Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

20190126. KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ Ở VENEZUELA

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ TRẦM TRỌNG Ở VENEZUELA XẢY RA NHƯ THẾ NÀO ?

TUẤN ANH / VNN 26-1-2019

Venezuela đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị trầm trọng chưa từng thấy khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido bất ngờ tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này.
Sự cố diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Venezuela, một nước thành viên thuộc Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sụp đổ vì siêu lạm phát. Diễn biến mới nhất đang làm rúng động thế giới và gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.
Hãy cùng điểm lại một số cột mốc đáng nhớ dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của Venezuela, kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Hugo Chavez:

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ông Nicolas Maduro (bìa trái) cùng quan khách tại lễ tang cố Tổng thống Hugo Chavez. Ảnh: Channel 4
Tháng 3/2013, Tổng thống Hugo Chavez, người nắm quyền lãnh đạo Venezuela suốt 14 năm, qua đời ở tuổi 58 vì ung thư. Phó Tổng thống Nicolas Maduro, người được ông Chavez chọn kế nhiệm, tạm thời thay ông nắm cương vị lãnh đạo chính phủ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: Reuters
Tháng 4/2013, trong cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, ông Maduro giành chiến thắng sít sao trước ứng cử viên đối lập Henrique Capriles, người từng bị ông Chavez đánh bại trong các vòng bỏ phiếu một năm trước đó. Chính trị gia Capriles cùng các đồng minh cáo buộc tổng tuyển cử có nhiều gian lận và kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: USA Today
Tháng 2/2014, các lực lượng an ninh Venezuela bắt giữ Leopoldo Lopez, một lãnh đạo nổi tiếng của phe đối lập vì cáo buộc gây bất ổn, sau làn sóng biểu tình nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Lạm phát khiến đồng nội tệ của Venezuela mất giá nghiêm trọng. Một chồng tiền mới mua nổi một quả chuối. Ảnh: Word Press
Tháng 12/2015, Liên minh Thống nhất dân chủ đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội Venezuela, lần đầu tiên trong vòng 16 năm, khi người dân nước này ngày càng trở nên bất mãn với tình trạng suy thoái kéo dài và lạm phát gia tăng tiếp sau sự sụt giảm của giá dầu mỏ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Những người biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Maduro. Ảnh: Reuters
Tháng 3/2016, Tòa án tối cao Venezuela, vốn luôn đứng về phía Đảng Xã hội cầm quyền, tuyên bố sẽ tiếp quản các chức năng của Quốc hội. Tòa nhanh chóng rút lại quyết định trước sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Song, sự kiện đã châm ngòi nổ cho các cuộc biểu tình chống chính phủ, kéo dài nhiều tháng ở Venezuela, khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: NYT
Tháng 7/2017, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập, chính phủ của Tổng thống Maduro đã tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phê chuẩn việc thành lập một cơ quan lập pháp toàn năng, có tên là Hội đồng lập hiến. Cơ quan mới trên danh nghĩa chỉ làm giao nhiệm vụ viết lại Hiến pháp, nhưng thực tế đã nhanh chóng thâu tóm các chức năng lập pháp quan trọng khác, khiến ông Maduro phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc đang phá hoại nền dân chủ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: Panama Today
Tháng 2/2018, các cuộc hòa đàm giữa chính phủ và phe đối lập sụp đổ do bất đồng nghiêm trọng về thời gian tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Chính phủ tuyên bố, các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2018, trong khi các đảng đối lập chính quả quyết sẽ tẩy chay quyết định đó.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: AP
Tháng 5/2018, ông Maduro tái đắc cử tổng thống sau khi đánh bại một ứng cử viên đối lập ít tên tuổi hơn trong cuộc tổng tuyển cử có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và bị tố cáo xảy ra hiện tượng "mua phiếu". Phe đối lập ở Venezuela, Mỹ và Nhóm Lima (gồm hầu hết các chính phủ Mỹ Latinh thiên hữu) tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử này.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ngày 5/1/2019, Juan Guaido, 35 tuổi, một nghị sĩ đối lập gần như vô danh, đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Venezuela. Ông Guaido công khai gọi Tổng thống Maduro là "kẻ lạm quyền".

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: BI
Ngày 11/1/2019, ông Maduro, 57 tuổi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ hai.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: Reuters
Ngày 23/1/2019, Chủ tịch Quốc hội Guaido tự xưng là quyền tổng thống Venezuela. Ông Guaido tuyên bố sẽ điều hành đất nước cho tới khi thành lập được một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do.
Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu và hầu hết các nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngay lập tức công nhận vai trò "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và cam kết ủng hộ chính phủ hợp pháp của người đồng cấp Venezuela Maduro. Ảnh trên ghi lại một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ năm 2013. Ảnh: AP
Ngược lại, Cuba, Bolivia và Mexico tuyên bố sẽ đứng về phía chính phủ hợp pháp của Tổng thống Maduro. Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng lên án động thái của Mỹ là can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Venezuela.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: Fox News
Cùng ngày 23/1/2019, Tổng thống Venezuela Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời buộc phái đoàn ngoại giao của Washington phải rời nước này trong vòng 72 tiếng đồng hồ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Song, Washington đã bác bỏ "tối hậu thư" của ông Maduro. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đe dọa sẽ trả đũa nếu Caracas có hành động làm tổn hại đến các công dân Mỹ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: BBC
Ngày 24/1/2019, Tổng thống Maduro triệu hồi tất cả nhân viên ngoại giao Venezuela ở Mỹ về nước, đồng thời ra lệnh đóng cửa hoàn toàn đại sứ quán ở Washington và các lãnh sự quán ở Mỹ.

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Ảnh: AP
Các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Venezuela cùng xuất hiện trên truyền hình, khẳng định sẽ trung thành với Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino gọi hành động của Chủ tịch Quốc hội là một cuộc đảo chính dưới sự hậu thuẫn của "các thế lực đen tối".

Khủng hoảng chính trị trầm trọng xảy ra ở Venezuela thế nào?
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: RT
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các viên chức ngoại giao không quan trọng rời khỏi Venezuela. Đại sứ quán Mỹ ở Caracas cũng đề nghị công dân Mỹ "hết sức cân nhắc" việc rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Tuấn Anh
TIN VÀ VÀ BÀI LIÊN QUAN:

GIỚI QUAN SÁT VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ DIỄN BIẾN  VENEZUELA ?

BBC 26-1-2019

Venezuela
Ảnh: REUTERS - Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và những người ủng hộ ông
Giới quan sát người Việt Nam bình luận với BBC rằng diễn biến Venezuela cho thấy "mọi tham vọng quyền lực đều sẽ bị trả giá nếu không hướng về phía tự do và hạnh phúc của nhân dân".
Hôm 24/1, mạng xã hội ghi nhận sự bàn tán rôm rả của các blogger Việt Nam trước tin xảy ra biểu tình hàng vạn người tại Venezuela trong lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công khai tuyên bố thừa nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là Tổng thống tạm quyền.
Hôm 24/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được các báo dẫn lời: "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định".
"Việt Nam cũng mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Venezuela".
'Bài học nóng hổi'
Hôm 24/1, Giáo sư Tương Lai nói với BBC qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh: "Theo như tôi cảm nhận thì diễn biến Venezuela là tin vui với nhiều người dân Việt Nam".
"Tôi rất mừng khi tình hình Venezuela hôm nay cho thấy những chế độ độc tài, toàn trị không thể tồn tại được và sớm hay muộn thì những kẻ độc tài, thể chế độc tài, phi dân chủ cũng phải chịu số phận bị lật đổ".
"Theo tôi, đây cũng là bài học nóng hổi cho giới chức lãnh đạo Việt Nam vì họ xây dựng chế độ toàn trị và luôn nghĩ Venezuela là đồng chí với nhau".
"Tôi cũng nghĩ rằng trong vụ này, Mỹ gửi thông điệp đến chế độ toàn trị ở Việt Nam khi tuyên bố họ có những lựa chọn cho Venezuela".
"Tôi có cảm nhận người dân Việt Nam nói chung đều muốn được sống trong tự do, không bị đe dọa, nhưng có thể những người dân ở miền núi, nông thôn không nắm được thông tin đầy đủ, khách quan về thế giới bên ngoài".
"Điều này là do tự do báo chí bị bóp nghẹt, và mới đây là luật An ninh mạng có hiệu lực".
"Nhìn từ sự đón nhận diễn biến Venezuela, có thể thấy quần chúng Việt Nam luôn đứng về phía tiến bộ, chống áp bức, bất công, ngả về dân chủ và chống chế độ toàn trị".
Venezuela
Ảnh: EPAI - Ông Guaidó tuyên bố mình là "quyền Tổng thống" hôm thứ Tư
'Thay đổi trong hòa bình'
Hôm 24/1, nhà văn, nhà quan sát Nguyễn Viện nói với BBC: "Theo những gì tôi biết về Venezuela hôm nay, đã có hàng triệu người xuống đường đòi lật đổ chính quyền của ông Nicolas Maduro. Trong nhiều năm qua, cũng đã có nhiều cuộc biểu tình tương tự để chống lại chế độ độc tài theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa này, nhưng không thành công".
"Dù ông Maduro và người tiền nhiệm Hugo Chavez đã hoàn toàn bất xứng khi tạo ra một xã hội đổ vỡ và thất bại toàn diện, từ lý thuyết đến thực hành, đẩy nhân dân mình vào đói khổ cùng cực".
"Tình hình hôm nay đã có vẻ khác. Điều đáng chú ý trong cuộc nổi dậy này là đã có một lãnh đạo hợp pháp về mặt pháp lý, ông Juan Guaido, 35 tuổi, Chủ tịch Quốc hội và được s.ự đồng thuận của các đảng đối lập cũng như toàn thể nhân dân Venezuela"
"Ông Guaido đã tuyên thệ làm Tổng thống lâm thời và được Mỹ cũng như một số chính phủ khác trong vùng công nhận. Đây là một trường hợp khá hiếm hoi khi phe nổi dậy và ông Guaido chưa thực sự chính thức chiến thắng".
"Chúng ta có thể nhìn thấy rõ có yếu tố "can thiệp từ nước ngoài". Tuy nhiên, điều này không phải là chưa từng xảy ra. Và theo tôi, nó cần thiết phải được thể hiện bởi tính nhân đạo khách quan trước sự đau khổ, tuyệt vọng của nhân dân Venezuela mà không một ai có thể phủ nhận".
"Nhân dân Venezuela cần được tự do cũng như có một cuộc sống ấm no. Thế giới đang hướng về họ với hy vọng công lý sẽ chiến thắng trước những tham vọng quyền lực một cách bệnh hoạn như chế độ Maduro".
"Liên hệ với tình hình Việt Nam. Tôi tin rằng một Juan Guaido trẻ trung, can đảm sẽ gợi cảm hứng cho tuổi trẻ Việt Nam một cách tích cực. Tôi cũng mong các nhà lãnh đạo trong nước luôn biết lắng nghe nhân dân của mình, kịp thay đổi trong hòa bình. Tất cả mọi tham vọng quyền lực . sẽ bị trả giá nếu nó không hướng về phía tự do và hạnh phúc của nhân dân"
Hồi tháng 10/2018, tin cho hay ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tiếp ông Jesús Faría, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đến thăm Việt Nam.
"Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc ủng hộ tiến trình dân chủ, hợp hiến tại Venezuela; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đảng XHCN Thống nhất, Tổng thống Nicolás Maduro, nhân dân Venezuela sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ổn định tình hình để phát triển đất nước, thực hiện thành công di huấn của cố Tổng thống Hugo Chávez," báo tin tức viết.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46936514
VENEZUELA 'THÁO CHẠY' :  SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT 'TẤM GƯƠNG XHCN' ?
HOA NGHI/ BVN 26-1-2019

Venezuela, đất nước từng được báo chí Việt Nam ca tụng như một “tấm gương, một tình anh em đồng chí thắm thiết, một chủ nghĩa anh hùng, một khát vọng XHCN” đã ngày càng suy kiệt về đời sống kinh tế - xã hội.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro – một con người xuất thân từ tài xế, một thân phận đúng quy trình của cái gọi là “giai cấp nhân dân lao động”, và vị Tổng thống này đã đưa một quốc gia từ giàu có bậc nhất Mỹ La-tinh trở thành một quốc gia mà người dân buộc phải “lục thùng rác tìm miếng ăn”.
Vì sao? Bởi đơn giản, kể từ khi Hugo Chavez lên nắm quyền, ông ta dựa vào triết lý “đào múc xúc bán tài nguyên” (một triết lý quản trị quốc gia rất cộng sản), dần hình thành một nền kinh tế có sẵn và đầy tham nhũng. Chính vì vậy, khi Maduro lên nắm quyền Tổng thống sau cái chết của Hugo Chavez năm 2013, thì một năm sau - nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ đã gặp khó khăn bởi giá dầu toàn cầu giảm trong năm 2014, các doanh nghiệp không còn có thể nhập khẩu hàng hóa với tốc độ như trước, giá cả tăng vọt và lạm phát. Và sự co lại của GDP ở Venezuela trong giai đoạn 2013-2017 nghiêm trọng hơn so với Mỹ, trong cuộc Đại khủng hoảng, hay Nga và Cuba sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Sự khủng hoảng này ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sống của hàng triệu người.
Thế nhưng Nicolas Maduro vẫn tại vị hết lần này qua lần khác thông qua hệ thống bầu cử dựa trên quyền lực vũ trang (cảnh sát và quân đội) cũng như chính sách “miếng bánh chống chết đói” để giữ bằng được quyền lực của mình.
https://2.bp.blogspot.com/-0a9pHdgDSw8/XEnPVTBxtxI/AAAAAAAAdZw/_2smsBQY8bIi9pqhk97i_qZS6r378SS3wCLcBGAs/s320/venezuela.jpg
Mọi chuyện có vẻ đã khác đi khi hàng triệu người dân Venezuela đã đổ xuống đường. Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, ngày 23.1 đã tự nhận trở thành tổng thống lâm thời của quốc gia này và nhận được sự ủng hộ của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác.
Mỹ trong tuyên bố của mình đã tỏ rõ tính chất bảo hộ dân chủ, cái làm nên tính “siêu cường” của nước này: “Người dân Venezuela đã dám nói lên tiếng nói chống đối ông Maduro và chính quyền của ông ấy, yêu cầu tự do và thượng tôn pháp luật... Tôi sẽ tiếp tục dùng toàn bộ sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Mỹ để áp lực phục hồi dân chủ cho Venezuela”, ông Trump nói.
Bình luận về sự kiện này, Facebooker Nguyễn Việt Thắng chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, sự xuống đường của người dân hay sự tháo chạy của Tổng thống Nicolas Maduro chính là hệ quả của “tuyên truyền dối trá, bưng bít sự thật, quan chức phè phỡn, dân tình khốn khổ”. Quan điểm của ông Thắng là quan điểm của rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam sáng ngày 24.1.
Nếu Nicolas Maduro “tháo chạy” thực sự, thì điều này gây ra sự nuối tiếc của hàng triệu người. Vì sau sự sụp đổ của Liên Xô và liên minh Đông Âu, thế giới dường như mất cảnh giác với giới cánh tả mang yếu tố cộng sản. Khi Hugo Chavez lên nắm quyền, thế giới lập tức có thêm một “tấm gương sáng về CNXH hay XHCN” để soi vào. Chưa bao giờ người dân thế giới nhận thức về hiện thực XHCN sống động đến thế, cái chủ nghĩa mà dễ dàng phá hủy một quốc gia, mặc dù quốc gia đó đầy đủ tài nguyên và tiềm lực con người. Nếu so với Triều Tiên, thì Venezuela có tính “biểu tượng” hơn, vì nó có hệ thống bầu cử, có cái gọi là “đối lập”, và về mặt thông tin, nó hoàn toàn không đóng kín như Triều Tiên, thế giới vì thế có cái để nhìn vào và đối sánh.
Venezuela cho thấy câu chuyện cái mô hình và thể chế XHCN tiếp tục bị thải loại như một quan điểm tất yếu của thực tiễn và lịch sử, sự kéo dài của cái mô hình này chỉ khiến cho mạng người bị rẻ rúng và đời sống bị ngả giá giữa “đói hay là chết” với mô hình bầu cử giả hiệu. Venezuela cũng cho thấy sự quan tâm và thức tỉnh, cảnh giác của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi ngay khi hàng triệu người xuống đường, hàng loạt quốc gia có nền kinh tế phát triển đã nhanh chóng công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người 35 tuổi là Tổng thống tạm thời. Và tất nhiên, cũng có vài quốc gia mê muội khác chống lại sự kiện xuống đường của nhân dân Venezuela, những quốc gia bảo hộ cho sự độc tài và lạm quyền lực: Mexico, Bolivia và Cuba (hai trong số này là nước XHCN, còn Mexico thì có vị Tổng thống cánh tả).
Lại nói về Juan Guaido, 35 tuổi, người vừa được Mỹ và hàng loạt quốc gia khác công nhận, ông là ai? Ông là lãnh đạo phe đối lập, người đứng đầu Quốc Hội, và là người có tuyên bố gây chú ý rằng, ông Maduro không phải là một nhà cai trị hợp pháp và bản thân Juan Guaido sẵn sàng chịu trách nhiệm chuyển đổi chính quyền.
Chính tuyên bố gây chú ý này, đã khiến Juan Guaido vượt ra khỏi một nhà lãnh đạo đối lập, trở thành một người lãnh đạo quốc gia tiềm năng mà nhiều người ở Venezuela và bên ngoài kỳ vọng. Nói cách khác, tính trách nhiệm, tính kiểm soát quyền lực, tính thách thức sự độc tài và lũng đoạn đã trở thành “bà mụ”, nâng đỡ Juan Guaido trở thành một Tổng thống hợp hiến trong tương lai. Nhưng điều cốt lõi là, Guaidó không bao giờ muốn rời khỏi đất nước của mình, ông muốn tạo ra sự thay đổi bắt nguồn từ chính vùng đất của mình.
Ngoài ra, ý thức chính trị của người dân Venezuela là rất quan trọng, hàng triệu người xuống đường ngày 23.1, nằm trong tiến trình xuống đường trước đó của người dân.
Năm 2014, hàng ngàn người đã xuống đường để phản đối lạm phát và điều kiện sống. Chính phủ đã đàn áp các cuộc biểu tình, khiến ít nhất 11 người chết.
Năm 2015, lần đầu tiên các chính trị gia đối lập giành được đa số trong cơ quan lập pháp - Quốc hội - trong gần hai thập kỷ.
Năm 2016, chính phủ Venezuela đã tước bỏ quyền lực của Quốc hội để giám sát nền kinh tế và vào tháng 3.2017, Chính phủ đã giải tán Quốc hội. Các cuộc biểu tình sau đó đã khiến hơn 100 người chết và 1.000 người bị bắt.
Và tất nhiên, những kẻ ủng hộ và trung thành với Maduro luôn đổ lỗi về sự hỗn loạn, xung đột, bạo lực, yếu kém, nghèo đói của đất nước chính từ phe đối lập hay thế lực thù địch nước ngoài,… Một cách đổ lỗi rất đúng quy trình ở các nước XHCN.
Sự kiện ngày 23.1 tại Venezuela được trang New York Times bình luận rằng, dù cho cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực, nhưng điều này không có nghĩa là chế độ sẽ sụp đổ. Nếu điều gì đó đã được chứng minh, thì giải pháp cuối cùng phải đến từ trong nước, không phải từ bên ngoài.
Đó là sự thức tỉnh trong nhân dân, làm nên chủ quyền nhân dân.
H.Ng.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét