Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

20210505. 'ĐI LẬU' CHUYÊN CƠ BÀ KIM NGÂN TRỐN HÀN QUỐC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

'PHÙ PHÉP' ĐƯA NGƯỜI LÊN CHUYÊN CƠ TRỐN TẠI HÀN QUỐC

NAM TRUNG /GT 23-4-2021

Nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc rồi trốn ở lại.


Đài truyền hình Hàn Quốc MBC đưa tin về việc 9 người Việt Nam bỏ trốn

Vào ngày 6/5 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Đây là vụ án rất hy hữu vì các bị cáo đã “phù phép” để nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc rồi trốn ở lại.

Vì tiền nhắm mắt làm liều

Trong vụ án này, có 3 bị cáo gồm: Lê Thị Liễu (SN 1986, Giám đốc Công ty CP A.), Trịnh Bang Dũng (SN 1968, trú tại khối Trung Hòa 1, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) và Ngô Xuấn Hiếu (SN 1969, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Có 5 bị cáo bị truy tố về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” gồm: Lê Thị Xuân (SN 1978, nguyên là đại diện Văn phòng tư vấn du học Công ty CP Tư vấn du học quốc tế IEC); Nguyễn Thị Lương (SN 1984, trú tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An); Trần Thị Tuyết (SN 1981, nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư); Lương Mạnh Hùng (SN 1982, nguyên Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn giáo dục TD Việt Nam); Trần Phục Hưng (SN 1988, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam).

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2018 đến ngày 7/12/2018, lợi dụng nhu cầu của một số người muốn đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc và chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối đầu tư, kinh doanh với nước ngoài thông qua việc tham gia cùng các đoàn công tác của Đảng và Nhà nước tại nước ngoài, các bị can trong vụ án đã tổ chức, môi giới cho 6 người trốn đi Hàn Quốc để thu lợi bất chính.

Trong đó, Lê Thị Liễu đã tổ chức cho 4 người là Trần Văn Dũng, Ngô Huy Hào, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang trốn đi Hàn Quốc.

Quá trình thực hiện, Liễu tiếp nhận khách do Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương môi giới. Liễu đã mua lại các công ty của người khác và lợi dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen để làm thủ tục đưa khách vào làm lãnh đạo, nhân viên các công ty, chỉ đạo nhân viên hoàn thiện thủ tục hồ sơ để khách tham gia đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc, sau đó trốn ở lại.

Theo đó, đầu năm 2018, Liễu biết Hoàng Anh (đang sinh sống ở Đức) qua mạng xã hội. Hoàng Anh cho biết, ở quê Hoàng Anh (Nghệ An) nhiều người có nhu cầu xuất cảnh đi Hàn Quốc để lao động, kiếm việc làm.

Hoàng Anh nói nếu Liễu có điều kiện thì làm visa cho họ và Liễu đồng ý. Hoàng Anh giới thiệu khách cho Liễu thông qua cậu ruột của Hoàng Anh là Trịnh Bang Dũng. Chi phí làm visa đi Hàn Quốc mỗi người là 10.000 USD.

Sau đó, thông qua Hoàng Anh và Trịnh Bang Dũng, Liễu biết thêm Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương là những người làm dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động.

Quá trình trao đổi, Trịnh Bang Dũng biết Liễu thu giá 10.000 USD/khách làm visa đi Hàn Quốc nên Dũng thỏa thuận với Hiếu, Xuân, Lương thu 11.500 USD/khách; còn Hiếu, Xuân, Lượng tự thỏa thuận thu tiền của khách.

Từ tháng 3 - 6/2018, thông qua Trịnh Bang Dũng, Hiếu, Xuân, Lương, Liễu đã nhận được 4 bộ hồ sơ của người cần xuất cảnh đi Hàn Quốc là Nguyễn Đinh Cơ, Dương Hùng Quang, Trấn Văn Dũng và Ngô Duy Hảo.

Trong đó, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang do Hiếu giới thiệu thông qua Trịnh Bang Dũng và Hiếu thỏa thuận với Cơ chi phí là 13.0000 USD, đặt cọc trước 1.000 USD; chi phí với Quang là 12.000 USD, đặt cọc trước 1.000 USD.

Trần Văn Dũng do Lương giới thiệu thông qua Hiếu với chi phí thỏa thuận là 12.000 USD, đặt cọc 22.755.000 đồng (tương đương 1.000 USD). Còn Ngô Duy Hảo do Xuân giới thiệu với chi phí là 12.500 USD, đặt cọc 1.000 USD.

Sau khi nhận được hồ sơ của 4 khách nêu trên, Liễu đã sử dụng pháp nhân của công ty người quen, đồng thời vào mạng internet tìm mua các công ty bằng hình thức chuyển nhượng. Mục đích để đưa các khách vào đứng tên lãnh đạo, nhân viên công ty, tạo thuận lợi cho khách trong việc xin cấp visa xuất cảnh.

Cụ thể, Liễu đưa Dương Hùng Quang vào làm nhân viên Công ty Hưng Cúc do Lý Thái Hưng làm giám đốc; Ngô Duy Hảo làm nhân viên rồi Phó giám đốc Công ty Freshtech Vina do Lê Ngọc Vỹ là em trai Liễu làm giám đốc. Còn Trần Văn Dũng được Liễu đưa làm Giám đốc Công ty Hà Phát (công ty này do Liễu mua lại của Nguyễn Thị Nga) và Nguyễn Đình Cơ làm Giám đốc Công ty HLA (công ty này Liễu mua lại của Nguyễn Đức Tuấn).

Trốn đi nước ngoài bằng chuyên cơ

Ngày 6/8/2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 25/9 - 2/10/2018.

Sau đó, do lịch thay đổi nên đoàn chỉ thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4/12 - 7/12/2018. Để tổ chức đoàn doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT giao cho Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc thuộc Cục Đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện.

Liên quan đến vụ án này còn có nhiều đối tượng, trong đó có một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Vietravel. Tuy nhiên, theo Viện KSND tối cao, quá trình thực hiện nhiệm vụ Ban tổ chức không biết các bị can cùng những người liên quan trong vụ án đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc.

Ngày 27/8/2018, Bộ KH&ĐT phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại…

Sau khi tiếp nhận thông tin, Liễu đã chỉ đạo nhân viên của mình làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cho Liễu và các khách tham gia đoàn doanh nghiệp theo hướng dẫn của Ban tổ chức.

Theo đó, Liễu tham gia với tư cách là Giám đốc Công ty A.; Hùng Quang là trợ lý kinh doanh của Công ty Hưng Cúc; Ngô Duy Hảo là Phó giám đốc Công ty Freshtech Vina; Trần Văn Dũng là Giám đốc Công ty Hà Phát. Liễu còn giúp Lý Thái Hưng tham gia đoàn doanh nghiệp.

Sau khi được Ban tổ chức phê duyệt hồ sơ, Liễu đã ký hợp đồng dịch vụ với Vietravel và nộp 137.960.000 đồng để thanh toán phí dịch vụ.

Ngày 3/12/2018, sau khi được cấp visa, Liễu thông báo để Dũng, Hiếu, Xuân và Lương thu tiền của khách nộp cho Liễu theo thỏa thuận.

Ngày 4/12/2018, Liễu cùng 4 khách bay đi Hàn Quốc; trong đó Liễu, Hảo, Cơ, Dũng đi chuyên cơ cùng đoàn doanh nghiệp, Hùng Quang đi máy bay thương mại. Trong thời gian ở Hàn Quốc, theo hướng dẫn của Liễu, Hảo, Dũng đã tạo lý do đi gặp đối tác để lấy lại hộ chiếu, tách đoàn và trốn ở lại Hàn Quốc. Sau đó Hảo và Dũng bị cơ quan chức năng của Hàn Quốc phát hiện, trục xuất về nước.

Hùng Quang đi máy bay đến Hàn Quốc và bỏ trốn ở lại. Riêng Nguyễn Đình Cơ, sau khi mượn lại hộ chiếu, Cơ gặp Liễu hỏi ý kiến để tách đoàn bỏ trốn. Do biết Ban tổ chức đã phát hiện có người tách đoàn nên Liễu đã thuyết phục Cơ về cùng đoàn và Cơ đồng ý.

Tương tự, Lê Thị Tuyết tổ chức cho 2 người là Ngô Khánh Hoàng và Phạm Văn Đức trốn đi Hàn Quốc. Quá trình thực hiện, Tuyết đưa Ngô Khánh Hoàng vào làm nhân viên công ty của người thân quen, làm thủ tục hồ sơ để Hoàng tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc, sau đó trốn ở lại.

Ngoài ra, Tuyết còn cấu kết với Lương Mạnh Hùng làm thủ tục cho Phạm Văn Đức vào làm công ty của Hùng và làm hồ sơ để Đức tham gia đoàn doanh nghiệp. Hiện Đức đã về Việt Nam.

Cụ thể, Tuyết là nhân viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo của Bộ KH&ĐT nên biết được việc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc được giao chủ trì thành lập đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Sau đó, Tuyết thông tin cho người quen là Hoàng Thị Thúy Hồng làm ở Công ty TD Việt Nam do Lương Mạnh Hùng làm giám đốc. Hồng báo tin cho Hùng biết và Hùng đã gặp Tuyết và được Tuyết cung cấp thông tin là mỗi doanh nghiệp được đăng ký 2 người tham gia.

Sau đó Hùng gặp bạn là Trần Phục Hưng và nói với Hưng ý định đi Hàn Quốc theo đoàn doanh nghiệp, Hưng đã nhờ Hùng tìm cách đưa Nguyễn Văn Đức xuất cảnh đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc làm.

Hùng nhờ Tuyết làm thủ tục cho Hưng và Đức cùng đi Hàn Quốc. Tuyết hướng dẫn Hùng làm hồ sơ bổ nhiệm Đức làm Trưởng phòng kinh doanh Công ty TD Việt Nam, còn Hùng đi với tư cách là giám đốc công ty. Hùng thỏa thuận chi phí cho Đức đi là 8.000 USD. Hưng đồng ý và đã chuyển cho Hùng trước 4.000 USD. Sau đó Hưng nhận của Đức 8.000 USD và chuyển cho Hùng 4.000 USD, Hùng đã đưa cho Tuyết 4.000 USD để lo chi phí cho Đức đi.

Ngày 4/12/2018, Hùng và Đức xuất cảnh đi Hàn Quốc theo Đoàn doanh nghiệp. Tối 6/12/2018, Hùng gặp người của Vietravel mượn lại hộ chiếu của Đức, đưa cho Đức để Đức trốn ở lại Hàn Quốc. Ngày 7/12/2018, Hùng về Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp. Đức trốn lại đến ngày 23/12/2019 bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện và trục xuất về Việt Nam.

Ngoài ra, Tuyết còn tổ chức cho Ngô Khánh Hoàng đi theo đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc rồi bỏ trốn ở lại.

Ngày 27/11/2018, Bộ KH&ĐT ra quyết định thành lập đoàn doanh nghiệp, ban hành văn bản đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ cấp visa cho 86 cá nhân thuộc 44 doanh nghiệp. Đến ngày 2/12/2018, do một số doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không tham gia, một số cá nhân không phải cấp visa vì đã có hộ chiếu công vụ hoặc thẻ APEC, Đại sứ quán Hàn Quốc đã cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp, trong đó có Lê Thị Liễu, Trần Văn Dũng, Ngô Duy Hảo, Dương Hùng Quang, Nguyễn Đình Cơ, Lương Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Đức, Trần Văn Khang, Ngô Khánh Hoàng… tổng cộng 17 người.

Đến ngày 7/12/2018, sau khi kết thúc lịch trình công tác, đã có 9/17 người nêu trên không cùng đoàn công tác về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã làm rõ 6/17 người được Liễu, Tuyết và đồng bọn tổ chức, môi giới trốn đi Hàn Quốc.


VỤ 'ĐI LẬU' CHUYÊN CƠ BÀ KIM NGÂN: VIỆT NAM SẮP XỬ  NHÓM CHỦ MƯU

BBC 24-4-2021


Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 3/2018

Sau thời gian dư luận chờ đợi, tin cho hay đầu tháng Năm, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử nhóm bị cho là chủ mưu vụ đưa 9 người đi lậu trong chuyên cơ đoàn chủ tịch Quốc hội và trốn lại Hàn Quốc.

Theo báo chí Việt Nam hôm 24/4, ba bị can: Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty Cổ phần GVA); Trần Thị Tuyết (nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo); Lương Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam) bị truy tố về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài."

Năm bị cáo khác bị truy tố về tội "Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài", gồm: Trịnh Bang Dũng (ở TP.Vinh, Nghệ An); Ngô Xuân Hiếu (ở Hưng Nguyên, Nghệ An); Trần Phục Hưng (Giám đốc Công ty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam); Lê Thị Xuân (nguyên đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC); Nguyễn Thị Lương (ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Vụ việc hy hữu, bắt đầu từ ngày 6/8/2018, khi Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sau đó, do lịch thay đổi nên đoàn chỉ thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4/12 đến 7/12/2018.

Báo Tuổi Trẻ cho hay: "Để tổ chức đoàn doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - đầu tư giao Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc triển khai thực hiện."

"Bộ Kế hoạch - đầu tư đã phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại…"

Sau khi kết thúc lịch trình công tác, 9 người trốn lại Hàn Quốc không cùng đoàn về Việt Nam.

Nay công an khẳng định trong 9 người trốn, thì có 6 người được Lê Thị Liễu, Trần Thị Tuyết và đồng phạm tổ chức, môi giới.


Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân trong một chuyến công du nước ngoài

Cáo trạng tiết lộ gì ?

"Hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước", cáo trạng nêu.

Thông tin được công bố hôm 24/4 cho hay đầu năm 2018, bà Lê Thị Liễu nói chuyện với một người tên Hoàng Anh, sống ở Đức, quê gốc Nghệ An.

Hoàng Anh cho hay nhiều người dân ở Nghệ An mong đi Hàn Quốc tìm việc.

Chú của Hoàng Anh, Trịnh Bang Dũng (bị truy tố đợt này), giúp giới thiệu cho bà Liễu những ai muốn đi Hàn Quốc, với giá 10.000 USD/người.

Tháng 2/2018, ông Trịnh Bang Dũng rủ thêm Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân (vợ Hiếu) và Nguyễn Thị Lương cùng tham gia đi "tìm khách" muốn sang Hàn Quốc để giới thiệu cho Liễu.

Các bị can này thỏa thuận rằng Trịnh Bang Dũng sẽ thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch.

Bị can Lê Thị Liễu sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen, mục đích để đưa khách vào đứng tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này, tạo thuận lợi trong việc xin visa xuất cảnh.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2018, nhóm của Trịnh Bang Dũng thu tiền cọc của 4 lao động rồi dẫn đi gặp Liễu tại Hà Nội.

Để thuận lợi cho việc xin visa sang Hàn Quốc, Liễu đề nghị nhóm của Dũng tổ chức cho các lao động này đi du lịch một số nước Đông Nam Á.

Sau khi tiếp nhận thông tin của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bà Liễu đã chỉ đạo nhân viên làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cho Liễu và khách tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc.

Theo đó, Liễu tham gia với tư cách là giám đốc Công ty GVA; Hùng Quang là trợ lý kinh doanh của Công ty Hưng Cúc; Ngô Duy Hảo là phó giám đốc Công ty Freshtech Vina; Trần Văn Dũng là giám đốc Công ty Hà Phát. Liễu còn giúp Lý Thái Hưng tham gia đoàn doanh nghiệp.

Sau khi được ban tổ chức phê duyệt hồ sơ, Liễu đã ký hợp đồng dịch vụ với Vietravel và nộp gần 138 triệu để thanh toán phí dịch vụ.

Bị can Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc…

Bà ta cũng thống nhất với khách khi đến Hàn Quốc tạo lý do gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý rồi trốn lại Hàn Quốc.

Ngày 4/12/2018, Liễu cùng nhóm lao động lên chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn doanh nghiệp sang Hàn Quốc.

Cơ quan điều tra kết luận bị can Lê Thị Liễu giúp 4 người đi lậu chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, số tiền thu lời bất chính là hơn 700 triệu đồng.

Cũng trong chuyến đi đó, bị can Trần Thị Tuyết, nhân viên tạp chí Kinh tế và dự báo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bị cáo buộc tổ chức cho 2 người là Ngô Khánh Hoàng, Phạm Văn Đức tham gia đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc sau đó trốn ở lại.

Bị can Trần Thị Tuyết thực hiện phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, thu lời bất chính 48 triệu đồng.

Như vậy có 9 người trong đoàn doanh nghiệp trốn lại Hàn Quốc.

Nhưng tới nay, công an mới làm rõ 6 người được Liễu và đồng phạm tổ chức, môi giới.

Hiện, 4 người đã bị trục xuất về Việt Nam, 2 người vẫn trốn lại nước này.

Cơ quan tố tụng nói các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc… không biết các bị can đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp.

Dù vậy, họ kết luận một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ việc là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp.

Do vậy, ngày 5/6/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn thông báo gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ KH&ĐT để có biện pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài.

Hơn 10 tháng sau chuyến công tác của phái đoàn bà Kim Ngân, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đại biểu Quốc hội đã không quay trở lại Việt Nam.

GIẢ DOANH NHÂN ĐI CÙNG CHUYÊN CƠ ĐOÀN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỂ Ở LẠI HÀN QUỐC

NGUYỄN DƯƠNG/ DT 24-4-2021

Ngày 24/4, thông tin cho biết TAND TP Hà Nội đang chuẩn bị xét xử vụ tổ chức cho người khác trốn sang Hàn Quốc trên chuyến bay chở đoàn công tác của Quốc hội xảy ra năm 2018 gây xôn xao dư luận.

Theo đó, 8 bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty Cổ phần GVA; Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo; Lương Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam, bị truy tố về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".

Các bị cáo Trịnh Bang Dũng; Ngô Xuân Hiếu; Nguyễn Thị Lương (cùng trú tại tỉnh Nghệ An); Trần Phục Hưng, Giám đốc Công ty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam; Lê Thị Xuân, nguyên đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC, bị truy tố về tội "Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài".

Theo cáo trạng, năm 2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì chuyến công tác tại Hàn Quốc; mời một số doanh nghiệp cùng tham gia. Để tổ chức, Bộ KH&ĐT đã phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia.

Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại… Tuy nhiên, sau khi kết thúc công tác, có 9 người trốn lại Hàn Quốc, không về nước cùng đoàn. Điều tra xác định trong số này có 6 trường hợp được Lê Thị Liễu, Trần Thị Tuyết và đồng phạm tổ chức cho trốn đi Hàn Quốc.

Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Liễu nói chuyện và được biết tại Nghệ An, quê của Hoàng Anh (đang cư trú tại Đức) có nhiều người muốn xuất cảnh đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc làm. Hoàng Anh sau đó nhờ chú ruột mình là Trịnh Bang Dũng giới thiệu cho Liễu những khách muốn sang Hàn Quốc với chi phí 10.000 USD/người. Trong đường dây này, các bị cáo Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Lương chịu trách nhiệm tìm người muốn sang Hàn Quốc để giới thiệu cho Liễu; thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch.

Trong quá trình môi giới, các bị can biết rõ việc tổ chức cho khách đi Hàn Quốc được Liễu thực hiện theo hình thức thương mại, khách mang danh nghĩa là người của các doanh nghiệp đi Hàn Quốc để hợp tác kinh doanh, đầu tư sau đó trốn ở lại tìm việc làm.

Phần mình, Lê Thị Liễu đã sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen. Bị cáo còn mua các công ty khác để đứng tên người muốn sang Hàn Quốc, tạo thuận lợi trong việc xin visa xuất cảnh.

Nguyễn Dương

VÌ SAO 9 DOANH NHÂN RỞM  LÊN ĐƯỢC CHUYÊN CƠ CHỞ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ?

NGUYỄN DƯƠNG/ DT 25-4-2021

Dân trí

 Một trong những nguyên nhân khiến 9 doanh nhân "rởm" lên được chuyên cơ của đoàn Chủ tịch Quốc hội rồi trốn lại Hàn Quốc là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc thẩm định doanh nghiệp tham gia.

Theo nguồn tin của phóng viên, khoảng đầu tháng 5 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ tổ chức cho người khác trốn sang Hàn Quốc trên chuyến bay chở đoàn công tác của Quốc hội xảy ra năm 2018 gây xôn xao dư luận.

Không có quy trình, thẩm định doanh nghiệp tham gia

Cáo trạng của VKSND Tối cao cho biết, trong vụ án trên, các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc và Công ty Cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel). Đây là các đơn vị được Văn phòng Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Tổ chức đã bị các bị can lợi dụng để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc. Kết quả điều tra xác định: Nhà nước không có quy định cụ thể về việc tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác, làm việc tại nước ngoài. Trong quá trình tổ chức đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc, Bộ KH&ĐT và các đơn vị, cá nhân có liên quan đã căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Văn phòng Quốc hội để tổ chức đoàn doanh nghiệp.

Các đơn vị này không biết các bị can và những người liên quan trong vụ án đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia; không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp. Do vậy, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành các văn bản thông báo cho Văn phòng Quốc hội, Bộ KH&ĐT về sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài để có biện pháp khắc phục.Về diễn biến vụ án, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ngày 6/8/2018, Ủy ban Đối ngoại của Hàn Quốc có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 25/9/2018 đến 2/10/2018. Do lịch thay đổi, đoàn công tác chỉ thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4/12/2018 đến 7/12/2018. 

Để tổ chức đoàn doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT giao Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc thuộc Cục Đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện.

Ngày 27/8/2018, Bộ KH&ĐT phát thư mời, biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia. Theo quy định của Ban Tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại...

Sau đó, Bộ KH&ĐT ra quyết định thành lập đoàn doanh nghiệp, ban hành văn bản đề nghị Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ cấp visa cho 86 cá nhân thuộc 44 doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đến ngày 3/12/2018, do một số doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không tham gia, một số cá nhân không phải cấp visa vì đã có hộ chiếu công vụ, Đại sứ quán Hàn Quốc đã cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp.

Đến ngày 7/12/2018, sau khi kết thúc lịch trình công tác, đã có 9/17 người không cùng đoàn công tác về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã làm rõ 6/17 người được Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty Cổ phần GVA), Trần Thị Tuyết (nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo) và đồng phạm tổ chức, môi giới trốn đi Hàn Quốc, gồm: Trần Văn Dũng, Ngô Duy Bảo, Dương Hùng Quang, Nguyễn Đình Cơ, Phạm Văn Đức và Ngô Duy Khánh.

"Bay chui" trên chuyên cơ

Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Liễu nói chuyện và được biết tại Nghệ An, quê của Hoàng Anh (đang cư trú tại Đức) có nhiều người muốn xuất cảnh đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc làm.

Hoàng Anh sau đó nhờ chú ruột mình là Trịnh Bang Dũng (ở TP Vinh, Nghệ An) giới thiệu cho Liễu những khách muốn sang Hàn Quốc với chi phí 10.000 USD/người. Trong đường dây này, các bị can Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Lương chịu trách nhiệm tìm người muốn sang Hàn Quốc để giới thiệu cho Liễu; thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch.

Trong quá trình môi giới, các bị can biết rõ việc tổ chức cho khách đi Hàn Quốc được Liễu thực hiện theo hình thức thương mại, khách mang danh nghĩa là người của các doanh nghiệp đi Hàn Quốc để hợp tác kinh doanh, đầu tư sau đó trốn ở lại tìm việc làm.

Phần mình, Lê Thị Liễu đã sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen. Bị can còn mua các công ty khác để đứng tên người muốn sang Hàn Quốc, tạo thuận lợi trong việc xin visa xuất cảnh.

Sau khi tiếp nhận thông tin của Bộ KH&ĐT, Liễu đã chỉ đạo nhân viên làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cho Liễu và khách tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc. Trong đó, Liễu tham gia với tư cách là Giám đốc Công ty GVA; Hùng Quang là trợ lý kinh doanh Công ty Hưng Cúc; Ngô Duy Hảo là Phó Giám đốc Công ty Freshtech Vina; Trần Văn Dũng là Giám đốc Công ty Hà Phát...

Sau khi được ban tổ chức phê duyệt hồ sơ, Liễu đã ký hợp đồng dịch vụ với Vietravel và nộp gần 138 triệu đồng để thanh toán phí dịch vụ. Nhằm che giấu hành vi phạm tội, Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc…

Liễu cũng thống nhất với khách khi đến Hàn Quốc tạo lý do gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý rồi tách đoàn, trốn lại Hàn Quốc. Qua việc này, Lê Thị Liễu thu lời bất chính hơn 700 triệu đồng.

"Hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước", cáo trạng nhấn mạnh.

VKSND Tối cao đã quyết định truy tố ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử đối với các bị can:

Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty Cổ phần GVA), Lương Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo và Tư vấn giáo dục TD Việt Nam) về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".

Trịnh Bang Dũng (SN 1968, ở Nghệ An, lao động tự do), Ngô Xuân Hiếu (SN 1969, ở Nghệ An, lao động tự do), Lê Thị Xuân (nguyên đại diện Cty Tư vấn du học quốc tế IEC), Nguyễn Thị Lương (ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và Trần Phục Hưng (Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam) về tội "Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài".

Nguyễn Dương

VỪA VỀ VƯỜN, VỤ ÁN 'BUÔN NGƯỜI' LIÊN QUAN ĐẾN NGUYỄN THỊ KIM NGÂN BỊ KHUI RA ?

PHƯƠNG ANH/ TB/ viet-studies 26-4-2021

Hầu hết trong suốt nhiệm kỳ làm chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân không để lại tai tiếng gì ngoài tai tiếng để 9 người tháp tùng chuyến công tác của bà trốn ở lại Hàn Quốc. Dù cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vô tình hay cố ý thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân phải chịu trách nhiệm với tai tiếng nhục nhã này.

Hơn 20 ngày sau thời điểm bà Nguyễn Thị Kim Ngân được miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội, một số báo ở Việt Nam hôm 24 Tháng Tư bất ngờ cập nhật tin vụ chín người đi cùng chuyên cơ của bà này trốn lại Nam Hàn hồi Tháng Mười Hai, 2018.

Tờ Tuổi Trẻ cho hay, dự kiến đầu Tháng Năm, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.”

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cựu chủ tịch Quốc Hội CSVN, “hạ cánh an toàn” hồi cuối Tháng Ba mà không bị đả động đến vụ bê bối chín người đi cùng chuyên cơ trốn sang Nam Hàn. Người bị lôi ra tòa tất nhiên không phải là bà Nguyễn Thị Kim Ngân mà là một người khác, đó chính là bà Lê Thị Liễu, giám đốc công ty Cổ Phần GVA. Bà này bị cáo buộc cầm đầu đường dây, đã phù phép biến những người muốn đi lao động Nam Hàn thành doanh nhân, để tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng đoàn của bà Ngân.

Điều đáng nói là Liễu làm gì để đưa người loạt vào chuyến bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì báo chí không dám đá động đến. Chuyên cơ chở yếu nhân là chuyên cớ có sự kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt, nếu không có cái gật đầu của bà Nguyễn Thì Kim Ngân thì không ai có thể lọt vào chuyến bay đó.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là cựu quan chức thuộc tứ trụ, mà từ trước đến nay thì quan chức đã đứng vào hàng tứ trụ thì không bị kỷ luật hay bị truy tố. Đó là luật bất thành văn từ xưa đến nay.

Khui lại vụ án cũ nhằm mục đích gì?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người phụ nữ, tuy bà là tay chân của ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá bà vô hại so với Hoàng Trung Hải. Chính vì vậy mà bà Ngân được ngồi đến hết nhiệm kỳ mới về vườn theo luật. Vì vậy hôm nay có người khui lại vụ án này không biết vì lí do gì. Đó là câu hỏi mà nhiều cười rất muốn biết.

Nếu vụ án này khui ra thì ảnh hưởng nào đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ảnh hưởng ở mức độ nào? Có thể bà Nguyễn Thị Kim Ngân không bị hỏi tội, không bị gọi ra tòa, nhưng khui lại vụ án thì chắc chắn bà Nguyễn Thị Kim Ngân bị ảnh hưởng đến uy tín.

Để vụ trốn lại trót lọt, bà Liễu được cho là “hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc, khi đến Nam Hàn lấy lý do gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý rồi trốn lại.”

Cơ quan điều tra quy chụp bà Liễu “thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, thu lời bất chính hơn 700 triệu đồng ($30,447).”

Đây là vụ án với những tình tiết hy hữu từng được dư luận rất quan tâm, nhiều trường hợp dù không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn có thể tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng đoàn chủ tịch Quốc Hội đi thăm và làm việc tại Nam Hàn rồi trốn ở lại đây.

Trong vụ này, có tám người bị truy tố với cáo buộc “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.” Vụ khởi tố này được một số người thạo tin cho rằng có kẻ muốn hạ uy tín bà Nguyễn Thị Kim Ngân, có người còn cho rằng đây là phát súng lệnh nhắm vào một thuộc hạ của Nguyễn Tấn Dũng, người ta đang nhắm vào mắt xích yếu nhất của ông Dũng để tấn công?

Cần phải truy tố luôn cả bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Ai cũng viết, Việt Nam là đất nước không thượng tôn pháp luật và một người ở vị trí như bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người mà pháp luật không thể đụng đến. Nếu luật Pháp Việt Nam mà nghiêm minh như Hàn Quốc thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã bị truy tố vị tội buôn người rồi. Được biết, đoàn sang Nam Hàn do bà Ngân dẫn đầu chỉ có 17 thành viên, nhưng đã có chín người trốn lại thì làm sao bà Ngân vô can?

Liên quan vụ này, hồi Tháng Mười Một, 2019, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc Hội được cho là can đảm nhất cũng chỉ dám đưa ý kiến một cách nhẹ nhàng tại quốc hội rằng “cần làm rõ vụ chín người đi nhờ máy bay sang Nam Hàn có tham nhũng hay không.”

Tuy vậy, công luận không thấy bà Ngân lên tiếng giải trình hoặc bình luận gì về vụ việc. Thời điểm đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký Quốc Hội, gây tranh cãi khi nói với báo chí trong nước rằng những người này chỉ “đi nhờ chuyên cơ.” Danh tính chín người này cũng được ông Phúc giữ kín.

Thực ra vụ án bị ém rất kín, tại Việt Nam không ai biết có sự buôn người trong chuyến bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho đến khi đài MBC của Nam Hàn đưa tin chín người trong đoàn Việt Nam sang Nam Hàn bỏ trốn hồi cuối năm 2018.

Vụ việc gây ồn ào sau khi đài MBC của Nam Hàn hôm 23 Tháng Chín, 2019, đưa tin rằng có chín người trong đoàn đại biểu Quốc Hội Việt Nam bỏ trốn lại nước này hồi Tháng Mười Hai, 2018.

Khi bà Ngân rời ghế chủ tịch Quốc Hội vào cuối Tháng Ba, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng “dấu ấn” mà bà để lại là vụ chín người đi nhờ chuyên cơ rồi trốn lại Nam Hàn và giai thoại bà sở hữu bộ sưu tập 300 bộ áo dài được thiết kế riêng và mỗi bộ áo dài chỉ mặc một lần khi xuất hiện trước công chúng.

Tội ém vụ buôn người đã cho thấy vụ án bị quyền lực chính trị thao túng. Điều đó càng củng cố sự liên quan của người có quyền lực lớn nhất trên chuyên cơ đó. Khi vụ án bị phía Hàn Quốc khui ra, phía chính quyền CS đã dùng từ ngữ rất nhẹ là “đi nhờ” để chỉ vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra trên chuyến chuyên cơ đó.

Những điều xấu xa bên trong ĐCS

Sau hai năm, một thời gian rất lâu để điều tra một vụ án đơn giản thì Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội vào đầu tháng năm sẽ tiến hành xét xử tám người bị cho là chủ mưu trong việc tổ chức cho chín người Việt Nam “đi nhờ” chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc vào tháng 12/2018 rồi trốn ở lại. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 24/4.

Theo cáo trạng được báo chí trong nước đăng tải, tám người bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Các bị cáo bao gồm: Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty CP GVA), Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuấn Hiếu (cùng trú tại Nghệ An),Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo – Bộ KH&ĐT), Lê Thị Xuân (cựu đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC), Nguyễn Thị Lương (trú tại Nghệ An).

Theo cáo trạng, vào tháng 8 năn 2018, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7 tháng 12 năm 2018.

Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia đoàn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại. Tuy nhiên, sau khi kết thúc lịch trình công tác, chín người trong đoàn đã trốn ở lại Hàn Quốc. Trong số này, cơ quan tố tụng xác định 6 người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức trốn đi. Những người trốn đi theo chuyên cơ của đoàn được hướng dẫn ăn mặc lịch sự và học thuộc thông tin về công ty mà họ đứng tên giám đốc. Cần phải điều tra bà lê Thị Liễu liên quan gì đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân mà bà liều được ưu ái thế?

Vụ chín người theo đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn chỉ bị báo chí Hàn Quốc công bố khoảng 10 tháng sau khi chuyến thăm kết thúc. Theo truyền thông Hàn Quốc, hai người trong số này sau đó đã bị trục xuất về nước. Sáu người còn lại vẫn ở lại trái phép tại Hàn Quốc.

Cáo trạng xác định những người bỏ trốn thực chất là những người muốn tìm việc ở lại Hàn Quốc và họ phải trả 11.500 đô la một người cho chuyến đi. Người ta dám bỏ ra số tiền tương đương 2,5 tỷ để sang Hàn Quốc sống bất hợp pháp, nếu không đenm uy tín bà Ngân ra cam kết thì ai dại gì lại bỏ ra số tiền lớn đến vậy?

ĐCS dựng nên rất nhiều quy định cấm kỵ để bảo vệ quan chức của đảng. Đằng sau những điều cấm kỵ ấy ắt hẳn chẳng có hành động nào được gọi là tốt đẹp cả mà là những thứ đáng tởm.

Phương Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)


VÌ SAO BÂY GIỜ VIỆT NAM MỚI XỬ VỤ 'ĐI NHỜ'  CHUYÊN CƠ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
RFA 28-4-2021

Sau thời gian dài không thông tin gì, mới đây báo chí nhà nước Việt Nam cho biết vào đầu tháng 5/2021, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử nhóm bị cho là chủ mưu đưa chín người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và trốn lại Hàn Quốc.

Vì sao đến lúc này mới đưa ra xét xử?

Vào trung tuần tháng chín năm 2019, tức gần 10 tháng sau khi phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết chín trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.

Tin cho biết, phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc chín thành viên trong đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới vỡ lỡ.

Cho đến ngày 25/9/2019, người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đưa ra lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao” và chỉ “đi nhờ máy bay”.

Còn truyền thông nhà nước Việt Nam khi đó không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người “đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân” và tại sao những người này có được “đặc quyền” đó.

Vào ngày 30/3/2021 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tỷ lệ 89,38%. Cho đến ngày 31/3/2021, Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Vì sao lúc này Việt Nam mới xử vụ “đi nhờ” chuyên cơ của bà Ngân rồi bỏ trốn ở Hàn Quốc? Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 28/4, nhận định:

“Tại sao không phanh phui tất cả, rất đơn giản mà, lên máy bay làm sao thoát không khai báo, thế mà từ đó đến nay cũng không công bố ra. Là vì họ muốn bao che uy tín của họ, nếu mà soi cô Ngân ra, soi Văn phòng Quốc hội ra thì Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ có khác gì, cho nên họ ỉm đi lúc nào hay lúc ấy. Nhưng không ỉm được vì phía Hàn Quốc họ xì ra, bây giờ cái gì không bịt được mà xì ra thì buộc phải làm. Nhưng bây giờ có làm đến nơi đến chốn không? Bây giờ phải quy trách nhiệm cho cô Ngân, Văn phòng Quốc hội, công an, hàng không... Chính hàng không lờ đi, không dám cung cấp danh sách, tức là anh cũng đồng lõa với hành động xấu xa trong quản trị đất nước.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đây là một ví dụ nhỏ cho thấy những người lãnh đạo quản trị quốc gia như thế nào? Những người này không cần đạo lý cũng không cần luật pháp... Ông nói tiếp:

“Thế thì sắp tới định đưa ra xử thì có thật sự xử nghiêm không? Hay là xử qua loa là mấy nhân viên ở cấp dưới. Đúng ra vấn đề này thì những người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm. Ở nước ngoài, các quan chức dù có bê bối nhỏ thì họ cũng từ chức vì thấy không xứng đáng. Vì vậy bà Ngân dù đã về vườn thì cũng nên đứng ra xin lỗi, chịu trách nhiệm thì mới đúng là người có văn hóa.”

Chưa công bố thông tin đầy đủ?

Theo cáo trạng được báo chí trong nước đăng tải hôm 24/4/2021, tám người bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Các bị cáo bao gồm: bà Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty GVA), hai ông Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuấn Hiếu (cùng trú tại Nghệ An), bà Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo - Bộ KH&ĐT), bà Lê Thị Xuân (cựu đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC) và bà Nguyễn Thị Lương (trú tại Nghệ An).

Cáo trạng nêu rõ, vào tháng 8 năn 2018, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7 tháng 12 năm 2018. Nhưng sau khi kết thúc lịch trình công tác, chín người trong đoàn đã trốn ở lại Hàn Quốc. Trong số này, cơ quan tố tụng xác định 6 người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức trốn đi. Những người trốn đi theo chuyên cơ của đoàn được hướng dẫn ăn mặc lịch sự và học thuộc thông tin về công ty mà họ đứng tên giám đốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết, bộ này đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có chín người nhập cư bất hợp pháp, hai trong số họ đã trở về nước, bảy người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cáo trạng mà báo chí nhà nước đăng tải hôm 24/4/2021 chỉ nêu tên bốn trong số sáu người mà nhóm của Lê Thị Liễu đã tổ chức trốn đi Hàn Quốc là Trần Văn Dũng, Ngô Huy Hào, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang. Cáo trạng cho biết bốn người đã về Việt Nam, còn hai người đang trốn ở lại không được nêu danh tính.

Ngoài ra dư luận còn thắc mắc, ngoài sáu người do nhóm của Liễu tổ chức đi theo máy bay bà Ngân, thì ba người còn lại trong nhóm chín người bỏ trốn là ai? Vì sao lên được chuyên cơ của bà Ngân và vì sao không công khai danh tính?

Những người liên quan chịu trách nhiệm thế nào?

Cũng theo cáo trạng, hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.

Cáo trạng xác định những người bỏ trốn thực chất là những người muốn tìm việc ở Hàn Quốc và họ phải trả 11.500 đô la Mỹ một người cho chuyến đi.

Để tìm hiểu về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 28/4 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông cho biết:

“Tội đưa người trốn đi nước ngoài thì trong Bộ Luật hình sự cũng có quy định rất là nhiều, Việt Nam cũng đã xử những tội này rất nhiều. Ví dụ như trước đây theo quy định có điều 275 của Bộ Luật hình sự thì đối với tội này có thể phạt thấp nhất từ sáu tháng đến hai năm. Tùy tính chất và mức độ có thể bị phạt hơn nữa.”

Riêng với việc tổ chức cho nhiều người trốn ra nước ngoài theo chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia, thì Luật sư Hậu cho rằng có thể bị xem xét vấn đề làm mất uy tín và thể diện quốc gia:

“Có thể xem xét... trong vụ này thì Hội đồng xét xử sẽ đưa ra xét xử những người tổ chức, hay những người thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ việc, thì Tòa sẽ có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những người có liên quan. Đây là vụ án sẽ đưa ra xét xử nên thẩm quyền của Tòa án Nhân dân, căn cứ vào hồ sơ vụ án về việc tổ chức, cưỡng ép người khác ra nước ngoài, thì theo luật mới thì sẽ xử từ hai năm đến bảy năm nếu phạm tội nhiều lần, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ năm đến 12 năm, còn đặt biệt nghiêm trọng có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm tù. Riêng những người có liên quan có thể bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, nếu nặng hơn thì xử lý về mặt hình sự.”

Một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc khi trả lời phóng viên Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về câu hỏi, liệu những người bỏ trốn đã đến Hàn Quốc với mục đích từ đầu như vậy hay không, nói rằng ‘có vẻ là như vậy’, và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.

Việt Nam rút được bài học gì?

Đây không phải là lần đầu xảy ra việc công dân Việt Nam, hay quan chức đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại. Trước đây đã từng xảy ra chuyện các quan chức người Việt đi công tác ở châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam; hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ đi theo đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thì đây là trường hợp đầu tiên.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, khi trả lời RFA trước đây cho biết thực tế về việc tổ chức công du của Quốc hội:

“Có quy định gì đâu, các đoàn Quốc hội muốn đi thì phải có kế hoạch, đi đâu thì phải được nơi đấy mời hoặc mình đặt vấn đề nơi ấy có mời không? Tham quan việc gì, nội dung gì, phải phụ thuộc vào đoàn đấy và nơi tiếp đón thỏa thuận với nhau. Đoàn đi thì chủ yếu từng công việc thì có từng cái nhóm, tại vì Quốc hội có nhiều vấn đề, học tập kinh nghiệm cũng có, trao đổi kinh nghiệm nhiều việc cũng có, hoặc quan hệ quốc tế giữa các Quốc hội hoặc Nghị viện với nhau. Có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp khác nhau và nhiều nội dung khác nhau.”

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng, phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì Đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn Đại biểu Quốc hội thì vị nào chuyên về việc đó thì đi.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA hôm 28/4, cho biết:

“Tôi nghĩ vấn đề đi kèm chuyên cơ nguyên thủ quốc gia như thế cũng có quy định nhưng trong phạm vi hẹp thôi, chứ cũng không phổ biến rộng rãi. Quy định là làm sao để đảm bảo cho chuyến bay đạt mục đích đề ra. Nhưng cũng có thể là từ trước đến nay chưa hề xảy ra vi phạm tương tự như thế cho nên là các cơ quan chức năng chủ quan, lỏng lẻo trong kiểm soát người đi trên chuyên cơ, nên các đối tượng mới cài cắm người không đủ tiêu chuẩn vào. Đây là sự việc mà các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm để các chuyến bay tiếp theo không xảy ra trường hợp tương tự. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, qua việc này cho thấy một bộ phận chính quyền ở cấp trung ương rất vô thiên vô pháp. Họ hành xử rất kém văn hóa khi đưa những người ở đâu đấy để đi ké chuyên cơ của quốc gia. Cách làm này ông Nguyễn Khắc Mai gọi là mọi rợ, mà theo ông trách nhiệm nằm ở chỗ Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội, Cục Hàng không... tức là những cơ quan đầu não của quốc gia. Họ vì vụ lợi mà hành xử bất chấp danh dự quốc gia, đó là điều đáng phải suy nghĩ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét