Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

20210504. QUANH CƠN 'SỐT' THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VỪA QUA

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

ĐỀ NGHỊ KIỂM SOÁT 'TIỀN BẨN' ĐỔ VÀO BĐS ĐỂ RỬA TIỀN

THÁI AN/ ĐV 23-4-2021

(Thị trường) - Chủ tịch HoREA đề nghị kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 15 năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

Tình trạng sốt đất xảy ra liên tiếp gây tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, HoREA đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản. Theo đó, đánh thuế thu nhập cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập; áp mức thuế suất rất cao đối với việc chuyển nhượng nhà đất trong năm đầu tiên và giảm dần trong 3 năm đầu. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thườngđể không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Cùng với đó, HoREA cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất luỹ tiến theo số lượng nhà đất đối với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, nhằm điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường BĐS hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định. Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý định “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường bất động sản, HoREA đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Đặc biệt, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản. Đồng thời, sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”.

Theo vị này, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường. Câu hỏi đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu?

"Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

Thái An

VỐN CHẢY ÀO ÀO VÀO BẤT ĐỘNG SẢN: NGHI CÓ  'TIỀN BẨN', CẦN KIỂM SOÁT RỬA TIỀN

NGUYỄN KHÁNH/ DT 23-4-2021

Dân trí

 Theo chuyên gia, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu. Theo đó, cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn".


Theo chuyên gia, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - vừa đưa ra một loạt đề xuất đặc trị "sốt đất", "sốt nhà".

Trong đó, đáng lưu ý, ông Châu cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Theo vị này, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường.

Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu.

"Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

Cũng theo lãnh đạo HoREA, Chính phủ cần sớm có quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Đồng thời khi có dấu hiệu đầu cơ, sốt "bong bóng" bất động sản, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt "bong bóng" bất động sản, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng vào thời điểm tháng 02/2008 và tháng 02/2011. Khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, siết tín dụng bất động sản, nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay lên 21-25%/năm, đã cắt ngay cơn sốt "bong bóng". Nhưng hệ quả không mong muốn là chính sách này đã đẩy thị trường bất động sản ngay lập tức rơi vào tình trạng "đóng băng".

Còn năm 2013, ông Châu cho biết, để phá thế bị "đóng băng" của thị trường bất động sản, cũng bằng công cụ tín dụng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (chủ yếu là kích cầu tiêu dùng) đã xử lý được 56.180 căn nhà tồn kho, xử lý được hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu bất động sản, hỗ trợ cho 56.180 người mua được nhà ở và hỗ trợ để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2014 cho đến nay.

Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Theo đó, đến ngày 01/10/2023, các ngân hàng thương mại chỉ còn được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Trong quý 1/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 3% cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, chỉ tăng 2,93%, nên Ngân hàng Nhà nước đang bám sát tình hình thị trường và có thể "siết" nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Nguyễn Khánh

TS. CẤN VĂN LỰC: CẦN KIỂM SOÁT VẤN ĐỀ 'NHỮNG QUAN CHỨC ĐANG ĐẦU CƠ BẤT ĐỘNG SẢN'

PHẠM SƠN/ LEADER 21/4/2021

TheLEADERTheo các chuyên gia, cần kiểm soát tín dụng, có cơ chế hướng dòng tiền trong nền kinh tế vào các lĩnh vực sản xuất để tạo ra giá trị và sự thịnh vượng.

Nới lỏng tài khóa và tiền tệ là hướng chính sách luôn được các quốc gia sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, thông qua việc bơm thêm cung tiền vào nền kinh tế.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tổng giá trị các gói tài khóa đã được ban hành trên toàn thế giới để chống lại tác động của Covid-19 đạt tới khoảng 12 nghìn tỷ USD. Về chính sách tiền tệ, nhiều quốc gia cũng đã hạ lãi suất tới mức gần 0%.

Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển không có đủ dư địa để triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế quy mô lớn như vậy. 

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang gây ra một số hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng dòng tiền đổ vào thị trường tài sản, chủ yếu là bất động sản và chứng khoán.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, hiện tượng lãi suất giảm dẫn tới người dân và doanh nghiệp tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, do đó dòng tiền hỗ trợ từ Chính phủ và tiền tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp được đổ vào nhà đất, chứng khoán.

Hiện tượng này gây ra những bất ổn mang tính căn bản và lâu dài khi làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đồng thời đánh mất đi nguồn lực để sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực “tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội”.

Ông Anh nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nghiêm túc hiện tượng này, đặc biệt thận trọng với chính sách nởi lỏng tiền tệ khi không đem lại lợi ích thực chất mà chủ yếu hướng vào đầu cơ.

Trước thực trạng đó, theo ông Anh, chính sách tiền tệ cần đặc biệt lưu ý tới sự chuyển dịch dòng vốn, không chỉ đóng vai trò tăng cung tiền vào nền kinh tế mà còn cần hướng tới điều khiển nguồn lực, định hướng cho dòng vốn chung của toàn xã hội.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc dòng tiền đổ vào bất động sản và chứng khoán làm giá các tài sản này tăng mạnh đang là xu thế chung của toàn thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tượng này đang diễn biến tương đối mạnh và có tính lan tỏa.

TS. Cấn Văn Lực: Cần kiểm soát vấn đề 'những quan chức đang đầu cơ bất động sản'
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Giá tài sản, cộng với giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào tăng cao là nguyên nhân đẩy tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, tạo ra áp lực cho điều hành chính sách kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lực nhận xét, áp lực lạm phát thực tế không quá đáng lo ngại bởi sức mua của thị trường, đặc biệt là trong tiêu dùng, dịch vụ vẫn còn nhiều. Từ đó, chuyên gia kinh tế của BIDV đề xuất Chính phủ cần hết sức thận trọng với lạm phát, tuy nhiên không nên thắt chặt quá mức như đã từng thực hiện vào năm 2011, rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Điều hành chính sách có thể tham khảo quan điểm của Mỹ: “năm nay điều hành kinh tế chấp nhận áp lực lạm phát và tài khóa”.

Đối với hiện tượng sốt đất, quan điểm của ông Lực là cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, đặc biệt là cần kiểm soát cả vấn đề “những quan chức đang đầu cơ bất động sản”.

“Cách phản ứng cần phải cực kỳ thông minh, đa chiều, nhìn rộng chứ không phải bóp nghẹt”, ông Lực cho biết.

Đồng quan điểm về những bất ổn trong thị trường chứng khoán và bất động sản, tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Nhà nước cần có biện pháp thắt chặt tín dụng hơn, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp.

“Tăng trưởng GDP đạt 2,91% trong khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, người dân tiêu dùng ít đi thì tín dụng đang đi về đâu? Rõ ràng là tín dụng đang đổ vào tài sản sinh lời, chủ yếu là bất động sản và chứng khoán”, chuyên gia tài chính ngân hàng đặt vấn đề.

Theo ông Hiếu, các ngân hàng đang không kiểm soát được việc cho vay khi “rất mặn mà với việc cho vay để mua đất”, trong khi hệ thống ngân hàng của một số nước khác từ chối khoản vay này. 

Mặt khác, dù đã có quy định không cho vay trên 5% vốn điều lệ với khoản vay đầu tư chứng khoán nhưng nhiều khách hàng vẫn vay bằng danh nghĩa cá nhân, vay tiêu dùng để đổ vào chứng khoán và bất động sản.

Hoàn toàn đồng ý với những cảnh báo đã được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ và đề nghị Chính phủ cần kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn nữa, ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Tôi không đồng ý với một số chuyên gia kêu gọi mở rộng tín dụng, vì ngân sách đang không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh”.

QUẢN 'TIỀN BẨN' CHẢY VÀO BĐS: NHẬN DIỆN THẾ NÀO ?

LAM LAM/ DVO 27-4-2021

(Tài chính) - Dịch bệnh, sản xuất gặp khó, dòng tiền khó lưu thông, tiền đổ vào BĐS sẽ rất lớn, vì thế, nguồn "tiền bẩn" có cơ hội, có sân chơi để bơi theo...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - vừa đưa ra một loạt đề xuất đặc trị "sốt đất", "sốt nhà". Trong đó có đề xuất kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Cùng mối quan tâm, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS lý giải, chứng khoán, BĐS là các lĩnh vực rủi ro hàng đầu. Dòng tiền đổ vào BĐS thời gian qua quá lớn, khiến thị trường BĐS lên cơn "sốt nóng". Dòng tiền đổ vào BĐS có rất nhiều nguồn, tuy nhiên, điều cần lưu ý là tăng trưởng tín dụng BĐS cao nhưng tăng trưởng tín dụng chung lại không quá bất thường (tăng trưởng tín dụng BĐS là 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%). Như vậy, cần đặt câu hỏi về nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" đến từ đâu?

"Đầu tiên phải nhìn vào nguồn kiều hối. Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD. Còn tính toán từ phía ngân hàng nhà nước ước tính, có khoảng 21% nguồn kiều hối được đầu tư vào BĐS.

Nguồn thứ hai là nguồn tiền, vàng để dành trong dân và nguồn chốt lời từ thị trường chứng khoán, chuyển hướng đầu tư vào BĐS để tránh rủi ro.

Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, sản xuất ngưng trệ, nguồn tiền trên đổ vào BĐS, làm tăng trưởng thị trường BĐS là rất bình thường, nguồn tiền này không gây rủi ro.

Tuy nhiên, có một nguồn tiền khác cần phải lưu ý. Vào khoảng quý 4/2020, công an đã phát hiện một vụ chuyển ngân lậu gần 30.000 tỷ ra nước ngoài. Không thể không đặt câu hỏi về nguồn gốc dòng tiền này, trong khi trước đó đã có nhiều cảnh báo về tình trạng rửa tiền, tiền từ tội phạm, tham nhũng, buôn lậu, bán ma túy... Trường hợp, số tiền này được chuyển lậu thành công thì cũng đồng nghĩa sẽ có nguy cơ dòng tiền này quay ngược lại đầu tư vào trong nước, trong đó đầu tư vào BĐS là thuận lợi nhất. Vì thế, đặt vấn đề cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền" là hoàn toàn chính xác", vị chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia khuyến nghị, nếu không khống chế được các giao dịch BĐS bất thường, sự ra vào của dòng tiền quá lớn cũng có thể tạo ra dòng vốn ảo, có thể gây biến động trong lĩnh vực ngân hàng, và có nguy cơ tác động xấu tới nền tài chính quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, với một nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt phổ biến như Việt Nam thì nguy cơ tiêu "tiền bẩn" là có cơ sở.

Theo vị PGS, một trong những kênh hấp thụ "tiền bẩn" nhanh và hiệu quả nhất chính là đầu tư qua BĐS và chứng khoán vì nguồn vốn đầu tư lớn, giao dịch nhanh, thu tiền ngay.

"Ví dụ, chỉ cần thông qua một giao dịch mua bán là hàng tỷ "tiền bẩn" đã được chuyển sang "tiền sạch".

Cần phải đặc biệt lưu ý, có biện pháp kiểm soát chặt dòng tiền chảy vào BĐS thời điểm này. Đây là thời điểm nhạy cảm, do dòng tiền đổ vào BĐS rất lớn, vì thế, nguồn "tiền bẩn" có cơ hội, có sân chơi để bơi theo", vị chuyên gia nhận định.

Về giải pháp, PGS Nguyễn Quang Học cho rằng rất khó phát hiện nhưng hoàn toàn có thể nhận diện những dấu hiệu bất thường thông qua các giao dịch mua bán tại địa phương."Một địa phương thu về một năm khoảng vài nghìn tỷ nhưng bỗng nhiên lại có số tiền đầu tư vào BĐS lên tới cả trăm nghìn tỷ thì rõ ràng đó là bất thường, cần phải tra rõ", vị PGS nêu ví dụ.  

Vị chuyên gia cho hay, đầu tư vào BĐS là phân khúc dành cho các đại gia, những tỷ phú của Việt Nam. Chỉ những người rất nhiều tiền ở Việt Nam mới có thể tham gia đầu tư, mua bán, người dân bình thường không dễ có tiền để mua đất, mua nhà.

"Vì thế, cần đẩy mạnh thanh tra, giám sát mạnh, quyết liệt truy tìm nguồn gốc dòng tiền để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, bảo đảm cho nền kinh tế có môi trường hoạt động lành mạnh, bền vững.

Nếu lần theo hướng này cũng có thể sẽ kiểm soát được phần nào các giao dịch BĐS bất thường", ông Học nói.

Bên cạnh đó, cần phải triệt để sử dụng giao dịch tiền qua tài khoản, ngân hàng, hạn chế giao dịch tiền mặt, nhằm kiểm soát dòng tiền tốt hơn.

Lam Lam

CẨN TRỌNG VỚI BẤT ĐỘNG SẢN 'ĂN THEO' QUY HOẠCH HẠ TẦNG GIAO THÔNG

GIA LINH/ ĐV 28-4-2021

Hàng loạt các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, sân bay, đường vành đai đã thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM và vùng lân cận tăng trưởng mạnh. Thậm chí, nhiều thông tin quy hoạch chưa kiểm chứng cũng khiến giới đầu tư "dậy sóng".

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, sự phát triển của cơ sở hạ tầng có tác động không nhỏ và dường như là yếu tố chính tạo nên cơn "sốt" giá bất động sản thời gian qua.

Sốt đất vì thông tin quy hoạch

Ghi nhận thực tế, khu vực nào có thông tin xây dựng sân bay, mở đường vành đai, mở đường sắt, cao tốc… đi qua thì giá đất tại đó bỗng chốc tăng mạnh. Cá biệt, có nhiều khu vực giá đất tăng lên gấp 5 - 10 lần chỉ sau một đêm có thông tin quy hoạch công trình giao thông trọng điểm.

Cẩn trọng với bất động sản "ăn theo" quy hoạch hạ  tầng giao thông - Ảnh 1.

Nhà đầu tư bất động sản chạy đua theo thông tin quy hoạch giao thông.

Đơn cử tại TP.HCM, nhiều trục đường chính như xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng... sau khi được xây dựng, các dự án bất động sản mọc lên san sát 2 bên đường, giá cũng tăng qua nhiều đợt. Mới đây, việc thành lập Thành phố Thủ Đức đã khiến giá bất động sản tại khu vực trên tăng đến chóng mặt.

Tại một số địa phương lân cận như Bình Dương, dọc mặt tiền QL13, chỉ một đoạn từ TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một đã có hàng chục dự án bất động sản, với tổng số căn hộ được ước tính hàng chục ngàn căn.

Hay như tại tỉnh Đồng Nai - nơi có đường cao tốc đi qua và sân bay quốc tế Long Thành, giá đất cũng  tăng mạnh. Đáng chú ý, khu vực Lâm Đồng với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các nhà đầu tư chỉ cần nghe thông tin về quy hoạch đã vội đi "săn lùng" đất khiến giá đất, đặc biệt là xung quanh Bảo Lộc tăng mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông tốt sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và giá trị của khu vực mà dự án giao thông đi qua.

Cụ thể, ông Mười cho hay, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng TP.HCM tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Chính vì TP.HCM là trung tâm kinh tế, nên việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng sẽ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh.

"Việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm. Trong đó, phát triển giao thông vận tải là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị. Đây là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng", ông Mười nói thêm.

Cẩn trọng khi chạy đua cùng quy hoạch

Giao thông phát triển tới đâu, nhà đầu tư bất động sản chạy đua theo tới đó là thực trạng nhiều năm nay. Nhiều nhà đầu tư nhờ đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm.

Cẩn trọng với bất động sản "ăn theo" quy hoạch hạ  tầng giao thông - Ảnh 2.

Sốt đất thường mang tính cục bộ và chỉ có một thời điểm nhất định nên nhà đầu tư cần cẩn trọng.

Tuy nhiên, việc chạy theo quy hoạch giao thông cũng khiến không ít nhà đầu tư "vỡ mộng". Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như nhà đầu tư mong đợi, bởi thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi khởi công chính thức, mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được cơn sốt trước đó cộng hết vào. Rất nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh chôn vốn, thậm chí lỗ lớn.

Đơn cử trường hợp sân bay Technique (huyện Hớn Quản, Bình Phước), chỉ vừa mới có thông tin UBND tỉnh này xin khảo sát mở sân bay lưỡng dụng, thì hàng loạt các "cò" đã đẩy thị trường đất ở đây lên một cách chóng mặt. Một hecta đất nông nghiêp (trồng cây cao su) bình thường có giá khoảng 400 - 600tr thì chỉ sau một đêm đã được "thổi" lên 1,5 - 2 tỷ đồng.

Thông tin về đất tại đây nở rộ trên các diễn đàn, xe cộ ở nhiều nơi ùn ùn kéo về khiến chính quyền địa phương phải ra thông báo cảnh giác với các thông tin thất thiệt, mua bán chuyển nhượng đất.

Trường hợp khác, một số nhà đầu tư vì chạy theo các thông tin quy hoạch không chính xác, thời gian xây dựng công trình kéo dài nhiều năm trời như tại Cần Giờ, Nhà Bè… khiến các dự án bất động sản đã hoàn thành không tìm được khách mua.

Ông Lê Đỗ Mười cho hay, ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương, pháp lý bất động sản, giá trị sử dụng thực của đất.

Ông Mười cũng lưu ý các nhà đầu tư, hiện nay các thông tin quy hoạch hạ tầng nói chung của các dự án trọng điểm đều được công bố rộng rãi trên website và phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho hay khi dự án hạ tầng được công bố, mọi người đổ về mua gom đất, chờ tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ thời hạn triển khai, những yếu tố có thể cộng vào giá, kể cả mức tăng kỳ vọng để biết mức giá đó còn hấp dẫn hay không, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế, tiềm lực của địa phương đó có thể phát triển bất động sản được hay không mới quyết định đầu tư.

Bởi không phải bất cứ dự án hạ tầng nào cũng có thể giúp thị trường bất động sản phát triển, nhất là đối với các địa phương không có tiềm năng.

Do vậy phải tìm hiểu kỹ tình hình, kế hoạch triển khai có khả thi hay không, chứ không phải cứ nghe một dự án hạ tầng được đầu tư mà kỳ vọng rồi vác tiền đi "lướt sóng", sẽ rất dễ "chết chìm" vì lúc này mua thì dễ nhưng bán sẽ vô cùng khó khăn.

"Sốt đất thường mang tính cục bộ và chỉ có một thời điểm nhất định nên các nhà đầu tư cần xem nó có tăng bền vững hay không. Bởi nếu không, khi thông tin hết nóng, nhà đầu cơ rút đi, dự án hạ tầng chưa được triển khai giá chắc chắn sẽ giảm hoặc đứng im một thời gian dài", bà Hương chia sẻ.

KHI GIÁO VIÊN ĐUA NHAU LÀM 'CÒ ĐẤT'

LÊ MAI/ GDVN 27-4-2021

GDVN- Thầy cô thu lợi từ “cò đất” bao nhiêu thì học trò thiệt hại gấp bội phần bấy nhiêu. Đúng là, giáo viên làm “cò đất”, học trò ...sau này bán đất mà sống.

Cả tổ bán tín bán nghi khi thầy giáo Tứ (đã đổi tên) mời đi “rửa xe” mới, thế nhưng ai cũng nhận lời vì tò mò, sao mà Tứ “lên” nhanh thế, vừa mới tân gia cái nhà tiền tỷ, nay mua xe ô tô gần tỷ bạc.

Mở đầu tiệc liên hoan, Tứ chia sẻ: “Hôm nay em mời cả nhà liên hoan, rửa xe mới. Em cảm ơn cả nhà đã giúp đỡ em thời gian qua, con xe này cũng là nhờ thầy cô dạy giúp mà em có.

Hôm nay không say không về, em mời thầy cô vui say thỏa thích, một lần nữa em xin cảm ơn cả nhà”.

Thầy giáo Tứ dạy Thể dục, có em trai làm bên trung tâm đăng ký đất đai của huyện, hơn năm nay làm “cò” đất và làm giấy tờ đất.

Từ ngày làm thêm nghề tay trái này, kinh tế nhà Tứ đi lên thấy rõ, mua đất, làm nhà, nội thất hoành tráng, nay lại mua xe hơi gần tỷ bạc, giáo viên trong trường ai cũng “ngưỡng mộ”.

Làm "cò đất" giúp giáo viên có thu nhập tốt nhưng học sinh lại thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Baotainguyenmoitruong.vn)

Giáo viên đua nhau làm “cò đất”

Cô giáo Mai (đã đổi tên) chia sẻ: “Cứ giới thiệu được một hợp đồng mua bán đất, “cò” được hưởng 2% giá bán. Lô đất rẻ nhất giờ cũng hơn 500 triệu, tiền “cò” hơn chục triệu đồng, bằng hai tháng lương em rồi, nên phát ham thầy ạ.

Lúc đầu em cũng học theo, làm cho vui, ai ngờ làm chơi ăn thật. Giờ có nhiều giáo viên mình làm “cò” lắm, thầy ra phòng công chứng gặp nhiều giáo viên, có người cao thủ, ngày bán bảy lô, thu nhập khủng luôn đó”.

Sốt đất diễn ra trên cả nước, nhưng sốt nhất có lẽ trên... facebook, trên trang cá nhân của không ít giáo viên, hàng ngày đều có bài mới về bán lô đất mới, chốt lô đất cũ, khoe ảnh “chốt” hợp đồng mua bán đất.

Giáo viên làm “cò”, học trò... sau này bán đất mà sống

Khi giáo viên làm “cò” đất, điện thoại thường trực 24/24. Đang dạy, nghe “ting ting” là mở máy kiểm tra tin nhắn, trả lời tin nhắn, trả lời điện thoại, nào Zalo, nào Messenger, cứ thế, tiết dạy bị “ting ting” làm khổ.

Không trả lời không được, bỏ qua một “ting ting” mất vài chục triệu bạc như chơi, chưa tính có những “thổ” giao dịch vài chục tỷ đồng, mất cả hai năm lương không chừng.

Nếu có hẹn xem đất, gặp mặt chủ đất để “cọc”, giáo viên đành nhờ đồng nghiệp dạy giùm, không có ai rảnh để “cứu” giúp thì báo ốm, xin phép. Chỉ cần “biết điều” một chút là êm thấm, chẳng ai nói vô, nói ra gì.

Tâm thế đi dạy cho có, chỉ chờ “ting ting”, chất lượng tiết dạy ra sao, người viết không nói bạn đọc cũng biết.

Thầy cô thu lợi từ “cò đất” bao nhiêu thì học trò thiệt hại gấp bội phần bấy nhiêu. Đúng là, giáo viên làm “cò đất”, học trò ...sau này bán đất mà sống.

Có nên cấm giáo viên làm “cò đất” không?

Thực tế hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm giáo viên làm “cò” nói chung và “cò đất” nói riêng.

Thực tế hiện nay, đất đai lên cơn “sốt” đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Nguyên nhân gây “sốt” cũng có phần không nhỏ do “cò đất” thổi giá, kê giá, gây hoang mang dư luận.

Chưa ai cấm giáo viên làm “cò đất” nhưng xin hãy để “cò” bay lả bay la ngoài cánh đồng, thầy cô đừng đưa “cò” bay trên bục giảng, làm khổ học trò.

Học trò không nói nhưng biết hết, ký ức những giờ “cò” dạy không mấy đẹp, sẽ theo chúng suốt cuộc đời, giáo viên không ai muốn đâu.

Vì vậy, cần có văn bản “nghị quyết nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian làm việc để tham gia giao dịch, môi giới, mua bán đất đai” như huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.sggp.org.vn/can-gio-cam-can-bo-moi-gioi-mua-ban-dat-dai-727545.html

(*) Văn phong, nội dung thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Lê Mai
LẦN GỠ ĐƯỜNG ĐI CỦA CUNG TIỀN
PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 1-5-2021
(KTSG) - Lâu nay chúng ta vẫn biết rằng cung tiền M2, còn gọi là tổng phương tiện thanh toán, ở Việt Nam là cao. Để biết nó cao thế nào, chúng ta thử làm một so sánh quốc tế, sử dụng số liệu M2 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Có 157 nước có số liệu M2 vào năm 2019 và Việt Nam đứng thứ 25 từ cao xuống thấp, với mức 13,6%. Lưu ý rằng mức này là thấp hơn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong mục thống kê trên trang web của mình là 14,8%. Vì vậy, nếu sử dụng mức của NHNN thì thứ hạng của Việt Nam còn cao hơn nữa, ở hạng 18.

Nếu tính bình quân trong giai đoạn 2015-2019, vẫn sử dụng số liệu của WB, thì Việt Nam vẫn đứng thứ 25. Và cũng cần lưu ý rằng M2 của Việt Nam trong giai đoạn này đã là thấp nhất trong lịch sử (ví dụ, 28,5% trong giai đoạn 2000-2005).

Ở thứ hạng nói trên thì “hàng xóm” của Việt Nam toàn là những nước “nổi tiếng” về bất ổn như các nước châu Phi hay Nam Á hoặc Mỹ Latinh. Nói cách khác, điều này giải thích tại sao, nhất là thời gian trước đây, Việt Nam hay phải đối mặt với những bất ổn vĩ mô. 

Sang đến năm 2020 và bước vào năm 2021, trong khi không có số liệu quốc tế để so sánh, nhưng việc M2 của Việt Nam vẫn rất “kiên định” tăng lên (14,5% năm 2020, và 15,7% tính đến 16-4-2021 so với cùng kỳ 2020), bất chấp tăng trưởng GDP đã giảm mạnh, cho thấy Việt Nam không có ý định giảm tăng trưởng M2. Điều này dẫu sao cũng có thể coi là điều “bình thường cũ” nếu GDP vẫn tăng trưởng với tốc độ đáng kể như những năm trước.

Tuy nhiên, M2 tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh năm qua và đầu năm nay đã đặt ra những rủi ro về bong bóng tài sản như chứng khoán và bất động sản.

Bảng trên đây cho thấy rõ hơn mối quan hệ giữa tăng M2 và tăng GDP trong mấy năm gần đây. Theo đó, năm 2018 là năm ghi nhận tính hiệu quả cao nhất của M2 khi cứ mỗi 1,9 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo được thêm 1 đồng GDP. Tính trung bình trong giai đoạn 2015-2019, cứ 2,73 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo ra 1 đồng GDP tăng thêm. Nhưng năm 2020 đã có sự tăng đột biến khi phải cần đến 6 đồng M2 tăng thêm để tạo ra 1 đồng GDP.

Sang đến năm nay, do Tổng cục Thống kê đã “đánh giá lại” GDP từ quí 1 và không công bố GDP danh nghĩa quí 1-2020 đã đánh giá lại nên ta không thể tính được mức tăng lên về GDP danh nghĩa giữa quí 1-2020 và quí 1-2021 và, do đó, không thể tính được một đồng tăng thêm M2 đã tạo thêm bao nhiêu đồng GDP trong quí 1-2021. Nhưng ít ra thì với mức tăng mạnh hơn của M2 cho đến ngày 16-4 so với cùng kỳ năm 2020 (15,7%) và so với mức tăng của cả năm 2020 như đã nói ở trên thì sự cải thiện khiêm tốn của tăng trưởng GDP quí 1-2021 (4,48%) so với quí 1-2020 (3,82%) cũng không làm thay đổi đáng kể kết luận rằng kể từ năm 2020, “năng suất” tạo GDP của M2 đã sụt giảm đặc biệt mạnh. Nói cách khác, từ năm 2020 đã chứng kiến hiện tượng là tiền tràn ngập nền kinh tế, quá nhiều so với mức cần có để tạo ra một đơn vị GDP như thông thường, và đây chính là nguyên nhân chủ chốt gây ra các cơn sốt tài sản hiện nay.

Có ý kiến lập luận rằng cung tiền vào nền kinh tế không tăng đáng kể bởi NHNN hầu như không mua trái phiếu/tín phiếu trên thị trường mở trong thời gian qua. Nhưng ý kiến này sai ở chỗ cung tiền chính là M2 và khi số liệu thống kê cho thấy M2 đã tăng lên, có nghĩa là có nhiều tiền hơn đã đổ vào nền kinh tế, qua nhiều kênh, ngoài thị trường mở (minh chứng là ít nhất thì hạng mục “tiền trong lưu thông”, tức tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng, đã tăng lên cả về mức tuyệt đối và tương đối trong thời gian qua, theo số liệu của NHNN).

Cũng có ý kiến cho rằng tín dụng vào chứng khoán và bất động sản trong năm 2020 và quí 1 không tăng đột biến/mạnh nếu so với tăng trưởng tín dụng nói chung, nên tín dụng vào các thị trường tài sản này không phải là nguyên nhân của sự tăng nóng sốt chứng khoán hay bất động sản hiện nay.

Chưa bàn đến việc tín dụng có thể “trá hình” chảy vào các thị trường tài sản này, điều quan trọng và là lỗ hổng trong ý kiến nói trên là cả tốc độ tăng trưởng tín dụng chung và tăng trưởng tín dụng vào bất động sản và chứng khoán đều ở mức cao hơn vài lần so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, theo NHNN, tín dụng đến ngày 16-4 tăng 3,34% so với cuối năm 2020, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020; tín dụng vào bất động sản cuối tháng 3-2021 tăng 3% so với cuối năm 2020 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng mạnh và dồn dập này không làm tăng giá tài sản mới là điều lạ, đi ngược lại các quy luật và lý thuyết kinh tế.

Chuyển sang chuyện “trá hình” tín dụng vào các thị trường tài sản này. NHNN cho biết đến hết quí 1-2021 dư nợ tín dụng vào thị trường chứng khoán chỉ là 45.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, như báo chí đưa tin, chỉ tính dư nợ ngân hàng của ba công ty chứng khoán lớn là SSI, VND, và Mirae Asset đã xấp xỉ con số này (44.612 tỉ đồng).

Điều này không chỉ cho thấy tín dụng thực tế chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán là lớn hơn con số thống kê. Quan trọng hơn, nếu chỉ tin hoặc tìm cách đưa ra các con số thống kê để thuyết phục, làm an lòng dư luận thì sẽ không bao giờ khống chế được các bất ổn vĩ mô và bong bóng tài sản.

CƠN SỐT ĐI QUA, CÒ ĐẤT THÁO CHẠY: KẺ 'ÔM BOM' CUỐI CÙNG LÃNH ĐỦ

DUY ANH /VNN 4-5-2021

Cơn sốt đất nền có dấu hiệu "hạ nhiệt", ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại.

Tăng giá đột biến

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương. Giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí, còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.

Theo báo cáo của HH môi giới BĐS Việt Nam, hiện tượng đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Cơn sốt đất tại Bắc Giang khiến không ít các nhà đầu tư không khỏi bàng hoàng. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất Bắc Giang "nhảy múa" đến chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Đơn cử như giá đất khu vực Yên Sơn (Lục Nam) được nâng lên theo từng ngày, có nơi giá đất tại đây chạm tới 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động từ 20-30 triệu đồng/m2.

Hay như tại huyện Yên Dũng, nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất tại xã Nội Hoàng ở mức khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý là tại khu vực huyện Việt Yên, giá nhà đất ở mức trung bình từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2.

Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ
Sốt đất giữa mùa dịch

Tại điểm nóng Thanh Hoá, giá đất tại hầu khắp các nơi đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn.

Từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm 2020. Ngay cả những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Lô đất 160m2 thuộc TP. Thanh Hóa trước đây được rao bán với giá 600 triệu đồng thì bất ngờ được chào giá lên tới 1,5 tỷ đồng; đất nền thuộc một khu đô thị khu vực Nam TP. Thanh Hóa trước đây có giá 7-8 triệu đồng/m2, nay giao dịch ở mức 13-15 triệu đồng/m2.

Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều đang dao động từ 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Còn tại Đồng Nai, những sản phẩm giá rẻ 300-800 triệu đang chiếm ưu thế. Do nhu cầu giá rẻ tăng cao nên một số khu vực vùng trũng như: Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất đang thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ kể cả các sản phẩm không được đẹp. Giá bất động sản Đồng Nai trong khu vực trung tâm Biên Hòa dao động nhẹ 2-5%, các thị trường vùng trũng tăng rất mạnh từ 10-20% kể từ cuối năm 2020.

Thị trường bất động sản Cần Thơ, điểm nóng tại một số nơi thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy giao dịch đất nền dự án cũng diễn ra khá sôi động. Tại một số dự án cụ thể như Khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy), Khu dân cư Hồng Loan (khu 6A và 5C),... đã tăng giá từ 5-10% so với cuối năm 2020. Hầu hết các khu dân cư còn lại dù có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhưng giao dịch vẫn hạn chế.

Đầu cơ tháo chạy

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã ra cảnh báo về hiện tượng này. Thị trường nhà đất đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều dự báo cho rằng, sau cơn sốt đất "điên đảo" khắp cả nước, thời gian tới sẽ diễn ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ ở phân khúc đất nền.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội, đánh giá, các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng. Các khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung, thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất.

Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ
Sốt đất, nhiều đại gia ôm “bom” chờ thời

Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây.

Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty LDG Group - cho rằng, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.

Thực tế này dễ dàng nhìn thấy ở bài học từ thị trường Nhơn Trạch và cả TP.HCM nhiều năm trước đây. Đâu thiếu nhà đầu tư cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì không ra được hàng.

Theo Giám đốc CBRE Hà Nội Nguyễn Hoài An, giống như bất kỳ một chu kỳ tăng giá nào, nếu phù hợp với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với lạm phát đều mang tính ổn định. Tuy nhiên, nếu tăng quá nhanh thường sẽ phải có giai đoạn điều chỉnh.

"Giá tăng nhưng liệu có giao dịch thực tế hay không? Trong lúc thị trường đang sốt, thường chúng ta sẽ nghe nhiều những tin đồn hơn là nhìn thấy những hợp đồng mua bán. Việc thiếu thông tin kiểm chứng sẽ ảnh hưởng đến mức giá. Khi mức giá tăng đến một ngưỡng nào đó mà không được hiện thực hóa , những kỳ vọng không lên nữa thì khi đó mặt bằng giá sẽ được điều chỉnh trở lại", bà An phân tích.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, thời gian tới, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất trong quý 2/2021 sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý 1. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Duy Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét