Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

20210512. TÂN BÍ THƯ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG TRẦN LƯU QUANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

CÁCH LÀM MỚI, NHÌN TỪ NHÂN SỰ BÍ THƯ HẢI PHÒNG TRẦN LƯU QUANG

NGHĨA NHÂN/ TVN 4-5-2021

Sáng 4/5, Bộ Chính trị triển khai quyết định luân chuyển cán bộ để ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM làm Bí thư TP Hải Phòng.

Ông Trần Lưu Quang đang ở nhiệm kỳ ủy viên Trung ương lần thứ ba, với lần đầu là ủy viên dự khuyết khóa 11. Trưởng thành từ cán bộ đi lên ở quê hương, tới vị trí cao nhất - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh 4 năm (2015-2019), trước khi được Bộ Chính trị điều động làm Phó bí thư thường trực TP.HCM, có thể nói, ông Quang là Bí thư Tỉnh ủy phía Nam đầu tiên kể từ sau 1975 ra làm Bí thư Tỉnh ủy một địa phương phía Bắc.

Cách làm mới, nhìn từ nhân sự Bí thư Hải Phòng
Tân Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang

Mở rộng hơn một chút, cũng tính từ ngày đất nước thống nhất, ông Quang là người miền Nam thứ hai được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh phía Bắc.

Trước ông Quang đã rất nhiều năm chỉ có trường hợp nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trưởng thành từ quê hương Bến Tre, ở cương vị Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh ủy viên, bà Ngân được đưa ra Hà Nội làm Thứ trưởng Tài chính. Từ đây, năm 2001 bà trúng cử Trung ương khóa 9, rồi 2002 được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho đến 2006…

Đột phá so với thông lệ

Nhìn trở lại kết quả công tác nhân sự Đại hội 13 đầu năm nay do Bộ Chính trị, BCH Trung ương khóa 12 dày công chuẩn bị, cũng như kết quả kiện toàn nhân sự các chức danh nhà nước ở kỳ họp Quốc hội hơn một tháng trước, có thể thấy quyết định nhân sự mới nhất của Bộ Chính trị phản ánh cách làm có tính chất đột phá so với thông lệ.

Đầu tiên là Thủ tướng - một trong 4 chức danh chủ chốt được đặt lên vai ông Phạm Minh Chính, người mới có kinh nghiệm ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh sau đó là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chưa từng trải qua cương vị Phó Thủ tướng, điều hành Chính phủ, như các Thủ tướng tiền nhiệm.

Cùng với ông Chính là Bí thư Hải Phòng Lê Văn Thành. Chưa có kinh nghiệm hoạt động hành pháp ở Trung ương, nhưng bằng thành tích công tác nổi trội ở thành phố cảng, ông được Bộ Chính trị tín nhiệm giới thiệu và Quốc hội chấp thuận giao nhiệm vụ đầy thách thức, Phó Thủ tướng.

Bình thường và khác thường

Trở lại với trường hợp ông Trần Lưu Quang, phải khẳng định rằng việc Bí thư tỉnh ủy không phải là người tại chỗ, đến mùa đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vừa qua đã trở thành rất bình thường. Việc các ủy viên Trung ương người Bắc vào Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và thậm chí các tỉnh Nam Bộ làm Bí thư những khóa gần đây cũng không quá hiếm.

Câu hỏi là, tại sao trường hợp “Bắc tiến” như ông Quang lại hiếm như vậy? Lý do thì có nhiều, nhưng có thể điểm 2 nguyên nhân chính như sau.

Thứ nhất, đầu mối các đảng bộ trực thuộc Trung ương nằm ở phía Nam không nhiều, chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành ủy. Trong khi phía Bắc, kể cả Bắc Trung bộ, ngoài các tỉnh, thành ủy thì còn nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương đặt tại Thủ đô Hà Nội. Yếu tố ấy cùng với thuận lợi về địa lý, khiến cho số cán bộ có cơ hội được bồi dưỡng, phát triển, tham gia BCH Trung ương ở các tỉnh phía Bắc Trung bộ trở ra dồi dào hơn Nam Trung bộ trở vào.

Thứ hai, ngay cả khi Trung ương “nhắm” được nhân sự phía Nam có năng lực nổi trội, muốn kéo ra Bắc để bồi dưỡng, phát triển, thì không ít trường hợp ngại ngần, từ chối. Lý do chủ yếu là khác biệt văn hóa vùng miền, là thiệt thòi, vất vả, là xa gia đình, xa môi trường vốn đã thân quen… Chưa kể, vất vả vậy thì cơ hội thăng tiến tương lai thế nào là câu hỏi còn có phần bỏ ngỏ.

Nhưng ngay cả khi có nhiều nguyên nhân khách quan như vậy thì cũng cần hỏi lại: Tại sao cũng vất vả, thiệt thòi, xa gia đình mà cán bộ phía Bắc lại mạnh dạn vào Nam theo điều động của Trung ương?

Câu trả lời duy nhất là cần mạnh dạn, đột phá.

Và nhân sự Trần Lưu Quang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho nhiệm vụ đột phá khẩu ấy.

Thuận lợi nhiều hơn khó khăn

Đầu tiên là giao thông, đi lại, thông tin kết nối giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước. Từ Hải Phòng hay Hà Nội bay vào TP.HCM nhiều khi nhanh hơn từ TP.HCM chạy xe về các tỉnh…

Với ông Quang, văn hóa vùng miền phía Bắc không hẳn xa lạ. Có bố, mẹ là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, ông sinh ra ở Hà Nội năm 1967 với thời niên thiếu lớn lên ở hậu phương miền Bắc XHCN, rồi trở về Nam sau ngày thống nhất 30/4/1975.

Là cán bộ được đào tạo cơ bản, ông Quang được bồi dưỡng khá sớm, trở thành ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 11, năm 2011, khi là Bí thư huyện ủy 44 tuổi. Nay bước sang nhiệm kỳ Trung ương thứ ba, công việc thuộc chức trách ủy viên Trung ương với ông không còn gì lạ lẫm.

Với thành tích khá nổi trội trong 4 năm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, tiếp đó trải nghiệm 2 năm Phó bí thư thường trực TP.HCM – trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất nhì cả nước, ông Quang hội đủ điều kiện để bước vào cương vị mới ở Hải Phòng - thành phố cảng đang được kỳ vọng là một đầu tàu kinh tế của miền Bắc.

Cơ hội dành cho người tiên phong

Cũng có câu hỏi là tại sao không phân công nhân sự Trần Lưu Quang về một địa phương nào đó ở phía Nam thì biết đâu ông sẽ đóng góp được nhiều hơn, do đã quen thuộc văn hóa vùng miền?

Câu trả lời: Vậy thì dễ quá, còn gì là thử thách!

Thử thách đang ở phía trước với bất cứ cán bộ nào từ Bắc vào Nam, hay từ Nam ra Bắc. Nhưng chỉ có vượt qua được thử thách thì mới khẳng định được chính mình.

Khẳng định được năng lực của mình ở những môi trường, văn hóa khác nhau của quốc gia cũng chính là chứng minh mình “có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước” - như Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị năm 2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhân sự hai vị trí Thủ tướng, Phó Thủ tướng lần này và những cách làm khác với thông lệ đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ khuyến khích những Bí thư địa phương dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Cùng với thách thức, cơ hội từ thành phố cảng - cửa ngõ thông thương quốc tế lớn nhất của các tỉnh phía Bắc đang đợi chờ tân Bí thư Trần Lưu Quang. Và hơn cả, ông đã có điều kiện rất thuận lợi để bắt tay vào công việc mới của mình khi quyết định nhân sự của Bộ Chính trị đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và kỳ vọng từ Thành ủy Hải Phòng.

Nghĩa Nhân

TÂN BÍ THƯ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG:'TRƯỜNG HỢP CỦA TÔI RẤT ĐẶC BIỆT!'

QUỐC ANH / DT 6-5-2021

Dân trí

 Tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ (TPHCM), ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Trần Lưu Quang cho biết, trường hợp của ông rất đặc biệt khi vừa được phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Ngày 6/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 9 (TPHCM) đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ. Đơn vị này có 5 ứng cử viên, gồm ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng; ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM; bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ (TPHCM).

Trình bày chương trình hành động trước cử tri, ông Trần Lưu Quang nói: "Có lẽ trường hợp của tôi rất đặc biệt! Cách đây 2 ngày, tôi nhận quyết định của Bộ Chính trị, phân công về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng".

Sau đó, ông Quang trình bày rõ những ưu điểm và cả hạn chế nếu được cử tri tại đây tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử nên có kinh nghiệm hoạt động Quốc hội, có kinh nghiệm nghị trường. Giai đoạn đầu ông là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. Đến tháng 2/2019, ông nhận công tác tại TPHCM nên chuyển về làm đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM.

Trước khi được phân công nhiệm vụ mới, ông Quang hơn 2 năm làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Từng làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và hiện nay làm Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng, ông Quang cho rằng bản thân có sự phối hợp rất tốt trên vai trò đại biểu Quốc hội với lãnh đạo các địa phương.

Có những việc người dân thắc mắc, ý kiến, với vai trò là đại biểu Quốc hội thì ông tiếp nhận, còn với vai trò lãnh đạo địa phương thì ông chỉ đạo giải quyết. "Đây cũng là điểm cộng khá quan trọng", ông Quang nói.

Ngoài ra, vị thế là lãnh đạo địa phương, khi hoạt động Quốc hội, ông sẽ có điều kiện trao đổi với lãnh đạo Trung ương để giải quyết các vấn đề cử tri phản ánh, bức xúc.

"Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa tới, chắc tôi cũng chuyển sinh hoạt về Hải Phòng. Lúc đó tôi sẽ đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của bà con cử tri Hải Phòng chứ không phải bà con mình", ông Trần Lưu Quang nói về hạn chế của mình với cử tri Cần Giờ.

Tuy vậy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh rằng, dù ở đâu thì ông cũng sẽ hướng về bà con Cần Giờ, giúp TPHCM phát triển.

"Tôi hiểu bà con TPHCM mong muốn gì và hiểu bà con Cần Giờ đang khát khao điều gì. Trong nhiệm vụ của mình, dù ở đâu tôi cũng hướng về TPHCM, hướng về bà con Cần Giờ. Tình cảm gắn bó với TPHCM rất lớn, hiểu sự mộc mạc, giản dị của bà con Cần Giờ", ông Quang nhấn mạnh sau 2 năm gắn bó với đầu tàu kinh tế đất nước.

Ngoài ra, ứng cử viên Trần Lưu Quang cho biết, người dân Cần Giờ và TPHCM rất mong chờ vào dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Điều trùng hợp là chủ đầu tư dự án này cũng là nhà đầu tư trong nước lớn nhất đầu tư vào Hải Phòng. Vì vậy, ông sẽ góp phần thúc đẩy dự án tại Cần Giờ sớm triển khai và nơi đây sẽ "thay da đổi thịt" trong thời gian không xa.

Quốc Anh

MÂU THUẪN CHÍNH PHỦ, PHẠM MINH CHÍNH MUỐN 'TỐNG KHỨ' NGUYỄN VĂN THỂ ?

TRẦN HOÀNG/ TB /viet-studies 5-5-2021

Nguyễn Văn Thể là thứ trưởng Bộ Xây Dựng dưới thời Đinh La Thăng.  Chuyện Đinh La Thăng bị Nguyễn Phú Trọng hành hạ như thế nào thì ai cũng biết rồi. Nếu nói ông Đinh La Thăng dưới quyền ông Nguyễn Tấn Dũng thì Nguyễn Văn Thể phụ tá cho Đinh La Thăng thì ít nhất cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Tuy nhiên số phận khác nhau giữa hai con người này là điều cần phải nói nhiều mới tỏ được.

Ngày 1/9/2020, trong vụ án Đinh La Thăng, có quan điều tra của Bộ Công an kết luận rằng việc nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là bộ trưởng) ký các văn bản là thực hiện không đúng pháp luật.

Lúc đó cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 20 bị can, trong đó có ông Đinh La Thăng cựu Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1957, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT. Tuyệt nhiên không có tên trong danh sách truy tố. Cùng làm thứ trưởng nhưng Nguyễn Văn Thể thoát còn Nguyễn Hồng Trường thì chịu chung số phận với sếp của mình là ông Đinh La Thăng.

Trong kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có một số “bút phê” không đúng với quy định của pháp luật liên quan tới vụ án. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp ông Tô Lâm đã “bút phê” trong thương vụ Mobifone mua AVG và cuối cùng Bộ Công An cho đóng dấu “mật” những văn bản có chữ ký Tô Lâm và Tô Lâm trở thành vô can. Trong khi đó trường hợp ông Nguyễn Văn Thể không đóng dấu mật nhưng không ai dám mời ông Thể ra tòa dù chỉ như là nhân chứng để đối chất.

Thời kỳ Đinh La Thăng làm bộ trưởng bộ GTVT thì Nguyễn Văn Thể  là cái bóng mờ nhạt. Có thể nói thời làm Bộ Trưởng dưới trướng ông Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng là bộ trưởng thét ra lửa. Tuy nhiên Đinh La Thăng cuối cùng lại nhận lãnh số phận nghiệt ngã nhất, còn Nguyễn Văn Thể âm thầm nhưng không ai dám đụng đến.

Một bộ trưởng bê bối không thua gì Đinh La Thăng

Ông Nguyễn Văn Thể lên làm Bộ Trưởng Bộ GTVT làm rối xã hội. Những doanh nghiệp làm BOT toàn là những sân sau của những quan chức cỡ bự. Rất nhiều doanh nghiệp “tay không bắt giặc” nhờ trúng thầu các dự án BOT và từ đó phất lên. Đụng chạm đến BOT là đụng chạm đến miếng ăn của thế lực đó. Lợi ích nhóm ở Việt Nam xem như hết thuốc chữa, nó ngày phát triển lớn mạnh và Nguyễn Văn Thể là một trong những con người như vậy.

Suốt từ nhiều năm nay, người dân bất bình với nhưng BOT đặt sai vị trí tìm cách trấn lột người dân. Tình hình trở nên căng thẳng khi mà hầu hết các trạm BOT bẩn đều bị người dân phản đối. Ngoài việc huy động lực lượng công an trả thù những người đấu tranh BOT bẩn thì ông Nguyễn Văn Thể còn tích cực ra nhiều văn bản dưới luật đổi tên từ “thu phí” sang “thu giá”, rồi từ “thu giá” trở về “thu phí”. Mục đích là để bao che cho các nhóm lợi ích BOT.

Việc ông Nguyễn Văn Thể “bút phê” ký ba văn bản chỉ đạo không đề nghị chấm dứt trước hạn hợp đồng theo quy định, thu quyền thu phí có liên quan đên công ty Cửu Long cũng là liên quan đến lợi ích nhóm BOT.

Cụ thể, văn bản ký ngày 31-8-2015 Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi Tổng Công ty Cửu Long, Công ty Yên Khánh chỉ đạo: Yêu cầu Công ty Yên Khánh căn cứ Thông báo kết luận của Bộ GTVT khẩn trương thực hiện thanh toán theo đúng tiến độ cam kết, giao Tổng Công ty Cửu Long có trách nhiệm thanh toán theo đúng cam kết. Tiếp đến ngày 8-10-2015, ông Thể ký văn bản có nội dung tương tự…

Ngoài các văn bản trên, khi Tổng Công ty Cửu Long có báo cáo đề xuất chấm dứt hợp đồng, Nguyễn Chí Thành (cựu Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) đã tham mưu soạn thảo để trình Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký tờ trình ngày 22-6-2015, gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng về tình hình thực hiện hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TPHCM–Trung Lương.

Ngày hôm sau, ông Đinh La Thăng ghi ý kiến chỉ đạo phía trên, góc trái của tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng của hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước, Tổng Công ty Cửu Long”.

Như vậy là sai phạm về BOT Nguyễn Văn Thể cũng liên quan từ thời Đinh La Thăng và cho đến lúc ông Thể làm Bộ Trưởng ông vẫn tiếp tục. Tội ông Nguyễn Văn Thể không nhẹ hơn Đinh La Thăng nhưng tại sao ông Thể không sao?

Nguyễn Văn Thể thuộc phe nào?

Sai phạm khủng mà vẫn không sao thì chỉ có thể là người của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu Nguyễn Văn Thể là người của Nguyễn Tấn Dũng thì ông Thể đã cùng chung số phận như Đinh La Thăng rồi.

Trong chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây có 3 người làm dân ghét nhất đó là Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Kim Tiến và Đinh La Thăng. Trong đó 2 người là bà Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Phùng Xuân Nhạ xem như là người của Nguyễn Phú Trọng bởi hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Tiến thì được ông Nguyễn Phú Trọng kéo về làm trưởng ban chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương còn ông Phùng Xuân Nhạ thì được ông Trọng kéo về làm phó trưởng ban tuyên giáo.

Ông Nguyễn Văn Thể đi lên từ chính phủ và ngồi ở chính phủ được 3 năm làm nhiều người không nghĩ ông Thể là người của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên qua vụ án Đinh La Thăng và những gì mà ông Nguyễn Văn Thể thực hiện thì ông Thể được thế lực khác đỡ đầu chứ không phải là thế lực Nguyễn Tấn Dũng. Thế lực đó không ai khác chính là thế lực Nguyễn Phú Trọng.

Trước địa hội 13, nhiều người nghĩ rằng ông Nguyễn Văn Thể sẽ rớt ủy viên trung ương sau quá nhiều tai tiếng, tuy nhiên ông Thể vẫn còn ủy viên trung ương và hiện giờ vẫn là thành viên của chính phủ ông Phạm Minh Chính.

Quan sát những gì ông Thể thể hiện nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Thể khó mà hòa hợp được với chính phủ Phạm Minh Chính. Được biết trong chính phủ của ông Phạm Minh Chính có Nguyễn Thanh Nghị người mà ông Nguyễn Tấn Dũng ủy thác cho ông Phạm Minh Chính phải chở che. Nếu có người của Nguyễn Phú Trọng trong chính phủ rất khó cho ông Phạm Minh Chính phối hợp với Nguyễn Thanh Nghị thực hiện những ý đồ lớn. Việc chuyển Nguyễn Văn Thể ra ngoài chính phủ là một việc mà  Phạm Minh Chính rất muốn. Tuy nhiên muốn ông Nguyễn Văn Thể ra đi không phải là dễ. Không phải ngẫu nhiên mà sau bao nhiêu bê bối ông Nguyễn Văn Thể vẫn ngồi lù lù trong chính phủ mới của ông Phạm Minh Chính đâu.

Liệu Nguyễn Văn Thể có như Đinh La Thăng không?

Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng, ông Đinh La Thăng rời khỏi bộ giao thông vận tải đến Sài Gòn làm bí thư thành ủy. Việc cơ cấu về địa phương để làm bàn đạp phóng lên vị trí cao hơn, tuy nhiên khi không còn lực nâng của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông Đinh La Thăng đã gãy gánh giữa đường. Nguyên nhân là bởi, Đinh La Thăng là thuộc hạ của Nguyễn Tấn Dũng.

Lúc trước Đinh La Thăng ra khỏi chính phủ về địa phương bởi không hợp với thủ tướng mới ông Nguyễn Xuân Phúc. Lần này cũng rất có thể như vậy, ông Nguyễn Văn Thể rất có thể sẽ rời chính phủ của ông Phạm Minh Chính để về địa phương. Ông Phạm Minh Chính rất muốn điều này và Nguyễn Văn Thể cũng vậy. Tuy nhiên ông Nguyễn Phú Trọng có thuận theo ông Nguyễn Văn Thể hay không là chuyện khác. Ông Trọng vẫn muốn cài người của mình vào chính phủ, công việc mà ông Trọng rất hay làm trước đây khi mà ông cài Vương Đình Huệ vào chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng bất thành.

Không biết số phận của ông Nguyễn Văn Thể sẽ ra sao. Theo tin rò rỉ, hiện ông Nguyễn Văn Thể đang muốn về thành phố HCM để thay thế cho ông Trần Lưu Quang hoặc ông Nguyễn Thành Phong. Ông Trần Lưu Quang chắc chắn là ra Hải Phòng nhưng việc đi hay ở của ông Nguyễn Thành Phong hiện nay là chưa chắc chắn. Tuy nhiên từ ghế bộ trưởng bộ GTVT mà về ngồi vào một trong hai chiếc ghế kể trên cũng là một cơ hội lớn cho ông Nguyễn Văn Thể. Không biết ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng ra sao mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Thể hiện giờ không sao, tuy nhiên khi thế lực ông Nguyễn Phú Trọng yếu đi thì rất có thể, Nguyễn Văn Thể sẽ là một Đinh La Thăng thứ hai.

Trần Hoàng – Thoibao.de (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét