Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

20210918. CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BẮT BUỘC DÙNG CÔNG NGHỆ ĐỂ CHỦ ĐỘNG TẤN CÔNG DỊCH

NGUYỄN THÁI/ VNN 12-9-2021

        Giải pháp triệt để chống Covid là phải chuyển từ phòng ngự sang tấn công, bắt buộc sử dụng công nghệ, xét nghiệm chủ động và vacxin thần tốc.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế điện tử bằng ứng dụng NCOVI, cài ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, vận động người dân quét mã QR để lưu lại “mốc dịch tễ”…

Hiện nhiều tỉnh thành đã tích cực ứng dụng các giải pháp phòng dịch bằng công nghệ được Bộ TT&TT khuyến cáo như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh… 


Bắt buộc dùng công nghệ để chủ động tấn công dịch
Bắt buộc dùng công nghệ để chủ động tấn công dịch

Tại Hà Nội, người dân khi đi, đến (check in, check out) những địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để phục vụ trong công tác truy vết người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone. 

Với Bắc Ninh, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở TT&TT tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc website tokhaiyte.vn.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh rất phức tạp. Để theo dõi toàn diện, tổng thể diễn biến tình hình dịch bệnh và công khai cho toàn dân biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng hệ thống bản đồ số CovidMaps. Sở TT&TT Lạng Sơn đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống bảo đồ số với đầy đủ số liệu cập nhật theo thời gian thực của Sở Y tế Lạng Sơn.

Sử dụng công nghệ bắt buộc để chống dịch

Các nền tảng, giải pháp công nghệ đang hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và người dân chuyển hoạt động lên môi trường mạng đã phát huy tác dụng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua chúng ta có nhiều giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu. Công nghệ kết nối, đồng bộ chưa tốt và nhiều công cụ khi triển khai trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Trong khi đó, quan trọng nhất đối với các giải pháp, ứng dụng CNTT này khi triển khai đều phải được sử dụng thường xuyên, được cập nhật dữ liệu, có kết nối chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã qua 4 lần bùng phát dịch, lần sau to hơn lần trước, cần có những cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm chủ động và nhanh hơn, vacxin thần tốc hơn.

Nếu như trước đây, chúng ta vẫn khuyến cáo, vận động người dân cài đặt các ứng dụng NCOVI, Bluezone, quét mã QR để lưu lại “mốc dịch tễ”… để để phòng chống Covid. Nhưng với mức độ lây lan của dịch bệnh covid hiện nay thì một số công nghệ chủ chốt phải bắt buộc sử dụng để chặn sự lây lan của dịch bệnh và hỗ trợ truy vết.

Sau khi người dân khai báo, cập nhật thông tin trên các ứng dụng này thì dữ liệu phải được xử lý tập trung và liên thông giữa các ứng dụng. Khi nguồn dữ liệu được thu thập càng nhiều thì việc truy vết càng nhanh và chính xác, giúp phát hiện sớm các nguy cơ để không phải cách ly diện rộng.

Bên cạnh đó, phần mềm viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh có thể dùng chung, 700 huyện có thể dùng chung, hàng chục ngàn các xã, các tổ dân phố có thể dùng chung, dễ sử dụng để nhân viên nhân viên truy vết ở các địa phương có thể dùng.

Thực tế, một số người dân có thể lo lắng về dữ liệu cá nhân của mình được bảo vệ như thế nào để tránh các rủi ro. Vì vậy, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ có thể được xoá để người dân yên tâm khai báo thông tin.

Nhiều giải pháp công nghệ cho phòng, chống Covid

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Theo đó, để chống dịch bằng công nghệ, các địa phương cần thực hiện kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Các giải pháp này bao gồm việc triển khai cài đặt. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp. Các smartphone được cài đặt ứng dụng này có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu, từ đó phục vụ việc truy vết ca nhiễm và các ca nghi nhiễm có tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, các giải pháp công nghệ như ứng dụng Bluezone chỉ có thể đạt hiệu quả cao nếu được hơn 60% dân số sử dụng.

Bên cạnh đó, ứng dụng NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện do Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp cùng VNPT và các doanh nghiệp viễn thông trong nước xây dựng và phát triển với mục tiêu cho phép người dân khai báo thông tin y tế đồng thời tiếp cận được các thông tin nhanh chóng về dịch bệnh Covid – 19. Ứng dụng sẽ là cây cầu nối giữa người dân và các cơ quan y tế nhằm kiểm soát tốt hơn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Người dân sử dụng ứng dụng NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.

Ngoài 2 ứng dụng trên, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VietNam Health Declaration. Theo yêu cầu của Việt Nam, tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng này. Việc khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng này là bắt buộc. Các thông tin khai báo sẽ giúp cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian gần đây, Việt Nam đang sử dụng thêm một giải pháp khác là check in để lưu lại mốc dịch tễ bằng mã QR. Với biện pháp này, người dân cần quét mã QR để check in mỗi khi đến các địa điểm công cộng. Trong trường hợp một người được xác định dương tính với Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lịch sử quét mã QR của người đó để lọc ra các “mốc dịch tễ” mà bệnh nhân đã tham gia hoặc đi đến trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát bệnh.

Hiện Việt Nam đã xây dựng thêm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps). Bản đồ cung cấp thông tin dịch tễ Covid-19 giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Người dân có thể xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cũng đã yêu cầu các khu cách ly tập trung phải có camera đủ để giám sát người được cách ly thực hiện những biện pháp phòng chống dịch Covid-19; các camera này phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ TT&TT chỉ định. Đây là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc.

Hiện Việt Nam cũng đã có phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm, kết hợp với phần mềm thu thập số liệu người đến bệnh viện. Từ hai dữ liệu này có thể phát hiện ra bệnh viện có bệnh nhân F0 đến khám.

Mới đây, Bộ TT&TT vừa đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly. Vòng đeo tay được phát triển hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm, pin có thời gian 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện phá hoại hoặc ra khỏi vùng cách ly.

Trên đây là những giải pháp công nghệ để hỗ trợ cho Chính phủ và các địa phương phòng chống dịch Covid. Nếu những ứng dụng này được đông đảo người dân sử dụng sẽ tạo ra lá chắn mạnh mẽ chống đại dịch hiệu quả.

Nguyễn Thái

APP COVID: SAO KHÔNG TẬN DỤNG KHO DỮ LIỆU CÓ SẴN

SONG NGHI/ KTSG 18-9-2021

(KTSG) – Quản lý phòng chống Covid-19 bằng nền tảng công nghệ thông qua các ứng dụng (app) là điều tất yếu phải làm. Yếu tố cốt lõi nhất của loại app Covid này là vấn đề đầu vào của dữ liệu phải bảo đảm chính xác và đồng nhất. Điều này đã bị xem nhẹ khi thiết kế dẫn đến tình trạng phải nhập liệu những thông tin vốn đã có sẵn vừa phiền phức, vừa dễ bị sai sót.

Trong khi đó, các kho dữ liệu có sẵn và chính xác như thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) thì lại bị bỏ qua không được dùng đến hết sức lãng phí.

Điển hình nhất của việc nhập thông tin thủ công là Cổng thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19. Theo quy trình hiện tại, người dân đi tiêm ngừa Covid-19 phải điền thông tin viết tay vào phiếu khám sàng lọc. Sau khi tiêm xong, nhân viên đội tiêm chủng phải nhập liệu từ phiếu vào hệ thống vừa mất thời gian, vừa dễ sai sót trong quá trình nhập liệu.

Không lâu nữa, thông tin về việc tiêm vaccine và dữ liệu của người bị nhiễm Covid và đã khỏi sẽ được xem là “thông hành vaccine” cho phép người dân ít bị hạn chế hơn trong bối cảnh mở cửa kinh tế trở lại. Thế nhưng, cho đến thời điểm giữa tháng 9 này vẫn chưa có một hệ thống dữ liệu chính xác cho hai mục thông tin nói trên.

Trong khi app “Sổ sức khỏe điện tử” tích hợp với Cổng thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế vẫn còn phải sửa chữa liên tục thì mới đây lại thêm một app khác là VNEID tích hợp với hệ thống Khai báo di chuyển nội địa của Bộ Công an được công bố với những tính năng tương tự nhưng lại chưa có dữ liệu.

App phục vụ cho người dân hay cơ quan quản lý?

Với bất cứ một hệ thống công nghệ nào, trước khi bắt tay vào làm đội thiết kế phải xác định chính xác mục đích của hệ thống là gì, phục vụ cho nhu cầu gì và nguồn dữ liệu lấy từ đâu.

Với ba câu hỏi này, khi áp vào thông tin giới thiệu khi ra mắt app VNEID thì có thể thấy phần giải đáp không được khớp và có lẽ là app này để phục vụ mong muốn của cơ quan quản lý là chính.

Mục tiêu của VNEID được nêu ra là để quản lý việc đi lại của dân cư thông qua khai báo di chuyển nội địa, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2, tiêm vaccine, xét nghiệm…

Với mục tiêu truy vết thì tại rất nhiều nước trên thế giới, các ứng app truy vết tiếp xúc (contact tracing) hầu như không còn được dùng đến vì không có tác dụng. Trên thực tế ở Việt Nam, app truy vết điển hình là Bluezone thì tính năng truy vết không còn tác dụng vì thiếu dữ liệu đầu vào.

Chưa kể việc quản lý đi lại giữa vùng xanh/vùng đỏ cũng không đơn giản vì thông tin trên app VNEID dựa theo địa chỉ trên căn cước công dân/chứng minh nhân dân (CCCD/CMND), trong khi người dân có thể sinh sống ở nơi khác. Như vậy, một người có địa chỉ ở “vùng xanh” nhưng thực tế lại đang sống trong “vùng đỏ” sẽ vẫn thoải mái đi lại do hệ thống vẫn xem người này “đang an toàn” vì app không thể có được thông tin cư trú thực tế của người dân.

Hiệu quả của việc truy vết của VNEID cũng cần xem lại vì cách nhập liệu vẫn thủ công, số ghi nhận được không đáng kể và không có tác dụng vì ngành y tế hiện nay chỉ tập trung quản lý F0. Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an địa phương đã thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống, trong đó có 6.355 trường hợp F0; 5.063 trường hợp F1; 6.954 trường hợp F2; 1.114 trường hợp F3 lên hệ thống (*).

Cuối cùng là vấn đề nguồn dữ liệu đầu vào cũng không ổn. Dù được giới thiệu “VNEID kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – tức thông tin về CCCD/CMND – để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân” nhưng kết quả thực tế khi cài đặt cho thấy không phải như vậy.

Hôm 11-9, khi người viết bài này khi tạo tài khoản trên VNEID thì dù đã khai báo số CCCD/CMND, app vẫn không trả ra kết quả gì liên quan đến số CCCD/CMND như họ tên, ngày tháng năm sinh… là những trường (field) dữ liệu tối thiểu không thể thay đổi và gắn liền với số CCCD/CMND. Tất cả thông tin cá nhân vẫn phải nhập lại và không thấy cơ chế kiểm soát đối chiếu nào từ app xuống hệ thống xem dữ liệu nhập vào có chính xác hay không.

App VNEID còn hạn chế là không thể khai báo trong mục “khai hộ” cho trẻ em dưới 14 tuổi vì bắt buộc phải điền số CCCD/CMND vì đây là một trường dữ liệu bắt buộc. Tuy nhiên, khi người viết bài nhập thông tin trên mục khai hộ và… ghi đại số CCCD/CMND là 12345 cho một người sinh năm 2010 thì hệ thống vẫn chấp nhận. Như vậy, app không phát hiện được dữ liệu nhập vào không đúng quy định, dữ liệu bị sai về mặt logic như số CCCD/CMND chỉ có 5 số (thay vì 9 đến 12 số) hoặc người sinh năm 2010 lại có CCCD/CMND.

Một băn khoăn rất lớn khác là cho tới thời điểm này, khi đã công bố chính thức thì vẫn chưa rõ VNEID sẽ lấy các dữ liệu về chích ngừa, xét nghiệm Covid-19 và người nhiễm Covid-19 đã khỏi ở đâu để đưa vào hệ thống. Một khi chưa có những dữ liệu này, làm sao có thể dùng app này cấp “thẻ xanh, thẻ vàng” như cơ quan quản lý đã nêu ra?

Trong khi tất cả các tính năng mà app VNEID hướng tới mà chưa có thì app “Sổ sức khỏe điện tử” lại có sẵn, dù dữ liệu về tiêm vaccine chưa đầy đủ và chưa có dữ liệu của người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. App này cũng có đầy đủ tính năng khai báo y tế và tạo QR code cá nhân.

Cần làm gì để sớm có “thông hành vaccine” cho người dân?

Trong tuần qua, chính quyền TPHCM công bố sẽ áp dụng thí điểm “thông hành vaccine” cho người đã chích ngừa Covid-19 một mũi hoặc hai mũi, người đã nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh. Đây là một quyết định phù hợp với xu thế sống chung với dịch cũng đang được nhiều nước áp dụng gần đây.

Vì vậy, đây là lúc cần dồn sức tập trung nguồn lực để phát triển hoàn thiện một app Covid quốc gia với các tính năng như khai báo y tế – đi lại, chích ngừa, xét nghiệm, quản lý cách ly… để cấp “thông hành vaccine” cho người dân. Ngoài ra, cần rà soát để loại bỏ hết những app hiện tại trùng lắp tính năng hay không còn cần dùng như Bluezone, Ncovi, Covid-19 và một số app địa phương khác…

Để tập trung phát triển một app Covid quốc gia đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân, phải tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có đó là số thẻ BHYT. Thay vì phải nhập liệu thủ công, app Covid quốc gia sẽ kết nối – chẳng hạn qua giao diện API (**) – với cơ sở dữ liệu về BHYT. Đây là thông tin đã được kiểm chứng đầy đủ và chính xác, số người có thẻ BHYT rất nhiều vì ngoài những người đang có hợp đồng lao động thì còn có thêm trẻ em từ lớp 1 đến lớp 12, người về hưu và người dân tự mua.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31-12-2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT. Đây là dữ liệu có độ chính xác cao và sẵn có nhưng đã bị bỏ qua không được dùng tới.

Khi hệ thống liên thông được với dữ liệu của thẻ BHYT, người dân khi đi tiêm chủng, xét nghiệm chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT là sẽ có đủ thông tin cá nhân như họ tên, số CCCD/CMND, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú… và nhân viên y tế không phải lọ mọ nhập lại vừa mất thời gian, vừa dễ sai sót như hiện nay.

Một khi đã tận dụng được nguồn dữ liệu sẵn có và chính xác của dữ liệu thẻ BHYT, việc cập nhật thông tin chích ngừa sẽ chỉ cần 2-3 cái nhấp chuột và kết quả sẽ có ngay khi người chích đi về thay vì phải chờ đợi vài ngày mới có kết quả hay bị sai thông tin phải liên hệ đính chính một cách vất vả như hiện nay.

(*) https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/su-dung-ung-dung-vneid-de-khai-bao-y-te-va-di-chuyen-noi-dia-truoc-khi-qua-chot-kiem-soat-1491884005
(**) API (Application programming interface): Giao diện lập trình ứng dụng cho phép dữ liệu trao đổi qua lại giữa các hệ thống.

ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐÃ LÀM LỘ ĐIỂM YẾU CỐT TỬ CỦA TA VỀ DỮ LIỆU

PGS. TRƯƠNG QUANG THÔNG*/ KTSG 18-9-2021

(KTSG) – Các quyết định liên quan đến phòng chống dịch của chúng ta trong hơn ba tháng qua đã cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán và thậm chí là vụng về trong một số trường hợp. Đó là hệ quả khó tránh khỏi khi mà các quyết định được đưa ra vẫn ít nhiều nặng về cảm tính và suy đoán.

Đi chợ hộ ở ngoại thành TPHCM trong những ngày shipper không được hoạt động. Ảnh: N.K

Nhìn từ Pháp rồi nhìn tới Việt Nam

Cách đây bảy năm, nhân chuyến công tác, tôi đi cùng chuyến bay với con gái tôi sang Pháp để học tại một trường đại học ở Paris. Cũng nhờ đó mà tôi có điều kiện ít nhiều chăm lo, hỗ trợ con trong những ngày đầu tiên hòa nhập với xứ người, từ việc khai báo cư trú, mở tài khoản ngân hàng, ghi danh hành chính tại trường, ký hợp đồng mua điện, thuê bao Internet, đăng ký vé xe công cộng, và đặc biệt là xin trợ cấp tiền thuê nhà (CAF – Caisse d’Allocation Familiale) từ Chính phủ Pháp. Gần như tất cả các thủ tục, quy trình có liên quan đều khai báo trực tuyến. Một khi khai báo đã hợp lệ, thì công việc cứ thế mà tiếp tục… trực tuyến.

Tôi đặc biệt ấn tượng (và đương nhiên rất hài lòng) với khoản phúc lợi trợ cấp cho thuê nhà, áp dụng cho cả du học sinh nước ngoài. Gần như 100% khai báo trực tuyến, không hao tốn giấy tờ bản này bản kia, như cái kiểu hầu hết cái gì cũng phải sao y công chứng ở xứ ta. Sau đó, hàng tháng con tôi đều đặn nhận được khoảng gần 300 euro trợ cấp tiền thuê nhà. Đặc biệt, trong năm 2020, con tôi còn nhận được 200 euro hỗ trợ do đại dịch Covid-19 từ CAF mà chẳng cần khai báo, làm đơn này đơn nọ với ai cả.

Gần hai năm qua, cả thế giới đang phải đối phó với một mối đại họa thực sự “vô tiền khoáng hậu”, đó là đại dịch Covid-19. Không thể kể hết những tác động to lớn của nó đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, đối với hệ thống dịch vụ y tế, an ninh trật tự, các vấn đề xã hội, và cả đến thói quen sinh hoạt, lối sống nói chung, đặc biệt là lối sống tại các đô thị lớn, chính là những nơi mà Covid-19 hoành hành khủng khiếp nhất.

Trong bối cảnh khủng hoảng đó, mô hình đô thị thông minh (smart city), trong chừng mực nào đó, đã có được cơ hội để thể hiện là một mô hình mang tính chiến lược, bằng việc tận dụng các nguồn lực hạ tầng công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội nêu trên.

Việc xây dựng mô hình đô thị thông minh giúp cuộc sống của các cư dân được thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn, hiện đại hơn, và cũng bình an – bền vững hơn; giúp các hoạt động quản trị quốc gia, quản trị đô thị được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Những gì mà cư dân TPHCM, thành phố lớn nhất Việt Nam, đã trải qua và chiêm nghiệm trong những đợt dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020, nhất là đợt dịch thứ 4 này, rất đáng để chúng ta dành chút thời gian để suy gẫm nhiều hơn về những gì đã, đang và chuẩn bị cho một mô hình đô thị thông minh mà chúng ta đã dày công chuẩn bị lâu nay.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, những sự tận tụy của các tổ chức thiện nguyện, các đoàn thể; những sự dấn thân và hy sinh của rất nhiều cá nhân trong tiến trình đối phó với đại dịch Covid-19.

Nhưng một số vấn đề mà chúng ta khá dễ dàng nhận thấy trong thời gian hơn ba tháng qua, đó là sự lúng túng, sự thiếu nhất quán, thậm chí đó là sự vụng về trong một số trường hợp quyết sách và thực thi, từ cách thức ra quyết định cách ly người nhiễm, phong tỏa các ổ dịch, nguyên tắc làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường…” đến vấn đề phân phối hàng thiết yếu…

Do thiếu dữ liệu và thiếu thông tin hay là do gì?

Một lý giải phổ biến về nguyên nhân của những vấn đề nêu trên là do thiếu dữ liệu, và thiếu kém sự phối hợp.

Thiếu dữ liệu cho hoạt động dự báo mức độ lây lan, cao điểm của dịch bệnh…

Thiếu dữ liệu cho các hoạt động tác nghiệp và kiểm tra, giám sát hàng ngày như quan sát dịch chuyển dân cư, giám sát điều tra dịch tễ, ước lượng nhu cầu thực phẩm, giấy thông hành cho shipper…

Thiếu dữ liệu cho các hoạt động phối hợp. Chẳng hạn, bất chợt yêu cầu các shipper phải xét nghiệm theo tần suất 1 lần/ngày mà chưa hình dung, tính toán bao nhiêu lực lượng con người và vật chất có thể cáng đáng nổi việc xét nghiệm này; triển khai lực lượng quân đội hỗ trợ nhưng không biết là trong lực lượng đó, có bao nhiêu phần trăm tương đối thông thạo phố xá, ngõ ngách Sài Gòn, hay đã biết… đi chợ hay chưa; các tổ chức thiện nguyện làm sao có được thông tin để tiếp cận đúng lúc hơn, đúng người hơn, đúng nhu cầu hơn.

Do thiếu dữ liệu, thông tin, do hạn chế trong việc điều phối phối hợp, nên những thay đổi, thiếu nhất quán thường là hiển nhiên.

Thế nhưng, lại thêm một câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thực sự thiếu dữ liệu hay không? Trong bối cảnh câu chuyện tản mạn này, có lẽ vấn đề trên liên quan nhiều hơn đến các hoạt động chính quyền đô thị theo định hướng mô hình đô thị thông minh, trong đó các nội dung sát sao nhất đó là cơ sở hạ tầng dữ liệu thông minh và cách điều hành thông minh của chính quyền đô thị.

Là chúng ta chưa biết cách hay chưa chịu khai thác?

Với những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua với mô hình chính phủ điện tử, có thể nói, các cơ quan công quyền của chúng ta đã thu thập được một khối lượng dữ liệu to lớn. Mã số định danh cá nhân, mã số bảo hiểm sức khỏe cá nhân, mã số thuế cá nhân, và rất nhiều kiểu mã số dữ liệu khác, kể cả dữ liệu từ các tổ chức mang tính cách tư (chẳng hạn từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm) nếu như chúng ta biết cách khai thác chúng thì đó là một nguồn tài nguyên thông tin vô cùng quý giá để chúng ta sử dụng, khai thác phục vụ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này.

Vẫn còn xảy ra không ít trường hợp bất cập, khập khiễng khác, kiểu như người dân đã tự nguyện khai báo y tế điện tử nhưng rốt cuộc vẫn phải khai báo trên giấy; thay đổi liên tục, hay sử dụng không nhất quán các kiểu khai báo y tế, khai báo dịch chuyển khác nhau; phát phiếu đi siêu thị thay vì về kỹ thuật, có thể khá dễ dàng chuyển nó vào ứng dụng (app) nào đó… Chính quyền, đoàn thể gần như theo một công thức cứu trợ, kiểu “combo” như “gạo – mì gói – rau củ – nước chấm – trứng”, cho nên, đơn cử, một hiện tượng phổ biến là người dân các khu cách ly thường nhận được rất nhiều gạo và mì gói.

Có những gia đình trong một tháng cách ly tại chỗ nhận đến 40-50 ki lô gam gạo, hàng 5-7 thùng mì gói. Gạo, mì gói vẫn rất đáng quý trong những lúc khó khăn, ngặt nghèo, nhưng người bị cách ly, đặc biệt là người bệnh, còn cần những nhu cầu dinh dưỡng không thể thiếu khác như thịt, cá, sữa…

Thiếu dữ liệu, trong những trường hợp kiểu này, phần lớn đến từ việc thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, thiếu tính tích hợp với nhau. Cùng phục vụ cho dịch vụ công, những dữ liệu công (theo nghĩa rộng) đáng lý ra phải tích hợp từ những dịch vụ công riêng lẻ đã được thu thập, nhưng chúng lại được lưu giữ theo kiểu “cát cứ”.

Chiến lược xây dựng các nền tảng về dữ liệu

Trong tuần lễ đầu tháng 9-2021, công an TPHCM đã bắt đầu lắp 100 camera tại các chốt kiểm soát, giúp quét nhanh chóng mã QR tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc làm này là một khắc phục đáng hoan nghênh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi qua các chốt và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng kiểm soát.

Mô hình sử dụng camera quét mã QR gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ khác. Đó là những chiến lược dài hạn trong việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu phục vụ việc quản trị công, cung ứng dịch vụ công. Điều này thật sự quan trọng trong việc điều hành nhịp nhàng, hiệu quả những đô thị thông minh, chứ chúng ta không nên chỉ xem đó là những giải pháp tình huống, tạm thời. Đó chính là chiến lược xây dựng các nền tảng (platform) để thu thập, tồn giữ, kết nối, tích hợp sử dụng các dữ liệu, một cách tập trung, thống nhất, ở tầm cỡ quốc gia.

Các tỉnh, thành Việt Nam đã tốn rất nhiều ngân sách để thiết kế, triển khai các mô hình chính quyền điện tử, vốn thường được ca ngợi như những đột phá trong cải cách hành chính. Thế nhưng, việc tích hợp tất cả những dữ liệu từ “chính quyền điện tử”, thông qua các giao diện kỹ thuật số (dashboard) ở quy mô tỉnh, thành, hay là cao hơn, đáng kỳ vọng hơn, ở cấp quốc gia, vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Đơn cử một vấn đề khá lúng túng mà các tỉnh, thành đang đối phó trong lúc đang chuẩn bị trở lại trạng thái “bình thường mới” vào giữa tháng 9-2021, là khi nào chúng ta có chung một mẫu giấy thông hành thống nhất, với các dữ liệu điều kiện xuất phát từ một dashboard thống nhất, thay vì mỗi địa phương lại có những kiểu giấy thông hành riêng, thậm chí có tính cách phân biệt với nhau?

Nếu năng động, dám nghĩ dám làm thì sẽ khác

Chúng ta vẫn còn những khó khăn trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng liên quan đến thu thập, tích giữ, xử lý, tích hợp thông tin. Các nền tảng nói ở trên là một dẫn chứng.

Về lý thuyết, đó là những cơ sở hạ tầng “cứng”. Thế nhưng, nhiều khi, và có lúc, điểm yếu của chúng ta lại nằm ở cơ sở hạ tầng “mềm” – bao gồm xã hội, nguồn lực con người, sự tham gia, thái độ của người dân, doanh nghiệp, và đặc biệt là các thành tố con người của một chính quyền đô thị như các công chức, viên chức, lực lượng thi hành công vụ, trong mối quan hệ, tương tác với cơ sở hạ tầng “cứng” như trên.

Một hạ tầng “cứng” chưa thực sự hoàn hảo, nhưng với một hạ tầng “mềm” năng động, dám sáng tạo (mà không ngại đụng chạm), dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, quyết định cá nhân, rất có thể mang đến những giá trị lớn lao. Âu đó cũng là những đức tính cần thiết của những con người thông minh trong một đô thị thông minh vậy.

Mới gần đây thôi, giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” về việc “đi chợ” trong thời gian giãn cách, Grab Việt Nam đã chủ động đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong khu vực shipper không hoạt động. Một động thái xét khách quan thì rất đáng hoan nghênh, thế nhưng, chỉ sau một, hai ngày, đề xuất đó đã chìm vào quên lãng. Nghe nói, cũng trong bối cảnh Covid-19 hiện tại, chính quyền nhiều thành phố ở Indonesia đã chủ động kết nối với Grab, Gojek để cùng nhau phối hợp trong việc đảm bảo thông suốt lưu thông hàng hóa, thực phẩm trong những thời điểm khó khăn nhất.

Gần đây, lúc gửi tin nhắn, gọi điện thoại hỏi thăm nhau, thấy bạn bè, người thân sử dụng ngày càng nhiều hơn câu “mua đồ có được không?”. Một kiểu thăm hỏi mang tính dân gian trong mùa Covid như trên bất giác làm tôi ngẫm nghĩ nhiều điều cần phải làm nhiều hơn, thực tế hơn, trong viễn cảnh Sài Gòn chúng ta đang phấn đấu trở thành một đô thị thông minh trong tương lai.

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét