Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

20170920. QUANH VỤ NGUYỄN XUÂN ANH

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỤ ĐÀ NẴNG: TỔNG BÍ THƯ MUỐN CHẤN CHỈNH KỶ LUẬT ĐẢNG

BBC 19-9-2017

Nguyễn Xuân Anh

Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố Đà Nẵng năm 2015
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng mục đích chính của việc công bố vi phạm của Bí thư và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng là để "phục hồi kỷ luật trong đảng".
David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và nay hay viết các bài báo về chính trị Việt Nam, bình luận với BBC rằng vụ việc diễn ra trong bối cảnh "tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 18/9 nói ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng bị kết luận có các vi phạm, khuyết điểm.
Đảng sẽ kỷ luật dàn lãnh đạo Đà Nẵng?
Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng 'có các vi phạm'?
Cơ quan kỷ luật của Đảng nói hai ông này vi phạm "nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật".
Ông David Brown chỉ ra rằng thành phố Đà Nẵng từng được xem là mô hình quản lý "thông minh" trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh (làm Bí thư Thành ủy từ 2003 đến 2013).
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố này năm 2015 khi mới 39 tuổi.
Dư luận quan tâm đến ông Xuân Anh còn vì ông là con trai của cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, người từng trong một thời gian dài đứng đầu cơ quan vừa ra kết luận về các sai phạm của hai lãnh đạo đương nhiệm tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Chi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giai đoạn 2003-2011.
"Với những sự quan tâm như thế, có lẽ con đường khôn ngoan cho ông Xuân Anh ở Đà Nẵng lẽ ra là thận trọng khi chọn bạn và tránh gây ra scandal," ông David Brown bình luận với BBC.

Nguyễn Bá Thanh
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Sự nghiệp ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) gắn với Đà Nẵng

"Tuy vậy, cũng có thể ông Xuân Anh cho rằng thật khó cho một lãnh đạo địa phương có thành tựu lớn nếu lúc nào cũng tuân theo các quy tắc."
Theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Xuân Anh đã vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
Trong đó có việc "kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực".
Ông cũng bị cơ quan kỷ luật Đảng nói đã "thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp".

'Mâu thuẫn' tại Đà Nẵng

Trong nhiều tháng qua, dư luận không chính thức cho rằng có "đấu đá, mâu thuẫn" giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh đã phải lên báo công khai bác bỏ: "Đã mất đoàn kết nội bộ, đánh nhau thì phải lo đánh nhau chứ thời gian đâu mà chăm chút cho thành phố."
Tuy vậy, sau khi có việc công bố vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, nói với báo Một Thế Giới, dường như xác nhận mâu thuẫn trong thành phố:
"Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo."

BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/Getty ImagesBản quyền hình ảnhBRENDAN SMIALOWSKI/AFP/GETTY IMAGES
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói quá trình chống tham nhũng là cuộc chiến "chống giặc nội xâm"

Cũng cho rằng đã có mâu thuẫn giữa hai lãnh đạo Đà Nẵng, ông David Brown nhận định:
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao cấp trong Đảng cam kết dẹp trừ tham ô cấp cao."
"Tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai."
"Có thể câu chuyện này dính líu việc giải quyết vấn đề phe phái. Nhưng với những bằng chứng hiện có, dường như việc kỷ luật ông Xuân Anh và Đức Thơ chủ yếu là vấn đề khôi phục kỷ luật trong đảng."

CHỦ NHÂN TẤM BẰNG BIẾT RÕ MỨC ĐỘ THẬT RỞM CỦA NÓ

Đ.TR./TTO 19-9-2017

TTO - Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh - bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - vi phạm trong việc kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định.

Chủ nhân tấm bằng biết rõ mức độ thật rởm của nó - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Ảnh: Hữu Khá
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một trong những bằng cấp mà ông Nguyễn Xuân Anh đang sở hữu là bằng tiến sĩ được cấp bởi Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS), sau này đổi tên thành California Southern University.
Vậy để xác nhận một văn bằng tiến sĩ do nước ngoài cấp đảm bảo chất lượng, có thể tham khảo những thông số quy chiếu tin cậy nào? 
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT - cho biết:
- Thông thường để công nhận văn bằng tiến sĩ giữa các nước, người ta phải có các thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau (có thể dựa vào khung các trình độ quốc gia). 
Dựa trên đó sẽ xem xét các trường hợp cụ thể theo quy định do cơ quan quản lý ban hành hoặc các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được thừa nhận.
Xử lý trường hợp cụ thể, người sở hữu văn bằng phải trình các bằng chứng:
- Trường cấp bằng hoặc chương trình tiến sĩ được kiểm định trong thời hạn còn hiệu lực (thường là 5 năm).
- Thời gian đào tạo thông thường khoảng 3 năm sau trình độ thạc sĩ.
- Danh mục các môn học và các chuyên đề nghiên cứu kèm theo khối lượng học tập (thường tính theo tín chỉ) và kết quả học tập từng năm.
- Thông thường phải có một luận án dù làm tiến sĩ khoa học hay kiểu tiến sĩ mang tính chuyên nghiệp (professional doctor) như tiến sĩ quản lý giáo dục, tiến sĩ quản lý kinh doanh... và các bài báo công bố kết quả nghiên cứu.
-  Hình thức đào tạo là tập trung hay trực tuyến.
Theo tôi biết, cách đào tạo trực tuyến online hiện nay mới chỉ có rất hãn hữu chương trình được công nhận văn bằng tại Việt Nam do khó xác thực điều kiện đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra có thể xem xét các bằng chứng khác.


Chủ nhân tấm bằng biết rõ mức độ thật rởm của nó - Ảnh 2.
Website của trường nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Anh

* Ông có biết về chương trình đào tạo tiến sĩ từ xa của California Southern University? Một khóa đào tạo tiến sĩ từ xa thông thường kéo dài bao lâu? Thời gian đào tạo có giá trị thế nào trong việc đánh giá chất lượng văn bằng do đại học nước ngoài cấp?
- Trường CSU trước có tiền thân là Trường Southern California University (SCU) thành lập năm 1978. Năm 1993 đăng ký thương hiệu (trade mark), đến ngày 13-6-1994 thì bị hủy bỏ tư cách. Vì thế, trường này cấp bằng trong giai đoạn sử dụng trade mark đã bị hủy là việc làm không đúng.
Hiện nay, Trường CSU đã được kiểm định cho các chương trình online bởi WASC và chương trình tiến sĩ là 3 năm online, với chương trình từng năm học và số tín chỉ công bố công khai.
Thời gian đào tạo là một yếu tố và người ta quy thành số tín chỉ tích lũy được trong khung thời gian đó. Thời gian hay tổng số tín chỉ tích lũy phản ánh yếu tố quan trọng trong đảm bảo chất lượng. 
Ngoài ra, còn phải chú ý đến chuẩn đầu ra của mỗi môn học và các đồ án trong từng năm học và điều kiện đảm bảo đạt chuẩn đầu ra. 
Đối với Trường CSU hiện nay, chương trình tiến sĩ online yêu cầu 60 tín chỉ cho người có trình độ thạc sĩ cùng ngành học.
* Thời gian qua, nhiều quan chức bị phát hiện dùng bằng do đại học nước ngoài cấp nhưng lại không được công nhận tại Việt Nam. Theo ông, người học có thể là nạn nhân khi không hiểu biết hệ thống văn bằng phức tạp của nước ngoài, hay những dấu hiệu nhận biết bằng chất lượng hay không cũng không phải quá khó nếu người học thực sự muốn sở hữu tấm bằng giá trị thật?
- Đúng là hệ thống văn bằng thế giới phức tạp và theo cơ chế thị trường. Rất nhiều cơ sở đào tạo cung cấp văn bằng có cả thật và giả lẫn lộn, người "tiêu dùng" có thể biết hoặc không biết là chuyện bình thường. 
Cách đây vài năm, Bộ GD-ĐT có cung cấp danh sách một số trường đại học cấp bằng trên thế giới không được tổ chức có uy tín kiểm định để cảnh báo người học. Tuy nhiên, khó mà liệt kê hết được. 
Người học cũng có thể nhận biết được nếu để ý ngay từ đầu về nhà trường hoặc chương trình tiến sĩ định theo học đã được kiểm định bởi tổ chức nào, ở đâu và khi nào hết hiệu lực kiểm định...
Nói thật, chỉ người làm tiến sĩ thì mới biết mức độ thật hay rởm của các nghiên cứu cũng như văn bằng của mình.

Chủ nhân tấm bằng biết rõ mức độ thật rởm của nó - Ảnh 3.

Quy định của Bộ GD-ĐT về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nêu rõ: văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy nếu văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp mà không được Bộ GD-ĐT công nhận thì văn bằng đó không có giá trị pháp lý và người sử dụng nó (trong công tác cán bộ như tuyển dụng, bổ nhiệm…) là không đúng quy định.
Theo Quy định của Bộ Chính trị về "Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm", đảng viên "nhận và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp" (nếu) gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Đ.TR.
BÍ THƯ NGUYỄN XUÂN ANH Ở NHÀ CỦA AI ?
ĐÀ TRANG/ TTO 19-9-2017

TTO - Ông Nguyễn Xuân Anh ở cùng vợ con tại nhà số 43 Nguyễn Thái Học. Ngoài nhà 43, gia đình ông đang sử dụng hai ngôi nhà liền kề. Đó là số 45 và 47. Chúng là của ai?

Bí thư Nguyễn Xuân Anh ở nhà của ai? - Ảnh 1.

Dãy nhà gồm ba căn mà gia đình ông Nguyễn Xuân Anh đang sử dụng, trong đó nhà số 47 Nguyễn Thái Học được làm trụ sở Công ty TNHH Xuân Minh Phát (đại lý vé máy bay) Ảnh: B.C.X.

Ngôi nhà số 43 được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bán cho cha mẹ của ông Xuân Anh từ năm 1993.
Tại cuộc họp báo ngày 31-12-2015, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định: "Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!".
Có đúng "một lô đất thôi" không? Câu trả lời là "không". Như Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận: ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc "sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp", gây dư luận xấu trong xã hội.
Ngoài nhà 43, gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng hai ngôi nhà liền kề. Đó là số 45 và 47. Nhưng rất "khéo léo", số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà. 
Tuy "2 mà 1, tuy 1 mà 2", nhìn bề ngoài chỉ còn thấy một số nhà: 43. Và ngôi nhà ấy bao gồm cả nhà 45 nối thông bên cạnh.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh ở nhà của ai? - Ảnh 2.

Ngôi nhà 45 và ông Vũ "nhôm"

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhà ba tầng số 45 Nguyễn Thái Học có diện tích đất 138,5m2, diện tích sử dụng 342,4m2. Nguồn gốc là nhà đất công sản thuộc sở hữu nhà nước, bố trí cho Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và tư vấn đầu tư Đà Nẵng thuê sử dụng.
Năm 2006, UBND TP thu hồi nhà đất nói trên và bố trí lại cho Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và tư vấn đầu tư Đà Nẵng được thuê địa điểm khác làm trụ sở.
Năm 2007, Công ty IVC có văn bản xin mua ngôi nhà công sản 45 Nguyễn Thái Học nêu trên. UBND TP sau đó ra quyết định phê duyệt giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất cho IVC với giá hơn 2,6 tỉ đồng.
Sau khi nộp đủ tiền, năm 2008 IVC được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
IVC là ai?
Công ty này được thành lập vào năm 2006 với ba thành viên, vốn điều lệ 10 tỉ đồng, sau đó lần lượt tăng vốn điều lệ lên 50 tỉ rồi 60 tỉ đồng. 
Theo thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp ngày 26-6-2009, công ty do ông Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch hội đồng thành viên.
Ông Vũ thường được biết đến với "biệt danh" quen thuộc không chỉ ở Đà Nẵng: Vũ "nhôm".
Ngôi nhà 47 và phu nhân bí thư
Ngôi nhà 47 Nguyễn Thái Học nguồn gốc cũng là công sản, có diện tích đất 159,3m2, diện tích sử dụng 115,8m2. Với cấu trúc 2 tầng, tầng 1 được Công ty Dược Đà Nẵng thuê sử dụng và một gia đình thuê ở tầng 2.
Năm 2008, hợp đồng thuê nhà của Công ty Dược được hủy bỏ do công ty không thuê tiếp. Đơn vị "tiếp quản" là Công ty TNHH Minh Hưng Phát. Sau đó, công ty này xin thuê thêm cả tầng trên khi gia đình tầng 2 không còn nhu cầu.
Năm 2009, Minh Hưng Phát có văn bản xin mua lại ngôi nhà nêu trên và cam kết trả tiền một lần. Căn cứ tờ trình của công ty quản lý nhà, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương bán nhà và chuyển quyền sử dụng toàn bộ nhà, đất tại 47 Nguyễn Thái Học.
Trải qua các thủ tục xem xét, đầu năm 2010 UBND TP phê duyệt giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước nói trên là hơn 4,26 tỉ đồng.
Hiện nay ngôi nhà 47 được Công ty TNHH Xuân Minh Phát sử dụng. Doanh nghiệp này thành lập đầu năm 2013, ngành nghề chính là "hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải" (đại lý vé máy bay, vé tàu, vé ôtô; dịch vụ giao nhận hàng hóa). Người đứng tên đại diện theo pháp luật là Bùi Thị Diễm.
Và thật trùng hợp, vợ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng có tên Bùi Thị Diễm.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh ở nhà của ai? - Ảnh 3.

'CÁI THÙNG RỖNG, GÕ THÌ RẤT KÊU, NHƯNG TRONG RUỘT THÌ CHẢ CÓ GÌ CẢ'

XUÂN QUANG/ GDVN 20-9-2017
Hoan nghênh tinh thần làm việc của Ủy ban Kiểm tra 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận đối với hai lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ.
"Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Anh và đồng chí Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật", kết luận nêu rõ.
Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là những vi phạm của Bí thư Nguyễn Xuân Anh - nó không giống như những gì mà trước đó vị này từng tuyên bố.
Cách đây không lâu, trả lời cử tri ngày 12/7/2017, ông Xuân Anh cho rằng: "Không có đại gia nào có khả năng chi phối lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.Còn nhớ tại buổi họp báo định kỳ tháng 12/2015, ông Xuân Anh từng tuyên bố: "Nếu bất cứ ai phát hiện hay tìm hiểu tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở thì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí tôi sẽ từ chức".
Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài, nên chẳng việc gì phải thế này, thế kia. Tôi không việc gì mà phải đánh đổi truyền thống gia đình, không ai có thể chi phối".


Đà Nẵng trả lại xe ô tô do doanh nghiệp tặng. Ảnh: giaoduc.net.vn.
Bình luận về sự việc nói trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho biết, ông hoan nghênh tinh thần làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong vụ việc nói trên và cảm thấy buồn trước những vi phạm của cán bộ cấp cao đương nhiệm.
"Ông Xuân Anh từng có nhiều phát ngôn ấn tượng trên các diễn đàn trong quá trình quản lý, điều hành. Nhưng kết luận của Ủy ban kiểm tra lại cho chúng ta một cái nhìn khác. Một cái thùng rỗng, gõ thì kêu rất to nhưng trong ruột chả có gì cả. Cán bộ cấp cao mà làm như vậy (vi phạm) thì quá buồn", Tướng Thước thẳng thắn.
Nguyên Tư lệnh Quân khu IV cũng cho rằng, chuyện ông Huỳnh Đức Thơ, ông Nguyễn Xuân Anh chỉ là số nhỏ trong số những người "nói thì rất ghê gớm, nhưng làm thì toàn ngược lại".
"Tôi cho rằng, nếu làm cho ra nhẽ thì cả nước không chỉ có ông Anh, ông Thơ đâu, mà còn nhiều cán bộ khác cũng như vậy", Tướng Thước nhận định.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khai không trung thực về bằng cấp.
"Người tham mưu công tác cán bộ trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của cán bộ. Để cán bộ ngồi được vị trí đó phải có cơ quan đề bạt, bổ nhiệm.
Cán bộ vi phạm thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó cũng phải kiểm điểm. Cán bộ tốt thì công tác lãnh đạo của Đảng sẽ tốt. Cán bộ xấu thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ kém đi. 
Qua sự những sự việc này, Đảng cần rút ra kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ Đảng viên", Tướng Thước nói thẳng.
Nguyên Tư lệnh Quân khu IV nói thêm, để giải quyết những vấn đề còn thiếu sót trong công tác cán bộ cần phải đi từ gốc rễ vấn đề chứ không phải cứ đi tìm "sâu" để diệt.
"Nếu không tập trung vào giải quyết tận gốc vấn đề diệt được "sâu" này sẽ đẻ ra "sâu" khác", Tướng Thước nói.
"Tôi quan tâm chuyện khác"
Một chi tiết rất đáng chú ý trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đó là: Ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc "sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp", gây dư luận xấu trong xã hội.
Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Về việc này, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ hữu cơ này.
"Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cơ bản đã rõ, nhưng điều tôi quan tâm nhất là vấn đề vật chất, xung quanh câu chuyện xe, nhà, có liên quan tới Bí thư Xuân Anh.
Tại sao doanh nghiệp có tiền không tặng nhà cho những người cựu chiến binh, lão thành, tặng trẻ vùng cao mà lại đi tặng những người đương chức đương quyền? Tặng cho lãnh đạo phải có điều kiện chứ, chứ đâu phải tặng không được.
Chuyện tặng nhà, sử dụng xe do tư nhân tặng có mối quan hệ gì với Bí thư Xuân Anh trong trường hợp này không?  Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, cần phải điều tra làm rõ mỗi quan hệ hữu cơ này", ông Thuận nêu quan điểm.
XUÂN QUANG
ÔNG NGUYỄN XUÂN ANH GÂY 'SÓNG GIÓ' RA SAO ?
SƠN TRÀ/ NLĐ 19-9-2017

Sau khi ngồi ghế Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh liên tục điều động, luân chuyển cán bộ, gây ra nhiều bất bình. Ông cũng để xảy ra điều tiếng vì nhận xe, nhà do doanh nghiệp tặng

Trong những sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mà Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương kết luận, có nội dung khi xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện áp đặt đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự mất đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
Liên tục điều động, luân chuyển
Ông Nguyễn Xuân Anh được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa XXI vào ngày 16-10-2015. Chỉ vài tháng sau khi ông Anh nhậm chức, Đà Nẵng bắt đầu "nổi cơn sóng gió" về công tác cán bộ.
Điển hình, ngày 13-1-2016, Ban Thường vụ Thành ủy phân công, điều động ông Lê Quang Nam - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP - giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020; ông Hồ Kỳ Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ nhiệm kỳ 2011-2016 - giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.
Đến ngày 2-3-2016, Thành ủy Đà Nẵng công bố các quyết định phân công nhiệm vụ cho các Thành ủy viên là ông Võ Ngọc Đồng và ông Đào Tấn Bằng. Theo đó, ông Võ Ngọc Đồng thôi giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy để nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; ông Đào Tấn Bằng thôi giữ chức Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn để giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy. Dịp này, Thành ủy Đà Nẵng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều nhân sự tại các sở, ban, ngành, địa phương.
Đến tháng 7-2016, Ban Thường vụ Thành ủy lại quyết định điều ông Lê Quang Nam, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, đảm nhận chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); bà Huỳnh Thị Tam Thanh thôi làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy về giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tiếp đến, ngày 6-2-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Nguyễn Thanh Quang (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV TP Đà Nẵng) thôi giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy để nhậm chức Bí thư Quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng lúc này, điều chuyển ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng.
Đến ngày 6-3-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
Khác nào trù dập (?!)
Việc điều động, luân chuyển cán bộ của Đà Nẵng đã gây ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đầu tiên là việc điều động ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP, nhận công tác khác khiến ông Điểu phản ứng kịch liệt.
Theo lộ trình, đến tháng 2-2018, ông Điểu sẽ về hưu đúng tuổi quy định. Tuy nhiên, khoảng tháng 6-2016, Ban Thường vụ điều động ông Điểu sang làm Phó Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Ban Công nghệ cao... Ông Điểu một mực từ chối vì cho rằng ông không thể hoàn thành công việc "lạ lẫm" đó và nhất quyết không nhận. Vì lý do này, tháng 7-2016, ông Điểu xin nghỉ việc.
Liền sau đó, ông Lê Quang Nam vừa được điều động giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ chưa được 7 tháng lại tiếp tục được điều sang giữ chức Giám đốc Sở TN-MT. Lúc này, dư luận cho rằng ông Điểu "bị đày" đến mức phải nghỉ việc.

Ông Nguyễn Xuân Anh gây sóng gió ra sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Anh (người ở giữa, chỉ tay) trong một lần thị sát kiểm tra tình hình ô nhiễm trên bãi rác Khánh Sơn Ảnh: BÍCH VÂN

Vụ thứ hai là điều động ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng. Dư luận lúc đó cho rằng từ một bí thư quận năng nổ, nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà về làm hiệu trưởng Trường Chính trị là không bình thường, bị trù dập.
Nhưng "sóng gió" nhất phải kể đến vụ điều chuyển Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng sang ngồi ghế Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Lúc đó, dư luận cho rằng ông Đặng Việt Dũng có trình độ chuyên môn là tiến sĩ kỹ thuật, thạc sĩ ngành thủy lợi, kỹ sư ngành đường ô tô và đã từng đảm nhiệm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng rồi Bí thư Quận ủy Hải Châu nên giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo thì không đúng chuyên môn cho lắm.
Nhưng rồi, ngày 7-7-2017, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đối với ông Đặng Việt Dũng để ông Dũng chuyển hẳn sang nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đánh giá việc luân chuyển điều động cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã gây mất đoàn kết, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Xuân Anh.
Điều tiếng xe và nhà
Trong kết luận của UBKT trung ương cũng nêu rõ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vi phạm trong việc đồng ý tiếp nhận, sử dụng ô tô và 2 nhà do doanh nghiệp (DN) biếu, tặng sai quy định.
Trước đó, vào giữa tháng 2-2017, dư luận bàn tán xôn xao việc ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng ô tô nghi do DN biếu tặng. Vụ việc này Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin và sau đó, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng đã lên tiếng.
Theo đó, chiếc xe này hiệu Toyota, BKS 43A-299.99 do Bộ Công an cấp và được Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đăng ký vào ngày 2-2-2016. Về nguồn gốc, xe do Công ty TNHH Minh Hưng Phát (đường Trần Phú, TP Đà Nẵng) trao tặng cho Thành ủy Đà Nẵng và do Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng (72 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng) trực tiếp quản lý, điều động, đưa vào tài sản công do Thành ủy Đà Nẵng quản lý. Đến ngày 4-3 vừa qua, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Văn phòng Thành ủy làm thủ tục trả lại chiếc xe trị giá trên 1,3 tỉ đồng này cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát.
Cũng theo ông Bằng, đáng chú ý là ngoài chiếc Toyota BKS 43A-299.99, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đang quản lý và sử dụng 4 xe công khác đều do DN tặng từ nhiều năm trước đó.
Như kết luận của UBKT trung ương nêu, ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng 2 nhà ở của DN, dư luận cũng từng bàn đến việc cho - nhận bất thường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài căn nhà 43 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu mà gia đình ông Nguyễn Xuân Anh đang ở do cha mẹ ông sở hữu, còn 2 ngôi nhà nghi do DN biếu tặng nằm ở số 45 và 47 Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, ngôi nhà số 45 (nhà 3 tầng, diện tích đất 138,5 m2, diện tích sử dụng 342,4 m2) được gỡ bỏ địa chỉ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa 2 ngôi nhà, thông vách với nhau.
Riêng ngôi nhà số 47 (2 tầng, diện tích đất 159,3 m2, diện tích sử dụng 115,8 m2) đang là đại lý bán vé máy bay.
Điều trùng hợp là ngôi nhà 47 cũng do Công ty Minh Hưng Phát tiếp quản sở hữu với người đứng tên là bà Bùi Thị Diễm, trùng tên với vợ Bí thư Nguyễn Xuân Anh!
Lấy văn bằng trường California Southern University không khó
Kết luận của UBKT trung ương cũng nêu ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Trước đó, từ tháng 2-1995 đến tháng 9-1998, ông Nguyễn Xuân Anh học cử nhân Quản trị kinh doanh tại trường Humber College (Canada); từ tháng 3-2001 đến tháng 9-2002, học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường California Southern University (TP Costa Mesa, bang California - Mỹ). Cũng từ trường California Southern University, từ tháng 3-2005 đến tháng 12-2006, ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chưa công nhận văn bằng của trường này.
Thực ra, California Southern University là một trường đại học tư thục của Mỹ, có tên dễ nhầm lẫn với trường đại học tư nổi tiếng 137 năm tuổi là University of Southern California (TP Los Angeles, bang California).
California Southern University được thành lập vào năm 1978, cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến cho các sinh viên, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực kinh doanh, luật, tư pháp hình sự và tâm lý cho sinh viên trong và ngoài nước, sử dụng hệ thống giáo dục độc quyền. Trước năm 2007, trường này có tên là Southern California University for Professional Studies. Ban đầu, trường chỉ có chương trình đào tạo cao đẳng, sau đó mở rộng cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trường được cấp chứng nhận chất lượng vùng bởi Hiệp hội các Trường học, đại học và cao đẳng khu vực phía Tây Mỹ (WASC).
Theo trang web chính của California Southern University, học viên theo học sẽ học tất cả các môn trực tuyến theo lịch trình mà cá nhân tự đặt ra; không có kỳ tuyển sinh đầu vào và mỗi tháng đều có mở khóa học mới. Học viên nước ngoài chỉ cần đăng ký nhập học trực tuyến bằng cách điền đầy đủ thông tin, gửi kèm bảng điểm của các trường đã học trước đây và các giấy tờ cần thiết, như bản sao hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, sao kê tài khoản ngân hàng…
Riêng chương trình tiến sĩ Quản trị kinh doanh, ngoài yêu cầu về bằng thạc sĩ liên quan, học viên phải hoàn thành 60 tín chỉ và luận văn trong thời gian học kéo dài khoảng 4 năm. X.MAI

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương:
Có khuất tất, biểu hiện trục lợi
Kết luận của UBKT trung ương đối với vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được dư luận đồng tình. Người đảng viên mà lại khai không đúng lý lịch, bằng cấp để vào trung ương thì rõ ràng là sai phạm, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Rồi ở ở cương vị lãnh đạo lại có những biểu hiện sử dụng xe, nhà của DN thì rõ ràng là có khuất tất, biểu hiện trục lợi.
Khi đã là một ủy viên Trung ương Đảng thì vị cán bộ phải là người thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước, pháp luật và khi có vi phạm thì đều chịu hình thức xử lý. Hình thức xử lý đối với vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương quyết định.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng
Kết luận của UBKT trung ương là dấu hiệu tích cực của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XII.
Trên tinh thần siết chặt kỷ cương, trong khóa XII này đã kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị và sắp tới có thể xem xét xử lý 1 ủy viên trung ương mà lại là bí thư của một thành phố quan trọng như Đà Nẵng. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của trung ương, của Bộ Chính trị là "không có vùng cấm". Bất cứ ở cấp nào mà vi phạm kỷ luật của Đảng thì cũng xử lý nghiêm minh.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh là rất đáng buồn nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành. Từ trường hợp này cũng cho thấy công tác cán bộ, đánh giá con người rất khó, còn những kẽ hở.
T.DŨNG ghi
SƠN TRÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét