Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

20210920. QUANH CHUYỆN CHÙA CHIỀN, LĂNG MỘ, TƯỢNG ĐÀI

ĐIỂM BÁO MẠNG

40 NĂM THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM: 20 NĂM 
XẺ NÚI XÂY CHÙA

VĂN TÂM/TD 16-9-2021

Núi rừng bị cào nát lớp áo xanh. Nhu cầu tâm linh có thực sự lớn đến thế?

Vào năm 1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam nói rằng: “Thật là vô lý khi suốt một đời người từ tấm bé đến lúc già nua chỉ mặc có một chiếc áo mà cũng vừa và hợp thời trang hay sao? Đạo Phật là đạo của khế cơ khế lý mà lại đứng yên một chỗ, một hình thái thì thật là kỳ cục và chỉ đưa đến sự hủy diệt mà thôi.” [1]

40 năm sau, không chỉ các nhà sư của giáo hội được thay áo mà núi rừng Việt Nam cũng bị cào nát lớp áo xanh.

Năm 2003, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình được xây dựng trên một sườn núi với tổng diện tích 539 ha. [2] Chùa rộng đến mức nhà chùa phải chi 10 tỷ đồng mỗi năm để thắp sáng. [3]

Năm 2021, khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang vừa đón khách vừa tiếp tục được xây dựng. Khu du lịch sẽ giúp du khách khám phá cuộc đời của vua Trần Nhân Tông. Để có trải nghiệm khám phá này, phải đánh đổi 136 ha đất sườn núi. [4]

Những ngôi chùa khổng lồ là kết quả của một cuộc đua bất tận giữa nhà sư với nhà sư, tỉnh với tỉnh, doanh nhân với doanh nhân. Cuộc đua này đã bắt đầu từ khi nào? Có thật là nhu cầu sinh hoạt Phật giáo của người dân lớn đến mức phải xẻ núi xây chùa?

Cuộc đua bất tận

Khu vực thi công chùa Minh Đức tại núi Thiên Mã, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9/2019 (ảnh lớn) và khu vực này lúc mới thi công (ảnh nhỏ). Ảnh lớn: Báo Giác Ngộ. Ảnh nhỏ: Nguyen John/ Youtube

Cách thành phố Đà Lạt 8 km về phía Trại Mát, chùa Linh Phước có ngọn tháp cao bảy tầng với vô số mảnh sành sứ sặc sỡ ghép lại sẽ làm bạn chú ý ngay lập tức. Sau khi tham quan bảo tháp chất đầy cả trăm tượng Phật Bà Quan Âm cao 3 mét giống hệt nhau của nhà chùa, tôi dừng lại ở tấm bảng in lời kêu gọi quyên góp xây dựng một ngôi chùa khác của vị trụ trì chùa.

Vị trụ trì này là Thượng tọa Thích Tâm Vị, Phó trưởng ban Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Ngôi chùa dự định xây là ngôi chùa thứ tư của ông. Ngoại trừ chùa Linh Phước, ba ngôi chùa còn lại đều được xây dựng trên những ngọn đồi.

Năm 1993, Thượng tọa Tâm Vị xây dựng chùa Linh Ẩn trên một quả đồi rộng 4 ha. Chùa có tượng Phật Bà Quan Âm cao 71 mét, được cho là cao nhất Việt Nam. [5] Năm 2014, ông xây dựng chùa Linh Bửu cũng trên một ngọn đồi. [6]

Giờ đây, ông hướng tới ngôi chùa lớn nhất của mình. Ngôi chùa có tổng diện tích 100 ha được đặt theo tên sư phụ của ông – Hòa thượng Thích Minh Đức.

Cây cối ở núi Thiên Mã (núi Ngang), tỉnh Quảng Ngãi đã được san phẳng để nhường chỗ cho chùa Minh Đức. [7] Tấm bảng quyên góp giới thiệu về nơi xây dựng chùa: “… cảnh trí xanh đẹp tuyệt vời, dường như Phật đã định nơi đây là thánh địa để dành làm chùa và sứ mạng cho chúng tôi gánh vác.”

Ở Ninh Bình, chùa Bái Đính không dừng lại ở 539,2 ha được cấp ban đầu. Năm 2010, sau hơn hai năm khánh thành, ngôi chùa này được mở rộng thêm 424,8 ha đất. [8]

Ở Nghệ An, chính quyền huyện Diễn Châu bắt đầu xây dựng quần thể văn hóa tâm linh đền Cuông rộng 130 ha vào năm 2018. Năm 2020, một ngôi chùa trong quần thể bị phát hiện là được xây dựng trên 4,8 ha đất rừng phòng hộ. [9]

Xây chùa giờ đây là cuộc đua bất tận về số lượng, khối lượng và độ cao của những bức tượng, điện thờ. Chùa Minh Đức khi khánh thành sẽ vượt mặt chùa Bái Đính về độ cao của chánh điện, 37 mét so với 34 mét. Chùa Minh Đức cũng sẽ thay thế chùa Linh Ẩn, tỉnh Lâm Đồng về nơi có tượng Phật Bà Quan Âm cao nhất, 125 mét so với 71 mét.

Cuộc đua bất tận đó không chỉ tốn những quả đồi. Chùa Bái Đính đã dùng 900 mét khối gỗ tứ thiết để dựng cột cho Điện thờ Phật Bà Quan Âm. Tam quan và hành lang ngôi chùa dài đến ba cây số (dài nhất Việt Nam) được dựng toàn bộ bằng cột gỗ. [10] Chùa tốn đến 3 tỷ đồng/ năm chỉ để chống mối mọt cho hàng nghìn chiếc cột, cửa bằng gỗ. [11]

Sự nghiệp mới của nhà sư

Tượng Phật Thích Ca cao 73 mét tại Chùa Phật Quốc Vạn Thành ở tỉnh Bình Phước được xem là cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: CTV/ Thanh Niên

Đi chùa là hoạt động phổ biến vào những ngày Tết. “Tết có thể nghỉ cả tháng để đi chùa mà vẫn không hết các ngôi chùa ở miền Bắc”, Linh, một tài xế taxi ở Hà Nội, nói với tôi.

Linh nói người ta đi chùa vừa để cầu xin thần phật về những điều mong muốn trong năm mới, vừa tham quan cho vui mắt vì “những ngôi chùa ngoài đây to lắm”, đường đi lại cũng thuận tiện.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bao nhiêu ngôi chùa và mỗi năm có bao nhiêu ngôi chùa được xây mới vẫn còn là một bí ẩn.

Một số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ được các tờ báo của giáo hội trích dẫn nhiều lần trong 10 năm qua cho thấy độ tương phản lớn giữa số lượng tăng, ni và chùa chiền. Theo đó, vào năm 2010, Phật giáo có 14.775 cơ sở thờ tự, 44.498 tăng ni, tức là trung bình cứ ba tăng, ni thì sẽ có một ngôi chùa. [12]

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Trụ trì chùa Bái Đính, cho rằng việc xây dựng chùa to là do nhu cầu tâm linh đang gia tăng của người dân, đặc biệt là giới trẻ. [13]

Tuy nhiên, giáo hội liệu có thực sự nắm được nhu cầu tâm linh của người dân trong khi còn chưa biết rõ mình có bao nhiêu tín đồ? [14]

Ba cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở gần nhất (1999, 2009, 2019) của Tổng cục Thống kê cho biết sau 20 năm, số tín đồ Phật giáo đã giảm 35% còn 4,6 triệu tín đồ, đứng thứ nhì sau Công giáo. [15] Nếu dùng số lượng các ngôi chùa vào năm 2010 để ước tính thì cứ trung bình khoảng 300 tín đồ sẽ có một ngôi chùa.

Khu vực thi công Dự án tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào năm 2019 (ảnh lớn) và khu vực này trước khi thi công (ảnh nhỏ). Ảnh lớn: Vietnamnet. Ảnh nhỏ: Quang Định/ Tuổi Trẻ

Năm 2019, khu du lịch tâm linh Lũng Cú phải tạm dừng thi công theo yêu cầu của tỉnh Hà Giang sau khi băm nát một nửa quả núi cách cột cờ Lũng Cú khoảng 500 mét. [16] Ngôi chùa được xây dựng tại nơi mà đa số người dân theo đạo Tin lành và Công giáo. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, toàn tỉnh Hà Giang chỉ có 182 người theo Phật giáo. [17]

Nhà nước và nhà chùa trước nay không thừa nhận sự tồn tại của việc kinh doanh tâm linh. [18] Thực tế chứng minh điều ngược lại.

Những chùa chiền khổng lồ kéo theo một lượng khách tham quan rất lớn. Năm 2012, chùa Bái Đính khởi công khu giữ xe rộng 150 ha, có thể chứa 10.000 xe máy, 5.500 xe ô tô. [19] Khu di tích Phật giáo Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh với nhiều công trình xây dựng thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. [20]

Các chùa chiền khổng lồ tạo ra một phong cách sinh hoạt Phật giáo chưa từng có trước đây. Nhiều nhà sư giờ đây đang dấn thân vào ngành du lịch đầy hấp dẫn.

Vì sao có những ngôi chùa khổng lồ?

Khi tượng vua Trần Nhân Tông khổng lồ vừa được khánh thành tại Yên Tử, tôi là một trong các du khách lên tham quan.

Tại chùa Đồng trên đỉnh của dãy Yên Tử, du khách thường chỉ thắp nhang và cầu xin vắn tắt. Nhưng ngày hôm ấy có một gia đình mang hoa quả, vàng mã lên cúng tại đây. Sau khi đã bày biện hoa quả, một người đàn ông trong gia đình này lấy ra một tờ giấy A3 đọc rất lớn những điều mà ông cầu xin cho gia đình, bao gồm sự thăng quan tiến chức của ai, đang làm việc tại cơ quan nào của nhà nước.

Hình ảnh khấn vái của người đàn ông này trước một di tích Phật giáo nói lên rất nhiều thứ về cuộc đua xây chùa của những nhà sư.

Vào những năm 1990, hoạt động tâm linh trỗi dậy mạnh mẽ sau hơn một thập niên bị cấm đoán. Tuy nhiên, hoạt động sôi nổi này không diễn ra tại các ngôi chùa mà tại những ngôi đền thờ theo tín ngưỡng dân gian. Nổi bật trong số này là đền Bà Chúa Xứ ở núi Sam, tỉnh An Giang, hay các ngôi đền thờ Mẫu ở miền Bắc.

Người dân hành hương đến các ngôi đền rất xa nhà để cầu xin cho công việc làm văn, và trả lễ cho vị thần thánh ấy nếu linh nghiệm – một việc mà Phật giáo cho là mê tín dị đoan.

Theo giáo sư Philip Taylor, vào cuối những năm 1980, chính quyền đã khám phá ra việc thờ cúng thần linh là quan trọng và phổ biến, có khả năng gắn kết người dân, đại diện cho quốc gia, giải mã về lịch sử, thể hiện văn hóa của đất nước. [21] Nói chung, nhà nước nhìn nhận hoạt động tâm linh sẽ góp phần thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để người dân trung thành với đất nước trước làn sóng toàn cầu hóa.

Từ quan điểm trên, các hoạt động thờ cúng thần linh, cầu xin tài lộc được công nhận là nhu cầu tâm linh chính đáng.

Đầu những năm 1990, các đền thờ đã được mở cửa trở lại. Nhiều ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Số lượng các đền thờ được công nhận tăng từ 1.659 ngôi đền năm 1994 lên 2.500 vào năm 2002. [22]

Việc xây dựng những ngôi chùa khổng lồ ở những nơi xa xôi và quảng cáo là hành hương tâm linh có lẽ đã được học hỏi từ các hoạt động tâm linh nở rộ vào những năm 1990. Việc trả lễ chùa sau khi cầu xin Đức Phật không phải là một nghi thức của Phật giáo, tuy nhiên, giờ đây việc này đã trở thành thói quen phổ biến.

Một nhà sư chùa Viên Giác, TP. Hồ Chí Minh phát sớ cúng sao giải hạn cho người dân vào ngày 12/2/2019 – một nghi thức hoàn toàn trái với giáo lý của đạo Phật. Hoạt động tính phí này được tổ chức phổ biến tại rất nhiều ngôi chùa. Ảnh: Hoàng Giang/ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2000, Hòa thượng Thích Quảng Độ trong một lá thư gửi cho bốn người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã lên án các hoạt động tôn giáo tràn lan mà ông cho là mê tín dị đoan.

“Để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hồi quyền sinh hoạt tự do. Ngoài lý do tôn giáo của một giáo hội dân lập nhằm hướng dẫn tu học cho quần chúng Phật tử, còn là lý do cứu nguy cấp thiết để chặn đứng các chủ trương mê tín, tệ nạn xã hội, và suy thoái đạo đức đang hoành hành nước ta, đặc biệt trong thế hệ trẻ… [23]

Tôn giáo không phải là thứ để khoe khoang như trong các lễ hội đầy màu sắc những ngày gần đây nhằm thu hút khách du lịch, và gây mê tín dị đoan cho quần chúng. Giảng dạy tôn giáo phải là sự phát triển tự do của những niềm tin đã được kiểm chứng theo thời gian trong sự hòa hợp với đời sống văn minh hiện đại”, Hòa thượng Quảng Độ viết trong thư. [24]

Tuy nhiên, các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chọn một hướng đi khác.

Nhà kinh doanh, nhà nước, nhà chùa: Thiếu ba nhà ấy chùa to không thành

Cuộc đua bất tận của những ngôi chùa khổng lồ là sự tham gia của ba “nhà”. Nhà kinh doanh thi công, đầu tư một số hạng mục, khai thác các dịch vụ du lịch xung quanh khu vực. Nhà nước cấp đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng và các hạng mục khác. Nhà sư đại diện làm quản lý để hợp lý hóa tính linh thiêng của ngôi chùa.

Năm 2006, chính quyền đã cấp 5.000 ha đất cho doanh nghiệp Xuân Trường để xây dựng dự án tâm linh chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, nơi có ngôi chùa cổ cùng tên. [25]

Dự án khu tâm linh Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên của doanh nghiệp Xuân Trường được chính quyền tỉnh xin ngân sách trung ương hỗ trợ 80% trong số 10.000 tỷ đồng để làm cơ sở hạ tầng. [26]

Nối tiếp doanh nghiệp Xuân Trường, nhiều doanh nghiệp khác đã mọc lên như nấm để xây dựng những dự án tâm linh.

Có những doanh nghiệp khác vừa được thành lập đã được chính quyền tỉnh giao cho những dự án tâm linh hàng nghìn tỷ. Ví dụ như Công ty Pacific – Hòa Bình, vừa thành lập một tháng đã được giao làm chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy trị giá đến 3.000 tỷ đồng. [27] Năm 2016, Công ty Phúc Lộc Hà Giang vừa thành lập đã được chính quyền tỉnh Hà Giang cấp phép đầu tư khu du lịch tâm linh Lũng Cú. [28] [29] Công ty Ba Vàng Quảng Nam đăng ký kinh doanh vào tháng 3/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, đến tháng 5/2016 đã được cấp phép khởi công xây dựng Khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Quảng Nam trị giá 1.000 tỷ đồng. [30]

Một số doanh nghiệp lao vào cuộc đua làm dự án tâm linh mà không có sự đầu tư trực tiếp của nhà nước, sau cùng đã trả lại cho chính quyền những quả đồi loang lổ.

Năm 2017, sau một năm tự huy động vốn không thành công, Công ty Ba Vàng Quảng Nam đã trả lại 20 ha đất rừng phòng hộ cho chính quyền tỉnh Quảng Nam. [31] Chính quyền tỉnh cũng thông báo họ sẽ mời Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, đến xem xét đầu tư vào dự án Thiền viện Trúc Lâm tại khu đất này.

Năm 2019, sau một thời gian tự huy động vốn đầu tư không có sự hỗ trợ của nhà nước, [32] Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa trả lại 370 ha đất làm khu du lịch tâm linh trên núi Chín Khúc cho chính quyền tỉnh Khánh Hòa. [33]

Núi Chín Khúc sau khi Công ty Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa trả lại cho chính quyền vì không còn khả năng đầu tư làm khu du lịch tâm linh. Ảnh: Phan Lê

Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cuộc phỏng vấn với đài RFI năm 2019 nhận định rằng các dự án du lịch tâm linh đều có sự đồng ý của đại diện giáo hội tại địa phương trước rồi mới tiến hành xây dựng. [34]

Bộ ba nhà kinh doanh, nhà nước, nhà chùa đã tạo một sức mạnh vô song, công phá những đồi núi của đất nước.

Đặc quyền của Phật giáo

Trong khi Công giáo mòn mỏi đợi chờ nhà nước trả lại những tài sản bị tịch thu sau năm 1975, Phật giáo lại được hưởng những mảnh đất rộng lớn.

Tại Huế, Đan viện Thiên An nhiều năm qua vẫn trầy trật bảo vệ vài chục ha đất còn lại sau khi khu đất hơn 100 ha của mình đã bị chính quyền và doanh nghiệp tìm cách lấn chiếm sau năm 1975. [35]

Tại tỉnh Lai Châu, trong 13 năm (2007 – 2020), chính quyền tỉnh này đã không cho phép thành lập giáo xứ Lai Châu với lý do đây là “vùng trắng”, tức là không có tôn giáo nào. [36] Sau khi tỉnh cho phép xây dựng những ngôi chùa lớn trên đỉnh núi như chùa Linh Ứngchùa Linh Sơnchùa Tam Bảo, giáo xứ Lai Châu mới được phép thành lập. [37] [38] [39]

Hơn 45 năm qua, giáo xứ Hiếu Đạo không có nhà thờ vì ngôi thánh đường của giáo dân đã bị tịch thu sau năm 1975 để làm Nhà thiếu nhi tỉnh Gia Lai. [40]

So với các tổ chức tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng hiếm khi xảy ra tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không thể tự ý mua đất và xây dựng cơ sở tôn giáo. Đất đai tôn giáo phải do nhà nước cấp quyền và quản lý sử dụng. Việc các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng nắm giữ những ngôi chùa khổng lồ được nhà nước tham gia đầu tư rõ ràng là một đặc quyền chỉ có ở Phật giáo.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết trên Tạp chí Tuyên giáo vào tháng 4/2021: “Phật giáo góp phần giải quyết nhiều vấn nạn mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt như sự xuống cấp về đạo đức và lối sống tha hóa của một bộ phận không nhỏ các thành phần xã hội, sự lạm dụng thái quá vật chất để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, sự lãng phí, vô cảm trước nỗi đau đồng loại.” [41]

Đặt bên cạnh những ngôi chùa khổng lồ mà để xây dựng được cần phải xẻ hàng ngàn ha núi, phá hàng ngàn ha rừng, lời của vị quan chức Phật giáo nói trên hoàn toàn vô nghĩa.

*Chú thích:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2021, July 25). Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Namhttps://phatgiao.org.vn/su-kien-dau-tien-trong-lich-su-2000-nam-phat-giao-viet-nam-d48104.html

2. Ninh Bình: Công bố quy hoạch điều chỉnh, mở rộng khu núi chùa Bái Đính. (2011, January 18). Baoninhbinh.Org.Vn. https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-cong-bo-quy-hoach-dieu-chinh-mo-rong-khu-nui-chua/d20110118092100000.htm

3. Đất Việt. (2019, March 6). Chùa Bái Đính than. . . nghèohttps://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chua-bai-dinh-than-ngheo-3375771/

4. Thương Trường. (2021, August 3). Chậm bồi thường, GPMB khiến Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử “vỡ kế hoạch.” https://thuongtruong.com.vn/news/cham-boi-thuong-gpmb-khien-du-an-khu-du-lich-tam-linh-sinh-thai-tay-yen-tu-vo-ke-hoach-61660.html

5. Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng. (2020, November 7). Chùa Linh Ẩnhttps://lamdong.gov.vn/sites/dulich/danh-thang-khac/SitePages/Chua-Linh-An.aspx

6. Phật tử Việt Nam. (2014, April 6). Lâm Đồng : Lễ đặt đá xây dựng chùa Linh Bửuhttps://www.phattuvietnam.net/lam-dong-le-dat-da-xay-dung-chua-linh-buu/

7. Phật tử Việt Nam. (2020, January 10). Quảng Ngãi: Lễ Đặt đá xây dựng chùa Minh Đứchttps://www.phattuvietnam.net/quang-ngai-le-dat-da-xay-dung-chua-minh-duc/

8. Xem [2]

9. Dân tộc và Phát triển. (2020, September 22). Xây chùa trái phép trên đất rừng phòng hộ ở Nghệ Anhttps://baodantoc.vn/xay-chua-trai-phep-tren-dat-rung-phong-ho-o-nghe-an-1600744670409.htm

10. VTV. (2018). Chùa Bái Đính – ngôi chùa của những kỷ lục Tập 3. Bai Dinh Pagoda. https://www.youtube.com/watch?v=4K8TEBnuqXc

11. Xem [3]

12. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2016, September 14). Thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễnhttps://phatgiao.org.vn/thong-ke-tang-ni-phat-tu-o-viet-nam-ly-luan-va-thuc-tien-d24104.html

13. VTV. (2018, August). Khám phá: Chùa Bái Đính – Tập 1https://vtv.vn/video/kham-pha-chua-bai-dinh-tap-1-318413.htm

14. Giác Ngộ Online. (2019, December 31). Giáo hội sẽ thống kê lại Tăng Ni, tín đồ toàn quốchttps://giacngo.vn/giao-hoi-se-thong-ke-lai-tang-ni-tin-do-toan-quoc-post50023.html

15. Luật Khoa. (2021b, February 18). Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫnghttps://www.luatkhoa.org/2021/02/thong-ke-so-tin-do-phat-giao-nha-nuoc-noi-giam-giao-hoi-hut-hang/

16. Báo Tuổi Trẻ. (2019, October 29). Tạm dừng thi công dự án du lịch tâm linh Lũng Cú, kiểm tra toàn diệnhttps://tuoitre.vn/tam-dung-thi-cong-du-an-du-lich-tam-linh-lung-cu-kiem-tra-toan-dien-20191029185634431.htm

17. Tổng cục Thống kê. (2010, June). Kết quả toàn bộ: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/KQ-toan-bo.pdf

18. Báo Tuổi Trẻ. (2019a, June 6). Không có chuyện kinh doanh “chùa BOT.” https://tuoitre.vn/khong-co-chuyen-kinh-doanh-chua-bot-20190606091616258.htm

19. Giác Ngộ Online. (2012, January 21). HT.Thích Thanh Nhiễu giữ ngôi trụ trì chùa Bái Đínhhttps://giacngo.vn/ht-thich-thanh-nhieu-giu-ngoi-tru-tri-chua-bai-dinh-post16615.html

20. Báo Thanh Niên. (2020, December 16). Yên Tử – Di sản văn hóa miền đất Phậthttps://thanhnien.vn/du-lich/yen-tu-di-san-van-hoa-mien-dat-phat-1317952.html

21. Philip Taylor. (2004). Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in Vietnam. University of Hawai’i Press.

22. Luật Khoa. (2020, May 3). Việt Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân tộc” như thế nào – Kỳ 2https://www.luatkhoa.org/2020/05/viet-nam-sau-30-4-1975-me-tin-di-doan-tro-thanh-ban-sac-dan-toc-nhu-the-nao-ky-2/

23. RFA. (2000, January 18). Hòa thượng Quảng Độ gửi thư cho nhà cầm quyền CSVNhttps://www.rfa.org/vietnamese/features/23808-20000118.html

24. Philip Taylor. (2004). Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in Vietnam, page 223. University of Hawai’i Press.

25. VietnamNet. (2019, February 26). Nhập nhèm phía sau ngôi chùa lớn nhất thế giớihttps://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/du-an-chua-tam-chuc-cua-dai-gia-xuan-truong-gay-nhieu-tranh-cai-510127.html

26. Gia Đình. (2019, January 1). Doanh nghiệp Xuân Trường làm các dự án du lịch tâm linh: Nhà nước đầu tư ngàn tỷ, vẫn nói “không dùng một đồng ngân sách.” https://giadinh.net.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-xuan-truong-lam-cac-du-an-du-lich-tam-linh-nha-nuoc-dau-tu-ngan-ty-van-noi-khong-dung-mot-dong-ngan-sach-20190102105739362.htm

27. VietnamNet. (2019b, October 4). Bà chủ 8X làm khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ ở Hoà Bìnhhttps://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/ba-chu-8x-lam-khu-du-lich-tam-linh-3-000-ty-o-hoa-binh-574134.html

28. Hồ sơ công ty. (2016). Công ty cổ phần Phúc Lộc Hà Gianghttps://hosocongty.vn/cong-ty-co-phan-phuc-loc-ha-giang-com-1361634.htm

29. VOV. (2019, October 29). Tận mắt công trường “băm nát núi” xây khu du lịch tâm linh Lũng Cú của Tập đoàn Phúc Lộchttps://truyenhinhdulich.vn/van-hoa/tan-mat-cong-truong-bam-nat-nui-xay-khu-du-lich-tam-linh-lung-cu-cua-tap-doan-phuc-loc-11717.html

30. congan.com.vn. (2017, August 28). Chủ đầu tư xin UBND tỉnh được dừng dự án Khu du lịch tâm linh 1.000 tỷ. Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh. https://congan.com.vn/tin-chinh/chu-dau-tu-xin-ubnd-tinh-duoc-dung-du-an-khu-du-lich-tam-linh-1000-ty_44412.html

31. Xem [30]

32. Thương Hiệu & Công Luận. (2021, June 12). Khánh Hòa: Thông tin về Dự án Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúchttps://thuonghieucongluan.com.vn/kha-nh-ho-a-du-an-cu-u-long-son-tu-tren-nui-chin-khuc-a137294.html

33. Vietnam Finance. (2019, November 14). Sau khi ‘băm nát’ núi Chín Khúc xây dự án tâm linh, chủ đầu tư bất ngờ xin trả lại 370ha đấthttps://vietnamfinance.vn/sau-khi-bam-nat-nui-chin-khuc-xay-du-an-tam-linh-chu-dau-tu-bat-ngo-xin-tra-lai-370ha-dat-20180504224231408.htm

34. RFI. (2019, October 2). Việt Nam: Nhân danh xây Chùa để phá rừnghttps://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20191002-viet-nam-nhan-danh-xay-chua-de-pha-rung-0

35. Luật Khoa. (2020, August 20). 45 năm đất Đan viện Thiên An dưới tay chính quyềnhttps://www.luatkhoa.org/2020/08/45-nam-dat-dan-vien-thien-an-duoi-tay-chinh-quyen/

36. Luật Khoa. (2020b, September 19). Tôn giáo tháng Tám: Bốn cách thức trấn áp các tổ chức tôn giáo hay gặp nhất. https://www.luatkhoa.org/2020/09/ton-giao-thang-tam-bon-cach-thuc-tran-ap-cac-to-chuc-ton-giao-hay-gap-nhat/

37. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu. (2019). Chùa Linh Ứnghttps://dulich.laichau.gov.vn/vi/place/details/chua-linh-ung-48

38. Huỳnh Lai Châu. (2020, March 7). Flycam toàn cảnh chùa Linh Sơn thành phố Lai Châu,1 trong 2 ngôi chùa lớn nhất tại phố núi Lai Châu. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=EYlDew8o0kc

39. Báo Lai Châu. (2018, February 3). Động thổ xây dựng chùa Tam Bảohttps://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BB%99ng-th%E1%BB%95-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-ch%C3%B9a-tam-b%E1%BA%A3o

40. Luật Khoa. (2020b, December 24). Giáo xứ không có nhà thờ: 45 năm chính quyền chiếm nhà thờ dựng nhà thiếu nhihttps://www.luatkhoa.org/2020/12/giao-xu-khong-co-nha-tho-45-nam-chinh-quyen-chiem-nha-tho-dung-nha-thieu-nhi/

41. Tạp chí Tuyên giáo. (2021, April 7). Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc – đạo pháp – chủ nghĩa xã hộihttps://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-vung-vang-duong-huong-dan-toc-dao-phap-chu-nghia-xa-hoi-132805

Luật Khoa

TƯƠNG LAI CỦA LĂNG TẨM VÀ MỒ MẢ CỦA CÁC LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN

TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 18-9-2021

Như người viết phân tích trong bài “Tác Dụng Của Tầm Nhìn Chính Trị”, nhìn xa là một đặc điểm cần thiết của những người lãnh đạo đất nước. Các lãnh đạo cộng sản cũng biết nhìn xa, nhưng không phải nhìn xa cho đất nước mà nhìn xa cho phần hậu sự của chính bản thân họ.

Võ Nguyên Giáp nghĩ tới hậu sự khi chọn một nơi hoang sơ, hẩm hiu, phải vượt suốt băng đèo mới tới được là Vũng Chùa, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để làm nơi chôn xác mình. Được biết Vũng Chùa kín đáo đến nỗi gió cũng không thể lọt vào được nên mới được gọi là vũng.

Trường hợp của Võ Nguyên Giáp khá rõ. Ngay cả khi còn sống, Võ Nguyên Giáp biết mình đã chết từ nhiều năm trước. Ngày chết ghi trong giấy tờ của Võ Nguyên Giáp là ngày 18 tháng 4 năm 1984 chứ không phải ngày 4 tháng 10 năm 2013.

Giấy khai tử của Võ Nguyên Giáp do thủ tướng CS Phạm Văn Đồng ký trong quyết định 58/HĐBT. Theo nội dung quyết định, Võ Nguyên Giáp không phải là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng (đã lọt vào tay Văn Tiến Dũng), không phải Bí Thư Quân Ủy Trung Ương (đã lọt vào tay Lê Duẩn) mà là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch, một chức vụ dân sự, không liên quan trực tiếp hay gián tiếp gì với quân đội hay hiểu biết của Võ Nguyên Giáp.

Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thay vì đặt để họ Võ vào những chức vụ dễ nghe, không phải cúi gầm mặt xuống khi được xướng danh, đã cố tình hạ nhục bằng việc giao cho ông ta lo bộ phận sinh đẻ. Việc sinh đẻ là quan trọng nhưng đó là công việc của các nhà nhân loại học, dân số học, xã hội học chứ không phải của Võ Nguyên Giáp với toàn bộ quá trình hoạt động không có một chữ nào bà con xa gần với sinh đẻ.

Bộ máy tẩy não của CS nặn ra những con vẹt có cảm xúc rất giống người qua những cảnh quỳ khóc khi xe tang Võ Nguyên Giáp đi qua hay ôm cột nhà khóc khi nghe tin Võ Nguyên Giáp qua đời. Những người đó không biết rằng, nếu Võ Nguyên Giáp chết trong thời kỳ Lê Duẩn làm tổng bí thư thì ngay cả những người làm nghề khóc mướn cũng không dám nhận khóc.

Hai năm trước, Chủ tịch nhà nước CS Trần Đại Quang nhìn xa khi chọn một nơi an táng riêng thay vì nghĩa trang Mai Dịch, nơi chôn các lãnh đạo CSVN như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu v.v…

Mới đây, Phùng Quang Thanh cũng biết nhìn xa cho bản thân mình ta khi chọn nơi chôn cất tại nghĩa trang dòng họ Phùng. Khi còn sống họ đoàn kết nhau để giữ chiếc ghế quyền lực nhưng khi sắp chết họ muốn tránh nhau càng xa càng tốt.

Trần Đại Quang và Phùng Quang Thanh muốn một mình một cõi nguy nga như lãnh chúa. Nhưng cả hai quên rằng dù chôn trong vũng như Võ Nguyên Giáp hay chôn trong đất riêng, tội ác vẫn là tội ác.

Lăng mộ Hoàng Cao Khải là một công trình đồ sộ với kiến trúc tân kỳ của thời đó và vẫn còn được duy trì nhưng hoang phế vì không ai muốn đến nhìn dấu tích của một kẻ phản quốc. Trong khi đó, khu Lăng mộ Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh đông đảo người thăm viếng dù chỉ là khu tưởng niệm hơn là một ngôi mộ. Thân xác ông đã bị Nguyễn Thân ra lịnh đốt thành tro nhưng ngày nào dân tộc Việt Nam còn có mặt trên trái đất này, trong tim của từng người Việt vẫn có một ngôi mộ mang tên Phan Đình Phùng.

Những sự kiện lăng mộ các lãnh đạo CS bị dời đi, lăng bị san bằng hay xác bị đào lên lấy sọ không phải là chuyện thời phong kiến hay quân chủ chuyên chế mà vừa xảy ra cách đây không lâu tại nhiều nước CS trên thế giới.

Chuyện dời xác Stalin đã được nói đến nhiều nhưng chuyện giật sập lăng Georgi Dimitrov, tổng bí thư CS Bulgary hay chuyện đào mả lấy xương sọ của Janos Kadar, tổng bí thư CS Hungary, chắc ít người biết.

Chuyện giật sập lăng Georgi Dimitrov

Dimitrov là lãnh tụ đảng CS Bulgaria và là nhà hoạt động CS Châu Âu nổi tiếng. Ông ta là cộng sự viên đắc lực của Stalin sau khi bị trục xuất từ Đức sang Liên Xô năm 1934. Trong thời điểm này, Stalin cử Dimitrov vào chức vụ Tổng Bí Thư của Đệ Tam Quốc Tế CS (Comintern).

Dimitrov chết bất ngờ tại Liên Xô ngày 2 tháng 7, 1949. Thi hài được đưa từ Liên Xô về Bulgary để ướp và trưng bày trong Lăng Georgi Dimitrov ở Prince Alexander of Battenberg Square, giống như Ba Đình của Việt Nam, tại thủ đô Sofia.

Tháng 8 năm 1999, khi Bulgary trở thành một nước theo chế độ Cộng hòa, thi hài của Dimitrov bị đưa ra khỏi lăng và hỏa thiêu. Tro của Dimitrov thay vì được đem rắc đâu đó lại được đem về chôn ở nghĩa trang Sofia. Việc đưa xác của Dimitrov ra khỏi lăng để đi thiêu phải thực hiện một cách kín đáo lúc nửa đêm để tránh dân chúng từng là nạn nhân của chế độ CS đến đòi nợ máu xương.

Chôn cất Dimitrov là một quyết định không quá khó nhưng san bằng lăng Dimitrov là một công việc nặng nề. Các chuyên viên cho nổ ba loạt mìn có sức công phá mạnh nhưng vẫn không giật sập hết lăng. Lần thứ tư họ vừa dùng mìn vừa dùng xe xúc lớn mới giật sập được lăng màu trắng của cựu Tổng Bí Thư Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản.

Chuyện đào mả Janos Kadar

Janos Kadar, nguyên tổng bí thư đảng CS Hungary và là một kẻ phản quốc theo Liên Xô để tàn sát đồng bào mình sau cuộc Nổi Dậy Hungary 1956. Sau 1960, Janos Kadar thay đổi đường lối cai trị bằng các chính sách ôn hòa hơn nhưng tội ác do y gây ra không vì thế mà được quên đi.

Janos Kadar chết ngày 6 tháng Bảy năm 1989, ba tháng trước khi chế độ CS tại Hungary sụp đổ.

Ngày 2 tháng Năm năm 2007, mộ của Kadar đã bị đào lên, nhiều xương cốt kể cả xương sọ của ông ta bị lấy đi và một dòng chữ trích từ một bản nhạc Rock như một bản án được để lại bên cạnh mộ: “Những kẻ sát nhân và phản bội không được yên nghỉ trong vùng đất thánh 1956-2006” (Murderers and traitors may not rest in holy ground 1956–2006).

Tờ The Guardian tường thuật trong số báo ngày 3 tháng 5 năm 2007: “Hôm qua, cảnh sát Budapest cho biết sọ và một số bộ xương khác của lãnh đạo CS Hungary Janos Kadar và chiếc bình đựng tro cốt của vợ ông đã bị đánh cắp khỏi mộ của ông.”

Người viết không có ý nguyền rủa hay trù ẻo gì ai và cũng không tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho lăng tẩm hay phần mộ các lãnh đạo CSVN. Những sự kiện vừa nêu vẫn còn mang tính thời sự chứ không cần ai tiên đoán. Ngày nào trái đất còn xoay, sự thật sẽ còn cơ hội được soi sáng và lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.

Trong mỗi khoảnh khắc đi qua trong cuộc đời, chính chúng ta chứ không ai khác gieo một nhân cho tương lai mình. Tương lai có thể là ngay trong phút tới, giờ tới, ngày mai, sang năm hay nhiều năm nữa nhưng nếu gieo nhân ác sẽ phải gặt quả ác dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, một điều mà ai cũng nên biết là không bao giờ quá trễ cho một người để thay đổi tương lai.

Trần Trung Đạo

NHÂN GIỖ ĐỨC THÁNH TRẦN: CẦN ĐẶT LẠI LƯ HƯƠNG VÀ TÔN TẠO TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO

PHÚC TIẾN/ NĐT/ TD 18-9-2021

Ngày giỗ Đức Thánh Trần sắp đến – Chủ nhật 26.9 là “cơ hội vàng” sớm nhất để làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an.

Tục ngữ có câu “Tháng tám giỗ Cha” để nhắc nhớ ngày giỗ Anh hùng Trần Hưng Đạo (20.8 Âm lịch), người được coi không những là Cha mà còn là Đức Thánh được nhân dân thờ phụng từ nhiều thế kỷ.

Tại Sài Gòn, từ lâu đã có Đền Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu (quận 1) và tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng. Hai tuần trước ngày giỗ Đức Thánh Trần, khi đến viếng địa điểm tượng đài, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy quang cảnh tại đây vắng lặng, không lư hương, không hương khói. Chân và thân tượng bên trên cùng các bức phù điêu bên dưới loang lổ, bong tróc. Nền gạch chung quanh nhiều chỗ sụp lún, xuống cấp…


Mặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo nơi còn dấu vết bệ đặt lư hương. Các chậu cây đặt vào chỉ làm không gian tưởng niệm trở nên nhỏ hẹp, không phù hợp với thiết kế tượng đài. Ảnh chụp lúc 10h sáng 14.9.2021

55 năm tượng đài anh hùng chống xâm lăng

Tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh do họa sĩ Phạm Thông (1943-2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966-1967. Đây chính là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước.

Bức tượng cao 6 mét, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông, nêu lời thề đanh thép: Đánh trận lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa! Thần thái của bức tượng thể hiện dáng uy vũ của một anh hùng và qua đó là khí phách của cả một dân tộc. Hình ảnh bức tượng oai phong đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ và có nhiều phiên bản được dựng lại nhiều nơi trong và ngoài nước.

Bệ đặt tượng và chiếc hồ bán nguyệt dưới chân tượng cũng là một thiết kế tuyệt đẹp, làm nên khu vực tượng đài độc đáo. Bức tượng Trần Hưng Đạo được đặt trên một khối tam giác cao khoảng 10 mét. Mỗi mặt tam giác đều có các bức phù điêu lớn màu gạch son, kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông.

Từng bức phù điêu khắc họa nhiều chi tiết lịch sử được khảo cứu công phu. Thật xúc động khi người xem trông thấy hình ảnh các chiến sĩ đời Trần tự viết lên cánh tay hai chữ Sát Thát (giết giặc Thát) trước khi ra trận.

Kế đến, là cảnh các bô lão đại diện cho toàn dân dự hội nghị Diên Hồng hô to lời quyết chiến. Và rồi, hình ảnh trận Bạch Đằng hào hùng, các con thuyền nhỏ của quân ta dẫn dụ tàu chiến địch sa vào bãi cọc ngầm. Kết thúc là cảnh tượng đầy khí thế hào hùng, quân ta đuổi quân giặc tháo chạy.

Đặc biệt nhất, có một tấm phù điêu khắc họa đơn giản hình ảnh một đỉnh đốt trầm và một cây gươm, đi cùng một cuộn văn bản xưa đang tung mở. Chỉ vậy thôi, không cần ghi lời mà người xem có thể liên tưởng ngay đến Hịch Tướng Sĩ, một áng hùng văn đã đi vào tâm khảm của dân tộc. Này đây, nỗi thao thức của một hào kiệt trước vận mệnh đất nước:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa… Này đây, những lời cảnh báo giá trị cho muôn đời trước họa xâm lăng rình rập: Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc…

Trước mặt chính tượng đài, hướng ra bờ sông Sài Gòn, ngay từ khi xây dựng đã có một lư hương to lớn, chạm khắc rồng, đặt uy nghi trên bệ riêng. Đây là nơi dâng hương– không thể thiếu để tưởng nhớ Đức Thánh trong các ngày lễ trọng và cho khách thập phương thăm viếng.

Ngày ấy, quanh lư hương không để các chậu cây kiểng như bây giờ. Trước tượng đài và lư hương dọc theo lề đường còn có nhiều cột cờ cao sơn trắng, làm tăng vẻ đẹp cao thượng và tôn nghiêm của một tượng đài tôn vinh đại anh hùng dân tộc.

Các bức phù điêu “Sát Thát”, Hội nghị Diên Hồng và Hịch Tướng Sĩ bị bong tróc có nhiều vết loang lổ. Ảnh chụp lúc 10h sáng 14.9.2021

Đặt tượng đài Trần Hưng Đạo bên bờ sông Sài Gòn ở một giao lộ lớn ngay bên cạnh trụ sở Bộ tư lệnh Hải Quân là một việc làm rất ý nghĩa. Nhắc nhớ trận Bạch Đằng cùng oai vũ và mưu trí của Trần Hưng Đạo là cảm hứng và nguồn sức mạnh quý báu của Hải quân Việt Nam và cả dân tộc.

Càng lý thú hơn nữa, chính tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng ở khu vực vào thời Pháp thuộc từng có tượng đài Rigault De Genouilly – viên Đô đốc chỉ huy cuộc xâm lược Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1859. Việc thay thế tượng đài tướng giặc bằng tượng đài danh tướng Việt Nam – người chỉ huy đánh đuổi quân xâm lăng hùng mạnh, là một việc làm rất đáng trân quý!

Đừng vô lễ nữa với tiền nhân

Rất tiếc, chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị dời đi một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Nó được dời về đền Trần Hưng Đạo, đặt trên lối vào trước một lư hương đã có trên sân đền.

Sau khi đi thăm tượng đài, chúng tôi liền đến đền Trần Hưng Đạo để xem hiện trạng chiếc lư hương. Chúng tôi rất mừng khi thấy lư hương cùng bệ vẫn còn đặt trên sân và có mái che nắng mưa tạm. Tuy nhiên, việc đặt hai chiếc lư hương bên nhau với kích cỡ và kiểu dáng khác biệt đã cho thấy một hình ảnh khập khiễng và quan niệm thờ phụng lạ lùng.

Song quan trọng hơn cả, việc dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đấy đã vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ.

Thật vậy, trên cả nước hiện đang có nhiều quảng trường, công viên hoặc điểm công cộng có đặt tượng đài Trần Hưng Đạo từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng đến Nha Trang, Quy Nhơn và các đảo lớn ở Trường Sa. Tại những nơi này đều có lư hương để cắm nhang tưởng nhớ, vậy mà vì sao lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của cả nước lại bị “bóc dỡ”?

Lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nam Định – quê hương của Đức Thánh Trần. Ảnh tư liệu

Vốn dĩ, theo thiết kế truyền thống Á Đông, lư hương là một phần quan trọng không thể không có trong cảnh quan của các đền đài, tượng đài, bia kỷ niệm người mất, đặc biệt là các danh nhân và thần thánh. Ở phương Tây, các tượng đài không có lư hương theo kiểu phương Đông nhưng luôn có nơi đặt hoa tưởng niệm và nhất là ngọn lửa vĩnh cửu – tượng trưng cho niềm thương nhớ các liệt sĩ.

Chúng tôi cho rằng việc dời lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh không những làm mất đi phương tiện tỏ lòng tưởng niệm vị anh hùng mà còn làm giảm đi sự tôn nghiêm cần thiết của không gian này.

Lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo hiện đang đặt tài Đền thờ Trần Hưng Đạo, Quận 1. Ảnh chụp sáng 14.9.2021

Hơn thế nữa, việc di dời lư hương ở một tượng đài đã ổn định hơn 50 năm mà không hỏi ý kiến và nghe phản hồi của Hội đồng nhân dân TP.HCM, cùng các hội đoàn chuyên môn về lịch sử và kiến trúc, cũng như đại diện của người dân sở tại là việc làm không đúng luật.

Theo các Luật Xây dựng (Điều 10, 14, 16, 17), Luật Kiến trúc (Điều 11) và Luật Quy hoạch đô thị (Điều 68), công viên và tượng đài là những địa điểm công cộng, khi xây dựng và sửa chữa đều phải tuân theo các nguyên tắc và trình tự nhất định. Mặt khác, lư hương và tượng đài tại đây đều là tài sản công, do vậy theo điều 6 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, chúng cần được quản lý theo tinh thần “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật”.

Thiết nghĩ, việc đem lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần sang nơi khác cần phải xem xét lại và sửa đổi kịp thời. Được biết vào tháng 6 năm nay, UBND quận 1 đã đề nghị UBND TP.HCM việc chỉnh trang quảng trường Mê Linh và tượng đài Trần Hưng Đạo, với kinh phí dự kiến khoảng 32,5 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị việc cần chỉnh trang đầu tiên và không tốn kém nhiều kinh phí – chính là đưa trả lại lư hương và khảo sát ngay các hư hỏng nơi thân tượng và các bức phù điêu. Sau đấy, chính quyền hãy thu thập ý kiến rộng rãi để tôn tạo khu vực quảng trường và tượng đài Trần Hưng Đạo.

Nếu biết tôn tạo đầy đủ và đúng cách, nơi đây sẽ là địa điểm rất phù hợp cho các sự kiện học hỏi và tiếp nối truyền thống dân tộc, đề cao tinh thần độc lập bất khuất của Việt Nam. Đồng thời, đó còn là một điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách, để thư giãn và thưởng ngoạn không gian lịch sử hay đẹp.

Toàn cảnh hồ bán nguyệt và tượng đài Trần Hưng Đạo được thiết kế hoàn hảo, tạo nên một dấu ấn đẹp dọc bờ sông Sài Gòn. Ảnh chụp lúc 10h sáng 14.9.2021

Ngày Giỗ Đức Thánh Trần sắp đến – Chủ nhật 26.9 là “cơ hội vàng” sớm nhất để làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an. Hội Sử học cùng các hội đoàn xã hội đều có thể chung tay góp sức với chính quyền thực hiện nghi lễ thiêng liêng này. Chúng ta phải có nghĩa vụ sửa chữa các sai phạm vô lễ với tiền nhân, để bản thân và con cháu luôn ghi nhớ uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây từ lâu đã là đạo lý của dân tộc.

Chính Đức Thánh Trần và các bậc tổ tiên, anh hùng, liệt sĩ đã và đang góp nhiều sức mạnh tinh thần quý báu cho cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 hiện tại và phòng chống kẻ địch bên ngoài xâm lược. Đừng để Trần Hưng Đạo một lần nữa quở trách:

Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát?

Người Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét