Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

20170921. BẤT CẬP TÍNH 'TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC' TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÊ DUYỆT LẠI TRỮ LƯỢNG MỎ SẼ GÂY TRANH CÃI

NGỌC LAN /TBKTSG 18-9-2017


Nhiều doanh nghiệp xin hạ trữ lượng mỏ để đảm bảo hiệu quả khai thác sát thực tế hơn. Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) - Kể từ khi Luật Khoáng sản ra đời năm 2010 và văn bản hướng dẫn áp dụng sau đó ba năm có quy định về việc doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì các doanh nghiệp khai khoáng đều “kêu trời” rằng số tiền ban đầu phải bỏ ra rất lớn để có thể bắt đầu khai mỏ.
Nhiều doanh nghiệp xin hạ trữ lượng mỏ để đảm bảo hiệu quả khai thác sát thực tế hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đang lấy ý kiến đóng góp cho một dự thảo thông tư về phân cấp trữ lượng tài nguyên theo hướng có thể điều chỉnh lại trữ lượng mỏ. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Hai mặt của việc khai khống trữ lượng
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo trữ lượng mỏ khi mỏ được phép đưa vào thiết kế, khai thác. Đây là một trong 15 loại thuế/ phí doanh nghiệp khoáng sản phải nộp tại các địa phương. Quy định về việc phải nộp tiền cấp quyền khai khoáng được ban hành trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) năm 2010, đến năm 2013 mới có hướng dẫn thực hiện song đã nhanh chóng trở thành vấn đề lớn vì số tiền doanh nghiệp phải nộp để có thể được khai mỏ rất lớn, mà từ trước đến thời điểm đó họ chưa hề phải nộp.
Các nhà làm luật cho rằng số tiền nộp được tính dựa trên trữ lượng địa chất còn nằm trong lòng đất nhằm khai thác triệt để, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời loại bỏ động cơ “chiếm mỏ” của một số doanh nghiệp làm ăn không minh bạch. Vì tính theo trữ lượng trong lòng đất, điều kiện khai thác, theo phân cấp tài nguyên giàu nghèo khác nhau nên số tiền phải nộp thường rất lớn nếu kết quả thăm dò được công nhận cho thấy trữ lượng mỏ đó cao. Ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, mỗi năm nếu doanh nghiệp nộp đủ khoản này, có thể thu về hàng trăm tỉ đồng tiền cấp quyền khai khoáng cho mỗi tỉnh. Một dự án khai thác có thể nộp tiền vài lần/vòng đời khai thác do nếu nộp một lần doanh nghiệp không chịu nổi.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép cấp thông tư quy định về thủ tục hành chính, đăng ký lại giấy phép và phê duyệt lại trữ lượng mỏ.
Nếu mọi chuyện cứ diễn ra dễ dàng theo cách miêu tả trên thì ngân sách vừa thu được tiền, doanh nghiệp lại càng minh bạch, đâu có gì phàn nàn. Vấn đề ở chỗ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính dựa trên trữ lượng thăm dò mà điều đó hầu hết lại không chính xác. “Báo cáo về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2016 viết: “Trước đây khi chưa tính tiền cấp quyền thì báo cáo trữ lượng chỉ để phê duyệt cho qua. Vì thế mà doanh nghiệp cố gắng báo cáo trữ lượng cao lên một chút. Sau này khai thác ít hơn trữ lượng cũng không sao. Nếu báo cáo trữ lượng thấp, sau này nếu khai thác vượt trữ lượng sẽ bị phạt nặng”. Do đó, doanh nghiệp nhiều khi khai khống trữ lượng, khai cao hơn thực tế. Đến khi phải nộp tiền cấp quyền khai thác cao thì mới thừa nhận điều này để giảm số tiền phải nộp nhưng… không được.
Một thực tế nữa là, trước đây, với giấy phép khai thác dựa trên các mỏ có trữ lượng lớn, nhiều doanh nghiệp dễ dàng đi vay được vốn kinh doanh. Nay, khi phải đối diện với khó khăn phải nộp tiền cấp quyền, nhiều doanh nghiệp xin điều chỉnh trữ lượng đã thăm dò trước đây theo hướng hạ trữ lượng xuống. Có doanh nghiệp xin nộp theo sản lượng thực tế khai thác hàng năm. Có doanh nghiệp thì chây ỳ không nộp.
Tính lại trữ lượng mỏ: lấy đâu làm căn cứ?
Quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng dù bị kêu là khiến cho doanh nghiệp gặp khó nhưng không doanh nghiệp nào kêu rằng như vậy là không đúng, vì chính doanh nghiệp tự trình trữ lượng chứ cơ quan quản lý không ép buộc được. Nó còn góp phần làm bớt tính “ảo” trên thị trường khai khoáng, mua đi bán lại các mỏ khoáng sản gây thiệt hại cho tài nguyên đất nước.
Nhưng vấn đề khác lại nảy sinh. Mới đây, trong Dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn, thay thế cho Quyết định 06/2006, Bộ TN-MT đưa vào một quy định hoàn toàn mới về việc “tính lại trữ lượng mỏ”. Theo đó, bộ dự kiến: “Đối với trữ lượng khoáng sản rắn của các mỏ đã được phê duyệt hoặc công nhận trữ lượng, quá trình khai thác nếu có sự thay đổi trữ lượng với mức chênh lệch lớn hơn 30% so với phê duyệt hoặc công nhận gần nhất, chủ giấy phép khai thác phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cấp phép để được hướng dẫn lập báo cáo và phê duyệt lại trữ lượng”.
Quy định nêu trên cho phép điều chỉnh trữ lượng trong trường hợp trữ lượng theo giấy phép khác từ 30% trở lên so với thực tế, có thể giúp hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong trường hợp kết quả khai thác không đúng với thực tế. Song lấy cơ sở nào để thẩm định kết quả trữ lượng công nhận và trữ lượng thực tế xin điều chỉnh là hợp lý, minh bạch, mà không xảy ra tình trạng doanh nghiệp xin hạ trữ lượng mỏ để hạ tiền cấp quyền khai khoáng? Trên thực tế sẽ không có chuyện doanh nghiệp xin điều chỉnh tăng trữ lượng mỏ để tăng tiền đóng góp vào ngân sách.
Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp xin hạ trữ lượng mỏ nhưng không được vì luật không cho phép. Nay Luật Khoáng sản vẫn giữ nguyên quy định tính theo trữ lượng, Bộ TN-MT lại cho phép điều chỉnh trữ lượng như một cách cấp giấy phép mới là hướng dẫn không đúng tinh thần của luật. Đó là chưa kể đến việc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép cấp thông tư quy định về thủ tục hành chính, đăng ký lại giấy phép và phê duyệt lại trữ lượng.
Bộ TN-MT không thể thay Quốc hội sửa đổi hoặc hướng dẫn không đúng một quy định lớn của Luật Khoáng sản, nhất là khi quy định đó sẽ làm thay đổi nguồn thu ngân sách rất lớn như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc chỉ đưa ra quy định như vậy mà không giải trình lý do cụ thể sẽ dễ khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch của cơ quan quản lý, trong điều kiện quản lý tài nguyên vốn đã thất thoát rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét