Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

20170915. TRANH CÃI NGUỒN ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG TRƯỜNG LŨNG LUÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
LŨNG LUÔNG, 'MÈO TRẮNG, MÈO ĐEN'

THUẬN KIỆT/ BVB 13-9-2017


Một sự cộng tác vô tình có thể tạo cơ hội cho những kẻ tham nhũng khoác áo “người tử tế”, thành “ân nhân” của tầng lớp người nghèo – mà vốn họ là nạn nhân của chính nạn tham nhũng.
Ngôi trường cho trẻ nghèo ở Lũng Luông, xã Thượng Nung, Thái Nguyên đang được dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều chiều. Có thể tóm tắt sự việc như sau:
Trẻ em và giáo viên vùng cao Lũng Luông rất cần một ngôi trường tử tế để sinh hoạt, học hành. Nhà báo Trần Đăng Tuấn (TĐT) và GS Ngô Bảo Châu (NBC) muốn giúp để nơi đây có được ngôi trường. Có 2 phương án: a/ kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng (theo nhiều ý kiến, hai vị tên tuổi này có dư khả năng để kêu gọi được số tiền 6 tỷ đồng xây dựng trường) b/ nhận trọn gói 6 tỷ đồng từ quỹ Phượng Hoàng của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu TT Nguyễn Tấn Dũng. Và hai vị ấy đã chọn phương án b.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng hai vị TĐT và NBC đã chọn nguồn “tiền bẩn”, tạo cơ hội cho những kẻ tham nhũng biến thành kẻ “ban ơn” cho dân nghèo – mà vốn họ là nạn nhân của nạn tham nhũng.
Luồng ý kiến ngược lại thì lại lập luận: bất kể “mèo trắng”, ” mèo đen”, miễn nó bắt chuột. Cho dù đó có là nguồn tiền bất chính, nhưng nó mang lại một kết quả tốt đẹp, cần thiết cho người nghèo, thì có thể chấp nhận.
Lại có ý kiến trung dung hơn: chưa có cơ sở để chứng minh nguồn quỹ Phượng Hoàng là bất chính, và việc làm từ thiện là tốt lành, đáng hoan nghênh hơn là bươi móc…
Bài viết này không nhằm phê phán một cá nhân cụ thể nào, nhưng nhằm góp một hướng nhìn, gợi mở một hướng suy tư trước một sự kiện xã hội khá điển hình thời nay.
Mục đích không thể biện minh cho phương tiện
Không thể dùng phương tiện xấu nhằm đạt mục đích tốt. Phương tiện xấu ở đây – giả sử đó là tiền bẩn, tạo ra từ bất công xã hội. Câu hỏi đặt ra: Chúng ta có thể làm từ thiện, thương người nghèo…, trên nền tảng tham nhũng, bất chính không? Tức là có thể thương người này từ nguồn bất công khủng khiếp với nhiều người khác, mà suy cho cùng cũng ĐÃ bất công với những người mà họ đang bố thí tình thương?
Thiết nghĩ, cần phải đặt nền móng công lý, công bằng trước khi có thể vươn lên bác ái, yêu thương. Công lý phải đi bước trước. Công lý trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị riêng của con người, phẩm giá và quyền lợi của con người – dù đã được khẳng định nhiều – vẫn đang bị đe dọa trầm trọng bởi khuynh hướng phổ biến muốn áp dụng tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, tiêu chuẩn ấy là “có lợi” (và có “quyền làm chủ”) hay không. Hơn nữa, chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa mà công lý khai sinh và phát triển. Nên không thể chỉ có yêu thương mà bỏ qua công lý.
Lương tri, lẽ phải vượt trên những chứng cứ pháp lý.
Ở một nơi mà quyền lực có thể bẻ cong công lý, đồng tiền có thể che đậy những khuất tất, thì thật khó để trông đợi vào những chứng cứ pháp lý minh bạch, thẳng ngay. Bởi lẽ đó người ta có cơ sở để nghi ngờ sự liêm chính của những người có thế, có lực, có trong tay những bí mật quốc gia, có điều kiện để thực hiện nhiều loại tham nhũng mà đặc biệt là ‘tham nhũng cơ chế’. Nghĩa là họ là những người đầu tiên nắm bắt những chính sách, quy hoạch của nhà nước, và đầu cơ trục lợi trên những chính sách, quy hoạch ấy. Đó là sự bất công xã hội. Nhất là đã có những dấu hiệu cho thấy họ vẫn đang lợi dụng cơ chế để thu lợi bất chính.
Ngoài ra, người thành tâm thiện chí thì làm việc thiện không cần phô trương, “tay phải làm, tay trái không biết”. Không cần lập fanpage, cũng không cần lên danh sách “sản phẩm” đã làm khi chỉ dùng tiền gia đình, không có nhu cầu kêu gọi góp sức của cộng đồng, như trong mục Giới thiệu của fanpage ghi rõ.
Tuyên bố của gia đình tài trợ
Tuyên bố của gia đình tài trợ. Ảnh: TDCCT

Tiền bẩn, tiền sạch, “mèo trắng”, “mèo đen”, xin nhường lại cho quyền nhận định của mỗi cá nhân trước sự soi sáng của lương tri. Để từ đó mỗi người đưa ra một phản ứng có trách nhiệm trước những sự kiện của xã hội. Phản ứng đó có thể giúp xã hội thăng tiến, nhưng nếu không khéo cũng có thể biến những người dân thật thà thành “tấm lót đường” cho các quan tham.
Thuận Kiệt/(Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế)

CÁNH DIỀU ƯỚC MƠ

nguyenlanthang's blog-/ BVN 14-9-2017

clip_image002


Công trình có nguồn đóng góp tài chính gây tranh cãi: Trường tiểu học Lũng Luông ở tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Son Vu - Youtube.com)
Bạn đã từng xem phim “Đại tư bản” (The men who built America - 2012) chưa nhỉ? Đây là một bộ phim tuyệt hay nói về các ông trùm tư bản huyền thoại, những người có dấu ấn quan trọng làm nên một nước Mỹ giàu có và hùng mạnh ngày nay. Bộ phim khá là dài, nhưng không hề buồn tẻ vì trong phim chúng ta được hình dung lại cả chặng đường vật lộn tranh đấu của những ông chủ lớn như Morgan Stanley, Rockerfeller, Andrew Carnegie, Henry Ford… hay những nhà khoa học từng danh như Thomas Edinson, Nikola Tesla… để làm nên một nước Mỹ vĩ đại. Chúng ta sẽ được đắm chìm trong không gian thế kỷ 19 là thời kỳ tư bản hoang dã, nơi những tri thức, khát khao, mưu mô, thủ đoạn, vinh quang và cay đắng hoà trộn với nhau làm nên khúc ca bi tráng của lịch sử Mỹ. Nhưng với tôi, điều thú vị nhất ở bộ phim này là đoạn kết. Dù thời trẻ của những doanh nhân thiên tài đó vật lộn sống chết với mọi thủ đoạn bẩn thỉu nhất, có đàn áp, có giết người, có cưỡng chế cướp bóc, có mua vua bán chúa, lúc đó cuộc đua của họ là đồng tiền, tiền là mục đích họ tranh đấu… thì lúc về già, cuộc đua của họ là xem ai cho đi được nhiều hơn. Với khối tài sản khổng lồ của mình, những nhà tư bản đó không chỉ thúc đẩy sáng tạo nên các phát minh khoa học, xây dựng một nền công nghiệp khổng lồ, hùng mạnh, tân tiến nhất thế giới thế kỷ 19, tạo tiền đề cho nước Mỹ tiến vào thế kỷ 20 với tư cách là bá chủ toàn cầu về khoa học kỹ thuật, họ còn để lại rất nhiều trường đại học danh giá nhất thế giới, bệnh viện giỏi nhất thế giới, trung tâm nghiên cứu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng lớn nhất thế giới… điều đó mới chính là yếu tố quan trọng nhất, là phần hồn của nước Mỹ đầy sức mạnh ngày nay.
Tôi nói chuyện trên hơi dài dòng chút vì muốn đề cập đến một việc khá lôi thôi trên mạng mấy ngày qua ở Việt Nam. Đó là chuyện ngôi trường 6 tỷ trên núi xinh xắn do quỹ cô Thanh Phượng tài trợ, ông Trần Đăng Tuấn chủ trì, anh Ngô Bảo Châu kêu gọi, anh Hoàng Thúc Hào sáng tác. Chuyện sẽ là rất đẹp nếu không ai biết nguồn tiền đến từ quỹ của cô Phượng. Lúc đầu nhiều người tung hô lắm, lên tận mây xanh luôn. Lúc sau khối người chửi: bố đ. cần, tham nhũng cả giang sơn đất nước bỏ ra 6 tỷ bạc bố thí thì bố đ. thèm… Bạn tôi chửi nhiều lắm. Quả thật suy nghĩ của tôi về chuyện này hơi khác với nhiều người nên dù muốn nói ra ngay cũng không phải dễ. Là một người từng lăn lộn bênh vực dân oan khắp nơi, đấu tranh với bộ máy công an trị từ thời Nguyễn Tấn Dũng đương quyền, đòi hỏi các quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… tôi quá hiểu sự uất ức của hàng triệu triệu những nạn nhân trực tiếp của chế độ này. Cô Phượng, ông Tuấn, anh Châu, anh Hào… xin hãy đặt mình vào vị trí của họ. Chúng ta đến với cuộc đời này là duyên số trời định. Không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Tôi nói vậy để thấy, không một ai có thể tự quyết định được việc bố của mình là quan tham phá hoại đất nước hay một ông nông dân có mỗi sào ruộng bị nhà nước trưng thu rẻ mạt phải lang thang ở Hà Nội khiếu kiện hàng chục năm trời. Đau lắm, khổ lắm, thê thảm lắm cô Phượng và các ông bà ơi…
Dĩ nhiên có một điều chúng ta có thể quyết định, đó là thái độ sống. Cô Phượng hoàn toàn có thể rời xa đất nước. Ông Tuấn hoàn toàn có thể túc tắc vui già cùng dăm xu ba hào với quỹ từ thiện Cơm có thịt. Anh Châu danh giá hoàn toàn chả cần thò tay vào chuyện xã hội lắm thị phi. Và anh Hào thì quá tài ba về kiến trúc để có thể ngồi lựa chọn chủ đầu tư béo bở cho mình. Nhưng họ đã lựa chọn cách khác. Họ đã lựa chọn cho mình thái độ sống không bỏ mặc tha nhân. Điều đó không phải là sự tử tế hiếm hoi rất đáng quý trong cái thời buổi nhiễu nhương này hay sao?
Ông bà mình có câu đánh kẻ chạy đi chứ đừng đánh người chạy lại. Chưa nói đến chuyện chẳng có ai chứng minh được nguồn tiền của cô Phượng là từ tham nhũng mà ra. Kể cả nếu đó là tiền bạc có nguồn gốc từ tham nhũng, người ta mới vừa chạy lại một chút mà đã bị bao người lên án thì thử hỏi với sức mạnh của đồng tiền, của tri thức, của quan hệ xã hội mà họ có, nếu họ bỏ đi mặc kệ đất nước này trong tăm tối thì còn tương lai nào cho dân tộc chúng ta?
Tôi muốn đất nước này phải thay đổi. Nhiều người muốn cuộc sống này phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào? Bạo lực cách mạng xoá bỏ hoàn toàn tàn dư chế độ cộng sản hay chuyển đổi một cách ôn hoà, xếp những di vật cộng sản vào bảo tàng, không trả thù, không đấu tố, để cả dân tộc rảnh rang bắt tay xây dựng một tương lai mới? Có thể bạn sẽ cho rằng tôi hơi ảo tưởng. Nhưng tôi không thấy một tương lai nào sáng sủa cho đất nước nếu tất cả mọi người lựa chọn một phương cách cực đoan. Hãy nhìn sang các dân tộc vĩ đại khác. Hãy học ở họ cách thức chuyển đổi xã hội sao cho chế độ này kế thừa những gì tinh tuý của chế độ trước mà không phá bỏ đi tất cả. Những thành phố cổ kính xinh đẹp, những đền đài cung điện to lớn tồn tại hàng trăm năm qua nhiều triều đại ở đất nước người ta phải chăng là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó hay sao?
Một mình Nguyễn Tấn Dũng không thể phá tan đất nước này. Một mình Nguyễn Phú Trọng không thể giữ cho đảng ta quang vinh muôn năm mãi mãi. Ai cũng biết đất nước ta trì trệ tăm tối bởi sự cai trị độc tôn của Đảng Cộng sản hàng chục năm qua. Được nuôi dưỡng bằng chủ thuyết cộng sản, hệ thống ấy như vòi bạch tuộc chi phối cả xã hội, chà đạp lên quyền con người, tàn phá đất nước, biến mọi cá nhân thành con ốc vô tri phải tuân phục hệ thống vô điều kiện. Tôi cho rằng cái cần nhất ở đất nước này là làm sao cho mọi người, kể cả quan chức cộng sản không còn vô cảm, biết đau với với vận mệnh đất nước, biết thương những mảnh đời khốn khó trái ngang. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể từng bước xoá bỏ được cái thể chế chính trị quái đản độc tài toàn trị, làm thui chột tài đức, làm mất đi cơ hội của đất nước, làm phá hỏng phần nhân trong mỗi tâm hồn.
Tôi nói thẳng là tôi chưa thật sự tin cô Phượng. Nhưng tôi hoan nghênh việc cô và các cộng sự vừa mới làm. Nếu cô thật lòng vì đất nước, hãy bỏ qua những lời rủa xả mà tiếp tục từng bước làm những việc có ích cho nhân dân. Hãy cứ làm tiếp đi vì tôi biết sức cô và các đồng sự còn mạnh lắm, 6 tỷ chưa là cái gì đâu. Và tôi nói trước, nếu cô làm gì sai thì tôi cũng chả tiếc ngòi bút để lên án cô như đã từng lên án bố cô đâu. Chúc cô vững vàng.
N.L.T.

'CUỒNG' CHỦ NGHĨA LÝ LỊCH HAY 'KỲ THỊ GIỚI TÍNH'?

NAM QUỲNH/ BVN 15-9-2017

Hình ảnh có liên quan

Mấy ngày qua, đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc một dự án xây trường tiểu học tại Lũng Luông (Thái Nguyên) của Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao, thuộc dự án từ thiện nổi tiếng Cơm Có Thịt, có nhận đóng góp tài chính lớn từ một quỹ từ thiện khác, Quỹ Phượng Hoàng.
Dự án Cơm Có Thịt là một dự án từ thiện uy tín, được sáng lập bởi nhà báo Trần Đăng Tuấn, và có sự tham gia giúp đỡ của nhà Toán học Ngô Bảo Châu.
Nguyên nhân của tranh cãi là do Quỹ Phượng Hoàng được sáng lập và điều hành bởi bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, chồng bà Phượng.
Bà Phượng là con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa chấm dứt nhiệm kỳ của mình năm ngoái. Ông Dũng để lại nhiều di sản chính trị, kinh tế đầy tranh cãi.
Đã có nhiều cáo buộc được đưa ra về hành vi tham nhũng của ông Dũng trong nhiệm kỳ của mình. Và tài sản giàu có của các thành viên gia đình ông Dũng, bao gồm bà Nguyễn Thanh Phượng, được cho là đã đến từ các của cải do tham nhũng mà có.
Vì thế, theo nhiều người quan sát, việc dự án Cơm Có Thịt nhận tiền “nhuốm mùi” tham nhũng từ phía bà Phượng là không hay ho, và còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của dự án này.

“Cuồng” chủ nghĩa lý lịch?

Đáp lại các ý kiến phê phán là các ý kiến phê phán… các phê phán.
Một số ý kiến này cho là, những người phản đối đóng góp từ thiện của Quỹ Phượng Hoàng chỉ vì người sáng lập và điều hành quỹ đó là con gái của một vị cựu thủ tướng bị cáo buộc tham nhũng đang mắc vào chính thứ chủ nghĩa lý lịch cay nghiệt của những người cộng sản.
Thứ chủ nghĩa lý lịch đó tôn gốc gác gia đình, công tội của ông bà, bố mẹ lên trên hết, thay vì nhìn vào tư lịch và chính năng lực cá nhân của mỗi con người - vốn là các tiêu chuẩn đánh giá con người thông thường.
Vì thế, khi bị đánh giá bằng chủ nghĩa lý lịch, một người không còn được xem là anh A hay chị B, mà thay vào đó, là con ông C hay con cháu nhà D.
Theo đó, nếu ông C hay nhà D chẳng may đã làm gì nên tội, đã đứng lộn bên hay đã chọn sai phần lịch sử, thì anh A hay chị B sẽ mang cái tội, cái sai của cha ông mình đến suốt đời.
Ngược lại, nếu ông C hay nhà D may mắn thuộc về “bên thắng cuộc”, thì số anh A chị B lên hương lên hoa mãn kiếp, hay ít ra, cho đến khi có một “bên thắng cuộc” mới.
Nhiều người đặt câu hỏi đầy Phật tính: tại sao một số người phản đối chính quyền cộng sản lại quay qua dùng chính chủ nghĩa lý lịch của chính quyền đó để xét đoán những cá nhân của chính quyền đó?
Một số người khác, sử dụng lối tư duy Đặng Tiểu Bình, “mèo đen mèo trắng gì cũng được, miễn là bắt được chuột”, thì nhún vai: tiền “nhuốm mùi” tham nhũng thì đã sao? Miễn là được dùng vào việc tốt, xây được trường học cho trẻ em nghèo miền cao thiếu thốn bộn bề thì không quan trọng tiền của Quỹ Phượng Hoàng, của bà Phượng là từ nguồn nào.

Sâu xa hơn, “kỳ thị giới tính”?

Cả những người phản đối lẫn những người ủng hộ phần đóng góp của bà Phượng nói trên đều có thể đang mang một tâm lý “kỳ thị giới tính” đáng hổ thẹn.
Tâm lý “kỳ thị giới tính” đó có lẽ thể hiện rõ nhất qua một quy trình tư duy giả sử thế này:
Một người phụ nữ kinh doanh có tiền để đóng góp từ thiện thông qua một quỹ từ thiện do bà cùng chồng sáng lập và điều hành.
Tiền từ thiện đó như thế chắc chắn không thể do bà ta hoàn toàn tự mình quyên góp từ các nơi khác, hay tự mình kinh doanh lương thiện mà có.
Tiền đó phải là tiền bà ta tích cóp trực tiếp từ những nguồn tham nhũng của người cha, từng một thời “lũng đoạn” đất nước.
Hoặc, tiền đó phải là tiền bà ta rút từ của cải của người chồng (tiện thay, là một tay tư bản, con cháu chế độ Sài Gòn cũ).
Hoặc, tiền đó phải là tiền từ kinh doanh mà có. Nhưng, bà ta đã kiếm được tiền này dựa nhiều vào thanh thế và mạng lưới “ảnh hưởng” của người cha tham nhũng.
Cũng có thể, cả ba khả năng nói trên đều có thật.
Túm cái quần lại, bất kỳ một người phụ nữ Việt Nam nào cũng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cái bóng của người cha, hay người chồng của mình.
Mọi việc làm của bà ta, từ lần đầu tiên tự mua băng vệ sinh cho đến lần cuối cùng cầm tay đứa cháu ngoại, đều phải bị xét đoán theo hướng: bà ta đã vô tư “được” hưởng hay đã khôn ngoan lợi dụng các lợi thế sẵn có từ người chồng, người cha bà ta như thế nào.
Một người phụ nữ Việt Nam, “đẹp đẽ” và “yếu mềm”, không bao giờ là một cá nhân đủ tự lập, đủ tự do để có thể được đánh giá riêng biệt, không dính dáng gì đến người cha, người chồng của bà ta.
Một lối tư duy mang màu sắc “kỳ thị giới tính” như trên, không giúp ích nhiều cho các cuộc đấu tranh chống tham nhũng cho một chính phủ minh bạch tại Việt Nam.
Tất cả những ai, dù chống đối hay ủng hộ đóng góp từ thiện của bà Phượng, mà lỡ dựa vào một lối tư duy giống như thế, thì rất cần tự xem xét lại suy nghĩ của bản thân.

Truy xét cá nhân tham nhũng, đừng chỉ truy xét họ tộc

Bài xã luận 4 xu, theo đóm ăn tàn, thêm dừa vào lẩu này không có ý định bao biện hay bao che cho bà Phượng, hay ông Dũng.
Ông Dũng phải bị truy xét đến cùng về những cáo buộc tham nhũng chống lại ông ấy.
Bà Phượng, như một cá nhân kinh doanh làm từ thiện, và Quỹ Phượng Hoàng của bà phải bị truy xét đến cùng nếu có các dấu hiệu rõ rệt cho thấy quỹ đó dùng các nguồn tiền “bẩn”, đến từ hành vi tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào của cha bà ta hay của chính bà ta, để đóng góp cho dự án Cơm Có Thịt.
Vấn đề ở đây là, các cáo buộc tham nhũng, “tiền bẩn” chống lại cha con nhà ông Dũng không đến từ một cơ quan danh chính ngôn thuận có thẩm quyền và năng lực để điều tra chi tiết về các cáo buộc này.
“Tham nhũng”, từ lâu nay, đã thường bị lợi dụng làm cái mác để các phe phái quyền lực tại Việt Nam dùng nó nhục mạ và “dìm hàng” lẫn nhau.
Trong khi đó, việc xây dựng các cơ chế hiệu quả và luật pháp “sát sườn” chống tham nhũng vẫn đang là một công tác mà cả nước trên dưới đều… loay hoay.
Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có các quy định cụ thể và nghiêm khắc về việc minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.
Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một cơ quan chống tham nhũng riêng biệt, có chuyên môn và tương đối độc lập với chính phủ, đồng thời có quyền điều tra truy tố mạnh mẽ “ném bình không sợ vỡ chuột”.
Thay vì tranh cãi, hay buồn bã dựa trên những cáo buộc mông lung không ai trưng được bằng chứng đáng tin cậy, có lẽ người Việt Nam nên tập trung vào một số câu hỏi quan trọng.
Những câu hỏi mà họ có thể trực tiếp đem đến hỏi các đại biểu quốc hội của mình (danh sách xem tại đây), hay đem ra chất vấn các quan chức đầu ngành, ví dụ như:
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), hiện đang được bàn thảo, vẫn không xem em chồng là “người thân” thì có thỏa đáng không?
Làm cách nào để các quy định mới trong Dự luật nói trên về minh bạch tài sản có thể có hiệu quả “ghè” tham nhũng hơn khi mà “Thực tế 10 năm qua, chúng ta không tìm được bất cứ vụ tham nhũng nào thông qua việc minh bạch tài sản”?
Tại sao việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo nói trên vẫn bị rắc rối lằng nhằng vì những “văn bản mật” mà chính quyền cứ úp úp mở mở?
Những vấn đề đang hạn chế khả năng phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói trên, nếu không được tập trung giải quyết rốt ráo, thì cho đến khi văn minh loài người chế được máy đóng gạch tự động, năng suất cao, biết bay, và dùng đất không cần nước, e là ở Việt Nam người ta vẫn còn đang níu chun quần nhau mà cãi: tiền thằng nào bẩn hơn?
N.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét