Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

20210524. ĐẠI ÚY C.A. NGUYỄN VĂN LÂM 'LÀM NGƠ' BẮT CƯỚP

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

KỶ LUẬT ĐẠI ÚY CÔNG AN 'LÀM NGƠ' KHI TÀI XẾ TAXI VẬT LỘN VỚI TÊN CƯỚP
TIẾN NGUYÊN / DT 17-5-2021
Dân trí

 Chiều 17/5, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đại úy công an công tác tại Công an xã Cự Khê - người thản nhiên đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với tên cướp...

Trước đó, ngày 16/5, Công an Hà Nội nhận được thông tin về việc một người mặc quần giống quân phục của lực lượng công an, đã có thái độ thiếu trách nhiệm trong quá trình người dân khống chế đối tượng tấn công tài xế taxi tại khu Cienco 5, thuộc địa bàn huyện Thanh Oai.

Người đàn ông mặc quần cảnh phục đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với tên cướp được xác định là Công an huyện Thanh Oai.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai xác minh, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm theo quy định.

Quá trình xác minh, Công an huyện Thanh Oai làm rõ, người mặc quần giống quân phục của lực lượng công an trong vụ việc là Đại úy Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Căn cứ các diễn biến, tình tiết sự việc cũng như tường trình của Đại úy Nguyễn Thanh Lâm, Công an huyện Thanh Oai đã quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ này.

Cũng trong ngày 17/5, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Hà Nội có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với người tài xế xe taxi vì đã dũng cảm chống cự, cùng người dân khống chế tên cướp nguy hiểm. Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng đã ký Giấy khen về hành vi dũng cảm tấn công tội phạm đối với người tài xế taxi.

Như tin đã đưa, chiều 16/5, người dân lưu thông trên đường Cienco 5, Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) bất ngờ nghe tiếng tri hô "cướp, cướp". Ngay sau đó, một người đàn ông nhoài người ra khỏi xe taxi BKS 30A-388… trong tình trạng cơ thể đầy máu.

Nghe tiếng tri hô, một số người dân đã tiếp cận, cùng tài xế quật ngã tên cướp. Tài xế taxi được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nghi phạm là Đặng Phạm Sáu bị cơ quan công an bắt giữ, đưa về trụ sở để làm rõ, xử lý.

Tiến Nguyên

ĐIỀU CHUYỂN CÔNG TÁC ĐẠI ÚY CÔNG AN GỌI ĐIỆN THOẠI KHI TÀI XẾ BẮT CƯỚP

NHỊ TIẾN/ VNN 18-5-2021

Trưởng Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) vừa có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại uý Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an huyện.

Đại úy Nguyễn Văn Lâm (36 tuổi, cán bộ Công an xã Cự Khê) có mặt tại hiện trường vụ tài xế taxi Nguyễn Trần Minh (SN 1976, ở quận Long Biên, Hà Nội) vật lộn bắt tên cướp bị truy nã. Tuy nhiên, người này lại thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không tham gia hỗ trợ nạn nhân khống chế tội phạm.

Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại úy Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Thanh Oai.

Điều chuyển công tác đại uý công an gọi điện thoại khi tài xế bắt cướp
Đại uý công an đứng gọi điện thoại để người dân tự bắt cướp 

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có báo cáo và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND Thành phố có hình thức khen thưởng đối với tài xế Minh.

Ngày 17/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có thư khen và thưởng 10 triệu đồng cho anh Nguyễn Trần Minh.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng đã tặng giấy khen cho hành vi dũng cảm của anh Minh.

Qua các thông tin ban đầu, Công an TP Hà Nội được biết còn có 1 công dân tích cực tham gia giúp đỡ anh Minh khống chế, bắt giữ đối tượng. Tuy nhiên cho đến nay, công an vẫn chưa xác định được công dân nêu trên.

Do vậy, Công an TP Hà Nội đề nghị công dân nào biết, trực tiếp chứng kiến vụ việc thì cung cấp thông tin cho Công an TP theo số điện thoại (đường dây nóng: 069.219.6777 hoặc Đội CSHS Công an huyện Thanh Oai 069.219.0001) để kịp thời tập hợp đề xuất biểu dương, khen thưởng.

Trước đó, khoảng 14h30 ngày 16/5, Phạm Đặng Sáu (51 tuổi, quê tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa - đối tượng bị truy nã) bắt taxi đi từ khu vực quận Long Biên về quê. Khi đến khu vực đường Cienco 5 (thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), anh Nguyễn Trần Minh dừng xe gọi điện thoại cho vợ.

Sáu bất ngờ rút dao nhọn mang sẵn đâm vào vùng ngực trái anh Minh. Bị đâm bất ngờ vào ngực, anh Minh vẫn giằng co, vật lộn với Sáu và hô hoán bị cướp để người dân hỗ trợ khống chế.

TÀI XẾ TAXI BỊ CƯỚP Ở HÀ NỘI:NẾU KHÔNG CHỐNG TRẢ TÔI BỊ ĐÂM CHẾT RỒI

QUYẾT NGUYỄN/ VNN 17-5-2021

Chiều 17/5, sức khỏe tài xế taxi hãng G7 Nguyễn Trần Minh (SN 1976, ở quận Long Biên, Hà Nội) đã ổn định. Trước đó, anh được đưa vào cấp cứu với những vết thương nặng do bị tên cướp đâm.

Trên giường bệnh, anh Minh kể, khoảng hơn 14h ngày 16/5, anh lái xe từ nhà đi làm. Khi từ đường Đức Giang ra đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, anh thấy một người đàn ông to cao, đội mũ lưỡi trai, đeo kính, đeo khẩu trang bịt mặt vẫy xe bảo chở vào phố Đức Giang.

Khi đến ngõ 49 Đức Giang, người đàn ông yêu cầu anh Minh đi theo đường tàu để ra làng Thượng Cát, nói vào nhà một cậu em. Một lúc sau người này quay lại với một túi xách tối màu và chiếc áo bò.

Tài xế taxi bị cướp ở Hà Nội: Nếu không chống trả, tôi bị đâm chết rồi
Tài xế taxi đã qua cơn nguy kịch

“Tôi quan sát đó là quán nước, không phải nhà. Người này cũng không gặp ai cả. Sau khi lên xe, anh ta bảo cho về huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá để lấy tiền nợ cá độ bóng đá rồi quay ra Hà Nội ngay”, anh Minh kể.

Thấy khách bảo đi về huyện Cẩm Thuỷ, anh bật bản đồ Google Map, đi qua cầu Thanh Trì. Khi di chuyển đến gần khu vực đường Cienco5, anh nhận được tin nhắn của vợ, thông báo việc anh để quên giấy tờ xe ở nhà.

“Khi vợ bảo quên giấy tờ, tôi nghĩ không đi được, vì vậy tôi dừng lại ven đường Cienco5 và nói với người khách như vậy. Nhưng người đó bảo: “Thôi anh cứ chở em đi”. Tôi bảo không được, giấy tờ không có, đang dịch bệnh thế này, người ta bắt cả người, cả xe thì chết”, anh Minh nhớ lại.

Tài xế Minh kể tiếp, khi đỗ xe tại vị trí đường Cienco5, trong đầu anh có linh cảm không tốt về vị khách lạ. Trong lúc nghe điện thoại của vợ, anh vẫn quan sát vị khách và thấy người này có vẻ không phải là dân lao động bình thường.

“Tôi bảo khách là 3h chiều rồi, về đến huyện Cẩm Thuỷ cũng phải 6h tối. Anh xuống đi xe khác cho nhanh, tôi quay về lấy giấy tờ cũng mất thời gian”, tài xế Minh thuật lại.

Đúng lúc đó, tài xế Minh nghe thấy tiếng động, rối bất ngờ vị khách rút con dao dạng chọc tiết lợn đâm trúng ngực anh. Anh Minh chống trả lại. Cả hai đấm đá, giằng co nhau trong xe.

“Trong đầu tôi nghĩ, nếu cứ giằng co, mình mất nhiều máu, sẽ ngất trong xe. Thế là tôi bật chốt, đạp cửa ra ngoài, rồi cả hai tiếp tục vật lộn nhau dưới đường. Tôi liên tục tri hô cướp. Nhiều lái xe ô tô đi qua nhưng không ai dừng lại. Tiếp đó, một số người lái xe máy đi qua cầm điện thoại chụp ảnh quay phim.

Khi tôi ghì được tên cướp xuống đường, có một người công nhân đội mũ công trường bảo "Thôi, bắt được nó rồi, có công an đây này. Lúc đó tôi thấy một người mặc quần màu xanh, không biết có phải là công an không, dù có mặt sớm ở đó nhưng chỉ đứng bấm và nghe điện thoại. Người dân xung quanh thì bảo sao không bắt nó đi, người này trả lời “còn điện thoại”, anh Minh kể.

Khi thấy tài xế Minh đã khống chế được tên cướp, một người công nhân tới giữ giúp và bảo anh đi cấp cứu, mọi người sẽ giữ tên cướp để chờ công an tới xử lý. Anh Minh được một người dân địa phương chở vào viện cấp cứu.

“Sự việc xảy ra rất nhanh, tôi nghĩ mình mặc áo đồng phục taxi, vừa giằng co, vừa hô hoán thì chắc mọi người sẽ hỗ trợ.

Khi nằm điều trị tại bệnh viện, người nhà nói lại tên cướp đang bị truy nã tội giết người, tôi thấy rùng mình. Nếu lúc đó tôi không chống trả, chắc đã bị giết chết rồi", tài xế Minh nói.

Quyết Nguyễn

KHI DÂN CẦN

QUỲNH THƯ/ KTSG 20-5-2021

(KTSG Online) - Kết cục của chuyện thật ngoài đời này không khác gì chuyện cổ tích khi cuối cùng người thiện gặp may, kẻ ác trả giá. Chiều thứ Hai tuần này, ngày 16-5, một tài xế taxi ở Hà Nội bị đâm bằng dao để cướp tài sản. Dù bị thương, người tài xế dũng cảm chống trả. May mắn thay, tên cướp bị khống chế trước khi bị công an đưa đi.

Câu chuyện chưa chắc kết thúc có hậu như thế nếu không có một “anh hùng giữa đời thường” xuất hiện vào phút cuối giúp người tài xế khuất phục được tên cướp nguy hiểm đang bị truy nã trước đó vì tội giết người. Đã bị thương và mất nhiều máu, người tài xế không biết số phận mình sẽ ra sao nếu người ân không có mặt ngay lúc đó.

Nhưng chỉ có mặt ở hiện trường thôi không đủ mà phải dũng cảm ra tay. Sở dĩ nói như vậy là vì lúc đó không chỉ có mỗi người tài xế tội nghiệp vật nhau giành mạng sống với tên cướp. Theo tường thuật của báo chí sau vụ cướp xảy ra, còn có đến bốn, năm người chứng kiến. Tuy nhiên, họ chỉ đứng nhìn hay… quay phim bằng điện thoại mà không màng can thiệp. Đáng nói hơn, trong số những người “bàng quan tọa thị” này, có mặt một đại úy công an.

Dĩ nhiên, theo lời truyền thông, cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật ngay đối với ông đại úy công an đó. Nghe nói ông ấy, đang là công an xã, đã nhận cảnh cáo và bị chuyển về một đơn vị của công an huyện. Không biết kỷ luật sẽ nặng đến đâu, nhưng nếu chỉ ngừng ngang đây thì có vẻ như ông này… được thăng chức hơn là bị kỷ luật. Vì thế, một số người bức xúc đã đăng đàn trên mạng đòi chấm dứt sự hiện diện của ông đại úy trong ngành công an vì cho rằng ông không còn xứng đáng, quá bàng quan trong lúc người dân cần ông nhất.

Đây không phải là một đòi hỏi không có lý. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ lời khuyên của những người có trách nhiệm trong ngành công an đối với người dân khi gặp cướp có vũ trang, theo đó, người dân được khuyên là nên tránh những hành động có thể gây thương tích cho mình. Trong trường hợp của người tài xế taxi nói trên, anh đã bị tên cướp tấn công trước và gây thương tích. Có thể nói, những gì diễn ra tiếp theo là hành động tự vệ chính đáng của anh khi tính mạng bị đe dọa, nghĩa là anh đã bị tên cướp dồn vào đường cùng. Thế mà, chứng kiến cảnh một người dân bị thương phải vật nhau với tên cướp để giành sự sống, một người đại diện pháp luật chỉ thản nhiên đứng nhìn. Không biết còn có lý do gì có thể biện minh cho thái độ bàng quan này.

Đây chỉ là một trường hợp cá biệt vì tuyệt đại đa số các chiến sĩ công an không hành động như thế. Đã có nhiều tấm gương anh hùng trong ngành xả thân bảo vệ người dân. Tuy nhiên, người dân sẽ cảm thấy bất bình nếu ông đại úy không được xử lý đến nơi đến chốn. Được biết, cảnh cáo chỉ là bước đầu tiên trước khi các hình thức kỷ luật khác có thể được tiếp tục đưa ra. Hãy chờ xem!

Một người đại diện cho cơ quan công quyền thờ ơ trước nhu cầu bức thiết của người dân, ở đây là nhu cầu tối cần thiết vì liên quan đến sinh mạng của họ. Điều này hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, chuyện quan chức thờ ơ trước nhu cầu của người dân, lắm khi cũng rất bức thiết, không hề hiếm.

Ví dụ thì có nhiều. Chẳng hạn, có những cây cầu, con đường xây mãi mươi, mười lăm năm vẫn chưa xong. Đi xa tí, bụi tí chết được ai? Ừ thì đúng là không chết ngay được, nhưng chuyện xảy ra không phải một ngày, một buổi mà đến mấy chục ngàn ngày. Bụi tích tụ dần trong phổi, ngộ nhỡ ung thư thì chưa chết già đã chết bệnh. Cũng có những cầu treo, cầu phao ở vùng sâu, vùng xa, dân chờ mãi vẫn chẳng thấy cải thiện gì. Không quá hiếm những trường hợp học sinh phải lội sông, lội suối, lội bùn đi học và cũng đã có trường hợp bị nước cuốn đi mất. Ai đã chịu trách nhiệm cho các trường hợp này?

Cũng không hiếm chuyện “dân cần, quan chưa vội” khác. Chẳng hạn, chuyện sổ đỏ cho dân. Có cuốn sổ (gọi là “cuốn sổ” cho oai, chứ thực ra giống một miếng bìa hơn, miếng bìa giá trị) thai nghén 10 năm chưa ra đời. Có người nói mỉa: “Sổ đỏ đã biến thành… sổ đen vì bấy lâu nay vẫn không đến được tay chủ”. Chẳng vậy mà người thủ đô có một câu vè nổi tiếng “Hà Nội không vội được đâu!”.

Vì sao có tình trạng này? Chúng ta thường nói “lấy dân làm gốc”. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này nhiều khi đã bị “biến dạng”. Một trong những lý do dẫn đến sự “biến dạng” này, theo người viết, là do quan chức không đáp ứng hay chậm trễ thực hiện các yêu cầu chính đáng của người dân không bị xử lý hay xử lý quá nhẹ, không có tác dụng răn đe.

Để khắc phục tình trạng cơ quan công quyền chậm trễ giải quyết các yêu cầu về thủ tục hành chính cho người dân, chính quyền trung ương đã đưa ra các khung thời gian rất rõ ràng về thời hạn phải trả lời hay trả lại kết quả việc xử lý các loại giấy tờ cần thiết cho người dân, thông thường là sau bao nhiêu ngày làm việc. Tuy nhiên, đã có cơ quan chức năng nào kiểm tra việc tuân thủ các “thời hạn chót” này chưa? Nếu có, bao nhiêu trường hợp vi phạm đã được công khai và bao nhiêu người liên quan được xử lý?

Khi dân cần, quan phải vội!


GIÁM ĐỐC CÔNG AN HÀ NỘI: ĐẠI ÚY NGUYỄN VĂN LÂM NON KÉM NGHIỆP VỤ

TIẾN NGUYÊN/ DT 22-5-2021

Dân trí

 Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, việc Đại úy Nguyễn Văn Lâm - Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với đối tượng truy nã là non kém về nghiệp vụ.

Ngày 21/5, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc chấn chỉnh chấp hành điều lệnh, tư thế, tác phong, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ chiến sĩ và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an thành phố nếu để xảy ra sai sót, vi phạm.

Công văn này được đưa ra sau vụ đại úy công an thờ ơ, thiếu trách nhiệm khi đứng nhìn tài xế taxi vật lộn, khống chế tội phạm mà không can thiệp, hỗ trợ bắt giữ.

Giám đốc Công an Hà Nội: Đại úy Nguyễn Văn Lâm non kém nghiệp vụ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại úy Nguyễn Văn Lâm đứng sử dụng điện thoại trong khi tài xế taxi vật lộn với đối tượng trốn lệnh truy nã.

Theo nội dung công văn, chiều ngày 16/5, trong lúc điều khiển xe taxi tại đoạn đường Cienco 5 (địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), anh Nguyễn Trần Minh bị khách đi xe là Đặng Phạm Sáu (SN 1970, trú tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa; đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi giết người) dùng dao tấn công.

Mặc dù bị đâm trọng thương nhưng anh Minh vẫn quyết tâm khống chế, cùng với quần chúng nhân dân bắt giữ được đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Liên quan đến vụ việc trên, một nam thanh niên mặc quần công an, áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, có mặt tại hiện trường, không tham gia hỗ trợ, khống chế, bắt giữ đối tượng, mà chỉ gọi điện thoại, đi lại xung quanh hiện trường, thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín lực lượng công an thủ đô nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung.

Qua xác minh, Công an Hà Nội đã làm rõ nam thanh niên trên là Đại úy Nguyễn Văn Lâm (SN 1985, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai).

Chiều 16/5, trên đường từ nhà đến xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) để tham gia tổ cấp căn cước công dân lưu động, khi đến khu vực đường Cienco 5, phát hiện sự việc, Đại úy Lâm đã dừng lại và gọi điện thoại báo cáo vụ việc với chỉ huy Công an xã Cự Khê để xin hỗ trợ lực lượng.

Theo Công an Hà Nội, việc làm của Đại úy Lâm đã phần nào thể hiện trách nhiệm trong công việc nhưng không phù hợp, vì lẽ ra, ngay lập tức, Đại úy Lâm phải nhanh chóng tiếp cận, phối hợp bắt giữ đối tượng phạm tội.

Hành động trên của Đại úy Lâm thể hiện sự non kém về nghiệp vụ, về tinh thần kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, về ý thức phục vụ nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng công an nhân dân nói chung, Công an Thủ đô nói riêng.

Ngay trong ngày 17/5, Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo theo quy định và điều chuyển Đại úy Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an huyện Thanh Oai (để không trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của nhân dân).

Mặt khác, để kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào vì an ninh tổ quốc, Giám đốc Công an Hà Nội đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố có hình thức khen thưởng đối với anh Nguyễn Trần Minh và anh Phạm Văn Thưởng, người tham gia hỗ trợ anh Minh khống chế đối tượng manh động.

Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có thư khen và thưởng tiền đối với anh Nguyễn Trần Minh. Giám đốc Công an Thành phố đã trực tiếp thăm hỏi, động viên và quyết định tặng giấy khen của Giám đốc cho anh Nguyễn Trần Minh và anh Phạm Văn Thưởng về thành tích tham gia bắt giữ đối tượng.

Tiến Nguyên

KHÔNG DÁM TRẤN ÁP TỘI PHẠM, DÂN CHÚNG KHÔNG CẦN NHỮNG NGƯỜI NHƯ ĐẠI ÚY LÂM

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 24-5-2021

GDVN- Giữa người tài xế bị thương vẫn lao vào không chế tội phạm và đại úy công an đứng gọi điện thoại bên đường ai đúng, ai sai khỏi cần phải bàn luận.

TIN LIÊN QUAN

Người viết đến trụ sở công an xã làm căn cước công dân có gắn chip, sau dãy bàn làm việc có ba người ngồi, một người kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, một người chụp ảnh và người một lấy vân tay. Bàn phía cửa ra có một nữ đại úy ngồi nhận những giấy tờ chuyển tới và thu 35.000 đồng lệ phí.

Bên dãy bàn dài hai người mặc cảnh phục ngồi hai bên, người chụp ảnh ngồi giữa mặc thường phục nên không biết người đó là công an hay dân thường.

Thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở hoặc ngoài thực địa, khi nào thì cán bộ, chiến sĩ công an được phép mặc thường phục tiếp xúc với người dân?

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một người mặc áo dân thường, quần màu xanh công an thản nhiên bấm điện thoại khi trước mặt là một người dân vật lộn với tên cướp.

Nhìn người đàn ông trẻ tuổi, bụng béo đến mức chiếc áo chật căng kéo ra phía bụng thật khó đoán đó là một sĩ quan công an. Tuy nhiên ngay sau đó danh tính người này đã được phát hiện, đó là đại úy Nguyễn Văn Lâm (36 tuổi, cán bộ Công an xã Cự Khê), thuộc biên chế công an huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Phải chăng với chiếc bụng “đẫy đà” như vậy, việc tham gia vật lộn bắt cướp là bất khả thi nên vị đại úy này chỉ còn cách gọi điện thoại nhờ “chi viện”?

Đại úy Lâm sử dụng điện thoại khi người dân vật lộn với kẻ cướp

Báo chí tường thuật ý kiến của Trưởng Công an huyện Thanh Oai: “Chiều 16/05/2021, Đại uý Nguyễn Văn Lâm trên đường đi làm nhiệm vụ về gặp vụ việc tài xế taxi bắt cướp”. [1]

Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam Vov.vn trong bài “CSGT bụng “phệ” ở Hà Nội sẽ phải chuyển về làm ở văn phòng” viết: “Những người bụng béo phải rèn luyện sức khoẻ và có hình thức tốt mới được ra ngoài làm nhiệm vụ”. [2]

Vậy cơ quan chức năng có nên giải thích với dân chúng hai câu hỏi sau đây:

Thứ nhất, “Đại uý Nguyễn Văn Lâm trên đường đi làm nhiệm vụ”, vậy nhiệm vụ này có cần thiết phải “hóa trang” áo dân thường, quần công an, đầu đội mũ bảo hiểm xe máy?

Thứ hai, “Những người bụng béo” mà Vov.vn đề cập có phải chỉ giới hạn trong lực lượng cảnh sát giao thông hay cũng áp dụng cho cả tất cả công an được đưa đến địa bàn ngoài trụ sở cơ quan làm việc?

Theo lời lãnh đạo Công an Thanh Oai, đại úy Nguyễn Văn Lâm không phải đang trong thời gian “nghỉ tự do” mà là “trên đường đi làm nhiệm vụ về”.

Xin nói thêm về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”.

Năm 2012 Bộ Công an đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BCA về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”, năm 2015 ban hành văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCA và năm 2019 đã công bố dự thảo (lần thứ 2) về về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”

Theo quy định trong các văn bản này thì:

“Cán bộ chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, là phẳng, cài đủ cúc, khóa; đeo cành tùng đơn, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, ký hiệu, dây lưng, caravát…”.

Quy định này khẳng định cán bộ chiến sĩ mặc trang phục công an phải “đồng bộ” không được phép mặc “nửa nọ, nửa kia” như ảnh chụp đại úy Nguyễn Văn Lâm.

Khoản 1, điều 35, Thông tư 17/2012/TT-BCA và dự thảo Thông tư (lần 2) năm 2019 quy định “Mặc thường phục” như sau:

“1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ được mặc thường phục trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu công tác hoặc cần xã hội hóa phải được thủ trưởng cấp Cục trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định;

b) Cán bộ, chiến sĩ tạm tuyển;

c) Công nhân Công an;

d) Cán bộ, chiến sĩ nữ khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;

đ) Cán bộ, chiến sĩ chưa được cấp trang phục Công an”.

Vậy đại úy Nguyễn Văn Lâm có được phép của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội hoặc thủ trưởng cấp Cục trực thuộc Bộ cho phép mặc “thường phục” trong khi làm nhiệm vụ?

Có thể thấy vị đại úy này không chỉ không hoàn thành chức trách người sĩ quan công an nhân dân là phải kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân mà còn vi phạm điều lệnh nội vụ của ngành Công an khi chỉ mặc một nửa trang phục công an trong quá trình làm nhiệm vụ.

Chuyện hành xử của đại úy Nguyễn Văn Lâm khiến dân chúng nhớ lại một chuyện tương tự mà báo Cand.com.vn tường thuật:

“Khi đối tượng ghì đè cô gái xuống mặt đường, đâm nạn nhân thì cảnh sát giao thông đã tiếp cận, đứng cách nơi đối tượng đang gây án khoảng dăm mét. Nhiều người dân cũng đã dừng xe, đứng quan sát nhưng không tiếp cận lại gần. Cảnh sát giao thông dùng gậy ra hiệu, đồng thời lấy điện thoại gọi. Sau khoảng ít phút, xe chuyên dụng của Cảnh sát tới hiện trường, lúc này cả đối tượng và nạn nhân đã nằm bất tỉnh”. [3]

Cảnh sát giao thông được mô tả trong bài báo là trung tá Nguyễn Chí Kiều, cán bộ Đội Tuần tra kiểm soát nội tỉnh và dẫn đoàn, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình.

Tác giả bài báo [3] nêu ý kiến: “Trong một tình huống cụ thể, nguy hiểm đến tính mạng như vụ án này mà liều lĩnh lao vào trong khi điều kiện không cho phép, thấy mình không đủ khả năng thì sự hi sinh xảy ra, hậu quả thiệt mạng nhiều người thì sự dũng cảm đó không phải là hành động cần khuyến khích”.

Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi vì sao hai sĩ quan công an là đại úy Lâm, trung tá Kiều đều chọn phương án gọi điện cho lực lượng hỗ trợ mà không tham gia trấn áp tội phạm trong khi tội phạm chỉ có vũ khí lạnh (dao, kéo) chứ không phải vũ khí nóng.

Trong khi theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân, trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân luôn phải đối diện các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, hoạt động theo kiểu băng ổ nhóm tội phạm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, thậm chí tước đi mạng sống của họ.

Chính vì vậy, bên cạnh việc học tập, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật Công an nhân dân (CAND), biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, đối tượng nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời, họ bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân và đồng đội. [4]

Liệu có khả năng 2 vị cảnh sát giao thông và cảnh sát khu vực trong vụ việc nêu trên đều không học võ thuật đến nơi đến chốn, nên đấu tay không với bọn tội phạm tiềm ẩn nguy cơ “thiệt mạng nhiều người” và “đó không phải là hành động cần khuyến khích” như tác giả bài báo trên Cand.com.vn đã viết?

Cân nhắc khả năng bản thân và kẻ địch, nếu cảm thấy không thể thắng đối thủ thì gọi viện trợ xem là có vẻ “hợp tình”, chỉ tiếc rằng sự “hợp tình” này giúp bảo vệ tính mạng trung tá Kiều (có thể là cả đại úy Lâm) nhưng bỏ mặc người phụ nữ bị kẻ thủ ác giết hại.

Giữa người tài xế bị thương vẫn lao vào không chế tội phạm và đại úy công an đứng gọi điện thoại bên đường ai đúng, ai sai khỏi cần phải bàn luận.

Cả đại úy Lâm và trung tá Kiều đều thuộc lực lượng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nhưng lại không thể (hay không dám) trấn áp tội phạm bảo vệ tính mạng người dân thì dân chúng có cần hai vị “công bộc” như vậy?

Nếu dân chúng không cần thì giải quyết thế nào?

Chỉ hy vọng những câu chuyện buồn này sẽ không lặp lại.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/noi-dung-giai-trinh-cua-dai-uy-dung-nhin-dan-bat-cuop-737683.html#inner-article

[2] https://vov.vn/xa-hoi/csgt-bung-phe-o-ha-noi-se-phai-chuyen-ve-lam-o-van-phong-498131.vov

[3] http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Vu-CSGT-trong-clip-hung-thu-giet-ban-gai-Can-cach-nhin-khach-quan-539873/

[4] http://csnd.vn/Home/Tags/2374/vo-thuat-Cong-an-nhan-dan

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét