Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

20220412. NÊN DỪNG CÁC CUỘC THI KHKT DÀNH CHO HS THPT

ĐIỂM BÁO MẠNG


TỪNG 'CẤP CỨU' Ý TƯỞNG CHO HS THI KHKT, NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI 

NÊN DỪNG CUỘC THI !

TÙNG DƯƠNG/ GDVN 10-4-2022

GDVN- Nhiều ý kiến cho rằng một vài đề tài được chuyên gia hướng dẫn can thiệp "quá sâu" làm mất đi tính trung thực, sáng tạo của học sinh, làm lệch lạc mục đích kì thi

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học là sân chơi trí tuệ bổ ích, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây cuộc thi có những đề tài nghiên cứu được chính nhiều nhà khoa học cho là “bất thường” quá sức với học sinh khiến dư luận không khỏi thắc mắc. Nhiều ý kiến cho rằng dường như một vài đề tài đã được chuyên gia hướng dẫn "can thiệp" quá sâu làm mất đi tính sáng tạo của học sinh, làm lệch mục đích cuộc thi.

Thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: T.D.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Túc cũng đã từng tham gia chấm giải cuộc thi Khoa học kĩ thuật.

Theo thầy Túc: “Nhiều bất cập xảy ra ở một số khâu thực hiện, ví dụ: Phần thực hiện đề tài là giáo viên và phụ huynh học sinh, từ khâu đi mua vật liệu, liên hệ các phòng nghiên cứu, liên hệ chuyên gia giúp đỡ,…học sinh hầu như không thực hiện việc làm trực tiếp toàn bộ trong quá trình nghiên cứu, chỉ cần học thuộc phần thuyết minh, trình diễn từng động tác với ban giám khảo.

Khi đi dạy, tôi thấy có nhiều học sinh trình độ trung bình không có tố chất gì nổi bật, nhưng một thời gian sau đã thấy thông báo đạt giải thưởng đề tài nghiên cứu khoa học, và chỉ nghe tên đề tài đó đã thấy của “người lớn”, đây là vấn đề nổi cộm nhất về sự thiếu trung thực.

Một điều nữa khi đi chấm giải, tôi nhận thấy đề tài không có ý tưởng mới, toàn nhặt đi nhặt lại, nhưng nếu học sinh đạt giải sẽ được xét tuyển vào đại học, được ghi vào học bạ,…nên cuộc thi này vẫn thu hút rất nhiều học sinh tham gia nhưng lúc này mục đích tốt đẹp của cuộc thi đã hoàn toàn khác.

Bản thân tôi đã có một lần phải “cấp cứu” cho 2 nhóm, giờ nghĩ lại thấy hành động của mình lúc đó không phải và thấy ân hận. Có 2 nhóm tham dự kì thi nhưng đến sát ngày vẫn không có ý tưởng và họ tìm đến tôi nhờ giúp, cũng vì quá nể nên tôi cho họ 3 dự án, và 2 trong số 3 dự án đó đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba. Có thể nói như vậy là tôi cũng đã “tiếp tay” cho sự không trung thực.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, học sinh chỉ động tay vào một vài công đoạn mang tính chất phụ việc, và mang tiếng là tham gia nhưng các em không hiểu gì cả, còn lại cả quá trình đều do các chuyên gia thực hiện. Có đề tài nghiên cứu về thuốc chữa ung thư thì trên thế giới còn chưa có, vậy cỡ học sinh trung học phổ thông làm sao mà nghiên cứu ra được.

Theo tôi, không nên tiếp diễn cuộc thi này nữa vì không thực chất, vô tình chúng ta đã gieo vào đầu học sinh sự thiếu trung thực, sự giả dối. Cái “được” ở những cuộc thi này là thầy cô, nhà trường, phòng, sở,…có thành tích và đó mới là điều đáng lo, tất cả vì căn bệnh thành tích mà ra”.

Nhiều ý kiến cho rằng dường như một vài đề tài đã được chuyên gia hướng dẫn can thiệp quá sâu làm mất đi tính trung thực, sáng tạo của học sinh, làm lệch lạc mục đích cuộc thi. Ảnh minh họa: T.D.

Thế giới không trao giải Khoa học kĩ thuật như chúng ta

Thầy Vũ Duy Sơn – Giáo viên Trung tâm Vật lý Edison, cựu học sinh chuyên Lý Đại học Khoa học tự nhiên cho biết: “Tôi tham dự khá nhiều cuộc thi như vậy ở nước ngoài, và họ làm hoàn toàn khác chúng ta. Nhiều nước trên thế giới họ để doanh nghiệp tài trợ kinh phí nghiên cứu và đồng thời làm giám khảo cuộc thi, có như vậy kết quả các giải mới thực chất.

Nếu những đề tài nghiên cứu khoa học do học sinh đưa ra, ban giám khảo là những doanh nghiệp về lĩnh vực đó sẽ đánh giá đề tài có ích thật sự cho xã hội, đồng thời có thể triển khai trong thực tế đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ mua lại để triển khai tiếp cho ra đến sản phẩm thực tế cuối cùng, và học sinh có ý tưởng đó cũng được hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp. Nếu họ nhận thấy đó chỉ là nghiên cứu copy, giả dối không có tính khả thi thì không bao giờ họ trao giải. Theo tôi đây cũng là vấn đề xã hội hóa, sẽ đánh giá thực chất về chất lượng đề tài.

Nếu thực sự những học sinh nào có đam mê nghiên cứu khoa học, muốn cống hiến thì sau cuộc thi sẽ liên kết với các doanh nghiệp, và họ cũng sẵn sàng hợp tác với những học sinh có ý tưởng thật sự, như vậy thì những dự án nghiên cứu của học sinh mới có ý nghĩa, chứ không đơn thuần là đưa ra những đề tài quá “bác học” chỉ nhằm mục đích lấy giải, để mở đường vào đại học như chúng ta đang thực hiện”.

Thầy Sơn nêu quan điểm “Việc háo danh thực chất không phải ở các em học sinh, mà vấn đề này thực chất ở các thầy cô, nhà trường và phụ huynh.

Kể cả những cuộc thi không mang lại lợi ích gì về vật chất, không có danh tiếng, không được tuyển thẳng vào đại học như thi Toán thần đồng quốc tế, thi Siêu toán qua mạng Internet, thi Toán học Titan,…Nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn đua nhau cho con mình tham dự, điều này thuộc về bản tính của con người, thi vừa mất chi phí, mất công sức mà kết quả ai cũng được chứng nhận, nhưng chứng nhận đó không giúp ích gì cho học sinh.

Theo tôi, muốn tiếp tục tổ chức cuộc thi Khoa học kĩ thuật quốc gia của học sinh cấp Trung học phổ thông thì phải kiểm soát được. Nội dung thi phải thay đổi, phải để học sinh thi phần thực hành trực tiếp trước các nhà khoa học, ban giám khảo cần phản biện sát hơn để xem thực chất đây là sản phẩm của học sinh hay của thầy cô”.

Điểm bất hợp lí là cuộc thi cho phép người hướng dẫn và chuyên gia hỗ trợ nên sinh ra vấn đề người lớn thi chứ không phải học sinh. Ảnh minh họa: T.D.

Thầy Sơn nêu quan điểm: “Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật phải mang tính ứng dụng thực tiễn, phải được đánh giá trên thực tiễn chứ không phải nghiên cứu cho vui. Tôi biết hiện nay có khá nhiều công ty bán các ý tưởng sản phẩm nghiên cứu cấp thấp với mục đích dành cho học sinh đi thi sẽ đạt giải, giá tiền khoảng 30 triệu đồng 1 ý tưởng, họ có nhờ thông qua tôi để chào đến các trường, nhưng tôi nhận thấy những đề tài đó không hề có tính thực tế.

Điểm bất hợp lí là cuộc thi cho phép người hướng dẫn và chuyên gia hỗ trợ nên sinh ra vấn đề người lớn thi chứ không phải học sinh, và tiêu chí chấm điểm của cuộc thi không có điều khoản nào bắt buộc học sinh phải trực tiếp làm tất cả. Quan trọng là ban giám khảo thể hiện trách nhiệm thế nào nếu thấy đề tài của học sinh dự thi giống với đề tài cấp Tiến sĩ?

Một điều nữa cần áp dụng việc nêu tên công khai hội đồng chấm thi giải Khoa học kĩ thuật gồm những ai, chức danh của họ. Việc này để xã hội nhìn nhận họ có công tâm và trách nhiệm khi đánh giá đề tài khoa học hay không. Tất nhiên việc này cũng chỉ thay đổi được một chút, nhưng cũng là rất quý khi muốn đánh giá thực chất một cuộc thi.

Phải có cam kết giữa ban giám khảo và học sinh, sau khi trao giải nếu phát hiện có đề tài nào đó trước kia gần giống thì sẽ thu lại giải đã trao. Và một điều quan trọng là nếu đề tài đó không thể lan tỏa, không thể triển khai ứng dụng được trong thực tế thì không trao giải.

Phải có những câu hỏi phản biện nhằm phát hiện đề tài nghiên cứu khoa học này có chính xác của học sinh hay không, và nếu đề tài đó không phải do học sinh làm ra thì chỉ vài câu hỏi thật công tâm sẽ rõ ngay. Cũng giống như hiện chúng ta nay hô hào dạy sáng tạo nhưng chưa hề có tiêu chí nào để đánh giá tiết dạy đó có sáng tạo hay không?.

Tùng Dương
THI KHKT NẾU KHÔNG ĐƯỢC ƯU TIÊN VÀO THẲNG ĐH, HS CÓ CÒN 'ĐẺ' RA NHỮNG  ĐỀ TÀI TẦM TS ?
CAO NGUYÊN/GDVN 11-4-2022

Ngày 2/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. [1]

Theo đó, cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật đã đề ra nhiều mục đích tốt đẹp với kì vọng đây là sân chơi bổ ích dành cho học sinh. Nhưng qua 10 năm tổ chức, sân chơi này đã có không ít lùm xùm khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn.

Sân chơi khoa học kĩ thuật đang có dấu hiệu đi quá xa

Những năm qua, nhiều nhóm học sinh trung học phổ thông đã vận dụng kiến thức để nghiên cứu một số dự án khoa học kĩ thuật đạt giải Nhất quốc gia mang tính thực tiễn như: "Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sapa" (nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai, Lào Cai, 2020). [2]

"Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh trung học phổ thông trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học" (Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai, Lào Cai, 2021). [3]

"Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" (Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội, 2022). [4]

Bên cạnh một số thành quả đạt được của cuộc thi, hiện dư luận cho rằng sân chơi này đang có dấu hiệu đi quá xa - khi nhiều đề tài được đánh giá là phải ở tầm Tiến sĩ. Vì thế, không ít nghi ngờ có bàn tay can thiệp của giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học.

Những nghi vấn này là hoàn toàn có cơ sở, bởi hàng loạt dự án đạt giải Nhất qua các năm 2020, 2021, 2022 đều nghiên cứu về ung thư - là quá sức với học sinh bậc phổ thông. [2], [3], [4]

Các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật năm 2022. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn)

Đơn cử như năm 2020 có các dự án như: "Nghiên cứu mối liên quan của đa hình đơn nucleotide với ung thư vòm họng để đánh giá nguy cơ của đối tượng nhiễm EBV trong cộng đồng" (nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Hà Nội);

"Nghiên cứu chế tạo vật liệu đa chức năng kích thước nano định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư" (Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).

Năm 2021, dự án “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” (Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn và Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hoá).

Năm 2022, dự án "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)" (Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên, Thái Nguyên).

Liên tiếp "lùm xùm" tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia

Từ năm 2019, cuộc thi khoa học kĩ thuật đã xảy ra kiện cáo của một số phụ huynh tại Hải Phòng vì cho rằng kết quả thẩm định không công bằng - trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster).

Tiếp đến, năm 2021, dự án đạt giải Nhất “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng được dư luận đặt nhiều băn khoăn vì na ná dự án đoạt giải Nhì “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của nhóm học sinh Ninh Bình dự thi ở năm trước.

Điều đáng nói, cả hai dự án này đều từ Trường Trung học phổ thông Hoa Lư và do một giáo viên hướng dẫn.

Và một số dự án đạt giải Nhất năm 2022 được các Báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nghi vấn giống các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó và được đánh giá là quá sức với học sinh. [5], [6], [7]

Đích đến của cuộc thi khoa học kĩ thuật là gì?

Điều 2 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT cho biết, mục đích cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật là "khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống".

Tuy vậy, hàng loạt dự án "tầm cỡ" như đã dẫn thì không còn mang tính "thực tiễn" nữa mà rất hàn lâm, mang tính chuyên ngành chuyên sâu, theo tôi là tầm giáo sư, tiến sĩ mới có khả năng thực hiện.

Bên cạnh đó, cuộc thi "góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Cá nhân tôi nhận thấy, giáo viên rất khó áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học kĩ thuật vào dạy học vì phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp sư phạm hoàn toàn khác nhau, vậy thì làm sao "phát triển năng lực học sinh"?

Giáo viên chỉ có thể lấy kết quả nghiên cứu của nhóm học sinh (1 nhóm có 2 học sinh) thay cho kết quả học tập của nhóm đó, chứ không thể thay cho cả lớp nên mong muốn "nâng cao chất lượng dạy học" là chuyện xa vời.

Cùng với đó, cuộc thi nhằm "khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học".

Sở dĩ học sinh có thể nghiên cứu về ung thư và có sản phẩm đạt giải là nhờ sự "hướng dẫn" của giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học (ở trường đại học). Chẳng biết các em thực hiện được bao nhiêu % công đoạn của dự án hay phần lớn do nhà khoa học đảm nhiệm? Vậy thì cuộc thi khoa học kĩ thuật hàng năm dành cho học sinh hay chuyên gia?

Ngoài ra, cuộc thi còn "tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế".

Học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật có sản phẩm đạt giải mà chỉ nhằm "giới thiệu kết quả, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế", sao nghe mơ hồ, có vẻ hình thức, không đúng với bản chất của việc nghiên cứu khoa học.

Lẽ ra, những dự án đạt giải phải được ứng dụng vào thực tiễn thì việc nghiên cứu khoa học mới mang lại giá trị thiết thực. Đằng này, hàng trăm dự án đạt giải sau cuộc thi thường xếp vào thư viện, phòng truyền thống nhà trường làm minh chứng cho thành tích hay chỉ để... tự hào thì nào có ích gì.

Thay lời kết

Điều 22, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT quy định học sinh khi đạt giải nghiên cứu khoa học kĩ thuật (tập thể hoặc cá nhân) đều được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng. Học sinh đoạt giải trong cuộc thi được hưởng các quyền lợi trong học tập và các quyền lợi khác theo các quy định hiện hành.

Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/05/2019 ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông quy định tuyển thẳng, ưu tiên đối với tuyển sinh trung học phổ thông dành cho học sinh đạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT cũng đưa ra quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Vậy nên dư luận băn khoăn, nếu không cộng điểm hay ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật, liệu rằng thầy, trò có mặn mà với sân chơi này hay không?

Tôi cho rằng, nếu đích đến của sân chơi này chỉ là giải thưởng, cộng điểm hay ưu tiên tuyển thẳng thí sinh đạt giải thì tốt nhất Bộ Giáo dục nên dừng cuộc thi để tránh những hệ lụy - đó là tốn thời gian, công sức, tiền bạc, áp lực lên thầy trò và nguy hại nhất là làm cho học sinh ứng xử thiếu trung thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

[2] //dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/11-du-an-doat-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-20200620121753548.htm

[3] //tuoitre.vn/12-du-an-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-20210327220522992.htm

[4] //vnexpress.net/12-du-an-giai-nhat-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-4444418.html

[5] //tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm

[6] //thanhnien.vn/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hoc-sinh-thpt-de-phuc-vu-ai-post1444987.html?fbclid=IwAR2VNtRP-gfBR3B09vM96iMNzyU2sqTxCK4va5GWN_NXpcIZsgcyLCjrq_g

[7] //plo.vn/giao-duc/du-an-dat-giai-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-trung-hoc-giong-luan-van-thac-si-1052004.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét