Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

20170925. CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SẼ THẤT BẠI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÔNG DỄ MUA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

NGỌC LAN/ TBKTSG 23-9-2017


Đến nay, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của VietinBank (2012) trị giá 743 triệu đô la Mỹ được xem là thương vụ lớn nhất về bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Ảnh: T.L

(TBKTSG) - Quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường xuyên được thúc đẩy bởi các chương trình tái cơ cấu DNNN trong suốt sáu năm qua, với mục tiêu và chi phí không nhỏ, song kết quả đạt được không tương xứng. Nhà đầu tư vẫn khẳng định: không dễ mua DNNN
Các giao dịch cổ phần chiến lược đang gặp khó khăn
Luật sư Tony Foster, điều hành văn phòng tại Việt Nam của Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer, là người có 20 năm quan tâm và tham gia tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài về việc mua bán cổ phần một số DNNN. Theo ông, từ thương vụ Nhà nước bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty Đồ hộp Hạ Long (năm 1997) đến nay, quá trình CPH vẫn đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp công bố muốn tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
Tại hội thảo “CPH DNNN từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, ông Foster nói: “Các nhà đầu tư chưa thể gọi là nhà đầu tư chiến lược vì lượng cổ phần bán ra chưa bao giờ quá 20%”.
Ông dẫn chứng, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) mua 20% cổ phần của VietinBank (2012) trị giá 743 triệu đô la Mỹ được xem là thương vụ lớn nhất về bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Các thương vụ sau như Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) mua 15% cổ phần của Vietcombank mất năm năm đàm phán và nhiều trở ngại khác. Carlsberg mua 16% cổ phần của Habeco thì hiện chưa được đảm bảo về quyền ưu tiên mua trước như điều kiện thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược. Nhiều thương vụ như ANA mua cổ phần của Vietnam Airlines, JX Nippon Oil & Energy mua 10% cổ phần của Petrolimex... do lượng mua được không cao nên cũng hạn chế về quyền kiểm soát, quyền điều hành, hạn chế quyền chuyển nhượng hay khả năng sinh lời...
Nhiều vụ rao bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp lớn như MobiFone, PV Oil, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã bị trì hoãn từ một, hai năm đến 10 năm nay. Các doanh nghiệp khác dự định bán cổ phần lần đầu như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, tập đoàn Hóa chất hay Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) cũng chưa công bố kế hoạch cụ thể dù lộ trình IPO sẽ đến vào cuối năm nay.
Sự sôi động trong tiến trình CPH lâu nay thực chất chỉ là nhờ các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra, do cách thức và quy trình CPH, nhất là quy trình cung cấp thông tin và định giá, thường là lỏng lẻo một cách có chủ đích.
Vị luật sư này cho rằng có hai đối tượng mua cổ phần tại DNNN là nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư tài chính. Với nhà đầu tư tài chính tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, họ cũng phải tính đến rủi ro rớt giá nếu thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp sau CPH đi xuống. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược muốn tăng giá trị đầu tư, tận dụng các lợi thế của DNNN sau CPH thì phải có vốn lớn để mua cổ phần có quyền kiểm soát, tham gia vào quản trị doanh nghiệp, đổi mới DNNN thực sự và xây dựng vị thế quốc tế của doanh nghiệp. Đối tượng nào cũng cần sự minh bạch từ phía doanh nghiệp để đánh giá đúng tiềm năng cổ phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ bán cổ phần thực tế tại các DNNN khi CPH đều quá ít, tài sản doanh nghiệp và các quyền không rõ, quy trình không minh bạch (thủ tục quá nhiều mà lượng bán ra quá thấp) dẫn đến giá bán cũng không minh bạch (ví dụ như bán theo giá không thấp hơn giá sàn nhưng giá sàn căn cứ vào việc định giá của các công ty tư vấn, trong nhiều trường hợp không đúng theo chuẩn quốc tế). Không chỉ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ khi nào việc bán cổ phần tại DNNN giải quyết được bốn vấn đề, gồm cải thiện tỷ lệ chào bán (cao hơn); giá bán định giá chuẩn; tài sản và các quyền của người mua rõ ràng; quy trình bán minh bạch, thì việc bán cổ phần mới thực sự đạt được hiệu quả và không tốn chi phí cải cách của Nhà nước.
Kết quả nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu: có thể coi bằng 0?
“96,5% số DNNN được CPH nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên dẫn lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc họp năm 2016 về CPH, cho thấy mục tiêu tái cơ cấu đề ra rất lớn nhưng thực tế đo đếm được lại rất thấp. Ông Thiên còn đặt câu hỏi: Tại sao quá trình CPH DNNN thường xuyên được “thúc đẩy” với nỗ lực và chi phí không nhỏ lại đi đến một kết cục nghịch lý như trên?
Ông Thiên, trong bài phát biểu được gửi cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thẳng rằng, nghịch lý này được dẫn dắt bởi động cơ “chủ nghĩa thành tích”, lấy số lượng làm đầu. Nhưng thành tích đó không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chính là “chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả (DNNN) sang khu vực sử dụng hiệu quả (khu vực tư nhân)”. Hay nói khác đi, vẫn theo lời ông Thiên, nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi là bằng 0 vì nguồn lực hầu như vẫn giữ nguyên sở hữu nhà nước và các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý doanh nghiệp CPH. Mục đích thật sự không đạt được. Sự thận trọng đối với việc chuyển giao nguồn lực là cần thiết song theo góc nhìn của ông Thiên, ở thời điểm này, việc “kỳ thị” tư nhân, không tin cậy thị trường là rào cản CPH, cần phải loại bỏ sớm nhất trong việc bán DNNN.
Đó là lý do giải thích vì sao doanh nghiệp tư nhân rất ít mặn mà với việc “mua” DNNN. Sự sôi động trong tiến trình CPH lâu nay thực chất chỉ là nhờ các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra, do cách thức và quy trình CPH, nhất là quy trình cung cấp thông tin và định giá, thường là lỏng lẻo một cách có chủ đích.

LĨNH VỰC NGÂN HÀNG CÓ ĐẶC THÙ 'CHẾT KHÔNG CHÔN ĐƯỢC'!

ANH THƯ/GT/ BVN 25-9-2017

Lĩnh vực ngân hàng có đặc thù "chết không chôn được", khi ấy vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc. Đó là ý kiến được một đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu ra tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, sáng 18-9-2017. Trong đó, hai vấn đề được tập trung cho ý kiến nhiều nhất là quy định miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc.
Cụ thể, Điều 147 của dự thảo luật quy định rõ về việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, các cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia quá trình cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lí một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lí. Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan xử lí tổ chức tín dụng yếu kém, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lí tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng chính là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - cho hay, vấn đề này một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không bảo đảm tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát đặc biệt, việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể, tránh lợi dụng quy định miễn trừ này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ "miễn trách nhiệm" đối với người tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng là miễn trách nhiệm hành chính, hay dân sự, hay hình sự?
Giải trình rõ hơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, miễn ở đây chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự, dân sự, quy định ở đây không trái quy định. Lí giải về việc đưa ra quy địnhh này, ông Hưng cho rằng do người tham gia tái cơ cấu có tâm lí hoang mang, nặng nề khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, vì có những cái "không kiểm soát hết được". Thống đốc cũng thẳng thắn cho rằng, việc xử lí "ngân hàng 0 đồng" vẫn còn lúng túng, vì luật chưa có quy định.
Bên cạnh đó, một đại diện khác của Ngân hàng Nhà nước lí giải thêm, lĩnh vực ngân hàng có đặc thù "chết không chôn được". Vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc, vì ngân hàng này nhận tiền của dân, ảnh hưởng đến hệ thống, nên mới phải chuyển giao bắt buộc. "Doanh nghiệp bình thường là phá sản, còn ngân hàng thì không vậy được, phải tái cơ cấu, từ đó mới phải có giải pháp để cứu" - vị này nói.
Chốt lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ miễn trách nhiệm hình sự, không thể để Điều 147 ở dự thảo luật này. Về vấn đề chuyển giao bắt buộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu giải trình, làm rõ thêm.
A.T

LƯƠNG TỐI THIỂU TẠI VIỆT NAM: ĐẦY NGHỊCH LÝ !

THỤY KHANH/VNF/ BVN 25-9-2017

Lương tối thiểu tại Việt Nam không liên quan gì năng suất lao động
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỉ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động đã tăng từ 25% (năm 2007) lên 50% (năm 2015).
Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Lương tối thiểu tại Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, lương phải gắn liền với năng suất lao động "nhưng tại Việt Nam, lương tối thiểu đã tăng liên tục và không liên quan gì năng suất lao động cả". Ông Thành cho rằng lương tối thiểu tăng cao hơn năng suất lao động sẽ khiến việc phân phối hướng về người lao động nhiều hơn. Điều này làm giảm động lực của vốn, giảm tích lũy tư bản, giảm động lực đầu tư và quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng trong dài hạn.
Theo phân tích của VEPR, trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng khá nhanh (đạt 4,4%), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của lương trung bình còn nhanh hơn, đạt 5,8%. Điều này ngược với các nước như Trung Quốc (tốc độ tăng năng suất là 9,1%, tốc độ tăng lương trung bình là 8,8%), Indonesia (tốc độ tăng năng suất là 3,6%, tốc độ tăng lương trung bình là 2,6%), Singapore (tốc độ tăng năng suất là 1,8%, tốc độ tăng lương trung bình là 1,2%)…
Tăng trưởng lương trung bình tại Việt Nam cũng cao hơn tăng trưởng năng suất lao động
"Trung Quốc đang đi theo con đường của Nhật Bản trong những năm 60, duy trì tiền lương thấp hơn năng suất. Điều này giúp tăng lợi nhuận của giới chủ, tăng tích lũy tư bản. Việt Nam không làm được điều này. Việt Nam điều chỉnh lương cao hơn năng suất lao động, do đó động cơ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ bị giảm và các vấn đề về đầu tư sẽ nảy sinh. Chúng ta cứ tăng lương tối thiểu để làm hài lòng một tầng lớp quần chúng rất đông đảo, nhưng chúng ta không đếm xỉa gì đến ảnh hưởng với kinh tế, vậy thì chúng ta sẽ như thế nào" - ông Thành đặt câu hỏi.
Lương tối thiểu không thể bảo vệ người lao động
Theo phân tích của TS Futoshi Yamauchi - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới, một cách tổng quát, tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng lương trung bình. Theo đó, lương tối thiểu tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,32%. Lương tối thiểu cũng tác động đến lao động và lợi nhuận. Cụ thể, lương tối thiểu tăng 1% thì lao động giảm 0,13% và tỉ lệ lợi nhuận (lợi nhuận/doanh thu) giảm 2,3 điểm %. Ở mức độ doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu khiến tốc độ tăng trưởng lao động suy giảm. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều lao động, tốc độ giảm càng mạnh. Chẳng hạn với doanh nghiệp có 100 lao động, nếu lương tối thiểu tăng 1% thì tăng trưởng lao động giảm 0,2% (con số này ở doanh nghiệp có 50 lao động là 0,1%). Hệ quả tất yếu của việc này là chi phí đầu tư cho máy móc tăng lên. Ví dụ với doanh nghiệp dệt may có cường độ vốn 50 (ví dụ giá trị sổ sách tài sản cố định là 6,3 tỉ đồng, 125 lao động), khi lương tối thiểu tăng 1%, đầu tư cho máy móc tăng 2,4%. Như vậy, các phân tích này đã cho thấy khi lương tối thiểu tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị co lại. Phản ứng với điều này, doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động và tăng cường đầu tư máy móc để thay thế.
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Tiến Dũng - Trường ĐH Kinh tế - Trường ĐHQG Hà Nội, cho biết: một cách tổng quát, người lao động trình độ học vấn thấp, không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội thường nhận lương thấp hơn lương tối thiểu. Ngoài ra, hệ thống lương tối thiểu hiện tại cũng không bao gồm nhóm thiệt thòi và dễ tổn thương trong xã hội.
Bình luận về các phân tích này, TS Nguyễn Đức Thành nói: "Chúng tôi đã chứng minh được rằng các doanh nghiệp có khuynh hướng cắt bỏ lao động khi lương tối thiểu tăng. Còn với các doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ quy định lao động (về bảo hiểm), họ không cắt giảm lao động nhưng cũng sẽ không tăng lương… Chúng ta nghĩ rằng lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động nhưng thực tế khi tăng lương tối thiểu thì nhiều người lại bị đẩy ra khỏi thị trường lao động". TS Thành nhấn mạnh: "Lương tối thiểu không có khả năng bảo vệ những người không nhận lương tối thiểu. Hệ thống bảo hiểm và hệ thống hỗ trợ việc làm của chúng ta phải thiết kế theo kiểu khác, không sử dụng lương tối thiểu như một triết lí để bảo vệ người lao động nữa. Bởi anh đã vô tình đẩy nhiều người lao động ra khỏi thị trường và anh không bảo vệ được những người bị đẩy ra đó".
Cơ sở xác định tiền lương tối thiểu chưa phù hợp
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Trường ĐH Kinh tế - Trường ĐHQG Hà Nội, cơ chế xác định tiền lương tối thiểu hiện nay đang có vấn đề.
Thứ nhất, cách xác định tiền lương tối thiểu bằng cách đo lường mức sống tối thiểu của người lao động là không hợp lí. "Mức sống tối thiểu là một khái niệm tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Việc xác định mức sống tối thiểu mà không tính đến mức sống cụ thể trong nền kinh tế nói chung cũng như trong các khu vực khác của nền kinh tế có thể dẫn đến xác định quá cao mức sống tối thiểu. Từ đó dẫn đến xác định tiền lương tối thiểu cao".
Thứ hai là chúng ta không rõ ràng trong việc xác định tiền lương tối thiểu. "Việc các tổ chức khác nhau tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia (sử dụng các tiêu chí khác nhau để đánh giá hay đưa ra các phương án tiền lương) làm giảm khả năng dự báo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường không biết quy trình xác định tăng lương nên khi Chính phủ công bố mức điều chỉnh vào cuối năm, họ gặp rất nhiều khó khăn" - TS Dũng nói.
T.K

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét