Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

20170906. VẤN NẠN XỬ LÝ CHẤT THẢI NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
VẤN NẠN XỬ LÝ CHẤT THẢI NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 6-9-2017

clip_image001
Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than (Ảnh trên mạng)

Việc phát triển nhiệt điện than là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay nhưng vấn đề đảm bảo môi trường, trong đó có xử lý tro xỉ, lại đang là vấn nạn, thách thức các nhà quản lý ở trung ương và địa phương. Vừa qua, Trung Quốc quyết định ngưng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than (kể cả đóng cửa nhiều nhà máy ở ở Bắc Kinh). Trong khi đó, ở Việt Nam các dự án nhà máy nhiệt điện than nở rộ, đa phần do Trung Quốc đầu tư và hỗ trợ thiết bị, khiến dư luận nghi ngại rằng Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác” công nghệ lạc hậu của Trung Quốc dưới vỏ bọc đầu tư.

Cuối tháng vừa qua (29.8.2017), tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường”. Nhìn chung, hiện nay giá điện phát ra bởi nhiệt điện than là rẻ nhất, đáp ứng công suất nhanh nhất, trong khi nguồn thủy điện đã cạn kiệt. Các loại năng lượng khác ngoài than như khí thì đắt quá và chúng ta cũng đã hết nguồn.
Tuy nhiên, bất cập của các nhà máy nhiệt điện là gây ra ô nhiễm môi trường kể cả vấn nạn xử lý chất thải. Đã có nhà máy nhiệt điện đưa ra khả năng phải đóng cửa vì lượng tro xỉ quá lớn, không có chỗ chứa và đề nghị tính tiền xử lý tro xỉ, xử lý môi trường vào giá điện. Điều này, nếu được chấp thuận sẽ tăng áp lực lên giá điện, tác động lớn đến cuộc sống của người dân...
Cởi trói cho tro xỉ kiểu gì?
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ về hội thảo nói trên kết luận rõ ràng: (1) Không thể xóa bỏ nhiệt điện trong thời gian tới; (2) Cần phải loại bỏ công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường; (3) Tro xỉ phải được xử lý, tái chế thành vật liệu xây dựng, bãi đổ thải tro xỉ chỉ được thiết kế với diện tích đủ lưu giữ không quá 2 năm.
Cả 3 nội dung này đều phù hợp với quy định vế quản lý chất thải hiện hành, đặc biệt đổi với tro xỉ nhà máy nhiệt điện thì có 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định 1696/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và Quyết định 452/2017/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, có bài báo trên VOV lại đứng về phía doanh nghiệp nhiệt điện, đòi "cởi trói cho tro xỉ". Người đọc không rõ muốn cởi trói kiểu gì vì tro đáy thì được coi là chất thải công nghiệp thông thường rồi (và như vậy thì phải được sử dụng làm vật liệu xây dựng như quy định trong 2 Quyết định nêu trên). Vấn đề còn lại là tro bay, loại tro này có tiểm năng chứa nhiều kim loại nặng nguy hại (Hg, nguyên tố hiếm/phóng xạ...), vì vậy phải quản lý như quy định của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT là thuộc loại chất thải "1 sao", tức là phải phân tích thành phần và so sánh với QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại, nếu không vượt ngưỡng thì mới được coi là chất thải thông thường (quản lý và tái sử dụng như tro đáy). Các quy định như vậy là chặt chẽ và đúng thông lệ quốc tế.
Trong 2 Quyết định của Thủ tướng nêu ở trên cũng quy định rõ ràng về lộ trình áp dụng đối với nhà máy đang hoạt động, vì vậy không có cơ sở để các nhà máy than phiền "các quy định của pháp luật liên tục thay đổi làm họ không thích nghi kịp và yêu cầu được áp dụng các quy định cũ hơn".
Những “nhà” phát triển điện than muốn “cởi trói” bằng cách sửa Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu để cho tro xỉ cũng như hàng loạt các quy định khác. Điều này, có vẻ như họ đang muốn “gọt chân” cho vừa giầy vì khi phát triển dự án nhiệt điện các nhà đầu tư mới chỉ hoàn thành 1 mục tiêu là sản xuất ra điện, đến khi chất thải trong quá trình sản xuất quá lớn, vướng luật, họ lại muốn kiến nghị điều chỉnh luật, nghị định. Lẽ ra, về nguyên tắc chủ đầu tư phải có phương án xử lý chất thải trước khi đi vào hoạt động (trong quá trình lập dự án) không thể cứ đi vào hoạt động rồi lại đem chuyện thiệt hại kinh tế như vậy ra mặc cả với Nhà nước và "được đằng chân lấn đằng đầu"! Chả lẽ, lại muốn tro xỉ (cả tro đáy và tro bay) đều có thể coi như bùn nạo vét, để rồi lại “dumping” đánh chìm ngoài biển?
Luật pháp quốc tế cũng như của Việt Nam, tro xỉ khi sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường liên quan đến chất lượng không khí, nước ngầm, nước mặt, nước biển, trong tất cả các quá trình từ công tác vận chuyển, tồn chứa, xử lý vật liệu xây dựng và trong quá trình sử dụng.
Nhân đây, cũng xin nhắc lại các thuật ngữ khoa học:
- Tro bay (flash ash) là tro than thoát ra từ buồng đốt, cuốn theo dòng khí thải và được thu lại tại các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi kiểu túi và thiết bị lọc ướt.
- Tro đáy (bottom ash) là các hạt tro kết khối được hình thành trong lò hơi đốt than phun, do kích thước quá lớn nên không thể cuốn theo dòng khí thải, sẽ rơi xuống lọt qua các ghi lò tới hộp thu tro ở đáy lò hơi.
- Tro xỉ (coal combustion product) là hỗn hợp từ tro bay và tro đáy sau quá trình cháy của nhà máy nhiệt điện than.
Công nghệ nhiệt điện đốt than
Có 2 công nghệ lò hơi sử dụng ở VN bao gồm:
- Lò hơi đốt phun đốt than nghiền. Đây là loại lò có khả năng chế tạo công suất lớn lên đến hàng nghìn MW sử dụng than bột nghiền mịn tới cỡ hạt khoảng nhỏ hơn 90 micromet phun vào lò qua các vòi phun để đốt. Loại lò hơi này cần dùng than chất lượng cao và ổn định với dải dao động về chất lượng than hẹp. Loại lò này tro bay thải ra chiếm 90% có thể dùng làm phụ gia xi măng, gạch không nung với điều kiện hàm lượng carbon trong tro nhỏ hơn 6%. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện ở VN đang vượt mức quy chuẩn này, nên khó sử dụng. Việc chuyên chở cũng là vấn đề vì tro bay rất nhẹ, làm sao chở được đến nhà máy xi măng ở xa! Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ít nhà máy xi măng nên việc xử lý tro bay cũng là vấn đề cần tính đến.
- Lò hơi đốt kiểu tầng sôi thì cỡ hạt than to hơn (khoảng 1 milimet) nên ít tốn điện cho việc nghiền, có thể đốt được than chất lượng xấu, nhiều lưu huỳnh, nhiều tro và dải chất lượng than có thể biến động trong khoảng rộng. Loại này phù hợp với Việt Nam do chất lượng than thấp, khó cháy, lâu cháy kiệt, chất lượng than không ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm của loại lò hơi này là công suất không cao. Công suất cao nhất hiện tại là 300 MW. Có duy nhất 1 lò ở Ba Lan có công suất đạt được là 450 MW. Nhược điểm của lò này là tro xỉ bị lẫn thạch cao, đốt ở nhiệt độ thấp nên không dùng được làm phụ gia xi măng.
Bài học đắt giá
Chất thải rắn (tro xỉ, tro bay) của nhiệt điện than lâu nay đã trở thành vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Cụ thể có thông tin từ doanh nghiệp nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 có nguy cơ phải đóng cửa sẽ làm lãng phí gần 37.000 tỷ VNĐ đầu tư của nhà nước. Mặt khác, nhà máy điện Mông Dương 1, đầu tư 11 hạng mục dùng chung giữa Mông Dương 1 và Mông Dương 2 và chịu trách nhiệm quản lý vận hành các hạng mục này. Nếu Mông Dương 1 phải đóng cửa dẫn đến Mông Dương 2 cũng phải đóng cửa theo và như vậy mỗi một ngày Mông Dương 2 đóng cửa, Chính phủ phải trả tiền cho nhà đầu tư BOT là AES-Mỹ khoảng 600.000 USD/ ngày.
Khi làm dự án thì dự án nào cũng đưa ra việc sử dụng tro xỉ để làm xi măng, vật liệu xây không nung… nhưng rồi thực tế đâu có giống lý thuyết. Vấn đề là rút cục nhà nước phải chịu, hay nói cách khác “trăm dâu lại đổ lên đầu tằm”, người dân phải gánh chịu!
Việc chỉ cho phép bãi thải xỉ chứa được lượng tro xỉ 2 năm thì tất cả các nhà máy nhiệt điện đều biết là không thể được nhưng tất cả các nhà máy đều biết nhà nước kiểu gì cũng phải tháo gỡ nên nhà máy nào cũng có tâm lý ỷ lại nhà nước giải quyết sau.
Về vấn đề tro xỉ thải, trước đây khi số lượng nhà máy ít thì vấn đề không nặng nề lắm. Nhưng hiện nay thì số lượng các nhà máy đầu tư mới tăng lên với tốc độ quá cao. Sau này, còn vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều nhà máy nữa nên rất cần phải có kế hoạch, có lộ trình, có báo cáo và phương án đầu tư cho phù hợp. Các nhà máy cũ có nhiều bất cập thì phải rút ra các bài học đắt giá, không thể đi vào “vết xe đổ cũ” trong quá trình đầu tư xây dựng.
Giải pháp
Cách thức sử dụng tro xỉ nhiệt điện tập trung ở một số nhóm giải pháp như: làm phụ gia xi măng, phụ gia bê tông đầm lăn, vật liệu xây không nung, san nền, nâng cốt trong xây dựng…
Chi phí vận chuyển khó khăn đối với từng vùng. Đặc biệt khó ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long vì không có nhà máy xi măng ở gần. Hàm lượng carbon trong tro cao, đang bị coi là chất thải nguy hại nên cơ chế để vận chuyển không được tháo gỡ.
Bộ Xây dựng chưa đưa ra được các tiêu chuẩn cho việc sử dụng tro xỉ để làm phụ gia, qua đó có thể chuyển sang coi nó là một dạng tài nguyên.
Nhà máy Mông Dương sử dụng loại lò hơi đốt kiểu tầng sôi tro xỉ bị lẫn thạch cao, đốt ở nhiệt độ thấp nên không dùng được làm phụ gia xi măng nên họ gặp vấn đề không có cách xử lý tro xỉ hợp lý và họ phải kêu là điều dễ hiểu. Hy vọng khoa học kỹ thuật phát triển hơn thì người ta sử dụng được trong tương lai.
Để tránh giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than phải tăng giá điện một cách hợp lý để việc sử dụng điện tiết kiệm hợp lý hơn. Chiều hướng phát triển công nghiệp sẽ chú trọng tiết kiệm năng lượng hơn, nhất là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng, thép, boxit…
Cần có chính sách hỗ trợ giá cho năng lượng tái tạo (điện gió, pin mặt trời) để phát triển bền vững. Hiện nay, có ý kiến đề xuất tăng giá mua điện gió so với mức giá hiện hành, ở mức 7,8 UScent/kWh (khoảng 1.770 đồng/kWh). Hiện có một số dự án đã đi vào hoạt động và đang được mua theo mức giá 7,8 UScent/kWh là dự án điện gió Phú Lạc và dự án phong điện 1 Bình Thuận, đều tại Huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Riêng Nhà máy điện gió Bạc Liêu, được đầu tư trên biển, mức giá mua điện hiện nay tương đương 9,8 UScent/kWh. Bộ Công Thương cho hay tổng công suất điện gió năm 2017 là 206 MW. Con số này sẽ tăng lên 456 MW vào năm 2018 và lên 800 MW vào năm 2020.
Cố gắng tối ưu hóa các nhà máy điện hiện có, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện này.
Có một hiện tượng cũng đáng buồn là các nhà máy nhiệt điện có nhu cầu khá cao về kỹ sư có trình độ, và tuyển dụng nhiều. Tuy nhiên, có vị giảng viên ngành điện được các sinh viên ra trường kể lại với thầy, dù được đào tạo bài bản nhưng muốn được xin vào làm việc tại nhà máy thì quá trình tuyển dụng, hầu hết phải qua khâu “chạy chọt”!
Lời kết
Thái Bình quê tôi đất chật người đông, sắp đến có 2 nhà máy nhiệt điện hoạt động ở huyện Thái Thụy nhưng quỹ đất để chứa chất tro xỉ rất hạn chế, nhiều người đang lo lắng chưa biết loay hoay ra sao?
Để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 1696/2014/QĐ-TTg và Quyết định 452/2017/QĐ-TTg nói ở phần trên, Bộ Xây dựng cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp và chỉ dẫn kỹ thuật tro xỉ nhiệt điện cho kết cấu san lấp nhằm đẩy mạnh xử lý tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

KHÔNG THỂ LÀM NGƯỜI MÀ KHÔNG TỰ DIỄN BIẾN

VŨ THẠCH/ BVN 6-9-2017

Có lẽ đã được Bắc Kinh cho biết trước về cuộc diễn tập bằng đạn thật của Hải quân Trung Quốc cách bờ Đà Nẵng chỉ 75 hải lý vào đầu tháng 9, nên vào ngày 29/8/2017, tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương, Tổng Bí thư Đảng kiêm Bí thư Quân ủy Nguyễn Phú Trọng nghiêm trọng cảnh giác Quân đội Nhân dân: tuyệt đối không được để xảy ra "những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ". Rõ ràng đây tiếp tục là mối lo âu hàng đầu của lãnh đạo, có ưu tiên cao hơn cả nhu cầu bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhưng trước hết, bản thân có bằng tiến sĩ ngành Xây dựng đảng, ông Trọng dư biết "tự diễn biến, tự chuyển hóa" chỉ là tên mới cho một chiến thuật rất cũ trong mọi chế độ cộng sản. Tại Liên Xô nó từng có tên như "Trotskist", "Chủ nghĩa Xét Lại", "Diễn Biến Hòa Bình" ... Tại Trung Quốc nó còn có nhiều tên hơn nữa, lúc thì "Cực Đoan Cánh Tả", lúc thì "Phản Động Cánh Hữu", "Kiêu Căng Cộng Sản", "Âm Mưu Bè Lũ Bốn Tên" ... Tức các nhãn hiệu nghe rất nghiêm trọng nhưng không thực sự có bao nhiêu ý nghĩa. Chúng được các lãnh tụ thuộc phe mạnh đang nắm quyền tùy tiện dán lên các đồng chí thuộc phe đối thủ để tấn công toàn diện, tiêu diệt tận gốc, và xóa tên vĩnh viễn trong hàng ngũ đảng.
Thật vậy, phía mạnh cũng nhiều lúc buộc phải lấy một số quyết định đổi thay theo chiều ngược với các quan điểm cộng sản cốt lõi như kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền... Nhưng những thay đổi đó đều do "tinh thần cách mạng triệt để dẫn đến quyết định sáng suốt đổi mới"; còn các đổi thay tương tự do cánh thua chủ trương đều vì "đầu óc phản cách mạng đã có từ lâu, dần dần dẫn đến những hành động biến chất".
Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, định nghĩa về "tự diễn biến, tự chuyển hóa" mới được bồi thêm. Về cốt lõi, "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" chỉ đơn giản là hiện tượng một số người trong guồng máy cai trị từ từ nhận ra giới cầm quyền không thực tâm, không làm như lời nói, đầy gian xảo; rồi những người đó tiến đến nhận thức đây là một chế độ làm khổ nhân dân, dùng cả tính mạng nhân dân cho tham vọng riêng của vài lãnh tụ, thậm chí còn khủng bố nhân dân trường kỳ; từ đó những người này bật lên các suy nghĩ phải làm sao cho guồng máy yếu đi, mất bớt khả năng đày đọa nhân dân.
Đó là hiện tượng mà giới lãnh đạo độc tài nào cũng sợ. Đặc biệt giới lãnh đạo Việt Nam lại càng sợ hơn nữa sau ngày Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng điều oái oăm là đã có thời lãnh đạo đảng hết lời ca ngợi hiện tượng "tự diễn biến".
Thật vậy, khi chưa nắm được quyền tại miền Bắc trong thời chống Pháp, và lúc chưa nắm được miền Nam trong thời chống Mỹ, hễ có cá nhân trí thức nào đang sống trong lòng "địch" mà bỗng chuyển đổi tư tưởng, chống lại chính quyền, đảng tặng ngay danh hiệu mỹ miều là người "giác ngộ cách mạng", rồi bồi thêm hàng loạt các nhãn khác như "thành phần dân tộc cấp tiến", "trí thức yêu nước", ...
Điểu khó nuốt cho đảng là đang có rất nhiều người so sánh chế độ hiện nay với các chế độ trong quá khứ, so sánh với với từng điểm cụ thể mà chính ông Hồ Chí Minh từng tố cáo chế độ thực dân Pháp. Họ đều thấy nhà nước hiện nay tệ hại hơn rất nhiều lần về mọi mặt so với nhà nước thực dân. Và nếu so với chính quyền VNCH thì lại càng tệ hại hơn nữa. Vì vậy lấy lý do gì để lên án những người "tự diễn biến, tự chuyển hóa" muốn chấm dứt các bất công và thối rữa trong xã hội hiện nay, đặc biệt khi chính các lãnh tụ đảng thừa nhận "cán bộ ăn không từ một thứ gì", "cán bộ vừa ăn vừa phá"? Tại sao lại gọi họ là những người "tự diễn biến, tự chuyển hóa" chứ không phải là những người "giác ngộ cách mạng"? Nếu những Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, ... sinh ra vào thời nay thì họ có muốn tranh đấu để chấm dứt những oan sai hiện nay hay không và có bị dán nhãn "tự diễn biến" không?
Điều khó nuốt thứ nhì cho đảng là thời đại Internet đã cho phép người dân so sánh CHXHCNVN với các quốc gia khác trên thế giới. Tại tất cả các nước tiến bộ, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" là nhu cầu bức thiết của mọi ngành nghề, đặc biệt trong công nghệ cao, và mọi mặt đời sống. Tinh thần "tự diễn biến, tự chuyển hóa" được dạy cho các học sinh ngay từ cấp tiểu học và cao đến hàng lãnh đạo các công ty liên quốc gia. Mọi người được nhắc nhở, thúc đẩy hãy ôm lấy cái mới, xem đó là cơ hội, và liên tục chuyển hóa để không bị rơi lại phía sau.
Thực tế cho thấy các điều dạy dỗ đó đều ứng nghiệm chính xác. Các nước văn minh tiến nhanh đều chuyển động trên nền tảng tự thúc bách để tự chuyển hóa liên tục đó. Và dù tự thúc đến như thế, họ vẫn luôn phập phồng sợ các hãng khác, các nước khác qua mặt.
Và thực tế cũng minh chứng luôn một nước Việt Nam quyết tâm "không tự diễn biến, không tự chuyển hóa" đang ĐỨNG ở đâu. Rõ ràng cả nước Việt Nam đang ĐỨNG chứ nhất định không ĐI, mặc kệ thế giới, mặc kệ cả những nước Miến, Miên, Lào lần lượt qua mặt. Hệ quả là một đất nước tụt hậu vùn vụt, tan hoang mọi mặt, từ kinh tế đến chủ quyền, đạo đức xã hội, ung thư tham nhũng, loạn an toàn thực phẩm, nát giáo dục học đường, môi sinh đầy chất độc, ... để rồi lãnh đạo chỉ còn khoe thành quả đã gởi được gần cả triệu công dân đi làm lao công cho thế giới, bao gồm cả Miên và Lào!
Tóm lại, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" là tiến trình RẤT BÌNH THƯỜNG và BẮT BUỘC PHẢI CÓ nơi mỗi con người.
Hơn thế nữa, những ai nhìn tình trạng đất nước hiện nay mà vẫn không thấy mình cần "tự diễn biến, tự chuyển hóa" gấp rút thì không những lương tâm họ đã chết mà ngay cả tính người trong họ cũng chẳng còn bao nhiêu.
V.T.
Tác giả gửi BVN

VIỆT NAM 'THẾ NƯỚC ĐANG LÊN, THU CÙNG DIỆT TẬN' GIAI ĐOẠN CUỐI

PHẠM CHÍ DŨNG/ NV/BVN 6-9-2017

clip_image002
Nhà cầm quyền Việt Nam tận thu tiền thuế của dân, trong đó liên tiếp tăng thuế đánh vào giá xăng dầu. (Hình: Getty Images)

Việt Nam năm 2017. Bóng ma tư bản dã man khoác áo “định hướng xã hội chủ nghĩa” và ‘thế nước đang lên” đang lao đến giai đoạn cùng đường, nhưng lại chỉ mới khởi đầu chiến dịch “tận khoan sức dân” không còn đường lùi của nó.
“Tận khoan sức dân”
Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Ngân sách rỗng ruột cùng các nguồn ngoại tệ cạn kiệt đã khiến đảng chính phủ xem dân như “vật tế thần” duy nhất.
“Rút kinh nghiệm sâu sắc” từ các chiến dịch vận động tăng giá điện và xăng dầu mà vẫn thường bị dư luận phản ứng quyết liệt khi ý đồ tăng giá bị lộ ra, vào lần này chính quyền đã âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Vụ việc tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lén lút xảy ra vào đầu tháng Tám và kéo dài cho đến nay. Dường như chưa có “chủ trương thực hiện trên phạm vi toàn quốc”, mà Sài Gòn đã trở thành địa phương đầu tiên được “thí điểm”.
Nếu thu thuế sử dụng đất ở Sài Gòn thành công, chính quyền sẽ “nhân điển hình tiên tiến” để thu tiếp ở Hà Nội, Đà Nẵng… nói chung là tại những thành phố được coi là giàu có nhất nước.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Nhưng kinh khủng hơn, từ năm 2019, hàng chục triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực túi tiền còm cõi khi thuế VAT (giá trị gia tăng) tăng lên 12%. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT cùng hàng loạt sắc thuế khác được “nâng lên một tầm cao mới” hay “thế nước đang lên” – nói theo từ ngữ của giới tuyên giáo đảng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán.
VAT là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Thuế gián thu (trong đó có thuế VAT) lại chiếm tới 50% tổng thu ngân sách. Công ty chứng khoán Sài Gòn ước tính thuế giá trị gia tăng tăng 2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%.
Khi đó, người tiêu dùng cứ mua một sản phẩm nào đó là phải trả thêm 12% “chênh lệch”. Số tiền này không thuộc về người bán hàng mà chui vào ngân khố quốc gia dùng để chi xài cho chế độ.
Việc thu thuế này sẽ làm dịu cơn đói khát của ngân sách trong thời buổi “loạn lạc.”
Ngân sách khốn quẫn!
Bảy tháng đầu năm 2017 lại chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức 5,5 – 6% GDP mà không hề giảm đi, tỉ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2017 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 11% so với dự toán đầu năm - một tỉ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương.”
Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.
Khó chồng khó. Mới đây, một dự báo của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ lại cho thấy kiều hối về Việt Nam năm 2017 có thể chỉ là $5.4 tỷ.
Trang VietFact dẫn nguồn từ Pew Research Center cho biết: Theo báo cáo dòng kiều hối quốc tế của Pew Research Center, năm 2015 có tổng cộng $13.2 tỷ kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm 2016, con số này giảm còn $9 tỷ (giảm 31,8%), và số lượng kiều hối 6 tháng đầu năm 2017, Sài Gòn tiếp nhận được $2,1 tỷ. Trong khi đó khu vực này thường chiếm khoảng 58% tổng lượng kiều hối hàng năm, như vậy có thể dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng $3,6 tỷ. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng đô la 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng $5.4 tỷ, giảm 39,7% so với năm 2016.
Nếu dự báo của Pew là chính xác, đây sẽ là một cú giáng rất nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam vốn đang lặn ngụp trong năm suy thoái thứ chín liên tiếp tính từ 2008, mà còn khiến phá sản hàng loạt động tác của chính quyền Việt Nam nhằm kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” gửi tiền về.
Vào giữa năm 2017, một lần nữa giới chuyên gia nhà nước và quan chức lại khơi gợi “làm sao để huy động vàng và đô la trong dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”…
Hiện trạng nền kinh tế lại đang quá cần đến USD để phục vụ nhập khẩu và trả nợ cho nước ngoài. Con số “gom đô la” mới nhất được thống đốc Lê Minh Hưng công bố là gần $10 tỷ trong năm 2016, đưa kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên đến $41 tỷ. Một phần lớn trong con số gần $10 tỷ mua vào được xác định từ nguồn trôi nổi trong dân chúng. Tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ thỏa mãn được khoảng 2, 3 tháng nhập khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Cùng lúc, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ từ $10 – $12 tỷ cho các chủ nợ quốc tế.
Tuy thế, việc dự trữ ngoại hối chỉ tăng từ $41 tỷ lên $42 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2017 lại cho thấy, lượng đô la nằm dưới gối của người dân có thể chẳng còn nhiều để “tìm mọi cách huy động.”
“Đàn cừu”
“Không có gì sướng bằng đè đầu dân thu thuế” – mấy cán bộ hưu trí than vãn với nhau tại phòng thuế. Nhưng khác với những lần trước, vào lần này thái độ họ còn có cả phẫn nộ.
Nhưng rồi vẫn… đóng tiền.
Nhiều cuộc thăm dò bỏ túi và nhiều bài viết phân tích tâm lý xã hội trên mạng xã hội đã cho biết đại đa số người dân Việt Nam bàng quan, thờ ơ với hoàn cảnh người khác. Nói cách khác là vô cảm, và vô cảm đang trở thành căn bệnh ghê gớm thống trị não trạng và cả trái tim con người.
Một ít trường hợp phản kháng chính quyền đã chỉ xảy ra ở những người hoặc nhóm người bị thiệt hại trực tiếp bởi chính sách. Trong khi đó, những “con cừu” khác vẫn bình an vô sự và vẫn chỉ dửng dưng quan sát, cho đến khi chính họ bị vặt trụi lông.
Chính quyền đã nắm được tâm lý tan đàn xẻ nghé đó và đã áp dụng chiến thuật “đánh tỉa.”
Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT, và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”
Với ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế độc lập, tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân. Việc tăng thuế này sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn.
Chắc chắn là thế. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Chỉ nghĩ đến tăng thuế, không đoái hoài đến giảm chi – đó là não trạng của giới quan chức buổi chợ chiều thể chế và tận thu giai đoạn cuối chính thể. 76% chi ngân sách cho lương thưởng của đội ngũ gần 3 triệu công chức vẫn giữ nguyên không suy suyển. Hơn 90 triệu người dân phải è cổ để đội lên đầu số công chức đó.
Thế nhưng sự thể ngơ ngác đến đau đớn là cho đến nay, chiến dịch “thu cùng diệt tận” của chính quyền vẫn đang tương đối có triển vọng bởi “đàn cừu” dân chúng mới chỉ kêu be be tan tác mà chưa hề biết hay dám chụm đầu với nhau để phản kháng.
P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét