Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

20220421. CHUYỆN THI VÀO LỚP 10 NĂM NAY

ĐIỂM BÁO MẠNG


HỌC SINH LỚP 10 CHỌN TỔ HỢP MÔN, NẾU 'NHẦM' SẼ KHÓ ĐƯỜNG QUAY ĐẦU LẠI

PHẠM LINH/ GDVN 20-4-2022

GDVN- Theo Tiến sĩ Trần Văn Tính, phụ huynh và học sinh đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với việc phải quyết định chọn nghề sớm.

Kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông hiện nay ở Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác có xu hướng “nóng” hơn cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong khi đó, năm học tới, khi học sinh lớp 10 đón Chương trình Giáo dục phổ thông mới với sự thay đổi về lựa chọn tổ hợp môn học khiến phụ huynh, học sinh và các nhà trường còn nhiều băn khoăn, vướng mắc cần được giải đáp.

Học hết lớp 9 có 3 con đường để lựa chọn

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) tổ chức vào ngày 17/4, Tiến sĩ Trần Văn Tính, Trưởng Bộ môn phát triển Giáo dục và Con người của Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đi đôi với sức nóng của kỳ thi chính là áp lực đối với học sinh, phụ huynh và các nhà trường.

Tiến sĩ Trần Văn Tính phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

“Áp lực thi vào 10 xuất phát từ 3 nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất là áp lực từ chính phụ huynh. Phụ huynh nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cái quan điểm, suy nghĩ, phụ huynh lựa chọn tiếp theo con mình sẽ học tập ra sao là một áp lực rất lớn.

Thứ hai là áp lực từ chính bản thân học sinh, học sinh muốn vươn lên, đạt được thành tích mong muốn của mình. Tôi nghĩ, đây là một áp lực tốt vì các con có nhận thức để phấn đấu, phát triển bản thân. Tuy nhiên, chúng ta hỗ trợ con làm sao có định hướng tốt nhất để có thể thành công nhưng nằm trong trạng thái hạnh phúc.

Điều thứ ba, là áp lực đối với các nhà trường. Các nhà trường có học sinh đỗ điểm cao hơn, vào các trường top cao là nhà trường hạnh phúc rồi và để có báo cáo với lãnh đạo cấp trên, báo cáo với phụ huynh học sinh.

Theo quan điểm của riêng tôi, nếu như không có sự căng thẳng, khó khăn, không nỗ lực thì thành công khó mà đến được”, Tiến sĩ Trần Văn Tính nhận định.

Vậy, làm thế nào để giảm bớt “sức nóng” xuống những vẫn đạt được hiệu quả học tập tốt nhất cho các con mà phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình?

Tiến sĩ Trần Văn Tính cho rằng việc định hướng, hướng nghiệp đúng đắn sau tốt nghiệp trung học cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc giảm áp lực cho học sinh.

Sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, chúng ta có những định hướng nào, chọn con đường nào một cách khách quan nhất để không ảnh hưởng tới yếu tố tâm lý?

Theo chuyên gia này, có 3 định hướng được đưa ra. Đầu tiên là học tiếp cấp trung học phổ thông trong nước hoặc nước ngoài và đây là hướng tôi ưu tiên nhất và khuyến khích các con theo học.

Bởi cấp trung học phổ thông giúp học sinh có một nền tảng kiến thức nhất định để có thể thành công trong cuộc sống hiện đại kể cả học nghề; có thể thi đại học hướng tới phát triển toàn diện, cơ bản. Các con sẽ được trang bị kĩ năng, có hiểu biết toàn diện, từ đó có khả năng thích nghi tốt trong cuộc sống và hình thành nhân cách riêng.

Từ đó, các con hình thành “giá trị con người” trong tương lai. Một điều nữa là ở cấp trung học phổ thông, giá trị tuổi thơ, tuổi học trò trong cuộc đời con người cũng được đầy đủ.

Từ 15 đến 18 tuổi cũng cần có được tuổi thơ đẹp. Nếu chúng ta đánh mất tuổi thơ của mình thì quay lại sẽ rất khó.

Tất cả các con của chúng ta hiện nay đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn,…), công nghệ sinh học, vật lý như robot thế hệ mới, máy in 3D,…dẫn tới câu chuyện lao động và ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm nhiều và chất lượng cao.

Như vậy, nếu các con không có đủ trình độ và năng lực để tiếp cận công nghệ thì khả năng công việc và sự thành công sau này khá đáng lo.

Tổng kết lại, các em học sinh hãy nhớ, nơi nào có trình độ, học vấn là nơi đó có giàu có và ở thế kỷ 21, lao động bằng chất xám là quyết định.

Học sinh Hải Phòng tham gia Kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2021 (Ảnh: LT)

Việc lựa chọn trường trung học phổ thông cũng rất quan trọng. Phụ huynh phải xác định khả năng học tập của con để đăng ký thi vào trường trung học phổ thông phù hợp.

Ngoài các trường công lập, học sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp vào các trường tư thục hay học tập tại trung tâm giáo dục thường xuyên, tuỳ thuộc vào khả năng của bản thân.

Hướng đi thứ hai Tiến sĩ Trần Văn Tính đưa ra là học trung cấp hoặc cao đẳng nghề, đây là hướng nên quan tâm.

Các trường trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay thường kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc giáo dục kiến thức phổ thông. Tuy nhiên, phương hướng đào tạo này có hạn chế khi học sinh phải học 2 chương trình ở 2 trường dẫn đến thời gian kéo dài hơn và tài chính, học sinh học vất vả hơn khi ở lứa tuổi 15 – 16 chưa đảm bảo sự phát triển thể chất để học nghề, làm nghề.

Hướng đi thứ ba là đi lao động ngay và làm nghề, đây là hướng Tiến sĩ Trần Văn Tính không khuyến khích.

Cái được là các con có thể tự lập để kiếm tiền sớm hơn nhưng cái mất là sức khoẻ, thiếu kinh nghiệm vì chưa được đào tạo cơ bản, cơ hội phát triển ít và có một tuổi thơ vất vả

Ngoài ra, học sinh có thể học nghề truyền thống, gia truyền của gia đình. Đây là hướng giúp giữ gìn bản sắc nhưng còn tồn tại một số hạn chế, chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở.

Phụ huynh, học sinh cần tính toán kĩ khi lựa chọn tổ hợp môn học

Năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, phụ huynh và học sinh được quyền chọn lựa môn học tổ hợp.

Kéo theo đó, phụ huynh và học sinh đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với quyết định việc chọn nghề sớm.

Phụ huynh cần tính toán, cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của con để phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai (ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Trần Văn Tính chia sẻ: “Hiện nay học sinh học đều tất cả các môn đến lớp 12 và có thể đăng ký, thay đổi nguyện vọng về khối thi thoải mái.

Nhưng lên lớp 10 năm tới, nếu không tính toán thật kỹ để chọn nghề của mình rồi từ đó chọn môn học thì khó có đường quay đầu lại.

Vì sao? Nếu học ban tự nhiên thì còn có thể học ban xã hội được nhưng nếu học ban xã hội thì rất khó để quay sang tự nhiên.

Cho nên, các trường trung học phổ thông và phụ huynh học sinh hết sức tính toán, cân nhắc để lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh.

Theo hướng này, chúng ta phải xác định được nghề nghiệp để chọn tổ hợp môn học thích hợp.

Ở đây, lớp 10 đã phải xác định được nghề bởi nghề gắn liền với tổ hợp môn học. Nếu lựa chọn tổ hợp môn học xong rồi lại chọn nghề không phù hợp sẽ rất khó.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục phổ thông toàn diện đến lớp 9 và lớp 10 là phân hoá nghề nghiệp rất rõ ràng. Vậy để chọn nghề, phụ huynh cần dựa vào 3 yếu tố: Bản thân học sinh, nghề dự định chọn, nhu cầu xã hội.

Bản thân học sinh có nhận thức, khả năng học tập, năng lực trí tuệ, tính cách, sức khoẻ và nguyện vọng như thế nào.

Bên cạnh đó, các con có dự định chọn nghề nào và có phù hợp với bản thân không rồi cái nghề đó nhu cầu xã hội có cần hay không.

Sau khi chọn được nghề rồi mới xác định được trường học định chọn có tổ hợp môn học nào để tuyển sinh rồi tổ hợp đó có phù hợp với điểm số mình thi tốt nghiệp hay không và con mình có vào được hay không”.

Tiến sĩ Trần Văn Tính cũng đưa ra gợi ý để học sinh hiểu được bản thân từ đó lựa chọn tương lai của mình.

Trong đó, nhấn mạnh việc định hướng học tập sớm, chọn nghề đúng từ đó thay đổi bản thân để theo đuổi mục tiêu.

Quá trình này, phụ huynh cũng cần hiểu con một cách khoa học để giáo dục con hiệu quả, phát triển tối đa năng lực của con.

PHẠM LINH
CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN ĐỘNG TRỜI NÀY TRONG GIÁO DỤC ?
THÁI HẠO /TD 20-4-2022
Một phụ huynh mới chuyển cho tôi cuộc nói chuyện của nhóm cha mẹ có con đang học ở Hà Nội, với nội dung không thể tin vào mắt mình: nhà trường yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10!
Thú thật là tôi vẫn không thể tin, dù trong nhóm đó có có tới 67 người, có cả giáo viên đang là phụ huynh nữa, và nhiều người đã xác nhận tình trạng này ở các trường khác nhau. Vì nó quá phi lý và ngang ngược, hoàn toàn phản giáo dục và vi phạm pháp luật một cách thô bạo. Nhưng cũng như chính các phụ huynh trong group này chia sẻ thì vẫn là bệnh cũ, bệnh thành tích. Chỉ có điều bệnh mà đã đến mức này thì phải gọi là biến chứng sang giai đoạn cuối, trở thành một thứ quái dị rồi.
Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp VN và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của LHQ ghi nhận và bảo vệ. Không lẽ lại có cái chuyện tày đình vô pháp này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa lòng Hà Nội?! Đó là chưa nói tới việc, giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học, nếu cứ học sinh nào học yếu thì tìm cách đuổi đi để giữ thành tích mà báo cáo cho đẹp thì những nhà trường ấy đến mặt đất này để làm gì?
Giữa thủ đô, một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục của cả nước chứ có phải trong rừng sâu núi thẳm đâu mà có thể công khai diễn ra những việc phản nhân văn, phản giáo dục và vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như vậy được?
Tôi hỏi vị phụ huynh ấy rằng, có ai phản ứng hay đấu tranh gì với nhà trường chưa, thì vị ấy bảo không ai dám nói gì cả. Ban giám hiệu kêu từng phụ huynh tới, dặn mang cả con theo để “họp”, có những lớp đến nửa sĩ số bị gọi đi “họp” để đưa ra yêu cầu này. Tôi thầm nghĩ, nếu có những cha mẹ như thế thì không gì bất hạnh hơn cho những đứa trẻ.
Thực hư thế nào thì chưa thể kết luận được, vì nó quá khó tin. Nhưng với một thời gian đi dạy và sống trong môi trường giáo dục đủ dài, nay lại có con đang đi học, tôi hiểu rằng những chuyện như thế không phải là cái gì không thể xảy ra ở ta.
Ngành giáo dục Hà Nội, Bộ Giáo dục phải lập tức xác minh và xử lý nếu có tình trạng quái gở này. Thậm chí công an cần vào cuộc vì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu có, cần cách ly những kẻ chủ trương (ban giám hiệu), lẫn người tiếp tay (giáo viên) khỏi môi trường giáo dục.
Song song với đó, chính Bộ Giáo dục cần chịu trách nhiệm chính trong việc đã để xảy ra căn bệnh thành tích trầm kha này bằng cách chấm dứt mọi cuộc chạy đua vô bổ và đầy tai họa này.
NHÀ TRƯỜNG NGĂN CẢN HỌC SINH THI VÀO LỚP 10 TẠI HÀ NỘI ?
THÁI HẠO/ TD 20-4-2022
Nhà trường ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội? | Tiếng Dân

Sau khi tôi đăng thông tin về việc một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội ngăn không cho học sinh thi vào lớp 10 nhằm lấy thành tích, thì có một thầy giáo cũng đang dạy THCS ở Hà Nội vừa gửi cho tôi bức thư này, xác nhận rằng đúng và nói rõ nội tình. Vì lý do bảo mật thông tin cho tác giả bức thư, tôi không đề tên.
Các bạn đọc xong bức thư này thì sẽ hiểu hơn ai là thủ phạm (trùm cuối) của sự phi giáo dục và phi pháp này, cũng như thấy rõ được cách thức vận hành tàn bạo phi nhân của nó. Đau xót là, việc ác này đã diễn ra suốt nhiều năm nay.
Các cơ quan có thẩm quyền cần xác minh làm rõ để chấm dứt, nếu đúng như thông tin mà phụ huynh và giáo viên phản ánh.
***
"Chào anh Thái Hạo!
Em là một giáo viên dạy THCS. Em xin chia sẻ hiện tượng mà anh phản ánh như sau. Hàng năm, cứ vào dịp này là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Gọi là hướng nghiệp cho lịch sự chứ họ làm công tác “chặn đường” thi, cấm HS lớp 9 thi vào lớp 10 THPT.
Lẽ ra họ không cần làm động tác đó. Bởi chỉ tiêu công lập chỉ có 70%, thì đằng nào chả có 30% các em sẽ phải đi học các trường nghề và các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hà cớ gì các trường phải làm công tác hướng nghiệp và phân luồng cho mệt?
Cách làm của họ là gì? Họ sàng lọc những em có lực học trung bình trở xuống, gọi phụ huynh đến và nói: “Con anh/chị ý thức chưa tốt, học rất yếu, không có khả năng thi vào 10 THPT. Nếu anh/chị làm đơn tự nguyện xin không thi vào lớp 10 thì nhà trường tạo điều kiện cho con anh/chị tốt nghiệp, như vậy con anh chị vẫn được đi học trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa, sau ba năm vẫn có bằng 12, lại có bằng nghề, muốn học đại học vẫn được. Còn các anh/chị vẫn cố tình đăng kí thi vào lớp 10 thì sẽ không được tốt nghiệp”! [Vì THCS không thi tốt nghiệp mà chỉ xét, xét tốt nghiệp lại do trường chủ trì – Thái Hạo chú thích].
Nghe thế ai chả sợ con mình không được tốt nghiệp THCS? Thế là tự nguyện làm “Đơn xin tự nguyện không thi vào lớp 10”! Vậy là phụ huynh tự nguyện nhé.
Sau này có nhiều phụ huynh phát hiện bị lừa cũng không thể làm gì được họ. Việc này có từ rất nhiều năm nay rồi! Vì sao họ phải làm vậy? Đó là do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục. Ngành giáo dục lấy kết quả thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, các trường lấy điểm thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua đối với GV dạy. Hơn nữa, dạy lớp 9 còn là một nguồn thu nhập khổng lồ đối với giáo viên thông qua việc dạy ôn luyện thi. Năm sau có được bố trí dạy lớp 9 hay không là phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào lớp 10 của HS lớp mình dạy.
Vậy điểm đó được tính như thế nào? Thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả trường, thì Sở Giáo dục lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số HS lớp 9 của trường đó dự thi vào 10 THPT.
Ví dụ: trường A có tổng số 500 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS. Nếu để cả 500 em này đi thi vào lớp 10 THPT, và tổng số điểm thi vào lớp 10 THPT các em đạt được là 3200 điểm, thì tổng điểm thi vào lớp 10 THPT của trường A sẽ phải chia bình quân cho 500, được 6.4 điểm bình quân. Nhưng nếu trường đó loại được 100 em học trung bình, yếu, kém (bằng cách lừa như trên), số HS còn lại là 400 em, tổng số điểm là 3000 điểm, trường đó chia trung bình cho 400 em, điểm bình quân là 7.5.
Trường B, cũng có tổng số 500 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS nhưng họ loại được 130 em. Vậy điểm trung bình của họ sẽ cao hơn trường A. Nghiễm nhiên trường B được đánh giá dạy tốt hơn trường A. Tương tự, cô Y (dạy lớp 9A2) mà loại được nhiều HS đi thi hơn cô B (dạy lớp 9A1) thì điểm của cô Y sẽ cao hơn điểm của cô B, nghiễm nhiên cô Y được tiếng là dạy tốt hơn cô B. Năm sau cô B sẽ không được phân dạy lớp 9 hoặc chỉ được phân dạy một lớp.
Bản thân em, vì không chịu làm theo cách đó mà 10 năm nay không được dạy lớp 9, dù chuyên môn chẳng kém ai ở tổ, nhiều năm liền đạt chiến sỹ thi đua, hàng chục Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đạt B, C cấp sở. Vì thế, trường nào cùng dùng những trò bẩn để loại, không cho HS lớp 9 có lực học trung bình yếu đi thi vào lớp 10 THPT.
Trường em đã có hiện tượng, có năm, có trường hợp một HS bị nhà trường xếp vào loại không được đi thi. Do gia đình kiên quyết không đồng ý, cuối cùng em ấy lại đỗ vào một trường công lập. (Hết thư)."
TÌNH TRẠNG PHỤ HUYNH TỐ BỊ ÉP KÝ 'ĐƠN KHÔNG XIN THI VÀO LỚP 10' XẢY RA NHIỀU NĂM
TRUNG DŨNG/ GDVN 21/4-2022
GDVN- Dù Sở Giáo dục Hà Nội từng có công văn nghiêm cấm việc “ép” học sinh yếu không tham gia thi vào 10 trước đó, đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt

Những ngày gần đây, dư luận sục sôi với thông tin tại một số trường Trung học cơ sở ở Hà Nội, phụ huynh phản ánh hiện tượng giáo viên “ép” hoặc vận động phụ huynh có con học lớp 9 nhưng học lực yếu “không nên” thi vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn.

Đáng nói, các sự việc tương tự như vậy cũng được báo chí từng phản ánh từ năm 2017, năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng từng ra văn bản nghiêm cấm các trường không được ép, vận động học sinh không thi vào 10. Tuy nhiên, từ đó đến nay, năm học nào báo chí cũng phản ánh tình trạng này.

Mẫu đơn xin "không tham gia vào kỳ thi lớp 10" bị xé rách và dòng cảm xúc của phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng, Thạch Thất. Ảnh: Chụp màn hình

Mới đây nhất ngày 20/4/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết “Một trường ở Thạch Thất bị tố 'ép' học sinh học yếu không được thi vào 10” phản ánh về tình trạng này.

Cụ thể, ngày 18/4, trang facebook có tên N.N chia sẻ bài viết trong nhóm “Chợ tốt Hữu Bằng” bày tỏ bức xúc cho rằng, phụ huynh này được cô giáo chủ nhiệm gọi điện “khuyên” và yêu cầu ký vào đơn không cho con thi vào lớp 10 vì học lực quá yếu.

Kèm với đó, chủ facebook nói trên còn đăng ảnh của mẫu đơn đã bị xé rách, Tuy nhiên, nội dung vẫn thể hiện rõ là “Đơn xin không tham gia vào kỳ thi lớp 10”, có đánh máy sẵn mẫu phần kính gửi cho “Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng”. Tờ đơn này được cho là do cô giáo chủ nhiệm của con phụ huynh nói trên gửi.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Kiều Đăng Cường – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất cho biết, đã yêu cầu Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng xác minh làm rõ, để có hướng giải quyết cụ thể.

Đồng thời khẳng định rằng, trong ngành giáo dục, về quản lý nhà nước không có chủ trương và chỉ đạo nào thiếu tính nhân văn như vậy. Quyền lợi được học tập là của tất cả các học sinh.

Tương tự, ngày 19/4/2020, nhiều thông tin trên mạng xã hội tiếp tục phản ánh rằng, tại Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng và Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân có tình trạng nhà trường yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường và không dự thi vào lớp 10.

Cũng theo thông tin từ phụ huynh chia sẻ trong hội nhóm, họ còn được giáo viên nhắc khéo, nếu con cố tình thi lớp 10 sẽ không được xét tốt nghiệp Trung học cơ sở. Ngược lại, nếu con đồng ý học trường Trung học phổ thông tư thục hay trường nghề, con sẽ được nâng đỡ để đạt học sinh tiên tiến, có học bạ đẹp để xét tuyển.

Liên quan đến sự việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã vào cuộc và sau đó có báo cáo kết quả xác minh rằng, các trường trên địa bàn Phòng này phụ trách không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 như các thông tin trên mạng phản ánh [1].

Trước đó, vào mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020, một số phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã gửi đơn cầu cứu báo chí vì mình bị “ép” viết đơn tự nguyện không cho con thi vào 10.

Cụ thể, trong buổi họp diễn ra vào giữa tháng 6, giáo viên chủ nhiệm các lớp 9 của trường này đã yêu cầu họ phải viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn.

Sau đó, có phụ huynh phải nài nỉ, rưng rưng nước mắt xin giáo viên cho con được đi thi nhưng không được. Cực chẳng đã họ phải ký vào đơn xin “tự nguyện không tham gia thi”.

Trao đổi trên báo Lao Động về vấn đề này, cô Phạm Đàm Thục Hạnh, là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai thời điểm đó cho biết, Phòng đã nắm được thông tin phụ huynh phản ánh về việc cơ sở giáo dục trên địa bàn “ép phụ huynh không cho con thi vào lớp 10”.

Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cũng tổ chức xác minh, họp với phụ huynh có con không thi vào lớp 10 công lập vào ngày 30/6/2020.

Đến ngày 1/7/2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai ra báo cáo, trong đó nêu “100% cha mẹ dự họp khẳng định gia đình tự nguyện cho con không tham dự thi vào lớp 10 công lập”.

Cùng thời điểm, một số phụ huynh khác có con học ở Trường Trung học cơ sở Phú La, Hà Đông cho biết cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong buổi họp phụ huynh, các phụ huynh này được giáo viên thông báo rằng con họ nằm trong nhóm có học lực yếu. Vì không đủ khả năng thi vào lớp 10 nên yêu cầu phụ huynh phải viết đơn tình nguyện xin không thi mà cho con đi học nghề.

Trước thông tin phản ánh, cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú La cho biết đã nắm được những thắc mắc, phản hồi của phụ huynh trên báo chí.

Tuy nhiên, cô Thanh khẳng định không có chuyện Ban giám hiệu hay giáo viên nhà trường ép cha mẹ học sinh phải viết đơn tự nguyện không đăng ký cho con dự thi vào lớp 10 [3].

Thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước việc, có nhiều thông tin phụ huynh tố con bị "ép" không được thi vào 10 vì học lực yếu. Ảnh:Chụp màn hình

Đáng chú ý, trước đó trong năm học 2017 – 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phải ra công văn đề nghị các trường không được vận động học sinh yếu, kém không đăng ký dự thi vào lớp 10.

Trả lời báo VOV, cô Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thời điểm đó cho biết, Sở nghiêm cấm các trường Trung học cơ sở trên địa bàn không được ép buộc hoặc vận động học sinh viết đơn không tham gia đăng ký thi vào lớp 10.

Trả lời của cô Hà cũng nhấn mạnh, hiện tượng này năm học 2016-2017 vẫn còn xảy ra và số học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 rất lớn. Sở vẫn nhận được đơn của phụ huynh kiến nghị.

Vì thế, trường hợp nào không đăng ký dự thi vào lớp 10 Trung học phổ thông phải có đơn tự nguyện của phụ huynh [4].

Tư liệu tham khảo:

[1]. https://laodong.vn/giao-duc/phong-gddt-noi-truong-khong-co-chu-truong-ep-hoc-sinh-khong-thi-vao-lop-10

[2]. https://laodong.vn/giao-duc/phu-huynh-ha-noi-phai-lam-don-xin-tu-nguyen-khong-cho-con-thi-vao-lop-10

[3]. https://doanhnghieptiepthi.vn/truong-noi-gi-vu-bi-to-ep-phu-huynh-khong-cho-con-thi-lop-10

[4]. https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ha-noi-nghiem-cam-truong-van-dong-hoc-sinh-yeu-khong-thi-vao-lop-10

Trung Dũng
HÀ NỘI YÊU CẦU XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC VẬN ĐỘNG HỌC SINH LỚP 9 KHÔNG  ĐĂNG KÝ THI VÀO LỚP 10
THANH SƠN/ GDVN 20-4-2022

Ngày 20/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, kiểm tra, hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin dư luận phản ánh như sau: Tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm học 2021-2022 chưa cao không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông 2022-2023.

Ảnh minh họa: T.L

Về việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có ý kiến như sau:

Yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng trên); đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông 2022-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp trung học cơ sở, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Thanh Sơn
HỌC SINH LỚP 9 HỌC LỰC KHÔNG TỐT PHẢI CAM KẾT KHÔNG THI LỚP 10, BỘ GIÁO DỤC NÓI GÌ ?
LINH ANH/ GDVN 20-4-2022
GDVN- Ngày 20/4, Bộ Giáo dục xác minh thông tin một số trường học yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt chuyển trường hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.

Trong bản thông tin công khai đến cộng đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, đề nghị các vị phụ huynh và quý vị gửi về cơ quan Bộ theo địa chỉ email: trungtamtruyenthonggiaoduc@moet.edu.vn, hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0985.111179 và 0943.316147.

Thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Được biết, trong sáng 20/4, thông tin trên được lan truyền mạnh trên mạng xã hội facebook với thông tin một phụ huynh phản ánh Nhà trường yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10…

Linh Anh
'ÉP' HỌC SINH KÉM KHÔNG THI VÀO LỚP 10: NGÀNH GIÁO DỤC PHỦ NHẬN, PHỤ HUYNH VẪN BỨC XÚC
THÚY NGA/ VNN 21-4-2022
Hiện tượng nhà trường vận động, thậm chí “gây áp lực” không cho học sinh yếu, kém dự thi vào lớp 10 công lập vẫn được phụ huynh phản ánh, khiếu nại hàng năm.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không dự thi vào lớp 10.

Trước thông tin này, Bộ GD-ĐT và UBND thành phố Hà Nội cũng đã lập tức chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Trả lời báo chí chiều qua 20/4, Phó Phòng GD-ĐT Cầu Giấy nói, qua kiểm tra hồ sơ thì không có hiện tượng ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội.

“Cũng có thể có những trường hợp phụ huynh học sinh hiểu không đúng ý của giáo viên, dẫn đến việc có thể giáo viên nói về kết quả học tập của con thì nghĩ rằng ép buộc, định hướng con phải thi trường nào đó”, vị này nói.

Hiện tượng nhà trường vận động, thậm chí “gây áp lực” không cho học sinh yếu, kém dự thi vào lớp 10 công lập vẫn được phụ huynh phản ánh, khiếu nại hàng năm.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không dự thi vào lớp 10.

Trước thông tin này, Bộ GD-ĐT và UBND thành phố Hà Nội cũng đã lập tức chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Trả lời báo chí chiều qua 20/4, Phó Phòng GD-ĐT Cầu Giấy nói, qua kiểm tra hồ sơ thì không có hiện tượng ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội.

“Cũng có thể có những trường hợp phụ huynh học sinh hiểu không đúng ý của giáo viên, dẫn đến việc có thể giáo viên nói về kết quả học tập của con thì nghĩ rằng ép buộc, định hướng con phải thi trường nào đó”, vị này nói.

Đã gây bức xúc trong nhiều năm?

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, hiện tượng này mới gây xôn xao dư luận. Hàng năm, vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, nhiều phụ huynh lại bức xúc khiếu nại chuyện được giáo viên vận động, ép buộc không cho con em mình được dự thi vào lớp 10. Thậm chí có năm, theo thống kê, có tới hơn 500 học sinh tốt nghiệp THCS ở một quận không tham gia thi.

Trước thực trạng này, vào năm 2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải ra quy định, trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, cần có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh. Ở thời điểm đó, đại diện Sở GD-ĐT lý giải, việc bắt buộc phải có đơn của cha mẹ là để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh tình trạng các nhà trường hoặc các Phòng GD-ĐT vì thành tích mà ngăn cản, không cho học sinh có học lực yếu thi vào lớp 10.

Tuy nhiên, những năm sau, hiện tượng này vẫn được phụ huynh liên tục phản ánh. Một số phụ huynh cho biết, giáo viên thậm chí còn “tư vấn riêng” cha mẹ nên viết đơn xin tự nguyện cho con không tham gia thi vào lớp 10 công lập mà chuyển sang trường nghề.

Hồi cuối tháng 6/2020, một số phụ huynh của Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai) lên tiếng “tố” nhà trường gây áp lực không cho học sinh kém thi vào lớp 10 công lập vì cho rằng “với sức học ấy, để thi đỗ là điều rất khó”.

Theo lời những phụ huynh này, một số cha mẹ còn rưng rưng nước mắt xin cô giáo cho con được đi thi, “dù trượt gia đình cũng chấp nhận”. Tuy nhiên, họ lại nhận được câu trả lời rằng: “Bây giờ nhà trường sẽ cho điểm học bạ đúng theo năng lực, đến lúc đó các con cũng không thể đi thi vì học bạ rất xấu”.

Vì thế, họ bức xúc: “Chuyện trượt hay đỗ đều là sự lựa chọn, và các con phải chịu trách nhiệm với quyết định ấy. Nhưng cách làm của trường dường như đang tước đi quyền lợi của học sinh, khiến các con cảm thấy mình sớm bị loại khỏi cuộc đua chung”.

Cùng thời điểm đó, phụ huynh của Trường THCS Phú La (Hà Đông) cũng lên tiếng “tố” nhà trường vì đã yêu cầu một số cha mẹ phải viết đơn tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 công lập.

Ban giám hiệu của cả hai trường này sau đó đều lên tiếng phủ nhận chuyện “ép buộc” học sinh. Nhà trường cho rằng, trong các cuộc họp với phụ huynh từng lớp, giáo viên chỉ báo cáo kết quả học tập, phân tích về năng lực, sở trường của từng em. Giáo viên chỉ hướng dẫn, tư vấn, còn mọi quyết định vẫn thuộc về học sinh, phụ huynh.

Có thể trong công tác phân luồng, thầy cô truyền tải không toát lên được quan điểm chung khiến phụ huynh hiểu sai theo ý ép buộc. 

Nhưng đến năm 2021, tình trạng này tiếp tục được phụ huynh phản ánh. Một số phụ huynh ở Hoàng Mai cho biết đã được giáo viên chủ nhiệm mời lên trao đổi riêng. Vì con có học lực yếu, cô giáo đề xuất với gia đình không cho học sinh tham dự kì thi vào lớp 10 mà xét tuyển thẳng vào trường THPT dân lập bằng học bạ. Cô giáo sẽ có trách nhiệm “làm đẹp” học bạ để học sinh chắc chắn đỗ trường dân lập.

Còn trong trường hợp gia đình vẫn “cố tình” để con đăng ký và tham dự kỳ thi, điểm số đạt được thấp, khó đỗ được các trường công lập trên địa bàn (trừ khi học sinh đăng ký ở một huyện rất xa trung tâm thủ đô). Khi đó, quay lại nhập học bằng học bạ thì cũng rất khó vì bảng điểm các năm qua của con không được tốt.

Tình trạng "ép buộc" này được nhiều người cho rằng, nảy sinh là do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục khi lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua hoặc xếp hạng các trường, còn các trường có thể cũng lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên (phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của học sinh lớp mình dạy).

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các đơn vị. Chủ trương của thành phố Hà Nội được duy trì nhiều năm nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng đều được tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập.

Theo Sở GD-ĐT, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Về công tác phân luồng sau cấp THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Hôm qua, Sở đã có văn bản gửi cho các trường THCS yêu cầu phải chấn chỉnh ngay việc tư vấn hướng nghiệp, không để xảy ra tình trạng ép học sinh bỏ thi, học trường tư hay học nghề.

Ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng cho hay, thời gian tới, có thể sẽ có những chuyên đề bồi dưỡng cho các giáo viên từ chủ nhiệm đến bộ môn về giao tiếp, ứng xử, cách tư vấn tâm lý, giúp đỡ, định hướng cho phụ huynh và học sinh.

Thúy Nga 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét