Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

20220428. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (21)

  ĐIỂM BÁO MẠNG

SỰ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ TRONG GIAI ĐOẠN 2 CUỘC 

CHIẾN NGA-UKRAINE

TUẤN ANH/VNN 27-4-2022
Khi chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine biến thành cuộc chiến tranh tiêu hao, không có khả năng đạt thỏa thuận hòa bình trong nay mai, Mỹ và các đồng minh bắt đầu thay đổi chiến lược ứng phó.

Mỹ gần đây đã hé lộ một mục tiêu mới, lâu dài hơn cho xung đột: đánh bại Nga một cách dứt khoát trên chiến trường, khiến Nga sẽ không thể tái phát động một cuộc tấn công tương tự nữa. Thông điệp được đưa ra rõ ràng nhất vào hôm 25/4, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trao đổi với các phóng viên sau chuyến công du đến thủ đô Kiev của Ukraine.

"Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những việc như hiện nay với Ukraine. Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng Nga tái thực hiện những điều tương tự như vậy. Đó là lí do tại sao chúng tôi trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ trước các cuộc tập kích của Nga và đó cũng là lí do tại sao chúng tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhắm trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nhằm cắt giảm sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này...", ông Austin chia sẻ.

CNN dẫn lời phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, phát biểu của ông Austin phù hợp với các mục tiêu của Washington trong nhiều tháng qua. Người phát ngôn nói, Mỹ muốn biến chiến dịch quân sự ở Ukraine thành "một thất bại chiến lược đối với Nga". Các quan chức khác của Mỹ đã xác nhận mục tiêu trên, điều chính quyền Tổng thống Joe Biden từng né tránh công khai một cách rõ ràng suốt thời gian dài vì vẫn lạc quan thận trọng về việc Moscow và Kiev có thể đạt được một dạng thỏa thuận nào đó thông qua hòa đàm.

Một quan chức Đông Âu từng bày tỏ sự thất vọng với cách làm trước đây của Mỹ. Ông tin, giải pháp duy nhất cho vấn đề là Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga.

Sự thay đổi trong chiến lược của Washington đã diễn ra trong vài tuần qua, thể hiện qua việc chấp nhận rủi ro ngày càng gia tăng thông qua chuyển giao các loại vũ khí ngày càng tân tiến, phức tạp hơn (bao gồm cả 72 hệ thống lựu pháo và máy bay không người lái chiến thuật "Bóng ma phượng hoàng") cho Kiev cũng như niềm tin rằng, các mục tiêu của Tổng thống Nga Putin ở Ukraine sẽ không kết thúc ngay cả khi các lực lượng Nga tìm cách chiếm được một phần lãnh thổ Ukraine như năm 2014, khi bán đảo Crưm sáp nhập vào xứ sở bạch dương.

Các quan chức lí giải, sự thể hiện cùng những tổn thất đáng kể trên chiến trường của các lực lượng Nga đã góp phần đáng kể vào thái độ ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Moscow. Dù Washington trước đây từng lo ngại rằng việc gửi pháo hạng nặng cho Kiev có thể bị coi là một hành động khiêu khích, nhưng việc ông Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới, trị giá hàng tỉ USD bao gồm xe tăng, tên lửa và đạn dược trong tháng qua, là dấu hiệu cho thấy một số lo lắng ban đầu về nguy cơ leo thang xung đột đã giảm bớt.

Mỹ cũng đang chuẩn bị huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng các hệ thống khí tài hiện đại hơn, có khả năng tương thích với NATO, động thái sẽ cho phép các chính phủ phương Tây chuyển giao các vũ khí mạnh hơn cho quốc gia Đông Âu một cách nhanh chóng hơn.

Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sử dụng các lời lẽ ngày càng nặng nề hơn khi lên án người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Dù một số cố vấn lo ngại rằng ngôn ngữ như vậy có thể chọc giận lãnh đạo Điện Kremlin, nhưng ông Biden trấn an rằng, việc phơi bày sự thật còn quan trọng hơn việc mạo hiểm leo thang căng thẳng. Ông thậm chí quả quyết, khả năng quân sự của Nga không mạnh như Mỹ từng dự đoán.

Các quan chức trong chính quyền Biden lạc quan rằng, mục tiêu của Washington trong giai đoạn 2 của cuộc chiến Nga - Ukraine là khả thi và việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine có thể dẫn đến những tổn thất lớn, làm giảm khả năng quân sự lâu dài của Nga và mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ. Tuy nhiên, họ lưu ý, Mỹ và các đồng minh đang hành động một cách thận trọng khi giáng đòn trừng phạt Nga, cả vì những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt khắc nghiệt có thể gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như nguy cơ Moscow có thể phản ứng mạnh tay nếu bị dồn vào chân tường.

Một nguồn tin nắm rõ các báo cáo tình báo của Mỹ về Nga tiết lộ, Washington vẫn đánh giá các lằn ranh đỏ của Moscow về việc dùng vũ khí hạt nhân không thay đổi, nhưng mọi chuyện có thể diễn biến khác nếu ông Putin cảm thấy việc cầm quyền của ông bị đe dọa nghiêm trọng.

Một quan chức khác của Mỹ lại cho rằng, phát biểu của Austin không hữu ích vì lí do đó và vì nó có thể được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của Nga rằng NATO và Mỹ đã hỗ trợ Ukraine trong một "cuộc chiến ủy nhiệm" nhằm cạnh tranh quyền lực. Quan chức này lưu ý, mục tiêu của Washington không phải là muốn Moscow hiểu "dù thế nào Mỹ và NATO sẽ làm suy yếu Nga", mà nên là "phương Tây sẽ nhắm trừng phạt Nga nếu nước này vẫn duy trì chiến tranh với Ukraine".

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ hành xử ra sao với các lệnh trừng phạt nếu Nga đạt một thỏa thuận hòa bình có ý nghĩa với Ukraine và rút quân về nước. Theo giới quan sát, trong viễn cảnh đó, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tỏ thiện chí nhưng sẽ duy trì các lệnh trừng phạt còn lại. 

Theo một số nguồn thạo tin, Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Anh, đang cân nhắc tính khả thi của một cơ chế "phản hồi nhanh", cho phép họ nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Moscow vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được với Kiev.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn và triển vọng về một thỏa thuận hòa bình ngày càng mờ nhạt, các giải pháp trên có lẽ còn rất lâu mới có cơ hội được hiện thực hóa. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 3 từng nhấn mạnh, Nga cần phải đảm bảo "không đảo ngược" các cam kết với nước láng giềng trước khi Washington xóa tên Moscow khỏi "danh sách đen". Dù thế nào, các diễn biến tiếp theo của chiến sự sẽ quyết định chiến lược ứng phó của Mỹ và phương Tây trước Nga.

Tuấn Anh

LÝ DO ĐỨC DÈ DẶT TRONG VIỆC CHUYỂN VŨ KHÍ HẠNG NẶNG CHO UKRAINE

VIỆT ANH/VNN 27-4-2022

Dù đã tuyên bố thay đổi chính sách đối ngoại và quốc phòng khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, nhưng Đức vẫn tỏ ra dè dặt trong việc cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.

Ngày 27/2, 3 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đã có bài phát biểu trước Quốc hội Đức khiến ngay cả các đồng minh chính trị thân cận nhất của ông cũng phải kinh ngạc. Gọi thời điểm khi đó là Zeitenwende (bước ngoặt), Thủ tướng Scholz đã vạch ra sự thay đổi chiến lược lớn nhất về chính sách an ninh, đối ngoại và năng lượng trong lịch sử nhà nước cộng hòa liên bang này.

Những thay đổi đáng chú ý trên bao gồm tăng ngân sách quốc phòng từ 1,5% lên 2% GDP của Đức, và lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro (tương đương 110 tỷ USD) để đầu tư cho lực lượng vũ trang của nước này. Không chỉ ngưng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, Thủ tướng Scholz còn cho xây dựng 2 kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Theo tạp chí The Economist, chiến lược mới của Đức đã thắp lên niềm hy vọng lớn đối với phương Tây. Nhưng chỉ sau 8 tuần chiến sự ở Ukraine, những hy vọng này đang dần tiêu tan, từng chút một.  Thủ tướng Scholz vẫn từ chối ủng hộ các lời kêu gọi ngưng nhập khẩu hay áp thuế lên dầu khí Nga. Và mỗi ngày, Đức vẫn trả cho Nga hàng chục triệu Euro tiền sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn.

Không những thế, sự chần chừ trong việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo tự hành … cũng khiến nhà lãnh đạo Đức đối mặt với với nhiều chỉ trích cả trong và ngoài nước.

Ràng buộc lợi ích với Nga

Không giống các đồng minh phương Tây khác, Đức không cung cấp vũ khí cho Ukraine trước cả thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, và thậm chí còn chặn các quốc gia khác gửi khí tài quân sự có xuất xứ từ Đức cho Kiev.

Theo hãng thông tấn Reuters, điều này là do Chính phủ Berlin từ lâu đã duy trì chính sách không xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự. Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng Đức, nhất là khi nước này đang cố gắng rũ bỏ những mặc cảm tội lỗi trong thời kỳ Thế Chiến II.

Tuyên bố của Thủ tướng Scholz hôm 27/2 là sự đảo ngược so với chính sách đối ngoại lâu đời của Đức là “Wandel durch Handel” (Thay đổi thông qua thương mại), với mục đích thay đổi bộ mặt của nước Nga thông qua thương mại và hội nhập kinh tế với Đức. Dù nhiều ý kiến xem đây là một rủi ro, các đời chính phủ Đức vẫn cho rằng thiết lập quan hệ với Moscow là một điều tốt, và hòa bình ở châu Âu sẽ không thể được duy trì nếu không có Nga.

Dù một số người chỉ trích cách tiếp cận hiện tại của ông Scholz là “quá nhút nhát”, sự dè dặt này có thể bắt nguồn từ việc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) từ lâu vốn ủng hộ phương Tây thân thiện với Nga. Thái độ này bắt nguồn từ "Ostpolitik" - chính sách nối lại quan hệ với các nước láng giềng phía đông của Đức, được khởi xướng vào năm 1969 bởi cựu Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, một thành viên của SPD.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm tại Moscow ngày 15/2. Ảnh: Sputnik

“Tôi không nghĩ một chính trị gia SPD lại làm điều gì đó chống lại ý muốn của đảng mình”, Thomas Kleine-Brockhoff, chuyên gia thuộc Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết. Theo ông, SPD thường thích hợp tác với Nga hơn là đối đầu.

Còn theo giáo sư Carlo Masala, chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Đại học Bundeswehr Munich, Thủ tướng Scholz muốn đưa ra 2 thông điệp từ sự thay đổi này. Một mặt, ông muốn đánh tiếng với Nga rằng Đức vẫn đang kìm hãm việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mặt khác, đó cũng là tín hiệu trấn an đối với người dân trong nước và chính đảng của ông.

"Đây là một vấn đề còn gây tranh cãi trong nội bộ SPD. Tuy nhiên, ông Scholz vẫn cần sự ủng hộ từ tất cả những nhà lập pháp có lập trường không muốn giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, những người rằng điều này sẽ làm leo thang xung đột và Đức sẽ thành mục tiêu của Nga”, giáo sư Masala nói với kênh DW.

Giới hạn của quân đội Đức

Giới chức Berlin đều lập luận rằng, việc cho đi các loại vũ khí hạng nặng sẽ khiến Đức không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ của quân đội nước này cả trong nước lẫn với khối NATO. "Hiện tại, chúng tôi phải thừa nhận rằng các lựa chọn mà chúng tôi có đang đạt đến giới hạn", Thủ tướng Scholz nói.

Theo Phó tổng thanh tra Đức Markus Laubenthal, để đảm bảo khả năng phòng thủ trong nước và các vùng lãnh thổ thuộc NATO, quân đội Đức cần các hệ thống vũ khí đặc biệt như xe chiến đấu bộ binh Marder hoặc pháo tự hành hạng nặng 2000. Trong đó, Marder là hệ thống chiến đấu cần được đào tạo chuyên sâu. Dù thời gian đào tạo có thể được rút ngắn, vẫn cần vài tuần để chuẩn bị trang thiết bị này.

Phương tiện chiến đấu Mardar của quân đội Đức, Ảnh: DPA

Bình luận của ông Laubenthal được đưa ra để đáp lại nhận xét của Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk, người từng tuyên bố quyết định không cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là “không thể hiểu được". Theo ông Melnyk, Đức có khoảng 400 xe Marder, trong đó có khoảng 100 chiếc được sử dụng để huấn luyện, nên chúng vẫn có thể được bàn giao cho Ukraine ngay lập tức.

Trong khi đó, cựu tướng NATO Hans-Lothar Domröse đã bác bỏ những tuyên bố cần phải đào tạo chuyên sâu để sử dụng thành thạo Marder. "Những người biết sử dụng mẫu BMP-1 của Liên Xô có thể tự làm quen với Marder trong vòng chưa đầy một tuần", ông nói.

Khó duy trì giải pháp thay thế

Thủ tướng Scholz cho biết, Berlin đang giải ngân hơn 1 tỷ Euro để giúp Ukraine mua thiết bị quân sự từ Đức. Ông liệt kê các loại vũ khí chống tăng, thiết bị phòng không và đạn dược làm ví dụ, nhưng không đề cập đến các loại xe tăng và máy bay mà Kiev đang yêu cầu.

Tờ Bild từng đưa tin, các công ty quốc phòng Đức ban đầu đề nghị cung cấp vũ khí hạng nặng như xe Marder, xe bọc thép Boxer, xe tăng Leopard 2 và cả pháo tự hành. Tuy nhiên, những mặt hàng này sau đó dường như đã bị gạch tên.

"Có một số vũ khí hạng nặng trong danh sách, nhưng chắc chắn không phải là xe tăng. Vì vậy, xe tăng dường như là lằn ranh đỏ đối với chính phủ Đức ngay lúc này”, giáo sư Carlo Masala nói.

Dù vậy, Berlin vẫn tìm cách “đi đường vòng” khi cố gắng thuyết phục các nước đồng minh cung cấp vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine, để đổi lấy các khí tài hiện tại hơn của Đức. Chẳng hạn, nước này đang vận động Slovenia gửi một số xe tăng chiến đấu T-72 từ thời Liên Xô đến Ukraine, và bù lại Slovenia sẽ tiếp nhận các xe Marder do Đức sản xuất.

Tuy nhiên, ông Masala nhận định phương thức này sẽ không duy trì được lâu, do số vũ khí trên sẽ sớm bị phá hủy trong giao tranh, và Ukraine sẽ lại lâm vào cảnh cạn kiệt vũ khí hạng nặng. “Đến một thời điểm nào đó, câu hỏi liệu có nên đào tạo và chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây cho Ukraine hay không sẽ quay trở lại", vị giáo sư cho biết.

Việt Anh

NGA NÊU ĐIỀU KIỆN ĐÀM PHÁN TRỰC TIẾP VỚI UKRAINE, CẢNH BÁO THẾ CHIẾN THỨ 3

HOÀI LINH/VNN 26-4-2022

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev sẽ tiếp tục nhưng vẫn có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Kiev cần có những động thái có ý nghĩa trước khi bất kỳ cuộc đàm phán quan trọng nào diễn ra. 

Theo hãng tin RT, Ukraine từng đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình và thề sẽ giành lại bất kỳ lãnh thổ nào đang chịu sự kiểm soát của Nga ngay lập tức với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây. 

Khi được hỏi về khả năng đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói, các điều kiện vẫn chưa được đưa ra. "Ngay sau khi chúng ta có những thỏa thuận có ý nghĩa để có thể tổ chức một cuộc trao đổi quan điểm thực chất, thì khi đó vấn đề này sẽ được xem xét. Một điều như vậy vẫn chưa tồn tại", ông Rudenko nói với các phóng viên. 

Phái đoàn của Nga và Ukraine gặp nhau lần cuối tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3. Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, các tài liệu Ukraine gửi cho Nga đã chệch hướng khỏi những gì hai bên nhất trí trước đó. Nhà ngoại giao Nga cáo buộc Kiev không có thiện chí đàm phán. 

Moscow cảnh báo nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ 3

Ảnh: RT

Hãng tin Reuters, RT và tờ The Guardian đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev sẽ tiếp tục nhưng vẫn có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. 

Ông Lavrov chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Ukraine Zelensky với các cuộc hòa đàm, cáo buộc nhà lãnh đạo này giả vờ đàm phán và gọi ông Zelensky là "diễn viên giỏi". "Thiện chí cũng có giới hạn của nó. Nếu không có đi có lại, điều đó không giúp ích gì cho tiến trình thương thuyết. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục tham gia đàm phán với nhóm được ông Zelensky ủy nhiệm". 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nhắc nhở rằng thế giới không nên đánh giá thấp những rủi ro đáng kể của chiến tranh hạt nhân mà Moscow đang muốn giảm bớt. Moscow cũng cảnh báo, các vũ khí thông thường của phương Tây là mục tiêu hợp pháp của Nga ở Ukraine. "Mối nguy hiện nay rất lớn", Ngoại trưởng Lavrov nói. "Tôi không muốn nâng cao những rủi ro đó. Mối nguy đó rất nghiêm trọng và chúng ta không được đánh giá thấp nó". 

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức để trả đũa việc Berlin có hành động tương tự với các nhà ngoại giao Nga. 

Thống kê tổn thất của Nga từ đầu cuộc chiến

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chiều qua (25/4) cho biết, khoảng 15.000 lính Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Wallace nói thêm, bên cạnh thương vong về người, có 2.000 xe bọc thép của Nga bị phá hủy hoặc bị thu giữ, trong đó có 530 xe tăng. Nga được cho là đã mất hơn 60 trực thăng và chiến đấu cơ. 

Ông Wallace cũng xác nhận, Anh sẽ gửi một lượng nhỏ các xe phóng tên lửa Stormer tới Ukraine và viện trợ của London cho Kiev có thể tăng tới 500 triệu Bảng. Anh đã gửi 5.361 vũ khí chống xe tăng hạng nhẹ, 200 tên lửa tự dẫn Javelin cho Ukraine và sẽ tiếp tục cung cấp cho quốc gia này 250 tên lửa đối không Starstreak. 

Các diễn biến đáng chú ý khác:

- Thụy Điển và Phần Lan đã nhất trí cùng nộp đơn đăng ký trở thành thành viên của NATO sớm nhất là vào giữa tháng này, báo Iltalehti của Phần Lan và tờ Express của Thụy Điển hôm qua đưa tin. Dù siết chặt hợp tác với NATO kể từ khi Nga sáp nhập Crưm, song hai nước Bắc Âu này vẫn lựa chọn đứng ngoài liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc tấn công Ukraine của Nga đã buộc hai nước xem xét lại quan điểm trung lập quân sự bấy lâu nay có còn là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia nữa không.  

- Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 25/4 tuyên bố, nước này đã cung cấp cho Ukraine một số xe tăng, song ông không nói rõ số hiệu hay loại xe tăng. Như vậy, Ba Lan là nước thành viên NATO thứ ba, tiếp sau Slovakia và Cộng hòa Czech trang bị cho Ukraine xe tăng. 

- Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc, vụ pháo kích nhằm vào một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova là "sự khiêu khích có kế hoạch" của Nga nhằm kích động tâm lý hoang mang và chống Ukraine. 

Hoài Linh

CẬP NHẬT CHIẾN TRANH  Ở UKRAINA LÚC 8h SÁNG, NGÀY 27-4-2022

CÙ TUẤN /TD 27-4-2022
Ngày 26-4, quan chức từ hơn 40 quốc gia họp tại căn cứ không quân Ramstein của Đức để tham gia các cuộc thảo luận do Mỹ chủ trì về việc vũ trang cho Ukraina chống lại Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng có mặt. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói, các cuộc thảo luận nhằm đồng bộ hóa và phối hợp hỗ trợ an ninh cho Kiev, bao gồm vũ khí hạng nặng, cũng như máy bay không người lái có vũ trang và đạn dược, theo Hãng tin Reuters.
Ngày 26/4, Hoa Kỳ đã triệu tập 40 đồng minh cung cấp cho Ukraina viện trợ quân sự dài hạn trong cuộc chiến Ukraina mà có thể trở thành một cuộc chiến dài hạn chống lại Nga, và Đức cho biết họ sẽ gửi cho Ukraina hàng chục phương tiện phòng không bọc thép. Đây là một sự thay đổi chính sách lớn đối với một quốc gia đã dao động vì lo sợ sẽ khiêu khích Nga nếu họ làm vậy.
Tuyên bố của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một trong những đối tác thương mại phương Tây quan trọng nhất của Nga, nằm trong số nhiều tín hiệu hôm 26/4 cho thấy, cuộc chiến Ukraina đang leo thang hơn nữa và các nỗ lực ngoại giao đã thất bại. Sự thay đổi thái độ của Đức cũng được coi là lời khẳng định mạnh mẽ về thông điệp cứng rắn của chính quyền Biden, với nội dung là họ muốn thấy Nga không chỉ bị đánh bại ở Ukraina mà còn phải bị suy yếu nghiêm trọng sau cuộc xung đột mà Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu cách đây hai tháng.
***
Giới chức Ukraina cho biết, giao tranh diễn ra ác liệt ở hai khu vực miền đông Donetsk và Lugansk, khi quân Nga mở nhiều mũi tiến công vào khu vực này. Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu cơ quan quân sự vùng Donetsk, cho biết, quân Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích bằng tên lửa vào các mục tiêu tại thành phố Avdiivka, thuộc tỉnh Donetsk. Kyrylenko thêm rằng, một nỗ lực tấn công khác của quân Nga ở thị trấn Mariinka gần đó đã bị đẩy lùi. Hỏa lực của Nga làm hỏng một trạm biến áp, khiến thị trấn Krasnohorivka bị mất điện. "Hôm nay, pháo kích liên tiếp xảy ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Ít nhất hai dân thường đã chết", Kyrylenko nói.
***
Theo Hãng tin AFP, trong cuộc gặp tại thủ đô Matxcơva vào ngày 26-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, rằng ông vẫn đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraina. "Mặc dù chiến dịch quân sự đang diễn ra, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thể đạt được các thỏa thuận trên con đường ngoại giao. Chúng tôi đang đàm phán (với Ukraina) và chúng tôi không từ chối đàm phán" - ông Putin nói với ông Guterres.
Tổng thống Putin nói với người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, rằng "biết rõ những lo ngại của ngài về chiến dịch quân sự của Nga" ở Ukraina và sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. Còn ông Guterres kêu gọi Nga và Ukraina phối hợp với Liên Hiệp Quốc để lập các hành lang viện trợ và sơ tán cho dân thường ở Ukraina.
Theo thông tin của Liên Hiệp Quốc về cuộc gặp, Tổng thống Putin "về nguyên tắc" đã đồng ý cho phép sơ tán dân thường trong nhà máy thép Azovstal ở TP cảng Mariupol của Ukraina. Điều này được thực hiện có sự phối hợp với Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Bộ Quốc phòng Nga và các quan chức Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có cuộc hội đàm về chiến sự Ukraina, nhất là tình hình ở nhà máy Azovstal. “Các lực lượng Ukraina có nghĩa vụ thả tất cả dân thường khỏi khu vực nhà máy Azovstal ở Mariupol, nếu có người dân ở đó. Đúng là chúng tôi đã nghe được những thông tin từ phía Ukraina về việc có dân thường trong nhà máy Azovstal. Nhưng binh sĩ Ukraina cần thả người dân ra, nếu không hành động của họ sẽ được coi là sử dụng dân thường làm những lá chắn sống. Thả người dân đi là một hành động rất đơn giản, không điều gì có thể dễ hơn việc đó”, hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Nga Putin nói với ông Guterres trong cuộc gặp.
“Ngài Tổng Thư ký, ông nói rằng các hành lang nhân đạo được chúng tôi thiết lập không làm việc hiệu quả. Có vẻ ông đã nhận được những thông tin sai lệch. Tôi nhấn mạnh rằng có khoảng 130.000-140.000 người dân đã rời Mariupol với sự hỗ trợ của chúng tôi. Họ được tự do đi tới bất kỳ nơi nào họ muốn, một số người tới Nga trong khi số khác tới nhiều nơi trên khắp Ukraina. Chúng tôi không giữ họ lại, và những người dân đó được hỗ trợ đầy đủ”, ông Putin nói thêm. “Dân thường ở trong nhà máy Azovstal cũng sẽ như vậy. Theo quan điểm của bản thân tôi, việc sử dụng người dân làm lá chắn là một tội ác”, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh. Phát ngôn viên của ông Guterres, quan chức Stephane Dujarric sau đó nói rằng, ông Putin đã đồng ý để Liên Hợp Quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế khác tham gia cứu trợ người dân mắc kẹt trong các vùng chiến sự.
***
Trả lời phỏng vấn báo Rossiyskaya Gazeta (báo Chính phủ Nga), ngày 26-4, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo chính sách của phương Tây và Chính phủ Ukraina có thể khiến Ukraina "bị tách thành các nước nhỏ hơn". Ông Nikolai Patrushev, cũng là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc Mỹ nhiều năm qua đã cố khơi dậy tâm lý bài Nga ở người Ukraina.
Ông Patrushev nói: "Tuy nhiên, lịch sử đã dạy cho chúng ta rằng lòng căm thù không bao giờ có thể trở thành một yếu tố đáng tin cậy trong sự đoàn kết dân tộc. Nếu có thứ gì đó có thể giúp những người dân ở Ukraina đoàn kết hiện nay, thì đó chính là nỗi sợ hãi về sự tàn bạo của các tiểu đoàn theo chủ nghĩa dân tộc (trong quân đội Ukraina)" - Ông Patrushev đề cập đến các đơn vị lực lượng vũ trang của Ukraina mà Nga xem như một phần lý do khiến họ phát động chiến dịch quân sự. Do đó, ông Patrushev cho rằng chính sách của phương Tây và Chính phủ Ukraina có thể dẫn tới việc Ukraina bị tách thành một số quốc gia nhỏ hơn.
***
Theo TTXVN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông đã có một cuộc thảo luận nồng ấm và mang tính xây dựng với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, đồng thời nhấn mạnh rằng, các đồng minh của Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn để giúp Ukraina tự vệ.
Ông Austin lưu ý, Mỹ và các đồng minh sẽ cung cấp hỗ trợ cho Ukraina với tiến độ kỷ lục, và nêu rõ: "Chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraina tiếp tục tự vệ". Bộ trưởng Austin cũng cho hay, điều quan trọng là cần chắc chắn rằng, Mỹ và các đồng minh làm hết khả năng để đảm bảo Ukraina sẽ thành công, và đó là con đường tốt nhất để giải quyết nguy cơ lan rộng của cuộc chiến.
Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken, người đã đi cùng ông Austin đến Ukraina vào cuối tuần trước, khẳng định rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ quân đội Ukraina trong việc đẩy quân Nga ra khỏi miền đông Ukraina, nếu đó là điều mà Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn làm. “Nếu đó là cách họ xác định mục tiêu của mình như một quốc gia có chủ quyền, dân chủ, độc lập, thì chúng tôi sẽ ủng hộ”, ông Blinken nói tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, các thành viên của phái bộ ngoại giao Mỹ tại Ukraina - những người đã phải chuyển đến Ba Lan do chiến sự ở Ukraina - đã đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraina vào ngày 26-4. Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực của Washington nhằm bảo đảm các nhà ngoại giao của họ quay trở lại Ukraina.
***
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, mục tiêu của Nga ở Ukraina là bảo vệ thường dân nên Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Liên Hiệp Quốc để giảm thiểu các ảnh hưởng đến người dân. Các cam kết được ông Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tại Matxcơva (Nga) ngày 26-4. "LHQ sẵn sàng huy động toàn bộ nhân lực và nguồn lực hậu cần để cứu sống những người ở Mariupol", ông Guterres nêu vấn đề trong họp báo, đồng thời đề xuất Nga phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để những người đang bị kẹt bên trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol được rời đi.
Nga khẳng định, những người bên trong nhà máy Azovstal là các tay súng Ukraina đang cố thủ và cáo buộc Kiev ra lệnh cho những người này không được ra hàng. Matxcơva khẳng định, đã nhiều lần kêu gọi người bên trong đầu hàng với lời hứa sẽ đảm bảo an toàn cho họ.
***
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, John Kirby, Nga đang suy yếu cả về mặt kinh tế lẫn quân sự sau 2 tháng đưa quân vào Ukraina. Ông tuyên bố mục tiêu của Washington là muốn Matxcơva yếu đến mức không còn đe dọa được nước khác. Các nhận định được ông Kirby đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN ngày 26-4. "Nước Nga đang yếu hơn và đang ngày càng tự cô lập mình", người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu vấn đề.
Theo ông Kirby, nền kinh tế của Nga đang trong tình trạng "tồi tệ" vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn quân đội đang hứng chịu các tổn thất và tiêu hao nhiều mặt vì đưa quân vào Ukraina. "Chúng tôi muốn Nga không thể đe dọa các nước láng giềng của họ thêm một lần nào nữa trong tương lai", đại diện Lầu Năm Góc nêu mục tiêu nhưng không nói thêm chi tiết, bao gồm đánh giá của Mỹ về tình trạng quân đội Nga hiện nay. Đây là lần thứ hai quan chức Lầu Năm Góc nói về mục tiêu "làm cho Nga suy yếu". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trong cuộc họp báo sau khi thăm Kiev ngày 25-4, đã nói về việc Mỹ muốn Nga yếu đến mức không thể lặp lại các hành động quân sự như đã từng làm với Ukraina.
***
Ngày 26-4, chính quyền Moldova cho biết, 2 vụ nổ đã làm hỏng ăng ten vô tuyến cũ từ thời Liên Xô tại một ngôi làng ở Transdniestria (vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova nằm gần biên giới với Ukraina). Theo Hãng tin Reuters, 2 ăng ten này vẫn được dùng để phát sóng đài của Nga, do đó vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Transdniestria. Nga đã có quân đội thường trú tại đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, Bộ Ngoại giao Ukraina cáo buộc Nga cố gắng lôi kéo vùng ly khai Transdniestria (được cho là thân Nga) của Moldova vào cuộc chiến Nga - Ukraina, sau khi nhà chức trách ở Transdniestria cho biết họ đã ghi nhận một số vụ nổ tại địa phương và đổ lỗi cho phía Ukraina về vụ việc. Trước đó, phía Nga tuyên bố lực lượng Nga có kế hoạch chiếm toàn bộ miền nam Ukraina và thiết lập hành lang trên bộ tới vùng Transdniestria của Moldova.
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, ngày 26-4 cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện tại Transdniestria, vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova và thân Nga. Ông Peskov nói, tin tức từ khu vực này đang gây ra lo ngại lớn. Hãng thông tấn TASS đưa tin, Hội đồng An ninh khu vực ly khai Transdniestria của Moldova đã thông báo về một "cuộc tấn công khủng bố" nhằm vào một đơn vị quân đội gần thành phố Tiraspol. Trước đó, một vụ nổ xé toạc trụ sở an ninh của Transdniestria và 2 vụ nổ khác làm hỏng ăng ten radio cũ, thời Liên Xô. Tổng thống Moldova đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp ngay trong ngày 26-4.
***
Bắt đầu cuộc họp quốc phòng với hơn 40 quốc gia vào ngày 26-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ tin tưởng, Ukraina có thể thắng trong cuộc xung đột kéo dài hai tháng qua. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, nước này và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng phòng không và không quân ở Belarus, theo Reuters. Thời gian tập trận dự kiến từ ngày 26-4 đến 29-4.
Ông Austin cho biết các quan chức quốc phòng tập trung tại Căn cứ Không quân Ramstein - từ Úc, Bỉ, Anh, Ý, Israel và các nước khác - đã đồng ý thành lập nhóm mà ông gọi là Nhóm liên lạc Ukraina và sẽ họp hàng tháng để đảm bảo họ “tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraina cho một cuộc chiến đường dài". Ông Austin nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những chuyện long trời lở đất” để củng cố quân đội Ukraina. “Không ai bị lừa bởi những tuyên bố giả mạo về Donbas của ông Putin”, ông Austin nói, đề cập đến khu vực phía đông Ukraina, nơi Nga gần đây đã tập trung quân để tiếp tục tấn công. Ông nói: “Cuộc xâm lược của Nga là không thể chối cãi và những hành động tàn bạo của Nga cũng vậy".
***
Ngày 26/4, Đức thông báo sẽ giao hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraina, đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Berlin. Cam kết chuyển giao hệ thống pháo phòng không Gepard cho Ukraina được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân Ramstein ở Rhineland-Palatinate, phía tây nam nước này. "Chúng tôi đã quyết định vào ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraina các hệ thống phòng không. Đó chính là những gì Ukraina cần để bảo vệ không phận từ mặt đất", bà Lambrecht nói. Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraina để đối phó với Nga. Các hệ thống Gepard đã bị loại bỏ dần trong quân đội Đức từ năm 2010.
Ngoại trưởng giao Nga, Sergey V. Lavrov cho biết hôm 26/4, rằng làn sóng vũ khí hạng nặng từ các nước phương Tây đang thúc đẩy Ukraina phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình với Matxcơva, vốn không có dấu hiệu tiến triển cụ thể. Ông Lavrov nói, sau cuộc gặp tại Matxcơva với Tổng thư ký Liên Hợp quốc, António Guterres, người đang thực hiện nỗ lực tích cực nhất về ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh tại Matxcơva: "Nếu điều đó tiếp tục, các cuộc đàm phán sẽ không mang lại kết quả nào".
***
Hôm thứ Hai, ông Lavrov đã làm sống lại bóng ma chiến tranh hạt nhân, như ông Putin đã làm ít nhất hai lần trước đây. Ông Lavrov nói rằng, mặc dù khả năng như vậy là "không thể chấp nhận được" đối với Nga, nhưng rủi ro đã tăng lên vì NATO đã "tham gia vào một cuộc chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và trang bị cho bên ủy nhiệm đó". Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Channel One, mạng lưới truyền hình nhà nước của Nga: “Rủi ro là khá lớn. Tôi không muốn chúng bị thổi phồng quá mức. Nhưng nguy hiểm là nghiêm trọng, có thật - không được đánh giá thấp nguy cơ này".
Theo Hãng tin Reuters, ông Lavrov khẳng định rủi ro này hiện nay là đáng xem xét nhưng quan điểm của Nga là không cho phép xảy ra cuộc chiến như vậy. Do đó, Nga muốn giảm các nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân. Ông cũng cảnh báo vũ khí được cung cấp cho Kiev, như tên lửa chống tăng vác vai Javelin, có thể rơi vào tay quân khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina, Dmytro Kuleba, gọi nhận xét của ông Lavrov là một dấu hiệu cho thấy "Matxcơva cảm nhận được thất bại ở Ukraina". John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, gọi chúng là “rõ ràng là vô ích, không mang tính xây dựng. Một cuộc chiến tranh hạt nhân là không thể chiến thắng và nó không nên được tiến hành. Không có lý do gì để cuộc xung đột hiện tại ở Ukraina đạt đến mức đó cả".
***
Ngày 26-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đzã tấn công hơn 90 mục tiêu quân sự Ukraina trong đêm, tiêu diệt ít nhất 500 binh sĩ Ukraina, phá hủy hàng chục xe bọc thép, pháo và các thiết bị quân sự khác. Theo Hãng tin Reuters, Nga cũng cho biết họ đã tấn công 2 kho đạn ở khu vực Kharkiv, miền đông Ukraina.
Cô Alla Prohonenko, 53 tuổi, chạm tay vào bức ảnh của cha cô, Volodymyr Prohonenko, trong lễ tang của ông tại Irpin, một nghĩa trang vùng ngoại ô Kyiv, ngày 21-4-2022. Ông Proponenko đã chết trong thời gian Nga chiếm đóng. Nguồn: AP / Petros Giannakouris
***
Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga nói với Công ty dầu khí PGNiG của Ba Lan rằng, họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt dọc theo đường ống Yamal từ sáng 27-4. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan cho biết họ có đủ lượng khí đốt dự trữ.
Matxcơva thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng, họ sẽ dừng giao khí đốt từ ngày 27/4 sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng rúp cho công ty năng lượng Nga Gazprom. Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết, họ đã được thông báo rằng tất cả hoạt động giao khí đốt sẽ bị tạm dừng ngày 27/4. Bộ Năng lượng Bulgaria cũng xác nhận, họ đã được thông báo việc giao hàng sẽ bị đình chỉ cùng ngày, theo BBC.
"Ngày 26/4, Gazprom đã thông báo cho PGNiG về ý định đình chỉ hoàn toàn việc giao hàng theo hợp đồng Yamal từ ngày 27/4", công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan thông báo. Dù vậy, công ty này cho biết "tất cả việc giao hàng cho khách hàng vẫn đang được thực hiện theo yêu cầu". Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết, các cơ sở dự trữ khí đốt của Ba Lan đã đầy 76% và nước này sẵn sàng tìm kiếm nguồn cung cấp cần thiết khác ngoài đường ống Yamal. Quyết định từ Gazprom được đưa ra sau thông báo trước đó của Ba Lan vào ngày 26/4 nói rằng, nước này sẽ áp lệnh trừng phạt đối với 50 tổ chức và cá nhân, bao gồm công ty khí đốt lớn nhất của Nga sau khi Nga tấn công Ukraina.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, ông Andriy Yermak - chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky - cáo buộc Nga "bắt đầu tống tiền châu Âu" bằng cách cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria khi cuộc chiến ở Ukraina chưa có lối thoát.
***
Hãng tin Interfax tường thuật ngày 26-4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng quân sự nước này đã giải phóng toàn bộ khu vực Kherson ở phía nam Ukraina. Hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết, ở những nơi khác ở miền nam Ukraina, quân Nga cũng đã chiếm các khu vực Zaporizhzhia và Mykolaiv, cũng như một phần khu vực Kharkov ở phía đông Ukraina.
***
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev sau khi thăm Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngày 26-4, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, ông đã đồng ý với Ukraina về việc giúp sửa chữa nhà máy này sau khi nơi đây bị quân đội Nga kiểm soát vào những ngày đầu chiến sự.
Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2027. Thông tin này được Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni đưa ra khi trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero ngày 26-4. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
***
Ngày 26-4, James Heappey, Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Anh khẳng định, không phải Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà là cộng đồng quốc tế đang hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, NATO đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga. Trả lời Đài Sky News về phát biểu của ông Lavrov, ông Heappey nói: "Nỗ lực tài trợ này là do các quốc gia cùng phối hợp, nhiều nước trong số đó là từ NATO, nhưng những nước khác đến từ bên ngoài... Không phải NATO đang thực hiện viện trợ quân sự".
***
Hãng tin TASS dẫn lời phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyansky nói, hiện tại khó có khả năng đình chiến ở Ukraina. "Họ đã kêu gọi ngừng bắn. Chúng tôi mở các hành lang nhân đạo nhưng phía Ukraina không sử dụng. Chúng tôi không nghĩ ngừng bắn là một lựa chọn hiện nay bởi vì nó chỉ tạo cơ hội cho các lực lượng Ukraina tập hợp lại, dàn dựng các vụ khiêu khích như ở Bucha", ông Polyansky giải thích.
Chính quyền Kiev áp lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 22h tối đến 5h sáng hôm sau, để bảo vệ người dân trước "các hành động khiêu khích" của Nga. "Trong thời gian giới nghiêm, mọi người bị cấm ra đường và ở các nơi công cộng khác, bị cấm đi bộ hoặc các phương tiện vận chuyển", Đài CNN dẫn lời ông Oleksandr Pavliuk, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kiev, nói ngày 25-4.
***
Theo Hãng thông tấn TASS, ngày 25-4, trả lời về khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa các phái đoàn đàm phán hòa bình Nga và Ukraina, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, các điều kiện vẫn chưa đủ để tổ chức. Theo ông Rudenko, một khi phía Ukraina đưa ra các bước đi có ý nghĩa để các cuộc đàm phán trực tiếp có thể tiến hành, thì khả năng đó sẽ được xem xét.
Chính quyền Kiev đã đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình hoàn toàn, và thề sẽ "ngay lập tức" chiếm lại bất kỳ lãnh thổ nào dưới sự kiểm soát của Nga với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây. Lần cuối hai bên đàm phán trực tiếp là ngày 29-3 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Sputnik của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, tình hình trên thực địa sẽ quyết định các thỏa thuận hòa bình với Kiev.
***
Ngày 26-4 (theo giờ Việt Nam), phóng viên Will Vernon của Đài BBC đăng tải trên Twitter, cho biết, ông Vyacheslav Gladkov - thống đốc vùng Belgorod của Nga, địa phương giáp biên giới với Ukraina - khẳng định một ngôi làng nữa (làng thứ 2) bị pháo kích và 2 người dân địa phương bị thương, nhiều nhà cửa bị phá hủy. Trước đó, cũng nguồn tin từ vị thống đốc này cho biết, có một ngôi làng bị pháo kích nhưng không có người bị thương.
***
Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/4 cảnh báo sẽ đáp trả Anh thích đáng nếu các lời nói "kích động" của một quan chức nước này với Ukraina trở thành hiện thực. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc London trực tiếp kích động chính quyền Kyiv thực hiện những hành động như vậy, nếu chúng thành hiện thực, sẽ lập tức vấp phải sự đáp trả tương xứng từ Nga”, Sputnik dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga. “Như chúng tôi đã cảnh báo, lực lượng vũ trang Nga luôn sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa có độ chính xác cao nhằm vào các trung tâm ra quyết sách có liên quan tại Kyiv”, cơ quan trên đe dọa.

Trước đó cùng ngày, ông James Heappey, Thứ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh, nói với BBC rằng việc Ukraina tấn công các tuyến đường cung ứng hậu cần của Nga là việc “chính đáng”, cũng như khẳng định các vũ khí mà cộng đồng quốc tế cung cấp cho Ukraina có khả năng tấn công Nga.

GHI CHÉP NHỮNG NGÀY UKRAINE
NGUYỄN THÔNG/ TD 24-4-2022
(Phần 6)

Ngày 17.4
Cách nay hơn 11 năm, vào tháng 3.2011, hai nước Việt Nam - Ukraine ký tuyên bố về quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện. Trong ngoại giao và quan hệ quốc tế, các quốc gia ký kết với nhau về tầm mức quan hệ này nọ tức là đã tìm hiểu nhau chán chê, nâng lên đặt xuống rồi mới thò bút. Khi đã xác định rồi thì phải có trách nhiệm thực hiện, trách nhiệm với nhau.
Tất nhiên, một nước như Ukraine, còn lâu mới có thể đạt được những tầm mức cao và trọng, như quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đấy là chỗ của những soái ca, những môi răng, anh em thân thiết, sống chết có nhau, lợi dụng được nhau. Nhưng gì thì gì, cũng không thể sống chết mặc bay, quay lưng bỏ rơi toàn diện, thậm chí còn đứng về phía kẻ thù của “bạn” đối tác và hợp tác toàn diện.
Trong vụ Ukraine, thiên hạ càng rõ hơn giá trị của những ký kết từng được bốc lên lên tận giời. Lại nhớ chuyện dân gian xứ này: Một anh “vô phúc đáo tụng đình” bèn hối lộ cho quan để được thắng kiện. Quan nhận lời. Hôm sau xử, quan cho đứa kia thắng. Anh chàng đút lót quan kêu, bẩm quan, hôm qua quan nói con có lý mà, sao quan xử con thua. Quan cười bảo, mày có lý, nhưng thằng kia nó còn có lý bằng mấy mày. Tin vào những tuyên bố, văn kiện cũng vậy, chỉ có nước đi ăn mày.
Ngày 19.4
Báo chí truyền thông xứ ta im hơi lặng tiếng nhưng đám quốc tế, kể cả bọn truyền thông Nga, lại rất rầm rộ đưa tin việc Việt Nam và Nga, ngay trong lúc Nga gây cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo đối với Ukraine, đã lên kế hoạch diễn tập quân sự chung giữa hai nước, gọi là “Liên minh lục địa 2022”. Vinh, bạn tôi cười bảo, đèo mẹ, những chuyện tế nhị, nhạy cảm, bí mật thế này, nhẽ ra phải im, nhưng bọn Nga đểu cố ý phơi bày ra, đặt An Nam vào thế ngậm bồ hòn làm ngọt.
Điều dễ nhận ra nhất là dư luận thiên hạ xúm vào chửi, rằng đang lúc này mà còn tập tành với thằng ăn cướp, tư cách chả ra đếch gì. Ngay cả cái cô người phát ngôn bộ ngoại giao, khi đám báo chí hỏi cũng chỉ nói chung chung, lảng tránh. Thì còn nói được cái gì, chả nhẽ lại chí phèo bảo rằng, tao cứ chơi với thằng rạch mặt ăn vạ đấy, làm gì được tao.
Báo Tiền Phong đăng bài với cái tít rõ to “Sĩ quan Ukraine nói không hối hận khi đầu hàng quân đội Nga”. Bài báo dịch, dẫn lại tư liệu do hãng tin “chính thống” Rossyia của Nga công bố, nói rằng viên chỉ huy tiểu đoàn 501 bảo vệ thành phố Mariupol đã quyết định đầu hàng quân Nga bởi thấy có tiếp tục chiến đấu bảo vệ đất nước nữa cũng là vô nghĩa.
Chả biết ban tuyên giáo của ông Thưởng ông Nghĩa ông Hùng nghĩ gì về chuyện này, công khai ca ngợi sự đầu hàng quân xâm lược, cũng có nghĩa là ca ngợi quân xâm lược, khuyên những người chống xâm lăng, những người cầm súng bảo vệ đất nước nên đầu hàng.
Ngày 20.4
Báo Tin tức (của TTXVN) có bài rất kêu “Soái hạm Nga chìm là lời cảnh báo với hải quân Mỹ”. Đọc xong, ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, vớ vẩn. Nếu có cảnh báo thực sự thì đó là cảnh báo với hải quân xứ này đang sở hữu một đống tàu nổi tàu chìm mua từ Nga, chứ Mỹ nó liên quan gì mà cảnh báo nó. Toàn dạy đĩ vén váy. Giả dụ Mỹ nó quan tâm đến vụ này (chìm soái hạm) thì có nhẽ là việc rút thêm được kinh nghiệm để đánh chìm tàu Nga nhanh hơn, dễ hơn.
Lại nhớ hôm trước, cũng báo này đăng bài, trong đó dẫn lời một tay tướng Nga giải thích rằng tàu Moskva soái hạm ấy chìm cũng chả có gì phải ầm ĩ bởi đó là con tàu cũ, sắp bị thanh lý sắt vụn, cho về hưu. Thanh, bạn tôi bảo tiếc bỏ mẹ, đau như hoạn nhưng lại cứ ra vẻ, mà cái đám báo An Nam sao chúng nó cứ phục vụ không công cho bọn Nga ngố thế nhỉ.

(Phần 7)


Ngày 21.4
Ông anh khả kính ngoài Hà Nội gọi vào, bảo chú có rảnh không, anh em nói chuyện chút. Mình bảo, em rảnh, chơi suốt ngày, đầy thì giờ, chỉ thiếu mỗi tiền.
Ông kể, em ạ, đọc báo cũng như theo dõi dư luận xã hội, thấy buồn lắm. Có rất nhiều người Việt ta, từ tầng lớp cầm quyền cao nhất tới những hạng bình dân, họ công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ bọn Nga, tức là ủng hộ bọn xâm lược, bọn phát xít, bọn đểu giả lừa dối, bọn giết người. Chúng nhiếc móc chê bai cuộc chiến đấu của đất nước, nhân dân, con người Ukraine. Chúng dửng dưng trước cảnh quân Nga tàn phá đất nước Ukraine, chúng không một chút rung động trước cảnh nhà tan cửa nát, dân chúng vô tội bị giết…
Vậy thì chúng hãy thử hình dung, nếu cảnh đổ nát tàn phá ấy, dân chúng bị giết thê thảm ấy, không phải ở Ukraine mà ở quê hương đất nước mình, là những nhà hát lớn, phủ chủ tịch, cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy, khu Văn Miếu, những dãy nhà cao tầng, khu đô thị mới hiện đại… bị ăn bom, tên lửa của quân Nga, liệu có chịu được không, hay lại tớn lên xắn váy quai cồng mà rủa xả, mà chửi bọn độc ác vô lương tâm phi nghĩa. Thói đâu có thói của mình thì đau xót, của thiên hạ thì không đáng đồng xu. Vậy nhưng mở miệng ra là cao giọng lương tâm, chính nghĩa.
Ngày 23.4
Càng gần cuối tháng 4, cái tháng gắn liền với câu nói của ông Võ Văn Kiệt, nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn, người ta lại xả ký ức về chiến tranh. Đang nóng rẫy cuộc chiến tranh ở Ukraine nên chiến tranh Việt Nam lại càng được nhớ tới, khơi dậy. Bên thắng cuộc tất nhiên làm rùm beng nhất, trên tivi, đài phát thanh, báo chí đủ loại, cả trên những con đường, công viên căng băng-rôn khẩu hiệu đỏ lòe. Trên mạng xã hội cũng nhiều chả kém.
Anh Nguyễn Thiện, một tên tuổi khá nổi tiếng, từng là người đề xướng phong trào vận động “Dân ta phải biết sử ta” trong thanh niên và sinh viên học sinh, anh viết trên phây búc đề nghị nhà nước cần dứt khoát bỏ từ “ngụy” khi nói về chính thể và quân đội Việt Nam cộng hòa. Anh bảo, cứ quanh năm suốt tháng bị nghe báo đài và cán bộ nhắc đến từ “ngụy” này, mỗi khi tới dịp “lễ lớn” 30.4 lại càng tần suất dày đặc, càng thêm khó chịu. Ăn mày quá khứ là một chuyện, nhưng cứ đào sâu mãi hố ngăn cách như thế, chia bên thắng cuộc - thua cuộc như thế, thì muôn đời người xứ này chia rẽ, không bao giờ hòa hợp dân tộc nổi.
Lại nhớ, vừa rồi cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin có bài rất hay nhân kỷ niệm vụ đảo Gạc Ma bị mất vào tay quân Trung Quốc, trong đó ông Bin đề nghị nhà nước cần công nhận liệt sĩ cho tất cả những người lính đã hy sinh bảo vệ, gìn giữ biển đảo, chủ quyền tổ quốc, dù họ ở bên nào, cộng sản hay cộng hòa, cụ thể là những binh lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Đọc bài ông Bin, ông hàng xóm nhà tôi bảo, người như ổng hiếm lắm.
Hiếm, ông Bin nhưng lại còn rất nhiều người hăng hái xẻng cuốc khư khư giành việc đào hố ngăn cách. Thứ tư duy kể công bám chặt trong đầu thế hệ đã trải qua chiến tranh. Trên phây búc của anh Hòa Quang Ngọ, anh tải một bài viết nói về thi sĩ Nguyễn Bính và ước mơ hòa bình, khát vọng không có chiến tranh mà Nguyễn Bính từng thể hiện trong thơ, cũng như trong những tâm sự với bạn bè. Một người, có nhẽ lớn tuổi, vai trên, là cô giáo hoặc bạn cũ anh Ngọ vào còm: “Nếu không thống nhất đất nước, sao Việt Nam có được vị thế như hôm nay. Chuyện tầm phào vớ vẩn”.
Sau đó cô còm thêm “Sự hy sinh của bao liệt sĩ, trong đó có anh trai cô là vô ích sao em?”… Rồi lại thêm mấy ông có nhẽ cùng thấm nhuần tư tưởng bên thắng cuộc, trong đó có một ông tên Thắng, vào còm với giọng điệu không khác gì an ninh, tuyên giáo, mắng anh Ngọ bị suy thoái, ăn phải bả của bọn tư bản đế quốc. Nghe họ phê phán, cứ như lý luận của tổng bí thư đảng cầm quyền chứ không phải của những người có hiểu biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét