Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

20170902. BÀN VỀ SỰ PHÁT NGÔN CỦA CHÍNH KHÁCH

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHÍNH KHÁCH PHÁT NGÔN VÀ SỰ MINH BẠCH

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 1-9-2017

clip_image002
GSTS Vương Đình Huệ (Ảnh trên mạng xã hội)

Có quyền mạnh tay, có tiền mạnh miệng, nhưng đừng quên một trong những yêu cầu để xã hội muốn phát triển bền vững đòi hỏi lãnh đạo, nhất ngôn tứ mã nan truy và sự minh bạch.
“Lắm của nhiều tiền không bằng ở hiền làm phúc
Quyền cao chức trọng không bằng bỏ lọng gần dân”
Tính minh bạch của hệ thống quản trị quốc gia, đòi hỏi phát ngôn và hành động của quan chức phải đi đôi, nhất là với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Chất lượng của hệ thống thông tin chính thống của một quốc gia – thể hiện qua số liệu thống kê, qua phát biểu của quan chức tầm Chính phủ sẽ có những hệ lụy quan trọng. Giá trị của nó có thể so sánh như trường hợp chỉ vì 1 câu nói của bà Chủ tịch FED có thể dẫn đến thay đối sắc xanh đỏ trên thị trường chứng khoán thế giới.
Phát biểu của GSTS Vương Đình Huệ ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ mới đây về chứng khoán, làm người dân lại nhớ đến lần nghe ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính) xúi dân mua cổ phiếu đang trên đà khoét đáy nên nhiều người đã lắc đầu chán ngán hay phải ở vào tình trạng “đổ thóc giống ra ăn”! Nó giống như người dân từng “thất thần” vì cái tin chính quyền trấn an “không đổi tiền” rồi hôm sau có “đổi tiền” hơn 30 năm về trước, và “di chứng” còn kéo dài với điệp khúc xăng không tăng giá rồi tăng giá thật làm người dân “bị quê” đến “bẽn lẽn”!
Song trơ trẽn nhất là câu nói của một vị chính khách có tính trấn an trước Quốc dân rằng: Để không rối loạn do sự sụp đổ của những ngân hàng tư nhân sắp phá sản, ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng ấy với giá 0 (không) đồng mà không tốn ngân sách! Đúng là người ngoài hành tinh mới nói câu này mà không sợ “động Thiên đình”!
Thông tin chính thống, đặc biệt là số liệu thống kê cần phải chính xác, nhất quán, đầy đủ và kịp thời vì đó là căn cứ quan trọng cho các tính toán, quyết sách từ vi mô (doanh nghiệp, người dân) tới vĩ mô (nhà nước). Số liệu của nhà nước ngày nay vẫn chưa thoát khỏi xu hướng chứng minh thành tích của nhiệm kỳ hơn là cung cấp dữ liệu đầu vào (hiện trạng) cho các toan tính của xã hội. Do vậy, có xu hướng được làm đẹp hơn là sự thật.
Một tổ chức / cá nhân đứng trước thách thức ấy rất khó lựa chọn – (1) tin theo thì khả năng phân tích sai và quyết định sai là cao; (2) không tin theo – thì không biết dựa vào cái gì, và (3) tự mình tổ chức điều tra hoặc thuê công ty tư vấn điều tra khảo sát – sẽ tốn kém thời gian và nguồn lực. Rất khó ra được những quyết định chuẩn dạng “evidence-based” khi thông tin mù mờ và thiếu chính xác. Bên cạnh nguyên nhân tham nhũng, phần lớn các dự án lớn bị đổ vỡ thời gian qua có nguyên nhân từ phân tích kiểu “đếm cua trong lỗ”.
Yêu cầu về tính minh bạch thông tin của xã hội, cuộc sống, quốc tế ngày càng cao nhưng ý chí chính trị quyết thay đổi còn chưa đủ mạnh nên nhu cầu này cứ bị xếp hàng sau những thứ khác.
Người đọc quan tâm đến bài báo “Thống kê mà không thực thì điều hành có đúng không”? Thực trạng số liệu thống kê của Việt Nam nhiều chuyên gia quốc tế cũng như chuyên gia độc lập trong nước đều ngao ngán, khó chấp nhận vì độ tin cậy thấp, mâu thuẫn và thiếu tính hệ thống.
Cái ví dụ mâu thuẫn về số liệu xuất khẩu thịt giữa hai Bộ: Công thương và Nông nghiệp và PTNT do ông Vương Đình Huệ đưa ra cũng như nhiều loại hàng hóa thiết bị khác còn hiểu được là do số liệu từ chính ngạch và tiểu ngạch, còn các loại hàng hóa được quản từ nhiều ngành hay lĩnh vực thì số liệu thống kê từ ngành, lĩnh vực, địa phương hay Trung ương là những ma trận không phần mềm thống kê hiện đại nào chọn ra được con số đủ tin cậy.
Những bất cập thống kê làm cho việc điều hành kinh tế của Chính phủ nguy hiểm như người điều khiển chiếc xe không có đồng hồ ổn định. Ông Vương Đình Huệ là Giáo sư ông thừa biết tầm quan trọng của số liệu thống kê đối với việc điều hành hoạt động cũng như dự báo xu thế phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân tại sao không có được một hệ thống dữ liệu thống kê đủ tin cậy là do Chính phủ vẫn duy trì phương pháp thống kê chủ quan của nền kinh tế bao cấp nên không đáp ứng được yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường?
Tôi chia sẻ với ông Cục trưởng Thống kê: Báo cáo số liệu thật có khi phải trả giá. Cán bộ ngành thống kê cho rằng do áp lực thành tích của địa phương, họ thường phải chịu rất nhiều sức ép khi báo cáo các số liệu thật, thậm chí bị cô lập, phân biệt đối xử.
Những người am hiểu về kinh tế lâu nay đều biết các địa phương muốn thổi phồng GDP để đạt thành tích. Trung Quốc cũng y hệt như vậy. Thống kê trong thể chế toàn trị rất thiếu tính khách quan, trung thực vì chức năng chính của nó là công cụ phục vụ ý đồ chính trị của nhà cầm quyền.
Nền kinh tế Việt Nam đã chấp nhận theo cơ chế thị trường đòi hỏi các nhà lãnh đạo kinh tế phải biết chỉ đạo bằng những công cụ khoa học dựa trên trí tuệ đội ngũ chuyên gia chứ không thể là những “phát ngôn ấn tượng” ngẫu hứng của cá nhân không có phản biện. Để mọi hoạt động điều hành kinh tế hiệu quả không có con đường nào khác, nếu muốn hội nhập quốc tế và có các con số thống kê tin cậy thì phải thực hiện:
1. Xóa bỏ thống kê các tỉnh đến tận xã. Các thống kê báo cáo chỉ là số liệu lưu trữ sử dụng trong nội bộ các cấp địa phương.
2. Tổng cục thống kê, cũng phải thực hiện cách tổ chức và hệ thống tiêu chí thống kê khoa học như mọi nước trên thế giới, chia thành khu vực thống kê, thí dụ như ở VN theo đặc điểm địa lý kinh tế có thể chia thành 7 vùng. Tại mỗi vùng có một trụ sở-trung tâm thống kê, với chuyên viên được huấn luyện thành thục, hoạt động thu thập thống kê trực tiếp các tỉnh trong vùng, bằng phương pháp điều tra, thay cho phương pháp báo cáo.
3. Tôi hơi ngạc nhiên là GSTS về kinh tế không hiểu sao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại đặt câu hỏi có hai con số của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương về số liệu xuất khẩu thịt thì con số nào đúng. Tại sao không hỏi Chính phủ cần phương pháp/chuẩn mực thống kê nào? Và hình như ông Vương Đình Huệ cũng không muốn để Trung ương làm thống kê GDP các tỉnh? Ông Huệ tư duy theo kiểu báo cáo?
4. Về nguyên tắc khoa học, không thể một tỉnh tự làm GDP cho mình. Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương và các bộ ngành cũng phải hoạt động trên cơ sở vùng như thế. Số liệu thống kê quốc gia sẽ có giá trị khi tổng hợp và phân tích từ cơ sở dữ liệu tin cậy theo vùng.
5. Về ngân sách thì bắt buộc các tỉnh phải báo cáo vì phải chuyển thuế và nhận tài trợ từ ngân sách Trung ương. Hệ thống tài chính dựa trên báo cáo.
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, ngay như ở Mỹ, các bang được quyền tự thu thập thống kê hoặc tính GDP, nhưng không ai làm mà đều dựa vào Bureau of Census, cơ quan thu thập thống kê và Bureau of Economic Analysis, cơ quan tính GDP cho cả nước, từng bang. 
Ở Mỹ, Cục trưởng Thống kê do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải được Quốc hội thông qua, có ngân sách riêng, dù Cục thống kê vẫn nằm trong Bộ Thương mại.
https://en.wikipedia.org/wiki/Director_of_the_United_States_ Census_Bureau
Hiện nay ở Mỹ dù có 50 tiểu bang, Census chỉ có 6 văn phòng khu vực.
Dẫn chứng, có thể tham khảo theo đường link dưới đây:
https://en.wikipedia.org/wiki/ United_States_Census_Bureau
6. Khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mà bội chi ngân sách tiếp tục ở mức 6% và không ai chịu mua trái phiếu và phải in tiền để chi. Vấn đề là nợ của toàn kinh tế mà 3/4 là nợ trong nước.
Hiện nay, thì tình hình lạm phát chưa đáng lo ngại. Nhưng sẽ thay đổi nhanh khi phải in tiền. Năm 2016 là có dấu hiệu báo động. Từ đầu năm đến nay thì có vẻ xuống. Nhưng sắp đến tăng lương 7%, tình hình có thể sẽ khác, v.v...
Bàn về “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” [một lời đã nói ra bốn ngựa cũng khó mà đuổi theo được], người dân vẫn còn nhớ khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ đã làm thiên hạ sôi lên bởi những tuyên bố hùng hồn rất được lòng người và ai nấy đều khấp khởi mừng, tràn đầy hy vọng ở người giữ túi tiền của quốc gia. Ông nói với những người mà ông cho rằng làm ăn bất minh, đại ý: “Tôi đã từng làm Tổng kiểm toán, tôi biết tỏng mọi chuyện”. Ông nói thẳng với mấy anh doanh nghiệp ngành xăng dầu khi dọa bỏ cuộc:”Nhà nước không dọa ai, nhưng đừng có ai dọa nhà nước”! Toàn là những lời nói mạnh miệng, đáng được gọi là danh ngôn!.
Và cũng chính ông đã làm cánh truyền thông, có người ứa nước mắt, xúc động khi ông nói tại một cuộc họp báo rằng: ”Hàng ngày, tôi luôn chú ý cập nhật thông tin qua đài báo. Chính nhờ các cơ quan truyền thông mà tôi giải quyết tốt công việc của mình”.
Ngày 5/4/2012 cũng chính ông Huệ làm cánh truyền thông chưng hửng khi ông ông phát biểu hoàn toàn ngược lại với những gì đã nói trước đây. Ông phàn nàn tại hội nghị của Bộ Tài chính triển khai học Nghị quyết 4 của Trung ương đại ý “Tại sao báo chí hay xía vô chuyện của người khác, lĩnh vực khác”!Mời nhà báo đến để đưa tin về triển khai Nghị quyết 4 của Đảng, mà lại có ý nói là báo chí đừng viết nhiều về chính trị, thế thì cái “chính trị” trong nhận thức của ông Huệ là gì?
Phát biểu của ông Huệ nhầm lẫn giữa tôn chỉ mục đích của tòa soạn và sứ mệnh cao cả của người làm báo là luôn tôn trọng sự thật, nhầm lẫn giữa báo chí và tạp chí khoa học chuyên ngành vì chỉ có tạp chí khoa học chuyên ngành mới hạn chế phạm vi nghiên cứu. Các báo chí truyền thông được phép xuất bản dù ở bất cứ quốc gia nào đều có thể bàn về chính trị xã hội hay thường được gọi là viết xã luận.
Nhớ lại, hồi ấy, tôi đã viết bài xã luận trong mục “Chào buổi sáng” trên trang nhất báo Thanh niên (thứ hai 9/4/2012) tiêu đề “Không chuẩn, cần phải chỉnh” liên quan đến phát biểu nói trên của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.
Việt Nam “được và mất” của kinh tế vĩ mô là do thể chế và con người. Lãnh đạo nền kinh tế không thể mang nặng kiểu chỉ đạo bằng những mệnh lệnh ngẫu hứng của người nắm quyền hành và giữ túi tiền nhà nước sẽ không đáp ứng được yêu cầu của nền quản trị kinh tế thị trường.
Để mọi hoạt động điều hành kinh tế hiệu quả, nếu muốn hội nhập quốc tế, đòi hỏi các nhà lãnh đạo kinh tế phải biết chỉ đạo bằng những công cụ khoa học dựa trên trí tuệ đội ngũ chuyên gia, hệ thống tổ chức và phương pháp thống kê minh bạch tin cậy, chứ không thể là những “phát ngôn ấn tượng” ngẫu hứng không có phản biện của cá nhân lãnh đạo.
Nợ công và nợ xấu của VN ta đã vượt ngưỡng từ lâu như một số bài tôi đã viết trước đây, có cơ sở khoa học và tin cậy. Sự đối phó với vấn đề này rất lúng túng, chưa thấy lối ra. Người ta đã che giấu thông tin và phương pháp tiếp cận rất sai lầm.
Gần đây, dân tình lo lắng với đề xuất của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất tăng thuế vì nợ công, cụ thể là tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% sẽ làm cho toàn dân sẽ phải “thắt lưng buộng bụng” đặc biệt là dân nghèo. Nếu để ý, người dân sẽ thấy giá dịch vụ y tế đã tăng hơn 6 lần tính từ năm 2007 so với CPI tăng 2 lần. Nông thôn tăng cao hơn thành thị. Tám tháng đầu năm nay, giá dịch vụ y tế so với cùng kỳ năm ngoái ở nông thôn tăng 77,6% so với thành thị 64,7% trong khi đó CPI chỉ tăng 3,84%.
Việt Nam đang nợ như “chúa chổm”, lòng dân bất an. Chỉ xin quý ông có trách nhiệm quản lý điều hành về kinh tế, minh bạch hóa và công khai cho dân biết sự thật bằng con số của GDP, nợ Chính phủ, tình trạng thu chi kiểm soát ngân sách, cân bằng xuất nhập khẩu... để dân lo liệu làm ăn và chi tiêu là sẽ đội ơn ông lắm lắm rồi!.
Và các ông có quyền đề bạt cán bộ cũng cần nhớ rằng: Bây giờ là cách mạng khoa học công nghệ 4.0 rồi, do đó tiêu chuẩn cán bộ, chính khách không còn như hồi thông tin qua chiếc máy Ga-len mà Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đó có bản nhạc dạo, mở đầu cho Chương trình Thiếu nhi: “Em yêu chiếc máy ga-len, sớm chiều chờ nghe măng non”!
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

TRÒ CHUYỆN VỚI CHUYÊN GIA KINH TẾ NGUYỄN XUÂN NGHĨA

TUẤN KHANH /VOA/ BVN 1-9-2017

clip_image001
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa diendantheky.net

Tuấn KhanhSự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước VN, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của VN đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay: nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của VN sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc. Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt. Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách  gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố  như vậy.
Tuấn Khanh: Nhà nước CSVN lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà Tổng thống Park Geun-hye như vậy. Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.
Tuấn Khanh: Nhân dịp ông nói về giới “trung lưu thấp”, chúng ta hãy bàn về giới “trung lưu cao”. Nhà nước CSVN vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đa đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vật chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy. Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng hòa có cùng một trình độ  phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung Hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công  ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ Quốc Phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi. Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.
Tuấn Khanh ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét