Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

20170914. QUANH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VNEN CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÂN HÀNG THẾ GIỚI  CHÍNH THỨC CÔNG BỐ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VNEN 

LINH HƯƠNG /GDVN 8/9/2017


Theo báo cáo, phụ huynh khi biết về VNEN có xu hướng ủng hộ trường học này (Ảnh chụp màn hình)

Ngân hàng thế giới đã chính thức công bố kết quả đánh giá tác động VNEN triển khai tại Việt Nam.
Báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Quỹ Dubai Cares, Chương trình Hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong.

Theo báo cáo, VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai vào năm 2011- 2012 tại 6 tỉnh thành trên 3 khu vực Bắc, Trung, và Nam; bao gồm 48 lớp học. Sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc.

Việt Nam có đủ điều kiện để nhận tài trợ từ Tổ chức Hợp tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE) - tổ chức này được ủy nhiệm để tài trợ ngân sách cho các nước nhằm đạt mục tiêu Giáo dục cho mọi người vào năm 2015.

Được biết, khi đánh giá về thái độ của phụ huynh về VNEN, theo báo cáo cho thấy: 
Số liệu cho thấy rằng phần lớn cha mẹ học sinh ủng hộ VNEN. Phụ huynh ủng hộ VNEN vì theo họ VNEN mang tới hiệu năng học tập cho các em cũng như các kỹ năng khác như giao tiếp, lãnh đạo và tổ chức. Phụ huynh VNEN phần lớn là nông dân, và chỉ rất ít trong số đó có bằng cấp 3. 

Tuy nhiên họ rất tích cực tham gia vào giáo dục cho con em mình và có nhận thức tốt, chi tiết về phương pháp VNEN, ví dụ như Hội đồng tự quản học sinh.

Học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống

Theo báo cáo, điểm thi của môn Tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống. Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn.

Cũng theo báo cáo này, học sinh VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu - 18 tháng sau khi bắt đầu dự án. Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần lại trong hai năm sau.

Ngân hàng thế giới đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN) ( Ảnh chụp màn hình)

Sự chênh lệch về học lực của học sinh trong nhóm các trường VNEN có liên quan đến sự thay đổi cường độ học tập của chương trình.
Báo cáo cũng ghi rõ: VNEN đã có những tác động tích cực đến việc phát triển kĩ năng nhận thức và phi nhận thức của trẻ em Việt Nam, cần được công nhận và thông báo cho tất cả các bên liên quan.

Chi phí của toàn bộ chương trình vào khoảng 85 triệu USD và mang lại lợi ích cho khoảng nửa triệu học sinh trong suốt bốn năm, chưa kể các em học sinh được hưởng lợi trong tương lai.

Học sinh VNEN có thời lượng hoạt động cá nhân như thế nào?


Theo báo cáo, phân tích video cho thấy học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau như thế nào.

Các em học sinh có các hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, cũng như có thêm các cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể.

Trong khi học sinh VNEN thường có thời lượng hoạt động cá nhân tương tự như học sinh mô hình truyền thống, có một điểm khác biệt rõ ràng là lớp học VNEN dành nhiều thời gian cho hoạt động của nhóm hơn là hoạt động cả lớp.

Vì bài tập nhóm cho phép các quá trình nhận thức diễn ra nhiều hơn so các hoạt động chung của cả lớp, nên lớp học VNEN có thể mang lại hiệu quả giảng dạy cao hơn.

Mặc dù có sự khác biệt giữa các trường học và trong các lớp học, các trường học VNEN cung cấp thêm rất nhiều không gian cho học sinh phát triển và thực hành các kỹ năng thế kỷ XXI như lãnh đạo, làm việc theo nhóm và học tập hợp tác, giao tiếp và tự học.

Thậm chí, báo cáo còn nêu rõ, giáo viên VNEN đang sử dụng hướng dẫn học tập với một mức linh hoạt nhất định khi thấy phù hợp bằng cách sửa đổi và/hoặc tiến hành hoạt động khác, nhưng vẫn đạt được các tiêu chuẩn chất lượng và giảng dạy được tất cả các nội dung yêu cầu.

Một số thách thức mà VNEN phải đối mặt bao gồm sự kiên định trong tư duy truyền thống trong số giáo viên, trình độ tiếng Việt hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và sự không thiếu khả năng cung cấp hỗ trợ học tập cho con cái của một số của một số cha mẹ.

Một trong những khía cạnh của VNEN được cho là khó thực hiện là sự tham gia của phụ huynh trong các hoạt động trường lớp. Với vị trí ở vùng ven đô và nông thôn của hầu hết các trường học của VNEN, đa số phụ huynh là nông dân và một số ít có trình độ học vấn trên bậc Trung học cơ sở….
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả kết quả báo cáo này.
Linh Hương
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VNEN CÓ THỰC SỰ CỦA NGÂN HÀNG T.G?
ĐẠT NGUYỄN / GDVN 13-9-2017
Hình minh họa chụp từ báo cáo: “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).
Tôi muốn dành vài dòng đầu tiên của bài viết này để hoan nghênh Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tiếp đăng tin về việc Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động VNEN. 
Điều này thể hiện sự nhất quán và trung thực rất đáng quý của Quý Toà soạn xét trên quan điểm thông tin đa chiều và phục vụ kịp thời đối với những vấn đề bạn đọc quan tâm. 
Tôi cũng tìm và đọc thấy tin liên quan được đăng tải trên các báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên với rất nhiều lời bình luận của bạn đọc bày tỏ sự hoài nghi đối với báo cáo này. 
Riêng mình, tôi đón nhận tin này không một chút bất ngờ vì, qua phát biểu trên báo chí của một số quan chức giáo dục trước đây, đã biết là Ngân hàng Thế giới sẽ có một công bố gì đó về VNEN. 
Và khi đọc tóm tắt nội dung được công bố, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác, tôi càng hiểu thêm hơn sự thâm thuý của ông cha ta đã đúc kết về tâm lí “xấu che, tốt khoe” rất phổ biến trong hệ thống giáo dục và xã hội chúng ta. 
Với mong muốn thật lòng là sẽ tìm thấy cho bản thân những lí lẽ thuyết phục về kết quả thực sự của VNEN và vì không thoả mãn với phần tóm tắt đăng tải trên các báo, tôi đã tìm đọc toàn văn bản:
Tôi cũng cố gắng tìm đọc bản gốc báo cáo (bằng tiếng Anh) trên website của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên truy cập vào website của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi chưa tìm thấy bản báo cáo đánh giá nào về VNEN công bố ngày 15/8/2017 như thầy Đặng Tự Ân giới thiệu trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 11/9/2017. [1]



Ảnh chụp màn hình thông tin ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng dự án VNEN viết trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 11/9/2017. Phần bôi vàng là để nhấn mạnh mốc thời gian và thông tin Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo đánh giá tác động VNEN.

Trong tháng 8/2017, Ngân hàng Thế giới chỉ công bố 1 báo cáo về tài liệu kiểm toán số AUD0009160 ngày 6/8/2017. [2]
Những nhận xét của người viết trong bài viết này dựa vào bản dịch báo cáo mà Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới.
Trước hết, phải nhìn nhận đây là một báo cáo khoa học được thực hiện một cách công phu, vừa khái quát, vừa tỉ mỉ. 
Nhóm tác giả đã viện dẫn, vận dụng nhiều lí thuyết giáo dục hiện đại và phương pháp khảo sát, đo lường tiên tiến vào quá trình thu thập, nghiên cứu, phân tích dữ liệu, đánh giá hiện trạng và đề xuất định hướng cho việc tiếp tục nghiên cứu sau này. 
Ngôn phong sử dụng chừng mực, khá cẩn trọng. 
Theo báo cáo, trong 3 năm triển khai dự án VNEN, nhóm tác giả đã tiến hành lập cơ sở dữ liệu từ việc khảo sát tại 648 trường tiểu học, trong đó có 50% là trường không VNEN để đối chứng (dự kiến là 660 trường; trong đó, có 440 trường thuộc các tỉnh khó khăn, 220 trường thuộc các tỉnh khá trở lên); 
Đồng thời, các tác giả cũng đã tổ chức ghi hình hơn 270 tiết dạy 2 môn Tiếng Việt và Toán của 45 giáo viên tại 15 trường tiểu học, hầu hết là các trường VNEN ở 4 tỉnh. 
Là người đã công tác trong ngành giáo dục ở một địa phương có triển khai VNEN, tôi xác nhận:
Nhóm tác giả đã cử người về tiến hành khảo sát tại các trường VNEN và trường không VNEN được chọn mẫu ngẫu nhiên trong thời gian 3 năm liên tục (2013-2015), mỗi năm 1 lần, mỗi lần 1 ngày đúng như báo cáo đã nêu.
Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận vô tình hay hữu ý, tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh rõ ba điểm sau:
(1) Nếu cứ theo nội dung báo cáo này, thì đây không phải là báo cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới, dù được tuyên bố là tổ chức này công bố báo cáo nói trên ngay trên trang web chính thức của mình, mà cho đến nay chúng tôi chưa tìm được bản gốc. [2]
“Các phát hiện, diễn giải và kết luận thể hiện trong báo cáo này và tất cả các bản khác của báo cáo này hoàn toàn là của các tác giả. 
Họ không nhất thiết phải đại diện cho quan điểm của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển / Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan của các Giám đốc diều hành của Ngân hàng Thế giới hoặc các chính phủ mà họ đại diện.”
(Trang 7 – Lời cảm ơn của Nhóm tác giả).


Ảnh chụp một phần trang 6 bản dịch báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của 

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới), phần Lời cảm ơn cho thấy các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Ngọc Định, Đặng Tự Ân và Lê Tiến Thành tham gia vào báo cáo này.
“Một số quyền hạn được bảo lưu – Nghiên cứu này là một sản phẩm của các nhân viên Ngân hàng Thế giới với sự đóng góp từ bên ngoài. 
Những phát hiện, giải thích và kết luận trong nghiên cứu này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ngân hàng Thế giới, Ban điều hành, hoặc các chính phủ mà chúng đại diện. 
Ngân hàng Thế giới không đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong báo cáo này. 
Các đường biên, màu sắc, định giá và thông tin khác thể hiện trong biểu đồ của báo cáo này không có ngụ ý đánh giá từ phía Ngân hàng Thế giới đối với tình trạng pháp lý của bất cứ lãnh thổ nào và cũng không xác nhận hoặc chấp nhận những biên giới này. 
Không có gì ở đây cấu thành hoặc được xem là hạn chế hoặc loại bỏ đặc quyền và sự miễn trừ của Ngân hàng Thế giới, tất cả đặc quyền và sự miễn trừ này đều được bảo lưu.” (Trích trang 185)


Ảnh chụp màn hình trang 185 báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới).
(2) Từ nhiệm vụ, mục tiêu và thành phần nhóm nghiên cứu, có thể khẳng định đây là một nghiên cứu chủ yếu nhằm làm sáng tỏ, củng cố, bổ sung cho hệ thống lí thuyết khoa học giáo dục của mô hình VNEN.
Và đây là báo cáo có tính chất đánh giá nội bộ (đánh giá trong), dù có khảo sát một số trường ngoài VNEN để đối chứng.
(3) Cụm từ “câu chuyện thành công” trong các câu “Hệ thống giáo dục của Việt Nam được quốc tế công nhận là một ‘câu chuyện thành công’.” (Những kết quả nổi bật, Tóm tắt –trang 11).
“Nền giáo dục Việt Nam được xem như một “câu chuyện thành công” trong mắt cộng đồng quốc tế. 
Do đó, việc tiếp tục liên kết với cộng đồng nghiên cứu giáo dục quốc tế sẽ đem đến nhiều lợi ích chung cho cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác có mong muốn học tập từ kinh nghiệm cuả Việt Nam.”
(Những phát hiện chính – trang 22).
Xét trong ngữ cảnh từng phần và toàn văn báo cáo, sẽ thấy rõ các tác giả chủ yếu đề cập/liên hệ đến kết quả phổ cập giáo dục cao; tỉ lệ người đi học nam, nữ tương đương nhau;
Chất lượng học sinh phổ thông qua các lần khảo sát PISA đạt cao so sánh với các nước OECD và những thành tích vang dội ở các kì Olympic quốc tế,…
Các tác giả xem các thông tin nói trên như những điểm nổi trội của giáo dục Việt Nam trong những thập niên vừa qua, chứ hoàn toàn không có hàm ý nào về sự thành công của VNEN.
Mời quý độc giả quan tâm đón đọc phần II: 
Báo cáo đánh giá tác động VNEN còn nặng tư duy nhị phân, không ta thì là địch
Tài liệu tham khảo:
Đạt Nguyễn
BÁO CÁO TÁC ĐỘNG VNEN CÒN NẶNG TƯ DUY NHỊ NGUYÊN, KHÔNG TA LÀ ĐỊCH
   
ĐẠT NGUYỄN /GDVN 14-9-2017
Hình minh họa một tiết dự giờ VNEN chụp từ báo cáo: “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” của S. D. Parandekar, F. Yamauchi, A. B. Ragatz, E. K. Sedmik, A. Sawamoto (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).
Bản gốc của báo cáo này bằng tiếng Anh trên website của Ngân hàng Thế giới tôi đã tải về và đọc kỹ, nhìn chung bản dịch của Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam khá sát với bản gốc.
Tuy nhiên, do đây là một báo cáo khoa học độc lập không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ngân hàng Thế giới và tổ chức này cũng không xác nhận tính chính xác của các thông tin, số liệu trong đó, nên nó không nằm trong hệ thống tài liệu chính thức của Dự án GPE-VNEN mã số P120867. [1]
Nó nằm trong phần tài liệu mở, thay vì mục Dự án và hoạt động [2]. Xin được quay trở lại câu chuyện chính đang bàn về nội dung báo cáo này.
Về phương pháp nghiên cứu và nội dung của bản báo cáo, trong khi chờ những bậc thức giả, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, các nhà sư phạm, tâm lí-giáo dục học,… có những luận giải, trao đổi mang tính khoa học, sâu sắc và thiết thực hơn, tôi xin có hai nhận xét sơ bộ dưới đây.
1. Nhóm nghiên cứu đã phân loại các trường (trong và ngoài mẫu nghiên cứu) thành 2 loại - VNEN và truyền thống, theo Danh mục các hoạt động sư phạm (trang 54) như sau:
+ Phương pháp giảng dạy truyền thống (5 yếu tố): 
a) Giáo viên đọc, cả lớp ghi chép;
b) Giáo viên làm việc với 2-3 học sinh, cả lớp quan sát;
c) Giáo viên yêu cầu một vài học sinh đọc, cả lớp nghe và ghi chép;
d) Giáo viên viết bài giảng trên bảng, học sinh ghi chép vào vở;
e) Giáo viên bố trí học sinh ngồi đối diện với giáo viên. 
+ Phương pháp sư phạm VNEN (10 yếu tố): 
f) Giáo viên bố trí học sinh ngồi theo nhóm;
g) Cả lớp thảo luận về các đồ vật có thật trong cuộc sống (đồ vật từ thiên nhiên như hoa quả hoặc cây) hoặc đồ vật do con người chế tạo;
h) Giáo viên tìm cách liên hệ bài học với đời sống thực;
i) Giáo viên khuyến khích học sinh tự tìm ra những cái mới;
j) Giáo viên phản hồi với cả lớp về thành tích học tập;
k) Giáo viên phản hồi cho từng học sinh;
l) Giáo viên dùng trò chơi như một phần của bài học;
m) Giáo viên sử dụng phương pháp “đóng vai” khi dạy tiếng Việt;
n) Giáo viên yêu cầu trẻ giải quyết nhiều vấn đề khi dạy toán;
o) Giáo viên có thể hỗ trợ từng cá nhân học sinh trong các vấn đề cụ thể.
Đây là cách phân loại mang nặng dấu ấn của lối tư duy nhị phân, không tốt là xấu, không ta là địch. 
Cách nhìn này không phù hợp với quy luật vận động của sự vật, phủ nhận những bước tiến hoàn toàn có thể chứng minh được trong nỗ lực đổi mới ở rất nhiều trường học trên cả nước trong thời gian qua.
Thực tế, trong 1.447 trường tiểu học được phân công tham gia VNEN, chỉ có một vài trường là hoàn toàn VNEN khi có toàn bộ học sinh các lớp 2 lên đến lớp 5 vào cuối giai đoạn thí điểm. 
Trong hầu hết các trường VNEN còn lại và những trường không VNEN, phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là truyền thống, có bổ sung, điều chỉnh những yếu tố tích cực, ít nhiều tuỳ theo điều kiện địa phương và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lí các cấp và giáo viên. 
Trong hơn 30 năm đất nước đổi mới, giáo dục cũng đã chuyển mình, mở cửa tiếp nhận không ít học thuyết giáo dục hiện đại, kĩ thuật dạy học tiên tiến. 
Thông qua việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề theo chủ trương của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên đã từng bước tiếp nhận và thực hiện những yếu tố tích cực vào quá trình dạy học dưới những phương thức và mức độ khác nhau từ trước khi có VNEN. 
Điều nay cũng tương tự như chính lập luận của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi cho rằng VNEN, với những yếu tố tích cực của nó, hoàn toàn có thể thực hiện được trong bất kì môi trường lớp học nào, dù học sinh có “ngồi theo mâm” hay không, dù sĩ số học sinh là bao nhiêu. 
Do đó, những yếu tố tích cực ghi nhận được từ các trường không VNEN đều được quy là có yếu tố VNEN như trong nội dung báo cáo là không sòng phẳng, nếu không muốn nói là cố ý vun tất cả những gì tốt đẹp vào cho VNEN, một mô hình chỉ mới xuất hiện không lâu hơn 6 năm.
2. Về việc chất lượng học sinh VNEN cao hơn hoặc ngang bằng với học sinh không VNEN qua các bài khảo sát tiếng Việt và Toán do nhóm nghiên cứu thực hiện.
Nhóm nghiên cứu đã duy trì trong 3 năm liên tục việc khảo sát chất lượng bài làm tiếng Việt và Toán đối với cùng nhóm học sinh với số lượng từ 15 đến 20 em tại mỗi trường trong 15 trường chọn ngẫu nhiên (không rõ tỉ lệ giữa trường VNEN và không VNEN). 
Đây là một biện pháp khảo sát tốt; tuy nhiên với số lượng học sinh quá thấp (tối đa là 20x15=300 em/năm), mức độ chuẩn của tính phổ quát về kết quả đánh giá dĩ nhiên sẽ rất hạn chế.
Ngoài ra, có thể còn 2 nguyên nhân khác tác động đến chất lượng làm bài của học sinh VNEN:
(1) Hầu hết các giáo viên dạy các lớp VNEN ở các năm tiếp theo (lớp 3, 4 và 5) đếu là giáo viên mới lần đầu trực tiếp dạy theo VNEN (rất hiếm có trường hợp giáo viên dạy VNEN từ lớp 2 tiếp tục theo học sinh lên lớp trên). 
Do đó, không có gì đảm bảo là những giáo viên này nhanh chóng thuần thục với phương pháp VNEN và hoàn toàn từ bỏ kiểu dạy quen thuộc là chú ý rèn cho học sinh thực sự hiểu rõ nội dung và thực hành tốt kĩ năng theo yêu cầu kiến thức-kĩ năng của bài học.
(2) Học sinh VNEN dùng nhiều thời gian hơn cho bài học (sáng học VNEN, chiều học bình thường) cũng là một yếu tố thực tế giúp các em nắm bài học tốt hơn thêm.
Vì vậy, chất lượng cao của học sinh VNEN tuy là điều vui mừng, nhưng cũng không chắc hoàn toàn do tác động của phương pháp dạy học VNEN.
Tài liệu tham khảo:
Đạt Nguyễn
NGÂN HÀNG THẾ GIỚI ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VNEN KHÔNG SAI, SAI Ở
...CHỖ KHÁC
THUẬN PHƯƠNG/ GDVN 13-9-2017
Thày Nguyễn Vinh Hiển dự một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MINH THIÊN / chauduc.baria-vungtau.gov.vn.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới chính thức công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN đối với giáo dục Việt Nam.
Điều bất ngờ là bản báo cáo hầu như toàn nêu lên những ưu điểm về sự đồng tình của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh.
Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là kết luận về tình hình học tập của học sinh học theo mô hình VNEN điều mà nhiều người quan tâm nhất.
Kết luận này hoàn toàn khác xa với thực tế qua việc hàng loạt tỉnh thành trong cả nước công bố “tẩy chay” chương trình này trong thời gian vừa qua.
Bản báo cáo khẳng định: “Học sinh VNEN tự tin, sáng tạo hơn, biết quan tâm chia sẻ với người khác.
Điểm thi của môn Tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống.
Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn”.
Mới đọc qua nội dung bản báo cáo, chúng tôi cứ tự hỏi: “Sao những kết luận như thế này quen quá nhỉ?”.
Sau khi tìm hiểu kĩ hơn, chúng tôi được biết báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Tham gia có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Đặng Tự Ân, Chuyên gia cao cấp và Cố vấn Trưởng dự án GPE-VNEN; ông Lê Tiến Thành, chuyên gia cao cấp và cố vấn dự án GPE-VNEN…
Bởi thế, khi đọc toàn bộ bản đánh giá dài 185 trang, chúng tôi có thể thấy đánh giá của báo cáo này nhiều mục không khác nhiều so với các chuyên gia VNEN như thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành, thầy Phạm Ngọc Định, thầy Đặng Tự Ân đã nói nhiều lần trên truyền thông thời gian vừa qua.
Vậy là chúng tôi đã hiểu vì sao VNEN ở Việt Nam lại được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao như thế.
Nhưng điều đáng buồn là nó lại hoàn toàn khác xa thực tế đã và đang diễn ra trong ngành giáo dục cả nước hiện nay.
Chúng tôi cho rằng, có được đánh giá về VNEN như thế, Ngân hàng Thế giới cũng đã được đọc các báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo (sau khi tổng kết báo cáo từ các Phòng, các trường gửi lên) cùng với những chuyến đi thực tế để dự giờ thăm lớp, để phỏng vấn, gặp gỡ phụ huynh, giáo viên và học sinh.
Nhưng có thể họ không biết rằng những nơi họ đến đã được bố trí trước, những người họ phỏng vấn lại chẳng bao giờ dám nói thật lòng, dám nói đúng thực trạng những khó khăn, bất cập trong việc dạy VNEN và những tiết học họ được quan sát, dự giờ hoàn toàn đã được đạo diễn, tập tành nhiều lần trước đó.
Và bây giờ, thầy và trò đang trở thành những diễn viên diễn kịch thượng hạng hay sao?
Thế nên chúng tôi mới nói rằng, Ngân hàng Thế giới đánh giá không sai với những gì mình đã ghi nhận được.
Cái sai ở đây là sai từ những vị cán bộ chuyên gia cấp Bộ, Sở xuống Phòng đã không dám công khai sự thật về việc áp dụng VNEN nóng vội dẫn đến việc dạy học không hiệu quả mà tìm mọi cách để bưng bít thông tin che đậy những sự thật mà hàng trăm phụ huynh biểu tình phản đối chương trình học VNEN, hàng chục tỉnh thành tuyên bố không dạy VNEN trong năm học này vì tính thiếu khả thi và không có kết quả như mong muốn.
Cái sai của những vị lãnh đạo cấp dưới cơ sở cụ thể là ban giám hiệu các trường học chỉ biết lo cho “cái ghế” của mình nên phải “cuốn theo chiều gió”.
Cái sai ở chính những giáo viên đang ngày đêm giảng dạy VNEN “vì lo cho chén cơm manh áo hằng ngày nên chấp nhận cách im lặng là vàng”, sai của nhiều phụ huynh muốn lên tiếng phản đối VNEN nhưng lại sợ con mình bị trù dập chỉ dám nói lao xao bên ngoài.
Bí quyết ngụy trang để nâng tầm VNEN
Từ những ngày đầu triển khai VNEN, các trường học đều phải báo cáo về những khó khăn, thuận lợi khi áp dụng mô hình VNEN, những mặt đạt được và những điểm còn hạn chế.
Tuy nhiên, những bản báo cáo từ cơ sở đưa lên chỉ được phép ghi những điều hay, những điểm tích cực như:
Học sinh tự tin, năng động và sáng tạo. Các em đã biết tương tác với bạn để tìm ra kiến thức, biết chia sẻ, hợp tác, nói lời đề nghị với cô.
Chất lượng học tập cuối năm được nâng lên rõ rệt”…
Đã có không ít trường đưa báo cáo lên bị cấp trên trả lại vì đã dám ghi những mặt còn hạn chế.
Những tiết dạy học quay video phát trên mạng hoặc dạy dự giờ cho các chuyên gia giáo dục thăm lớp.
Để có được tiết dạy trơn tru, học sinh nói như diễn thuyết, các em trao đổi, đối chất với bạn thậm chí biết đặt câu hỏi luôn với cả giáo viên. Biết nhận xét đúng sai giúp bạn, biết nhận xét cả chính bản thân mình…
Xem xong tiết dạy ai cũng vui, cũng cười hớn hở, cũng gật gù vì tiết học đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhưng mấy ai biết rằng (hoặc biết cũng làm lơ) cả thầy và trò cùng nhiều giáo viên trong trường phải vật vã biết bao ngày mới được như thế.
Riêng điểm số mấy kì thi, đã có nhiều trường phải lặng lẽ tổ chức thi lại cho học sinh VNEN vì điểm thi lần đầu quá thấp.
Bởi chẳng có trường học nào dám dũng cảm để lại chất lượng thê thảm đến như thế.
Và cũng không giáo viên muốn mình bị chửi, bị đổ thừa rằng không biết dạy, không chịu học hỏi, đổi mới…
Thế nên, với việc ôn tập kĩ hơn và đề thi dễ hơn, học sinh đã dễ dàng đạt được kết quả cao như mong muốn.
Chung quy, để câu chuyện VNEN dây dưa chưa đến hồi kết giữa hai luồng ý kiến (mà một bên là đại diện phụ huynh (giáo viên chỉ dám ủng hộ ngầm), một bên là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo các cấp giáo dục hiện nay), xét cho cùng, lỗi lớn nhất vẫn thuộc về cơ sở bởi tội “báo cáo láo”.
Nếu ngay từ đầu, giáo viên và ban giám hiệu các trường đều đồng loạt lên tiếng về những hạn chế trong chương trình VNEN thì đâu đến nỗi con cháu mình và chính mình đang phải ngày đêm chịu đựng.
Người ta thường mang những suy nghĩ “vì miếng cơm manh áo”, “vì danh vọng và chỗ đứng”, “vì cả gia đình phía sau”… để tự an ủi, tự bào chữa cho thói hèn nhát, cho lối sống ích kỉ “mũ ni che tai”của chính mình.
Lối sống này đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Bởi vì tội báo cáo láo mà nhiều chuyện đang trắng trở thành đen, đang đen bỗng thành trắng trong nháy mắt.
Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Thiết nghĩ thật không hề đơn giản.
Thuận Phương
Ý KIẾN CỦA VỤ GIÁO DỤC TIỂU HỌC VỀ BÁO CÁO VNEN CỦA NHTG
THÙY LINH/ GDVN12-9-2017
Phóng viên: Ngân hàng thế giới vừa công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của VNEN, sau đó dư luận đã có những nhận định khác nhau về báo cáo này, thậm chí có những ý kiến không đồng tình với nhận định trong báo cáo.
Quan điểm của ông về báo cáo này như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Tôi cho rằng thông tin trong báo cáo đã đưa ra được những đánh giá tác động của phương pháp giáo dục theo VNEN đối với các chủ thể tham gia bao gồm: hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và đó là nguồn thông tin quan trọng.
Với phương pháp nghiên cứu khoa học, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo là khách quan, tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá.
Trong báo cáo này, căn cứ vào những số liệu nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích khá sâu và có đánh giá thỏa đáng, nhưng nếu những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN được phân tích một cách sâu sắc  hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết thì báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.
Thực tế, bên cạnh nhiều địa phương triển khai thành công cũng có một số tỉnh đang phản đối VNEN. Theo ông, đâu là khó khăn, vướng mắc nhất trong việc triển khai VNEN hiện nay và có cách nào để giải quyết? 
Ông Nguyễn Đức Hữu: Bản chất của phương pháp giáo dục theo VNEN là thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, khi áp dụng VNEN đa số các trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và đã tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, ở một số nơi do nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ về phương pháp giáo dục theo VNEN; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên,… và trong khi triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo VNEN còn hạn chế và nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lí, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ đang tiếp tục triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học, trong đó chú trọng tập huấn qua mạng, nâng cao vai trò "tự học" và "thực hành" theo tinh thần "tập huấn tại công việc" mà Bộ đã chỉ đạo trong những năm qua.
Có ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "buông tay" với VNEN. Thực tế có việc này không, thưa ông? Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với VNEN như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Tôi không đồng ý với ý kiến cho là Bộ Giáo dục và Đào tạo "buông tay" với VNEN.
Thời gian qua, trước các ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo sát sao và quyết liệt, trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương khi triển khai phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Mới đây nhất, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN.
Trong đó khẳng định, những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ dừng triển khai và chỉ lựa chọn một số thành tố tích cực của phương pháp giáo dục này để áp dụng.
Tôi muốn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc đổi mới luôn phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc về nhiều mặt, trong đó không tránh khỏi sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân để tiếp tục rà soát, hoàn thiện chủ trương và giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu đổi mới của ngành.
Thuỳ Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét