Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

20210502. VẬN HỘI, TƯ DUY VÀ CÁCH LÀM

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


VIỆT NAM TRƯỚC VẬN HỘI  ĐỂ CÓ KỲ TÍCH MỚI: TƯ DUY VÀ CÁCH LÀM CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

GS. NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG*/ TBKTSG 29-4-2021

(KTSG) - Cơ hội để Việt Nam có một kỳ tích kinh tế và trở thành một quốc gia có ảnh hưởng tích cực trong kiến tạo trật tự thế giới mới đang mở ra. Các thách thức thúc đẩy những đột phá trong tư duy và cách làm để đảm bảo độc lập, toàn vẹn chủ quyền và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội. Khát vọng luôn phải đi kèm quyết tâm cao và hành động mạnh hướng đến kỳ tích. Chúng ta có 5-10 năm tới đây cho một đột phá lịch sử.

Việt Nam vẫn giữ ổn định trong dịch Covid-19. Ảnh: N.K

Có những thời khắc lịch sử cho những quyết định đột phá...

Ngày 30-4 năm nay đánh dấu cột mốc 46 năm ngày đất nước được thống nhất, và các dân tộc anh em trên mọi miền của Tổ quốc đã bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước. Nếu so với quá trình phát triển của một đời người thì sau 46 năm chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có được sự từng trải, sâu sắc, và chín chắn. Đây là vốn quý để vươn tới những thành công lớn hơn, nhất là khi thế giới bước vào thập kỷ mới với nhiều biến động, thay đổi khó lường cùng với những thách thức toàn cầu không có lời giải dễ dàng.

Thế giới cũng đang bước vào một thập kỷ mới với bộn bề khó khăn mà dịch Covid-19 tạo ra. Ước tính thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 trong năm 2020 là 4,5% GDP toàn cầu, tương đương 3.940 tỉ đô la Mỹ (lớn hơn quy mô nền kinh tế của nước Đức trong cùng năm).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính có 167/193 quốc gia tăng trưởng âm năm 2020. Nhiều nhà lãnh đạo đương thời như Thủ tướng Anh Boris Johnson, hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập đến việc chính phủ của họ phải thực hiện những giải pháp, chính sách chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Tác động, ảnh hưởng của nó đến mọi mặt của chính trị, kinh tế, và xã hội toàn cầu sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Nếu làm một phép so sánh “không hoàn hảo” thì toàn thế giới đang trong “Thế chiến thứ 3” khi tất cả các nước đều phải chiến đấu chống lại virus Corona - một “sức mạnh của tự nhiên”, để tìm đến điểm cân bằng mới.

Sau Thế chiến thứ 2, một số quốc gia đã vươn lên trở thành những cường quốc, trong một môi trường phức tạp của chiến tranh lạnh. Điển hình là các nước Đức, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Mỗi nước đã chủ động tìm ra thế mạnh, sự khác biệt để phát huy, dựa trên bản sắc văn hóa và nguồn lực con người của mình.

Khi đang giữ được nền tảng ổn định ấn tượng, Việt Nam đang có một vận hội không thể tốt hơn để khẳng định vị thế, vai trò và cơ đồ tương lai của dòng dõi Lạc Hồng.

Việt Nam cần một định vị chiến lược cho tầm nhìn 2045

Để phát triển tốt thì ưu tiên hàng đầu là định vị nước ta như thế nào để tránh bị mắc kẹt trong “thế trận” tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường, mà vẫn đảm bảo được sự toàn vẹn chủ quyền, có năng lực phòng thủ cao, có tiếng nói đối với các vấn đề toàn cầu.

Một trật tự kinh tế - chính trị thế giới mới đang dần định hình từ đầu thập kỷ vừa qua. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cả kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ đang không chỉ đe dọa vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ mà còn là nguy cơ cho toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, cũng như sự ổn định và phát triển hòa bình của khu vực và thế giới.

Mỹ đối mặt với sự phân hóa xã hội kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống và mất sự ủng hộ của nhiều nước đồng minh. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trên nền của cạnh tranh công nghệ, cạnh tranh vị thế siêu cường đang dần đưa hai nước đến vị trí đối địch. Liên minh châu Âu (EU) cũng mất đi sự đoàn kết và sức mạnh sau cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư và Brexit.

Các nước đều đang phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình trong môi trường “vừa hội nhập, vừa tìm cách ít phụ thuộc vào bên ngoài”. 

Nằm ở cửa ngõ chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - điểm giao thoa ảnh hưởng của nhiều nước lớn và có nguy cơ xung đột vũ trang cao, Việt Nam nên chủ động lựa chọn đặt mình trong nhóm các nước có vai trò lãnh đạo, chủ động tiên phong trong các vấn đề toàn cầu, trung gian cân đối ảnh hưởng và lợi ích trong một thế giới phân cực.

Điểm tựa của định vị chiến lược này dựa trên tăng cường sức mạnh nội tại (năng lực sản xuất, trình độ phát triển công nghệ bậc cao, chất lượng nguồn lực con người), chủ động trong các vấn đề toàn cầu (chống biến đổi khí hậu, hợp tác đa phương, nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế). Và xác lập được thương hiệu Việt Nam.

Mô hình và tiềm lực kinh tế quyết định sự thành bại của định vị chiến lược

Khi định vị tổng thể của nước ta được lựa chọn, ưu tiên hàng đầu là một định vị kinh tế, và một mô hình đột phá cho phát triển kinh tế.

Trong báo cáo năm 2017 của mình (Tầm nhìn dài hạn: trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2050?), tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới PWC dự báo Việt Nam nằm vị trí số 29 và số 19 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 và 2050, xét về tổng thu nhập quốc dân theo sức mua tương đương (có tính đến sự khác biệt về mức sống người dân giữa các nước).

Với khả năng giữ ổn định trong dịch Covid-19, trong khi các nước khác tăng trưởng rất thấp hoặc âm, chúng ta có thể hướng tới một vị trí tốt hơn thế. Năm 1988, hai năm sau chính sách “Đổi mới”, số liệu của IMF cho thấy quy mô nền kinh tế của nước ta (25,42 tỉ đô la) nhỉnh hơn quy mô nền kinh tế của Singapore (25,37 tỉ đô la).

Bỏ qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức của thời kỳ tiền đổi mới với ảnh hưởng sâu rộng của các cuộc chiến tranh liên tiếp, Việt Nam - với 340,8 tỉ đô la tổng thu nhập quốc dân - một lần nữa vượt quy mô kinh tế của Singapore (339,9 tỉ đô la) vào năm 2020 theo báo cáo IMF Economic Outlook tháng 4-2021, và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của Asean (sau Indonesia, Thái Lan và Philippines).

Không chỉ quy mô và chất lượng của phát triển là những quan tâm hàng đầu của người dân, chúng ta có thể làm được hơn thế khi xác định được rõ ràng một mô hình kinh tế. Nó giúp hoạch định tốt những vấn đề trọng tâm đầu tư và huy động nguồn lực.

Thế giới và trong nước đang theo đuổi những xu hướng kinh tế lớn như “kinh tế xanh”, “kinh tế số”, “kinh tế đổi mới sáng tạo”, “kinh tế chia sẻ”... Tôi tin rằng Việt Nam cần thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế bao trùm dựa trên tri thức (inclusive knowledge-based economy). Đó là nền kinh tế mà tất cả các chủ thể đều có thể tiếp cận với các cơ hội kinh tế một cách bình đẳng, có nghiên cứu sâu để phát triển những ngành nghề đem lại lợi thế nhất cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.

Đó cũng là nơi mà sự kết hợp hài hòa, gắn kết giữa vai trò của “nhà nước, thị trường và xã hội” sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mạnh, bền vững và bao trùm. Quản trị nhà nước trong vai trò của người kiến tạo chính sách, định hướng các “cuộc chơi lớn”, định hướng giá trị và chất lượng phát triển. Các ngành thâm dụng tài nguyên và không đem lại giá trị gia tăng ở phạm vi quốc gia như bất động sản sẽ không phải là ưu tiên.

Tri thức luôn là nguồn tài nguyên vô hạn và là nguồn gốc của mọi tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tri thức càng được sử dụng thì càng được tinh luyện, phát triển, và mở rộng. Ở thời điểm này, tri thức có thể được kết nối toàn cầu, không có biên giới thông qua nhiều nền tảng mở, học hỏi từ xa.

Đi như thế nào?

Trong 76 năm trở lại đây, chúng ta đã có những thắng lợi lịch sử được cả thế giới ngưỡng mộ, để bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Những thắng lợi đó là kỳ tích nếu như tính đến những gì ông cha ta có vào thời đó. Rõ ràng nền tảng hiện nay của chúng ta hoàn toàn cho phép tiến đến một kỳ tích kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã sẵn sàng cho những thay đổi, cho những cải cách đột phá để viết lên một trang sử hào hùng mới trong xây dựng và phát triển kinh tế của dân tộc ta?

Chúng ta cần một tuyên ngôn phát triển mới, và nằm ở vị trí trung tâm là con người - chủ thể và động lực của sự phát triển. Một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu cần có những lãnh đạo xuất sắc, được đào tạo có khả năng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, nhiệm vụ được đặt ra.

Ở cấp độ một đất nước thì càng cần có sự chuẩn bị từ rất sớm để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài kiệt xuất, xứng tầm với thách thức của dân tộc, thời đại, khu vực và quốc tế. Mô hình phát triển bao trùm dựa trên tri thức cần sức mạnh tổng hợp từ toàn dân, và sớm hay muộn thì việc lựa chọn nhân tài phụng sự đất nước cũng cần mở rộng đến xã hội. Con người vẫn là chìa khóa để hệ thống đổi mới và đi lên.

Tiếp đến, trong một thế giới mà không tồn tại rủi ro bằng 0 thì một cơ chế cho phép sự thất bại của tập thể và cá nhân khi đưa ra những quyết định vì lợi ích dân tộc và đất nước là hết sức cần thiết. Đây là điều kiện để các sáng kiến và đổi mới sáng tạo được thử nghiệm, được đưa vào thực hiện, và khi thành công có thể được lan rộng.

Các vấn đề cơ bản cần được ưu tiên bao gồm việc hoạch định một chiến lược phát triển các ngành nghề kinh tế chủ đạo, các cụm kinh tế cạnh tranh với lõi là các trung tâm R&D và đổi mới sáng tạo, hạ tầng và cơ chế kết nối chuỗi động lực kinh tế vùng miền, và hợp tác phát triển kinh tế gắn với phát triển công nghệ, an ninh an toàn khu vực - quốc tế, và chống biến đổi khí hậu 

Trong thế kỷ 21, thành công của một quốc gia sẽ được quyết định rất nhiều bởi năng lực khai phá và kết nối nguồn lực, đặc biệt là con người, tri thức, và công nghệ. Một quốc gia mà ai cũng dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm thì tương lai của quốc gia đó sẽ sáng sủa. Xác định mình là nhân tố tiên phong thì quốc gia đó cũng phải đi đầu trong phát triển bền vững, lấy hạnh phúc của người dân, môi trường sống sạch và chất lượng phát triển con người để làm mục tiêu hành động và cải tiến mỗi ngày.

(*) Giáo sư tài chính, IPAG Business School (Paris), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu
(AVSE Global)

TƯƠNG LAI KINH TẾ VIỆT NAM NHÌN TỪ ĐẠI DỊCH : THẾ GIỚI HẬU COVID 19 HAY VỚI COVID 19

GS. TRẦN VĂN THỌ*/ TBKTSG 29-4-2021

Trong tương lai với tiền đề mọi người sẽ phải sống chung với đại dịch, kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi và tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với các lý luận đã có. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa, truyền thống và hiện đại sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ.


Hiện nay chúng ta chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt đại dịch Covid-19. Thế giới sẽ bước vào giai đoạn hậu Covid-19 (post Covid-19) hay thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 (with Covid-19)?

Dù tính bất xác định còn cao, chưa biết tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào, nhưng có hai điều hầu như chắc chắn.

Một là, dù đại dịch lần này có thể khắc phục nhưng trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra các nạn dịch khác. Cho đến nay loài người đã chứng kiến bốn đại dịch (thế kỷ 14, thế kỷ 15, năm 1918 và 2020) và nhiều lần khác với quy mô nhỏ hơn. Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch. Ta phải tích cực tìm ra sự chuyển hoán mới chứ không nên mong tình thế trở lại bình thường như trước.

Hai là, qua đại dịch lần này chúng ta thấy được thế nào là một xã hội nhân văn, thế nào là cuộc sống chất lượng cao, một phương thức làm việc hợp lý...

Ở một số phương diện, một số giá trị truyền thống đã thay đổi trong quá trình hiện đại hóa nay cần được khơi dậy trở lại. Trong quá trình phát triển của một nước, khi còn ở giai đoạn chủ yếu là nông nghiệp, làng xóm là đơn vị sinh hoạt chính của người dân, tinh thần tương thân tương trợ, tình làng nghĩa xóm làm cho mọi người gắn bó, giúp đỡ nhau. Đó là một loại bảo hiểm xã hội phi chính thức. Khi chuyển sang công nghiệp hóa, đô thị hóa, quan hệ láng giềng và tinh thần tương trợ giảm đi nhiều, thay vào đó mọi người dựa vào các chế độ chính thức như quỹ bảo hiểm xã hội và dịch vụ công. Nhưng trong một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, một bộ phận lớn dân chúng chưa có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có thể dựa vào cứu trợ của nhà nước khi đối diện với những khó khăn bất thường. Hơn nữa, trong tình trạng bất thường như thiên tai, dịch bệnh, chế độ cứu trợ chính thức từ nhà nước bị hạn chế, mất rất nhiều thì giờ để xác định đối tượng cũng như phân phát vật phẩm hỗ trợ đến nơi cần giúp. Trong trường hợp này, cộng đồng xã hội, tính tương thân tương trợ đóng vai trò bổ sung quan trọng. Trong thời đại mới, truyền thống này trở thành quan trọng trở lại.

Tổng hợp các yếu tố liên quan hai điểm trên, chủ động phác họa một xã hội lý tưởng, thích nghi với khả năng dịch bệnh tái phát và dựa trên những thay đổi về công nghệ, có thể nêu ra viễn ảnh của thế giới trong tương lai như sau:

Sáu viễn cảnh của thế giới

Thứ nhất, tính chất “tập trung” của hoạt động kinh tế, xã hội có hiệu quả làm tăng hiệu suất nhưng sẽ phải thay đổi để đối phó với dịch bệnh. Đô thị hóa, tập trung dân số sẽ chững lại hoặc phân tán về các địa phương. Trong tương lai, “tập trung vừa phải”, quy mô vừa phải sẽ là hình mẫu của đô thị. Việc tiếp xúc giữa người với người phải bị hạn chế nên các ngành dịch vụ có tính cách tập họp đông người như vui chơi, ca nhạc, hội thảo, sẽ phải giảm hoặc chuyển sang hình thức “từ xa”.

Thứ hai, phương thức làm việc sẽ thay đổi. Sẽ ngày càng có nhiều công việc, nhiều người làm việc tại nhà. Trên phạm vi quốc tế, người ở nước này có thể quản lý công việc tại nước khác, làm giảm nhu cầu di chuyển. Công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển giúp cho phương thức làm việc tại nhà, tại nơi mình ở thực hiện dễ dàng.

Từ nhiều năm trước khi có đại dịch đã có dự đoán công nghệ thông tin sẽ phát triển ngày càng mạnh làm cho con người không cần di chuyển mà dịch vụ lao động có thể di chuyển từ nước này sang nước khác.

Chẳng hạn công nghệ thúc đẩy hiện diện từ xa (telepresence) giúp tổ chức các hội nghị trực tuyến, giảm hội họp quốc tế theo phương pháp trước đây là mặt đối mặt (face-to-face). Người máy được điều khiển từ xa (telerobotics) sẽ giúp công nhân ở nước A điều khiển người máy ở nước B trong các dịch vụ ở khách sạn hay tư gia (lau chùi cửa kính, quét dọn phòng...) mà không phải xuất khẩu lao động như hiện nay(1). Với ảnh hưởng của đại dịch, khuynh hướng phát triển công nghệ theo nội dung này sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, trong mùa có dịch, cùng với số lượng lao động làm việc tại nhà ngày càng đông, người lãnh lương hưu, người được người thân phụng dưỡng và nhiều người khác sẽ sinh hoạt ở nhà. Nhưng xã hội vẫn phải cần những người lao động làm việc ở bệnh viện và các cơ sở sản xuất. Đó là những lao động thuộc loại thiết yếu (essential workers) như bác sĩ/nhân viên y tế, lao động sản xuất thực phẩm, nhân viên làm việc trong siêu thị, trong hoạt động giao thông, vận tải. Đó là những người dấn thân vì cộng đồng, xã hội cần có biện pháp khích lệ và biết ơn họ.

Thứ tư, trong thời đại phải sống chung với dịch bệnh, sẽ có nhiều người do tính chất của nghề nghiệp, họ không thể làm việc tại nhà nhưng không thuộc loại lao động thiết yếu nói ở trên nên phải chịu thất nghiệp hoặc thu nhập rất thấp. Ngoài ra, để đối phó với dịch bệnh, khuynh hướng dùng robot để thay thế lao động sẽ mạnh hơn nữa, số người thất nghiệp sẽ tăng hơn.

Trước khi có đại dịch, McKinsey Global Institute (năm 2017) ước tính là cho đến năm 2030 sẽ có độ 60% trong tổng số các ngành nghề sẽ ảnh hưởng vì tự động hóa, trong đó mức độ ảnh hưởng là 30% (của những yếu tố cấu thành trong mỗi nghề nghiệp). Cũng theo nghiên cứu này, cho đến năm 2030, ước tính sẽ có độ 375 triệu lao động (14% trong tổng lao động toàn cầu) phải tự đào tạo hoặc được đào tạo lại để chuyển nghề. Nếu chậm trễ trong việc chuyển đổi này, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng(2).

Sau khi đại dịch lan truyền, vào tháng 6-2020, Công ty Tư vấn McKinsey lại thực hiện cuộc điều tra đối với 800 lãnh đạo doanh nghiệp ở chín nước (Mỹ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ), kết quả cho thấy khuynh hướng tự động hóa (automation) và số hóa (digitization) sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn và cơ cấu cung cầu lao động sẽ thay đổi mạnh (McKinsey Global Institute, 2020). Các công ty sẽ giảm lao động chính thức, gắn kết lâu dài, mà thay vào đó tăng lao động làm khoán (contractors) ngắn hạn và lao động đồng thời làm việc cho nhiều công ty theo các nhu cầu khác nhau (gig workers).

Nhìn chung, trong dài hạn các nước phải đối phó bằng các chính sách đào tạo lại lao động, phát triển các ngành thu hút lao động mới..., nhưng sẽ không tránh được tình trạng làm cho nhiều người phải rớt xuống dưới giới tuyến nghèo. Chúng ta phải nghĩ đến biện pháp tái phân phối thu nhập để cứu giúp những lao động không thiết yếu và người thất nghiệp do công nghệ robot gây ra. Chẳng hạn nhà nước đưa ra chính sách cung cấp thu nhập cơ bản (basic income) cho tất cả mọi người ở dưới giới tuyến nghèo(3).

Thứ năm, thực phẩm và hàng hóa liên quan y tế sẽ trở thành thiết yếu hơn trước. Vì an ninh quốc gia, các nước sẽ ngày càng ưu tiên cung cấp cho các nhu yếu phẩm này. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ưu tiên nước mình mà một số nước gần đây đã áp dụng sẽ có khuynh hướng mạnh hơn, ít nhất là đối với những sản phẩm thiết yếu, liên quan an ninh quốc gia.

Thứ sáu, cùng với điểm thứ năm vừa nói, nhiều yếu tố khác cũng làm cho khuynh hướng toàn cầu hóa yếu. Nói chung kinh tế các nước gặp khó khăn sẽ không tích cực trong hội nhập. Từ sau khủng hoảng tiền tệ thế giới năm 2008, khuynh hướng toàn cầu hóa đã chững lại. Các chỉ tiêu chính như tỷ lệ của xuất khẩu hoặc kim ngạch đầu tư trực tiếp (FDI) trên GDP toàn cầu đã giảm nhiều vào năm 2017, so với năm 2007. Chẳng hạn tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trên tổng GDP của thế giới từ năm 1993-2007 tăng từ 18% lên 32%, nhưng sau đó chững lại chỉ còn 29% vào năm 2017. Dòng chảy FDI trên GDP của thế giới giảm mạnh, từ 5,5% năm 2007 xuống còn 1,5% năm 2018(4).

Dịch Covid-19 có khuynh hướng làm yếu toàn cầu hóa. Lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động bị hạn chế. Đặc biệt lao động giản đơn di chuyển phải tập trung tại các cơ sở sản xuất nên dễ lây bệnh. Để tránh rủi ro đó, các nước thiếu lao động sẽ tích cực dùng robot trong những lĩnh vực có thể dùng được thay vì nhập khẩu lao động.

Công nghệ thông tin trong gần 30 năm qua đã thúc đẩy toàn cầu hóa (vì giảm chi phí kết nối quốc tế, chi phí di chuyển của chuyên viên, quản lý trên quy mô toàn cầu) nhưng dưới ảnh hưởng của đại dịch bây giờ sẽ chuyển sang giai đọạn làm yếu toàn cầu hóa vì, như đã nói ở trên, các công cụ như telepresence sẽ làm cho các dịch vụ, quản lý có thể thực hiện từ xa, không cần di chuyển lao động.

Ngoài ra, trước sự trỗi dậy và tham vọng làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, không phải chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác như Úc, Nhật ngày càng chú trọng an ninh kinh tế, làm cho hệ thống mậu dịch quốc tế bị ảnh hưởng, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn. Khuynh hướng hạn chế xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu liên quan an ninh lương thực, an ninh y tế sẽ mạnh.

Con đường phát triển của Việt Nam trong thời đại mới

Trong thời đại mới như phác họa ở trên, tư duy phát triển của Việt Nam phải như thế nào?

Theo tư duy cũ, con đường phát triển của một nước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó sang thời đại hậu công nghiệp, trong đó các ngành dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Trong công nghiệp lại có các giai đoạn từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng và công nghiệp có hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ cao.

Trong quá trình phát triển đó, đô thị hóa và tập trung dân số, tập trung hoạt động kinh tế ngày càng mạnh. Theo suy nghĩ này thì Việt Nam hiện nay đang ở trình độ giữa thu nhập trung bình thấp và trung bình cao, công nghiệp đang chuyển từ nhẹ sang nặng, và độ 15 năm nữa sẽ dần dần bước qua thời đại hậu công nghiệp.

Tuy nhiên thời đại sống chung với Covid-19 cùng với sự lớn mạnh của kinh tế số sẽ làm đảo lộn trật tự phát triển của tư duy cũ. Với tư duy mới, con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai có thể phác họa như sau:

Thứ nhất, nông, công và dịch vụ hầu như phải đồng thời phát triển, không theo tuần tự như tư duy cũ. Nông, ngư nghiệp phải được coi trọng hơn và kết hợp với công nghiệp, với kinh tế số và một số ngành dịch vụ (lưu thông, phân phối, tiếp thị...) để hiện đại hóa. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nông, ngư nghiệp, nên được tận dụng theo hướng hiện đại hóa sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân (khoảng 110 triệu vào năm 2045), vừa xây dựng thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới.

Thứ hai, phải đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn. Nếu tiền đề là dịch bệnh còn kéo dài hoặc chấm dứt nhưng về lâu dài có khả năng tái phát thì phải xây dựng đô thị theo mô hình khác với tư duy cũ. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn. Phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt cũng phải thiết kế theo hướng giãn cách xã hội.

Ngoài ra, cần khuyến khích mọi người dùng xe đạp trong thành phố. Việt Nam có nhiều thành phố cỡ trung và nhỏ nằm rải rác khắp nước, nhất là ven biển, nên nếu được đầu tư xây dựng theo hướng mới, dân số sẽ phân tán từ Hà Nội và TPHCM về các thành phố cỡ trung và nhỏ này. Trong quá trình chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, nông thôn sẽ giữ lại một lực lượng lao động và dân số nhất định. Tóm lại đây là chiến lược phân tán và không quá tập trung vào một vài đô thị.

Thứ ba, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động (ngày càng tăng hình thức làm việc tại nhà, quản lý từ xa...) và làm phát sinh chênh lệch giữa người dân trong việc tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới và thích ứng với hoàn cảnh mới.

Giáo dục từ xa cũng sẽ phổ biến hơn (nhất là trong mùa dịch) và sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa gia đình có và không có điều kiện tham gia. Nhà nước sẽ phải có biện pháp trợ giúp, và cải cách nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng làm cho tất cả người dân đều có điều kiện tham gia và có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số (digital minimum).

Thứ tư, tự động hóa làm cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng ít dùng lao động. Mặt khác, để tránh rủi ro bệnh dịch lan truyền khi có tập trung lao động, các nước thiếu lao động cũng sẽ tìm cách đẩy mạnh tự động hóa và hạn chế nhập khẩu lao động.

Việt Nam sẽ trực diện áp lực tạo công ăn việc làm cho một đất nước gần 100 triệu dân nên sẽ phải nghiên cứu một hình thức chia sẻ công việc (work sharing) trong đó người có công việc giảm giờ làm và giảm thu nhập để nhiều người khác có thể tham gia lao động. Giải quyết tốt việc làm cũng sẽ làm cho Việt Nam sớm chấm dứt xuất khẩu lao động, một biểu hiện của giai đoạn phát triển thấp và không đáng tự hào.

Ngoài ra, cần biện pháp vinh danh và đãi ngộ tốt hơn đối với lao động thiết yếu, nhất là trong lĩnh vực y tế. Việt Nam cũng cần nghiên cứu từng bước áp dụng chính sách bảo đảm thu nhập cơ bản (basic income) đã đề cập ở trên.

Thứ năm, những từ khóa “năng lực tối thiểu về kỹ thuật số, chia sẻ công việc, và bảo đảm thu nhập cơ bản” nói ở trên tự nó nói lên sự quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Khi có dịch bệnh sẽ phát sinh nhiều người khác cần sự trợ giúp nữa. Một xã hội nhân văn dựa trên tinh thần tương thân tương ái sẽ rất cần thiết và Việt Nam phải hướng tới. Để đánh giá một nước văn minh hay không, một trong những tiêu chí quan trọng để phán đoán sẽ là chính sách của chính phủ và thái độ của người dân đối với người yếu thế trong xã hội.

(*) Giáo sư Trần Văn Thọ, cùng với Giáo sư Nguyễn Xuân Xanh là chủ biên của cuốn sách Việt Nam hôm nay và mai sau vừa xuất bản, tập hợp bài viết của nhiều trí thức trong và ngoài nước, về các giải pháp nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ mới trên nhiều lĩnh vực (thể chế, văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế, kinh doanh...). Bài viết này của Giáo sư Trần Văn Thọ là một phần của cuốn sách.

(1) Về tương lai của telepresence và telerobotics, xem Baldwin (2016), Ch. 10.

(2) Có 46 nước (chiếm độ 90% GDP toàn cầu) được chọn làm đối tượng cho nghiên cứu này. Các nước đang phát triển ảnh hưởng ít hơn vì tiền lương còn thấp.

(3) Tại nhiều nước, nhất là các nước tiên tiến, đã có chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp y tế, trợ cấp thất nghiệp... Chính sách cung cấp thu nhập cơ bản (basic income) sẽ bao gồm tất cả các trợ cấp đó nhưng triệt để hơn và bảo đảm mức sống tối thiểu của mọi người trong nước. Một khái niệm tương tự là dịch vụ cơ bản (basic service), theo đó chính phủ cung cấp miễn phí cho mọi người dân (kể cả người không có khả năng đóng thuế) những dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục cơ bản, bảo hiểm thất nghiệp...

(4) Theo tư liệu của Ngân hàng Thế giới.

THOÁT TRUNG HAY THOÁT TA ?

THÁI HẠO/ TD 22-4-2021

Trước khi thoát Trung, phải thoát Ta. Ta mới chính là trở ngại lớn nhất với chính ta. Sổ toẹt mọi thứ có gắn với hai chữ “Trung Quốc” là một điều rất nông nổi. Phải thừa nhận cái giỏi của họ, và phải thấy cái dốt của mình, đến khi ấy mới tự mình gột rửa được sự u tối và tiếp thu cái hay của người.

Trung Quốc từng là một trung tâm văn minh của nhân loại trong lịch sử cổ đại. Đến giờ họ đang là nước giàu thứ hai của thế giới, quốc phòng mạnh, ảnh hưởng lớn. Cái xứ đã từng thống trị cõi Á đông này, và bây giờ vẫn còn chi phối thế giới, xứ ấy không thể chỉ có những kẻ trọc phú phàm ăn tục uống; cái xứ đã thống trị văn hóa Đông phương thủa xưa, và ngày nay vẫn có những nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, xứ ấy không thể coi thường.

Trung Quốc, có thể ghét chứ không thể khinh. Những trầm tích văn hóa sâu trong lòng quốc gia cộng sản này đã làm nên một khuôn mặt khác mà nhiều người không biết và cũng không muốn thấy. Não trạng đầy định kiến và cực đoan theo lối “quét sạch” thì không khác gì những gì cs đã làm trên đất nước này. Không ai có thể quét được 80% vốn từ gốc Hán trong tiếng Việt đâu. Mà cũng chẳng quét để làm gì.

Cũng là cộng sản, nhưng bộ máy nhà nước TQ thông minh hơn và quản trị tốt hơn về mọi mặt. Chống cộng mà không rõ địch thì lấy gì mà chống! Nhà triết học thông thái của Anh, J. S. Mill, 150 năm trước đã khai sáng rằng, bài học lớn nhất không phải là từ bằng hữu, mà phải từ kẻ thù. Kẻ nào không học được gì từ đối thủ thì mãi chỉ sống trong thất bại mà tự mãn. Người La Mã học từ Hi Lạp, người Mãn Thanh học từ Hán tộc để trở nên hùng mạnh. Hãy xem Nhật đã học được gì từ kẻ thù Mỹ của họ để làm nên nước Nhật ngày nay.

Thái độ ngạo mạn, mục hạ vô nhân là một lối rất tốt để tự mình giam nhốt mình trong cái nhà tù tối tăm của chính mình. Lối tư duy nhị nguyên thô sơ và hẹp hòi cần bị tẩy trừ khỏi não trạng của nhiều người.

Ngày xưa, Phan Châu Trinh vì muốn thoát Pháp mà đã đề xướng hiểu Pháp và học Pháp. Ngày nay, nếu muốn “thoát Trung” thì cần phải thoát Ta trước đã. Việc nhiều người (tự) gọi là “đấu tranh dân chủ” nhưng mang lối nghĩ và lối hành xử độc đoán, phiến diện, khép kín thực chất không khác gì bản chất của người cộng sản.

Điều ấy thực ra không phải chỉ là sản phẩm của thời này, nó là sản phẩm của đầu óc nô lệ bị thâm nhiễm từ nhiều thế kỷ phải sống trong chuyên chế bạo tàn…

CẬP NHẬT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA CHÍNH QUYỀN BIDEN

NGUYỄN QUANG DY/ BVN 26-4-2021

Tiếp theo loạt bài Dự báo Chính sách Đối ngoại của chính quyền Biden đăng làm 4 kỳ (31/12-3/1/2021) và bài Tuần trăng mật của Biden: Vai trò Bộ Tứ và Xoay trục 2.0 (đăng 29/3/2021) trên trang Nghiên cứu Quốc tế, bài này cập nhật về các bước triển khai tiếp chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đối với Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific.

Sắp xếp nhân sự

Ngay khi còn đang tranh cử, Joe Biden đã chú trọng đến vấn đề nhân sự. Chiến dịch của ông đã tập hợp được hàng ngàn chuyên gia giỏi, được bố trí vào các tiểu ban như “túi càn khôn”. Tuy Joe Biden đã 78 tuổi, đi lại hay vấp cầu thang, và có tật nói lắp nên rất ít khi họp báo, nhưng ông là một chính trị gia lão luyện. Với hơn ba thập niên hoạt động nghị trường, tám năm làm phó tổng thống thời Obama, và bốn năm quan sát chính quyền Trump, nay ngồi vào ghế tổng thống thứ 46 của Mỹ, chắc ông thừa biết phải làm gì và làm như thế nào.

Ngay trong tuần trăng mật (100 ngày), Biden đã thông qua được gói cứu trợ lịch sử $1.900 tỷ để khắc phục dịch bệnh và môi trường, và đang thúc đẩy thông qua gói cứu trợ khổng lồ $3.000 tỷ để kiến thiết hạ tầng, giáo dục và đào tạo. Điều đó chứng tỏ kinh nghiệm lão luyện của ông tại nghị trường, và chọn khâu trọng yếu để tháo gỡ (như nguyên lý “Pareto”). Vì vậy, Biden đã tự tin tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine cho người lớn vào cuối tháng năm chứ không phải cuối tháng bảy như đã dự kiến. Kinh tế Mỹ cũng bắt đầu khởi sắc.

Người ta nói rằng muốn biết chính sách đối ngoại thế nào, hãy nhìn vào cách sắp xếp nhân sự chủ chốt của “Team Biden”. Đó là Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia), Anthony Blinken (Ngoại trưởng), và Kurt Campbell (Indo-Pacific Coordinator), hay còn gọi là “trùm Châu Á” (Asia czar). Đó là “bộ ba xe, pháo, mã” của “Team Biden” để điều hành chính sách đối ngoại, vẫn theo tầm nhìn Indo-Pacific, nhằm “xoay trục 2.0” sang Châu Á. Tuy họ cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không cực đoan như phái “diều hâu”

Ở cấp thấp hơn, Biden đã bổ nhiệm Ely Ratner làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng Loyd Austin, và vừa đề cử đại sứ Daniel Krittenbrink làm trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Đó là những vị trí then chốt để định hình chính sách đối ngoại, tập trung đối phó với Trung Quốc ở khu vực Indo-Pacific, đồng thời chứng tỏ vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam và Biển Đông trong bàn cờ địa chính trị khu vực.

Xoay trục 2.0

Hầu hết Team Biden là quan chức chuyên nghiệp, từng phục vụ chính quyền Obama. Ratner từng làm trợ lý cho phó tổng thống Joe Biden trong Nhà trắng, Blinken và Campbell từng làm trợ lý cho ngoại trưởng Hilary Clinton tại Bộ Ngoại Giao, Sullivan từng làm cố vấn cho Hilary Clinton tranh cử tổng thống. Họ là đồng nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và quan điểm, nên dễ đồng thuận và hợp tác. Điều đó khác với thời Trump khi các nhân vật chủ chốt thường bất hòa và mâu thuẫn, hay lộ tin cho báo chí (media leaks), bị Trump thay như thay áo.

Hầu hết Team Biden là các học giả có tên tuổi, thuộc các trung tâm nghiên cứu (think tanks) như Center for a New American Security (CNAS), Council on Foreign Relations (CFR), Brookings Institution, và the Asia Group... Ví dụ, Kurt Campbell và Jake Sullivan đã từng cộng tác viết chung các bài quan trọng về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Kurt Campbell là kiến trúc sư đề xuất chiến lược “xoay trục sang Châu Á” dưới thời Obama.

Team Biden chú trọng đến kết nối liên ngành và phối hợp hành động (interoperability) giữa đối nội và đối ngoại, giữa các bộ/ngành với nhau (như kinh tế/thương mại với an ninh/quốc phòng). Joe Biden đã thông báo (ngày 10/2) việc thành lập “Nhóm đặc nhiệm về Trung Quốc” (China Task Force) tại Bộ Quốc phòng, gồm 15 chuyên gia từ các bộ phận, do Ely Ratner đứng đầu, trong vòng 4 tháng phải xem xét và đề xuất chiến lược và phương thức đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, cũng như tác động tới quan hệ Mỹ-Trung.

Team Biden chú trọng củng cố đồng minh và đối tác, dựa trên các hiệp ước cũ và cơ chế mới như “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và “Bộ Tứ Mở rộng” (Quad Plus) với Hàn Quốc, Việt Nam, Tân Tây Lan (Quad+3). Tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên của “Bộ Tứ” (Quad Summit, 12/3) các vị lãnh đạo đã có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường vai trò Bộ Tứ và từng bước thể chế hóa với các “tổ công tác” (working groups). Bộ Tứ cam kết giúp Ấn Độ sản xuất hai tỷ liều vaccine J&J cho khu vực Indo-Pacific.

Tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Văn phòng IPC của Kurt Campbell là bộ phận lớn nhất với 17 chuyên gia, gồm 3 giám đốc phụ trách về Trung Quốc. Đó là trung tâm điều phối chính sách về Trung Quốc theo chiến lược “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan khác, như “Nhóm Đặc nhiệm về Trung Quốc” của Ely Ratner (tại Bộ Quốc Phòng), và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Krittenbrink (tại Bộ Ngoại Giao), cũng như các cơ quan liên đới khác (như USTR).

Gần đây, Chính quyền Biden đã điều động một số nhân sự đáng chú ý. Để chuẩn bị Hội nghị Cấp cao “Bộ tứ” (năm 2021), Mira Rapp-Hooper, cố vấn hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại Giao, đã được điều động sang Hội đồng An Ninh Quốc gia. Để tăng cường vai trò của USAID nhằm hỗ trợ đồng minh và đối tác, Biden đề cử Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, đứng đầu cơ quan này, và là thành viên NSC. Để thay đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Biden đề cử Marc Knapper, phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Nhật Bản và Hàn Quốc. Sắp xếp nhân sự và triển khai chính sách chứng tỏ Biden coi trọng đồng minh và đối tác.

Đối tác quan trọng nhất

Ưu tiên quan trọng mà Jake Sullivan thường đề cập là chính sách đối ngoại phục vụ người Mỹ trung lưu, và khôi phục quan hệ đồng minh và đối tác, đã bị chính quyền Trump coi thường và làm rạn nứt. Theo Sullivan, “Nỗ lực đó phải bắt đầu từ trong nước”. Khác với chính sách thời Trump, nay Mỹ có thể huy động thế giới đứng sau lưng trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia. Mỹ có thể tập hợp đồng minh và đối tác chống tham nhũng và chiếm đoạt, buộc các chế độ độc tài phải chịu trách nhiệm về minh bạch và pháp quyền.

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tuy bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng “đồng thuận lưỡng đảng” (bipartisan consensus) về chính sách với Trung Quốc. Với tầm nhìn Indo-Pacific, lấy “Bộ Tứ” làm nòng cốt để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc tại Đài Loan và Biển Đông, gần đây là tại bãi đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc (từ 7/2020) là một di sản (legacy) mà chính quyền Biden kế thừa. Team Biden tuy khác với Team Trump về phong cách, nhưng nhất quán về lợi ích cốt lõi, coi Trung Quốc “là thách thức địa chính trị lớn nhất thể kỷ 21” (tuyên bố của Ngoại trưởng Anthony Blinken).

Quan hệ Việt-Mỹ tuy triển vọng phát triển tốt đẹp, nhưng dưới thời Biden vẫn có ba trở ngại chính. Một là thặng dư thương mại tăng nhanh (khoảng $65 tỷ năm 2020) tuy cáo buộc “Việt Nam thao túng tiền tệ” được chính quyền Biden gỡ bỏ. Hai là Việt Nam mua nhiều vũ khí Nga, có thể bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật CAATSA. Ba là vấn đề nhân quyền ngày càng nhạy cảm, sẽ được chính quyền Biden chú trọng hơn. Tuy chính quyền Biden sẽ nhân nhượng Việt Nam vì tính toán chiến lược, nhưng chắc cần “có đi có lại” (quid pro quo).

Trên cơ sở “đồng thuận lưỡng đảng”, chính quyền Biden kế thừa chính sách của chính quyền Trump, tăng cường hợp tác với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn trên cơ sở “đối tác toàn diện”, mà “trên thực tế” (de facto) đã là “đối tác chiến lược”, tuy đến nay vẫn chưa được chính thức hóa. Trong khi Việt Nam cần Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng lại không muốn “chọn phe” thì Mỹ coi Việt Nam như “một trong các đối tác quan trọng nhất” (theo đại sứ Daniel Krittenbrink).

Thay lời kết  

Trước khi rời Việt Nam về nhận nhiệm vụ mới (trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương), Đại sứ Daniel Krittenbrink đã nhấn mạnh “Việt Nam cũng như ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ dương-Thái Bình dương của Mỹ”. Ông dùng ngạn ngữ để nhắn nhủ thông điệp rằng quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ là “bạn tốt trong hoạn nạn” (a friend in need is a friend in deed) và chỉ “bầu trời mới là giới hạn” (the sky is the limit) cho quan hệ song phương đang trở thành đối tác chiến lược.

N.Q.D.

 25/4/2021

Tác giả gửi BVN

HÀN LÂM HÓA NỘI CÁC CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 24-4-2021

Nội các Chính phủ Phạm Minh Chính có một điểm nổi bật nhất là trình độ học vấn rất cao, cao hơn các bộ trưởng trong chính phủ Úc và Mĩ.

Chúng ta biết rằng nội các Chính phủ mới có 28 thành viên [1], nhưng có đến 5 phó thủ tướng! Chính phủ Úc [2] hồi nào đến giờ chỉ có 1 phó thủ tướng. Chính phủ Mĩ cũng vậy, chỉ có 1 phó tổng thống [3]. Không hiểu sao Việt Nam có nhiều phó thủ tướng thế.

Điểm thứ hai là nam giới 'thống trị' nội các Phạm Minh Chính. Thật vậy, trong số 28 người chỉ có 1 người duy nhất 1 nữ: Phạm Thị Thanh Trà. Trong khi đó thời đại mới là tạo điều kiện và xiển dương vai trò của phụ nữ. Do đó, nội các Morrison (Úc) có đến 23% là nữ, còn nội các Biden bên Mĩ thì có đến 46% là nữ giới.

Nhưng điểm nổi bật trong nội các mới là trình độ học vấn của các thành viên rất cao. Điểm tuyệt vời ở đây là có 14 người có bằng tiến sĩ [4], tức chiếm 50% tổng số thành viên trong nội các. Con số này rất cao nếu so sánh với Úc, nơi không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ, hay so sánh với Mĩ, nơi chỉ có 4 người có bằng tiến sĩ.

Thật ra, trình độ học vấn cao của các bộ trưởng Việt Nam không phải là điều gì mới mẻ. Chừng 10 năm trước (2010), nội các Chính phủ lúc đó có 26 người, thì 13 người có bằng tiến sĩ, tức cũng chiếm tỉ trọng 50%. Rồi nội các Nguyễn Xuân Phúc cũng thế: số người có bằng tiến sĩ xấp xỉ 52%.

Ngay cả trong Bộ chánh trị (BCT) cũng có nhiều tiến sĩ. Thật vậy, số liệu năm 2021 cho thấy trong số 18 thành viên BCT, có đến 10 người (56%) có bằng tiến sĩ [5]. Nói cách khác, tỉ trọng tiến sĩ trong BCT còn cao hơn trong nội các Chính phủ.

Ở nước ngoài, Đức là nơi có nhiều tiến sĩ trong nội các, nhưng tỉ trọng tiến sĩ cũng chỉ 20% trong tổng số bộ trưởng, và tình trạng này đã được xem là một 'hiện tượng'. Tuy nhiên, con số 20% đó chẳng thấm gì so với 50% của Việt Nam. Có thể nói rằng chính phủ Việt Nam ngày nay đã trở nên hàn lâm hoá.

Những dữ liệu thực tế trên có thể hiểu nhiều cách. Hiểu tích cực là trình độ các bộ trưởng Việt Nam ngày nay đã cao hơn nhiều so với các vị tiền nhiệm trong thời chiến tranh hay mới sau chiến tranh. Một cách hiểu khác là nó phản ảnh tính hiếu học của người Việt, và điều này thể hiện qua trình độ của các bộ trưởng.

Hiểu theo nghĩa kém tích cực thì những dữ liệu này nói lên rằng người Việt chưa chắc là hiếu học mà chỉ hiếu danh thôi. Ông Lương Đức Thiệp, trong "Việt Nam tiến hóa sử" (1944), viết rằng người Việt học không phải để hiểu biết mà để có được chức quyền vì miếng cơm manh áo: "[...] cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội: Học đối với người Việt không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh." Nếu hiểu theo nghĩa này thì bằng cấp như tiến sĩ ngày nay ở Việt Nam đã mất cái uy danh của nó và đã bị lạm dụng.

Một cách hiểu khác nữa là tình trạng 'hàn lâm hoá' chỉ là hậu quả của chính sách 'người ngành nào phụ trách ngành đó' (ví dụ như bộ trưởng quốc phòng thì phải là tướng lãnh, bộ trưởng y tế phải là người của ngành y, bộ trưởng giáo dục phải là người của ngành giáo dục và đào tạo, v.v.) Trong khi đó ở các thể chế dân chủ và dân sự thì người ta thường cho người ngoài ngành lãnh đạo ngành chuyên môn. Thành ra, chúng ta thấy ở Mĩ hay Úc có khi bộ trưởng quốc phòng là luật sư, bộ trưởng y tế là người từng học về văn chương.

Tiến sĩ (PhD) là văn bằng thuộc loại 'prestigious' hay 'elite' (tinh hoa), là văn bằng cao nhất trong một số nước trên thế giới. Văn bằng PhD là viết tắt từ chữ 'Doctor of Philosophy'. Chữ 'philosophy' ở đây không có nghĩa hẹp là triết học, mà có nghĩa rộng hơn. Trong tiếng Hi Lạp, 'Philo' có nghĩa là 'thương' (sau này trại ra 'philia') và 'sophia' có nghĩa là 'tư tưởng' (hay sáng suốt, hay thông thái). Như vậy, chữ 'philosophy' ở đây có nghĩa nghĩa rộng là 'yêu tư tưởng'. Bản chất của văn bằng PhD, theo nghĩa nguyên thuỷ của nó, mang tính lí thuyết hơn là thực hành. Sau này thì nhiều trường cho ra đời loại bằng tiến sĩ thực hành mà họ gọi là 'professional doctorate'.

Còn chữ 'doctor' ở đây xuất phát từ tiếng Latin 'docere' có nghĩa là 'giảng dạy'. Nhưng ngày nay, giảng dạy phải đi liền với nghiên cứu khoa học. Do đó, văn bằng PhD bản chất là một chứng chỉ của người hành nghề giảng dạy và nghiên cứu. Cho đến nay, văn bằng PhD được xem là 'giấy thông hành' của nhà khoa học. Cũng giống như một người muốn hành nghề thầy thuốc thì phải có bằng MD, còn muốn hành nghề nghiên cứu và giảng dạy thì phải có PhD.

Thế nhưng, ở Việt Nam thì ý nghĩa của văn bằng PhD có vẻ trở nên lệch lạc. Nhiều cơ quan trong hệ thống công quyền ở Việt Nam có qui định rằng ứng viên phải có bằng PhD để đáp ứng tiêu chuẩn cho một chức vụ nào đó. Và, theo thời gian, những người đạt được những chức vụ đó được thăng tiến trong hệ thống chánh trị và có mặt trong nội các hay Bộ Chính trị. Do đó, có thể nói rằng sự hàn lâm hoá chánh phủ ở Việt Nam ngày nay đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, và nó có thể xuất phát từ cách hiểu lệch lạc về văn bằng tiến sĩ.

Cách đây chừng 10 năm, Báo SGGP có đi một loạt bài về vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong loạt bài đó, có một tác giả viết như sau: "Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ TS rất cao! […] Trên các nước, TS nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít." Nhận định này cho đến nay vẫn còn thích hợp.

___

[1] http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/chinhphu/chinhphuduongnhiem

[2] https://www.aph.gov.au/Senators_and_Members/Parliamentarian?MPID=HWO

[3] https://www.whitehouse.gov/administration/cabinet

[4] Thành viên Nội các mới có bằng tiến sĩ: Phạm Minh Chính, Nguyễn Hồng Diên,

Nguyễn Chí Dũng, Vũ Đức Đam, Huỳnh Thành Đạt, Phan Văn Giang, Trần Hồng Hà,

Tô Lâm, Lê Thành Long, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thanh Nghị, Hồ Đức Phớc,

Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Thể.

[5] Các ủy viên Bộ Chánh Trị có bằng tiến sĩ: Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Phan Văn Giang, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Phú Trọng, và Trần Cẩm Tú.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét