Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

20190112. GÓP Ý VỀ CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ 13

ĐIỂM BÁO MẠNG
GÓP Ý VỀ CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ 13

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 12-1-2019

Kết quả hình ảnh cho đại hội đảng lần thứ 13
     Đại hội toàn quốc lần thứ 12 Đảng CSVN
Đảng CSVN bắt đầu chuẩn bị Đại hội 13. Mỗi lần như vậy có 2 việc quan trọng nhất: Báo cáo chính trị và Quy hoạch nhân sự. Về nhân sự, tôi đã bàn đến trong bài “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”, trong đó vạch ra những việc làm phản dân chủ, không hợp quy luật, kém hiệu quả.
Về Báo cáo chính trị, nhiều người cho rằng nó rất quan trọng, là trọng tâm, là hạt nhân của Đại hội. Tôi theo dõi 6 lần Đại hội (từ Đại hội 7 đến 12), nhận thấy rằng, Báo cáo chính trị là những văn bản nặng về hình thức sáo rỗng, có ít tác dụng. Hình như ngoài các đảng có bản chất cộng sản và đang chuyên chế, không có đảng chính trị cầm quyền nào tại các nước dân chủ lại viết và đọc Báo cáo chính trị dài lê thê, trong một Đại hội nhiều ngày như Đảng Cộng sản Việt Nam. Thử hỏi các đại biểu đến họp Đại hội xem có bao nhiêu phần trăm chú ý của họ dành cho việc nghe đọc báo cáo. Họ ngồi trong hội trường, im như tượng, mỗi người nghĩ về sự quan tâm riêng hoặc tranh thủ thư giãn và chẳng mấy ai theo dõi người đọc báo cáo.
Đọc kỹ Báo cáo chính trị của Đại hội 12, dài trên 4 vạn từ, gồm 15 mục, tôi rút ra nhận xét, nó là sản phẩm của rất nhiều công sức, nhưng là của những trí tuệ giáo điều, đã bị xơ cứng, của những lao động giản đơn như sao chép, cắt dán, liệt kê, nó giống như một hiệu tạp hóa, có rất nhiều mặt hàng, mỗi thứ một ít. Theo lời kêu gọi góp ý cho Đại hội tôi đã viết 4 bài khá dài, vừa đăng công khai, vừa gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng cũng như đến các tỉnh ủy, thành ủy, nhờ chuyến tới các đại biểu. Tôi phân tích tương đối kỹ những yếu kém của báo cáo, góp một số ý kiến về cách viết có hiệu quả cùng những vấn đề nên đem ra thảo luận.
Còn hơn 2 năm nữa mới đến Đại hội 13, thế mà bây giờ Bộ Chính trị đã lập Ban chuẩn bị văn kiện gồm trên sáu chục người. Họ đề ra phương châm: kiên trì và đổi mới, kế thừa và phát triển, lý luận và thực tế. Nghe như các cặp phạm trù triết học.
Kiên trì cái gì? Đáng ra phải kiên trì đường lối độc lập tự chủ nhằm đem lại tự do và hạnh phúc thật sự cho nhân dân, thì lại kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, một chủ nghĩa được tạo nên từ ngụy biện, chứa nhiều độc hại, chỉ mang lại và bảo vệ lợi ích phi nghĩa cho vài nhóm nhỏ. Đáng lẽ phải nghiên cứu, phân tích Tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ lại và phát huy những yếu tố tích cực, tìm ra và loại bỏ những yếu tố có hại cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân thì lại đem buộc chặt nó với Mác Lê, một việc làm tưởng đề cao ông Hồ nhưng thực chất là làm hại ông. Những điều Đảng kiên trì như độc quyền, công hữu đất đai, bóp nghẹt tự do tư tưởng và ngôn luận, đeo bám Trung cộng v.v… chỉ nhằm đẩy dân tộc vào con đường bế tắc, tụt hậu.
Đổi mới cái gì? Những nhà lý luận của đảng loay hoay tìm cách đổi mới. Nhưng với đầu óc bị nhồi sọ và xơ cứng họ chỉ nghĩ ra được vài điều vụn vặt về chống diễn biến, về tăng cường kỷ luật v.v… Những điều như Quyết định 44 về bầu cử, Quyết định 90; 102, 105 và quy hoạch cán bộ v.v… được cho là đổi mới, nhưng thực chất lại quá lạc hậu, phản tiến bộ.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay quan trọng nhất là đổi mới nhận thức về vai trò. Đó là chuyển từ một đảng làm cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền. Phải xem lại, đảng có cần là đội tiên phong của giai cấp nữa hay không, có cần một tổ chức quá nặng nề như hiện nay không. Trước mắt, liên quan trực tiếp đến Đại hội 13 nên tập trung đổi mới 3 việc sau: Bầu cử, Tổ chức Đại hội, Báo cáo chính trị.
Đại hội 12 với 1510 đại biểu, họp trong 9 ngày, báo cáo trên 4 vạn từ là quá cồng kềnh, quá lãng phí, kém hiệu quả. Bầu cử mất dân chủ. Nên chăng có những đổi mới sau:
Bầu Ban Chấp hành Trung ương nên làm theo khu vực giống như bầu Quốc hội. Việc Đại hội bầu ra Ban Chấp hành chỉ nên dùng ở các cấp dưới. Hỏi rằng ở Đại hội toàn quốc, một đại biểu ở Cà Mau, Kiên Giang biết gì về ứng viên ở Lai Châu, Cao Bằng mà bầu hay gạch bỏ?
Đại hội được tổ chức sau khi bầu Ban Chấp hành Trung ương. Đại biểu đi dự Đại hội gồm các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mới được bầu và thêm các đại biểu khác, tổng số chỉ nên vào khoảng 800. Các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cũng như các đại biểu dự Đại hội phải được bầu thật sự dân chủ, qua tranh cử công khai. Cấp ủy cũ chỉ lập mà không được quyết định danh sách.
Đại hội chỉ nên họp dưới 6 ngày, việc chính là bầu Tổng Bí thư và ủy viên Bộ Chính trị, là thảo luận về phương hướng, đường lối sắp tới. Không cần đề ra và thảo luận các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế và xã hội. Hỏi rằng nhiều đại biểu biết gì về các chỉ tiêu cụ thể mà biểu quyết hay không. (Ở các nước có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa chính phủ và đảng cầm quyền không đặt chỉ tiêu cho sản xuất và buôn bán). Chủ tịch đoàn là để điều khiển chứ không phải để vinh danh, vì vậy chỉ cần khoảng 7 người. Đưa một lúc trên 30 người ngồi Chủ tịch đoàn mà làm gì.
Nên đổi mới cách viết Báo cáo chính trị, cần súc tích, chỉ nên dưới 1 vạn từ. Báo cáo được in và phát cho đại biểu, tại Đại hội không trình bày, chỉ tổ chức thảo luận. Thử hỏi xem ở Đại hội có ai tập trung nghe báo cáo.
Trong các Báo cáo chính trị tại các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam có lẽ báo cáo tại Đại hội 6 là đáng để ý hơn cả. Để chuẩn bị Đại hội 6, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng với những Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Tố Hữu v.v…đã mất hàng năm chuẩn bị. Nhưng sau khi Lê Duẩn qua đời, Trường Chinh đã chỉ đạo viết lại báo cáo chỉ trong vài tháng với một số rất ít người tham gia. (10 người, do Hoàng Tùng làm trưởng nhóm). Đó mới là bản báo cáo có giá trị nhất.
Báo cáo chính trị Đại hội 12 dài lê thê và lắm rác rưởi. Không thấy ai tìm xem đã chi bao nhiêu tiền thuế của dân để hoàn thiện và phổ biến một báo cáo như vậy. Tôi ước tính khoảng trên dưới trăm tỷ. Nếu như không chịu đổi mới, vẫn theo cung cách cũ thì Báo cáo chính trị tại Đại hội 13 chắc sẽ dài hơn, lắm rác rưởi hơn và tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân hơn. Hãy chờ xem.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

QUYỀN LỰC CÔNG HAY QUYỀN ÔNG ?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GDVN 12-1-2019

Vấn đề kiểm soát quyền lực đang được thực hiện như thế nào? (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).
Không phải đến lúc một chiếc xe công đỗ xịch ngay dưới chân cầu thang máy bay để đón một nhân vật được hưởng…hơi của “VIP” thì dư luận bất ngờ hỏi lại: Sao có chuyện nhức mắt này?
Sao không thể đón đưa người thân Bộ trưởng bằng một chiếc xe bình thường?
Sao lại sử dụng thứ xa xỉ nhất là “ngoại lệ” của ngành hàng không để phục vụ cho một cá nhân chẳng có ảnh hưởng hay đóng góp gì đến vận mệnh đất nước…?
Quyền công hay công quyền là khái niệm dùng để chỉ một loại quyền lực nhà nước, thứ quyền ấy là của chung, nhưng oái ăm ở chỗ nó được trao vào tay một người. Biết sử dụng đó là sức mạnh vô biên, mất kiểm soát nó sẽ mang đến tai họa.
Xe công là chỉ một loại phương tiện phục vụ cho quyền lực công, nó cũng là của chung và đương nhiên không dành riêng cho ai cả, nó là một loại đặc ân tạm thời.
Mang quyền lực công đi xài riêng là một dạng đánh cắp tài sản công. Bởi, quyền lực công ở đây không phải thuộc về “một” hoặc “một vài” mà đích thị nó phải thuộc về tất cả, ở đây là NHÂN DÂN.
Sự “lạm dụng vô tư” dường như có mặt khắp nơi trong một xã hội còn đặc quánh niềm tự hào với câu cửa miệng “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Nhưng, nếu điều đó khiến một cá nhân tầm cỡ Bộ trưởng phải trả giá bằng uy tín và danh dự thì không còn là sự vô tư đơn thuần.
Mà đó là một biểu hiện nhức nhối của tư duy thiếu chuyên nghiệp của những người có chức trách.
Nó không những là hình ảnh tai hại dưới chân cầu thang máy bay ở Nội Bài, mà còn trước cổng chùa ngày nghỉ, bên ngoài trung tâm tiệc tùng cưới hỏi, sinh nhật, thậm chí quán nhậu.
Đáng quan ngại thay cho những suy nghĩ xe công là “xe ông”, quyền lực công là “quyền lực ông”. Đó mới là thứ cần chống để tránh tha hóa quyền lực chứ không phải là hàng tá quy định trên trời dưới đất về “đạo đức công vụ”.
Sau bê bối “đón đưa” ở Bộ Công thương, liệu những người có chức trách, có cái nhìn cận cảnh hơn về mất kiểm soát quyền lực công và đặt ra một dấu hỏi cho cái gọi là “kiểm soát quyền lực công như thế nào?”.
Điều gì khiến một tiêu chuẩn hàng không - vốn nghiêm ngặt có nguy cơ bị phá vỡ bởi một văn bản? Mà nội hàm của sự việc đã cho thấy không đúng với tính chất của một công văn nhân danh một tổ chức lớn!
Vì sao người ta tặc lưỡi chấp nhận dù biết rằng mình bị “qua mặt”? Phải chăng, bóng dáng của quyền lực công là quá lớn.
Hẳn “người trong cuộc” phải biết rằng, như thế là lạm dụng quyền lực, mà sao sự việc vẫn đươc tiến hành trơn tru.
Phải chăng, trong hệ sinh thái quan trường Việt Nam, người ta đã mặc nhiên chấp nhận “người nhà” của những người có quyền lực cũng trở nên có quyền lực tương tự?
Người Việt có câu “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Sau lời xin lỗi “thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa “rà soát kiểm tra lại toàn bộ vụ việc…”, nhưng e rằng một khi dư luận lắng xuống, sự vụ cũng chìm theo chăng?
Hóa ra, rò rỉ quyền lực không nằm ở đâu xa xôi khi nó hiển hiện ngay bên cạnh những người có quyền lực; không gian nơi quyền lực bị mất kiểm soát không phải là sự cám dỗ vật chất như thường quan niệm, mà nó diễn ra xung quanh sự thân hữu, ngay trong “bộ hạ” của “thần thiêng”.
Rõ ràng, đây không phải là một sai lầm do ngộ nhận, mà sự “bài bản” của nó đã cho thấy một thói quen như điều đương nhiên có khả năng lặp đi lặp lại!
Không một ai muốn mang đến tai vạ cho người thân của mình, với những gia đình danh giá điều đó lại càng nên kiêng cữ.
Sự vụ rùm beng này một lần nữa cho thấy sự kỷ cương lỏng lẻo ở chốn công quyền.
Lời xin lỗi, dù được phát ra từ đâu - nếu chân thành, đều mang ý nghĩa tích cực, là điều cần thiết ở những người buộc phải đảm bảo về đạo đức, tư cách, nó cần thiết phải trở thành một chuẩn văn hóa ứng xử.
Nhưng, một khi có quá nhiều sự việc phải xin lỗi lại là chuyện khác. Bởi, quyền lực công - là thứ vô hình và vô biên, nhưng đừng tưởng là bất tận, sẽ cạn kiệt dần nếu như bị “phung phí” vào những việc vô bổ.
Trương Khắc Trà
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét