Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

20220417. KẾT LUẬN SỐ 12 CỦA BCT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THÔNG BÁO

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Kèm theo Công văn số 1949-CV/BNCTW, ngày 12/4/2022 của Ban Nội chính Trung ương)

-----

Ngày 06/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, căn cứ báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (viết tắt là Kết luận 10), Bộ Chính trị kết luận như sau:

1. Năm năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 10, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên; từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.

2. Để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

2.1. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

2.2. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt. Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,…; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

2.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

2.4. Tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công,... Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức, đơn giá xây dựng và các lĩnh vực khác phù hợp với thực tiễn; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, cải cách hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

2.5. Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

2.6. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp với hoạt động đặc thù của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan này. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận này.


'LÒ' TIẾP TỤC NÓNG VÀ SỰ NGHIÊM MINH VỚI CÁC VỤ THAM NHŨNG TIÊU CỰC

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/VNN 13-4-2022

Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Kết luận nêu trên căn cứ từ báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10).

Theo Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 10, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên; từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. 


Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo

Nhìn từ thực tế, sự nghiêm minh được thể hiện trong từng vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ngay như vụ Việt Á, từ cuối năm 2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra thông cáo về chủ trương chỉ đạo xử lý đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

Theo đó, để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tiếp sau đó là sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ… Đến nay, vụ án đang dần được làm sáng tỏ với những tổ chức, cá nhân có vi phạm, có liên quan.

Những kết quả như trên được dư luận đồng tình, người dân ủng hộ, tuy nhiên, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị vẫn thẳng thắn chỉ rõ, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cụ thể, cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.

Và trong những vi phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới đây, những xử lý nghiêm minh, kịp thời đã được thực hiện. Tiếp đến là quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm minh các hành vi thao túng. Một loạt những dấu hiệu vi phạm thao túng thị trường chứng khoán cũng như dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư đã được điểm tên, những cá nhân liên quan đã bị bắt giữ để điều tra.

Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ Chính trị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

Và với thông điệp rất rõ, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, nói như người dân ví, “lò” vẫn tiếp tục nóng. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý vốn và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công. Từ đó, nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá cho phù hợp với thực tiễn. 

Trong cuộc chiến này, vai trò của quần chúng nhân dân được đề cao. Nhân dân không chỉ là người giám sát, kiểm tra mà còn là tai mắt phát hiện tham nhũng. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Đặc biệt, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghiêm túc thực hiện Kết luận số 12 càng củng cố niềm tin của nhân dân và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ đạt được thêm những thành quả mới.

Nguyễn Đăng Tấn

CHẶT MÓC NGOẶC ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG MẠNH MẼ HƠN

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/VNN 16-4-2022

Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa ban hành có nhiều điểm mới cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn.

Trong nhiều nội dung mới đó có nội dung về mở rộng phạm vi.  Đó là không chỉ chống tham nhũng trong cơ quan nhà nước mà cả ở lĩnh vực tư.

Từ lâu dư luận đã lên tiếng về sự móc ngoặc giữa một bộ phận quan chức với tư nhân. Nhiều vụ án thể hiện rất rõ điều này. Cụ thể, những người có thẩm quyền giành những dự án béo bở cho những công ty anh em họ hàng, bà con thân thiết hay cánh hẩu của mình. Vụ án xét xử ông Nguyễn Đức Chung, ông Tất Thành Cang… là điển hình của sự móc ngoặc này.

Có nhiều kiểu tham nhũng tinh vi, kín đáo hơn rất khó phát hiện. Chỉ có thể nhìn vào sự thất thoát tiền của của nhà nước mới đánh giá được. Tham nhũng kiểu này là hình thức phổ biến hiện nay. Một loạt các vụ án chuyển nhượng nhà đất công  sang khu vực tư nhân thời gian qua đã xét xử, đủ thấy nó tinh vi và phức tạp thế nào.


Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM từng bị đưa ra xét xử do dính líu tới vụ 'bán rẻ' đất công cho doanh nghiệp

Không một ai nhận tội tham nhũng, không một ai thừa nhận tham nhũng, có khi ra toà còn kêu oan. Nhưng luật pháp ngày một chặt chẽ, quy định ngày một rõ ràng và những con số thất thoát của nhà nước là lời kết tội đanh thép nhất.

Rõ ràng tham nhũng nếu chỉ riêng cán bộ nhà nước thì chưa thực hiện nổi mà vế “bên kia” cũng không kém quan trọng. Vì thế, việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng ra sân sau, chân rết của nó và những đối tượng ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết. 

Không chỉ dư luận xã hội mà ngay cả các cơ quan chức năng đã nêu vấn đề ai đứng sau để các ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu? 

Hay vụ Việt Á, một mình Phan Quốc Việt không thể tự tung, tự tác nổi và bàn tay nào đã đạo diễn kịch bản hoàn hảo từ nghiên cứu, công nhận, chuyển giao, đưa ra thị trường hiện đang được làm rõ. 

Chống tham nhũng không chỉ ở phạm vi nhà nước, không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực công mà phải mở ra cả lĩnh vực tư. Hiện tượng tiêu biểu nhất minh chứng cho việc này là đa số các đại gia lại giàu lên từ đất. 

Trong Kết luận 12 mà Bộ Chính trị vừa ban hành đã nêu rõ vấn đề này, đó là chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, chuyển nhượng, trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu… Việc không minh bạch trong chuyển nhượng đất đai, trong định giá là kẽ hở cho những sự móc ngoặc. Vì vậy mới có chuyện chạy dự án, chạy để được chỉ định thầu...Chỉ cần một sự "liên kết" như vậy mà nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ.

Ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) khi nói về mở rộng chống tham nhũng theo Kết luận 12 cho rằng,  việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Tham nhũng, lãng phí không chỉ xảy ra trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đối với khu vực ngoài nhà nước, dù chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể, nhưng tham nhũng ở khu vực này cũng là vấn đề rất nhức nhối, cần đặc biệt quan tâm, ngăn chặn trong thời gian tới.

Mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng, bịt những lỗ hổng  tạo điều kiện cho móc ngoặc giữa cán bộ có chức có quyền với "sân sau" là đưa công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng sang bước ngoặt mới. Sự công khai minh bạch chính là công cụ, là phương thuốc để phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nhất.

Nguyễn Đăng Tấn


CHỐNG THAM NHŨNG: NÃ ĐẠN VÀO NHỮNG LÔ CỐT TƯỞNG KHÔNG THỂ PHÁ VỠ

VÂN THIÊNG/VNN 15-4-2022

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước thêm một lần nữa kỳ vọng vào tinh thần quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh cam go để làm trong sạch bộ máy, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng cầm quyền.

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận được ban hành căn cứ trên kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa 12 (viết tắt là Kết luận 10).


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 1/2022. Ảnh: TTXVN

Không có ngoại lệ

Kết luận 10 được ban hành trong bối cảnh một số vụ án tham nhũng với những cái tên cụ thể đã được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng điểm danh. Đại án Hà Văn Thắm thao túng ngân hàng OceanBank, kéo theo một loạt lãnh đạo tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vướng vào lao lý vì tham nhũng.

Đặc biệt, với việc khởi tố Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã chính thức nã đạn vào những lô cốt tưởng chừng không thể phá vỡ.

Bởi xã hội cũng lờ mờ hiểu rằng đã có những thế lực ngầm, đã có những cái bắt tay cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc, một tay che cả bầu trời, lợi dụng chủ trương luân chuyển, trẻ hóa cán bộ của Đảng để đưa người thân, phe nhóm, cánh hẩu của mình vào bộ máy lãnh đạo, hòng hậu thuẫn cho kế hoạch thâu tóm quyền lực, lợi ích, lũng đoạn công tác cán bộ của Đảng. 

Việc ban hành Kết luận số 10 tháng 12/2016 của Bộ Chính trị khóa 12 với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong suốt 5 năm qua. Từ vụ án Trịnh Xuân Thanh, những cú bắt tay quyền lực trong bóng tối đã dần dần được bóc tách với những sai phạm tiền tỉ, tiền tấn được phơi bày. Nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị quản lý lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố hình sự như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng... Điều này cho thấy tinh thần đấu tranh của Đảng đối  với tệ nạn tham nhũng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.   

Đã tham nhũng thì chỉ tham nhũng của công. Mà của công là của dân của nước. Dù là ai, cũng phải trả giá. Không có chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”; không phải hễ cứ có chức có quyền là được làm “chuyến tàu vét”, rồi “hạ cánh an toàn”.

87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 12, trong đó hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Đó là những con số rất đau lòng, nhưng cũng là điều mà hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã ghi nhận và đánh giá cao đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Văn hóa không tham nhũng

Tuy nhiên, với Kết luận 12 lần này, Bộ Chính trị cũng thừa nhận “một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao”.

Bởi dù đã qua một nhiệm kỳ đấu tranh quyết liệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn chưa giảm. Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ 13, đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong số đó có 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo. Trong khi đó, vụ Việt Á và nhiều vụ án lớn khác vẫn chưa kết thúc điều tra, e rằng, danh sách những cán bộ tiêu cực ở các bộ, ngành, địa phương liên quan vẫn chưa khép lại.

Dẫu biết rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để làm trong sạch nội bộ là chuyện thường xuyên, lâu dài, nhưng cứ mỗi tháng một lần, nghe thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương với nhiều cái tên cán bộ bị kỷ luật, bị khai trừ ra khỏi Đảng, chúng ta không khỏi xót xa trước tình trạng tha hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Đất đai, tiền bạc vẫn là những viên đạn bọc đường hạ gục nhiều cán bộ lãnh đạo. 

Nhìn những quan chức đầu tỉnh “nói có người nghe, đe có người sợ” ngày nào, giờ phải đứng trước vành móng ngựa, nói lời ăn năn, hối lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt… mà đau lòng. Nhìn những thiếu tướng, trung tướng, những người hùng trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm oai phong lẫm liệt một thời, giờ lại phải ngã quỵ ngay dưới chân mình vì bị vật chất cám dỗ, chúng ta ai cũng thấy tiếc!

Ngẫm lại, một khi văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa trở thành lối sống, cách làm người ở một bộ phận cán bộ có chức có quyền; Một khi cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập thì tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn chưa thể ngăn chặn; Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp vẫn còn xảy ra, gây bức xúc dư luận.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; nêu  cao tinh thần trách nhiệm; cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Biết trọng liêm sỉ, danh dự để không sa ngã trước những cám dỗ tầm thường.

Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; Có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan phòng chống tham nhũng. 

Đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục, không vùng cấm, không ngoại lệ. Trong cuộc chiến đầy cam go ấy, việc đề cao bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, lối sống, “văn hóa không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” là một yêu cầu tự thân, để chúng ta có cán bộ kiên trung; bộ máy chiến đấu  đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng lãng phí, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Vân Thiêng

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KV NGOÀI NHÀ NƯỚC: LOẠI BỎ 'SÂN SAU', CHỦ NGHĨA THÂN HỮU

PHẠM MINH/ GDVN 16-4-2022

GDVN- Gần đây, chúng ta đã mở rộng được các đối tượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần cảnh báo, ngăn chặn những nguy cơ sai phạm trong tương lai.

Thời gian qua, những vụ việc liên quan đến các sai phạm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đưa ra ánh sáng đã thu hút sự quan tâm của dư luận, tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng của Đảng ta.

Ngày 06/4, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng”.

Có thể thấy, tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, cần xử lý nghiêm minh, hướng tới việc xây dựng, phát triển nền kinh tế lành mạnh, bền vững.

Dẹp bỏ “sân sau”, chặn đứng chủ nghĩa thân hữu

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói rằng, thời gian gần đây, chúng ta đã có những sự chuyển biến trong nhận thức, văn bản pháp lý cũng như trong chỉ đạo hành động về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước nói riêng.

Đó cũng là cơ sở để chúng ta đưa ra ánh sáng một loạt vụ việc với những sai phạm của những tập đoàn, công ty lớn.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói rằng, thời gian gần đây, chúng ta đã có những sự chuyển biến về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước nói riêng. (Ảnh: Doanhnghiepvn.vn)

“Chúng ta đã mở rộng được các đối tượng trong đấu tranh chống tham nhũng cũng như khắc phục được những hậu quả do tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước gây ra.

Đồng thời, góp phần cảnh báo, ngăn chặn những nguy cơ sai phạm trong tương lai, ngay cả với trường hợp tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có sự cấu kết với cán bộ của khu vực Nhà nước.

Rõ ràng, đây là một hướng đi đúng, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Công cuộc chống tham nhũng ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… đã cho chúng ta những bài học về công tác chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định.

Theo ông Phong, tham nhũng dù ở lĩnh vực nào cũng gây thiệt hại cho xã hội, cụ thể là làm hao phí các nguồn lực công; làm giảm hiệu quả của những hoạt động đầu tư công hay những hoạt động quản lý Nhà nước; làm gây thất thu ngân sách Nhà nước và thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đặc biệt, tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước còn ảnh hưởng đến câu chuyện đầu tư, ảnh hưởng đến cả uy tín của Nhà nước.

Thậm chí, nó còn tạo ra sự nhiễu loạn nền kinh tế và gây cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh. Đặc biệt trong những vụ án bị khởi tố thời gian qua đã cho thấy có những “móc nối”, xuất hiện “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có sự cấu kết với cán bộ của khu vực Nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa thân hữu. Điều này thể hiện thông qua việc người nhà hay bạn bè, anh em quan chức mở công ty rồi đưa hợp đồng chỉ định thầu, đấu thầu hình thức, quyền của Nhà nước chuyển hóa thành quyền tư nhân.

Ở Việt Nam, còn xuất hiện tình trạng nhân danh sự liên kết, nhân danh góp vốn để tiếp tay cho những sai phạm.

Việc xử lý vấn đề “sân trước”, “sân sau” cần đối chiếu vào các văn bản luật để thực hiện.

Dựa vào Luật chống tham nhũng, Quy định những điều Đảng viên không được làm, Luật hình sự, Luật dân sự,… để xử lý.

Tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã gây ra sự nhiễu loạn nền kinh tế, đặc biệt còn ảnh hưởng đến câu chuyện đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, để nền kinh tế phát triển, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng, cần phải có sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, tiếp nhận những phản ánh, tố cáo của doanh nghiệp, của người dân và có sự tham gia giám sát của cộng đồng.

Với những sai phạm xảy ra, phải xử lý nghiêm những người đứng đầu, những người có liên quan và cả những cơ quan chủ quản quản lý doanh nghiệp đó.

Đồng thời, phải công khai, minh bạch thông tin trong công tác xử lý sai phạm, kịp thời công bố những kết quả xử lý để răn đe, không để những sai phạm tiếp diễn.

Coi trọng vai trò phản biện giám sát của báo chí, truyền thông

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, cần chú trọng, tăng cường phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là vấn đề tham nhũng có sự liên kết giữa khu vực công và tư.

Qua các vụ án của Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có thể thấy quy mô, mức độ nghiêm trọng của các vụ án tham nhũng khu vực tư là rất lớn, hành vi cấu kết giữa doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp với quan chức quản lý Nhà nước vô cùng tinh vi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Qdnd.vn)

“Nói thẳng, từ việc đấu thầu những dự án giao thông thủy lợi cũng có dấu hiệu tham nhũng, khi tôi về một địa phương, chính đơn vị thi công một đoạn đường đã thừa nhận họ phải chi trả một khoản phí lớn cho cơ quan cấp phép dự án.

Từ lĩnh vực y tế đến tài chính, chứng khoán, giao thông, đất đai,… vấn đề tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đang vô cùng nhức nhối.

Điều này cho thấy sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ thiếu bản lĩnh đã gây hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương, làm mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ công chức và doanh nhân.

Bên cạnh đó còn ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, thiếu công bằng trong cạnh tranh, đầu tư. Tham nhũng đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, uy tín và thương hiệu quốc gia”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương khẳng định.

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cũng nêu ra một số giải pháp để đẩy mạnh phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

Thứ nhất, về khía cạnh pháp luật, phải có những điều chỉnh, bổ sung, quy định chặt chẽ hơn đối với Luật phòng chống tham nhũng, đặc biệt cần quy định cụ thể hơn đối với phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

“Chúng ta chưa có một cơ quan chống tham nhũng khu vực tư đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này.

Ở Singapore, họ có cơ quan chuyên trách, cục phòng chống tham nhũng có quyền điều tra, thu thập chứng cứ, giám sát quan chức, doanh nghiệp và làm rất chặt công tác này.

Chúng ta cũng cần những quy định chặt chẽ để ngăn chặn sự cấu kết tham nhũng giữa khu vực tư và công, chủ nghĩa thân hữu, vấn đề lợi ích nhóm. Phải có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm”, ông Cương cho biết.

Thứ hai, cần xây dựng, phát triển, nâng cao và quản lý tốt văn hóa doanh nghiệp, thực hiện văn hóa phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề tham nhũng, thậm chí cần có bộ quy tắc ứng xử trong văn hóa doanh nghiệp, thực hiện đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Chúng ta đang xem nhẹ vấn đề này, cả khu vực tư và khu vực Nhà nước, cần đưa vào chế tài với những quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, cần nâng cấp văn hóa phòng chống tham nhũng thông qua phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông, tiếp thu những ý kiến phản biện, giám sát, phản ánh của cơ quan báo chí, đồng thời phải có cơ chế bảo vệ phóng viên, những người đưa các vụ việc sai phạm ra ánh sáng.

Thứ ba, phải phát huy cơ chế dân chủ trong công tác phòng chống tham nhũng.

Chúng ta có chủ trương ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng’ thế nhưng, thực tế, một dự án quy hoạch như thế nào, người dân cũng không nắm bắt được thông tin.

Để phát huy tinh thần dân chủ, cần công khai, minh bạch thông tin đến người dân, tiếp thu ý kiến giám sát, phản biện của người dân.

Thứ tư, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng chống tham nhũng cả khu vực ngoài Nhà nước và khu vực Nhà nước.

Cuối cùng, phải học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, của các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phòng chống tham nhũng.

Cần xem công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thực hiện các giải pháp mang tính tổng hợp từ góc độ luật pháp, văn hóa, đạo đức, chính trị .

Phạm Minh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét