Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

20210527. BÀN LUẬN CHUYỆN TỪ THIỆN CỦA NGHỆ SĨ HOÀI LINH

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

NIỀM TIN BỊ GIẾT CHẾT

VÕ ĐẮC DANH/ TD 25-5-2021


Hoài Linh khiến người hâm mộ thất vọng sau một loạt scandal.

Năm 1997, cơn bão Linda quét qua các tỉnh ven biển miền tây, hàng ngàn người chết. Có một anh Việt kiều Mỹ liên lạc với tôi nhờ tôi làm cầu nối để anh mang số tiền khá lớn về quê tôi cứu trợ.

Tôi đưa anh tới gặp chị phó chủ tịch tỉnh. Chị nói hiện nay, việc cứu trợ có nhiều vấn đề phức tạp, để việc cứu trợ đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực, uỷ ban tỉnh sẽ đứng ra nhận tiền của các nhà hảo tâm và lập kế hoạch phân phát đến tận tay cho bà con.

Thế nhưng, sau đó tôi phát hiện ra có nhiều doanh nghiệp được cấp vốn thông qua hình thức gọi là hỗ trợ thiệt hại do bão Linda. Tôi thất vọng. Hơn một năm sau, ông chủ tịch mặt trận tỉnh Bạc Liêu bị tù vì tham ô quỹ từ thiện…

Những chuyện tương tự như vậy đã xảy ra nhiều nơi, nhiều năm từ Nam ra Bắc làm cho các nhà hảo tâm mất niềm tin vào các tổ chức xã hội của nhà nước.

Thế rồi những năm gần đây, xã hội xuất hiện nhiều nghệ sĩ đứng ra vận động, quyên góp tiền từ thiện khi đất nước gặp thiên tai, được công chúng ủng hộ, nhiều người quyên góp được những khoản tiền khủng và trong đó nhiều người đã làm rất tốt.

Nhưng bên cạnh đó cũng không ít chuyện lùm xùm, ngay cả nhà nước cũng không khỏi lúng túng trong việc xây dựng một hành lang pháp lý để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả cho việc vận động quyên góp từ thiện một cách tự phát và tuỳ tiện nầy.

Hôm nay, câu chuyện Hoài Linh đã xảy ra, dù anh ta có giải thích, có biện minh, có xin lỗi vạn lần đi nữa thì cũng không ai chấp nhận việc quyên góp một số tiền lớn như vậy mà đến nay, tức sáu tháng sau thiên tai số tiền ấy vẫn còn nằm im trong tài khoản. Chẳng khác nào một trận hỏa hoạn xảy ra mà sáu tháng sau xe chữa cháy chưa tới hiện trường. Tất nhiên, nhà chức trách sẽ làm rõ vụ việc nầy.

Tất nhiên đây là cái giá mà Hoài Linh phải trả, rất đắt. Nhưng vấn đề còn lại là anh ta đã giết chết niềm tin cuối cùng trong lòng hảo tâm của cộng đồng. Liệu người ta còn tin tưởng giới nghệ sĩ để tiếp tục quyên góp, chia sẻ với đồng bào đồng loại nữa chăng khi thiên tai xảy ra?

Võ Đắc Danh

HOÀI LINH, VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI LÀ TIỀN !

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 25-5-2021

Thứ nhất, cần phải ghi nhận rằng thiện nguyện không phải là một chuyện dễ dàng, nhất là ở xã hội đầy thị phi của chúng ta. Nên người đứng ra kêu gọi, không những có tâm phúc mà còn có lòng can đảm.

Thứ hai, cần minh định rằng trục lợi từ thiện là có và có nhiều. Nhưng trong trường hợp anh Hoài Linh, niềm tin cá nhân của tôi nói rằng anh không trục lợi. Không phải vì nhận thức “30 năm” hư danh như anh nói, cũng không phải vì 13 tỷ là số tiền rất nhỏ so với cơ nghiệp của anh. Tôi chỉ tin như vậy, và niềm tin là hoàn toàn tự do!

Vì sao Hoài Linh bị phẫn nộ? Vì anh quan cách!

Anh không nhận thức được mình là một chiếc cầu nối niềm tin của xã hội dân sự. Không phải tiền, thứ người dân đặt vào anh là niềm tin. Kể cả đồng bào hải ngoại hay người nghèo chuyển 5 nghìn, 10 nghìn. Niềm tin đó vượt lên trên sự ái mộ thông thường, họ tin vào nhân cách.

Nhưng anh Linh đã tự xô đổ niềm tin đó bằng cách chậm giải ngân. Có nghĩa rằng anh còn quan cách hơn cả hệ thống hành chính. Anh mang một tư duy gom tiền về để đó rồi tính sau. Có thể anh nghĩ rằng vì anh là Hoài Linh!

Hoài Linh uy quyền trong giới nghệ sĩ thì khỏi phải bàn cãi. Nhìn cách nghệ sĩ lục tục tìm đến tư gia anh mỗi lần “giỗ tổ” là hiểu. Nhưng anh chỉ có thể quan cách trong giới nghệ sĩ. Còn bước ra địa hạt đời sống, trong tư cách của một người làm việc thiện, anh thậm chí phải đặt mình thấp hơn người được anh giúp đỡ, đặc biệt là khi giúp đỡ bằng tiền của người khác.

Hành thiện không phải là ngồi trên salon làm chủ trương như cách anh làm. Hành thiện là dấn thân và thấu cảm. Nên hình ảnh Thuỷ Tiên không phấn son lội nước, không chỉ mang lại tiền cho người khổ hạnh mà còn cả hơi ấm lòng nhân.

Anh Linh không những không lội xuống cùng dân mà anh còn bỏ rơi người dân để đồng hành với chương trình từ thiện của Vina Acecook. Đây chính là điều đáng lên án nhất. Bởi vì anh đã nhất bên trọng nhất bên khinh, bỏ lững người dân để ưu tiên cho thương hiệu, chứ không phải do dịch Covid như anh nói.

Hoài Linh lại phạm thêm một sai lầm lớn khi xin giấy xác nhận của mặt trận tổ quốc ở Quảng Nam về việc không thể đến từ thiện do covid. Nó giống như đổ dầu vào lửa. Vì anh đang dùng tư duy của một ông quan hành chính để sửa sai, một thứ cung cách mà người dân ngán đến tận óc!

Anh Linh nên điềm tĩnh lại và hiểu rằng, khi chúng ta có lỗi, chúng ta phải chấp nhận sự phán xét. Chấp nhận phán xét chính là tâm thế mưu cầu sự vị tha. Trong số những luồng phán xét, vẫn còn có những người tin rằng anh không có suy nghĩ biển thủ tiền bạc.

Anh nên chậm lại và chân thành xin ý kiến của cộng đồng về khoản tiền đã huy động, nhất là từ những người trao gửi đến anh. Nó sẽ thành tâm hơn là những động thái truyền thông khác.

Anh càng bớt nói, dư luận càng bớt cuồng nộ. Và như thế, niềm tin về những “cây cầu thiện nghiệp” sẽ không bị vụ việc của anh làm sứt mẻ đi. Và dòng chảy của niềm tin dân sự sẽ không bị đứt gãy!

Nguyễn Tiến Tường

NGHĨ VỀ TỪ THIỆN

THÁI HẠO/ TD 24-5-2021

Hành thiện là điều tốt lành, điều ấy khỏi bàn, nhưng cái chúng ta cần bàn ở đây là phương cách và cứu cánh. Sự kiện Hoài Linh hay những cá nhân khác từng có những lùm xùm tương tự cho ta thấy mấy điểm:

1. Người dân mất niềm tin vào các tổ chức của nhà nước. Khi đó, họ chỉ còn biết gửi cho những người của công chúng để mong chia sẻ với đồng bào mình. Khi người dân cư xử như vậy thì chính nhà nước phải đặt câu hỏi nghiêm túc về chính mình, rằng mình đang như thế nào trong lòng nhân dân? Và phải “tu chính” để lấy lại niềm tin ấy chứ không chỉ dùng các loại diễn ngôn nặng tính rao giảng và thuyết lý đạo đức để lên lớp, càng không thể “mở cờ trong bụng” khi thấy những bê bối. Ở đây, nhà nước phải nhận trách nhiệm chính về mình khi vừa để mất niềm tin, vừa không xây dựng được những quy tắc khoa học cho một xã hội vận hành trong hanh thông.
2. Khi chúng ta giao phó của cải hay quyền lực vào tay người khác mà không có một cơ chế quản lý minh bạch thì tất yếu sinh ra tha hoá. Văn minh phương Tây chính là ở cái cơ chế này. Các quy tắc ứng xử được luật hoá chính là khuôn thước để giữ con người trong điều thiện và ngăn ngừa khỏi cái ác. Việc trông chờ vào lòng tốt của cá nhân là một may rủi. Hành xử theo cảm tính dễ để lại những thất vọng và đồng thời làm hư hỏng người được tin tưởng. Các xã hội độc tài thường được hình thành và nuôi dưỡng bằng một sự thần tượng như thế.
3. Từ thiện, gọi là “điều thiện lớn” luôn phải tính đến việc triệt tiêu những nguyên nhân gây ra bất hạnh, đó mới chính cái thiện giàu phẩm chất trí tuệ. Chống thiên tai hay chống kẻ gây ra thiên tai, chống đói nghèo hay chống kẻ gây ra đói nghèo, góp 1 đồng hay góp một tiếng đanh thép…? Những nỗi khổ của dân chúng bị gây ra bởi thiên nhiên thì ít mà bởi một chính phủ yếu kém hoặc hư hỏng thì nhiều, phải chung tay làm ra một cái chính phủ tốt nhất để diệt đi những tác nhân tai ách này.

Nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng lớn đến công chúng, việc họ bỏ ra một tỉ đồng sẽ không có giá trị bằng việc họ mở miệng nói một câu phê phán chính phủ. Tuy nghiên, văn nghệ sĩ VN hoặc né tránh, hoặc mù điếc nên cứ lăng xăng mãi với những “điều thiện nhỏ”. Đó là cái tệ hại của giới nghệ sĩ ở đất nước nhiều bất công này.

______

Mời đọc thêm: Hoài Linh lên tiếng khi bị tố chưa chuyển 14 tỷ đồng từ thiện (VNN). – Hoài Linh thông tin việc giữ hơn 14 tỉ đồng chưa làm từ thiện: Dư luận không đồng tình (TT). – Dân mạng tranh cãi phát ngôn của Hoài Linh liên quan đến tiền từ thiện miền Trung (TN).

Thái Hạo

CÁCH HOÀI LINH LÝ GIẢI VIỆC 'NGÂM' HƠN 13 TỶ ĐỒNG TIỀN TỪ THIỆN RẤT NGÔ NGHÊ VÀ KHÔI HÀI !

YẾN LINH/ DV 25-5-2021


"Lũ đi nửa năm trời rồi, sau lũ bà con màn trời chiếu đất, không có kế sinh nhai. Vậy mà số tiền tương đương hơn nửa triệu đô la người dân ủng hộ bà con lại nằm bất động trong tài khoản của một danh hài. Quả là chuyện khôi hài của diễn viên hài này", chuyên gia Lê Ngọc Sơn chia sẻ với Dân Việt.

Mới đây, vụ việc danh hài Hoài Linh chưa trao khoản tiền 14 tỷ ủng hộ miền Trung sau 6 tháng trận lũ lịch sử diễn ra gây xôn xao dư luận. Lời giải thích của danh hài vào ngày 24/5 càng đặt ra cho công chúng những câu hỏi lớn.

PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Truyền thông và Xử lý Khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions – BCS) về sự việc này.

Chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn

Là một chuyên gia xử lý khủng hoảng tham gia xử lý nhiều vụ khủng hoảng lớn ở trong và ngoài nước, anh nghĩ sao về vụ việc nghệ sỹ Hoài Linh chậm trễ trong việc xử lý hơn 13 tỷ từ thiện cho miền Trung đang gây xôn xao trong dư luận?

- Thực ra, vụ việc lùm xùm về tiền từ thiện này chỉ là một "mắt xích" nhỏ của một cuộc khủng hoảng lớn hơn mà Hoài Linh đang dính phải: Cuộc khủng hoảng có liên quan đến "lương y bịp" Võ Hoàng Yên. Phải đặt đúng câu chuyện để hình dung ra bản chất và mức độ trầm trọng của "vấn đề Hoài Linh" để phân tích.

Dư luận đặt ra hàng tá câu hỏi cả tháng trời nay nhưng mọi thứ rơi vào im lặng vì Hoài Linh không chịu xuất hiện dù áp lực rất lớn của đám đông.

Do đó, câu chuyện hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện vẫn chưa gửi về miền Trung sau hơn nửa năm bão lũ, về bản chất, chỉ là một sự thất bại trong "chiến lược im lặng" của Hoài Linh trong các vụ lùm xùm có thể lớn hơn của anh ấy.  

Trước sự bất bình của công chúng, ngày 25/5 nghệ sỹ Hoài Linh đã có trần tình với về sự việc, thế nhưng, lời giải thích của danh hài này dường như còn khiến công chúng bức xúc hơn?

- Tôi nhìn nhận vụ lùm xùm khoản từ thiện hơn 13 tỷ đồng này là một cơn bão phía ngoài "cái cốc tưởng tượng" của diễn viên hài này. Có thể, trước đó anh chọn chiến lược im lặng để đối phó với cơn bão dư luận đòi hỏi minh bạch chuyện liên quan đến Võ Hoàng Yên, chuyện hầu đồng hầu bóng và xem chuyện này như là cơn bão trong chiếc cốc" mà Võ Hoài Linh có thể nắm trong tay. Nhưng khi xuất hiện câu chuyện hơn 13 tỷ đồng tiền người hâm mộ ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung, có lẽ Võ Hoài Linh hết ngộ nhận về sự "thành công" của "chiến lược im lặng" của mình.

Lý giải của anh về chuyện do dịch bệnh nên không đi miền Trung làm từ thiện như đã hứa là một lý do không đủ thuyết phục và ngô nghê. Bằng chứng là một nữ ca sĩ vẫn ngược xuôi vô số chuyến từ thiện và xây hàng chục căn nhà chống lũ cho bà con các tỉnh bị ảnh hưởng, cô ấy có biện lý do bệnh dịch để thoái thác việc không đi đâu. Bằng chứng là theo các bức ảnh được công bố, Hoài Linh vẫn tham gia các hoạt động được cho là từ thiện của các nhãn hàng.

Tôi nghĩ, với tư cách là một "thần tượng giải trí", Hoài Linh cần có trách nhiệm giải trình nghiêm túc hơn về câu chuyện này và những râm ran lâu nay trong làng giải trí. Xa hơn, cần giải trình về những câu hỏi sâu xa hơn của dư luận: Liệu anh có mục đích trục lợi bằng việc phát tán sự mê tín dị đoan khi xây dựng cái gọi là "nhà thờ tổ"?  Động cơ nào khiến Hoài Linh "găm" số tiền hơn 13 tỷ đồng trong 180 ngày liền mà không chịu đi trao cho người dân miền Trung?

Đó mới là cách ứng xử sòng phẳng với những người hâm mộ của mình!

Theo anh, tại sao công chúng lại phẫn nộ đến vậy trước sự việc này?

- Có lẽ dư luận bức xúc vì sự cộng gộp các điều đã nói ở trên. Dân ta có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Lũ đi nửa năm trời rồi, sau lũ bà con màn trời chiếu đất, không có kế sinh nhai. Vậy mà số tiền tương đương hơn nửa triệu đô la người dân ủng hộ bà con lại nằm bất động trong tài khoản của một danh hài. Giờ sau hơn nửa năm vẫn chưa đến tay người dân, thì quả là chuyện khôi hài của diễn viên hài này.

Nghệ sĩ chân chính là người đánh thức sự u mê của đám đông, thay vì ru ngủ quần chúng trong những sự múa may dụ mị của trò mua thần bán thánh. Mà một nghệ sĩ thành danh từ hải ngoại như Hoài Linh về quê hương lập nghiệp, càng cần phải thấy sứ mệnh đó của mình. 

Nếu công chúng không cảm thấy thoả đáng với cách hành xử của nghệ sỹ Hoài Linh, sự nghiệp và hình ảnh của nghệ sỹ Hoài Linh sẽ đi theo hướng nào, theo dự đoán của anh?

- Tôi nghĩ Hoài Linh là một diễn viên hài tài năng. Nhưng có lẽ anh chỉ nên dừng lại ở việc diễn hài trên sân khấu. Anh ấy tham gia làm đồng cốt thì chỉ làm tha hoá văn hoá tín ngưỡng Việt. Còn nguy hiểm hơn, nếu anh ấy định tham gia "chữa bệnh, cứu người" (như một số video lan tràn trên mạng) thì quả là một đại hoạ cho chúng sinh.

Trong tất cả các diễn viên hài của làng cười Việt, tôi từng thích nhất tài diễn của Hoài Linh. Hầu như không có vở diễn nào của anh mà tôi không xem. Nhưng 3-4 năm gần đây, tôi thấy các vai anh diễn nhạt dần, đuối dần. Ngó những vụ lùm xùm gần đây của anh, tôi đã tự tìm được vài cách giải thích cho chính mình.

Theo anh, nghệ sỹ Hoài Linh nên xử lý khủng hoảng này như thế nào?

- Trước hết phải thật tâm muốn giải quyết vấn đề. Hoài Linh là một người nổi tiếng và được nhiều người gửi niềm tin (bằng chứng là họ gửi tiền vào ủng hộ). Và vì thế, trách nhiệm giải trình trước công chúng là việc phải làm.

Về mặt chuyên môn quản trị khủng hoảng mà nói, anh ấy cần một đội ngũ chuyên nghiệp và có tâm để giúp đỡ. Giúp đỡ để việc giải trình của anh ấy đến với công chúng được rõ ràng hơn, việc nghĩa vẫn được tiếp tục thực hiện và hình ảnh Hoài Linh đỡ tệ hơn bởi hệ luỵ chuyện này, chứ không phải giúp đỡ để giấu diếm hay làm việc sai trái.

Và thực sự, xin nói thẳng, Hoài Linh cần một lối thoát trong danh dự. Rõ ràng, diễn viên hài này bị cuống trong các cách xử lý vấn đề trong những ngày gần đây, đặc biệt khi có các diễn biến mới: chẳng hạn từ việc người ta đặt ra câu chuyện số tiền hơn 13 tỷ chưa được anh trao, rồi đến cái chứng từ giả lan truyền trên mạng,.v.v…

Và quan trọng hơn, anh ấy cần dự liệu cho những diễn biến bất ngờ khác, nếu xuất hiện các thông tin thêm nào đó về những "hoạt động ngoài sân khấu hài". Tốt nhất, anh ấy vẫn nên chủ động làm rõ mối quan hệ với Võ Hoàng Yên, thay vì bị động như hiện tại.

Theo anh các nghệ sỹ làm từ thiện nên làm việc này như thế nào để tránh những sự việc như thế này?

- Cách làm của vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh là đáng để tham khảo, mọi thứ cố gắng rõ ràng nhất có thể. Thuỷ Tiên đến các nơi bị ảnh hưởng để trao cho bà con và công khai minh bạch sau khi đến mỗi nơi.

Khi bão lũ miền Trung năm ngoái xảy ra, chúng tôi đang ở CHLB Đức nhưng cũng tham gia kêu gọi đóng góp ủng hộ khúc ruột miền Trung. Có thể số tiền kêu gọi được dịp đó không lớn, nhưng cách làm của chúng tôi là rất minh bạch: Bản chất của hoạt động từ thiện là một việc uỷ thác niền tin lẫn nhau. Vì không về được tận nơi để trao cho bà con, thì sẽ tìm một nhà hoạt động từ thiện lâu năm, có uy tín để uỷ thác.

Đến thời điểm kết thúc đợt kêu gọi, chúng tôi thông báo không tiếp tục nhận, rồi tính toán và chuyển khoản ngay cho nhà hoạt động được uỷ thác với đề nghị thực hiện đúng tinh thần của lời kêu gọi ban đầu của chúng tôi: mua sách vở cho học sinh, cây – con giống cho bà con sau lũ. Sau đó, chúng tôi chụp màn hình chuyển khoản và công bố tới những người ủng hộ. Mọi thứ rất nhanh, gọn, và hiệu quả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

TIN LIÊN QUAN:

ĐÃ ĐẾN LÚC QUẢN LÝ TỪ THIỆN

CHU MỘNG LONG/ TD 25-5-2021

LGT: Vụ danh hài Hoài Linh tiết lộ, ông còn giữ hơn 14 tỉ đồng gần 6 tháng qua, số tiền của người dân đóng góp để hỗ trợ bà con miền Trung bị lũ lụt, đã gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng mạng. Một số người nêu ý kiến, cần quản lý các nhóm từ thiện, trong đó có tác giả Chu Mộng Long.

Đồng ý với tác giả, cần quản lý các tổ chức từ thiện ở Viêt Nam. Có thể quản lý tương tự như các tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) ở Mỹ, có tư cách pháp nhân để thu tiền từ thiện sau khi đăng ký với sở thuế, cuối năm khai thuế. Và nhất là những người đóng góp cho các tổ chức từ thiện này, được miễn trừ thuế đối với toàn bộ số tiền họ cho các quỹ từ thiện, điều này sẽ khuyến khích nhiều người bỏ tiền ra giúp đỡ những người khác, thông qua các hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, không đồng ý với tác giả câu này: “Chẳng hạn, gặp một trường hợp người bệnh không đủ tiền chi trả viện phí, nhà nước có quyền chỉ định bất cứ tổ chức từ thiện nào phải chi trả và tổ chức ấy không có quyền từ chối“. Từ thiện là tùy vào lòng hảo tâm của người cho, không nên có bất kỳ sự bắt buộc nào. Bệnh nhân nghèo không đủ tiền chi trả viện phí, họ cần được sự trợ giúp của chính phủ, thay vì bắt buộc các quỹ từ thiện chi trả. Ở Mỹ có chương trình Medicaid của chính phủ, giúp chi trả chi phí y tế cho những người có thu nhập thấp.

Sau đây là bài viết của ông Chu Mộng Long:

***

Ở đất nước này, hễ có thiên tai là ầm ĩ từ thiện. Sự ầm ĩ này có cả hai mặt: tán dương và chỉ trích. Mới ngày nào tán dương nhiệt liệt, lập tức sau đó lại chỉ trích cực lực.

Trước đây, việc từ thiện là của tổ chức nhà nước. Từ khi mắc tai tiếng động trời về việc không ít địa phương tự ban phát từ thiện cho người nhà, dòng họ mình, dân mất lòng tin thì các tổ chức, cá nhân làm từ thiện phi chính phủ mọc ra như nấm. Nhà văn, ca sỹ, diễn viên, MC… chỉ chờ có thiên tai là kêu gọi ủng hộ từ thiện.

Và nhà nhà, người người thi nhau đóng tiền vào các tài khoản của tổ chức, cá nhân đó để thể hiện lòng tốt. Tuỳ theo tên tuổi của cá nhân, tổ chức đó mà số tiền tập trung nhiều hay ít. Có tổ chức, cá nhân quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, đến mức tổ chức nhà nước cũng không sánh được!

Công việc từ thiện sôi động như ngày hội giữa đau thương. Đến mức, năm rồi chỉ một địa phương nhà cửa đang ngập trong lũ mà có hàng trăm ca nô đua nhau ầm ĩ hơn cả bão ập đến, gây nguy cơ sập nhà như VTV đã phản ánh.

Tôi không chỉ trích những tổ chức, cá nhân đã quyên góp và làm tốt nhiệm vụ mà những người đóng góp đã gửi gắm. Nhưng tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ như hiện nay là đáng quan ngại.

Hô hào ầm ĩ làm từ thiện rồi hô hào cùng nhau ném đá khi hoạt động từ thiện có vấn đề thì đã là điều quan ngại thứ nhất. Lòng tốt của con người đang ở bờ vực mong manh của sự khủng hoảng và sụp đổ.

Hoạt động từ thiện mà làm phong trào thì chỉ có thể hình thành nên những cơn bão nhân tai: đố kỵ, nghi kỵ, lạm dụng và kể cả gây ra sự bất công. Các tổ chức, cá nhân làm từ thiện không đố kỵ vì ta gom ít, kẻ kia gom nhiều đã là còn may. Dân quyên góp tiền mà thấy không hiệu quả, họ không chửi bới mới là chuyện lạ.

Và không thể quản nổi nếu có một tổ chức, cá nhân nào đó lạm dụng lòng tốt để mưu lợi cá nhân. Rồi, để được nổi danh, các cá nhân, tổ chức đổ xô vào nơi ầm ĩ nhất, hiển nhiên dân ở nơi đó hưởng lợi cao nhất, trong khi dân nơi khác cũng hoạn nạn tương tự thì chịu thiệt thòi. Có bất công không?

Trong khi ở điều kiện bình thường của cuộc sống, bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn: dân nghèo vô gia cư sống chui rúc gầm cầu, người già neo đơn phải dãi gió dầm sương kiếm cái ăn, trẻ em mồ côi, người bệnh không tiền chữa trị thì chẳng biết dựa vào đâu và chẳng ai đoái hoài. Ít thấy cá nhân, tổ chức nào có tên tuổi làm việc từ thiện thường xuyên cho những đối tượng này.

Theo tôi, qua những sự vụ vừa rồi, nhà nước cần đứng ra quy hoạch lại hoạt động từ thiện. Đây là lúc chín muồi phải làm điều đó. Bên cạnh việc duy trì các tổ chức từ thiện của chính phủ là chấp nhận hoạt động từ thiện phi chính phủ nhưng bắt buộc phải đăng ký tư cách pháp nhân. Nhà nước phải quản lý tất cá các tài khoản từ thiện và điều phối hợp lý trong từng hoàn cảnh, tình huống. Nghiêm cấm các hoạt động tự phát, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, dù nhẹ nhất là đánh bóng tên tuổi cá nhân.

Quản lý bằng cách nào? Các nước văn minh quản lý rất đơn giản. Bắt đầu quản từ gốc của quỹ từ thiện được đăng ký tư cách pháp nhân. Quỹ từ thiện có hai loại: quyên góp nóng khi có sự cố và quyên góp thường xuyên. Tư nhân nắm giữ tiền, nhưng nhà nước phải quản bằng kiểm toán. Trước một sự cố thiên tai, địch hoạ, nhà nước điều phối các cá nhân, tổ chức đó phải chi khắc phục sự cố theo thiệt hại của từng vùng. Không nhất thiết phải chi tất cả số tiền thu được mà điều chuyển sang quỹ thường xuyên.

Quỹ thường xuyên sẽ chi cho hoạt động từ thiện thường xuyên: giúp đỡ cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng vô gia cư, người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân, nạn nhân ngặt nghèo. Chẳng hạn, gặp một trường hợp người bệnh không đủ tiền chi trả viện phí, nhà nước có quyền chỉ định bất cứ tổ chức từ thiện nào phải chi trả và tổ chức ấy không có quyền từ chối. Nhà nước có thể thu hồi bất cứ tài khoản nào nếu xét thấy có sự vi phạm.

Tất nhiên, đến lúc Quốc hội cũng phải ra Luật Từ thiện làm căn cứ pháp lý để xử lý.

Không làm được điều tôi kiến nghị, hoạt động từ thiện ở ta còn hỗn loạn và đẻ ra nhiều hệ luỵ rắc rối khác chứ không chỉ là chuyện chửi bới, mạt sát nhau. Lòng tốt là thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng lòng tốt cũng chẳng khác cái vỏ trứng mong manh rất dễ vỡ.

Làm từ thiện cá nhân là lòng tốt nhỏ. Nhà nước giỏi quản lý một cách văn minh thì lòng tốt nhỏ sẽ thành lòng tốt lớn. Lòng tốt ấy không đơn giản khắc phục sự cố hay giúp đỡ nạn nhân lúc ngặt nghèo mà sẽ thành một chiến lược cân bằng và phát triển xã hội.

Chu Mộng Long

QUANH VỤ DANH HÀ HOÀI LINH 'ÔM' 14 TỶ TIỀN ỦNG HỘ BÀ CON MIỀN TRUNG

BBC 25-5-2021

Diễn viên hài nổi tiếng Hoài Linh đang vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận sau khi lộ tin giữ số tiền người hâm mộ gửi ủng hộ bà con miền Trung trị giá hơn 14 tỷ đồng suốt sáu tháng qua.

Lý do được Hoài Linh đưa ra là định đi trao trước Tết 2021 nhưng 'dịch bùng' nên phải hoãn. Sau đó định đi từ 10-17/5 nhưng lại 'dịch bùng', nên phải hoãn tiếp.

"Tôi là người của công chúng, cần phải làm gương, không thể tập trung đông người… Mọi người hãy tin vào sự minh bạch của tôi.''

"Tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này và có các chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện của tôi đến trao.''

"Bởi lẽ, khi tiến hành đi trao số tiền này, tôi đều phải thông qua chính quyền địa phương và có sự xác nhận của địa phương khi tiếp nhận số tiền giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sau thiên tai…", Hoài Linh nói trong clip gửi một số cơ quan truyền thông Việt Nam.

Tuy nhiên Hoài Linh không nói vì sao lại không đề cập đến việc này suốt sáu tháng qua.

Giải thích của danh hài dường như không thuyết phục được người hâm mộ. Nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu là chỉ trích, đã bùng lên trên các diễn dàn mạng xã hội.

MẠNG XÃ HỘI NÓI GÌ ?

Trên Facebook của Hoài Linh, thời điểm 11/11/2020, ông đăng thông tin nhận được hơn 13 tỷ đồng và 'chốt' không nhận quyên góp nữa để 'hướng về miền Trung'. (Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn lời Hoài Linh rằng con số thực là hơn 14 tỷ đồng).


Dưới bài đăng này là rất nhiều bình luận khen ngợi từ người hâm mộ.

Tài khoản tên Mua Thu Trai Tim viết: "Cảm ơn chú đã hướng về Miền trung ruột thịt. Và cả nước ta đặt niềm tin vào chú rất lớn. Chúc chú manh khỏe gặp nhiều may mắn, luôn luôn thành công trong sự nghiệp của mình. Người có trái tim thánh thiện của cả nhân loại!"

Nhưng mới đây đã thêm các bình luận trái chiều:

Tài khoản Duyên Duyên đáp lại Mùa Thu Trái Tim: "Rồi đến bây giờ người dân miền Trung đã có ai nhận được đồng nào chưa?"

Tài khoản Gia Gia: "Trái tim thì ai cũng có nhưng có một sự thật nghiệt ngã là đứng trước lợi ích tuyệt đối như vậy thì đố thằng nào không động tâm đấy. Nếu cho tôi một tỉ để bán danh dự thì chắc chắn tôi không bán đâu nhưng mà 14 tỉ là tôi bán luôn ấy... Hay là đợi đến mùa lũ năm nay phát một thể (Tiền lãi của 14 tỉ đó đến nay cũng không hề nhỏ đâu)."

Đặng Trọng Tình: "Chung tay góp khi đồng bao nguy cấp, cần thiết ngay lúc đấy để khắc phục khó khăn... Nếu bận không kham được thì đừng lên tiếng quyên góp.. Ăn rồi thì mới im như thóc thế."

Cũng có vài tiếng nói lẻ loi ủng hộ, như của bạn Lyl Tây:

"Chưa công khai là chưa sử dụng. Có thể vì công việc bận chứ muốn ăn chặn thì đã sao kê abc để lừa mấy đứa bây rồi. Sao cứ thấy sồn sồn vậy sau này ai dám đứng ra gọi từ thiện… Để dư luận dịu xuống rồi sẽ có câu trả lời thôi. Bây giờ lên tiếng cũng có ai lọt lỗ tai đâu."

"Sau đợt gọi ủng hộ miền Trung xong là một loạt biến cố xảy ra. Người thân mất rồi đến anh em chí cốt là chú Chí Tài mất. Công việc kinh doanh trầm hương, v.v.. Nói chung là giờ cứ chờ câu trả lời chứ đoán mò cũng không ích lợi gì. Ai tin thì tin. Ai ủng hộ thì ủng hộ. Mình vẫn giữ quan điểm tin. Vậy thôi."


Các gia đình chịu thiệt hại sau mưa lũ ở miền Trung Việt Nam


Sau cơn lũ

Nhưng ý kiến của Lyl Tâyngay lập tức bị làn sóng phản đối nhấn chìm:

Lucas Tran đáp: "Lyl Tây, bạn nói chán thật... thế Thuỷ Tiên không bận gia đình, bận chồng con, bận ca hát mà người ta còn lội nước tới tận nơi trao tiền cho bà con. Lúc đó nhà cửa mất, hoa màu vật nuôi chết mới cần tiền để tái thiết cuộc sống. Giờ miền Trung nóng đến 40C đã được nhận một đồng nào của Hoài Linh chưa?

Nhật Huy"Chắc chú mua đất hết rồi. Sáu tháng trôi qua nay đọc báo mới nhớ, chú thiệt tài tình, thiệt biết cách làm giàu đúng lúc."

Facebook Hoàng Hải Vân: "Cứu trợ khẩn cấp, nhưng ảnh nhận tiền nửa năm mà không mang đi phân phối. Ảnh không hề nghĩ người đói có chờ đến nửa năm mới được ăn không? Người màn trời chiếu đất có chờ được đến nửa năm mới có chỗ ở không? Người không có sinh kế có chờ đến nửa năm mới đươc sinh sống không? Người bệnh tật có chờ đến nửa năm mới được chữa bệnh không?"

Nhiều người so sánh Hoài Linh với ca sỹ Thủy Tiên. Cũng 'dịch bùng' nhưng Thủy Tiên đã kịp cho xây gần xong 10 nhà chống lũ cho bà con ở Hà Tĩnh và mới đây đã công khai hình ảnh trên Facebook cá nhân.

Một số nghệ sỹ kêu gọi dù khó thông cảm nhưng đừng 'vùi dập' Hoài Linh.


Ca sỹ Thủy Tiên thông báo đã cho xây gần xong 10 nhà chống lũ ở Hà Tĩnh

KHÍA CẠNH PHÁP LÝ

Vậy danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật hay không? Và cần phải làm gì để chấn chỉnh những sự việc tương tự trong tương lai cũng là vấn đề dư luận đang quan tâm.

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nói với báo Tuổi Trẻ rằng "việc này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động cứu trợ".

Ông Đồng nói hiện có Luật dân sự và hai nghị định 64 (2008) và 93 (2019) liên quan đến công tác quyên góp cứu trợ, và hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện, nhưng không được thiết kế để khuyến khích các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp.

Do đó, điều cần thiết là xây dựng một bộ luận để bảo vệ vệ lợi ích của người đóng góp, cũng là giúp bảo vệ uy tín cho nghệ sĩ làm từ thiện.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng NHQuang & Cộng sự) nói với Tuổi Trẻ rằng hiện nay chưa có pháp luật hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu này. Các văn bản liên quan như nghị định 64 (2008) và 93 (2019) thì không tương thích, không đầy đủ.

Nghị định 64 cấm cá nhân không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ... Thế nhưng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ để hỗ trợ đồng bào phải chịu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt một cách tự nguyện mà không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Luật sư Lập cho rằng nên cho phép cá nhân làm từ thiện nhưng cần đưa ra cách thức, tiêu chuẩn hoạt động, và có cơ chế giám sát.

CÁ NHÂN VẬN ĐỘNG TÀI TRỢ SẼ PHẢI THÔNG BÁO VỚI CHÍNH QUYỀN


Theo Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 6, theo Tuổi Trẻ.

Theo dự thảo, cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền nơi mình cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động.

Còn khi đi làm từ thiện thì cá nhân phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương - nơi tiếp nhận hỗ trợ - để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Cá nhân này còn phải có trách nhiệm công khai nguồn đóng góp tự nguyện như qua Facebook, email... cho người tài trợ, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.

Cá nhân đứng ra vận động cũng sẽ phải cam kết với nhà tài trợ về thời gian triển khai công tác cứu trợ.

Địa phương tiếp nhận tài trợ cũng phải có quy định thời gian tiếp nhận khoản tài trợ đến khi nào.

CÁC GÓC NHÌN KHÁC NHAU VỀ 'HIỆN TƯỢNG' 
NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 26-5-2021

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, trở thành một ngôi sao được hàng triệu người nói tiếng Việt trên thế giới chú ý. Bà Hằng là vợ ông Huỳnh Uy Dũng, hỗn danh Dũng “lò vôi”, nổi tiếng giàu có.

Bà Hằng dùng các kênh mạng xã hội của mình để bàn chuyện (bình luận) xã hội, chỉ trích, tố cáo các nghệ sĩ có nhiều tai tiếng, trong đó có cả những đối thủ của bà.

Theo con số của BBC Việt ngữ cho biết, clip livestream của bà Hằng thu hút nửa triệu người xem trực tiếp trên YouTube và Facebook. Đây là clip livestream ngày 25/5 của bà Hằng, trên kênh một kênh YouTube của bà:

Căn cứ nội dung các clip bà Hằng livestream của bà Hằng, có thể xếp các chương trình này vào loại báo chí “lá cải”, mà ta thường thấy bán ở các quầy tính tiền trong các siêu thị phương Tây, những chuyện xung quanh “tình, tiền, tù, tội”.

Dĩ nhiên không phải “lá cải” là sai sự thật, nhưng hiểu một cách tương đối thì những sự thật này không có trọng lượng lớn, gây sự chú ý của các kênh truyền thông dòng chính. Ngay trong các kênh truyền thông lớn, thỉnh thoảng ta cũng thấy những mục “xe cán chó, chó cán xe”, thật ra cũng thuộc loại này.

Bài viết trên BBC Việt ngữ trích dẫn một số người am tường trong lĩnh vực truyền thông, để tìm hiểu xem vì sao bà Hằng lại thu hút người Việt đến thế.

Có thể đặt vấn đề khác từ “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, rằng người Việt Nam đang thật sự chú ý đến chuyện gì. Câu trả lời có thể có ngay là, người Việt chú ý đến những chuyện… lá cải! Và không hẳn chỉ người Việt, mà một số người dân khác cũng vậy, nhưng có thể thấy sự khác nhau ở số lượng người quan tâm.

Không có gì sai khi một người đọc một tờ báo lá cải, tìm hiểu chuyện đời tư một ngôi sao nào đó, tài sản của một người nổi tiếng ra sao… Nhưng hàng triệu, hoặc hàng chục triệu người trên một đất nước cứ chăm chú vào những chuyện ấy, rõ ràng là có vấn đề.

Và đây chính là mục đích của các chế độ cầm quyền không chính danh, muốn sự chú ý của dân chúng bị đánh lạc hướng, thay vì quan tâm đến thực tại.

Người cộng sản từng chỉ trích nhà cầm quyền thực dân thời Pháp thuộc, tổ chức những cuộc vui giải trí nhảm nhí, để dân chúng không còn quan tâm đến chuyện giành độc lập nữa. Nay người cộng sản cũng làm như thế, để người dân không chú ý tới những chuyện thiết thực, như vụ Đồng Tâm (tranh chấp đất đai, đàn áp đẫm máu), Hồ Duy Hải (án oan, mà bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân)… Có thể nói, hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam hàng chục năm qua, đã được định hướng như thế, rất đậm tính giải trí.

Tuy nhiên, truyền thông giải trí của nhà nước không vượt qua được những khuôn khổ bó buộc của những từ ngữ tuyên giáo, không sử dụng được những nền tảng truyền thông đại chúng mới của mạng xã hội một cách có hiệu quả. Và do vậy, xuất hiện hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, với ngôn ngữ bình dân, cùng những câu chuyện thật, những vụ bê bối trong xã hội, vô cùng hấp dẫn.

Có thể nhìn hiện tượng Nguyễn Phương Hằng từ hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, bà Hằng bổ sung vào thể loại “lá cải” của truyền thông nhà nước, giúp nhà nước cộng sản đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng ra ngoài những vụ bê bối của “Đảng và Nhà nước”.

Nói như thế không có nghĩa là bà Hằng đang âm mưu với nhà nước cộng sản, mà tôi tin là bà Hằng chỉ làm những điều mà bà thích làm, ngẫu nhiên trùng hợp với tin tức “lá cải” của truyền thông nhà nước.

Và với sự khôn ngoan của một doanh nhân dưới chế độ cộng sản, bà biết lằn ranh mà chế độ ấy đặt ra, nằm ở đâu, để không vượt qua “lằn ranh đỏ”. Bà cứ việc móc mỉa Hoài Linh, cứ thóa mạ Vy Oanh … không sao cả, miễn không đụng tới Tô Lâm hay Nguyễn Phú Trọng là bà an toàn.

Điều thứ hai là, sự chú ý của công chúng với bà Hằng và những câu chuyện của bà, thay vì Ban Tuyên giáo Trung ương và những câu chuyện “chống diễn biến hòa bình” của ban này, có nghĩa là dân chúng chú ý đến những câu chuyện có thật (dù lá cải), chú ý đến đời thường, thay những hoang tưởng mỹ miều mang màu sắc cộng sản ra rả trên các phương tiện truyền thông mấy chục năm nay.

Ở góc nhìn đó, sự xuất hiện của bà Hằng là một điểm tích cực. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vài ngàn người thì không sao, nhưng hàng triệu hay hàng chục triệu người chỉ quan tâm đến chuyện lá cải, bỏ qua những chuyện hệ trọng như: Chuyện nông dân ngày càng cơ cực, dân nghèo sắp chết đói vì đại dịch, biển Đông bị Trung Quốc uy hiếp, chuyện tham nhũng của bộ máy tư bản bồ bịch (crony capitalism) bòn rút công sản,… có thể thấy tương lai của đất nước ra sao!

Có lẽ những người cổ vũ cho dân chủ hóa Việt Nam thoát khỏi chế độ toàn trị, cần quan sát “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, để biết được tâm trí người dân Việt Nam đang ở đâu và vì sao họ quan tâm đến những chuyện như thế, thay vì những chuyện hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ và tương lai của con cháu họ.

Bà Nguyễn Phương Hằng là thước đo cho những người cổ xúy dân chủ Việt Nam nhìn ra mình đã thành công hay thất bại trong việc gieo mầm những tư tưởng cấp tiến và dân chủ cho công chúng Việt Nam.

Cho tới nay, chưa thấy ai nói rằng bà Hằng phao tin vịt, ngoại trừ Sở Thông tin và Truyền thông thành Hồ xử phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng trước, vì bà lỡ vượt lằn ranh, đụng tới chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, dù sao người dân Việt Nam xem bà Hằng nói thao thao bất tuyệt, vẫn tốt hơn so với chuyện ông Trọng mơ màng đến chủ nghĩa xã hội và dĩ nhiên là tốt hơn các YouTuber hải ngoại tung tin vịt, chẳng hạn như về gian lận bầu ở Mỹ, hay chuyện ông Trump trở lại nắm quyền trong vài tháng tới.

VĂN HÓA VÀ TỰ NHIÊN

CHU MỘNG LONG/ TD 26-5-2021

CEO Phương Hằng mấy hôm nay lên sóng mạnh hơn cả sóng truyền hình quảng cáo thuốc lậu từ các thần tượng nghệ sỹ.

Có mấy học trò hỏi: “Hàng chục vạn người theo dõi và ủng hộ CEO Phương Hằng, trong khi cũng có không ít người phê phán CEO Phương Hằng vô văn hoá. Thầy nghĩ thế nào?”

Trả lời công khai ở đây cho mọi người luôn vậy.

Một là tôi khách quan, không theo phe nào. Đó là lý do tôi phải khổ công hiến kế thiện chí cho nhà nước về quản lý hoạt động từ thiện để chống các phong trào từ thiện bầy đàn hoang dã và cắn xé nhau.

Hai là nhân đây cũng nên xác định lại khái niệm văn hoá mà bất cứ ai, từ có học đến vô học đều nhân danh để chỉ trích người khác vô văn hoá. Các sách văn hoá học đưa ra cả trăm định nghĩa khác nhau về văn hoá chính là lý do mọi người bị loạn não, không phân biệt được văn hoá và vô văn hoá, cứ dùng loạn xạ và tự cho văn hoá là những giá trị tốt đẹp.

Sự thật, văn hoá là kiến tạo của xã hội, đối lập với tự nhiên. Xuất phát điểm của văn hoá là cải biến tự nhiên, đưa tình trạng hỗn loạn và thấp hèn của tự nhiên vào trật tự và cao cả. Huyền thoại, tôn giáo, chính trị đóng vai trò tiên phong trong sự kiến tạo ấy thông qua các cấm kỵ. Nhưng cũng chính quá trình kiến tạo đó, văn hoá tồn tại như một hệ thống ảo, hệ thống cái giả thay thế cho cái thật. Hệ thống ấy gọi là các Virtuals, vật thế vì, bao gồm các biểu trưng và ký hiệu. Các biểu trưng, ký hiệu che đậy, nguỵ trang sự thật bị cấm. Con người từ đó xa rời sự thật và sống trong hoang tưởng, kể cả mang bộ mặt đạo đức giả, nhân cách giả.

Ví dụ đơn giản, dễ hiểu thế này. Cái quần ra đời như một kiến tạo văn hoá để che đậy sự thực là những ham muốn tự nhiên của cái trong quần. Điểm xuất phát của cái quần là điều chỉnh cái trong quần vào trật tự, nhưng sau đó, cái quần lại trở thành một giá trị ảo để con người tự hào về sự cao cả. Nhiều người nhầm tưởng sự cao cả ở cái quần, trong khi cái trong quần thì đầy ức chế và muốn giải thoát. Kẻ nào ức chế mà văng tục được thì còn có khả năng trở về tự nhiên, về với sự chân thật. Còn kẻ nào vẫn âm thầm lặng lẽ chịu đựng, nhân danh cái quần để tỏ ra văn hoá thì hiển nhiên bị trượt hay đút đầu vào cái vỏ bọc văn hoá đó mà sống rồi tự hào mình có văn hoá!

CEO Phương Hằng đang bóc cái vỏ văn hoá của các nghệ sỹ. Nói trần trụi ra là đang lột quần các nghệ sỹ. Sự thực, lâu nay, các nghệ sỹ đã chủ động lộ hàng một phần trên sân khấu, CEO Phương Hằng giúp một tay lột truồng ra luôn cho mọi người chiêm ngưỡng. Đã làm thẳng tuột cái điều ấy thì chẳng lẽ Phương Hằng phải thay cái quần này thành cái quần khác để gương mặt nghệ sỹ loè loẹt hơn? Nghệ sỹ và các fan cuồng nghệ sỹ không cảm ơn Phương Hằng, còn nhân danh văn hoá, đạo đức gì nữa?

TÔI KHÔNG PHẢI FAN HOÀI LINH CŨNG CHẲNG QUAN TÂM ĐẾN 'DRAMA' CỦA BÀ PHƯƠNG HẰNG

NHƯ TUYẾT/ VNN 27-5-2021

VNN -Sự tổn thương của đám đông, nỗi thất vọng vì nhập nhằng trắng đen giữa bao thị phi của showbiz Việt thật sự là một ám ảnh không nhỏ cho khán giả giàu tình thương với cộng đồng ở Việt Nam.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tôi vốn không phải fan của anh Hoài Linh, cũng chẳng quan tâm những lời chỉ trích nghệ sĩ đầy “drama” của bà Hằng trên livestream cá nhân. Điều khiến bản thân băn khoăn suốt những ngày qua chỉ loanh quanh một câu hỏi: “Liệu khi bạn mong muốn trao trọn yêu thương cho ai đó, 6 tháng có chăng là quá dài?”.

Hoài Linh là một nghệ sĩ gạo cội. Người hâm mộ yêu quý anh không chỉ vẻ ngoài duyên dáng, lối diễn xuất đa dạng mà còn ngưỡng mộ người nghệ sĩ này bởi lối sống giản dị, chất phác và giàu tình nhân ái. Công chúng lại càng đồng cảm hơn với Hoài Linh khi cố nghệ sĩ Chí Tài - một người bạn diễn tuyệt vời nhất của anh qua đời.

Câu chuyện “Bá Nha - Tử Kỳ” ly biệt khiến bản thân trở thành người phút chốc cô đơn nhất trên sân khấu Việt Nam, bằng một cách kỳ diệu nào đó, khiến hình ảnh Hoài Linh trở nên đầy bi cảm. Anh đã trở thành biểu tượng cho những nghĩa cử cao đẹp, cho một lối sống đơn thuần, giản dị mà đầy yêu thương. 

Tuy nhiên, càng yêu thương càng trân trọng, khán giả càng dễ dàng phẫn nộ khi nhận được thông tin về số tiền từ thiện đã quyên góp nhưng vẫn chưa hề đến tay những người cần nó. Sự tức giận của đám đông, xét cho cùng, xuất phát từ những kỳ vọng không trọn vẹn của công chúng dành cho người nghệ sĩ mà họ hết lòng trân trọng. 

Có lẽ, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam là một trong những đất nước người dân tích cực làm từ thiện nhất trên thế giới. Điều này thật vui mà cũng thật buồn. Ở một đất nước mà ra đường vẫn thấy những cụ già, trẻ con, người khuyết tật ngồi xin ăn, xin tiền bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Ở một đất nước mà những thông tin về dịch bệnh, lũ lụt, thiên tai vẫn thường xuyên diễn ra... bạn sẽ hành động như thế nào?

Tôi không phải fan Hoài Linh cũng chẳng quan tâm 'drama' của bà Phương Hằng
Hoài Linh được ngưỡng mộ bởi lối sống giản dị, chất phác và giàu tình nhân ái.

Dẫu biết quốc gia nào cũng có những câu chuyện của riêng mình nhưng tại Việt Nam điều tử tế nhất người ta có thể dành cho nhau đó là làm từ thiện. Từ những công chức nhà nước, giáo viên, người lao động... cho đến học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp đều sẵn lòng trích một phần nhỏ trong thu nhập của bản thân cho việc thiện nguyện. Vì hơn bất kỳ ai, những nhà hảo tâm với mức thu nhập trung bình ấy mong mỏi một điều lớn lao hơn cho đồng bào mình: sự an vui và hạnh phúc.

Thế nên, khi công chúng đã đặt trọn vẹn niềm hy vọng trên vai một nghệ sĩ, thông qua uy tín và tình thương của họ để truyền gởi thông điệp tốt đẹp ấy đến đồng bào vùng xa đang gặp lũ lụt, họ rất dễ bị thương tổn, thậm chí là kích động. Và càng kích động hơn khi sự việc lan tràn trên mạng, qua drama đầy kịch tính của một người khác, người nghệ sĩ ấy mới bình thản thừa nhận.

Một tháng, hai tháng... thậm chí 6 tháng không hẳn là quá dài với mỗi chúng ta - những người đang sống bình yên mỗi ngày tại nhà. Nhưng nó thật sự là khoảng thời gian quá dài với những người khốn khổ vì lũ lụt, đói ăn thiếu mặc nơi xa xôi kia. Và nó lại càng quá dài với khát vọng yêu thương, sẻ chia cùng những mảnh đời khó khăn, mong mỏi thay đổi cuộc đời bất hạnh của tất cả mạnh thường quân “trái tim lầm chỗ để trên đầu” như một bài báo nào ấy đã từng ví von.

Drama hôm nay rồi sẽ qua đi. Sự việc chắc chắn sẽ đến hồi trắng đen. Tuy nhiên, sự tổn thương của đám đông, nỗi thất vọng vì nhập nhằng trắng đen giữa bao thị phi của showbiz Việt thật sự là một ám ảnh không nhỏ cho khán giả giàu tình thương với cộng đồng ở Việt Nam. Xin được khép lại bài viết bằng một lời an ủi từ ngàn xưa của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu: 

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Những người tốt tại đất nước này, hẳn sẽ nhẹ lòng hơn sau cơn dư chấn này. Và một sớm mai, nếu thấy mủi lòng vì bất cứ người hành khất nào, hãy dành chút tiền mua chút bánh hoặc vài nắm cơm rồi trao tận tay họ, bạn nhé. Cũng bởi lòng tốt là thứ duy nhất không bao giờ có thể trì trệ. 

Bạn đọcNhư Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét