Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

20190129. NÊN BỎ HẲN KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

ĐIỂM BÁO MẠNG
BỘ GIÁO DỤC NÊN BỎ HẲN KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

HỮU SƠN/ GDVN 29-1-2019

Ai cũng biết, nền giáo dục Việt Nam đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn, không có lối ra: học để thi, thi để học.
Cứ đến mùa thi cử, tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia bao nhiêu áp lực, căng thẳng, mỏi mệt dồn hết lên đầu các thế hệ học sinh.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay diễn ra rất khốc liệt, hơn cả kỳ thi tuyển sinh vào đại học thời trước đây, sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 hàng năm.
Vì số lượng học sinh tăng mạnh, trong khi đó hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu.
Như vậy, số học sinh không được vào lớp 10 công lập ở hai địa phương này sẽ lên con số hàng chục vạn em.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Áp lực học tập, thi cử đối với học sinh lớp 9 ở các địa phương có tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 càng gia tăng hơn khi một số tỉnh, thành đã và tiếp tục có kế hoạch áp dụng môn thi thứ ba dưới hình thức bài thi tổ hợp (ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân hoặc ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học).  
Sắp đến mùa thi, trước kỳ vọng của các bậc phụ huynh, các em phải học ngày, học đêm, vùi đầu vào những trung tâm luyện thi, lớp dạy học thêm của giáo viên.  
Từ năm học 2006-2007, Quốc hội chính thức quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở vì thấy nó không còn cần thiết nữa mà chỉ gây căng thẳng và tốn kém cho xã hội.
Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu ngành giáo dục phải cải tiến, đổi mới và thực hiện tốt khâu kiểm tra, đánh giá học sinh ở từng năm học để làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp cũng như tuyển chọn vào lớp 10 công lập.
Về phương thức tuyển sinh, theo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2006 (Thông tư số 12), các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình giáo dục thực tế của mình mà cân nhắc, lựa chọn một trong ba cách: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét và thi tuyển.
Quy chế của Bộ cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện như kỳ thi trung học cơ sở (trước đây), kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay, do đó khâu thi tuyển nếu có được tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém.
Mặt khác, các em học sinh lớp đang ở lứa tuổi ăn, tuổi ngủ, chưa phải lúc bị nhồi nhét, bị áp lực nặng nề bởi kỳ thi tuyển sinh vào 10 có tính cạnh tranh cao và số môn thi nhiều đến vậy.
Trong khi đó, hầu hết các nền giáo dục trên thế giới đều chọn cách xét tuyển thay vì thi tuyển và trên thực tế kỳ thi lớp 10 đã bị xóa sổ hơn nửa thế kỷ trước.
Tôi thiết nghĩ, nhằm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn học - thi, thi - học nêu trên, không có cách nào khác, các địa phương, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cần phải thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thông qua các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở trên lớp.
Năm nào cũng làm thực chất, công tâm, luôn “nói không” với bệnh thành tích và tháo khoán, thì đến cuối năm lớp 9, các địa phương hoàn toàn yên tâm, tin tưởng dựa vào kết quả, đánh giá ấy mà xét tuyển vào lớp 10.
Không cần phải qua thi tuyển, thi các môn này, bài tổ hợp kia mà các em bậc trung học cơ sở đều có ý thức học tập, rèn luyện tốt, rồi vẫn phân loại, chọn lựa được học sinh khi lên lớp 10 trường công lập, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, cách tổ chức thực hiện của ngành giáo dục ở địa phương. Xin đừng đổ lỗi cho các yếu tố khác… 
Một số ít tỉnh hiên nay vẫn duy trì tốt việc tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh (trừ trường chuyên) qua một phương thức xét tuyển là nhờ các cấp quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên bậc trung học cơ sở ở đây có nhận thức đúng, đồng bộ và quyết tâm lớn trong thực hiện quy chế chuyên môn nói chung và khâu đánh giá, kiểm tra học sinh nói riêng.
Cách làm của một số địa phương có thể là một gợi ý hay cho các địa phương khác vận dụng, tiếp bước. Sao cứ phải thi và thi miết vậy? Chỉ thấy thương và tội cho con trẻ và phụ huynh quá.
HỮU SƠN
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

PHỤ HUYNH BĂN KHOĂN VỀ QUY ĐỊNH TUYỂN THẲNG VÀO CẤP 3

AN NGUYÊN /GDVN 29/1/2019


Kỳ tuyển sinh năm 2019, ngành giáo dục Đà Nẵng có nhiều điểm mới về ưu tiên môn ngoại ngữ. Ảnh: AN
Mới đây, một số phụ huynh đang có con học lớp 9 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có nội dung kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề tuyển sinh vào lớp 10. 
Theo kiến nghị này thì vừa qua, khi tham dự buổi họp phụ huynh học kì 1 thì có nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT về việc quy chế tuyển sinh vào lớp 10.
Trong đó, có nội dung tuyển thẳng các học sinh đang theo học tiếng Đức và tiếng Hàn vào trường trung học phổ thông  Hòa Vang mà không cần xét đến kết quả học tập và đánh giá chất lượng các môn học này như thế nào.
“Việc này tạo ra sự không công bằng với các em học sinh khác hay nói cách khác là phi giáo dục, là phi lý, gây bất bình trong dư luận. Chỉ cần đạt loại khá năm lớp 9 là được tuyển thẳng.
Do đó, phụ huynh kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét các phòng ban tham mưu có phải là tư duy nhiệm kỳ hay không?
Có con cháu nằm trong diện ưu tiên này hay không? Việc xét tuyển là việc làm nhạy cảm nhưng không có định hướng nào cả, làm mỗi năm mỗi khác”, phụ huynh kiến nghị.
Trả lời kiến nghị của phụ huynh, sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, ngày 27/12/2018, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT về việc ban hành quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2019-2020.
Về cơ bản, các quy định tuyển sinh đều giống như các năm học trước và có một số thay đổi mới.
Theo đó, học sinh lớp 9 có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn thời hạn quy định sẽ được miễn thi và quy đổi điểm 9, 10 theo từng mốc điểm chứng chỉ cụ thể.
Học sinh học chương trình tiếng Đức (ngoại ngữ 2) tại Trường trung học cơ sở Trần Quý Cáp, Nguyễn Thiện Thuật (quận Cẩm Lệ).
Và tiếng Hàn (ngoại ngữ 2) tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) đã tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá trở lên được tuyển thẳng vào học Trường trung học phổ thông Hòa Vang và tiếp tục học ngoại ngữ 2 như tại trường trung học cơ sở.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho rằng, quy định như vậy để khuyến khích việc dạy học các môn ngoại ngữ tại các trường phổ thông.
Đối với các lớp lần đầu triển khai dạy học môn ngoại ngữ mới với số lượng ít học sinh, học ngoại ngữ 2 (như tiếng Nhật, tiếng Pháp trước đây), Sở đã ưu tiên tuyển thẳng số học sinh năm đầu tiên học tiếng Đức, tiếng Hàn vào học lớp 10 Trường trung học phổ thông Hòa Vang.
Tuy nhiên, việc tuyển thẳng này cũng có điều kiện đi kèm là các em học sinh đó “tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá trở lên”.
Những năm học sau, căn cứ vào tình hình thực tiễn, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ khảo sát đánh giá việc tổ chức dạy học ngoại ngữ và sẽ có phương án tuyển sinh phù hợp.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

5 LÝ DO KHIẾN CHƯA THỂ BỎ KỲ THI TUYỂN SINH 10

NHẬT DUY/ GDVN 30-1-2019
 
(GDVN) - Dù biết là có tốn kém, thầy cô và cả học trò có áp lực hơn hình thức xét tuyển nhưng thi mới đánh giá tương đối thật được kết quả đào tạo của các nhà trường.
 
Đọc bài viết Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/1/2019, dù có một số điểm đồng cảm nhưng theo chúng tôi thì Bộ Giáo dục chưa thể bỏ thi tuyển sinh 10 trong lúc này.
Nếu bỏ tuyển sinh 10 để xét tuyển thì chỉ nên là những trường thuộc khu vực khó khăn, nơi mà thí sinh đăng ký dự thi có số lượng ngang bằng hoặc ít hơn số lượng lấy đầu vào.
Những trường trung học phổ thông thuộc khu vực thị thành, khu vực đông dân cư thì việc thi tuyển là cách tuyển chọn công bằng và khách quan nhất. Hơn nữa, nếu không thi thì chất lượng cấp trung học cơ sở sẽ không biết đi về đâu.


Thi tuyển sinh 10 vẫn có nhiều ưu điểm  (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Hiện nay, đa phần các địa phương vẫn duy trì việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 cho các em học sinh cuối cấp trung học cơ sở.
Việc duy trì này dù biết là có tốn kém hơn, thầy cô và cả học trò có áp lực hơn hình thức xét tuyển nhưng thi mới đánh giá tương đối thật được kết quả đào tạo của các nhà trường.
Chúng ta đều biết, việc phân bố học sinh hiện nay không đồng đều về số lượng, chất lượng ở các địa bàn nên những năm qua, có những trường tỉ lệ đăng kí thi rất thấp nhưng có những trường, những địa phương có tỉ lệ chọi rất cao.
Ví dụ như Hà Nội trong năm học 2018-2019 vừa qua chỉ tuyển khoảng 60% thí sinh đăng ký dự thi; thành phố Hồ Chí Minh chỉ tuyển 75 % thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập.
Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành khác cũng xảy ra hiện tượng cạnh tranh gay gắt khi thi đầu vào lớp 10 ở các trường thành phố, thị xã…
Đặc biệt là tỉ lệ chọi ở các trường chuyên, các trường điểm ở các thành phố, các trường huyện có tỉ lệ chọi và điểm đầu vào tương đối cao, tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt khi các em thi tuyển vào các trường này.
Tuy nhiên, càng điểm cao lại càng có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình thi vào bởi phụ huynh nào cũng hy vọng con em mình vào được các trường đó sẽ có tương lai hơn.
Chính vì thế, các kì thi tuyển sinh 10 phần lớn hiện nay là cạnh tranh rất lớn, nhiều trường còn gay gắt, khốc liệt nữa.
Việc tác giả Hữu Sơn đề xuất bỏ thi tuyển sinh 10, theo chúng tôi chỉ có thể là những trường có tỉ lệ đăng kí tuyển sinh bằng hoặc thấp hơn tỉ lệ tuyển đầu vào.
Các trường còn lại nhất thiết phải tổ chức thi để tạo được sự khách quan, công bằng và tạo động lực học tập cho học sinh với các lý do sau:
Thứ nhất, xét học bạ sẽ dẫn đến tình trạng các trường nâng điểm học tập các năm của các em ở cấp trung học cơ sở.
Dù có lý thuyết thế nào đi chăng nữa thì các trường cũng phải lo “uy tín” và tỉ lệ đỗ của học sinh trường mình trước rồi mới nghĩ đến những điều khác.
Những điều như “trung thực”; “khách quan” khi đánh giá chỉ là lý thuyết viển vông mà thôi.
Thứ hai, vì đua nhau nâng điểm sẽ dẫn đến khi xét học bạ không tạo được sự công bằng giữa học sinh trường trung học cơ sở này với trường trung học cơ sở khác. Trường đánh giá nghiêm minh thì tỉ lệ đậu ít, trường đánh giá hời hợt lại có tỉ lệ đỗ cao. Vô tình, sự thua thiệt lại đổ về cho học sinh.
Thứ ba, tỉ lệ học sinh lớp 9 hiện nay phần lớn ở các địa phương cao hơn rất nhiều tỉ lệ tuyển vào lớp 10.
Bởi, bao giờ ngành giáo dục, địa phương cũng có chủ ý phân hóa đối tượng để một số em có thể học nghề, vào học ở các trường ngoài công lập nhằm đáp ứng đúng hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thi cử, sẽ tuyển được những em phù hợp, có chất lượng cao nhất để đào tạo. Đây không chỉ là chủ trương của Đảng, Nhà nước mà cũng là điều cần thiết để định hướng nghề nghiệp của nhiều phụ huynh cho con em mình khi thấy học lực không tốt.
Thứ tư, thực tế ngành giáo dục một số địa phương cũng đã từng thí điểm bỏ thi tuyển sinh 10 thay bằng hình thức xét tuyển và chỉ một vài năm phải vội quay lại thi cử bởi chất lượng quá thấp.
Học sinh bây giờ không nhiều những em có ý thức tự nguyện trong học tập nếu không gắn với một kì thi, một cái đích cụ thể.
Thứ năm, tổ chức thi tuyển sinh 10 cũng là cách đánh giá chính xác nhất các trường trung học cơ sở. Những trường có tỉ lệ đậu thấp sẽ có những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các thầy cô được phân công giảng dạy thì cũng phải trau dồi, tìm tòi kiến thức để trang bị cho mình và tìm ra những phương pháp tốt nhất để giảng dạy trên lớp.
Vì những lý do trên mà chúng tôi cho rằng vẫn phải duy trì kì thi tuyển sinh 10. Dù có vất vả, tốn kém thêm một chút nhưng vẫn là điều cần thiết cho bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện tại.
Bỏ kì thi này sẽ mất nhiều hơn được. Vì thế, chúng tôi chỉ tán thành những nơi đặc biệt khó khăn mới thực hiện hình thức xét tuyển.
Còn lại, tổ chức thi là công bằng và khách quan nhất khi đánh giá các trường và quan trọng hơn cả là các trường trung học phổ thông tuyển được những em học sinh tốt nhất cho mình.
 
NHẬT DUY
 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét