Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

20190124. QUANH SỰ KIỆN CHƯỠNG CHẾ TẠI LỘC HƯNG TP.HCM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÀ CẦM QUYỀN TP.HCM MUỐN CHỨNG MINH 'LUẬT LÀ TAO, TAO LÀ LUẬT'?

NGUYỄN HOÀNG HẢI/ BVN 22/1/2019

Gần ba tuần đã trôi qua kể từ ngày 4/1/2019, là một ngày mà nhà cầm quyền TP.HCM đã thành công trong công việc đánh úp cư dân đang cư ngụ tại vườn rau Lộc Hưng ra khỏi nơi cư ngụ của mình một cách thật sự quá dễ dàng bởi quyền lực vô hạn đã có sẵn trong tay.


https://1.bp.blogspot.com/-9mVJ5uoZJiU/XEPk6EA_7UI/AAAAAAAAdSQ/NLQPx7Ox2ncQS6MoPVgeoUvw4X7bZTfEwCLcBGAs/s640/D2A3F7CA-214C-425C-B7AD-D1FFCF7BC27F_w1023_r1_s.jpg

Thông báo thời gian 90 ngày để người dân tự di dời tháo dỡ, có hay không thông báo bằng miệng hay dán trên tường vài ngày trước đó chỉ là một màn kịch che đậy kế sách đánh úp bất ngờ người dân vườn rau Lộc Hưng?
Đuổi, bắt, trục xuất người dân vườn rau Lộc Hưng ra khỏi nơi cư ngụ, đập phá, hủy hoại tài sản, chôn vùi sự sống của người dân, chôn vùi tính pháp lý sở hữu đất đai xuyên suốt từ năm 1955 mà cư dân vườn rau Lộc Hưng đã tồn tại, đó mới là thông báo chính thức của nhà cầm quyền vào ngày 4/1/2019 chứ không phải là thông báo 90 ngày như người dân đã tưởng trong một giấc mơ ân huệ nào đó.
Hành động tàn bạo, nhẫn tâm, vô liêm sỉ, là những từ mà người dân trên cộng đồng hiện tại đang dành cho nhà cầm quyền phường 6 quận Tân Bình... phải chăng đã cạn kiệt vốn từ để diễn tả. Đằng sau sự cạn kiệt vốn từ của người dân sẽ là gì? Vẫn là nước mắt chảy dài trước cường hào ác bá, hay là sự quật khởi để giành lại sự sống trong tương lai?
Thật khó để giải mã tường tận sẽ là gì, nhưng có thể hình dung sự giận dữ của cộng đồng dân chúng hiện tại, sự quan ngại của cộng đồng Quốc tế qua cách nhìn không thiện cảm với nhà cầm quyền, sự thận trọng đồng lòng của những luật sư hiện tại đang chung sức cùng người dân làm cho ra lẽ sự sai trái mà nhà cầm quyền đã gây ra cho người dân, thì mới hy vọng và thấy được sự hồi sinh trong tương lai.
Phải chăng, đây là cách nghĩ lạc quan trong một xã hội mà pháp luật lâu nay được ví như nhành liễu đong đưa trước gió, lương tri từ nhà cầm quyền đã đội nón ra đi .... Không, không hẳn là vậy, bởi đã là con người cũng có lúc phải biết giựt mình hoảng sợ, nếu một khi đã đánh mất sạch sẽ lương tri mà con người cần phải có thì khác nào đã trở thành loài thú sống trong hoang dã.
Sự việc xảy ra khi ngày Tết đã cận kề, sự uất nghẹn cứ tăng dần và lan tỏa trên cộng đồng. Tết trong lịch sử, đã có lần nhuốm máu của đồng bào qua cuộc tổng tấn công năm 1968 ( Mậu Thân ) dù đã có thỏa thuận đình chiến để người dân sum vầy đón Tết, nhưng đã trở thành thảm cảnh tan thương cho hàng triệu người ngày đó. Hơn 50 năm đã qua, vết thương cũ dường như vẫn chưa nguôi ngoai thì giờ đây lại đến hàng trăm hộ người dân vườn rau Lộc Hưng cũng rơi vào cảnh tương tự.
Tuy bối cảnh, hoàn cảnh, thiệt hại tang thương là khác nhau. Nhưng, giống nhau từ một lời hứa bị hủy bỏ một cách trắng trợn, giống nhau từ một chiến thuật đánh úp bất ngờ, giống nhau đến kinh ngạc qua hai chữ “vì dân” nhưng nhà cầm quyền dù nhỏ hay lớn cũng sẵn sàng truy đuổi người dân đến tận cùng thống khổ, thì thử hỏi: có một chính quyền nào vì dân mà lại tàn bạo như thế hay không?
N.H.H.

VNTB gửi BVN
VƯỜN RAU LỘC HƯNG: QUẢ BOM NỔ CHẬM DO CHÍNH QUYỀN TẠO RA !
NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 23-1-2019
Tôi không nén được phẫn uất khi nhìn thấy nhà cửa, nơi ở, đồ đạc và tài sản của người dân Khu vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình, TP HCM) bị chính quyền điều xe ủi đến phá sập và san bằng,  người dân nơi đây phải màn trời chiếu đất, giống hệt cảnh đổ nát điêu tàn sau chiến dịch B.52 Mỹ ném bom rải thảm phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) dịp lễ Noel năm nào!
Tôi quặn đau và xót xa nhìn người phụ nữ Lộc Hưng liều chết nằm chắn ngang đầu xe ủi, lấy thân mình cản xích xe, không cho chúng tiến vào ủi xập nhà cửa, phá tan nơi ở và tổ ấm của họ!
Tôi uất ức và hờn oán khi nhìn thấy cảnh tượng bàn thờ tổ tiên, tượng đức Chúa Giê-su, giường tủ, đồ đạc và đồ chơi con trẻ rơi vung vãi, ngổn ngang khắp mặt đất!

LH1.jpg
(Nguồn: Ảnh Internet)
Những cảnh tượng nói trên không thể xảy ra ở một một quốc gia dân chủ, pháp quyền, thượng tôn pháp luật! Nó càng không thể xảy ra trong một chính thể xã hội do dân, vì dân và của dân!
Một câu hỏi lớn cần đặt ra: Tại sao nó lại diễn ra ở TP HCM, thành phố lớn nhất nước, là trung tâm và đầu tàu kinh tế của cả nước, vào giữa thời điểm các sai phạm tày đình của chính quyền TP HCM bị phơi bày và đổ bể trong vụ Thủ Thiêm? Và đặc biệt nó lại diễn ra gấp gáp khi chỉ còn mấy tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, như một trận đánh úp vậy?
Đây rõ ràng không phải là thiên tai hay địch họa! Song rất khó hiểu, đây lại là tai họa và tội ác do chính con người gây ra giữa thời đại văn minh của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0! Hơn nữa, nhân tai này lại xẩy ra khi toàn dân từ Bắc đến Nam đang được kêu gọi góp sức xây dựng Nhà nước và Chính phủ kiến tạo! Đây còn là đòn giáng mạnh không chỉ vào chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, mà còn giáng vào chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ra sức cổ súy và tuyên truyền suốt trên nửa thế kỷ qua!


LH2.jpg
(Nguồn: Ảnh Internet)
Người dân xây nhà không phép là sai, và việc đập bỏ những công trình xây dựng sai phép hoặc không phép là điều cần thiết, pháp luật nước nào cũng vậy! Song việc cưỡng chế, phá sập nhà ở của dân không thể tùy tiện theo ý thích của người đứng đầu chính quyền, mà còn phải tuân thủ đúng trình tự và thủ tục pháp lý theo quy định! Ngoài ra, chính quyền cũng cần tuân thủ truyền thống đạo lý nữa! Nếu chỉ căn cứ vào pháp lý đơn thuần, phớt lờ yếu tố đạo lý, không thể nói chính quyền đó là của dân và vì dân được! Chính quyền sở tại (UBND Phường 6 và quận Tân Bình) có tiêu cực hay tham nhũng không thì chưa rõ, nhưng rõ ràng là họ đã buông lỏng quản lý, dễ dàng để cho hàng trăm hộ dân hàng chục năm qua xây nhà không phép. Để tình trạng này xảy ra, đây không chỉ là lỗi của riêng người dân, mà lỗi chính là của chính quyền! Khi cả người dân và chính quyền đều có lỗi, cớ sao chỉ nhẫn tâm trừng phạt người dân?
Theo lẽ thường tình, chính quyền nên giúp đỡ và tạo điều kiện để người dân tự giải quyết và khắc phục sai phạm của họ, tuyệt đối tránh gây đau khổ, oán thù cho dân! Trường hợp Vườn rau Lộc Hưng này, chính quyền muốn cưỡng chế, phá dỡ nhà dân, nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo đúng quy định! Ngoài việc để cho người dân một khoảng thời gian ít nhất là 3-4 tháng để họ tự tháo dỡ và di chuyển đến nơi ở mới, trường hợp nếu có hộ gia đình nào gặp khó khăn, chính quyền cũng nên giúp đỡ, hỗ trợ họ nữa! Xét cho cùng, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không phải là mâu thuẫn đối kháng địch-ta, dứt khoát và tuyệt đối không được sử dụng vũ lực! Việc chính quyền cưỡng chế, phá sập 112 ngôi nhà của người dân ở Vườn rau Lộc Hưng không thực hiện đúng theo quy định và thủ tục pháp lý, rõ ràng đây không chỉ là nhẫn tâm, tàn độc mà còn có dấu hiệu chà đạp pháp luật nữa!
                                                                               *******
LH$.jpg
                             (Nguồn: Ảnh Internet)
Xét cho cùng, mọi quốc gia trên thế giới đều vì người dân mà phục vụ! Đây chính là lý do người dân cần đến chính phủ, và cũng là lý do chủ yếu để chính phủ tồn tại!
Quốc gia nào có lượng người ở độ tuổi lao động mà thất nghiệp quá nhiều (hay tạm thời chưa tìm được việc làm, như cách nói của chính quyền xưa nay), lỗi đó tại người dân một phần, song lỗi chính là của chính phủ, do không lo được công ăn, việc làm cho công dân của mình!
Đất nước nào mà để cho học sinh đến tuổi đi học mà không được đến trường, xin hỏi lỗi này là của ai nếu không phải là của chính phủ?
Xứ sở nào có nhiều người vô gia cư, không có chỗ trú thân, lỗi chính là do chính phủ nước đó không lo được vấn đề an sinh xã hội, không lo được chỗ ở tối thiểu cho dân nghèo!
Quốc gia nào có quá nhiều người đi ăn xin, chính phủ nước đó có nên tự hào, hãnh diện?

LH6.jpg
            Những nạn nhân gián tiếp vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng (Nguồn: Ảnh Internet)
Trở lại sự kiện Lộc Hưng, trong khi chưa có điều kiện lo được chỗ ở tối thiểu cho người dân, thiết nghĩ những người lãnh đạo có trách nhiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nên nhẫn tâm, gật đầu chuẩn thuận để cho chính quyền cấp dưới đập bỏ, triệt phá nơi sinh sống của người dân, cho dù họ có sai phạm xây dựng nhà không phép trên mảnh đất mà họ đã sử dụng trên nửa thế kỷ qua, nhất là khi Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc đang cận kề! Đây không chỉ là mặt pháp lý đơn thuần, mà còn là truyền thống và đạo lý của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay nữa! Rất mong Đảng bộ và Chính quyền TP HCM tỏ thiện chí, giải quyết có tình có lý, đừng để Lộc Hưng trở thành điểm nóng và là quả bom nổ chậm không ai mong muốn này!
Hà Nội, ngày 22/1/2019.
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT: TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN

ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 23-1-2019

Đi nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam đều thấy treo giăng câu khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”; người nghĩ ra nó chắc không ngoài mục đích nhắc nhở mọi người trong xã hội phải tuân thủ pháp luật. Riêng cán bộ, công chức, đảng viên còn phải thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nữa !
Quay lại "Vườn rau Lộc Hưng"
Sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc san ủi mặt bằng "Vườn rau Lộc Hưng" và dựng lên đó một bản vẽ quy hoạch mặt bằng dự án; tìm hiểu trên “Cổng thông tin điện tử quận Tân Bình” thì hoàn toàn không có thêm bất kỳ thông tin nào về dự án, đặc biệt là việc cưỡng chế, đập phá nhà cửa, hoa màu trên đất.
Một số báo đưa tin: cưỡng chế đúng luật nhưng không hợp tình vì những ngày cận Tết (!). Mạng xã hội tiếp tục cung cấp nhiều thông tin hình ảnh về quá trình sử dụng đất của người dân.
I. Thông tin từ người dân "Vườn rau Lộc Hưng"
Theo các tài liệu từ các hình ảnh dưới đây:
1. Văn bản số S.P.55.011 ngày 17/02/1955 của Đài Phát tuyến Chí Hòa xác nhận “Hội truyền giáo công giáo là chủ sở hữu đất” (chú ý: CHỦ SỞ HỮU).
2. Tòa Tổng Giám mục xác nhận người dân đã sử dụng ổn định, lâu dài và đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân "Vườn rau" theo văn bản số 1.83.2007.285, ngày 31/08/2007. (văn bản 8 trang dạng ảnh, được chuyển qua dạng chữ ở phần IV)
3. Các giấy tờ giao dịch dân sự, hành chính, thực hiện nghĩa vụ của những người sử dụng đất liên tục từ trước năm 1975. Đã chứng minh được việc sử dụng đất liên tục cho đến thời điểm Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực, đủ thời gian để được công nhận quyền sử dụng đất.
Với các giấy tờ như ở trên, nhiều địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và hình thành những khu phố khang trang sầm uất. Người dân sinh sống ổn định, lâu dài giữ gìn an ninh trật tự cùng góp phần xây dựng đất nước.




Với các loại giấy tờ này người dân đã đủ điều kiện được công nhận để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP
II. Thông tin từ phía chính quyền
Chưa đưa ra bất kỳ một văn bản hành chính nào chứng minh đã thực hiện "Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, Về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía nam" đối với khu đất "Vườn rau Lộc Hưng" (trong giai đoạn QĐ 111 có hiệu lực).
Trong phần IV, Linh mục Huỳnh Công Minh Tổng đại diện của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh phân tích chi tiết nội dung này.
III. Trách nhiệm của chính quyền
Về phía dân sai, dân chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng về phía chính quyền, ít nhất có hai cái sai:
Thứ nhất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân.
Thứ hai, việc cưỡng chế hủy hoại tài sản, hoa màu không đúng quy trình và không hợp đạo lý.
Trong các tài liệu về “Học tập và làm theo …” có đề cao hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải khóc nhận nhận khuyết điểm về sai lầm của cải cách ruộng đất.
Dù theo khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” hay “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì chính quyền cũng phải sửa sai. Cư dân "Vườn rau Lộc Hưng" có quyền sử dụng đất hợp pháp có quyền yêu cầu:
1. Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân "Vườn rau Lộc Hưng" theo đúng quy định pháp luật và đền bù những tài sản hợp pháp.
(chính quyền có lưu trữ các loại sổ: nộp thuế đất nông nghiệp, sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính, bản đồ giải thửa, ... nên dù san ủi phẳng hết rồi nhưng vẫn dễ dàng xác định mốc giới, diện tích, chủ sử dụng)
2. Trường hợp có muốn thu hồi đất để thực hiện dự án thì nên thực hiện theo đúng các quy trình về đầu tư, xây dựng, đất đai, ... và thỏa thuận phương án đền bù.
---
* Đừng để sai lầm nối tiếp sai lầm.
Nên nhớ: những người dân vào phương nam từ hàng nhiều trăm năm trước ông cha của họ đã từng đổ máu để giành giữ đất mở mang bờ cõi.
IV. Nội dung dạng text văn bản Tòa Tổng Giám mục
Văn bản số 1.83.2007.285, ngày 31/08/2007 Tòa Tổng Giám mục gởi các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, để hiểu bản chất "Vườn rau Lộc Hưng" mọi người nên cố gắng đọc hết, theo quan điểm: “đừng nghe, hãy xem …!”Văn bản gồm 8 trang, dạng ảnh, được chuyển qua dạng chữ để người xem dễ đọc, sao chép. Sử dụng chương trình chuyển đổi cho nên có thể còn một số lỗi chính tả. Toàn văn:


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------oOo-------
TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.8) 930 3828
Fax (84.8) 930 0598
E mail tgmsg@hcm.vnn.vn
---oOo---
Số: 1.83.2007.285
V/v: Quan điếm của Tòa Tổng Giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu "Vườn rau", phường 6, quận Tân Bình.
Kính gởi:
  • Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Ông Trưởng ban Ban Tôn giáo và Dân tộc TP Hồ Chí Minh
  • Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quân Tân Bình
  • Ông Chủ tịch UBND Phường 6.
Thưa Quý Vị,
Ngày 15/08/2007, tại cuộc họp do Ông Trưỏng Ban Ban Tôn giáo và Dân tộc thành phố chủ trì, với sự tham dự của các vị dại diện UBND Quận Tân Bình, UBND Phường 6 và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tôi cổ trình bày quan điếm của Tòa Tổng Giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu "Vườn rau", đường Chấn Hưng, phường 6, Tân Bình.
Nay theo yêu cầu của Tòa Tổng Giám mục và một số cơ quan khác, tôi xin ghi lại nội dung chính yếu của những gì tôi đâ phát biểu tại cuộc họp nói trên, và xin trân trọng gởi dến Quý Vị.
1/. Mục đích cuộc họp là để trao đổi về văn thư ngày 18/6/2007 của tôi. Tôi nghiêm túc lắng nghe các ý kiến đóng góp, đặc biệt là ý kiến của Ông Phó Chủ Tịch UBND quận Tân Bình và ý kiến của Ông Chủ tịch UBND Phường 6. Các Vị này tập trung giải thích ràng nội dung Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất do UBND Phường 6 cấp là hoàn toàn đúng chủ trương, chính sách và pháp luật, khi kết luận rằng "việc sử dụng đất của ông (bà) để trồng rau là tận dụng phần diện tích trống giữa các cột ăng ten để canh tác. Đó đó, ông (bà) không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp vể quyền sử dụng đất". Nếu Tờ xác nhận là chính xác, thì việc khiếu nại của bà con canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình là không có cơ sở pháp lý. Và nếu việc khiếu nại của bà con không có cơ sở pháp lý, thì Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh đâu cổ lý do chính đáng đế ủng hộ bà con khiếu nại.
2/. Tôi xác nhận một lần nữa ràng tôi đã nghiêm túc lắng nghe các ý kiến đóng góp. Nhưng tôi vẫn không thấy được yếu tố gì mới trong các ý kiến trên, so với tất cả các văn bản của các cơ quan hữu trách bác đơn khiếu nại của bà con canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, các cơ quan từ cấp quận đến cấp thành phố, thậm chí đến Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó tôi bảo lưu quan điểm và lập trường của Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, mà tôi đã trình bày trong Văn thư ngày 18/6/2007.
3/. Tóm lược quan điểm và lập trường của Tòa Tống Giám mục thành phố Hồ Chí Minh:
3.1/. Khu vườn rau khoảng 5 ha, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, trước 30/4/1975, hoàn toàn không phài đất của nhà nước cũ sở hữu. Nhà nước cũ chì sở hữu 1 phần nhỏ (1.5 ha). diện tích còn lại thuộc quyền sở hữu của Giáo hội (3 ha) và một số số hữu chủ khác. Dù vậy, Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ ngày 23/11/2006 lại vô tình hay hữu ý ghi: “... thời Pháp thuộc, 4,8 ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6 quận Tân Bình thuộc 6.8 ha đất do Quõc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ được chính quyền Pháp sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín...”
3.2/. Trên khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình có 1 ít cột ăng ten (chứ không phải 1 bãi ăng ten, như các công văn chính thứ của các cơ quan hữu trách thường ghi và làm cho người ngoài cuộc ngộ nhận tai hại) thuộc Trạm phát sóng hay phát tín của quân đội Pháp, sau đó của chính quyền Sài Gòn. Trạm này tọa lạc ở đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách mạng tháng 8, cách khu vườn rau cả trăm mét, chứ hoàn toàn không phải "thuộc khuôn viên Đài phát tín vô tuyến điện quốc tế Chí Hòa - Phú Thọ Sài Gòn" như Công văn số 82/UB ngày 18/2/2000 cỏa UBND quận Tân Bình), do đó khu vườn rau cũng không hề mang lên "Vườn rau Bưu điện Chí Hòa” (Bưu điện Chí Hòa chỉ dược thành lập vào ngày 23/5/1987, do Quyết định số 578/QĐ-TCCB của Tổng cục Bưu điện, sau khi Trung tâm Viễn thông 3 chuyển giao (chính cơ quan này năm 1975 đã tiếp quản Trạm phát sóng hay phát tín).
3.3/. Quân đội Pháp có đạt 1 ít cột ăng ten trên khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Binh, mà Giáo hội sở hữu 1 phần lớn, nhưng chính quyền Pháp không hề tịch thu, hay truất hữu phẩn đất này của Giáo hội. Chính công vân S.P.55.011, ngày 17/2/1955 của Trưởng trạm phát tín là Đại úy Moinard xác nhận một cách vỏ tinh khi ỏng viết "những người dân ở dọc theo hàng rào phía tây được phép trồng trọt trên khoản đất do antenne chiếm, với điều kiện thỏa thuận trước với hội công giáo truyền giáo là chủ sở hữu đất...". Theo văn mạch, ông đại úy ghi chú mấy chữ này chỉ là để giải thích tại sao người dân đã được phép của ông rồi, mà còn phài được Giáo hội chấp thuận: trách nhiệm của ông chỉ thi hành trong lãnh vực an ninh của khu vực, chứ không phải với cương vị là chủ đất; nếu ông cho phép đi lại vào ban ngày, song chủ đất không chấp thuận cho trồng trọt trên đất, thì người dân chỉ được đi lại chứ không được canh tác trên đất. Nhân dây cũng xin nêu một thắc mấc là Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ không ghi mấy chữ rất quan trọng này khi trích dẫn Công văn số S.P.55.011 ? Do tài liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố không ghi, hay do Bộ Tài nguyên và Môi trường xét thảy không cần ghi ? hay không nên ghi ?
Ngoài ra, Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính nhà đất xác nhận rằng đến 30/4/1975. Hội đồng quản trị địa phận công giáo Sài Gòn, (nay là Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh), vẫn là chủ sở hữu của khu đất 184.360 m2 tọa lạc tại xã Phú Thọ Hòa, sổ địa bộ 6, số bản đồ 126/5, tờ bản đồ thứ 2, trong đó có phần đất khoảng 30.000 m2 tại vườn rau.
Những thực tế trên đây cũng chứng minh hùng hồn ràng các cột ăng ten không quan trọng đến mức phải trưng thu, tịch thu toàn bộ khu đất và cũng không cần phải tuyệt đối cấm việc đi lại chung quanh các cột này. Điểu này chứng tỏ rằng không hề có căn cứ gì để nói "chính quyển Pháp sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín..." (xin xem Công vân số 5201/BTNMT-ĐĐ được trích dẫn ở trên; tài liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố hay của Bộ Tài nguyên và Môi trường ?).
3.4/. Sau 30/4/1975, Thực tế là không hề có cơ quan, đơn vị nào của chính quyển cách mạng tiếp quản khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình.
3.4.1/. Sau 1975, Trạm phát sóng hay phát tín đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản. Các cột anten thuộc Trạm thì đương nhiên cùng được tiếp quản, nhưng khu khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không thuộc Trạm, thì đâu có lý do gì để tiếp quản ! và thực tế cơ quan tiếp quản là Trung tâm viễn thông 3 không hề quan tâm hay đá động gì đến khu vườn rau cùng như những bà con canh tác tại đó, (bằng chứng là bà con vẫn tiếp tục canh tác trên khu đất mà chẳng thấy ai có ý kiến gì cho đến năm 2000, khi bà con làm thủ tục kê khai đất sử dụng để được cấp giây chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND quận Tân Binh mới có văn bản bác đơn của bà con với lý do "trước và sau ngày giải phóng 30/4/1975, phần đất chuyên dùng trên bị các hộ chiếm dụng trồng hoa màu... UBND quận không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ được." (Công văn số 82/UB ngày 18/2/2000 do PCT thường trực ký thay Chủ tịch; phải chăng cũng chính công văn này cố ý làm cho người ở xa hiện trường hiếu sai lệch thực tế khách quan bằng những từ ngữ hoàn không chính xác như: "vườn rau Bưu điện Chí Hòa" hay " phần đất ... khoảng 5 ha là bãi đất antenne thuộc khuôn viên Đài phát tín ..." ? Nếu thực sự khu đất 5 ha có tên gọi là vườn rau Bưu điện Chí Hòa là bãi đất thuộc khuôn viên Trạm phát sóng của quân đội Pháp thì làm sao phủ nhận được rằng khu đất này là đất "chuyên dùng" hay với từ ngữ khác nôm na hơn đó là được "sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín" ? (Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ).
3.4.2/. Có một số công văn hành chính còn vận dụng Điều 1 phần IV của Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, như Công văn số 82/UB ngày 18/2/2000 của UBND quận Tân Bình: "vể việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các dô thị và các tỉnh phía Nam, thì phẩn đất vườn rau Bưu điện Chí Hòa phường 6, quận Tản Binh, thuộc diện đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý"; Công văn số 710/UB ngày 5/9/2000 của UBND quận Tản Binh gởi UBND thành phố Hồ Chí Minh và Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh ghi: "Sau 30/4/1975 căn cứ Quyết định số 111/CP (điều 1 phẩn IV) ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, thì phần đất này do Nhà nước trực tiếp quản lý Công văn số 9055/ĐCNĐ-TTS ngày 24/7/2002 gởi Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, ghi căn cứ điểm l phẩn IV Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ qui định: Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày giải phóng do chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hoặc cá nhân, thuộc ngụy quân, ngụy quyền và các tổ chức đảng phái sử dụng, nay đều là tài sán công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý. Như vậy toàn bộ các phần đất nêu trên (tức khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình) do Nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo kế hoạch chung".
Ai có công tâm đểu nhận thấy vận dụng Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 vào trường hợp khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình quả là vô cùng gượng ép, bởi vì như trên đã cho thấy:
- toàn bộ 5 ha khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề được chính quyền cũ (Pháp và Việt) "sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín".
- do đó, phần đất 3 ha thuộc sở hữu của Giáo hội tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề bị chính quyền cũ tich thu, truất hữu hay trưng dụng;
- ngay cả phần đất 1,5 ha thuộc sở hữu Quốc gia tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình cũng không hề được sử dụng chính yếu làm bải anten, bằng chứng là người dân chung quanh vẫn được phép đi lại ban ngày đế canh tác; đó là vì không hề có 1 "bãi đất” được sử dụng cho các cột anten. cũng không hề có bãi anten nào (chỉ có dăm ba cột thì làm sao gọi là bãi được !); trong khu đất 5 ha có 1,5 ha là đất công, dù vậy chính quyển cũ cũng không biển thành “đất chuyên dùng" dành riêng cho các cột anten. cũng không hề làm khuôn viên cho Trạm phát sóng, bời vì điều đó không cẩn thiết.
- Sau Pháp, đến Việt Nam Cộng hòa, cũng không ai đát vấn đề gì đối với việc bà con chung quanh canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình: điều này chứng tỏ một lần nữa khu đất này không thuộc quyển quản lý của Trạm phát sóng, tuy dù trên khu đất có một số cột anten của Trạm.
- Thực tế sau 30/4/1975, khi tiếp quản Trạm phát sóng cùng với các cột anten, Trung tâm viễn thông 3 không hề tiếp quản khu đất trên đó có các cột anten. Trung tâm xử lý như vậy là hoàn toàn đúng chức nàng nhiệm vụ của một cơ quan tiếp quản cơ sở, tài sàn của chính quyển cũ, chứ không phải như ý kiến của 1 số vị tham dự cuộc họp ngày 15/8/2007 tại trụ sở Ban Tôn giáo và Dân tộc. Các vị này cuối cùng cũng công nhận thực tế là sau 30/4/1975, không có cơ quan, đơn vị cách mạng nào đã tiếp quản khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Binh, bởi lẽ trước và sau 1975, bà con giáo dân vẫn canh tác trên khu đất 5 ha một cách liên lục và ổn định cho đến khi bà con làm thủ tục kê khai đất để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vào ngày 18 tháng 10 năm 1999. Lúc đẩu UBND Phường 6 không chấp nhận việc kê khai cúa bà con, (trong khi trong các đợt kê khai trước bà con vẫn được kê khai, cụ thể là năm 1987, 1992, 1993 và 1998, các hộ được kê khai chi tiết và phác họa sơ đổ vị tri khu đất canh tác của mỗi hộ), nhưng không giai thích, dù bà con yêu cẩu nhiều lần. Sau đó bà con phải khiếu nại đến UBND quận Tản Bình. Lúc đẩu chỉnh quyền quận cũng tránh né, đề nghị bà con vể phường giải quyết. Mãi đến sáng ngày 6/1/ 18/2/2000, bà con mới được UBND quận Tân Bình tiếp, nhưng cũng chỉ để ghi nhận ý kiến bà con chứ không giải quyết gì cả.
Mãi đến ngày 18/2/2000, UBND quận Tân Bình mới có công văn số 82/UB gởi "các hộ canh tác ờ khu vưc vườn rau Bưu điện Chí Hòa". Dĩ nhiên công văn này khỏng thuyết phục bà con và nhiều lần bà con đến UB quận để xin giải thích, để rổi thất vọng trở về, vì các lý lẽ chính quyền đưa ra không đều có cơ sở pháp lý, nên không thuyết phuc được chút nào. Bà con tiếp tục khiếu nại đến nay.
Nhưng điều cốt yếu ở đảy là bà con có quá trình canh tác tai khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình liên tục và ổn đinh từ lâu trước 1975 mãi cho đến ngày 18/2/2000, bà con mới được UBND quận Tân Bình chính thức thông báo rằng bà con là người chiếm dụng đất của Nhà nước trực tiếp quản lý, chiếm dụng từ thời nhà nước cũ (Pháp rồi đến Việt) đến thời Nhà nước cách mạng.
Khi được tôi chứng minh rằng khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề có Nhà nước nào trực tiếp quân lý. Nhà nước cũ cũng như mới, bởi vì bà con đã sử dụng liên tục và ổn định suốt hơn nửa thế kỷ qua, thì một vài vị tham dư cuộc họp ngày 15/8/2007 mới ung dung phát biểu rằng theo chủ trương chính sách thì khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình thuộc diện phải đươc chính quyền cách mạng tiếp quản và sử dụng từ sau 30/4/1975 dù trong thực tê khu đất không được cơ quan nào tiếp quản, đó là sơ hỡ của các cơ quan hữu trách.
Tôi cũng vẫn không hiểu được trên cơ sờ pháp lý nào để xếp khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phương 6, quận Tân Binh thuộc diện tiếp quản của Nhà nước cách mạng sau 1975.
4/. Tóm lại

Theo quan điểm của Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, không hề có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình là thuộc diện chính quyền cách mạng tiếp quản sau 1975 và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản cùng lúc với các cột anten và khu nhà điéu hành của Trạm phát sóng. Nếu Trung tâm viễn thông 3 không tiếp quản khu đất vườn rau, thì dựa vào đâu để năm 1987 Bưu điện thành phố tiếp nhận khu đất khi Tổng cục Bưu điện ký quyết định số 578/QĐ-TCCB ngày 23/5/1987 để giao cơ sở Trạm phát sóng do Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản và quản lý từ 1975 đến lúc bấy giờ ? (xin xem Công văn số Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ được trích dẫn ở trên và xin phép hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường có tìm hiểu xem dựa vào cơ sở pháp lý nào mà Bưu điện thành phố có gởi các công văn số 65/KH ngày 16/4/1988, số 114/KH ngày 25/6/1988, số 47/Kh ngày 6/3/1990, và số 33/VP ngày 22/4/1991 "xin phép giải tỏa số vườn rau màu của nhân dân xung quanh khu đất bãi anten ra khỏi khu đất đó và tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ quanh khu bãi anten" ? tại sao suốt hơn nửa thế kỷ không có tường rào, dưới chế độ thực dân Pháp, rồi dưới chế độ "ngụy quân ngụy quyền” và cuối cùng dưới chế độ cách mạng, nhân dân làm chủ hơn 13 năm, không hề cẩn có tường bảo vệ dăm ba cột anten, bây giờ đột nhiên lại cần thiết phải xây tường rào bảo vệ ? Có lý do nào khác tiềm ẩn không trong thời buổi đất đai bắt đầu có giá ? Có thể đó là suy nghĩ của bà con canh tác tại khu đất, nên bà con dã kiên quyết chống lại việc giải tỏa vườn rau của bà con.
Có lẽ không thừa khi được lưu ý rằng theo Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998, thì bà con canh tác khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình đã vượt quá xa tiêu chuẩn về thời gian sử dụng đất để được đển bù về đất, khi Nhà nước thu hổi đất của họ, bởi lẽ theo qui định họ chỉ cần có quá trình canh tác liên tục và ổn định trươc năm 1983, đó là chưa nhắc đến qui định mới vừa được ban hành ngày 25/5/2007 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, bởi vì thời gian sử dụng đất yêu cầu được lùi lại thêm 10 năm nữa, tức chỉ cần sử dụng trước ngày 15/10/1993 chứ không phài trước năm 1983 như qui định cũ.
Một lần nữa Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng bà con canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình có đầy đủ cơ sở pháp lý để được công nhận quyền sử dụng đất của mình và được quyển hưởng chính sách đần bù mà luật pháp qui định cho người có quyền sử dụng đất, khi đất của họ bị thu hồi.
Do đó bà con có quyền khiếu nại cho đến khi nào quyển lợi hợp pháp của họ chưa được công nhận và giải quyết thỏa đáng.
Về phần mình, Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh tha thiết đề nghị các cơ quan hữu trách sớm giải quyết dứt điểm vụ khiếu kiện hoàn toàn chính đáng này, bởi vì nó đã kéo dài quá lâu, ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bà con lao động cẩn cù này.
5/. Đề nghị cụ thể:
5.1/. UBND Phường 6 vui lòng điều chỉnh Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất cho bà con: đúng với thực tế khách quan là khu khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không thuộc diện đất Nhà nước trực tiếp quản lý và sử dụng, trái lại bà con đã sử dụng đất này liên lục và ổn định từ lâu trước năm 1993, là mốc thời gian qui định để được công nhận quyền sử dụng đất.
5.2/. Vì khu đất 5 ha vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6. quản Tân Bình được thu hổi để giao cho các chủ đầu tư kinh doanh, nên chính quyền không can thiệp vào việc đền bù cho người có đất bị thu hổi, vì đây là việc thỏa thuận giữa chủ đẩu tư được giao đất và người dân có đất bị thu hồi.
Chính quyền chỉ có trách nhiệm qui định thời gian tối đa dành cho việc thương lượng này. Nếu hết hạn thời gian qui định mà không có nhà đầu tư nào thỏa thuận được với người bị thu hổi đất, do người này yêu cầu mức bổi thường quá khà năng của nhà đầu tư, thỉ chính quyền thi hành nhiệm vụ trọng tài của mình là buộc người bị thu hồi đất phải chấp nhận mức giá đền bù của nhà đẩu tư cuối cùng cho mức cao nhất (theo phương thức đấu thầu). Dĩ nhiên là chỉ có những nhà đẩu tư chấp nhận thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước được xác định trong dự án đầu tư, thì mới được phép tham gia việc thương lượng mức giá đền bù vể đất với người bị thu hổi đất.
Trân trọng kính chào Quý Vị
Làm tại Tòa Tổng Giám mục, ngày 31/08/2007
(đã ký và đóng dấu)
HUỲNH CÔNG MINH
Linh mục Tổng đại diện của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh
Ghi chú:
Tại cuộc họp, Tòa Tống Giám mục thành phố Hồ Chi Minh được Ông chủ tịch UBND Phường 6 cho biết thời gian gần đây taị khu vực cỏ một số bà con giáo dân gây mất trật tự nghiêm trọng. Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chi Minh xin xác định quan điểm của mình về việc này như sau:
Gây mất trật tự công cộng là điều sai trái, không thể chấp nhận được. Nhưng Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh có thể khẳng định rằng:
- Những bà con giáo dân này là những công dân lương thiện, luôn tôn trọng chính quyền mọi cấp, sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương, chính sách, qui định của luật pháp.
- Việc gây mất trật tự của bà con hoàn loàn không có động cơ xấu, cũng không do kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, mà chỉ vì quá bức xúc trước việc khiếu nại chính đáng của bà con chậm được gỉải quyết. Đề nghị chính quyền lưu ý tình tiết đặc biệt này khi xử lý.
- Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục khuyên bảo giáo dân của mình phải kiên trị, nhẫn nại trong việc khiếu nại, không nên để tình cảm bức xúc đẩy mình đến những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, và ảnh hưởng không tốt cho việc khiếu nại chính đáng của mình. Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh tin rằng bà con giáo dân của giáo xứ Lộc Hưng, của Tổng giáo phận thành phố là những giáo dân tốt, luôn trân trọng lời khuyên bảo của các vị có trách nhiệm trong Giáo hội.
Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN

LỘC HƯNG-CÔ BÉ ÁO ĐỎ

TỪ THỨC/ 23-1-2019

Giáp Tết, quân ta đổ bộ, đánh chiếm khu vườn rau. Quân ta hoàn toàn thắng lợi, đã san bằng sào huyệt của địch. Trong một đêm, cả một vùng trước đó sôi sục sức sống trở thành một đống gạch vụn.
Hai hình ảnh sống lại trong đầu, mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng.
Thứ nhất, video quay cảnh một người cha trèo trên đống nhà sập, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con. Thứ hai, hình một cháu gái áo đỏ buồn bã ngồi nhìn nhà mình bị kéo sập. 
Cái gì diễn ra trong đầu một đứa bé ngồi nhìn cả thế giới của mình sụp đổ. Trong một xã hội bất nhân, tình cảm là một xa xỉ phẩm, còn ai bận tâm tới cái gì diễn ra trong đầu một đứa nhỏ?
Căn nhà, với đứa trẻ, là tổ ấm, là tình nghĩa gia đình, là tình yêu của mẹ, là kỷ niệm với cha, là những tiếng cười đùa với anh chị em. Tất cả thành mây khói. Cái sụp đổ, mất mát, tan vỡ ấy sẽ lưu lại suốt đời đứa nhỏ, không có gì gột rửa được. Không có gì sống lâu, vĩnh viễn, hơn những kỷ niệm thời thơ ấu
Nhìn cháu gái ngồi trước ngôi nhà, khu phố của mình bị san bằng, tự nhiên nghĩ tới một truyện ngắn của Nam Cao, tựa là ‘’Mua nhà‘’. Đó là văn chương VN, cái thời người ta chưa nuôi văn nghệ sĩ như nuôi heo, người viết văn không tủi thân vì nhận được ít bổng lộc, không than không được vỗ béo để có tâm huyết viết bài phục vụ chế độ. Cái thời gười ta còn viết văn để phơi trần thực tế xã hội, để diễn tả cái nhức nhối, ngoài đời và trong đầu.
Nam Cao kể chuyện mua nhà.
Ngôi nhà, đúng hơn là túp lều của tác giả bị gió bão dựt sập. Phải nghĩ đến chuyện dựng một túp lều khác cho vợ con có chỗ trú ẩn. Có người dụ bán nhà, giá rẻ, vì chủ nhà thua bạc, chỉ còn căn nhà bán để gỡ. Tác giả vay nợ để khỏi mất một cơ hội tốt . ‘’Tôi chạy ngược chạy xuôi. Chỗ thì lãi năm phân. Chỗ thì lãi sáu phân. Cùng quá, tám phân cũng lấy liều‘’.
Ngày đến gỡ nhà, tác giả thấy một anh đã thua bạc hết tiền bán nhà ‘’nằm thườn trên một cái giường tre chiếu rách, bẩn thỉu. Đứa con bé ngồi ngay dưới đất, ôm cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu, vừa đấm lưng em thùm thụp‘’.  Người mua nhà xin chủ nhà dọn dẹp đồ đạc để thợ dỡ nhà. Anh ta ‘’cười chua chát: Đồ đạc thì có gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này. Cứ quẳng bố nó ra ngoài kia cho tôi, rồi dỡ đi. Hắn đứng dậy, bảo con: Chúng mày cũng đứng đứng lên. Sang nhà bác Vi nằm nhờ‘’.
Một lúc sau ‘’chẳng biết đã gởi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi xem dỡ nhà… Nó gầy ốm quá. Cổ tay cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau. Quần áo rách lượt thượt. Răng nó cứ nhe ra một cách thưong hại lắm. Tôi tự nhiên ngán ngẩm. Tôi thở dài ngán ngẩm…’’
Khi người ta bắt đầu dỡ nhà, ‘’con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má phình ra. Cứ thế, nó chẳng nói, chẳng rằng, chạy bình bịch sang hàng xóm… Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con nức nở và hờ: -Mẹ ơi!‘
Giữa con bé của Nam Cao và cháu gái áo đỏ ở Lộc Hưng, một phần ba thế kỷ đã trôi qua.
Bao nhiêu chiến tranh tương tàn đã làm tan hoang đất nước. Bao nhiêu triệu người đã bỏ mạng trong cuộc chiến giữa người cùng máu mủ, trên đường chạy giặc, vượt biển. Máu chẩy thành sông, xương chất thành núi.
Tất cả những bi kịch ghê rợn, để được như ngày nay, ‘’đất nước chưa bao giờ tốt đẹp như thế này‘’. Ông Trọng không phải hoàn toàn vô lý. Với một nhóm du đãng đói rách từ trong rừng, tự nhiên ngồi trên một đống đô la, ngồi lên đầu trên cổ gần dân, quả thực ‘’đất nước chưa bao giờ tốt đẹp như thế này‘’. Nhưng với gần 100 triệu người khác?
Theo lời ông trùm công an Tô Lâm, ở thế kỷ 21, vẫn có người tìm cách vào tù vì ở bên ngoài không kiếm nổi  mỗi tháng 17 kg gạo, 15 kg rau.
Cái gì khác nhau giữa thân phận người dân thời đại Nguyễn Phú Trọng so với thời thực dân cách đây gần một thế kỷ?
Nam Cao : ‘’Có những ông bố, bà mẹ lụ khụ, chỉ vì thương con nghèo quá không có tiền chôn cất mà không nỡ chết‘’. Một cụ bà Lộc Hưng, có thân nhân tàn tật đau yếu, bị dựt sập nhà, bị quẳng ra lề đường, tâm sự : chỉ mong người thân chết trước, vì nếu tôi chết trước, ai lo nuôi nấng, chăm sóc họ?
Thoạt nhìn, chẳng có gì thay đổi. Gần một thế kỷ sau, dân VN vẫn tiếp tục thân trâu ngựa. Nhưng nhìn lại, có sự thay đổi ghê rợn, và cái thay đổi đó, nghĩ cho cùng, chính là cái bi kịch lớn nhất của dân tộc VN. Nó đã, và sẽ kéo theo, dồn dập, những bi kịch khác.
Cái thay đổi ghê rợn là sau ba phần tư thế kỷ, người VN đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy vô cảm.
Cái khác nhau là, trong Nam Cao, người mua nhà nhìn bé gái, hối hận, ray rứt, tự oán trách mình đã làm chuyện ác.
Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã trước cuộc đời tan vỡ.
Tệ hơn nữa, coi đó chỉ là chuyện bình thường dưới huyện, và ngạc nhiên tại sao có người bận tâm? Và người ta huy động báo chí nhà nước để rêu rao đó là khu nhà bất hợp pháp. Làm như những túp lều của bầu đoàn thê tử đầy tớ hoàn toàn là đất hợp pháp, không phải chẹn cổ, bóp họng người dân mà có.
Cái khác nhau là cách đây gần một phần ba thế kỷ, người ta còn biết xúc động, biết xấu hổ. Còn có lương tâm. Cái anh mua nhà của Nam Cao khởi đầu bằng sự áy náy: ‘’Tôi có quyền gì mà cấm hắn? Hắn không bán cho tôi thì bán cho người khác. Tôi để lỡ một dịp may là tôi ngu. Vậy thì tôi mua cái nhà‘’.
Hết áy náy, anh ta tìm cách bào chữa, để an ổn lương tâm: ‘’Nghĩ ngợi làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải là tôi tệ, nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ tới mình mà chẳng thiệt gì đến ai‘’.
Nhưng mặc dù tìm mọi cách trấn an, người mua nhà vẫn dằn vặt ‘’Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi đựợc nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá!‘’
Cái dằn vặt, thao thức đó, cái lòng trắc ẩn đó, là cái thắng để cái ác không ngự trị, để xã hội còn là một xã hội tử tế.
Cái lương tâm đó, người Cộng sản đã đánh tan hoang. Bằng cả một hệ thống giáo dục, bằng cả một nhân sinh quan mới, bằng lối hành xử tàn tệ giữa người với người. Cái bất nhân trở thành một chuyện bình thường.
Cái vô cảm đó là hậu quả tất yếu của một xã hội băng hoại, đầy những bất hạnh. Antonio Gramsci giải thích:
‘’Cái bất hạnh có hai hậu quả: thường thường nó dập tắt tất cả tình thương của chúng ta với những người bất hạnh, và không hiếm hơn, nó dập tắt tất cả tình thương nơi những người bất hạnh đối với những người bất hạnh khác (*).
Trong trường hợp Lộc Hưng, cái vô cảm đó có hai khuôn mặt.
Thứ nhất, cái vô cảm giữa những người bất hạnh. Khi tất cả đều là nạn nhân, bị bóc lột tới xương tủy, bị dày xéo tháng này qua năm khác, người ta không còn lòng trắc ẩn ngay cả với người đồng cảnh. Người ta khoanh tay nhìn, hy vọng chuyện đó sẽ không đến với mình.
Thứ hai, cái vô cảm giữa những người được chế độ ưu đãi đối với những người thấp cổ bé miệng. Anh ta không còn một chút day dứt lương tâm. Anh ta không muốn duỗi chân ra để hưởng cả cái chăn. Anh ta đá văng người khác ra đường để chiếm cả chăn, cả giường, cả phòng ngủ. Tệ hơn nữa, kinh hoàng hơn nữa, anh ta coi đó là một chuyện bình thường
Một dân tộc không còn lương tâm là một dân tộc tự hủy. Nhà cửa có thể cất lại được, nhưng cái ray rứt của lương tâm, khi nó đã chết, sẽ không còn phương cách gì cứu vãn nổi. Và dân tộc chết chung, cùng một lúc với nó.
Tệ hơn nữa, đó không phải là một cái chết tình cờ. Đó là một cái chết đúng quy trình. Chế độ độc tài nào cũng nhắm tiêu diệt đôi chút lương tri còn leo lét trong lòng người dân, để biến người dân thành những cái máy vô cảm, không còn sợ lương tâm, chỉ biết sợ và thần phục sức mạnh.
Nhìn cô bé áo đỏ, không có người nào đến đập phá nhà cửa ở Lộc Hưng tự sỉ vả: ‘’ tôi ác quá ! tôi ác quá!‘
(* ) Gramsci, tất cả là một vấn đề văn hóa ( tuthuc-paris-blog.com )
Paris JAN 2019
T.T.
(tuthuc-paris-blog.com)
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét