Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

20210531. TỪ CHUYỆN LÀM 'TRUYỀN THÔNG' CỦA NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

GIẢI MÃ 'HIỆN TƯỢNG' NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG: 
SIÊU CAO THỦ TRUYỀN THÔNG

NGUYỄN NGỌC LONG / TD 27-5-2021



Giải mã hiện tượng này trên góc độ người viết không thể biết được bà Hằng có kế hoạch gì cụ thể không, hay những việc bà làm hoàn toàn là cảm tính. Nhưng nếu “áp” mọi thứ vào dưới góc nhìn truyền thông, thì tất cả những gì bà Hằng đã làm, chỉ có thể nói là siêu cao thủ!


Thứ nhất, mindset truyền thông chuẩn chỉnh

Bất cứ cuộc kiện tụng nào cũng có 2 mặt trận: mặt trận pháp lý và mặt trận truyền thông. Phải có mindset truyền thông, mới nhìn ra, chấp nhận và ý thức nghiêm túc việc này.

Thí dụ, Tân Hiệp Phát “kiện thắng” và đưa được khách hàng vô tù, nhưng họ thua đau về dư luận. Vinfast, vốn cũng định phát động một cuộc chiến pháp lý với chủ kênh Gogo TV, nhưng “phanh” lại kịp thời khi nhận về phản ứng ngược của truyền thông. Đại gia Cao Toàn Mỹ mất tiền, mất mặt khi bị cộng đồng gán cho “danh hiệu” đại gia “chơi xong đòi quà” khi dính kiện tụng với hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.

Đó là những bài học chưa bao giờ cũ. Và bà Hằng, bên cạnh cuộc chiến pháp lý, đã phát động một cuộc chiến truyền thông với ông Võ Hoàng Yên. Và đến bây giờ, có thể thấy phần thắng đang nghiêng về bà Hằng, gần như tuyệt đối.

Thứ hai, khả năng xây Kênh truyền thông thượng thừa

Để tham chiến trên mặt trận truyền thông, vũ khí nhất định phải có là Kênh truyền thông riêng. Bà Nguyễn Phương Hằng đã khởi đầu với số 0 tròn trĩnh. Nhưng chỉ sau vẻn vẹn 60 ngày, bà sở hữu một loạt kênh truyền thông “hạng nặng”.

Có 3 yếu tố then chốt để đánh giá độ mạnh của kênh truyền thông là Độ phủ, Uy tín và Khả năng trở thành một nguồn tin.

Ngày 16/03, bà Hằng mở họp báo tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo. Đây là phát súng đầu tiên khởi đầu chuỗi ngày làm mưa làm gió của bà trên cả hai mặt trận truyền thông chính thống và truyền thông xã hội. Rõ ràng khi bà chưa có “vũ khí” trong tay, thì đây là lựa chọn cực kỳ sáng suốt.

Bà Hằng đã khiến dư luận “nổ tung” khi có hàng trăm bài báo đồng loạt đưa tin về sự việc. Điều mà bà khó có thể làm được nếu chỉ nhờ cậy đến các youtuber (như ở giai đoạn 2 bà thực hiện). Thêm nữa, với khởi đầu từ báo chí, với một sự việc có yếu tố luật pháp rõ ràng, bà Hằng có được tính chính danh cho tất cả các hoạt động sau này.

Kế thừa sự thành công bước đầu, bà Hằng “quyết không để dư luận chìm xuống” bằng cách liên tục livestream. Ở giai đoạn này, bà nhờ rất nhiều youtuber đến đưa tin. Đây là cách đứng trên vai người khổng lồ vô cùng hiệu quả. Vì những thứ bà nói ở giai đoạn này (bóc bên này, tố bên kia, khoe sự thành công giàu có…) vốn không phải câu chuyện có thể thoải mái mang lên báo chí.

Khi số lượng follow và sự nổi tiếng của bà tăng đột biến, tức là kênh riêng đã đạt KPI về độ phủ, bà Hằng chuyển qua giai đoạn gia tăng uy tín cho Kênh. Với “tuyên bố” sẽ mang 1000 tỷ đi làm từ thiện trong “cơn phấn chấn”, bà Hằng nhận về cơn mưa gạch đá. Người ta nói bà nổ, khoe khoang và từ thiện ảo. Nhưng mọi thứ quay ngược 180 độ khi lãnh đạo Bình Dương xác nhận vợ chồng bà đã hoàn thành đóng góp. Nhưng chưa dừng lại, bà tiếp tục hứa thưởng 1 tỷ cho ai tìm ra danh tính nick ảo bôi nhọ gia đình bà. Và tất nhiên, khi có kết quả, bà Hằng lập tức chuyển tiền như đã hứa.

Cuối cùng, với loạt livestream bóc phốt những nhân vật hàng đầu showbiz, bà Hằng biến kênh truyền thông của mình trở thành một nguồn tin. Đây có thể coi như đẳng cấp cao nhất trong quá trình tạo kênh. Vì để có được điều này, ngay cả một toà soạn đồ sộ với đầy đủ nhân lực, vật lực cũng không dễ dàng đạt tới.

Lúc này, bà Hằng có trong tay hàng loạt kênh truyền thông riêng do bà sở hữu, có độ phủ cực lớn, uy tín rất cao và được dư luận coi như một nguồn tin độc lập. Bà Hằng đã nắm trong tay 50% chiến thắng.

Thứ ba, kỹ nghệ sản xuất content siêu đẳng

Có kênh truyền thông chưa đủ, bà Hằng cần phải có những câu chuyện hay ho. Và câu chuyện “tố cáo lang băm” rõ ràng chưa đạt được level ấy. Bà Hằng đã làm gì? Bà lập tức réo tên Hoài Linh yêu cầu lên tiếng. Sau đó, chẳng biết vô tình hay cố ý, hàng loạt người nổi tiếng khác được kéo vào vòng xoáy của bà.

Những cái tên như Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Vân, Cát Phượng, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Trịnh Kim Chi, Trang khàn, Vy Oanh, Gia Bảo… được bà Hằng cho nhập cuộc. Điều đó đồng nghĩa rằng, cái tên Nguyễn Phương Hằng lập tức được tất cả những ai là fans và antifans của các nghệ sỹ này “biết mặt đặt tên”. Mà với từng đó người, thì coi như phân nửa Việt Nam (có nói giảm nói tránh) được kéo vào câu chuyện của bà. Đây chính là concept “Người nổi tiếng” trong 16 concept truyền thông bất biến mà Truyền thông Trăng Đen nhiều lần công bố.

Không chỉ thế, bà Hằng còn sử dụng concept “Tài sản lớn” với tuyên bố sổ hồng của bà phải mang đi cân ký; tất cả các cửa hàng bán kim cương, siêu xe, hàng hiệu đều nhẵn mặt bà. Và tất nhiên, không thể bỏ qua câu vỗ mặt đối thủ vô tiền khoáng hậu: “cái đồ không có nổi 1000 tỷ” (thực sự, cô giáo ước được ai đó mắng như này rồi chết cũng vô cùng mãn nguyện).

Concept “Bật mí bí mật” thể hiện qua kỹ nghệ bóc phốt thượng thừa. Hàng loạt nhân vật đình đám showbiz Việt lần lượt bị bà cho lên thớt. Việc làm này của bà Hằng gợi nhớ nhân vật nổi tiếng một thời là Thánh cô cô bóc. Nhưng khác là Thánh cô chỉ dám ẩn danh, đưa ra những câu chuyện có đúng có sai và kết thúc với việc bị công an tóm cổ. Còn bà Hằng ngồi trước hàng trăm ngàn người, chỉ mặt mắng chửi đích danh các ngôi sao với chiến thắng phần lớn thuộc về bà.

Cuối cùng, bà Hằng dùng concept “Kiện tụng” cũng vô cùng điêu luyện. Không chỉ kiện một người (là Võ Hoàng Yên), bà Hằng đe kiện hàng loạt ngôi sao. Và đỉnh điểm, bà tuyên bố cho đội ngũ luật sư đi kiện tất cả những ai dám đặt điều dựng chuyện nói xấu bà và các thành viên trong gia đình. Tất nhiên, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở “võ mồm”, nhưng nếu điều này thực sự diễn ra, dám chắc số lượng người phải ra tòa có khi lên tới cả nghìn người.

Thông thường, một câu chuyện truyền thông chỉ cần có 1 trong số 16 concept truyền thông bất biến đã có thể viral. Câu chuyện của bà Hằng có tới (ít nhất) 4 concept truyền thông. Thế nên, đừng thắc mắc vì sao livestream của bà luôn thu hút.

Thứ tư, nghệ thuật kể chuyện trời phú

Không chỉ chuẩn chỉnh về tần suất livestream (thứ 3, thứ 7 hàng tuần). Bà Hằng còn cực kỳ nghiêm túc trong việc tìm kiếm chất liệu cho những lần lên sóng. Bà Hằng, hoặc cô giáo đoán là đội ngũ nhân viên hỗ trợ, miệt mài thu thập tổng hợp thông tin từ tất cả các nguồn. Báo chí nói gì, mạng xã hội nói gì. Người trong nước nói gì, người ở hải ngoại phản hồi sao. Bà Hằng và team bà Hằng nắm hết!

Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu bà Hằng không lợi khẩu. Có thể nói, bà Hằng quá may mắn khi sở hữu nghệ thuật kể chuyện trời phú. Chỗ nào cần đanh thép bà đanh thép, chỗ nào cần bông đùa bà biết cách bông đùa. Và nói không ngoa, đến thời điểm hiện nay, bà Hằng là người phụ nữ sản xuất ra nhiều câu nói tạo trend nhất Việt Nam.

Để có một câu nói trở nên hot hit trong phim, hay một câu hát trở thành trend trong tác phẩm âm nhạc thì cần sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng của ekip vô cùng hùng hậu. Từ biên kịch, copywriter, đến team marketing truyền thông phối hợp. Bà Hằng, với trí thông minh ngôn ngữ thiên bẩm, có thể “xuất khẩu thành trend”. Nếu theo dõi livestream của bà nghiêm túc, không khó để nhận ra các câu nói này hoàn toàn là bộc phát chứ không phải chuẩn bị từ đầu. Thật là thú dzị!

Thứ năm, thấu hiểu đến tận cùng công chúng mục tiêu

Phóng viên BBC đặt câu hỏi cho cô giáo “theo anh, đối tượng theo dõi livestream của bà Hằng là những gương mặt thế nào?”. Theo các em, thì họ là ai?

Đừng cho rằng đối tượng bà hướng tới là nạn nhân của Võ Hoàng Yên. Bà Hằng càng không nhắm tới đối tượng vô công rồi nghề như ai đó quy kết trên facebook. Theo cô giáo, đối tượng bà Hằng hướng tới là tất cả những ai có cảm giác mình yếu thế. Và với định vị này, bà reach tới cả đất nước Việt Nam.

Cái khó ở đây là bà Hằng là bà chủ Đại Nam. Doanh nghiệp này lớn đến mức sẽ khiến vợ chồng bà lọt top người giàu nhất sàn chứng khoán nếu mang đi niêm yết! Mà ở Việt Nam, cứ giàu là có tội, cứ giàu là sai, cứ giàu là bị ghét. Nhưng bà Hằng là ngoại lệ.

Mặc dù liên tục nói sổ đỏ nhà mình có thể mang đi cân ký. Nhưng “khán giả” lại chỉ nhớ đến chuyện tài sản của bà được dành cho quỹ mổ tim. Đất đai của bà thẳng cánh cò bay thế nào người ta cũng chả quan tâm, vì 1000 tỷ hiến cho nhân dân phòng chống dịch có thể làm mềm lòng tất cả những ai khó tính.

Bà lên sóng mắng chửi những nhân vật quyền lực nhất showbiz, nhưng luôn miệng nói “chúng nó ăn hiếp em quý dzị ơi”, “quý dzị phải bảo vệ em đi quý dzị”, “một mình em chiến đấu và em nguyện chết để làm xã hội này được trong sạch, cuộc sống này được tử tế thì em cũng cam lòng”. Bà luôn chứng minh cho mọi người thấy, dù rất giàu có và quyền lực, nhưng bà không dùng tiền trong cuộc chiến lần này.

Bà đứng ở vai trò một người yếu thế, đi chống lại bè lũ mafia bằng sự chân thật và những điều tử tế. Như vậy, ai thấy mình cũng ở vào thế yếu sẽ bảo vệ bà Hằng.

Cuộc chiến khi nào dừng lại?

Bất cứ ai theo dõi bà Hằng từ ngày đầu đều biết, mục tiêu bà nhắm tới là Võ Hoàng Yên. Các nhân vật showbiz chỉ là công cụ để bà thu hút dư luận và qua đó có nhiều cơ hội để nhắc đi nhắc lại, nhằm dán chặt cái nhãn “thần y bịp” vào cái tên Võ Hoàng Yên.

Thế nên, bà Hằng sẽ không dừng lại. Thậm chí, theo suy đoán từ cô giáo, thì bà sẽ rất vui nếu team nghệ sỹ phản công. Những concept bà Hằng sử dụng sẽ từ từ mất đi tác dụng, trừ phi có thêm tình tiết mới. Đó có thể là gì, nếu không phải những thứ “nặng đô” hơn, thí dụ một vụ kiện giữa nhân vật showbiz nổi tiếng nào đó với bà Hằng?

Bà Hằng đã từng bóng gió, để chơi game này, bà sẵn sàng cào mặt ăn vạ, sẵn sàng làm khùng làm điên và chơi tất tay với Võ Hoàng Yên. Thế nên, các em cứ yên tâm là nhiều câu chuyện sau ánh hào quang sẽ còn được tung ra không e ngại. Người nổi tiếng cứ kiện đi, để giúp livestream của bà Hằng lập thêm kỷ lục người xem mới. Và qua đó, công cuộc làm sạch xã hội của bà Hằng càng nhanh đạt được mục tiêu.

Nguyễn Ngọc Long, truyền thông Trăng Đen

THÁNH CHỬI, THẦN Y, DANH HÀI VÀ CÁC NGÔI SAO ĐANG LẶN

NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies/ TD 28-5-2021

Gần đây, dư luận ồn ào về câu chuyện “thần y” Võ Hoàng Yên đang bị “thánh chửi” Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam, vợ đại gia “Dũng Lò Vôi”) tố cáo dùng bùa ngải để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Theo bà Phương Hằng, 14 năm qua ông Yên đã hành nghề “lang băm”, lừa đảo nhiều người cả trong và ngoài nước, làm họ “tiền mất tật mang”. Bà còn tố cáo một số “nghệ sỹ” đã ẩn danh nói xấu mình để bênh vực cho ông Yên.

Bà Phương Hằng cũng lên án “danh hài” Võ Hoài Linh, không chỉ vì đồng bóng, mà sáu tháng qua đã ỉm đi gần 14 tỷ VNĐ mà những người hảo tâm đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về pháp lý, phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự thực, nhưng nếu sự thực được phanh phui thì đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về một nhóm lợi ích có bóng dáng một giáo phái tà đạo mà chính bà ấy là nạn nhân, nay đang làm thay đổi cuộc chơi (game changer).

Các loại siêu lừa   

Tuy lừa đảo không chỉ có ở Việt Nam mà nước nào cũng có, nhưng ở các nước văn minh, họ thường lừa đảo “chuyên nghiệp hơn”. Siêu lừa Bernie Madoff bị bắt vào tháng 12/2008, sau khi công ty quản lý tài sản mà ông ta điều hành ở Manhattan (New York) bị cáo buộc lừa đảo bằng “mô hình kim tự tháp” (Ponzi), với số tiền lên tới 65 tỷ USD. Nhưng ở Việt Nam, họ thường lừa đảo dân chúng một cách “thô thiển hơn”, như một đặc thù riêng.

Hai năm trước, siêu lừa Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) đã bị tuyên án tù chung thân. Theo Viện Kiểm Soát, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã sử dụng mạng lưới bán hàng đa cấp gồm 34 chi nhánh và đại lý tại 27 tỉnh/thành, chiếm đoạt 2.090 tỷ VNĐ của hơn 68.000 người. Giang và đồng bọn đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ngộ nhận rằng Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng, và tổ chức lễ đón nhận bằng khen (giả) của thủ tướng chính phủ. (Lao Động, 23/12/2020).

Trước đó là vụ “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn phạm tội lừa đảo. Tuấn vốn lái taxi nên được nhận vào làm lái xe ở cục Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Vì quen với Chủ tịch Hội Luật gia và Hội Nhà báo, nên Tuấn được kết nạp làm hội viên, và đã “thỉnh giảng” tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Tuấn còn làm “trợ lý” cho ông Võ Kim Cự (Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2016, với danh nghĩa “Viện trưởng Viện Pháp luật & Kinh doanh” (thuộc Hội Luật gia Việt Nam), Tuấn định ứng cử vào Quốc Hội. (VOV, 19/5/2019).

Người Việt lừa đảo không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Năm 2016, cô gái Lê Mỹ Trúc bị bắt ở Sydney (Australia) và bị tuyên án 18 tháng tù treo vì tội lừa đảo với số tiền là 466.000 AUD (khoảng 8 tỷ VNĐ). Trên 300 du học sinh người Việt ở Sydney và Melbourne là nạn nhân của trang Facebook Vi Tran, bán vé máy bay giá rẻ trên mạng. Các nạn nhân bị lừa do mua vé máy bay giá rẻ mà không thẩm định. (Thanh Niên, 10/8/2016).

Gần đây, các vụ lừa đảo ngày càng nhiều, với các phương thức đa dạng hơn, kết hợp truyền thống với công nghệ cao, nên càng khó đối phó, được cảnh báo thường xuyên như một hiện tượng “bình thường mới” (new normal). Năm 2020, tiếp theo thiên tai là đại dịch Covid, làm cho nền kinh tế suy thoái, càng tạo điều kiện cho bọn lừa đảo hoạt động. Người ta nói “quan tham thì dân gian”, nên tình trạng buôn gian bán lận không có gì lạ.

Các “siêu lừa” như Lê Xuân Giang, Lê Hoàng Anh Tuấn, hay Võ Hoàng Yên, là những kẻ mạo danh (imposters), thu hút được rất nhiều người tham gia và trở thành nạn nhân, bao gồm doanh nhân, trí thức và văn nghệ sỹ. Trong thế giới đầy “tin vịt” (fake news), “nửa thật nửa hư” (half truth) và “hậu sự thật” (post truth) mà Yuval Noah Harari đã cảnh báo, các Youtubers bẩn đang mọc ra như nấm, thao túng thông tin làm nhiều người dễ ngộ nhận.

Theo bà Phương Hằng và dư luận trên các trang mạng, “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh đã thao túng một mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia, vận dụng các phương thức truyền thống (như bùa ngải) và hiện đại (như truyền thông mạng xã hội), nên khó nhận dạng và đối phó. Điều đó vừa phản ánh sự phân hóa của cộng đồng, vừa bộc lộ hiện trạng dân trí của đất nước. Tuy đã có nhiều bài viết về dân trí, nhưng có lẽ chưa đủ.

Bài học truyền thông và dân trí

Trong khi cộng đồng người Việt khó đoàn kết và hòa giải, thì lại dễ chia rẽ và phân hóa theo vùng miền hay phe nhóm. Trong khi người Việt coi nhẹ những vấn đề cốt lõi, thì lại coi trọng những vấn đề vụn vặt. Họ thường lẫn lộn hệ quy chiếu làm thước đo giá trị, nên dễ ngộ nhận.  Trong khi bị người khác lừa, họ lại thích lừa người khác vì tưởng mình khôn ngoan hơn. Đó là một nghịch lý làm nhiều người tinh tướng và “khôn nhà dại chợ”.

Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng có ba nguyên nhân chính. Một là dân trí thấp, làm nhiều người Việt không chịu lắng nghe để học hỏi nên dễ nhầm lẫn. Hai là giáo dục và đào tạo có lỗ hổng lớn, làm nhiều người Việt không có tư duy độc lập và thiếu phản biện nên dễ chấp nhận. Ba là truyền thông yếu kém, làm nhiều người Việt ít được giao lưu với thế giới bên ngoài và thiếu kinh nghiệm quốc tế (international exposure) nên dễ bị lừa.

Thực ra, chất lượng một cộng đồng trí thức hay văn nghệ sỹ không phụ thuộc vào số giáo sư tiến sỹ hay nghệ sỹ ưu tú và nghệ sỹ nhân dân, mà phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của họ đóng góp cho xã hội. Cũng như vậy, chất lượng của một thầy thuốc hay lang băm phụ thuộc vào số người mà anh ta cứu sống hay làm chết oan. Nghe nói hàng chục người đã chết dưới tay “thần y” Võ Hoàng Yên. Nếu đó là sự thực thì phải truy tố như một tội ác.

Cuộc chiến đầy kịch tính giữa “thánh chửi” Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoàng Linh, cùng một số “ngôi sao”, không chỉ phản ánh sự phân hóa cộng đồng, mà còn bộc lộ thực trạng văn hóa và dân trí của giới Showbiz. Đằng sau hào quang của các “ngôi sao” showbiz là một khoảng tối của dân trí thấp. Trong đó, bà Phương Hằng nổi lên như một hiện tượng truyền thông, trong một xã hội dân sự đang hình thành. Tuy bà sử dụng truyền thông mạng (lá cải), nhưng nó ngày càng hiệu quả và có tác động tích cưc.

Theo các chuyên gia, bà Phương Hằng không chỉ là một doanh nhân giàu có, mà còn là một người giỏi truyền thông. Để lôi kéo và thuyết phục đám đông, bà đạt được 4 concepts về truyền thông (một tỷ lệ cao). Đó là: (1) nổi tiếng, (2) có tài sản lớn, (3) biết kiện cáo, (4) biết bật mí. Bà phát động cùng lúc 2 cuộc chiến: (1) cuộc chiến truyền thông (phương tiện) và (2) cuộc chiến pháp lý (mục đích). Bà biết lồng ghép các thông điệp truyền thông đúng lúc đúng chỗ, và đối đầu với giới showbiz làm phương tiện để đạt mục đích (chơi tất tay).

Trong một cuộc chiến “đuổi cùng diện tận”, bà Phương Hằng biết chơi cờ, đưa mình vào thế bị bắt nạt (họ ăn hiếp em), để đối phương bộc lộ điểm yếu (ai sập bẫy ai), nhằm phân hóa đối phương (đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy). Để có chính nghĩa (legitimacy), bà biết chiếm lĩnh điểm cao (positioning) là yêu nước và đứng về phía người dân để “thế thiên hành đạo” (như Robinhood). Bà biết cách khai thác điểm yếu của đối phương (như hiệu ứng bầy đàn) để công kích họ đúng chỗ (tạm ứng niềm tin, đánh tráo khái niệm).

Trong một livestream dài ba tiếng đồng hồ (tối 25/5/2021), bà Phương Hằng đã cùng lúc thu hút được nửa triệu người xem (một kỷ lục rất cao). Theo các chuyên gia, bà nổi nên như một ngôi sao truyền thông và showbiz có tài, đang làm chủ cuộc chơi và dẫn dắt dư luận. Trong khi các nettizens gọi bà Phương Hằng là “thánh chửi” thì ông “Dũng Lò vôi” gọi vợ mình là một “chiến binh”. Đó là một nữ chiến binh xinh đẹp, thông minh và dũng cảm.

Tuy bị đám đông xúm vào tấn công, nhưng bà Phương Hằng vẫn bình tĩnh livestream một cách chuyên nghiệp, với phong cách tự nhiên, tự tin và nữ tính, sẵn sàng thách đấu các đối thủ “núp lùm”. Sau khi hạ đo ván (knockout) “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh, chắc “thánh chửi” không còn đối thủ. Có lẽ vì vậy, mà ông “Dũng Lò Vôi” đã tin tưởng chống lưng cho vợ và nhường cho bà làm Tổng Giám đốc (CEO) của Đại Nam.

Lời cuối 

Cách đây hơn một thế kỷ, trong khi cụ Tản Đà than “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, thì cụ Phan Châu Trinh đề xướng “Khai dân trí” như tư tưởng khai phóng để quốc gia khởi nghiệp. Trong khi Nhật mở cửa canh tân thành công và cất cánh thành cường quốc sau thời Minh Trị (Meiji Restoration) theo “Thoát Á luận” của Fukuzawa Yukichi, thì Việt Nam vẫn “bế quan tỏa cảng”, nên trở thành thuộc địa của Pháp.

Đến nay, Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi “ngã ba đường”, thậm chí vẫn đang tụt hậu. Liệu Việt Nam có thể phát triển nếu vẫn nhốt những người như Trần Huỳnh Duy Thức, và thả rông Võ Hoàng Yên? Nay bàn về dân trí là hơi muộn, nhưng “muộn còn hơn không”. Việt Nam không thể tiếp cận công nghệ 4.0 nếu vẫn theo hệ quy chiếu 0.4. Triết gia Immanuel Kant (cha đẻ của thuyết khai sáng) đã nói: “Khai sáng là ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự mình chuốc lấy”. Theo nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, “khai sáng và trưởng thành là quá trình con người ra khỏi hang tối của tư duy, để tiếp cận ánh sáng”.

AI CÁCH...MẠNG CỦA...BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 28-5-2021

Việc có khoảng nửa triệu người theo dõi livestream mà bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam) thực hiện vào chiều 25/5/2021 đã trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của tuần này.

Bà Hằng là nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng Việt Nam. Gần đây, sau khi tấn công ông Võ Hoàng Yên – người từng được hệ thống truyền thông chính thống phong tặng danh hiệu… Thần y, bà tiếp tục tấn công giới nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng mà con số người hâm mộ tính bằng… triệu, ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc tổ chức quyên góp giúp đỡ người nghèo, nạn dân… Livestream mà bà Hằng thực hiện vào chiều 25/5/2021 là một trong những cuộc tấn công theo hướng này (1).

Không cần bàn về bà Hằng cũng như cách thức bà thực hiện các cuộc tấn công qua mạng xã hội, những nội dung bà đề cập về ông Yên, về giới nghệ sĩ và một số nghệ sĩ nổi tiếng thì sự kiện vừa đề cập vẫn là trường hợp đáng chú ý đối với… báo chí cách mạng

***

Livestream do bà Hằng thực hiện diễn ra vào tối 25/5/2021 và kéo dài khoảng ba giờ – đây là thời điểm mà trước nay, hệ thống truyền hình trong hệ thống truyền thông chính thức vẫn xác định là… giờ vàng (giờ có nhiều khán giả theo dõi nhất thành ra luôn được dành để phát những chương trình quan trọng nhất, hấp dẫn nhất nhằm tạo ra tác động lớn nhất cũng như có thể dùng để thu về nhiều tiền nhất từ quảng cáo). Số lượng người theo dõi livestream của bà Hằng cho thấy giờ vàng không còn là… vàng nữa!

Đã có cũng như sẽ còn nhiều người phân tích, vì sao càng ngày công chúng càng quan tâm đến ý kiến, nhận định của một số cá nhân chỉ là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, kể cả những cá nhân bị xem là vô công rỗi nghề như… Khá ‘Bảnh’, Huấn ‘Hoa Hồng’,…? Vì sao sự quan tâm càng ngày càng vượt xa phạm vi theo dõi nhằm giải khuây và nhiều cá nhân trở thành một loại vua không… ngai, rất tự tin khi thốt ra những lệnh như… truyền tấn công ai đó, nhóm nào đó?

Khi mạng xã hội càng ngày càng nhiều… ngôi sao có thể tác động, chi phối cả nhận thức công chúng lẫn dư luận, vai trò của hệ thống truyền thông chính thức càng ngày càng tụt giảm và thực tế cho thấy đa số đã rơi vào tình trạng dở sống, dở chết…

Nhân sự kiện một livestream của bà Hằng có khoảng nửa triệu người theo dõi, Lê Ngọc Sơn đặt câu hỏi: Nhà báo – anh ở đâu trong sự nhiễu nhương của đám nghệ sĩ nhố nhăng? Sơn bảo rằng nhiều năm nay ông luôn tự hỏi: Vì sao hiện tượng các nghệ sĩ nhố nhăng lên báo dạy đời, chửi luôn khán giả lại được o bế và chiếm nhiều không gian trên truyền thông đến thế? Câu trả lời tạm thời của Sơn dành riêng cho những nhà báo viết về văn nghệ – giải trí là phần lớn do sự lười biếng của báo chí chúng ta!

Sơn đã khái quát về sự lười biếng của cả những phóng viên viết về văn nghệ – giải trí lẫn Tòa soạn, trích: Một – khen bọn nghệ sĩ nhố nhăng lên mây. Cho thông tin gì, phang lên mặt báo thông tin đó. Không tự vấn, không suy tư phản biện lại. Khen được là cứ khen. Như một con bê, người ta đút cho gì thì nhai cái đó! Hai – Thích săm soi đời tư tào lao của đám nghệ sĩ đó, giàu như thế nào, ở nhà gì, đi xe gì, cặp với ai, chuyện gia đình, tình yêu, tình báo… hoặc là đăng chuyện cãi lộn, chửi nhau của bọn nghệ sĩ nhố nhăng này. Xin lỗi khi phải nói làm báo kiểu này rẻ tiền và không nền báo chí nào trên hành tinh này xem là làm báo có đẳng cấp cảHãn hữu lắm mới thấy vài bài toát lên chút tư tưởng, hay đọng lại những quan điểm nhân sinh đáng đọc, đáng nghĩ…

Nực cười hơn, vài bạn “phóng viên văn nghệ” bị nhiễm thói… nghệ sĩ. và sống với ảo ảnh mình cũng là nghệ sĩ. Nhiều bạn học đòi thói đa sầu đa cảm, bống bống bang bang, nuông chiều cảm xúc xem mình là bố đời, như là ta đây cứu cả thế nhân. Hùa theo đám nghệ sĩ để xem mình ở trên tất cả mà quên đi vai trò là công sứ của sự thật – một NHÀ BÁO. Nửa mùa đến thế là cùng! Tôi tiếp xúc đủ loại nhà báo Đông – Tây, không có kiểu nào nửa mùa như thế cả!

Xin nhớ cho, các bạn đang thực hiện thiên chức nhà báo mà nhà báo văn nghệ là ai? Là người thay mặt bạn đọc, là công sứ của sự thật, truyền tải nội dung để bán (trực tiếp hay gián tiếp) cho bạn đọc. Cao hơn nữa, hãy trở thành những người hiểu biết sâu về một lĩnh vực hẹp để cung cấp các góc nhìn và kiến thức về lĩnh vực đó cho bạn đọc hiểu. Thứ đó chính là giá trị gia tăng mà toà soạn của bạn có thể trao cho bạn đọc khi họ đọc tờ báo của bạn. Để được vậy, phải dụng công, sử dụng tư duy lý tính thay vì nhét cảm tính vào! Mà để có tư duy lý tính thì phải nâng cấp nền tảng tri thức – văn hoá (không cần bằng cấp), lý tưởng nghề nghiệp. Còn nếu thấy không muốn nâng cấp thì “lượn đi cho nước nó trong”, kiếm nghề khác cho làng báo đỡ mang tiếng.

Giờ đây mở tivi ra toàn là những chương trình giải trí nhảm nhí, nhăng cuội và tào lao. Trên mặt báo toàn chuyện khoe của, cãi lộn của bọn nghệ sĩ nửa mùa, văn hoá văn nghệ còi cọc làm sao! Cứ chiều chuộng nhu cầu thẩm mỹ dạng thấp này thì bạn đọc và con cháu chúng ta sẽ học hỏi được gì?… (2)

Sơn kết thúc khái quát của mình bằng một câu hỏi: “Bạn có biết vì sao streamer Nguyễn Phương Hằng đạt kỷ lục mà không nhà báo hay toà soạn nào có thể đạt được không? Tự động não chút nhé để thấy sự cáo chung của cách làm báo mỹ ký!”

Một nhà báo – ông Phạm Trung Tuyến, Giám đốc kênh Giao thông của VOV, nhận xét: Livestream của bà Hằng hút khán giả đơn giản vì nội dung tốt. Bà nói về con người, về lẽ sống, về những điều mà nhiều người đang quan tâm và chứng minh được bà không bị sức ép nào. Nội dung bà Hằng nói, có thể đúng, có thể sai, nhưng quan trọng là người nghe có lý do để tin bà Hằng nói thật nghĩ suy nghĩ của bà. Đó thực sự là sự rạch ròi mà hiện nay nhiều cơ quan truyền thông chuyên nghiệp chưa hoặc không làm được (3).

Đã có những người sử dụng mạng xã hội gọi bà Hằng là “hiện tượng truyền thông” như ông Trần Quốc Quân. Ông Quân ví bà Hằng như “quả bom tấn” làm rung chuyển các “định chế” từ truyền thông, showbiz, đến pháp luật, y tế, giáo dục… len lỏi tới mọi gia đình, mọi ngóc ngách xã hội. Theo ông Quân, một trong những lý do giúp bà Hằng thành công là bà quyết liệt, thẳng thắn, bộc trực và nhất là không dối trá. COVID-19 làm thay đổi cả thế giới. Nguyễn Phương Hằng làm thay đổi một phần đất nước này, ít nhất là trong cách làm truyền thông, trong cách làm từ thiện, trong ảo tưởng quyền lực showbiz và ứng xử của xã hội đối với giới nghệ sỹ (4)

***

Không phải tự nhiên mà công chúng đem livestream của bà Hằng hôm 25/5/2021 so với hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thông chính thức. Sau một thời gian dài chủ động làm ngơ những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, những vấn nạn chính trị, xã hội càng ngày càng trầm trọng để không bị chính quyền… “cạo đầu, bôi vôi”, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam tụt dần xuống đáy, phương thức duy nhất để có khán giả, giữ được độc giả, kiếm được tiền nuôi nhau là hướng vào đủ loại chuyện tầm phào.

Càng ngày càng nhiều cơ quan truyền thông chính thức chỉ còn vỏ, không có ruột và để vẫn còn được hoạt động, vẫn được xem như một yếu tố cấu thành… báo chí cách mạng, khai thác các khía cạnh liên quan đến đời tư ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, đại gia,… chạy theo những sự kiện giật gân, rồi lồng ghép, sắp đặt biến các sản phẩm báo chí trở thành một dạng quảng cáo trá hình… đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức.

Tuy nhiên điều đó không cứu được các cơ quan truyền thông chính thức, cũng vì vậy, livestream do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện tối 25/5/2021 mới được thiên hạ xem là ví dụ để khuyến cáo các cơ quan truyền thông chính thức.

Ai, nơi nào đã xóa sạch thiện cảm, niềm tin của công chúng vào các nhà báo nói riêng và hệ thống truyền thông chính thức nói chung. Vì lẽ gì mà ở cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần trước, công chúng ở TP.HCM thẳng tay loại bỏ năm ứng cử viên đại diện cho lĩnh vực báo chí – xuất bản được Mặt trận Tổ quốc chọn, giới thiệu tranh cử vào Hội đồng nhân dân của thành phố này (5)? Ai? Nơi nào đã khiến ông Nguyễn Như Phong, một nhà báo kỳ cựu ở Cộng hòa XHCN Việt Nam tin rằng: Nhà báo phải như… con chó?

Chú thích

(1) https://www.youtube.com/watch?v=w9Pq1QUbpOQ

(2) https://www.facebook.com/lengocson.expert/posts/10223343795240457

(3) https://ngaynay.vn/giai-ma-hien-tuong-phuong-hang-post107948.html

(4) https://www.facebook.com/van.conghung.9/posts/4011340295645897

(5) https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/posts/10216107060863984

NHÀ BÁO, ANH Ở ĐÂU TRONG SỰ NHIỄU NHƯƠNG CỦA ĐÁM 

NGHỆ SĨ NHỐ NHĂNG ?

LÊ NGỌC SƠN/ TD 26-5-2021

Tôi biết bài viết này sẽ vô tình đụng chạm đến nhiều đồng nghiệp, nhưng nó là những suy tư thực sự của tôi – một người làm nghề gần 20 năm nay! Bài viết dưới đây chỉ nói về nghệ sĩ nhố nhăng và nhà báo văn nghệ nửa mùa, và không ảnh hưởng sự tôn kính của tôi đối với nhà báo – toà soạn chuyên nghiệp và nghệ sĩ chân chính.

Vài năm nay tôi luôn tự vấn mình một câu hỏi: Vì sao hiện tượng các nghệ sĩ nhố nhăng lên báo dạy đời, chửi luôn lại khán giả, lại được o bế và chiếm nhiều không gian trên truyền thông đến thế. Và câu trả lời là: một phần lớn do sự lười biếng của báo chí chúng ta! Tạm thời, ở đây, tôi chỉ nói khu biệt trong giới ký giả viết về văn nghệ – giải trí, và trừ những nhà báo xuất sắc ra.

Lấy ví dụ, search google các bài báo về chủ đề “𝐇𝐨à𝐢 𝐋𝐢𝐧𝐡 𝐱â𝐲 𝐧𝐡à 𝐭𝐡ờ 𝐭ổ 𝐡ơ𝐧 𝟏𝟎𝟎 𝐭ỷ”. Đã có nhà báo nào đi sâu vào viết xem, vậy cái gọi là “nhà thờ tổ” đó là thờ cụ thể ông tổ nào không? Tổ thì phải là tổ nào chứ không thì sẽ là “tầm tổ, tầm tiên”. Nó nằm ở tích nào hay dính dáng gì đến lịch sử sân khấu nghệ thuật không?!

Tôi đồ rằng, ngay cả người đứng ra xây cái nhà thờ đó còn chả hiểu gì về thứ ổng hô hào. Khám phá được bức tranh phía sau đó, bạn sẽ có được vài chỉ dấu về động cơ thực sự của người xây cái gọi là “nhà thờ tổ” đó là để làm gì?!

Vậy nhưng, tiếc là chả thấy gì ngoài các bài khen hoành tráng, khen nghệ sĩ “sống đạm bạc” này nọ, (còn đạm bạc thật hay không, thì không nên hỏi các vị thợ viết lười biếng, he he!)

Trên truyền thông, các bài viết của các bạn phóng viên mảng văn nghệ – giải trí và toà soạn của họ đang đi theo 2 xu hướng khá lười biếng sau:

(1) Khen bọn nghệ sĩ nhố nhăng lên mây. Cho thông tin gì, phang lên mặt báo thông tin đó. Không một lời tự vấn, không một chút suy tư phản biện lại. Khen được là cứ khen. Như một con bê, người ta đút cho gì thì nhai cái đó vậy.

(2) Một chiều hướng khác, là thích xăm xoi vào đời tư tào lao của đám nghệ sĩ đó: giàu như thế nào, ở nhà gì, đi xe gì, cặp với ai, chuyện gia đình, tình yêu tình báo… Hoặc là đăng chuyện cãi lộn, chửi nhau của bọn nghệ sĩ nhố nhăng này. Sorry phải nói mấy thứ làm báo kiểu này rẻ tiền và không nền báo chí nào trên hành tinh này xem là làm báo có đẳng cấp cả.

Hạn hữu lắm, mới thấy vài bài toát lên chút tư tưởng, hay đọng lại những quan điểm nhân sinh đáng đọc, đáng nghĩ… kiểu “gây ám ảnh” cho người đọc.

Nực cười hơn, vài bạn làm “phóng viên văn nghệ”, tự khi nào bị nhiễm thói… nghệ sĩ. Và sống với ảo ảnh mình cũng là nghệ sĩ. Nhiều bạn học đòi thói đa sầu đa cảm, nuông chiều cảm xúc xem mình là bố đời, như là ta đây cứu cả thế nhân vậy. Hùa theo đám nghệ sĩ để xem mình ở trên tất cả mà quên đi vai trò là công sứ của sự thật – một NHÀ BÁO. Nửa mùa đến thế là cùng! Tôi tiếp xúc đủ loại nhà báo Đông – Tây, không có kiểu nào nửa mùa như thế cả!

Xin nhớ cho, 𝐜á𝐜 𝐛ạ𝐧 đ𝐚𝐧𝐠 𝐥à𝐦 𝐭𝐡𝐢ê𝐧 𝐜𝐡ứ𝐜 𝐜ủ𝐚 𝐍𝐇À 𝐁Á𝐎, 𝐜ủ𝐚 𝐊Ý 𝐆𝐈Ả. Mà nhà báo – ký giả văn nghệ, anh là ai? Là người thay mặt bạn đọc, là công sứ của sự thật, truyền tải nội dung để bán (trực tiếp hay gián tiếp) cho bạn đọc. Lên tầm nữa, thì hãy trở thành những người hiểu biết sâu về một lĩnh vực hẹp để cung cấp các góc nhìn và kiến thức về lĩnh vực đó cho bạn đọc hiểu – thứ đó chính là giá trị gia tăng mà toà soạn của bạn có thể trao cho bạn đọc khi họ đọc tờ báo của bạn.

Mà để làm được vậy, phải dụng công sử dụng tư duy lý tính, thay vì nhét mấy thứ cảm tính vào! Mà để có tư duy lý tính thì phải nâng cấp phông nền tri thức – văn hoá (không cần bằng cấp), lý tưởng nghề nghiệp. Còn nếu thấy không muốn nâng cấp, thì “lượn đi cho nước nó trong”, kiếm nghề khác – cho làng báo đỡ mang tiếng.

Giờ đây, bạn mở tivi ra là toàn những chương trình giải trí nhảm nhí, nhăng cuội và tào lao. Lên mặt báo toàn xem chuyện khoe của, cãi lộn của bọn nghệ sĩ nửa mùa, văn hoá văn nghệ còi cọc làm sao. Cứ chiều chuộng nhu cầu thẩm mỹ dạng thấp này, thì bạn đọc và con cháu chúng ta sẽ học hỏi được gì?

Các idols của giới trẻ toàn khoe của, bảo sao xã hội dị dạng chạy theo đồng tiền, người trẻ không thấy gì khác ngoài lấy tiền ra làm chuẩn. Mà cuộc sống thực, thành công của đời người đâu chỉ đánh giá bởi kim cương hột xoàn, nhà to như của thằng Đờm, và không phải bằng số trầm hương mà nghệ sĩ hài sở hữu… Nó khác lắm, và văn minh hơn nhiều, thưa đám phóng viên nghệ thuật lười biếng!

Trách những người anh em phóng viên lười biếng 1, thì trách toà soạn của anh em 10.

Để kết thúc tút dài này, xin bằng một câu hỏi: Bạn có biết vì sao streamer Nguyễn Phương Hằng đạt kỷ lục mà không một nhà báo hay toà soạn nào có thể đạt được không? Tự vận động não chút nhé, để thấy sự cáo chung của cách làm báo mỹ ký.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét