Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

20170909. CHỐNG THAM NHŨNG THEO LỢI ÍCH NHÓM ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI CŨNG THAM NHŨNG THÌ LẤY AI CHỐNG THAM NHŨNG?

Đ.AN/DL/ BVB 6-9-2017
Lập 8 đoàn kiểm tra các vụ án tham nhũng ở 20 tỉnh
Có thể khẳng định rằng, 72 năm qua, kể từ khi cụ Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước VHDCCH nay là CHXHCNVN, chưa bao giờ vấn nạn tham nhũng lại gây nhức nhối trong xã hội đến như vậy. Tham nhũng thực sự đã trở thành “quốc nạn”. Nó không chỉ làm bào mòn lòng tin của người dân vào Đảng, đe doạ sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ mà nguy hại hơn nó làm cho đất nước khánh kiệt, người dân khốn khổ.

Bây giờ, tham nhũng không chỉ là tiền bạc, tài sản, mà còn tham nhũng cả cơ chế, tham nhũng quyền lực. Trong đó, tham nhũng quyền lực là nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng nhất.
Người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thẳng thắn thừa nhận:“tham nhũng… nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng than phiền "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Như chúng ta thấy, tham nhũng hiện nay xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp các ngành, từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất trong hệ thống chính trị. Lãnh đạo cấp xã thì ăn chặn tiền cứu trợ, bán đất trục lợi, lợi dụng trương trình nông thôn mới tham nhũng. Lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ thì tham nhũng dự án, công trình, nhận tiền biếu xén, chạy chức chạy quyền…
Quan chức bây giờ nhiều người quá giàu, siêu giàu. Một ông chủ tịch xã lương chừng vài triệu/tháng chỉ một nhiệm kỳ đã xây được nhà bạc tỷ thì đủ hiểu từ chủ tịch huyện trở lên sẽ thế nào. Giám đốc sở, bí thư huyện, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, tổng thanh tra chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng… họ lấy tiền đâu để xây biệt thự, biệt phủ nếu không tham nhũng?
Chống tham nhũng, hô hào thì rất lớn, quyết tâm thì cũng rất mạnh, bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu hội nghị bàn về chống tham nhũng nhưng rồi cũng chẳng mang lại kết quả nào đáng kể. Vì sao? rất đơn giản, là vì cơ chế này nó đẻ ra tham nhũng và ngược lại tham nhũng nuôi sống cơ chế. Vậy chống tham nhũng là chống lại cơ chế mà chống lại cơ chế khác nào “đem nạng chống trời”. Khi quan chức ai cũng tham nhũng như ai thì lấy ai chống tham nhũng? Chẳng có vị lãnh đạo nào thanh liêm mà thăng quan tiến chức được trong cơ chế này. Họ chỉ khác nhau là tham nhũng ít hay nhiều, người ăn kín đáo, kẻ ăn lộ liễu. Tôi chắc chắn điều đó.
Vừa rồi, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo trong đại án OceanBank đang xét xử khai trước toà là chi hàng trăm tỷ cho các đồng chí lãnh đạo trong các dịp lễ tết: “chi cho ngoại giao các dịp lễ tết, chi từ cấp nhỏ đến lớn... Cấp nhỏ nhất là chuyên viên, tết mỗi phong bì 50 triệu. Còn cấp lớn, dịp tết chi phong bì tới 200 triệu đồng… mà chỉ là phong trào như các doanh nghiệp khác mỗi dịp lễ, tết” (theo báo Thanh niên). Đó mới chỉ là một doanh nghiệp, còn trong hàng trăm doanh nghiệp, tổng công ty, công ty số tiền lễ tết biết bao nhiêu mà kể.
Hay như vụ án VN Pharma buôn thuốc giả thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, trong đó chi cả trăm tỷ tiền hoa hồng cho bác sĩ, quan chức quản lý. Đó là chưa kể những khuất tất liên quan đến Bộ trưởng Y tế đương nghiệm.
Chỉ hai vụ việc đang được dư luận quan tâm trên, đủ để chúng ta hình dung tham nhũng làm mục nát đất nước này như thế nào.
Công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là một cuộc chiến nữa vời như lời ông đã từng nói “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Cho nên, mới có chuyện kỷ luật một vài quan chức về hưu, còn các vị đương nhiệm thấy đã kỷ luật, khởi tố được ai đâu. Vụ cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hoá đến nay vẫn không tin tức. Vụ cả nhà bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến làm quan rơi vào im lặng. Chuyện quan chức tỉnh Yên Bái sở hữu khu đất vàng không còn được nhắc đến. Dự án xe buýt nhanh ở Hà Nội thất bại, không thấy ai chịu trách nhiệm. Kết quả thanh tra tài sản của ông Phạm Sĩ Quý – Giám đốc sở TN&MT Yên Bái. Vấn đề sai phạm của các dự án BOT… Tại sao những vụ việc trên được báo chí thông tin, dư luận ồn ào, dân chúng bất bình rồi một thời gian rơi vào im lặng ?
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh: Tham nhũng phát sinh ra từ thể chế mà quyền lực không được kiểm soát khách quan. Tham nhũng như là thuộc tính của thể chế nầy thì làm sao chống lại được. Ông Trọng lấy gì bảo đảm thay quan tham nhũng nầy bằng bằng quan khác sẽ không tham nhũng?
Đ.An/(Dân Luận)
VỤ ĐỒNG TÂM: TRẤN ÁP KHÔNG ĐƯỢC, LẠI MIỆNG LƯỠI KHÔNG XƯƠNG
THIỀN LÂM/ BVN 6-9-2017
Một “tin vui” vừa đến với hàng chục ngàn người dân Đồng Tâm: chỉ ít ngày sau khi Đồng Tâm họp “hội nghị Diên Hồng” để đồng lòng hạ quyết tâm “quyết giữ đất đến hơi thở cuối cùng”, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy chính quyền Hà Nội, và cũng không thể thiếu bóng dáng của “tập thể Bộ Chính trị”, cũng hạ quyết tâm “kiên trì đối thoại, giáo dục thuyết phục” mà không còn hùng hổ đòi “trấn áp quyết liệt nhóm chống đối Đồng Tâm” nữa.

clip_image002
                          Quyết tâm thư ngày 3/9/2017 của người dân Đồng Tâm. Ảnh: ijavn.org
Chiến dịch răn đe và trấn áp gần nhất của chính quyền là sử dụng Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội và cả Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng để dồn dập triệu tập đến 70 người dân Đồng Tâm, đe dọa bắt một số người dân, tìm cách “khủng bố” tâm lý người dân với mục đích lớn nhất là người dân phải đầu hàng mà không dám phản kháng việc chính quyền “chiếm” 59 ha đồng Sênh của dân để giao cho một nhóm lợi ích quân đội là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).
Đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền và công an đang cố ý quy kết dẫn đến quy tội người dân Đồng Tâm theo cách “ông Lê Đình Kình và “nhóm đồng thuận” do ông lập ra để tuyên truyền lừa dối, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện đòi 59 ha đất Đồng Sênh vẫn không chấm dứt. Những ngày gần đây, ông Lê Đình Kình còn tiến thêm những bước đi nguy hiểm, kêu gọi những phần tử cơ hội chống đối trong nước và nước ngoài can thiệp. Lấy tình cảm dòng họ, gia đình và những người chịu ơn nghĩa với ông trước đây để kết tụ thành lực lượng chống đối, sử dụng những phần tử bất hảo trong thôn xóm đe dọa, khống chế những người lên tiếng ủng hộ chính quyền…”.
Nhưng một lần nữa, chính quyền, công an và quân đội đã quá “chủ quan duy ý chí”. Chỉ trong vòng 4-5 tháng, họ đã biến người dân Đồng Tâm từ tâm thế “có đảng là có tất cả”, “vẫn một lòng tin đảng và không chống đối chính quyền” trở thành “Từ ngày 3 – 9 – 2017 nhân dân xã Đồng Tâm tuyên chiến với bọn tham nhũng, giặc nội xâm. Nhân dân xã Đồng Tâm sẵn sàng đổ máu để giữ bằng được đất của nhân dân ta. Kẻ nào từ chính quyền, công an đến quân đội vào cướp đất sẽ bị tan xác. Thà mất tất cả xã Đồng Tâm, còn một người cũng quyết chiến đến cùng”.
Bản quyết tâm thư mang tính sinh tử chưa từng có trên xuất hiện trong Hội nghị Toàn dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, xác định cuộc đấu tranh Chống Tham Nhũng của người dân đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, thách thức nhất.
Ngay sau khi bản quyết tâm thư trên được công bố và còn được người dân Đồng Tâm gửi đến các đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và những tổ chức nhân quyền quốc tế, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền, công an và quân đội đã một lần nữa “họp khẩn cấp”. Có dư luận cho biết cánh cơ quan điều tra của công an và cơ quan hình sự của Bộ Quốc phòng có vẻ đã bị bất ngờ trước tinh thần phản kháng quyết tử đến thế của người dân Đồng Tâm mà đã chùn hẳn lại thái độ hùng hổ sẵn sàng “ăn tươi nuốt sống dân” trước đó.
Tình thế đang trở lại tháng Tư năm 2017, vào những ngày căng thẳng khi có tin cho biết Bộ Chính trị đảng đã phải họp liên tục và cuối cùng quyết định “không dùng biện pháp mạnh’ mà chỉ “đối thoại”, kể cả “cam kết” vì lo sợ một cuộc “khởi nghĩa nông dân rào làng chiến đấu” y hệt thời Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lần này cũng vậy: “chính quyền vẫn không ra tay trấn áp để đảm bảo công lý được thực thi, vì sao vậy?”
Lại có giải thích: “vì chính quyền Hà Nội đã nhận thức đúng về vấn đề giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Mâu thuẫn giữa dân Đồng Tâm với chính quyền là loại mâu thuẫn nội bộ nhân dân, mâu thuẫn có cùng chung lợi ích vì sự ổn định và phát triển của đất nước, không phải là mâu thuẫn “địch ta”, mâu thuẫn “đối kháng”. Và vì vậy nó chỉ nên được giải quyết chủ yếu bằng giáo dục, thuyết phục chứ không nên giải quyết chủ yếu bằng bạo lực trấn áp”.
Tất nhiên, chính quyền cũng không quên thủ đoạn phân hóa: “trong vụ Đồng Tâm không phải tất cả dân Đồng Tâm đều có lợi ích ở Đồng Sênh. Ngay cả lợi ích của những người trong nhóm chống đối (chủ yếu ở thôn Hoành) không phải là đồng nhất, mỗi cá nhân, mỗi nhóm tiêu chí, mức độ yêu cầu lợi ích là khác nhau, động cơ vụ lợi khác nhau nên mức độ chống đối khác nhau. Vì vậy cần có cách thức tiếp cận phù hợp để tháo gỡ, không nên đánh đồng, quy kết, nghiêm trọng hóa vấn đề như nhau. Điều đó chỉ làm cho tính cố kết của họ tăng thêm và không tranh thủ được những người tốt trong nhân dân”.
Để cuối cùng: “cách giải quyết của chính quyền Hà Nội là kiên trì đối thoại, giáo dục thuyết phục để nhân dân Đồng Tâm không xu thời theo cái sai, cái xấu, không ủng hộ hành vi trái pháp luật. Kiên trì đối thoại, giáo dục, thuyết phục để những người “chống đối” nhận ra sai lầm mà tự nguyện chấp hành pháp luật, không manh động làm cho tình hình xấu hơn để rồi mắc tội nặng hơn. Biện pháp cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác”.
Những cái lưỡi không xương quả lắm đường lắt léo!
Nhưng vào lần này, người dân Đồng Tâm liệu còn bị chính quyền lừa gạt dễ dàng như vụ “ký sống, lăn tay rồi khởi tố” từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017?
Chiến dịch trấn áp người dân Đồng Tâm lại xảy ra ngay vào lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, chỉ cách Đà Nẵng 75 hải lý – một hành động không chỉ là khiêu khích mà đã bắt đầu mang tính xâm lược. Thế nhưng toàn bộ Bộ chính trị đảng và Bộ Quốc phòng đã “mất tích”, khiến một lần nữa rất nhiều người dân lại bừng bừng phẫn nộ về tư thế “hèn với giặc ác với dân” của đám quan chức Việt.
T.L.
'ANH NÀY THAM NHŨNG, ANH KIA CHỐNG LƯNG, KHÔNG BIẾT AI THẬT, AI GIẢ?'
LÊ KIÊN/ BVN 8-9-2017
TTO - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim chua xót bình luận tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội sáng nay 6-9, khi tiếp tục thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng năm 2017.
clip_image002
Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 6-9 - Ảnh: LÊ KIÊN
Ông Vũ Trọng Kim, ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 chưa đạt yêu cầu.
Theo ông, các con số về kê khai tài sản (hơn 1,1 triệu người) và tỉ lệ 99% đã kê khai, không có nhiều ý nghĩa.
"Điều mà Quốc hội, cử tri cần cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỉ, các dự án BOT có vấn đề, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý… Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt" - ông Kim nói.
Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt.
Ông Vũ Trọng Kim
Từng giữ cương vị Tổng thư ký Uỷ ban trung ương MTTQ, ông Võ Trọng Kim bình luận: "Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá".
Ông Kim còn nhấn mạnh: "Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Tôi đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hiện nay có quá nhiều sự níu kéo, trì trệ. Một vụ án mà giải quyết mất năm trời không xong, tại sao vậy?"
Đại biểu Nguyễn Thái Học, trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên, cũng nhận định "nội dung báo cáo của Chính phủ chưa bắt nhịp được với tinh thần của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân về PCTN".
Theo ông Học, nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình PCTN không sát, nguyên nhân chung chung, giải pháp không mang tính đột phá. Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm, nhưng số liệu cho thấy các vụ khởi tố năm 2017 lại tăng so với năm trước.
"Báo cáo nói là có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy một bộ phận ấy ở đâu, ở cơ quan, đơn vị nào? Năm nào cũng đưa ra những nhận định chung chung như vậy thì không sai, nhưng chẳng có tác dụng gì", ông Nguyễn Thái Học nói.
"Báo cáo cũng nêu hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng PCTN chưa cao, vậy cụ thể là cơ quan nào, công an hay Viện Kiểm sát?".
clip_image004
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương - Ảnh: Quochoi.vn
Mấy vụ án đều thấy chuyện cầm tiền đến chỗ nọ, chỗ kia
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nhận định năm 2017 công tác đấu tranh PCTN đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, nhìn lại các vụ án hình sự đang điều tra như Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm, có thể thấy đều đã xảy ra nhiều năm trước.
"Các vụ án hình sự lớn đang điều tra thì chỉ giải quyết hậu quả thôi. Nó cũng là hậu quả của công tác quản lý giai đoạn đó có nhiều bất cập, ví dụ như thành lập các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa nghề, rồi hoạt động của các ngân hàng có rất nhiều vấn đề", ông Lê Quý Vương nói.
Theo thượng tướng, một vấn đề quan trọng trong PCTN là tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nếu thực hiện tốt thì sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng rất nhiều. Nhưng thời gian qua hiệu quả của việc này chưa cao.
"Ví dụ, nhìn vào sai phạm của PVC, vụ án đang được chúng tôi điều tra, thì thấy các hoạt động như đấu thầu, chỉ định thầu đều có vấn đề. Hay hoạt động ngân hàng, cho vay rất dễ dàng, vụ Oceanbank đang xét xử cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý", ông lê Quý Vương nói.
"Chúng tôi cũng muốn nói vấn đề lợi ích nhóm, mấy vụ án đều có chuyện họ cầm nhiều tiền đi chia chỗ nọ, chia chỗ kia".
Thứ trưởng Bộ Công an cũng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi các quy định về giám định tư pháp, một trong những nguyên nhân khiến việc điều tra, xử lý các vụ án thời gian qua bị chậm, điển hình là vụ Phạm Công Danh.
Ngoài ngân hàng, nợ xấu, ông Vương cho rằng PCTN cần chú ý cả lĩnh vực quản lý đất đai, các dự án BOT...
Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn phát biểu trước khi kết thúc phiên thẩm tra: "So sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là vấn đề rất phức tạp, do đặc trưng của tham nhũng là ẩn và rất khó có các công cụ đo lường để khẳng định".
Kết luận phiên họp, chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội theo hướng đưa ra các đánh giá, nhận định thật sự thuyết phục, có dẫn chứng và số liệu.
L.K.

PHÁT HIỆN CÁN BỘ THAM NHŨNG, DÂN VUI MỪNG SAO LẠI GỌI LÀ 'NGUY HIỂM' ?

DƯƠNG NGẠN/ DL/BVB 8-9-2017

Ảnh minh họa: Shutterstock
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban tư pháp Quốc hội diễn ra ngày 5/9 (Hà Nội), ông Nguyễn Mai Bộ, uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng, An ninh nói: “Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng” (http://plo.vn/thoi-su/noi-thang-su-that-moi-chong-tham-nhung-duoc-725416.html).
Thật khó hiểu lời ông Bộ nói, phát hiện cán bộ tham nhũng dân vui mừng sao lại gọi là “nguy hiểm”. Nguy hiểm ở chổ nào? Tham nhũng là giặc nội xâm, vậy người dân vui khi diệt giặc nội xâm có gì là sai. Chẳng lẽ, trong nhà nuôi đầy tớ, lương thưởng trả đầy đủ, điều kiện làm việc tốt nhưng nó vẫn ăn cắp tài sản của mình, không phải một lần mà nhiều lần, khi phát hiện được nên buồn hay vui?
Hãy nghĩ xem, cuộc sống người dân thì cơ cực, gánh nặng thuế phí đè nặng trong khi cán bộ lãnh đạo nhiều người sống như vua chúa: biệt thự, xe hơi, con cái du học. Trái ngược như vậy hỏi sao dân không bất bình cho được?
Thực trạng tham nhũng thì đã nhìn rõ, hậu quả cũng đã thấy rõ. Nói thẳng sự thật, cũng nói nhiều nhưng bao nhiêu năm nay có làm được đâu. Đã có biết bao người vì đứng lên tố cáo tham nhũng để rồi chính mình lại trở thành nạn nhân, mà cái giá phải trả là quá đắt. Để tìm hiểu thêm xin hãy đọc bài báo dưới đây:  https://laodong.vn/phong-su/nghe-an-bat-luc-voi-nan-tra-thu-nguoi-chong-tham-nhung-526090.ldo.
Nói thật, bây giờ người ta sợ tham nhũng. Vì bây giờ tham nhũng là số đông chứ không phải số ít như trước kia. Ví dụ, nếu trước đây trong một cơ quan, đơn vị 10 người, chỉ 1 hoặc 2 tham nhũng còn đấu tranh được, bây giờ thì hết 9 người tham nhũng, đâu tranh thế nào? Với lại đấu tranh với một tập thể tham nhũng là khó vô cùng. Trong một xã hội mà môi trường để phản biện độc lập không có thì mọi lời nói thật, nói thẳng rất dễ bị quy chụp vào rất nhiều tội, chẳng hạn như: Vi phạm nội quy, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, bội nhọ lãnh đạo, phản ánh sai sự thật, chống đối, phá hoại, thậm chí là phản động… Là đảng viên có thể bị quy là vi phạm điều lệ Đảng.
Muốn tham nhũng phải có chức, có quyền. Người đứng đầu một cơ quan, đơn vị nhà nước vừa là bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan lại kiêm luôn trưởng ban phòng chống tham nhũng thì chống cái nổi gì? Chủ tịch tỉnh hoặc Bí thư tỉnh lại là trưởng ban chống tham nhũng của tỉnh thì chống ai, ai chống? Mâu thẫu của công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là ở chỗ đó.
Tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có, vậy mà các báo cáo phòng chống tham nhũng hàng năm của các bộ ngành, địa phương và cả chính phủ chỉ phát hiện được vài vụ lẻ tẻ. Chẳng hạn: Yên Bái, một tỉnh nổi tiếng về những vụ phá rừng, biệt phủ của quan chức nhưng 7 năm chỉ tự phát hiện một công chức xã tham nhũng. Bộ Công Thương 10 năm chưa phát hiện được một vụ tham nhũng. Bộ Tài Chính 10 năm, phát hiện 125 vụ tham nhũng nhưng truy tố chỉ 7 vụ. TP.HCM, kiểm tra bội bộ 1 năm, phát hiện 1 vụ tham nhũng... Chỉ lược sơ qua như vậy cũng đủ thấy, thành tích chống tham nhũng và thực trạng tham nhũng chênh nhau như thế nào. Dối trá, bao che, dung túng cho tham nhũng như thế thì bảo dân tin là tin cái gì?
Chung quy lại tất cả là do sự độc tài mà ra. Và đáng sợ hơn nữa, đó lại là sự độc tài tập thể.
Dương Ngạn/(Dân Luận)
XỬ HAY KHÔNG XỬ LÀ CỦA ÔNG TRỌNG
VNTB 7/9/2017
Mẫn Nhi (VNTB) “Cơ quan điều tra tham nhũng độc lập” hay là một thể chế được phân quyền để kiếm soát lẫn nhau tiếp tục là nhu cầu bức thiết từ phía người dân hơn là từ phía các nhà lãnh đạo hiện tại. 


Liên quan đến vụ việc VN Pharma, sáng 5/9, một số báo đưa tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng cho biết liên quan đến vụ việc cụ thể của VN Pharma, Tổng bí thư không có chỉ đạo gì.
Vậy là anh em báo chí lại được phen sửa “tít” (tiêu đề báo).
Vậy là bất nhất không chỉ là một hiện tượng giữa lời nói và hành động nữa, mà ngay cả trong quan điểm/ phát ngôn cũng mang tính bất nhất.
Thực ra sự bất nhất này từng được nhiều tác giả “làm rõ” trên Việt Nam Thời Báo, đó là sự biểu hiện của chia chác, dàn xếp lợi ích của các phe nhóm trong Đảng. Tác giả Kỳ Lâm trong một bài viết với tiêu đề “Ai là ai: củi khô, củi vừa, củi tươi” đã khẳng định: Dù BOT Cai Lậy là thứ để chống bè phái hay lợi ích nhóm, thì nó cũng cho thấy rằng, thủ đoạn trong chính trị Việt Nam là sự thoả hiệp, sự triệt tiêu dường như rất hiếm hoi.
Thứ “củi tươi” không được định giá bằng sự đánh giá khách quan và công tâm, mà độ tươi được đánh giá bởi nó thuộc về khu rừng nào. Vấn đề là giữa khu rừng này với khu rừng nọ lại đan xen nhau, thì ra tính “đổi chác” củi-lửa lại diễn ra liên tục, và vì thế cuộc chiến chống tham nhũng lại trở nên khó khăn đến mức bạn đọc Bích Diệp trong một bài đăng tải trên Dân Trí phải sử dụng cụm từ: “Mừng chảy nước mắt” khi đếm người tham nhũng!  Hay nói như vị Ủy viên Thường trực UBQP-AN Quốc Hội Nguyễn Mai Bộ thì dân mừng vui khi cán bộ bị phát hiện tham nhũng.
Dù chảy nước mắt hay mừng đến phát điên, thì niềm vui của người dân vẫn là một niềm vui “chưa tày gang”. Cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian qua nổi lên điểm Trịnh Xuân Thanh, thì lại chìm vụ Yên Bái hay Thanh Hóa,… Và như Yên Bái, 5 lần dự kiến công bố kết luận đều bị lùi, lùi vì “hoàn thiện, vì chưa được lãnh đạo ký, vì lũ ống”,… Tổng hợp tất cả nguyên nhân cho thấy, biệt phủ Yên Bái hay nhiều vụ “chìm xuồng” khác đều có lý do chính đáng theo cách “phù trợ” bởi thiên nhiên, con người.
Đó cũng là sự bất nhất ngay trong cuộc chiến chống tham nhũng và quyết tâm của người lãnh đạo.
Nó cho thấy một giá trị không đổi trong những nhà lãnh dạo “cộng sản” Việt Nam hiện nay là họ vẫn biết cách “bơm hơi” dư luận theo ý đồ chính trị phe phái của chính họ. Làm người dân “no nê” tin tức phát lộ về tham nhũng mà quên rằng, có những vụ tham nhũng khác được đẩy đi biệt tích một cách có ý đồ.
Do vậy, đúng như bạn Facebooker Phú Lộc cho biết, nó không phải là kết quả “được hay không” của cuộc chiến chống tham nhũng, mà là cách thức nào để tránh được những nhóm hành vi tham nhũng. Hay nói đúng hơn, nếu Việt Nam không có cơ quan điều tra tham nhũng độc lập thì muôn đời con cháu vẫn “mừng chảy nước mắ” khi đếm người tham nhũng, và do đó nên có môn học bắt buộc “sống chung với tham nhũng” ở mọi cấp học trong nền thể chế chính trị - xã hội này.
“Cơ quan điều tra tham nhũng độc lập” hay là một thể chế được phân quyền để kiếm soát lẫn nhau tiếp tục là nhu cầu bức thiết từ phía người dân hơn là từ phía các nhà lãnh đạo hiện tại. Cũng như cách mà ông Tổng thống Putin tuyên bố liên quan đến sự kiện Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, cụ thể:  “Dân Triều Tiên sẵn sàng gặm cỏ…”. Nhưng đó là ông ta tuyên bố trên cơ sở của một người độc tài, một người chuộng quyền lực, bởi người dân Triều Tiên thì gặm cỏ, nhưng Kim-Jong Un lại là kẻ ăn thịt; người dân Triều Tiên không phải là người được phép quyết định có bom hay không mà điều đó nằm trong đầu của gia tộc họ Kim. Nghĩa là Triều Tiên thiếu 1 cơ chế cho người dân quyết định “gặm cỏ” hay không, Nga cũng vậy, Campuchia cũng vậy, và Việt Nam cũng vậy.
Trở lại vấn đề, xử hay không xử vụ VN Pharma lại chính là câu chuyện quyền lực của ông Tổng, ông ta điều hướng câu chuyện theo “nhu cầu” quyền lực của bản thân ông ta và phe nhóm hơn là theo “nhu cầu” và nguyện vọng của người dân.  Vì thế, người dân sẽ phải “gặm cỏ” vì tham nhũng dài dài bởi những cây củi tươi của đảng ông Trọng.
GS Tương Lai – nhân sĩ có tiếng và nhà đấu tranh lý luận dân chủ cho Việt Nam mới đây đã tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam một phần có lẽ nằm trong việc, ông nhận thức được vấn đề liên quan đến ông Trọng, cuộc chiến chống tham nhũng và quyền lợi nhân dân.
Đó là sự rút lui nhằm chống lại sự tha hóa quyền lực cá nhân, phe nhóm nhân danh quyền lợi nhân dân.
Cũng câu chuyện phát ngôn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi nhớ về lời tuyên bố hùng hồn của Bầu Đức vào năm 2016, khi báo chí đưa tin dày đặc về việc ông Bầu Đức sẽ “lo tất” cho đội tuyển U19 Việt Nam nếu sa thải HLV Miura. Nhưng sau đó không lâu, ông bầu Đức đã phản bác lại: “Tôi nói “lo tất” cho đội tuyển khi nào? Cứ đùa!”
Một ngày, ông Tổng Bí thư hiện tại sẽ lên tiếng: Tôi nói “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy“ khi nào? Cứ đùa!
3 TRONG 1,1 TRIỆU: 'CHỐNG THAM NHŨNG' CỦA ÔNG TRỌNG...
THIỀN LÂM/ VNTB 7-9-2017
Vietnam – Cali Today News – Chiến dịch mang tính chiến lược “chống tham nhũng” và một chiến dịch nhỏ hơn mang tính chiến thuật “kiểm tra tài sản 10000 quan chức” của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN – đang tiệm cận với nguy cơ phá sản bởi một “cái tát” từ chính cơ quan Thanh tra chính phủ.
Mãi đến tháng tám năm 2017, Thanh tra chính phủ mới công bố kết quả thống kê các trường hợp quan chức kê khai tài sản năm 2016. Theo đó, trong số 1.113.422 người kê khai tài sản, chỉ có 77 người được xác minh, đặc biệt chỉ 3 trường hợp bị xem là “thiếu trung thực”.
“Không thể tin được!” – nhiều cán bộ về hưu và cả quan chức đương nhiệm thốt lên khi nghe thông tin trên, trong một chế độ mà tham nhũng và thất thoát đã từ lâu trở thành quốc nạn.
Nhưng chưa phải hết. Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn còn tự tin đến mức đưa ra một dự báo là “tham nhũng năm 2018 sẽ giảm”.
Cũng ngay lập tức, giới chuyên gia phát ra câu hỏi: “Cơ sở nào để dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ giảm?”.
Đơn giản là không có một cơ sở nào hết.
Thậm chí ngay cả khối biệt phủ khổng lồ của nhân vật Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà bí thư tỉnh ủy Yên Bái – dù đã bị dư luận trưng ra hình ảnh cùng những chi tiết về tài sản rất cụ thể, phẫn nộ lên án suốt mấy tháng qua, nhưng vẫn bị Thanh tra chính phủ “ém” không chịu công bố kết quả thanh tra tài sản của nhân vật này.
Dư luận vẫn đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về tài sản “khủng” của ông Phạm Sỹ Quý – giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái – Ảnh: NAM TRẦN
Cơ quan Thanh tra chính phủ đã từng có tiền lệ về “thành tích chống tham nhũng”. Trần Văn Truyền – Tổng thanh tra chính phủ – đã từng bị dư luận phát hiện ra ông này sở hữu những ngôi nhà lớn, tọa lạc ngay bên cạnh một xóm nhà lụp xụp rách nát của những người lao động nghèo.  
Sau Trần Văn Truyền là Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh. Có lần trong một hội nghị, ông Tranh còn phát ra cụm từ không thể hiểu nổi “tham nhũng vẫn ổn định”.
Trước năm 2016 là năm 2015. Cứ nhìn vào hiện tượng gần một triệu cán bộ kê khai tài sản trên toàn quốc, mà chỉ phát hiện có 5 trường hợp “kê khai không trung thực” là đủ biết mật độ tham nhũng và bao che tham nhũng dày đặc đến thế nào. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng quá thấp. Chẳng hạn như ở Sài Gòn, chỉ thu hồi được 5 tỷ trong số 2.000 tỷ đồng bị thất thoát, tức chỉ có 0,25%, thua rất xa tiêu chuẩn của thế giới là 30% trở lên.
Hẳn đó là “truyền thống” của Thanh tra chính phủ, dắt dây cho đến ngày nay. Cơ quan này rất hiếm khi chủ động phát hiện hoặc chủ động làm rõ một vụ việc tiêu cực nào. Ngay cả vụ “Mobifone mua AVG” mà bị dư luận tố cáo có nhiều dấu hiệu thất thoát đến 8000 tỷ đồng của nhà nước, một phó tổng thanh tra chính phủ khác là Ngô Văn Khánh cũng bị tố cáo đã cố ý chây ì không báo cáo sự thật về con số chênh lệch khủng khiếp này. Ông Khánh cũng là nhân vật đã và đang bị một số báo nhà nước, mạng xã hội phanh phui khối tài sản rất nhiều tỷ đồng “từ trên trời rơi xuống” của ông ta.
Tham nhũng không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “quan nạn”. Bởi chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được. Còn người dân, cán bộ công chức bình thường khó có thể tham nhũng. Một tổng kết cho thấy gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải từ các cơ quan chức năng phanh phui.
Trong hai năm 2015 và 2016, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, nhưng phát hiện và trừng trị được tham nhũng thì rất ít.
Vào tháng 5/2017, trùng thời gian ông Trọng “xử” Đinh La Thăng, chủ trương “kiểm tra tài sản 1000 cán bộ” đã được Văn phòng tổng bí thư tung ra và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Quốc Vượng công bố khá ồn ào. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chiến dịch này đã chìm hẳn.
Vì sao thế?
Trong thực tế, hồ sơ tài sản “bề chìm” quan chức không chủ yếu đến từ các cơ quan tham mưu của đảng – vốn chỉ quen nắm hồ sơ “bề nổi” theo kê khai. Chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.
Nhưng lại chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng “nắm” được Bộ Công an, dù rằng mối quan hệ chỉ đạo của ông với Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng có vẻ “cơm lành canh ngọt” hơn.
Kể cả việc ông Trọng có vẻ không mấy thực tâm trong việc kiểm tra tài sản các quan chức dưới quyền của mình. Nhiều dư luận đang cho rằng ông Trọng chỉ chăm chăm ngó vào tài sản của giới quan chức thời Nguyễn Tấn Dũng mà bỏ qua giới quan chức thời ông Trọng. Nếu dư luận này là đúng, toàn bộ chủ trương kiểm tra tài sản quan chức mà ông Trọng đưa ra sẽ rất thiếu công bằng, chông chênh và rất dễ sụp đổ khi đụng phải “bức tường” đầu tiên.
Cơ quan Thanh tra chính phủ là một trong những “bức tường” đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét