Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

20210511. BÀN VỀ 'HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT' (1)

ĐIỂM BÁO MẠNG 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ 'HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT' ?

LẠI CƯỜNG/ GDVN 10-5-2021

GDVN- Học thật, thi thật là vấn đề có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong số các quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra ấn tượng với việc Thủ tướng nhận mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Chuyện “học thật, thi thật và nhân tài thật” từ nhiều năm nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế sự thay đổi chưa đáng bao nhiêu.

Bày tỏ quan điểm với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Minh Tuấn, Đại biểu quốc hội khóa 14, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng:

Học thật, thi thật là vấn đề có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Khi học học thật, thi thật, các em sẽ nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc học, từ đó, sẽ có động lực phấn đấu trong học tập

Để học thật được trước hết phải bắt đầu từ phía các thầy cô làm công tác giảng dạy. Các thầy cô giáo không chỉ chạy theo bệnh ngụy thành tích, biến các em học sinh thành những công cụ, con số để báo cáo thành tích.

Việc học thật phải đến từ quan niệm của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên.

Lâu nay các em học để thi, bởi vì kết quả thi hiện nay vẫn là công cụ đánh giá chủ yếu về chất lượng giáo dục nên cả thầy và trò đều cuốn theo thi đó.

Do vậy muốn học thật, thi thật trước hết phải thay đổi cách thi, cách ra đề thi.

Bài thi lâu nay vẫn là những câu hỏi đánh đố, những công thức nhàm chán khiến cả thầy cô giáo và các em học sinh đều phải “cày cuốc” để rồi cuốn hết vào đó.

Đề thi, đề kiểm tra phải phù hợp với trình độ của học sinh, sinh viên, đánh giá được đúng năng lực thực của học trò, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, chứ không phải chỉ nhằm kiểm tra khả năng học thuộc lòng của học trò, bởi trên thực tế, học sinh, sinh viên không chỉ học trong nhà trường mà còn học ngoài xã hội, thu nhận kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Đại biểu khóa 14 - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn

Khi nào còn việc đánh giá chất lượng giáo dục qua những bài kiểm tra, bài thi như vậy còn tình trạng gian lận để hoàn thành việc đó.

Quan niệm xã hội lâu này vẫn nghĩ điểm cao là học giỏi và với quan điểm này, khó có thể cấm triệt để người ta tìm cách học giả, thi giả để đạt điểm cao.

Nên chăng ngành giáo dục cần có nhiều hình thức kiểm tra, ra đề thi, đánh giá học sinh khác nhau. Ví dụ như yêu cầu các em tự đăng ký làm bài luận về một vấn đề gì đó chẳn hạn, tùy theo lứa tuổi để đánh giá các em. Các em có hứng thú với lĩnh vực mình quan tâm, sự thu nhận kiến thức của các em sẽ tự nguyện và không bị áp lực gò bó kiểu “cá cố học leo cây”.

Bên cạnh đó nên chăng cần nhìn nhận lại các nội dung học theo từng cấp học, Đại biểu Dương Minh Tuấn đặt vấn đề.

“Lâu nay chúng ta đang cho học sinh học quá nhiều thứ, từ cấp tiểu học đến cấp Trung học phổ thông các em học sinh phải học quá nhiều thứ. Trong đó có nhiều thứ không bổ ích và quá dàn trải. Các em học sinh đang phải học quá nhiều thứ để cuối cùng… để quên.

Cần có sự tính toán số môn hợp lý phù hợp vào từng cấp học. Ví dụ như các em học sinh Trung học phổ thông chỉ nên tập trung vào những môn học mà các em có thể định hướng nghề nghiệp sau này. Tại sao các em phải học đến 14 môn trong khi thi vào đại học chỉ có 3 môn?

Ở các cấp học khác thì các em mất quá nhiều thì giờ vào các môn kỹ năng sống, kỹ năng này kỹ năng kia nhưng không đi vào thực chất. Học dàn trải như vậy, các em sẽ bị áp lực thi cử và cứ như vậy thì việc học thật khó mà đảm bảo” Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết.

Theo đại biểu Tuấn, để học thật, thi thật đi vào đúng thực tế, các thầy cô giáo cần phải giáo dục được cho học sinh nhận thức các em đang học cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra...

Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập.

Để việc học sinh được “học thật” thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Có thể nói đa số giáo viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình nhưng có nhiều cản trở khiến họ không thể dạy thật.

Để làm được việc này vai trò của người hiệu trưởng, người đứng đầu trường học, ngành giáo dục phải được phát huy tối đa. Giáo viên suy cho cùng họ cũng là người lao động. Muốn họ làm tốt công việc của mình phải để cho họ làm tốt công tác chuyên môn.

Không để những chuyện hiệu trưởng bắt giáo viên thu hộ tiền nhà trường hay giáo viên phải đi đấu tranh với hiệu trưởng vì bị trù dập, vì đi tố cao tiêu cực... Những việc làm ảnh hưởng đến giáo viên cần phải loại bỏ ngay.

Nếu các em được học thật, thầy cô giáo dạy thật, đi thi là thật thì không có lý gì chúng ta lại không có nhân tài thật. Ảnh minh họa: Lại Cường

Đại biểu Dương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng trong trường học:

“Hiệu trưởng là người có ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Quản trị hoạt động dạy học của hiệu trưởng có hiệu quả thì chất lượng giáo dục sẽ tăng và ngược lại.

Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học theo chương trình mới, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động.

Hiệu trưởng cũng chính là người nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của giáo viên để kịp thời điều chỉnh và phát huy năng lực của giáo viên.

Có thể nói, để giáo viên được “dạy thật” vai trò của hiệu trưởng đặc biệt quan trọng”, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết.

Giáo dục chịu ảnh hưởng rất lớn từ ngoài xã hội. Do đó, nếu xã hội vẫn còn sử dụng người dựa vào bằng cấp mà không dựa vào năng lực thật, vẫn còn trả lương theo kiểu cào bằng thì không thể loại trừ được chuyện học giả, thi giả.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng đề bạt cán bộ trong các cơ quan nhà nước, ngoài xã hội cũng cần phải thay đổi, thay vì lấy tiêu chí bằng cấp thay vào đó là tiêu chí về kiến thức bởi lẽ học thật mới có kiến thức thật và năng lực thật. Khi có năng lực thật thì làm việc với có hiệu quả.

Khi học thật và thi thật rồi thì sẽ ra nhân tài thật. Việc này phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi từ căn bản – toàn diện đến đâu. Nếu làm tốt từ mầm non nên đại học thì không có lý do gì chúng ta lại không có nhân tài thật cả, Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu.

Lại Cường
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CÓ HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT ?
CHU MỘNG LONG/ TD 7-5-2021
Ngày 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Sự nhấn mạnh ba chữ “thật” trong lời nói ấy chứa một tiền giả định (hiện thực đã và đang xảy ra) là giả: học giả, thi giả, nhân tài giả.

Tôi hiểu Thủ tướng đau đáu với một hiện trạng giáo dục mà báo chí và dư luận gần như nổi cáu bao lần bởi nhiều thứ không thể chấp nhận được. Nói gọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không thể điều trị nổi căn bệnh ăn vào tận não, bệnh thành tích. Một chương trình nặng nề, một hệ thống kiến thức xa rời thực tế, tổ chức nhiều kỳ thi có tính phong trào, bịa ra đủ các loại văn bằng, chứng chỉ để thu học phí và đánh giá xếp loại ảo, kể cả phong học hàm học vị tràn lan bất chấp năng lực.

Từ khi nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi “Nói không với bệnh thành tích” thì bệnh càng trầm trọng hơn.

Nhưng làm cách nào để có được “học thật, thi thật, nhân tài thật”, trong khi hiện tại đã lẫn lộn, bất phân thật giả? Đáng sợ nhất là cái giả đang chui hết vào bộ máy quản lý và đào tạo với quyền sinh quyền sát trong tay, ai sẽ làm cái việc tách lọc thật/giả để phân minh?

Thực ra, thật/giả không phải khó thấy. Dư luận thấy hết. Nhưng khi cái giả bị vạch trần thì đã xử lý được bao nhiêu phần trăm? Thủ tướng có đủ dũng cảm chỉ đạo diệt tận gốc không? Còn nếu giao cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó thì có đáng tin cậy khi không chừng dùng cái giả đi chống cái giả và cuối cùng cái thật bị vùi dập!

Cải cách cả hệ thống, Thủ tướng ạ. Chứ chỉ đưa ra khẩu hiệu thì cái giả vẫn hô theo như thật, như thời nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vậy!

Việc cần làm trước mắt, theo tôi là phát triển kinh tế – xã hội theo đúng quy luật cung-cầu của thị trường tự do, tức cạnh tranh lành mạnh. Thị trường đó chắc chắn phải cạnh tranh bắt đầu từ nhân lực. Cầu quyết định cung. Kéo theo, một cách tự động, giáo dục cũng phải kiến tạo lại. Nhu cầu kinh tế – xã hội nào thì giáo dục cung cấp nguồn nhân lực ấy. Hệ quả tất yếu phải xây dựng lại một chương trình giáo dục thích ứng với nhu cầu của đời sống xã hội. Những kiến thức lạc hậu, giáo điều, thừa thãi cắt bỏ hết. Một bộ máy nhà nước sạch, một nền kinh tế lành mạnh biết tuyển dụng nhân tài ắt tạo động lực học thật, thi thật và nhân tài thật, và cái giả hết đường sống!

Nhiều người lấy giáo dục Việt Nam cộng hoà ra làm mẫu. Tôi khẳng định, sau gần cả thế kỷ, nền giáo dục ấy cũng đã lạc hậu rồi. Nếu cần học nền giáo dục ấy thì học ở việc chi trả lương cho nhà giáo dục. Lương nhà giáo cao cũng là điều kiện tối thiểu để có động lực đi đến cái thật. Tôi còn nhớ những nhà giáo trong gia đình tôi thời ấy, lương mỗi tháng chi tiêu còn thừa ra ít nhất vài cây vàng. Với đồng lương ấy, nhà giáo tận tâm, tận lực với công việc. Còn đồng lương như hiện nay, dù cải cách dạy học đúng hướng hiện đại, dù bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực liên tù tì, vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng đối phó, kể cả gian dối và đẻ ra các tiêu cực khác!

Nói thật với Thủ tướng, tôi yêu nghề giáo và gắn bó gần 30 năm nay, tận tâm tận lực hết mình. Nhưng lương từ 13 cân gạo + 50 ngàn đến bây giờ là 13 triệu/tháng, so với thu nhập xã hội, tôi thấy chẳng vinh dự hay cao quý gì. Đồng lương là tiền, nhưng cũng là danh dự để người thầy được xã hội tôn trọng! Khi xã hội không tôn trọng thì còn lâu mới có nhân tài thật, và nhân tài thật khó phát huy hết năng lực để cống hiến cho đất nước và nhân dân.

THẾ NÀO LÀ HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT ?
CHU MỘNG LONG/ BVN 10-5-2021

Người ta thường hay nói và nghe trơn tuột một mệnh đề nào đó và tưởng chừng mệnh đề đó đã là chân lý. Hậu quả là cứ làm theo (ở đây tôi loại bỏ trường hợp nói một đằng làm một nẻo), đến lúc thấy sai thì mới ngẩn người ra. Trong giáo dục thì một lũ người nhiệt thành làm theo đó sẽ đứng nhìn con tàu lao xuống hố. Ai chết ráng chịu!

Chẳng hạn như vừa rồi chủ trương đa dạng hoá sách giáo khoa. Một chân lý không phải bàn cãi khi ai cũng hiểu có đa dạng thì mới có sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm Quốc hội bấm nút, không ai đặt vấn đề: ai sẽ có quyền lựa chọn? Kết quả là, người dạy và người học không được quyền lựa chọn mà để cho sự áp phe lựa chọn và hiển nhiên cái xấu nhất được áp đặt lên người dạy và người học. Người dạy và người học chết, trong khi kẻ làm tiền vẫn tiếp tục làm tiền!

Bây giờ quay lại vấn đề Thủ tướng đặt ra: "Ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật". Mặc nhiên đây là chân lý, cần thực hiện rốt ráo mới có một nền giáo dục sạch. Nhưng chưa thấy ai hỏi: Thế nào là học thật, thi thật và nhân tài thật?

Tôi không cần phải nghi vấn về việc nói một đằng làm một nẻo mà tin tưởng ngành giáo dục sẽ làm, làm thật. Nay mai người ta sẽ bắt học sinh học thật bằng cách học cật lực để đạt cái tiêu chí "giáo dục toàn diện", mỗi học sinh đều phải có đủ phẩm chất và năng lực như mục tiêu chương trình đã đặt ra. Trong khi cái tiêu chí "toàn diện" kia chẳng khác gì bắt con cá phải leo cây. Học thật như vậy thì chắc chắn nhanh chết khô hơn! Đến thi cử thì cũng thật 100% luôn. Người ta sẽ tổ chức thêm nhiều kỳ thi và cách thi vẫn không thoát ngoài khuôn mẫu học bài trả bài. Tôi xem nhiều đề thi trắc nghiệm mà người ta cho là hiện đại thì thấy phải học tủ, học không cần hiểu, không cần suy nghĩ để đến khi thi thì cứ máy móc theo trí nhớ mà đánh dấu. Và để trúng tủ thì phải học thêm nhiều hơn để cái não nhốt được nhiều bài giải mà không bị trật tủ. Khi ấy, phụ huynh kiệt quệ về tài chính, còn học sinh thì nhiều đứa phải tự tử hoặc vào trại tâm thần!

Cuối cùng thì nói đến "nhân tài thật". Nhân tài thật sẽ dựa vào kết quả học thật, thi thật. Hiển nhiên là dựa vào kết quả học và thi trên kia. Một nhân tài thật sẽ được xem là người có năng lực và phẩm chất toàn diện dựa trên kết quả học và thi, trong khi nó chỉ hơn con vẹt ở bộ não của nó có thể tích to hơn con vẹt nhiều lần!

Đáng sợ thật, nếu học thật, thi thật và nhân tài thật được hiểu như vậy!

Tôi sẽ không nói xuôi theo Thủ tướng mà nói ngược. Chỉ cần một nhân tố: Giáo dục phải tạo ra nhân tài thật. Nhưng muốn có nhân tài thật thì chuyện học và thi chỉ là điều kiện, thậm chí loại bỏ hẳn các kỳ thi không cần thiết cũng không sao. Bởi lẽ "nhân tài thật", theo tôi, không phải là người có phẩm chất và năng lực toàn diện (trừ thánh thần, nhưng thánh thần là hoang tưởng) mà là một cá nhân làm xuất sắc công việc của mình. Với nghĩa ấy, một chị lao công dọn rác nếu nghĩ ra cách thu gom rác và xử lý môi trường hiệu quả; một chị bán rau nghĩ là cách chế biến và bảo quản nông phẩm sạch cho người nông dân thì đã là nhân tài thật. Rộng ra, nghề nào cũng được, dù là dọn vệ sinh hay bán rau mà phát sinh được những ý tưởng sáng tạo cho cái nghề của mình để công việc hoàn thành xuất sắc thì vẫn hơn một đám giáo sư, tiến sỹ ăn lương cao ngất nhưng không làm được gì hoặc làm đâu hỏng đó, thậm chí ăn cấp đầy tai tiếng, nhục quốc thể. Loại giáo sư, tiến sỹ ấy, dù bằng cấp đầy mình, vẫn là kẻ bất tài, không chỉ vô dụng mà còn có hại.

Như vậy, nhân tài thật không phụ thuộc vào giáo dục mà phụ thuộc vào tuyển dụng. Tuyển đúng vị trí việc làm trong ngành nghề mà cá nhân đảm bảo năng lực và phẩm chất thì là có nhân tài thật. Còn tuyển nhầm chỗ thì có bằng cấp đầy mình vẫn không có "nhân tài thật" mà giả vẫn hoàn giả. Tôi không cần nói hàng ngu si ngồi chiếm chỗ béo bở trong cơ quan công quyền, trong ngành giáo dục mà nói những cá nhân có năng lực thật sự bị đặt sai chỗ. Chẳng hạn, một sinh viên du học có năng lực nghiên cứu và sáng tạo ở trình độ cao nhưng về Việt Nam được tuyển dụng ở một vị trí việc làm không nằm trong sở trường của anh ta thì chính cá nhân sinh viên ấy đã tự nó biến thật thành giả.

Với cách nhìn trên, tôi cho rằng Thủ tướng không cần chỉ đạo cho ngành giáo dục nữa. Chỉ cần Thủ tướng chỉ đạo cho ngành nội vụ và các cơ quan từ nhà nước đến tư nhân sắp xếp việc làm và trả lương đúng năng lực thì ngành giáo dục cũng phải cong đít lên mà tổ chức dạy học, thi cử đàng hoàng. Đơn giản, xã hội cần nhân tài thật thì giáo dục mới có thể tạo ra nhân tài thật. Trong điều kiện ấy, tự nó phải tổ chức một chương trình, nội dung và phương pháp dạy học như xã hội cần chứ không phải như hiện nay ông Thuyết ông Thống nhắm mắt tự tưởng tượng ra đủ thứ trên trời dưới đất rồi bắt con em người ta học thật, thi thật!

Chú thêm: Thưa Thủ tướng. Trong bối cảnh một xã hội ham đồ giả hơn đồ thật thì đồ thật ắt phải chết tức tưởi. Sự thật là ngành giáo dục hiện nay lâm vào hoàn cảnh như vậy. Cơ sở giáo dục nào dạy thật, học thật, thi thật thì không có người đăng ký học. Không có người đăng ký học thì không có tiền để sống ạ!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

TÀO THÁO LUẬN NHÂN TÀI: NHÂN TÀI THẬT, NHÂN TÀI GIẢ

CHU MỘNG LONG/ TD 10-5-2021


Bạn tôi comment hỏi: “Có nhân tài thật, nhân tài giả sao?” Thời buổi thật giả lẫn lộn, khó trả lời bạn quá. Nói không rõ ràng có khi bị chụp mũ xuyên tạc, thù địch. Cả buổi chiều nay mất công lôi lại báo nhà nước, dẫn ra 2 trường hợp này để bạn suy ngẫm. Chỉ dám nói trong ngành giáo dục.

Trường hợp thứ nhất là một gã ăn trộm. Gã này gốc là một thầy giáo, có tên Lê Văn Nam. Ngay khi còn khoác áo thầy giáo, gã tham gia một nhóm đạo chích gây ra hàng loạt vụ trộm. Sau khi đồng bọn lần lượt sa lưới, gã bỏ trốn vào Nam và bị truy nã trên toàn quốc.

Trong 23 năm trốn truy nã, gã lại khoác áo thầy giáo và ghế trên ngồi tót sỗ sàng: Trưởng phòng Đào tạo của Trung tâm giáo dục thường xuyên Bình Phước! Với chiếc áo thầy giáo và ghế trên ngồi tót như vậy, gã đã dạy điều gì cho con em chúng ta suốt 23 năm?

Trường hợp thứ hai là PGS.TS. toán học Nguyễn Kế Hào. Nguyễn Kế Hào từng tham gia thực hiện Chương trình thực nghiệm Giảng Võ lừng danh và được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học. Chỉ tại vị chưa hết nhiệm kỳ, vì “miếng bánh giáo dục”, Nguyễn Kế Hào “bị đẩy đến bước đường cùng” (có lẽ còn may là không bị đẩy đến lan can thấp dưới 7 tấc?) nên phải từ chức.

Đơn giản, vật cản Nguyễn Kế Hào phải bị gạt ra rìa thì Nguyễn Minh Thuyết và đồng đảng của ông ta mới thong dong tham gia cải cách, từ cải cách Chương trình 2000 đến Chương trình 2018 và Tổng chủ biên, kiêm chủ biên Sách Cánh Diều.

Nguyễn Kế Hào và Nguyễn Minh Thuyết (gần đây thay vai thành Hồ Ngọc Đại và Trần Đình Sử) từng so tài nhau, ai tài hơn ai trong cuộc tranh “miếng bánh giáo dục”? (chữ dùng của Nguyễn Kế Hào trên báo chứ không phải tôi bịa).

Các trường hợp trên, theo các bạn, đâu là nhân tài thật, đâu là nhân tài giả?

Thực tình, tôi không dám trả lời vì nhỡ có ông giả nào đó tự cho mình là thật rồi chụp mũ. Bèn vào Tam quốc hỏi Tào Tháo, rằng ông giỏi luận anh hùng, nay thử luận nhân tài cho thiên hạ nghe xem?

Tào Tháo cười to mà rằng, gã ăn trộm tài nhất. Tôi hỏi, vì sao? Tào Tháo vuốt râu cười khẩy, rằng vì đó là hào kiệt xưa nay chưa từng có. Do thiên mệnh mà gã ăn trộm đó bị phát hiện, nếu không thì nó đã thành nhà cải cách giáo dục vĩ đại! Tiên sư anh Tào Tháo!

MUỐN HỌC THẬT, DẠY THẬT TRƯỚC HẾT PHẢI LOẠI BỎ CÁC CUỘC THI KHÔNG THẬT, VÔ BỔ

SƠN QUANG HUYẾN/ GDVN 12-5-2021

GDVN- Chuyện “học thật, thi thật và nhân tài thật” từ nhiều năm nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế sự thay đổi chưa đáng bao nhiêu.

Ngày 6/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong số các quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra ấn tượng với việc Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Chuyện “học thật, thi thật và nhân tài thật” từ nhiều năm nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế sự thay đổi chưa đáng bao nhiêu.

Ngành giáo dục có những cuộc thi nào?

Những cuộc thi cơ bản dành cho giáo viên phổ thông: Thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi... cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; Thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, II, I; Thi sáng kiến kinh nghiệm dạy học.

Những cuộc thi cơ bản dành cho học sinh phổ thông hiện nay: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Thi học sinh giỏi văn hóa các môn học từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia (dành cho học sinh trung học phổ thông); Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật; Thi tuyển sinh lớp 10; Thi tuyển sinh lớp 6.

Chuyện “học thật, thi thật" cần được thực hiện nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Có cuộc thi nào được đánh giá là thi thật?

Từng nhiều năm làm ban giám khảo chấm các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay phần lớn bài thi đều là diễn, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít mà thôi. Trong đó, bà Hương gặp không ít trường hợp hài hước.

“Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chưa đọc thông, viết thạo. Khi cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án", bà Hương kể lại.[1]

Với những cuộc thi cơ bản dành cho giáo viên phổ thông, chưa có cuộc thi nào được dư luận đánh giá là... thi thật. Vì vậy, dư luận đề nghị bỏ các cuộc thi vô bổ, tốn kém, gây bức xúc cho xã hội không phải là không có cơ sở.

Đặc biệt là cuộc thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, II, I trong thời gian qua, cứ đóng tiền học là ... có chứng chỉ, đã được dư luận phản ánh trong thời gian qua.[2]

Với các cuộc thi dành cho học sinh cũng không khá hơn là mấy. Với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã xảy ra vụ tiêu cực có một không hai trong lịch sử giáo dục nước nhà ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.

Bên cạnh đó, cơ cấu điểm số để công nhận học sinh đậu tốt nghiệp còn có... 30% điểm học bạ lớp 12.

Điểm học bạ lớp 12 là cái phao cho học sinh khi thi tốt nghiệp, nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp cho học trò, cho nhà trường, nên vô hình trung làm cho kết quả cuộc thi không thật, kết quả tổng kết lớp 12 không thật.

Các cuộc thi học sinh giỏi không phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò mà chỉ là đào tạo ra thế hệ học trò “gà chọi”, “thợ giải bài tập”.

Trường nào, địa phương nào đầu tư mời giáo viên có khả năng ra đề về dạy thì đạt kết quả cao, nếu không chỉ tham gia cho có phong trào, nhận được những giải thấp là may mắn, nên cũng là cuộc thi không thật.

Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật càng bộc lộ là cuộc thi không thật, thời gian vừa qua đã được dư luận lên tiếng “Học sinh thi Khoa học kỹ thuật: “Hãy dừng lại càng sớm càng tốt!”.[3]

Với các kì kiểm tra, đã xảy ra tình trạng đáng buồn, khi đề kiểm tra là mặt hàng mua bán trên mạng xã hội, khách hàng không ai khác chính là ... giáo viên.

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft “tình trạng mua bán, trao đổi đề thi của giáo viên là thể hiện tình trạng đối phó, những đề thi như vậy thường không có tác dụng gì cho học sinh, cũng không mang tính thời sự, sáng tạo”.[4]

May mắn thay, còn có kì thi tuyển sinh lớp 10 là tương đối... thật. Kì thi này thật cũng có căn nguyên của nó, vì chỉ có hơn 60% học sinh lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập. Thế nhưng ngay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có trường chỉ cần 3 điểm/môn là đậu lớp 10 công lập. [5]

Với vùng nông thôn, kì thi tuyển sinh lớp 10 tỷ lệ chọi thấp, đã phản ánh trung thực chất lượng dạy học, khi chỉ cần 0.58 điểm/môn là đậu lớp 10 công lập. [6]

Thi thật sẽ phản ánh trung thực chất lượng thật của giáo dục, từ đó nhà quản lý giáo dục có cơ sở hoạch định chính sách cho giáo dục phù hợp, gắn liền với thực tế, chính sách đi vào cuộc sống.

Vậy làm sao để ngành giáo dục thi thật?

Với các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi... cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian vừa qua ngành giáo dục đã có thay đổi đáng kể, giảm dần mức độ... diễn, cuộc thi càng ngày càng thực chất hơn.

Cần minh bạch, công khai nội dung, kết quả của cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm dạy học trên internet, vừa tăng giá trị cuộc thi, vừa là tài nguyên cho giáo viên tham khảo, vừa xóa bỏ tệ nạn mua bán, sao chép sản phẩm sáng tạo của người khác; kiên quyết loại bỏ, kỉ luật những giáo viên “đạo văn”.

Cần có hình thức thi đua, đánh giá giáo viên trên nhận xét, đánh giá của cộng đồng, của học sinh thay vì chỉ phụ thuộc vào kết quả các cuộc thi của ngành.

Với cuộc thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, thực chất không có giá trị cho giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chăng tham mưu các cấp liên quan bãi bỏ chứng chỉ này.

Với cuộc thi cơ bản dành cho học sinh phổ thông hiện nay cần thay đổi toàn diện về nội dung và hình thức.

Nội dung đề thi không nên mang tính hàn lâm, đánh đố, xa rời thực tiễn. Đề thi cần thể hiện mục tiêu giáo dục, đánh giá phẩm chất và năng lực người học.

Với cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cần có giải pháp kĩ thuật để ngăn chặn tình trạng thầy làm, trò là diễn viên thể hiện.

Khi giáo dục chạy theo điểm số thì các cuộc thi khó mà thật. Vì vậy, cần xóa bỏ tỷ lệ thi đua đầu năm cũng là giải pháp căn cơ giúp ngành giáo dục có học thật, thi thật, nhân tài thật.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://zingnews.vn/giao-vien-di-thi-chua-han-day-gioi-ma-dien-gioi-post908564.html

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tham-nhap-lo-san-xuat-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nop-tien-la-co-post211405.gd

[3] https://laodong.vn/ban-doc/hoc-sinh-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hay-dung-lai-cang-som-cang-tot-893385.ldo

[4]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhon-nhip-mua-ban-de-thi-sang-kien-kinh-nghiem-20201227211313053.htm

[5]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/chi-2-5-diem-moi-mon-da-do-vao-lop-10-cong-lap-ha-noi-662777.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/0-58-diem-mon-do-vao-lop-10-cong-lap-so-gd-dt-thanh-hoa-noi-gi-667250.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến
6 GIẢI PHÁP ĐỂ CÓ HỌC THẬT , THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT
BÙI NAM/ GDVN 11-5-2021

Ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước.

Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay là một chỉ đạo vô cùng đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó cho thấy tầm nhìn rộng lớn, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ với giáo dục.

Giải pháp nào để ngành giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hiện nay, bệnh chỉ tiêu thành tích trong giáo dục rất nặng

Chỉ có nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế để khắc phục, sửa chửa thì mới có sự thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ; lựa chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm; phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý.

Do đó, giải pháp “học thật, thi thật, nhân tài thật” chính là một trong những giải pháp mang tính đòn bẩy, điểm tựa để cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục.

Phải nhìn thẳng rằng hiện nay bệnh chỉ tiêu thành tích trong giáo dục còn rất nặng, chính vì việc chạy theo chỉ tiêu thành tích đã đẩy chất lượng ảo lên quá cao chính là do chưa học thật, chưa thi thật và nhân tài cũng chưa thật.

Hiện tượng một lớp có 100% học sinh giỏi hay 100% học sinh được giấy khen, 100% lên lớp thẳng,… đã cho thấy tình trạng chạy theo thành tích ảo đã tồn tại nhiều năm, khó mà thay đổi nếu không có biện pháp quyết liệt, mạnh tay.

Hiện tượng "dạy thêm - học thêm" phát triển tràn lan, khiến cho việc "dạy giả - học giả" lấn át "dạy thật - học thật".

Dư luận rất bức xúc việc học sinh ngồi nhầm lớp, chuyện nâng điểm, sửa học bạ, lên lớp 100%, tốt nghiệp 100%,… nó chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc dạy thật, học thật khó mà triển khai thực hiện.

Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh chỉ tiêu thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục.

Đề xuất một số giải pháp cấp bách

Dưới góc độ cá nhân, người viết xin được mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để có thể “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong thời gian hiện nay.

Thứ nhất, muốn học thật thì phải dạy thật

Trong bức thư Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn gửi thư cho giáo viên cả nước có đoạn nêu “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn.

Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta.

Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm.”

Ý kiến của Bộ trưởng vô cùng đúng đắn, muốn giáo dục thay đổi, ổn định và lâu dài phải xuất phát từ chính những giáo viên.

Hiện nay, thực tế một số giáo viên chưa “dạy thật”, một số giáo viên chưa cố gắng hết sức mình trong việc dạy dỗ, một số giáo viên lại vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, một số giáo viên lại dạy kiểu qua loa, đối phó, một số giáo viên lấy việc dạy trên lớp là phụ, dạy thêm là chính nên chắc chắn tìm mọi cách lôi kéo học sinh học thêm nên dạy không thật,…

Chính một số giáo viên này đã không “dạy thật” nên chắc chắn sẽ không “học thật, thi thật và nhân tài thật”.

Thứ hai, sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh

Chỉ tiêu 95%, 100% lên lớp thẳng đã kéo theo chất lượng bộ môn rất cao, kéo theo căn bệnh ngụy thành tích nặng nề hiện nay.

Vì muốn học sinh được lên lớp, được tiếp tục đi học, không bỏ học đã khiến nhà trường “đẩy” giáo viên vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu chạy theo thành tích thì học sinh ngày càng học yếu, giáo viên “mất giá”, không “học thật, thi thật” nếu làm thật thì sẽ có rất nhiều học sinh ở lại, bỏ học lại mang tiếng “ác” và quan trọng hơn là bị cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ,…

Muốn vậy, phải mạnh tay sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh làm sao để giáo viên có thể đánh giá thật mà hạn chế học sinh ở lại, bỏ học, đánh giá thật mà giáo viên không mang tiếng “ác” và không bị cắt thi đua.

Quy định học sinh học không đạt 1, 2 môn phải ở lại đã không còn phù hợp, phải được sửa đổi, thay thế.

Thứ ba, phải có cách nhìn khác về phổ cập giáo dục

Chính sách phổ cập giáo dục là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về học tập suốt đời, xóa mù chữ,… để mọi người ai cũng được học hành như ý nguyện của Bác kính yêu.

Sinh thời ý nguyện của Bác Hồ đã được trình bày một cách giản dị: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay việc các báo cáo phổ cập, con số phổ cập,… không còn thực chất là mong muốn mọi người được đi học, nâng cao dân trí mà là cuộc “chạy đua” trên các báo cáo như 100% học sinh vào lớp 1, lớp 6; học sinh tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở 100%; tỷ lệ ra trường,… nó khiến các trường, địa phương chạy đua “đẩy” chất lượng lên rất cao, chạy đua thành tích,…

Nhiều trường đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo...

Thứ tư, hạn chế các hội thi của giáo viên và học sinh

Một số hội thi trong nhà trường rất hình thức, tốn rất nhiều thời gian, nó lại là căn cứ để xét thi đua trong các trường, nên các trường tích cực tham gia các hội thi các phong trào mà quên đi nhiệm vụ chính là “dạy thật, học thật, nhân tài tật” như chỉ đạo của Thủ tướng.

Chúng ta phải thay đổi tư duy, quan niệm mỗi giáo viên đến lớp phải dạy hết mình, cống hiến hết mình trên lớp, mỗi giáo viên đều là giáo viên giỏi mà không cần phải có danh hiệu.

Hội thi giáo viên giỏi hiện nay rất hình thức, không cần thiết, nó vô hình trung phân loại có giáo viên giỏi, giáo viên chưa giỏi, dạy 1 tiết học, trình bày một giải pháp thì được công nhận là giáo viên giỏi thật sự không còn cần thiết, gây áp lực không đáng có, giáo viên nên dành thời gian để “dạy thật, học thật”.

Các hội thi sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… phải dần dần được thay thế bằng các hoạt động có ý nghĩa thiết thực hơn.

Các cuộc thi khoa học kỹ thuật được dư luận lao xao đồn đoán là cuộc thi của giáo viên, không thực chất.

Thứ năm, dẹp "chợ chứng chỉ”

Hiện nay, giáo viên khi ra trường đi dạy không chỉ có bằng cử nhân sư phạm mà còn phải có hàng hoạt các chứng chỉ như là các “giấy phép con” hành giáo viên như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (các Thông tư mới đã không còn yêu cầu nhưng khi thực hiện một số địa phương vẫn còn yêu cầu có chứng chỉ để làm minh chứng biết sử dụng ngoại ngữ, tin học), chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng,….

Giáo viên đã đi dạy nên việc học các chứng chỉ, các lớp bồi dưỡng, các lớp tập huấn,… không mang lại hiệu quả.

Có thể hiểu kiểu “bằng thật – tiền thật – kiến thức giả” nó gây tốn kém, bức xúc và không mang lại hiệu quả tích cực.

Muốn có thi thật thì trước hết phải có học thật, như đã nói ở trên. Trên cơ sở đó, phải áp dụng nhiều biện pháp chống gian lận sao cho có hiệu quả.

Trước hết, phải chống lại "bệnh thành tích" trong thi đua: chỉ tính thành tích dạy thật - học thật chứ không tính tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hay thấp.

Thay vì khen thưởng giáo viên đạt chỉ tiêu cao, nên chuyển sang khen thưởng giáo viên “dạy thật, đánh giá thật”.

Bên cạnh đó các em phải có chính sách tạo điều kiện, việc làm, phân luồng cho học sinh tốt nghiệp 12, trung cấp, cao đẳng,... vị trí việc làm ổn định, lâu dài.

Phải chấm dứt việc các công ty, doanh nghiệp nhận học sinh chưa tốt nghiệp trung học cơ sở đó chính là động lực để các em mong muốn được đi học.

Bên cạnh đó, chính gia đình các em phải có trách nhiệm trong việc học tập của con em mình, gia đình nào có học sinh bỏ học phải bị xử phạt, cắt các nguồn hỗ trợ,… để mọi người đều phải có ý thức, động viên con em họ đi học.

Thứ sáu, giữ trường trung học phổ thông chuyên, bỏ lớp chọn

Mô hình trường trung học phổ thông chuyên là mô hình phù hợp để đào tạo nhân tài chất lượng cao của cả nước, các em học trường chuyên được đào tạo bài bản góp phần hình thành nhân tài cả nước. Nhưng mô hình lớp chọn là không phù hợp.

Hiện nay còn tình trạng tồn tại các lớp chọn chính là việc đẩy tình trạng chạy theo thành tích, “gom” các em giỏi vào một lớp thì học sinh các lớp còn lại đương nhiên là học không tốt, không có động lực học, giáo viên không có động lực dạy, nên khó mà “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Muốn “học thật, thi thật, nhân tài thật” như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì rất cần sự chung tay, đồng lòng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cần có cơ chế, chính sách phù hợp.

Rất mong có thêm nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của nhân dân cả nước về chủ đề “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM
HỌC THẬT, THI THẬT: NGUYỄN THIỆN NHÂN DỤNG KẾ CHU DU
CHU MỘNG LONG/ TD 11-5-2021

Năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân được giao nắm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo chí thường gọi là Tư lệnh Mặt trận giáo dục, bởi ở thời điểm đó cho đến hết nhiệm kỳ Phạm Vũ Luận, người kế nhiệm của ông Nhân, giáo dục được xem là “trận đánh”.

Cũng năm ấy, một chiến sỹ tiên phong là Đỗ Việt Khoa, chưa có lệnh đã tự phát xông lên tấn công vào hang ổ giặc ngay tại điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học ở Vân Tảo. Tư lệnh mặt trận đích thân đến nhà trao Bằng khen, tương đương như là Huân chương chiến công, kèm phần thưởng là quyển sách dạy đạo đức làm người. Đỗ Việt Khoa trở thành người hùng, VTV làm luôn cả một chương trình “Người đương thời” vinh danh cả hai: Nguyễn Thiện Nhân – Đỗ Việt Khoa.

Chiến dịch “Nói không với bệnh thành tích”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử” bắt đầu mở màn, sôi động và đầy hào khí, hơn cả trận Xích Bích thời Tam quốc. Cả nước hưởng ứng, đi đâu cũng thấy giăng khẩu hiệu đỏ rực tinh thần cách mạng.

Năm sau đó, 2007, một cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra nghiêm túc. Kết quả, chỉ 60% đỗ tốt nghiệp, có nơi chỉ 40%, thậm chí 20%! Vậy là khoảng 40% quân Tào coi như bị hoả công của quân Đông Ngô thiêu cháy hoặc cho chết đuối khi vượt vũ môn Trường Giang???

Khí thế chống học giả, thi giả, nhân tài giả đang lên cao trào. Tướng tiên phong Đỗ Việt Khoa lại lập chiến công mới ở Đồi Ngô. Nhưng bất ngờ, Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho tổ chức thi lại lần hai, đồng thời lại ra lệnh cho các giáo viên trong vòng một tháng phải dạy phụ đạo sao cho số 40% té nước ấy phải đậu, nếu không sẽ bị kỷ luật!

Kế sách này nhân đạo gấp vạn lần Nguyễn Trãi cho 20 vạn binh Vương Thông giong cờ mở trống về nước. Nhưng thật là gây khó cho đội ngũ giáo viên: dạy học cách nào chỉ trong vòng một tháng mà có được trình độ vượt vũ môn như cá có được chân để leo cây? Cái sự khó ấy còn khó hơn Chu Du lệnh cho Khổng Minh trong vòng 3 ngày phải có được 10 vạn tên trước khi vào trận Xích Bích, nếu không sẽ bị mất đầu?

Ông Thuyết, ông Thống chê trình độ giáo viên phổ thông kém, cần tập huấn, bồi dưỡng đủ loại chương trình, từ các loại chứng chỉ lặt vặt đến học modul, nhưng sự thực lịch sử đã chứng minh mỗi giáo viên đã là một Khổng Minh tái thế. Mỗi giáo viên tự làm thuyền cỏ bơi giữa sương mù để mượn tên quân Tào, người hùng Đỗ Việt Khoa có mắt thánh cũng không thể nhận ra. Kết quả là cuộc thi lần hai, hơn 40% học sinh đã vượt vũ môn một cách dễ dàng. Vậy là tổng cộng hai cuộc thi, gần 100% học sinh đã đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông một cách mỹ mãn. Nếu mỗi giáo viên là một Khổng Minh thì mỗi học sinh cũng là một Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long… Tất cả đều tiến lên toàn thắng ắt về ta!

Nhân tài thật là đấy chứ đâu?

Với bài học lịch sử ấy, ai không tin chứ tôi thì tin sâu sắc rằng chiến dịch “Học thật, Thi thật, Nhân tài thật” hiện nay sẽ thực hiện thành công vang dội hơn xưa!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét