Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

20170904. QUANH CHUYỆN ĐÀO TẠO THẠC SĨ, TIẾN SĨ TẠI VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
'LÒ ẤP ' THẠC SĨ, TIẾN SĨ : LẮM THẦY TẤT PHẢI NHIỀU MA

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 29-8-2017


Viện Khoa học xã hội nơi đào tạo 350 tiến sĩ , 1500 thạc sĩ mỗi năm (ảnh giaoduc.net.vn).

Câu chuyện “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không phải năm nay mới được dư luận quan tâm rộng rãi.
Đầu năm 2016, báo chí đã tốn không ít giấy mực và công sức phanh phui những sai phạm trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện này.
Là một cơ sở đào tạo đại học nhưng Học viện Khoa học Xã hội được xem như một siêu học viện bởi nơi đây không đào tạo trình độ cử nhân, chỉ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Số liệu “ba công khai” (cơ sở vật chất, tài chính, chất lượng đào tạo) năm học 2016-2017 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Học viện Khoa học Xã hội có thể tìm thấy tại địa chỉ:
Tìm hiểu sơ qua một chút số liệu ba công khai này âu cũng là cách để có cái nhìn toàn diện hơn về sự “hàn lâm” của khoa học xã hội nước nhà.
Nếu những gì “ba công khai” của Học viện Khoa học Xã hội là chính xác (Hình 1) thì Học viện này không có bất kỳ một cuốn sách nào trong thư viện?
Những thứ “không có một tí gì” còn bao gồm: Diện tích phòng thí nghiệm; Số thiết bị thí nghiệm; Diện tích nhà xưởng; Số thiết bị chuyên dùng;…

Hình 1, công khai trang thiết bị
Với những gì đã công khai, liệu có thể cho là Học viện Khoa học Xã hội đang “tay không bắt giặc”, chẳng khác gì vô số doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện BOT giao thông.Cả Học viện với hàng nghìn cán bộ, học viên chỉ có 30 chiếc máy tính (còn sử dụng được) được đặt trong một diện tích rộng 855 mét vuông, vị chi mỗi máy tính chiếm dụng một diện tích 28,5 mét vuông, tương đương một căn phòng mơ ước của gia đình công nhân tại các khu công nghiệp!
Những chiếc máy tính của Học viện Khoa học Xã hội được ưu ái như thế nhưng kiến thức Công nghệ Thông tin của người sử dụng chúng và lãnh đạo Học viện thế nào?
Nhìn biểu mẫu 24 "Công khai tài chính của cơ sở giáo dục đại học năm học 2016-2017" (Hình 2) người ta thật khó để biết ý nghĩa của dấu chấm, dấu phảy dùng trong các con số.
Thông thường người ta dùng dấu chấm để phân cách các số hàng nghìn, hàng triệu,… dấu phảy để phân cách phần lẻ thập phân (hoặc cũng có thể theo quy định ngược lại tùy theo áp dụng viết số kiểu Anh - Mỹ hay Việt - Pháp).
Ví dụ trong hình 2: con số 9.150.000 (học phí cao học đợt 1 năm 2016) là chín triệu một trăm năm mươi ngàn đồng. Vậy con số tổng thu ngân sách thường xuyên của Học viện 17,400,000 là bao nhiêu triệu đồng?
Nếu xem đây là lỗi thì có phải chỉ là “lỗi đánh máy” chứ không phải lỗi của người phê duyệt là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Nguyên Khánh.
Liệu có phải đây chỉ là lỗi cỏn con không thể hiện năng lực công nghệ thông tin của những vị “hàn lâm” nên cũng không cần phân tích thêm.

Hình 2, công khai tài chính
“Một thầy cùng lúc hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngành” là tiêu đề bài viết trên báo Thanhnien.vn ngày 27/8/2017, bài báo có đoạn:Vậy thì điều gì không phải là “cỏn con”?
“Theo kết luận thanh tra, Học viện Khoa học Xã hội đã thực hiện không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các khâu như xét tuyển thạc sĩ, nghiên cứu sinh, hoặc phân công người hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh không cùng ngành/chuyên ngành với nghiên cứu sinh, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh...”. [1]
Theo quy định hiện hành, số học viên thạc sĩ tối đa được phép hướng dẫn đối với Giáo sư là 7; Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học là 5; Tiến sĩ là 3.
Như vậy lò ấp thạc sĩ của các “thày hướng dẫn” thuộc Học viện Khoa học Xã hội đã đạt hiệu suất như sau:

Học hàm, học vịGiáo sưPhó Giáo sưTiến sĩ
Thực hiện so với định mức628,6%880%1.466,7%

Mục công khai bảo đảm chất lượng đào tạo quy định học viên thạc sĩ phải:“Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến người hướng dẫn khoa học để thực hiện luận văn đúng thời hạn”.
Vậy nếu 44 học viên “thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến” thì “thầy” sẽ mất bao nhiêu thời gian, và còn lại bao nhiêu thời gian cho nghiên cứu khoa học?
Người viết không thể hình dung được các “nhà khoa học” ở Học viện Khoa học Xã hội “siêu” đến mức nào để có thể hướng dẫn tới 44 đề tài thuộc 3 chuyên ngành khác nhau trong thời đại chuyên môn hóa cao như hiện nay?
Người Việt có câu “lắm thày nhiều ma”, phải chăng Học viện Khoa học Xã hội sợ nền khoa học nước nhà “nhiều ma” quá nên tập trung về cho các thày của Học viện hướng dẫn?
Liệu có phải ỷ thế là một “Viện Hàn lâm” nên những quan chức ở đây có thể coi thường kỷ cương, phép nước?
Và phải chăng, lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cũng như lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không xem các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như một văn bản quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ?
Vấn đề ở chỗ, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể “đề nghị” hoặc cao hơn là “kiến nghị” chứ không thể xử lý sai phạm của Học viện Khoa học Xã hội, thế nên cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ, của Phó Thủ tướng phụ trách mảng Văn hóa, Giáo dục…
Nếu Thanh tra Chính phủ không vào cuộc, e rằng những gì truyền thông đề cập cũng sẽ lặp lại như năm 2016, nghĩa là sang năm 2018 sẽ lại như năm 2017.
Có ý kiến cho rằng, người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, hay học vị Tiến sĩ ít nhất phải có “cái sĩ” của trí thức, đó là lòng tự trọng và tuân thủ pháp luật bên cạnh sự uyên bác về chuyên môn.
“Ôm” đến 44 học viên không phải chỉ là vi phạm quy định mà cũng còn là đánh mất cái “sĩ” của người có bằng cấp, đặc biệt đó lại là người thầy.
Thông thường, người ta hay dùng từ “người có học”, ở đây dùng từ “người có bằng cấp” bởi xã hội Việt Nam hiện tại “có bằng cấp” không đồng nghĩa với “có học”.
Người có học tất phải biết bổn phận, trách nhiệm và quyền hạn của mình, người biết mà bỏ qua, thậm chí còn vỗ ngực xem thường kỷ cương phép nước không thể nói là “có học”.
Trên đời này “tham thì thâm”, khi đánh mất cái “sĩ” của người có học, khi trở thành “thâm” thì họ có nên ngồi ở chốn “hàn lâm” ấy mà dạy dỗ người khác?
Nếu nói rằng: “Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng có phần đóng góp của các vị “Hàn lâm” thuộc Học viện Khoa học Xã hội” liệu có phải là nói sai?
Với cung cách đào tạo như vậy, với những ông/bà hướng dẫn khoa học như vậy, dư luận xã hội không sai khi gọi đây là “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ.
Tôn trọng kỷ cương, phép nước, thiết nghĩ lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nên tự mình xử lý các sai phạm tại Học viện Khoa học Xã hội trước khi các cơ quan cấp cao hơn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc.
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương
KHI 'NÉN BẠC ĐÂM TOẠC... LUẬN ÁN' 
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 31-8-2017
Ảnh minh họa: Lê Tâm / Báo Công an Nhân dân.
Chuyện thật như đùa…
Có thể nói, trong cái nhìn chung về bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục hôm nay thì vấn nạn “tiến sĩ giả” hay “giáo sư dỏm” tự thân nó là một vấn đề không mới. 
Dù biết vậy, nhưng không thể không ngao ngán cho những sự thật… như đùa đang tồn tại ở xã hội và đất nước ta hôm nay. 
Việc một vị Giáo sư ở viện khoa học nọ chỉ trong một năm mà hướng dẫn đến 44 luận văn cao học, 12 luận án tiến sĩ mà dư luận và truyền thông đang bàn tán râm ran là một câu chuyện buồn như vậy. 
Biết nói gì khi một vấn đề vốn dĩ rất nghiêm túc, nhưng giờ đây cả xã hội xem thường không chỉ bằng những cách gọi mỉa mai, mà còn là những bức tranh biếm họa, cợt đùa, cay nghiệt: “lò ấp tiến sĩ”!?
Họ có những cống hiến thiết thực và lớn lao cho nền khoa học nước nhà; từ đó phản biện hoặc tham mưu cho nhà nước những sách lược nhằm xây dựng và phát triển đất nước... Tiến sĩ, giáo sư vốn là những danh xưng dành cho những người trải qua quá trình học tập nghiên cứu nghiêm túc và bền bỉ; 
Vì thế theo lẽ thường thì tiến sĩ, giáo sư vốn phải là “bộ mặt tinh thần” của cả dân tộc và đất nước, không chỉ trong tư cách của những nhà khoa học mà còn là tư cách của những người trí thức chân chính. 
Vậy mà với không ít người tuy mang danh tiến sĩ, gắn mác giáo sư, nhưng chỉ nghe tên “công trình nghiên cứu” thôi đã là một nỗi hổ thẹn cho nền học thuật nước nhà.
Đó là chưa kể đến vô số các công trình mà chủ nhân của nó đã và đang giấu nhẹm, không dám công bố… 
Từ đây, một câu hỏi đặt ra là:
Tại sao những đề tài, những “công trình khoa học” rất “trời ơi đất hỡi” mà vẫn được cả hội đồng thẩm định (dĩ nhiên cũng toàn tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) thông qua? 
Đạo đức khoa học hay là chuyện “nén bạc đâm toạc…luận án”?
Lâu nay xã hội vẫn hay than phiền về sự tụt hậu của nền khoa học nước nhà so với bạn bè thế giới. 
Không ít người khi mổ xẻ các nguyên nhân của vấn đề này nếu không đổ thừa cho “cơ chế” cũng là do kinh phí eo hẹp, không đủ để nghiên cứu…
Điều này tuy không sai, nhưng theo tôi còn một sự thật khác – cũng là cái nguyên nhân cốt tử mà không ít người đang cố tình né tránh. 
Tôi muốn nói đến vấn đề đạo đức khoa học và “lợi ích nhóm” trong môi trường học thuật nước nhà hiện nay. 
Thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại vấn đề này từ chính bản thân mình chưa? 
Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông đôi khi rất cực đoan và đầy cay nghiệt nên đã vô tình làm tổn thương (số ít) những nhà khoa học chân chính và tử tế. 
Nhưng riêng trong chuyện này, về mặt xã hội, phải thừa nhận nhiều người trong chúng ta đang có nhận thức rất ấu trĩ và lệch lạc xung quanh các danh xưng và bằng cấp; 
Nhiều người còn xem danh xưng và bằng cấp như món đồ trang sức để nâng cấp giá trị bản thân nên tìm đủ mọi cách để sở hữu nó. 
Chính cái suy nghĩ lệch lạc này đã tác động đến đội ngũ những người làm khoa học; làm cho mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức xã hội hiện nay bị tụt dốc không phanh. 
Hay nói khác đi, nói cho cùng tất cả là do lương tâm và đạo đức của không ít những người làm khoa học nước nhà hôm nay đã và đang bị đồng tiền hạ gục; “nén bạc đã đâm toạc nhiều cái… luận văn, luận án”.
Và nếu nhìn rộng ra thì đây chính là một biểu hiện khác của vấn đề “lợi ích nhóm” trong nền học thuật nước nhà: 
Tranh giành dự án, tranh giành đề tài nghiên cứu cấp địa phương hay cấp bộ, cấp quốc gia; tranh nhau hướng dẫn học viên, chia nhau ngồi hội đồng…
Thay lời kết
Như đã nói ở phần đầu bài viết, vấn nạn “tiến sĩ giả” và “giáo sư dỏm” vốn là câu chuyện cũ của ngày hôm qua được dư luận hôm nay xới lại. 
Có điều, dù là câu chuyện cũ nhưng việc tìm ra giải pháp để khắc phục cái thảm trạng này lại chưa bao giờ là vấn đề hết mang tính thời sự. 
Và nói cho cùng, đây cũng là một bằng chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục nước nhà hôm nay. 
Một bức tranh với một gam màu xám xịt; đi kèm với đó là một cái vòng luẩn quẩn của các công cuộc “đổi mới”; và mỗi lần như thế cứ tưởng là cải tiến nhưng hóa ra là đang cải... lùi!? 
Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Trọng Bình
NGỒI NHẦM HỘI ĐỒNG KHÁC NÀO....'THẦY BÓI XEM VOI'
BẠCH ĐẰNG/ GDVN 4-9-2017
Chuyện “Thầy bói xem voi” đang xảy ra ở  Học viện khoa học xã hội?
Lâu nay, dư luận chẳng còn xa lạ gì khi Học viện khoa học xã hội – trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam được ví von là "lò ấp" vì mỗi ngày cho "ra lò" gần 1 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ.
Nhưng có lẽ bất cứ ai khi đọc bản kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cảm thấy ngỡ ngàng vì những sai phạm trong đào tạo quá sức tưởng tượng xảy ra ở đây.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Học viện khoa học xã hội (ảnh Bạch Đằng).

Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều điều đáng hổ thẹn đối với một trung tâm khoa học tầm cỡ như Học viện Khoa học xã hội.
Trong đó, việc ngồi nhầm hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp của một số nhà khoa học mang danh Giáo sư, Phó Giáo sư có lẽ là điều bất ngờ nhất.
Theo đó, thanh tra Bộ kiểm tra xác suất 2 hồ sơ thành lập hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ năm 2016 ngành Quản lý giáo dục cho thấy: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn (Ngành Kinh tế học); Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Dũng (ngành Tâm lý học) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần thị Minh Hằng (ngành Tâm lý học) không đủ điều kiện tham gia hội đồng (không cùng chuyên ngành với học viên) theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 28 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Qua kết luận thanh tra, dư luận hoàn toàn có lý khi đặt ra câu hỏi: Mới kiểm tra xác suất 2 hồ sơ đã phát hiện ra những sai phạm như vậy, thử hỏi một năm Học viện khoa học xã hội “sản xuất” ra tới gần 1.500 luận văn thạc sĩ thì sai phạm sẽ còn như thế nào?
Tại sao những nhà khoa học mang danh Giáo sư, Phó Giáo sư lại có thể vô tư ngồi nhầm chỗ trong hội đồng khoa học?
Việc phản biện khoa học theo cách này khác nào chuyện kể dân gian “Thầy bói xem voi”. Vì mù nên các thầy bói không nhìn thấy gì. Mỗi ông thầy bói phán theo cảm nhận riêng của mình mà không có góc nhìn tổng thể về con voi đã tạo nên tình huống khôi hài.
Khi các nhà khoa học không cùng chuyên ngành, nhận xét đánh giá luận văn ở lĩnh vực khác chả khác nào “thầy bói mù”.
Kết quả chắc chắn sẽ có sự lệch lạc và cuối cùng là những nhận xét, góp ý, đánh giá về đề tài theo kiểu tùy hứng, tùy tiện.
Trả lời báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài viết “Làm khoa học cũng có chuyện con voi chui lọt lỗ kim” trước những nghi ngại về chất lượng của các luận văn thạc sĩ do Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh hướng dẫn, ông Phạm Văn Đức – Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Chất lượng đào tạo có hội đồng bảo vệ thẩm định”.
Nhưng với kiểu thành lập hội đồng khoa học tùy tiện, sai nguyên tắc như thế này thì làm sao đảm bảo chất lượng?
Cũng trong kết luận thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng một người hướng dẫn số lượng học viên vượt quá quy định không chỉ có riêng ông Võ Khánh Vinh.
Theo kết luận thanh tra thì khi kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá quy định.
Cần phải trở lại với câu hỏi: Vì sao Việt Nam nhiều "Tiến sĩ giấy"?
Kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đã chỉ ra nhiều điểm không đúng.
Thông báo tuyển sinh trình độ Tiến sĩ có nội dung về điều kiện dự tuyển của nhiều ngành chuyên ngành khác với ngành chuyên ngành đăng ký được dự tuyển nghiên cứu sinh;
Người có bằng Thạc sĩ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý khoa học và công nghệ được dự tuyển cả 4 chuyên ngành Luật (Luật Hiến pháp và Luật hàn chính, Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự, Luật Kinh tế; Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm).
Người có bằng thạc sĩ ngành Chính sách công, Quản lý công được dự thi chuyên ngành Kinh tế quốc tế…;
Kiểm tra xác xuất hồ sơ của 12 nghiên cứu sinh trúng tuyển 2016 cho thấy, phiếu đánh giá hồ sơ thí sinh của cả 5 thành viên tiểu ban chuyên môn chỉ cho điểm đánh giá bài luận về dự định nghiên cứu, không cho điểm hồ sơ trên phiếu đánh giá, chưa tổng hợp đầy đủ kết quả điểm đánh giá trong biên bản.
Về công tác tổ chức quản lý đào tạo trình độ Tiến sĩ, từ năm 2015 trở về trước, Học viện chỉ ban hành Đề cương các học phần ở trình độ Tiến sĩ cho các ngành, chuyên ngành đạo tạo, không ban hành Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ theo quy định.
Về cấu trúc chương trình đào tạo, trong tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các thành phần theo đúng quy định.
Các học phần ở trình độ Tiến sĩ không có các học phần lựa chọn theo đúng quy định. Tất cả các chương trình đào tạo đều có cấu trúc chương trình gồm 16 tín chỉ chưa đúng quy định.
Học viện chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ, chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử theo đúng quy định.
Kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định: Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Phước Minh là Tiến sĩ ngành kinh tế, nhưng lại được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh Trần Thị Lan Thu chuyên ngành Quản lý giáo dục.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học.
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ nghiên cứu sinh cho thấy có 3/5 hồ sơ nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành chuyên ngành nghiên cứu sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp.
Kiểm tra hồ sơ quản lý đào tạo nghiên cứu sinh cho thấy, hồ sơ của nghiên cứu sinh Phạm Văn Thùy chuyên ngành quản lý kinh tế và nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Khoa chuyên ngành Luật kinh tế cho thấy, bản nhận xét phản biện, bản nhận xét tóm tắt luận án Tiến sĩ không ghi ngày tháng, không ký tên người phản biện.
Nghiên cứu sinh Phạm Văn Thùy có bằng Thạc sĩ do Trường Đại học Griggs cấp nhưng chưa thực hiện việc công nhận văn bằng theo quy định.
Nhận xét phản biện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn; Bản nhận xét tóm tắt luận án Tiến sĩ của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Cù Chí Lợi không ghi ngày tháng, không ký tên;
Đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của nghiên cứu sinh không ghi ngày tháng, không có họ tên nghiên cứu sinh và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành… nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn;
Nghị quyết của Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Học viện không ghi ngày ban hành…
Với hàng loạt các sai phạm đã được chỉ ra, đây là những sai phạm cố ý, cần thiết phải xem rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai sót trên.
Không thể để tình trạng, một trung tâm đào tạo các nhà khoa học lại trở thành nơi đào tạo vô lối như vậy.
Bạch Đằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét