Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

20220420. NẠN MUA BÁN ĐỀ TÀI THI KHOA HỌC KỸ THUẬT

 ĐIỂM BÁO MẠNG

MUA DỰ ÁN THI KHOA HỌC KỸ THUẬT DỄ NHƯ MỚ RAU, CON CÁ

CAO NGUYÊN/GDVN 18-4-2022

Mặc dù học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã dự thi khoa học kĩ thuật cấp trường, cấp tỉnh từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng hiện tại mạng xã hội Facebook vẫn đang tấp nập kẻ mua người bán các dự án.

Nhiều sản phẩm rao bán đạt giải cấp tỉnh

Ngày 11/4/2022, trong vai giáo viên tìm mua dự án thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tôi tìm đến một Fanpage có hơn 5000 thành viên thì được hàng chục tài khoản xưng là giáo viên mời chào sản phẩm.

Mua dự án thi khoa học kĩ thuật dễ như mớ rau, con cá. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tài khoản Q.H., giới thiệu là giáo viên một tỉnh ở miền Tây Nam bộ gửi cho tôi tên 3 đề tài cùng với một số hình ảnh chụp mục lục, kết quả khảo sát, đề xuất giải pháp cho từng dự án.

"Một cái thì 150 ngàn đồng, hai cái 250 ngàn đồng, ba cái 300 ngàn đồng - tất cả đã đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Chị năm nào thi cũng có giải, thi liên tục 4, 5 năm rồi. Em chuyển khoản trước, nhận được tiền chị sẽ gửi e-mail", người bán ra giá rẻ đến không ngờ.

Khi tôi tỏ ra đắn đo, sợ dự án đã bán cho giáo viên nhiều tỉnh thành khác, nếu mua trùng đề tài, chẳng may bị phát hiện thì sẽ bị kỉ luật, người bán chỉ trả lời ngắn gọn "yên tâm", "chưa bán cho ai".

Tài khoản này nhắn tin hối thúc chuyển khoản liên tục, tôi lấy cớ dạy bậc trung học phổ thông, còn dự án được giới thiệu chỉ phù hợp với học sinh trung học cơ sở thì người bán trấn an "những sản phẩm này phù hợp với cấp ba vì học sinh cấp hai quá nhỏ".

Một sản phẩm khoa học kĩ thuật đạt giải Ba cấp tỉnh được rao bán. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tiếp đến, tài khoản K.T.H. xưng là giáo viên bậc trung học phổ thông ở Tây Nguyên gửi cho tôi tên một dự án đạt giải Ba kèm giấy chứng nhận của sở giáo dục và đào tạo.

"Dự án này về phần mềm tin học, năm nay mình dự thi (hướng dẫn học sinh làm dự án đi thi) nên rất sáng tạo và mới. Mình chưa gửi cho ai cả, nếu bạn ở Sài Gòn thì không phải lo. Cái này mình cũng dự định năm nay cho con tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc ", người bán nói rất tự nhiên.

Thấy tôi có vẻ không mặn mà với dự án này, tài khoản K.T.H. giới thiệu thêm một sản phẩm về lĩnh vực Kĩ thuật môi trường đã hoàn chỉnh, gửi kèm hình ảnh và cả clip minh chứng.

"Cái này độc, lạ, hữu dụng nên phí hơi cao, 4 triệu đồng, vì mô hình làm nó khó và có rất nhiều tính mới, chưa có trên thị trường, đã đạt giải Nhì cấp tỉnh", người bán quảng cáo.

Một dự án khoa học kĩ thuật đạt giải cấp tỉnh được rao bán 4 triệu đồng. (Ảnh: Cao Nguyên)

Hay tài khoản B.M.T. cũng xưng là giáo viên một tỉnh ở Tây Bắc bộ gửi cho tôi một số đề tài tham khảo như: đèn học thông minh, tủ nước thông minh, gậy cho người khiếm thị, thùng rác thân thiện với môi trường.

"Thùng rác thông minh 1,2 triệu đồng, tủ nước thông minh 2,5 triệu đồng, gậy dành cho người mù 3,2 triệu đồng. Những sản phẩm này em chưa gửi cho ai ở Sài Gòn cả, cho em số điện thoại Zalo em gọi tư vấn", người bán nhiệt tình chào mời.

Có hay không sự can thiệp của người lớn ở kì thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia cho học sinh phổ thông?

Nhiều năm qua, dư luận râm ran nghi vấn cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông cấp quốc gia có sự can thiệp của người lớn, đặc biệt là các dự án đạt giải Nhất.

Tuy vậy, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn bởi Bộ Giáo dục không công khai toàn văn dự án đạt giải lên cổng thông tin của ngành nên không có minh chứng để kiểm tra, đối chiếu.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, trên các phương tiện truyền thông đã đưa ra một số minh chứng cho thấy nhiều dự án dự thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia có sự can thiệp của giáo viên, nhà khoa học - trong vai người hướng dẫn (người bảo trợ).

Ngày 26/2/2022, Đài Truyền hình Hà Tĩnh phát phóng sự "Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật trong học sinh liệu đã thực chất?" phản ánh những góc khuất về cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông ở địa phương này. [1]

Theo phóng sự, tất cả các sản phẩm dự thi khoa học kĩ thuật của học sinh đều không có khả năng ứng dụng mặc dù đã đạt giải cao. Cá biệt, có dự án do học sinh đứng tên, nhưng giáo viên là người giúp học sinh hoàn thiện sản phẩm.

Trong phóng sự, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Tĩnh đã thừa nhận có hiện tượng nhiều đề tài do giáo viên, người bảo trợ giúp đỡ, có thể do bệnh thành tích, ngành giáo dục phải “rút kinh nghiệm và đổi mới” công tác này.

Tiếp đến, bài viết "Đề tài thi khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông 'bề thế' như... luận văn thạc sĩ" ngày 1/4/2022 đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ phản ánh: "một giảng viên cho hay trong số 12 dự án đoạt giải nhất, có một dự án đúng theo hướng nghiên cứu của mẹ là giảng viên đại học." [2]

Và gần đây nhất là bài viết "Từng "cấp cứu" ý tưởng cho học sinh thi khoa học kĩ thuật, người trong cuộc nói nên dừng cuộc thi!" ngày 10/4/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết:

"Phần thực hiện đề tài là giáo viên và phụ huynh học sinh, từ khâu đi mua vật liệu, liên hệ các phòng nghiên cứu, liên hệ chuyên gia giúp đỡ,…học sinh hầu như không thực hiện việc làm trực tiếp toàn bộ trong quá trình nghiên cứu, chỉ cần học thuộc phần thuyết minh, trình diễn từng động tác với ban giám khảo".

Thầy Túc cũng không ngần ngại chia sẻ, đã có một lần thầy phải “cấp cứu” cho 2 nhóm tham dự kì thi nhưng đến sát ngày vẫn không có ý tưởng và họ tìm đến thầy nhờ giúp. Cũng vì quá nể nên thầy cho họ 3 dự án, và 2 trong số 3 dự án đó đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba.

Liên quan đến cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông, ngày 1/4/2022, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nêu quan điểm rất đáng suy ngẫm: “Cuộc thi cần có tính giáo dục, liêm chính, khơi dậy đam mê khoa học của học sinh chứ không phải dạy học sinh sự giả dối”. [2]

Qua bài viết này, tôi mong Bộ Giáo dục hãy công khai toàn văn tất cả dự án đạt giải Nhất cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông cấp quốc gia 3 năm gần đây để dư luận giám sát, đánh giá.

Bởi, đã có nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục sử dụng phần mềm chống đạo văn để kiểm tra sự trùng lặp, sao chép, đạo văn nếu có, tránh gây nghi ngờ, tranh cãi, sai sót nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hatinhtv.vn/vi/chuyen-de/tin-bai/106867

[2] //tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
ĐI MUA ĐỀ TÀI THI KHOA HỌC  KỸ THUẬT  TRÊN MẠNG XÃ HỘI LÀ THÀNH 'THẦN ĐỒNG'
HOA TRẦN/GDVN 19-8-2022
GDVN- Không ít hội nhóm trên các mạng xã hội rao bán các đề tài khoa học kỹ thuật dành cho học sinh. Chỉ 200 ngàn đồng là có thể mua được một đề tài 'siêu nhân'

Thời gian qua, không ít những kỳ thi khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị bàn tán, dị nghị bởi tính thực chất của các kỳ thi.

Trong khi có rất nhiều chuyên gia đánh giá mức độ đóng góp thực chất của học sinh trong các đề tài, thậm chí, có nhiều ý kiến về việc mua một đề tài khoa học kỹ thuật mang đi thi không hề khó khó khăn.

Không rõ từ bao giờ trên mạng xã hội đã hình thành những "chợ" mua bán đề tài khoa học kỹ thuật để các em học sinh đi thi.

Nhằm tìm hiểu thực trạng về 'thị trường' mua bán đề tài khoa học kỹ thuật, trong vai một giáo viên muốn mua đề tài để dự thi, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu nhiều hội nhóm trên mạng xã hội.

Việc tìm kiếm những hội nhóm này không hề khó khăn bởi người dùng chỉ cần gõ “sáng tạo khoa học kỹ thuật” ở trên thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội là có thể thấy rất nhiều kết quả hiện ra là các group có cái tên chung là hỗ trợ hay câu lạc bộ khoa học kỹ thuật.

Tại một nhóm trên mạng xã hội Facebook có tên: “Hỗ trợ Học sinh Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật” với hơn 5.000 và group “Sáng tạo khoa học kỹ thuật với hơn 13 nghìn thành viên tham gia để chế độ công khai.

Nhóm công khai trên mạng xã hội về Khoa học kỹ thuật có đến 13,200 thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình.

Tuy có tên là “Hỗ trợ Học sinh Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật”, nhưng thực chất đa số những thông tin trên nhóm này là nơi để mua bán các đề tài khoa học kỹ thuật.

Khi phóng viên với vai giáo viên hỏi có nhu cầu muốn mua đề tài thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật thì có rất nhiều lượt bình luận và nhắn tin trực tiếp có ý muốn bán đề tài.

Ngay khi phóng viên cho đăng dòng trạng thái ngỏ ý muốn mua đề tài khoa học dự thi, tài khoản có tên N. N đã chủ động nhắn tin hỏi: “Ở cấp trung học hay thpt bạn nhỉ?”

Ngay sau đó là đủ loại đề tài có thể biến học sinh thành 'thần đồng' như được chào bán như "Xe thông minh hỗ trợ phòng chống dịch bệnh", "Thiết bị phát thanh từ xa", "Nghiên cứu về lợi ích và công dụng của cây lưỡi hổ"...

Có những đề tài đã từng được giải cấp tỉnh như xe hỗ trợ thông minh phòng chống dịch bệnh được giải tư cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh của tỉnh Nghệ An cũng được giao bán.

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, người đứng tên giải là em học sinh N.B.N và N.H.P của trường Trung học cơ sở Thanh Đức (huyện Thanh Chương - tỉnh Nghệ An).

Sau khi trao đổi thì chính tài khoản N. N. Khẳng định mình là chủ nhân của sản phẩm đoạt giải Tư trên.

Khi được phóng viên hỏi: “Em không sợ đề tài bị lộ sao?” Thì nhận được câu trả lời: “Giải Nhất, Nhì mới sợ chứ giải Tư không sao ạ.”

Giá cả rao bán cho những đề tài này từ 500 nghìn/ 1 đề tài, tùy vào từng giải.

Một đề tài được giới thiệu chi tiết cho phóng viên. Ảnh chụp màn hình

Người bán còn cam kết sẽ không bị phát hiện ra: “thi tỉnh thì sợ chứ thi huyện thì không sợ đâu. Với lại các tỉnh khác nhau cộng với những đề tài nào đã bán rồi sẽ bị loại ra", tài khoản này khẳng định.

Còn tài khoản có tên Huỳnh Trọng Khải có bài đăng: “Xin phép admin. Chào quý thầy cô. Nhóm mình vừa hoàn thành đề tài Khoa học xã hội hành vi cực hay, đạt giải KK (khuyến khích) cấp tỉnh. Thầy cô thật sự cần thì nhắn cho mình. Mổi tỉnh share (chia sẻ) 1 thầy cô sẽ không trùng nhau.”

Khi phóng viên nhắn tin trực tiếp hỏi không yêu cầu về đề tài thì facebook này sẵn sàng cung cấp được hết với giá 200k/ 1 đề tài.

Còn tài khoản có tên Lê Trường lại yêu cầu với mức giá cao hơn và nói từ giải Ba trở lên thì mức giá dao động từ 1.750.000 đến 3.500.000 đồng.

Đề tài được rao bán có tên “Đo chất lượng không khí (nồng độ bụi, nồng độ CO2, nồng độ TV02) kèm làm sạch không khí bằng ion âm và tia UV”. Đề tài được facebook này quảng cáo là đã được giải Nhất của tỉnh Đăk lăk kèm với một đoạn chat đảm bảo.

Cách thức giao dịch của những cuộc mua bán này cũng khá dễ dàng. Người mua sẽ thanh toán trước 30%, trong quá trình làm sẽ báo cáo tiến độ.

Người bán cam kết trong khoảng 2 ngày là xong và khi nhận được hàng sẽ thanh toán phần còn lại. Khi nhận sẽ được sản phẩm, code và sơ đồ đấu nối.

Thuyết minh về đề tài vô cùng đầy đủ. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ cần mua có nhu cầu, người bán cũng vô cùng đa dạng trên "chợ" này. Đơn cử như chủ tài khoản Facebook có tên Nguyễn Ngọc Thư "rao": “Mình có đề tài giải nhì và khuyến khích tỉnh muốn chuyển giao tài liệu đầy đủ, hỗ trợ A-Z.”

Ngay lập tức, phía dưới mục bình luận có hàng chục bình luận hỏi giá, yêu cầu được ib (nhắn tin riêng).

Tài khoản có tên Kim Trâm Hồ đăng bài với nội dung: “Mình có rất nhiều đề tài khoa học hành vi mới, chưa thi, đã thi có giải bạn nào cần tham khảo thì hãy liên hệ” kèm với một bức ảnh là giấy khen với thành tích là giải ba của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, năm học 2021 -2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo của một tỉnh Tây Nguyên.

Bên dưới là hàng chục bình luận để lại email để mong được gửi bài tham khảo.

Chủ nhân của tài khoản khẳng định mình đã đạt giải, nay đem bán. Ảnh: chụp màn hình

Trên những hội nhóm này không thiếu những bài đăng từ những người có nhu cầu mua và bán tạo nên sự những cuộc mua bán, trao đổi nhộn nhịp.

Trong này, tất cả các lĩnh vực như Khoa học xã hội và hành vi, hệ thống Nhúng, Kỹ thuật môi trường, … đều đáp ứng được hết.

Về thực chất, cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật ở học sinh “nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc;thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.”(Bộ Giáo dục – Đào tạo).

Với những gì đang diễn ra trong những hội nhóm này liệu có bao nhiêu sản phẩm được trao đổi mua bán ở trong “chợ” này được đưa đi thi ở các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và có thể đạt giải?

(Còn tiếp)

Hoa Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét