Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

20190118. TRUNG QUỐC ÂM MƯU THÔN TÍNH HOÀNG SA TỪ KHI NÀO ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRUNG QUỐC ÂM MƯU THÔN TÍNH HOÀNG SA TỪ HỘI NGHỊ GENEVA 1954 ?

PGS.TS. HOÀNG CHÍ HIẾU/ GDVN 18-1-2019

Chu Ân Lai (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France (trái) tại Hội nghị Geneva 1954, ảnh: Getty.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu từ Trường Đại học Sư phạm Huế nhân 45 năm ngày Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu! Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ngày 19/1/2019 là tròn 45 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Song theo người viết, có lẽ ít ai để ý cuộc chiến này đã được Bắc Kinh chuẩn bị từ Hội nghị Geneva 1954.
Tại Geneva, vấn đề gây nên tranh cãi nhất trong việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính là vạch giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam.
Đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16.
Tuy nhiên, phái đoàn Pháp không chấp nhận giải pháp này, mặc dù họ đã lui dần từ vĩ tuyến 19 xuống 18, thậm chí là 17,5 theo gợi ý của Mỹ.
Trước đó, phe Đồng minh đã sử dụng vĩ tuyến 16 làm ranh giới để giải giáp quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lựa chọn này cũng phù hợp tương quan kiểm soát thực tế của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp trên chiến trường.
Thế nhưng phái đoàn Quốc gia Việt Nam muốn giới tuyến phải nằm phía bắc Huế, nơi có lăng tẩm của tổ tiên Quốc trưởng Bảo Đại, trong khi vương quốc Lào muốn có lối ra biển mà quốc lộ 9 chính là con đường ngắn nhất và thuận tiện nhất.
Để đảm bảo hành lang an toàn cho lối đi này, đường giới tuyến phải ở phía Bắc của quốc lộ 9.
Trên thực địa, cách đường 9 khoảng 10km về phía Bắc có con sông Hiền Lương, là điều kiện tự nhiên lí tưởng dùng để làm ranh giới phân cách đôi bên tham chiến và nó trùng với vĩ tuyến 17.
Tuy nhiên, với vị thế của Lào và Quốc gia Việt Nam lúc đó thì áp lực của họ khó có đủ sức nặng để buộc đại diện phái đoàn Pháp phải đấu tranh cho bằng được vĩ tuyến 17, nhất là khi phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa chấp nhận vĩ tuyến 16 với nhượng bộ:
1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ một năm.
2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển.
3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ (như tác giả Tiền Giang - 钱江/Qian Jiang – đã đề cập trong cuốn “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève 1954”, 2005), mà đơn giản là vĩ tuyến 17 trùng hợp với quan điểm của Mỹ, Pháp và đặc biệt là ý đồ của Trung Quốc.
Trong cuộc gặp ở Liễu Châu để thống nhất lập trường giữa hai nước Việt - Trung (đầu tháng 7/1954), dù hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hết sức cố gắng để đạt được vĩ tuyến 16, nhưng trước khi chia tay, Chu Ân Lai (Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị Geneva) lại xin được linh hoạt vì đường sá xa xôi, không kịp trao đổi!
Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Trước lúc đoàn ta ra về, đồng chí Chu nói với Bác: “Tôi sẽ bàn với đồng chí Môlôtốp (Ngoại trưởng Liên Xô - người viết chú thích) hết sức cố gắng thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch.
Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17”.
Điều này xác quyết rằng, Trung Quốc quyết định chọn vĩ tuyến 17 và muốn “gài” Việt Nam vào thế đã rồi.
Nếu nhìn đơn giản, vĩ tuyến 16 hay 17 đối với Pháp và Trung Quốc không quan trọng, bởi đó không phải đất của hai quốc gia này và nhất là khi họ đã xem Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở giữa làm “trái độn”.
Việc Trung Quốc không “giúp” Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm phục vụ ý đồ sâu xa của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, khi gần như toàn bộ quần đảo này (ngoại trừ đảo Tri Tôn và Đá Bắc) nằm gọn trong vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 17.
Như vậy, sự dịch chuyển vị trí giới tuyến quân sự tạm thời từ vĩ tuyến 16 lên 17 không chỉ là 200 km từ Đà Nẵng ra sông Hiền Lương, gồm tỉnh Thừa Thiên Huế và phần lớn Quảng Trị trên đất liền, mà còn cả quần đảo Hoàng Sa ngoài biển.
Với vĩ tuyến 16, Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ là chủ thể quản lý quần đảo Hoàng Sa chờ ngày tổng tuyển cử theo tinh thần Hội nghị Geneva.
Điều này Trung Quốc nắm rất rõ bởi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, theo quy định của Hội nghị Potsdam, song song với việc vào bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa Dân quốc đã có mặt ở Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật và chỉ vừa rút khỏi quần đảo này vào tháng 4/1950.
Khi sự tương đồng ý thức hệ đóng vai trò chủ đạo, chi phối quan hệ giữa hai nước thì việc Trung Quốc ra tay chiếm đoạt Hoàng Sa từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ khó có thể xảy ra.
Nhưng nếu chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, quần đảo này do phía đối địch với đồng minh của mình quản lý, mọi việc sẽ thuận lợi hơn cho Bắc Kinh.
Nhìn lại quá trình bành trướng của Trung Quốc xuống Hoàng Sa từ năm 1909, nhất là sau khi đề nghị của Liên Xô chuyển giao chủ quyền quần đảo này từ Nhật Bản qua Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị San Francisco 1951 và bị bác bỏ, mới thấy thâm ý của Trung Quốc ở Hội nghị Geneva.
Với việc đẩy Hoàng Sa ra khỏi tay Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay từ Hội nghị Geneva, Trung Quốc đã chuẩn bị xong điều kiện “cần” để xâm lược quần đảo này.
Trên thực tế, chỉ chưa đầy 2 năm sau Hiệp định Geneva, lợi dụng lúc Pháp rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đưa quân chiếm một nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Và cuộc chiến xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chính là bước đi cuối cùng để hoàn thành ý đồ đã được vạch ra từ Hội nghị Geneva 1954.
Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

PHẢI MINH BẠCH AI ĐÃ CẤM TUYÊN TRUYỀN VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

TÂM CHÁNH / FB Nguyễn Quang Lập/ BVN 18-1-2019

Vì sao cuộc chiến tranh chống bành trướng bá quyền Trung Quốc đã vắng mặt nhiều năm nay trên các diễn đàn quốc sử?
10 năm trước báo SGTT của chúng tôi đã ghi nhận lại hình ảnh nhan tàng khói lạnh trên các nấm mồ liệt sĩ còn nằm dọc tuyến biên giới phía Bắc vào chính những ngày kỉ niệm 30 năm cuộc chiến.
Chiến tích bị đục bỏ. Nghĩa trang néo cửa. Quan san tê tái. Những giọt nước mắt tưởng nhớ lén chảy vào trong nỗi ấm ức. Một hiện thực không thể tưởng tượng, khiến cho bất kì ai tận mắt nhìn thấy không thể không bức bối.
Biên giới tháng Hai do Huy Đức viết, là ký sự ghi nhận hiện thực ấy, định đăng ba kì báo trên SGTT, nhưng chỉ mới đăng được một kì đã kết thúc.
Chúng tôi chỉ biết mệnh lệnh ngưng đăng từ truyền đạt của cấp lãnh đạo gần nhất.
Nhiều năm qua, chúng tôi chưa từng được giải thích về mệnh lệnh ấy.
Một lần kiểm điểm Tổng biên tập SGTT, ông Nguyễn Thanh Hải Phó ban Tuyên giáo Thành ủy phê bình báo SGTT về 100 bài “có vấn đề”, nhận xét “chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại. Để làm gì? Có phải chuyện của các đồng chí không? Chuyện của các đồng chí là thị trường...”
Người ta là ai?
Ai cho mình cái quyền được đứng trên, quên hay nhớ lịch sử?
Chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng trịch thượng.
Một nhà nghiên cứu lịch sử đương triều mà tôi biết chắc chắn có tiếp cận trực tiếp bản ghi Thoả thuận cấp cao của hai đảng về bình thường hoá quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, khi nghe tôi trình bày ấm ức của chúng tôi ở báo SGTT, đã thì thào, “đó là một nội dung thỏa thuận cấp cao nêu đại ý là Bạn Tuyên giáo chỉ đạo tuyên truyền không nhắc lại quá khứ không tốt đẹp...” (Văn nói không dẫn nguyên xi văn bản gốc).
Thực ra tôi đã đọc đoạn ghi đó đăng trên báo nhưng tôi không muốn tiếp nhận nó khi chúng tôi thực hiện ký sự Biên giới tháng Hai.
Chúng tôi chấp nhận kỉ luật tuyên truyền của đảng. Nhưng chúng tôi không đông tình lấy một thỏa thuận của hai đảng thành như pháp luật của đất nước.
Thỏa thuận ấy của lãnh đạo cấp cao có thể là một biện pháp chính trị cần thiết. Nhưng chỉ đạo nó thành một hiện thực cấm kị, sợ hãi và hèn yếu như 10 năm vừa qua là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo.
Không một ai, không một thế lực nào có thể đứng trên lịch sử.

D:\Pictures\Mộ liệt sĩ 17-2.jpg
Ai đục bia mộ liệt sĩ theo khẩu vị chính trị của lãnh đạo?
Ai đã để diễn ra tình cảnh hoang tàn, lạnh lẻo ở các nghĩa trang liệt sĩ dọc tuyến biên giới phía Bắc?
Đã đến lúc đảng phải minh bạch trách nhiệm này trước nhân dân.
Chúng ta đã làm một lũ vô ơn, bội bạc như vậy đủ rồi.
T.C.
Nguồn: FB Nguyễn Quang Lập


THÔN TÍNH HOÀNG SA, NƯỚC CỜ ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG QUỐC NHẰM ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG

TS NGUYỄN CÔNG TRỤC/ GDVN 19-1-2019

Cách đây 45 năm, sau "cú bắt tay Thượng Hải" năm 1972 và lợi dụng tình thế quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Niềm Nam Việt Nam, Trung Quốc đã huy động lực lượng xâm lược, cưỡng chiếm các đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954. 
Gây ra cuộc chiến xâm lược này, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn đầu của chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế. 
Những bước tiến xuống Biển Đông có thể dược giới nghiên cứu ví như là  những “nước cờ” bất minh mà Trung Quốc đã tính toán để thực hiện trong bàn cờ Biển Đông.  
Toan tính thời cơ xâm lược nốt Hoàng Sa nằm trong kế hoạch dài hơi độc chiếm Biển Đông
Đầu những năm 1970, quan hệ quốc tế liên tục biến động và có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong chuyến “công cán lịch sử” đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện bàn cờ quốc tế.
Nhiều quốc gia, dân tộc đã trở thành con cờ trong tay của 2 tay chơi mới đang hùa nhau chống lại Liên Xô.
Washington đã thỏa thuận không can thiệp khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, điều này được ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính thể Việt Nam Cộng hòa, đại diện Việt Nam quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo Hiệp định Geneva 1954, đã tiết lộ.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Thậm chí ông Thiệu đã tiên liệu rằng, sau khi thôn tính xong quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng vũ lực giống như những gì họ đã làm ở Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ (passer faire) của Mỹ.
Vào đầu năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn đoạn cuối.
Trước đó, do bị thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.
Theo đó, Hạm đội 7 của Mỹ rút khỏi Biển Đông. Lợi dụng cơ hội này, Trung Quốc đã huy động lực lượng quân sự hùng hậu tiến hành đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa do Hải quân Việt Nam Cộng hoà đang bảo vệ, quản lý.
Đây là sự nối tiếp của những “nước cờ” đã được sắp đặt từ trước.
Mở đầu là sự kiện năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp, lực lượng được Chính quyền Pháp giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, thực thi chủ quyền tại quần đảo này nhân danh Nhà nước Việt Nam đương thời. 
Tiếp đến, năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến 2 , chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục chạy ra Đài Loan, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng bất hợp pháp ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. 
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo Hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh, phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 21/02/1959, Bắc Kinh cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa hòng chiếm đóng nhóm Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú giữ Hoàng Sa đã ngăn chặn kịp thời, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang của Trung Quốc bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng. Sau đó được trao trả theo đúng thủ tục ngoại giao.
Cuộc xâm lược Hoàng Sa được Trung Quốc bày binh bố trận và chuẩn bị rất kỹ.
Điều này đã từng được ký giả người Anh, ông Bill Hayton đã mô tả rất rõ cho thế giới biết qua cuốn sách "Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực ở châu Á", được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa.
Những ngày trước khi diễn ra cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã bí mật bày binh bố trận, đổ bộ lên mộ số đảo, đồng thời ráo riết dọn đường dư luận cho cuộc xâm chiếm bằng sức mạnh của họ. 

Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-20 tháng Giêng năm 1974, ảnh do Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp.
Diễn biến cụ thể chi tiết của Hải chiến Hoàng Sa đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc.
Bản chất hải chiến Hoàng Sa là cuộc chiến Trung Quốc xâm lược lãnh thổ, vai trò giữ chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa dưới ánh sáng pháp lý quốc tế
Hải quân Sài Gòn đã chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.  
Bởi lẽ quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ  những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. 
Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. 
Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. 
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:
“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực.
Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ:
“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược
Lịch sử đã chứng minh, nước mất thì nhà tan, chủ quyền, lãnh thổ thường bị ngoại bang xâm phạm; khi Đất Nước bị chia cắt, khối đoàn kết Dân tộc bị suy giảm;
Khi mà trên dưới không đồng lòng; khi có sự tranh giành lợi ích, địa vị… giữa các cá nhân và nhóm lợi ích; khi có sự phân biệt chia rẽ trong nội bộ của một quốc gia, giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế vì những tính toán ích kỷ, vụ lợi...thì các nước nhỏ sẽ trở thành miếng mồi cho các nước lớn xâu xé.
Ngược lại, đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu.
Sau năm 1954, do bối cảnh lịch sử Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam, Bắc chờ tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam tiếp nhận sự bàn giao của Pháp, tiếp tục thực thi chủ quyền đầy đủ và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thông qua việc cắt quân đồn trú, thị sát, quản lý, thành lập đơn vị hành chính.
Cả 4 lần Trung Quốc đem quân thôn tính Hoàng Sa (1909, 1956,1959 và 1974) đều là thời điểm Việt Nam đang phải đối mặt với chiến tranh.
Năm 1974, những người con đất Việt trong hàng ngũ Hải quân Việt Nam Cộng hòa có mặt trong trận Hải chiến không cân sức này đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, lập trường chính trị 2 miền có thể khác nhau, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, việc các anh đã chiến đấu, ngã xuống là nhằm  bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ở Hoàng Sa.
Vì vậy, họ cần được ghi nhận và tôn vinh vì những giọt máu đổ xuống chính là bằng chứng của quá trình Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử.
Nếu thiếu một sự tôn vinh và ghi nhận xứng đáng, chúng ta sẽ để mất một bằng chứng pháp lý có giá trị trong đấu tranh ngoại giao và pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời bác bỏ các yêu sách vô lý và thủ đoạn chia rẽ nội bộ ta trong vấn đề Biển Đông từ phía đối phương chỉ vì những khác biệt về mặt lập trường, quan điểm.
Sáng 29/12/2018, tại thủ đô Phnom Penh, đã diễn ra Lễ khánh thành Tượng đài Thắng - Thắng, kỷ niệm 20 năm kết thúc nội chiến và thực hiện thành công chính sách Thắng - Thắng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nêu bật ý nghĩa to lớn của việc thực hiện chính sách Thắng - Thắng trong công cuộc kiến tạo hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc cho đất nước Campuchia.
Đối với sĩ quan, binh lính và những người ủng hộ Khmer Đỏ quy hàng, Chính phủ bảo đảm về an toàn tính mạng, nghề nghiệp, tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập với đời sống xã hội.
Chỉ sau hai năm thực hiện từ 1996-1998, hầu hết các cựu chỉ huy Khmer Đỏ cùng binh lính và gia đình đã chính thức giao nộp vũ khí, xin được đứng dưới ngọn cờ hòa hợp dân tộc của Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia.
Chưa cần nhìn tới nước Đức xa xôi, ngay người bạn láng giềng của chúng ta là một minh chứng hùng hồn cho sức sống của triết lý, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên năm qua cũng đang cho thấy, lợi ích quốc gia và dân tộc nếu thực sự được đề cao, những khó khăn về lập trường, nhận thức rồi cũng sẽ vượt qua, và dân tộc ấy, quốc gia ấy sẽ trở nên cường thịnh.
Nhân 45 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc thôn tính, chúng tôi viết vội mấy dòng như một nén tâm hương tưởng niệm anh linh 74 người lính đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi cũng bồi hồi tưởng nhớ đến tất cả các bậc tiên liệt, đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ non sống gấm vóc của dải đất hình chữ S này, xương máu cha anh đã hóa hồn thiêng sông núi, và gửi gắm hy vọng vào thế hệ hôm nay, thế hệ tương lai.
Tiến sĩ Trần Công Trục
 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét