Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

20190127. EVFTA TẠM THỜI BỊ HOÃN

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHÍNH THỨC HOÃN EVFTA: MÓN QUÀ NĂM MỚI CHO CHÍNH THỂ ĐỘC TRỊ Ở VIỆT NAM

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 25-1-2019

Tin sốc!
Từ cuối tuần trước đã hé lộ một vài tin tức về khả năng Hội đồng châu Âu, dù phải chịu sức ép không nhỏ của một nhóm nghị sĩ và phía sau đó  là những doanh nghiệp châu Âu đốc thúc cơ quan này phải nhanh chóng phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), vẫn ra quyết định hoãn lại việc phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh ‘nhân quyền trên hết’ - điều kiện cần của Nghị viện châu Âu - cho tới nay đã hoàn toàn bị chính thể độc trị ở Việt Nam phớt lờ.
Đến ngày 21/1/2019, đã có tin chính thức về quyết định hoãn EVFTA trên.
Theo Thoibao.de, bà Jude Kirton-Darling, nghị sĩ Quốc hội châu Âu và là thành viên của Ủy ban về Thương mại quốc tế của Quốc hội EU, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn lại việc phê chuẩn EVFTA vì lý do „kỹ thuật“.

https://2.bp.blogspot.com/-T542PkARPJQ/XEknOap3bAI/AAAAAAAAdYY/YJlVjVFAE7UC9uocLGJmpIjQK-jxx7T4wCLcBGAs/s640/1-23.jpg
Mặc dù lý do chính thức được nêu ra là „kỹ thuật“, nhưng bà nghị sĩ Jude Kirton-Darling đánh giá rằng mối quan hệ EU – Việt Nam thực sự là quan trọng, nhưng phải có sự tiến bộ về nhân quyền. Tuy nhiên, chúng tôi đã tự hỏi mình: Việc trì hoãn này có thể xảy ra không, nếu phía VN đã thúc đẩy cải thiện vấn đề nhân quyền?
Ngày 21/01/2019, Đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã đề cập với phái đoàn VN tại LHQ về việc hoãn lại Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam vì EU yêu cầu Việt Nam cải thiện về nhân quyền nhưng không được Việt Nam đáp ứng.
Sau đây là bản dịch từ bản ghi chép từ Video về nội dung mà đại diện EU đề cập với phái đoàn VN tại LHQ ngày 21/01/2019:
– Mối quan hệ với VN cực kì quan trọng đối với chúng tôi, và bản Hiệp định thương mại sắp tới là 1 tín hiệu tốt. Chúng tôi muốn thương mại công bằng, Nhân quyền và các chương trình bền vững phải được tuân thủ trong các bản thỏa thuận đó.
– Nhưng vẫn có những trở ngại lớn – đó là tình huống về Nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền là giá trị cốt lõi của EU và nó là dòng chảy liên tục trong tất cả các mối quan hệ thương mại của chúng tôi.
– Tự do Tôn giáo không được tôn trong, ví dụ như Sư thầy Thích Quảng Độ 90 tuổi vẫn bị giam lỏng.
– Tình hình của VN rất là quan ngại. Riêng tháng này, luật An ninh mạng đi vào hiệu lực đưa ra những quy định khiến giới hạn hơn nữa quyền tự do phát biểu. RFA hãng thông tin độc lập đưa tin về việc thu hồi đất quy mô lớn diễn ra ở TPHCM. Và vẫn có hơn 100 tù nhân chính trị còn trong tù hay bị giam lỏng khi họ thực quyền căn bản của mình.
– Trong suốt buổi tranh luận, chúng tôi đã yêu cầu VN cải thiện nhưng không có phản hồi thích đáng. Ủy viên Maelstrom đang hết sức thuyết phục VN tham gia và đi đúng hướng.
– Hiện thời, Hội đồng liên minh Âu châu đã hoãn lại sự phê chuẩn bản hiệp định thương mại EU-VN, đáng lẽ diễn ra vào tháng tới, cho rằng với lý do kỹ thuật. Nhưng chúng tôi đã tự hỏi mình: Việc trì hoãn này có thể xảy ra không nếu phía VN đã thúc đẩy cải thiện vấn đề nhân quyền?
– Sự trì hoãn này mở ra cơ hội xem xét tình hình 1 cách nghiêm túc và đạt được nền tảng nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi đối với bản Hiệp định ở Nghị viện Châu Âu.
– Nếu mọi thứ còn tồn đọng không được thay đổi thì khó mà đạt được sự phê chuẩn Hiệp định trong nhiệm kỳ Quốc hội EU kế tiếp.
(Bản dịch của Ann Đỗ)

https://1.bp.blogspot.com/-dLhUZY93ytE/XEknWv30QaI/AAAAAAAAdYc/oBDnomWfYPIW8oizIcDGwwq3DZHHfbsdACLcBGAs/s640/2-14.jpg
Theo lịch trình dự kiến trước đây mà chính phủ Việt Nam đặt rất nhiều hy vọng và hết sức nỗ lực thúc đẩy, Hiệp định EVFTA có thể sẽ được Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét phê chuẩn vào tháng Hai năm 2019. Tiếp đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để thông qua.
Việt Nam được quốc tế ‘đánh giá cao’ về nhân quyền như thế nào?
Một trùng hợp rất đáng chú ý là quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu diễn ra cùng với sự kiện chính thể Việt Nam phải điều trần Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Ngay sau đó, báo Công An Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, một bộ đã trở nên nổi tiếng với thành tích đàn áp khốc liệt và dã man quyền làm người ở Việt Nam - đã ‘tự sướng’ với tiêu đề một bài báo “Quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam”.
Nhưng đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết “sẽ cải thiện nhân quyền” của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp trên chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở châu Âu. Rõ ràng là tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng ghê gớm của chính thể độc đảng ở Việt Nam, cộng hưởng với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, đã khiến phát sinh hiệu ứng nước tràn ly và nhiều chính phủ đã phải bày tỏ thái độ phản ứng trực tiếp với sự trơ tráo của Hà Nội.
Mới đây, Đảng Xanh (Bündnis 90 / Grünen)  - một trong những chính đảng chiếm vai trò quan trọng trong Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức - vừa phát ra một ‘tối hậu thư’ liên quan đến số phận chơi vơi của EVFTA. Đảng Xanh đã đưa ra kiến nghị trước Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu đàm phán lại EVFTA và từ chối Hiệp định bảo vệ đầu tư (Hiệp định Bảo hộ đầu tư được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây, thành một hiệp định riêng), vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại.
Trong số 3 khuyến nghị của đảng Xanh, khuyến nghị thứ ba trùng khớp rất cao về nội dung với một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam; cũng trùng khớp cao với nội dung mà bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện châu Âu phát ra vào giữa tháng 11 năm 2018 đối với Việt Nam.
Khuyến nghị thứ ba của đảng Xanh yêu cầu Quốc hội Liên bang yêu cầu Chính phủ Liên bang tác động:
·         Việt Nam phê chuẩn và thực hiện các Công ước ILO số 87, 98 và 105.
·         để tất cả những người bảo vệ nhân quyền mà đang bị cầm tù hoặc quản chế tại gia được trả tự do (đặc biệt là những người được nêu tên trong tuyên bố của 32 nghị sĩ Quốc hội châu Âu vào ngày 17/9/2018).
·         Chính phủ Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập.
·         một lệnh hoãn thi hành hình phạt tử hình được đưa ra".
Nhân quyền trên hết!
Quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Giờ đây, nhân quyền trên hết!
Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.
Và nếu những kẻ đó vẫn chỉ biết ăn mà không biết làm, thậm chí quốc hội mới của châu Âu sau tháng 5 năm 2019 cũng sẽ không tái xem xét hiệp định này cho những kẻ chỉ biết đàn áp đồng bào của mình.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

EVFTA TẠM THỜI HOÃN: TỘI CHO ÔNG THỦ TƯỚNG !

HOA NGHI / BVN 27-1-2019

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) tạm thời hoãn ký kết, vì “lý do kỹ thuật”, nhưng đằng sau nó là câu chuyện nhân quyền với Luật an ninh mạng và những trấn áp mà Nhà nước Việt Nam tiến hành trong năm 2018.
VOA Tiếng Việt đặt một cái tiêu đề rất đau cho bản thân ông Thủ tướng, với EVFTA bị hoãn phê chuẩn trong lúc Thủ tướng VN đang “vận động” ở Davos.
Các báo nhà nước như VTV, VOV, Nhân Dân,… đưa tin về hoạt động của Thủ tướng Phúc, trong đó bao gồm gặp gỡ các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Apple – những đối tượng bị báo chí nhà nước răn đe trong đợt đầu năm nay,.. nhằm vận động các tập đoàn toàn cầu thúc đẩy để Liên minh châu Âu sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA.
Trục trặc “kỹ thuật” trong những ngày cuối năm (âm lịch) trở thành món quà không hề tốt lành lắm đối với Nhà nước Việt Nam cũng như bản thân ông Thủ tướng. Bởi lẽ, đây là hiệp định thương mại cực kỳ quan trọng trợ giúp cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi vũng lầy, khi mà đối tác EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Và cùng với việc hoãn ký kết EVFTA cùng với việc chưa xóa thẻ vàng chống lại xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU khiến cho mọi sự nỗ lực của Thủ tướng bị xóa sổ trong phút chốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sự cố nêu trên, đặt ở một góc nhìn nào  đó - rõ ràng – trở thành một bài học về cái gọi là: ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế. Bao gồm tuân thủ về mặt hành động trong các cam kết nhân quyền, hơn là tiếp tục thực thi chính sách hình thức về mặt nhân quyền kéo dài hàng thập niên qua, dưới lớp bọc “an ninh quốc gia”. Sự tùy tiện trong áp dụng luật pháp trong nước không nên trở thành “thông lệ” khi thực thi cam kết các công ước về nhân quyền.
Hà Nội chưa bao giờ thực tâm hiểu được điều nêu trên, bởi  họ luôn tin tưởng trình độ “đu dây” và “lách luật” nhân quyền của mình. Khi trong nước có thêm một lãnh đạo quyền lực, đứng đầu chức vụ Chủ tịch nước, người sẵn sàng bẻ cong Hiến Pháp và đặt nó nằm bên dưới Cương lĩnh Đảng, thì “đu dây” và “lách luật” càng trở nên mạnh bạo hơn bao giờ hết. Nhưng càng làm như thế, thì lại càng khiến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp nhiều khó khăn trong thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế.
Từng là Phó Thủ tướng dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, và giờ ông Phúc lại là người sửa chữa, thu dọn di sản tệ hại do người tiền nhiệm để lại. Cơ cấu hóa lại nền kinh tế trở thành một tiêu chính trị mà ông Nguyễn Xuân Phúc theo đuổi để đạt được một giá trị chính trị trong tương lai. Nhưng trên hết, nền kinh tế không nên quá bi đát để làm phát sinh ra những mâu thuẫn xã hội tiềm tàng.
Nắm giữ chức vụ Thủ tướng vào năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tính xông xáo của mình trong các sự việc phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội qua các lần “chỉ đạo”, từ chống hình sự hóa hành chính qua vụ quán café Xin Chào, cho đến các chỉ đạo liên quan đến tai nạn giao thông, quy đổi tiền tệ,… Và cao nhất là liên quan đến dự luật về đặc khu. Điều này cho thấy một sự “tỉ mỉ” và có phần “tâm huyết” trong điều hành quản trị quốc gia, bản thân ông Thủ tướng cũng thẳng thắn  thừa những các khiếm khuyết về mặt cơ chế qua quan điểm “trên nóng dưới lạnh” và chuyện tham nhũng (sân sau) trong cổ phần hóa DNNN.
Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong một cơ chế khó, nơi mà “1 người xây dựng 90 thằng phá, 9 thằng ngồi chơi”. Và đó là lý do vì sao mà dù đã đặt quyết tâm chính trị lên cao nhất, nhưng cải  cách doanh nghiệp nhà nước (tích hợp sứ mệnh chống tham nhũng) bị thất bại, và nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu 5 năm trong cắt giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn xuống còn 103 vào năm 2020 từ 583 vào năm 2016, khi con số này vẫn còn hơn 500 cuối năm 2018.
“Trăm dâu đổ đầu tằm” giờ đây trở thành câu thành ngữ miêu tả đúng tâm trạng và hoàn cảnh của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi ông phải tiếp tục vừa dọn dẹp di sản người tiền nhiệm, lại vừa dọn tiếp những hệ quả mà người “đồng chí Nguyễn Phú Trọng” thải ra, liên quan đến câu chuyện “trấn áp nhân quyền, bảo vệ chế độ”. Hoãn ký lần này gián tiếp đưa Việt Nam tiến gần sát hơn cảnh báo: Nếu lỡ cơ hội này thì không ai biết điều gì sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện Châu Âu.
Trong một khía cạnh khác, việc một số nhà hoạt động nhân quyền đón nhận tin hoãn ký kết EVFTA với tâm trạng phấn khởi không phải là vì “họ dân chủ cuội, yêu nước vờ, và trong lòng họ chỉ có mỗi nỗi hận thù. Mong muốn duy nhất của họ là đạp đổ chế độ bằng mọi giá” như Facebooker Trần Quốc Quân đánh giá, mà họ đơn giản muốn Hà Nội tuân thủ luật chơi quốc tế (trong đó có cam kết nhân quyền) hơn là cách ứng xử kỳ quặc như trước đây. Và phẩm giá con người phải được thực thi thay vì đánh tráo.
H.N.
VNTB gửi BVN

HOÃN EVFTA: SỨC MẠNH NÀO CỦA GIỚI XÃ HỘI DÂN SỰ  ?

PHẠM CHÍ DŨNG / BVN 29-1-2019

 
Quyết định hoãn EVFTA là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam.
 
Ngay sau khi tin tức về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu) bị Liên minh châu Âu (EU) hoãn lại việc phê chuẩn lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trong dư luận (trừ mặt báo nhà nước) vào ngày 24/1/2019, một số nguồn tin từ nội bộ đảng CSVN đã xác nhận tâm trạng chung của giới lãnh đạo cao cấp là bị bất ngờ và thất vọng đến mức ‘mặt cứ thượt ra’ mà không biết phải nói gì.
‘Mặt cứ thượt ra’
‘Không biết nói gì’ cũng là cách mà Bộ Ngoại giao thông qua người phát ngôn của mình thể hiện vào ngày 24/1 trong một cuộc họp báo. Trang thông tin điện tử của Chính phủ tường thuật rằng khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một số tổ chức dân sự kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu thông qua EVFTA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ nói là hiện nay cả Việt Nam và EU đang tích cực các nỗ lực và thủ tục để sớm có thể chính thức phê chuẩn và đưa EVFTA đi vào thực thi.
Nhưng hoàn toàn không có bất kỳ một lời lên án hay chỉ trích nào - theo não trạng và thói quen trước đây - đối với ‘một số tổ chức dân sự’ mà trong rất nhiều lần thể chế độc đảng độc trị Việt Nam đã gán ghép với ‘các thế lực thù địch’ và ‘diễn biến hòa bình’.
Vậy ‘một số tổ chức dân sự’ là những tổ chức nào?
‘Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng’
Vào trung tuần tháng 11 năm 2018 khi Hội đồng châu Âu chuẩn bị một cuộc họp để bỏ phiếu về khả năng có phê chuẩn EVFTA và sau đó trình cho Nghị viện châu Âu hay không, một bản kiến nghị khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, yêu cầu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyền Việt Nam đã không làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền, và ‘nhân quyền trên hết’ - điều kiện cần của Nghị viện châu Âu - cho tới nay đã hoàn toàn bị chính thể độc trị ở Việt Nam phớt lờ.
Nhiều cái tên tổ chức xã hội dân sự trong nước mà chính quyền Việt Nam nhẵn mặt đã hiện diện trong bản kiến nghị trên: Hội Bảo vệ quyền tự do tôn giáo, Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Bầu Bí Tương Thân, Defend the Defenders và một số tổ chức tôn giáo khác.
Hoàn toàn có thể thông cảm với tâm trạng bị bất ngờ và thất vọng của giới chóp bu Việt Nam khi nhận được tin EVFTA bị hoãn. Bởi trước đó, ‘đảng và nhà nước ta’ vẫn tự tin với kết quả ‘EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn’ cùng một luồng dư luận trong nội bộ đảng về ‘châu Âu cần Việt Nam hơn Việt Nam cần châu Âu’, đặc biệt sau cuộc điều trần EVFTA tại Brussels của Bỉ vào tháng 10 năm 2018 mà sau đó Ủy ban châu Âu đã chuẩn thuận EVFTA và gửi tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét phê chuẩn, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng ca về ‘thắng lợi EVFTA’.
Trạng thái tự tin của giới chóp bu Việt Nam còn kéo dài đến giữa tháng 1 năm 2019, với những tờ báo nhà nước khấp khởi tin tức ‘EVFTA sắp được phê chuẩn’ khi Hội đồng châu Âu, do sức ép của một số nghị sĩ và doanh nghiệp châu Âu muốn thúc đẩy nhanh thủ tục của hiệp định này mà không đếm xỉa đến tình trạng nhân quyền bị xâm phạm trầm trọng ở Việt Nam, chuẩn bị mở một cuộc họp về vấn đề này.
Nhưng thái độ tự tin thái quá đã phải trả giá. Những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam - giới mà chính quyền luôn coi thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của đảng CSVN, đã làm nên một chiến thắng ngoạn mục nhưng được tích lũy bởi chiều sâu hệ thống: bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA đã có tác động đáng kể đến EU.
Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng lòng’ đối với đảng CSVN: nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn.
Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối trá về nhân quyền.
Chỉ ít tháng trước chiến thắng về hoãn EVFTA, giới tổ chức xã hội dân sự cũng đã giành một thắng lợi quan trọng: vào tháng 9 năm 2018, 50 tổ chức dân sự đã đồng loạt gửi thư cho các cơ quan quốc tế về tình trạng hãng Facebook có nhiều dấu hiệu và biểu hiện ‘đi đêm’ với chính quyền Việt Nam để bóc gỡ nhiều ‘tin phản động’ - mà thực chất là bài viết mang tính phản biện chính quyền của những người đấu tranh nhân quyền. Sau đó và cùng với một cuộc điều trần của lãnh đạo Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ, Facebook đã phải điều chỉnh thái độ ‘bóc gỡ’, để cho đến đầu năm 2019 Facebook đã bị chính quyền Việt Nam chỉ đạo cho hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng loạt đấu tố về thái độ ‘bất hợp tác’ và không chịu đóng thuế.
Còn giờ đây sau vụ EVFTA bị hoãn, có lẽ giới chóp bu Việt Nam đã phải nhìn nhận Xã hội dân sự không chỉ là một thực thể, mà còn là một thực thể không hề yếu ớt trong cuộc chiến nhân quyền với chính quyền, rất tương hợp với cảnh ‘nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng’.
Chiến thắng mang tên EVFTA của giới xã hội dân sự vào đầu năm 2019 có thể là một điềm tốt cho xu thế nhân quyền tăng tiến tại Việt Nam trong năm nay, nhưng lại là một điềm xấu cho sự tồn vong của chế độ ‘Việt Nam cùng Venezuela nắm tay nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội’.
Cơ hội còn lại cho đảng độc trị
Theo lịch trình dự kiến trước đây mà chính phủ Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng và đã triển khai nhiều cuộc vận động vừa ngấm ngầm vừa công khai để hoàn thành thủ tục ký kết và phê chuẩn càng sớm càng tốt, Hiệp định EVFTA có thể sẽ được Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét phê chuẩn vào tháng Hai năm 2019. Tiếp đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để thông qua.
Nhưng quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007.
Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.
Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU và là cơ quan có thẩm quyền rất quan trọng, bên cạnh Hội đồng châu Âu, để trình dự thảo EVFTA cho Nghị viện châu Âu xem xét - tuy là người được xem là ôn hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử một quốc hội mới của châu Âu - với những gương mặt mới và quan điểm mới mà rất có thể sẽ ưu tiên nghị trình cho những vấn đề cấp thiết khác chứ không phải là xem xét phê chuẩn EVFTA để Việt Nam được ‘ăn sẵn và ăn ngay’.
Nhưng thực tế là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến phiên họp của Nghị viện châu Âu - cơ hội cuối cùng để thể chế cộng sản Việt Nam nhận được hy vọng từ EVFTA. Chính quyền Việt Nam sẽ phải làm gì từ đây đến lúc đó để ‘còn nước còn tát’?
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét