Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

20210519. TT PHẠM MINH CHÍNH HỌP VỚI LÃNH ĐẠO TPHCM 13-5

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


'ỦNG HỘ TỐI ĐA' KIỀN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ  VỀ ĐIỀU CHỈNH TỶ LỆ ĐIỀU TIẾT NGÂN SÁCH

NHẬT MINH/ GDVN 14-5-2021

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với một địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương.

Cùng dự có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong và các đồng chí lãnh đạo Thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: baochinhphu.vn

Tại cuộc làm việc, Thành phố Hồ Chí Minh nêu 15 kiến nghị, đề xuất liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức; chuyển quỹ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; hỗ trợ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án Vành đai 4…

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đều đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Thành phố trong các giai đoạn phát triển đất nước; khẳng định cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng của Người đứng đầu Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời các kiến nghị của Thành phố theo yêu cầu của Thủ tướng là “đi thẳng vào vấn đề, kiến nghị, đề xuất nào hợp lý thì có giải pháp ngay, cái gì chưa được thì nói tại sao”...

Nêu 9 thách thức mà Thành phố phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Thành phố đang chững lại, năng suất lao động có chiều hướng giảm dần, chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng. Thành phố chưa phát huy hết được lợi thế cạnh tranh, tiềm năng nổi trội, cơ hội, thời cơ mới và cả những cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã dành cho. Còn nhiều điểm nghẽn, điểm tắc về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị… trong chuyển đổi mô hình phát triển.

Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng đề nghị Thành phố làm tốt công tác lập quy hoạch tổng thể; tập trung phát triển đột phá hạ tầng giao thông, các công trình chống ngập; cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng mang lại giá trị gia tăng cao, lấy phát triển công nghệ cao làm mũi nhọn, phát triển các ngành kinh tế mới, xây dựng Thành phố thành nơi tiên phong về đổi mới sáng tạo của cả nước; xây dựng cho được trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; thu hút được giới trẻ, giới trung lưu và giới trí thức tới làm việc… Bộ trưởng kiến nghị, việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh phải đi cùng với việc Thành phố chủ động, tập trung phần ngân sách tăng thêm để đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa; sử dụng hiệu quả quỹ đất đi cùng các công trình này.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, Thành phố đạt nhiều kết quả rất to lớn, nhưng giao thông vận tải phát triển chưa theo kịp so với nhiều lĩnh vực khác và đây là điểm nghẽn chưa khắc phục được. Bộ trưởng đề nghị phải hợp lực cả vốn Trung ương, địa phương, nhà đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các dự án đường vành đai, Thành phố phải tập trung đặc biệt cho giải phóng mặt bằng nhanh nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu Thành phố không đi đầu trong đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới, thu hút nhân tài, thì sẽ rất khó đóng vai trò đầu tàu trong bối cảnh mới. Tốc độ phát triển kinh tế số của Thành phố cần ở mức từ 20 đến 25% mỗi năm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất Thành phố cần chú trọng quan tâm khai thác hiệu quả quỹ đất; xử lý vấn đề sụt lún để phát triển bền vững; giải quyết triệt để các vấn đề cần thanh tra, kiểm tra để không “treo” các nguồn lực phát triển…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ hoàn toàn ủng hộ phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó có thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, chỉnh trang đô thị, cải tạo các chung cư cũ…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gợi ý thêm một số giải pháp liên quan tới huy động nguồn lực phát triển hạ tầng như địa phương phải lo công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông, sử dụng hiệu quả quỹ đất đi kèm các dự án; giải pháp cải tạo các chung cư cũ…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Thành phố phải tận dụng tối đa, quyết liệt, trách nhiệm cao trong thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành cho Thành phố.

Cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, phần tăng thêm phải tập trung chi đầu tư phát triển, điều này sẽ giúp GRDP tiếp tục tăng trưởng và tác động trở lại cho tăng thu ngân sách. Phó Thủ tướng cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng lại nhu cầu nhà tái định cư, hiện Thành phố còn thiếu khoảng 20.000 căn hộ; nếu thực sự dư thừa, chuyển sang nhà ở thương mại phải qua đấu giá. Xây dựng kế hoạch, lộ trình, chính sách cho việc cải tạo các chung cư cũ, đề xuất giải pháp, phương án cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn, bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân…

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, nói “đầu tàu chậm lại” là chưa đủ mà thực ra là “hết đà” và Thành phố phải trả lời được câu hỏi làm sao để tháo gỡ, vượt qua các điểm nghẽn trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy khẳng định sự quan tâm của Trung ương dành cho Thành phố; phân tích cụ thể hơn về những việc mà Thành phố chưa làm được dù đã có chính sách đặc thù và những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tiếp tục tháo gỡ.

“Hình ảnh năng động, sáng tạo của Thành phố cũng đã mờ đi. Trong đó, có phần nguyên nhân chủ quan, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm cao” và điều quan trọng nữa là lấy lại niềm tin của nhân dân Thành phố…, Bí thư Thành ủy thẳng thắn chia sẻ với Thủ tướng.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thành phố rất vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Thành phố có vị trí hết sức quan trọng về mọi mặt đối với cả nước, là đầu tàu kinh tế, đạt những thành tựu quan trọng, đáng chú ý là tăng trưởng GDP (cao hơn cả nước), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đứng thứ 14 cả nước), cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo…

Trong quá trình phát triển có những mâu thuẫn cần giải quyết, những vi phạm cần xử lý, nhưng về cơ bản, Thành phố đang đi đúng hướng. Kinh tế - xã hội 4 tháng qua đạt những kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi. Việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố do Quốc hội ban hành đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng chuyển biến mạnh mẽ, việc xử lý các sai phạm đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, Thành phố làm rất tốt công tác phòng chống, kiểm soát COVID-19.

“Phải khẳng định những thành tựu Thành phố đạt được là rất cơ bản và quyết định. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua và những tháng đầu năm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thành phố phát triển chưa thực sự xứng tầm vai trò, vị trí, lợi thế cạnh tranh, khác biệt của Thành phố. Điều này do nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó có trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có nơi có lúc còn bất cập, chưa chủ động, sáng tạo, còn lúng túng, còn trông chờ, ỷ lại, sợ vi phạm, sợ kỷ luật. Việc thực hiện Nghị quyết 54 đạt kết quả tích cực nhưng cần tổng kết thực tiễn để xác định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế và triển khai 7 chương trình đột phá chưa đạt mục tiêu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, không gian phát triển đang thu hẹp và Thành phố vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Việc phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên còn những mặt hạn chế. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Tình hình an ninh trật tự còn nhiều vấn đề, cần nỗ lực giải quyết.

“Chúng ta thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, không phải để tự ti, bi quan mà để phấn đấu mạnh mẽ hơn, tạo động lực phát triển”, Thủ tướng chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới: Về quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn; về những nhiệm vụ cụ thể; về những kiến nghị, đề xuất của Thành phố.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng chỉ rõ 8 yêu cầuThứ nhất, phải chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự, chống đỡ, chờ đợi sang chủ động tấn công mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tự tin, đẩy mạnh các hoạt động, tổ chức thực hiện thật tốt, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Thứ ba, đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các biểu hiện suy thoái; nắm chắc các nguyên tắc hoạt động của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ tư, phải phối hợp trên dưới nhịp nhàng, các bộ, các ngành phải hết sức nỗ lực hỗ trợ Thành phố vì cái chung, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.

Thứ năm, Thành phố phải xứng tầm hơn nữa là một trung tâm phát triển của vùng, của cả nước, xứng tầm với sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Thứ sáu, phải đi đầu trong thực hiện mục tiêu kép và cương quyết không để xảy ra dịch COVID-19.

Thứ bảy, phải thống nhất về nhận thức và hành động: Suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

“Vừa qua Thành phố chưa mạnh dạn trong việc này. Nếu các đồng chí làm mà không có động cơ xấu, không tham nhũng tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chúng tôi phải bảo vệ các đồng chí. Tăng cường kỷ luật kỷ cương nhưng phải bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, điều này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu”, Thủ tướng nói.

Thứ tám, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải dứt khoát phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đi đôi với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra liên tục, đầy đủ, không để những sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, xây dựng chương trình hành động sát thực tế, khả thi, có nguồn lực thực hiện; tránh tình trạng xây dựng chương trình hay nhưng thực hiện gặp khó khăn.

Đoàn kết thống nhất với tinh thần tự lực, tự cường, “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”. Nhiều địa phương đã làm tốt điều này và Thành phố càng có nhiều điều kiện để làm điều này, nhưng trong tất cả các công việc phải giữ vững đoàn kết, mất đoàn kết là mất tất cả, Thủ tướng lưu ý.

Phải nắm chắc tính hình, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đồng thời thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Nếu không làm tốt công tác này thì không tạo động lực cho sự phát triển, ảnh hưởng tới công tác xử lý các việc tồn đọng. Thủ tướng lấy ví dụ, qua 3 đợt dịch COVID-19 trước đây trên cả nước, chúng ta chưa khen thưởng kịp thời, chưa xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm, nên dẫn tới tình trạng nhiều nơi chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hay trông chờ, ỷ lại.

Phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính Thành phố đoàn kết, thống nhất cao, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương.

Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, những việc càng khó, càng mới thì càng phải huy động sức mạnh tập thể, cầu thị lắng nghe các ý kiến hay, xác đáng, quyết định theo đa số.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia và lưu ý của Chủ tịch nước về phòng chống COVID-19.

Chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử, để ngày bầu cử trở thành ngày hội thực sự của toàn dân, bảo đảm khách quan, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, lựa chọn được những người thực sự xứng đáng làm đại biểu của nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng; lưu ý phát triển thành phố Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, phát triển mạnh kinh tế số.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Huy động nguồn lực xã hội, học ngay các mô hình hay, cách làm tốt trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tổng kết ngay, nhân rộng ngay các mô hình, cách làm này.

Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nhất là những người yếu thế, những đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Quan tâm công tác cải cách hành chính, xứng đáng tầm vóc, vai trò, vị trí của Thành phố; nghiên cứu, thí điểm, áp dụng các mô hình phù hợp.

Giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội Thành phố, kể cả trên không gian mạng.

Nâng cao nhận thức, coi trọng, tổ chức tốt công tác truyền thông, đây cũng là một phương thức lãnh đạo của Đảng để tạo sự đồng thuận xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ, ngoài 15 vấn đề trong báo cáo của Thành phố, đoàn công tác đề xuất thêm nội dung Thành phố phải khẩn trương triển khai trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Qua làm việc, đoàn công tác và Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đồng tình với 16 nội dung này.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ, xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những việc gì thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay. Việc gì của các Bộ ngành, địa phương, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động giải quyết. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những việc Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho Thành phố Hồ Chí Minh, cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Chính phủ, các cơ quan nhà nước tập trung thiết kế cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, công cụ kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.

Phân tích cụ thể hơn về một số kiến nghị của Thành phố liên quan phát triển hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, dự án hạ tầng giao thông đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể sẽ hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp với vai trò vốn dẫn dắt.

“Mô hình này đã có, đã chứng minh được hiệu quả. Vừa qua, tôi có dịp làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, lãnh đạo các tỉnh đều rất tán thành với cách làm này, trong khi các tỉnh ở đó khó khăn hơn Thành phố Hồ Chí Minh nhiều”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của Thành phố. Chính phủ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, Thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Về chuyển quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, Thủ tướng yêu cầu nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát. Về cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 cho phù hợp thực tiễn để cải tạo không gian sống, môi trường, cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Văn phòng Chính phủ cùng với Thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng để các cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả.

Buổi làm việc diễn ra hết sức hiệu quả là do Thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu, bàn bạc nhiều lần về các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; trước cuộc làm việc, đã gửi các ý kiến tới Thành phố để tiếp tục trao đổi trước khi Thủ tướng kết luận chính thức tại cuộc họp. Đây là kinh nghiệm tốt để tiếp tục làm việc với các địa phương khác.

“Các địa phương phải chủ động đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động được thêm nguồn lực, kinh phí cho đầu tư phát triển. Muốn có đường xá, có hạ tầng, thực hiện được 3 khâu đột phá chiến lược thì các địa phương phải có trách nhiệm, phải phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tôi kỳ vọng và rất tin tưởng là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm được, nói ra là làm được, tạo đột phá trong năm nay và những năm tới”, quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn manh tại cuộc làm việc, cũng là thông điệp mà Người đứng đầu Chính phủ muốn gửi tới lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy; động viên đội ngũ cán bộ, y bác sĩ hai bệnh viện nói riêng và trên cả nước nói chung trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.

Nhật Minh
TRAO QUYỀN CHO NGƯỜI LÀM TỐT HƠN, MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN VÀ DŨNG CẢM

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 14-5-2021

1. Trao quyền cho người làm tốt hơn

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, hoa và trong nhà

Làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 13/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến một số quan điểm phát triển. Trong đó có:

1. Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các Bộ để cho địa phương làm. Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm.

2. Bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám nói. Hành động không vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích nhóm thì Đảng, Chính phủ phải bảo vệ.

3. Chính phủ giữ vai trò thiết kế chiến lược, quy hoạch, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra, khen thưởng kỷ luật.

4. Ủng hộ tối đa đề nghị của TP HCM về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách để khuyến khích và nâng cao trách nhiệm.

TP. HCM đề nghị trong giai đoạn 2022-2025 được giữ lại 23% tổng số tiền nộp ngân sách thay vì chỉ 18% như hiện tại. Việc điều tiết tỷ lệ tiền nộp ngân sách của TP HCM là điều cần thiết. Vì rất không công bằng cho TP HCM khi đứng đầu cả nước về tỷ lệ nộp ngân sách với 82%, (Hà Nội đứng thứ 2 là 65%), trong lúc TP HCM còn cần nhiều khoản phải đầu tư. Đưa TP. HCM trở thành một trung tâm tài chính lớn trong khu vực, một thành phố hiện đại sầm uất - sẽ càng thúc đẩy hợp tác giao lưu quốc tế, thu hút nguồn đầu tư và du khách. Việc giữ lại thêm 5% tiền nộp ngân sách của TP HCM là một nguồn tài chính lớn. Hy vọng là lãnh đạo TP. HCM với tân Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ có phương thức sử dụng hiểu quả, chống được thất thoát.

2. Lãnh đạo các địa phương đừng bỏ lỡ cơ hội

Có nhiều vị lãnh đạo đã từng chia sẻ rằng mất nhiều đêm vắt trán nghĩ kế giúp cho địa phương, và cho người dân làm giàu. Nhưng kế sách của họ đưa ra lại không làm cho địa phương và người dân giàu lên.

Họ đã không ngờ rằng, kế tốt nhất là không phải đưa ra mưu kế gì cả, mà hãy để cho địa phương và người dân được tự do phát triển. Tức là trao quyền cho địa phượng, cho người dân. Không trói buộc sự sáng tạo của xã hội.

Nay Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trương phân cấp phân quyền với nguyên tắc chủ đạo: Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các Bộ để cho địa phương làm; Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm. Đây là một chủ trương đúng. Nếu chủ trương này được thực thi trong thực tiễn với mức độ tối đa, thì sẽ kéo theo một một bước phát triển đột phá.

Bởi thế, chớp lấy cơ hội, lãnh đaọ các tỉnh thành hãy nhanh chóng mà xin cho bằng được, dành cho bằng được những điều địa phương làm tốt hơn Chính phủ, những điều địa phương làm tốt hơn các Bộ. Nhưng cũng đừng chối bỏ trách nhiệm.

Đến lượt mình, lãnh đạo các tỉnh thành lại trao cho cấp dưới những điều cấp dưới làm tốt hơn. Cứ như vậy, đến khâu cuối cùng là các doanh nghiệp, các đơn vị cơ sở, đến từng hộ dân, đến từng con người. Nếu được như vậy chính là đã GIẢI PHÓNG NỘI LỰC.

Thủ tướng đã nhìn thấy nhân tố GIẢI PHÓNG NỘI LỰC thì chắc chắn Thủ tướng cũng đã lường được lực cản. Lực cản đó là để NÍU GIỮ QUYỀN LỰC.

Sẽ có rất nhiều người tự hỏi: Giao quyền cho người làm tốt hơn thì hoá ra mình không còn quyền gì nữa?

Chẳng hạn, nếu áp dụng chủ trương của Thủ tướng cho Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) - thì quyền quyết định tốt nghiệp THPT, quyền giao cho ai tổng chủ biên sách giáo khoa, quyền bổ nhiệm nhân sự đứng đầu các trường đại học, và nhiều quyền khác nữa - sẽ không thuộc Bộ GD&ĐT. Tương tự như vậy sẽ có nhiều quyền tuột khỏi tay các Sở GD&ĐT.

Không chỉ là Bộ GD&ĐT mà tất cả các Bộ khác đều như vậy. Không chỉ ở các Bộ mà ở các tỉnh thành cũng sẽ như vậy. Đến lúc đó, những người mất quyền lực sẽ nghĩ ra trăm lý do, ngàn kế sách để không trao cho người làm tốt hơn.

NÍU GIỮ QUYỀN LỰC, từ ngàn xưa, là nguyên nhân chủ chốt cản trở sự phát triển. Không những cản trở, mà còn dẫn đến thủ tiêu, đàn áp, chiến tranh... Thí dụ lịch sử thì quá nhiều, mà không cần phải viện dẫn ở đây.

Sẽ có muôn ngàn lực cản. Ở mức độ càng cao thì lực cản càng lớn. Lực cản ngay chính trong mỗi con người. Dẫu có muôn ngàn lực cản thì, vì sự phát triển của đất nước, vẫn phải kiên quyết thực hiện. Dẫu không được toàn phần thì được một phần cũng là thắng lợi. Điều gì địa phương làm tốt hơn, người dân làm tốt hơn, xã hội làm tốt hơn - thì phải để cho địa phương, người dân, xã hội làm.

Thủ tướng đã có một chủ trương đúng để GIẢI PHÓNG NỘI LỰC. Dẫu chưa phải là toàn bộ các nhân tố GIẢI PHÓNG NỘI LỰC, nhưng trao quyền cho người làm tốt hơn - dứt khoát là một chủ trương đúng và dũng cảm.

Dũng cảm là bời vì tự tước bỏ quyền lực trong khi không ai chịu mất quyền lực, trừ các bậc thánh nhân và các bậc cái thế. Thánh nhân thì khỏi bàn. Còn cái thế thì như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tự rời bỏ quyền lực.

Dũng cảm là bởi vì có những lĩnh vực trao quyền cho người làm tốt hơn sẽ đối mặt với vấn đề mang tính còn mất. Chẳng hạn như trao quyền cho người làm tốt hơn trong bổ nhiệm lãnh đạo. Nếu thực hiện được điều này như chủ trương của Thủ tướng thì Đất nước sẽ có những bước tiến thần kỳ.

Giữa chủ trương đúng và thực thi là một khoảng cách lớn rất khó khăn.

Dũng cảm thể hiện ở quá trình thực thi.

Nguyễn Ngọc Chu

Tác giả gửi BVN

THƯA VỚI THỦ TƯỚNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 15-5-2021

Làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 13/5/2021, Thủ tướng đề cập đến một số quan điểm phát triển, trong đó có các ý quan trọng như là: Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các Bộ để cho địa phương làm. Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm. Bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám nói. Hành động không vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích nhóm thì Đảng, Chính phủ phải bảo vệ.

Những ý đó làm nức lòng một số người, nhưng cũng gây nên sự nghi ngờ ở một số người khác. Nức lòng vì làm được như vậy là một bước tiến đột phá để phát triển đất nước. Nghi ngờ vì biết đâu Thủ tướng chỉ biết nói hay mà chưa biết làm, không dám làm.

Xin thưa rằng, nếu Thủ tướng không dám làm thì tôi đành tạm chịu, chưa nghĩ ra kế gì hay, nhưng khi Thủ tướng chưa biết làm thì tôi xin hiến vài kế sách.

Thủ tướng nêu ra những người dám nghĩ, dám làm, dám nói. Đảng, Chính phủ phải bảo vệ họ khi họ không vì lợi ích cá nhân. Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở việc bảo vệ họ mà phải tìm hiểu họ, lắng nghe họ và tạo điều kiện để họ phát huy tác dụng tốt đẹp trong công cuộc phát triển đất nước vì tự do và hạnh phúc của toàn dân.

Trước hết phải phát hiện họ là những ai, trình độ và quan điểm như thế nào, có phải thật sự họ hành động vì ích nước lợi dân, không vì tư lợi hoặc thù oán, hay không. Những người này được an ninh nhà nước nắm khá rõ. Đừng xem họ thuộc “thế lực thù địch” là được. Những ai đang bị giam cầm oan ức phải được xét xử lại thật công bằng, được trả lại tự do.

Tiếp đến là ban hành Luật tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Trong lúc chờ đợi các Luật đó phát huy tác dụng thì Chính phủ cần tạo điều kiện để các cuộc trao đổi quan điểm được tiến hành.

Về việc này Chính phủ chỉ cần ra một nghị quyết cho phép với những điều kiện ràng buộc nào đó rồi để cho các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ, các đoàn thể quần chúng và cả các cơ quan hữu trách phát huy sáng kiền tổ chức các cuộc đối thoại, các buổi thuyết trình.

Trong các buổi đó, bố trí an ninh theo dõi công khai. Nếu có chứng cứ rõ ràng về ai đó có hành động vi phạm luật pháp thì cho bắt và lập tòa xét xử ngay. Làm việc công khai, quang minh chính đai, tôn trọng công lý thì không ngại gì cả.

Thủ tướng đang cần tạo lập niềm tin của dân. Để có được niềm tin thì cùng với nói hay, phải làm được một số việc trong phạm vi quyền hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét