Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

20210523. TRƯỚC THỀM BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

NHẬN DIỆN 4 HÀNH VI, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ BẦU CỬ

BÁO CP/ GDVN 20-5-2021

GDVN- Người dân hết sức cảnh giác với những âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng cuộc bầu cử để chống phá Đảng, Nhà nước của các đối tượng.

Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá bầu cử.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông tin về một số hình thức, thủ đoạn chống phá Nhà nước để bạn đọc biết và đề cao cảnh giác.

Thứ nhất, các thế lực triệt để lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu, độc, tin giả tuyên truyền, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bôi nhọ, hạ uy tín nhân sự ứng cử; móc nối, lôi kéo, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện phương thức chống phá bầu cử cho các đối tượng phản động, phần tử xấu trong nước.

Thứ hai, một số đối tượng phản động lưu vong, phản động và phần tử xấu trong nước lợi dụng sự thiếu thông tin của một số người dân, nhất là những người có quyền lợi liên quan đến một số vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, bức xúc... để kích động không đi bầu cử, thậm chí tụ tập gây mất an ninh, trật tự ở khu vực bỏ phiếu.

Thứ ba, một số đối tượng phản động, phần tử xấu, không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, tìm cách che giấu lý lịch, đánh bóng tên tuổi, lợi dụng quyền ứng cử, tự ứng cử của công dân để tìm cách xâm nhập bộ máy chính quyền hòng chống phá từ bên trong; khi bị phát hiện, đấu tranh ngăn chặn thì tìm cách vu cáo, xuyên tạc các cơ quan chức năng vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi tẩy chay bầu cử.

Thứ tư, xuất hiện hiện tượng một số đối tượng chống đối lợi dụng thần quyền, giáo lý để khống chế, gây sức ép một bộ phận quần chúng không tham gia bầu cử, không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua lá phiếu bầu.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu ngày càng có nhiều âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt, ngày càng manh động, liều lĩnh, trắng trợn nhằm gây mất an ninh, an toàn cuộc bầu cử.

Trung tướng Tô Ân Xô đề nghị người dân hết sức cảnh giác với những âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng cuộc bầu cử để chống phá Đảng, Nhà nước của các đối tượng.

Đồng thời người dân cần tích cực đi bầu cử, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tham gia xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói riêng và hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, chống phá cuộc bầu cử, xâm phạm an ninh, trật tự.

Trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp công tác phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời từ xa, từ sớm, từ cơ sở, ngay khi mới manh nha mọi âm mưu, hoạt động chống phá.

Các cán bộ chiến sĩ công an tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, kể cả khi an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quá trình bảo đảm an ninh, trật tự công tác chuẩn bị cuộc bầu cử đã chủ động đẩy lùi các nguy cơ, điều kiện, các yếu tố tiềm ẩn phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo Baochinhphu.vn
BẦU CỬ VIỆT NAM : THỰC CHẤT BỎ PHIẾU LÀ QUYỀN HAY NGHĨA VỤ ?
BÙI THƯ/ BBC 20-5-2021
Cử tri Việt Nam luôn được tuyên truyền rằng bầu cử là nghĩa vụ của công dân

Hiến pháp 2013 nêu rõ bầu cử là quyền của công dân, nhưng chính quyền Việt Nam trong những ngày này đang ráo riết tuyên truyền rằng bầu cử là quyền và nghĩa vụ công dân.

"Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân."

"Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của cử tri."

"Bầu cử vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cử tri."

Những khẩu hiệu trên đang được lặp lại với tần suất ngày một dồn dập trên truyền thông Việt Nam, trong bối cảnh ngày bầu cử 23/5 đang đến gần. Có thể thấy, các khẩu hiệu trên đều nhấn mạnh hai yếu tố "quyền" và "nghĩa vụ" song hành.

Vậy thực ra bầu cử là quyền hay nghĩa vụ? Thông điệp của chính quyền Việt Nam có thể đứng vững trước các quy định của chính Việt Nam hay không?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp tại TP HCM cho rằng, trên thực tế thì người dân Việt Nam đang được tuyên truyền bầu cử là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân. Và không ít các trường hợp người dân bị "vận động" đi bầu:

"Tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực gọi điện, đến gõ cửa từng nhà để thúc giục cử tri đi bầu nếu không đi thì sẽ bị liệt vào "danh sách đen" của địa phương, sau này khi cần xác nhận giấy tờ gì sẽ bị làm khó.

"Nguyên nhân của hiện tượng này, theo tôi, là xuất phát từ bệnh thành tích của các tổ bầu cử, đơn vị bầu cử. Và nhìn ở một góc độ nào đó, có thể nói là 'ép' người dân thực hiện quyền của mình," ông Sơn nói.

CHÍNH QUYỀN VN TUYÊN TRYỀN GÌ ?

Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định."

Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này."

Tuy nhiên, cách dẫn giải của chính quyền rằng đi bỏ phiếu vừa là "quyền" vừa là "nghĩa vụ" dường như vượt ra khỏi khuôn khổ các câu chữ trong luật. Điều này được thể hiện bằng hàng loạt bài báo, khẩu hiệu, văn bản của chính quyền.


Tài liệu tuyên truyền bầu cử nhấn mạnh "trách nhiệm công dân" trên trang Cờ đỏ TP HCM, website được cho là của lực lượng dư luận viên

Báo Quân đội Nhân dân ngày 14/4 viết: "Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cử tri."

Tờ này trích dẫn Điều 15 Hiến pháp 2013 với nội dung "Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân" để củng cố lập luận "bầu cử là nghĩa vụ của cử tri".

Đây cũng chính là lập luận chủ chốt mà chính quyền Việt Nam đưa ra trong những ngày qua, từ những tờ báo lớn tới các cổng thông tin điện tử cấp phường, xã, huyện, tỉnh và các bộ, ngành, rồi cả các trang của đội ngũ dư luận viên nữa.

Báo Tuyên Quang ngày 30/3 viết: "Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân."


Tài liệu tuyên truyền bầu cử trên cổng thông tin điện tử huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Báo Vietnamplus diễn giải thêm một ý nữa: "Nói bầu cử là nghĩa vụ bởi nếu công dân (cử tri) không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp như luật định. Đó là: nếu không bầu cử thì không có đại biểu Quốc hội và từ đó không thể thực hiện việc bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,..."

"Điều này cũng có nghĩa rằng công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử thì đã xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó không có ai bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp," tờ này kết luận.

Truyền thông nhà nước cũng mạnh mẽ tố cáo "các thế lực thù địch đã xuyên tạc" rằng bầu cử chỉ là quyền, không phải nghĩa vụ, nên công dân Việt Nam có thể đi bầu hoặc không đi bầu.

THEO LUẬT THÌ SAO ?

Các quy định thành văn - từ văn bản cao nhất là hiến pháp tới các luật và quy định dưới luật - đều minh định bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ. Thực tiễn cũng cho thấy chưa ai bị xử lý theo các căn cứ pháp luật đối với hành vi không thực hiện quyền bầu cử.

"Về logic, nếu đi bầu cử là quyền thì nó không thể là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công dân. Ngược lại nếu nó là nghĩa vụ, trách nhiệm thì không thể nào còn là quyền nữa. Nên không thể căn cứ vào Điều 15 của Hiến pháp, rằng 'quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân', để cho rằng đi bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân được," luật sư Phùng Thanh Sơn diễn giải.

Theo luật sư Sơn, "với Điều 15 của Hiến pháp, phải hiểu rằng công dân không thể chỉ biết sử dụng quyền của mình không thôi mà còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác nữa, như đóng thuế, bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định pháp luật."

"Về mặt pháp luật thực định cũng vậy, Hiến pháp quy định bầu cử là quyền của công dân, như Điều 27 nêu. Và luật cũng không có bất kỳ chế tài nào đối với người dân nếu người dân không đi bầu cử," luật sư phân tích.

"Một khi nó là quyền thì người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng, tức là có quyền đi hoặc không đi bầu cử," ông nói.


Hình ảnh cổ động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa 15 trên đường phố Hà Nội

Ở đây, có thể thấy chính quyền có hai lập luận: Thứ nhất, một công dân có quyền bầu cử thì đồng thời cũng phải có nghĩa vụ bầu cử, vì theo họ, quyền không tách rời nghĩa vụ như Điều 15 Hiến pháp nêu. Thứ hai, hành vi không đi bầu của người này sẽ xâm phạm tới quyền ứng cử của người khác, vì người này không bầu thì người kia ứng cử cho ai, không bầu thì làm sao thành lập được các cơ quan nhà nước.

"Hai lập luận này rất buồn cười và không đứng vững," một nhà báo giấu tên phụ trách mảng nội chính ở TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

"Ta lấy chính Hiến pháp 2013 ra để xem xét. Hiến pháp có quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ. Ví dụ Điều 36 nêu 'Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn', nghĩa là nam và nữ đến tuổi theo luật định thì có thể thực hiện quyền kết hôn, ly hôn đúng pháp luật. Nếu nói rằng anh có quyền kết hôn thì đồng thời anh có nghĩa vụ kết hôn, tức là bắt buộc anh phải kết hôn thì rất phi lý.

"Thêm nữa, nếu nói rằng việc anh không chịu kết hôn là xâm phạm quyền kết hôn của người khác, tức khiến người khác không biết kết hôn với ai, thì lại thêm một điều phi lý nữa. Như vậy, chỉ cần xét riêng câu chữ của Hiến pháp 2013 là đã thấy lập luận của nhà nước phi logic rồi."

"Quyền là thứ mà một người có thể sử dụng hoặc không; còn nghĩa vụ là điều mà công dân phải thực hiện, không thực hiện là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền biểu tình, nghĩa là anh muốn thì có thể đi biểu tình. Trong khi cũng theo hiến pháp, nộp thuế là nghĩa vụ, mà đã là nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện," nhà báo này phân tích.


Trang School of Activism (một sáng kiến phi lợi nhuận về xã hội) minh họa chuyện của Tí (một công dân đủ tuổi đi bầu) để chia sẻ thông điệp bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ

Phân tích sâu hơn, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng các nhà lập pháp không thể quy định bầu cử là nghĩa vụ của công dân và chế tài khi công dân vi phạm nghĩa vụ đó. Bởi lẽ, nguyên tắc của bầu cử là tự nguyện, trực tiếp, không bị ép buộc, bỏ phiếu kín. Bản chất của bầu cử là thể hiện sự tín nhiệm của cử tri ra bên ngoài bằng phiếu bầu. Nếu cử tri tín nhiệm và mong muốn ai trúng cử thì tự khắc cử tri sẽ đi bầu.

"Việc cử tri không đi bầu cũng là một hình thức thể hiện sự không tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên trong danh sách bầu cử. Chúng ta cần phải tôn trọng quyết định này của cử tri," luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích.

Còn nhà báo nói trên cho rằng: "Dù lập luận rất cưỡng ép và ngô nghê, nhưng với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chính quyền chắc chắn sẽ đạt được mục đích, đó là gieo vào đầu người dân ý niệm rằng họ phải đi bầu."

NHỮNG ĐIỀU BỊ CHO LÀ BẤT CẬP KHÁC

Một số quy định khác về bầu cử cũng được các nhà phân tích đánh giá là chưa hợp lý. Chẳng hạn, theo Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 11/01/2021 hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử, việc phiếu bầu mà gạch hết tên của tất cả ứng cử viên là không hợp lệ.

"Theo tôi, quy định như vậy là không hợp lý, bởi suy cho cùng việc gạch tên tất cả các ứng viên cũng là thể hiện đúng ý chí của cử tri là không tín nhiệm đối với tất cả các ứng viên đó," luật sư Sơn nhấn mạnh.

Ông bổ sung: "Chúng ta không thể ép buộc cử tri phải tín nhiệm và bầu cho ít nhất một ứng viên trong danh sách bầu cử. Phiếu bầu mà gạch tên tất cả các ứng viên thì vẫn phải xem là phiếu hợp lệ. Có như vậy mới có thể đo lường chính xác tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên."


Trang School of Activism gửi gắm thông điệp bầu cử là tự nguyện và nên đi bầu khi các ứng cử viên chất lượng, thuyết phục

Thông tư 01/2021/TT-BNV cũng không quy định dùng loại bút gì để gạch tên các ứng viên không tín nhiệm. Trên thực tế, cử tri có thể dùng bút chì, bút sáp để gạch và điều này đã xảy ra tại không ít điểm bầu cử trước đây, dấy lên nghi ngờ rằng các lá phiếu sau đó sẽ được tẩy xóa, chỉnh sửa.

"Theo tôi, để tránh ai đó có thể thay đổi nội dung phiếu bầu, luật cũng nên quy định rõ không được phép dùng bút chì hoặc loại bút bi vốn có thể dễ tẩy xóa để gạch tên ứng viên," luật sư Phùng Thanh Sơn nói.

Về lâu dài, theo ông Sơn, để người dân có thể giám sát trực tiếp việc bầu cử, có thể thấy sự thay đổi tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với ứng viên ngay tức thì, nên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử.

'NHỮNG AI MUỐN LÀM QUAN CÁCH MẠNG THÌ NHẤT ĐỊNH KHÔNG NÊN BẦU'

LÊ TIÊN LONG/ TVN 19-5-2021

Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, Người nhắc nhở mỗi cử tri khi cầm lá phiếu: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Sau ngày thành lập nước, công việc cấp bách đầu tiên của chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ là tổ chức bầu Quốc hội lập hiến, diễn ra đồng loạt trên cả nước vào ngày 6/1/1946.

Để giải thích cho đồng bào về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên mà nước Việt Nam độc lập tiến hành, Chủ tịch Chính phủ lâm thời viết bài trên báo Cứu Quốc số 130, ra ngày 31/12/1945 với tiêu đề “Về ý nghĩa tổng tuyển cử". 

Trong bài viết, Chủ tịch chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử của công dân: "Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".

Chủ tịch nhắc nhở toàn thể người dân về quyền và trách nhiệm của công dân: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Do tổng tuyển cử mà bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

'Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu'
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Về bản chất của nhà nước dân chủ cộng hòa, Chủ tịch nêu rõ: "Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Ðó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Ðiều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”.

Không có đặc quyền, đặc lợi  

Là người có công khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, đứng đầu Chính phủ mới thành lập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết yêu cầu việc ứng cử, bầu cử phải theo đúng quy trình, quy định được ủy ban bầu cử đặt ra, không có đặc quyền, đặc lợi. 

Trong kỳ tổng tuyển cử Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử tại thủ đô Hà Nội cùng 73 ứng viên khác. Với tình cảm và sự thành kính dành cho Người, 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính cùng công bố bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Đáp lại yêu cầu này, Hồ Chủ tịch viết bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Bức thư có đoạn: “Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định”.

Hồ Chủ tịch trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành đại biểu Quốc hội đại diện cho Hà Nội cùng 5 vị nữa. Khi được Quốc hội, tại kỳ họp thứ nhất, tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.

Yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta  

Đi sâu vào tiêu chuẩn người đại biểu dân cử, khi nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 2 (7/1960), Hồ Chủ tịch nói: "Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri...".

Về vai trò của của đại biểu HĐND và nhiệm vụ của HĐND, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trong buổi tiếp và nói chuyện thân mật với các vị đại biểu HĐND Hà Nội khóa 1 (kể từ sau ngày Thủ đô giải phóng), diễn ra ngày 4/1/1958.

'Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu'
Khi đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, chúng ta đã thực hiện một phần mong mỏi của Hồ Chủ tịch về việc “Bầu những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, nhân dân”

Người nói: “Mỗi vị đại biểu HĐND phải phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến nhân dân, biến những chủ trương chính sách đó thành hành động của nhân dân. HĐND phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống của nhân dân; phải thực hành cần kiệm liêm chính, phải luôn nghĩ rằng mình là đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân. Trước mắt HĐND phải tập trung sức động viên nhân dân ra sức chống hạn, đẩy mạnh sản xuất".

Hồ Chủ tịch cũng từng nhắc nhở cử tri, nhân dân luôn ghi nhớ các quyền của mình với Quốc hội, HĐND các cấp: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình...”.

Với toàn thể cán bộ trong bộ máy chính quyền từ làng lên cấp tỉnh, kỳ, Hồ Chủ tịch cũng căn dặn kỹ càng qua “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17/10/1945.

Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ, suốt bao nhiêu năm qua, vẫn còn nguyên giá trị: “'Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”. “Vì lợi nước, quên lợi nhà”. Đặc biệt, Chủ tịch nhắc nhở mỗi cử tri cân nhắc khi cầm lá phiếu: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Ngày bầu cử Quốc hội đã đến gần. Nhớ về Người, mỗi chúng ta cân nhắc kỹ trách nhiệm của mình với vấn đề trọng đại của đất nước, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, các bài phát biểu, chương trình hành động của từng ứng viên, xem ai thực sự dám “hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”, ai muốn “làm quan cách mạng” để lựa chọn cho sáng suốt.

Khi đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng như vậy, chúng ta đã thực hiện một phần mong mỏi của Hồ Chủ tịch về việc “Bầu những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, nhân dân”.

Chúng ta cũng luôn nhớ, mỗi công dân có quyền giám sát các đại biểu dân cử, xem xét ai trúng cử mà vẫn ghi nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, hoặc ai là người “yêu dân, kính dân”. 

Lê Tiên Long

MÀN KỊCH 'TỰ ỨNG CỬ' CỦA MỘT SỐ 'NHÀ DÂN CHỦ' !

QUANG MINH/ ND 14-5-2021

Ngày 23-5 tới đây, cử tri ở Việt Nam sẽ thực hiện quyền công dân của mình với việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính vì vậy, thời gian qua các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tổ chức rất nhiều hoạt động, phương thức rất tinh vi, thâm độc nhằm phá hoại, gây trở ngại và xuyên tạc tính chất dân chủ của cuộc bầu cử. Trong đó, đáng chú ý là trò tự ứng cử của một số người tự nhận hoặc được gắn cho nhãn hiệu là “nhà dân chủ”.

Thực tế cho thấy, để tạo tiền đề hoặc hỗ trợ âm mưu bạo loạn lật đổ khi có cơ hội, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc “thực hiện quyền dân chủ”, thể hiện dưới các hình thức gọi là “bất bạo động”, như: thành lập tổ chức mang danh nghĩa “xã hội dân sự”, hô hào “biểu tình ôn hòa”, gửi thư ngỏ “góp ý, kêu gọi, đòi hỏi”… Gần đây, phong trào “tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV” của một số “nhà dân chủ” cũng nằm trong toan tính đó nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và xã hội. Hầu hết các “diễn viên” của màn kịch này đều là những đối tượng đã xuất hiện trong phong trào “tẩy chay bầu cử” diễn ra trước đây. Như ngày 10-3-2021, trả lời phỏng vấn của RFA, “ứng viên” Lê Trọng Hùng (L.T.H.) thừa nhận: “Vâng lần trước thì tôi tẩy chay bầu cử, lần này thì tôi lại đứng ra ứng cử… Lần này nếu rất nhiều người tẩy chay, có lẽ tôi cũng sẽ làm công tác tẩy chay, nhưng hiện giờ thì không có mấy người tẩy chay và việc tẩy chay đó là hành động bất đắc dĩ thì mới phải làm đến”!

Thật ra, phong trào tự ứng cử không phải là chiêu trò mới của các “nhà dân chủ”, mà chỉ là mưu mẹo cũ được áp dụng lại. Tuy nhiên đến lần này, các đối tượng vin vào Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 11-1-2021 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội  (ĐBQH) khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10% cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV) để hô hào nhau làm hồ sơ ứng cử. Rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí có kế hoạch chống phá bài bản, dài hơi hơn. Trước thời điểm tổ chức bầu cử nhiều tháng, họ lập nhiều fanpage, tài khoản giả để vẽ ra đủ thứ luận điệu xuyên tạc như: “bầu cử chỉ là dân chủ giả hiệu”, “thủ đoạn loại bỏ người tự ứng cử”, “ứng viên cần nhất thân, nhì thế”, “muốn ai thì người đó trúng cử”… Để phá hoại bầu cử, Hoàng Dũng (thành viên của tổ chức phản động “con đường Việt Nam”, hiện sống tại Mỹ) cho biết đã lập Fanpage “vận động ứng cử ĐBQH 2016”, tạo hàng trăm bài viết, video, hình ảnh chung quanh, trước và sau cuộc bầu cử. Người này đã trả hàng chục triệu đồng để quảng cáo trên Facebook cho các nội dung đó. Hỗ trợ cho “ứng viên giả hiệu”, còn có cả một hệ thống sản xuất và lan truyền thông tin xấu độc, với sự góp mặt của mấy cái tên quen thuộc như RFA, BBC, VOA, tổ chức khủng bố “Việt tân”, “nhật ký yêu nước”, “tạp chí luật khoa”… Trước ngày bầu cử, theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng tổ chức khủng bố “Việt tân” đã lập mới hàng trăm tài khoản, duy trì hàng nghìn tài khoản giả (fake account) trên mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, thổi phồng các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử và nhiều sự kiện đáng chú ý trong cả nước. 

ĐỂ thực hiện mưu đồ của mình, học đòi mô hình bầu cử phương Tây, những đối tượng nói trên đã vẽ ra khẩu hiệu “1.000.000 công dân ra tranh cử ĐBQH để dân tộc trưởng thành”. Để “trang trải” cho quá trình “tự ứng cử”, L.T.H. còn lên trang mạng cá nhân kêu gọi ủng hộ 76 triệu đồng để “vận động bầu cử”. Người này viết đơn yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ, tạo điều kiện trong quá trình tranh cử. Trò hề của L.T.H. cũng đã gây tò mò với một số người, tuy nhiên nhiều người đã dành thời gian tìm hiểu động cơ, “chương trình tranh cử” của L.T.H., và nhận thấy nội dung chỉ là xào nấu lại mớ luận điệu lạc lõng như: xuyên tạc Hiến pháp 2013, đòi xây dựng cái gọi là “nhà nước pháp quyền hợp hiến” (bản chất là học đòi mô hình tam quyền phân lập), cổ súy thành lập các tổ chức chống phá dưới nhãn hiệu “câu lạc bộ công dân”. Đáng chú ý ngoài mặt, những đối tượng này tự nhận là “ứng viên tự do”, “ứng viên độc lập” và không quen biết nhau, nhưng thực tế lại cho thấy họ có quan hệ rất đáng ngờ. Bởi trên mạng xã hội có hiện tượng người này viết bài, đăng tải, chia sẻ video tâng bốc, đánh bóng kẻ kia là “nhân sĩ, trí thức”, có “phẩm chất” ngay thẳng đã “dám đứng lên chống lại áp bức, bất công”, và rồi được kẻ kia khen lại. Không chỉ vậy, nhóm người này còn hùa nhau bới móc, tấn công đời tư, xúc phạm bằng ngôn từ nặng nề đối với một số ĐBQH khóa XIV vốn là người tự ứng cử, hoặc là đại biểu ngoài Đảng.

Để chứng tỏ tư cách tự ứng cử ĐBQH, số người này luôn cố thể hiện là người “hiểu biết pháp luật”. Song dường như họ cố tình bỏ qua tiêu chuẩn ĐBQH với quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014) đó là: “1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Xét từ những tiêu chí này, phải nói rằng họ chỉ là công dân có “hạnh kiểm kém”, vì thường xuyên vi phạm pháp luật. Cụ thể năm 2016, Lê Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy đã làm hồ sơ tự ứng cử ĐBQH khóa XIV, nhưng theo nhận xét của chính quyền địa phương thì Lê Đình Hà từng tụ tập đông người, trái pháp luật 12 lần ở địa bàn công cộng thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và UBND phường Lý Thái Tổ nhận xét là “công dân không gương mẫu”; Nguyễn Tường Thụy thì không hề tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào ở địa phương, hai lần bị Công an quận Hoàn Kiếm quyết định xử phạt vi phạm hành chính (hiện Nguyễn Tường Thụy đang thi hành án 11 năm tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước). Với “thành tích” như vậy, đương nhiên họ đã phải nhận tín nhiệm thấp từ chính quyền địa phương và đa số từ cử tri ở nơi họ cư trú. 

Đến kỳ bầu cử ĐBQH lần thứ XV cũng vậy, xem xét hồ sơ của “ứng viên tự do” Trần Quốc Khánh (T.Q.K.), L.T.H. thì cũng không có mấy khác biệt. Theo tài liệu từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, từ năm 2018 đến 2020, T.Q.K. sử dụng Facebook cá nhân để phát trực tiếp (livestream) video bịa đặt, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Tương tự, L.T.H. cùng đồng bọn mở “kênh truyền hình”, mạo xưng là “nhà báo tự do” để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện sai sự thật, bôi nhọ cơ quan hành chính địa phương… Do hành vi sai phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng, có tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, nên T.Q.K. và L.T.H. đã bị cơ quan pháp luật khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Đó là việc làm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, xã hội, được dư luận xã hội và người dân đồng tình, ủng hộ. Cũng vì thế, trước các vụ việc rõ ràng, cụ thể như vậy, chỉ có lối “truyền thông đen” của VOA, BBC, RFA, tổ chức khủng bố “Việt tân”,… mới cố tình phủ nhận làm chệch hướng dư luận, ngụy tạo ra chuyện người dân bị gây khó dễ, “bị khởi tố do tham gia tự ứng cử ĐBQH”. Cũng cần phải lên án một số người, do nhận thức còn non kém hoặc có toan tính riêng, nên đã tiếp tay cho luận điệu này, mà tiêu biểu là N.Đ.C.. Người này nộp đơn tự ứng cử ĐBQH, khi không qua được vòng hội nghị cử tri ở nơi cư trú, ông ta lên mạng xã hội cho rằng cuộc họp được “tổ chức nghiêm ngặt”, “ý kiến đã được chuẩn bị trước” nhằm loại ông ta vì tuổi cao, sức yếu. Vậy là để đáp lại tình cảm và lời khuyên chân tình của bà con khối phố, ông N.Đ.C. lại nghĩ ra và kết luận kịch bản hội nghị mang tính chất “đấu tố, vùi dập cá nhân” đối với ông!

Từ kết thúc bẽ bàng của chiêu trò “tự ứng cử”, của các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã phần nào cho thấy một sự thật là đại đa số công dân Việt Nam đang sống ở trong và ngoài nước luôn thể hiện rõ quan điểm và chính kiến của mình, luôn tỉnh táo để nhận diện các “nhân vật tai tiếng” đã lợi dụng tự do, dân chủ để phá hoại quá trình phát triển đất nước, kiếm tìm lợi ích cho bản thân. Tuy nhiên, với mục đích và mưu đồ đen tối sẵn có với sự hậu thuẫn về tài chính, vật lực từ các “quỹ hỗ trợ dân chủ”, thời gian tới các hoạt động “đấu tranh giả hiệu” còn tiếp tục tái diễn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, khi kỳ bầu cử đang tới gần, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các mưu đồ, chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, phá hoại sự ổn định và đoàn kết của đất nước, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, mỗi người dân cũng cần cẩn trọng đối với phát ngôn và hành vi của mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời có ý thức đấu tranh, lên án đối với những luận điệu, hành động sai trái, thù địch… Đó cũng là vấn đề cần quan tâm để toàn dân tiếp tục đóng góp xây dựng Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tính đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa, và luôn xứng đáng với kỳ vọng, yêu cầu của nhân dân khi đưa ra các quyết sách đúng đắn về những vấn đề trọng đại của đất nước, giám sát tối cao với mọi hoạt động của Nhà nước. Khi tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV, mỗi cử tri cần ý thức nghiêm túc về vai trò, trách nhiệm công dân để chọn ra các đại biểu xuất sắc, hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cử tri giao phó. Làm tốt điều này cũng là góp phần đập tan những thủ đoạn, âm mưu xấu xa mà các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang tiến hành. Bên cạnh đó, để góp phần vào thành công của bầu cử ĐBQH khóa XV, hệ thống báo chí, truyền thông cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phổ biến thông tin kịp thời, chính xác, đồng thời kiên quyết đấu tranh vạch trần luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá bầu cử.

QUANG MINH
KÊU GỌI 'TỰ ỨNG CỬ', TRÒ GIAN TRÁ CỦA ANH HỀ NHÁT GAN
THỤC ĐOAN / VNTB/ viet-studies 20-5-2021

(VNTB) - Thiết nghĩ không cần bầu cử, chỉ cần qua ba vòng hiệp thương, đảng chọn lấy 500 người đủ tiêu chuẩn theo ý đảng đưa thẳng vào quốc hội cho gọn

Ứng cử vào các chức vụ dân cử là chuyện đương nhiên trong các quốc gia dân chủ. Tùy theo luật của mỗi quốc gia, mọi người công dân có đủ điều kiện phù hợp với luật đều có thể tự ứng cử nếu họ muốn. Luật bầu cử Việt Nam cũng cho phép mọi công dân đủ 21 tuổi cho đến ngày bỏ phiếu được quyền ứng cử, ông Hồ Chí Minh cũng nói, mọi người dân không phân biệt tôn giáo, chính kiến, dân tộc  đều có quyền ứng cử. Ở VN hiện có hai điều nghịch lý giống như trò đi dây tung hứng của một chú hề. Trong khi nhà nước đang cố kêu gọi người dân ra tự ứng cử, thì cũng từ miệng các quan chức, truyền thông lại đồng loạt lên án “chiêu trò tự ứnց cử”. Tìm hiểu phần nào trò hề này của đảng cs VN có lẽ cũng thú vị.

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 11-1-2021 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội  (ĐBQH) khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10% cơ cấu.

Nghị quyết này lại một lần nữa cho thấy quốc hội VN chỉ là một thứ trò chơi ghép hình puzzle của đám con nít. Hình như chỉ các nước trong khối cộng sản Liên Xô, đã tan vỡ hồi cuối thế kỷ trước và, các nước độc tài đảng trị bây giờ như Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Cộng còn chơi trò này. Các nước tự do dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Hà lan…cửa quốc hội từ hàng trăm năm vẫn mở rộng cho đủ mọi thành phần được dân tin tưởng bầu bước vào. Các nước có tự do, dân chủ khá giới hạn tại Á châu như Singapore, Myanmar quốc hội của họ cũng không có kiểu cơ cấu độc tài, phản dân chủ, bất công đáng xấu hổ như Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam nói không hạn chế việc tự ứng cử của mọi công dân, nhưng họ đặt ra rất nhiều rào cản để ngăn chặn người tự ứng cử mà họ thấy, hay chỉ nghi ngại, là người sẽ không dễ uốn nắn làm theo ý họ. Ngoài những đánh giá hoàn toàn mơ hồ, chủ quan không thể gọi là khoa học như trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp. có phẩm chất đạo đức, cho đến đòi hỏi những khả năng không chứng minh được khi ai đó chưa vào quốc hội như có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, gắn bó mật thiết với cử tri, với nhân dân hay, phải được đánh giá là những người xuất sắc trong nhân dân, trong đơn vị, trong tổ chức, trong bộ máy nhà nước. Người tự ứng cử còn phải bị sàng lọc qua rất nhiều “quy trình” theo Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Chỉ thị của Đảng, quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia, của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều nữa không kể hết. Những luật, chỉ thị, quyết định này được áp dụng tỉ mỉ, triệt để thể hiện qua ba bước hiệp thương từ xã lên quận, huyện, tỉnh, thành phố và trung ương, trong đó gồm Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Mặt Trận Tổ Quốc.

ĐCSVN sợ người nào đó không lợi cho họ khi vào quốc hội. Họ chỉ mong có các hình nộm đang được trưng bày tủ kính có mặt trong quốc hội bây giờ.

Trong kỳ bầu cử khóa 15 này, số người tự ứng cử là 76 (không kể 2 người bị bắt ngay khi vừa nộp đơn), qua ba vòng hiệp thương chỉ còn 9 người lọt vào danh sách ứng cử viên. 67 người bị loại kia, tội nhẹ thì bởi những ‘đánh giá’ vô lý, chủ quan phản khoa học, hay vướng vào lưới thiên la địa võng của quy trình, trở thành “công dân có “hạnh kiểm kém”, vì thường xuyên vi phạm pháp luật” như Nguyễn Tường Thụy”, mà nặng thì có thể vì các tội dưới đây bị báo Nhân Dân kể ra:

 “..thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tổ chức rất nhiều hoạt động, phương thức rất tinh vi, thâm độc nhằm phá hoại, gây trở ngại và xuyên tạc tính chất dân chủ của cuộc bầu cử. Trong đó, đáng chú ý là trò tự ứng cử của một số người tự nhận hoặc được gắn cho nhãn hiệu là “nhà dân chủ”. Hoặc, “ họ có thể trong phong trào “tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV” của một số “nhà dân chủ” cũng nằm trong toan tính thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc “thực hiện quyền dân chủ”, thể hiện dưới các hình thức gọi là “bất bạo động”, như: “thành lập tổ chức mang danh nghĩa “xã hội dân sự”, hô hào “biểu tình ôn hòa, gửi thư ngỏ góp ý, kêu gọi, đòi hỏi để nhằm “tạo tiền đề hoặc hỗ trợ âm mưu bạo loạn lật đổ khi có cơ hội”,… hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của đảng với quốc hội, nhà nước, chính phủ và xã hội.

Quốc hội thứ 1 khi đảng cộng sản mới cầm quyền, ông Hồ dở trò mị dân, muốn chứng tỏ quốc hội là nơi đoàn kết  dân tộc, ông đã cho phép  tới 43%  người không đảng phái vào làm đại biểu dân. Tới Quốc hội khóa 2 số đại biểu đảng viên ĐCS là 298, đại biểu người ngoài đảng tuột xuống còn 64. Do tính độc tài, đảng trị, đảng gom 3 ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp làm một trong bàn tay sắt, lại thêm tính đa nghi, lo sợ âm mưu lật đổ, đảng hạn chế số người ngoài đảng vào quốc hội càng ít dần, họ gồm những kẻ tròn như nắm bột, sư sãi, cha cố thầy tu quốc doanh ham danh, ham lợi.

Trò khuyến khích “tự ứng cử’ để quảng cáo cho dân chủ giả hiệu của ĐCSVN trở thành trò cười cho mọi người.

Chính phủ hô hào càng nhiều người ra ứng cử càng tốt để có thể đạt được chỉ tiêu là từ 5-10% (25-50) người tự ứng cử lọt vào quốc hội là điều vô lý. Đảng sẽ xoay trở thế nào nếu hàng trăm người tự ứng cử đó đều được lòng dân trúng cử thì sao? Khả năng này hoàn toàn có thể nếu đảng dám cho bầu cử tự do. Để thỏa mãn được hai điều nghịch lý vừa kêu gọi tự ứng cử cho đông, đồng thời giới hạn người vào quốc hội, đảng sẵn sàng chụp mũ tới hơn 98% người tự ứng cử. ĐCSVN làm nhục, bôi nhọ nhân phẩm của hơn 98% người tự ra ứng cử, đảng cũng làm tổn thương cả những người kỳ vọng vào sư thành thật của đảng. Thêm một lần ĐCSVN tự cho mọi người thấy bộ thật của họ.

Theo báo Lao Động Thủ Đô qua ba vòng hiệp thương còn lại 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có nghĩa là họ thuộc thành phần lọt qua quy trình, quy định, luật quốc hội, luật bầu cử và các đánh giá vô lý, thiếu tính khoa học của đảng, hay nói cách khác, họ là những người ưu tú nhất, gồm 9 người tự ứng cử và 647 người được chính quyền địa phương, trung ương giới thiệu, những người xứng đáng nhất trong vai trò dân biểu, đại biểu xuất sắc, hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cử tri giao phó. Tuy nhiên tuyên giáo chính phủ và đám truyền thông báo đài vẫn kêu gào “mỗi cử tri cần ý thức nghiêm túc về vai trò, trách nhiệm công dân để chọn ra các đại biểu xuất sắc, hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cử tri giao phó.” Thật hết sức mâu thuẫn và giống như một trò hề tung hứng lố bịch.

Thiết nghĩ không cần bầu cử, chỉ cần qua ba vòng hiệp thương, đảng chọn lấy 500 người đủ tiêu chuẩn theo ý đảng đưa thẳng vào quốc hội cho gọn, không phải tốn hàng tỷ đồng, lại còn bị mang tiếng tổ chức bầu cử cuội, làm trò cười cho khán giả như khi họ xem anh hề nhát gan tung hứng, đi dây trên sân khấu. 

_________________

Tham khảo: 

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng_tuy%E1%BB%83n_c%E1%BB%AD_Singapore_2020

2. https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/man-kich-tu-ung-cu-cua-mot-so-nha-dan-chu--645969/

3. https://laodongthudo.vn/qua-3-vong-hiep-thuong-so-nguoi-tu-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-giam-67-nguoi-122272.html

ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH VÀ BÁO SẠCH: 'MÓN QUÀ DÂN CHỦ' CHO CUỘC BẦU CỬ

GIÓ BẤC/ Blog RFA/ TD 20-5-2021

Các nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch (từ trái qua): Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Trương Châu Hữu Danh. Nguồn: RFA edit

Không phải vô tình, chỉ còn gần một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân, cơ quan điều tra đã ra kết luận điều tra đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ… Hàng trăm tờ báo đồng loạt đưa kết luận điều tra một chiều như là một bản án chính thức mà không có một lời phản biện. Không tờ báo nào thông tin về việc có hay không có luật sư bào chữa cho các bị can.

Theo lý thuyết ở một xã hội dân chủ, tiến bộ, thì ngày bầu cử là một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại, một ngày vui, ngày hội dân chủ của đất nước.

Răn đe trước ngày bầu cử?

Đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho cuộc bầu cử này. Ứng cử viên được đảng chọn lựa cẩn thận theo tiêu chuẩn của đảng, thẻ cử tri, lý lịch ứng cử viên được in phát đến từng hộ dân. Hàng tháng qua hệ thống tuyên truyền từ báo chí mạng xã hội đến loa phường ồn ào rầm rĩ hàng ngày, ra rả tuyên truyền bầu cử.

Ấy vậy mà còn chưa đến 1 tuần trước ngày lễ ấy, thông tin đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch bùng lên như ngọn lửa lan tràn trên khắp hệ thống báo chí truyền thông, bất giác làm người đọc hoang mang lo lắng. Chừng như trước ngày vui lại có chuyện buồn.

Những bị can là những nhà báo ít nhiều được công chúng quan tâm và “hành vi phạm tội” của họ vốn không xa lạ gì với công chúng. Chuyện BOT bẩn, chuyện giải tỏa đất đai, chuyện tiêu cực ở bệnh viện trường học là những điều nhan nhản hàng ngày, ai cũng đọc, ai cũng thấy. Việc đề nghị truy tố họ trong thời điểm này như có gì đó làm không khí xã hội trước bầu cử trở nên nặng nề.

Phải chăng có sự tình cờ ngẫu nhiên! Do thúc ép của luật lệ về thời hạn của tiến trình tố tụng?

Bản Kết luận điều tra đã xác định là không ngẫu nhiên, “quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 9 văn bản đóng dấu “MẬT”, 1 văn bản “TỐI MẬT” liên quan vụ án Hồ Duy Hải…

Hành vi trên của các bị can có dấu hiệu của tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước”, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự..

Tuy nhiên, do tính phức tạp của tội phạm và đảm bảo kết thúc điều tra đúng thời hạn, Công an TP Cần Thơ đã tách các hành vi này thành vụ án khác để tiếp tục xác minh, khởi tố điều tra, xử lý theo quy định”. (1)

Kết luận như vậy là khiên cưỡng. Vụ án mới được khởi tố điều tra từ cuối tháng 12-2020, đến nay chỉ mới năm tháng mà theo luật thì với vụ án nghiêm trọng sau bốn tháng đầu tiên còn có thể gia hạn thêm hai lần. Với vụ án phức tạp còn có thể điều tra bổ sung. Việc điều tra chưa xong, chưa hết vẫn tung ra kết luận trước ngày bầu cử là có chủ ý, chứ không phải do luật lệ câu thúc.

Không thấy có luật sư!

Một trong những điểm tự hào của đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay là công cuộc cải cách tư pháp được thể hiện qua nhiều điểm mới, tiến bộ của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015, theo đó nguyên tắc suy đoán vô tội được minh định, bị can được hưởng nhiều quyền hơn trước đây.

Một là, quyền “Được biết lý do mình bị khởi tố”. Hai là, quyền được “Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”. Ba là, quyền được “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”. (2)

Trách nhiệm thực hiện các quyền này thuộc về cơ quan tố tụng tuy nhiên để bảo đảm các quyền ấy và những quyền khác nữa thì việc đầu tiên là phải đươc hưởng quyền Tự bào chữa, nhờ người bào chữa tại khoản 2 Điều 60 BLTTHS. Theo luật thì chỉ với nhóm tội phạm về an ninh quốc gia quyền này mới bị hạn chế. Rất tiếc là tội “Lạm dụng quyền tự do dân chủ ….” chỉ thuộc nhóm tội danh vi phạn trật tự trị an nhưng khi đã có kết luận điều tra mà trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng không có thông tin nào cho thấy các bị can có người bào chữa.

Thực tế đáng tiếc này làm công chúng càng thêm ngột ngạt và niềm tin và sự tiến bộ, công minh của nền tư pháp Việt Nam càng mong manh.

Tòa chưa tuyên nhưng án đã hoàn thành

Một nguyên tắc phổ quát trên toàn thế giới là khi án chưa tuyên thì chưa bị xem là có tội. Nhưng trên khắp các mặt báo lề phải ngày 18-5 thông tin một chiều về kết luận điều tra như là tội phạm đã hoàn thành, không hề có ý kiến phản biện chủ quan hay khách quan nào. Điều đáng lo ngại ở đây là qua kết luận điều tra những cáo buộc phạm tội đối với Trương Châu Hữu Danh và các thành viên Báo Sạch chủ yếu và dựa trên lời khai nhận tội và nhận định của cơ quan điều tra.

“Theo kết luận của cơ quan điều tra, nội dung chủ yếu của các thông tin trên “Làm Báo Sạch” và “Báo Sạch” đều thể hiện hoặc mang danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, nhưng thực chất lại là tiêu cực. Bằng các cách thức, từ ngữ, nội dung thông tin được nhóm này đăng tải trên 10 tỉnh, thành trên cả nước, Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ đã phối hợp xác minh và có 4 tỉnh gồm Quảng Ninh, Đắk Nông, Quảng Ngãi và Phú Yên đã trả lời, cho thấy nội dung trên Facebook “Trương Châu Hữu Danh”  (3)

Cách cáo buộc đánh giá này thật đáng quan ngại.

Hành vi của các bị can là viết bài, đưa thông tin về các sự việc nổi cộm của xã hội thời ấy: Giải tỏa sai từ ấp Thới Lai A sang ấp Thới Lai B, một luận văn tiến sĩ bị tố cáo đạo văn, hai vị tiến sĩ bị bắt không đúng trình tự pháp luật, một ông Hiệu Trưởng bị cách chức mà đến Phó Thủ Tướng giải trình trước Quốc Hội cũng phải ậm ừ…

Tất cả những thông tin sự việc được nêu đều là chuyện có thật nhưng cách nêu, nội dung chi tiết của từng bài viết có phải là bịa đặt, lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân hay không là những nhận định chủ quan cần có căn cứ khoa học, quan điểm, phương pháp đánh giá hết sức thận trọng, khách quan đa chiều.

Thiếu tiếng nói, sự tham gia của luật sư, của các hội đoàn độc lập, khách quan phản biện đánh giá chứng cứ của tội phạm là điều hết sức quan ngại.

Việc nêu sự kiện xã hội, quan điểm cá nhân lên mạng xã hội là quyền ngôn luận phổ quát của cá nhân. Nếu quyền này bị xem là tội phạm thì nền dân chủ của xã hội bị bức tử ngay khi mới hoài thai.

Theo thông tin báo chí và cũng theo thông lệ Việt Nam, với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” cáo buộc của Công An cũng chính là bản án. Kết luận điều tra vụ án được đưa ra ngay “đêm trước” cuộc bầu cử phải chăng là thông điệp cho nền dân chủ trong nhiệm kỳ mới?

1- https://www.sggp.org.vn/de-nghi-truy-to-bi-can-truong-chau-huu-danh-va-cac-dong-pham-732820.html

2- http://vksnd.vinhphuc.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/lists/News&ItemID=30752

3- https://tuoitre.vn/huu-danh-va-nhom-bao-sach-dang-thong-tin-sai-lech-o-4-tinh-20210518124944488.htm

TỐN BAO NHIÊU TIỀN ĐỂ BẦU RA MỘT ĐẠI BIỂU DÂN CỬ ?

HỒNG ANH/ LK/ BVN 17/5-2021

Danh sách cử tri được niêm yết tại một khu vực bỏ phiếu thuộc thành phố Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn.

Ngày 23/5 tới đây, sẽ có hơn 300 nghìn người được bầu chọn làm đại biểu, từ Quốc hội đến các hội đồng nhân dân cấp xã. Bạn có thể là một trong những người bầu ra các đại biểu này.

Những tấm áp-phích bầu cử, những lá cờ trang trí, những chiếc thẻ cử tri đều do ngân sách nhà nước chi trả, tức chính là tiền của người dân.

Bạn có biết chính quyền trung ương và các địa phương đã dự toán kinh phí bầu cử như thế nào, và tốn bao nhiêu tiền để bầu ra một đại biểu dân cử?

Địa phương mạnh ai nấy tính, trung ương thắt chặt hầu bao

Theo báo Tuổi Trẻ, các địa phương đã lên dự toán kinh phí cho bầu cử đợt này vào khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức phân bổ kinh phí thực tế trong kỳ bầu cử năm 2016 (khoảng 1.444 tỷ đồng).

Luật Khoa đã kiểm tra các báo cáo dự toán của các địa phương và nhận thấy rằng có tỉnh công bố dự toán kinh phí bầu cử, có tỉnh không. Đối với các tỉnh đã công bố dự toán kinh phí thì số tiền lại chênh lệch nhau đến vài chục tỷ đồng.

Ví dụ như tỉnh Kiên Giang dự toán kinh phí bầu cử lên đến 60 tỷ đồng, tỉnh Bình Phước dự toán 50 tỷ đồng, tỉnh Cà Mau dự toán 40 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long dự toán 20 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang chỉ dự toán 10 tỷ đồng cho kinh phí bầu cử lần này.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo Tuổi Trẻ rằng một số địa phương dự toán kinh phí bầu cử theo gói, chưa có kế hoạch ngân sách chi tiết.

Vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng kinh phí cho kỳ bầu cử năm nay là 1.500 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 40% mức dự toán trước đó, và nhiều hơn 56 tỷ đồng so với kinh phí được phân bổ năm 2016.

Theo đó, tỉnh, thành có kinh phí bầu cử lớn nhất là thành phố Hà Nội với khoảng 86,7 tỷ đồng, tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 83,3 tỷ đồng. Tỉnh được cấp kinh phí bầu cử ít nhất là Ninh Thuận với khoảng 9,87 tỷ đồng.

Dự toán 60 tỷ đồng dành cho bầu cử của tỉnh Kiên Giang bị trung ương rút xuống còn khoảng 27,7 tỷ đồng. Bình Phước được cấp 16,37 tỷ đồng thay cho dự toán kinh phí bầu cử 50 tỷ đồng.

Chi 1.500 tỷ đồng cho cuộc bầu cử là nhiều hay ít?

Để bạn đọc tiện so sánh, trong năm nay, ngân sách trung ương dự định chi viện trợ là 1.600 tỷ đồng, chi bảo vệ môi trường là 2.205 tỷ đồng.

Khoản 1.500 tỷ đồng tương đương hoặc nhiều hơn ngân sách cấp cho nhiều bộ, ngành trong năm 2021. Trong đó có Bộ Xây dựng (1.547 tỷ), Bộ Nội vụ (1.141 tỷ), Bộ Thông tin – Truyền thông (1.332 tỷ).

Khoản tiền này được dùng vào việc gì?

Theo Thông tư 102/2020 của Bộ Tài chính, kinh phí bầu cử được dùng cho các việc chính là tổ chức hội nghị, bồi dưỡng cho nhân sự tham gia tổ chức bầu cử, xây dựng văn bản, công tác thông tin - tuyên truyền và chuẩn bị các vật dụng cần thiết như hòm phiếu, khắc dấu, bảng niêm yết thông tin.

Thông tư này cũng đặt ra định mức cho các khoản chi. Chẳng hạn, thành viên tham gia cuộc họp của hội đồng bầu cử được bồi dưỡng 100.000 đồng/ người/ buổi, người trực tại các buổi tiếp công dân được nhận 80.000 đồng/ người/ buổi, chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được nhận hỗ trợ 2,2 triệu đồng/ tháng, kèm theo 500.000 đồng hỗ trợ cước điện thoại di động.

Tốn bao nhiêu tiền để bầu một đại biểu dân cử?

Hiện nay, vẫn chưa biết chính xác số người sẽ trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau cuộc bầu cử ngày 23/5/2021. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào con số người trúng cử vào năm 2016 để tính toán.

Theo đó, tổng kinh phí bầu cử năm 2016 đã quyết toán là 1.373 tỷ đồng. Số đại biểu Quốc hội được bầu là 496 người. Số đại biểu HĐND các cấp được bầu là 321.395 người, trong đó có 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh và 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện. Tổng cộng có 321.891 đại biểu dân cử được bầu vào năm 2016. Con số này tương đương với dân số quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội vào năm 2017.

Như vậy, tốn khoảng 4,3 triệu đồng để bầu ra một đại biểu dân cử vào năm 2016. Do nhà nước không tách riêng kinh phí bầu đại biểu Quốc hội nên không thể tính chi phí để bầu một đại biểu Quốc hội.

Tổng kinh phí được phê duyệt cho bầu cử lần này là 1.500 tỷ đồng. Giả sử số người trúng cử năm nay tương đương với năm 2016 thì dự kiến cần khoảng 4,7 triệu đồng để bầu ra một đại biểu dân cử.

Tốn bao nhiêu tiền để các đại biểu hoạt động?

Sau khi bầu ra đại biểu, ngân sách cũng sẽ chi trả chi phí hoạt động của các đại biểu này thông qua các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Ngân sách này đến từ nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nguồn ngân sách từ địa phương không được công khai một cách chi tiết, vì thế rất khó để tính được con số tổng chính xác.

Ngân sách dự toán năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp cho các đoàn ĐBQH thì chi tiết hơn. Theo đó, các đoàn ĐBQH sẽ dùng tiền do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp chi cho 10 hoạt động bao gồm: trả lương và phụ cấp, chi phí hành chính dành cho các hoạt động thường xuyên, các khoản ĐBQH được hưởng trực tiếp, chi giám sát, chi tiếp xúc cử tri, chi tiếp công dân, hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật, chi mời chuyên gia, chi phí đặc thù, và kinh phí tổng kết nhiệm kỳ.

Trong đó, khoản chi chiếm tỷ lệ lớn nhất là trả lương và phụ cấp với 33,9 tỷ đồng (18,9%), tiếp theo là chi phí hành chính với 28,4 tỷ đồng (15,8%). Chi phí tiếp xúc cử tri và thuê chuyên gia xấp xỉ nhau, vào khoảng 26 tỷ đồng cho mỗi khoản chi (hơn 14%). Chi phí dành cho việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật là thấp nhất, chỉ vào khoảng 3,9 tỷ đồng (2,2%), tương đương với chi phí tiếp công dân.

Kinh phí tổng kết nhiệm kỳ được tính trên mỗi ĐBQH. Theo đó, tỉnh nào có trên 11 đại biểu thì được tính là 10 triệu đồng mỗi người, còn dưới mức đó thì được tính là 15 triệu đồng mỗi đại biểu.

Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp cho các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố tổng cộng 179.532 triệu đồng (hơn 179 tỷ đồng). Nếu chia cho tổng số đại biểu Quốc hội là khoảng 500 người, thì khoản tiền cấp cho một đại biểu hoạt động là khoảng 359 triệu đồng/ năm.

Đó chỉ là con số chưa đầy đủ.

Các nguồn số liệu chính

· Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về bổ sung kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (đợt 1)

· Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về phê duyệt tổng mức kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và phân bổ kinh phí (đợt 2)

· Tuổi Trẻ Online (25/3/2021). “Dự Toán Kinh Phí Bầu Cử Quốc Hội, HĐND Của Các Địa Phương Tăng 2,6 Lần so Với Phân Bổ Năm 2016.”

· Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Quyết định số 1927 QĐ-BTC)

· Nghị quyết số 1169/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về việc phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2021

· Báo Nhân dân (18/7/2016). Tổng kết công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

H.A.

Nguồn: luatkhoa.org

NẾU TRÚNG CỬ, HỌ SẼ LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÃ HỨA ?

NGUYỄN NAM/ BVN 20-5-2021

(VNTB) – Hiện tại thì các ứng viên hẹn rằng nếu họ trúng cử, họ hứa sẽ thực hiện bằng được các cam kết như… vừa hứa trước đại diện cử tri.

Bà Nguyễn Thị Nga, trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu trên bục hôm tiếp xúc cử tri xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn hồi trung tuần tháng 5-2021, rằng bà đã ghi nhận đầy đủ ý kiến của cử tri và cho rằng các ý kiến mà cử tri nêu lên đều rất xác đáng.

“Cử tri còn quan tâm, ủng hộ thì mới nói lên tiếng nói của mình và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các ứng viên đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ các tâm tư, nguyện vọng của cử tri nên trong thời gian tới, ứng cử viên nào trúng cử sẽ chuyển tải các vấn đề cử tri nêu lên Hội đồng nhân dân Thành phố, đồng thời, tiếp tục đeo bám, đôn đốc, theo dõi để giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của cử tri, cũng như sẽ tiến cử các giải pháp, các kế sách mà cử tri nêu để Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét thực hiện”, bà Nga cam kết.

Cũng theo bà Nga, việc đeo bám, đôn đốc giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của cử tri, người lao động cũng chính là một trong những mục tiêu chính đã được bà đề ra trong chương trình hành động của mình khi ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X.

Thật ra ở đây các đại diện cử tri không hề đưa ra yêu cầu gì ‘đao to búa lớn’ cần phải tới mức phải ‘đeo bám, đôn đốc’, mà đó là những việc hoàn toàn là phần việc đương nhiên của nhà chức trách, như quy hoạch đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân và thái độ ứng xử của đội ngũ nhân viên y tế…

Tất cả những yêu cầu của cử tri đều nằm trong điều chỉnh của luật pháp tương ứng, như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám chữa bệnh, Luật Viên chức, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…

Nếu như với hành lang pháp luật khá chặt chẽ đến như vậy mà trong thực thi phải cần đến sự ‘đeo bám’, ‘đôn đốc’ hóa ra khác nào đúng như nhận xét lúc sinh tiền của bà luật sư Ngô Bá Thành, “Ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng” – ý bà muốn nói về sự phức tạp và tính tuân thủ kém của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bà Ngô Bá Thành (1931 – 2004) tốt nghiệp tiến sĩ luật Đại học Paris và Barcelona; phó tiến sĩ luật đối chiếu Đại học Columbia, New York; phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, X…

Nhận xét với kiểu chơi chữ về ‘rừng luật – luật rừng’ của bà Ngô Bá Thành coi như là đúc kết ngắn gọn, dễ hiểu nhất về thời gian mà bà hoạt động trên chính trường.

Bà Ngô Bá Thành đã rất đúng khi ai cũng thấy ghi rành rành trong Hiến pháp 2013 là “Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, ghi tại Điều 4.2, nhưng mãi đến nay trách nhiệm ấy cụ thể ra sao thì không ai rõ. Bởi, một nền luật pháp mà quan tòa khi xét xử phải nói “tôi chịu nhiều áp lực”, thì đó là một nền luật pháp không minh bạch.

Một nền luật pháp mà người dân luôn nơm nớp lo sợ không biết mình đang làm đúng hay sai là một nền luật pháp yếu kém. Thay đổi điều đó không quá khó, nhưng cần tâm và tầm – nói theo Điều 4, Hiến pháp, điều đó tùy thuộc người đứng đầu Đảng.

Liệu có ông, bà nghị nào dám hứa với cử tri là sẽ ‘đeo bám’ để Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm đúng như những gì ghi ở Hiến pháp?

N.N.

VNTB gửi BVN

TRẢ LẠI DÂN QUYỀN LÀM CHỦ ĐẤT NƯỚC
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 22-5-2021

1.  Đảng tước đoạt quyền dân, biến người dân thành rô bốt bỏ phiếu bầu ra đảng hội

Quyền làm chủ đất nước của người Dân chính là quyền tự do ứng cử và bầu cử. Hiền tài trong Dân được tự do ứng cử và người Dân được tự do phát hiện, đề cử và bầu chọn hiền tài của Dân vào các cơ quan đại biểu của Dân là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Chỉ khi người Dân được thực sự tự do ứng cử và bầu cử thì Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân mới thực sự có những hiền tài của Dân, mới thực sự và xứng đáng đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của Dân. Cũng chỉ khi đó các chức danh lãnh đạo, quản lí nhà nước do đại biểu đích thực và xứng đáng của Dân trong Quốc hội bầu ra mới thực sự tiêu biểu cho tầm vóc và khí phách của cả dân tộc.

Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được hình thành từ lá phiếu bầu cử tự do, dân chủ của Dân mới thực sự chính danh là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được Dân trao quyền. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đó mới thực sự của Dân, do Dân, vì Dân, mới thực sự có tâm nguyện là công bộc của Dân, dốc lòng phục vụ Dân, mang ý chí và nguyện vọng của Dân trong quản trị đất nước và điều hành đời sống xã hội.

Trong xã hội độc tài cộng sản, đại biểu Quốc hội và đại biểu mọi Hội đồng Nhân dân đều do “đảng cử, dân bầu”. Thật mỉa mai và cay đắng cho quyền Dân trong xã hội cộng sản là: Ai ra ứng cử các cơ quan Dân cử đều do đảng chọn. Đàng sắp xếp cả đội hình ứng cử ở các điểm bỏ phiếu để người của đảng được sắp xếp vào cơ quan Dân cử đều chắc chắn trúng cử bằng cách trong đội hình ứng cử, bên cạnh quan chức lừng lẫy tiếng tăm và chức quyền của đảng như những quả pháo đùng, đảng độn vào vài cái tên dân thường chẳng ai biết đến như những quả pháo lép. Tất nhiên những quả pháo đùng mới thu hút được mọi người. Những quan chức lừng lẫy tiếng tăm và chức quyền của đảng, những quả pháo đùng sẽ bội thu phiếu bầu. Những quả pháo lép chẳng ai biết đến chỉ là quả pháo giả, pháo độn cho băng pháo hoành tráng, chỉ là vật trang trí cho màn diễn dân chủ của đảng mà thôi.

Người Dân đi bầu theo danh sách đảng cử chỉ là những robot, những người máy thực hiện những thao tác đã được đảng lập trình cài đặt. Một thứ bầu cử thể hiện sự ngạo ngược ngang nhiên cướp quyền Dân của đảng cộng sản.

Còn gì hài hước, lố bịch hơn khi từ tháng Hai 2021 đại hội đảng đã chia chác, sắp đặt xong những chiếc ghế lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cho năm năm sắp tới 2021 - 2026. Người Dân cả nước đã biết rõ tên ông chủ, bà chủ những chiếc ghế quyền lực ở Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của giai đoạn 2021 – 2026 từ tháng hai, 2021. Vậy mà đến tháng Ba 2021, Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ vẫn trơ tráo diễn trò hình thức bỏ phiếu bầu cho những người đã được đảng đặt vào những chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ khoá sau 2021 - 2026. Và tháng Năm 2021 người Dân mới đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá 2021 – 2026!

Nền văn minh công nghiệp đã giải phóng cá nhân, mỗi cá nhân có mặt trong cuộc đời đã là một chủ thể làm chủ đời mình, đã là một Công Dân làm chủ xã hội, làm chủ đất nước mình. Dân chủ đã là giá trị đương nhiên của xã hội loài người. Dân chủ là không gian, là khí trời của tự do. Không có không gian, khí trời dân chủ thì không có tự do. Trong nhà nước độc tài cộng sản không có dân chủ, không có khí trời của tự do, người dân Việt Nam không có quyền con Người để làm chủ cuộc đời mình, không có quyền Công Dân để làm chủ đất nước mình.

Đảng tiếm quyền Dân, không cần Dân, đảng tự thụ tinh trong ống nghiệm sinh đẻ ra Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đảng đã điều hành, sai khiến từ cơ quan Nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ. Đảng không coi Dân là những con Người có tư duy, có chính kiến cá nhân, có tư cách công dân làm chủ đất nước. Đảng coi Dân chỉ là bầy cừu để đảng chăn dắt, chỉ là những con rối do đảng giật dây, chỉ là những người máy do đảng bấm nút.

Vậy mà cả tháng nay, điện thoại cá nhân của từng người Dân Việt Nam ngày nào cũng phải nhận những tin nhắn từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia như giễu cợt, như khoét vào nỗi đau mất quyền Dân của người Dân: Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khoá XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 – 2026. Đảng đã chọn người của đảng đưa vào Quốc hội rồi, đâu đến lượt Dân lựa chọn. Ý chí, nguyện vọng của Dân đâu có chỗ trong Quốc hội của đảng. Những tin nhắn sáng suốt lựa chọn chỉ là trò hề lố bịch, là sự khinh bỉ, coi thường người Dân đến tận cùng!

Còn gì coi thường Dân hơn, khinh bỉ Dân hơn khi đảng chỉ có năm triệu đảng viên trong khi Dân có một trăm triệu Công Dân. Chỉ chiếm năm phần trăm dân số nhưng đảng đã chiếm chín mươi nhăm phần trăm ghế trong Quốc hội. Còn gì mỉa mai hơn khi cơ quan đại biểu cao nhất của Dân mà đảng cho Dân chỉ được có 25 đến 50 đại biểu, chỉ có 25 đến 50 người không phải đảng viên cộng sản trong số 450 đến 475 ông, bà nghị sĩ đảng viên cộng sản. Đảng chiếm Quốc hội của Dân để mở tiệm bán thịt chó nhưng đảng lại treo đầu dê: Cơ quan đại biểu cao nhất của Dân!

Ý thức được quyền Công dân, ý thức được trách nhiệm Công dân đối với sự hưng vong của đất nước, người Dân tự ứng cử vào Quốc hội, mang tấm lòng và trí tuệ đóng góp cho Dân cho nước thì nhà nước độc tài cộng sản liền vu cho người Dân có ý thức trách nhiệm Công Dân, dám giành lại quyền Công dân của mình là thế lực thù địch.

Cả bộ máy chuyên chính vô sản khổng lồ và tàn bạo của đảng liền được vận hành loại bỏ người Dân tự ứng cử bằng cách tạo ra tội mơ hồ, biến người Dân lương thiện thành tội phạm hình sự, bị cách ly khỏi xã hội, cách ly khỏi màn diễn “đảng cử Dân bầu”. Công dân Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình, Công dân Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội được vài ngày thì công an xông vào nhà còng tay bắt đi với tội danh mơ hồ của điều 117 bộ luật Hình sự, điều luật có biên độ mở rộng đến vô tận trong việc xác định tội phạm để công an và toà án tuỳ tiện buộc tội người Dân có chính kiến khác với chính kiến của đảng: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Còn báo đảng thì trở thành viện Kiểm sát viết cáo trạng vu tội người Dân ý thức được quyền Công Dân tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội: “Thực tế cho thấy, để tạo tiền đề hoặc hỗ trợ âm mưu bạo loạn lật đổ khi có cơ hội, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc “thực hiện quyền dân chủ”, thể hiện dưới các hình thức gọi là “bất bạo động”, như: thành lập tổ chức mang danh nghĩa “xã hội dân sự”, hô hào “biểu tình ôn hòa”, gửi thư ngỏ “góp ý, kêu gọi, đòi hỏi”… Gần đây, phong trào “tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV” của một số “nhà dân chủ” cũng nằm trong toan tính đó nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và xã hội”. (Bài Màn Kịch “Tự Ứng Cử” Của Một Số “Nhà Dân Chủ” trên báo Nhân Dân, thứ  Sáu 14.5.2021)

2.  Quốc hội đảng cử dân bầu hai lần không chính danh

2.1.  Quốc hội chỉ thực sự chính danh khi người Dân được tự do ứng cử và bầu cử, hiền tài trong Dân được người Dân phát hiện và bầu chọn vào Quốc hội. Thực sự là nơi hội tụ những Công Dân ưu tú, đại biểu cho phẩm giá, khí phách và quyền lợi chính đáng của Dân, của nước, chỉ khi đó Quốc hội mới có chính danh.

Đảng viên cộng sản chỉ chiếm năm phần trăm dân số nhưng chiếm tới chín mươi nhăm phần trăm đại biểu Quốc hội. Đảng viên cộng sản tràn ngập trong Quốc hội, chiếm tất cả mọi vị trí lãnh đạo Quốc hội, chi phối mọi hoạt động Quốc hội, nắm vai trò chủ đạo, chỉ huy cao nhất trong mọi quyết định của Quốc hội. Đó là Quốc hội của đảng, không phải Quốc hội của nước, càng không phải Quốc hội của Dân.

Vì là Quốc hội của đảng, chỉ biết cúc cung phục vụ đảng, bảo vệ quyền lợi đảng, vâng dạ thực hiện ý chí, mệnh lệnh của đảng, không biết đến ý chí, nguyện vọng của Dân. Quốc hội của đảng đã làm ra Hiến pháp hợp thức hoá việc cướp quyền Dân của đảng bằng điều 4. Không cần lá phiếu bầu chọn của người Dân, như kiếp nạn, như tai ương, đảng cộng sản dù tham nhũng, dù phản Dân hại nước, dù có tội với Dân với nước khủng khiếp đến đâu, dù kìm hãm sự phát triển của đất nước nặng nề thế nào cũng nghiễm nhiên là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. (Điều 4 Hiến pháp 2013).

Không phải Quốc hội của Dân, theo lệnh đảng, Quốc hội làm luật đất đai, biến tài sản thiêng liêng nhất của người Dân là mảnh đất sống thành sở hữu toàn dân, thành tài sản vô chủ do các quan tham nhũng của đảng quản lý. Đất của Dân thành sở hữu toàn dân, thành vô chủ, quan tham cộng sản mặc sức cướp đất vô chủ bán cho tư bản hoang dã. Hàng triệu Dân mất mảnh đất sống, vật vã kêu oan từ thế hệ này sang thế hệ khác, thảm thiết đòi đất từ thế kỷ hai mươi sang thế kỷ hai mươi mốt, Quốc hội của đảng vẫn câm lặng, lạnh lùng vô cảm.

Không phải Quốc hội của Dân, theo lệnh đảng, Quốc hội đưa vào bộ luật Hình sự điều 117, điều 331 hình sự hoá, tội phạm hoá những người Dân có tư tưởng, chính kiến riêng, không cùng tư tưởng, chính kiến với chính quyền lại dám công khai phát tán tư tưởng chính kiến riêng trong dư luận.

Nhà triết học người Pháp Blaise Pascal (1623 – 1662) thời Phục Hưng định nghĩa về con Người: “Con người là cây sậy biết tư duy”. Đã là con Người phải có tư duy, có tư tưởng, có chính kiến. Mỗi người một tầm nhận thức, một độ sáng trí tuệ nên tư tưởng chính kiến cũng mỗi người một vẻ, không ai giống ai, Hình sự hoá sự khác biệt tư tưởng chính kiến, buộc người Dân phải răm rắp phục tùng, chấp nhận, tư duy theo khuôn mẫu của chính quyền là xoá bỏ cá nhân, không đếm xỉa đến quyền con người, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của người Dân, là sự man rợ Trung cổ. Quốc hội làm luật man rợ Trung cổ xoá bỏ cá nhân, xoá bỏ quyền con người của người Dân mà là đại biểu cao nhất của Dân ư?

Đảng chiếm lĩnh Quốc hội của Dân, biến Quốc hội thành đảng hội, thành công cụ của đảng để cai trị Dân thì Quốc hội đó không thể đại biểu cho Dân. Điều 1, luật Tổ chức Quốc hội 2014 khẳng định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân”. Như trên đã chứng minh, Quốc hội hiện nay chỉ đại biểu cho đảng, không đại biểu cho Dân, Quốc hội đó không thể có chính danh.

2.2. Một đảng chính trị chỉ cần được pháp luật công nhận là đã có đủ tư cách hợp pháp để có mặt trong đời sống xã hội. Nhưng để trở thành đảng cầm quyền chính danh thì không thể chỉ như vậy. Trong kỷ nguyên văn minh công nghiệp, người Dân đã trở thành chủ thể của đất nước. Đảng chính trị hợp pháp phải được người Dân trao quyền bằng lá phiếu và chỉ khi đảng chính trị nhận được trên năm mươi phần trăm phiếu bầu chọn của người Dân mới trở thành đảng cầm quyền hợp pháp và chính danh, mới được Dân trao quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Đảng cộng sản cướp chính quyền của Chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Cướp được chính quyền bằng sức mạnh quần chúng cách mạng của đảng rồi đảng cứ ngang nhiên tự cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, như các hoàng đế thời phong kiến tự huyễn hoặc cho mình là con Trời được đấng tạo hoá giao cho cương vực lãnh thổ làm của cái và giao cho trăm họ làm thần Dân để sử dụng và khai thác sức Dân, khai thác máu Dân.

Từ năm 1945 đến nay, năm 2021, trải bao thử thách sống còn. Lúc khó khăn, đảng tìm đến Dân, xin Dân cơm ăn, áo mặc, nhờ Dân cưu mang che chở, cứu mạng. Nhiều người Dân đã nhận lấy cái chết để bảo vệ sự sống cho đảng. Dân nhịn đói dành cơm gạo nuôi đảng. Qua đận gian nan đến lúc chính quyền của đảng vững mạnh trên cả nước, Quốc hội của đảng liền làm ra luật để đảng tham nhũng. Điều 4 Hiến pháp tạo cho đảng tham nhũng quyền Dân. Điều 4 luật Đất đai “Đất đai là sở hữu toàn Dân”  tạo cơ sở pháp lý cho đảng tham nhũng tài sản Dân. Cúc cung vì đảng, Quốc hội quá nhẫn tâm với Dân.

Nhẫn tâm và lì lợm hơn cả là suốt bảy mươi sáu năm đảng cộng sản cầm quyền, Quốc hội của đảng chưa một lần cúi xuống thành thật nhìn vào mặt Dân hỏi xem Dân có chấp nhận sự cầm quyền của đảng hay không. Bảy mươi sáu năm đảng cộng sản liên tục cầm quyền, chưa một lần Dân bỏ phiếu công nhận sự cầm quyền của đảng cộng sản. Chưa một lần bằng lá phiếu Dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho đảng cộng sản.

Chưa một lần được Dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, suốt bảy mươi sáu năm, đảng cộng sản cầm quyền không chính danh. Đảng cầm quyền không chính danh thì Quốc hội do đảng không chính danh tạo dựng lên bẳng đảng cử Dân bầu cũng không chính danh. Quốc hội không chính danh thì những chức danh lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ do Quốc hội không chính danh bầu bán và phê chuẩn cũng không chính danh.

3.  Không là robot

Ông đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng luôn hào hứng véo von một điệp khúc: Chưa có bao giờ đất nước ta phát triển rực rỡ như hôm nay. Thưa ông đảng trưởng cộng sản đang hôn mê vì ngộ độc học thuyết cộng sản độc hại rằng, màn tổ chức bầu cử Quốc hội của một quốc gia chính là chiếc đồng hồ hiển thị mức độ văn minh phát triển của quốc gia đó. Đồng hồ hiển thị sự phát triển của xã hội Việt Nam qua tổ chức bầu cử Quốc hội cho thấy trình độ phát triển của xã hội Việt Nam còn thua xa cả nước nông  nghiệp lạc hậu Myanmar.

Myanmar suốt mấy chục năm dưới chế độ độc tài quân sự vẫn có đa đảng trên chính trường, vẫn có đa đảng tranh đua bình đẳng giành lấy đa số ghế trong Quốc hội để trở thành đảng cầm quyền. Độc tài quân sự dùng nòng súng quân đội cướp chính quyền của đảng thắng cử liền bị người Dân cả nước ầm ầm biểu tình như thác đổ, như bão giông phản đối. Chính trường có đa đảng và người Dân được quyền tham gia vào chính trường, được lo toan việc nước bằng lá phiếu và bằng biểu tình là hiển thị trình độ phát triển xã hội khá cao, là bằng chứng người Dân đã trở thành chủ thể của đất nước. Chỉ đến văn minh công nghiệp, người Dân mới có vị thế chủ thể của đất nước, chủ thể trong xã hội.

Chỉ có độc đảng mới có đảng cử Dân bầu. Hoàn toàn không có tranh đua cần thiết, bình đẳng của các đảng chính trị, như thị trường không có cạnh tranh trong luật pháp của các mặt hàng cho người Dân có quyền lựa chọn. Chỉ có một mặt hàng độc quyền dù hàng xấu, giá đắt thế nào người Dân cũng phải nhắm mắt chấp nhận.

Đảng cử Dân bầu tạo ra sự bình yên phẳng lặng trong đời sống chính trị nhưng đó là sự bình yên phẳng lặng của đêm dài Trung cổ. Đêm dài Trung cổ phong kiến, người Dân là nông nô của lãnh chúa phong kiến. Đêm dài Trung cổ cộng sản, người Dân là nô lệ của đảng cộng sản. Nông nô và nô lệ đều không có quyền con Người làm chủ cuộc đời mình, không có quyền Công Dân làm chủ đất nước mình. Đó chính là sự tăm tối Trung cổ.

Độc tài quân sự Myanmar và độc tài cộng sản Việt Nam cho thấy độc tài cộng sản còn tệ hại, khủng khiếp hơn cả độc tài quân sự.

Loài Người đã đi qua văn minh công nghiệp và đặt chân vào văn minh tin học. Không lẽ người Dân Việt Nam cứ cam phận trong bóng đêm Trung cổ độc tài cộng sản? Không lẽ người Dân Việt Nam cứ hồn nhiên làm robot thực hiện thao tác bỏ phiếu bầu cử theo lập trình của đảng cộng sản? Dù bé nhỏ, mảnh mai như cây sậy nhưng con Người là cây sậy có tư duy, có tư tưởng, có cá nhân, có danh dự, phẩm giá con Người. Danh dự và phẩm giá Người không thể là robot làm thao tác bầu cử theo lập trình cài đặt của người khác.

Loài Người đã bỏ lại đêm tối Trung cổ từ nhiều thế kỷ trước. Đảng cộng sản cầm quyền không thể duy trì mãi sự cai trị Trung cổ tước đoạt quyền con Người, quyền Công Dân của Người Dân. Ông đảng trưởng hôn mê học thuyết cộng sản độc hại luôn hốt hoảng lo sợ đảng của ông tự diễn biến, tự chuyển hoá. Một lần nữa phải thưa ông rằng sự sống là sự tự vận động tự diễn biến, tự chuyển hoá không ngừng để phát triển. Không tự diễn biến, tự chuyển hoá sẽ bị đào thải như Liên bang Xô viết và các nước cộng sản Đông Âu ù lì không theo kịp sự vận động của cuộc sống, của xã hội đã bị đào thải.

Để tồn tại, đảng cộng sản của ông cần tự diễn biến, tự chuyển hoá đến văn minh, trả lại Dân quyền làm chủ đất nước.

Phạm Đình Trọng

Tác giả gửi BVN

TOKENISM- CHỦ NGHĨA PHÊN DẬU
NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 23-5-2021

Quốc hội nói rằng họ sẽ 'phấn đấu' để có 25-50 người ngoài đảng là đại biểu [1]. Có thể nói rằng đây là một chủ trương mang màu sắc – nói theo tiếng Anh là – tokenism, và tôi tạm dịch là 'chủ nghĩa phên dậu'.

Chủ nghĩa phên dậu

Tokenism là gì? Chữ này có nguồn gốc từ chữ 'token', có nghĩa là chiếu lệ, hình thức. Về nghĩa bóng, có thể xem token như là cái phên, một loại vải hay tre nứa ở dưới quê được dùng vừa để chắn gió mưa vừa làm đẹp căn nhà. Do đó, tôi nghĩ chữ 'tokenism' có thể dịch sang tiếng Việt là 'Chủ nghĩa phên dậu'. Có thể 'chủ nghĩa' sang quá, thì hạ xuống thành 'chủ trương' cũng được: chủ trương phên dậu.

Chủ trương phên dậu càng ngày càng phổ biến trong thời đại gọi là đa dạng hóa và chống nạn kỳ thị. Đa dạng hóa nhân sự là một nỗi khổ tâm của những người ở vị trí lãnh đạo trong thời đại mới. Người ta muốn guồng máy lãnh đạo có đại diện của nhiều thành phần xã hội như giới tính, tuổi tác, tôn giáo, giai tầng kinh tế, v.v. Nhiều tổ chức có chủ trương đa dạng hóa cơ cấu lãnh đạo, nhưng vì cách người ta thực hiện có vẻ hời hợt, hình thức, và chủ yếu là làm cho có để tránh bị phê phán.

Cách đây mấy năm, ông John McCain chọn bà Sarah Palin đứng trong liên danh tranh cử tổng thống Mỹ. Vậy là giới quan sát thời sự suy đoán rằng cách lựa chọn đó là một loại phên dậu hay token mà thôi, bởi vì theo họ, bà Palin không có kinh nghiệm lãnh đạo cấp quốc tế hay quốc gia. Bà ấy, người ta suy đoán, được ông McCain chọn chỉ vì bà là phụ nữ.

Tương tự, việc ông Biden chọn bà Kamala Harris cũng được giới bảo thủ xem là một trò phên dậu mà thôi, vì bà này là người da màu. Dĩ nhiên, đó là cái nhìn của phe bảo thủ, nhưng phe Dân Chủ thì nghĩ bà ấy hoàn toàn đủ tư cách làm phó cho Biden.

Chủ trương phên dậu không chỉ có trong chánh trị, mà còn hiện diện trong hầu hết các hoạt động xã hội và cả khoa học. Để đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ khoa học, nguời chủ trì dự án nghiên cứu phải tìm đồng nghiệp nữ giới, đồng nghiệp sắc tộc thiểu số, đồng nghiệp trẻ tuổi làm đồng chủ trì dự án nghiên cứu, dù những người này hoàn toàn chỉ có tên chớ trong thực tế không làm gì nhiều. Người điều hành dự án vẫn là kẻ đứng đằng sau.

Có nhiều bài báo khoa học trong ngành y có nhiều tác giả, nhưng các tác giả này chỉ là phên dậu, vì người thật sự viết bài báo và người thực hiện nghiên cứu không có tên trong bài báo. Họ là những kẻ đứng sau giật dây nghiên cứu, và họ trả tiền cho các tác giả phên dậu để tỏ ra ... khoa học.

Tương tự, để không bị chỉ trích là kỳ thị, các đại học phải tìm cách trao giải thưởng cho nữ giới, dù những người này không hẳn đáp ứng tiêu chuẩn được giải. Đó là chủ nghĩa tokenism.

Do đó, chủ nghĩa phên dậu được định nghĩa là những nỗ lực mang tính chiếu lệ và hình thức để tạo nên một sự cởi mở, bình đẳng và đại diện giả tạo, nhưng chỉ nhằm xoa dịu phản ứng tiêu cực của các nhóm thiểu số.

Cái định nghĩa đó khá phù hợp với việc mấy người trong Quốc hội tuyên bố là sẽ phấn đầu có 25 - 50 đại biểu ngoài đảng trong Quốc hội khóa 2021 - 2026.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và văn bản cho biết 'Phấn đấu 25 50 đại biểu Quốc hội khóa 15 là người ngoài Đảng Lê Hiệp lehiepthanhnien@gmail.com Like 331 Share f z Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu Quố‘c hội khóa 15 tại phiên họp 53 vào 22.2 tới. Theo dự kiến trưá»›c đó, Quố‘c hội khóa 15 phấn đấu có 25 50 đại biểu Quố‘c hội là người ngoài Đảng. 16:53 05/02/2021 00 THANH NIÊN ONLINE 021 Chủ tịch Quố‘c hội khóa 14 Nguyán Thị‹ Kim Ngân phát biểu ẢNH HÂN hội ngh»'

Ai cũng biết Quốc hội Việt Nam ngày nay chỉ là một tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, không ngạc nhiên khi tuyệt đại đa số đại biểu là đảng viên, là người của đảng.

Nhưng đảng viên chỉ là thiểu số trong cộng đồng dân tộc. Theo thống kê năm 2019 thì đảng CSVN có 5,2 triệu đảng viên [2]. Chúng ta có thể ước tính rằng năm 2021, Việt Nam có 5,4 triệu đảng viên đảng CSVN, tức chiếm tỉ trọng 5,4% tổng dân số. Tuy chiếm chỉ 5,4% tổng dân số, nhưng trong Quốc hội, tỷ trọng đảng viên lên đến 96%. Đó là một sự bất xứng. Sự bất xứng này làm cho QH khó có thể đại diện tiếng nói của người ngoài đảng – hay có thể gọi cho dễ hiểu là 'thường dân'.

Có lẽ sự hiện diện mang tính áp đảo của đảng viên trong Quốc hội làm cho mấy người lãnh đạo cảm thấy không thoải mái. Cũng có thể chính vì sự kém thoải mái này mà họ cần những người ngoài đảng có mặt trong Quốc hội. Nhưng cho dù có tăng con số người ngoài đảng lên 50 (tức chỉ chừng 10% đại biểu) thì nó vẫn không thể nào thể hiện tiếng nói của thường dân. Thành ra, có thể nói rằng những người ngoài đảng trong QH cũng giống như là 'phên dậu'.

Phên dậu không phải là dung nạp

Một tổ chức lý tưởng phải mang tính 'dung nạp' (inclusiveness) và đa dạng.

Tính dung nạp ở đây tôi hiểu theo nghĩa tổ chức đó chào đón mọi người với những chánh kiến và ý tưởng khác nhau. Anh có thể không theo và không tin chủ nghĩa tư bản, nhưng tổ chức vẫn tôn trọng chánh kiến anh và chào đón anh như là thành viên của tổ chức, và anh có cơ hội để bày tỏ chánh kiến.

Còn đa dạng (diversity) ở đây được hiểu theo nghĩa công nhận những tánh đặc thù và khác biệt. Chị có thể có niềm tin tôn giáo khác với cái nhìn của chủ nghĩa xã hội, hay chị không tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng chị vẫn được chấp nhận và tôn trọng trong tổ chức.

Nhưng lý tưởng dung nạp và đa dạng đó thường hay bị các tổ chức lạm dụng bằng chủ trương phên dậu. Cái phên dậu có thể làm cho căn nhà trang nhã hơn một chút xíu, nhưng nó không làm cho căn nhà bền vững hơn. Tương tự, chủ nghĩa phên dậu chỉ là cái bình phông che đậy tính thiếu dung nạp và đa dạng của tổ chức.

Do đó, chủ nghĩa phên dậu thường phản tác dụng. Ở Mỹ, theo một giáo sư về khoa học báo chí, nhiều tờ báo lớn cố gắng tìm các ký giả người da đen, và họ đã thành công nâng cao tỷ trọng da màu trong đội ký giả. Nhưng họ thất bại về lâu dài, bởi vì những ký giả da màu đó bỏ việc. Lý do là tài năng của họ không được ghi nhận. Hậu quả là sự nâng cao tỷ trọng da màu chỉ là hình thức, chớ nó không thay đổi cái bản chất của văn hóa phân biệt. Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng việc tăng tỷ trọng người ngoài đảng trong QH cũng không thể nào làm thay đổi bản chất của QH là một tổ chức của đảng.

Bình đẳng và đại diện

Bình đẳng và đại diện là lý tưởng. Nhưng chủ nghĩa phên dậu không thể đem lại bình đẳng, cũng không nâng cao tính đại diện. Với 50 thường dân ngoài đảng trong QH thì làm sao mang tính đại diện được. Chúng ta có thể nhìn qua những con số thực tế để thấy xu hướng:

* Năm 2011, QH có 500 người, trong số này, số người ngoài đảng là 42 người (8,4%).

* Năm 2019, QH bầu được 483 người, số người ngoài đảng là 19 (3,9%).

* Nay QH nói sẽ 'phấn đấu' để có 25-50 người ngoài đảng, tức là 2,5 đến 5% tổng số người.

Như vậy là so với 2011, tính đại diện trong QH đang có xu hướng đi ... thụt lùi. Đó là chưa nói đến vai trò của những người phên dậu trong QH là gì. Đa số những người ngoài đảng, do cơ chế, khó có thể giữ các vai trò lãnh đạo. Và, nếu không ở vai trò lãnh đạo thì tiếng nói của họ cũng không có trọng lượng đáng kể, hoặc không có tác động đáng kể. Ông Dương Trung Quốc là một ca tiêu biểu của người ngoài đảng đóng vai phên dậu.

Tóm lại, sự hiện diện khiêm tốn của người ngoài đảng không làm tăng tính đa dạng, bởi vì đa dạng chỉ đạt được khi các thành phần xã hội có cơ hội bày tỏ ý tưởng và quan điểm trong QH. Sự hiện diện của họ cũng không mang tính dung nạp bởi vì dung nạp chỉ đạt được khi người ngoài đảng được chào đón và trân trọng một cách thành tâm. Thành ra, dù là 20, 30, 50, hay thậm chí 100 người ngoài đảng trong QH thì con số đó chỉ là con số phên dậu.

Những con số phên dậu đó chỉ làm đẹp bản báo cáo hành chánh, nhưng không nói lên tính dung nạp và tính đa dạng, càng không phản ảnh tính bình đẳng và tính đại diện của QH. Theo tôi, QH không nên đề ra chỉ tiêu bao nhiêu đại biểu ngoài đảng làm gì cho mất thì giờ mà còn gây tranh cãi. Hãy cứ để cho người ta tranh cử, và quy luật chọn lọc xã hội sẽ chọn người tài giỏi nhứt và xứng đáng nhứt cho QH.

____

[1] https://vnexpress.net/phan-dau-25-den-50-dai-bieu-quoc...

[2] https://plo.vn/.../dang-cong-san-viet-nam-hien-co-52...

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét