Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

20210526. ĐÁNH GIÁ BƯỚC ĐẦU BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

TỔNG BÍ THƯ: ĐẤT NƯỚC SẼ BƯỚC VÀO GIA ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI
TTXVN/ GDVN 23-5-2021

Sáng 23/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã đến khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí tại Khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

- Kính thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong ngày hội non sông hôm nay, trên mọi miền đất nước, cử tri đi bỏ phiếu bầu ra các cơ quan dân cử. Xin Tổng Bí thư cho biết cảm xúc lúc này và có thông điệp gì muốn gửi tới cử tri cả nước?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi và xúc động được cùng với cử tri Thủ đô Hà Nội và cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, tham gia Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tôi được biết, cuộc bầu cử Quốc hội lần này là lần thứ 15, diễn ra khi đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm giành được độc lập, 14 kỳ bầu cử Quốc hội, 35 năm đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2021 và đang bước vào giai đoạn mới, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới.

Đặc biệt, là diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và chúng ta đã tổ chức rất thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp, đang triển khai thực hiện các nghị quyết, đưa các nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự là của dân, do dân và vì dân; đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tôi tin tưởng, với ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử lần này, đất nước ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, ngày càng tốt đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, và nhân dân cả nước.

Với gần 70 triệu lá phiếu của cử tri để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố; hơn 2 vạn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; hơn 24 vạn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thì đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tôi rất cảm ơn đồng bào và cử tri cả nước trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, đã rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; luôn cổ vũ, động viên, khích lệ các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng với các cơ quan dân cử, đóng góp cho việc hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt, trong 3-4 tháng gần đây, mặc dù phải đối phó với dịch COVID-19 đồng thời bảo đảm sản xuất kinh doanh, công tác, cử tri vẫn tham gia rất tích cực và có trách nhiệm vào việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này, như: Giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp xúc cử tri, đề xuất các kiến nghị hoặc góp ý kiến cho các ứng cử viên ở Trung ương và địa phương...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tôi tin rằng, với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí sắt đá và lòng yêu nước thiết tha của nhân dân ta, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mỗi công dân đã xác định được quyền và nghĩa vụ của mình, bà con sẽ đi bầu đông đủ, sáng suốt chọn lựa những đại biểu xứng đáng nhất trong những người ứng cử để chọn đúng người, bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tránh bầu nhầm, bầu lẫn.

Tôi tin chắc rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp; tạo không khí thật sự là ngày hội của toàn dân - Ngày hội lớn của dân tộc ta, của non sông đất nước ta.

- Thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Theo Tổng Bí thư, mỗi đại biểu dân cử cần phải làm gì để tiếp tục phát huy tiềm lực, cơ đồ của đất nước và mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả này?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cũng như mọi đại biểu cử tri cả nước, tôi mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Nói cách khác, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra hôm nay, thay mặt cho nhân dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội; “Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc" như Bác Hồ đã dạy.

Tôi tin là mỗi đại biểu được bầu hôm nay cũng nghĩ như vậy, nhận thức sâu sắc như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó.

- Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư!

Theo TTXVN

ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: THẤY GÌ QUA CÁC CON SỐ ?

NGUYỄN SĨ DŨNG/ TT 23-5-2021

 TTCT - Trong khi thông tin về từng ứng cử viên có thể sẽ phải tìm hiểu thêm qua các cuộc tiếp xúc và qua tiểu sử, thì thông tin về thành phần, cơ cấu của các ứng cử viên đã được công bố khá chi tiết và đầy đủ. Và các con số được công bố cũng nói lên khá nhiều điều thú vị.

Dán niêm phong các thùng phiếu trước khi lên tàu ra nhà giàn DK1, để toàn thể người lính hải quân đóng chân trên nhà giàn được thực hiện quyền công dân của mình. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đang bước vào giai đoạn vận động bầu cử. Đây là giai đoạn quan trọng để cử tri tìm hiểu và nhận biết về các ứng cử viên. Càng có được nhiều thông tin, việc lựa chọn sẽ càng dễ dàng và chính xác.

Trước hết, trong cuộc bầu cử lần này có 868 ứng cử viên tranh cử 500 ghế ở Quốc hội. Tỉ lệ cạnh tranh là 1 chọi 1,736. Trong cuộc bầu cử lần trước (bầu cử Quốc hội khóa XIV), có 870 ứng cử viên tranh cử 500 ghế ở Quốc hội.

Tỉ lệ cạnh tranh là 1 chọi 1,740. Các con số trên cho thấy tính chất tranh đua trong cuộc bầu cử lần này bớt căng thẳng hơn một ít.

Thực ra, càng nhiều ứng cử viên thì tính chất tranh đua càng lớn, nhưng xác suất bầu đủ sẽ thấp hơn. Mà không bầu đủ thì nhiều khi sẽ phải bầu lại. Bầu lại sẽ phát sinh rất nhiều chi phí và rất tốn kém. 

Suy cho cùng, đằng nào cũng là tiền của dân. Mặc dù tỉ lệ cạnh tranh càng cao thì cơ hội lựa chọn càng nhiều, nhưng cơ hội lựa chọn và chất lượng lựa chọn là hai chuyện khác nhau. Làm sao có thể lựa chọn tốt nếu các ứng cử viên đều chỉ có chất lượng trung bình? 

Chính vì thế nên quan trọng là phải hiệp thương thế nào để có thể giới thiệu được các ứng cử viên đủ tài, đủ đức. Một tỉ lệ cạnh tranh hợp lý bao giờ cũng cần thiết để tránh việc phải bầu đi bầu lại.

Thứ hai, số lượng các ứng cử viên do trung ương giới thiệu đã tăng lên đáng kể. Số lượng các ứng cử viên do trung ương giới thiệu lần này là 203 so với lần trước là 197. Tương ứng, tỉ lệ ứng cử viên của trung ương trong tổng số ứng cử viên tăng từ 22,64% lên 23,38%.

Mặc dù, không có gì bảo đảm là tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương tăng lên, thì tỉ lệ các đại biểu của trung ương cũng tăng lên tương ứng, nhưng đây vẫn là một xu thế rất tích cực. Quốc hội là thiết chế đại diện cho quốc gia, nhưng ở nước ta tính chất đại diện cho địa phương lại rất lớn. 

Lý do là vì thường xuyên có đến trên dưới 2/3 các đại biểu Quốc hội là do địa phương giới thiệu. Đại diện cho địa phương thì rất khó xác lập ưu tiên của quốc gia và rất khó vận hành chức năng giám sát. 

Nhiều nước trên thế giới phải thành lập quốc hội gồm hai viện để một viện đại diện cho quốc gia và một viện đại diện cho địa phương. 

 

 Ở nước ta, Quốc hội chỉ có một viện nên việc đại diện song trùng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ đại biểu do trung ương giới thiệu quá thấp thì việc đại diện cho quốc gia sẽ rất khó khăn.

Thực tế cho thấy mặc dù tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương thấp hơn, nhưng về cơ bản tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương trúng cử thường cao hơn. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, chỉ có 15 ứng cử viên của trung ương bị thất cử. Tuy nhiên, hoàn toàn không có gì bảo đảm rằng xu thế này sẽ luôn luôn được duy trì.

Ở một số nước chuyển đổi, để bảo đảm tỉ lệ đại biểu của trung ương, người ta tổ chức để cử tri bầu chọn theo hai danh sách: một danh sách các ứng cử viên của trung ương và một danh sách các ứng cử viên của địa phương. 

Cách làm này bảo đảm cho tỉ lệ các đại biểu của trung ương và của địa phương luôn luôn được cân đối ở trong quốc hội. Đây cũng là kinh nghiệm đáng được tham khảo, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng Quốc hội một viện để đại diện song trùng cho cả trung ương và địa phương như hiện nay.

Thứ ba, tỉ lệ ứng cử viên nữ đã tăng lên đáng kể. Nếu trong đợt bầu cử lần trước ứng cử viên nữ là 339, chiếm tỉ lệ 38,97%, thì lần này là 393, chiếm tỉ lệ 45,28%. 

Đây quả thật là một thành tựu vượt bậc. Logic tự nhiên ở đây là: muốn bảo đảm bình đẳng giới thì tỉ lệ các đại biểu nữ phải được tăng lên; muốn tỉ lệ các đại biểu nữ được tăng lên, trước hết tỉ lệ các ứng cử viên nữ cũng cần được tăng lên.

Tuy nhiên, cái logic tự nhiên này rất dễ làm chúng ta thất vọng vì hai điều. Điều thứ nhất là chất lượng của các ứng cử viên nam và các ứng cử viên nữ có thể quá chênh lệch nhau. 

Điều thứ hai là sự chênh lệch này còn có thể bị đẩy lên cao hơn nữa trong việc xếp liên doanh bầu cử. Ví dụ, một cô giáo cấp I rất dễ bị xếp vào một liên doanh bầu cử với một vị giám đốc sở giáo dục và đào tạo. Cách sắp xếp như vậy vô tình hay cố ý đều rất dễ biến các ứng cử viên nữ thành những quân xanh nhìn từ xa đã thấy. 

Tất nhiên, quân xanh hay quân đỏ thì chỉ có cử tri mới là người có thể quyết định được. Nếu tỉ lệ dân số nữ của nước ta đang chiếm 50,2%, thì quyết định ứng cử viên nào sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử lần này sẽ chính là các cử tri nữ. 

Vấn đề là định kiến giới của cử tri nữ không khéo chẳng thua kém gì cử tri nam. Nếu lần này các cử tri nữ có ý thức hơn về nữ quyền, thì chắc chắn chúng ta sẽ được mùa rất lớn về các đại biểu nữ.

Tỷ lệ ứng cử viên nữ tăng lên đáng kể. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: C.T.V

 Thứ tư, tỉ lệ ứng cử viên ngoài Đảng giảm. Nếu các ứng cử viên ngoài Đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV là 97, chiếm 11,15%, thì lần này là 74, chiếm 8,53%. Đây là một mức giảm sút khá đáng kể. 

Thực ra, vai trò của các đại biểu Quốc hội ngoài Đảng trong các nhiệm kỳ vừa qua là không thật rõ. Ngoại trừ một vài đại biểu, các đại biểu ngoài Đảng khác gần như không để lại bất kỳ dấu ấn gì. 

Tuy nhiên, nguyên nhân của vấn đề có lẽ nằm ở chất lượng của các đại biểu ngoài Đảng và tương ứng là chất lượng của các ứng cử viên ngoài Đảng được giới thiệu trước đó. Một tỉ lệ hợp lý các đại biểu ngoài Đảng vẫn rất cần thiết để tăng cường tính đại diện, cũng như tính chính danh của Quốc hội.

Lần này, mặc dù số lượng các ứng cử viên ngoài Đảng giảm, nhưng số lượng các đại biểu ngoài Đảng thì vẫn chưa chắc đã giảm. Quan trọng là chất lượng của các ứng cử viên ngoài Đảng lần này có bảo đảm hay không. 

Trong số 97 ứng cử viên ngoài Đảng lần bầu cử trước, có 19 người trúng cử. Trong số 74 ứng cử viên ngoài Đảng lần này, số trúng cử vẫn có thể đạt mức tương tự. Tất nhiên, cao hơn thì càng tốt.

Thứ năm, số lượng các ứng cử viên tự ứng cử giảm. Nếu lần bầu cử trước, số người tự ứng cử là 11 (2 người trúng cử), thì lần này là 9. 

Diễn tập bầu cử trong tình huống khu vực cách ly tại quận Cẩm Lệ. Ảnh: H.K

 Thực ra, một số lượng nhất định người tự ứng cử là đáng mong muốn chỉ vì điều này bảo đảm tính dân chủ. Các đại biểu tự ứng cử khó có thể làm nên sự khác biệt trong Quốc hội. Ở các nước trên thế giới, người tự ứng cử thường không nhiều, vì khả năng trúng cử của những người này là rất thấp. 

Mỗi một cuộc bầu cử thường chỉ có một, thỉnh thoảng mới có hai người trúng cử. Những người trúng cử bắt buộc phải là những người đã rất nổi tiếng ở trong xã hội. Trong mối tương quan này, cử tri của nước ta ít khắt khe hơn nhiều với những người tự ứng cử.

Quy chế về việc tự ứng cử ở nước ta cũng ít khắt khe hơn so với các nước. Cụ thể là ở các nước đảng viên không thể tự ứng cử khi đã không được đảng giới thiệu. Muốn tự ứng cử trong trường hợp như vậy thì họ buộc lòng phải ra khỏi Đảng.

Ở ta đảng viên không được Đảng giới thiệu vẫn có thể tự ứng cử. Điều này khó bổ sung giá trị gì thêm cho năng lực đại diện của Quốc hội, nhưng lại có thể lấy đi cơ hội của những người ngoài Đảng muốn tự ứng cử.■

Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là sự thay đổi về số lượng đại biểu chuyên trách. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội được bầu và tăng 5% so với Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Như vậy theo quy định trên, với 500 đại biểu Quốc hội được bầu thì số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất là 200 người. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn.

QUỐC HỘI KHÓA MỚI: CỬ TRI MONG MUỐN GÌ ?

GIÓ BẤC/ Blog RFA / TD 24-5-2021

Tự tin như một nhà tiên tri đại bịp, sáng 23-5, ngay sau khi mở đầu màn diễn bầu cử Quốc Hội, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã huênh hoang tự sướng: “Tôi tin tưởng, với ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử lần này, đất nước ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, ngày càng tốt đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước”. (1)

Vơ vét bao tiền thuế, tiêu pha bao nhiêu giá trị tài nguyên của đất nước cho guồng máy công can chìm nổi, cho hệ thống tuyên giáo và cả hệ thống chính trị lùa dân đi bầu, chắc chắn là về hình thức, cuộc bầu cử thành công rực rỡ với những con số đẹp như mơ. Nhưng với lòng tin của dân lại là chuyên khác.

Hy vọng gì khi phải bầu những người đảng chọn!

“Ngày hội non sông” giữa mùa Covid đã đi qua, hơn 99% cử tri cả nước đã hy sinh thân mình, tụ tập đông người hợp pháp để bầu ra Quốc Hội, HĐND đã được đảng chọn sẳn, “sự lựa chọn này đã được thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ” (1)... Đến lượt mình, Quốc Hội do đảng chọn sẽ tiếp tục bầu tín nhiệm lại một chính phủ do Quốc Hội cũ đã bầu tín nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Màn kịch dân chủ lẩn thẩn, rối rắm như đĩa hát bị cà lăm. Nó hài hước ở chỗ nhiều ứng cử viên đảng chọn đủ tiêu chuẩn ngon lành nhưng chưa kịp bầu đã phải rút vì bị lộ chuyện trai trên gái dưới như ông Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, hay vì lem nhem nâng giá thiết bị y tế như ông Giám Đốc Bệnh viện Bạch Mai…

Màn diễn cũng có bi ai khi các nghị viên từng có tiếng nói phản biện có trọng lượng nhiệm kỳ trước như Lưu Bình Nhưỡng không đươc giới thiệu ứng cử vì lớn tuổi, đại biểu trẻ người dân tộc Gia Rai Ksor Khắp không được giới thiệu mà chẳng biết lý do. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu đầy trách nhiệm và đủ tầm nhìn của một chính khách phải tự ứng cử mà không được giới thiệu. May là có bề dày lịch sử chính trị đỏ như son, ông không bị bắt như các người tự ứng cử khác nhưng xác suất thắng cử thì đầy rủi ro.

Ngược lại ông Nguyễn Thiện Nhân “người nam nói giọng bắc, không lừa bà con” lại tái cử dù tuổi đã cao và suốt nhiệm kỳ vừa qua chỉ tạo được dấu ấn ở Sài Gòn bằng việc lấy tên cha mình đặt tên đường. Thủ Thiêm, Lộc Hưng vẫn còn đó món nợ với dân. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nổi tiếng với “Hội đồng dao thớt” thẳng tiến vào Bộ Chính Trị và tiếp tục ứng cử Quốc Hội. “Tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường đã dọn đường dư luận đưa hai giảng viên đại học Tôn Đức Thắng, Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch vào lò, đã thành Tổng Thư Ký Quốc Hội khóa cũ và ứng cử trong khóa mới.

Chỉ với từng ấy tiếng nói trung thực mất đi và từng ấy gương mặt được chọn lựa ứng cử (đương nhiên là sẽ đắc cử 99% theo đúng quy trình), liệu cử tri, người dân có mong mỏi, hy vọng gì vào Quốc Hội, Chính Phủ nhiệm kỳ mới?

Nhà nước của đảng và thân hữu

Chắc chắn có cử tri không chỉ mong đợi mà còn chủ động lập dự án, đầu tư quan hệ với chính quyền khóa mới để “chinh phục” vùng đất mới. Làn sóng Hà Nội, Thanh Hóa sẽ đỏ về Cần Thơ tăng tốc cuộc Nam Tiến lần thứ ba. Bưởi Năm Roi nổi tiếng một thời đã đi vào quên lãng nhường chỗ cho dự án khu công nghiệp. Một nông trường Sông Hậu anh hùng đã rả tan theo làn sóng đầu tư, bà giám dốc Ba Sương suýt phải vào tù. Đó là bước tiến cũ, còn những vùng đất, đặc sản nào sẽ tiếp tục hy sinh cho “bước tiến mới”?

Sau Thủ Thiêm, Củ Chi, Nhà bè, Cần Giờ, Thủ Đức sẽ có thêm nhiều đại gia địa ốc sân sau. Trong khi nhà nước và guồng máy tuyên truyền kêu gào hạ sốt đất thì Long Hậu, Phước Lại, Phước Lý của Cần Giuộc, Long An, rồi Tân Lân, Tân Tập và có thể cả Mỹ Lệ với giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào danh tiếng “gao Cần Đước, nước Đồng Nai” không chóng thì chầy cũng sẽ bị bê tông hóa.

Nhưng niềm vui, mong đợi ấy chỉ có ở khoảng 1% cử tri là giới doanh nhân thân hữu. “Một giai đoạn phát triển mới” theo dự đoán của ông Trọng sẽ xảy ra với cánh kéo hai chiều ngay càng xa: danh sách tỉ phú Việt Nam sẽ có thêm vài gương mặt mới, bù lại người dân bị mất đất sẽ nhiều hơn, sẽ bần cùng hóa nhanh hơn theo tỉ lệ gia tăng của các dự án đô thị, sân golf. Tài nguyên, môi trường đất nước sẽ bị vắt kiệt.

Thanh niên miền Tây sẽ tiếp tục giấc mơ “đi Bình Dương” làm thuê. Con gái Miền Tây sẽ nối tiếp nhau lấy chồng Hàn, Đài, Trung Quốc. Dân nghèo Thanh, Nghệ sẽ vay tiền đầu tư cho con cháu xuất ngoại đi Anh, Pháp, Nga để lao động khổ sai. Tài năng kinh bang tế thế của giới tinh hoa, của chính phủ đảng chọn dân bầu không phải là tạo ra cái bánh mới, giá trị mới cho đất nước, người dân, mà chỉ biết dùng quyền lực nhà nước cướp đất của người dân, bán rẻ tài nguyên.

Ngay đến tài sản quý giá mà người dân sáng tạo ra nhà nước cũng không quý trọng giữ gìn. Nông sản Việt cứ trầm luân trong vòng tay bạn vàng Trung Quốc và nông dân khánh kiệt với điệp khúc buồn được mùa mất giá. Hết “tiêu điều vải nghệ” nay đến thanh long, sầu riêng, xoài cam quýt. Mỗi vụ thu hoạch đáng lẽ là một mùa vui, thì phải cứ giải cứu như là tai họa.

Mới đây nhất, thời sự nhất của chính nhiệm kỳ chính phủ hiện hữu, giống lúa ST 25 được vinh danh ngon nhất thế giới bị cướp danh hiệu ở nước ngoài, chính phủ cũng để một mình chủ nhân Hồ Quang Cua đơn độc ứng phó. Kỹ sư Cua bất lực trước thương trường phức tạp đánh tiếng bán thương hiệu ST 25 cho nhà nước (2) Gần một tháng trôi qua “nhà nước do dân, vì dân, tạo bước tiến mới” vẫn lặng thinh trước lời kêu cứu này. Chương trình hành động của ứng cử viên, Bộ Trưởng Bộ Công Thương không có từ nào cho giống gạo ngon nhất thế giới này.

Người dân có thể trông cậy gì vào một quan đầu tỉnh từng để cho Đường Nhuệ cho vay nặng lãi, cưỡng chế doanh nghiệp, ăn tiền trên xác chết theo đúng nghĩa đen hoạt động trong suốt nhiệm kỳ? Người dân có thể hy vọng gì vào guồng máy chính phủ khi sự việc đổ bể tung tóe thì quan đầu tỉnh ung dung được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Công Thương?

Trả quyền lại cho dân!

Ông Nguyễn Phú Trọng đã phun lên báo chí một ước mong thật đẹp “mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định”. (1)

Đó là cũng mong muốn chung của mọi người dân nhưng ước mơ là cái mà người ta không phải mất tiền mua. Làm lãnh tụ không thể ngồi trong ”phòng máy lạnh” ban bố ước mơ mà phải vạch ra con đường, cách thức đạt đến ước mơ ấy.

Với tầm lý luận tiến sĩ Mác Lê, ông từng hiểu và thừa nhận rằng con đường XHCN là con đường không có điểm đến. Mô hình độc đoán của Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Mô hình toàn trị phương Đông của Trung Quốc cũng chỉ tạo ra sự giàu có cho tầng lớp cầm quyền.

Hàng chục năm qua công sức, tâm trí của ông giành tất cả để duy trì thể chế toàn trị, khư khư nắm giữ độc quyền lãnh đạo của đảng với nhà nước và cả hệ thống chính trị, bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của người dân. Cái lò ông lập ra là để thanh toán các đối thủ chính trị, duy trì quyền lực cá nhân. Thật tâm mong muốn của ông là chỉ bao nhiêu đó. Những đại biểu do ông lựa chọn là Nguyễn Hồng Diên, Nguyễn Hòa Bình bất tài, táng tận lương tâm thì có bao giờ phục vụ người dân.

Mong muốn đầu môi chót lưỡi của ông không mới, hơn năm năm trước, “vị cha già” của ông đã cho nhân dân Việt ăn cái bánh vẻ một đất nước “to đẹp hơn 10 lần” để kéo dân tộc vào cuộc chiến tương tàn, đến ngày thống nhất thì mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, dân mất tự do. Thời đại của ông còn tệ hại hơn, lệ thuộc Trung Quốc đến đánh mất chủ quyền, đất đai, rừng biển bị bán sỉ bán lẻ cho Trung Quốc.

Dưới guồng máy áp bức từ tư tưởng đến hành vi của tuyên giáo, công an, người dân Việt vẫn phản kháng, bất bình vạch trần luận điệu giả dối mị dân đó. Không chỉ biểu thị bằng thái độ, mà còn cả bằng văn học. Cố nhà văn Trang Thế Hy viết “Về Nhà Trước Cơn Mưa”, Trần Huy Quang viết “Linh Nghiệm” mỉa mai chân xác mà cay độc lời hứa hảo của những tên tiểu nhân muốn làm thánh nhân.

Muốn Quốc Hội thật sự “vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” không có gì khó cả. Hãy sửa đổi Hiến Pháp, xóa bỏ hai cái tai ách lớn nhất của dân tộc là sự độc quyền lãnh đạo của đảng và sự độc quyền sở hữu đất đai của nhà nước. Lúc ấy không cần phải đốt lò, vì cán bộ nhà nước không ăn đất thì chỉ còn tham nhũng vặt. Hảy trả cho dân món nợ khó đòi hàng chục năm qua là Luật Biểu Tình và Luật về quyền lập Hội.

Tấm mù xoa không che được mặt trời. Dù tô vẽ, dù vơ vét tiền dân làm phong màn diêm dúa cho vở kịch bầu cử có tốn kém công phu đến đâu thì một quốc hội có đến trên 90% thành viên là của đảng giới thiệu cho ứng cử, 10% còn lại là người được đảng duyệt cho ứng cử, cũng vẫn là một phường chèo hát theo tuồng của đảng, phải ra luật do BCT đã quyết rồi.

Quyền lực, sự đàn áp và mị dân dối trá có thể gây ra sự sợ hãi chứ không thể dập tắt lòng khinh ghét của dân.

Chắc chắn, ông Trọng rất sợ những điều người dân mong muốn nên phủ chụp lên những người bộc lộ cho mong muốn chính đáng ấy bao nhiêu là khái niệm “âm mưu diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, ”thế lực thù dịch” và theo nguyên tắc của chuyên chính vô sản là đàn áp bằng bạo lực của công an, tòa án.

1- https://tuoitre.vn/dat-nuoc-se-buoc-vao-giai-doan-phat-trien-moi-20210524080215774.htm

2- https://tuoitre.vn/ong-ho-quang-cua-muon-nhuong-ban-quyen-gao-st25-cho-nha-nuoc-voi-gia-xung-dang-20210504212650963.htm

LÁ PHIẾU CỬ TRI NHÌN TỪ CUỘC BẦU CỬ 23/5 Ở VIỆT NAM

VOA 24-5-2021


Đường phố Hà Nội trong ngày bầu cử 23/5/2021.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam loan tin có hơn 67 triệu cử tri cả nước đi bầu hôm 23/5, với tỷ lệ cử tri đi bầu hơn 98% trong tin thần “nô nức, phấn khởi” của ngày hội toàn dân. Những nhà quan sát bầu cử nói với VOA rằng việc đi bầu thay, và bị “thúc ép” đi bầu rất phổ biến ở đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo khi mà tình trạng “Đảng cử dân bầu” đã thành lệ.

Trên 98% cử tri đi bầu

Báo Người Lao động dẫn thông cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia lúc 0 giờ ngày 24/5 cho biết theo báo cáo của 44/63 tỉnh, thành phố (đến 22 giờ ngày 23/5) tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu 67.630.011/68.709.092 cử tri (chiếm tỉ lệ 98,43%).

Trước đó, vào tối ngày 23/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định cuộc bầu cử đã “thành công tốt đẹp, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, âm mưu của thế lực thù địch đã được xử lý”.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Cường nói: “Chúng ta tổ chức thực hiện kỳ bầu cử thành công nhưng vẫn bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân”.

Cử tri đi bầu ở Hà Nội, ngày 23/5/2021.
Cử tri đi bầu ở Hà Nội, ngày 23/5/2021.

Một người đi bầu thay cho cả nhà

Từ Đắk Lắk, ông Đặng Văn Phước, một cử tri đi bầu thay cho cả nhà hôm 23/5, nói với VOA:

“Rõ ràng tôi quan sát và thấy rằng thường gia đình đại diện cử một người đi bầu, gia đình tôi cũng vậy...không ai rảnh đi mà từng người đi bầu.”

Ông Phước cho biết nhà ông có hai phiếu cử tri và ông cầm hai phiếu đi bầu “bình thường”.

“Khi tôi vào đó thì họ phát bình thường. Họ hỏi gia đình có mấy cử tri. Tôi nói “hai” và họ đưa cho tôi mỗi cấp bầu hai phiếu và tôi tham gia bầu.”

Ông Phước cho biết chính quyền dùng loa phóng thanh và đi đến các từng ngõ ngách trong từng khu phố để “thúc ép” người dân đi bầu vào chiều ngày 23/5.

Một người dùng Facebook tên Vàng Chua ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam bình luận hôm 24/5: “Người dân vùng cao mù chữ 100% được gọi đi bầu cử...Khi đi bầu chính quyền hướng dẫn từ A-Z, người dân hiểu một cách mơ hồ. Hơn nữa, một người bầu cho cả gia đình...”

Giới chức Việt Nam nói rằng 4 nguyên tắc cơ bản, được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình bầu cử ở nước này là: “Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín”.

“Bầu cử ở nước ta gắn mật thiết dân chủ, thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng để đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân”, đài truyền hình trung ương VTV loan tin trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Mạc Văn Trang viết trên Facebook hôm 24/5: “Người dân không thể không “đi bầu” [khi mà] tin nhắn liên tục, loa phường nhắc nhở, tổ trưởng dân phố/trưởng thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thúc giục; người già, người bệnh nằm trên giường thì có người đưa hòm phiếu đến để “sáng suốt lựa chọn” ...

“Vậy nên kết quả cử tri đi bầu phải từ 98 đến 100%. Đó mới là XHCN chứ, bố Tư bản cũng chả làm được!”.

Ông viết thêm: “Toàn Đảng, toàn dân đã quyết tâm” thực hiện cuộc bầu cử này là “Ngày Hội non sông”, thành công 100%; không thể chịu thua bất cứ “thế lực thù địch” nào cản trở, kể cả covid-19 có nguy hiểm... Thế mới chứng tỏ Đảng “đã quyết là làm, đã đi là đến, đã bàn là phải thông”! Thế mới chứng tỏ Việt Nam tài giỏi, chống covid-19 với “mục tiêu kép” hơn hẳn các nước...”.

Việt Tân phá bầu cử Việt Nam?

Hôm 21/5, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, phát biểu với báo giới rằng “các tổ chức khủng bố” như Việt Tân xây dựng và tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm chống phá cuộc bầu cử, ý đồ tạo ra làn sóng, phong trào tẩy chay bầu cử. Trang VietNamNet dẫn lời ông Xô cho biết Bộ Công an đã phá 4 nhóm phản động, 2 chiến dịch chống phá bầu cử trong đó có Việt Tân.

Ông Xô không nói rõ danh tính các nhóm phản động và chiến dịch chống phá bầu cử còn lại.

“Tổ chức phản động Việt Tân đã lập mới hàng trăm tài khoản mới, củng cố hàng nghìn tài khoản cũ trên các mạng xã hội để đăng tải, phát tán những thông tin tiêu cực, xuyên tạc về bầu cử, lôi kéo người dân tẩy chay bầu cử,” đài VTV dẫn lời ông Nguyễn Tiến Cường - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an, cho biết hôm 21/5.

VOA đã liên lạc tổ chức Việt Tân có trụ sở ở Hoa Kỳ và nhận được phản hồi qua một thông cáo báo chí với thông điệp “Không biết không bầu”, trong đó có đoạn viết: “Tại Việt Nam, Quốc hội chỉ là công cụ nhằm soạn ra những luật lệ để kiểm soát người dân dựa theo các quyết định của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy việc lựa chọn các Đại biểu Quốc hội mang tính hình thức hơn là một cuộc bầu cử dân chủ”.

BẦU CỬ VN; THẾ HỆ 8x, 9x VÀ 2k  NGHĨ GÌ VÀ BẦU CỬ CHO AI ?

BÙI THƯ/ BBC 23-5-2021  

Người xếp hàng để kiểm tra nhiệt độ trước khi bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được cho là sôi nổi hơn khóa trước dù trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng ngày 23/5, Phạm Nhật Vy (sinh năm 1995) ở khu vực bỏ phiếu số 111 thuộc phường 12, quận Tân Bình, TP HCM chia sẻ: "Tôi thật sự mong chờ đến ngày này và rất hứng khởi để được tham gia đi bầu. Những năm qua tôi thấy được một sự thay đổi rõ rệt ở Việt Nam, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Các bạn đã thể hiện tiếng nói của mình nhiều hơn bằng rất nhiều cách, mà ấn tượng nhất với mình đó là có những gương mặt trẻ tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Vì vậy, mình, cũng là một người trẻ, mình cũng muốn đóng góp tiếng nói của mình và việc đầu tiên mình có thể làm là bỏ phiếu."

Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Hà (sinh năm 1988) nói với BBC: "Đây là lần đầu tiên tôi đi bầu cử đúng nghĩa, bởi nhận thức chính trị đầy đủ hơn, có nhiều trải nghiệm thực tế rồi, có tranh luận sôi nổi và tìm hiểu rõ ứng viên. Kỳ bầu cử năm nay cũng đặc biệt, bởi diễn ra trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Chính quyền các cấp tổ chức hoạt động bầu cử trong sự cẩn trọng về phòng dịch."

QUY TRÌNH BẦU CỬ CÓ TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC ?

Sinh năm 2002, lần đầu đi bầu, bạn trẻ 19 tuổi giấu tên từ TP HCM chia sẻ với BBC: "Lần đầu đi bầu, tôi hứng thú vì đây là vấn đề tôi quan tâm. Tuy nhiên, sát giờ bầu tôi mới tìm hiểu về các ứng cử viên, lên trang thông tin của phường thì có đăng đầy đủ chương trình hành động của các ứng cử viên. Tôi so sánh vị trí làm việc, chuyên môn của họ và chắt lọc còn ba ứng viên tôi thích nhất. Tôi đi chung cùng gia đình mình. Buổi sáng có xe của phường phát nhạc kêu gọi rất sôi nổi, nhưng tại điểm bầu cử khá vắng vì có lẽ do dịch."

"Địa điểm bỏ phiếu của tôi tại trường mầm non. Khi đến thì có cán bộ kiểm tra phiếu cử tri, xem có khai báo y tế chưa thì tới một bàn khác để đối chiếu phiếu bầu cử xem tôi ở khu vực nào. Xong tôi đến một bàn khác nhận phiếu bầu, có 5 ứng viên trên 2 phiếu khác nhau cho ĐBQH và HĐND. Tôi nhận phiếu xong thì xếp hàng chờ vào khu vực gạch tên, khu vực này khá kín. Xong tôi bỏ phiếu vào thùng và đóng dấu thẻ cử tri xác nhận đã đi bầu," bạn trẻ này kể lại.

Bạn trẻ 19 tuổi này cũng để tâm quan sát quy trình và phát hiện một số vấn đề: "Đầu tiên, tôi thấy họ không kiểm tra chứng minh thư và điều này không đúng quy trình.

"Thứ hai, cử tri đi bầu có hiện tượng bầu hộ, tôi thấy đây là vấn đề xảy ra nhiều nhất, đi đâu cũng thấy và như một lẽ tự nhiên, nhưng không có hiện tượng kêu gọi cử tri bầu cho ai tại chỗ tôi."

"Điểm sáng là cán bộ giúp ích khá nhiều, họ hướng dẫn tận tình và đặc biệt là tuân thủ việc phòng dịch. Ai cũng được yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau, cán bộ còn đeo cả găng tay, cung cấp nước rửa tay đầy đủ," bạn này chia sẻ.


Bạn Cao Đức Trung chụp lại quá trình thực hiện quyền bầu cử của mình

Cao Đức Trung (sinh năm 1992) chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi bỏ phiếu: "Đây là lần đầu tiên tôi đi bầu sau gần một thập niên.

"Các bước bầu cử thì rất đơn giản, trước đó khoảng 2 tuần sẽ có người đi phát thẻ cử tri và thông tin đại biểu đến từng nhà trong tổ dân phố. Đến ngày đi bầu thì tôi mang thẻ đi theo, đến nơi thì có người đối chiếu danh sách cử tri và phát lá phiếu bầu.

"Nhưng sáng nay không có ai kiểm tra chứng minh thư của tôi. Sau đó, tôi xếp hàng vào phòng có vách ngăn để chọn đại biểu mình muốn bầu và bỏ vào thùng. Cuối cùng, đóng dấu lên thẻ xác nhận đã bầu. Cả quá trình tóm gọn trong 10-15 phút."

Còn Phạm Nhật Vy thì kể: "Trước khi đến điểm bầu cử, tôi và gia đình được phát phiếu khai báo y tế để điền trước tại nhà, tránh việc quá nhiều người đứng điền thông tin tại khu vực bỏ phiếu. Tôi cũng được dặn là đeo khẩu trang khi đến điểm bầu; địa điểm cũng được sắp xếp tuân thủ theo các quy định an toàn dịch kỹ càng: được đo thân nhiệt trước khi vào, nộp tờ khai báo y tế. Đặc biệt là khu vực bầu chỗ tôi có yêu cầu mọi người là giữ khoảng cách và chờ đến lượt mình để vào khu vực điền phiếu bầu bên trong."

Một điểm nổi bật có thể thấy là dù ở khu vực bầu cử nào thì việc phòng chống dịch bệnh cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt.

Nhật Vy thuật lại: "Tổ bầu chỗ tôi không quá đông vì mọi người cũng hạn chế tụ tập. Mọi người cũng đã hỏi thăm trước tình hình để canh thời gian đi bầu cho vừa an toàn và vừa theo đúng quy định. Trong lúc bầu thì mình không thấy ai trao đổi qua lại để tránh việc ảnh hưởng đến kết quả phiếu bầu."

Nhân viên y tế đo nhiệt của một cử tri tại một điểm bỏ phiếu ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2021

Ông Nguyễn Đình Hà từ Hà Nội kể rằng đây là lần đầu tiên ông đi bầu dù năm 2016, ông là một ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội: "Năm 2016, tôi chọn thực hiện quyền bầu cử là không đi bỏ phiếu, khi đó trải nghiệm thực tế của tôi ở vị trí khác, hoàn cảnh khác. Còn kỳ bầu cử này, tôi chỉ là một cử tri đơn thuần, đọc và nghiên cứu sơ yếu lý lịch, chương trình hành động của ứng viên để lựa chọn."

"Có thể cuộc bầu cử ở Việt Nam không được sôi nổi, thú vị, thu hút sự quan tâm của xã hội như các cuộc bầu cử đa đảng ở phương Tây, nhưng theo tôi cảm nhận, đa số người dân vẫn biết, vẫn hiểu hiện thực cuộc sống và thể hiện thái độ chính trị qua cách họ sử dụng tấm thẻ cử tri: tự cầm đi bầu, hay đưa cho người khác bầu hộ bất kể trái luật, hoặc cất vào ngăn kéo không đi bầu," ông Hà nói.

LÀM GÌ ĐỂ BẦU ĐÚNG NGƯỜI ?

Phạm Nhật Vy cho biết mình đã dành thời gian đọc và chia sẻ với gia đình cũng như là bạn bè về hồ sơ ứng cử viên.

"Tôi cũng khuyến khích mọi người nên đọc các hồ sơ này và xem thêm trên các kênh truyền thông (báo, YouTube, v.v). Ngoài việc trao đổi miệng thì Facebook là kênh thông tin tôi dùng chính để tìm hiểu cũng như là chia sẻ thông tin về ngày bầu cử và các ứng viên.

"Mặc dù có một số ứng viên không nằm trong danh sách của tổ bầu cử chỗ mình nhưng mình cũng chia sẻ đến những người quen của mình như ứng cử viên Trương Trọng Nghĩa và ứng cử viên Lương Thế Huy."

Lý giải điều này, Vy nói rằng bạn thấy chương trình hành động của ứng cử viên Lương Thế Huy rõ ràng và cùng từng tiếp xúc và làm việc trước đây với người này qua một số dự án tình nguyện.

"Ngoài ra, tôi cũng được biết một số hoạt động mà Huy đã làm trước đây rất thực tế và hỗ trợ rất nhiều cho các nhóm thiểu số ở Việt Nam. Còn ứng viên Trương Trọng Nghĩa thì tôi có được biết qua người thân trong gia đình đã có tiếp xúc với ông, nhưng điểm mấu chốt vẫn ở chương trình hành động. Đây là một trong những yếu tố khiến tôi bầu chọn nên khi xem qua thông tin của hai ứng viên này, tôi đặc biệt tìm hiểu sâu hơn," Vy chia sẻ.


Dấu xác nhận đã bỏ phiếu của bạn Phạm Nhật Vy

Tại khu vực bầu cử của mình, Vy cho biết bạn quan tâm đến nữ doanh nhân Tiêu Yến Trinh: "Tôi quan tâm rất nhiều đến vai trò của phụ nữ trong xã hội và khi được biết đến chương trình hành động của chị Trinh như là tập trung giải quyết việc làm hiệu quả, giảm tỉ lệ thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển năng lực của phụ nữ, và tăng kết nối giữa nhà nước với nhân dân. Từ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid đến bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, sinh viên,... từng phân khúc lao động đều được chị Trinh đưa vào chương trình với những suy nghĩ, hành động thiết thực như cung cấp thông tin việc làm, xây dựng kỹ năng xin việc, kết nối cung-cầu lao động."

Còn Cao Đức Trung chia sẻ: "Thực sự tôi chỉ có các tờ giấy A4 in thông tin lý lịch của mỗi ứng cử viên thôi, chưa từng tiếp xúc với họ nên chỉ chọn theo quan điểm cá nhân. Chẳng hạn tôi học và đi làm về ngành kỹ thuật, mình sẽ ưu tiên các vị có đảm nhiệm vai trò giám đốc, hay xuất thân từ ngành kỹ thuật. Sau đó là những ngành như giáo dục, sức khỏe."


Điểm bỏ phiếu tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Bạn trẻ sinh năm 2002 nói trên cho biết: "Tôi thực hiện quyền bầu cử vì thứ nhất, đây là hình thức thể hiện dân chủ đại diện, hai là cách đóng góp vào các vấn đề vĩ mô, ba là cách có tiếng nói tại nghị trường thông qua đại biểu."

"Tôi rất quan tâm đến vấn đề xã hội nên việc đi bỏ phiếu giúp tôi hiểu mình đang bầu cho ai và sau này những người tôi bầu trúng cử, tôi có thể theo dõi họ đóng góp thế nào cho chính sách phát triển ở TP HCM. Tôi rất chú trọng vấn đề phát triển khoa học xã hội và công nghệ và hiện TP HCM có phong trào phát triển thành phố thông minh rất lớn. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục, trong cộng đồng sinh viên chúng tôi thảo luận rất nhiều, cả trong nam lẫn ngoài bắc, về cách mà sinh viên VN đang học và phát triển. Cuối cùng, tôi quan tâm chính sách cho người yếu thế, dù đã có chính sách và đầy đủ về pháp lý nhưng về mặt thực tiễn, thực hành chưa đi sâu và tiếp cận đúng," bạn trẻ này nói.

Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, đến 11h trưa 23/5, nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao, như Điện Biên 85%, Quảng Ninh 84,53%; Quảng Ngãi 81,76%; Cao Bằng 80,3%, Hà Giang có 77,65%, Vĩnh Phúc 71,89%, theo báo VNExpress.

Việc bầu cử có thể kéo dài đến 21h hôm nay.

BẦU CỬ VÀ GIÁ CỦA ...'TỐT ĐẸP'

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 24-5-2021

Việc lựa chọn đại biểu cho các cơ quan dân cử từ trung ương (Quốc hội) đến địa phương (Hội đồng nhân dân) tại Việt Nam vừa kết thúc và dù chưa có kết quả nhưng chắc chắn ông Vương Đình Huệ sẽ… đắc cử, sắp tới sẽ được các đại biểu mới trúng cử khóa 15 bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tương tự, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính,… cũng sẽ đắc cử và sắp tới cũng sẽ được các đại biểu mới trúng cử khóa 15 bầu làm Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng!

Nhìn chung, bất kể thế nào thì trong vài ngày tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng sẽ công bố kết quả kèm tuyên bố: Cuộc bầu cử đã… thành công “tốt đẹp” – cho dù có tổ chức bầu cử hay không thì bộ máy lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo chính phủ cũng… vẫn như mọi người đã… biết! Bao nhiêu tỉ đã chi cho việc tổ chức một cuộc bầu cử mà tính chất chỉ nhằm… biểu diễn? Không có con số chính xác nhưng dựa trên nhiều số liệu khác nhau nằm rải rác ở những thông tin có liên quan, chi phí có lẽ xấp xỉ cả… ngàn tỉ!

Tuy chi phí cho tuyên bố… “tốt đẹp” rất cao nhưng giá của… “tốt đẹp” không chỉ là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người Việt bị vắt qua thuế, phí, cũng như tạm ứng trước qua các khoản vay. Khi lượng định về giá phải tính cả năng lực tổ chức biểu diễn – mức độ tự trọng – các tác động đến thể diện, uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Chẳng hạn để bảo vệ phương thức “đảng cử – dân bầu”, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBC QG) từng dõng dạc tuyên bố: Công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao (1). Đã chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước song trước thềm cuộc bầu cử lần này, HĐBC QG do ông Huệ làm Chủ tịch vẫn phải xóa tên 2/868 ứng cử viên (ƯCV) trong danh sách ƯCV đại biểu Quốc hội khóa 15.

Dẫu có tin, cả hai ƯCV (Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Anh – Đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang) hoặc mới bị bắt (ông Anh) hoặc sắp bị bắt (ông Tuấn) vì tham nhũng nhưng đại diện HĐBC QG chỉ xác nhận việc xóa tên họ khỏi danh sách ƯCV đại biểu Quốc hội khóa 15 là vì họ tự xin rút lui bởi… “lý do cá nhân và sức khỏe”. Đến thời điểm HĐBC QG xem xét cho hai ƯCV này rút lui chưa thể khẳng định là họ… có vi phạm pháp luật (2)!

So với lần trước (bầu đại biểu cho Quốc hội khóa 14), nỗ lực… cải tổ công tác bầu cử lần này… tiến bộ hơn ở chỗ đã… loại được hai ƯCV vài ngày trước bầu cử chứ không phải đợi đến lúc đã có kết quả bầu cử mới tuyên bố… không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội như phải từng làm với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch Malta (3) và ông Trịnh Xuân Thanh – tham nhũng (4). Chưa rõ quốc hội khóa này sẽ còn thêm bao nhiêu đại biểu bị bãi nhiệm, bị tù như quốc hội khóa trước nhưng bất kể thể nào, chắc chắn ông Huệ cũng vô can, dù chính ông khẳng định, dưới sự chỉ đạo của ông, HĐBC QG đã lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao.

Chưa hết! Thế nào là cải tổ công tác bầu cử, đảm bảo dân chủ khi tỉ lệ cạnh tranh giữa các ƯCV, tỉ lệ ƯCV không phải đảng viên, tỉ lệ ƯCV tự ứng cử đều thấp hơn cuộc bầu cử lần trước, chỉ có tỉ lệ ƯCV do trung ương giới thiệu nhằm tranh chỗ của các ƯCV là người địa phương, đại diện cho dân chúng địa phương tại Quốc hội là tăng (5)? So những tỉ lệ giữa khóa trước với khóa này không chỉ thấy tội nghiệp những từ… cải tổ, đảm bảo dân chủ mà còn rùng mình với … “tốt đẹp”!

Không lẽ cải tổ công tác bầu cử, đảm bảo dân chủ chỉ đơn thuần là đi những bước đúng như… Thông tấn xã Vỉa hè loan báo trước khi HĐBC QG công bố danh sách ƯCV chính thức cả tháng. Kiểu như bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trước khi nghỉ hưu đã kịp… thương lượng nhằm xếp đặt để quý nam – ông Lò Việt Phương, 48 tuổi, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện của Văn phòng Quốc hội (VPQH) khóa trước và ái nữ – bà Lò Thị Việt Hà, 43 tuổi, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể của VPQH khóa trước (6) được giới thiệu ứng cử làm đại biểu cho tỉnh Sơn La (7), Tuyên Quang (8) tại Quốc hội khóa này để ông Phương sẽ đảm nhận vai trò Phó Ban Dân nguyện, còn bà Hà sẽ đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Ủỷ ban Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng (9)?

Chú thích

(1) https://laodong.vn/thoi-su/sang-suot-lua-chon-nguoi-dai-bieu-cua-nhan-dan-thuc-su-xung-dang-911513.ldo

(2) https://plo.vn/thoi-su/hop-bao-nong-2-truong-hop-nguyen-quang-tuan-nguyen-the-anh-986838.html

(3) https://vnexpress.net/khong-cong-nhan-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-voi-ba-nguyen-thi-nguyet-huong-3437787.html

(4) https://vnexpress.net/huy-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-cua-ong-trinh-xuan-thanh-3436673.html

(5) https://cuoituan.tuoitre.vn/van-de-su-kien/ung-cu-vien-dai-bieu-quoc-hoi-thay-gi-qua-cac-con-so-1582403.html

(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tòng_Thị_Phóng

(7) https://sonla.gov.vn/4/469/77424/603977/thong-tin-bau-cu/danh-sach-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-don-vi-bau-cu-so-1

(8) http://snntuyenquang.gov.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong/trong-tinh/don-vi-bau-cu-so-2-quoc-hoi-8950.html

(9) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=256036719499624&id=100052798927951

ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CA NGỢI 'BẦU CỬ THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP', 
THỰC TẾ RA SAO ?
GIANG NGUYỄN/ RFA 24-5-2021
Một người phụ nữ đi bỏ phiếu tại Hà Nội hôm 23/5/2021

‘Ngày hội lớn toàn dân’ là cụm từ lại được mang ra sử dụng cho ngày 23 tháng 5 năm nay.

Mạng báo VTV News vào tối Chủ Nhật đưa tin “Ngày Hội Toàn Dân thành công, an toàn”. Mạng báo VN Express đăng bản tin với tựa “Tổng thư ký Quốc hội: Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp”. Báo Nhân dân dẫn nguồn Hội đồng Bầu cử Quốc gia rằng 98,43% tổng số cử tri đã bỏ phiếu tham gia bầu cử theo báo cáo cho đến 22 giờ tối ngày 23 của 44 trên 63 tỉnh, thành. Mạng báo VN Economy ghi nhận, TP HCM đạt tỷ lệ 99,38% cử tri tham gia bầu cử.

Tuy nhiên Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, qua phản ảnh trên mạng xã hội và qua tiếp xúc với cử tri, nhiều người đã chọn ngày 23 tháng 5, giữa đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, để ngồi nhà.

Từ chối, không đi bầu

Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết ông là một trong số cử tri đó, đã từ chối không đi bầu.

“Tôi bị công an khu vực gọi điện hai, ba lần. Rồi người ta cho một người đại diện Dân phố đến bấm chuông, họ gõ cửa từ sáng cho đến tận 4 giờ chiều họ vẫn còn giục đi bầu”. 

Ông Thắng nói, đây là lần bầu cử Quốc hội thứ nhì liên tiếp ông không tham gia. Ông giải thích lý do:

“Tôi bảo là tôi cần phải suy nghĩ cho sáng suốt. Tôi cũng nhắc lại lời của ông Sinh Hùng. Trước đây ông ấy có nói là ‘Người dân đi bầu thì nếu có cái gì sai thì người dân phải chịu’. Thế thì tôi nói với công an là việc mà tôi đi bầu sai, đúng tôi phải chịu cho nên tôi phải suy nghĩ cho sáng suốt. Các anh không được thúc giục chúng tôi”.

Cũng như ông Thắng, bà Đỗ Thị Na vào khóa Quốc Hội 14 cũng đã không đi bầu, khóa 15 năm nay người vợ của ứng cử viên độc lập Lê Trọng Hùng cũng từ chối tham gia vì bà nói, là một người biết suy nghĩ, bà cho rằng bà phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của mình, thế nhưng khi mà không hiểu biết gì về các ứng cử viên, không rõ chương trình hành động, cam kết cụ thể khi trúng cử của họ, thì bà không thể bỏ phiếu. Hơn nữa, chồng bà, nhà báo Lê Trọng Hùng, đã bị bắt tạm giam từ ngày 27 tháng 3 sau khi ông tuyên bố ứng cử độc lập.


Cử trị xếp hàng trước khi bỏ phiếu tại Hà Nội vào ngày 23/5/2021.

Bà Na kể lại sự việc vào chiều ngày 23 tháng 5, khi tổ dân phố, cảnh sát khu vực, một người có thể là dân phòng và một anh công an nữa kéo đến nhà bà thúc giục bà đi bầu:

“Mình có đặt câu hỏi rất nhẹ nhàng với họ thôi. Đầu tiên mình cảm ơn họ. Rồi mình giải thích cho họ về quy định của Hiến pháp và Luật bầu cử, nghĩa là bầu cử chỉ là quyền thôi. Thứ Ba mình cũng đặt câu hỏi với họ: 'Nếu như họ rơi vào hoàn cảnh của mình, có người thân ứng cử Đại biểu Quốc hội mà nhà cầm quyền bắt đi, thì họ sẽ ứng xử như thế nào'? Họ có đi bầu hay không? Chỉ hỏi như vậy thôi nhưng mà họ không dám trả lời câu của mình. Họ nói là chuyện anh Hùng là chuyện khác. Còn chuyện của mình là chuyện khác. Thì mình nói OK thôi. Mình sẽ thực hiện quyền công dân của mình, mình từ chối đi bầu cử và mình sẽ đưa ra lý do. Còn mọi người thích lập biên bản thì cứ lập. 

Nhưng trong trường hợp này thì mình thấy họ rất đáng thương. Đáng thương cho sự hiểu biết nông cạn của họ. Đáng thương cho cái sự mẫn cán một cách mù quáng của họ. Họ không cần phải suy nghĩ gì hết, bên trên bảo thế nào là họ làm”. 

Lúc đó là 4 giờ chiều, nhóm người nói với bà rằng họ chưa có thể lập biên bản được. Đến 6:30 chiều họ trở lại, một lần nữa thúc giục, vận động bà. Khi bà vẫn kiên quyết không đi bầu, họ yêu cầu lập biên bản. Bà Đỗ Lê Na nói tiếp:

“Họ nghĩ rằng đưa công an, đưa tổ dân phố, đưa hội phụ nữ đầy đủ đến nhà mình thì mình sẽ sợ như các gia đình khác. Nhưng mà không phải như vậy. Bởi vì nhà cầm quyền đã đẩy gia đình mình đến bước như thế rồi thì gia đình mình không còn gì để mất. Không còn gì phải lo sợ với họ nữa và chính việc họ định răn đe mình, mình nghĩ là nó sẽ phản tác dụng bởi vì nó sẽ giúp tố cáo việc sai trái mà nhà cầm quyền đã làm với gia đình mình. Đó, bầu cử là quyền, thế mà mình từ chối quyền đó của mình thì họ lại cho người đến lập biên bản… Mình vui vẻ và làm cho hai bên đạt được mục đích: Họ thì lập được biên bản, trung thành về khoe với cấp trên là đã hoàn thành nhiệm vụ còn mình thì đạt mục đích là tố cáo”.

Buộc phải đi bầu, thôi thì nộp luôn cho cả dòng họ

Cô Đoàn Thị Hồng, một cựu Tù Nhân Lương Tâm vừa mãn án tù hôm 9 tháng 3, cho biết, từ hôm 22 tháng 5, cô đã bị an ninh đến nhà thúc cô đi bầu.

“Em viện lý do là dịch em không đi, nhưng mà họ nói là chị nên đi. An ninh huyện vô làm việc với em luôn mà”. 

Cô đi bầu và nhân dịp, bỏ phiếu luôn cho cả gia đình.

“Nhà có bảy phiếu lấy hết. Hồng bầu một người bên Hội Phụ nữ, đó là bạn học. Hồng đã quen biết. Và bầu một người cũng là bạn học luôn, làm ở dưới huyện. Còn đại biểu quốc hội thì không có bầu. Gạch hết, tại vì những người đó mình không biết, mình không bầu. Em cầm hết phiếu em đi nguyên đại gia đình em bầu y chang vậy”.

Một cử tri Hà Nội không muốn nêu tên nói, chị có ý định không đi bầu và đã tuyên bố như thế với người xung quanh. Nhưng một ngày sau chị lại khám phá rằng, mẹ của chị đã mang phiếu cử tri của chị đi bầu vì bà sợ chính quyền kéo đến làm biên bản. Bà đã nói với người chị ẩn danh này rằng cả làng nhà nào cũng chỉ một người đi bầu cho cả nhà. Hỏi vậy mẹ còn nhớ mẹ bầu cho ai, thì mẹ của chị không biết.

Tại Đắk Lắk, một người sắc tộc Ê Đê nói ông cũng chỉ đi bỏ phiếu cho có mà thôi:

“Nói chung mình đi bầu chả qua là mình đi nộp giấy xong rồi tự họ bầu đó chứ. Người hướng dẫn họ chỉ cho mình gạch”.

Chọn lựa bằng cách “gạch bỏ”

Với những người đã quyết định đi bầu thì vẫn có một ít cách để điền phiếu theo ý của họ, cho dù không biết rõ lý lịch, thành tích hoặc đạo đức của những người trong danh sách.

Facebooker Nguyễn Thị Ninh thì lập luận rằng: “Tôi gạch: 1-Người thứ nhất là người cao tuổi nhất trong 5 người! (Già rồi nghỉ ngơi cho sướng. Chẳng còn bao năm nữa đi theo Các mác- Lê nin). 2- Người nhiều bằng cấp nhất! (Đây chính là những kẻ tốn cơm dân nuôi nhất vì suốt bao năm đi làm chúng chỉ ăn lương rồi đi học đủ mọi thứ bằng để đáp ứng cho chức vụ này chức vụ kia. Đây cũng chính là kẻ theo chủ nghĩa cơ hội nhất, láu cá nhất. Không phải là người tài thật sự!)

Facebooker Trưởng Thôn thì nhận định: “Tui dự định ai là đảng viên thì tui gạch, nhưng nhìn không thấy ai ngoài đảng cả, toàn đỏ cả người”.

Còn một người tên Nguyễn Phúc Khang thì hỏi: “Ai bầu, bầu ai đâu có quan trọng? Vấn đề ở chỗ là ai kiểm phiếu?”


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điền phiếu bầu cử tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hôm 23/5/2021. Ảnh: AFP

Thế lực thù địch chống phá bầu cử?

Những người cho biết họ đã không đi bầu đều nói đây là quyền công dân từ chối bỏ phiếu của họ.

Tuy nhiên Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tại một cuộc họp báo ngày 21 tháng 5 cho biết bộ này đã có chính sách đối với 124 đối tượng phản động, chống đối bầu cử, trong đó có bốn nhóm phản động, hai chiến dịch tuyên truyền chống phá bầu cử, khởi tố 14 đối tượng, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên mạng, và gỡ bỏ 658 video clip liên quan đến chống phá hoặc đưa tin sai sự thật về bầu cử.

Theo Vietnamnet, lực lượng công an ngoài ra cũng đã đưa cán bộ công an làm nhiệm vụ tại 84.687 tổ bầu cử để đảm bảo “Ngày hội Toàn dân” diễn ra tốt đẹp theo đúng quy định.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét