Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

20190101. TRANH LUẬN VỀ BỎ THI QUỐC GIA, TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN

ĐIỂM BÁO MẠNG
LẠI TIẾP TỤC TRANH LUẬN GIỮ HAY BỎ THI QUỐC GIA

PHƯƠNG LINH /GDVN 29-12-2018

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ở Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Ngày 28/12/2018, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo cấp quốc gia để góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là ông Nguyễn Đức Cường – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có 10 chương, 121 điều, trong đó có 75 điều được sửa đổi, bổ sung, tăng 1 chương, 1 mục so với luật đang áp dụng.
Dự thảo của luật bổ sung thêm 5 chính sách mới: Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giảng viên đại học, thạc sĩ, học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm, chế độ cử tuyển, không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ công lập, hỗ trợ đóng học phí ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Nên bỏ hay giữ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia?
Nói về việc nên giữ hay bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, bày tỏ ý kiến của mình tại hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói, hiện nhiều quốc gia trên thế giới không đánh giá đối với học sinh cuối cấp, để nhằm giảm áp lực thi cử.
Thay vào đó, họ chọn đánh giá học sinh ở những năm lớp giữa cấp, như lớp 4,8,11.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly – đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Giáo dục là cả một quá trình phấn đấu, gồm nhiều yếu tố đánh giá, chứ không phải chỉ qua một bài thi, hay một kỳ thi gồm 4 – 5 môn.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly, nếu lấy kết quả thi cử để đánh giá năng lực của người học, thì đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác trong lĩnh vực giáo dục, tạo ra một tâm lý học chỉ để thi trong học sinh.
Nhiều nước trên thế giới đã trao quyền đánh giá học sinh cho các cơ sở giáo dục, có thể đánh giá nhiều lần trong năm học.
Một số ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng nói, cần thiết phải đề xuất có thêm giấy chứng nhận cho các học sinh đã hoàn thành chương trình học lớp 12, nhưng không có nhu cầu thi hoặc đậu kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Còn nếu sau kỳ thi mà học sinh nào đậu, thì sẽ được cấp thêm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Là một người đứng đầu trường trung học phổ thông, thầy Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Thầy Trịnh Duy Trọng lý giải: Sau khi kết thúc 3 năm học ở bậc trung học phổ thông, cần có một cột mốc đánh giá lại toàn bộ quá trình học tập của học sinh, để làm cơ sở chuyển sang một giai đoạn học tập khác là giáo dục nghề nghiệp.
Thế nhưng, thầy Trịnh Duy Trọng vẫn kiến nghị: Là cần tổ chức kỳ thi này theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, quan trọng nhất là thay đổi quy mô và cách thức tổ chức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tổ chức rà soát, đánh giá lại tỷ lệ học sinh đã hoàn thành xong chương trình lớp 12, nhưng không có nhu cầu học tiếp lên cao đẳng, đại học để có chính sách tổ chức cho phù hợp.
Trong tình huống bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thầy Trịnh Duy Trọng nói sẽ phát sinh ra nhiều điều không hay, như chuẩn đầu ra của học sinh không thống nhất giữa trường này với trường kia, vùng này với vùng kia, quản lý sẽ thiếu tính thống nhất, không đảm bảo về mặt chất lượng.
Kết quả của kỳ thi cũng sẽ là cơ sở dữ liệu chung của các trường trung học phổ thông, cơ quan quản lý có thể phân tích, đánh giá hoạt động của toàn bộ cấp học, để đưa ra một cơ chế quản lý, thiết kế chương trình cho phù hợp.
Nếu sử dụng kết quả nhỏ lẻ thì hệ số tin cậy không cao, thiếu tính thống nhất.
Giáo viên trung học phổ thông cần có bằng Thạc sĩ
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một đề xuất rất đáng chú ý tại hội thảo, là giáo viên trung học phổ thông cần có bằng Thạc sĩ về giáo dục.
Bà Nguyễn Kim Dung nói, ở nhiều nước, giáo viên mầm non thôi cũng đã là Thạc sĩ giáo dục.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Hoa Mai – Hiệu trưởng Trường dân lập Việt Úc chia sẻ: Cần có lộ trình hoàn thành chuẩn trình độ của giáo viên, trong đó việc giáo viên trung học phổ thông cần có bằng Thạc sĩ giáo dục cũng cần, nhưng chỉ tương lai mới thực hiện được, do hiện học sinh quá đông.
Thầy Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh nói, bản thân mình ủng hộ một chương trình, nhưng môn học thì có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó có cả yếu tố địa phương phù hợp với từng vùng miền trong cả nước.
Theo thầy Trọng, chính điều này sẽ làm tăng tính chủ động cho mỗi cơ sở giáo dục trong việc xây dựng chương trình học phù hợp với điều kiện của từng trường.
Phương Linh
TIN BÀI LIÊN QUAN:
GIÁO VIÊN NGHĨ GÌ TRƯỚC Ý KIẾN BỎ THI QUỐC GIA ?
PHAN TUYẾT /GDVN 31-12-2018
Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 28/12 đã có cuộc tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia giáo dục về việc giữ hay bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Nên giữ hay bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Ảnh minh họa: TTXVN).
Có đề xuất chỉ cấp giấy chứng nhận cho học sinh hoàn thành bậc học trung học phổ thông mà không cần tham gia kỳ thi trung học phổ thông.
Lại có những ý kiến bảo vệ quan điểm cần thi tốt nghiệp trung học phổ thông với lý do cần chuẩn kiến thức, nếu bỏ thi học sinh sẽ không chịu học. 
Hai luồng ý kiến đều đưa ra những lý giải của mình khá hợp lý. Với góc nhìn của những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cũng xin được góp vài lời để bạn đọc tham khảo.
Bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là phù hợp vì đằng nào học sinh cũng thi đỗ gần 100% 
Nhiều năm trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến bỏ thi tốt nghiệp lớp 5 cho học sinh tiểu học. 
Vài năm sau, bỏ thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 bậc học trung học cơ sở cũng nhận được khá nhiều ý kiến phản đối của không ít bạn đọc và chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước. 
Lý do được đưa ra nhiều nhất vẫn là “bỏ thi sợ học sinh sẽ không học”.
Phản đối vì lý do như thế nhưng họ quên mất một điều những học sinh đã không học thì có tổ chức thi hay không những em này cũng vẫn không học. 
Trong khi tổ chức thi tốt nghiệp dù ở bậc học nào, ngân sách nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. 
Vậy mà tổ chức một kì thi hành tráng, tốn kém tiền tỉ cũng chỉ loại được vài ba em trong một trường, liệu có đáng không?
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quốc gia cũng không ngoại lệ. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở các trường gần như 100%, nơi thấp nhất cũng đạt ít nhất 95% trở lên.
Người ta e ngại không tổ chức thi nhiều học sinh sẽ không nỗ lực trong học tập. Nhưng tổ chức thi, ai dám chắc rằng học sinh sẽ nỗ lực hơn? 
Trong thực thế giảng dạy cho thấy dù không tổ chức thi tốt nghiệp (lớp 5, lớp 9) hay tổ chức thi tốt nghiệp lớp 12 thì giáo viên và chính nhà trường luôn ra tay “nâng đỡ” học sinh để có đủ điều kiện tốt nghiệp. Bằng chứng là có không ít học sinh vừa học yếu, ý thức học tập kém. 
Thế nhưng, giáo viên chẳng những không dám thẳng tay đánh giá mà còn tìm cách ưu ái về điểm số giúp những học sinh này có lợi thế không lo rớt tốt nghiệp. 
Bạn sẽ nghĩ gì khi điểm thi trung học phổ thông của một số em chỉ đạt 2, 3 điểm nhưng điểm tổng kết năm học lớp 12 lại đạt tới 7 hoặc 8 điểm?
Chỉ nên xem tốt nghiệp lớp 12 là điều kiện cần và đủ
Có ý kiến cho rằng, học sinh học xong chương trình 12 hiệu trưởng có quyền ra quyết định công nhận tốt nghiệp sau khi đã xem xét một quá trình học tập. 
Việc đánh giá học sinh phải dựa vào cả một quá trình rèn luyện phấn đấu. Sao có thể chỉ dựa vào việc dự thi vài ba môn để được công nhận? 
Đã đến lúc xem tốt nghiệp lớp 12 là điều kiện cần và đủ của một học sinh.
Có tấm chứng chỉ công nhận đã hoàn thành chương trình lớp 12 thì em nào có đủ năng lực sẽ dự thi đại học và học lên cao. Ai không đủ năng lực sẽ dừng lại và đi học nghề. 
Có thế ngân sách nhà nước khỏi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ chỉ để loại ra vài ba phần trăm học sinh ít ỏi quả là quá lãng phí.
Phan Tuyết.
TIN BAÌ LIÊN QUAN:
BỎ THI HỌC SINH GIỎI CÁC CẤP, TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN TRÁ HÌNH SẼ HẾT ĐẤT SỐNG
BÙI NAM /GDVN 1-1-2018
Sau 2 bài viết “Nên bỏ trường chuyên” và "Không muốn nuôi "gà chọi", nhiều người đồng tình bỏ trường chuyên" của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi rất đồng tình ý kiến với tác giả.
Theo tác giả, việc duy trì mô hình học tập có trường chuyên đã không còn hiệu quả chỉ gây lãng phí cho nhà nước, gây ra sự bất bình đẳng giữa người học.…
Cũng theo tác giả Hữu Sơn, ngành giáo dục cần kiên quyết loại bỏ, đừng níu kéo, cố giữ nữa, chỉ thêm khổ con em và nhân dân.
Theo cá nhân tôi, cần xóa bỏ không chỉ mô hình trường chuyên, mà ngay cả các lớp chọn trong trường phổ thông cũng phải dẹp bỏ.
Xóa mô hình trường chuyên, lớp chọn là việc làm cấp thiết để tạo sự công bằng, bình đẳng giữa người học, là việc làm nhân văn, hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Không chỉ bỏ trường chuyên mà phải bỏ luôn các lớp chọn (Ảnh minh họa: TTXVN).
Từ Nghị quyết Trung ương đến các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định không được tổ chức lớp chọn trong trường phổ thông ở tất cả các cấp, bậc học trừ các trường năng khiếu và thể dục thể thao.
Nhưng hiện nay hầu như tất cả các trường phổ thông trong cả nước từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông vẫn còn cố tình lách luật duy trì hình thức lớp chọn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã từng phát biểu:
“Nhằm đảm bảo sự công bằng về điều kiện học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thừa nhận bất kỳ sự tồn tại của lớp chọn nào trong trường phổ thông, nếu trường nào vi phạm, còn để hình thức lớp chọn tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý nghiêm”.
Nhưng các trường phổ thông lấy lý do là nên duy trì lớp chọn để tạo mũi nhọn hay nói đúng hơn là duy trì thành tích có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Theo tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không duy trì lớp chọn là việc làm rất đúng đắn, duy trì lớp chọn sẽ tạo ra sự bất công, mất bình đẳng trong môi trường giáo dục, kéo theo chất lượng học tập, đạo đức của học sinh toàn trường tụt dốc.
Mục đích duy nhất duy trì hình thức lớp chọn là kỳ thi học sinh giỏi
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép tổ chức lớp chọn trong trường phổ thông ở tất cả các cấp học, bậc học và chỉ cho phép các trường chuyên ở bậc trung học phổ thông mở các lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh…
Nhưng lấy lý do có kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh (học sinh lớp 9), kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia (học sinh lớp 12) nên các trường tìm mọi cách lách luật để duy trì các lớp chọn trong trường phổ thông.
Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12, nhà trường lập ra các lớp chọn với mục đích duy nhất là luyện “gà chọi” để cạnh tranh tỷ lệ học sinh giỏi, cạnh tranh thành tích học sinh giỏi để làm đẹp các báo cáo hay làm căn cứ xét thi đua cho các trường.
Để lách luật và “qua mặt” các đoàn kiểm tra, các trường tổ chức các lớp chọn dưới danh nghĩa không đặt lớp chọn ở các lớp đầu như 6/1, 7/1…mà tổ chức các lớp chọn ở cuối hoặc lớp giữa như 6/4, 7/3…là các lớp chọn.
Thật ra rất dễ để các đoàn kiểm tra phát hiện ra việc tồn tại kiểu lách luật các lớp chọn như chỉ cần kiểm tra danh sách kèm kết quả học sinh đầu năm hoặc cuối năm chỉ cần người có mắt tinh tường nhìn vào các em học sinh trong lớp thì biết ngay đó là lớp chọn mà thôi.
Nhưng các cấp quản lý cũng vì lý do thi học sinh giỏi, nếu không duy trì hình thức lớp chọn sẽ mất đi các em thi học sinh giỏi đạt kết quả cao, vì thành tích của trường, của địa phương nên nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã cố tình làm ngơ cho các vi phạm của các trường.
Thậm chí nhiều trường phổ thông duy trì từ 2 đến 3 lớp chọn cho mỗi khối.
Lớp chọn kéo theo chất lượng chung của trường đi xuống, bất công cho người học, mất đoàn kết nội bộ.
Chất lượng học sinh đại trà trong trường phổ thông hiện nay không cao, nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu nhưng việc mỗi khối lớp chọn ra các em học sinh giỏi, khá và tập trung vào các lớp chọn nên khi lấy ra được các lớp chọn thì các lớp còn lại chủ yếu là học sinh trung bình, yếu.
Các lớp còn lại học tập rất yếu không có yếu tố cạnh tranh, không có nhân tố có học lực khá, giỏi để cạnh tranh hay để thúc đẩy các học sinh khác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, vì các lớp còn lại chủ yếu là học sinh trung bình, yếu nên khi vào lớp giáo viên cũng rất khó dạy, học sinh thì yếu và không có học sinh phát biểu hay học sinh giải được các bài toán.
Điều này chỉ có lợi cho lớp chọn và có lợi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi, thi học sinh giỏi các cấp.
Nhưng hệ lụy của nó là tất cả các lớp còn lại học tập sa sút, xuống cấp, học sinh thụ động, sức ỳ trong giáo dục tăng lên, mất đi sự công bằng trong giáo dục, mất đi ý nghĩa của câu nói “dành mọi điều tốt đẹp nhất cho người học” .
Trong lớp học có nhiều học sinh giỏi thì sẽ kéo theo các học sinh khác cùng tiến bộ, có nhiều học sinh ngoan sẽ kéo theo nhiều học sinh ngoan đó chính là nguyên lý muôn đời của giáo dục.
Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Việc duy trì một lớp chọn gần như toàn bộ học sinh giỏi, ngoan còn ở các lớp còn lại chỉ còn lại học sinh trung bình, yếu thậm chí chưa ngoan là cách làm phản giáo dục.
Rõ ràng đó là sự mất mát lớn của các em học sinh, đó là sự bất công, bất bình đẳng trong môi trường giáo dục và kìm hãm sự phát triển chung của cả trường.
Không những thế, khi hình thành các lớp chọn thì việc lựa chọn giáo viên dạy các lớp chọn cũng theo kiểu “chọn mặt gửi vàng”. Giáo viên được phân công dạy lớp chọn là những giáo viên có chuyên môn tốt, nhiệt tình, dạy tốt.
Nên thêm một bất công lớn nữa là các em học sinh học lớp thường đã bị xếp học sinh lớp yếu nay lại mất đi cơ hội được học những thầy cô giỏi, nhiệt tình, tâm huyết.
Điều này kéo theo lợi ích nhóm trong việc “chạy” học sinh vào lớp chọn;
Giáo viên “chạy” được dạy lớp chọn, vì giáo viên nào dạy được lớp chọn thì sẽ dạy thêm được học sinh khá nhiều, chỉ có học sinh các lớp còn lại là thiệt thòi trăm bề.
Các giáo viên thì tranh nhau được dạy lớp chọn, vì sẽ không lo bị cắt thi đua do chất lượng, duy trì sĩ số, lên lớp thẳng… dẫn đến “chạy” lãnh đạo nhà trường.
Giáo viên không được dạy lớp chọn thì bị thiệt thòi, ức chế, bất công,…nên tạo thêm sự bất mãn của các giáo viên không được dạy lớp chọn, tạo nên sự mất đoàn kết nội bộ năm này qua năm khác.
Chỉ có một điều lợi cho việc học sinh giỏi mà kéo theo chất lượng học tập của cả trường và tinh thần, thái độ học tập đều đi xuống, bất công giữa người học, người dạy, mất đoàn kết nội bộ, có đáng như thế không?
Những giải pháp thực hiện mô hình trường học không lớp chọn
Hiện nay, nhiều trường học trên thế giới đã bỏ hình thức lớp chọn chỉ duy trì hình thức xếp lớp duy nhất là chia đều học sinh ở tất cả các lớp, đó là sự công bằng trong giáo dục.
Nhưng vì vẫn duy trì kỳ thi học sinh giỏi nên ở nước ta vẫn tồn tại hình thức lớp chọn trên.
Theo tôi nên ngừng việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia ở tất cả các cấp học qua đó xóa bỏ hoàn toàn các lớp chọn trong trường phổ thông.
Có ý kiến cho rằng, nên duy trì lớp chọn ở khối lớp 9 và lớp 12 để tập trung học sinh giỏi vào thi học sinh giỏi, tôi cho rằng ý kiến trên là thiển cận, chủ quan.
Học sinh lớp cuối cấp là lớp 9, lớp 12 rất quan trọng trong việc thi tuyển sinh vào lớp 10 hay tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học. Nếu duy trì 2 lớp chọn cuối cấp thì “hại” nhiều hơn “lợi”.
Không duy trì lớp chọn sẽ khiến chất lượng và thái độ học tập chung của trường nâng lên, điều đó sẽ làm cho chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh đại học sẽ nâng lên.
Nếu vẫn duy trì thi học sinh giỏi thì có thể chọn học sinh ở các lớp khác nhau bồi dưỡng không nhất thiết phải có lớp chọn.
Xin đừng chú trọng duy nhất mũi nhọn mà quên đi cái quan trọng mà nhân dân cần đó là chất lượng đại trà.
Theo tôi nên xóa bỏ hình thức lớp chọn trong các trường phổ thông theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Qua đây kêu gọi các cơ quan báo chí, nhân dân nếu phát hiện cơ sở giáo dục nào vi phạm báo về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử lý.
Tại các trường phổ thông phân bố đều học sinh giỏi tập trung ở các lớp, tại mỗi lớp các học sinh giỏi phân bố đều trên từng dãy bàn, không để tập trung học sinh giỏi vào khu vực để các em học sinh có học lực khá giỏi giúp đỡ, kéo theo các học sinh khác cùng phát triển.
Hiện nay, chất lượng học sinh yếu, kém đã đến mức báo động, bằng chứng là có nhiều học sinh ngồi nhầm lớp trong đó có nguyên nhân là do việc duy trì hình thức lớp chọn trong trường phổ thông.
Để tạo sự công bằng trong giáo dục, tạo môi trường học tập cạnh tranh, lành mạnh, bình đẳng… đã đến lúc phải xử lý nghiêm minh sự vi phạm của các cơ sở giáo dục vẫn “lén lút” duy trì hình thức lớp chọn trong trường phổ thông, đừng tạo nên sự bất công quá lớn của người học, người dạy.
Đó cũng chính là cách thức tốt nhất để thúc đẩy sự công bằng và hướng đến toàn bộ học sinh học tập tốt nhất.
Xin một lần nữa nhắc lại câu chốt trong bài viết của tác giả Hữu Sơn “Mô hình giáo dục nào không còn hiệu quả thì Nhà nước, ngành giáo dục cần kiên quyết loại bỏ, đừng níu kéo, cố giữ nữa, chỉ thêm tội lỗi với con em và nhân dân”.
BÙI NAM
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét