Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

20220407. BẮT ĐỖ ANH DŨNG- CHỦ TỊCH TÂN HOÀNG MINH

ĐIỂM BÁO MẠNG

BẮT TẠM GIAM CHỦ TỊCH, TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN TÂN HOÀNG MINH

AN NGUYÊN /GDVN 5-4-2022

GDVN- Ngoài Đỗ Anh Dũng thì cơ quan công an cũng bắt tạm giam 6 đối tượng khác thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: Bộ Công an

Đồng thời, tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sáu bị can đồng phạm gồm: Đỗ Hoàng Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh;

Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.;

Trần Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.;

Nguyễn Khoa Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh;

Phùng Thế Tính - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với các bị can nêu trên.

Để đảm bảo hoạt động bình thường của công ty, Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho ông Đỗ Hoàng Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối.

Đó là sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.

Tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng vụ án và thu hồi tài sản.

AN NGUYÊN
BẮT CHỦ TỊCH TÂN HOÀNG MINH ĐỖ ANH DŨNG:NHỮNG THÔNG ĐIỆP TỪ BỘ TÀI CHÍNH
LƯƠNG BẰNG/ VNN 6-4-2022
Việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam đã cho thấy quyết tâm làm trong sạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Quyết tâm làm trong sạch thị trường

Chia sẻ với PV. VietNamNet tối 5/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cũng là những sự việc rất đáng tiếc, tuy nhiên qua đó cũng thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Những vi phạm đó không phải là phổ biến và cá nhân nào làm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp với các cơ quan để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Vụ chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt, quyết tâm làm trong sạch thị trường

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: Quan điểm Bộ Tài chính là tuân thủ, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính. Xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán thực sự là công khai minh bạch, và là kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Tài chính cho biết đã thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung để hoàn thiện thể chế, các quy định việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thị trường tài chính trong đó có thị trường chứng khoán.

“Qua sự việc vừa qua, có thể thấy một số doanh nghiệp đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, các công ty phát hành 9 đợt trái phiếu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều là những công ty chưa đại chúng, do đó để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các công ty này không phải xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi hoàn thành phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp này có trách nhiệm gửi thông tin về HNX.

Đây được xem là kẽ hở để các DN lợi dụng. Nguồn tin của VietNamNet cho biết Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu các đơn vị sửa Nghị định 153, 155 để 'bịt' kẽ hở này.

Liên tục phát thông tin cảnh báo

Ngoài ra, suốt từ 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Từ ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã sớm có chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động này.

Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban chứng khoán nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất; Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

"Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật', Bộ Tài chính đưa ra yêu cầu từ rất sớm.

Ngay sau đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Một văn bản cảnh báo của Ủy ban chứng khoán nhà nước từ tháng 9/2021

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ sớm đã phát hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Do vậy, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị 153 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định

Đến tháng 12/2021, trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng, quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Cơ quan này cho rằng các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Với tính chất rủi ro cao hơn nên trái phiếu DN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.

Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu” - Vụ Tài chính ngân hàng từng liên tục đưa ra khuyến nghị.

Lương Bằng

NHÀ ÔNG ĐỖ ANH DŨNG: CON THỨ BỊ BẮT CÙNG BỐ, CON CẢ NẮM 

QUYỀN QUẢN LÝ

BẢO ANH/VNN 6-4-2022

Trong các bị can, Đỗ Hoàng Việt, con trai thứ của ông Đỗ Anh Dũng, giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Bắt con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, Cơ quan chức năng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong 6 bị can còn lại, có Đỗ Hoàng Việt, con trai thứ của ông Đỗ Anh Dũng, giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

{keywords}

Đỗ Hoàng Việt sinh năm 1993 là con trai thứ hai của ông Đỗ Anh Dũng. Trước khi bị bắt, Việt giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

So với anh cả, Việt phần kín tiếng hơn. Theo thông tin báo chí, Việt tốt nghiệp Berkeley College (Mỹ) với điểm trung bình (GPA) đạt tuyệt đối 4.0 và là một trong hai sinh viên Việt Nam của ĐH Berkeley được trao giải thưởng President về thành tích này. Đồng thời thiếu gia này cũng tốt nghiệp bằng xuất sắc chuyên ngành Đầu tư bất động sản tại ĐH New York.

Đỗ Hoàng Việt từng đảm nhiệm chức giám đốc ban Marketing - truyền thông của tập đoàn Tân Hoàng Minh và phụ trách quảng bá các sản phẩm siêu sang của Tập đoàn trên thị trường. Đỗ Hoàng Việt cũng giữ chức Phó Tổng Giám đốc nhưng chịu trách nhiệm điều hành mảng Trung tâm đấu thầu, Trung tâm Tài chính kế toán, ban Công nghệ thông tin và công ty con THM-Concrete.

Năm 2017, Hoàng Việt lập gia đình với một đám cưới hoành tráng, là tâm điểm chú ý của dư luận thời điểm đó.

Trao quyền quản lý cho con trai cả

Đỗ Hoàng Minh (Denis Đỗ), sinh năm 1986, con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng. Denis Đỗ tốt nghiệp ĐH Sorbonne (Pháp) chuyên ngành Quản trị kinh doanh vào năm 2011 và có bằng MBA về quản trị tài chính. Sau khi về nước Denis Đỗ hỗ trợ bố trong việc kinh doanh và giữ chức Giám đốc Kinh doanh của Tân Hoàng Minh kiêm Giám đốc điều hành văn phòng đại diện của Tân Hoàng Minh ở Singapore.

{keywords}

Trong làng giải trí, Denis Đỗ được chú ý khi có mối quan hệ thân thiết với Seungri - cựu thành viên BIGBANG. Seungri từng nhiều lần đến Việt Nam dự những sự kiện riêng của gia đình tập đoàn này.

Để đảm bảo hoạt động bình thường của công ty, ông Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho Đỗ Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

{keywords}

Ngoài ra, ông Dũng còn có con gái út - Nguyễn Anh Sa (SN 1994). Anh Sa tốt nghiệp ngành Marketing ĐH Lehigh - một trong những trường ĐH nghiên cứu tư thục nổi tiếng nhất ở Mỹ. Theo thông tin trên truyền thông, ngoài việc nắm giữ cổ phần trong các công ty do ông Dũng quản lý, Anh Sa còn quản lý 4 doanh nghiệp khác đều có trụ sở tại Hà Nội.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.

Bộ Công an cho biết tổng giá trị của 9 đợt này là 10.300 tỷ đồng, được huy động từ các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

 Bảo Anh

ĐẠI GIA ĐỖ ANH DŨNG: TỪ KINH DOANH TAXI TỚI LOẠT DỰ ÁN ĐÌNH ĐÁM BẤT ĐỘNG SẢN

BẢO ANH/VNN 6-4-2022

Từ kinh doanh taxi, ông Đỗ Anh Dũng đã nhanh chóng trở thành đại gia trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu nhiều đất vàng. Nhưng ông thực sự nổi tiếng sau lần bỏ cọc trong đấu giá đất.

Từ kinh doanh taxi

Ông Đỗ Anh Dũng sinh năm 1961, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, ngoài được biết đến với vai trò sáng lập/chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong 3 năm gần đây, ông Đỗ Anh Dũng còn là người thành lập/quản lý hàng chục đơn vị khác, đơn cử như Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn; Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh; Công ty CP nhà D'Land; Công ty CP quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt.

Với việc nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp, ước tính số tài sản ông Đỗ Anh Dũng đang nắm lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

Năm 1995, ông Dũng bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi, với thương hiệu “Taxi V20”. Tháng 9/2001, số lượng xe hoạt động đạt gần 1.000 chiếc, chiếm 25% thị phần tại 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội.

{keywords}
Đại gia Đỗ Anh Dũng

Năm 1998, ông Dũng từng bước đầu tư sản xuất các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu “Ratex” và xuất khẩu sang thị trường quốc tế, như Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Mỹ... Đây là một trong những nguồn thu chủ chốt, mang lại lợi nhuận 3-5 triệu USD/năm cho Tân Hoàng Minh thời kỳ mới phát triển.

Năm 2006, ông Dũng quyết định hướng Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào thị trường bất động sản cao cấp, tạo sự khác biệt trong các sản phẩm và dịch vụ.

Năm 2011, chủ đầu tư này nổi đình đám khi mở bán lần đầu tiên dự án D'.Palai de Louis với giá lên tới 145 triệu đồng/m2, có nghĩa là để sở hữu một căn hộ dát vàng ở đây, khách hàng phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là sản phẩm đầu tay, thể hiện tham vọng phát triển chuỗi dự án bất động sản cao cấp và hạng sang của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bỏ cọc gây chấn động

Đáng lưu ý, tên tuổi của Tân Hoàng Minh còn được thị trường biết tới với các vụ đấu giá đất cao rồi bỏ cọc. Ngày 10/12/2021, Tân Hoàng Minh từng thắng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, có diện tích khoảng 3.000m2, với giá khởi điểm là 550 tỷ đồng.

Thời điểm đó, Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá cao hơn 2,6 lần giá khởi điểm, với 1.430 tỷ đồng, để trở thành "người thắng cuộc" trước 13 nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá, Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tiếp đó, tập đoàn này lại có văn bản đề nghị được mua, song đã chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

UBND TP.HCM phải phát "tối hậu thư" đòi nợ, khi đó Tân Hoàng Minh mới chuyển toàn bộ số tiền trúng đấu giá khu đất vàng này vào Kho bạc Nhà nước TP.HCM, chính thức sở hữu đất vàng 2 mặt tiền Lê Duẩn - Nguyễn Du.

Mua được đất vàng nhưng ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, sau đó lại hé lộ, cuộc đấu giá thành công do... lỡ lời. Khu đất này khởi điểm 550 tỷ và giờ doanh nghiệp phải trả tới 1.430 tỷ đồng - gấp 2,6 lần để sở hữu nó. “Dù ở góc độ kinh tế, đây là cuộc đấu giá thất bại”, ông Dũng nói.

{keywords}
Chủ tịch Tân Hoàng Minh từng thu hút sự chú ý khi có những phát ngôn ấn tượng.

Mới đây, ông Đỗ Anh Dũng đã có tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Công ty Ngôi sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra 1m2 đất trị giá 2,45 tỷ đồng), cách người trả thứ hai (một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng) là 700 tỷ đồng.

Theo quy định, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp trước số tiền tương ứng 20% giá khởi điểm của lô đất. Nếu trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền cọc, để đảm bảo thực hiện giao kết, hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Nếu doanh nghiệp hoàn tất nộp tiền theo quy định, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất trong hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi cấp giấy.

Ngược lại, nếu khách hàng trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc không nộp đủ tiền theo thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế, thì sẽ bị chế tài bằng biện pháp tịch thu tiền đặt trước nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đến sát ngày nộp tiền, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc thông qua tâm thư của vị Chủ tịch.

Trong thư, ông Dũng thanh minh, đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay bản thân ông trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến.

“Sau khi trúng đấu giá với giá cao như vậy, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ luỵ không tốt. Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung” - ông Dũng viết.

Bảo Anh

MANG DANH ĐẠI GIA MÀ LÀM GIÀU BẤT CHÍNH

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/VNN 6/4/2022

Dư luận xôn xao khi nhiều đại gia vi phạm pháp luật. Họ là những người năng động, giàu có nổi lên sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Có những đại gia mới phất lên khoảng một thập kỷ nay.

Nổi lên trong số này là số đại gia “Đông Âu”. Họ là những học sinh xuất sắc được cử đi học ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Gặp thời khi các nước Đông Âu thay đổi thể chế, họ ở lại và làm giàu bằng trí tuệ, sức lực của mình. Với sự nhanh nhạy và sáng tạo, họ lập trung tâm thương mại, lập công ty, sản xuất những thứ mà Đông Âu cần. 

Dự án nông nghiệp công nghệ cao trên 240ha của công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh XNK nông sản FAM (thuộc tập đoàn FLC) ở Hà Tĩnh có nhiều diện tích bị bỏ hoang

Rồi đất nước đổi mới, bằng kinh nghiệm, bằng sự năng động sáng tạo, họ đưa vốn về nước lập công ty sản xuất và kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xuất phát từ đất, làm giàu từ đất…

Đất nước nào cũng vậy, sự giàu có, vươn mình mạnh mẽ, đưa vị thế đất nước ra với thế giới… xuất phát từ đội ngũ doanh nhân. Nhiều người vừa có tâm, có tầm.

Còn nhớ những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… đã phải cạnh tranh gay gắt với ngay những ông trùm tư bản nước ngoài trên sân nhà. 

Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đi sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt… Cũng vì thế mà ông trở thành gương mặt nổi tiếng của 30 năm đầu thế kỷ XX và được xếp vào danh sách 4 người giàu có nhất Việt Nam thời kỳ này (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Lịch sử cũng thường nhắc đến ông như một “Chúa sông Bắc Kỳ”, “Vua tàu thủy Việt Nam”.

Nhìn ra nước ngoài, như Hàn Quốc, với dân số ít hơn chúng ta, mất không tới 60 năm để vươn lên vị trí thứ 10 thế giới. Những tập đoàn lớn, như Samsung, Daewoo, Hyundai… những “công nghệ giải trí” đã đưa văn hóa, kỹ thuật của họ ra với thế giới, làm rạng danh đất nước.

Dân số của chúng ta đứng hàng thứ 15 trên thế giới. Mục tiêu mà chúng ta cần nhắm tới là đưa nền kinh tế của ta cũng vươn đến vị trí này như của Hàn Quốc nhưng phải ngắn hơn và rất kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân của mình.

Làm giàu không phải là tìm hiểu luật rồi lách

Khát vọng là điều tuyệt vời nhưng cái tâm của những doanh nhân Việt phải được đặt lên hàng đầu. Làm giàu không phải bằng mọi giá, làm giàu phải bằng trí tuệ của mình chứ không phải tìm hiểu luật để lách luật, làm giàu trên sự đau khổ của người khác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người phải liêm chính chứ chưa nói đến đội ngũ doanh nhân. Liêm "là trong sạch, không tham lam”, Chính “là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, không làm”.

Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và 6 đồng phạm bị bắt

Nhìn đội ngũ những người được gọi là “đại gia” của ta có nhiều người “tâm và tầm" vẫn là điều xa xỉ. Rất nhiều đại gia "chưa đỗ ông nghè" phải vướng vào vòng lao lý khi chưa đóng góp được gì cho đất nước mà chỉ mới làm lợi cho chính mình. Trước kia như Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Dương Bạch Diệp…và nay đang nổi lên một số đại gia đã và đang đi theo vết xe của bậc đàn anh.

Một người như Trịnh Văn Quyết được xem là “tuổi trẻ tài cao”, được coi là  “của nội” chỉ trong vòng hơn một thập kỷ mà vươn lên không kém cạnh các bậc đàn anh “Đông Âu”. Ai cũng nghĩ đó là tấm gương nhưng đùng cái vướng vào vòng lao lý do thao túng thị trường chứng khoán.

Kiểu “nghiên cứu luật để phạm luật” như vậy thật ra nhiều người biết nhưng vì liêm, chính họ không làm. Khi xã hội còn chưa trưởng thành, luật pháp còn đang hình thành thì kiểu làm giàu “lách luật” có thể còn tồn tại, còn được “tha thứ”.

Giờ không có kiểu thu hồi đất rẻ như cho rồi sau phân lô bán đắt như vàng, hoặc ít ra ít còn tồn tại vì luật rõ hơn, dân trưởng thành hơn. Cái cách làm đó của đàn anh “Đông Âu” thời kỳ đầu không thể lập lại. Một phần vì những vị trí vàng, những khu “đắc địa” đã hết phần vì các địa phương không còn tư tưởng chạy theo dự án, cho dự án để có tiền vì luật pháp đã dần lấp đầy những lỗ hổng. 

Tuy nhiên, cái cách làm của các đại gia không liêm chính vẫn còn tồn tại. Họ chưa đủ tầm để bứt phá bằng năng lực của mình mà nhờ thủ đoạn. Chuyện “thổi giá” như vừa qua cũng đã làm thị trường chao đảo là một điển hình cho việc đó. Trịnh Văn Quyết “thổi giá” cổ phiếu để ồ ạt bán kiếm lời... Đỗ Anh Dũng “thổi giá” đất Thủ Thiêm lên tận mây xanh “đắt nhất hành tinh” rồi sau đó không mua làm thị trường đất đai một phen chao đảo. Và ông vừa bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người dân mất tiền cũng vì bị bọn đầu cơ, các đại gia “thổi giá” đất đai, gây những đợt sốt đất để kiếm lời. 

Đại gia giàu lên nhờ bắt tay với quan chức là kiểu giàu nhanh và không liêm chính, không sòng phẳng. Họ đi đêm để có dự án, hoặc có dự án rồi họ thao túng để được chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng.  Nhiều vụ án đem ra xét xử trong thời gian vừa qua đều ở tội danh này. Nhiều vị cán bộ chủ chốt cũng bị xét xử cùng tội danh.

Công bằng mà nói, có biết bao nhiêu đại gia không đi lên từ đất hoặc từ đất chỉ là giai đoạn đầu nhưng họ vươn lên làm giàu bằng trí tuệ và cái tâm của mình, không chỉ làm trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đất nước đang rất cần những đại gia tầm cỡ và có tâm như vậy

Nguyễn Đăng Tấn

VÌ SAO LÃNH ĐẠO TÂN HOÀNG MINH VÀO LÒ ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/TD 6-4-2022

Hiện tại, tội danh mà nhóm lãnh đạo Tân Hoàng Minh (THM) bị khổ tố là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nghe thấy sai sai, vì chưa thấy có nạn nhân nào tố cáo cả! Mà công an thì lâu nay vẫn nói vậy mà chưa chắc vậy. Có thể họ bắt vì tội này, nhưng công bố tội khác, chuyện này khá phổ biến.
Mấy hôm nay mình theo dõi các động thái liên quan đến THM, thấy việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hủy việc huy động khoảng 10 nghìn tỷ đồng qua việc bán trái phiếu của THM có điểm chưa rõ ràng. Có thể đằng sau đó còn nhiều chuyện KHÔNG TIỆN CÔNG KHAI.
Việc THM bán trái phiếu thì tương đối minh bạch, có các ngân hàng uy tín đứng ra thu xếp, tuy tập đoàn THM có đứng ra mua trái phiếu của công ty con, nhưng chỉ có 800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số 10 nghìn tỷ đồng, mà họ mua công khai, nên mình cho rằng đó không phải là hành động thổi giá trái phiếu kiểu anh Quyết còi thổi giá chứng khoán. Điều này cũng không có gì sai.
Hơn nữa, bên mua trái phiếu đều là các tổ chức, không có cá nhân, hiện tại báo chí mới tiết lộ tên các tổ chức đại diện mua chứ không tiết lộ chi tiết. Đại khái là các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… đứng ra mua trái phiếu này với lãi suất rất cao, cỡ 12%/năm.
Tất nhiên, lãi cao thì lắm ông lao vào đớp mồi, nhưng các tổ chức này đều là dạng có sỏi trong đầu, không hề dễ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không như mấy ông đầu tư chứng khoán cỏ rả bị anh Quyết chăn. Nên cái tội LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN nghe thấy sai sai. Nhất là các ông trái chủ kia chưa thấy kiện cáo là bị lừa.
Mình dự là lý do là ở chỗ khác.
Một là có thể có một số tổ chức mua trái phiếu là của nhà nước, đại khái kiểu Viettinbank, Agribank… nên khi CA thấy THM đầu tư BĐS rủi ro thì chặn trước việc các tổ chức này mua trái phiếu để bị thất thoát tài sản nhà nước.
Lý do này cũng có thể đúng nhưng nó hơi ảo ở chỗ là các dự án mà THM công bố là sẽ dùng tiền huy động được để đầu tư có vẻ cũng khả thi. Như dự án ở Việt Hưng, Long Biên hay dự án Nam đường Đại Cồ Việt đều là đất trung tâm, cũng khó để thua lỗ. Hay siêu dự án ở Phú Quốc cũng không thấy ngay là lỗ to được. Chứng tỏ việc ngăn chặn nay có vẻ như cầm đèn chạy hơi nhanh hơn công nông. Chơi kiểu này là gián tiếp bóp chết THM, vì tiền huy động được đã được bơm vào dự án mà giờ bắt nôn ra thì đào đâu ra mà trả? Chắc phải bán dự án đi hoặc phá sản.
Lý do thứ hai thì có mùi thuyết âm mưu, nhưng không nhất thiết phải trái sự thật! Đó là việc THM có bán một lô trái phiếu 3.230 tỷ đồng nhưng lại KHÔNG CÔNG BỐ VIỆC DÙNG TIỀN ĐÓ LÀM GÌ, bên mua trái phiếu cũng ẨN DANH. Điều khuất tất nằm ở đây và có thể lý do chính để bắt, hay tội lừa đảo cũng ở chỗ này.
Vì những khuất tất trên, có thể dự đoán số tiền huy động được sẽ dùng làm việc khuất tất, ví dụ như để đầu tư cho anh nào đó chạy ghế, hay để abc các cái. Nhất là khi chính bên mua cũng ẩn danh nốt. Hay tiền của đồng chí nào gửi vào?!
Cơ quan công an chắc đã biết rồi nhưng có thể vì lý do tế nhị gì đó mà họ không công bố nên UBCKNN cũng chỉ nếu lý do rất chung chung là THM THÔNG TIN SAI SỰ THẬT. Còn CA thì đưa ra tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tiền huy động được không đúng mục đích. Còn công chúng thì không biết chỗ nào sai sự thật và lừa đảo ai, như thế nào?

Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng trước thềm hội nghị TƯ nên các đại gia bị hốt nhiều không có gì là lạ. Bây giờ đứng sau một quan chức thường sẽ có một số sân sau bơm tiền. Nên muốn để đồng chí nằm nằm im thì chỉ việc làm thịt con bò sữa của đồng chí đó là xong. Hết tiền là hết anh em! Danh sách đại gia, quan chức bị bắt chắc chưa dừng lại đâu. Còn hai tháng nữa cơ mà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét