Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

20190121. BÌNH LUẬN QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VĂN HÓA CÔNG VỤ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÌNH LUẬN MỘT QUYẾT ĐỊNH

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 18-1-2019

Kết quả hình ảnh cho phê duyệt đề án văn hóa công vụ
Đó là Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, của Thủ tướng Chính phủ, VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VĂN HÓA CÔNG VỤ. Nội dung QĐ có 3 điều, tóm tắt như sau:
Điều 1- Phê duyệt Đề án với 6 tiểu mục: 1- Mục tiêu; 2- Phạm vi đối tượng áp dụng; 3- Quan điểm; 4- Nội dung;  5- Các giải pháp thực hiện; 6- Tổ chức thực hiện.
Điều 2- Hiệu lực thi hành. Có 2 tiểu mục : 1- Hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. 2- Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam… cơ quan của Quốc hội… xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.
Điều 3- Trách nhiệm thi hành.
Tôi phát hiện thấy vài điều có thể và nên bình luận. QĐ này được ban hành cùng với các QĐ của Đảng về nêu gương của cán bộ cấp cao, về xiết chặt kỷ luật, về tổ chức các đợt học tập đạo đức. Ra các QĐ như vậy chứng tỏ sự lúng túng của lãnh đạo trước thực trạng bi đát về đạo đức và năng lực của CB. Tình trạng đã quá rõ ràng. Nó là kết quả của một quá trình do kết hợp giữa 2 thứ: Nguyên nhân gốc và điều kiện môi trường. Nguyên nhân gốc là chủ thuyết Mác Lê với chuyên chính vô sản, độc tài toàn trị. Điều kiện môi trường được tạo nên từ mặt trái của nền kinh tế và văn hóa, là một số sai lầm hoặc thiếu sót trong chủ trương và luật pháp.
Muốn đưa ra được các giải pháp đúng nhằm khắc phục tình trạng bi đát cần có trí tuệ và lòng dũng cảm để phân tích nguyên nhân gốc. Thế nhưng vì lãnh đạo thiếu cả hai nên không thấy hoặc không dám tìm ra để loại bỏ mà chỉ dám nhìn đến vài điều kiện của môi trường rồi đưa ra giải pháp không căn bản. Ra các QĐ như trên là một dạng của việc làm hình thức và rất kém hiệu quả. Phải chăng để tự an ủi  là đã làm một việc gì đó và có cớ để thanh minh rằng đã biết và quan tâm.
Tôi thấy phần lớn các QĐ dài dòng là tập hợp của một đống ngôn từ và khẩu hiệu, rườm rà, chất lượng thấp, được viết ra một cách dễ dãi. Riêng QĐ 1847-QĐ/TTg chứa đựng một số điều hơi lạ.
Thứ nhất là đối tượng áp dụng. Tiểu mục 2 điều 1 ghi: Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;  b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Điều 3: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Các tiêu chí về văn hóa, đạo đức cũng như luật pháp là cho mọi người. Thế nhưng QĐ về văn hóa công vụ này chỉ áp dụng cho từ Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh trở xuống. Phải chăng cấp cao hơn được đặt ra ngoài? Phải chăng họ đã có đủ văn hóa hoặc không cần thực hành văn hóa.
Thứ hai là quan điểm. Xem ra quan điểm chẳng có gì khác so với mục tiêu. Cả hai chỉ là để CB làm tốt chức trách. Thế mà tiểu mục 3 (điều 1) về quan điểm được viết thành 4 đoạn a; b; c; d khá dài dòng, hình như người ta cố viết dài để phô trương kiến thức.
Thứ ba là một số qui định cụ thế. Văn hóa, đạo đức bao gồm những điều chung cho mọi người, Khi đề cập văn hóa công vụ là đã khu biệt, đã nâng cao trên mức của người lương thiện bình thường, chỉ phải nêu những điều mà công vụ  mới cần, còn dân thường không có dịp thực hành. Những điều mà mỗi công dân lương thiện cần có thì bắt buộc cán bộ phải có, chỉ cần viết 1 câu để mọi người hiểu và thực hiện đúng. Vậy không cần nêu ra cụ thể các điều như là: ý thức về bổn phận, có ý thức tổ chức, kỷ luật, không gây khó khăn, không vô cảm, không ích kỷ, không ghen ghét, không nịnh bợ, phải biết tôn trọng, biết lắng nghe người khác, phải cần kiệm, phải trung thực, hút thuốc lá đúng nơi quy định, v.v… Trong các quy định cụ thể  tôi dị ứng với 3 điều: Bốn xin, đi dép có quai hậu và nịnh bợ vì động cơ không trong sáng.
Bốn xin là xin chào, xin lỗi, xin cám ơn và xin phép. Khi mở mồm nói lời xin người ta thường đã tự đặt mình vào thế yếu. Trừ việc xin chào, có thể dùng theo thói quen, nhưng chỉ nên hạn chế trong một số trường hợp cần thiết. Các thứ xin khác cần phải học để dùng cho đúng, nhưng dùng càng ít càng tốt, đặc biệt là xin lỗi. Nếu bạn gây ra lỗi thì phải biết để không những phải xin lỗi chân thành mà còn phải làm nghĩa vụ liên quan. Nhưng mỗi tuần hoặc mỗi ngày bạn phải xin lỗi vài lần thì bạn là loại người gì vậy, sao mắc nhiều lỗi thế. Còn nếu thật sự không có lỗi mà cứ xoen xoét xin lỗi thì bạn là loại giả dối có hạng.
Về việc đi dày dép. QĐ ghi rõ ràng là phải “đi giày hoặc dép có quai hậu”, nghĩa là cấm đi dép không có quai hậu. Qui định như thế này là quá vụn vặt.
Về nịnh bợ. QĐ ghi: “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Đọc câu vừa rồi có thể suy ra, có loại nịnh bợ vì động cơ trong sáng, và loại đó không bị cấm.
Thứ tư là tiểu mục 2 của điều 2: Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã áp dụng các nội dung của Đề án để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ phù hợp với đặc thù trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Đây là lần đầu tiên tôi đọc được văn bản mà Thủ tướng Chính phủ quy định cho các cơ quan Đảng và Quốc hội. Oai ghê, quyền to ghê. Không biết điều này tự ông Thủ tướng nghĩ ra hay có quân sư nào mách nước. Không biết ngài Tổng bí thư và các vị trong Bộ chính trị, các vị ở Thường vụ Quốc hội có ý kiến gì không, còn tôi cho rằng các vị đã bị qua mặt.
Thứ năm là ba nội dung có chỗ trùng lặp và mâu thuẩn. Đó là điều 2- Hiệu lực thi hành, điều 3- Trách nhiệm thi hành và tiểu mục 6 của điều 1- Tổ chức thực hiện.
Viết vài lời bình luận để thấy rằng QĐ 1847 là một văn bản chất lượng thấp và người soạn thảo có trình độ chưa xứng tầm với công việc.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

CUỘC CHIẾN GIỮA CSVN VỚI FACEBOOK : DÁNG DẤP MỘT MÀN TẤU HÀI

PHẠM CHÍ DŨNG/ NV/ BVN 19-1-2019

https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/01/Facebook-PhamChiDung-01.jpg?resize=696%2C467&ssl=1
Vợ chồng ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg (thứ 2 từ trái) và vợ Priscilla Chan (thứ 2 từ phải) trong chuyến thăm vịnh Hạ Long của Việt Nam hồi tháng 12 năm 2011. (Hình: Getty Images)
“Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó”.
Một quan chức của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước với thái độ đầy ‘bức xúc’ như thế.
Nhưng điều trớ trêu đối với nhà cầm quyền Việt Nam là trong khi họ tố cáo Facebook ‘câu giờ’, đó cũng là một thủ đoạn rất quen thuộc để đối phó với rất nhiều cáo buộc của cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Kể từ khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013 đến nay, đã chẳng hề có một cải thiện nhân quyền nào được thực hiện, nếu không muốn nói là ngược lại.
Hết thời ‘nhà chồng’ và ‘nàng dâu’
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương”, Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam vào Tháng Giêng 2019 về việc doanh nghiệp này “vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế”.
Lần đầu tiên từ lúc vào Việt Nam, Facebook đã biết phản ứng như thế nào trước sự can thiệp ngày càng thô bạo của chính thể độc đảng ở đất nước này.
Việc Facebook cho bà Lê Diệp Kiều Trang – con gái của một cựu quan chức cộng sản, đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker, nghỉ việc vào ngày 1/1/2019, đúng vào ngày Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực, có thể là một phản ứng mang hàm ý phản ứng đối với Luật An ninh mạng mà đang tạo ra nguy cơ siết bóp đối với Facebook.
Sau một thời gian ‘vận động thuyết phục’ phần nào thành công đối với Facebook và khiến doanh nghiệp này phải xiêu lòng thỏa hiệp để cắt gỡ nhiều nội dung ‘phản động’ trên facebook cá nhân của nhiều người hoạt động nhân quyền, cuộc đấu tố hằn học và cay cú của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của họ trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Thất bại của nhà cầm quyền lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.
Một cách chính thức, ‘mối tình’ tạm thời giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Facebook đã rơi vào dang dở. Lúc này thì không còn có khái niệm ‘nhà chồng’ hay ‘nàng dâu’ mà tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn nhá với Phó chủ tịch châu Á – Thái Bình Dương của Facebook là Simon Milner trong một cuộc gặp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2018. Một cách chính thức, Facebook đã chấp nhận cuộc chiến kéo dài và đầy tiểu xảo thủ đoạn của nhà cầm quyền Việt Nam.
Vậy cuộc chiến giữa nhà cầm quyền Việt Nam với Facebook sẽ tiếp diễn ra sao?


https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/01/Facebook-PhamChiDung-02.jpg?resize=696%2C477&ssl=1
Số người sử dụng mạng xã hội facebook tại Việt Nam lên đến hàng chục triệu người. (Hình: Getty Images)
Tiền, tiền, tiền!
“Để chấn chỉnh, cơ quan quản lý sẽ có nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của Facebook tại Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật. Yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong Thỏa thuận giữa các Nhà cung cấp dịch vụ và Facebook. Ngoài ra, Facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Và nếu Facebook không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế-kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh” – theo một bản tin Thông tấn xã Việt Nam, lồng trong bầu không khí ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’ để đấu tố Facebook vào tháng 1 năm 2019.
Cũng theo bản tin trên, thống kê sơ bộ cho thấy hiện có 8 doanh nghiệp viễn thông cho Facebook kết nối trực tiếp và đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam… Nhưng điều quan trọng rằng mạng xã hội này lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn thông lại không chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông không có điều khoản cam kết tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đây cũng chính là kẽ hở để mạng xã hội như Facebook liên tục vi phạm về luật pháp tại nước sở tại.
Hoàn toàn có thể cho rằng với não trạng và thói quen đối phó với giới đấu tranh nhân quyền trong nước, hành động đầu tiên mà các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành sẽ là ‘trấn áp thuế’ đối với Facebook, đồng thời đe dọa đẩy đuổi doanh nghiệp này khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu không chịu nộp thuế.
Vào năm 2017, vài ước tính của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã nhắm đến số thuế phải thu đối Facebook vào khoảng 3,000 – 5,000 tỷ đồng. Nếu tiến hành thành công chiến dịch thu thuế đối với Facebook và cả Google, bức chân dung ngân sách Việt Nam – vốn đang xám xịt, đói ăn đến mức phải tìm cách thu thuế với cả những người bán hàng rong và xe ôm, có thể đen đúa thậm tệ trong cảnh vỡ nợ nước ngoài trong tương lai không xa – sẽ vét được khoảng một chục ngàn tỷ đồng, tương đương 0.8% mức thu ngân sách năm 2018, để đỡ tiều tụy hơn.
Phương châm đánh vào nguồn thu từ quảng cáo và những khoản thu khác của Facebook đang lộ hẳn ra. Tám doanh nghiệp viễn thông cho Facebook kết nối trực tiếp và đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam sẽ phải chịu áp lực từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để chấm dứt hợp đồng hợp tác với Facebook, đồng nghĩa Facebook không còn đất dung thân ở Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đe dọa đến thực hiện luôn là một khoảng cách…
Việt Nam có dám kiện hay đẩy đuổi Facebook?
Khoảng cách đó càng lớn khi giới chuyên gia kinh tế đã có những ước tính nếu Facebook và Google phải rút khỏi Việt Nam, môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị tổn thương trầm trọng khiến GDP của Việt Nam có thể giảm sút đến 1.5 – 2%.
Việt Nam lại không phải là Trung Quốc. Và lúc này đang là năm 2019 chứ không phải năm 2010 khi Google bị Bắc Kinh gây áp lực buộc phải dời đi. Tiềm lực quá yếu ớt về kinh tế và sự phụ thuộc quá lớn vào khối đầu tư nước ngoài sẽ không cho phép chính quyền Việt Nam hành xử thô bạo và bất cần như chính quyền Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả việc Việt Nam có manh nha ý đồ kiện Facebook ra một tòa án quốc tế nào đó cũng chỉ là không tưởng. Bất kỳ tòa án quốc tế có uy tín và có giá trị phán quyết nào đều đậm dấu ấn của quan điểm tự do ngôn luận trên mạng xã hội, bao gồm quyền tự do thể hiện bất đồng chính kiến. Nếu vụ kiện này xảy ra, trong khi phía nguyên đơn Việt Nam còn chưa có gì bảo đảm là sẽ giành phần thắng, rất có thể nguyên đơn này bị kiện ngược lại vì vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận – được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982.
Cơ hội giành phần thắng của nhà cầm quyền Việt Nam trước Facebook tại những tòa án như thế là quá thấp, hoặc chỉ là con số 0.
Cuộc chiến giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, hay cao hơn nữa là ‘siêu bộ’ – Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam – với hãng Facebook cũng bởi thế sẽ chỉ mang dáng dấp một màn tấu hài với kết quả cuối cùng chẳng đi đến đâu.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên trang Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét