Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

20220413. BÀN VỀ ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


KHÔNG ĐÁNH GIÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEO TỪNG DỰ ÁN, MÀ 

ĐÁNH GIÁ TOÀN BỘ

TS TẠ ĐỨC SINH/TVN 9-4-2022

Nếu không thay đổi cách đánh giá thì sẽ không tạo ra sự phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các DNNN sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay để an toàn.

Ngày 17/3, Chính phủ đã phê duyệt đề án Cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025. Vậy là đã 35 năm (1986-2021), nay lại thêm 5 năm nữa tiến hành cơ cấu lại khu vực DNNN đã có sẵn từ thời kế hoạch hóa, tiếp tục bỏ quên phát triển mới của chính mình trong tiến trình Đổi mới chung của đất nước. 

Chặng đường quá dài

Vì sao phải chốt lại, đó là vì DNNN liên tục được cơ cấu lại trong một chặng đường đã quá dài. Qua sắp xếp lại, về số lượng, từ hơn 12 nghìn DN ban đầu, nay chỉ còn hơn 1 nghìn đơn vị.

Về loại hình, từ đơn vị chủ yếu ban đầu là DN, nay là tập đoàn, tổng công ty với quy mô lớn; về sở hữu, từ 100% đơn vị đều chỉ thuộc sở hữu nhà nước, nay đã đa dạng hóa sở hữu, trong đó có đơn vị 100% vốn nhà nước, có đơn vị trên 50% vốn nhà nước, có đơn vị dưới 50% vốn nhà nước. Cho đến nay, dư địa để cơ cấu lại không còn nhiều.

Đã đến lúc cần xem xét việc chốt lại một cơ cấu DNNN được coi là phù hợp nhất trong lịch sử sắp xếp lại 35 năm qua, để khởi đầu quá trình phát triển mới từ năm 2022 trở đi.

Vì sao phải phát triển mới DNNN, đó là vì khu vực này lạc hậu so với khu vực dân doanh và khu vực FDI đang hiện hữu trong nền kinh tế được đổi mới suốt 35 năm qua. Ở thời ban đầu với 12 nghìn đơn vị, DNNN đã một mình một chợ, phải cáng đáng sự phát triển từ A đến Z đối với toàn bộ nền kinh tế.

Nay trong Đổi mới, quy mô nền kinh tế đã có thêm được 40% từ khu vực dân doanh, gần 30% từ khu vực FDI, chỉ còn hơn 30% thuộc khu vực DNNN. 

Đã đến lúc cần xem xét việc chốt một cơ cấu DNNN được coi là phù hợp nhất trong lịch sử sắp xếp lại 35 năm qua

Trong những năm Đổi mới tiếp theo từ nay đến năm 2030-2045, quy mô nền kinh tế với GDP từ gần 500 tỷ USD sẽ tiến đến vài nghìn tỷ USD thì khu vực DNNN sẽ phải phát triển mới thế nào từ cơ cấu cũ đã được sắp xếp lại, đây là một đại sự.

Những thất bại cần rút kinh nghiệm 

Không thể quên việc cơ cấu lại DNNN những năm qua đã buộc phải xóa sổ hàng loạt DNNN không phải vì chúng không quan trọng đối với nền kinh tế, mà chỉ vì kinh doanh thua lỗ tới mức phá sản, như Vinashin, Vinalines, Cơ khí Hà Nội, Chế tạo máy Trần Hưng Đạo... hoặc phải nhắm mắt làm ngơ trước sự lạc hậu đã nhiều thập kỷ của hệ thống đường sắt Việt Nam.

Không thể phủ nhận rằng quá trình cơ cấu lại DNNN cũng đồng thời là quá trình phát triển đối với khu vực này. 

Đáng kể nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, các công ty và tổng công ty nhà nước về xây dựng đường xá, cầu cống, khu công nghiệp, khu đô thị mới, về phát triển hệ thống phát điện và phân phối điện, về phát triển cấp tốc hệ thống công nghệ thông tin 2.0, 3.0. 4.0, 5.0, về hệ thống chế biến nông lâm thủy hải sản...

Quản lý DNNN nên tránh nhảy từ cực này sang cực kia

Gần đây, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhận định rất xác đáng từ kinh nghiệm điều hành trong quá khứ.

Ông cho rằng, DN có lợi nhuận là do chấp nhận rủi ro. Rủi ro bằng 0 thì lợi nhuận bằng 0. Nhưng hiện nay, đại diện chủ sở hữu, thanh tra, kiểm tra lại tập trung nhiều vào một rủi ro cụ thể. DN mà đánh 10 trận, 7 thắng 3 thua, tổng thể là thắng thì vẫn bị đánh giá là 3 thua. Và đây đang là nỗi sợ chính của các DNNN. Nỗi sợ này làm cho DNNN không dám chấp nhận rủi ro, luôn chọn cái an toàn nhất. Với một DN thì cái an toàn nhất lại thường là cái không an toàn nhất theo góc nhìn phát triển.

Ông gợi ý: Cái cần thay đổi là, không đánh giá DNNN theo từng dự án, mà đánh giá toàn bộ. Nếu chúng ta không thay đổi cách đánh giá DNNN thì sẽ không tạo ra sự phát triển DNNN, các DNNN sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay để an toàn. Số liệu cho thấy, tăng trưởng của các DNNN giai đoạn 2016-2020 thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của đất nước, tức là khu vực DNNN đang nhỏ dần đi.

Nhận xét của Bộ trưởng rằng, “quản lý DNNN nên tránh nhảy từ cực này sang cực kia” là rất đúng đắn từ những kinh nghiệm quá khứ: Về kinh doanh, có lúc thì đa ngành quá đà, có lúc lại đơn ngành cực đoan làm cho DNNN hết không gian phát triển.

Về tổ chức, có lúc thì DNNN sinh con đẻ cái quá thoải mái, có lúc đến thành lập một trung tâm cũng phải lên đến Thủ tướng, làm cho DNNN không còn sự linh hoạt.

Về vốn, có lúc để lại cả 100% lợi nhuận sau thuế để tăng vốn, có lúc lại hạn chế việc tăng vốn. Bởi vậy, chính sách cho DNNN cần có sự điều chỉnh tiệm tiến. Lắng nghe kỹ DNNN, phân tích khoa học, tổng thể, không nên vì một tai nạn mà nóng vội thay đổi lớn về chính sách.

Những gợi ý chính sách đó là rất cần thiết trong quản lý, cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới đây. 

Chính phủ đã ban hành quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại DN nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.

Đề án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

TS Đinh Đức Sinh

NHÀ NƯỚC GIAO NHIỆM VỤ, TẠO RA THÁCH THỨC CHO DNNN

TS TẠ ĐỨC SINH/ TVN 10-4-2022

Chính phủ cầm trong tay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn thì phải giao nhiệm vụ theo chiến lược quốc gia, tạo ra sự đi đầu của DNNN về phát triển xanh, phát triển số, chuyển đổi số...

DNNN vẫn đối diện với hàng loạt thất bại trong thực hiện nhiệm vụ, vai trò của kinh tế nhà nước đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Trong đó nổi lên hàng đầu là vai trò dẫn dắt, mở đường, là nhiệm vụ thực hiện những phát triển mà khu vực dân doanh và FDI không làm, chưa làm, hoặc không có khả năng làm.  

Ai sẽ làm chủ đạo trong công nghiệp hóa? 

Trước hết, đó là DNNN đã thất bại trong việc phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, khiến hầu như toàn bộ nhu cầu trang bị lại nền kinh tế đều phải trông chờ vào nhập khẩu, dẫn đến cán cân thương mại phải nhập siêu nhiều chục năm trước khi được cân đối lại, tiến tới xuất siêu với một tỷ lệ thấp trong vài ba năm qua.

Thật đáng tiếc khi loại bỏ nhà máy Cơ khí Hà Nội, Chế tạo máy Trần Hưng Đạo, Đóng tàu biển Vinashin... chỉ vì kinh doanh thua lỗ dẫn tới phá sản. Nhưng DNNN bị phá sản đâu phải chỉ do lỗi của DN, mà còn do lỗi của lãnh đạo và quản lý của nhà nước đối với  khu vực này.

Đã đến lúc không thể chần chừ trong việc xóa bỏ “chế độ cấp trên” đối với DNNN

Cho đến nay, nhiều DNNN ước mơ được sản xuất, kinh doanh theo cơ chế như DN tư nhân trên thị trường, tức là hoạt động chỉ phải tuân thủ pháp luật. Trên thực tế, DNNN bị quá nhiều cấp trên của mình quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, chỉ thị, quyết định... khiến không còn dư địa để tự chủ, sáng tạo.

Gánh nặng “chủ quản”

Ngoài bộ chủ quản, DNNN còn chịu sự quản lý của hầu hết các bộ quản lý khác với tư cách là các thành viên Chính phủ, trong đó có bộ quản về đất đai, có bộ quản về tài chính, thị trường, xây dựng, khoa học - kỹ thuật, nhân sự..., đó là chưa kể đến quản theo địa bàn của chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã.

Mấy năm qua, DNNN còn chịu sự quản lý của một cơ quan mới, đó là quản về “vốn nhà nước” của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN.

Đã đến lúc không thể chần chừ trong việc xóa bỏ “chế độ cấp trên” đối với DNNN. Đây không phải là một ý tưởng mới mẻ gì, mà đã có từ nghị quyết của hội nghị giữa nhiệm kỳ 7 của Đảng.

Kinh nghiệm thực tế đã rõ ràng với việc bỏ “trận địa” chế tạo máy của DNNN, mở ra cơ hội cho người dân ở cả ba miền Bắc Trung Nam, không ai hẹn ai, tất cả đều đồng loạt đứng lên làm “chế tạo máy”, từ máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp... thậm chí làm cả máy bay, tàu ngầm, xe tăng… trong đó có những đột phá khi một DN tư nhân đã làm ô tô thế hệ mới (ô tô điện) với thách thức cạnh tranh trên thị trường Âu-Mỹ.

DNNN đã bỏ lại phía sau việc phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản mà Việt Nam có nhiều lợi thế về trữ lượng công nghiệp và cạnh tranh trên thị trường thế giới như đất hiếm, Vonfram... Riêng bauxite, tuy đã bắt tay vào khai thác từ nhiều năm qua, nhưng chỉ dừng lại như làm thử ở một vài công đoạn đầu tiên, chấp nhận xuất khẩu thô, số lượng nhỏ. Mỏ sắt Thạch Khê sau nhiều năm khởi động, nay đã dừng lại, chưa rõ có tiếp tục hay đành bỏ dở.

Họ ở đâu trong những vùng khó khăn

Đặc biệt hơn, đó là DNNN đã không hiện diện ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi khu vực dân doanh và FDI chưa sẵn sàng đầu tư... Đã 3 thập kỷ trôi qua, nhưng 3 Tây của Việt Nam (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) vẫn là những vùng còn đầy trăn trở mà chưa tìm ra “chìa khóa vàng” để tháo gỡ. Phải chăng đã đến lúc DNNN phải ra tay, vào cuộc “ngay và luôn” tại các vùng đó.

Cơ cấu đi, cơ cấu lại, xuân này xuân nữa đã hơn ba chục xuân, chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi, những DNNN mới ở đâu sao chẳng về!

Mượn lại ý thơ của Nguyễn Bính, vận vào DNNN tuy khập khiễng, nhưng nỗi da diết thì thật nằm lòng. Kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được hơn ba chục năm, mà sao một hệ thống mới cho khu vực DNNN vẫn mãi không thấy hiện diện.

Đảng đã có nghị quyết về Việt Nam đến năm 2030-2045, trong đó kinh tế phải đạt mức phát triển trung bình cao, rồi tiến tới mức phát triển cao. Khi đó, khu vực DNNN không thể chỉ ở mức 150 tỷ USD về GDP như hiện nay, mà phải gấp lên 5-6 lần. 

Về việc này, cơ cấu lại hệ thống cũ làm sao cáng đáng nổi, phải bắt tay ngay vào phát triển một hệ thống DNNN mới, trong đó không thể thiếu vắng công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, công nghiệp khai thác và chế biến kim loại hiếm phục vụ các ngành kỹ thuật thời kỳ cách mạng 4.0, và không thể không tấn công vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là một thách thức không chỉ đặt ra đối với DNNN, mà còn với cả hệ thống lãnh đạo và quản lý nhà nước. 

Giao nhiệm vụ theo chiến lược quốc gia  

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dựa trên chiến lược tổng thể quốc gia, Nhà nước phải giao nhiệm vụ, đặt mục tiêu cao, tạo ra thách thức cho DNNN. 

Nhà nước có một đội quân thì phải bày binh bố trận cho cả đội quân này, mà phải làm tập trung để tạo ra hiệu quả cộng hưởng. Việc này không thể làm phân tán. Hiện nay, DN tự đề xuất chiến lược, kế hoạch cho mình, thường là từ góc nhìn của riêng DN, lợi ích riêng của DN, và cũng thường là không thách thức để an toàn. Và cũng chính vì mục tiêu không cao, không nhiều thách thức mà DNNN chưa phát triển xứng tầm, ít xuất hiện các lãnh đạo DNNN xuất sắc. 

Cái cần thay đổi là, Chính phủ cầm trong tay các DNNN lớn thì phải giao nhiệm vụ theo chiến lược quốc gia, mục tiêu cao và phải tạo ra các thách thức, tạo ra sự đi đầu của DNNN về phát triển xanh, phát triển số, về quản trị và công nghệ, về tự cường và hội nhập quốc tế, và đặc biệt là về chuyển đổi số (CĐS).

CĐS vừa là không gian phát triển mới vừa là mô hình kinh doanh mới, cách quản trị mới. Ban chỉ đạo quốc gia về CĐS với Bộ TT&TT là cơ quan thường trực đang dẫn dắt CĐS quốc gia, trong đó có CĐS doanh nghiệp. Bộ TT&TT sẽ sớm đề xuất Thủ tướng một chiến lược CĐS cho các DNNN.

TS Đinh Đức Sinh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét