Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

20210507. NHỮNG HÌNH ẢNH XẤU XÍ CỦA BỨC TRANH GIÁO DỤC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

THẦY GIÁO TÁT, ĐÁ HỌC SINH TRƯỚC CẢ LỚP: 'TÔI COI CÁC EM NHƯ CON EM, MUỐN TỐT CHO CÁC EM'

HÀ QUÂN /TT 2-5-2021

TTO - Video một thầy giáo trung tâm giáo dục thường xuyên tát, đá nhiều học sinh trước cả lớp lan truyền trên mạng khiến nhiều người bức xúc. Thầy giáo, hiện đã bị tạm dừng giảng dạy, nói 'muốn tốt cho các em'.

Trao đổi với phóng viên sáng 2-5, ông Nguyễn Minh Vỹ, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cho biết đã có văn bản gửi UBND huyện Lục Ngạn để báo cáo và đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc.

Vào chiều 29-4, thầy Khúc Xuân H. - chủ nhiệm lớp 10A3 tại trung tâm trên - đã có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo như tát, đá... vào một số học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.

"Một số đối tượng xấu lợi dụng video này để làm phức tạp tình hình giai đoạn này. Nhà trường có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra", ông Vỹ nhấn mạnh.

Theo ông Vỹ, trung tâm đã họp về sự việc ngay trong ngày 30-4. Đồng thời, phó giám đốc trung tâm và bí thư Đoàn nhà trường đã trực tiếp đến nhà học sinh nhận trách nhiệm, mong sự chia sẻ với phụ huynh.

"Phía phụ huynh bày tỏ thông cảm cho thầy H. và cũng cam kết không kiện cáo thầy H.", ông Vỹ nói.


Thầy giáo sinh năm 1997 tát một học sinh - Ảnh: Mạng xã hội

Ông Vỹ cho biết thêm lãnh đạo trung tâm đã họp toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường yêu cầu cán bộ giáo viên không phát tán, chia sẻ thông tin, bản chất vụ việc còn đợi phía cơ quan điều tra làm rõ.

"Trước mắt nhà trường đã họp và tạm dừng việc giảng dạy của thầy H.", ông Vỹ nói.

"Thầy H. là giáo viên trẻ mới ra trường, sinh năm 1997, có thể kỹ năng sư phạm còn chưa được tốt. Học sinh cũng chưa chấp hành tốt nhắc nhở, yêu cầu của thầy. Khi thầy về trường, thầy tham gia rất trách nhiệm, nhiệt tình mọi hoạt động. Khi xảy ra sự việc khiến các thầy cô khác bàng hoàng...", ông Vỹ chia sẻ.

Trong bản tường trình về sự việc, thầy H. đã bày tỏ hối hận. "Thực ra, bản thân tôi cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà. Trong lúc không kiềm chế được mới xảy ra sự việc", ông Vỹ thuật lại bản tường trình.

Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Giang cho biết đã yêu cầu lãnh đạo trung tâm xử lý nghiêm trường hợp giáo viên vi phạm trên.

Đồng thời sở cũng chỉ đạo trung tâm báo cáo cơ quan công an và lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn để sớm có biện pháp xử lý song song với việc không để các trang mạng xã hội lợi dụng xuyên tạc sai bản chất sự việc.

MỘT BƯỚC CHUYỂN GIAO CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

THÁI HẠO/ TD 2-5-2021


“Thầy giáo” Khúc Xuân Hoà (Trung tâm GDTX huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đá học sinh trong lớp. Ảnh trên mạng

Hai sự việc trong ngành giáo dục vừa xảy ra ở cùng thời điểm là ngày 29/4 đang gây phẫn nộ trong xã hội, đó là một cú ném sách của hiệu phó Trịnh Xuân Bách (THCS Hiến Nam – Hưng Yên) vào giáo viên trong cuộc họp và một cú đá chí mạng của “thầy giáo” Khúc Xuân Hoà (Trung tâm GDTX huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Những sự kiện này phải khiến chúng ta nghĩ tới một bước chuyển lớn của nền giáo dục.

1. Chuyển từ bạo lực tinh thần sang bạo động. Việc sử dụng vũ lực, dù tính chất bạo lực tinh thần còn nguyên ở đó trong nền giáo dục đã nói lên sự tha hóa cùng cực. Giáo viên và học sinh sau vài thập kỷ bị đưa ra làm chuột bạch, bị vắt kiệt và đối xử tàn tệ bằng rất nhiều khẩu dụ trong các môi trường bưng bít và quan liêu thì bây giờ đã công khai bị hành hung. Bạo lực là bước cuối cùng của sự suy tàn khi pháp luật đã mất ý nghĩa và đạo đức đã tiêu tan.

2. Chuyển từ giáo điều sang giáo dưỡng. Cả học sinh và giáo viên đang bị đối xử không phải như những con người với những quyền thiêng liêng của nó, mà bị coi như những tội phạm, những “đối tượng” cần dằn mặt và trừng trị bằng bạo lực. Người ta không còn thấy cần phải kiêng dè nữa khi áp dụng những hình thức thô bạo nhất với chủ thể của nền giáo dục (gv và hs). Nhà trường đang dần chuyển màu sang nhà giam. Và con người đang dần bị coi như những con vật.

Một tình trạng sa đọa đang âm thầm diễn ra và đây đó đã bắt đầu bùng phát bằng những hình ảnh gớm ghiếc nhất. Ngay cả những ngôi trường đầy “thành tích” hào nhoáng, là “niềm tự hào” của địa phương thì những ung nhọt và sự thối rữa vẫn đang bị phá hủy từ bên trong.

Dù là “trăm tay nghìn mắt”, dù là “thiên tài, là một ngôi sao sáng sáng nhất trong muôn vì sao” thì cũng không ai có thể quản lý được xã hội theo kiểu này. Phải cải tổ chính trị, cấu trúc lại bộ máy thì vấn đề mới có thể được giải quyết tận gốc rễ.

Nhưng trước khi làm những việc to tát ấy, điều đầu tiên là bộ Giáo dục và ngành Công an phải lập tức xử lý những sự việc cụ thể như ở trên. Bộ máy nhà nước phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước những bê bối này, không thể đẩy trách nhiệm cho ai khác. Không thể im lặng, vì như thế là dung túng cho cái ác và gián tiếp nuôi dưỡng sự phá hoại đối với giáo dục nước nhà.

BỨC BÁCH SINH RA BẠO LỰC

CHU MỘNG LONG/ TD 3-5-2021

Tháng 2 năm Tân Sửu, tại Ba Đình, Hà Nội, một nam học sinh lớp 10 tát thẳng tay vào mặt cô giáo ngay trên bục giảng. Trừ những tiếng nói tỉnh táo, khách quan, đa số, đặc biệt là quý thầy cô giáo, trong đó có cả chuyên gia giáo dục học, lên giọng hùm beo đòi tống tù thằng bé.

Mọi quy kết đều hướng vào giáo dục gia đình, rằng bố mẹ mất dạy làm cho con em mình cũng mất dạy! Vậy là búa rìu đã có thể giết chết một thằng bé tuổi vị thành niên, trong khi thằng bé mắc bệnh trầm cảm. Một nền giáo dục như vậy được cho là nhân đạo, nhân văn?

Tháng 3 năm Tân Sửu, tại Quốc Oai, Hà Nội, cả tập thể học sinh lớp 5 đồng loạt tấn công cô giáo bằng súng nước, bằng đạn giấy, cũng ngay trên bục giảng. Dư luận chia làm hai phe. Phe đứng về phía cô giáo, cho rằng chắc chắn có sự chống lưng của Ban Giám hiệu và Hội Cha mẹ học sinh để trù dập cô giáo, vì lý do cô giáo đã kiện tụng chuyện thu phí tuỳ tiện. Phe chống cô giáo, hiển nhiên là Ban Giám hiệu và các bậc cha mẹ, cho rằng cô giáo phá hoại, kiện tụng gây mất ổn định nhà trường. Đặc biệt chuyên gia giáo dục học Vũ Thị Hương quy hết trách nhiệm về phía cô giáo, yếu kém, không biết dạy, không ổn định được lớp! Quy trách nhiệm hết cho nạn nhân cũng là giáo dục nhân đạo, nhân văn?

Tháng 4 năm Tân Sửu, tại TP Hưng Yên, trong một cuộc họp hội đồng, một cô giáo chất vấn Ban Giám hiệu về một số vấn đề thu chi và chuyên môn, Ban Giám hiệu không thèm trả lời mà ném thẳng quyển sổ vào mặt người chất vấn. Cách trả lời như vậy cũng có thể xem là giáo dục nhân đạo, nhân văn? Tiếc là vụ này chưa thấy dư luận ồn ào và đứng về phe nào.

Ngày 29 tháng 4 năm Tân Sửu, tại Lục Ngạn, Bắc Giang, trong một cuộc sinh hoạt cuối tuần, một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 gọi học sinh lên bục, vừa địt mẹ địt bố học sinh vừa đấm đá thụi bịch vào mặt, vào đầu, vào bụng từng đứa mà thầy cho là hư hỏng. Ngày 30 tháng 4, Hiệu trưởng và Giám đốc Sở đình chỉ thầy giáo 15 ngày chỉ vì thầy có hành vi “thiếu chuẩn mực”.

Cùng ngày Giám đốc Sở còn báo cáo công an xử lý hai tài khoản xuyên tạc, bóp méo sự vụ làm mất uy tín ngành giáo dục. Cả hệ thống tự lột truồng giữa chợ rồi tự khen tròn vo, méo là do bị bóp. Đến nước này thì dư luận không thể đứng về ngành giáo dục được nữa, vì bạo lực có thể giáng lên đầu bất cứ ai.

Hai trường hợp vừa xảy ra xuất phát từ bàn tay nhà quản lý và thầy giáo. Trường hợp này thì còn đổ lỗi giáo dục gia đình nữa hay không. Học sinh lớp 10 tát cô giáo thì gọi là “mất dạy”, nhà quản lý tấn công cô giáo và thầy giáo đánh học sinh như đại ca xã hội đen đánh đàn em, thì “có dạy” thế nào, ai dạy?

Tôi, một thầy giáo trong ngành giáo dục, không thể đứng về phía ngành giáo dục để bào chữa cho hành vi bao lực học đường. Tôi cực lực lên án những kẻ nhân danh nhân đạo, nhân văn bào chữa cho những hành vi côn đồ là “thiếu chuẩn mực”, kể cả lên án sự lạm dụng chuyên chính trấn áp dư luận bằng chiêu bài quy kết, chụp mũ những ai lên tiếng phản đối bạo lực. Càng trấn áp càng sinh ra bí bách cho cả xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.

Bí bách sinh ra bạo lực là đương nhiên. Những nhà quản lý không có cái đầu và cái miệng đối thoại một cách cởi mở, ôn hoà hay sao?


XIN ĐỪNG NHÂN DANH GIÁO DỤC ĐỂ TUNG CÚ ĐÁ, VUNG NGỌN ROI !

PHẠM MINH /GDVN  5-5-2021

GDVN- Đó là những mảnh vỡ, nát vụn, trong bức tranh giáo dục vốn đã nhiều màu xám. Chúng ta dạy những đứa trẻ nuôi dưỡng yêu thương chứ không mở lối cho thói côn đồ.

Phẫn nộ, giận dữ, bức xúc,… đó là thái độ của dư luận xã hội khi xem đoạn video clip ghi lại cảnh một thầy giáo chửi bới, tát, đá vào 4 học sinh ngay trên bục giảng lớp học.

Theo những gì video ghi lại, thầy giáo này liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh, thậm chí còn nhảy lên đá vào ngực nam sinh áo trắng khiến em ngã vật ra.

Nhiều người đã phải thốt lên rằng: Thật kinh hoàng, thật khủng khiếp! Và người ta không dám tin đây lại là hành động của một giáo viên dành cho học sinh của mình.

Đáng tiếc thay, dù không thể tin hay không muốn tin thì câu chuyện trên là hoàn toàn có thật.

Thầy giáo Khúc Xuân Hòa tát và đá học sinh vi phạm kỷ luật. Hình ảnh từ clip.

Sự việc này diễn ra vào ngày 29/4 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Vào giờ sinh hoạt của lớp 10A3, thầy giáo Khúc Xuân Hòa – giáo viên chủ nhiệm lớp đã đưa những học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không mặc đồng phục, mặc quần rách tới trường ra... xử lý.

Đành rằng với học sinh vi phạm kỷ luật, các em cần được giáo dục để nhận thức về lỗi lầm và sửa đổi hành vi. Song, một cú đá kèm theo những cái tát thô bạo, những câu chửi bới với cách xưng hô “mày – tao”,… thì chưa bao giờ được xem là phương pháp giáo dục cả. Nói chính xác, những hành động đó là “bạo lực học đường” - bạo lực xuất phát từ phía người thầy, diễn ra ngay trên bục giảng, trước sự chứng kiến của biết bao học sinh.

Triết lý giáo dục tình thương, kỷ luật tích cực,… dường như vẫn là những khái niệm mơ hồ khi đòn roi đang được khoác lên chiếc áo “giáo dục” và hiện diện ở nhiều lớp học.

Cách đây không lâu, vào tháng 2/2021, nhiều tờ báo đăng tải thông tin một phụ huynh ở tỉnh Nghệ An đã tố thầy giáo sử dụng bạo lực với con mình. Chính thầy giáo này cũng thừa nhận đã tát học sinh vì không thuộc bài.

Phía sau những cái tát, học sinh sẽ phải hứng chịu tổn thương tâm lý rất nặng nề, giống như một vết bỏng lớn trên cơ thể, khó có thể xóa mờ sẹo cho dù nhiều năm tháng trôi qua.

Trở lại câu chuyện ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, trong bản tường trình sự việc, ông Khúc Xuân Hòa viết: “Bản thân tôi cũng muốn tốt cho các em học sinh và coi các em như con em trong nhà”.

Chẳng phải ngạc nhiên khi lý lẽ của những hành vi bạo lực được đưa ra là đánh cho chừa, là vì muốn học sinh tốt lên, là một cách “thương cho roi cho vọt”.

Nhưng dù có đưa ra bao nhiêu lý lẽ đi chăng nữa cũng không thể bao biện được hành vi như một kẻ côn đồ, hẳn là ai ai xem clip cũng thấy xót xa cho những đứa trẻ đang nhẫn nhục chịu đựng sự hậm hực từ ông Hòa.

Xin thưa rằng, dùng bạo lực với học trò là cách làm phản giáo dục bị lên án trên toàn thế giới. Bạo lực không bao giờ đem lại hiệu quả tích cực, có chăng chỉ là nỗi đau, sự tổn thương, nỗi oán giận và còn nhiều điều tồi tệ hơn thế.

Một cái tát, một cú đá chẳng khác gì một lời tuyên bố rằng người thầy đã thất bại với sứ mệnh của mình! Thất bại ê chề không gì cứu vãn nổi! Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nói rằng: "Thầy giáo này đã vi phạm cả đạo đức nhà giáo lẫn pháp luật nhà nước đề ra. Pháp luật của chúng ta cấm bạo lực trong nhà trường, xâm phạm nhân cách, thân thể của học sinh. Những hành vi dù là bộc phát của thầy giáo như thế cũng là vi phạm pháp luật, đây là hành vi bị cấm trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng...

Sử dụng vũ lực không bao giờ giúp học trò có thể thay đổi được nhận thức, nhận ra được đúng sai, lẽ phải. Đạo đức nhà giáo bất kể thời kỳ nào, hoàn cảnh nào cũng không cho phép thầy giáo có những hành vi không tôn trọng nhân phẩm, thân thể học trò như vậy".

Và đến chừng nào những người thầy vẫn giữ quan niệm “đòn roi là giáo dục” thì sẽ vẫn còn nhiều câu chuyện đau lòng tiếp diễn, xảy ra. Các em học được gì từ những hành vi bạo lực khủng khiếp, đáng sợ ở chính người thầy của mình?

Hành vi của ông Khúc Xuân Hòa vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo. Ảnh chụp từ clip.

Bạo lực học đường vẫn đang diễn ra từng ngày và đang trở thành thảm họa của ngành giáo dục. Học sinh lao vào đánh nhau chỉ vì một ánh nhìn, một xích mích nhỏ.

Đau lòng hơn, cay đắng hơn khi chính học trò cũng có hành vi bạo lực với cô giáo dạy mình. Mới nhất là vào đầu tháng 4, video ghi lại cảnh cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) bị học sinh trong lớp chống đối, quậy phá cũng đã “gây bão” khắp các trang mạng. Dù là lý do gì thì hành vi ngỗ ngược, chống đối của những học sinh lớp 5 vẫn là một câu chuyện quá đau lòng và không thể chấp nhận ở ngôi trường này.

Đó là những mảnh vỡ, nát vụn, trong bức tranh giáo dục vốn đã nhiều màu xám. Chúng ta dạy những đứa trẻ nuôi dưỡng yêu thương chứ không mở lối cho thói côn đồ!

Đổi mới giáo dục cùng với nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, với ước mong “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhưng niềm vui ở đâu khi bạo lực học đường vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, hạnh phúc ở đâu khi những cái tát được gắn mác giáo dục vẫn còn tồn tại?

Bạo lực không phải là hình thức kỷ luật, đòn roi không thể nhân danh cho tình yêu thương. Nghề giáo cao quý và đặc biệt cũng bởi lao động của người thầy mang đến tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim, xây dựng đạo đức và nhân cách cho những đứa trẻ.

Vì vậy, xin đừng nhân danh giáo dục để tung cú đá, vung ngọn roi!

Xin đừng để những cái tát, cú đá làm vấy bẩn hình ảnh của người thầy, làm mất đi thanh danh và sự cao quý của nghề dạy học!

Phạm Minh
VỤ XÂM PHẠM CỜ VÀNG TẠI ÚC, SẢN PHẨM QUÈ QUẶT CỦA NỀN GIÁO DỤC CỘNG SẢN
JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 4-5-2021
Thông tin từ cộng đồng Việt Nam tại Úc cho biết, một du học sinh từ Việt Nam tên là Dương Đức Thịnh đã giật lá cờ vàng ba sọc đỏ của cộng đồng Việt Nam tại một nơi công cộng, thuộc thành phố Sidney, đạp lên rồi lớn tiếng mắng những người Việt treo lá cờ này là bọn phản động.

Cộng đồng người Úc gốc Việt đã phản ứng mạnh mẽ, Dương Đức Thịnh bị cảnh sát bắt về đồn, trường trung học nơi cậu ta đang học ra lệnh cấm cậu ta đến trường trong một thời gian. Khả năng cậu ta bị trục xuất về Việt Nam là rất lớn, với tội xâm phạm tài sản người khác.

Dương Đức Thịnh là một thanh niên, chắc chắn thuộc gia đình có tiền của mới được đi du học tại Úc. Chắc chắn cậu ta không thuộc nhóm người Việt ở những “vùng sâu vùng xa”, đến nỗi không biết rằng lá cờ vàng là một biểu tượng thiêng liêng của một cộng đồng có cùng tiếng nói với cậu ta. Anh ta biết lá cờ đó thiêng liêng với một cộng đồng, và vì biết cho nên cậu ta cố tình chà đạp lên nó.

Dù biết hay không biết thì Dương Đức Thịnh chính là kết quả của nền giáo dục què quặt của chế độ Cộng sản Việt Nam nói chung, là kết quả của kiểu tuyên truyền chính trị ma mãnh của tuyên giáo Cộng sản nói riêng. Và tôi không cho rằng, nhóm thanh thiếu niên ngu ngốc như Dương Đức Thịnh ở Việt Nam là hiếm.

Xin nêu một số đặc điểm của nền giáo dục này, cũng như tuyên truyền của tuyên giáo của Đảng, có liên quan đến sự kiện này.

Đảng CSVN chủ tâm xóa bỏ lịch sử không có lợi cho họ, xóa bỏ mọi thứ có liên quan đến lịch sử của miền Nam Việt Nam, các giá trị văn hóa, giáo dục… của chế độ Việt Nam Cộng hòa đều bị phỉ báng, chà đạp. Lịch sử đã được “bên thắng cuộc” viết lại với lằn ranh Ta – Địch, Quốc – Cộng…

Giáo dục của chế độ CSVN không dạy học sinh hướng thiện, nhân bản, mà nhấn mạnh vào bạo lực, với lý thuyết đấu tranh giai cấp. Vì lý thuyết này, con người trong xã hội thời cộng sản được kích động qua hành vi bạo lực, núp dưới những chiêu bài như là “cách mạng triệt để”, “bạo lực cách mạng”, dạy con người thù hận, thay vì yêu thương…

Chính vì ngụp lặn trong nền giáo dục đó, đã khiến cho Dương Đức Thịnh nghĩ rằng việc làm của cậu ta là đúng đắn, là chính nghĩa, cho nên cậu ta hết sức tự tin để thực hiện nó.

Xem lại sách giáo khoa thời Cộng sản, có thể thấy mối căm thù đã được đưa vào những trang sách để dạy học sinh như làm toán bằng cách đếm xác lính Mỹ, hay cách tuyên truyền gọi địch thủ bằng “thằng”,… thì hành động của Dương Đức Thịnh không có gì đáng ngạc nhiên, mà là kết quả tất yếu.

Giáo dục dưới chế độ cộng sản độc tôn một quan điểm duy nhất, đó là quan điểm của Đảng cầm quyền, và nó phủ nhận tất cả những ý kiến khác, phủ nhận cả những cộng đồng khác. Những con người thoát thai từ sản phẩm giáo dục cộng sản khi tiếp xúc với xã hội dân chủ đa dạng ở phương Tây, hoặc là bối rối, nếu còn biết suy nghĩ, hoặc là dẫn đến những hành động què quặt và ngu xuẩn như hành động của Dương Đức Thịnh.

Từ quan điểm đấu tranh giai cấp, con người trong chế độ cộng sản không còn bị ràng buộc bởi một cái khung đạo đức nào, mà chỉ nhằm đạt đến mục đích, bất kể phương tiện nào. Có thể suy đoán rằng, hành động của Dương Đức Thịnh, theo suy nghĩ của cậu ta, sẽ ghi một dấu son vào lý lịch của mình trên con đường hoạn lộ sau này với Đảng Cộng sản.

Quan điểm “mục đích biện minh cho phương tiện” của Đảng Cộng sản và cơ quan tuyên giáo tuyên truyền của nó, dẫn đến hiện tượng quái dị trong vài năm qua, là các video trên mạng xã hội chia sẻ tin vịt từ Mỹ, dân chúng trong nước được phép xem một cách thoải mái, vì những video này làm cho người dân Việt Nam hoài nghi nền dân chủ Mỹ. Trong khi đó, những ý kiến phản biện xã hội cũng qua video, lại bị tuyên giáo kiểm duyệt gắt gao.

Trong bài trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ nhân ngày 30/4, Tiến sĩ Phương Nguyễn từ Mỹ, cho biết, ông được một tờ báo trong nước đề nghị viết về những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trẻ đang gắng sức duy trì văn hóa của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ. Bài viết của ông tiến sĩ Phương Nguyễn không được đăng vì tờ báo Việt Nam nói rằng, những người Việt trong bài là những nhân vật “nhạy cảm”.

Đó là sự không chấp nhận người khác của chế độ toàn trị và nền giáo dục tuyên truyền làm linh hồn của nó.

Và đó là một linh hồn què quặt.

NHÂN CHUYỆN DU HỌC SINH VIỆT NAM DẪM ĐẠP LÊN LÁ CỜ CỦA CHẾ ĐỘ VNCH

LÊ NGUYỄN/ TD 5-5-2021

Câu chuyện vẫn đang rất “hot” trong cộng đồng người Việt Nam sống ở Úc và lan truyền đến các mạng xã hội trên thế giới. Song điều này có đáng ngạc nhiên không?

Theo tôi, loại hành động vô pháp vô thiên này của một số không nhỏ những bạn trẻ Việt Nam hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên hết. Chúng là hậu quả của một nền giáo dục què quặt, nặng tính nhồi sọ, chỉ nhằm đào tạo những con robot biết nói và hành xử theo những khuôn mẫu được lập trình sẵn. Nền giáo dục đó dạy cho họ phải biết căm thù một chế độ đã tàn lụi gần nửa thế kỷ qua, tô vẽ trong con mắt họ hình ảnh không có thật về những nhà tù “địa ngục trần gian”, về những con người từng sống dưới vĩ tuyến 17 trước năm 1975.

Hậu quả của nền giáo dục đó, tất nhiên, không chỉ là chuyện xé cờ, dẫm đạp lên lá cờ nay vẫn còn là hình ảnh thiêng liêng của hàng triệu triệu người. Nó còn là hình ảnh những ông thầy giáo gạ tình nữ sinh để ban phát điểm, những cô giáo hiền lành bị trưng dụng để “giúp vui” cho bọn quan chức trong những bữa tiệc chè chén say sưa, những cô bé học trò mới 15-17 đã xúm nhau tra tấn bạn đồng học, xé quần, xé áo nhau trước sự cổ vũ của đám đông. Một sự băng hoại không thể tưởng tượng nổi đối với những thế hệ đã lớn lên tại miền Nam – và chắc là ở cả miền Bắc – trước 1975!

Nền giáo dục đó hiện nay hình như vẫn tiếp tục đà tiến của nó theo chiều hướng trên, bất kể dư luận xã hội và những hậu quả tai hại vẫn diễn ra hàng ngày.

Mới đây, tình cờ đọc thấy tài liệu ôn tập về sử-địa cuối năm học 2020-2021 dành cho học sinh lớp 5, những đứa trẻ chỉ mới 10-11 tuổi, mình thật bàng hoàng, nội dung những câu hỏi đó như sau:

1) Nêu tình hình nước ta sau hiệp định Giơ-neo-vơ

2) Đường Trường sơn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?

3) Hãy nêu những điểm cơ bản của Hiệp định Pa-Ri về Việt Nam

4) Tại sao nói: ngày 30/4/1975 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta?

5) Quốc Hội khóa 6 đã có những quyết định trọng đại gì?

Trởi ạ! Người ta dạy cho lứa tuổi trẻ thơ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những bài học lẽ ra chỉ phù hợp với tối thiểu học sinh lớp 12 hay sinh viên đại học! Thay vì dạy cho chúng những bài học lễ nghĩa, tuân thủ luật pháp, cư xử đúng mực ở đời, thì người ta dạy cho chúng phân tích hiệp định Gènève, hiệp định Paris…! Điều chắc chắn là ẩn sau những phân tích chính trị đó là sự căm thù “Mỹ – Ngụy”, căm thù một chế độ đã tồn tại khi mà ngay cả phần lớn cha mẹ chúng cũng chưa bước chân đến trường.

Ở lứa tuổi hồn nhiên, vui chơi là chính mà bị nhồi nhét những chuyện lớn lao về lịch sử-chính trị, được dạy phải nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính một thành phần đồng bào của mình thì khi bắt đầu trưởng thành, chúng dẫm đạp lên lá cờ biểu tượng của một chế độ từng tồn tại lâu dài trên phân nửa đất nước cũng là chuyện dễ hiểu.

Làm thầy thuốc mà lầm chỉ giết chết một người, làm giáo dục mà lầm sẽ giết chết nhiều thế hệ, và làm băng hoại cả một xã hội đang gượng dậy sau những năm tháng chìm ngập trong khói lửa chiến tranh.

Nhân chuyện xé cờ, dẫm đạp lên cờ, xin có mấy lời thẳng thắn thưa với những người làm công tác giáo dục hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét