Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

20210513. CHUYỆN VINGROUP NGỪNG SẢN XUẤT ĐIỆN THOẠI, TV

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


VINSMART KINH DOANH RA SAO TRƯỚC KHI DỪNG SẢN XUẤT ĐIỆN THOẠI , TV ?

QUANG THẮNG/ ZING 10-5-2021

Tính riêng năm 2020, VinSmart đã bán được gần 2 triệu chiếc điện thoại di động, tăng hơn 200% so với doanh số năm liền trước và chiếm gần 13% thị phần tại Việt Nam.

Được thành lập từ tháng 6/2018, VinSmart là một trong hai công ty chính hoạt động trong bộ phận sản xuất của Vingroup, cùng nhà sản xuất ôtô và xe điện VinFast.

Công ty sản xuất này hiện sở hữu nhà máy sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử với công suất thiết kế hàng năm lên tới 125 triệu thiết bị.

Trong năm gần nhất (2020), VinSmart cho biết hãng đã bán ra thị trường 1,95 triệu chiếc điện thoại thông minh, tăng gấp 225% so với doanh số năm 2019 (600.000 chiếc).

Một trong 2 cấu phần sản xuất của Vingroup

Với doanh số bán điện thoại cao kỷ lục, VinSmart cũng trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 3 thị trường trong nước với 12,7% thị phần. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu điện thoại Việt Nam nằm trong top các nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thị trường.

VinSmart bán ra thị trường trong nước hơn 1,95 triệu chiếc điện thoại thông minh và xuất khẩu 1,3 triệu chiếc trong năm 2020. Ảnh: Song Tử.

Đáng chú ý, ngoài việc tiêu thụ điện thoại tại thị trường trong nước, trong năm vừa qua, VinSmart cũng lần đầu ghi nhận doanh thu từ hoạt động gia công, sản xuất thiết bị gốc cho các đối tác nước ngoài.

Trong đó, hãng này cho biết đã ký hợp đồng và bắt đầu xuất khẩu điện thoại thông minh cho nhà mạng của Mỹ và khách hàng nước ngoài, với sản lượng 1,3 triệu chiếc năm vừa qua.

Quay trở lại thị trường trong nước, hiện VinSmart đã cho ra mắt thị trường 18 mẫu điện thoại thông minh nằm trong các phân khúc từ phổ thông đến cao cấp.

Ngoài ra, nhà sản xuất này cũng đã bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm sang các thiết bị điện tử khác như linh kiện điện tử, máy lọc không khí… Năm 2020 vừa qua, VinSmart cũng đã trở thành đối tác sản xuất linh kiện quạt thổi khí cung cấp cho các dòng máy thở của Medtronic PLC, xuất khẩu sang Mỹ và Ireland.

Ngoài hoạt động sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử, VinSmart cũng là doanh nghiệp phụ trách hoạt động xây dựng hệ sinh thái công nghệ cho các dự án bất động sản của Vingroup với ba sản phẩm cốt lõi gồm Smart city (thành phố thông minh), Smart home (nhà thông minh) và Smart services (dịch vụ số).

tỷ đồngGIÁ TRỊ ĐẦU TƯ CỦA VINGROUP VÀO CÁC CÔNG TY CONNguồn: BCTC DNĐầu tư tài chính dài hạnVinhomesVinFastVinpearlVMC HoldingsVinSmartVincom RetailThương mạiSADOCông ty khác05k10k15k20k25k

Hiện VinSmart chính là nhà thầu phụ trách triển khai giải pháp thành phố thông minh tại cả 3 đại đô thị của Vinhomes gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội) và Vinhomes Grand Park (TP.HCM).

Mảng sản xuất không được ưu tiên?

Trong thông báo mới nhất, Vingroup tuyên bố sẽ đóng các mảng sản xuất TV và điện thoại di động của VinSmart để tập trung phát triển công nghệ cao cho VinFast.

Động thái này tiếp nối sau khi tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam phải rút lui khỏi hàng loạt hoạt động kinh doanh trước đó để tập trung cho công nghiệp, công nghệ.

Thực tế, tuy là một trong hai cấu phần hình thành bộ phận sản xuất của Vingroup, nhưng hoạt động của VinSmart luôn được đầu tư ít hơn rất nhiều so với VinFast.

Cụ thể, nếu xét trên cả quy mô đầu tư và kết quả kinh doanh, VinSmart vẫn còn rất khiếm tốn so với nhà sản xuất ôtô và xe điện cùng chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ Vingroup quý I, giá trị gốc khoản đầu tư của Vingroup vào VinSmart ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/4 so với giá trị đầu tư của Vingroup vào VinFast, đạt 22.007 tỷ đồng cùng thời điểm.

Quy mô đầu tư và hoạt động sản xuất của VinSmart nhỏ hơn nhiều so với VinFast. Ảnh: Hoàng Hà.

Dù là một trong 2 công ty con được bổ sung vốn thông qua đầu tư trực tiếp trong quý I, giá trị khoản đầu tư của Vingroup tại VinSmart hiện chỉ đứng thứ 5 và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác như Vinhomes (22.981 tỷ); VinFast (22.007 tỷ); Vinpearl (16.992 tỷ); Vincomerce Holding (5.928 tỷ).

Trong những năm trước đó, khoản đầu tư tại VinSmart cũng chỉ thuộc nhóm trung bình thấp trong các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Vingroup tại các công ty con.

Về kết quả kinh doanh, do chưa công bố chi tiết báo cáo hoạt động của VinSmart, doanh thu và lợi nhuận của công ty này vẫn được hạch toán vào bộ phận sản xuất cùng với VinFast.

Năm 2020, doanh thu bộ phận sản xuất của Vingroup (gồm VinFast và VinSmart) đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với năm 2019. Trong đó, lãnh đạo tập đoàn này cho biết doanh thu tăng mạnh trong năm chủ yếu nhờ doanh số bán ôtô và điện thoại thông minh tăng.

Tuy nhiên, như kế hoạch ban lãnh đạo tập đoàn này liên tục đưa ra, bộ phận sản xuất của Vingroup cùng năm đã lỗ trước thuế gần 14.000 tỷ đồng.

Trong quý I năm nay, sản xuất cũng là một trong những bộ phận kinh doanh ghi nhận tăng trưởng cao của Vingroup cùng với bất động sản.

Doanh thu hoạt động này mang về cho tập đoàn tổng cộng 4.825 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh theo bộ phận của Vingroup cho biết mảng kinh doanh này vẫn lỗ trước thuế 4.814 tỷ.

Với việc dừng sản xuất điện thoại thông minh và tivi, thời gian tới, VinSmart sẽ tập trung chính vào phát triển công nghệ cao cho VinFast và một phần là các dự án bất động sản của Vinhomes.

Ngoài ra, một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới.

 DỪNG LÀM TV, ĐIỆN THOẠI, VINGROUP 'CHẾT TỪNG PHẦN' HAY 'SẼ LỚN MẠNH HƠN ?

VOA 10-5-2021

Một mẫu điện thoại Vsmart được Vingroup đăng lên trang web của tập đoàn hôm 9/5/2021

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 9/5 ra thông cáo nói công ty con của họ là VinSmart sẽ dừng việc sản xuất TV và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” (thiết bị thông tin-giải trí) cho ô tô VinFast.

Theo thông cáo của Vingroup, VinSmart sẽ chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở.

Thông cáo báo chí đăng trên trang web của tập đoàn nhấn mạnh rằng đây là “bước đi chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới”.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, nói trong thông cáo rằng việc sản xuất điện thoại hoặc TV thông minh “đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”.

Vẫn vị lãnh đạo tập đoàn nói thêm rằng: “Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này.”

Vingroup, tập đoàn có xuất phát điểm là kinh doanh bất động sản, nhắc lại trong thông cáo rằng trước đây họ cũng đã lần lượt rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ô tô.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng điểm lại trong thông cáo rằng tính đến nay, sau gần 3 năm phát triển, VinSmart đã tung ra thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.

Trong đó, điện thoại Vsmart đã chiếm lĩnh Top 3 thị phần smartphone Việt Nam, và được trao giải Thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020, và là một trong những thương hiệu được yêu thích nhất Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, xác nhận với VOA rằng điện thoại Vsmart được đón nhận tích cực ở trong nước. Bà cho biết thêm:

“Cá nhân tôi cũng mua một chiếc, sử dụng thấy tốt. Tôi tương đối bất ngờ về việc VinSmart dừng làm điện thoại”.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup.

Quyết định mới nhất của Vingroup về dừng sản xuất TV và điện thoại di động lập tức trở thành chủ đề thảo luận nóng hổi trên mạng xã hội.

Không ít ý kiến cho rằng những gì diễn ra gần đây là cái giá phải trả cho việc tập đoàn tham gia nhiều lĩnh vực, dàn trải. Một vài người thậm chí đưa ra những bình luận nặng nề như “tập đoàn xây lâu đài trên cát” hay việc rút dần khỏi một số lĩnh vực là “cái chết từng phần” của tập đoàn.

Ngược lại, những người khác đánh giá tích cực về điều mà họ xem là Vingroup tỉnh táo rút khỏi những mảng không có thế mạnh hoặc không cần thiết để tới đây sẽ lớn mạnh hơn trong những lĩnh vực chính.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, doanh nhân kỳ cựu từng tiên phong sáng lập một số công ty điện tử, ngân hàng trước đây, phân tích với VOA rằng khi Vingroup chen chân vào mảng TV và điện thoại, đó là những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt trong khi Vingroup không có kinh nghiệm. Do vậy, việc tập đoàn này dừng lại trong hai mảng đó là điều dễ hiểu.

Với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Quang A cho rằng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về việc Vingroup rút dần khỏi một số lĩnh vực. Ông nói:

“Vingroup là tập đoàn mạnh. Họ thăm dò thị trường bằng cách mở rộng ra nhiều lĩnh vực, thử nghiệm để tìm kiếm xem sản phẩm nào là cốt lõi. Ví dụ, họ thử 10 sản phẩm, có thể 8, 9 sản phẩm không phù hợp, may ra có 1 sản phẩm cốt lõi và họ sẽ tập trung phát triển nó. Còn nếu đánh giá khắt khe, cũng có thể nói rằng họ đã có những bước tiến liều lĩnh, nguy hiểm, nay phải dừng lại để tránh rủi ro”.

Từ góc nhìn của người từng giảng dạy về kinh doanh, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoành Ánh so sánh rằng sự phát triển của Vingroup có nhiều nét tương đồng với các Chaebol (đại tập đoàn thuộc sở hữu gia đình) ở Hàn Quốc trong những thập niên trước đây.

Bà nhắc lại rằng các Chaebol đã lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ Hàn Quốc và các mối quan hệ với giới quan chức để huy động vốn, mở rộng kinh doanh vô tội vạ ra nhiều lĩnh vực. Nhưng đến cuộc khủng hoảng năm 1998, họ đã phải cắt bỏ các mảng không có nhiều khả năng thành công, trở thành những tập đoàn có tính chuyên ngành hơn. Bà nói tiếp với VOA:

“Tôi nghĩ chiến lược của Vingroup chứng tỏ họ đã học hỏi được từ các Chaebol đi trước và họ cũng biết là không nên nhúng vào những chuyện quá xa lĩnh vực chính của mình. Vingroup từng có tham vọng làm các sản phẩm, dịch vụ cho mọi người từ lúc ra đời đến lúc chết. Bây giờ, họ đã biết rút gọn hơn. Đây là chiến lược đúng đắn, có thể làm cho họ mạnh hơn, giảm mức độ dễ bị tổn thương”.

VinFast CEO Nguyễn Thị Vân Anh trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 22/4 ở Hải Phòng.

Bình luận về việc Vingroup tuyên bố đã rút khỏi một loạt các lĩnh vực nhằm tập trung cho sản xuất ô tô VinFast, tiến sĩ Nguyễn Quang A không lấy làm lạc quan:

“Tôi nghĩ rằng với ô tô còn khó hơn nữa. Ở thị trường Việt Nam, tôi nghĩ giả sử VinFast chiếm được 10-15% thì vẫn còn quá nhỏ để có thể phát triển được. Muốn phát triển được, họ phải vươn tới Mỹ, nhất là Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng tôi nghĩ là khó cho Vin để chen chân vào. Với ngành ô tô, tôi rất e ngại rằng khó có khả năng”.

Hồi cuối tháng 4, hãng tin Reuters cho hay VinFast đang đặt cược lớn vào việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2022, và nữ Tổng Giám đốc của hãng, bà Nguyễn Thị Vân Anh, sẽ tới Mỹ trong tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch này. Hiện đang có 100 người làm việc cho VinFast ở Mỹ.

Nhưng trong những ngày đầu tháng 5, một người sở hữu xe VinFast tung lên YouTube một số đoạn video chỉ ra các lỗi của xe và các vấn đề trong dịch vụ hậu mãi, dẫn đến tranh luận giữa đại diện của hãng và người chủ xe trên báo chí trong nước, gây xôn xao dư luận và được xem là một bất lợi cho VinFast.

Trước đó chưa lâu, hồi tháng 2, VinFast đã phải đối phó với vụ mạng xã hội và báo chí đưa tin về một loạt xe của hãng bị rụng bánh, gãy càng tại các địa phương khác nhau ở Việt Nam.

CANH BẠC TẤT TAY CỦA VINGROUP

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 11-5-2021

Việc VIN cho chấm dứt sản xuất điện thoại và TV không phải là chuyện quá bất ngờ với mình. Vì gần hai năm trước mình đã có status phân tích là việc tham gia thị trường điện thoại của VIN có gì đó sai sai. Nhưng việc họ chấm dứt sản xuất điện thoại và TV cũng không hoàn toàn là do hai mặt hàng đó không có tương lai, mà là do họ khó khăn về vốn để dàn hàng ngang phát triển cả ô tô lẫn công nghệ. Động thái này cho thấy rằng VIN đang chơi tất tay với canh bạc VinFast.

Anh em “iu lước” lâu nay vẫn hay có câu “đừng dạy nhà giàu tiêu tiền” với ý là nhà giàu luôn đúng khi tiêu tiền. Mấy hôm nay, anh em KOLs seeder và báo chí cách mạng đang ra sức biện hộ cho việc VIN rút khỏi một số ngành hàng như siêu thị, nông nghiệp và bây giờ là mảng công nghệ như một sự sáng suốt, lãnh đạo tài tình của anh Vượng. Ca ngợi kiểu này nó y chang như ca ngợi đảng vĩ đại khi đổi mới, cởi trói rồi tăng trưởng kinh tế so với trước. Tự trói mình rồi tự cởi trói, xong rồi tự khen là tài giỏi, thế có hài không? Trước đó ai đã làm sai để phải sửa sai?

Với VIN cũng vậy, họ tự tham gia các lĩnh vực nông nghiệp, siêu thị, công nghệ, tài chính, thiết kế kiến trúc, rồi tự sa lầy và phải rút chân ra. Đấy là sai và sửa sai, nhưng không nhận sai, có gì là tài đâu mà bưng bô hở Vin “nô”? À, có tài một tý, là có sửa sai. Thế là nhà giàu cũng sai, sai nhiều lần, trả giá toàn ngàn tỷ đồng đó. Anh em đã sáng mắt ra chưa? Đừng bao giờ bi bô cái câu “đừng dạy nhà giàu tiêu tiền nữa nhé”. Người giàu nhất Việt Nam còn sai thì người giàu Việt Nam nào mà chẳng có thể sai. Còn Vinmec và Vinschool cũng chẳng biết thế nào đâu. Hai cái đó cũng có thể bị bán nếu VIN thiếu vốn. Nhất là khi chính anh Vượng nói rằng đó là “làm từ thiện” khi nói chuyện với cán bộ Viettel.

Vấn đề sống còn của VIN bây giờ phụ thuộc vào canh bạc VinFast. Vì họ đã dồn rất nhiều vốn liếng vào đó. Trước đến giờ mình vẫn rất ủng hộ VIN chuyển dần sang mảng ô tô và công nghệ. Vì như thế là phát triển bền vững và sạch sẽ hơn so với phát triển bất động sản. Để chuyển dịch, họ vẫn phải dùng bất động sản để gom tiền của thiên hạ về rồi bơm vào công nghệ. Nhưng bất động sản thực tế đã không thể đủ cho VIN phát triển ngành ô tô vốn là cỗ máy đốt tiền đầu tư ban đầu.

Chính vì thế nên VinFast có kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) lên sàn chứng khoán Mỹ. Vì Mỹ là thị trường vốn lớn nhất thế giới. Việc IPO ở Mỹ sẽ biến VF thành công ty đại chúng với các nhà đầu tư quốc tế nhưng điều kiện để được IPO cũng không dễ và lấy được tiền đầu tư của thiên hạ cũng không đơn giản. Vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam là tính minh bạch đối với nhà đầu tư ngoại. Khi đại chúng hoá công ty thì nguy cơ bị mất quyền quản lý cũng sẽ cao hơn nhiều.

Đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng như vậy (kế hoạch IPO dự kiến trong quý 2) thì VinFast lại dính ngay vụ chú Hoàng GoGo TV. Việc VinFast phản ứng mang tính “bạo lực”, muốn đánh phủ đầu, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn bạn Hoàng cho thấy rằng đây chính là điểm siêu nhạy cảm của hãng xe “quốc dân” (theo lời báo chí cách mạng).

Tuy nhiên, phản ứng đó của VinFast là rất sai lầm. Họ đã bê nguyên não trạng kinh doanh bất động sản trong nước đập sang ngành ô tô đang có tham vọng quốc tế. Không có hãng xe nước ngoài nào có cách hành xử tương tự, ngay cả ở Việt Nam, như VF. Những lỗi do Hoàng đưa ra, theo mình đánh giá, nó chả có gì ghê gớm để làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu hay hãng xe, vì chỉ là lỗi vặt, hoàn toàn có thể khắc phục, kể cả thay thế linh kiện để làm vừa lòng khách hàng cũng không có gì tốn kém.

Nhưng phản ứng của VinFast đã cho thấy cách ứng xử bề trên, độc tài, muốn hình sự hoá quan hệ dân sự để đàn áp Hoàng (cũng có thể suy diễn là với các khách hàng khác), đe một thằng cho vạn thằng sợ. Với cách ứng xử đó thì sao có thể ra biển lớn? Khách hàng Mỹ đâu sợ cảnh sát Mỹ? Lẽ ra VinFast phải công bố bằng chứng Hoàng đã sai và nhận sai, nếu có, trước công luận, thay vì đe doạ Hoàng mà không cần chứng cớ. Họ đã đưa ra sau đó, nhưng thời điểm công bố quan trọng hơn, nó thể hiện thái độ cầu thị hay đe doạ.

Cơ hội sửa sai để thu phục nhân tâm của VinFast vẫn còn đó. Vì vụ việc còn chưa ngã ngũ. Mình nghĩ, anh Vượng nên thay đổi, thà chịu nhục trước một vài khách hàng để thu phục nhân tâm của hàng triệu khách hàng khác còn hơn là bị mang tiếng xấu trước nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng quốc tế và thời điểm nhạy cảm này.

Nhưng không chỉ có vậy, VinFast còn đang dính thêm vụ “gãy trục xe” với khách hàng tên Toàn ở HN. Vụ việc hiện vẫn chưa được hai bên giải quyết. Đây chính là đòn cân não tiếp theo với VinFast mà mình nghĩ là sẽ còn căng thẳng hơn nhiều so với vụ Hoàng GoGo TV, do càng A là bộ phận quan trọng và đắt tiền hơn nhiều so với lỗi vặt mà Hoàng dính phải. Hơn nữa, có nhiều vụ tương tự đã xảy ra trong thời gian gần đây mà anh em seeder đang bẻ lái là xe nào mà chả thế. Vấn đề là thế là thế nào, khi nào, với lực tác động nào thì gãy?

Mong VinFast có cách hành xử phù hợp trong hoàn cảnh mới, vị thế mới để có thể hiên ngang làm xe quốc dân, không phải bắt ép ai mua xe nữa.

Xin nhớ rằng VinFast đang là canh bạc tất tay của VIN. Vấn đề chính của VIN hiện tại không phải là chất lượng sản phẩm mà là thái độ với khách hàng và cách ứng xử với khủng hoảng truyền thông. Nếu VIN không thay đổi cách ứng xử, mình tin là lành ít dữ nhiều.

BẦU TRỜI ĐEN ĐANG BAO PHỦ VINGROUP VÀ CÁC TẬP ĐOÀN BĐS HÀNG ĐẦU Ở VIỆT NAM

THÀNH NAM/ TD 11-5-2021

Đầu năm 2020, Vingroup rút khỏi thị trường bán lẻ Vinmart và sang năm 2021 cho chấm dứt sản xuất điện thoại và TV. Vậy còn Vinfast, liệu sống được bao lâu nữaVậy vấn đề chính ở đây là gì? (Từ trước tới nay, Vingroup chỉ có mỗi nguồn thu duy nhất là từ bất động sản).

Chúng ta cần đi ngược lại thời gian một chút: Bắt đầu từ năm 2005 đến 2015, đây là thời kỳ huy hoàng nhất đối với các doanh nghiệp làm bất động sản tại Việt Nam. Thời kỳ này các doanh nghiệp chỉ cần vẽ sơ đồ trên giấy thôi thì dân cũng đổ xô tới và đặt 100% tiền.

Vậy tại sao thời kỳ này dân lắm tiền thế? Đúng là thời kỳ này có một khối lượng tín dụng lớn từ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam, thông qua Chính phủ, sau đó được rót xuống các Tổng công ty và các tập đoàn lớn của Nhà nước. Nhưng sau đó bốc hơi hết.

Người viết bài này đã từng chứng kiến không dưới 5 người, họ còn rất trẻ, sau khi vào doanh nghiệp nhà nước làm được mấy năm, khi đã ổn định ở ghế trưởng phòng và chánh, phó giám đốc, thấy họ có đủ tiền mua hai, ba căn nhà ở phố một lúc.

Nhưng tình hình khác đi bắt đầu từ 2016. Nếu bạn tinh ý về vấn đề chính trị thì bạn sẽ thấy, bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 12 của đảng CSVN, họ tập trung vào hai vấn đề chính:

1- Đưa tất cả những quan chức tham nhũng, những người có dây dưa đến đất cát và tài sản công, lên thớt để chặt.

2- Bật đèn xanh cho các tỉnh, làm thật nhiều cầu cống và đường xá nối với các huyện ngoại thành, nâng cấp huyện lên quận, nâng cấp quận lên thành phố trực thuộc tỉnh, cho chuyển đổi hàng loạt quỹ đất, (đất doanh nghiệp, đất nông nghiệp, sang đất nhà ở). Mục tiêu cuối cùng là thu thật nhiều tiền về cho ngân sách Nhà nước.

Hải Phòng là ngọn cờ đầu. Vừa qua, nhiệm kỳ 12 của thành ủy Hải phòng do ông Lê Văn Thành làm Bí thư, số tiền Hải phòng đã nộp ngân sách cho Trung ương là 240.000 tỷ VND. Số tiền này lớn gấp 4 lần nhiệm kỳ các bí thư trước đã làm, chả trách khi ông Thành chưa hết nhiệm kỳ, dân Hải Phòng đã biết ông chuẩn bị về Trung ương, làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế.

Chưa hết, hôm vừa rồi xem TV, tôi thấy ông Thành mới ký một văn bản thông báo: Yêu cầu tất cả các bộ ngành và chính quyền các tỉnh, lập danh sách: Tất cả các tài sản công, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, trung tâm thương mại… tất cả được gửi về văn phòng chính phủ, để Chính phủ lên phương án cổ phần hóa hoặc bán đấu giá.

Sau đó tôi lại thấy báo dân chí đăng tin: Thành phố HCM có văn bản đề nghị Chính phủ cho giữ lại 4 khách sạn tại quận Nhất, để Công ty Du lịch 100% nhà nước nắm giữ. Điều này cũng đang gợi lên, xung đột lợi ích giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Những thảm họa đen mà các tập đoàn BĐS Việt Nam đang phải đối mặt

1- Thị trường đầu vào: Chỉ từ 2016 đến nay, chủ trương của nhà nước sẽ bung ra một lượng quỹ đất (làm nhà ở) lớn gấp 4 lần lượng quỹ đất đô thị tại các tỉnh thành, tính từ năm 2015 đổ về trước, liệu doanh nghiệp của bạn có đủ tiền ôm nó không? Cứ cho là bạn đủ tiền đi, thì liệu bạn có bán hết nó trong giai đoạn hiện nay không? Nếu bạn sử dụng vốn vay trong giai đoạn hiện nay thì lại là một thảm họa.

2- Thị trường bán: Nếu nhìn ở góc độ kinh tế đối với người dân sống tại các đô thị của VN trong giai đoạn hiện nay đối với thị trường nhà ở, chúng ta có thể chia ra thành 3 nhóm:

10% giới giàu có và trung lưu: Những người này có thừa nhà trải dài từ nam ra bắc, nên những người này không có nhu cầu mua thêm (Trừ khi thị trường nhà đất có biến động và trượt giá nhanh).

50% người có thu nhập trung bình: Những người này đã có nhà ở nội đô từ trước, nhưng với thu nhập hiện nay, chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tích lũy để mua thêm nhà, mặc dù hiện tại gia đình sinh hoạt hơi chật chội.

40% dân nghèo còn lại: Những người này lo chạy ăn từng bữa một, nên không bao giờ dám mơ tưởng đến vấn đề mua nhà.

Nói tóm lại: Tất cả các công ty bất động sản ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có thị trường.

Vậy tất cả các công ty bất động sản nào hiện đang nắm giữ lượng hàng tồn kho nhiều, vay ngân hàng nhiều và phát hành trái phiếu nhiều, vấn đề phá sản chỉ là vấn đề thời gian.

VÌ SAO VSMART CỦA TỶ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG 3 NĂM 'HUY HOÀNG RỒI VỤT TẮT' ?

MAI CHI/ DT 12/5/2021
Dân trí

 Vinsmart được thành lập vào tháng 6/2018 với thương hiệu điện thoại thông minh Vsmart. Chỉ trong 3 năm qua, hãng điện thoại non trẻ của Vingroup đã liên tục tạo ra những bất ngờ lớn.

"Việc sản xuất điện thoại hoặc ti vi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này" - đó là lý giải của ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - về quyết định "gây sốc" mới đây nhất của tập đoàn này khi rút khỏi mảng ti vi, điện thoại di động.

Vì sao Vsmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 3 năm huy hoàng rồi vụt tắt? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Một mẫu điện thoại của Vsmart (ảnh: Vinsmart).

Những bước tiến thần tốc nhưng… không tới đích

Vinsmart được thành lập vào tháng 6/2018 với thương hiệu điện thoại thông minh Vsmart. Chỉ trong 3 năm qua, hãng điện thoại non trẻ của Vingroup đã liên tục tạo ra những bất ngờ lớn với công chúng khi ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu ti vi.

Riêng năm 2020, VinSmart đã giới thiệu thêm 9 mẫu điện thoại mới, trải từ phân khúc phổ thông đến cao cấp. Doanh số điện thoại Vsmart trong năm vừa rồi đạt 2 triệu chiếc và có 1,3 triệu điện thoại xuất khẩu theo hợp đồng với đối tác.

Đáng nói, dù đứng trước áp lực cạnh tranh khốc liệt các dòng điện thoại ngoại nhập, song Vsmart vẫn nằm trong top 3 thị phần smartphone Việt Nam với thị phần khoảng 12,7% năm 2020. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu điện thoại Việt Nam nằm trong top các nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thị trường.

Hãng cũng mở rộng phân khúc khách hàng sang các thị trường nước ngoài. Thậm chí, vào cuối năm ngoái, VinSmart đã hợp tác với nhà mạng hàng đầu của Mỹ - AT&T xuất khẩu 2 triệu chiếc điện thoại sang Mỹ dưới dạng gia công. Ba mẫu điện thoại có tên gọi là Maestro Plus, Motivate và Fusion Z (với tên mã lần lượt là V340U, V341U và V350U) nằm trong phân khúc phổ thông với cấu hình cơ bản.

Ngoài Mỹ, Vingroup cũng đã đưa smartphone do người Việt làm đến những quốc gia khác trên thế giới như Nga, Myanmar và Tây Ban Nha (VinSmart đã mua lại 51% cổ phần công ty điện thoại BQ ở Tây Ban Nha - PV).

Cụ thể, VinSmart được cho biết là đã tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới để phát triển hoạt động gia công, sản xuất thiết bị gốc. Năm 2020 ghi nhận thành công bước đầu của VinSmart khi công ty này đã ký hợp đồng và bắt đầu xuất khẩu điện thoại thông minh cho nhà mạng của Mỹ và khách hàng nước ngoài với sản lượng lớn.

Tính từ đầu năm, VinSmart đã xuất khẩu khoảng 1,3 triệu điện thoại theo các hợp đồng ký kết với đối tác. Để có được kết quả này, các mẫu điện thoại sản xuất cho nhà mạng Mỹ phải chứng minh đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt như chứng chỉ đảm bảo kỹ thuật của Mỹ cùng một loạt các chứng chỉ quan trọng khác như FCC, CTIA OTA, WiFi Alliance, Bluetooth SIG.

Tháng 6/2020, VinSmart cũng đạt được thỏa thuận trở thành đối tác sản xuất linh kiện quạt thổi khí cung cấp cho các dòng máy thở của Medtronic PLC, xuất khẩu sang Mỹ và Ireland.

Tại báo cáo thường niên 2020 mới phát hành cách đây ít lâu, Vingroup vẫn còn đặt mục tiêu VinSmart xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ trong năm 2021, đồng thời dự kiến VinSmart tiếp tục ra mắt thêm các mẫu điện thoại mới thuộc nhiều phân khúc nhằm duy trì vị thế nằm trong top ba thị phần tại thị trường nội địa.

Vì sao Vsmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 3 năm huy hoàng rồi vụt tắt? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

(Nguồn: BCTN Vingroup).

Phía Vingroup kỳ vọng, với mục tiêu tập trung vào việc sử dụng các công nghệ lõi, công nghệ AI, VinSmart sẽ phát triển hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn: Thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh với việc ra mắt nhiều thiết bị liên quan. Đặc biệt, giải pháp thành phố thông minh đã triển khai sẽ được hoàn thiện, làm bàn đạp để mở rộng đến các đối tượng khách hàng khác và sang các ứng dụng nâng cao hơn.

Tuy có nhiều bước tiến lớn và đạt được nhiều thành tựu về doanh số, thị trường điện thoại Việt còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên, theo CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết điều mà tập đoàn này hướng tới là tầm nhìn toàn cầu.

"Thực tế, lĩnh vực điện thoại hay ti vi thông minh hiện đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng không mang giá trị lớn hơn cho mọi người.

Trong khi ấy, việc làm ra những thế hệ ô tô điện thông minh hay biến các thành phố, nơi cư trú của con người trở thành các "thành phố thông minh, nhà thông minh" sẽ mang lại nhiều lợi ích và trải nghiệm thú vị hơn cho nhân loại. Ở lĩnh vực này, chúng tôi không xuất phát muộn hơn các hãng khác, thậm chí có lợi thế từ việc được tiếp cận ngay những công nghệ sản xuất hiện đại nhất" - ông Quang chia sẻ.

Không sản xuất ti vi, điện thoại, VinSmart có "bỏ đi"?

Thực tế, VinSmart vốn có nhà máy sản xuất điện thoại, thiết bị IoT và các sản phẩm thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, diện tích 14,8 hecta với công suất kỳ vọng là 125 triệu thiết bị các loại mỗi năm. Riêng phân khu lắp ráp sản xuất smartphone có 26 line và 13 hệ thống máy SMT (hàn linh kiện bề mặt hoàn toàn tự động), nhiều phần việc đã được tự động hóa, nhân viên chỉ đóng vai trò giám sát sản xuất.

Theo quyết định mới của Vingroup, VinSmart sau khi dừng việc phát triển ti vi và điện thoại di động sẽ chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trong đó, trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ô tô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.

Nhiệm vụ thứ hai của doanh nghiệp này là tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.

Bên cạnh việc tập trung cao độ cho VinFast, VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh - nhà thông minh và các thiết bị IoT liên quan để mang đến trải nghiệm sống vượt trội hơn cho người dùng.

Theo thông tin từ Vingroup, trong năm 2020, VinSmart hoàn thành cơ bản các sản phẩm và hệ thống tính năng của giải pháp thành phố thông minh như công nghệ nhận diện khuôn mặt kiểm soát ra vào thông minh, phân tầng thang máy và liên lạc nội bộ thông minh, camera phát hiện hành vi, camera nhiệt hay camera giám sát giao thông thông minh.

Giải pháp hiện đã bắt đầu được triển khai tại ba đại đô thị của Vinhomes bao gồm Vinhomes Grand Park (TP.HCM), Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City (Hà Nội).

Để dồn toàn lực cho hướng đi mới, các nhà máy của VinSmart sẽ tiếp tục sản xuất các điện thoại và ti vi hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Sau đó một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới.

Mặc dù không còn sản xuất mới điện thoại, ti vi, nhưng đối với các sản phẩm đã bán ra thị trường, VinSmart vẫn giữ nguyên chế độ bảo hành, sửa chữa, chăm sóc như đã cam kết cho đến ngày khách hàng không còn sử dụng sản phẩm nữa. Đặc biệt, một phần bộ phận thiết kế phần mềm điện thoại vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, cập nhật cho các điện thoại Vsmart đã bán ra thị trường.

Mai Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét