây giết chết - vì Kinh Kha không còn đường nào khác.

[Đương nhiên, đây chỉ là câu chuyện của văn học, thời điểm của cốt truyện cách đây mấy nghìn năm rồi, truyện được viết khoảng thế kỷ 14. Song văn học này phản ánh sinh động văn hoá Trung Quốc, cái nền của tư duy Trung Quốc cho đến hôm nay... Toàn bộ bộ “Tam Quốc Chí” có nhiều chuyện phi thường như thế… Tôi đọc “Tam Quốc Chí” trong tủ sách của bố mẹ mình, hồi tôi đang học élémentaire – lớp 3 bây giờ - song chuyện Kinh Kha như bị ấn vào đầu, nên tôi không quên được.]

 

Chuyện thứ hai - bản lĩnh Việt Nam: Đêm 22-09-2021, viết xong bài về AUKUS. tôi giải lao bằng cách xem trận đấu  vòng 1/8  Việt Nam - Nga của World Cup Futsal 2021 để chọn 8 đội vào tứ kết. Ở thời điểm này đội tuyển Việt Nam xếp hạng 34 thế giới, Nga là đương kim á quân.  Ở châu Á ngoài Việt Nam  chỉ còn Nhật và Thái Lan  đi tới được vòng 1/8 này,  Do sự chênh lệch quá lớn giữa hai bên Nga-Việt Nam cả về thể chất (Nga cao to hơn ta nhiều) và kỹ năng của cầu thủ, việc đương kim á quân Nga sẽ thắng tuyển Việt Nam coi như chuyện đã bỏ sẵn trong túi! Tuy nhiên, Nga tung hết vở áp đảo trong hiệp 1, song  bị dẫn trước 1-0, mãi tới cuối hiệp 1 Nga mới thắng lại ta 2-1.  Sang hiệp 2 Nga thắng tiếp thành 3-1. Còn 1/3 thời gian của hiệp 2 (7 phút), tuyển Việt Nam quyết định chơi power-play (nghĩa là bỏ trống goal, vai thủ môn cũng phải xông trận), ta thắng thêm thành 2-3, và đôi ba lần xuýt nữa làm được 3-3 cho Việt Nam! Nga tìm mọi cách xoay sở, nhưng kết thúc vẫn chỉ giữ nguyên được tỷ số 3-2 và đây là điều tuyển Nga không ngờ, ông bầu của Nga thú nhận như vậy! [Ở vòng này Nhật thua Brazil 2-4, TL thua Kajaskstan 0-7]. Nguyên nhân thành tích 2-3 của Việt Nam là: (1) cầu thủ Việt Nam tâm lý thép, bất chấp mọi va đập và lấn át của đối phương, luôn bị đối phương cướp mất bóng, bất chấp bị đối phương dẫn trước, (2) giữ nghiêm ngặt  chiến thuật và đấu pháp đã được tính toán và xác định trước từ đầu cho đến hết trận đấu, (3) khoảng thời gian cuối cùng quyết định sáng suốt:  đem hết tổng lực chơi power-play theo chiến thuật định trước! Xem đấu bóng, tôi cứ ước ao cả nước mình là một đội tuyển như thế!

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.      Nguyễn Trung: Vài suy nghĩ sau sự kiện Kabul  - http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_SuyNghiSauKabul.html

2.     Nguyễn Trung, “Kiến nghị về Đại hội XIII”

http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf

 

3.     Hoàng Anh Tuấn: Mười điều rút ra từ sự ra đời của Liên minh AUKUS –  http://nghiencuuquocte.org/2021/09/19/muoi-dieu-rut-ra-tu-su-ra-doi-cua-lien-minh-aukus/  

 

4.     The Taiwan Temptation - Why Beijing Might Resort to Force - By Oriana Skylar Mastro - July/August 2021

 

5.     THE CCP'S NEXT CENTURY Expanding economic control, digital governance and national security

https://merics.org/sites/default/files/2021-07/MERICSPapersOnChinaCCP100_3_1.pdf



[1]Tham khảo: NikkeiAsia 18-09-2021- “Analysis: China's CPTPP bid is curveball aimed at splitting U.S. and Japan” https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/Analysis-China-s-CPTPP-bid-is-curveball-aimed-at-splitting-U.S.-and-Japan

 

[2] Ví dụ: Trong một cuộc phỏng vấn ở Đức cho báo Die Welt (Thế giới), do hãng Infratest Dimap thực hiện tháng 12-2020 cho thấy: Chỉ có 17% người Đức ủng hộ việc đứng về phía Mỹ trong đối kháng Mỹ - Trung, khoảng trên 70% còn lại giữ thái độ trung lập. Ở hầu hết các nước thành viên khác của EU cũng có những hiện tượng tương tự. Đức là quốc gia dẫn đầu của EU trong làm ăn lớn nhất và lâu đời nhất với TQ.

[3] Phải nói phía Trung Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao rất tiểu nhân và bỉ ổi kiềm chế VN nhân chuyến thăm này của bà Harris.

[4] Tìm xem những tổng kết của tôi về quan hệ Việt – Trung nêu trong các kiến nghị gửi các Đại hội của ĐCSVN – gần đây nhất là các Đại hội XI, XII và XIII.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-21


'BOM TẤN' AUKUS CHƯA NGUỘI, TQ HỨNG TIẾP ĐÒN SẤM SÉT TỪ EU: GỌNG KÌM CỰC MẠNH VÂY CHẶT BẮC KINH !

LƯU BÌNH/ BVN 20-9-2021

Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/9 đề ra chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc.

Chiến lược của EU nhằm vào Trung Quốc

Trong chiến lược mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU đã đề ra trọng tâm trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng.

Về thương mại, EU sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với Australia và New Zealand, tìm kiếm một thỏa thuận với Ấn Độ và tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia đã có thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như Hàn Quốc.

EU cũng sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại và đầu tư với đảo Đài Loan - động thái chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc, đặc biệt sau khi Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 đã quyết định đóng băng thỏa thuận đầu tư quan trọng mà EU-Trung Quốc đạt được sau 7 năm trời đàm phán.

Trong vấn đề biến đổi khí hậu, EU đặt mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ưu tiên sử dụng hydro tái tạo.

Ở trọng tâm về vấn đề hàng hải, EU hứa hẹn một sự hiện diện ngoại giao lớn hơn, hướng tới mục đích giúp duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm ngăn chặn đánh bắt quá mức trong khu vực, cung cấp chuyên môn trong việc bảo vệ các khu vực biển, dự báo thời tiết và hạn chế ô nhiễm biển.

Trong lĩnh vực số hóa, EU muốn bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore về hợp tác sâu hơn về luồng dữ liệu, đổi mới dựa trên dữ liệu và thúc đẩy hơn nữa thương mại kỹ thuật số. EU cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ về các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động thế hệ thứ năm.

EU cũng hướng tới muốn hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng với Nhật Bản, Ấn Độ và Áo về liên kết giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và hàng hải, cũng như đảm bảo rằng các ngân hàng phát triển và các cơ quan xuất khẩu liên kết chặt chẽ hơn khối này với châu Á.

EU ngày 15/9 đã đưa ra một kế hoạch mới để cạnh tranh với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc, mà họ gọi là "Cửa ngõ toàn cầu".

Về an ninh và quốc phòng, EU - khối thương mại lớn nhất thế giới - sẽ tìm kiếm mối quan hệ hàng hải chặt chẽ hơn với Australia, New Zealand, Indonesia và Nhật Bản, hứa hẹn nhiều chuyến triển khai hải quân hơn để tuần tra các tuyến đường thương mại khu vực mà Trung Quốc đang bành trướng tham vọng kiểm soát.

Khối này cũng đang cử cố vấn quân sự phục vụ các phái đoàn EU trong khu vực.

Bên cạnh đó, EU cho biết muốn giúp các nước nghèo hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp cận với vaccine Covid-19. EU cũng muốn phát triển hợp tác để đảm bảo đường cung cấp thuốc và thiết bị y tế, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của EU được cho là sẽ châm ngòi cho làn sóng căng thẳng mới giữa châu Âu với Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Bắc Kinh hứng đòn giáng kép

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức được EU công bố hôm 16/9 được coi là đòn giáng mạnh thứ hai chỉ trong vòng 1 ngày nhằm vào Trung Quốc, sau khi liên minh AUKUS thành lập ngày 15 (giờ Mỹ).

Trọng tâm của AUKUS là quyết định của Mỹ trong việc đưa Australia lọt vào nhóm số ít nước sở hữu công nghệ tàu ngầm hạt nhân - như một phần của mối quan hệ đối tác tam giác chiến lược. Động thái này cũng được xem là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố các liên minh chống lại Trung Quốc.

AUKUS, có sự góp mặt của Anh, cũng sẽ liên quan đến sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh mạng và AI.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản ứng bằng tuyên bố rằng "việc hình thành 'bè phái' khép kín và riêng biệt nhằm vào nước khác" sẽ không được ủng hộ và "chắc chắn thất bại".

L.B.

Nguồn: soha.vn

MƯỜI ĐIỀU RÚT RA TỪ SỰ RA ĐỜI CỦA LIÊN MINH AUKUS

HOÀNG ANH TUẤN/ TD 19-9-2021

Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) có phiên âm khá thú vị (ô kis) – “Hôn nhau cái nào” – đến mức Tổng thống Biden cũng cảm thấy thích thú khi phát âm tên liên minh mới trong bài diễn văn đánh dấu sự ra đời của AUKUS.

Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS thì hoàn toàn nghiêm túc, chẳng “lãng mạn” chút nào, và là kết quả của những nỗ lực thương lượng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng trước đó của quan chức cấp cao 3 nước, trước khi AUKUS chính thức ra đời ngày 15/9/2021 vừa qua.

Tạm thời có thể rút ra 10 nhận xét nhanh từ sự ra đời của AUKUS như sau:

Một, liên minh, liên minh và liên minh. Đây là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ sau khi lên cầm quyền, Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên các thành tố của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hầu như được Chính quyền Biden giữ nguyên, chỉ có khác nhau về cách tiếp cận và cách thức thực hiện.

Nếu như Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tạo sức ép liên tục đối với các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ, thiết lập “cách chơi” là trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế, để “trói” không chỉ địch thủ, mà cả đồng minh lẫn đối tác, trong khi Mỹ đóng vai người “cầm cương”, lãnh đạo.

Sự ra đời của AUKUS nằm trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số một của mình là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc củng cố các trụ cột của chiến lược là QUAD (Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), quan hệ của Mỹ với 5 đồng minh trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia), quan hệ của Mỹ với ASEAN và các đối tác quan trọng như Indonesia, Việt Nam và Singapore…

Hai, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số một của Mỹ, vượt trên cả khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng thống Biden, cũng như trong Tuyên bố chung của 3 nước đánh dấu sự ra đời của Hiệp định.

Và sự ra đời của AUKUS chính là nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách được đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: 3 nước phải có đủ khả năng thích ứng với môi trường chiến lược khu vực hiện nay, cũng như các thay đổi trong tương lai. Và tương lai của 3 nước, cũng như tương lai của thế giới, phụ thuộc vào sự trường tồn và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong những thập niên sắp tới.

Ba, lần đầu tiên chính quyền Biden đề cập chính thức và ở cấp cao các thứ bậc ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, các liên minh hay quan hệ trong khuôn khổ đa phương được xếp ở hàng đầu, trong đó AUKUS vừa ra đời nhưng được xếp ngay vị trí đầu tiên, tiếp đó là ASEAN, rồi đến QUAD. Trong quan hệ song phương, quan hệ với 5 đồng minh quân sự lâu đời (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia) được xếp ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, rồi mới đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bốn, có thể nói không quá lời, AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự Ngũ cường (Five Powers Defense Agreement), gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore, ra đời năm 1971, tức cách đây 50 năm. Và lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) ra đời năm 1954, Mỹ mới khởi xướng và tham gia một liên minh quân sự đa phương mới ở khu vực.

Đây là bước đi đầu tiên, và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo, của các liên minh an ninh – quân sự bán chính thức, hoặc chính thức, ở khu vực trong tương lai. Tháng 8/2021, tức chỉ một tháng trước khi AUKUS ra đời, các quan chức cấp cao của Nhóm Bộ tứ đã lần đầu tiên họp và thảo luận về hợp tác an ninh biển. Điều này là chỉ dấu cho thấy hợp tác trong Bộ tứ đang có sự chuyển hướng, nhấn mạnh nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh, đặc biệt là an ninh biển, trong hợp tác của mình.

Năm, an ninh biển là điểm nhấn, là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực, dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương, hay trong khuôn khổ đa phương, như Bộ tứ, AUKUS trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Cả 3 thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên biển. Việc tăng cường hợp tác hải quân, một thành tố quan trọng của hợp tác an ninh biển, sẽ giúp cả ba nước tăng cường sức mạnh tập thể, để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức đến từ biển.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Australia, một đất nước rộng lớn, có chiều dài gần 36.000 km bờ biển, tiếp giáp với hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có gần 80% dân số sống ở khu vực ven biển, trong khi Australia lại là quốc gia có tiềm lực hải quân yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong ba thành viên AUKUS.

Sáu, theo Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vì tính chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nên trên thế giới Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ này cho Anh (điều diễn ra cách đây 63 năm vào năm 1958, sau sự kiện Sputnik năm 1957), và giờ đây là Australia. Trước Anh và Australia, Mỹ chưa từng chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả các đồng minh thân thiết trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Còn trên thế giới, các quốc gia muốn sở hữu công nghệ này thì phải tự mình phải mày mò nghiên cứu và phát triển.

Nếu việc chuyển giao công nghệ thành công, Australia sẽ là quốc gia thứ 7 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Pháp) sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ giúp hải quân Australia vươn tầm hoạt động và tác chiến ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm này cũng thể hiện tính chất đặc biệt trong quan hệ liên minh Mỹ – Australia, cũng như trong liên minh ba bên AUKUS vừa mới ra đời.

Một vấn đề khác mà ba nước Mỹ, Anh và Australia cũng phải đối mặt, là làm sao việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân này không vi phạm các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vốn không khuyến khích các quốc gia khác, như Iran chẳng hạn, phát triển vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy Tuyên bố chung của AUKUS đã nêu rõ Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân cho các tàu ngầm mới này. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để đưa ra câu trả lời vào lúc này, rằng việc chuyển giao công nghệ này có vi phạm các quy định của IAEA, hay thúc đẩy các nước khác chạy đua tìm kiếm công nghệ hạt nhân trên phạm vi toàn cầu hay không.

Bảy, sự ra đời của AUKUS, nhìn từ góc độ thương mại, còn là một thương vụ làm ăn lớn trị giá 66 tỷ đô la Mỹ (tương đương 90 tỷ đô la Úc). Đây là số tiền dự kiến Mỹ và Anh sẽ thu được để đổi lấy việc bán công nghệ và hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cho Australia.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây 5 năm, Australia và Pháp đã ký một thương vụ lịch sử, theo đó Pháp sẽ đóng mới cho Australia 12 tàu ngầm động cơ Diesel trị giá 56 tỷ euro (tương đương 90 tỷ đô la Úc). Mọi công việc chuẩn bị đóng những chiếc tàu ngầm đầu tiên với Tập đoàn Hải quân (Naval Group) của Pháp gần như hoàn tất. Tuy nhiên, chính giới Pháp và Naval Group đều “sững sờ” khi nghe tin AUKUS ra đời, còn Mỹ và Anh đã “nẫng” tay trên hợp đồng đóng tàu ngầm “béo bở” nói trên.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hành động của Australia là “sự bội tín”, và là “nhát dao đâm sau lưng nước Pháp”. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia cho rằng, việc hủy hợp đồng với Pháp chẳng qua chỉ là sự thay đổi nhu cầu, do Australia mong muốn sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều mà Pháp không thể đáp ứng, còn Mỹ thì sẵn sàng chuyển giao công nghệ đó cho Australia.

Như vậy, việc phát triển hạm đội tàu ngầm hiện đại cho Australia không chỉ là câu chuyện tin cậy giữa 2 đồng minh thân tín lâu đời Mỹ và Australia, mà còn là sự cạnh tranh giữa Mỹ với một đồng minh thân cận khác là Pháp, để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.

Dường như đã lường trước phản ứng của Pháp, nên trong diễn văn của mình, Tổng thống Biden đã tìm cách xoa dịu phía Pháp. Biden nhấn mạnh rằng, Pháp là quốc gia có sự hiện diện sâu rộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và là một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy thịnh vượng và an ninh khu vực. Biden hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Pháp trong tương lai.

Tuy nhiên, chừng đó là quá ít và quá muộn để xoa dịu đồng minh Pháp. Ngay trong ngày 17/9, Bộ Ngoại  giao Pháp quyết định triệu hồi ngay lập tức Đại sứ của mình tại Canberra và Washington về nước. Le Monde, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, như tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi viết rằng: “Đối với bất kỳ ai còn nghi ngờ, Chính quyền Biden không khác gì Chính quyền Trump về điểm này: “Nước Mỹ trên hết”, dù là trong lĩnh vực chiến lược, kinh tế, tài chính hay y tế. ‘Nước Mỹ trên hết’ là đường lối dẫn dắt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng”.

Điều này gợi nhớ lại quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Mỹ trong giai đoạn 1966-1967, khi nước Pháp của chính quyền Tổng thống De Gaulle “bực tức” về sự “lộng hành” của Mỹ trong NATO, nên đã quyết định trục xuất Tổng hành dinh và các đơn vị của NATO ra khỏi đất Pháp.

Tám, bộ ba Mỹ, Anh và Australia cũng kỳ vọng rằng, sự ra đời của AUKUS sẽ giúp 3 nước thành viên đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh mới, cũng như đem lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ, sự ra đời của AUKUS có thể tạo ra các bất ổn mới trong khu vực. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ theo dõi kỹ các hoạt động của AUKUS, cũng như Nhóm Bộ tứ để có các phản ứng thích hợp. Việc Trung Quốc là tâm điểm của Bộ tứ, AUKUS, hay Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng lại không được các nước liên quan nêu đích danh, là việc làm có chủ ý.

Một là, Mỹ và các nước liên quan không muốn “khiêu khích”, kích động chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Hai là, tuy quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy nhiều hơn về phía cạnh tranh chiến lược, nhưng Mỹ và phương Tây vẫn rất cần thị trường Trung Quốc, cần sự hợp tác của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giết người hàng loạt, kiểm soát đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch…

Tuy nhiên, sự ra đời của AUKUS, và cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn, có thể đưa đến một số hậu quả tiêu cực đối với khu vực, cụ thể là:

Thứ nhất, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới, đầy tốn kém trong khu vực, đặc biệt là việc các nước trong khu vực tìm cách nâng cấp lực lượng hải quân, và “săn lùng” việc sở hữu các thế hệ tàu ngầm mới, hiện đại của Mỹ và các nước phương Tây.

Thứ hai, các xung đột tiềm tàng và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực có thể được “khơi mào” và đẩy lên mức độ mới, cao hơn, nguy hiểm hơn so với trước, như tranh chấp ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, tranh chấp ở Eo biển Đài Loan, ở Biển Đông, rồi căng thẳng trở lại trên Bán đảo Triều Tiên…

Thứ ba, cạnh tranh Trung – Mỹ có thể tạo ra sự bất ổn cho toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như sự phân cực về chính trị ngoại giao trong khu vực, khi một số nước ủng hộ, thân Trung Quốc, còn nhóm nước kia thì ủng hộ Mỹ. Điều này gợi nhớ đến sự phân cực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương những năm 1960-1980, trong giai đoạn cao điểm cạnh tranh Mỹ – Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chín, sự ra đời của AUKUS cho thấy, hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực đang được đẩy rất mạnh theo hướng thể chế hóa, còn nội dung hợp tác thì thực chất hơn.

Về tính chất thể chế hóa, khác với các tổ chức khu vực khác ra đời trong thời gian gần đây, ngày ra đời của AUKUS đánh dấu bằng sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia ba nước Mỹ, Anh và Australia, cùng với bản Tuyên bố chung về sự ra đời của Hiệp định đối tác ba bên.

Ngay trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã đích thân chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đứng đầu nhóm liên ngành của Mỹ, gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng, phối hợp cùng với các đối tác Anh và Australia trong một chương trình kéo dài 18 tháng để đánh giá toàn bộ các vấn đề liên quan: Từ đóng mới tàu chiến, chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, đào tạo nhân lực, vận hành hệ thống chỉ huy, tác chiến, đến việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến IAEA, với mục tiêu giúp Australia sở hữu được hạm đội tàu ngầm tiên tiến một cách tối ưu nhất.

Điều này có nghĩa là trong vòng 18 tháng tới sẽ có rất nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, cũng như các cuộc họp của các quan chức cấp cao giữa ba nước thành viên AUKUS để xử lý các vấn đề liên quan. Đó là chưa kể việc lãnh đạo cấp cao của AUKUS sẽ tận dụng mọi cơ hội để họp cấp cao trực tiếp, bên lề các hội nghị đa phương quan trọng có sự tham gia của ba nước này.

Nội dung hợp tác trong AUKUS không dàn trải, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác họ cần thúc đẩy và có thể đem lại được kết quả trong thời gian ngắn, đó là hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, với trọng tâm là giúp Australia xây dựng được một đội tàu ngầm hạt nhân trong thời gian ngắn.

Ngược về thời gian, trước khi AUKUS ra đời thì hợp tác trong Nhóm bộ tứ cũng được thúc đẩy theo chiều hướng đó. Về mức độ thể chế hóa, trong 13 năm sau khi ra đời, kể từ thời điểm 2007, hợp tác trong Bộ tứ tiến triển rất chậm. Nhưng chỉ trong vòng 9 tháng qua, kể từ khi Biden lên cầm quyền, Bộ tứ đã có được cuộc họp cấp cao đầu tiên (dù dưới hình thức trực tuyến) vào ngày 12/3/2021, và chuẩn bị có cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên tại Washington ĐƯỢC, vào ngày 24/9 tới. Và cũng như AUKUS, lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Bộ tứ đã họp để bàn về hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển lần đầu tiên vào tháng 8/2021 vừa qua.

Đây là những điểm đáng chú ý, cho thấy sự chuyển mình trong cách thức Chính quyền Biden theo đuổi việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới, cũng như cách thức các nước trong khu vực điều chỉnh chính sách cho phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài đang thay đổi nhanh chóng.

Mười, là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ASEAN không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ra đời của AUKUS, sự tăng cường hợp tác của Bộ tứ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mức độ thành, bại của các chiến lược này.

Nhìn trên bản đồ khu vực, ASEAN nằm ở vị trí địa-chiến lược quan trọng, ở tâm điểm của AUKUS, Bộ tứ, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, không ngạc nhiên khi ASEAN được nêu đậm nét trong cả 3 cấu trúc an ninh khu vực mới, đặc biệt là Bộ tứ và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Có ba lý do chính để ASEAN thu hút được sự quan tâm như vậy:

Thứ nhất, về mặt chiến lược, Đông Nam Á và các nước ASEAN án ngữ khu vực địa lý quan trọng, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là giao cắt của các con đường biển quan trọng (nơi có hơn 40% tổng thương mại thế giới đi qua) nên an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á là điều có ý nghĩa tối quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản tấn công chiếm Hoàng Sa và Trường Sa trước, lấy hai quần đảo này làm bàn đạp, từ đó kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển khu vực, và đánh chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chuyện này cho thấy tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực Đông Nam Á và Đông Á ra sao.

Thứ hai, Biển Đông là khu vực đang có những tranh chấp lãnh thổ phức tạp, và là điểm nóng gây bất ổn tiềm tàng. Khu vực này không chỉ liên quan đến lợi ích an ninh sát sườn của các nước tiếp giáp với Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích của các cường quốc biển lớn trên thế giới, trong việc đảm bảo tự do lưu thông và tự do hàng hải, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Thứ ba, ASEAN còn là một thế lực kinh tế và chính trị trong khu vực mà không một cường quốc nào có thể bỏ qua. Với 670 triệu dân, ASEAN hiện là nền kinh tế có tổng GDP đứng thứ 5 thế giới (trên 3.200 tỷ đô la Mỹ), là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với một dân số trẻ (một nửa dân số dưới 35 tuổi).

Về chính trị, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế, diễn đàn khu vực có sự tham gia của tất cả các nước lớn, các trung tâm quyền lực quan trọng trên thế giới như, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Hội nghị cấp cao Đông Á…

Tất nhiên, không phải bây giờ Đông Nam Á mới có vị trí và vai trò quan trọng như vậy. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ, và sự cạnh tranh này đã dẫn tới cuộc chiến tranh nóng trên bán đảo Đông Dương kéo dài từ 1954 đến 1975.

ASEAN hiện nay rõ ràng đã khác trước. ASEAN đã lớn mạnh, trưởng thành hơn, và tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các khác biệt giữa các nước lớn.

Bối cảnh hiện nay cũng có nhiều điểm khác trước, và tính chất cạnh tranh Trung – Mỹ cũng khác xa so với cạnh tranh Xô – Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những điểm ASEAN cần và nên làm để “quản lý rủi ro” tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là:

Một, tích cực can dự nhiều hơn với các nước lớn liên quan, và yêu cầu họ minh bạch hóa càng nhiều càng tốt các ý đồ chiến lược đối với nhau, với khu vực và với ASEAN.

Hai, tăng cường nội lực của mình về mọi mặt, đặc biệt là việc xây dựng lập trường chung đối với các vấn đề an ninh quan trọng và nhạy cảm đối với khu vực.

Ba, tuyệt đối tránh chia rẽ, không để bên ngoài lợi dụng làm suy yếu ASEAN. Muốn vậy, trong nhiều trường hợp, các nước thành viên cần phải đặt lợi ích của cả khối lên cao hơn lợi ích quốc gia của từng nước thành viên./.

CỤC DIỆN MỚI CỦA TPP VÀ BẢN LĨNH  VIỆT NAM

TRẦN VĂN THỌ/ TD 25-9-2021

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) thường được gọi tắt theo tên cũ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) đang bước vào một cục diện mới.

Ngày 16/9/2021 Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập và 6 ngày sau Đài Loan cũng xin gia nhập. Để được chấp nhận là thành viên mới phải được tất cả 11 nước thành viên hiện tại đồng ý.

Vấn đề cả Trung Quốc và Đài Loan đều xin gia nhập TPP đang được dư luận các nước quan tâm. Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Đài Loan xin gia nhập lấy lý do là Đài Loan chỉ là một bộ phận của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật và cả 4 ứng cử viên Đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ (LDP) của Nhật đều tỏ thái độ hoan nghênh Đài Loan (ngày 29/9 sắp tới một trong 4 người sẽ đắc cử và trở thành thủ tướng từ ngày 4 tháng 10).

Về phía Việt Nam, theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao thì Việt Nam rất hoan nghênh Trung Quốc là thành viên và sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để Trung Quốc tham khảo trong quá trình chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu do TPP đưa ra.

Trong những ngày tới chắc chắn Trung Quốc sẽ vận động để Đài Loan không thể tham gia. Chỉ cần một nước phản đối là Trung Quốc sẽ thành công. Trong 11 nước thành viên (Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Nhật, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile) rất có thể Việt Nam sẽ là nước mà Trung Quốc muốn tác động. Việt Nam sẽ phải có thái độ như thế nào?

Nếu hầu hết các nước trong TPP đều đồng ý cho Đài Loan tham gia mà chỉ có Việt Nam phản đối thì rất không hay. Đài Loan có quan hệ kinh tế (đầu tư và mậu dịch) khá mật thiết với Việt Nam. Nếu phản đối Đài Loan, Việt Nam sẽ phải giải thích với cộng đồng quốc tế như thế nào?  Nếu nói là muốn tôn trọng chủ trương chỉ có một Trung Quốc thì trong trường hợp này không có sức thuyết phục lắm và gây ấn tượng là bị Trung Quốc tác động.

Theo tôi Việt Nam không nên phản đối Đài Loan. Việt Nam nên đồng ý cho cả Trung Quốc và Đài Loan tham gia. Việt Nam có thể chủ trương phân ly chính trị và kinh tế mà trường hợp này TPP chỉ là tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong quá khứ đã có hai tiền lệ cả Trung Quốc và Đài Loan đều là thành viên trong tổ chức khu vực hoặc quốc tế. Đó là Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC ra đời năm 1989, cả Trung Quốc và Đài Loan gia nhập năm 1991. WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc gia nhập năm 2001 và Đài Loan năm 2002.

Mong thấy bản lĩnh của Việt Nam trước cục diện mới của TPP.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét