Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

20190114. QUANH ĐỀ XUẤT TĂNG LƯƠNG NHÀ GIÁO

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO SƯ TRẦN HỒNG QUÂN ĐỀ XUẤT LƯƠNG GIÁO VIÊN BẰNG LƯƠNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

THÙY LINH/ GDVN 11-1-2019

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang (Ảnh: Ngọc Quang)
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019.
Ngày 10/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề mà Bộ dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tại buổi góp ý, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tiếp tục lắng nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức trong đó có Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để chỉnh lý dự thảo Luật với 11 nhóm vấn đề, bao gồm 19 nội dung:
Triết lý giáo dục; Hướng nghiệp và phân luồng; Chính sách cử tuyển; Đầu tư của nhà nước; Học phí; xã hội hóa; Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; Chính sách học bổng; Phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp;
Vấn đề bình đẳng giới; Vấn đề trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú; Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;
Vấn đề liên thông; Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học; Vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; Quản lý nhà nước;
Quy hoạch mạng lưới; Kiểm định chất lượng giáo dục và về kỹ thuật lập pháp.
Lãnh đạo Hiệp hội khẳng định, 11 nhóm vấn đề với 19 nội dung mà Bộ tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật giáo dục (sửa đổi) đều là những vấn đề đang được xã hội và Hiệp hội quan tâm; đặc biệt là vấn đề lương giáo viên. 
Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. 
Nói rõ hơn về đề xuất của mình, Giáo sư Trần Hồng Quân phân tích, giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, giáo dục là quốc sách hàng đầu nên không có lý do gì chúng ta không đặt ra điều này. 
Giáo sư Quân nêu ví dụ, hiện nay Việt Nam có rất nhiều người giỏi ra nước ngoài rồi không về. Một trong những lý do họ đưa ra là khi làm việc trong nước lương thấp và điều kiện làm việc không làm họ phát triển được. 
Do đó, khi có đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn của nghề giáo và lúc đó đương nhiên sẽ sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành. 
Tuy nhiên, khi có chế độ đãi ngộ như vậy thì tiêu chí đặt ra đối với nhà giáo sẽ cao hơn, buộc giáo viên luôn luôn phải nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất. 
Hơn nữa, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, nếu chúng ta có triết lý giáo dục  tốt, định hướng tốt, mục tiêu đào tạo tốt…mà chế độ đãi ngộ không tốt thì làm sao tạo được động lực cho các thầy cô. 
“Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức”, Giáo sư Quân chỉ rõ. 
Tuy nhiên, thầy Quân cũng nêu ra rằng, khi đặt ra yêu cầu mức lương giáo viên ngang với lực lượng vũ trang thì xã hội sẽ đặt ra vấn đề ngân sách.
“Tại sao chúng ta không tính đến việc tiếp tục xã hội hóa, mở rộng thêm các trường ngoài công lập để gánh nặng bao cấp của nhà nước giảm đi”, Giáo sư Quân đề xuất. 
Thùy Linh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
TĂNG LƯƠNG NHÀ GIÁO VẪN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN... RẤT DÀI

NGUYỄN CAO/ GDVN 14-1-2019

Khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nêu ý kiến là năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương.
Gần 10 năm sau mốc dự kiến đó vẫn chỉ là mong ước của nhiều giáo viên đã và đang đứng trên bục giảng.
Song, suy cho cùng, giáo viên cũng như bao nhiêu những công- viên chức nhà nước khác, họ không thể đứng một mình ngoài chính sách chung của nhà nước.
Bởi, nếu tăng lương cho giáo viên thì ngân sách nhà nước sẽ càng thêm quá tải vì số lượng nhân sự ngành giáo dục hiện nay đang chiếm số lượng áp đảo so với các ngành nghề còn lại.

Đề xuất tăng lương cho giáo viên không nhận được nhiều đồng thuận ( Ảnh minh họa trên vov.vn)
Mới đây, theo thông thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã tiếp nhận và tổng hợp được gần 800.000 phiếu góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trong thời gian qua.
Trong đó, riêng quy định về tiền lương nhà giáo nhận được sự đồng thuận thấp nhất.
Trong dự thảo luật, điều 76 quy định về tiền lương là “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, có đến hơn 40.000 ý kiến không đồng ý với quy định này.
Việc có hơn 40.000 ý kiến không đồng thuận với dự thảo “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ” có lẽ cũng là điều đã được dự báo từ trước và đây cũng là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế ngân sách nhà nước.
Vẫn biết rằng nhà giáo nào cũng mong muốn mức lương hàng tháng của mình sẽ được cao hơn hiện tại nhưng nếu “đứng trên” các ngành nghề khác thì có lẽ là quá tầm với đối với thực tế hiện nay.
Số lượng nhân lực đang công tác trong ngành giáo dục nước ta hiện nay là rất lớn.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý. Tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người.
Và ngành giáo dục hiện đang chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp; 52% biên chế sự nghiệp của cả nước.
Nếu mà đề xuất nâng lương cho đội ngũ nhà giáo và những người đang công tác trong ngành giáo dục được thực hiện thì có lẽ ngân sách phải chi thêm một số lượng tiền không nhỏ để chi trả lương hàng tháng.
Trong thời gian qua, một số chuyên gia giáo dục cũng đã nhiều lần lên tiếng về đề nghị tăng lương cho giáo viên trên các diễn đàn, hội thảo giáo dục.
Ngay cả trong những lần trả lời chất vấn, kiến nghị với Quốc hội thì Bộ trưởng đương nhiệm Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhiều lần lên tiếng về mức thu nhập của giáo viên.
Những trăn trở từ các vị Bộ trưởng tiền nhiệm cũng như đương nhiệm của ngành giáo dục xét đến cùng cũng là sự mong muốn cho đội ngũ thầy cô giáo trong ngành có được cuộc sống tốt hơn để cống hiến cho ngành.
Song, có lẽ những kiến nghị, đề xuất ấy sẽ không thể nào thành hiện thực ít nhất là trong nhiệm kỳ này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bởi có rât nhiều những lý do khác nhau.
Hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nếu so với các nước về số tiền thì chưa nhiều nhưng đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị dành cho ngành giáo dục.
Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi 20% tổng ngân sách cho ngành- đây là sự cố gắng vượt bậc của Chính phủ bởi bên cạnh ngành giáo dục thì nước ta còn rất nhiều bộ ngành khác, còn phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trả nợ nước ngoài…
Vì vậy, khó khăn của người thầy cũng là khó khăn chung của đội ngũ công viên chức và nhân dân cả nước nói chung.
Muốn nâng lương cho giáo viên hiện nay có lẽ việc cần làm nhất là chúng ta quản lý tốt được các dự án giáo dục, các công trình đầu tư cho giáo dục.
Bởi, thực tế nhiều dự án, nhiều công trình giáo dục chúng ta chưa kiểm soát tốt dẫn đến việc lãng phí, thất thoát và làm mất niềm tin với xã hội.
Những dự án như: VNEN, sách giáo khoa phổ thông, đề án ngoại ngữ, đào tạo tiến sĩ đang để lại nhiều thị phi cho dư luận.
Bên cạnh đó là tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay ở một số địa phương còn rất lớn.
Trong báo cáo của Bộ Giáo dục trình Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực vào thời điểm giữa năm 2018 thì cả nước thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và 4.260 giáo viên trung học phổ thông.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, Ngoại ngữ ở bậc Trung học cơ sở và Tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày.
Như vậy, tiến tới việc áp dụng chương trình giáo dục mới tới đây thì một số môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở lại càng thừa nhiều hơn.
Thực tế giáo viên khối Trung học cơ sở đang thừa chủ yếu là 5 môn học hiện tại của 2 môn tích hợp sau này.
Nhiều trường học Trung học cơ sở hiện nay ở một số địa phương có lượng giáo viên dư thừa rất nhiều.
Vì vậy, tiến tới tới đây, ngành và các địa phương cần tính toán kỹ số lượng dư thừa này.
Bởi, nếu không làm tốt thì biên chế ngành giáo dục lại càng phình to hơn bởi một số môn học mới được đưa vào giảng dạy như Tin học ở cấp Tiểu học và Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông.
Bên cạnh lượng giáo viên dư thừa thì việc cơ cấu đội ngũ lãnh đạo ngành giáo dục hiện nay cũng rất cồng kềnh.
Nhiều Phòng Giáo dục có biên chế lên đến hơn chục người, các Ban Giám hiệu nhà trường cũng đều bố trí tối ta số lượng cho phép.
Trong khi đó, nhiều địa phương bố trí nhiều trường cùng cấp học trong một địa bàn chỉ cách nhau trong một khoảng không gian rất ngắn.
Đặc biệt như một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay nhiều xã có tới 3- 4 trường Tiểu học gây nên lãng phí về cơ sở vật chất và bố trí đội ngũ lãnh đạo, nhân viên nhà trường.
Với số lượng nhân sự lớn và dư thừa nhiều như hiện nay thì việc tăng lương cho giáo viên là chuyện không tưởng đối với ngân sách nhà nước.
Như vậy, thay vì chỉ đề xuất, kiến nghị, ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương cần bố trí lại hệ thống trường lớp, sắp xếp lại hệ thống nhân sự dư thừa và tăng tính tự chủ về tài chính cho các trường thì ắt thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện tức thì.
Nếu không, vẫn là bộ máy nhân lực cồng kềnh như hiện nay ở ngành giáo dục thì những kiến nghị về tăng lương, hay xếp riêng một bảng lương sẽ không thể nào thực hiện được.
Vì thế, những góp ý cho dự thảo luật giáo dục sửa đổi về việc tăng lương cho giáo viên không nhận được sự đồng thuận của mọi người cũng là chuyện rất bình thường.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/quy-dinh-xet-tot-nghiep-va-luong-nha-giao-nhan-nhieu-gop-y-nhat-2019011215373946
NGUYỄN CAO
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét