Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

20170913. GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG BÀN VỀ SỰ NHẦM LẪN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÔI NHẦM LẪN Ở ĐÂU ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 13-9-2017

Kết quả hình ảnh cho nguyễn đình cống

GS Nguyễn Đình Cống (Ảnh trên internet)

Ngày 2/9/2017 GS. Tương Lai tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản (ĐCS) của Nguyễn Phú Trọng và “tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh”. Điều này tạo ra dư luận ủng hộ và phản bác.
Tôi yêu mến và kính phục GS Tương Lai, tôi ủng hộ, đề cao quyết định của ông từ bỏ ĐCS, thông cảm và tôn trọng ý của ông trong việc tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động, đặc biệt là việc đó làm cho lương tâm ông thanh thản. Thông cảm và tôn trọng vì trong nhiều năm trước đây tôi cũng có suy nghĩ như ông, nhưng nay tôi không đồng tình. Vì sao vậy. Vì gần đây tôi bỗng ngộ ra rằng trong nhận thức của mình về cộng sản có cái gì đó nhầm lẫn. Tôi xin trình bày sự nhầm lẫn đó để cho những ai quan tâm có thể trao đổi.
Tôi có nghiên cứu về các loại nhầm lẫn và nguyên nhân, trong đời tôi cũng phạm nhiều thứ nhầm lẫn khác nhau, nhưng xin gác lại các chuyện đó mà chỉ trình bày vài nhầm lẫn về CS. Thực ra không phải tự tôi phát hiện được toàn bộ các nhầm lẫn mà cũng nhờ tham khảo ý kiến của nhiều người khác.
Nhầm thứ nhất: Đảng, dù là CS hay Lao động đều theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng và giành thắng lợi trong chiến tranh. Điều này làm tôi bị nhầm là nhờ CNML mà nhân dân ta giành được thắng lợi. Đúng là Đảng theo CNML, đúng là Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong chiến tranh, nhưng cho rằng nhờ CNML mà có thắng lợi như vậy là nhầm, là phạm vào lỗi ngụy biện kiểu “vượt qua” hoặc “quy chụp”. Để biết rõ nhầm ở đâu chỉ cần đừng vội tin, đừng vội nghe theo lời tuyên truyền mà phải dùng phương pháp “truy chứng”, lần lượt đặt ra và trả lời các câu hỏi liên tiếp: Bản chất CNML gồm những vấn đề gì (duy vật, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu tư liệu sản xuất…). Nói nhờ CNML, cụ thể là nhờ cái gì, như thế nào. Đảng đã vận dụng CNML cụ thể vào những việc gì (cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, công hữu ruộng đất, kinh tế quốc doanh…), kết quả cụ thể như thế nào (chủ yếu là thất bại). Vậy không nhờ CNML thì nhờ cái gì mà Đảng lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh. Điều này xin tạm để mọi người lý giải. Từ 1986, Đảng chủ trương cởi trói, mở cửa, đổi mới, miệng thì nói vận dụng sáng tạo CNML, thực chất là làm ngược lại với nó.
Trước đây tôi vẫn cho rằng dù sao CNML cũng có mục tiêu tốt đẹp, đáng trân trọng, dù sao nó cũng có đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, cũng là một động lực làm cho chủ nghĩa tư bản phải tự biến đổi để phát triển như ngày nay. Đó là một sự nhầm lẫn giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất. Để vạch ra sự nhầm này cũng chỉ cần đặt ra và trả lời một số câu hỏi như: Sự phát triển của các nước Bắc Âu nhờ vào cái gì của CNML; Tại sao Singapore rất phản đối CNML mà phát triển được như vậy. Phải chăng nhờ CNML mà khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay…?
Xin lấy thí dụ: Một người mang ba lô đựng mấy quyển sách, đẩy chiếc xe chở nặng trên đường gập gềnh, vừa đẩy xe, mồm nhẩm đọc vài câu trong sách. Có người đưa ra nhận xét “Người kia đẩy được chiếc xe nhờ mang ba lô và mồm nhẩm đọc” . Bạn nghĩ gì về nhận xét này?
Nhầm thứ 2: Đảng là một tổ chức, đảng viên là những con người cụ thể. Ảnh hưởng qua lại giữa con người và tổ chức là có, nhưng không hoàn toàn. Con người có nhiều đức tính khác nhau, tạm quy về 2 nhóm là tốt và xấu. Nhìn vào một đảng viên, thấy được cái tốt, cái xấu của họ. Hỏi rằng cái tốt ấy, cái xấu ấy do đâu mà có.
Tôi vào Đảng lúc gần 50 tuổi, tuy có nghi ngờ về CNML, nhưng thấy rằng trong Đảng bộ có nhiều người tốt, đáng cho tôi học hỏi và cộng tác. Gần 80 tuổi tôi từ bỏ Đảng khi khẳng định các sai lầm của CNML, trong khi những con người tốt ấy vẫn còn đó ở trong Đảng. Trước đây tôi nhầm là nhờ Đảng mà một số đảng viên trở nên tốt đẹp. Thì ra không phải hoàn toàn như vậy. Thời kỳ Đảng còn bí mật, có một số người khi ở ngoài Đảng chưa biết gì, chỉ có lòng hăng hái, khi vào Đảng, được huấn luyện về học thuyết và phương pháp công tác. Còn bản chất? Nếu có bản chất tốt, họ mang theo cái tốt ấy khi vào Đảng và vẫn giữ lại được ít nhiều. Đảng tạo cho họ có cương vị, nhưng đồng thời cũng hạn chế phần nào những mặt tốt của họ và còn dạy cho họ những điều xấu về thù hận, về đấu đá, tạo cho họ những cơ hội để phát triển các thói xấu về đặc quyền đặc lợi. Câu nói: “người ấy đảng viên nhưng mà tốt” phản ảnh một phần nào sự thật. Có không ít người bản chất là xấu, cơ hội, thậm chí ngu và tham, vào được trong Đảng, tổ chức Đảng tạo điều kiện và thời cơ cho những thói xấu đó phát triển.
Có một số ý kiến cho rằng về bản chất tổ chức CS là không thể cải tạo, điều ấy có thể đúng. Nhưng xét riêng từng đảng viên, tôi nhận ra rằng, trừ bọn cơ hội, còn khá nhiều đảng viên giữ được thiện chí, có thể tự cải tạo, được cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội.
Nhầm thứ 3: Đảng trước đây và Đảng bây giờ. Nhạc phụ tôi vào Đảng năm 1936, mất năm 1997. Trong những năm cuối đời ông băn khoăn về sự mất lòng tin vào Đảng của dân nói chung và của con cháu ông nói riêng. Tôi đã nói với ông rằng Đảng của ông và Đảng ngày nay tuy có cùng tên nhưng đã là 2 đảng khác nhau. Gần đây nghĩ lại tôi phát hiện ra nhầm lẫn. Quả thật có sự khác nhau rất lớn, điều đó chủ yếu do đảng viên khác nhau chứ bản chất đảng không khác. Trước đây nhiều người ưu tú, vì được nghe tuyên truyền mục tiêu tốt đẹp mà vào Đảng. Họ hy sinh, phấn đấu cho điều tốt đẹp đó. Nhìn thấy những đảng viên như vậy cứ tưởng nhầm Đảng tốt. Nhưng không phải. Những cái tốt được phô ra bên ngoài ấy là hình thức, còn bản chất Đảng vẫn chủ trương đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính và trong sâu thẳm còn chứa đựng những mầm mống độc hại, nguy hiểm, chỉ tạm thời chưa thế hiện ra mà thôi. Ngày nay, phần lớn người vào Đảng là bọn cơ hội, vào để tìm kiếm quyền lợi, chúng nó triệt để lợi dụng tổ chức của Đảng để thực thi đường lối độc tài toàn trị. Bản chất của Đảng ngày nay và trước đây là giống nhau, nhưng bây giờ thể hiện ra rõ ràng hơn.
Đối với đất nước, sẽ rất tốt khi có những người thành lập được đảng chính trị đối lập. Hay nhất là một số đảng viên hiện nay tách ra thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Lao động, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội hoặc một tên gì khác. Có thể lấy tên Đảng Lao động nhưng không quay trở về với cương lĩnh, đường lối của Đảng Lao động trước đây. Đảng mới lập phải là một đảng chính trị, có tổ chức, có cương lĩnh khác với đảng cách mạng. Cương lĩnh của đảng này phải là xây dựng thể chế chính trị dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập, kiên quyết từ bỏ CNML và con đường XHCN.
Kết luận - Người ta, kể cả các trí thức lớn, các nhà khoa học lỗi lạc cũng khó tránh khỏi một vài nhầm lẫn. Vấn đề quan trọng là làm sao để phát hiện ra nhầm lẫn và phát hiện được rồi thì xử lý như thế nào. Đó là một trong những vấn đề khó cho mỗi người.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

GS TƯƠNG LAI NÓI THẾ NHƯNG KHÔNG PHẢI THẾ

THIỆN Ý/ VOA 12-9-2017

Nhà trí thức hàng đầu ở Việt Nam, Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Ðảng Cộng sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh mùng 2-9-2017.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Đài VOA mới đây Gs Tương Lai nói lại cho rõ là “ Tuyên bố của tôi mà một vài đài xem không kỹ, nghe không kỹ cho nên nói chưa chính xác, tôi xin nói lại, tuyên bố của tôi là dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên Đảng Lao động, đảng của Hồ Chí Minh…”. Vì sao?
Gs Tương lai giải thích, rằng “Tôi dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa, để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của Hồ Chí Minh. Tôi muốn nhấn mạnh điều ấy…”.
Tuyên bố và giải thích như thế, khách quan người ta phải hiểu là Ông Tương Lai chỉ rút ra khỏi đảng CSVN hiện tại của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng vẫn là một đảng viên cộng sản của đảng Lao Động Việt Nam (Tên gọi khác của đảng CSVN) của Hồ Chí Minh trước đây. Vì ai cũng biết việc thay tên đổi họ cho đảng CSVN vốn là một thủ thuật chính trị để đáp ứng theo đòi hỏi của tình hình thực tế. Thủ thuật này được vận dụng ngay từ khi mới thành lập đảng vào ngày 3-2-1930, với cái tên đảng CSVN, chẳng bao lâu sau đó đã vội đổi thành đảng Cộng sản Đông Dương do nhu cầu kết hợp lãnh đạo “chiến tranh cách mạng dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc” ở cả ba nước Đông Dương thuộc Pháp lúc bấy giờ là Việt-Miên-Lào; nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, theo chỉ thị của Đệ tam Quốc tế Cộng sản ở Moscow.
Tháng 8 năm 1945 sau khi cướp được chính quyền trên cả nước, bằng kỹ thuật vận dụng sức mạnh của quần chúng nhân dân đấu tranh (vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng mà), nên không đổ máu. Sau đó, ngày 2-9-1945 lãnh tụ cộng sản Việt nam Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thành lập chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng. Để dấu “cái đuôi cộng sản” tìm sự hậu thuẫn quốc tế và sự ủng hộ của nhân dân trong nước, ngoài nội dung bản Tuyên ngôn có câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Hồ Chí Minh lấy ý từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ( Con người được Tạo hóa sinh ra có quyền tự do và bình đẳng…); và quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với bản Hiến pháp năm 1946 sau đó, đều muốn chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia độc lập, với chế độ dân chủ pháp trị theo ý thức hệ dân chủ Phương Tây, nên đảng Cộng sản Đông Dương, giả vờ giải tán ngày 11/11/1945, mà thật ra là rút lui vào hoat động bí mật.
Sở dĩ phải dấu “cái đuôi cộng sản” vì lúc đó Thế Chiến II vừa kết thúc, thế lực của các cường quốc dân chủ tư bản Phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ vẫn bao trùm thế giới. Cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mới manh nha và chủ nghĩa cộng sản bị coi là hiểm họa của toàn thế giới. Liên-Xô sau trở thành đối cực của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu này, lúc đó còn yếu kém, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa chưa hình thành, đảng CSVN chưa có chỗ dựa vững chắc nên cần hậu thuẫn của các cường quốc dân chủ tư bản Phương Tây cho nền độc lập còn mong manh mới hình thành. Đối với nhân dân trong nước, chủ nghĩa cộng sản còn xa lạ, lại bị hàng ngũ lãnh đạo kháng chiến chống Pháp mang ý thức hệ quốc gia tuyên truyền về hiểm họa của chủ nghĩa cộng sản vô thần, với chủ trương “tam vô” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo…) nên rất sợ cộng sản.
Sau Hiệp Định Genève ngày 20-7- 1954 chia đôi đất nước, mặc dầu cộng sản Bắc Việt đứng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa, nhưng đảng CSVN vẫn phải dấu “cái đuôi cộng sản”. Do đó, Đảng Lao Động đã ra đời tháng 2/1951 chỉ là cái mặt nạ của đảng CSVN. Bảng hiệu chế độ vẫn là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thực tế cũng như thực chất đã và đang xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Liên-Xô vá víu với Trung cộng. Sự che dấu sống sượng này chỉ là vì Ông Hồ và đảng CSVN vẫn muốn sử dụng lập trường “ngụy dân tộc” từ thời kháng chiến chống Pháp, để khơi dạy, lừa mị và lợi dụng lòng yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân, phát động và tiến hành cái gọi là “Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước” dưới ngọn cờ “ giải phóng dân tộc” ở Miến Nam Việt Nam. Trong khi thực tế cũng như thực chất cuộc chiến tranh do CSBV phát động sau năm 1954 chỉ là một cuộc chiến tranh thừa sai, làm nhiệm vụ công cụ tri tình cho quốc tế cộng sản, nhuộm đỏ Miền Nam hầu thỏa mãn tham vọng cộng sản hóa toàn cầu của hai tân đế quốc Đỏ Nga-Tàu.(mà thực tế nay thì đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn, chủ nghĩa cộng sản đang ở vào giờ thứ 25)
Tất cả sự thật trên đã được phơi bày sau ngày 30-4-1975 khi CSBV cưỡng chiếm được Miền Nam, đưa cả nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”; và bảng hiệu đảng Lao Động Việt Nam được đổi thành đảng Cộng sản Việt Nam theo đúng tên gọi đầu tiên mới thành lập vào ngày 3-2-1930.Đồng thời, hai đảng Dân Chủ của Nghiêm Xuân Yêm và đảng Xã Hội của Nguyễn Xiển do đảng CSVN dựng lên để trang trí bộ mặt giả tạo như là một chế độ dân chủ cộng hòa đa nguyên,đa đảng cũng bị giải tán. Vì “vai trò lịch sử” đã chấm dứt như lý do được đảng CSVN đưa ra sau ngày 30-4-1975 để giải tán hai đảng cò mồi này, cùng lúc khai tử công cụ quân sự “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” và công cụ chính trị “Chính phủ Cách Mạng Lâm thới Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Tất cả sự thật lịch sử và thực tiễn trên đây, về thủ thuật thay tên bảng hiệu đảng CSVN lúc này lúc khác, người dân thường ai cũng biết. Tất nhiên Gs. Thương Lai, một đảng viên CS kỳ cựu, từng nắm nhiều chức vụ quan trọng hàng đấu lãnh vực tư tưởng marxist-Lêninnist, hơn ai hết phải biết đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh trước đây và đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn là một.
Thành ra, Gs Tương Lai nói thế, nhưng không phải thế đâu. Vì sao?
Theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người, Gs. Tương Lai nói thế có thể là vì:
1.- Về mặt tâm lý, dường như Gs Tương Lai muốn diễn đạt sự ly khai khỏi đảng CSVN theo cách biểu tỏ của một tín đồ tôn giáo ly khai khỏi giáo hội vì mất đức tin, nhưng vẫn không dám công khai thừa nhận mình đã mất đức tin, mà lại nói lý do ly khai khỏi tổ chức giáo hội là vì các tăng lữ lãnh đạo đã điều hành giáo hội sai trái với tín lý, tín điều của giáo hội và giáo chủ tiền nhiệm.
Theo đó, Gs Tương Lai thực sự cũng đã mất tin tưởng vào lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, vào vai trò “Đội tiên phong của giai cấp công nhân hay vô san” của đảng CS, nên đã ly khai khỏi đảng CSVN, nhưng bề ngoài vẫn phải nói chỉ “dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng…”nhưng vẫn “tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên Đảng Lao động, đảng của Hồ Chí Minh…”.
2.- Về mặt thực tế, Gs Tương Lai phải dùng cách biểu tỏ trên có thể chỉ là cách tự vệ, muốn tạo vỏ bọc bằng hình tượng Hồ Chí Minh và đảng Lao Động Việt Nam, để đảng và nhà cầm quyền CSVN không có lý cớ trấn áp thô bạo, triệt hạ Ông quyết liệt như một tên “phản động, ly kha, chống đảng”.
Vì Ông vẫn “…tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của Hồ Chí Minh”. Vì đảng CSVN hiện nay “ là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa,…”. Do đó,việc tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên đảng Lao Động của Ông không có nghĩa là ly khai khỏi đảng; và việc “tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên Đảng Lao độngViệt nam” vẫn mang tính chất “đấu tranh nội bộ đảng” mang tính xây dựng để giải quyết mâu thuẫn nội bô (đảng) chứ không phải là một “mâu thuẫn đối kháng” (một mất một còn). Về nguyên tắc Gs Tương Lai vẫn trung thành với lý tưởng cộng sản của “Đảng Ta”; có phản đảng, chống đảng gì đâu mà trấn áp bỏ tù Ông được.Vì vậy về thực tế, người ta cho rằng Gs Tương Lai nói thế chứ không phải thế đâu.
Thực tế là, trong nhiều năm qua Gs Tương Lai đã có các hoạt động tham gia biểu tình chống Trung quốc xâm lược, có nhiều bài viết là tuyên bố mang tính cổ vũ và đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ, dân sinh và nhân quyền theo chiếu hướng dân chủ hóa đất nước.Điều này cho thấy từ lâu Ông (cũng như rất đông đảng viên CS khác còn dấu mặt) đã là một “đảng viên cộng sản phản tỉnh”, đã “mất đức tin cộng sản chủ nghĩa”. Thê nhưng cách biểu tỏ của Ông người ta cho rằng chỉ là sự “ phản tỉnh nửa vời” (về nhận thức), chứ chưa “Phản tỉnh hoàn toàn” ( cả nhận thức lẫn hành động quyết liệt, triệt để) góp phần hiệu quả tạo được chuyến biến có ý nghĩa cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam một cách hòa bình, theo quy luật “ Lượng đổi (lượng dân chủ thay thế dần lượng độc Tàichất đổi (chất độc tài tiêu vong, chất dân dân chủ lên ngôi) ; như nước đun sôi đến 100 độ thì phải bốc hơi thôi. Đó là quy luật mà, những người cộng sản bảo thủ, ngoan cố và duy ý chí cách mấy rồi đây cũng không thể cưỡng lại được đâu.
Dẫu sao việc công khai tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng…”của Gs Tương Lai, một đảng viên CS kỳ cựu, một trí thức hàng đầu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền chế độ độc tài toàn trị đương thời tại Việt Nam đã là một hành động dũng cảm rất đáng ca ngợi. Hành động quả cảm này như tiếng chuông cảnh tỉnh các đảng viên cộng sản chân chính khác sớm có hành động thức thời để cứu dân cứu nước.
Thiện Ý
Houston, ngày 9 tháng 9 năm 2017

VÌ SAO CÔNG TÁC CHỐNG THAM NHŨNG Ở  KHÔNG HIỆU QUẢ ?

RFA/ BVN 12-9-2017

clip_image002

Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. AFP

Tính chất dây chuyền của tham nhũng

Nhìn qua những vụ án tham nhũng được báo chí nêu ra thời gian qua và đánh giá một cách khái quát nhất về vấn đề chống tham nhũng, chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định ông ghi nhận nỗ lực và ý chí của chính phủ trong công tác chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “không thể chờ đợi hay mong rằng điều này có thể giải quyết một cách rốt ráo được”.
“Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, có tính chất lâu đời và đặc biệt có tính chất dây chuyền mắc xích. Vấn đề tham nhũng không phải chỉ ở ban, bộ, ngành nào mà nó có thể lan toả ra trong rất nhiều những ban ngành đơn vị trong hệ thống hành chính của Việt Nam. Cho nên chống tham nhũng không phải là một vấn đề dễ giải quyết”.

clip_image004

Vụ án Sacombank, 1 trong 12 đại án tham nhũng được chỉ thị phải xét xử dứt điểm. RFA

Trong một lần trả lời RFA, nguyên Đại biểu Quốc hội ông Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm của ông đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sẽ không đạt hiệu quả với lý do:
“Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực”.
Chính ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam được báo trong nước trích dẫn lời phát biểu tại cuộc thảo luận của Ủy ban, trong năm nay chỉ mới có 25 người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị kiểm điểm về trách nhiệm của họ trong các vụ tham nhũng. Ông Kim cho rằng như thế là không đúng vì thực tế nạn tham nhũng trong nước đang phản biện lại bằng thực tế khác.
Thật vậy, báo chí trong nước cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17 tháng 4 tại Hà Nội, là truy tố, xét xử dứt điểm 12 án tham nhũng. Tất cả đều được gọi là “đại án”.
Trong 12 đại án đó, hơn một nửa là những vụ án liên quan đến ngân hàng, có thể kể tên như Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín…
Đặc biệt, đại án Ngân hàng OceanBank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN hay vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng với những bị cáo phần lớn là quan chức cấp cao của Nhà nước hoặc từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội…
Đưa ra nhận định về những đại án tham nhũng phần lớn là những vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trước hết Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là do “xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội khép kín, độ mở về tính minh bạch rất có giới hạn”.
“Cái đó là cái vấn đề mà có lẽ chúng ta thấy đó là một thực thể về thể chế Việt Nam, là độ mở của nó còn rất giới hạn”.

Kê khai tài sản: Chưa phải là cách

Gần đây, Thanh tra Chính phủ liên tục đưa ra những quyết định yêu cầu tiến hành thanh tra nguồn gốc tài sản của một số các quan chức cấp cao như gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái, khối tài sản của bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa do bị nghi vấn là bất minh…
Tuy rằng những khối tài sản này khi được báo chí khơi gợi đã vô hình trung cho thấy có rất nhiều vấn đề không minh bạch trong việc kê khai tài sản. Thế nhưng ngược lại, làm cho công tác chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và quyết tâm thực hiện có vẻ như ngày càng quyết liệt và ‘minh bạch’ hơn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu không cho rằng thanh tra nguồn gốc và yêu cầu kê khai tài sản là một biện pháp hữu hiệu của công tác phòng chống tham nhũng, mà phải đi kèm với những cái khác nữa.
“Những cái đó là những vấn đề như hình sự hoá tham nhũng, có những cách xử lý nghiêm ngặc tội tham nhũng, và nó phải là sự cải tổ toàn diện nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc bắt kê khai tài sản tôi nghĩ là nó sẽ không đi đến đâu”.
Ông nói thêm nếu có thì chỉ là một phần nào làm cho các quan chức có liên quan cảm thấy nhục chí để có thể tiếp tục.

clip_image006

Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014, AFP

Chỉ thị 15?

Vào tháng 3 năm ngoái, có một sự việc được nhiều người quan tâm, đó là Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận “Công an không được trinh sát đảng viên, vì vướng Chỉ thị 15”.
Khi đó, dư luận trong nước đặt ra câu hỏi liệu những cán bộ cấp cao là đảng viên có tránh được quyết định bị điều tra tham nhũng hay không?
Đài RFA nêu vấn đề này với Luật sư Trần Quốc Thuận và được ông chia sẻ:
“Trước đây người ta nói nhiều đến việc chống tham nhũng khó khăn, nên từ Chính phủ chuyển công tác chống tham nhũng sang cho Đảng, và trưởng ban chống tham nhũng bây giờ là Tổng Bí thư và các ban của Đảng. Đó cũng là 1 cách người ta cho rằng làm như vậy sẽ không bị vướng Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị”.
Tuy nhiên cũng chính ông cho biết trong nhiều năm công tác, ông chưa từng nghe hoặc tận mắt nhìn thấy chỉ thị đó.
“Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó”.
Phản biện lại ý kiến trên, Bác sĩ, nhà bất đồng chính kiến Đinh Đức Long, từng là một đảng viên, so sánh Chỉ thị 15 với hình ảnh của một chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những đảng viên có thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện nào về mặt pháp lý để làm được cả”.
“Với chỉ thị này, người tham nhũng được bảo vệ tuyệt đối, vì đa số người tham nhũng là đảng viên có chức có quyền. Và chỉ thị 15 đã bảo vệ cho họ. Công an là lực lượng chuyên chính rất là mạnh hiện nay mà không đụng vào được thì làm sao quân đội, nhân dân chúng tôi đụng vào được?”

Cần phải làm gì?

Với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tham nhũng là một hiện tượng toàn cầu, không lệ thuộc vào thể chế chính trị hay lịch sử quốc gia. Vấn đề này đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Chính vì vậy, theo ông, điều cần thiết mà Nhà nước Việt Nam cần thực hiện để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, không phải là điều tra tài sản, mà là tập trung vào môi trường pháp luật.
“Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không thể là dừng lại ở vấn đề pháp lý, mà quan trọng là đời sống con người phải được nâng cao. Vì theo ông, “khi con người ta ở trong một môi trường quá khó khăn, tham nhũng sẽ tự sinh sôi nảy nở”.
Vào ngày 31 tháng 7, phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Trưởng ban Chống tham nhũng, khi nói về những vụ án tham nhũng trong nước đã phát biểu rằng “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”. Điều ông Nguyễn Phú Trọng nói tới là quyết tâm mà ông muốn thực hiện, nhưng không ít người nghĩ rằng quyết tâm thôi chưa hẳn đã đủ, như Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi: “Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt”.

GÂY TÌNH HÌNH BẤT ỔN TẠI ĐỒNG TÂM: CÁC PHE NHÓM LỢI ÍCH ĐANG TOAN TÍNH GÌ ?

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 13-9-2017

Người dân Đồng Tâm vừa báo tin: Chiều qua, 11/9/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CAHN lại tống đạt Giấy Triệu tập đến người dân. Lần này không phải là Giấy triệu tập chung chung, mà là “Giấy triệu tập BỊ CAN” đối với 3 công dân xã Đồng Tâm, trong đó có ông Lê Đình Công là Trưởng thôn Hoành, con trai cụ Lê Đình Kình. Tưởng cần nhắc lại, chính ông Lê Đình Công là người đã bị các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng và CAHN dùng vũ lực lừa bắt cùng với 3 công dân khác, trong đó có cụ Lê Đình Kình ở cánh đồng Sênh sáng hôm 15/4/2017, với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, rồi đưa về giam tại số 7 phố Thiền Quang để lấy lời cung. Trong 5 ngày bị bắt giam, ông Công đã phải 6 lần viết tường trình (lời khai) theo yêu cầu của CQĐT. Chắc các bản tường trình (lời khai) này vẫn đang còn lưu giữ tại CQĐT! Và như mọi người đều đã biết, việc bắt người trái pháp luật này đã dẫn đến sự kiện, gọi là biến cố Đồng Tâm (15/4/2017 - 22/4/2017)! Chính do nhận thấy việc bắt giữ này của CAHN là sai luật, nên Viện KSND Thành phố Hà Nội hôm 19/4/2017 phải ra quyết định hủy bỏ việc bắt giữ này, và ngay trong ngày đã trả tự do cho 4 công dân bị bắt giữ trái phép hôm 15/4/2017!

clip_image002

Không như các lần trước, sau khi nhận “GIẤY TRIỆU TẬP” lần này, các đương sự cho biết họ sẵn sàng đến gặp và làm việc cùng các ĐTV của CAHN với tinh thần hợp tác và thái độ thiện chí! Có được điều này, theo tôi, là do các đương sự thấy được phía CAHN ít nhiều đã biết lắng nghe người dân. Trước sự bất bình của người dân Đồng Tâm và sức ép của công luận, CAHN không thể không nhận ra, và buộc phải có điều chỉnh! Cơ quan Cảnh sát Điều tra CAHN ít ra cũng đã thấy việc triệu tập người dân xã Đồng Tâm trước đây là không có tính nhân văn, thiếu tình người và không có hiệu quả. Rút kinh nghiệm lần này CAHN chỉ triệu tập họ đến Công an xã Đồng Tâm gặp các ĐTV để làm việc thôi! Người dân Đồng Tâm ghi nhận thiện chí này của CAHN, hoan nghênh các ĐTV trực tiếp về địa phương tiến hành công việc điều tra, thu thập thông tin, phục vụ vụ án thay vì triệu tập họ đến số 7 phố Thiền Quang như trước đây! Người dân Đồng Tâm nói sẽ hợp tác để CQĐT hoàn thành nhiệm vụ bằng cách sẵn sàng trả lời, cung cấp thông tin, sự việc và những gì họ biết được về nguyên nhân, chi tiết và quá trình diễn biến, hậu quả để lại, v.v… quanh 2 vụ án “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản” xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm hôm 15/4/2017, 2 vụ án mà CAHM đã có quyết định khởi tố cách đây 3 tháng(13/6/2017). Nhưng có điều hơi lạ và không hiểu vì sao, trong các giấy triệu tập lần này, CAHN không đề cập đến 2 vụ án nói trên, mà lại ghi trong giấy triệu tập là liên quan đến việc gây rối trật tự công cộng đã xảy ra trước đấy, hồi tháng 2 và tháng 3/2017 tại xã Đồng Tâm! Phải chăng việc này chứng tỏ CAHN chỉ muốn khơi lại các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trước đó ở địa phương, tức hồi tháng 2 và 3/2017, mà đỉnh điểm của nó là biến cố hôm 15/4/2017! Mọi vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm trong những tháng đầu năm 2017, đặc biệt là sự việc xảy ra hôm 15/4/2017, rõ ràng đã được các cấp có thẩm quyền chính thức khép lại rồi cơ mà? Khi phát hiện cụ Kình, ông Công và 2 công dân khác bị lừa bắt ngay trên cánh đồng Sênh sáng hôm 15/4/2017 là sai luật, Viện KSND Tp. Hà Nội ngày 19/4/2017 đã phải ra quyết định hủy bỏ việc bắt giam này và trả tự do ngay cho 4 người bị bắt giữ. Trưa ngày 22/4/2017, Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đích thân về xã Đồng Tâm và đưa ra cam kết 3 điểm trước toàn thể người dân Đồng Tâm, trong đó điểm thứ hai là cam kết “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm”. Như vậy, Viện KSND Tp. Hà Nội và Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khép lại biến cố này bằng các văn bản pháp lý! Đây là sự kiện không chỉ người dân Đồng Tâm và người dân toàn quốc biết, mà dư luận rộng rãi toàn thế giới cũng đều biết!
Lần này, tôi đoán CAHN đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Đình Công nên mới ghi rõ trong giấy là “Triệu tập BỊ CAN” đối với ông Lê Đình Công! Nếu quả đúng như vậy, tại sao CQĐT không công bố quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Đình Công (nếu có) để người dân Đồng Tâm và những người khác biết? Nếu như không có quyết định khởi tố bị can, mà tống đạt Giấy triệu tập BỊ CAN tới đương sự, điều này có đúng với quy định của pháp luật? Điều này chỉ có thể Cơ quan Cảnh sát Điều tra CAHN đưa ra câu trả lời, song tôi cho rằng Cơ quan này đã làm trái với quyết định của Viện KSND Hà Nội hôm 19/4/2017 và ngược với cam kết của Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 22/4/2017! Đúng là cây muốn lặng, nhưng gió chẳng muốn dừng! Một lần nữa tôi cho rằng đây không phải là việc làm đúng đắn và khôn ngoan của các cơ quan chức năng!
Nếu ai theo dõi và quan sát cách xử lý vụ việc Đồng Tâm trong 5 tháng qua, có thể dễ nhận biết một hiện tượng hình như có một thế lực nào đó không muốn khép lại vụ việc Đồng Tâm, cố tình làm to chuyện, gây mâu thuẫn và hỗn loạn nội bộ, tạo nên tình hình bất ổn về ANTT, xáo động xã hội và chính trị để đạt được ý đồ đen tối nào đấy? Phải chăng thế lực dấu mặt này đang cố tạo ra một bê bối chính trị để gây ảnh hưởng và tác động đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 vào đầu tháng 10/2017, và có thể cả với Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017 tới? Chúng mong muốn các Hội nghị này thất bại chăng? Việc này cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ! Ngoài ra, không loại trừ khả năng họ cố tình thu hút dư luận và sự chú ý, làm cho quân đội và người dân quên đi sự căng thẳng và các diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm đang xảy ra trên Biển Đông? Cuối tháng 8/2017 và vào đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9 vừa qua, Trung Quốc đã 2 lần liên tiếp và ngang ngược diễn tập hải quân bắn đạn thật ngay trước cửa ngõ Thành phố Đà Nẵng, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam! Điều này trong quá khứ Trung Quốc đâu dám làm! Còn trước đấy, vào cuối tháng 7/2017, Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam không chịu dừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa nước ta. Việt Nam đã phải nhẫn nhục chấp nhận!
Trên là suy nghĩ và suy diễn của một người lẩm cẩm ở tuổi cổ lai hy thường có thói quen quan sát thế sự. Những điều quan sát này có thể đúng, có thể sai, nhưng bản thân lại mong là nó không đúng! Rất mong các vị lãnh đạo cao cấp và có trách nhiệm để tâm xem xét, nếu thấy có hiện không hay, xin kịp thời ngăn chặn!
Hà Nội, ngày 12/9/2017
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét