Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

20220405. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (17)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TẠI SAO TRUNG QUỐC KHÔNG LÀM TRUNG GIAN ĐỂ CHẤM DỨT CHIẾN

TRANH Ở UKRAINE ?

JOSEPH S.NYE, JR/ TD 5-4-2022

(ĐỖ KIM THÊM dịch)



Nếu có một người khác ngoài Vladimir Putin có thể chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thì đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng cho đến nay, ông Tập vẫn đứng bên lề và có vẻ như dừng ở lại ở đó, vì do nhiều khả năng bị tổn thương chính trị ở trong nước và sự thiếu can đảm và trí tưởng tượng của chính ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng [Nga] có thể chiếm Kyiv một cách nhanh chóng và thay thế được chính phủ Ukraine. Liệu ông bị lừa dối bởi hệ thống tình báo kém cỏi hay bởi những sự tưởng tượng của chính mình về lịch sử, việc "công hãm và thu tóm" của ông đã thất bại khi đối mặt với sự kháng cự có hiệu quả của Ukraine. Sau đó, ông chuyển sang thành một cuộc ném bom tàn bạo vào các thành phố như Mariupol và Kharkiv để khủng bố dân thường buộc phải khuất phục – như ông đã làm trước đây ở Grozny và Aleppo. Kết quả bi thảm là sự kháng cự anh hùng của Ukraine, đi kèm với sự đau khổ của dân chúng ngày càng tăng.
Có cách nào để kết thúc cơn ác mộng này một cách nhanh chóng không? Có một khả năng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thấy rằng ông có một "Khoảnh khắc Teddy Roosevelt". Sau cuộc chiến tàn khốc giữa Nga và Nhật Bản năm 1905, Roosevelt tham gia vào việc hòa giải. Ông đã gây áp lực nặng nề để các bên thỏa hiệp và cuối cùng thắng thế; do đó, thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trong toàn cầu và đoạt giải Nobel Hòa bình.
Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Pháp (trong số những nước khác) đang cố gắng hòa giải trong cuộc chiến hiện tại của Nga, nhưng họ không có nhiều đòn bẫy với Putin như đồng minh Tập Cận Bình. Vấn đề đặt ra là liệu Tập Cận Bình có trí tưởng tượng và lòng can đảm để sử dụng nó hay không.
Cho đến nay, câu trả lời là không. Trong khi Trung Quốc từ lâu đã thể hiện mình là người bảo vệ các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc đã dung dưỡng cho sự vi phạm trắng trợn của Putin đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và tuyên truyền của Nga về cuộc chiến được gây ra bởi các kế hoạch của chính Mỹ để theo đuổi việc mở rộng khối NATO, mặc dù rõ ràng trong nhiều năm, các thành viên trong khối NATO không bỏ phiếu để thừa nhận Ukraine.
Việc Trung Quốc không thuận lòng để chỉ trích Nga đã khiến cho Trung Quốc đứng bên lề ngoại giao, không thể sử dụng ảnh hưởng tương xứng với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng. Mặc dù các nhà kiểm duyệt Trung Quốc hạn chế hầu hết các tin tức về chiến tranh, một số người ở Bắc Kinh đã công khai tự hỏi, liệu lập trường ngoại giao hiện tại của Trung Quốc có phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia không. Ví dụ như Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, đã gợi ý rằng Trung Quốc nên làm trung gian để cung cấp cho Putin một "lối thoát” từ chính sách Ukraine thảm khốc.
Tại sao điều này có thể có lợi cho Trung Quốc? Thứ nhất, lập trường hiện tại của Trung Quốc làm suy yếu các yêu sách của họ là người bảo vệ chủ quyền, việc mà họ sử dụng để thu hút các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Quan trọng không kém là cuộc chiến đang làm giảm sức mạnh mềm của Trung Quốc ở châu Âu, nơi Trung Quốc có giao thương cao gấp năm lần so với Nga. Cuộc chiến cũng đã đẩy giá dầu và ngũ cốc nhập khẩu của Trung Quốc lên cao. Giá ngũ cốc sẽ tăng cao hơn nếu Trung Quốc bị ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng tương tự như năm ngoái.
Khi chiến tranh kéo dài và phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt, cũng có nguy cơ về các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc. Cung cấp cho Putin một lối thoát để giữ thể diện có thể giải quyết vấn đề này và những mối nguy hiểm khác mà cuộc chiến đặt ra. Và nó sẽ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc và thúc đẩy hình ảnh và vị thế toàn cầu của chính Trung Quốc. Thậm chí Tập Cận Bình có thể giành giải Nobel Hòa bình.
Tuy nhiên, sẽ có những cái giá phải trả liên quan đến một sáng kiến như vậy. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thận trọng coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xung đột mang tính quyết định của châu Âu. Nếu làm giảm sức mạnh của các cường quốc lâu đời như châu Âu, Mỹ và Nga, Trung Quốc có thể hưởng lợi bằng cách thoái thác và để cuộc xung đột tự thiêu huỷ. Hơn nữa, mặc dù cuộc chiến đang làm suy yếu một đồng minh (một chi phí tiềm ẩn), nó cũng thay đổi chương trình nghị sự chính trị toàn cầu theo những cách có lợi cho Trung Quốc. Mỹ khó có thể nói về việc xoay trục sang châu Á, nơi Mỹ sẽ tập trung sự chú ý vào Trung Quốc.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng Mỹ đang suy thoái, và điều này khiến họ từ bỏ chính sách đối ngoại kiên nhẫn và thận trọng của Đặng Tiểu Bình. Từ khi chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở trong nước, và Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng rằng, về mặt địa chính trị, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ một cách dứt khoát vào năm 2049 – Năm đánh dấu kỷ niệm 100 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Tất nhiên, trở ngại chính đối với giấc mơ của ông Tập là Mỹ, tiếp theo là việc Trung Quốc thiếu các đồng minh khác ngoài Nga. Tập và Putin đã tạo ra một mối quan hệ cá nhân đã củng cố những gì trước đây là một liên minh thuận tiện. Ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho liên minh đó có phần nào kém thuận tiện hơn, Ông Tập vẫn có thể cảm thấy nên thận trọng khi "khiêu vũ với người đã đưa mình nhập tiệc".
Bên cạnh đó, việc khởi xướng một hành động như Roosevelt có lẽ đòi hỏi trí tưởng tượng và sự linh hoạt hơn so với khả năng của giới lãnh đạo Trung Quốc. Người ta cũng phải xem xét một yếu tố chính trị trong nước mà một người bạn Trung Quốc gần đây đã chỉ ra cho tôi: Với việc Tập Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ ba trong năm nay, điều quan trọng nhất đối với ông là duy trì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với đất nước và sự kiểm soát của chính ông đối với đảng.
Khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, đảng ngày càng dựa vào chủ nghĩa dân tộc để hợp pháp hóa sự cai trị. Đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc và các trang mạng nặng lòng ái quốc đã lặp lại lời tuyên bố của Putin rằng, Ukraine là một con rối của phương Tây, và Nga đang đứng lên chống lại sự bắt nạt của Mỹ đối với cả Nga và Trung Quốc. Sự ủng hộ cho cuộc chiến của Putin phù hợp với "ngoại giao chiến binh sói" theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc.
Nhưng trong khi cuộc xâm lược của Putin đã làm đảo lộn nền chính trị thế giới, nó không thay đổi cán cân quyền lực cơ bản. Nếu có bất cứ điều gì, nó đã củng cố một chút vị thế của Mỹ. Các liên minh của khối NATO và Mỹ đã được củng cố, trong khi Đức đang nắm lấy một tư thế phòng thủ mạnh bạo hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong nhiều thập niên. Đồng thời, thanh danh của Nga như một cường quốc quân sự đáng ngại đã phải chịu một cú đánh nghiêm trọng. Nền kinh tế Nga bị suy yếu và quyền lực mềm đang tồi tệ.
Trung Quốc không còn có thể thu phục liên minh nơi các chế độ chuyên chế với bằng chứng là gió Đông đang đánh bạt phương Tây. Trung Quốc vẫn có thể thay đổi động lực bằng cách nắm bắt cơ hội Teddy Roosevelt. Nhưng tôi nghi ngờ rằng, Trung Quốc không muốn làm như vậy.
________
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr., Giáo sư Đại học Harvard và tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2020).

COVID VÀ UKRAINE TẠO CƠ HỘI CHO VIỆT NAM THOÁT TRUNG

NHANH HƠN

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 5-4-2022


Khoảng sau năm 2000, trong một lần đến Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, chúng tôi gặp giáo sư Đức. Tôi thành thật xin lỗi ông vì không nhớ họ của ông. Giáo sư Đức từng dạy toán ở Đại học Michigan của Mỹ, sau khoảng 10 năm thì ông hồi hương.
Giáo sư Đức nói với chúng tôi như thế này: Ông thủ tướng của các bạn cởi mở hơn Trung Quốc nhiều. Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Bình luận của giáo sư Đức về việc ông Dũng tuyên bố đối thoại trực tiếp với dân chúng Việt Nam về những vấn đề xã hội.
Một số người chúng tôi liếc mắt nhìn nhau. Chúng tôi không tin ông Dũng là người cởi mở. Riêng tôi thì tôi nghĩ ông Dũng, cũng như ông Nguyễn Bá Thanh sau này, thuộc nhóm cộng sản dân túy thì đúng hơn.
Nhưng cái nhìn của giáo sư Đức cũng có một giá trị của nó, vì nó nhìn từ bên ngoài, ở một chỗ đứng khác với chúng tôi. Năm 2021, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam công bố hồi ký, trong đó ông cũng nhìn ông Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhóm của ông ấy, là những người thuộc phe cấp tiến, nghịch với phe ông Nguyễn Phú Trọng, được xem là bảo thủ.
Đã từng có những ý kiến cho rằng, nước Việt Nam cộng sản có thể cải cách để trở thành một xã hội cởi mở và tự do, nhanh hơn Trung Quốc. Có nhiều lý do ủng hộ cho ý kiến này, nhất là về quan điểm lịch sử, chẳng hạn như Việt Nam ảnh hưởng phương Tây nhiều hơn với thời thuộc địa Pháp từ giữa thế kỷ 19, rồi sau đó là một nửa đất nước phía Nam ảnh hưởng sâu sắc văn hóa và quan điểm thị trường của Mỹ trong suốt 20 năm.
Một nguyên nhân khác nữa đó là, đất nước Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều lần, cho nên nếu muốn thay đổi cũng dễ hơn nhiều. Trong lịch sử phong kiến của hai nước, dù cùng mô hình tập quyền rất cao, nhưng ở Việt Nam các vị hoàng đế ít hà khắc hơn. Không gian và văn hóa phương Nam có vẻ rộng mở, tự do hơn. Điều này thể hiện rõ nhất qua câu tán thán của sứ thần Ngô Thời Nhiệm vào thế kỷ 18, sau một lần sang sứ nhà Thanh, đã được ghi lại: “Thật may mắn là chúng ta sinh ra ở phương Nam”.
Gần đây, khi nước Nga xâm lăng Ukraine, có nhiều người lo ngại về sự tương đồng trong hai mối quan hệ Nga-Ukraine và Trung Quốc -Việt Nam. Sự lo lắng là hoàn toàn hợp lý trên bối cảnh chính trị, địa chính trị từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhưng về gốc gác chủng tộc, ngôn ngữ, Việt Nam khác Trung Quốc rất nhiều, không có sự gần gũi như Nga và Ukraine.
Người Nga và người Ukraine được xem như cùng một gốc, ngôn ngữ của họ rất tương đồng với nhau. Trái lại người Việt và người Hán khác xa nhau. 1000 năm bị người Hán đô hộ, có đến 60% từ ngữ Việt là gốc Hán, nhưng cấu trúc văn phạm của hai ngôn ngữ, cũng như những từ ngữ cơ bản nhất của cuộc sống là hoàn toàn khác nhau. Cho đến nay, những nghiên cứu về ngôn ngữ và chủng tộc cho thấy, người Việt gần với người Thái và người Khmer láng giềng hơn.
Trở lại với sự thay đổi từ mô hình cộng sản của hai nước. Việt Nam “mở cửa” sau Trung Quốc khoảng 8 năm. Trung Quốc trở thành một “cường quốc”, Việt Nam vẫn còn ì ạch là một quốc gia đang phát triển. Những con số về GDP, những hào nhoáng của Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh … sẽ là một phản biện khó cãi cho ý kiến trên kia nói rằng Việt Nam dễ cải cách hơn. Thế nhưng đằng sau những tủ kính hào nhoáng ở Phố Đông, Thẩm Quyến … là gì?
Cũng xin được nhắc lại rằng, trước đại dịch Covid-19, cứ đến Tết âm lịch, ở Trung Quốc lại có cảnh công nhân xếp hàng mua vé tàu hỏa về quê. Cảnh này không khác Việt Nam bao nhiêu. Tức là sau mấy mươi năm công nghiệp hóa theo mô hình kinh tế thị trường, vẫn có rất đông những người nông dân Trung Quốc và Việt Nam làm thuê ở các thành thị, chứ không phải là công nhân đúng nghĩa.
Người viết bài này có dịp được đi một đoạn đường bộ dài, dọc sông Hoàng Hà, vào sâu bên trong nội địa Trung Quốc, vào những năm 2000. Khi chứng kiến những thị trấn đầy bụi than xung quanh Tây An, những túp lều bằng đất của nông dân vùng Hoa Bắc… cảm nhận rằng, giấc mộng Trung Hoa của họ còn xa lắm. Tôi không nghĩ rằng vùng đất đó sau 15 năm có thể thay đổi theo ý của ông Tập Cận Bình để trở thành như Trung Tây của nước Mỹ, kể cả như tình trạng suy thoái của Trung Tây như hiện nay.
Với những quan sát kể trên, tôi lạc quan rằng, Việt Nam vẫn có khả năng thay đổi để tiến tới một xã hội cởi mở, gần với mô hình phương Tây hơn là Trung Quốc, nếu muốn!
Hai diễn biến gần nhất có thể là sự xúc tác để tăng tốc sự thay đổi của Việt Nam, xa Trung Quốc hơn, và gần phương Tây hơn, đó là đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine.
Sau đợt bùng phát dịch từ giữa năm 2021, Việt Nam bỏ cách chống dịch zero Covid “kiểu Trung Quốc”, mà theo kiểu phương Tây, trong đó vai trò quan trọng là vaccine phương Tây. Khi tôi viết những dòng này, thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải đã đi vào tuần lễ phong tỏa thứ hai, sau khi cả nước có vài ngàn người bị nhiễm virus. Ở Việt Nam không còn phong tỏa nữa, dù số người nhiễm virus cao hơn Trung Quốc. Người Trung Quốc vẫn nhất định không dùng vaccine của phương Tây dù chúng có hiệu quả hơn, trong khi ở Việt Nam, vaccine Trung Quốc chỉ được dùng ở giai đoạn đầu khi bị bất ngờ và thiếu thuốc.
Dịch Covid còn làm cho nhiều công ty ngoại quốc rút khỏi Hoa Lục, Trung Quốc cũng tự rào mình lại, đó là điều rất thuận lợi để Việt Nam thoát Trung.
Putin gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ngày 4-2-2022. Nguồn: Alexei Druzhinin / Sputnik / AFP
Cuộc chiến Ukraine làm cho người dân Việt Nam, lẫn chính phủ thấy rõ sự tệ hại của hệ thống vũ khí Soviet ra sao, mà hệ thống này cũng chính là hệ thống của Bắc Kinh. Sự kiện này sẽ thúc đẩy Việt Nam tăng tốc tìm kiếm vũ khí phương Tây để thay thế. Điều đó có thể sẽ kéo theo những thay đổi từ Việt Nam.
Cả hai diễn biến đó dựa trên cái nền đang thay đổi của xã hội Việt Nam. Xã hội này dù hiện nay vẫn được điều khiển bởi những người được đào tạo từ Liên Xô cũ của hệ thống cộng sản, nhưng thế hệ trẻ không nhìn về Moscow hay Bắc Kinh để định hướng tương lai của mình, mà là Washington. Hiện có hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam du học ở Mỹ, Úc, Tây Âu, nhưng không có bao nhiêu sinh viên đến Hoa Lục hay nước Nga để du học.
Sự thay đổi này cũng không quá khó về văn hóa, khi Việt Nam vốn là một trong những nước Á châu ảnh hưởng phương Tây mạnh mẽ nhất, qua hai thời kỳ thuộc Pháp và chiến tranh với người Mỹ. Hàng chục triệu người Việt được AstraZeneca, Pfizer, Moderna cứu giúp, sẽ không quên những người chế tạo ra chúng.

TẠI SAO TÔI THÙ GHÉT PUTIN ?

DENIS TRUBETSKOY/ TD 5-4-2022

VŨ NGỌC CHI dịch


Tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Nga, tôi đến từ Krym (Crimea). Tôi là một trong những người mà Putin nói rằng ông ấy muốn bảo vệ ở Ukraine. Nhưng những gì binh lính của ông ta mang tới không phải là sự bảo vệ mà là sự hủy diệt.
Tôi không phải là anh hùng trong câu chuyện này, nhưng nó bắt đầu với tôi. Năm 1993, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, tôi sinh ra ở bán đảo Krym – ở Sevastopol, thành phố của những anh hùng. Sevastopol đã nhận được danh hiệu này sau Thế chiến Thứ hai vì thành phố đã ghi tên mình vào sử sách Nga trong cuộc chiến chống lại quân Đức, như đã từng làm trong Chiến tranh Krym giữa Nga và Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 19 – mặc dù cả hai thành tựu trong việc phòng thủ thực sự là những việc làm anh hùng của người dân thành phố chứ không phải của quân đội Nga, như nhà nước Nga thường rêu rao.
Sevastopol đã và vẫn là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga, ngay cả vào năm 1993, hai năm sau khi Ukraine độc ​​lập, một đất nước mà tôi cảm thấy thoải mái và bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình khi còn là một thiếu niên – lúc đó là một nhà báo thể thao ham mê giải bóng đá Đức Bundesliga.
Khi Vladimir Putin sáp nhập bán đảo của tôi vào nước Nga vào tháng 3 năm 2014, với lý do được cho là cần phải bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga khỏi “cuộc đảo chính phát xít” ở Kyiv, tôi thuộc nhóm thiểu số ở Sevastopol đã chống lại hành vi vi phạm luật pháp quốc tế này. Nhưng tôi không đơn độc với thái độ này. Một trong những người, giống như tôi, đã đưa ra quyết định khó khăn khi rời Krym là thủy thủ Wladyslaw. Anh ấy đã bỏ nửa năm du hành tại các đại dương trên thế giới, nửa năm còn lại ở nhà.
Tôi biết anh ấy qua một người bạn học, con trai của một sĩ quan Nga, người sau này đóng vai trò then chốt trong việc sáp nhập Krym. Chúng tôi chỉ biết nhau nhiều hơn khi tôi đã sống ở Kyiv và anh ấy đã mua một căn hộ ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Irpin. Đó là một khoản đầu tư, mà nhiều khoản đầu tư khác sẽ tiếp nối như vậy. Có thể thấy trước rằng Irpin cuối cùng sẽ được nhập vào thủ đô, vì vậy số tiền bỏ ra dường như là một đầu tư tốt.
Chúng tôi thường dành những ngày cuối tuần vào mùa hè năm 2020 lúc có đại dịch Corona ở con đường đi dạo mới ở Irpin, nơi có cây cầu đường sắt bắc ngang qua, hiện đã bị phá hủy, cũng như ở thị trấn Butscha lân cận ở phía bắc, ngay cạnh Irpin. Chúng tôi thường uống bia và rượu cognac. Khi đó, Wladyslaw nói với tôi lý do tại sao anh ấy lại mua các căn hộ ở Irpin: “Chúng sẽ sớm thực sự đắt đỏ, chúng có thể được cho thuê với giá cao. Và trong trường hợp xấu nhất, người Nga sẽ không đến đây – vì nó nằm phía bên trái bờ sông Dnipro”.
Wladyslaw lúc nào cũng coi mối đe dọa từ Nga nghiêm trọng hơn tôi rất nhiều. Điều duy nhất mà anh ta không bao giờ tính đến là khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Belarus. Anh cũng đã hoàn thành khóa huấn luyện quân sự, mặc dù lẽ ra anh không phải làm điều đó: “Một lúc nào đó họ sẽ tấn công, ví dụ như để Krym được cung cấp nước. Có rất nhiều lý do. Và sau đó tôi muốn chiến đấu”. Đó là vào tháng 8 năm 2020, các nhân viên của cơ quan nghĩa vụ quân sự ở Odessa cho là anh ta điên.
“Tôi không nhớ tôi đã làm việc đó như thế nào”
Sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, Wladyslaw sẽ là một trong những người đầu tiên được gọi ra mặt trận. Tuy nhiên, anh ta đang ở Mỹ với tư cách là một thủy thủ và sẽ không trở lại trong vài tuần tới. Nhiều người thân của anh, những người mà anh muốn tổ chức cuộc di tản ra nước ngoài, đã ở lại Irpin.
Tôi có cuốn nhật ký của Weronika, một người bạn thân của Walerija, em họ của anh, kể về cuộc chạy trốn của họ vào những ngày đầu tháng Ba, khi Butscha đã trở thành địa ngục và là khu vực nguy hiểm nhất trong toàn bộ khu vực Kyiv. Cây cầu tại Irpin đã bị phá hủy và sẽ mất quá nhiều thời gian và đơn giản là quá nguy hiểm để lái xe quanh nó. Tuy nhiên, hai người đàn ông đến từ Kyiv đã đồng ý đón Weronika, Walerija và Anastassija, một người bạn của hai người. Nhưng mà họ phải tự mình băng qua cây cầu đã bị phá hủy vì những người đàn ông không thể đến đó bằng xe hơi của họ.
Weronika viết trong nhật ký: “Chúng tôi nghe thấy hàng loạt vụ nổ và phát súng kỳ lạ từ hướng chúng tôi đang đi. Lần này chúng đang ở rất gần, tôi sợ chết khiếp”. Cô đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trong số ba người phụ nữ, vì vậy cô không được phép tỏ ra sợ hãi. “Tôi đã cố để dành nước mắt lại cho sau này. Chúng tôi đi bộ dưới cây cầu bị phá hủy và thực sự mọi thứ xung quanh chúng tôi bị phá hủy hoàn toàn. Nó có vẻ giống như bộ phim tồi tệ nhất về ngày tận thế. Chúng tôi muốn vượt qua đống đổ nát để sang phía bên kia, và chúng tôi cùng lúc mang hàng cứu trợ nhân đạo tới đó. Chúng tôi băng qua sông qua một số ống hơi chìm trong nước. Tôi không nhớ mình đã làm như thế nào. Và tôi không biết tại sao mình không bị ngã”.
Ảnh: Irpin vào ngày 2-3-2022. Thường dân băng qua cây cầu bị phá hủy – có lẽ đây là địa điểm mà Weronika và những người bạn của cô rời thành phố. Nguồn: picture alliance/dpa/EUROPA PRESS.
Họ đã qua được phía bên kia, nhưng không rõ liệu những người đàn ông có thực sự đến hay không. Những người phụ nữ tính đến việc đi bộ đến Kyiv. Việc đó sẽ mất khoảng một tiếng rưỡi và sẽ rất nguy hiểm. Nhưng rồi thì chiếc xe đã đến và đưa họ đến Kyiv, từ đó Weronika, Walerija và Anastassija đón tàu qua Lviv đến Ba Lan. Hiện thời, họ đã tìm được chỗ cư trú ở gần München. Cha của Wladyslaw ở lại Irpin, ông chỉ chạy trốn vào khoảng ngày 10 tháng 3, khi chiến sự ở đó gia tăng. Wladyslaw viết cho tôi: “Ông ấy đã thoát được như thế nào, tôi không biết vì ở xa quá. Nhưng thật may mắn vì chúng tôi đã mua được những căn hộ rất gần Kyiv”.
Nga phải thua cuộc chiến này
Theo những gì Wladyslaw được biết, các căn hộ của anh ta vẫn chưa bị phá hủy. Anh ta không thể kiểm tra điều đó, cha anh ta muốn trở lại Irpin đã được giải phóng trong vài ngày tới. “Đó không phải là điều quan trọng nhất bây giờ”, Wladyslaw nói. Tuy nhiên, rất có thể binh lính Nga cũng đã cướp phá căn hộ của anh ta – đối với Irpin và Butscha, tiếc rằng đây là quy luật nhiều hơn là ngoại lệ.
Vào năm 2020 - 2021, tôi đã tham dự các bữa tiệc đêm giao thừa của Wladyslaw, gần đây nhất tôi đã đến thăm anh ấy vào mùa thu năm 2021. Hôm qua, khi tôi nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp từ Irpin và Butscha, tôi đã phải bật khóc trong giây lát – tôi biết qua những người bạn từ Borodyanka, một vùng ngoại ô Kiev khác xa hơn một chút, những gì đang xảy ra trong khu vực, nhưng tôi không thể tin được rằng, nó thật sự kinh khủng như vậy. Nhưng nó đã thật sự khủng khiếp như vậy. Tôi rất vui vì gia đình của Wladyslaw tương đối an toàn. Nhưng tôi vẫn không thể tin rằng những nơi mà chúng tôi đã cùng nhau vui đùa lại thực sự diễn ra nạn diệt chủng. Làm thế nào khác để đặt tên cho những điều quân đội Nga đã làm ở đó?
Wladyslaw và tôi cùng chung số phận. Chúng tôi đến từ một thành phố nói tiếng Nga ở Krym, nhưng chúng tôi cảm nhận mình là người Ukraine. Đó là những người như chúng tôi mà Putin tuyên bố ông ấy muốn bảo vệ lần thứ hai. Nhưng thực tế, ông ta đang phá hủy cuộc sống của chúng tôi – giống như của nhiều người khác, những người phải trải qua những điều khủng khiếp hơn nhiều so với Wladyslaw, Weronika hay tôi.
Tôi phải thừa nhận rằng: Tôi thù ghét ông ta. Nhân danh tiếng mẹ đẻ của tôi, nhân danh nền văn hóa nói tiếng Nga của tôi, nhân danh quá khứ của ông bà tôi, những người đã trải qua Thế chiến Thứ hai ở Sevastopol khi còn nhỏ, ông [Putin] đã phạm tội ác chiến tranh nghiêm trọng nhất đối với đất nước tôi. Điều đó không thể tha thứ được.
Chừng nào Putin còn nắm quyền, chừng nào nước Nga còn chưa vượt qua được chế độ này, thì thế giới văn minh không nên trở lại quan hệ bình thường với Nga. Bởi vì đây không chỉ là cuộc chiến của Putin, chủ nghĩa man rợ này có sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga. Nga phải thua trong cuộc chiến này để cứu Ukraine khỏi kẻ xâm lược này. Nhưng không chỉ có vậy: Nga cũng phải thua trong cuộc chiến này nếu nó muốn có một tương lai nào đó.
***
Cho đến nay 340 thi thể đã được tìm thấy ở Butscha
Theo tường thuật của các phương tiện truyền thông Ukraine, hơn 300 thi thể dân thường đã được tìm thấy sau vụ thảm sát ở thành phố Butscha gần Kyiv. Báo Ukrajinska Pravda, trích dẫn một dịch vụ tang lễ, viết: Vào tối Chủ nhật, 330 đến 340 thi thể đã được gom lại. Việc tìm kiếm thêm nạn nhân sẽ được tiếp tục vào sáng thứ Hai. Một số thi thể được tìm thẫy chôn trong các sân sau nhà.
Trong khi rút khỏi khu vực Kyiv, binh lính Nga đã sát hại hàng trăm người. Hình được chụp trên đường cao tốc ở Bucha vào ngày 2-4. Photo: IMAGO/ ZUMA Wire


THỬ SO SÁNH CHIẾN TRANH UKRAINE VÀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

VIỆT-TRUNG 1979

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/TD 3-4-2022


Khác với nhận định của nhiều người, tôi cho rằng cuộc xâm lược (agression, tiếng Pháp) của Nga đối với Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, với cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng hai năm 1979 có nhiều điều tương đồng, từ nguyên nhân cho tới hậu quả. Ngay cả khi lúc viết bài này, chiến tranh Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Về ý nghĩa từ ngữ: “agression - xâm lược”. Theo nội dung Nghị quyết 3314 ngày 14 tháng 12 năm 1974 của Đại hội đồng LHQ, “agression - xâm lược” là hành vi “một quốc gia sử dụng vũ trang chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác, hoặc theo bất kỳ phương cách khác không phù hợp với Hiến chương LHQ”.
1/ So sánh về “mục tiêu chiến lược”
Về “mục tiêu chiến lược”, nếu ta xét lại các yêu sách của Putin đối với Zelensky (để chấm dứt cuộc xâm lược), điều quan trọng cốt lõi là Ukraine phải tuyên bố "trung lập" và không được gia nhập NATO. Trước đó Putin có hy vọng sẽ can thiệp vào nội tình Ukraine, lật đổ chính phủ dân cử Zelensky và đưa một nhân vật thân Nga lên thay thế.
Nội dung chính sách quốc phòng bốn không của VN: "Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
“Không tham gia liên minh quân sự” là điều kiện cốt lõi để trở thành “quốc gia trung lập”.
Ngoài ra VN còn có mô hình phát triển rập khuôn với TQ “kinh tế thị trường - tư bản nhà nước”. Cả hai bên cùng có một chế độ chính trị tương đồng với đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo mà hai đảng này có quan hệ thân thiết “máu thịt” với nhau.
Chế độ chính trị rập khuôn TQ, cùng với nội dung "bốn không" của quốc phòng VN. Đây là gì nếu không phải là cách nói khác yêu sách của Nga đối với Ukraine (ở mức độ khiêm tốn hơn)?
Tức là Putin chỉ muốn Ukraine trở thành một thứ Việt Nam chư hầu ở cạnh bên thượng quốc TQ.
Tin tức báo chí cho biết, có thể đã có 17 ngàn quân Nga tử trận, trong đó có 10 vị tướng và khoảng 50 ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến. Cuộc xâm lược Ukraine từ hôm 24-2 đến nay đã hơn một tháng. Nga hao quân tổn tướng, lại còn bị Mỹ, châu Âu và các nước dân chủ tự do “trừng phạt” kinh tế. Chưa ai đoán được sau cuộc chiến, Nga tổn thất bao nhiêu và “mục tiêu chiến lược” của TT Putin có đạt được hay không?
Trung Quốc mở cuộc xâm lược Việt Nam, nói là “cho Việt Nam một bài học”. Đa số các nhà nghiên cứu quốc tế về cuộc chiến này đều cho rằng chính TQ mới là phía đã “học được Việt Nam một bài học”. Thật vậy, TQ châm ngòi chiến tranh biên giới, gây áp lực lên Hà Nội với hy vọng giải vây cho Khmer Đỏ mà việc này không thành.
Tháng 12 năm 1978, Việt Nam mở cuộc chiến “phản công tự vệ”, trong vòng một tuần đã đuổi Khmer đỏ ra khỏi Nam Vang và đưa một chính phủ thân VN lên thay thế. Ngày 17-1-1979, TQ cho 600 ngàn quân và dân quân tấn công các tỉnh biên giới VN. Sau ba tuần, TQ phải rút quân về với rất nhiều tổn thất trong khi quân VN vẫn còn tiếp tục ở lại Campuchia cho đến cuối năm 1988.
Rõ ràng mục tiêu TQ không đạt. TQ là bên thua cuộc.
Ngoại giao VN và TQ “đóng băng” từ 1979 cho tới năm 1990. Trong khoảng thời gian này quan hệ Mỹ-Trung “nồng ấm”. Kinh tế TQ phát triển nhanh chóng do nhờ tư bản Mỹ, Nhật… tích cực đầu tư. Tập trung vào việc chấn chỉnh nội bộ qua công cuộc “tứ hiện đại”, TQ không còn là một đe dọa cho các quốc gia Đông và Đông Nam Á. Mỹ trút gánh nặng mặt châu Á, dồn sức đối đầu với Liên Xô. Đến khi Liên Xô giải thể năm 1990, kéo theo sự sụp đổ toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Mặc dầu Trung Quốc giữ nguyên chế độ cộng sản nhưng đã đứng về “phe thắng cuộc”, cùng với Mỹ và “thế giới tự do”. Việt Nam theo Liên Xô, đứng về phía thua cuộc. VN đã phải trả giá rất đắt.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (1995) và TQ (1991) với tư thế “bên thua cuộc”.
Chính sách “quốc phòng bốn không” của VN, công bố trong Sách trắng quốc phòng 2019, theo tôi không hề là kết quả của “ngoại giao cây tre”. Đây hiển nhiên là sự áp đặt của TQ đối với VN từ năm 1990, như là một điều kiện để được "tái lập bang giao". Đây cũng có thể là nội dung "cốt lõi" của cái gọi là "Mật ước Thành Đô 1990" (nếu có).
Không có quốc gia độc lập nào lại “tự nguyện hy sinh” chủ quyền về quốc phòng của mình như Việt Nam hết cả. Ngoại trừ Nhật, nước này từ bỏ “quyền tham gia chiến tranh” vì lý do thua trận 1945. Hoặc Phần Lan (và Áo) tuyên bố trung lập vì phải thỏa mãn yêu sách của “bên thắng trận” Thế chiến II là Liên xô.
Việt Nam thắng Trung Quốc trong “chiến tranh nóng” nhưng VN thua TQ trong “chiến tranh lạnh”. Cùng đứng trong khối “cộng sản” nhưng TQ đã lựa chọn đúng phe để theo. TQ đứng về phe “thắng cuộc”.
Việc “lựa chọn phe” để theo, trước hết chứng tỏ “tầm nhìn chiến lược” siêu việt của lãnh đạo, sau là cách “đầu tư” khôn ngoan, đem lại lợi ích lớn lao và lâu dài cho đất nước và dân tộc. Kinh nghiệm của TQ đứng về bên thắng cuộc (và VN đứng về bên thua cuộc) là các thí dụ điển hình.
2/ So sánh về mục tiêu lãnh thổ
Thực chất của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là một cuộc xâm lược vũ trang của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Ngoài “mục tiêu chiến lược” đã nói phần trên, Putin còn có tham vọng chinh phục lãnh thổ và “vẽ lại đường biên giới” Ukraine.
Về lãnh thổ, mục tiêu ban đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” có thể là áp đặt đường biên giới là sông Dniepr, chia Ukraine thành hai miền Đông và Tây. Về hải phận, Putin muốn biển Azov trở thành “nội hải” của Nga và chiếm 70% vùng “kinh tế độc quyền - EEZ” trên Biển Đen.
Để thực hiện việc này, trên thực địa ta thấy các vùng “chiến sự” phần lớn là các thành phố về phía đông sông Dniepr. Đặc biệt, do lợi ích chiến lược (đến từ biển), chiến tranh các tỉnh vùng ven biển (như Marioupol) diễn ra cực kỳ khốc liệt.
Về phương diện pháp lý, ta thấy TT Putin đã dàn dựng một “kịch bản” khá “thuận lý”.
Nga đã chiếm bán đảo Crimea của Ukraine từ năm 2014, bằng thủ tục “trưng cầu dân ý” và bằng biện pháp quân sự. Người dân gốc Nga ở đây bỏ phiếu đồng ý sáp nhập lãnh thổ này vào Nga.
Nga cũng đã tái lập lại phương cách này cho hai “cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk ở Donbass. Người dân ở đây bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” ly khai ra khỏi quốc gia Ukraine và tuyên bố độc lập. Hai “cộng hòa nhân dân” Donbass, tức là hai “quốc gia độc lập, có chủ quyền Donetsk và Luhansk” đã được Nga “công nhận” và thiết lập bang giao vào ngày 23 tháng 2 năm 2022, tức trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” một ngày.
Theo nội dung bài “tuyên bố” của TT Putin hôm 21 tháng 2 năm 2022 và văn bản của Nga gởi Tòa Công lý quốc tế nhằm phản biện vụ Ukraine kiện Nga ngày 27 tháng 2 năm 2022 về cách “diễn giải và áp dụng công ước về diệt chủng”. Nguyên nhân đưa tới việc ban bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” là do nạn “diệt chủng” ở Donbass. Gần 4 triệu người dân nói tiếng Nga đã bị áp bức và giết chóc bởi các lực lượng “tân quốc xã” ở Donbass mà lực lượng này được sự ủng hộ của chính phủ theo “chủ nghĩa dân tộc” ở Kiev.
Nội dung bản tuyên bố của Putin còn nói về “lịch sử”, mục đích phủ nhận sự hiện hữu của “quốc gia” Ukraine. Theo Putin không hề có “quốc gia” Ukraine mà chỉ có “sản phẩm sáng tạo” của Lenin. Cũng theo Putin, hai dân tộc Nga và Ukraine chỉ là một.
Về chiến tranh biên giới 1979, TQ đưa ra 5 lý do để mở cuộc chiến “dạy VN một bài học”. Tương đồng với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, ngoài các lý do “diệt chủng người Nga”, “nạn kiều người Hoa” (nói bên dưới) còn có vấn đề mở rộng “lãnh thổ”.
TQ cáo buộc VN “xâm phạm đường biên giới” của TQ. TQ tố cáo VN đem quân xâm nhập qua lãnh thổ TQ cũng như việc khủng bố và đánh đuổi người dân gốc Hoa sinh sống cận đường biên giới Việt-Trung.
Đặc biệt TQ cáo buộc VN “dời đường biên giới”, đưa đường biên giới về phía Bắc, chiếm khoảng 60 cây số vuông lãnh thổ của TQ thuộc khu vực sông Thanh Thủy, tổng Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (VN).
Về mặt chủ quyền hải đảo và biên giới biển, TQ phản đối VN về cách diễn giải nội dung Công ước Pháp-Thanh 1887 áp dụng có lợi cho VN ở Vịnh Bắc Việt. TQ cũng lên án VN “bội ước” khi VN phủ nhận nội dung công hàm 1958, theo đó phía TQ cho là VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa.
So sánh lý lẽ hai bên ta thấy:
a/ Phía Nga nại quyền “dân tộc tự quyết”, nhìn nhận quyền này cho dân chúng sinh sống ở Crimea, Donetsk và Luhansk. Có hai điều trở ngại.
Thứ nhứt, “quyền dân tộc tự quyết” đối chọi với nguyên tắc nền tảng của hiến chương LHQ là nguyên tắc “bất khả xâm phạm của đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia”. Trên nguyên tắc này dân chúng ở Crimea, Luhansk và Donetsk không thể tự động tổ chức “trưng cầu dân ý”, nếu việc này đi ngược nội dung hiến pháp hoặc chưa được quốc hội Ukraine chuẩn nhận.
Tuy nhiên trên lý thuyết, luật quốc tế không phân biệt cao thấp quyền “dân tộc tự quyết” với nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ”.
Thứ hai, vấn đề là sau khi Liên Xô giải thể, Nga cũng như Ukraine là các quốc gia “kế thừa” di sản của Liên Xô. Nga đã “nhìn nhận biên giới hiện trạng” của Ukraine, cam kết bảo vệ quốc gia này với điều kiện Ukraine từ bỏ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tức là, trên danh nghĩa, phía Nga đã “bội ước” với Ukraine khi sáp nhập Crimea và ủng hộ hai cộng hòa vùng Donbass. Các hành vi của Nga là tác nhân làm thay đổi đường biên giới của Ukraine.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, trên vấn đề lãnh thổ, vì vậy không có “chính nghĩa”, không phù hợp với nguyên tắc “jus ad bellum - luật về chiến tranh”. Phía Ukraine do đó được quyền “tự vệ chính đáng”, vì vậy được sự trợ giúp quân trang quân dụng của Mỹ và các quốc gia EU.
Trung Quốc nại tất cả 5 lý do để “dạy VN một bài học”:
1/ Việt Nam là một nước bá quyền, một siêu cường quân sự thứ ba của thế giới.
2/ VN liên tục xâm phạm biên giới và đột nhập vào lãnh thổ của TQ.
3/ Ngược đãi người gốc Hoa sinh và trục xuất có hệ thống họ bằng các biện pháp vô nhân đạo.
4/ Hà khắc với nhân dân Việt Nam trong nước và qua chiến tranh với nước ngoài (Campuchia).
5/ Sự can thiệp của Liên xô vào Đông Nam Á nhằm bành trướng ảnh hưởng để cô lập Trung Quốc.
Trong 5 lý do, chỉ có lý do “VN xâm phạm đường biên giới” và “chiếm đóng lãnh thổ của TQ” là “chính đáng”, jus ad bellum, phù hợp điều 51 Hiến chương LHQ. Đủ để TQ tiến hành chiến dịch quân sự “phản công tự vệ chiến”. Cuộc chiến này dư luận cho rằng “Mỹ không tán thành nhưng lại giúp TQ tin tức tình báo”.
Trung Quốc cho rằng “VN xâm chiếm 60 cây số vuông lãnh thổ của TQ”. Hồ sơ CIA bạch hóa cũng có nói về việc “VN chiếm 60 km² đất của TQ”. Vấn đề là dữ liệu pháp lý chứng minh chủ quyền của TQ khu vực này đều “không có hiệu lực”.
Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực (Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, VN) là con suối Thanh Thủy. Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Công ước Pháp-Thanh phân định biên giới 1887 cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.
Theo nghiên cứu riêng của tôi, bài biết ở đây, TQ (và CIA) đã có nhận thức sai lầm về nội dung Công ước Phân định biên giới giữa Pháp nhà Thanh năm 1887 (và công nước bổ túc 1895).
Thật vậy, nội dung Công ước 1887 nhìn nhận biên giới khu vực (Vị Xuyên, Hà Giang) là sông Thanh Thủy.
Nhưng kết quả phân định biên giới khu vực “sông Thanh Thủy”, theo Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897: "Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam". Đường biên giới đã thay đổi và biên bản này có giá trị thay thế Công ước 1887.
Biên giới đoạn này được hai bên Pháp-Thanh đồng thuận. Biên giới trung tuyến sông Thanh Thủy chuyển đổi thành “biên giới là đường phân thủy”, tức đường theo “sống núi”, ở phía bắc sông Thanh Thủy, cách sông này khoảng vài cây số.
Sông Thanh Thủy như vậy hoàn toàn thuộc lãnh thổ của VN.
Tức là TQ đã “sai” khi khai chiến với danh nghĩa “phản công tự vệ chiến”. Phía TQ không có “chánh nghĩa”. TQ không chứng minh được tính hợp cách của “jus ad bellum”. Hành vi chiến tranh của TQ không phù hợp điều 51 Hiến chương LHQ về “quyền tự vệ chính đáng”. Đất đó của VN chớ không phải của TQ.
Về biên giới trong Vịnh Bắc Việt. Thực ra Công ước 1887 phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam và Bắc kỳ, đã phân định “biên giới trong Vịnh Bắc Việt”. Đó là đường kinh tuyến đi qua “đông điểm của đảo Trà Cổ”. Tức là đường kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich).
Tất cả các yêu sách của TQ về chủ quyền lãnh thổ trên biên giới, trên biển hay hải phận quốc gia…, sau khi tái bang giao năm 1991 đều được chính quyền CSVN thỏa mãn.
Hiệp định phân định biên giới trên đất liền ký ngày 25-12-1999 và Hiệp định phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Việt được ký kết ngày 30-12-2000 đã thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887. Kết quả hai hiệp ước làm cho VN mất nhiều vùng lãnh thổ (mà Pháp nhượng bất hợp lệ cho TQ) như tổng Tụ Long (Hà Giang), tổng Đèo Lương (Cao Bằng), tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (Hải Ninh) và nhứt là mũi Bạch Long (Hải Ninh)… Diện tích tổng cộng vài ngàn cây số vuông. Việc phân định trong Vịnh Bắc Việt cũng không công bằng, nếu so với các phương pháp theo tập quán quốc tế. VN mất khoảng 11 ngàn cây số vuông biển cho TQ.
Về chủ quyền HS và TS, phía TQ cho là VN đã nhìn nhận chủ quyền các đảo này thuộc TQ, qua công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Hiện nay VN chỉ nhìn nhận nội dung “hải phận 12 hải lý” trên các vùng lãnh thổ của TQ nhưng không nhìn nhận hiệu lực công hàm ở phần chủ quyền HS và TS.
Vấn đề là VN khi nhìn nhận hiệu lực hải phận 12 hải lý thì VN đã nhìn nhận hiệu lực toàn bộ công hàm 1958. Nội dung công hàm cho thấy VNDCCH đã “im lặng” ở tuyên bố chủ quyền của TQ tại Nam Sa và Tây Sa.
Lập trường này của VN có thể sẽ đưa VN vào thế “bí”, nếu TQ quyết định sử dụng vũ lực để “giải phóng những vùng lãnh thổ đang bị địch chiếm đóng”. Hiện nay không có quốc gia nào ủng hộ VN về vấn đề chủ quyền HS và TS, ngay cả Pháp. Tức là nếu có chiến tranh với TQ, VN sẽ đứng “một mình”. VN yếu hơn TQ về quốc phòng, đã đành. VN còn yếu hơn TQ về bằng chứng có giá trị ràng buộc pháp lý.
3/ Vấn đề “diệt chủng” và “nạn kiều”
Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với hai lý do. Thứ nhứt, nhà cầm quyền “dân tộc chủ nghĩa” Kiev mở cuộc “diệt chủng” đối với dân gốc Nga sinh sống ở hai cộng hòa Donetsk và Luhansk. Nga vịn vào quyền "can thiệp vì lý do nhân đạo" để bảo vệ kiều dân Nga. Thứ hai, Nga vịn quyền “tự vệ đa phương”, do yêu cầu của hai “cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk, đúng theo nội dung điều 51 Hiến chương LHQ.
Ta thấy Nga đi lại con đường “can thiệp nhân đạo” mà NATO đã nại lý do khi can thiệp vào nội bộ các xứ Nam Tư cũ.
Khác nhau là vấn đề “diệt chủng” ở Srebrenica là có thật. Những nhân vật chủ chốt vụ diệt chủng ở đây đều bị Tòa án hình sự quốc tế kết án và bỏ tù.
Lập luận khai chiến của Nga đã bị Đại hội đồng LHQ phản bác qua Nghị quyết lên án Nga xâm lược, ngày 2 tháng 3 năm 2022 với đa số tuyệt đối 141 thuận, 4 phiếu chống và 35 nước bỏ phiếu “trắng”.
Nga không đưa ra bằng chứng cụ thể về “diệt chủng” ở Donbass. Mà ngay cả khi có bằng chứng, Nga không có quyền mở chiến cuộc trên bình diện rộng, oanh tạc, pháo kích, dội bom, cho xe tăng, quân đội vào dày xéo, phá hoại hạ tầng cơ sở… trên toàn lãnh thổ Ukraine, gây thiệt hại sinh mạng hàng ngàn người dân cũng như tiêu diệt nguồn sống của người dân Ukraine bên ngoài hai “cộng hòa nhân dân” thuộc Donbass.
Nga đã gây một “thảm họa nhân đạo” cho người dân Ukraine. Nghị quyết về “Thảm họa nhân đạo” đã được Đại hội đồng LHQ thông qua hôm trung tuần tháng ba.
Ngoài việc Putin có thể bị truy tố ra một Tòa án hình sự đặc biệt, vì có hành vi “diệt chủng”, giết người hàng loạt ở Marioupol, Nga còn có nguy cơ phải bồi thường chiến tranh cho Ukraine, qua vụ Ukraine kiện Nga lên Tòa Công lý quốc tế ngày 26 tháng 2 năm 2022. Ước lượng thiệt hại của Ukraine do chiến tranh của Putin gây ra, tại thời điểm này, lên tới trên 600 tỉ đô la.
Phán lệnh “biện pháp phòng ngừa” của Tòa vừa ban bố thuận lợi cho Ukraine hôm 16 tháng 3 năm 2022, ta thấy rằng Ukraine có nhiều hy vọng thắng trong trận chiến pháp lý này.
Chiến tranh biên giới 1979, như trên đã viết TQ nại tất cả 5 lý do để “dạy VN một bài học”. Lý do chính thức của TQ là “phản công tự vệ chiến”. Tức một cuộc chiến tranh để tự vệ, phù hợp với điều 51 Hiến chương LHQ.
Về lý do “nạn kiều”, tương tự như lý do NATO can thiệp vào Nam tư cũ. Hoặc như Putin nại lý do “diệt chủng” để bảo vệ kiều dân người Nga. TQ đã không vịn vào lý do này, mặc dầu đây là một lý do rất thuyết phục “jus ad bellum”, để can thiệp vào VN (hơn là lý do VN xâm chiếm lãnh thổ của TQ).
Vụ “nạn kiều” đã gây một “khủng hoảng nhân đạo” ở bình diện rộng, liên quan tới cả hai triệu người có quốc tịch Việt Nam, trong đó có khoảng 250 ngàn người có gốc Hoa.
Một vài tác giả VN cho rằng, vụ “nạn kiều” là do TQ bịa ra để đánh VN. Lập luận này hoàn toàn sai.
Thực tế cho thấy, với số liệu do Cao ủy tị nạn thuộc LHQ công bố, có đến hơn 2 triệu người vượt biên, cao điểm là các năm 1978-1979. Phong trào “bán bãi vượt biên”, còn gọi là “vượt biên bán chính thức”, do CSVN tổ chức. Những người muốn đi ra nước ngoài, phương tiện “tự túc”, trên những chiếc thuyền đánh cá mong manh, mỗi chiếc chở tới vài trăm người. Tính đổ đồng, 7 lượng vàng cho mỗi đầu người, chủ tàu đếm đầu người rồi đóng vàng cho CSVN để được “mua bãi vượt biên”.
Dư luận quốc tế lên tiếng về một “khủng hoảng nhân đạo” mà việc này do nhà cầm quyền CSVN gây ra. Báo chí nước ngoài tố cáo một vụ “buôn người” do nhà nước CSVN tổ chức mà việc này VN thu được “hàng trăm triệu đô la”. Số người bị nạn do tàu chìm, do hải tặc… lên đến vài trăm ngàn người.
Hiển nhiên đây là một “tội ác diệt chủng” của CSVN, một chuyện chưa từng có trong lịch sử, (vậy mà học giả VN nhiều người lại sớm quên). Chuyện này cần thiết viết thêm vài dòng nhắc lại.
Vấn đề người Hoa hay "nạn kiều". Vào năm 1975 người Hoa ở miền Nam Việt Nam khoảng 1.200.000 người, phần lớn ở Chợ Lớn (800.000), nắm phần lớn huyết mạch kinh tế miền Nam. Con số này cộng thêm 200.000 là số dân Hoa sống tại Kampuchia, sau 1975 chạy sang VN tị nạn. Vấn đề quốc tịch người Hoa được Bắc Kinh và chính phủ VNDCCH đặt ra sau khi ký kết hiệp định Genève 1954. Hai bên đồng thuận rằng người Hoa tại VN (miền Bắc) được có những quyền lợi tương tự như người bản xứ nhưng những người này phải lần hồi lấy quốc tịch Việt.
Ở miền Nam, thời chính phủ Ngô Đình Diệm đã có những chính sách hạn chế sinh hoạt kinh tế của ngoại kiều. Người nước ngoài không được làm một số ngành nghề, việc cấp visa cũng khó khăn, hạn chế. Điều này cũng áp dụng cho Hoa Kiều, vì thế lớp người này hầu hết nhập tịch Việt Nam.
Sau 1975, CSVN áp dụng chính sách “đánh tư sản mại bản”, một số tài phiệt người Việt gốc Hoa tại miền Nam bị bắt cải tạo hay đày đi kinh tế mới. Các bang, hội đồng hương, hội tương tế của người Hoa bị cấm hoạt động. Hai đợt đổi tiền (1975, 1978), bề mặt là kiểm soát lượng tiền tệ, nhưng mục tiêu lột sạch của cải của nhân dân miền Nam, trong đó người Việt gốc Hoa là nạn nhân chính. Song song đó là chính sách “cải tạo công thuơng nghiệp”, toàn bộ tài sản của dân miền Nam, dĩ nhiên bao gồm người có gốc Hoa, ruộng đất, vườn tược hoàn toàn bị tước đoạt.
Năm 1976, nhân việc tổ chức bầu cử toàn quốc, những người Việt gốc Hoa ở miền Nam bị buộc khai quốc tịch. Việc này quan hệ đến đại đa số dân Hoa sống tại đây. Từ thập niên 50 họ đã có quốc tịch Việt Nam, một phần do chính sách ép buộc của VNCH đã nói trên. Như thế người Hoa bị hai mất mát lớn: vừa mất quốc tịch vừa mất tài sản.
Trong khi đó chính phủ Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã có cam kết với Bắc Kinh về tình trạng của người Hoa sau chiến tranh. Ngày 24 tháng 5 năm 1965, mặc dầu còn đang chiến tranh, MTGPMN công bố một lá thư nhằm gởi đến Hoa kiều đang ở miền Nam, nội dung cho biết những người này có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình.
Năm 1968, việc này được Chính phủ MTGPMN nhắc lại và Bắc Kinh tiếp nhận sự việc này. Như thế đây là một lời cam kết giữa hai chính phủ. Nhưng MTGPMN đã bị âm thầm “xóa sổ”, không kèn không trống, một số nhân vật của tổ chức này vượt biên ra sống ở hải ngoại, một số được CSVN sử dụng, nhưng số rất lớn khác vẫn còn ngậm đắng nuốt cay cho đến ngày hôm nay.
Trở lại vấn đề “tội ác diệt chủng”. Hàng trăm ngàn người Việt đã chết trên biển cả. Trong số này có những người Việt gốc Hoa. Ta có thể nói rằng đảng CSVN là nguyên nhân của “khủng hoảng nhân đạo” năm 1978-1979, đồng thời là thủ phạm vụ “diệt chủng” này.
Đáng tiếc là TQ đã không lên tiếng, đã đành, vì TQ cũng có những chủ trương tương tự với VN. Nhưng sự im lặng của Đài Loan về thảm trạng “nạn kiều” là không đúng cách. Những nạn nhân này có quốc tịch VN, nhưng một số đông đảo có “gốc Hoa”.
Đài Loan hay TQ lý ra phải yêu sách VN, như là điều kiện bang giao, phải trả lại của cải, nhà cửa, ruộng đất… cho tất cả những người này, đồng thời phải đền bồi xứng đáng cho họ.
Trên phương diện Luật quốc tế về nhân đạo, CSVN cũng đã phạm nhiều tội trạng. Việc “xóa trắng” văn hóa VNCH cũng là một “tội ác”.
4/ Lời tạm kết:
Vấn đề cốt lõi trong chiến tranh, lạnh hay nóng, đối với một quốc gia nhược tiểu là sự “chọn phe”. Sự quan trọng “chiến lược” của hành vi chọn phe trước một cuộc chiến, đã nói trên, có thể quyết định số phận “giàu sang hay hèn kém” của cả một dân tộc, cũng như quyết định một quốc gia “độc lập tự chủ” hay “lệ thuộc”.
Ta thấy nước Mỹ dưới thời TT Trump có khuynh hướng theo “chủ nghĩa biệt lập”. TT Trump cho thấy là không tha thiết với NATO. Nếu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine xảy ra dưới thời Trump, ta khó có thể tiên đoán được rằng Mỹ có tham gia bảo vệ thành viên hay không.
TT Trump và các lãnh đạo đại cường khác như Tập Cận Bình, Putin… có cái nhìn khác nhau về “trật tự thế giới cũ”.
TT Trump muốn chấm dứt “kinh tế toàn cầu”, dẹp bỏ LHQ, dẹp bỏ tất cả các tổ chức thuộc LHQ về văn hóa, về y tế, về lương thực... quốc tế. Đơn giản vì các tổ chức này thường có các quyết định “đi ngược lại lợi ích của Mỹ”.
Tập Cận Bình thì ra sức bảo vệ “kinh tế toàn cầu” cũng như các định chế LHQ. Bởi vì TQ đã sử dụng nhiều biện pháp “bá đạo” để đưa người kiểm soát hầu hết các định chế quốc tế. Nhưng tại Biển Đông thì TQ thách thức “trật tự quốc tế theo luật lệ”, qua thái độ bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế (phán quyết của Tòa quốc tế có giá trị qui chiếu như là luật).
Putin với tham vọng “phục hồi đế quốc Nga”, vì vậy luôn nắm lấy cơ hội để “tạo sự đã rồi”, có lợi cho Nga.
Nhưng TT Biden đã thắng cử. Chính trị nước Mỹ thay đổi nhiều so với thời Trump. Cuộc chiến Ukraine cho thấy TT Biden có quyết tâm bảo vệ NATO. Nước Mỹ có thể “dấn thân” bảo vệ các quốc gia thành viên.
Cuộc chiến Ukraine, Mỹ và châu Âu thẳng tay trừng phạt Nga. Việc này kéo dài có thể kéo theo TQ vào chung số phận với Nga. Chiến tranh Ukraine chấm dứt cách nào thì “kinh tế toàn cầu” cũng sẽ phải kết liễu.
Câu hỏi đặt ra, VN có “chọn phe” để theo hay không ?
Tự thân các chế độ “độc tài tư bản nhà nước” chỉ có thể phát triển được nhờ sự phồn thịnh và năng động của các quốc gia dân chủ tự do gồm Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á.
Sự “trừng phạt kinh tế” của Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á lên các chế độ “độc tài - tư bản nhà nước” đồng nghĩa với việc “cắt đứt đường dưỡng khí” của các chế độ độc tài này.
Lựa chọn “không theo phe” của VN hiện nay là đảng CSVN muốn “giữ nguyên trạng”. VN lệ thuộc vào TQ từ kinh tế, ý thức hệ chính trị cho tới mô hình phát triển. Về quốc phòng, chính sách 4 không của VN, như đã nói trên, là “nội dung mật ước Thành đô 1990”.
Putin “thí” quân vài chục ngàn người Nga chỉ để có được một cam kết từ Ukraine, khiêm nhượng hơn các yêu sách của TQ đối với VN mà chưa được.
Giữ nguyên trạng tức là VN khẳng định vị trí “chư hầu” đối với “thiên triều” mà điều này chưa chắc nhân dân VN đã đồng thuận.

PUTIN CÓ NGU KHÔNG ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 3-4-2022


Có bạn bảo, mình viết Putin tổng thống Nga, một kẻ ngu ngốc, thế là bị những người cuồng Putin vào chửi te tua: “Mày mới là thằng ngu"; “Mày ếch ngồi đáy giếng, biết gì mà đòi phán xét Putin"! “Cả họ nhà mày ngu"!...
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng tin rằng Putin là người vĩ đại, sáng suốt, chỉ có tổng thống Ukraine Zelensky mới ngu: “Nó không hiểu lịch sử… Chống Nga là thất bại… Một thằng hề 43 tuổi làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được"... Nghĩa là Vladimir Putin không thể ngu, hơn thế, còn cực kỳ anh minh, vĩ đại…
1. NGU LÀ GÌ?
Thực ra nhìn vào lịch sử, hầu hết những vua chúa, những nhà độc tài, dù khởi đầu sự nghiệp rất thông minh, tài trí, nhưng cuối đời lại thường u mê, nghe kẻ nịnh thần, giết hại các trung thần và làm nhiều điều ngu muội.
1.1. Phật học gọi những hành động ngu muội là VÔ MINH
“Trong Phật giáo, vô minh mang ý nghĩa của sự lầm lẫn, thiếu sáng suốt, tức là không nhìn thấy bản chất của mọi vật thể, tức phương thức hiện hữu đích thật của con người và mọi hiện tượng.
Vô minh chính là điều rất khủng khiếp hơn cả ác nhân và tiểu nhân. Nó khiến người ta không nhận ra được sai lầm, thậm chí tin rằng mình là đúng, không nghe lời khuyên nhủ của người khác, mà làm theo vọng tưởng của mình”...
Vô minh không phải là một sự thiếu hiểu biết, mà là một sự hiểu biết sai lạc và lầm lẫn. Sự hiểu biết sai lạc hay vô minh chính là nguồn gốc gây ra khổ đau…
Không thấy không biết nhân quả là vô minh.
Nhân quả là nguyên lý chi phối thế giới này. Không có gì sinh ra và mất đi mà không thông qua nguyên lý ấy. Hiện tại xảy ra bao điều bất ổn trong xã hội là do con người lầm nhân lộn quả…. Tức lên là giết, thích là giết, muốn là giết, bất kể hậu quả như thế nào. Từ cái nhân ấy mà có cái quả nạn tai, đánh giết thương tâm tiếp theo. Cứ thế mà trả vay xoay vần từ kiếp này sang kiếp khác.
Khổ nạn đều từ việc không thấy, không biết nhân quả đang chi phối thế giới này …(1)
1.2. Khoa học nói về sự ngu ngốc
Nhà khoa học Albert Einstein đã từng phát biểu: “Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe”. (Tạm dịch: Có hai thứ là không có giới hạn, đó là vũ trụ và sự ngu ngốc của con người; và tôi không chắc lắm về cái vế đầu tiên).
Theo tiến sĩ Balazs Aczel thuộc ĐH Cambridge (Anh), không có bộ môn nào nghiên cứu về mức độ "ngu ngốc" của con người. Theo ông, một hành động được coi là ngu ngốc hay không đến từ hiệu ứng dây chuyền.
Cụ thể, Aczel cho rằng nếu có một người gọi hành động này là "ngu ngốc" và nhận được sự ủng hộ của nhiều người xung quanh và đó chính là cơ sở hình thành một hành vi được coi là "ngu ngốc".
Kết quả cho thấy lý do để đánh giá sự ngu ngốc rất đa dạng, nhưng được chia làm 3 loại chính.
Loại thứ nhất là loại “thừa tự tin”: những người ở loại này luôn nhiệt tình lấn vào những sự kiện có rủi ro cao, nhưng lại không có những kỹ năng cần thiết để vượt qua.
Loại hai là những người "kém kiềm chế": họ biết mình không nên làm việc ngốc nghếch nhưng không đủ mạnh mẽ để kiềm chế bản thân.
Và cuối cùng - cũng là loại "nặng nhất" - được gọi là “mất trí”: những người ở loại này sẽ bất chấp mọi rủi ro để đâm đầu vào rắc rối.
Phải chăng người kém thông minh thì sẽ làm nhiều chuyện có phần ngớ ngẩn, rồ dại hơn? Không hề. Aczel cho biết, sự ngu ngốc không có liên hệ gì với sự thông minh - tức một người có chỉ số IQ cực cao cỡ... Einstein cũng sẽ có nhiều lúc làm những điều ngớ ngẩn. (2)
Ảnh: Putin bắt tay Tập Cận Bình ở Moscow năm 2019. Nguồn: Tân Hoa Xã
2. NGU DO ĐÂU?
Theo Phật học mà xét, ngu - vô minh do nhiều thứ, nhưng căn bản là do THAM, SÂN, SI, NGÃ CHẤP mà ra. Tham quá hoá ngu, giận quá mất khôn, si mê quá thành mù quáng. Ngã chấp sinh ra ngã ái, ngã mạn, ngã si, ngã tướng; cái “TÔI" quá lớn sinh ra ngạo mạn, hoang tưởng, vĩ cuồng, khiến có những hành động ảo vọng, ngông cuồng, bất chấp tất cả…
Người ta cũng nói đến VÔ MINH TẬP THỂ, nghĩa là khi một thủ lĩnh vô minh dẫn dắt thì rất đông người tin theo; thủ lĩnh vô minh thì gây hiệu ứng cả đám đông người hùa theo dẫn đến hành động “vô minh tập thể", không thấy không biết nhân quả đang chi phối thế giới này…
Những nghiên cứu của Balazs Aczel thì cho rằng những hành động ngu ngốc chủ yếu do: “thừa tự tin”, "kém kiềm chế" và “mất trí". Nguy hiểm nhất là “mất trí". Khi hành động ngu ngốc được nhiều người hưởng ứng, mong đợi thì nó càng được kích hoạt và quyết đoán.
3. PUTIN CÓ NGU KHÔNG?
3.1. Putin vô minh vì “Ngã chấp", thổi phồng “Cái TÔI"
“Ngã chấp” sinh ra “ngã ái", “ngã mạn", “ngã si", “ngã tướng" đều thể hiện ở Putin. Ông ta yêu bản thân đến mức thích khoe khoang hình thể đầy cơ bắp ở mọi nơi: cởi trần cưỡi ngựa, câu cá, cầm súng, tắm nước lạnh…; ông ta thích xây dựng hình ảnh như một siêu nhân: cưỡi ngựa, bắn súng, đấu võ, lái mô tô, tàu thuỷ, máy bay… Những hình ảnh “khoe cơ bắp" của Putin được đông đảo fan hâm mộ truyền bá, ngưỡng mộ.
Từ chỗ tự sùng bái bản thân, ngạo mạn, vĩ cuồng, Putin tưởng mình là “siêu nhân", từ đó mê say sự tâng bốc, tiêu diệt những người đối lập, phản biện “nói xấu" mình; tập hợp xung quanh những kẻ xu nịnh, ngày càng xa rời thực tế, dẫn đến hàng loạt những suy nghĩ, tưởng tượng, hành động sai lầm, rồi từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác, nhất là say mê với “hành động cơ bắp", sùng bái bạo lực để giải quyết mọi vấn đề…
3.2. Vô minh dẫn đến tham quyền lực vô độ
Putin tham quyền lực đến mức làm tổng thống hết 2 nhiệm kỳ 2000- 2010, xoay sang làm thủ tướng một nhiệm kỳ (2010 - 2015) rồi lại tiếp tục làm tổng thống 2 nhiệm kỳ (2015 - 2025), nghĩa là ông đã 20 năm làm tổng thống và 5 năm làm thủ tướng (nhưng thực quyền như tổng thống). Vậy mà tháng 3/2020 ông ta lại “ký luật về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga… Những sửa đổi cho phép Tổng thống đương nhiệm tái tranh cử vào vị trí này trong năm 2024” (3).
Như vậy Putin tin rằng ông sẽ làm tiếp tổng thống cho đến năm 2035. khi ngoài 80 tuổi. Ngoài ông ra, hơn 140 triệu người Nga không ai có thể làm Tổng thống được (?). Ngạo mạn và tham quá hoá ngu đúng với trường hợp Putin.
3.3. Vô minh chọn thể chế sai lầm cho nước Nga
Trong khi các nước thoát khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa vào năm 1990, chọn con đường dân chủ hoá, hội nhập vào văn minh Châu Âu và thế giới đều phát triển lành mạnh, xã hội văn minh, người dân được tự do, hạnh phúc hơn, thì Putin lại đưa nước Nga vào chế độ độc tài, chuyên chế phản dân chủ, tự do. Có người nói, Putin còn độc tài hơn chế độ XHCN thời Liên Xô, vì lúc đó còn có Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng CSLX, nay thì mình Putin và một bộ sậu do Putin chọn lựa, quyết định tất cả.
Nhà văn Nga Dmitry Glukhovsky trong bài báo “Đây không phải cuộc chiến của chúng ta" (3/2022) đã vạch trần thói độc đoán, chuyên quyền của Putin: “Suốt một tiếng đồng hồ, thông qua tất cả các kênh, ông ta giải thích cho mọi người hiểu lý do tại sao chiến tranh là cần thiết: rằng Ukraine chẳng phải là một quốc gia, rằng về nguyên tắc Ukraine không đáng được tồn tại…”. Rồi sáng 24/2 ra lệnh cho quân tràn vào Ukraine và trên các kênh truyền hình còn vui đùa rằng, sẽ chiếm được Kiev vào giờ ăn tối… Mấy ngày sau đó Putin mới họp Hội đồng An ninh Liên Bang và Viện Duma quốc gia để thông báo, coi như chuyện đã rồi và tất cả phải “diễn" đồng ý. Như thế thắng lợi thì mình Putin hưởng, còn thất bại thì tất cả phải cùng chịu trách nhiệm…(4)
Putin đã xây dựng một nước Nga với chế độ độc tài, chuyên chế, xa lánh và thù ghét các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của Châu Âu và thế giới văn minh. Putin đã thiết lập một hệ thống “cảnh sát tư tưởng" để kiểm duyệt, bỏ tù đến 15 năm những người “có tư tưởng phản động"; Putin còn thủ tiêu nhiều nhà báo dám nói sự thật và nhiều nhà bất đồng chính kiến.
Nhiều người nói, lý do căn bản mà Putin đánh Ukraine là do tâm lý lo sợ, muốn xóa sổ một mô hình tự do, dân chủ, tồn tại ngay trước mắt nước Nga; đó là sự đe dọa nguy hiểm đối với chế độ độc tài chuyên chế của Putin mà ông ta đã dày công xây dựng và mong muốn tiếp tục duy trì đến 2035, rồi đi vào lịch sử, trường tồn “muôn năm"...
Người ta lo sợ, một cuộc thanh trừng đẫm máu có thể xảy ra khi Putin “thanh lọc xã hội", loại bỏ “những phần tử cặn bã", “phản bội" sau cuộc chiến Ukraine, giống như Stalin đã giết hại, tù đày không thương tiếc những “kẻ chống đối" năm 1937 - 1939, khiến hàng chục triệu người chết (5)
Nước Nga rộng lớn, giàu tài nguyên, có tiềm lực khoa học lớn, có vũ khí nguyên tử và quân đội hùng mạnh… Nếu sau 1990, Nga phát triển theo con đường Dân chủ, hội nhập với Châu Âu, chung sống tin cậy với các nước chung quanh, thì Nga đã là chỗ dựa bảo vệ hoà bình của châu Âu…Nhưng tiếc thay, Putin lại đưa nước Nga trở về thời Liên Xô.
3.4. Vô minh cuồng vọng muốn khôi phục lại “đế chế Nga"/ Liên xô
Nhiều người nói, Mỹ và Châu Âu đã lầm tưởng, lôi kéo, thuyết phục được Putin hoà nhập vào với thế giới Âu- Mỹ để chỉ còn lo đối phó với Trung cộng, nhưng họ đã hoàn toàn thất vọng. Putin trong bản chất luôn thù ghét Châu Âu - Mỹ và chỉ muốn khôi phục đế chế Nga/Liên xô. Vì vậy Putin đã tìm mọi cách để khống chế các nước thuộc Liên xô cũ trở thành chư hầu của Nga. Putin đã tự ý giải thích lịch sử, vẽ ra lãnh thổ nước Nga theo ý muốn chủ quan, bất chấp thực tế, thậm chí còn thốt ra lời rằng: “Biên giới của Nga không bao giờ kết thúc”! (6)
Cùng tư tưởng với Putin, người thân cận của ông ta là Phó chủ tịch Quốc hội Nga, Oleg Matviejczjev, đã nói: Sau khi "việc phi quân sự hóa Ukraine" hoàn thành, Nga sẽ "nói chuyện" với người Mỹ. Mỹ phải trả lại Alaska, mà Nga đã bán cho người Mỹ vào năm 1867, cũng như trả lại khu định cư cũ của Nga ở Fort Ross, California. (Chính trị gia này nói trên truyền hình Nga, Fox News sau đó đưa tin). (7)
Đó thực sự là loại tư duy bệnh hoạn, một tham vọng quá lỗi thời, đi ngược với xu hướng văn minh thế kỷ XXI.
Nhà sử học Simon Sebag Montefiore (sinh năm 1965 tại London) là một trong những tác giả hàng đầu về lịch sử Nga. Các cuốn sách của ông, trong đó có hai cuốn tiểu sử về cuộc đời của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin, đã được dịch ra 35 thứ tiếng và nhận được nhiều giải thưởng. Ông cho rằng: “Putin bị huyễn hoặc bởi vị trí của ông ta trong lịch sử“. “Putin, một sĩ quan KGB, vừa là người thừa kế vừa là người tạo ra các cấu trúc thời Stalin”... “Putin ở trong Điện Kremlin, trong văn phòng nơi Stalin từng ngự trị. Chỉ trong vài tuần, ông đã biến nước Nga độc tài thành một quốc gia chuyên chế”. Nhà sử học Montefiore giải thích những phương pháp của chủ nghĩa Stalin mà Putin đang sử dụng, giống về bản chất, nhưng tinh vi hơn mà thôi.
Putin mãi đi cướp đất để làm gì, trong khi nước Nga có diện tích hơn 17 triệu km2, lớn nhất thế giới, với dân số chỉ hơn 140 triệu người, lại không lo mà gìn giữ, khai thác để làm cho nước Nga giàu có văn minh?
3.5. Vô minh không biết, không thấy Nhân - Quả trong cuộc chiến xâm lược Ukraine
Sáng ngày 24/2/2022, Putin ra lệnh xâm lược Ukraine mà Putin gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt" chỉ mình Putin và nhóm tay chân thân cận quyết định; Putin với thói ngạo mạn, chủ quan, không hiểu thực tế, đã xác định mục tiêu chiếm Kiev trong vòng 48 hay 72 giờ, bắt sống hoặc giết Tổng thống Zelensky, lật đổ chính phủ của Ukraine, lập chính quyền thân Nga; Putin tin rằng quân Nga tiến vào thì quân đội Ukraine sẽ hạ vũ khí đầu hàng, nhân dân sẽ phấn khởi đem hoa và bánh mì ra đón mừng “quân giải phóng" Nga…
Nhà nghiên cứu Timothy Snyder nhận xét: “Mục tiêu của cuộc xâm lược này là chiếm Kyiv, bắt sống hoặc giết Tổng thống Volodymyr Zelensky, thủ tiêu chính phủ và bóp chết mọi hy vọng về một xã hội dân sự ở nước này”. (9)
Putin không thể hình dung trước được sức mạnh phi thường của quân dân Ukraine đoàn kết một lòng, quyết giữ quê hương đất nước, quyết bảo vệ độc lập, tự do mà họ đã giành được từ sau khi Liên xô tan rã…Đặc biệt Putin không ngờ “thằng hề" hơn 40 tuổi được dân bầu làm Tổng thống đã không chạy trốn, mà tấm gương của anh ta lại tác động đến nhân dân Ukraine và thế giới mạnh mẽ vô cùng…
Putin không ngờ rằng NATO và các nước châu u vốn “nhút nhát và chia rẽ”, nay lại đoàn kết, quyết tâm giúp Ukraine và chống Nga quyết liệt đến như vậy…
Putin không ngờ rằng tại Đại Hội đồng LHQ 141 nước bỏ phiếu chống Nga xâm lược, chỉ có 5 nước “cỏn con" ủng hộ, còn lại là phiếu trắng; đau nhất là Trung quốc bỏ phiếu trắng, mặc dù trước đó không lâu mới ký với nhau hiệp ước nâng hợp tác chiến lược giữa hai nước lên mức “không giới hạn"!
Putin không hình dung được lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước lại mau lẹ, nhất quán, triệt để, mạnh mẽ và tác động xấu đến kinh tế, xã hội Nga ghê gớm như vậy…
Putin không ngờ được, đã tuyên truyền dối trá, che đậy sự thật mà dân Nga lại vẫn biểu tình phản đối dữ dội và hàng trăm ngàn người Nga đã bỏ nước ra đi…”Theo thống kê từ Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga, có khoảng 50.000 đến 70.000 chuyên gia CNTT Nga đã rời khỏi đất nước trong những tuần gần đây bởi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh tại quốc gia này”.(10)
Putin không ngờ nhiều tướng Nga “kém cỏi", chết mất 6 tướng và phải cách chức đến 8 tướng; không ngờ quân đội Nga và vũ khí Nga tồi tệ như vậy, bị huỷ diệt khủng khiếp chưa từng thấy trước quân Ukraine nhỏ bé hơn hàng chục lần…
Putin tưởng rằng cuộc tiến đánh Ukraine sẽ đem vinh quang cho ông ta như Đại đế và biểu dương sức mạnh quân sự của Nga trước thế giới, nâng tầm vóc siêu cường của Nga lên tầm cao mới…Nhưng tất cả mưu đồ của Putin đều ngược lại với toan tính, ảo vọng của ông ta.
Vô minh không biết, không thấy nhân - quả, khiến cuộc xâm lược Ukraine đã ghi tội ác tày trời của Putin; đưa nước Nga thành “kẻ thù truyền kiếp" với Ukraine và người Nga thành đối tượng bị phán xét trước nhân loại; nước Nga sẽ bị tụt hậu và cô lập trước thế giới văn minh…
Nhưng điều vô minh lớn nhất của Putin có lẽ như Timothy Snyder, nhà nghiên cứu lịch sử tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, một chuyên gia về chủ nghĩa toàn trị, nói về những thất bại của Vladimir Putin: “Cuộc chiến chống Ukraine không chỉ làm mờ mắt tổng thống Nga về lịch sử. Về địa chính trị, ông ta cũng mất hết tầm nhìn… Thực chất Putin đã trao đất nước của ông ta cho Trung Quốc“ (9)
Khi Putin xuất hiện là nhà lãnh đạo nước Nha mới, biết bao người đã đặt niềm tin và hy vọng vào ông. Nhưng sự vô minh ngày càng trầm trọng đến như vậy thì liệu V. Putin có ngu không? Và tất cả những điều vô minh của Putin đều đưa nước Nga đến lầm đường lạc lối, tụt hậu, đau khổ và gây ra biết bao tội ác. Vậy thì những gì cho thấy, có thể nói: Putin ĐẠI NGU, ĐẠI ÁC!
_______
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét